PDA

Xem phiên bản đầy đủ : Cảm nhận HỒNG HẠNH



Hồng Hạnh
16-09-2011, 09:25 AM
(chép lại)


Cảm nhận khi đọc
CÁI THẰNG TÔI!
Của Hoàng Thị - Bài đăng trong topic “Bâng khuâng bao nỗi …!”

Lang thang trong vườn thơ Thi Hữu, tôi tình cờ nhặt được một bản liệt kê (xin viết tắt là BLK). Vâng đúng là một BLK thực sự, BLK thân phận một con người!

Mọi người sẽ bảo: BLK thì đơn điệu, khô khốc có gì hay mà đem khoe ở đây? Vâng, lời nhận xét ấy không sai với tính năng thông thường của BLK. Nhưng BLK mà tôi nhặt được lại ngộ lắm! Nó được viết ra từ một người từng “năm chìm bảy nổi chin lênh đênh” … Hiểu đời mà không hề mất đi sự dí dỏm trong tính cách. Dẫu gian khổ éo le vẫn bình tĩnh vượt qua… Chẳng biết có phải vì những điều ấy lôi cuốn tôi đọc rồi đem khoe cùng mọi người?

BLK đã kê ra những danh phận của một con người từ khi mới sanh cho đến lúc đã xế chiều. Mới chỉ đến lúc xế chiều của cuộc đời, có nghĩa là chỉ kê ra cái thật. Cái sau này, cái chưa biết thì đoán mò làm chi …

Từ khi vừa mới sanh ra
Người ta hớn hở gọi ta bằng “thằng”!

Sao mà tài thế. Chỉ hai chữ “hớn hở” thôi mà gợi được cả quãng đời tươi đẹp của con người. Cái ‘thằng” cu vừa sanh ra ấy chính là sự kết tinh của tình yêu đằm thắm, trong một tổ ấm chứa chan hạnh phúc. Người ta mong, người ta đợi, người ta lắng nghe hồi hộp theo dõi nó lớn dần trong bụng, rồi ngươi ta hớn hở reo mừng khi nó chào đời …

Đến trường, càng lớn càng thanh .
Bao cô ngắm nghé, gọi "anh" nhiệt tình !
Làm quan, nhóm cuối bậc thang ,
Tự dưng lớn bé gọi "ông" ngọt bùi !
Yêu đương da diết một thời ,
Người yêu sau chót gọi tôi là "mình" !
Con đầu lòng rõ thật xinh ,
Chí cha chí choé gọi mình là "ba" !
Chiến chinh, trầy vảy tróc da,
Giữa chừng vào khám thành ra "thằng tù" !
Nuôi con hai chục năm dư ,
Con người ta lại " xin mời nhạc gia" !
Cháu đầu lòng được sanh ra ,
Bập ba , bập bẹ..."ông" là chính tôi !

Tác giả của BLK (sau đây xin viết tắt là TG) có một tuổi thơ đẹp đẽ. Một thời trai trẻ không đến nỗi nào. TG hạnh phúc vì được yêu và lấy được người mình yêu. Cái người gọi TG bằng “mình” ấy đã gắn bó, đã đồng cam cộng khổ với TG trong mọi hoàn cảnh, trên mọi nẻo đường. BLK chẳng có chữ nào cụ thể mà tôi cứ thấy rõ mồn một sự mãn nguyện của TG bởi chọn được người bạn trăm năm như vậy. Đoạn liệt kê trên đã kê ra danh phận của TG theo thứ tự thời gian, những mốc chính và đa số là “thăng” (trừ một chút xíu: Giữa chừng vào khám thành ra "thằng tù"!)

Khốn cùng lên núi bới khoai ,
Đốt than , hái củi...thành người " Tiều Phu" !
Bao tử đói , gối bị đì !
Bốn mươi cây số ngại gì đường xa.
Bắp bao xe đạp đèo về ,
Mua năm bán tám _ tôi là " Con Buôn " !
Vào Hợp Tác thành "Nông Dân".
Cũng cày cũng cuốc,bón phân...hưởng phần.
Năm ba con chữ lận lưng.
Ban đêm đi dạy Bình Dân làm "Thầy ".

Đoạn này của BLK mới kê lại các mốc “trầm”. Đây có lẽ vào khoảng thời gian sau tháng 4 năm 1975 đến khoảng những năm đầu thập kỷ 80. Một thời gian khó khăn của đất nước Việt Nam. Không biết cảm nhận của tôi có đúng không, sau khi đọc xong BLK, tôi hình dung ra TG là người thế này:

Một anh chàng đẹp trai, được nhiều cô thầm yêu trộm nhớ. Do chiến tranh nên mới hết tú tài anh đã bị động viên quân dịch. Là người có học sẵn chút tài nên được nhiều người vị nể. Anh cưới được người yêu anh và anh yêu làm vợ. Tháng 4/ 1975 anh trong diện phải đi “cải tạo” một thời gian (chắc là ngắn thôi). Sau khi học tập cải tạo xong, anh cùng gia đình vật lộn để thích nghi với sự đổi thay của cuộc đời. Và anh đã phải bỏ hết mông mơ lãng mạn mà lao vào xoay sở mưu sinh. Theo trào lưu chung ngày ấy, anh cùng gia đình ra nước ngoài sinh sống và trở thành Việt kiều bất đắc dĩ … Cuối cùng, nơi đất khách quê người, sau bao gian khó, gia đình anh đã có một cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, sâu thẳm trong anh vẫn không thể nguôi ngoai nỗi nhớ quê hương …

Đoạn liệt kê tuy kê ra các mốc trầm, với giọng hài hước, kể ra mà dửng dưng như không phải chuyện của mình. TG không muốn lộ ra nỗi thất vọng, sự giằng xé tâm can trước hiện thực phải đương đầu. Tôi cho rằng chỉ có người từng trải, hiểu biết mới có thể viết ra được những dòng như vậy. Phải! Quá khứ như vậy thì cứ để nó nhẹ nhàng qua đi. Dằn vặt trách cứ nào có ích gì đâu …

Số tha hương !_sống xứ người.
Chữ mình càng dốt , tiếng ngòai chẳng thông !
Ra đường..._ nghe được , nói không !
Nằm nhà _ đành phải làm " ông ăn nhờ " !
Vài năm một chuyến về quê .
Bà con cạnh khoé chào hô " Việt Kiều " !
Văn chương chữ nghĩa bao nhiêu.
Buồn tình lắm lúc cũng liều làm thơ !
Câu bằng , câu trắc ngu ngơ.
Vợ cười khen kháy _ Anh giờ " Thi Nhân " !

Đến đoạn liệt kê này thì đã êm xuôi mọi chuyện rồi. Dù những ngày đầu sang xứ người đầy rẫy khó khăn:

Chữ mình càng dốt , tiếng ngòai chẳng thông !
Ra đường..._ nghe được , nói không !

Sao mà tôi thích mấy câu này thế cơ chứ! Chỉ có vài từ mà lột tả được nỗi gian truân điển hình của người Việt nơi đất khách những ngày đầu. Sau một chút lắng lại bởi kỷ niêm xưa, TG đã vui vẻ cười đùa trở lại. Dù có khiêm tốn nhận mình “câu bằng, câu trắc ngu ngơ” thì TG đã thực sự trở thành “Thi NHân” rồi chứ chả phải là lời “khen kháy” đâu!

Không đun nước cũng cạn dần !
Thời gian rút ngắn , khỏang tầm chơi vơi !
Từ nay đến hết cuộc đời.
THẰNG TÔI chẳng biết sẽ rồi thành chi ?!

Từ đầu đến giờ TG chỉ liệt kê chứ không bình luận gì. Các sự kiện cứ tiếp nhau hiển hiện trước mắt người xem. Cứ thế, cứ thế như nó vốn có! Ai muốn đánh giá, muốn hiểu thế nào thì tùy …
Đến đoạn này thì không còn là BLK nữa rồi. Đoạn kết này là sự chiêm nghiệm cuộc đời, là sự day dứt khôn nguôi của TG về nhân tình thế thái.

Không đun nước cũng cạn dần !
Thời gian rút ngắn , khỏang tầm chơi vơi !

Thì đúng quá rồi còn gì. Không tin thì xin cứ thử đổ đầy nồi nước, đậy vung rồi đặt lên bếp nhưng không cần mờ lửa. Chỉ hôm sau thôi (nhất là vào những ngày hè trên mảnh đất miền Trung nắng gió như quê TG) thì sẽ thấy ngay mà. Quy luật cuộc đời không chừa ai cả. Nếu ta là nước. Có thể chỉ là một giọt nhỏ nhoi, cũng có thể rộng dài như sông suối, cũng có thể bao la như biển cả… Cũng có khi quí giá hơn vàng (với người đang khát trên sa mạc), cũng có khi chẳng để làm gì cứ để phí hoài trôi theo cống rãnh. Nhưng khi đã là nước trong nồi rồi thì cứ phải tuân theo cái phận trong nồi mà thôi!

Từ nay đến hết cuộc đời.
THẰNG TÔI chẳng biết sẽ rồi thành chi ?!

Tất cả sự hài hước dí dỏm, dửng dưng khi viết liệt kê cuối cùng dồn về câu hỏi mà không dễ gì có câu trả lời xác đáng …

Nói về vần điệu niêm luật của thơ thì tôi không dám chắc BLK này thế nào. Bởi tôi chỉ viết ra cảm xúc của mình khi đọc chứ không làm việc của nhà phê bình. Có chăng một chút hoài nghi ở ngay hai câu đầu:

Từ khi vừa mới sanh ra
Người TA hớn hở gọi TA bằng “thằng”!

Sao TG lại dùng hai lần TA (cho dù khác nghĩa) trong cùng một câu nhỉ? Nếu như thay đổimột chút như thế này:

MỌI NGƯỜI hớn hở gọi ta bằng “thằng”! (1)

Hoặc:

Từ khi vừa mới CHÀO ĐỜI
Người ta hớn hở gọi TÔI bằng “thằng”! (2)

Thì đọc lên nghe có êm ái không? Định xin ý kiến TG để sửa, song nghĩ kỹ, tôi thích chữ NGƯỜI TA hơn chữ MỌI NGƯỜI. Vậy thì phải dùng phương án (1)? Tôi chợt nghĩ: một người như TG, gửi đăng gần hai trăm bài thơ mà có đến 9 bài được đưa vào “THƠ TUYỂN CHỌN” lẽ nào không biết được điều này? Phải chăng TA là tất yếu bởi tính cách ngang tàng vốn có trong con người TG mà thường ngày vẫn phải kiềm chế không muốn lộ ra? Thế thì

Từ khi vừa mới sanh ra
NGƯỜI TA hớn hở gọi TA bằng “thằng”!

Nghe thì thấy ngang ngang, nhưng lại cho ta biết thêm một chút nữa về TG: nếu đã biết là đúng, là cần thì sẽ thực hiện mà không sợ gì điều tiếng dèm pha, không sợ thiệt riêng mình!

Hồng Hạnh
10/9/2001
Rất mong được cô bác và các anh chị cho ý kiến nhận xét

Hồng Hạnh
16-09-2011, 09:26 AM
(chép lại)


Cảm nhận khi đọc

ANH TÔI

của SAO HÔM (bài 71 đăng trên Topic Ánh sao)


Sẽ có người chê: cái con nhỏ này kì quá! Bao nhiêu bài hay người ta đã mất công lựa chọn sẵn ở “thơ tuyển chọn” kia sao không bình, mà lại … Vâng đúng là “thơ tuyển chọn” toàn bài hay và Hồng Hạnh (HH) cũng đã đọc. Nhưng HH có định làm công việc của nhà phê bình đâu. HH chỉ viết ra cảm nhận của riêng HH thôi. (Bố đã nói với HH thế này: đừng vội phán xử chê bai, ngay cả một bài nhiều người chê là dở, vẫn có người tâm đắc …). ANH TÔI chưa phải là một bài thơ đủ tiêu chuẩn đề được đề cử vào thơ tuyển chọn. Điều này thật bình thường giống như chính những câu từ thể hiện nó. Nhưng ANH TÔI lại làm tôi xúc động khi đọc.

Mẹ cha già đã đi xa
Anh tôi trụ cột giữ nhà vững yên
Vượt qua sóng gió liên miên
Vẫn vững tay lái đưa thuyền qua sống
Toàn gia xum họp đồng lòng
Em, anh đùm bọc nghĩa hồng, tình xanh

Vần thơ dung dị đưa ta đến thăm một gia đình bình thường. Ở gia đình này không còn cha mẹ già nữa, các cụ “đã đi xa” cả rồi. Tuổi cao rồi sẽ đi xa là qui luật của trời đất. Bao gia đình khác cũng giống như vậy, nên chi tiết này rất BÌNH THƯỜNG. Cha mẹ đã khuất núi, người anh lớn sẽ là trụ cột:

Vượt qua sóng gió liên miên
Vẫn vững tay lái đưa thuyền qua sống

Và công việc này cũng BÌNH THƯỜNG.

Toàn gia xum họp đồng lòng
Em, anh đùm bọc nghĩa hồng, tình xanh

Đến đây tuy đã thu hẹp phạm vi nhưng ta vẫn thấy bình thường. Một gia đình tốt như nhiều gia đình tốt khác!

Anh luôn là tấm gương lành
Là cội rễ chắc cho cành lá tươi
Nương theo anh, tin yêu đời
Sống chân, sống thiện, tình người tâm ghi

Đến đây lời kể không còn mang tính tường thuật đơn thuần như cái nhìn của người hàng xóm nữa. Tác giả (TG) đã bắt đầu mở lòng ca ngợi anh mình, coi anh là tấm gương sáng để mình noi theo …

Mong sao đức Phật độ trì
Ban anh sức khỏe, mọi bề an vui...

Đương nhiên là thế! Ai chả muốn người mình kính trọng, yêu mến có được những điều tốt đẹp. Mà có gì quí giá hơn SỨC KHỎE và AN VUI cho một kiếp người nữa chứ?
Từ đầu đến giờ, mạch văn cứ đều đều bình dị. Chính cái “đều đều bình dị” này cho ta cảm giác TG rất yên phận với những thứ mà ông trời sắp đặt, cho dù những thứ hiện có ấy rất BÌNH THƯỜNG. Cái điều MONG cũng giản dị chân thành quá. Không ham hố địa vị cao sang, bạc vàng thừa thãi. Chỉ cần sức khỏe để tự mình bươn trải chăm sóc cho chính mình và những người thân của mình mà thôi! Thế là TG đã học được “sống chân, sống thiện” ở anh mình rồi còn gì! “Người lương thiện thì lương thiện cả trong mơ”, (câu nói này chả biết của ai, chỉ biết là bố (của HH) vẫn thường nhắc nhở HH như vậy), khi đọc đến đây sao mà thấy đúng quá!

Thế nhưng mang kiếp con người
Sinh lão bệnh tử - luật Trời, chịu thua
Ung thư ác tính - nào ngờ!
Hay tin, tôi cứ sững sờ, ngô ngây!

Đọc đến những câu này tôi khóc. Tôi trách ông Trời sao mà bất công đến thế! Những kẻ bất lương, lòng lang dạ sói, tội ác chất chồng kia sao không trừng phạt mà lại nỡ giáng họa xuống đầu người lương thiện như ANH, như TÔI?... Tôi khóc, tôi giận, tôi hờn, tôi trách cứ … tưởng như chuyện của chính mình. Mấy ngày sau, tĩnh tâm trở lại, tôi càng yêu càng phục ANH, TÔI của cái gia đình nhỏ nhoi kia. Điều tôi tâm đắc là cái CHÂN, cái THIỆN đã thấm sâu, nhuần nhuyễn hòa vào máu thịt của anh em gia đình TG. Tai họa ập đến bất ngờ (thông tin bất ngờ), quá đau xót làm người ta như điên như dại (sững sờ, ngô ngây). Thế mà khi kể lại, TG không hề đổ lỗi, trách cứ ai cả. Cho dù chỉ là câu trách than “cửa miệng” … Một quan niệm sống đã được thể hiện: Trời Phật cho bao nhiêu hưởng vậy!

Biết làm gì giúp anh đây ?
Phép màu nào có, đợi may mắn về!?
Thuốc thang chữa chạy, chẳng nề

Tin trời Phật, chấp nhận số phận, vừa lòng với cái của mình. Nhưng trước một tai họa quá đau đớn như thế thì làm sao không dao động. Trong mong manh hi vọng, TG ra công thuốc thang chạy chữa ước gặp được phép màu … Công việc “dã tràng” với định mệnh con người? Có thể là như vậy. Nhưng rơi vào hoàn cảnh này hỏi rằng mấy ai làm khác được! Biết rõ là vô vọng vẫn hành động bởi vì TG thực sống bằng con tim chân thật của mình.

Phần anh - điềm tĩnh, không hề than van!

Trước cái chết đến gần, hoảng hốt tuyệt vọng dễ làm con người kêu la than vãn… Người ANH sao không vậy? Thế là chỉ phác vài chữ thôi, cái “trụ cột” được hiện lên sừng sững! Lúc nguy nan nhất càng cần phải vững tay chèo lái. Cái vững tay chèo lái lúc này chính là truyền đến những người đang tin tưởng mình, một bản lĩnh, một cách để sống bình thường…

Yêu thương, lòng nặng vương mang
Anh tôi vậy đấy! - Thế gian mấy người ?

Rất nhiều người tài, rất nhiều người tốt. Nhưng có một người ANH như thế để mà noi gương, để mà ngưỡng mộ, để mà thương mà xót thì cũng mãn nguyện lắm rồi.

Hồng Hạnh

Hồng Hạnh
16-09-2011, 09:35 AM
Cảm nhận khi đọc:

NHỮNG BƯỚC CHÂN ÂM THẦM
Của Giocaopnguyen - bài 33 đăng trên topics “thơ giocaonguyen”


Gia tài đủ gọn đôi quang gánh
Bếp núc , nồi niêu với áo quần ...
Góc phố , lề dường ...dừng bước mỏi
Thãi thừa thiên hạ ...mặc !_ bà gom .

Khổ thơ tả một bà cụ làm công việc gom nhặt phế liệu chốn thị thành. Một loại công việc vất vả, độc hại mà lãi lờ lại rất èo uột. Một loại công việc, theo quan niệm của nhiều người, thường chỉ dành cho những người không thể làm được công việc khác khá hơn. Tuổi tác mức này, với bà cụ là điều bất đắc dĩ.
Khác chăng là ở thái độ đón nhận nó: mặc! Phải rồi, bà cụ đâu còn ở cái thời “không chịu kém ai”, ngại ngần xấu hổ sợ người khác chê là quê, là thộn nữa: cụ đã già và yếu rồi! Ông khách nhìn bà cụ và động lòng trắc ẩn:

Hai đầu quang gánh trĩu thời gian
Đè nặng đôi vai giỏi miệt mài
Sức cũng mòn theo đôi dép bước
Dáng đi lệch bệch giữa trần ai !

Ông khách nhìn bà cụ còng lưng gồng gánh mà như thấy được cả một kiếp người lam lũ. Bà cụ trong tấm hình có thể cũng có gia đình, chồng con nhưng hẳn là đời sống khó khăn lắm. Cả quãng đời trước khi đến cái tuổi này, bà lão đã từng chịu thương chịu khó gồng mình vun đắp cho cái gia đình bé nhỏ bất hạnh ấy. Đến bây giờ ở độ tuổi cần người khác chăm sóc cho mình thì …vẫn phải “lệch bệch giữa trần ai!”. Trời ơi! Nghe được âm thanh “lệch bệch” thì chỉ có thể là người tận mắt chứng kiến, chứ chỉ nhìn hình thì sao NGHE được! Rõ ràng tác giả đã hóa thân là ông khách đứng rất gần bà cụ rồi. Tác giả không chỉ NHÌN mà là TƯỞNG!

Bà gánh đời mình đi khắp phố
Bán rao, buôn nhặt của ôi thừa
Mắt đời lãnh đạm theo dòng chảy
Đi mãi ...đường về vẫn cứ chưa !

Ông khách gặp và nhìn như thấy rõ cả quãng đời lam lũ trước đây, cái vất vả gian nan của hiện tại, và một chút u ám phủ lên quãng đời còn lại của bà lão.

Đi mãi ...đường về vẫn cứ chưa !

Đi mãi thì rõ rồi, cả ngày hôm nay, rồi ngày này qua ngày khác. Bà cụ vẫn “gánh đời mình đi khắp phố”, không màng đến sự khinh khi hay lãnh đạm của người đời. Nhưng VỀ thì về đâu? Về cái lều đơn sơ dưới gầm cầu hay chỗ nghỉ tạm qua đêm dưới mái hiên của ngôi cổ tự? Không phải rồi! Vì đêm nào bà lão chả phải lệch bệch đến đó để trú tạm. Vậy cái đích mà bà cụ đi mãi mà vẫn CHƯA về được ấy là đâu? Câu trả lời không chỉ riêng nơi bà lão mà có. Lại cũng không thể ngay lập tức trả lời được. Phải chăng nó đang nằm tiềm tàng trong ý thức của mỗi con người và toàn xã hội?

Ngày nắng , ngày mưa ... đời vẫn thế
Ngược xuôi ...tất bật lại qua người
Inh ỏi còi xe bao thúc giục
Mặc đời _ Bà bước bước Bà thôi !!!

Cái bà lão này … lại vi phạm luật giao thông rồi! Đã sang đường không đúng nơi “vạch trắng dành cho người đi bộ” lại còn cứ lề mề lạch bạch chắn lối. Không màng gì đến:

Inh ỏi còi xe bao thúc giục

Sẽ có tiếng quát tháo, thậm chí là chửi rủa từ miệng của một số người. (Số người này thường là thanh thiếu niên ở tuổi mới lớn quen nói năng bạt mạng, và đôi khi cả một số ông béo tốt đẫy đà trong bộ đồ dắt tiền …). Cái con mẹ điên này! Chỗ này cho bà sang đường đấy à …

Mặc đời _ Bà bước bước Bà thôi !!!

Tôi như nghe rõ tiếng phân trần thều thào của cụ: Các ông các bà làm phúc tha cho già này đi … Bất đắc dĩ nên già mới làm phiền đến các ông các bà thôi. Đi mãi tít đến đầu ngã tư đèn xanh đèn đỏ kia mới sang đường thì quá sức già rồi. Tuổi thế này già làm sao mà nhanh chân được … Bà cụ vẫn “lệch bệch” đi với những bước chân ngắn ngủn, chậm chạp đúng như “bước của Bà thôi!!!”.
Đọc đến câu này tôi không chỉ nghe thấy tiềng thều thào của bà cụ mà còn thấy rõ cả một ông khách, có lẽ cũng chừng năm hay sáu mươi tuổi gì đó, tiến tới gần và chìa tay nhấc gánh ra khỏi vai bà cụ đặt lên vai mình rồi cùng bà cụ qua đường. Tôi còn nghe được cả lời khen của ông khách nữa: Gớm gánh nặng thế mà cụ vẫn gánh được, chả biết khi tôi đến tuổi này có gánh nổi một nửa số này không …
Ông khách khen. Mà khen đúng. Gánh này với ông khách không nặng, nhưng với sức vóc tuổi tác như bà lão thì không thể coi là nhẹ. Và với một người như ông khách, cho dù là người chưa giầu có, nhưng khi đến tuổi như bà lão, ông được con cháu phụng dưỡng đầy đủ không phải động chân nhấc tay gì thì hẳn là không thể gánh nổi cho dù chỉ nửa gánh này. Ông khách khen mà không nói lời thông cảm như thường thấy: Khổ chưa, con cái đi đâu hết mà để cụ phải ra nông nỗi này. Hay: ở tuổi này cụ còn tham công tiếc việc làm gì nữa, cụ cứ nghỉ ngơi mặc con cháu chúng nó lo …
Có lẽ đây chính là chi tiết lôi cuốn tôi đến với bài thơ này.
Nếu mọi người chú ý sẽ thấy cùng trên topic “thơ giocaonguyen” có hai tấm hình, hai bài cảm tác. Tuy khác nhau nhưng chung một chủ đề. Một bài được chọn vào “thơ tuyển”. Còn tôi, tôi lại chon bài còn lại để viết cảm xúc của mình. Xin mọi người khoan mắng mỏ tôi mà tội nghiệp. Hãy bình tĩnh nghe lời phân trần của con nhỏ này đã.
Bài “MỘT CẢNH ĐỜI” rất hay. Không phải vì thấy được tuyển mà tôi a dua đâu. Mà hay thật. Bài này cũng lấy cảm hứng từ một tấm hình để nói về sự cảm thông sâu sắc đến những mảnh đời bất hạnh. Bài viết còn nói được cả sự trăn trở về trách nhiệm của xã hội với nghịch cảnh còn tồn tại của đời sống hiện đại. Bài viết đề cập đến một vấn đề to tát (trong đó có hoàn cảnh của bà cụ). Đọc bài nay tôi cũng thấy ông khách giầu lòng nhân ái. Tôi tưởng tượng thấy ông khách sau khi NHÌN thấy bà cụ. ông xúc động lắm và ông tới QUĨ TỪ THIỆN góp vào một số tiền không nhỏ để mong vơi đi được phần nào nỗi bất hạnh của những mảnh đời không may mắn, trong đó có bà cụ. Bà cụ có thể nhận được tấm lòng vàng ấy của ông khách và rối rít: Già xin đội ơn các ông các bà đã làm phúc…- Bà cụ không biết ai đã giúp mình!
Còn khi đọc xong “NHỮNG BƯỚC CHÂN ÂM THẦM” nhất là câu cuối “Mặc đời _ Bà bước bước Bà thôi !!!” tôi thấy sau khi sang đường, nhận lại gánh từ ông khách, bà chỉ lí nhí nói lời cảm ơn, nhưng những vết nhăn nheo trên khuôn mặt già nua của cụ hình như nhòe bớt…

Hồng Hạnh