PDA

Xem phiên bản đầy đủ : Tình người xa quê- Tản văn HG



hoanggiao
22-07-2014, 09:42 PM
https://scontent-b-lax.xx.fbcdn.net/hphotos-xap1/t1.0-9/10500302_10203337977468263_3809974164844865513_n.j pg

(Hoàng Giao đứng ngoài cùng bên phải, em gái Hoàng Oanh đứng thứ 2 từ bên trái sang, chụp buổi chia tay vào Nam)


TÌNH NGƯỜI XA QUÊ


Tôi không phải là người đi xa xứ. Tôi đang trên đất nước của tôi, nước Việt nam yêu dấu. Nhưng tôi đang sống cách xa nơi tôi sinh ra trên 2000 cây số. Mùa thu năm 1984, con tàu Thống nhất Bắc Nam đã đưa tôi vào Sài Gòn, bỏ lại đằng sau tất cả những gì thân thương nhất. Nỗi nhớ quê vời vợi, những tưởng có ngày trở lại. Nhưng không, tôi đã ở lại Sài Gòn và cuộc sống đã được an bài, thôi thì đành chấp nhận tất cà những gì mình có.
Đêm cuối cùng trên đất bắc, tôi lặng lẽ ra cánh đồng, chạy ùa lên những bờ ruộng cỏ xanh rờn, nơi mà tôi vẫn thường chăn trâu cắt cỏ, mới hôm qua đấy thôi. Vóc dáng tôi nhỏ xíu nên tôi được lãnh công việc này là chủ yếu, ngoài những công việc như đi cấy, làm cỏ, gánh phân, tát nước, cắt lúa, trở lúa, đập lúa, phơi thóc, phơirơm, xay thóc giã gạo, đi chợ…
Ánh trăng sáng vằng vặc. Làng quê sao mà đáng yêu thế. Lúa xanh ngát, lượn sóng tận chân trời. Đầu làng là cây gạo to đã sống lâu năm và đình làng, đây là cái ao của nhà, kia là cái ao của làng to dài và rộng. Còn trước mặt là dãy Con Voi nằm phủ phục với những rặng phi lao và bạch đàn. Tôi như muốn hút hết cảnh vật nơi đây vào tầm mắt, hãy nhớ lấy nó, hãy ghi vào lòng Giao ơi! Lại nước mắt nữarồi. Đã bảo đừng khóc mà sao nước mắt nhiều đến thế. Để khi viết những dòng này nước mắt vẫn còn đây. Tại sao tôi khóc? Tại sao tôi lại đi? Một cuộc chạy trốn công việc nhà nông? Hay sức khỏe không kham nổi công việc đồng áng vốn nặng nhọc? Hay đi như một định mệnh đã được định trước? Hay vì đam mê sự đổi đời,chờ mong một sự sung sướng cho bản thân. Hay vì tôi là một cô gái đã 24 tuổi mà chẳng có ai yêu, ở nông thôn coi như là ế! Song tôi cũng thường thầm thương trộm nhớ rất nhiều người. Tôi đi để mong gặp được ý trung nhân ở nơi khác chăng? Tất cả, đều có thể! Khi anh cả bảo mẹ và tôi vào Nam sống với vợ chồng anh, tôi đã không từ chối, không cân nhắc thiệt hơn, chấp nhận mọi sự thật sau này có thể đến. Có thể ở trong đó vài tháng rồi về. Cũng có thể ở đó luôn. Nhưng hình như có một nỗi đau không thể nói trong chuyến đi này. Tôi muốn về! Vâng! Tôi không muốn ở Sài Gòn. Vì tôi có một cảm giác lạc lõng giữa chốn đông người. Tôi lam lũ, quê mùa, xấu xí, thật không phù hợp với một sài Gòn hoa lệ, phồn vinh! Tôi tưởng tượng ra các cô gái Sài Gòn tràn đầy sức lực trẻ trung, đẹp đẽ, dịu dàng và quyến rũ đối nghịch với tôi ra sao rồi quyết định chỉ vào chữa bệnh vài tháng là về. Ai ngờ tôi chẳng có bệnh gì ở Sài Gòn 6 tháng, cơ thể tôi bỗng trở nên bình thường hơn bao giờ hết mà không hề qua một cuộc thăm khám điều trị nảo. Cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu nổi. Tại lo lắng ư, công việc ư? Ở nơi nào tôi cũng vẫn cơ cực như nhau với những nỗi đau của đời thường, ở đây tôi còn ốm đi trông thấy nữa, vì nhớ nhà, vì lạ lẫm, vì một lối sống sinh hoạt khác hẳn, nhà ai cũng kín cổng cao tường, không có sự giao lưurộng mở tình xóm làng như ở quê. Lần đầu tiên tôi được biết ga Hàng Cỏ cũng như ga Bình Triệu. Con tàu đi suốt 6 ngày đêm vì mắc bão lụt mưa gió…
Cái buổi tôi từ biệt xóm Sơn Quang quê tôi cũng có 1 buổi đưa tiễn tôi long trọng như thể tôi sắp “hành quân ra trận vậy”. Những con mắt đổ dồn về tôi như thầm nhủ một chuyến đi may mắn hạnh phúc. Bố mẹ, anh, chị, em, cô, bác trong xóm và bạn bè ai biết được Sài Gòn như thế nào? Hai chiếc xe đạp cà tàng chuẩn bị sẵn sàng: bố tôi chở mẹ, em Oanh chở tôi ra bến xe Bắc Ninh (cách nhà 15km). Phải qua một trận vật lộn vất vả em Oanh mới chen vào mua được hai chiếc vé đi xe đò cho mẹ và tôi. Xe đông nghẹt người, tôi cố ngoái đầu nhìn ra mới thấy bố và em Oanh đứng ở dưới đang ngơ ngác nhìn lên. ôI! Sao bơ vơ đến nghẹn lòng.Tôi chỉ muốn chạy ào xuống. Một nỗi buồn trào dâng…Xe đậu ở ga Hàng Cỏ Hà Nội. Sân ga ồn ào, những chiếc xích lô đậu la liệt. Người ở người đi nhốn nháo. Tới ga Bình Triệu Sài Gòn, anh rể ra đón hai mẹ con tôi về nhà anh cả. Anh chị mới sinh một cháu gái bốn tháng…Vợ chồng anh cùng ngành y, được vài tháng lại nội trợ gia đình, anh xin cho tôi làm dây cua-roa ở một cơ sở tư nhân, nhưng lãnh về nhà làm, cơ sở toàn nam to khoẻ. Chỉ có mình tôi là nữ ốm yếu, song cũng làm được và các bạn kêu tôi là “lực sĩ tí hon”.
Được một năm thì vợ chồng ông chủ đi xuất cảnh ở Mỹ, tôi chuyển sang thêu tay ở đường Cống Quỳnh, được một năm, cơ sở xác nhập với xí nghiệp may Sài Gòn 3 ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Nguyễn Thị Minh Khai) bây giờ. Tôi thường xuyên viết thư về nhà, nói về con tàu Bắc Nam, về Huế, đèo Hải Vân, về biển Nha Trang, về một Sài Gòn với những con đường về đêm rực rỡ ánh đèn. Nhưng cũng có những đứa trẻ sống ở vỉa hè những con người lao động cực nhọc lo miếng ăn từng bữa, không dễ dàng gì. Các trường đại học, xí nghiệp, trung tâm văn hoá nghệ thuật và tôi luôn có ý nghĩ phải về quê mãi vẫn không thực hiện được. Đến năm 1993 tôi đã chuẩn bị sẵn sàng một chuyến trở về vĩnh viễn, ba-bốn bao vật dụnh đã được cột chắc chắn.
Không ngờ đúng lúc này tôi đã gặp chồng tôi bây giờ. Sau ba tháng quen biết, một đám cưới đã diễn ra và tôi đã không trở về quê nữa…Lúc này tổ thêu đã giải thể, tôi về bán hàng tạp hoá tại cửa nhà anh cả. Lấy chồng rồi, tôi phụ bán quán hủ tiếu, chồng tôi thì công việc thất thường.Tôi rửa chén cho quán hủ tiếu ở đường Phan Đình Phùng từ ba giờ chiều đến mười giờ đêm. Trong tháng Tết Nguyên Đán thì kéo dài tới hai giờ sáng rồi vì tham tôi chuyển sang làm từ suốt sáu giờ sáng đến mười hai giờ đêm, không có thời gian đọc báo, nghỉ ngơi. Rồi năm 1998, anh cả tôi xin cho tôi làm nhân viên trong bệnh viện của anh, tôi như được đổi đời, kinh tế dần ổn định…Tuy vẫn còn nhiều nhiêu khê đến bây giờ...

Hoàng Giao
(P/S: Bài viết đã in trên báo Kiến Thức Gia Đình năm 2006 và đạt giải thưởng trong cuộc thi viết về TÌNH NGƯỜI XA QUÊ trên báo)