PDA

Xem phiên bản đầy đủ : Nét " Xuân" trong thơ Lương Tú



Bạch Hồng Ngọc
03-11-2014, 06:39 PM
Cảm nhận của Bạch Hồng Ngọc về bài thơ “XUÂN LẠNH” của nhà thơ Lương Tú

XUÂN LẠNH
Gió khẽ rung cành trụi xác xơ
Tình Xuân cám cảnh lạnh bơ phờ
Miên man giấc ngủ còn sâu đậm
Thảng thốt đêm tàn vẫn cạn trơ
Đất phả mù sương màu trắng đục
Trời buông ảo ảnh bóng lu mờ
Lòng người thổn thức khi mùa đổi
Lẳng lặng riêng mình nhả ý thơ.
Lương Tú

Đọc thơ đường luật của nhà thơ Lương Tú, mỗi bài đều có một nét riêng biệt, nhưng đa số là nội tâm, sâu lắng, lời thơ mộc mạc nhưng lại uyển chuyến làm ngây ngất lòng người đọc, phải nói là tìm bệnh lỗi lớn trong thơ Lương Tú thật khó, gần như rất ít, và phải nói là anh am hiểu tường tận về luật đường, các câu từ không trau chuốt, nó cứ chân chất gần gũi như cuộc sống đời thường, nhưng có một tính nhạc trầm bổng, du dương, một bức họa làm mê hoặc lòng người.
“Xuân lạnh” mùa xuân đến sớm hay đông còn lưu luyến ở lại với đời? mùa xuân là mùa ấm áp dịu dàng, mùa của vạn vật sinh sôi nảy nở, mùa khởi đầu của một năm vì sao lại lạnh? Sự hiếm hoi song không thể là không có. Xuân ở đây đối với tác giả có lẽ là đời, nếu vậy thì có gì uẩn khúc, có gì đó khó nói chăng? Tại sao vậy? Lương Tú dùng từ “khẽ” một hành động một sự chuyển biến rất nhẹ nhàng, uyển chuyển của thời gian, trong cái khẽ khàng đó là một sự hủy diệt vô cùng tận, một sự mất mát bi thương. Đọc câu thơ đầu tiên ta có thể hình dung ngay được một viễn cảnh, một hình thái, một sự khác biệt của cuộc sống đơn thuần.

“Gió khẽ rung cành trụi xác xơ”
Vậy thì có ai vui? có ai sướng? khi mọi sự đã trở nên lập dị, sự tuần hoàn của khí tiết thiên nhiên hầu như theo một qui luật ít thay đổi, mùa xuân ấm áp, mùa hè nắng nóng, mùa thu mát mẻ, mùa đông lạnh lẽo, đàng này mùa xuân lạnh, nó ngược hoàn toàn với qui luật đó, nên cái tình dẫu không muốn nó vẫn là bạc bẽo nó vẫn là cám cảnh thật khôn lường, thậm chí nó còn là một nỗi sầu sâu thẳm trong cõi hư vô khó tưởng tượng.

“Tình Xuân cám cảnh lạnh bơ phờ “
Vì vậy, trong những lo toan vất vả của cuộc sống thì giấc ngủ mấy ai yên được mà cứ thổn thức, suy nghĩ từ cái này đến thứ khác, nó miên man khó tả, tác giả dùng từ “còn” trong câu này khá đạt về sự biến thái, nói đến còn thì hầu như ai cũng hiểu đó chưa hết, vẫn còn lại một thứ gì đó, tuy không đặt dấu hỏi song còn trong câu này là một dấu hỏi kín đáo, tế nhị. Do cuộc sống như vậy thì còn đâu sự sâu dậm còn đâu khí tiết hào hoa khi mà chữ tình đã lạnh, giấc ngủ chưa say.

“Miên man giấc ngủ còn sâu đậm”
Nhưng cuộc sống không ai không ước ao cái sức khỏe, cái vật chất, tinh thần đạt đến mức hoàn mỹ, ai chẳng thiết tha một cuộc sống tốt đẹp, Trên thực tế điều ta không muốn lại dễ xảy ra, nhiều khi còn xẩy ra bất ngờ đến thẳng thốt.

“Thảng thốt đêm tàn vẫn cạn trơ”
Cái lo âu, cái trăn trở, hy vọng tìm được một cái gì đó còn sót lại, còn một tý chút cỏn con để cuộc đời có thể ấm lên , nhưng không thể và không thể nào có được, càng mong muốn, càng mù mịt thật là hiu quạnh “vẫn cạn trơ”. Thật vậy, có còn gì đâu mà mơ, mà mộng.
Vậy thì sao? Cuộc đời có thể thay đổi được không? Có hy vọng gì không sau bao nhiêu biến cố, sau bao nhiêu tàn tã. Ôi thôi! Đúng là “họa vô đơn chí”. Sống nhờ vào đất, chết trả lại thân xác cho đất, đất thương người thì cho con người cuộc sống, đắng này đất lại “phả” ra những cái quái đởm những cái không thấy hình hài cụ thể, đất lại phả ra mù sương một cảnh vật mờ mờ ảo ảo của mùa xuân của cuộc đời son trẻ, một màu trắng bi thảm “trắng đục” thật là chua xót thật là cay đắng, đến cả ông trời cũng chẳng thương mình thì sẽ ra sao đây? Đất rồi đến trời, liệu trời có thương không? Đọc tiếp các bạn sẽ thấy rõ trời cũng vậy “ buông “ những thứ viển vông không có thực nó lả ảo ảnh làm càng hoa mắt thêm chứ không có ích lợi gì, không giúp gì cho đời, tất cả đều vô vị, đến cái bóng của chính mình cuũng bị biến mất.

“ Trời buông ảo ảnh bóng lu mờ”
Thế là đủ cho chúng ta tưởng tượng ra một viễn cảnh của xuân lạnh rồi.
Vậy thì phải làm sao? Chắc chắn mọi người cùng có chung luồng suy nghĩ, ta phải tự cứu ta trước khi trời cứu, phải nỗ lực vươn lên phấn đấu bất chấp khó khắn gian khổ, mỗi sự đổi thay đó lòng người cũng phải suy nghĩ, suy nghiễm lại cuộc đời, mấy ai mà bình chân như vại được, nên ai đó vẫn phải thốt thức, day dứt lòng mình, trước sự biến đổi đó.

“Lòng người thổn thức khi mùa đổi”
Thôi thì cuộc sống đã vậy, thì chúng ta phải làm sao thay đổi nó đi, không phải suy nghĩ nhiều về các sự việc xẩy ra mà phải hết sức phấn đấu, phải tin tưởng con người có thể làm thay đổi số phận. Chúng ta cần thư giãn động não, cần hiểu về nó để loại nó ra khỏi cuộc sống, phải có sự yêu đời mãnh liệt, để làm thay đổi số phận phải tự mình cứu lấy mình, phải viết lựa chiều gió, phải biết mình là ai, đang đứng ở vị thế nào, để rồi lựa mà sống, lựa trước mọi biến thái sự đời. Đầu óc lúc nào cũng cần minh mẫn, tỉnh táo, những lời thơ tiếng hát mãi bay bổng giữa cuộc sống dù cho có nhiều cạm bẫy song nó vẫn bay vút lên hòa nhịp bài ca bất tử.

“Lẳng lặng riêng mình nhả ý thơ.”
Cảm ơn nhà thơ Lương Tú đã để lại cho đời nhiều bài thơ hay.
Cuối cùng kính chúc nhà thơ Lương Tú mạnh khỏe, hạnh phúc và an lành
03/11/2014
Bạch Hồng Ngọc