PDA

Xem phiên bản đầy đủ : Cảm nhận bài " THU CẢM" Của Lê Thanh Sơn



Bạch Hồng Ngọc
05-11-2014, 10:54 PM
Thu cảm

Giọt nắng chiều buông thả cuối trời
Heo may xào xạc lá vàng rơi
Hè đi sen mãn bông tàn tạ
Thu đến cúc bừng hoa thắm tươi
Mặc Khách bên hồ lòng cám cảnh
Thi Nhân trước biển dạ chơi vơi
Giao mùa sương quấn ôm sườn núi
Một thoáng cô đơn chợt nhớ người.

Lê Thanh Sơn

Đọc bài “Thu cảm“ của nhà thơ Lê Thanh Sơn, một chút bồi hồi xuyến xao, xen lẫn trong làn gió heo may đang còn mơn man đâu đó, mê hoặc tâm hồn người thi sỹ.
Một chiều tàn, những giọt nắng đang thả phanh rơi xuống nơi cuối chân trời xa xăm, một nỗi buồn nam mác khi những chiếc lá vàng đang lìa cành rơi rơi cùng giọt nắng, một hình ảnh quen thuộc mà ai cũng có thể nhìn thấy khi mỗi mùa thu tới. Nhất là càng về cuối mùa thu ta càng dễ cảm nhận được điều đó, bài thơ ra đời đã vào thời điểm cuối mùa thu, nhưng với một tâm hồn thi sỹ vẫn cảm nhận rất rõ về nàng thu, đúng như nhà thơ Lê Thanh Sơn đã viết:
“Giọt nắng chiều buông thả cuối trời
Heo may xào xạc lá vàng rơi”
Hình ảnh quen thuộc đó ai cũng biết, ai cũng nhìn thấy nhưng không phải ai cũng có thể hạ được một vần thơ hay, có cảm xúc.
Một mùa hè đã xa, tuy chưa phải là lâu lắm, nhưng đôi khi đã gặp nàng thu thì chúng ta có thể quê được rồi, song trước tình thu cũng sắp chia tay, có lẽ nhà thơ vẫn còn có một chút gì đó tiếc nuối về mùa hạ, mùa của những đầm sen thỏa mình xanh biếc, thả mình trổ bông khoe sắc. Nhưng vẫn còn đó những cánh đầm sen tàn tạ, úa héo không còn một bông nào nữa, một cảnh quá u buồn sót lại của mùa hạ, làm đìu hiu hơn cảnh vật đang vào độ cuối thu, nhưng ngược lại, thiên nhiên luôn ưu đãi với con người, không thể nào lại tạo nên một cảnh vật buồn bã đến như vậy, mà thiên nhiên đã cho chúng ta được thưởng thức một tình yêu mới, một sức sống mới, đó là nàng cúc đã bù đắp lại, nhưng những bông cúc nở xòe tươi thắm, tô điểm cho cuộc đời thêm rực rỡ. Có vậy chứ, một sức sống mới lại trào dâng:
”Hè đi sen mãn bông tàn tạ
Thu đến cúc bừng hoa thắm tươi”
Nhà thơ Lê Thanh Sơn dùng từ “mãn” và từ “bừng” trong hai câu thơ càng khẳng định thêm chắc chắn về điều đó, mặc dù những bông sen có thể hết sạch, nhưng lại có một rừng cúc bừng lên thể hiện sự bất diệt của sự sống muôn loài.
Trước mỗi mùa trôi qua, trước mọi sự thay đổi trong tự nhiên, trong cuộc sống, thì một điều chắc chắn rằng ai chẳng có cảm nhận về nó, một chút nhớ nhung, một chút ưu tư, tiếc nuối, cho dù đó là một mùa hè rực lửa, một mùa đông lạnh lẽo, bao giờ cũng để lại trong lòng chúng ta một điều gì đó. Đúng như nhà thơ Lê Thanh Sơn miêu tả:
”Mặc Khách bên hồ lòng cám cảnh
Thi Nhân trước biển dạ chơi vơi”
Là một thi sỹ, thì tâm hồn lúc nào cũng mơ mộng, thơ lúc nào cũng thường trực trong tâm, chỉ chờ chớp được cơ hội, ý tưởng thì nó lại ngân nga với đời ngay lập tức.
Một sự thể hiện khéo léo của nhà thơ đã cho chúng ta cảm nhận được một cách cơ bản về cái qui luật của tự nhiên, cái ảnh hưởng của nó đối với con người, tất cả đều là sự thật, khó có thể thay đổi được.
Thu hết thật rồi chăng? Hoàng hôn đã buông xuống, gió thu ngừng thổi, lá vàng đã rời đầy khắp nèo nhưng không thể nào ngăn được đông về. Một màn sương đã vây quanh, đã che phủ lên trên các sườn núi, dẫu lòng người không muốn, song sự thật vẫn là sự thật, không thể không chấp nhận. một cảnh tượng chớm đông bao giờ cũng vậy, những đợt gió đông bắc bắt đầu se lạnh, những chiều sương bắt đầu trải xuống giao thoa giữa hai mùa.
“Giao mùa sương quấn ôm sườn núi “
Vậy là mùa đông đã đến, đến thật rồi, ai lại không nuối tiếc nàng thu cơ chứ, nhất là tâm hồn thi sỹ rất nhạy cảm, tự nhiên cảm thấy buồn, tự nhiên thấy hụt hẫng như vừa đánh mất một thứ gì đó quan trọng, tự nhiên thấy cô đơn bất chợt đến, một chút hiu quạnh thoáng qua, một khoảng khắc khó tả. Rồi nỗi nhớ bỗng nhiên lại tràn về, những kỷ niệm dồn dập trào ra xen lẫn một thoáng ưu tư, nhớ nhớ, thương thương chan chứa.
“Một thoáng cô đơn chợt nhớ người”
Và cuối cùng nỗi niềm của nhà thơ trước mùa thu đi đã được cởi mở, một kết thúc sáng sủa.
Đọc bài thơ thể luật đường của nhà thơ Lê Thanh Sơn mặc dù vẫn còn một số lỗi nhỏ như phong yêu, hạc tất, điệp thanh, kể cả đối vẫn chưa chỉnh… song Bạch Hồng Ngọc đọc lên thấy tâm trạng của nhà thơ khá rõ nét trong bài này, có lẽ nhà thơ viết theo xúc cảm, không gò bó về bệnh lỗi, mà cũng không chú trọng về hình thức cho lắm, mà cũng có thể chưa có thời gian gọt giũa nó cho hoàn hảo, mỹ mãn hơn.
Nhưng một lần nữa Bạch Hồng Ngọc xin chân thành cảm ơn nhà thơ Lê Thanh Sơn . Kính chúc nhà thơ luôn mạnh khỏe- gia đình hạnh phúc và có nhiều sáng tác mới.

05/11/2014
Bạch Hồng Ngọc