PDA

Xem phiên bản đầy đủ : cảm nhận về bài thơ NHỚ BÀ Của nhà thơ lê Thanh Sơn



Bạch Hồng Ngọc
22-12-2014, 12:18 PM
Cảm nhân bài thơ " NHỚ BÀ" Của nhà thơ Lê Thanh Sơn

Nhớ Bà

Bước tới Đèo Ngang lại nhớ bà
Ơi người nữ sỹ thật tài hoa
Áng thơ người gửi còn lay động
Đường Luật ai truyền mãi tiến xa
Nhân hậu thủy chung ngời khắp xóm
Đảm đang son sắt tỏa muôn nhà
Biết bao biến cải trong trời đất
Phái đẹp lòng luôn giữ thuận hòa

Lê Thanh Sơn

Nói tới Đèo Ngang thì hàng ngày có biết bao nhiêu người qua lại, trên những chuyến xe, chuyến tàu ra Bắc vào Nam, ai mà chẳng ngắm nhìn cảnh đẹp thiên nhiên bao la hùng vĩ nơi đây, nhất là sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp về an nghỉ tại Vũng Chùa Đảo Yến, hẳn đèo ngang lại càng nhộn nhịp hơn. Nhưng có mấy ai nhớ tới bài thơ nổi tiếng “Bước tới Đèo Ngang” của nữ sĩ Đỗ Thu Hường ( 1805-1848).
Đọc bài Nhớ Bà của nhà thơ Lê Thanh Sơn, bất chợt tôi nhớ ngay đến bài thơ “Bước tới Đèo Ngang” và nhớ tới nhà thơ nổi tiếng dù ai đó không ở trong làng thơ thì chưa chắc đã không biết.
Có lẽ trong quá trình sáng tác thơ đường nhà thơ Lê Thanh Sơn rất ngưỡng mộ thơ của bà, nên khi tới đèo ngang thì ý nghĩ trong đầu anh là nhớ tới một nữ nhà thơ nổi tiếng, từ bà mà anh nói ở đây không ai khác là Đỗ Thu Hường có bút danh Bà Huyện Thanh Quan.
Một câu thơ chân thật giản dị nhưng chứa ẩn đầy nội tâm của tác giả tại thời khắc đến Đèo Ngang, là một người không phải nghiệp thơ chính thống nhưng thơ luôn thường trực trong anh, cho nên lúc nào anh cũng nghĩ đến thơ và luôn lấy cảm hứng bất cứ nơi nào mà anh đến.
Bây giờ đi qua Đèo Ngang xe chạy nối đua nhau, nhìn qua ô cửa sổ là những cánh rừng như dải lụa xanh trùm xuống, hoa lá cây cành xanh tươi bát ngát chạy tít ra bờ xa khơi, trong con mắt những người qua lại nơi đây có lẽ ai cũng trông thấy điều đó. Không hiểu lúc đó nhà thơ Lê Thanh Sơn có nhìn thấy “Tiều vài chú” không? mà anh lại lại nhớ tới bà vào đúng lúc anh tới Đèo Ngang.
Để rồi từ đó anh vụt ra một tứ thơ:
“Bước tới Đèo Ngang lại nhớ bà
Ơi người nữ sỹ thật tài hoa”
Và bài thơ “Bước tới Đèo Ngang” đã xâm lấn trong tâm hồn anh một cách nhiên, điều đó có thể là chắc chắn, bởi những cảnh đẹp từ ngàn xưa “Có cây chen đá, lá chen hoa” vẫn còn hiển hiện trước mắt anh, anh thầm ơn người nữ sĩ xưa kia đã vẽ nên một phong cảnh tuyệt tác khi bà bước tới Đèo Ngang mà anh ngưỡng mộ.
Rồi từ đó anh nghĩ về người nữ sĩ đó, nhớ đến từng câu từng chữ trong bài thơ của bà, tất cả vẫn còn nguyên giá trị, vẫn lay động lòng người những khi đi qua Đèo Ngang giáp danh giữa hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Đèo Ngang nằm trên dãy núi Hoàng Sơn của dãy Trường Sơn tiến dài ra biển, là một phong cảnh giang sơn tuyệt tác hiếm có đúng là "Đệ nhất hùng quan". Nhà thơ đã trầm ngâm suy nghĩ về bài thơ của bà đã dùng chữ khéo léo, rất chọn lọc, luật đối rất chỉnh, rất thần tình, ý hàm súc, lời trau chuốt gọn ghẽ… vậy nên thơ của bà không những các nho giáo xưa yêu chuộng, ngâm nga, mà đến bây giờ hầu hết mọi người đều thuộc và ngưỡng mộ bà
“Áng thơ người gửi còn lay động
Đường Luật ai truyền mãi tiến xa”
Và anh đã khẳng định điều đó bằng hai câu thơ trên, không phải riêng anh mà có lẽ mọi người cũng nghĩ như vậy, thơ của bà không bao giờ phai nhạt trong tâm trí chúng ta. Trong bài thơ của bà Huyện Thanh Quan thực tế là cảnh trong thơ bà cũng không phải là cảnh nữa, mà là tình cảm, cuộc sống. Tình cảm của bà là sự nhớ thương da diết đối với quá khứ vàng son đã một đi không trở lại nhà thơ Lê Thanh Sơn đã thấu hiểu được điều đó nên anh viết:
“Nhân hậu thủy chung ngời khắp xóm
Đảm đang son sắt tỏa muôn nhà”
Một lần nữa nhà thơ đã chứng minh điều đó là một tư tưởng suy nghĩ đúng bản chất bài thơ của bà. Bà là một người phụ nữ dù tuổi đời ngắn ngủi song là một điển hình mẫu mực về phẩm giá, đạo đức của người phụ nữ về “Công- dung- ngôn - hạnh”
Cuộc sống là như vậy, cũng chính tạo hóa sinh ra như vậy biết bao nhiêu thay đổi qua những biến cố trong tự nhiên cũng như con người gây ra, cho dù thay đổi đến đâu đi chăng nữa thì cũng không thể thay đổi được nghệ thuật hết sức điêu luyện trong thơ của bà về niêm luật đều luật đều chặt chẽ mà không gây cảm giác gò bó, sắp xếp cố ý.Tấm lòng của bà, phẩm giá của bà mãi mãi không bao giờ thay đổi được:
“Biết bao biến cải trong trời đất
Phái đẹp lòng luôn giữ thuận hòa”
Quả đúng vậy thái độ trong thơ của Bà Huyện Thanh Quan cũng như nhiều nho sĩ cùng thời không mang tính cách chính trị, mà chỉ mang tính cách tâm tình là chủ yếu, nên sức sống của thơ bà hết sức mãnh liệt, trường tồn mãi với thời gian.
Nhà thơ Lê Thanh Sơn là một người ngưỡng mộ và am hiểu sâu sắc thơ của bà một cách thực thụ.
Cảm ơn nhà thơ Lê Thanh Sơn về một bài thơ hay.
21/12/2014