PDA

Xem phiên bản đầy đủ : Đọc bài thơ “Tứ đại đồng đường”



Nắng Xuân
01-01-2015, 03:35 PM
ĐỌC BÀI THƠ “TỨ ĐẠI ĐỒNG ĐƯỜNG”
CỦA CHỊ NGUYỄN THANH LAN

Đọc bài thơ “TỨ ĐẠI ĐỒNG ĐƯỜNG” của chị Nguyễn Thanh Lan, cảm xúc đầu tiên của tôi là ngưỡng mộ. Một bà, một mẹ sống hòa thuận cùng hai đời cháu chắt. Đó là lý do tại sao tôi họa nương vận dù biết là bộ vần của chị viết không hề dễ xơi. Chị Nguyễn Thanh Lan cũng là người bạn tri kỷ về thơ ĐL mà tôi mến mộ ngay từ những ngày đầu thành lập CLB (nay là Chi hội) thơ Đường luật TPCT (2005).

Hãy lắng nghe tiếng reo vui thỏa mãn của hạnh phúc xen lẫn niềm tự hào trong hai câu mở đề của chị: “Tứ đại đồng đường quý biết bao/ Một nhà đông đúc thấy vui sao”. Thật vậy! Hạnh phúc của người già là thấy con cháu quây quần, hòa thuận, hạnh phúc của mẹ cha là nhìn thấy cháu con thành đạt. Không phải chị nắm bắt được mà chính chị sống trong niềm hạnh phúc ấy và không thể không bật ra thành tứ thơ hay.

“Gia đình là tế bào của xã hội”, gia đình hạnh phúc góp phần cho xã hội phồn vinh nên việc nuôi dạy con là một thiên chức nhưng đồng thời cũng là nhiệm vụ của lớp người đi trước: “Dạy con – Mẹ cất lời êm ái/ Dỗ chắt – Cụ ru giấc ngọt ngào”. Đẹp làm sao tấm lòng những người mẹ, người chị, đại biểu xứng đáng cho những người phụ nữ VN “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” suốt đời vất vả, siêng năng việc đời, việc nhà, chăm sóc cho chồng, cho con rồi đến khi tuổi già bóng xế vẫn tiếp tục chăm lo cho cháu chắt. Chị đã mượn những hình ảnh thực tiễn trong cuộc sống để đưa vào cặp câu THỰC của mình. Hãy hiểu DẠY DỖ của chị theo nghĩa rộng mới thấy sự chắt lọc ngôn từ của nhà thơ tinh tế thế nào! Tuy nhiên, nếu thay GIẤC bằng Ý trong câu 4 sẽ chỉnh đối hơn về quan hệ từ tương ứng trong câu (LỜI của MẸ, nhưng GIẤC lại của CHẮT).

Dù không còn khỏe, không đủ sức lực sung mãn để đỡ đần con cháu mãi, nhưng kinh nghiệm sống của bà, của mẹ cha quyện vào với nền nếp văn hóa truyền thống chính là những kho sách quý (ân đức) dành cho đời sau vận dụng và tiếp nối: “Chỉ lối soi đường, ân đức đậm”

Ngược lại, cùng với sự kính trọng, lòng biết ơn, lớp trẻ đang thể hiện lòng hiếu đễ, đền ơn sinh thành, dưỡng dục: “Dâng cơm dìu bước, nghĩa tình cao”. Tôi không cho chữ “CAO” chị Nguyễn Thanh Lan dùng ở đây là phù hợp và chí ít cũng không rõ ràng là dùng cho ai ở câu này? Theo tôi có thể viết: “Chỉ lối soi đường, ân đức vọng/ Dâng cơm dìu bước, nghĩa tình trao” sẽ thoát nghĩa hơn và đồng thời tránh bệnh thượng vỹ khi 5 câu có hậu tố là tính từ (3, 4, 5, 6, 7). Nhưng dù muốn dù không, người đọc vẫn hiểu được phần LUẬN chị muốn nói đến ân đức của mẹ cha và ơn đền nghĩa trả của con cháu. Chị không cần viết “trên kính, dưới nhường” cũng không có từ nào đả động đến cụm từ “nương dựa” nhưng qua tứ thơ mộc mạc người đọc vẫn thấy nề nếp gia phong thấp thoáng đâu đây.

Điều tôi vừa nhắc đến càng được khẳng định rõ ràng trong câu tiếp theo: “ Đầu xanh hớn hở bên đầu bạc”. Niềm vui quấn quýt của bốn thế hệ khéo léo thể hiện trong hai chữ “hớn hở” và phép tiểu đối XANH và BẠC ở câu 7 như cái nhịp dẫn để câu 8 vươn lên, bay cao hơn “Ngũ đại đồng đường, vẫn ước ao!”. Thật tuyệt vời ! Lối điệp ngữ không hề làm hẹp ý thơ mà sảng khoái như một tất yếu. “Ngũ” ở đây không đơn thuần là một mơ ước mà nó thật sự là nỗi khát vọng cháy bỏng, không chỉ là sự vui vầy đông đúc, đầm ấm theo quy luật phát triển mà nó còn là nguyện vọng muốn bà (mẹ của chị) sống lâu hơn để hưởng phúc của đời và để con cháu được đền ơn đáp nghĩa. Đây chính là điểm sáng, là dấu ấn riêng trong tác phẩm của chị Nguyễn Thanh Lan.

Về nghệ thuật, bài thơ không trau chuốt, cầu kỳ, nhưng chính vì vậy nó lại chân thành và lắng đọng. Bố cục chắc, đối khá chỉnh, ngoại trừ quan hệ từ trong cặp THỰC chưa cân thì phép đối được tuân thủ nghiêm ngặt, đặc biệt cặp KẾT rất sâu. Nhược điểm chính đáng chú ý là bộ vần 4 chữ không dấu mà chỉ có một dấu huyền. Ngoài ra, chữ ƯỚC AO chết vận và NGỌT NGÀO (chữ cuối là hư tự) chỉ có một lựa chọn khác có nghĩa là NGẠT NGÀO; BAO và SAO là thán từ (nên khó cho bạn thơ nếu muốn họa).

Cám ơn chị rất nhiều về tứ thơ độc đáo mang giá trị thông điệp sống giàu ý nghĩa này. Chúc chị ngày càng có nhiều tác phẩm hay.


Cần Thơ, ngày 13.12.2014
Nguyễn Thanh Toàn




TỨ ĐẠI ĐỒNG ĐƯỜNG

Tứ đại đồng đường quý biết bao
Một nhà đông đúc thấy vui sao
Dạy con – Mẹ cất lời êm ái
Dỗ chắt – Cụ ru giấc ngọt ngào
Chỉ lối soi đường, ân đức đậm
Dâng cơm dìu bước, nghĩa tình cao
Đầu xanh hớn hở bên đầu bạc
Ngũ đại đồng đường, vẫn ước ao.

Nguyễn Thanh Lan



Bài họa nương vận:
BỐN THẾ HỆ SUM VẦY

Tứ đại quây quần thỏa mãn sao
Êm đềm quả phúc đẹp dường bao
Chồi nương cội cả luôn đầm ấm
Bóng tỏa mầm xuân vẫn ngạt ngào
Nghĩa lý ân cần xuôi biển rộng
Tâm hồn nhã nhặn vút trời cao
Niềm tin hứa hẹn vun bồi mãi
Ngưỡng mộ xa gần phải khát khao.

Nguyễn Thanh Toàn

buixuanphuong09
01-01-2015, 09:31 PM
TỨ ĐẠI ĐỒNG ĐƯỜNG

Tứ đại đồng đường quý biết bao
Một nhà đông đúc thấy vui sao
Dạy con – Mẹ cất lời êm ái
Dỗ chắt – Cụ ru giấc ngọt ngào
Chỉ lối soi đường, ân đức đậm
Dâng cơm dìu bước, nghĩa tình cao
Đầu xanh hớn hở bên đầu bạc
Ngũ đại đồng đường, vẫn ước ao.

Nguyễn Thanh Lan





ƯỚC AO





Hợp quần tứ đại quý nhường bao



Một tấm gương đời rạng rỡ sao



Chữ NHẪN khuyên con lời dịu mát



Từ NGOAN dạy chắt ý thơm ngào



Vun bồi vững gốc ân tình nặng



Gìn giữ xanh cành hiếu nghĩa cao



Cội tỏa hương trầm ngàn nỗi ước



Cây nhuần lộc biếc vạn niềm ao.





BXP



Tôi rất tâm đắc với những bài cảm nhận thơ của Nắng Xuân, cóp hết về máy, in ra để những lúc không vào máy được thì đọc, nghiền ngẫm mà học. Cảm ơn Nắng Xuân rất nhiều. Nhân đây cũng mạnh dạn họa đôi vần, nhờ Nắng Xuân xem giúp.

Nắng Xuân
02-01-2015, 07:58 AM
Bài họa tốt Huynh kính mến ạ. Tuy vậy, như Đệ đã nói trong bài BÌNH:
1) NGỌT NGÀO chỉ có một phương án để họa là NGẠT NGÀO (vì chữ NGÀO là hư tự). Huynh HỌA như trên coi như họa TÁ VẬN thôi, nhưng NGÀO của Huynh là động từ (Ngào Đường), vì vậy THẤT ĐỐI mất rồi. Huynh sửa: CHỮ NHẪN KHUYÊN CON LỜI DỊU GIỮ thì OK.
2) Chữ AO của tác giả bài Xướng cũng TỬ VẬN, nên bài Đệ HỌA phải nương một vận là thế (chữ khác, nhưng lại đồng nghiã với bài Xướng). Chữ AO trong bài họa của Huynh ép vào nghĩa ƯỚC AO thôi ạ. Gợi ý cho Huynh câu cuối: CÂY NHUẦN LÁ BIẾC LỘC TRỜI TRAO.
Trân trọng.

buixuanphuong09
02-01-2015, 09:20 AM
Cảm ơn Nắng Xuân.

Đọc bài bình của đệ huynh thấy khoái nên họa được ngay, khổ nỗi huynh dốt ngữ pháp quá. Từ AO lại là tử vận, cứ chết ngộp với nó nên không nẩy được ý hay. Huynh cũng đã nghĩ đến từ TRAO nhưng chưa xếp được câu, đành cứ tạm gò ép, nhờ đệ gợi ý. Tuy nhiên, câu cuối đệ gợi ý rất hay, nhưng từ GIỮ thì không ổn vì nó vừa trùng từ lại mắc lỗi phong yêu. Phân tích của đệ cho huynh nhiều sáng tỏ: “Nếu gặp tử vận thì chỉ có cách họa tá vận chứ không nên gò ép”. Huynh chưa tìm được từ nào khác từ GIỮ nên chưa sửa được.
Huynh dừng Sưu tập, quyết tâm trở lại với thơ, nhờ đệ giúp đỡ.

BXP

buixuanphuong09
02-01-2015, 09:32 AM
Bài sửa mới:

ƯỚC AO



Hợp quần tứ đại quý nhường bao

Một tấm gương đời rạng rỡ sao

Chữ ĐỨC khuyên con lời dịu giữ

Từ NGOAN dạy chắt ý thơm ngào

Vun bồi vững gốc ân tình nặng

Chăm bón xanh cành hiếu nghĩa cao

Cội Phúc nâng niu cầu nối nhịp

Cây nhuần lá biếc lộc trời trao.



BXP