PDA

Xem phiên bản đầy đủ : Đọc bài thơ " ĐÂU XA TRƯỜNG SA ƠI"



Nắng Xuân
28-03-2015, 09:21 PM
Nhà giáo Nguyễn Thị Thành (nhà thơ Thanh Huyền) vừa làm Lễ Khánh thọ 75 tuổi. Sức khỏe của cô không còn sung mãn như xưa, nhưng những tác phẩm của cô luôn tươi trẻ, đều đặn xuất hiện trên văn đàn. Lớp trẻ chúng tôi luôn hướng về cô với tấm lòng ngưỡng mộ bởi cô không chỉ là tấm gương ở năng lực sáng tác, nỗi đam mê mà còn là hình tượng mẫu mực trong lối sống.

Cô Thành vẫn thường tâm sự về niềm đam mê sáng tác của mình. Tuổi của cô không còn thời gian và sức lực nhiều để đi đó đi đây, cô tìm cảm hứng khi nghe tin tức thời sự, đọc sách báo, đọc truyện và trao đổi cùng các bạn văn chương. Bí quyết đơn giản nhưng hiệu quả đó đã cho cô những tác phẩm mang hơi thở của nhịp sống thời đại không dẫm phải dấu chân chính mình và trùng lắp với các tác giả khác. Bài thơ ĐÂU XA TRƯỜNG SA ƠI là một ví dụ. Đây một bài thơ hay được in trong Tuyển tập Thơ ca Ninh Kiều 15 năm của CLB.

Bài thơ mường tượng về một nhân chứng sống đã từ lâu mong mỏi và đây chính là dịp đầu tiên ra tận Trường Sa nên tâm trạng người đi rất hào hứng: “Biển xanh con sóng bạc đầu / Bâng khuâng háo hức chuyến tàu ra khơi / Trường Sa tiếng gọi tim tôi / Nghe hồn Tổ quốc gọi mời thiết tha”. Ở đây, hai câu đầu đã lặp lại gián tiếp BIỂN và KHƠI, không cần thiết. Theo tôi, nếu “Khát khao/ Nôn nao/ Lao xao/ Xôn xao… => con sóng bạc đầu” sẽ tăng tính nhân hóa hơn chăng? Câu ba và bốn có hai từ “GỌI”, nếu thay bớt “VỌNG” ở câu trước thành: “Trường Sa tiếng VỌNG tim tôi” sẽ không bị điệp từ. Việc lựa chọn từ ngữ tinh tế ở hai câu sau: “TIM” của cá nhân hòa quyện trong nhịp đập chung “HỒN” của Tổ quốc, đã che mờ khiếm khuyết nhỏ ở hai câu trước. Tình yêu Tổ quốc đã thấm vào tim để "MỜI GỌI" nên mỗi người dân nước Việt đều mong dến với Trường Sa. Tham khảo những sáng tác khác tôi thấy: trong bài hát “BIỂN HẸN CÀ MAU” của Thế Song ta bắt gặp “Biển xanh xanh nhấp nhô con sóng bạc đầu”. Nhà thơ Minh Tâm (DakLak) cũng từng viết trên trang lucbat.com như sau: “Biển xanh nghiêng hứng giọt sầu/ Nhấp nhô con sóng bạc đầu nhớ nhau” khá hình tượng.

Nỗi nhớ, niềm thương cùng với lòng biết ơn sâu sắc của nhân vật bất chợt trào dâng trong khoảnh khắc thiêng liêng, trang trọng thắp hương tưởng niệm những liệt sĩ trước đây đã nằm lại vì bảo vệ phần máu thịt xa xôi của Tổ quốc: “Thắp nén hương giọt lệ sa / Vòng hoa tưởng niệm trăng tà nghiêng soi / Biển xanh thăm thẳm trùng khơi / Nắm xương gửi lại nước trời gió mây”. Theo tôi câu “Thắp nén hương, giọt lệ sa” tác giả đã chưa đẹp ý để sử dụng tiểu đối, vì nếu đảo ngữ “Nén hương thắp, giọt lệ sa” thì tiểu đối thuyết phục hơn và cấu trúc câu thống nhất hơn bởi “NÉN HƯƠNG” và “GIỌT LỆ” đều là hai đối tượng bị động mà chủ thể chính là nhân vật, sẽ hòa hợp với toàn bộ tổng thể của khổ thơ. Ngoài ra, luật thơ không bị phá cách ở chữ thứ hai nên sẽ êm tai, dễ ngâm, dễ đọc hơn. Cụm “Trăng tà nghiêng soi” là hình ảnh đẹp nhưng ở trường hợp này càng làm tăng tính trang trọng cho nghi lễ dâng nhang. Đặc biệt t/g sử dụng cụm có tới bốn danh từ “nước trời gió mây” cho ta thấy sự nhỏ nhoi của mỗi phận người, mỗi cuộc đời trước cái to tát mênh mông của Tổ quốc, của đất trời sông núi mà chúng ta phải gìn giữ, dựng xây. Giá trị hơn là dẫn dắt người đọc liên tưởng đến quy luật kết hợp nhau, gắn kết nhau, bổ sung nhau… của vạn vật mà trong đó những mối liên hệ đại diện như đất liền với hải đảo, người đi và người ở luôn có mối liên kết bền vững, không thể tách rời.

Hãy cảm nhận sự đầm ấm, thân thương của ngôi KHÁCH (người đi thăm) với ngôi CHỦ (những người lính đảo hôm nay đang gìn giữ chủ quyền thiêng liêng) ở những câu thơ: “Ấm lòng tay nắm bàn tay / Trao nhau san sẻ những ngày gian lao / Hải đăng sừng sững trên cao / Vườn rau tươi mát một màu xanh khơi”. Tại sao không phải “NẮM” rồi mới “ẤM”? Chất nghệ sĩ trong tâm hồn tác giả bất chợt thăng hoa để phát hiện thấy sự ý vị đồng thời thấu triệt tình cảm ở đây. Chưa “NẮM” mà đã “ẤM” bởi sự thân thuộc đã trở thành tất yếu. “NẮM” không còn là cái bắt tay xã giao thông thường mà chính là truyền hơi “ẤM”, nhiệt huyết, sự cảm thông,… là trao gửi tình cảm giữa những người thân.

Tác giả đã hóa thân vào nhân vật, nói giùm cảm xúc của muôn triệu người. Mỗi câu thơ, mỗi nỗi niềm tâm sự thực sự là những rung cảm thiêng liêng, thầm kín được nén lại và bừng cháy: “Trường Sa không thể tách rời / Đất liền nối đảo vạn lời yêu thương / Các anh không tiếc máu xương / Ngày đêm canh giữ quê hương an lành”. “Đất liền nối đảo” không còn là suy nghĩ của riêng tác giả mà đã thành khẩu hiệu chung của văn nghệ sĩ và mọi giới ngành trong cả nước, thành phương châm sống, lý tưởng sống của lớp trẻ hôm nay. Sự hy sinh của người lính nơi đầu sóng luôn là chủ đề nóng thôi thúc nhiều người chú ý. Trong “TỔ QUỐC NHÌN TỪ BIỂN” nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã viết: “Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả/ Những chàng trai ra đảo đã quên mình”. Còn trong bài thơ “HÁT VỀ ĐẢO CHÂN MÂY”, Nguyễn Hồng Oanh lại có cách nhìn khác: “Biển quê mình đẹp mãi màu xanh/ Màu của lính thắm tình đất nước”.

“Trường Sa như bóng với hình / Nghe trong vị mặn thắm tình nước non”. Hai câu kết không những là lời hứa hẹn của đất liền với đảo xa mà còn như một lời khẳng định hùng hồn chủ quyền bất khả xâm phạm. Hình tượng “BÓNG với HÌNH” cũng chính là quyết tâm một mất một còn của cả dân tộc trước bất kỳ một thế lực hiếu chiến nào. Không hẹn nhưng chắc nhiều người trong chúng ta khi đọc bài thơ này cũng sẽ liên tưởng đến những câu thơ sang sảng trong “Nam Quốc Sơn Hà” của danh tướng Lý Thường Kiệt bên sông Như Nguyệt năm nào. "VỊ MẶN" đây là do MUỐI biển, NƯỚC MẮT, MỒ HÔI hay là MÁU? Hãy để cho độc giả cùng suy tưởng mà trầm lắng trong ý thơ đa nghĩa của tác giả.

Nhìn chung đây là bài thơ hay, bố cục liền lạc, diễn tiến theo trình tự một chuyến hành trình, các thủ pháp nghệ thuật thoắt ẩn thoắt hiện, liên tục đan xen, vừa bổ sung nhau vừa hòa quyện vào nhau rất sâu sắc, tinh tế. Viết về biển đảo là một đề tài khó, rất nhiều tác giả viết và đã viết hay, nên không dễ khi tìm một ý tưởng mới. Lối diễn đạt như chuyện kể của cô Thành là một lựa chọn khôn khéo. Việc sử dụng nhiều từ láy: bâng khuâng, háo hức, thiết tha, thăm thẳm, sừng sững có tác dụng biểu cảm cao, nâng âm điệu và tạo sắc thái riêng cho bài thơ. “ĐÂU XA TRƯỜNG SA ƠI” bởi Trường Sa đã quyện vào máu vào tim mỗi chúng ta.

Cám ơn nhà giáo, nhà thơ Nguyễn Thị Thành và cầu chúc cô sống lâu, sống khỏe mạnh, cùng với những đứa con tinh thần của mình tiếp tục tỏa sáng trên văn đàn và trong thực tiễn cuộc sống. Trân trọng cám ơn quý vị đã quan tâm theo dõi.

Cần Thơ, ngày 25 tháng 3 năm 2015
Nguyễn Thanh Toàn


https://scontent-hkg.xx.fbcdn.net/hphotos-xap1/v/t1.0-9/s720x720/13780_1037329756297227_790459843903578242_n.jpg?oh =6e6ed925bbc387024d469fe5300e3381&oe=55B68E51