PDA

Xem phiên bản đầy đủ : Đến với bài thơ “DẬY NIỀM TIN” của tác giả Thái Văn Mùi



Nắng Xuân
26-04-2015, 10:23 PM
ĐẾN VỚI BÀI THƠ “DẬY NIỀM TIN” CỦA TÁC GIẢ THÁI VĂN MÙI


https://scontent-nrt.xx.fbcdn.net/hphotos-xap1/v/t1.0-9/s720x720/988918_1053784107985125_4575437272269283218_n.jpg? oh=16a9d5057b3195f56ffabbe37e345c56&oe=55DF9FF3

Nhà thơ Kim Liên (Thái Văn Mùi) là một trong những cây viết sung sức của Chi hội Thơ Đường Luật TP. Cần Thơ. Thơ Đường luật TNBC của anh khá chắc và đều tay với nhiều mảng đề tài rộng như thơ tình, triết lý sống, ca ngợi truyền thống lịch sử hay danh nhân, đôi khi mỉa mai, châm biếm những thói hư tật xấu ở đời, nhưng thường sâu lắng nhất là những bài viết về Huế (quê hương anh). Bài thơ DẬY NIỀM TIN không những là lời động viên chân thành mà nó còn là sự chia sẻ, cảm thông sâu sắc của tác giả với những mảnh đời thiếu may mắn.


Ngẩng mặt lên em với mọi người
Khổ đau nào cũng sẽ qua thôi
Hai câu mở trực khởi gói gọn chủ đề của bài thơ. Nhân vật mà tác giả nói tới không hẳn là một đối tượng mà có thể rộng mở. EM là một đời kỹ nữ gian truân hay EM là một đứa trẻ lang thang cơ nhỡ? Cũng có thể EM là một mảnh đời lao động cần lao? EM là một người lỡ vận thuở nào? EM có thể là một hoàn cảnh bị đối xử bất công trong quá khứ? EM là người xa lạ hay là thân thuộc?… Tác giả không cần nói ra mà để tự độc giả chiêm nghiệm rồi gắn cho đối tượng mà mình thương cảm. Đây là cách viết khéo mà tôi rất thích. Xu hướng viết đa nghĩa lạ ở dòng thơ Đường luật, nhưng lại khá phổ biến trong thơ tự do ngày nay. Cuộc đời ai chẳng có những bước thăng trầm, ai chẳng trải qua gian lao, vất vả, thậm chí có phen tủi nhục! Bất cứ hoàn cảnh nào mà người ta không bán rẻ nhân cách, lương tri thì dù cuộc sống nghèo hèn cơ cực là mấy cũng có quyền ngẩng cao đầu.


Hãy đưa chân bước quanh đường phố
Để thấy mình đi giữa cuộc đời
Hai câu thực không hẳn là lời khuyên mà tiếp tục triển khai ý từ câu mở. Nếu MỞ là “ngẩng đầu mà đi” hãnh diện mình không làm gì sai, mình đã cố gắng sống lương thiện, suy nghĩ đúng nhưng số phận không may trong quá khứ mà thôi thì ở THỰC vẫn tiếp tục “thẳng lưng mà bước” tới những nơi cần tới và nên tới. Hơn thế nữa, hai câu THỰC còn khẳng định sự hùng hồn lẽ sống công bằng, cái quyền được sống bình đẳng giữa cộng đồng của mọi công dân lương thiện.


Lấy lại niềm tin từng rực cháy
Quên dần quá khứ đã thầm trôi
Cặp LUẬN đích thực là KẾT QUẢ được gặt hái từ GIẢI PHÁP được đưa ra từ cặp THỰC. Đây cũng là sự khích lệ, động viên của tác giả đối với nhân vật. Hãy khảng khái, vững tin vào hiện tại, vào tương lai tích cực để quên đi quá khứ tiêu cực đã phải trải qua. Tuy nhiên, câu 8 tác giả chưa giải quyết ổn thỏa sự biểu đạt ý đồ do chữ “THẦM” còn lúng túng, gây sự khó hiểu cho độc giả. Nếu viết “Quăng vèo quá khứ đã dần trôi” hay viết lại cả hai câu “Lấy lại niềm tin hừng hực cháy/ Quên dần quá khứ bẽ bàng trôi” thì theo tôi sẽ gãy gọn hơn hẳn. Bởi vì nếu quá khứ “không đẹp” kia “THẦM TRÔI” thì cũng chẳng có gì phải khắc khoải, lăn tăn do cái “không đẹp” kia cũng chỉ nhẹ nhàng, không hằn vết sâu trong ký ức để cho nhân vật kia phải bùi ngùi, và người làm thơ phải ái ngại.


Đem lòng rộng mở cùng bè bạn
Và nở trên môi một nụ cười.
Cái KẾT có hậu vạch ra một tương lai tươi sáng và hé mở một chút đủ kín đáo về mối quan hệ giữa nhân vật với người làm thơ. Việc sử dụng tới ba từ dấu huyền làm nhịp điệu hơi vướng ở câu 7. Một cái KẾT định hướng khá đẹp song theo thiển ý của tôi sẽ càng đẹp hơn nếu không bị chữ MỘT dù là ước lệ nhưng khá hẹp. Tại sao không là “NHỮNG” mà chỉ có “MỘT NỤ CƯỜI” ?

Liên hệ trong nền văn học nước nhà, rất nhiều thi sĩ, trong đó ba trường hợp điển hình, trước là Xuân Diệu, Thái Can và sau đó là Tố Hữu đã cảm thông với những mảnh đời hồng nhan. Nếu sự cảm thông của Xuân Diệu chỉ dừng ở chỗ hóa thân vào nhân vật để trần tình (Lời kỹ nữ); Thái Can lại động viên nhân vật “Đứng dậy” để “ngạo với nhân gian” (Cảnh đoạn trường) thì nhà thơ cách mạng Tố Hữu đã mở ra hướng đi cho nhân vật, đưa “Cô gái Sông Hương” đến cuộc sống mới ở tương lai với “một vườn đầy xuân”. Ở tác giả TVM, ngoài sự cảm thông, khuyên nhủ còn thể hiện sự sẻ chia, trân trọng.

Nhận xét chung bài thơ nhẹ nhàng, dung dị, từ ngữ khá thoải mái, không hề gò bó theo chính luật hay nề hà các lỗi bệnh thông thường (hạc tất_c3, nữu_c4, phong yêu_c2, phạm đề_c5, điệp thanh_c7, tiểu vận_c8), tác giả cũng không cầu kỳ trong việc sử dụng các thủ pháp nghệ thuật nhưng bố cục bài thơ khá tươm tất, ý thơ tròn trịa, chỉnh đối và đặc biệt nội dung giá trị ẩn chứa thông điệp giàu tính nhân văn tới cuộc đời. Bộ vần tuy không trau chuốt cho tròn vận nhưng sự hoán đổi dấu thanh xen kẽ đã đem lại hiệu ứng tích cực về thanh điệu. Tác giả TVM cũng chính là một trong những bạn thơ tri kỷ mà tôi thường xuyên chia sẻ và trao đổi. Gánh nặng mưu sinh thường không cho phép anh dành nhiều thời gian cho thơ nhưng thơ anh thật sự là những kết quả từ sự kiên nhẫn lao động trí tuệ một cách nghiêm túc. Những vần thơ của anh giàu nhạc điệu, trữ tình, mang phong thái chững chạc, nội dung gần gũi và thường gửi gắm những thông điệp sống đầy ý nghĩa. Các bạn yêu thơ luôn chờ đón và nâng niu những sáng tác của anh.

Trân trọng cảm ơn tác giả và các thi hữu đã dành thời gian quý báu cùng tôi khám phá và trải nghiệm những góc độ tiếp cận khác nhau của ngôn ngữ thơ.


Cần Thơ, ngày 25 tháng 4 năm 2015
NGUYỄN THANH TOÀN


https://scontent-nrt.xx.fbcdn.net/hphotos-xap1/v/t1.0-9/s720x720/10421187_1053785497984986_2655213539720379072_n.jp g?oh=9a2e470484b75b42432788b1247bd4b3&oe=55DA3F80