PDA

Xem phiên bản đầy đủ : Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu - Duyên nợ với thơ ca



thylan
30-06-2015, 09:56 AM
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu - Duyên nợ với thơ ca

Bước vào con đường sáng tác kể từ sau Cách mạng Tháng Tám thành công, chàng thanh niên 21 tuổi Phan Huỳnh Điểu (ảnh) nhanh chóng được quần chúng biết đến với tác phẩm đầu tay Giải phóng quân (1945).
Thế nhưng trong hàng trăm sáng tác của ông, có lẽ thấm vào lòng người sâu đậm và lâu dài nhất vẫn là những ca khúc trữ tình phổ thơ vừa đằm thắm vừa đượm tính nhân văn.

http://image.phunuonline.com.vn/news/2012/20121007/fckimage/13495512601.jpg

Trước năm 1945, khi đang học phổ thông, cậu bé Phan Huỳnh Điểu đã rất thích thơ, bên mình luôn có một quyển sổ chép thơ Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Huy Cận, Thế Lữ, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính… Khi ấy, cậu đã ý thức rằng nếu được âm nhạc chắp cánh, thơ sẽ thêm bay cao bay xa. Vì chưa biết sáng tác, cậu không thể phổ nhạc được những bài thơ hay mình yêu thích nhưng vẫn luôn trăn trở về sự “hôn phối” thơ - nhạc.

Lớn lên khi biết sáng tác, năm 1946, Phan Huỳnh Điểu thử phổ nhạc một bài thơ Những người đã chết (Tế Hanh) nhưng không thành công. Năm 1949, ông phổ bài thơ Điệu buồn (Huy Cận) có khá hơn. Sau đó, thỉnh thoảng ông lại chọn thơ để phổ nhạc nhưng ít phổ biến, phải đến thời kháng chiến chống Mỹ và từ khi thống nhất đất nước, ca khúc phổ thơ của ông mới nở rộ thành công tốt đẹp.

Năm 1959, đọc bài thơ Bóng cây Kơnia (Ngọc Anh), Phan Huỳnh Điểu rất thích, đem phổ nhạc, nghe không màu sắc Tây Nguyên, đành bỏ dở tác phẩm. Từ 1964 đến 1970, ông đi B, ở chiến trường Tây Nguyên, thấm dần tiếng đàn, tiếng hát của bà con dân tộc. Sau đó trở ra Hà Nội, ông đọc lại bài thơ Bóng cây Kơnia, cảm xúc chợt dâng trào, dòng nhạc như tuôn chảy. Và ca khúc Bóng cây Kơnia ra đời vào tháng 8/1971. Qua giọng hát của cô ca sĩ trẻ người Bana Măng Thị Hội, bài hát này vang mãi vượt không gian và thời gian.

Cũng trong năm 1971, khi ở chiến trường ra, Phan Huỳnh Điểu phải vào nằm bệnh viện, đọc Bài thơ tình yêu (Dương Hương Ly). Ông rất thích đoạn cuối của bài thơ liền phổ nhạc thành ca khúc Cuộc đời vẫn đẹp sao, giai điệu lạc quan vui tươi ra đời ngay trên giường bệnh.

Đọc bài thơ Ngày và đêm (Bùi Công Minh) trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1972, Phan Huỳnh Điểu rất tâm đắc vì nó khá trùng hợp với hoàn cảnh thực tế lúc ấy của cậu con trai thứ hai của ông đang chiến đấu ở miền Nam, còn người yêu là cô giáo đang dạy học ở Hà Nội. Ông đem ra phổ nhạc, sử dụng tiết tấu hành khúc lạc quan, khỏe mạnh và ca khúc Hành khúc ngày và đêm ra đời, nhanh chóng đi vào quần chúng.

Năm 1973, ông lại phổ nhạc bài thơ Nhớ (Nông Quốc Chấn) với giọng Rê thứ nhẹ nhàng mang âm hưởng dân ca Bắc bộ duyên dáng, với niềm tin “Ai nhớ cứ nhớ / Ai đi cứ đi / Thắng giặc lại về…”. Cũng trong năm ấy, với nội dung “nhớ”, nhà thơ Thúy Bắc viết bài thơ Sợi nhớ sợi thương năm 1973 trong dịp đi thực tế ở chiến trường Trị Thiên. Đồng cảm với nhà thơ, Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc bài thơ thành ca khúc nổi tiếng cùng tên, với giai điệu thổn thức, nhớ thương.

Nhà thơ Hoài Vũ từng chiến đấu ở chiến trường Long An ven sông Vàm Cỏ Đông. Ông sáng tác rất nhiều bài thơ về nơi này trong đó có bài thơ Gửi miền Hạ, năm 1978 được Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc thành ca khúc Anh ở đầu sông em cuối sông. Sử dụng điệu thức Ai của dân ca Nam bộ, ông đã viết nên giai điệu của bài hát vừa tha thiết vừa sâu lắng, thể hiện tình yêu gắn bó của đôi nam nữ đang chiến đấu chống giặc ở hai đầu con sông quê hương.

Trong thời gian tiếp theo, liên tiếp Phan Huỳnh Điểu gặp mấy bài thơ hay về tình yêu và từ đó hình thành một số ca khúc đẹp. Năm 1979, ông viết ca khúc Tình yêu thì thầm phổ thơ Diệp Minh Tuyền; năm 1980 – ca khúc Thơ tình cuối mùa thu, thơ Xuân Quỳnh; năm 1983 – ca khúc Ở hai đầu nỗi nhớ, thơ Trần Hoài Thu… Nổi bật lên trong giai đoạn này là ca khúc Thuyền và biển phổ thơ Xuân Quỳnh. Chị viết bài thơ này vào những năm 1960 khi đang yêu đắm đuối và đau khổ trong cuộc tình tuyệt vọng. Sau gần hai thập niên, bài thơ tình tuyệt vời của chị được chắp cánh bay cao, bay xa qua bút pháp tài hoa của Phan Huỳnh Điểu. Trước khi Xuân Quỳnh mất ít lâu, ông có dịp gặp nhà thơ và được nhà thơ cho biết rất xúc động khi nghe ca khúc Thuyền và biển. Chị chỉ muốn xin giữ nguyên văn câu thơ “Nếu phải cách xa anh, em chỉ còn bão tố!”, mong các ca sĩ, nhất là nam ca sĩ, đừng đổi lại là “Nếu phải cách xa em, anh chỉ còn bão tố!”. Chị không muốn xóa đi kỷ niệm buồn đau của mình trong cuộc tình đã qua và theo chị chắc gì nam giới đã có được tình yêu đằm thắm, đắm say và có lúc “bão tố” như người phụ nữ!

Theo: Nhạc sĩ TRƯƠNG QUANG LỤC - SGGP