PDA

Xem phiên bản đầy đủ : Truyện ngắn- Trần Anh Dũng



Anh Dũng Trần
03-10-2015, 03:00 AM
LÁNG GIỀNG
Truyện ngắn Trần Anh Dũng

Liên tổ 2- 4 thuộc khu vực I, ấp Văn hóa Thới Thạnh nằm trên lộ Nam Sông Hậu. Ngày xưa, nơi đây là ruộng vườn sông rạch, nhà cửa thưa thớt. Muốn đi Cần Thơ, Sóc Trăng phải ra bến tàu mua vé. Chuyện đi lại rất khó khăn. Từ ngày có lộ Nam Sông Hậu, bộ mặt Thới Thạnh thay đổi hẳn. Nhà mới hai bên lộ mọc như nấm. Bà con mở quán tạp hóa, cà phê, bún phở... Cuộc sống nửa vườn nửa chợ tuy còn khó khăn nhưng được cái tình làng nghĩa xóm! Một buổi sáng, tổ giao thông công chánh lù lù chở tấm bảng khu dân cư đô thị tới cắm giữa ranh hai nhà Tư Định và Bé Ba. Dân bu lại xem. Người làm việc Nhà Nước giải thích: bắt đầu từ mặt trước tấm bảng này trở về cầu Cái Nai là Thị Trấn, sau bảng là nông thôn. Anh Bé Ba chen vào xem nghe câu được, câu mất nhảy cẫng lên:
- Nhà mình lên thành phố rồi…sướng quá ta ơi!
- Thằng Bé Ba hên thiệt- Một bà buột miệng- Trưa nay bây về mần gà vịt ăn mừng đi nha!
- Ủa, vậy nhà anh Tư Định còn nhà quê hả dì Hai?- Một người hỏi
- Thì sau tấm bảng là nhà quê chớ còn gì nữa!- Một ông khẳng định
Tư Định chấp hai tay sau đít đi tới đi lui. Chuyện Thới Thạnh lên Thị trấn, Tư Định biết từ lâu, vô tuyến, đài truyền thanh xã ngày nào mà chẳng nói, nhưng cái ranh thì sáng nay mới tỏ. Miệng Tư Định cười méo xệch.
Bữa tiệc nhà Bé Ba khá thịnh soạn. Dàn nhạc mướn từ Cần Thơ, có cả băng Pê đê xuống góp vui. Giọng Bé Ba khàn khàn, chạy lăng xăng hết bàn nọ đến bàn kia.
- Chúc mừng anh Ba!- Tư Định cụng ly pha trò- Từ nay tui bước một bước là tới thành phố rồi!
Cả bàn vui vẻ hò dô. Bữa tiệc kéo dài tới quá nửa đêm. Mấy hôm sau, cả gia đình Bé Ba bao một chiếc xe 16 chỗ đi thành phố chơi. Tiếng là đi thăm bà con, nhưng khi xe về, ai cũng thấy sắm đồ đạc lỉnh kỉnh. Nghe đồn toàn là hàng hiệu. Đang trong bữa cơm, vợ Tư Định buột miệng :
- Con vợ Bé Ba mặt kênh kênh thấy ớn. Bữa nay bày đặt diện váy xanh, váy đỏ nữa chớ. Váy một nơi người một ngả…
- Kệ người ta – Hàng ria mép Tư Định lại giật giật - Hơi đâu mà để ý chuyện hàng xóm láng giềng.
- Nhưng hôm qua chính tai tui nghe nó chửi ai đó trong điện thoại là cái đồ hai lúa, đồ nhà quê! Còn cố ý nói to cho mình nghe nữa chớ.
- Phách lối!
Vợ Tư Định bồi thêm:
- Mới bán công đất. Nó còn lớn tiếng là đất bên này lên giá gấp mấy lần đất bên kia, chỉ tay qua nhà mình điểm mặt đặt tên, tức muốn hộc máu.
- Quá lắm! - Tư Định buông đũa - Từ lúc ông Nhà nước cắm cái bảng phía trước, nhà nó nói toàn chuyện trên trời.
- Mẹ cấm tụi con qua bển hát hò, chơi bời với đám con nít mất dạy đó nghe - Vợ Tư Định hăm he mấy đứa con rồi quay sang chồng trề môi- Nay bày đặt mặc quần lửng, tóc cắt hai lai, nhuộm tóc, ra vẻ ta đây là dân thành phố ăn chơi sành điệu…Hứ!
Vừa lúc ấy, vợ Bé Ba nói với qua, giọng khàn khàn sắc lẽm:
- Nhà ai có nuôi chó qua hốt dùm đống cứt chó đi. Tập sao khôn quá, cứ sang nhà hàng xóm ị không hà. Kiểu này hoài ai mà dám tới nữa!
Vợ Tư Định không nói không rằng, qua dọn đống phân chó xong, về xích con Ki lại, vừa đánh chó vừa mắng mỏ:
- Mày không được chạy qua bên kia nữa nghen hông. Ở bển là thành phố đó, không có chỗ cho cái đồ hai lúa, nhà quê tới đâu. Đất vườn nhà này rộng cò bay thẳng cánh, thiếu gì chỗ cho mày…đánh cho mày chừa nè, đánh cho mày chừa nè!
- Ẳng, ẳng… ẳng ẳng!
Bé Ba đi đám giỗ ở trên Mái Dầm cũng vừa về tới, mặt đỏ phừng phừng. Vợ Bé Ba liền bước ra sân chửi xiên, chửi xéo chuyện đánh chó mắng mèo. Những chuyện cũ rích từ năm nảo, năm nào được lôi ra hâm nóng lên. Bên kia, vợ Tư Định cũng không vừa, ăn miếng trả miếng. Bà con lối xóm đứng xem đấu khẩu đông nghẹt. Sự việc trở nên trầm trọng khi con ma men trong người Bé Ba bốc hỏa lên, anh ta chộp lấy con dao xắt chuối chạy qua nhà Tư Định hỏi tội. Mọi người hoảng hốt la làng, nhưng không ngăn Bé Ba kịp. Tiếng la ó, tiếng cửa kính vỡ loảng choảng. Bên trong nhà, Tư Định cầm cây đánh trả lại. Hai bên bên buông vũ khí xáp lá cà, rồi rượt đuổi nhau chạy ra ngoài lộ vật lộn. Vợ con Tư Định, Bé Ba khóc tru tréo. Công an xã tới giữ hiện trường. Người ta khiêng Tư Định và Bé Ba lên xe chở đi bệnh viện cấp cứu. Cả hai bị thương. Nghe đâu Tư Định bị đứt gân cánh tay trái, còn Bé Ba bị thương ở đầu.

* *
*

Chuyện xảy ra đã lâu. Dấu gạch đỏ báo hết khu dân cư đã chuyển sang màu nâu. Nhưng từ bấy đến nay cả hai nhà “nước sông không phạm nước giếng”. Nhà nào cũng kín cổng cao tường. Sống khép kín. Vết sẹo trên mí mắt phải của Bé Ba hằn lên một đường dài, mỗi lần xỉn rượu nó có màu đỏ bầm. Tay trái của Tư Định tuy được nối gân thành công nhưng yếu hẳn đi thấy rõ, cầm vật gì hơi nặng là run run. Hồi trước, Tư Định và Bé Ba là bạn cùng xóm. Phần ruộng của hai người liền kề. Từ khi có tỉnh lộ đi qua, hai người cùng hiến đất, rủ nhau ra lộ cất nhà, tính chuyện buôn bán mong được đổi đời. Ai dè cái tấm biển báo ấy...
Nhà Bé Ba mở quán cà phê. Sáng nào cũng đông khách. Nhưng Tư Định lại thích uống ở quán gần cầu Cái Côn cách nhà khoảng năm cây số. Ở đây Tư Định có mấy người bạn thân cùng làm nghề thợ hồ. Thường ngày dân thợ hồ tụ tập sởi lởi, uống cà phê chớp nhoáng rồi ai mần việc nấy. Tối hôm qua dự đám ma một người bạn ở Kế Sách, Tư Định ngồi cùng bàn với Bé Ba. Hai người không thèm nhìn nhau chào hỏi. Mấy lần Tư Định muốn giả lả với láng giềng, nhưng lại thôi. Tính khí Bé Ba cũng khác hẳn, chùng xuống, trầm tư. Tư Định nhấp ngụm cà phê, nhíu mày vào nhau, cố xóa những hận thù lẽ ra không nên có. Người ta nói bán anh em xa mua láng giềng gần quả không sai. Ngần ấy năm qua, cả hai gia đình như đang ở trên bờ địa ngục của chiến tranh lạnh. Đất đai cha mẹ để lại không dễ bán phứt mà đi nơi khác. Suy cho cùng ở nơi đâu cũng nặng nề như nhau, nếu không giải quyết được cội rễ của vấn đề...
- Bớ người ta cứu...cứu!- Giọng phụ nữ la thất thanh - Có ai cứu con tôi...Bớ người ta...a...!
- Thằng nhỏ bị nước cuốn trôi kìa! - Nhiều người chỉ xuống sông la lớn.
Khoắng một cái, Tư Định đã nhảy ùm xuống sông, lặn một mạch. Sông Cái Côn là nhánh sông lớn từ sông Hậu chảy vào. Dòng chảy mạnh mỗi khi nước lớn. Sông đục ngầu phù sa. Lục bình kết bè, trôi thành từng đám. Tư Định trồi đầu lên định hướng, gắng rút những soãi tay đuổi kịp thằng Tâm đang chới với giữa sông, rồi kè nó xuôi theo dòng nước. Ở trên cầu, những người theo dõi vỗ tay râm ran động viên. Ngày xưa, Tư Định là tay bơi lội có tiếng ở vùng này. Lúc còn thanh niên, Tư Định đã từng lội qua sông Hậu như rái cá. Ông nội của Tư Định là dân vạn đò. Đến thời ba mẹ Tư Định, gần cuối đời mới gom tiền mua đất lên bờ sống, để con cháu khỏi thất học...
- Chạy nhanh xuống dưới đuổi theo người đang thả trôi kìa – Mọi người hối thúc chiếc xuồng đuôi tôm đang rẽ sóng ào ào tới.
Khi xuồng đuổi kịp, vừa kéo thằng nhỏ lên thì thấy Tư Định chìm dần rồi mất hút giữa những cái xoáy nước.

* *
*
Ấp Thới Thạnh hôm nay bỗng trở nên náo nhiệt hẳn lên. Hôm nay nhà Bé Ba mở tiệc ăn mừng. Hai người từ cõi chết trở về là thằng Út con trai Bé Ba và Tư Định. Có cả chính quyền ấp, thị trấn đến dự. Người nhà của gia đình Tư Định và Bé Ba chạy lăng xăng dọn bánh ngọt, rót trà mời khách. Mọi người í ới hỏi thăm, bàn tán về chuyện cứu người. Một ông già râu tóc bạc phơ nói như đinh đóng cột:
- Tại cái tay trái thằng Tư Định bị yếu, chớ sông Cái Côn mà nhằm gì nó. Hồi đó, chính mắt tui thấy nó lội qua lội lại sông Cái như cơm bữa. Sông rộng hơn cả cây số chớ chẳng chơi!
Hơn tám giờ sáng. Chiếc xe của bệnh viện huyện đỗ xịch trước nhà, mọi người cùng đứng dậy mừng đón. Cửa lùa xe vừa mở, vợ Tư Định và vợ Bé Ba bước xuống, hai người cùng dìu thằng Tâm- con trai út của Bé Ba vào nhà trước sự quan tâm, thăm hỏi của mọi người. Chợt tiếng vỗ tay, reo hò vang lên khi thấy Bé Ba bồng Tư Định Xuống xe. Tay trái Tư Định băng bó trắng toát. Bé Ba phân bua với mọi người rằng: không phải gãy xương mà là bị trật khớp, bác sĩ đã nắn sửa lại rồi…vài hôm nữa sẽ khỏi! Tư Định bá vai Bé Ba đi vào, miệng cười thật tươi. Nghe đâu hôm đó Tư Định được trên huyện tặng giấy khen gương dũng cảm cứu người và một phong bì. Hai gia đình vui lắm! Nhưng quan trọng hơn thảy là cả hai cùng ngộ ra một điều rằng: trong cuộc sống, không có tình cảm nào ấm áp, chân tình bằng tình làng nghĩa xóm!

Cần Thơ 11/2014



(Truyện được đăng Tuần báo Văn nghệ TP HCM- số 373/10/2015)