PDA

Xem phiên bản đầy đủ : Điển Xưa - Tích Cũ



Dạ Cổ Hoài Lang
28-11-2015, 09:19 PM
http://s30.postimg.org/g16eua8sh/image.jpg

Tích Lá Thắm - Chim Xanh


1. "Lá thắm" là lá đỏ, do chữ "hồng diệp".

Ngày xưa, triều vua nào cũng vậy, nhiều giai nhân tuyệt sắc trong nước bị tuyển vào cung làm cung hầu vua. Họ có đi mà chẳng có về, suốt đời chịu cảnh lạnh lùng, buồn duyên tủi phận gối lẻ chiếc bóng trong thâm cung. Chỉ có khi nào bị sa thải vì hết đẹp, vì già...

Ðời Ðường (618- 907), triều Hy Tông, có nàng cung nữ tên Hàn Thúy Tần cũng như bao cung nữ khác sống cô lạnh trong thâm cung. Buồn tủi cho số kiếp của mình, nàng thường nhặt những chiếc lá đỏ rồi đề thơ trên lá, thả xuống ngòi nước như mong nước trôi xuôi cuốn đi nỗi tâm sự u uất của mình:

Lưu thủy hà thái cấp,
Cung trung tân nhiệt nhân.
Ân cần tạ hồng diệp,
Hảo khư đảo nhân gian.

Tạm dịch:

Nước chảy sao mà vội,
Cung sâu suốt buổi nhàn.
Ân cần nhờ lá thắm,
Trôi đến tận nhân gian.

Chiếc lá chở bài thơ theo dòng nước chảy xuôi ra ngoài vòng cấm lũy. Lúc bấy giờ có người môn khách của quan Tể tướng Hàn Vinh tên Vu Hựu vốn người phong lưu tài tử, thơ hay chữ tốt, chỉ hiềm nỗi vận chưa đạt nên đành chịu sống nhờ nơi quan Tể tướng họ Hàn. Ðương thơ thẩn ngắm dòng nước chảy, Vu Hựu bỗng nhìn thấy chiếc lá có bài thơ, lấy làm lạ liền vớt lên xem. Cảm tình chan chứa với người gởi thơ lạ mặt, chàng cũng nhặt một chiếc lá, viết một bài thơ vào đấy, đợi dòng nước xuôi mới thả lá xuống cho trôi trở vào cung:

Sầu kiến oanh đề liễu nhứ phi,
Thượng đương cung nữ đoạn trường thì.
Tư quân bất cấm đông lưu thủy,
Diệp thượng đề thi ký giữ thùy.

Phan Như Xuyên dịch:

Nghe oanh thấy liễu chạnh lòng thương,
Thương kẻ trong cung lúc đoạn trường.
Chiếc lá đề thơ trôi mặt nước,
Gởi cho ai đó nói không tường.

Nàng cung nữ họ Hàn thường ngồi thơ thẩn nhìn dòng nước chảy, bỗng bắt được chiếc lá chở bài thơ của người không quen biết, vừa mừng, vừa lấy làm lạ, liền đem cất vào rương son phấn. Non mười năm sau, vua mới lên ngôi, sa thải một số cung nữ cũ, trong đó có Hàn Thúy Tần. Nàng đến ở tạm dinh quan Tể tướng họ Hàn là chú họ của nàng, để chờ chuyến thuyền trở về quê nhà. Gặp Vu Hựu, cả hai trò chuyện hợp ý tâm đầu. Tể tướng họ Hàn thấy cả hai xứng lứa vừa đôi nên làm mối cho kết thành duyên giai ngẫu. Ðêm tân hôn, Hựu chợt mở rương son phấn của vợ, thấy chiếc lá của mình ngày xưa, chàng cũng đem chiếc lá của mình vớt được, đem cho vợ xem. Cả hai lấy làm lạ, đoạn nhìn nhau âu yếm mĩm cười. Thì ra cả hai giữ hai chiếc lá của nhau, cho là duyên trời định. Cảm xúc cảm tình, cổ thi có bài - nhưng có sách lại cho bài sau này do Hàn Thúy Tần làm ra:

Nhứt liên giai cú tùy lưu thủy,
Thập tải ưu tư mãn tố hoài.
Kim nhựt khước thành loan phượng lữ,
Phương tri hồng diệp thị lương môi.

Nghĩa:
Một đôi thi cú theo dòng nước,
Mười mấy năm qua nhớ dẫy đầy.
Mừng bấy ngày nay loan sánh phượng,
Cũng nhờ lá thắm khéo làm mai

(Bản dịch của Vô Danh)

2. "Chim xanh" tức là chim báo tin.

Nguyên vua Võ Ðế đời nhà Hán đương ngự chơi ở vườn Thượng uyển, bỗng thấy có hai con chim xanh bay đến. Ðông Phương Sóc hầu bên tâu rằng:Nguyên vua Võ Ðế đời nhà Hán đương ngự chơi ở vườn Thượng uyển, bỗng thấy có hai con chim xanh bay đến. Ðông Phương Sóc hầu bên tâu rằng: "Đó là sứ giả của Tây vương mẫu đến trước báo tin Tây vương mẫu sắp đến." Quả nhiên, một lúc sau, Tây vương mẫu đến thăm nhà vua. "Chim xanh" được mượn chỉ sứ giả, người đưa tin.

Dạ Cổ Hoài Lang
29-11-2015, 11:41 AM
TÍCH
NGŨ LIỄU TIÊN SINH


Đào Tiềm là người nước Tấn, do chán cảnh quan trường nên lui về ở ẩn, làm nhà ở dưới tán của năm cây liễu, nên còn có biệt danh là Ngũ liễu tiên sinh.




http://s10.postimg.org/onbtt4cux/image.jpg

Chân dung Đào Tiềm do Trần Hồng Thu vẽ


Đào Tiềm thường kê giường nằm ngủ cạnh cửa sổ để hóng gió mát và tự cho mình là người của thời Đường Nghiêu - Ngu Thuấn, là thời kỳ thái bình thịnh trị trong huyền sử Trung Hoa thời cổ đại.

Ông lánh đời, tìm thú vui ở sách, ở rượu, ở ruộng đồng và làm văn để tiêu khiển, tỏ chí mình (Ngũ Liễu tiên sinh). Trở về với thiên nhiên, nhưng ông không không đơn thuần ngâm trăng vịnh gió, mà tâm tình ông bao trùm luôn cảnh thiên nhiên và cảnh thiên nhiên phản ảnh những điều ông ấp ủ trong lòng. Lấy bài nào cũng minh họa được ý ấy. Bởi thế, thơ điền viên của ông rất khác với thơ của những nhà thơ đồng thời hay sau ông, vì họ thường chú trọng màu sắc, âm thanh trong cảnh thiên nhiên...bằng những lời đẹp đẽ, ít có nội dung xã hội.

Đào Uyên Minh lúc đáng thì buồn, đáng vui thì vui...thật đúng là một con người sống mà vượt khỏi cái tầm thường của thế nhân. Con người ông, từ phẩm cách đến tính tình, tu dưỡng đều có quan hệ mật thiết với tác phẩm của ông...Lương Chiêu Minh thái tử nói rất đúng: "Những ai đọc được văn của Uyên Minh thì lòng sẽ chừa không dám tranh đua, ý keo kiệt sẽ tiêu tán, tham lam sẽ trở nên thanh khiết, hèn yếu sẽ trở nên tự lập".. Nói như Lỗ Tấn, "chính vì ông có nhân cách, nên ông mới vĩ đại".

Trước đây, nhiều người chỉ thấy ở Đào Tiềm là một "ẩn sĩ phiêu diêu ngoại vật"...nhưng theo Lỗ Tấn thì ông có nhiều bài thơ tích cực nữa, như những bài Vịnh Nhị Sơ, Vịnh Tam lương, Thuật Tửu...đều dính dáng đến sự đổi thay của triều đại thời đó.

"Ông sinh hoạt theo cảnh tự nhiên mà điềm đạm, ở trong cảnh nghèo mà vẫn lấy làm vui, lấy các thú ngắm núi sông cỏ cây để khuây khỏa nỗi buồn chán việc đời...Về văn từ, lời thơ ông bình thường, điềm đạm, mới đọc không lấy gì làm hay, làm lạ, nhưng ngẫm nghĩ kỹ mới thấy thú vị đậm đà." (Dương Quảng Hàm)

Ngũ Liễu tiên sinh quả là một con người Tự Do.



Nguồn Internet

Dạ Cổ Hoài Lang
29-11-2015, 12:20 PM
TÍCH
Điểu Tận Cung Tàng


"Điểu tận cung tàng" nghĩa là: khi chim đã chết thì người ta vất cung đi một nơi mà không dùng đến nữa. Nguyên câu Hán văn: "Giảo thổ tử, tẩu cẩu phanh; cao điểu tận, lương cung tàng; địch quốc phá, mưu thần vong". Nghĩa là: "Thỏ khôn chết, chó săn bị mổ thịt; chim bay cao chết, cung tốt vất bỏ; nước địch phá xong, mưu thần bị giết".

Nguyên đời Xuân Thu (722-479 trước D.L.), nước Việt và nước Ngô giao tranh. Vua Ngô là Phù Sai thất bại. Thế cùng lực tận và bị bao vây bức bách quá, định xin hàng. Phù Sai biết có hai bề tôi có uy quyền của Việt vương Câu Tiễn là Tướng quốc Phạm Lãi và Đại phu Văn Chủng, nên viết một bức thư, buộc vào mũi tên, bắn vào thành Việt, mong hai người tâu giúp vua Việt cho hàng. Quân Việt lượm được đệ trình lên Phạm Lãi và Văn Chủng. Thư ấy nói:

"Tôi nghe giảo thỏ chết thì chó săn tất bị mổ, địch quốc đã diệt thì mưu thần cũng chẳng còn. Sao quan Đại phu không lưu cho nước Ngô tôi còn lại một chút để làm cái dư địa sau này".

Nhưng Phạm Lãi và Văn Chủng không cho hàng. Cuối cùng Phù Sai tự tử.

Việt vương Câu Tiễn chiếm được nước Ngô, bày tiệc rượu trên Văn đài nước Ngô. Các quan vui say đánh chén nhưng Câu Tiễn lại có vẻ không vui. Phạm Lãi biết ý nhà vua không muốn nói đến công của kẻ hầu hạ đã diệt được Ngô mà lòng vua lại mang mối nghi kỵ, nên xin từ quan trí sĩ.

Nhưng trước khi bỏ đi , Phạm Lãi có viết thư gửi cho bạn là Văn Chủng. Thư nói:

"Vua Ngô có nói: "Giảo thỏ đã chết thì chó săn tất bị mổ, địch quốc đã diệt thì mưu thần cũng chẳng còn". Ngài không nhớ hay sao! Vua Việt môi dài mỏ quạ là người nhẫn nhục mà ghét kẻ có công. Cùng ở lúc hoạn nạn thì được, chớ cùng ở lúc an lạc thì không toàn, nay ngài không đi ắt có tai vạ".

Văn Chủng xem thư phàn nàn Phạm Lãi, cho họ Phạm xử như thế thì khí quá!

Quả thực như lời Phạm Lãi nói. Câu Tiễn không chia cho các quan một thước đất nào, lại có ý khinh dể công thần. Văn Chủng buồn bã, cáo ốm không vào triều. Câu Tiễn vốn biết tài của Văn Chủng, nghĩ thầm: "Ngô đã diệt, còn dùng hắn chi nữa, một khi hắn làm loạn thì làm sao trị nổi?". Do vậy, Câu Tiễn rấp tâm muốn trừ đi Văn Chủng.

Một hôm, Câu Tiễn đến thăm bệnh Văn Chủng, bảo:

- Ta nghe người chí sĩ không lo cái thân mình chết mà lo cái đạo mình không được thực hành. Nhà ngươi có 7 thuật, ta mới thi hành có 3 mà Ngô đã bị diệt, còn thừa 4 thuật, nhà ngươi định dùng làm gì?

Văn Chủng đáp:

- Tôi cũng không biết dùng làm gì cho được !

Câu Tiễn nói:

- Hay nhà ngươi đem 4 thuật ấy mà mưu hộ cho tiền nhân nước Ngô ở dưới âm phủ, phỏng có nên chăng?

Nói xong, lên xe đi về; bỏ thanh kiếm đeo lại chỗ ngồi. Văn Chủng cầm lấy xem thấy vỏ kiếm có đề chữ Chúc Lâu, là thanh kiếm của Phù Sai đưa cho Ngũ Viên tự tử khi trước. Văn Chủng ngửa mặt lên trời than:

"Cổ nhân có nói "Ơn to thì không báo nữa", ta không nghe lời Thiếu Bá (2) đến nỗi bị giết, chẳng cũng ngu lắm ru!".

Văn Chủng nói xong, cầm kiếm tự tử.

Lời nói: "Giảo thổ tử, tẩu cẩu phanh; cao điểu tận, lương cung tàng...." được nhiều người về sau nhắc lại.

__________________________________________


Đời Tây Hán (206 trước 23 sau D.L), Hàn Tín, người đất Hoài Âm phò Hán Lưu Bang, có tài cầm quân nên diệt Triệu, phá Ngụy, thắng Sở, làm cho Sở Bá Vương Hạng Võ phải bức tử ở Ô Giang. Hán Lưu Bang thấy tài của Hàn Tín quán thế thiên hạ và Tín có ý cậy công nên nghi Tín làm phản, lòng toan mưu mẹo chờ dịp giết Tín.

Khoái Triệt là tướng tâm phúc của Hàn Tín có khuyên Tín: "Tôi lo thầm cho túc hạ, vì thấy túc hạ chắc rằng Hán vương (3) chẳng hại thì là lầm lắm. Hễ thú rừng hết thì ắt làm thịt chó săn, túc hạ phải lo cho xa mới được. Vả lại, dũng lược mà rúng chúa, thì mình khốn, công trùm thiên hạ lại chẳng được thưởng. Nay túc hạ mang cái oai rúng chúa, cầm cái công chẳng thưởng mà muốn cho được an thân sao?".

Hàn Tín cho là phải nhưng không nghe theo để đề phòng. Sau Hàn Tín bị vua lừa bắt tại Vân Mộng, kết án mưu phản, toan đem xử tử. Hàn Tín thở dài, than:

- Chim rừng hết thì cung ná quăng, chồn thỏ chết thì chó săn chết, nước giặc phá thì mưu thần mất. Nay thiên hạ định thì tôi phải chết!

May nhờ trung thần là quan Đại phu Điển Khẳn can gián nhà vua nên Tín được tha, nhưng bị tước hết binh quyền. Tuy vậy, cuối cùng, Tín bị vợ của Hán vương là Lữ hậu tên Lữ Trỉ âm mưu dụ bắt Hàn Tín và xử tử tại Vị Ương Cung.

Người sau có làm 2 bài thơ tứ tuyệt than tiếc Hàn Tín. Trong đó có những câu:

"Mười năm chinh chiến công lao nặng,
Một phút phủi rồi uổng xiết chi".

và:

"Chim hết ná quăng đà chẳng biết,
Hoài Âm sao chẳng sớm lo âu".


_____________________________

Lời Kết


Ngày xưa, phần đông nhà vua nào cũng thế, chớ riêng gì vua Câu Tiễn hay Lưu Bang. Ngày nay cũng vậy , mới có câu thành ngữ :

"Được chim bẻ ná, được cá quăng nôm"

để chỉ sự phản bội của nhà vua mà cũng là sự phản bội của những người đối với kẻ giúp mình được lập nên thân thế , địa vị.


Nguồn Internet

Dạ Cổ Hoài Lang
29-11-2015, 08:59 PM
TÍCH
Ngựa Quen Đường Cũ


Chuyện bắt nguồn từ câu chuyện của Tề Hoàn Công đi đánh nước Cô Trúc thời nhà Chu bên Trung Quốc.



http://s9.postimg.org/gpsy10xhb/image.jpg


Lúc cất quân đi là mùa xuân, lúc trở về đã là mùa đông , băng tuyết phủ đầy nên quân lính của Tề Công bị lạc đường. Quản trọng bèn tâu :

- Thưa bệ hạ, trí nhớ của ngựa già rất tốt. Xin để con ngựa già đi trước dẫn đường.

Quả nhiên, ngựa đã tìm được đường về. Do đặc tính ghi nhớ mùi vị rất tốt nên ngựa thường rất nhớ những con đường chúng đi qua. Câu thành ngữ này vốn ca ngợi những người có kinh nghiệm thường rất thành thuộc sự việc.

Tuy nhiên trải qua nhiều tam sao thất bản, câu thành ngữ đã bị đổi nghĩa hoàn toàn. Ngày nay, người ta dùng câu thành ngữ này để ám chỉ những người có thói hư tật xấu cố hữu không thể bỏ được. Hoặc chỉ về một người vừa làm một chuyện xấu đã bị lên án xong vẫn tái phạm.


Nguồn Internet