PDA

Xem phiên bản đầy đủ : “Châu đâu?”



BUI TUYET NHUNG
30-09-2011, 09:26 AM
Lần nào tôi tỉnh thức cũng thấy một bàn tay ấm áp đang cầm bàn tay tôi. Rồi có tiếng ai đó gọi tên tôi, rất thân thương, trìu mến. Tôi mở mắt nhưng không thể nào nhìn được những gì ở xung quanh. Mẹ bảo rằng tôi đang nằm trong bệnh viện. Cái phòng bệnh này thế nào nhỉ? Cả chiếc giường nữa, nó màu gì không biết? Nửa người trái như có ai đè lên, nặng trĩu, không theo sự điều khiển của tôi. Tôi quơ quơ cánh tay còn lại ra phía trước. Lại có đến hai bàn tay đón lấy tay tôi ve vuốt. “Ai thế?” – tôi hỏi. Giọng người con trai nhè nhẹ đáp lời: “Châu đây. Có nhận ra Châu không?”. “Châu nào cơ?”. Có cái gì như là nước rớt xuống tay tôi âm ấm. Không có tiếng trả lời. Tôi sợ hãi như kẻ bị đánh rớt xuống vùng tăm tối, mênh mông vô tận. Lại quơ tay lên phía trước tìm kiếm. “Châu đâu rồi?”. Vẫn bàn tay ấy đưa ra đón bàn tay tôi ở giữa khoảng không, dịu dàng, nhẹ nhàng. Tay của Châu đấy. Nhưng Châu nào thế? Sao tôi không thể nào nhớ được. Châu nào mà mỗi khi tôi tỉnh thức, tôi đều nhận được từ bàn tay ấm nóng ấy một cái gì gần gũi, thân thương đến lạ. Vì thế mà có một lần, khi tôi tỉnh lại, thấy bàn tay mình trông trống, lành lạnh, tôi buột hỏi “Châu đâu?”. Và nếu lúc đó Châu bận không có mặt, tôi cứ thấy buồn buồn, văng vắng. Đầu tôi sạch trơn chẳng có gì ngoài hiện tại. Mà hiện tại của tôi chỉ là duy nhất cái điệp khúc: “Châu đây. Có nhận ra không?”. Giờ hiện tại cũng bỏ tôi đi thì tôi không buồn sao được?!

Đến ngày thứ mười lăm thì tôi bắt đầu ý thức được, tuy chưa đầy đủ. Tôi nhận ra dì Hiên đang ở cạnh. Tôi hỏi ngay: “Dì ơi! Con còn sống không?”. Dì âu yếm vuốt vuốt tóc tôi, mắng yêu: “Gở nào, sống chứ!”. Dì nói rằng tôi đã nằm mê man như thế suốt mười lăm ngày, hỏi toàn câu vô nghĩa, hỏi rồi, lại hỏi lại. Dì kể về Châu, kể chi tiết những lần tôi tỉnh thức, nỗi vui mừng của Châu khi được tôi hỏi đến, cả nỗi buồn xen lẫn với vẻ hối lỗi khi Châu được hỏi mà không có mặt. Bây giờ thì tôi đã nhớ ra Châu là ai? Có ý nghĩa như thế nào với cuộc sống của tôi. Tôi kể cho dì Hiên nghe. Dì bảo: “Vừa tỉnh là nói như sáo rồi”. Tôi hình dung đến gương mặt hốc hác của Châu sau những đêm không ngủ, thức trông tôi ở bệnh viện. Lại đúng kỳ thực tập lúc ra trường. Lòng tôi tràn ngập niềm hạnh phúc trong đó có sự kiêu hãnh của kẻ được yêu, và nỗi tủi thân của người nằm bệnh. Thời buổi này, kiếm được một người… Tôi không dám nghĩ tiếp nữa nhưng tôi luôn hy vọng là tôi đúng. Rằng Châu của tôi không giống với mọi người. Nhưng sao hy vọng ấy mong manh quá. Tôi mong Châu đến biết chừng nào. Để tôi tin là Châu có thật trong cuộc đời này.

Xong đợt thực tâp, trở về Hà Nội, Châu đến ngay chỗ tôi. Châu vui mừng thấy rõ khi thấy tôi nhận ra Châu. Châu hỏi han đủ điều, giọng nghèn nghẹn. Y tá trực đi qua, bắt Châu phải ra ngòai, sợ làm tôi xúc động quá sẽ ảnh hưởng không tốt đến não. Điều đó khiến tôi tức giận bội phần. Tôi căm thù căn bệnh quái ác này, có ý khinh khi người y tá trực không được sâu sắc về mặt tâm lý. Tuy nhiên, tôi đành chịu vì bất lực.

Tú cũng đến thăm tôi, lúc tôi đã khá hơn nhiều nhiều. Tú chuẩn bị sẵn bộ mặt đầy quan tâm, lo lắng. Bộ mặt làm tôi thêm ghét. Tú ngồi bên mép giường, chỗ Châu vẫn ngồi khi vào thăm tôi. Vẻ ân cần, Tú cầm bàn tay tôi xoa nhè nhẹ. Cố lấy giọng trầm lắng, Tú hỏi han tôi qua quýt, rồi không quên hỏi xem tôi có nhớ Tú không? Lúc này tôi mới nghĩ ra tôi nhớ đến Tú nhiều hơn Tú được nhận. Vì sao nhỉ? Chả nhẽ chỉ vì sự tò mò muốn biết một con người cơ hội như Tú thì sẽ tiến đến đâu. Không, chắc chắn không chỉ đơn thuần có thế. Hình như tôi vẫn còn yêu Tú nhiều lắm. Nếu bỏ qua tính cơ hội thì Tú quả là người rất được. Tôi đã từng yêu Tú biết bao, một tình yêu đầy chất sinh viên. Những buổi chiều tan học, hai đứa đi xe buýt ra bờ hồ Hoàn Kiếm, dạo quanh hóng máy, hoặc vào một quán cà phê sinh viên vừa nhâm nhi vừa đàm luận về cuộc đời, đưa ra những triết lý ông già, bà cả rồi nhìn nhau cười như nắc nẻ. Ngày nghỉ, chúng tôi đi tuyến xe ra hẳn ngoại thành, lang thang ở những vùng chỉ toàn cây xanh và gió lộng. Tuổi trẻ với đầy ước mơ và hoài bão, sao đẹp và trong trẻo đến không ngờ. Châu chưa một lần mang đến cho tôi những khoảnh khắc như thế. Châu sống về nội tâm. Với Châu, chỉ có sự nhiệt thành và hy sinh hết mình, điều mà tôi vô cùng thắc mắc.

Mãi đến khi tôi xuất viện, Tú mới trở lại, lúc mọi người đang chuyển tôi lên xe. Tú nói với theo, giọng không chút cảm xúc: “Cầu chúc bình an và hạnh phúc!”. Thế nào mà cái bộ mặt ấy vẫn ấn tượng với tôi nhiều hơn bộ mặt tận tụy của Châu. Châu đi cùng tôi về nhà. Suốt chặng đường, Châu không nhìn tôi một lần. Ánh mắt Châu suy tư soi qua cửa kính xe như muốn thu lại hình ảnh núi rừng, cây cỏ bên đường, song có lẽ tâm trí đang dự tính cho ngày mai của tôi và Châu. Tôi cứ nhìn miết vào gương mặt Châu. Còn Châu thì như cảm được cái nhìn ấy, không dám ngoảnh về phía tôi. Tôi nhìn Châu nhưng lòng lại nghĩ đến Tú. Liệu có khi nào Tú trở lại nơi này không?!

Chiếc giường tôi nằm dưỡng bệnh kề bên cửa sổ. Bầu trời ngoài kia là núi và cây - những hình ảnh thân thuộc gắn liền trong ký ức tuổi thơ. Những ngày nằm dưỡng bệnh, bỗng dưng tôi lại có suy nghĩ, núi và Châu có cái gì đó tương đồng. Một cái gì tựa như sự chở che vững chắc, tin cậy cho cuộc đời tôi. Một đôi tháng, Châu lại thu xếp lên với tôi, mang cho tôi khi thì chiếc chuông gió bằng trúc, khi lại chiếc bình hoa xinh xinh, được tô điểm them những vết lồi lõm mà mỗi chỗ lồi lõm ấy có in dấu bàn chân. Không hiểu Châu kiếm đâu ra chiếc lọ độc đáo ấy. Khi tặng nó cho tôi, Châu bảo: “Nhung cứu vớt đôi chân ở trọ trần gian này chứ?!”. Tôi kiêu hãnh cúi đầu nhưng khi Châu về lại thấy hoang mang. Căn bệnh của tôi chưa hứa hẹn ngày bình phục, làm sao có thể chắc chắn điểu gì cho ngày mai? Tôi cứ phân vân mãi, không hiểu Châu yêu mình thật hay chỉ thương cảm cho một số phận mà làm tất cả những gì có thể để động viên, an ủi tôi?! Vì không chắc chắn được câu trả lời nên tôi nôn nóng ngày tôi bình phục. Song căn bệnh của tôi cũng chẳng vì thế mà bình phục nhanh hơn. Đôi lúc tôi thấy tôi lẩn thẩn sao ấy. Châu hình như cũng lẩn thẩn theo do nóng vội. Một lần lên thăm tôi, Châu hỏi tôi định thế nào cho ngày mai. Tôi tủi thân mắng Châu một trận, bảo từ nay đừng lên thăm tôi nữa.

“Hãy cút khỏi đây vĩnh viễn”. Tôi nhắc lại câu ấy trong lá thư viết vội cho Châu và rồi ngay khi gửi đi, tôi lập tức cảm thấy ân hận, cứ thầm mong lá thư ấy đừng bao giờ đến tay Châu. Từng ngày trôi qua với tôi dài vô kể. Tôi chờ đợi, chờ mãi, vẫn chưa thấy bóng dáng Châu hay những phong thư mang nét chữ quen thuộc thường khi. Nhiều lần, tôi có ý hỏi núi. Núi chỉ nhẫn nại cúi đầu, không trả lời tôi đúng hay sai. Tôi hỏi Châu đâu? Núi cũng im lặng. Thế là thế nào? Châu đâu? Sao không đến để cho tôi hỏi?!