PDA

Xem phiên bản đầy đủ : Đắm say với những nét nhạc xuân “xưa”



thylan
26-01-2016, 12:07 AM
Đắm say với những nét nhạc xuân “xưa”

Xưa nhưng không cũ bởi mùa xuân là bất tử, là vĩnh cửu, còn âm nhạc thì sống mãi cùng thời gian.

Một năm trôi qua, xuân lại về. Mùa xuân không chỉ mang đến luồng sinh khí mới cho vạn vật, đất trời, mùa xuân còn làm lòng người ấm lại mang theo cả những nỗi niêm riêng, xao xuyến và bâng khuâng. Cái cảm giác khó tả đến nao lòng ấy đã được các nhạc sĩ thể hiện bằng những giai điệu đầy tinh tế, đầy sắc xuân.

Bến xuân xanh
Nhạc sĩ: Dương Thiệu Tước
Ca sĩ: Mai Hương

ZuKb8dIGnaA

Ngày xuân trong các nhạc phẩm thời kỳ tân nhạc đã được các nhạc sĩ thể hiện một cách tài tình dưới nhiều góc độ khác nhau. Mùa xuân có thể hiển hiện trong câu ca, ý nhạc nhưng cũng có thể ẩn chứa trong tâm trạng khát khao của người nhạc sĩ, mong có một mùa xuân độc lập, thanh bình của đất nước.

Bên cạnh đó, chúng ta có thể thấy cảnh sắc thiên nhiên mùa xuân còn được làm nền cho những giấc mơ và cả niềm vui tình yêu như bài “Người đẹp vườn xuân”, “Bướm hoa” của Nguyễn Văn Thương.

Hương vị ngọt ngào của mùa xuân cũng được pha lẫn với hương vị ngọt ngào của tình cảm lứa đôi như trong bài “Hương xuân”, “Cười trong nắng xuân” của nhạc sĩ Văn chung, “Hồn xuân” của Nguyễn Xuân Khoát, “Vườn xuân” của Lê Mây hay “Mộng chiều xuân” của nhạc sĩ Ngọc Bích.

Mộng chiều xuân
Nhạc sĩ: Ngọc Bích
Nghệ sĩ Ý Lan trình bày

dzsMRGYhNlg

Cũng theo dòng cảm xúc của mùa xuân và tuổi trẻ, nhạc sĩ La Hối đã viết một bản Walzt tinh tế và tràn ngập cảm xúc, đó chính là bài “Xuân và tuổi trẻ”, lời thơ Thế Lữ. Có thể nói, âm nhạc của nhạc sĩ La Hối đã chắp cánh cho những vần thơ của Thế Lữ trở nên bay bổng, vẽ nên phong cảnh của một mùa xuân thanh bình, tươi sáng. Sắc xuân hiện lên trên từng nốt nhạc, du dương ,mềm mại, duyên dáng theo tiết điệu Walzt uyển chuyển khiến người nghe không khỏi xao xuyến, bồi hồi. Và có lẽ vì vậy mà “Xuân và tuổi trẻ” đã trở thành một trong những bản nhạc Xuân hay nhất trong thời kỳ Tân nhạc và cho đến nay bài hát vẫn dành được sự yêu mến của đông đảo người nghe.


Xuân và tuổi trẻ
Nhạc sĩ La Hối
Lời thơ Thế Lữ
Ca sĩ: Ánh Tuyết

Gi-7by_xv7U

Như chúng ta đã biết, nhạc sĩ Hoàng Trọng được mệnh danh là ông vua của thể loại Tango, thế nhưng bên cạnh những bản Tango sang trọng, lãng mạn, ông còn viết những bản nhạc tươi vui, nhưng cũng rất tình tứ, mộng mơ trong tiết điệu Pasadobe, Chachacha hay Waltz.

Đặc biệt, viết về mùa xuân, nhạc sĩ Hoàng Trọng đã gửi gắm khá nhiều những tâm tư tình cảm của mình trong những bài hát như “Gió mùa xuân tới”, “Hẹn gió xuân về”, “Hoa xuân”, “Khúc nhạc xuân”.

Mỗi bài hát mang một vẻ đẹp riêng trong những âm thanh bay bổng của giai điệu và của cảnh sắc mùa xuân mà nhạc sĩ đã tô vẽ cho bức họa bằng âm nhạc của mình. Tuy nhiên, trong số những nhạc phẩm xuân đầy chất thơ đó thì bài “Gió mùa xuân” tới là được phổ biến rộng rãi nhất và được yêu mến nhiều nhất. Có được điều này không chỉ bởi bài hát hấp dẫn người nghe bằng những giai điệu tươi tắn mang đầy sắc xuân mà còn vì những tâm tư, ước vọng mà tác giả gửi gắm trong đó. Nó vừa có chút gì đó riêng tư nhưng lại mang một ước mong chung đó là những con gió mùa xuân mang hạnh phúc và yêu thương đến cho mỗi con người.

Gió mùa xuân tới
Nhạc sĩ Hoàng Trọng
Ca sĩ Hồng Nhung

cyPJ9Nkgl6s

Viết về mùa xuân không chỉ có những giai điệu vui tươi, sôi nổi mà còn có những khúc ca trữ tình, đầy cảm xúc của những lứa đôi.

Trong nhạc phẩm “Gửi người em gái” của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn”, mùa xuân xưa của người Hà Nội được tái hiện trong những giai điệu đầy lãng mạn nhưng cũng hết sức tinh tế gửi gắm theo nỗi niềm của tác giả khi nhớ về người em gái năm nào. Cả một trời ký ức lại hiện về trong đêm giao thừa, nơi đền Ngọc Sơn linh thiêng, trong thời khắc chuyển giao của đất trời. Và nỗi niềm ấy trở thành khúc hoan ca khi ngày thống nhất đến đã gắn kết đôi lòng.

Gửi người em gái
Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn
Tài tử Ngọc Bảo trình bày

hFuGYE-weDY

Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn nổi tiếng là một con người hào hoa, phong lưu với những bản tình khúc đậm chất lãng mạn. Ông viết không nhiều, chỉ vẻn vẹn 18 ca khúc, thế nhưng 10 bài trong số đó đã trở thành những tuyệt phẩm sống mãi cùng thời gian và đọng lại những âm hưởng ngọt ngào trong lòng người yêu nhạc. Mỗi bài hát của ông đều được khởi nguồn từ một cuộc tình. Có cuộc tình chỉ là hoài vọng hình bóng một giai nhân xa xôi nào đó, nhưng cũng có những cuộc tình sâu nặng, còn in dấu trong những bài ca của ông. Người nghệ sĩ đa tình tự nhận mình là “tay mơ” trong sáng tác âm nhạc và cả trong tình yêu. Tuy nhiên, những ca khúc tưởng chừng hết sức riêng tư của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã tìm thấy sự đồng cảm, đồng điệu của rất nhiều thế hệ người yêu nhạc./.

H.A - VOV3

thylan
28-01-2016, 09:14 AM
LY RƯỢU MỪNG (PHẠM ĐÌNH CHƯƠNG)

Giao thừa hàng xóm sao im tiếng
Lần nữa ta mừng Xuân biệt hương
Nâng ly như trút vào trong dạ
Tràn pháo đầu Xuân, đứt đoạn trường

http://www.dongnhacxua.com/non-wp/uploads/ly-ruou-mung-0-pham-dinh-chuong-sachxua.net-dongnhacxua.com_.jpg


Cứ mỗi độ xuân về với bao hoa khoe sắc thắm, rộn rã tiếng tiếng chim hót, nghe âm vang bao khúc nhạc... là lòng tôi lại nhớ đến những khúc ca xuân quen thuộc. Từ lâu bài Xuân và tuổi trẻ của nhạc sĩ La Hối là một khúc xuân ca bất tử mọi người đều biết, nhưng có một bài hát xuân mà mọi giới đều hát và đi sâu trong lòng những ai yêu mến nhạc xuân trên nửa thế kỷ qua, đó là bài hát LY RƯỢU MỪNG của nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Bài hát là một lời chúc rất vui vẻ chân thành và tươi thắm trong ngày Tết. Cứ mỗi lần tết đến là mọi người ca hát chúc mừng nhau bằng bài hát nầy và đến hôm nay nó đã lan rộng ra cả bốn phương trời. Một hình ảnh đẹp, lời chúc phúc đầu năm chân tình. Phạm Đình Chương cũng là một tác giả nổi tiếng với các bài hát phổ thơ rất hay như:
Mộng dưới hoa (thơ Đinh Hùng) - Đôi mắt người Sơn Tây (Quang Dũng) -Màu kỉ niệm (Nguyên Sa) - Nửa hồn thương đau (Thanh Tâm Tuyền)... ông còn là một trong những người sáng lập ra Ban nhạc Thăng Long vào thập niên 50 với nghệ danh là Hoài Bắc, là người sáng tác ra trường ca nổi tiếng Hội Trùng Dương ca ngợi 3 con sông đẹp tiêu biểu ở Việt Nam đó là sông Hồng, sông Hương và sông Cửu Long

Nhạc sĩ Phạm Đình Chương sinh ngày 14 tháng 11 năm 1929 tại Bạch Mai. Quê nội ông ở Hà Nội và quê ngoại ở Sơn Tây. Gia đình ông là một gia đình nghệ sĩ, thân phụ ông đánh đàn tranh rất tuyệt trong khi thân mẫu ông chơi đàn bầu cũng rất hay. Thành ra nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn, tác giả bài Nắng Chiều đã rất hữu lý khi phát biểu rằng nhạc của Phạm Đình Chương đã biểu lộ được những tinh túy của âm điệu ngũ cung. Sống trong một gia đình nghệ sĩ "nòi " như vậy thì hấp thụ được những tinh hoa của nguồn nhạc dân tộc tính là chuyện dĩ nhiên...

Từ năm 1955, bản nhạc Ly Rượu Mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương ra đời bằng nhịp điệu Valse sôi nổi, đã nhanh chóng trở thành một khúc hoan ca không thể thiếu trong những buổi tiệc tân niên, người ở xa quay buớc trở về sum họp dưới mái ấm gia đình, khi bạn bè thân hữu gặp gỡ trong ngày họp mặt đầu năm. Người ta tạm quên đi bao nhọc nhằn vất vả của đời sống và cùng nâng ly rượu hát lên câu chúc mừng năm mới:

Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi
Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi
Người thương gia lợi tức
Người công nhân ấm no
Thoát ly đời gian lao nghèo khó...
Á... a... a...a
Nhấp chén đầy vơi chúc người người vui
Á... a... a... a
Muôn lòng xao xuyến duyên đời...

Một lời chúc giản dị nhưng chân thành gần gũi... Có gì hơn khi lòng người tràn ngập niềm vui, khi mối duyên thắm trở thành vĩnh cửu dưới mái ấm ngôi nhà thơm mùi mứt tết ngọt lịm bên bếp lửa hồng, chén rượu cay nồng đầy tình quê hương. Mùa xuân trong tình yêu tuổi trẻ, tình yêu con người,còn bao la hơn nữa đó là tình yêu quê hương, đất nước. Giữa khúc hoan ca rộn ràng của nhịp xuân, tiết tấu bài hát chợt nhẹ nhàng hẳn đi khi nói về người mẹ già đang mòn mỏi trông chờ người con nơi phương xa.
Quê hương của mẹ có nếp nhà tranh, bếp lửa ,khói lam chiều tỏa ấm,hoa mai,hoa cúc vàng... nở rộ bên hiên nhà.Mùa xuân tươi vui xum họp gia đình, bạn bè thân thiết. Mong người thân trở về cùng bên nhau bếp lửa hồng, cho mắt mẹ thôi lệ nhòa, rạng rỡ niềm vui đoàn tụ:

Kìa nơi xa xa, có bà mẹ già
Từ lâu mong con mắt vương lệ nhòa
Chúc bà một sớm quê hương
Bước con về hòa nỗi yêu thương...

Đây là bài nhạc xuân rất hay với điệu luân vũ nhịp ¾ nhịp nhàng rộn rã,giai điệu đẹp thể hiện rất sáng ở cung fa trưởng tươi vui, bài hát có đoạn kết bằng một câu rất lạc quan mạnh mẽ nhất là kết thúc bằng 3 nốt cao Ré -Mi -Pha và trường độ kéo dài ra 3 phách (nốt trắng có chấm) hợp lý hài hoà như diễn tả một niềm vui mãi mãi không bao giờ dứt:

Ước mơ hạnh phúc nơi nơi
Hương thanh bình dâng phơi phới...

Vì thế "Ly Rượu Mừng" không chỉ được cất lên mỗi dịp Tết Nguyên Ðán mà còn thường được mọi người chung hát tại các buổi họp mặt, tiệc tùng, cưới hỏi...
Trải qua trên nửa thế kỷ mà bài hát nầy vẫn còn âm vang mãi trong lòng mọi người cho thấy sức hút và tính nghệ thuật của nó rất cao, rất giá trị trong nền âm nhạc Việt Nam

(Nhạc Việt)

G41OkbFs5jY

Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi
Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi
Người thương gia lợi tức
Người công nhân ấm no
Thoát ly đời gian lao nghèo khó
á a a a
Nhấp chén đầy vơi
Chúc người người vui
á a a a
Muôn lòng xao xuyến duyên đời
Rót thêm tràn đầy chén quan san
Chúc người binh sĩ lên đàng
Chiến đấu công thành
Sáng cuộc đời lành
Mừng người vì Nước quên thân mình
Kìa nơi xa xa có bà mẹ già
Từ lâu mong con mắt vương lệ nhòa
Chúc bà một sớm quê hương
Bước con về hòa nỗi yêu thương
á a a a
Hát khúc hoan ca thắm tươi đời lính
á a a a
Chúc mẹ hiền dứt u tình
Rượu hân hoan mừng đôi uyên ương
Xây tổ ấm trên cành yêu đương
Nào cạn ly, mừng người nghệ sĩ
Tiếng thi ca nét chấm phá tô thêm đời mới
Bạn hỡi, vang lên
Lời ước thiêng liêng
Chúc non sông hoà bình, hoà bình
Ngày máu xương thôi tuôn rơi
Ngày ấy quê hương yên vui
đợi anh về trong chén tình đầy vơi
Nhấc cao ly này
Hãy chúc ngày mai sáng trời tự do
Nước non thanh bình
Muôn người hạnh phúc chan hoà
Ước mơ hạnh phúc nơi nơi
Hương thanh bình dâng phơi phới

thylan
28-01-2016, 09:24 AM
Sau 41 năm LY RƯỢU MỪNG đã được rót

Sau 41 năm, giai điệu của ca khúc 'Ly Rượu Mừng' của nhạc sĩ Phạm Đình Chương mới được Hà Nội cấp phép hát trở lại trên quê hương.
Công ty Phương Nam Film đã phát hành ca khúc này trong album cùng tên nhân dịp Tết Bính Thân 2016. Bài hát sẽ do ca sĩ Quang Dũng và Phạm Thu Hà trình bày.
'Ly Rượu Mừng' là một trong những sáng tác nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Phạm Đình Chương (1929-1991).

Từ thập niên 1950, ca khúc này đã được nhiều thế hệ ca sĩ Việt Nam trình diễn tại Sài Gòn và sau 1975 trên sân khấu của các trung tâm băng đĩa hải ngoại.
'Ly Rượu Mừng' được trình bày đầu tiên do ban hợp ca Thăng Long ở Sài Gòn. Ban Thăng Long gồm bốn anh chị em Hoài Trung (Phạm Đình Viêm), Hoài Bắc (Phạm Đình Chương), Thái Hằng (Phạm Thị Quang Thái) và Thái Thanh (Phạm Thị Băng Thanh).
Đến nay, ca khúc này vẫn vang lên trong những ngày đón xuân của người Việt trên cả thế giới, chỉ riêng trong nước là không ‘được phép’ nghe.
Nhân sự kiện ca khúc Ly rượu mừng được chính thức hát tại Việt Nam, Phương Nam Film dự định làm thêm video clip đi kèm ca khúc để phát hành trên mạng cùng lúc ra mắt album.

Trong album Xuân 2016, Ly rượu mừng được thể hiện qua giọng ca của Quang Dũng và Phạm Thu Hà.
'Xuân khúc kinh điển'
Về thời điểm sáng tác của Ly rượu mừng, có tài liệu ghi là 1952, có nơi ghi là 1955.
Khi liên hệ với gia đình nhạc sĩ Phạm Đình Chương, Phương Nam Film được gia đình xác nhận thời điểm viết bài năm 1952, dựa theo quyển sách nhạc in tại Mỹ.
Có ý kiến lý giải sở dĩ 'Ly Rượu Mừng' trở thành ca khúc bất hủ là vì ca từ không chỉ chuyển tải lời chúc đầu năm mà còn thể hiện ước vọng “ngày mai sáng trời tự do” cho quê hương “máu xương thôi tuôn rơi”.
Trên website cá nhân, nhà thơ Du Tử Lê từng viết: “Tôi muốn gọi 'Ly Rượu Mừng' là xuân khúc kinh điển nhất của nền tân nhạc Việt Nam. Tính chất 'kinh điển' hiểu theo nghĩa không một thành phần nào của xã hội bị bỏ quên. Và, một cách ý thức, tác giả, đã sắp lại bậc thang giá trị của các thành phần xã hội, với lòng trân trọng, biết ơn của mình.
Mỗi khi cùng nhau nâng 'Ly Rượu Mừng' dù ở thời điểm nào của vòng quay trái đất, cũng chính là lúc chúng ta cùng với tác giả, hân hoan cầu chúc “Nước non thanh bình. Muôn người hạnh phúc chan hòa…”.
Tôi nghĩ, đó là một cầu nguyện đời kiếp của dân tộc ta. Như sự hiện diện bất biến của tác giả ca khúc vậy.”

(Nguồn internet)

maimo
22-01-2021, 04:32 PM
Bến Xuân” – Bức tranh mùa xuân tuyệt mỹ của nhạc sĩ Văn Cao 80 năm trước



Nhạc sĩ Văn Cao soạn ca khúc Bến Xuân từ 80 năm trước trong những ngày thầm thương trộm nhớ nhưng không dám ngỏ lời với một nàng thiếu nữ xinh đẹp. Văn Cao từng tâm sự: “Ngày xưa tôi có thầm yêu một người con gái mà không dám nói ra. Nhưng người ấy hiểu lòng tôi và đến với tôi. Vì thế nên mới có câu hát “Em đến tôi một lần” và có bài hát này”.
Người con gái ấy chính là nữ ca sĩ Hoàng Oanh, hoa khôi đất cảng Hải Phòng những năm đầu thập niên 1940. Trái ngược với hoàn cảnh nghèo khó, lay lắt của gia đình Văn Cao, cô tiểu thư Hoàng Oanh sinh ra một trong gia đình quyền quý, giàu có; vừa xinh đẹp lại vừa có giọng hát ngọt ngào khiến bao chàng trai si mê, đeo đuổi. Trong những người theo đuổi, si mê Hoàng Oanh thời điểm bấy giờ có cả hai người bạn âm nhạc thân thiết của Văn Cao khi đó là nhạc sĩ Hoàng Quý và ca sĩ Kim Tiêu. Vốn tính cách nhút nhát, lại bị kẹt trong thế là cố vấn tình yêu cho hai người bạn thân, vốn đã nhiều lần nhờ Văn Cao làm thơ để tặng cho Hoàng Oanh, chàng nhạc sĩ Văn Cao dù cũng đã trúng phải tình yêu sét đánh với người đẹp ngay từ lần đầu gặp gỡ đầu tiên, vẫn chưa một lần dám hé lộ lòng mình. Tuy nhiên, là một người yêu âm nhạc, Hoàng Oanh từ chỗ yêu thích, say sưa với các sáng tác của chàng nhạc sĩ trẻ đã dần trở nên cảm mến và dành cho Văn Cao một tình cảm đặc biệt.
Một lần nọ, người bạn của Văn Cao ngỏ ý tính chuyện lâu dài với Hoàng Oanh. Vốn sẵn có tình cảm với Văn Cao, lại biết Văn Cao cũng thầm để ý mình nhưng nhút nhát không dám tỏ ý, Hoàng Oanh trốn gia đình, một mình tìm đến nhà Văn Cao để xác nhận tình cảm của chàng nhạc sĩ.
Khi Hoàng Oanh tìm đến nhà, Văn Cao đang mặc quần đùi áo cụt ngồi múc nước. Vừa thấy bóng dáng người đẹp, chàng nhạc sĩ đã vô cùng lúng túng, cuống quít chạy vào nhà thay đồ dài tử tế rồi mới dám ra tiếp chuyện. Vào thời đó, chuyện một nàng thiếu nữ dám đường đột tìm đến nhà một người con trai là một chuyện khá “tày đình”. Cuộc gặp gỡ diễn ra trong không khí ngượng ngùng, bẽn lẽn, cô gái xấu hổ không dám đề cập gì, chỉ trông chờ chàng nhạc sĩ ngỏ ý nhưng chàng nhạc sĩ cũng chỉ dám đáp lại bằng vẻ thẹn thùng, rụt rè vốn có. Con trai trưởng nhạc sĩ Văn Cao sau này tiết lộ: “Bên cạnh sự nhút nhát. Lúc đó gia đình ông bà nội đang nghèo, bố tôi lại chưa có điều kiện kinh tế để lấy vợ, lại là đến với con gái một nhà giàu có nên có thể ông sợ”.
Chắc hẳn khi đó, việc cô gái tìm đến nhà đã là một cú sốc quá lớn với chàng nhạc sĩ. Một chuyện mà dù có mơ tưởng bao nhiêu lần chắc chàng cũng chẳng dám nghĩ đến sẽ thành sự thật. Dù mối tình ấy đã chẳng thể đi đến đâu nhưng lần đến thăm duy nhất ấy của người đẹp đã để lại trong lòng chàng nhạc sĩ những cảm xúc lâng lâng, ngây ngất, khó quên. Những cảm xúc tơ vương đẹp đẽ ấy ùa vào âm nhạc, tạo nên những giai điệu tình tự, nhẹ nhàng, lãng mạn, mỹ miều bậc nhất trong âm nhạc Việt – ca khúc Bến Xuân:

Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước
Em đến tôi một lần
Bao lũ chim rừng hợp đàn trên khắp bến xuân
Từng đôi rung cánh trắng ríu rít ca u ú ù u ú
Cành đào hoen nắng chan hoà!
Chim ca thương nhớ,
Chim ngân xa u ú ù u ú
Hồn mùa ngây ngất trầm vương,
Dìu nhau theo dốc mới nơi ven đồi
Còn thấy chim ghen lời âu yếm
Tới đây chân bước cùng ngập ngừng

Nhạc sĩ Văn Cao từng kể, vào những năm 1940, gia đình ông còn rất nghèo, sống trong một căn nhà xiêu vẹo tại một xóm lao động nghèo bên bờ sông Cấm ở Hải Phòng. Vậy đó mà, chỉ “em đến tôi một lần” nhạc sĩ đã mơ màng như thể lạc vào cõi tiên. Cũng vẫn cảnh sắc đó, ngôi nhà thân thuộc đó của nhạc sĩ nhưng được phủ lên một thứ sắc màu huyền hoặc, mơ hồ, lóng lánh, thơ mộng.
Những bước chân yêu kiều của nàng thiếu nữ tựa như bước chân của nàng chúa xuân, đi đến đâu là không gian bừng sáng đến đó, lung linh rạng rỡ với chim ca ríu rít hợp đàn, ánh nắng chan hoà, muôn hoa khoe sắc thắm,… Giữa cảnh sắc mùa xuân thắm thiết, chan hoà ấy, chàng nhạc sĩ ngây ngất trong hương thơm “trầm vương” của nàng chúa xuân, ngỡ mình được sánh bước cùng nàng như đôi giai nhân – tài tử, cùng “dìu nhau theo dốc mới nơi ven đồi”, cùng mỉm cười nhìn lũ “chim ghen lời âu yếm”, cùng ngập ngừng, thẹn thùng khi tình xuân chớm nở.
Trong bức tranh xuân tình tuyệt đẹp đó, chàng len lén nhìn nàng thật kỹ:

Mắt em như dáng thuyền soi nước
Tà áo em rung theo gió nhẹ thẹn thùng ngoài bến xuân

Câu hát “mắt em như dáng thuyền soi nước” là một sự so sánh thật tinh tế, khéo léo của nhạc sĩ Văn Cao. Đó hẳn là một đôi mắt đen láy, với bờ mi tuyệt đẹp cong như dáng thuyền và lóng lánh như sóng nước khiến chàng nhạc sĩ si mê. Hình ảnh nàng thiếu nữ với “tà áo em rung theo gió nhẹ thẹn thùng ngoài bến xuân” như là một bức tranh mùa xuân tuyệt mỹ. Và cái sự “rung” của tà áo em ấy phải chăng cũng chính là trái tim của đôi người đang rung lên những xúc cảm tình yêu thẹn thùng, non tơ vừa chớm nở trên “bến xuân” tình thơ mộng.
Đoạn điệp khúc là những lời ca dìu dặt, dịu dàng mà da diết, nao nao buồn vắng:

Sương mênh mông che lấp kín non xanh
Ôi cánh buồm nâu còn trên lớp sóng xuân
Ai tha hương nghe ríu rít oanh ca
Cánh nhạn vào mây thiết tha lưu luyến tình vừa qua

Trong câu hát “Ai tha hương nghe ríu rít oanh ca”, nhạc sĩ dường như đã có chút ẩn ý bởi “oanh ca” ở đây chắc hẳn là ám chỉ người đẹp Hoàng Oanh và tiếng hát của cô. Tiếng hát đã khiến chàng nhạc sĩ si mê.
Bức tranh chia ly được khắc hoạ rõ nét bằng những nét vẽ tài hoa, buồn mà đẹp. Trong bức tranh đó, hiện lên bóng dáng một chàng trai đang đứng trên bến sông, dõi mắt nhìn về phía xa xăm, nơi có bóng dáng nàng thiếu nữ đang dần xa khuất, mờ mịt trong làn sương mênh mông, xa xôi dần theo từng lớp sóng. Chàng đứng đó nhìn mãi nhìn mãi như khắc ghi khoảnh khắc đó, bóng hình đó vào sâu trong tim chàng cho đến khi chỉ còn thấy thấp thoáng “cánh buồn nâu” đưa nàng đi. Và từ đó, trên những cung đường “tha hương”, chàng vẫn mang theo bên mình bóng dáng của nàng, tiếng hát “ríu rít oanh ca” của nàng. Nàng đến với chàng tựa như “cánh nhạn vào mây” cao xa vời vợi, ẩn mật, thoáng đến rồi đi, không ngày tái ngộ nhưng vẫn “thiết tha lưu luyến” hoài mãi.

Nhà tôi sao vẫn còn ngơ ngác
Em vắng tôi một chiều
Bến nước tiêu điều còn hằn in nét đáng yêu
Từng đôi chim trong nắng khẽ ru u ú ù u ú
Lệ mùa rơi lá chan hoà!
Chim reo thương nhớ,
Chim ngân xa u ú ù u ú
Hồn mùa ngây ngất về đâu

Bến Xuân có lẽ là bức tranh mùa xuân đẹp nhất, “tiên cảnh” nhất, dịu dàng, lãng mạn nhất trong âm nhạc Việt, dù là trong cảnh sắc reo vui, tươi thắm khi nàng xuân tới hay trong cảnh sắc tiêu điều, sầu muộn, nhớ thương thì vẫn đẹp, vẫn cuốn hút một cách lạ lùng.
Người đã đi xa, chàng nhạc sĩ vẫn đứng đó, đã bớt mơ màng, nhưng vẫn không thể tin những điều vừa xảy ra là sự thực, vẫn ngơ ngác như vừa trải qua một giấc mơ: “Nhà tôi sao vẫn còn ngơ ngác”. Nhưng “bến nước tiêu điều còn hằn in nét đáng yêu”, là dấu vết của nàng vẫn còn thoảng hoặc quanh chàng. Và chàng bàng hoàng nhận ra, nàng đã đến và đã đi xa thật rồi. Căn nhà, bến nước, cây lá, đàn chim đều ngẩn ngơ, thương nhớ, nhỏ lệ sầu buồn bởi biết rằng nàng sẽ chẳng bao giờ trở lại.

Người đi theo mưa gió xa muôn trùng
Lần bước phiêu du về bến cũ
Tới đây mây núi đồi chập chùng
Liễu dương tơ tóc vàng trong nắng
Gột áo phong sương du khách còn ngại ngùng nhìn bến xuân

Chỉ có chàng, dù đi xa muôn trùng, dù bao phen mưa vùi gió dập, dù áo phong sương lấm lem thì trong những bước chân phiêu du của người lữ khách vẫn sẽ lại tìm “về bến cũ”, vẫn mong cầu được gặp lại người xưa trong nỗi “ngại ngùng” của thứ tình yêu ban sơ ngọt lịm chưa bao giờ phai dấu.
Nhạc sĩ Văn Cao sau này từng thổ lộ: “Tôi là một cái người luôn luôn thất bại về tình yêu, cái thất bại này là bởi vì tôi là người không giỏi về cách tôi giao lưu với những người đàn bà, mà lại đối với những người đẹp tôi lại càng bối rối, tôi không bao giờ nói được với người ta, thì tôi bèn nói trong thơ thôi”. Nhưng có một điều mà nhạc sĩ Văn Cao có lẽ đã không nghĩ tới. Bởi nếu chỉ giỏi tán tỉnh, giỏi yêu thì thế giới này đã có muôn vạn đàn ông giỏi rồi, nhưng nói được điều đó trong thơ, trong nhạc đẹp tuyệt mỹ được như Văn Cao để rồi chiếm trọn bao trái tim phụ nữ suốt 80 năm qua thì có lẽ duy nhất chỉ có Văn Cao mới làm được.
Mối duyên tình giữa Văn Cao và Hoàng Oanh dù chẳng thể đi đến đâu, dù chưa từng ngỏ lời ngỏ ý vẫn luôn là một giai thoại đẹp, lấp lánh, trinh nguyên trong lòng người hâm mộ qua nhạc phẩm Bến xuân, một nhạc phẩm bất hủ của tân nhạc Việt.
Nhạc phẩm Bến xuân từ khi ra đời được rất nhiều giọng ca nổi tiếng chọn lựa thể hiện, nổi bật nhất phải kể đến tiếng hát của nữ ca sĩ Thái Thanh, Khánh Ly, Hà Thanh.
(Niệm Quân)

thylan
27-01-2021, 09:06 PM
Bến Xuân và đàn chim việt - Văn Cao

-gtlpJu181g

Trong lịch sử vốn dĩ chứa đựng rất nhiều điều kỳ lạ (hay kỳ dị) của nền âm nhạc Việt nam hiện đại, cặp đôi bài hát “Bến xuân” và “Đàn chim Việt” của nhạc sĩ Văn Cao nổi lên như một điều kỳ lạ ít thấy, bởi hiếm khi có nhạc sĩ nào lại sáng tác hai bài hát (hoặc nói như bây giờ là hai phiên bản) có cuộc sống riêng rẽ trên cùng một nền nhạc.
Những người nghe của miền Bắc xhcn từ thế hệ 60’s về sau thường chỉ được nghe bài hát “Đàn chim Việt” mà ít được biết tới bài hát “Bến xuân” và mãi sau này, khoảng cuối những năm 90’s mới được biết tới bài hát này qua giọng hát của ca sĩ Cao Minh.
Chất giọng và cách thể hiện rất truyền cảm của người ca sĩ kiêm giáo viên thanh nhạc Cao Minh đã góp phần không nhỏ trong việc đưa bài hát đến với trái tim người nghe và cho đến bây giờ Cao Minh vẫn được số đông đánh giá là người thể hiện bài hát này hay nhất. Chỉ tiếc một điều là khi tìm hiểu kỹ về bài hát, người nghe mới nhận thấy Cao Minh hát sai lời khá nhiều, đó là những hạt sạn không đáng có làm ảnh hưởng đến cảm xúc khi nghe “Bến xuân”.

R0AzKTuU-qc

Lời I
Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước
Em đến tôi một lần
Bao lũ chim rừng hợp đàn trên khắp bến xuân
Từng đôi rung cánh trắng ríu rít ca u ú ù u ú
Cành đào hoen nắng chan hoà!
Chim ca thương mến, Chim ngân xa u ú ù u ú
Hồn mùa ngây ngất trầm vương,
Dìu nhau theo dốc mới nơi ven đồi
Còn thấy chim ghen lời âu yếm
Tới đây chân bước cùng ngập ngừng
Mắt em như dáng thuyền soi nước
Tà áo em rung theo gió nhẹ thẹn thùng ngoài bến xuân.
Sương mênh mông che lấp kín non xanh
Ôi cánh buồm nâu còn trên lớp sóng xuân
Ai tha hương nghe ríu rít oanh ca
Cánh nhạn vào mây thiết tha
Lưu luyến tình vừa qua.

Lời II:
Nhà tôi sao vẫn còn ngơ ngác
Em vắng tôi một chiều
Bến nước tiêu điều còn hằn in nét đáng yêu
Từng đôi chim trong nắng khẽ ru u ú ù u ú
Lệ mùa rơi lá chan hòa
Chim reo thương nhớ, Chim ngân xa u ú ù u ú
Hồn mùa ngây ngất về đâu
Người đi theo mưa gió xa muôn trùng
Lần bước phiêu du về bến cũ
Tới đây mây núi đồi chập chùng
Liễu dương tơ tóc vàng trong nắng
Gột áo phong sương du khách còn ngại ngùng nhìn bến xuân.
(Điệp khúc)

“Bến Xuân” được Văn Cao viết năm 1942 khi ông mới 19 tuổi, và được NXB Tinh Hoa ấn hành cùng năm đó với lời ghi “nhạc: Văn Cao, lời: Văn Cao – Phạm Duy”. Sau này Văn Cao đã đặt thêm một lời nữa như là một bài hát khác, lấy tên mới là “Đàn chim Việt”.
Nói về bài hát “Bến xuân”, trong bài viết “Đàn chim Việt -Văn Cao” trên trang điện tử “Bài ca đi cùng năm tháng”, tác giả Hà Đình Nguyên đã viết:
“Bến xuân” có lẽ là một trong những bản tình ca đẹp nhất của người nghệ sĩ tài danh này. Và cũng là tác phẩm đỉnh cao nhất của thời kỳ âm nhạc lãng mạn Việt Nam.
Bến xuân của Văn Cao là quê hương yêu dấu. Là những điều giản dị rất mực, nhưng lại thiêng liêng rất mực.
Người nghệ sĩ lớn thì không bao giờ cao giọng. Văn Cao không nói về tình yêu, không giảng giải về tình yêu. “Bến xuân”, đơn giản, đã là bản thân tình yêu rồi”.
Về sự ra đời của bài hát này, phần dẫn nhập cho bài hát “Đàn chim Việt” có ghi lại lời nhạc sĩ Văn Cao đã nói: “Tôi yêu một người con gái … mà tôi không ngỏ lời với người ta … Nhưng mà họ hiểu, và họ tới với tôi … thành ra nó mới có cái chuyện là em đến tôi một lần … thì cái đó là một cái mối tình câm … mà rồi để lại cho cuộc đời mình thành một bài hát. Thế thôi! Không có cái gì nữa.”
Theo tác giả Hà Đình Nguyên thì: “Người con gái ấy chính là Hoàng Oanh, nữ ca sĩ ở Hải Phòng (sau này trong miền Nam cũng có nữ ca sĩ Hoàng Oanh hiện ở hải ngoại, không phải Hoàng Oanh trong bài viết). Nhưng tại sao nhạc sĩ Văn Cao yêu mà không dám nói? Là bởi con tim của nhạc sĩ “chậm xao động” hơn hai ông bạn thân. Biết được cả Kim Tiêu lẫn Hoàng Quý đều đem lòng yêu thương Hoàng Oanh, chàng nhạc sĩ trẻ đành nín lặng, ôm mối tình đơn phương…
Tuy thế, sau những lần gặp gỡ, qua ánh mắt, nụ cười nàng đã hiểu tấm chân tình của chàng. Rồi một hôm, Văn Cao đang ở Bến Ngự (Hải Phòng) thì nàng tìm đến. Không chỉ thăm suông mà nàng còn ngồi làm mẫu cho chàng vẽ (Văn Cao còn là một nhà thơ kiêm họa sĩ), rồi ân cần ngồi quạt cho chàng sáng tác nhạc…
Có thể nói ca khúc Bến xuân không chỉ là một bài hát làm xuyến xao lòng người mà còn là một bức tranh hết sức sống động, một bài thơ với những ca từ đầy biểu cảm. Tóm lại cả ba năng khiếu (thơ, nhạc, họa) tài hoa của Văn Cao đều dồn vào Bến xuân”. (….)
Nàng đến thăm chàng một lần, rồi… thôi, chừng đó cũng đủ hiểu lòng nhau và đã quá lãng mạn”.
(Hà Đình Nguyên, trên trang Bài ca đi cùng năm tháng)
Trong một bài viết khác trên trang điện tử Việt nam thư quán, ký giả Lô Răng viết: “Được biết người đẹp Hoàng Oanh sau đó đã lên xe hoa, về làm vợ một nhạc sĩ rất tiếng tăm thời ấy cũng ở Hải Phòng, bỏ lại Văn Cao, bỏ lại căn nhà “bên chiếc cầu soi nước”. Nhưng hồng nhan đa truân, người đẹp Hoàng Oanh vui duyên mới đâu được vài năm, người chồng nhạc sĩ tài danh vắn số kia tạ thế. Hoàng Oanh trở thành một góa phụ đa cảm đa sầụ Chiến tranh toàn quốc, người thiếu phụ đi theo ban ca kịch, đi kháng chiến để phần nào nguôi quên sầu muộn”.
Theo ký giả Lô Răng kể lại thì nhạc sĩ Văn Cao đã nói với ông trong một lần gặp ở Việt trì năm 1947 rằng: “Đến một lúc nào đó, con người phải quay về với nội tâm mình, có lẽ thời kỳ đó đối với tôi là thời kỳ thơ, thời kỳ họa. Với lại về nhạc, dạo này có một người bạn tôi, mới sáng tác nhưng anh ta có một sensibilité kỳ lạ (tôi còn nhớ nguyên chữ sensibilité được nói rất trang trọng của Văn Cao)”. Người bạn ấy chính là nhạc sĩ Phạm Duy.
Chi tiết này cùng với nhiều tài liệu khác, khi thì nói hai nhạc sĩ Văn Cao và Phạm Duy kết thân với nhau năm 1942, khi thì nói năm 1944 (bài Bến xuân được sáng tác năm 1942), cùng với việc nhạc sĩ Văn Cao đã từng có lời đề tặng trên đầu bài hát “Buồn tàn thu” : “Tương tiến Phạm Duy, kẻ du ca đã gieo nhạc buồn của tôi đi khắp chốn”, bởi khi đó nhạc sĩ Phạm Duy vẫn đang trong thời kỳ Du ca như một kẻ hát rong, là những căn cứ để nhiều người nghĩ rằng chuyện ghi tên tác giả Bến xuân là Văn Cao – Phạm Duy có cái gì đó khá tương đồng với chuyện những bài hát ghi tác giả là Đoàn Chuẩn – Từ Linh.
Một điều không khó đoán là một bài hát tình cảm lãng mạn như Bến xuân, dù có hay đến đâu chăng nữa mà không có tính giai cấp, tính chiến đấu thì hẳn sẽ không có đất sống trên chiến khu thời chống Pháp (và cả trên miền Bắc XHCN sau này). Bởi thế, có lẽ vì tiếc cho một giai điệu đẹp, ghi dấu bao kỷ niệm mà phải chịu cảnh tắt tiếng nên hồi đó nhạc sĩ Văn Cao đã phải đặt thêm một lời hát nữa trên nền nhạc xưa cho hợp với đất sống mới, để mong cho Bến xuân không bị chìm vào quên lãng chăng?

ZruGlGTTDuc

Nghe bài hát “Đàn chim Việt”, có cảm giác hình như dù nhạc sĩ đã cố gắng đưa vào lời ca một chút tính lịch sử, tính dân tộc thì bài hát vẫn mang nặng một nỗi niềm hoài niệm và rõ nhất là đoạn điệp khúc, chỉ sửa đôi chút để mong cố giữ lại câu hát có tiếng oanh ca:
Về đây khi gió mùa thơm ngát
Ôi lũ chim giang hồ
Bao cánh đang cùng dật dờ trên khắp cố đô
Từng đôi trên đất Bắc ríu rít ca …
Mờ mờ trong nắng ven trời
Chim reo thương nhớ chim ngân xa …
Hồn còn vương vấn về xưa
Về nơi hoàng hôn Thái Nguyên tung hoành
Từ Bắc Sơn kia thời tung cánh
Tới đây chim thấy lòng ngập ngừng
Nhớ ai trên mấy đồi Yên Thế
Kìa nước xa xa sông Gấm còn mịt mùng ngoài bến xuân
Chim đang bay qua Bắc sang Trung
Người Nam còn nghe lời chim nhắn lúc xa
Ai tha hương nghe réo rắt oanh ca
Cánh nhạn vào mây thiết tha
Lưu luyến một trời xa.
Như đã nói, cặp đôi bài hát “Bến xuân” và “Đàn chim Việt” là một điều kỳ lạ ít thấy trong âm nhạc Việt. Và cả cuộc đời nhạc sĩ Văn Cao cũng mang nhiều điều kỳ lạ có thể nói là chưa từng đâu có.
Không hẳn là vì ông có quá nhiều tài. Ít nhất cũng có một người nữa đa tài như ông, đó là nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi với bài hát “Người Hà nội” nổi tiếng, tác giả của bài thơ “Đất nước” nổi tiếng cùng rất nhiều thơ, nhạc, kịch, tiểu thuyết v.v… khác.
Không hẳn vì ông đã từng tham gia cách mạng từ thời kỳ tiền khởi nghĩa, rồi tham gia kháng chiến suốt 9 năm, mà rồi sau đó phải sống trong cảnh bần hàn, khổ sở về mọi mặt đến tận gần cuối đời, như một tên tù giam lỏng (mà không có án) vì bị quy là kẻ chống đối. Rất nhiều người khác đã cống hiến, đã hy sinh để có ngày miền Bắc XHCN được sinh ra và sau vụ Nhân văn – Giai phẩm đã trở thành phần tử phản động, được cho sống thêm (trong kỳ thị) là nhờ sự ban ơn và khoan hồng, như ông.
Không hẳn vì ông là tác giả duy nhất trên thế giới vừa bị coi là một kẻ phản động đáng lên án, lại vừa thấy bài hát của mình được dùng làm Quốc ca suốt chiều dài lịch sử cho tới nay (dù người ta rất muốn thay, và đã từng định thay).
Chỉ chắc chắn một điều là những cái kỳ lạ ấy là những thứ chẳng ai mong muốn.

Nguồn Internet