PDA

Xem phiên bản đầy đủ : Cùng TRẦN ANH DŨNG về CẦN THƠ “HÒ HẸN...”



Nắng Xuân
28-02-2016, 06:40 PM
CÙNG TRẦN ANH DŨNG VỀ CẦN THƠ “HÒ HẸN...”

https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xtl1/v/t1.0-9/12798824_1228433860520148_6675944260748854805_n.jp g?oh=0f540c87d11b896a0133870b17cd6c14&oe=575EBA17
Trần Anh Dũng (TAD) dù mới gia nhập CLB một vài năm nay nhưng anh được rất nhiều người yêu mến và hâm mộ không chỉ ở khả năng sáng tác đều (cả truyện ngắn và thơ), khá sâu sắc, tinh tế với nhiều mảng đề tài phong phú mà còn ở tính điềm đạm, khiêm tốn, chịu học hỏi cầu tiến. Có lẽ nghề lái xe rày đây mai đó đã cho anh vốn sống bổ sung vào tâm hồn nhạy cảm yêu thơ nên anh sớm trở thành cây bút nhiều triển vọng với những giải thưởng văn học dù chưa thật sự lớn lao nhưng tràn đầy hứa hẹn. Bài thơ “HÒ HẸN CẦN THƠ” là một sáng tác về thành phố nơi anh đến sinh sống, xây dựng gia đình và lập nghiệp như một món quà nhỏ tri ân với miền đất đã cưu mang anh.

“HÒ HẸN CẦN THƠ” là bài thơ luật đường viết theo thể “Ngũ độ thanh”- Một hình thức khá phổ biến và gần như đã trở thành trào lưu mấy năm gần đây. Thể thức này đòi hỏi các chữ thanh TRẮC chỉ dùng một lần trong câu đồng thời các thanh BẰNG được phép lặp lại nhưng hai chữ liền kề bắt buộc phải đổi dấu. Đây là sự tìm tòi của những người đam mê ngôn ngữ. Thông qua sử dụng vốn từ phong phú và nghệ thuật hài thanh làm cho nhạc điệu trong thơ tăng phần du dương, réo rắt. Cách chơi khó không phải ai cũng thích nhưng đã thu hút khá nhiều bạn yêu thơ, đặc biệt thông qua phương tiện internet nên càng được nhanh chóng phổ biến.

Trở lại bài “HÒ HẸN CẦN THƠ”, tác giả TAD đã đổi mới cả hình thức lẫn bố cục. Anh không viết theo Mở-Thực-Luận-Kết thông thường cũng không phải Khởi-Thừa-Chuyển-Hợp mà theo bố cục CẢNH-TÌNH (bốn câu đầu thiên về CẢNH và bốn câu sau thiên về TÌNH). Nếu đánh giá theo bài đường luật cổ điển thì bố cục “hỏng” nhưng xét theo tứ thì đây là một bài thơ theo phong cách “Bình cũ rượu mới” rất thành công. Theo ý bài thì cũng liên tục (Khái quát-Cụ thể-Suy ngẫm-Liên tưởng) mà theo không gian cũng rất thuận (Khái quát chung-Quan sát từ xa-Cảm nhận gần, cụ thể-Ước vọng).

Hai câu đầu: “Chân trời rực rỡ ánh hừng đông/ Những nẻo phù sa nhuộm nắng hồng” là một góc nhìn không chỉ Cần Thơ mà là toàn cảnh đồng bằng rất nên thơ. Người đọc như được dẫn dắt theo tác giả đang phóng tầm mắt nhìn bao quát khung cảnh rộng lớn. Chính trong lúc phiêu du bằng mắt chưa có điểm dừng ấy, mọi người không thể không ngạc nhiên trầm trồ trước những cảnh sắc đặc trưng của văn hóa miền sông nước. Đó là cây cầu treo dây văng lớn nhất Đông Nam Á. Đó là chợ nổi hữu tình mang hương sắc vùng miền độc đáo của Tây Nam Bộ. Đó là vườn cò Bằng Lăng giữa thành phố trung tâm của Đồng bằng sông Cửu Long được coi như biểu tượng cho “đất lành chim đậu”. Đó là miền đồng đất Vĩnh Thạnh đại diện cho Tây Đô nồng ấm tình người, mến khách và giàu tôm cá. Đó là vườn cây sinh thái Mỹ Khánh nổi danh với mô hình Du lịch miệt vườn bền vững. Đó là Ninh Kiều thơ mộng đã được chuyển tải vào rất nhiều áng thi ca... Còn nhiều hơn nữa nhưng chỉ với khuôn khổ của bài thất ngôn bát cú, dù có “máu tham” cũng phải chịu thua bởi sự hạn chế của ngôn từ. Những địa danh được chọn lọc và nhắc trong bài dù chưa thật đầy đủ, trọn vẹn nhưng cũng đủ để gọi mời bè bạn gần xa: “Rộn rã cầu treo ngời cảnh phố/ Tưng bừng chợ nổi ấm tình sông/ Bằng Lăng tiễn khách cò bay lả/ Vĩnh Thạnh mừng anh cá nhảy vồng/ Mỹ Khánh bao mùa sây quả ngọt/ Ninh Kiều dáng ngọc mãi chờ trông.” Chữ “CHỜ TRÔNG” cố tình để ở cuối bài như cái KẾT còn bỏ ngỏ, hứa hẹn biết bao điều thú vị đang dang vòng tay, mở rộng cửa đón đợi du khách bốn phương.

Ngoài nghệ thuật ngũ độ thanh đã nói trên, tác giả còn thể hiện sự tinh tế, sâu sắc thông qua việc chắt lọc ngôn từ. Bên cạnh sự hoán đổi cách gieo vần chính vận một cách nhuần nhuyễn là thủ pháp xen kẽ giữa mỗi phần của bài thơ là TÍNH TỪ và ĐỘNG TỪ được lồng ghép ý vị qua từng góc cạnh khiến bài thơ vừa như sinh động của cảnh thực mà lại có những gam màu giàu họa tiết. Một số khiếm khuyết nhỏ theo thiển nghĩ của tôi có lẽ là: “Âm thanh” trong bài còn thiếu; Câu 6 chưa thực đắt vì Vĩnh Thạnh chưa phải là huyện tiêu biểu về cá; Thời gian, không gian trong bài chưa thống nhất. Còn lại, mỗi từ, mỗi câu đều lắng đọng...

Cám ơn TAD đã mạnh dạn “đổi mới” phong cách để cho chúng ta một tứ thơ hay, đầy sáng tạo. Xét theo câu ngạn ngữ của ông bà ta để lại “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” thì TAD đã thu hoạch khá nhiều “SÀNG KHÔN” trong quãng đường đời và hiện nay, chính ở cái tuổi “Ngũ thập tri thiên mệnh” thì sự nghiệp văn chương của anh nở rộ và anh sẵn sàng trải lòng ra với bạn yêu thơ. Chúc anh luôn may mắn và gặt hái nhiều thành công.

Cần Thơ, ngày 27-02-2016
NGUYỄN THANH TOÀN