PDA

Xem phiên bản đầy đủ : Điểm sách - Trần Dũng với "Sóng bủa Cồn Ngao"



hoanggiao
04-07-2017, 03:45 PM
ĐỌC "SÓNG BỦA CỒN NGAO" CỦA NHÀ VĂN TRẦN DŨNG
(Bài viết của Hoàng Giao)

http://www.vanchuongviet.org/data/images/201404/hinhanh/29001303_hoanggiao%201.jpg


Đọc xong gấp sách lại mới thấy người viết truyện ký này đi nhiều, vất vả và gian truân đến thế! Để tìm đến ngọn nguồn cái gọi là ý nghĩa lịch sử của Trà Vinh quê mình, tác giả đã phải đi đến tận cùng từng vùng đất với những con người năm xưa một thời máu lửa.

"Sóng Bủa Cồn Ngao" là tập Ký & Truyện ký của Nhà văn Trần Dũng do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tháng 9 năm 2012.



Với sự từng trải và một ngòi bút sâu nặng nghĩa tình, giọng văn có duyên, dạt dào cảm xúc và một tình yêu quê sâu đậm ngọt ngào. Từng trang sách qua từng nơi tác giả đến đã ghi lại những dấu ấn không phai, xen lẫn tình cảm và những "cảm xúc đa chiều", chính vì vậy mà nó cuốn hút người đọc. Tôi cũng như được hòa vào những dòng cảm xúc ấy, dâng trào và dâng trào như những con sóng bủa Cồn Ngao.

http://www.vanchuongviet.org/data/images/201404/hinhanh/29001313_hoanggiao%202.jpg

http://www.vanchuongviet.org/data/images/201404/hinhanh/29001321_hoanggiao%203.jpg


Cửa biển Cồn Ngao



Những con người Trà Vinh Trần Dũng nhắc đến đều là những người đã từng tham gia kháng chiến, hoặc dấn thân, quên mình, đồng cam cộng khổ trong chiến tranh. Khi hòa bình lập lại họ vẫn chọn cho mình một lối sống giản dị như xưa. Hi sinh, cần lao, chia sẻ với những thân phận và những mảnh đời không may mắn. Họ âm thầm dấn thân như một bổn phận không đòi hỏi điều gì cho riêng mình. Chúng ta không thể không biết đến họ. Chính vì vậy mà Trần Dũng đã phải đi tìm họ là muốn đem đến công bằng cho họ, những người hy sinh quá nhiều cho đất nước và chăm lo cho bao người khác.



Đó là Trần Thị Mỹ Duyên (bài Người đàn bà gánh chữ vượt sông) từ chối cuộc sống an nhàn để làm nghê "bán cháo phổi", thân gái dặm trường của đất Cù lao Cổ Chiên.



Đó là ông Năm Me (bài Dọc đường hàng me) có biệt tài leo cây 16 năm đi mây về gió trên ngọn me chót vót chỉ để nghe ngóng tình hình địch vì cách mạng.



Đó là đồng bào các dân tộc Tây Nguyên (bài Màu xanh miền biên địa Đức Cơ) có già Kpuih Dom với suy nghĩ trăn trở cho cái chuyện bà con "không có thói quen tích lũy", "đồng tiền hoang phí là nguyên nhân gây ra các tệ nạn khác".



Ở Cù lao Tân Quy huyện Cầu kè (bài Đêm hội bông lau), không những là một vựa trái cây giàu có mà còn là một vựa cá lý tưởng. Chính vì vậy tại đây đã sản sinh ra những con người đánh bắt cá dũng cảm như Út Mót "bản lĩnh phi phàm" về bắt cá đuối, Tư Mến chiến thắng cá chép vàng nặng gần 1 tạ. "Chỉ khi nghe Tư Mến xuất bến thì đêm hội bông lau trên dòng sông Sau mới thực sự bắt đầu".



Người dân Tân qui thường dặn dò con cháu làm gì cũng phải vì lẽ công bằng không lấy mạnh đè yếu. "Sự công bằng luôn là lằn danh mong manh giữa hay và dở, giữa thành và bại, giữa công và tội, giữa tốt và xấu, giữa thiện và ác. Chệch một chút hiểm họa không lường".

Đó là những con người như chị Ba Hồng (bài Người đàn bà vượt sóng), bên chị Út Tịch (nhân vật trong Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi). Thời kháng chiến chị xông pha hiểm nguy, tù đày với đủ hình thức tra tấn dã man tại khám lớn Cao Lãnh cùng con gái. Hiện tại Chị Ba Hồng là tấm gương vượt khó vượt qua con chữ nhọc nhằn, chọn công việc làm công tác khuyến học giúp đỡ người nghèo vận động con em đến lớp tại vùng kháng chiến cũ, chị dấn thân không mệt mỏi.



Đó là anh Ba Công "một thư viện sống" (bài Người lính 2 lần nghỉ hưu) với hoàn cảnh bi đát tưởng chừng không còn con đường sống, nhưng hai vợ chồng anh "không xuôi tay chờ chết", để đến tuổi 60 họ đã ổn định...hạnh phúc bên nhau.



http://www.vanchuongviet.org/data/images/201404/hinhanh/29001329_hoanggiao%204.jpg

Nhà văn Trần Dũng



Cồn Ngao là điểm đến đầu tiên của tác giả, một địa danh độc nhất vô nhị. Lần đầu tiên tôi được nghe một Cồn Ngao như thế. Bao quanh là sông, ba bề là rừng, chỉ có một hướng nhìn ra biển đông. Cồn Ngao lọt vào giữa tạo nên một địa hình hiểm trở với nhiều thuận lợi, cũng không ít hiểm nguy. Đồng thời cũng là một cảnh quang lạ mắt diễm tình. "Cồn Ngao chỉ là con giồng đất cát chưa đầy một cây số vuông nằm sát rìa mép nước biển đông". Chú Bảy Neo xã đội trưởng là con người am hiểu về Cồn Ngao nhất, là một người đàn ông rất đỗi gần gũi thân thương đã từng chứng kiến tất cả những thành công, thất bại, những thử thách, máu xương, những đau thương mất mát của người dân Cồn Ngao. Là một người đã lớn lên và trưởng thành với Cồn Ngao. Chú Bảy Neo đã gieo vào lòng tác giả tình thương yêu cảm mến vô bờ bến với người kể chuyện cũng như với người dân Cồn Ngao. "Mấy trăm năm Cồn Ngao bị rừng biển và chiến tranh đóng cửa với bên ngoài". "Rừng Cồn Ngao vượt qua sự tàn phá của bom pháo, sự hủy diệt của chất độc khai hoang, ngày càng rậm cành kín tán". Qua biết bao năm tháng ngập chìm biển máu, Cồn Ngao ngày nay lại vươn lên xanh tươi rạng ngời sức sống.



"Những cơn sóng bủa không chỉ đến từ thiên nhiên khắc nghiệt, không chỉ đến từ chiến tranh khốc liệt mà còn đến từ chính những gì đang tiềm ẩn trong cái bụng và cái đầu của người dân Cồn ngao hôm nay"



Ở bài "Hồn xưa thành phố", tác giả nói về niềm tự hào một thị xã Trà Vinh đã trở danh thành phố. Từ bộ đồ dân thị nay đã chuyển sang những chiếc áo thị thành lịch lãm sang trọng. Nhưng tác giả khẳng định "Sự sinh thành lột xác nào cũng trải qua không ít đớn đau, vật vã" và "chính sông nước đã làm nên một phần cốt cách tâm hồn vùng đất con người những đô thị mà nó đi qua". "Những lưu dân người Việt đầu tiên trôi dạt về đất phương nam là những tứ cố vô thân, sảy đàn tan nghé, cầu thực tha phương"... Bên dòng Long Bình Trà Vang, tác giả đến với những truyện thơ của Sáu Trọng, Nguyễn Hữu Chánh lừng danh, Bùi cát Vũ, Phạm văn Phụng, Bùi Hữu Nghĩa vừa đánh giặc vừa viết văn. Mạn bờ bắc Vĩnh Hưng có cụ Trưởng Thơ là "một bậc triên tri cưỡi sóng khai phá giải cù lao Long Trị". Sức mạnh võ nghệ của cụ 200 năm lưu truyền...



Có một hình ảnh rất cảm động (bài Những khoảng lặng của khúc tụng ca chiến thắng) khi anh hùng đại tá Võ Văn Quảng (cựu chiến binh) đi tìm liệt sĩ Võ Văn Xe hi sinh ngay giờ phút đầu xông trận năm 13 tuổi tại tiểu đoàn 307 làm liên lạc. Những con người như Nguyễn Văn Xe có nhiều, các thế hệ trẻ 3 dân tộc Việt Khmer và Hoa trên vùng đất ven sông Hậu huyện Cầu Kè, họ đã làm nên chiến thắng của chiến dịch Bacsama_CầU KÈ.



Đó còn là bác Kim Huyên người dân tộc Khmer ở ấp Con Lọp_Trà Cú "mấy chục năm ròng chỉ làm một công việc duy nhất là đào lấp vá sửa đường tự nguyện không công" (bài Người phu lục lộ nhân dân)



Mỗi bước đi của tác giả là một niềm tự hào về quê hương sứ sở. Khiến cho đôi chân của Trần Dũng dẻo dai không biết mệt mỏi. Đi và khám phá từng vùng đất, từng con người, đi với những ân tình cho từng nơi đến.



Ngòi bút Trần Dũng sắc bén, qua từng nhân vật đã nói lên được tất cả những gì thân thương về đất nước con người Trà Vinh, Trà Vinh như hơi thở như gan ruột của anh vậy.



Qua những trang sách thấy rõ sự cảm phục cũng như tình yêu lớn của tác giả với mọi miền Trà Vinh quê hương. Tâm tình của tác giả chiếm trọn từng bước đi, từng ý nghĩ, từng việc làm. Đôi chân vạn dặm sẵn xả thân đã làm con người Trần Dũng trở nên thắm đượm nghĩa tình hơn với quê, quê hương là nhịp đập không thể thiếu trong trái tim đầy nhiệt tâm của tác giả. Đọc sách người ta không những cảm động cho từng nhân vật, mà còn cảm động vì chính trái tim trung hậu của người viết. Sách có giá trị cũng là vì người viết hòa cùng nhịp đập với trái tim từng nhân vật của mình, hòa cùng buồn đau sướng khổ.


Hoàng Giao
12/1/2013





PS:

"Nhà văn Trần Dũng còn có bút danh Châu Xuân Thiện, Thuỷ Hà; sinh ngày 19.02.1962 tại Hoà Thuận, Châu Thành, Trà Vinh.



Ông viết báo, làm thơ, viết văn xuôi, biên khảo, nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu văn hoá, văn nghệ dân gian… đăng trên các báo, tạp chí trung ương, khu vực ĐBSCL, TP.HCM…



Hiện là Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Trà Vinh.



Hội viên: Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội Di sản văn hoá Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam"