PDA

Xem phiên bản đầy đủ : Tiếng lòng mênh mang của vùng đất Phương Nam _Ban Tuyên Giáo Tỉnh Tiền Giang.



Trương Minh Thuận
02-01-2018, 09:46 PM
https://tuyengiaotiengiang.vn/news/Van-hoa-Van-nghe/Tieng-long-menh-mang-cua-vung-dat-phuong-Nam-2014/
Cuộc thi sáng tác lời mới cho bài vọng cổ Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2017 do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang đăng cai tổ chức, sau hơn 6 tháng phát động, Ban Tổ chức đã nhận được 430 tác phẩm của 138 tác giả trong khu vực tham dự.
Ông Nguyễn Thanh Hiền - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trao giải nhất cho tác giả Diệp Vàm Cỏ
Ông Nguyễn Thanh Hiền - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trao giải nhất cho tác giả Diệp Vàm Cỏ
Đây là cuộc thi do 13 Hội Văn học Nghệ thuật trong khu vực liên kết tổ chức nhằm mục đích tìm kiếm bài ca vọng cổ thực sự có chất lượng viết về vùng đất và con người ĐBSCL, có nội dung tư tưởng sâu sắc và tính nghệ thuật cao; Thông qua đó góp phần tôn vinh cho nghệ thuật đờn ca tài tử nói riêng và sân khấu cải lương nói chung, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của đông đảo khán giả mộ điệu, đồng thời giúp các câu lạc bộ đờn ca tài tử, cải lương có thêm nhiều tác phẩm mới để sinh hoạt và biểu diễn.
Hầu hết tác phẩm tham gia cuộc thi tập trung ngợi ca đất và người vùng ĐBSCL với truyền thống đoàn kết, kiên cường bất khuất trong kháng chiến, các thành tựu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cùng những nét đặc trưng riêng của mỗi vùng miền. Chúng ta bắt gặp một vùng ĐBSCL với những cánh đồng mênh mang bát ngát thẳng cánh cò bay, những khu vườn sai trĩu quả, những dòng sông chở nặng phù sa... trong nhiều bài hát như: Ký ức đồng bằng, Bìm bịp kêu chiều, Về lại đồng bằng, Miền Tây trong niềm nhớ, Áo em thơm nắng đồng bằng, Đất Chín Rồng châu thổ,... Là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, chính vì thế mà tâm tư tình cảm của con người trên mảnh đất phương Nam này luôn chứa đựng biết bao yêu thương gắn bó với cánh đồng, dòng sông, bến nước... đó cũng là điều hết sức dễ hiểu. Và tự dưng nó cũng trở thành nỗi nhớ thương, khắc khoải mỗi lúc đi xa:
“Dù xa xôi tôi vẫn nhớ đồng bằng
Nhớ Cửu Long giang, nhớ miền châu thổ
Tháng bảy heo may, thơm mùi lúa trổ
Giai điệu nồng nàn, thương câu vọng cổ ai ca…”
(Ký ức đồng bằng)
Các tác giả tham gia dự thi bám sát nhiều vấn đề thời sự của đất nước và của khu vực, phản ánh nhiều đề tài khác nhau: về cuộc sống đời thường, về tình yêu quê hương, gia đình, tình yêu đôi lứa, về những nỗi đau mất mát cũng như hạnh phúc của con người... Nhiều tác phẩm có ý tưởng sáng tạo mới, nhiều các tác giả đi sâu vào đề tài “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, biển đảo, xây dựng nông thôn mới... Đặc biệt, những địa danh lịch sử, văn hóa và con người Nam bộ đã trở thành một đề tài phổ biến, thành nguồn cảm hứng dạt dào và thôi thúc sự sáng tạo của các tác giả qua các bài như: Năm Căn miền đất nghĩa tình, Trở lại Tân Thanh, Thức với đêm Trà Sư, Thương sao bánh tét quê mình, U Minh mùa xuân mới, Bến Tre muôn thuở rạng ngời, Hương sắc Bạc Liêu,...
Cuộc thi lần này với sự phong phú về đề tài, sự đa dạng về phong cách, các tác giả đã viết nên những lời ca tiếng hát đậm đà hương sắc quê hương và đem lại những cảm nhận sâu sắc, độc đáo cho bài ca vọng cổ hôm nay. Các tác giả vừa phản ánh được những tâm tư, tình cảm chung của con người thời đại, lại vừa mang những nỗi niềm riêng của tâm hồn, tính cách con người Nam bộ.
“Tôi đi giữa đôi bờ ước vọng
Đồng bằng ơi nghe tiếng hát quê mình
Anh hãy lớn cùng đất nước gọi bình minh
Bình minh đó ta nghĩ về đất nước…”.
(Về lại đồng bằng)
Một điều đáng ghi nhận đó là chất văn học trong các bài ca cổ được thể hiện khá đậm nét thông qua những ca từ mượt mà, những hình ảnh giàu sức gợi tả tạo nên sức hút và sự lắng đọng ở nhiều bài vọng cổ. Không ít bài với ca từ nhẹ nhàng, mộc mạc và gần với ngôn ngữ hằng ngày tạo nên nét đẹp hết sức dung dị và cứ thế nó thấm vào nội tâm của người nghe. Chính bởi nó gần gũi nên khi hát lên chúng ta như thấy có mình trong đó, những lời ca chân tình, mộc mạc như nói hộ tiếng lòng thổn thức của bao người.
Tôi thương tiếng thá dí trâu của bác nông dân
Mùa nước nổi mênh mông bông súng đồng nở trắng
Tiếng bìm bịp kêu bồng bềnh trên sóng nước
Bên chén rượu chung trà ba thanh thản ngắm chiều quê…
(Bìm bịp kêu chiều)
Qua vòng sơ khảo, 41 tác phẩm đã được vào chung khảo. Với tinh thần làm việc công tâm, khách quan, Ban Giám khảo đã chọn ra 15 tác phẩm xuất sắc để trao giải thưởng của cuộc thi. Có thể thấy mặc dù diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng cuộc thi đã thu hút được sự tham gia của đông đảo các cây bút chuyên nghiệp lẫn không chuyên trong khu vực. Đặc biệt, nhiều tác giả trẻ đã đoạt giải cao tại cuộc thi lần này như: Trương Minh Thuận (Bến Tre), Nguyễn Văn Kiệt (Kiên Giang), Nguyễn Trọng Nghĩa (Trà Vinh)…
ĐBSCL là một vùng đất mới trù phú với những nét văn hóa đặc sắc, trong đó có nghệ thuật đờn ca tài tử và cải lương được xem như tiếng lòng của người dân phương Nam. Là bản nhạc tiêu biểu nhất trong cổ nhạc Nam bộ và là điệu căn bản của sân khấu cải lương, bài vọng cổ qua quá trình sáng tạo của các soạn giả, các nghệ sĩ... đang ngày càng trở nên đa dạng và phong phú, ăn sâu vào đời sống tinh thần của nhiều thế hệ.

Phát biểu báo cáo tổng kết, Nghệ nhân ưu tú - soạn giả Huỳnh Anh, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang khẳng định: “Thắng lợi lớn nhất của cuộc thi lần này, đó là hơn 400 bài ca vọng cổ viết về vùng đất và con người ĐBSCL. Chúng tôi tin tưởng các tác phẩm này sẽ ghi dấu ấn tốt đẹp trong lòng công chúng mến mộ, bởi nó được cất lên bằng những rung động chân thực của các tác giả sinh ra và lớn lên bằng ngụm nước Cửu Long giang, bằng hạt gạo của vùng đất Chín Rồng”.
Diệp Vàm Cỏ, tác giả đoạt giải Nhất cuộc thi, chia sẻ: “Cuộc thi lần này đã tạo nên bầu không khí sôi nổi, cũng như tinh thần phấn chấn cho các tác giả trong khu vực tiếp tục tìm tòi những cái hay, cái đẹp còn ẩn chứa trong bản nhạc vọng cổ độc đáo của vùng đất phương Nam. Đây cũng là dịp để các tác giả trong khu vực có dịp giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau”.
Qua cuộc thi lần này, có thể thấy phong trào sáng tác vọng cổ ở Đồng bằng sông Cửu Long đang chuyển mình mạnh mẽ trong nội dung, đề tài cho đến ca từ, cách thể hiện ý đồ nghệ thuật. Dịp này, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang xuất bản tuyển tập ca cổ “Miền Tây, khúc tri âm” giới thiệu 41 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo cuộc thi.
Vùng ĐBSCL rộng lớn với nhiều tiềm năng phát triển đang từng ngày đổi thịt, thay da, chắc chắn sẽ tiếp tục hình thành những chất liệu quý cho các tác giả tạo nên nhiều bài vọng cổ đặc sắc hơn nữa trong thời gian tới.
Kết quả cuộc thi:
- Giải Nhất: “Ký ức đồng bằng” của Diệp Vàm Cỏ (Long An)
- Giải Nhì: “Bìm bịp kêu chiều” của Thanh Hải (Tiền Giang), “Năm Căn, miền đất nghĩa tình” của Trần Thị Kim Hằng (An Giang)
- Giải Ba: “Thương sao bánh tét quê mình” của Trương Minh Thuận (Bến Tre), “Chiếc chiếu ngày xưa” của Ngô Triều Dương (Đồng Tháp), “Chiếc giỏ đệm” của Nguyễn Văn Kiệt (Kiên Giang)
Ngoài ra, Ban Giám khảo cuộc thi cũng chọn trao 8 giải Khuyến khích và giải Bài ca vọng cổ hay nhất viết về Tiền Giang

Lê Văn