PDA

Xem phiên bản đầy đủ : Nguyễn Hữu Thăng - Thơ dịch



Nguyễn Hữu Thăng
04-06-2018, 01:30 AM
SÔNG THIÊN QUAN
Lê Tung
Đây gọi Cổng Trời thật chẳng ngoa
Tên xưa ai đặt mãi không nhòa
Muôn trùng sóng nước thuyền khôn trải
Trăm đỉnh núi đèo ngựa khó qua
Minh tặc mấy lần xương rải khắp
Đường triều hai đạo máu loang xa
Nắng lên phảng phất hồn ma quỷ
Lạnh gáy chẳng dừng ngắm nguyệt hoa
NGUYỄN HỮU THĂNG dịch

Nguyên tác:
天關江
黎嵩
此號天關果不訛
有名其始自誰耶
水千重浪船難度
山百峰攔馬苦過
明賊几番餘骨落
唐人二道棄軍多
日昇猶見魔風往
頸冷安留玩月花

Thiên Quan giang
Lê Tung
Thử hiệu Thiên Quan quả bất ngoa
Hữu danh kỳ thuỷ tự thuỳ gia
Thuỷ thiên trùng lãng thuyền nan độ
Sơn bách phong lan mã khổ qua (quá)
Minh tặc kỷ phiên dư cốt lạc
Đường nhân nhị đạo khí quân đa
Nhật thăng do kiến ma phong vãng
Cảnh lãnh an lưu ngoạn nguyệt hoa

Dịch nghĩa:
Sông Thiên Quan
Nơi đây gọi là cửa ải của trời thật chẳng ngoa
Chẳng rõ cái tên này do ai đặt ra ban đầu
Ngọn nước ngàn trùng sóng gió thuyền khó qua nổi
Trăm núi giăng ra ngăn trở, ngựa vượt sao đây
Giặc Minh bao phen thất bại để rơi xương lại
Thời Đường hai đạo quân thua lớn bại binh nhiều
Khi mặt trời lên rồi mà trận gió ma quỷ vẫn còn phảng phất
Muốn dừng lại thưởng ngoạn gió trăng nhưng lạnh gáy mà không dừng được

Chú thích:
- Sông Thiên Quan: tương truyền xưa có đạo quân Mộc Thạnh đời Minh bại trận chết nhiều. Một số sống sót không về nước mà ở lại hai bờ. Họ cùng nhau lập đền thờ hãy còn dấu vết. Sông Thiên Quan ở đây có lẽ là tên cũ của sông Thiên Mạc nằm ở tỉnh Hà Nam
- Đường nhân: Người thời Đường, ở đây chỉ tướng Nguyễn Duy Lương, tả tiên phong của Phùng Hưng đánh bại hai đạo quân Tàu là Tiền Khởi Nguyên và Thái Phúc. Đền Đoan Vĩ xã Thanh Hải huyện Thanh Liêm xưa thờ tướng Nguyễn Duy Lương

- Tác giả:
Lê Tung 黎嵩 (1454-?) tên thật là Dương Bang Bản 陽邦本, sinh năm 1454, không rõ năm mất (chỉ biết là ông mất sau khi đã soạn bài "Việt giám thông khảo tổng luận", tức năm 1514), người làng Yên Lạc, huyện Thanh Liêm, xứ Sơn Nam (nay là huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam). Ông thi đỗ Hoàng giáp. Năm Giáp Thìn (1484) được Lê Thánh Tông ban quốc tính (họ Lê) và đổi tên thành Lê Tung. Năm Hồng Đức thứ 24 (1493) được sung làm Phó sứ sang nhà Minh. Năm 1507, được phong làm Chánh sứ sang nhà Minh lần thứ hai. Ông từng trải nhiều chức quan và từng làm Tế tửu Quốc Tử Giám. Tác phẩm của ông mất mát khá nhiều, chỉ còn "Việt giám thông khảo tổng luận", sau được khắc in vào phần đầu sách Đại Việt sử ký toàn thư. Ngoài ra, ông còn có tập thơ Giang hồ chí sự gồm hơn 50 bài.