Xem phiên bản đầy đủ : ĐỒNG DAO [ THẢ ĐĨA BA BA ]
huyba
13-07-2018, 04:17 PM
ĐỒNG DAO VÀ LÍ GIẢI
Chùm bài của Nguyen Xuan Hung [ FB ]
Đồng dao (1)
Nhân bạn Luongvan Luongvan có stt về một bài đồng dao, tôi xin mạo muội nói đôi điều về vấn đề này. Bài đó là bài "Thả đỉa ba ba". Trong stt của bạn Luongvan Luongvan có khác một hai từ. Tôi nhớ như thế này: Thả đỉa ba ba/ chớ bắt đàn bà/ phải tội đàn ông/ cơm trắng như bông/ gạo tiền như nước/ đổ mắm đổ muối/ đổ cối hạt tiêu/ đổ niêu cứt gà/ đổ phải nhà nào/ nhà nấy phải chịu.
Trò chơi này trẻ con đứng thành vòng, nhà cái vỗ/chỉ đầu từng người đọc, đến câu cuối trúng ai thì người đó làm đỉa. Đỉa chạy đuổi, kịp ai sờ được vào đầu (hoặc quy ước chỉ cần chạm người bất cứ chỗ nào) thì người đó lại thay làm đỉa.
Đó là trò chơi đuổi bắt, vui chơi rất bình thường. Nhưng các cụ chân Nho ngày xưa đã lồng đồng dao, nói chuyện thường, mà ẩn ý giáo dục, hay truyền đạt một kinh nghiệm sống, đó là một loại mật mã cho đời sau giải.
Bố tôi sinh năm 1911, tức là đã sống rất lâu so với thời đại của chúng ta. Ông nội tôi là một cụ Đồ, nghĩa là có chữ, thang bậc thấp nhất so với các ông có chữ thời xưa. Theo bố tôi, bài đồng dao này kể về thời rất xa xưa, khi quân phương Bắc sang nước Nam giết phu hiếp phụ, nghĩa là giết đàn ông, hiếp đàn bà. Các cụ nói vẻn vẹn chỉ có vậy, thời xưa tôi hỏi các cụ cũng chẳng cắt nghĩa nổi. Chỉ nói: Thì bắt đàn bà đi nên nước mất nhà tan.
Lớn tý nữa, tôi hiểu rằng, nếu theo ý tứ các cụ truyền lại, thì đây là một lời ai oán, khi mà quân xâm lược bắt đàn bà, làm tội đàn ông, cơm trắng như bông hay gạo tiền như nước thì cũng chả để làm gì, mắm muối hạt tiêu là những đồ ăn thức uống lẫn với cứt gà, một thứ "nhà tan" rất kinh khủng.
Nhưng cách đây nhiều năm, tôi có gặp một người rất thông thái, hiểu cổ văn, dạy Đại học Bách khoa Hà Nội, ông ấy lý giải có vẻ hợp lý hơn những điều truyền khẩu tôi đã nghe. Cái con đỉa gì mà như đầu con ba ba? Nếu ai nhìn thấy con ba ba bơi, cái đầu vươn ra ngoe nguẩy, thì mới thấy cái đầu ba ba vừa giống con đỉa, vừa giống... cái gì đó của đàn ông. Cái con đỉa ba ba ấy bắt đàn bà, là một người đàn ông khác tội nghiệp. Khi đó cuộc sống hạnh phúc với cơm trắng như bông, gạo tiền như nước sẽ bị tiêu tan, những mắm muối, hạt tiêu, đồ bếp núc sẽ lộn tùng phèo lên, đó là khi người đàn bà trong gia đình đã ra đi, hoặc tâm can của người đó đã rời bỏ, khiến cho bếp núc nháo nhào. Bài đồng dao nói về một hiện tượng, đó là người đàn ông cướp mất người đàn bà của gia đình. Khi người đàn ông thả con đỉa ba ba ra, người đàn bà bị con ấy bắt thì nó tan tành cả gia đình, phải nhà nào nhà ấy phải chịu.
Kiến giải này có lý hơn điều cao cả mà tôi nghe được từ gia đình, từ giải thích vắn tắt của bố tôi. Nhưng biết đâu, từ sâu xa trong lịch sử, điều này cũng đúng. Không thể biết được. Chép hầu bạn đọc cả hướng giải mã bài đồng dao này.
[ còn tiếp ]
huyba
15-07-2018, 03:17 PM
Đồng dao (2)
Ù à ù ập
Sau cái stt lần trước, có mấy bạn comment đáng chú ý, nên trước khi vào chủ đề chính, xin nói lại về quan niệm "đồng dao". Có bạn nói rằng đồng dao có loại cho người lớn, cho trẻ con, nay xin nói ngay rằng, đã nói "đồng dao" là nói về các bài vè, thơ hoặc có vần của trẻ con. "Đồng" ở đây là chữ đồng gốc Hán, nghĩ là trẻ con. Như "nhi đồng", "thần đồng"... Còn "dao" là các bài dân dã, chữ dao trong ca dao, phong dao... Như thế, đã "đồng dao" thì là bài hát, bài vè của trẻ con.
Có bạn đặt vấn đề, tìm ra thời gian, không gian xuất xứ của bài đồng dao. Câu hỏi này rất thú vị. Cho đến nay, các bài đồng dao có thể phân loại theo thời gian ra đời. Đại đa số đồng dao mà tôi nói đến, có ý định đề cập đến, là loại đồng dao cổ, không thể tìm thấy nguồn gốc. Phần lớn đồng dao có tính chất dân dã sống được do truyền khẩu, không thể biết nó ra đời khi nào, chỉ khi giải mã thì mới đoán định được.
Cũng có loại đồng dao mới, nhưng những đồng dao đó không đáng để nghiên cứu, vì chỉ có ý nghĩa giáo dục thô thiển, phần nhiều dùng từ hiện đại, nhận ra ngay. Ví dụ bài "nu na nu nống, đánh trống phất cờ, mở cuộc thi đua..." rõ ràng là ra đời sau những năm Dân chủ cộng hòa. Những đồng dao mới câu cú tề chỉnh, đơn nghĩa, có gì mà phải lăn tăn về chúng đâu.
Đồng dao cổ có ý nghĩa lịch sử, mà phần thú vị nhất của chúng là một loại sấm ngữ, một loại mô tả kinh nghiệm sống. Cấu trúc câu cú có vẻ lộn xộn, bạ đâu nói đấy, vần vè, loại như "thả đỉa ba ba, chớ bắt đàn bà..." Loại đồng dao này do có tính sấm ngữ, nên mỗi thời một kiểu giải mã, mỗi lúc một cách giải nghĩa khác nhau. Đồng dao cổ thường gắn với các trò chơi của trẻ con từ xa xưa.
Hồi những năm 198x, tôi có đi công tác phía đường 10, Hải Phòng, Thái Bình. Một trưa mùa hè nghỉ ngơi ở quán, gặp một ông lão nông tri điền cũng nghỉ, chợt mưa xuống, có bọn trẻ con chạy mưa, chơi đuổi nhau, chúng chơi trò "ù à ù ập" để lấy đứa đuổi, một bọn chạy. Trường hợp này không dùng "thả đỉa ba ba" mà là "chi chi chành chành, cái đanh thổi lửa, con ngựa chết trương, ba vương ngũ đế, đội rế đi tìm, ù à ù ập". Tôi biết từ lâu, trò chơi này là nói về việc ba vương nhà Đường tranh nhau ghế hoàng đế của Đường Thái tổ vừa qua đời, sau này, cũng có nói rằng đó là chuyện ba vương nhà Lý đánh nhau, nhân khi Lý Thái tổ vừa băng, cuối cùng một vương bị đánh chết, 2 vương thoát chết. Nhưng nhà Đường thì xử tội vị vương sống, còn Lý Thái tông thì tha tội cho em. Đó là câu chuyện tương tự, giống nhau đến kỳ lạ của hai nhà Đường (TQ) và Lý (VN). Song, chiếu vào câu chữ, có lẽ đồng dao này nói về nhà Đường, vì Lý Uyên tuổi Ngọ, nên mới có câu "Con ngựa chết trương", câu tiếp theo là "Tam vương tranh đế", thì đúng hơn chứ không phải "tam vương ngũ đế". Nhưng "Đội rế đi tìm" thì là phong tục Việt Nam, khi chịu tang, người ta đội trên đầu một vòng rơm, như cái rế. Đó là kiến giải kinh điển của bài đồng dao này.
Tuy nhiên, hôm ở Thái Bình tôi đã nói trên đây, ông già lão nông tri điền lại bảo: Cái đanh thổi lửa là quả tên lửa, còn con ngựa chết trương là năm Ngọ, vừa qua Mỹ vừa đánh Irak, tam vương là 3 nước Irak, Ả rập xê út, Cô Oet liên quan đến cuộc chiến, còn ngũ đế là 5 nước thường trực hội đồng liên hợp quốc đang dàn xếp cuộc chiến này. Ông già nói: Đồng dao là trời sinh ra, rồi từ gán vào mồm bọn trẻ con từ xưa đến nay... Tối hôm đó, tôi viết truyện ngắn "Một chiều đồng dao" khoảng 2000 chữ, gửi báo Văn Nghệ. Đó là truyện ngắn đầu tay của tôi, truyện đầu tiên được đăng báo, khi đó tôi đang là kỹ sư lêu lổng.
Nhân nói về đồng dao, tôi lại nhớ đến cái truyện ngắn kể về một chiều có thật, với bọn trẻ con chơi trốn tìm, chơi trò "Ù à ù ập". Ai có tuổi thơ thôn dã chắc nhớ trò này. Một đứa xòe tay, bọn xung quanh dùng ngón chỏ chấm vào lòng bàn tay đứa cầm cái, nói lảm nhảm mấy câu đồng dao, đến chữ "ập", đứa làm cái nắm tay lại, đứa nào rút nhanh tay ra là được, đứa nào bị nắm giữ ngón tay thì chơi lại đến khi còn một đứa phải đuổi bắt cả bọn. Đó là trò đúng là liên tưởng đến cuộc chiến mà ai không nhanh chân rút ra sẽ thất bại. Trong lịch sử, 2 lần có một vương đã bị "ập" chết... Và mỗi thời người ta lại giải thích theo một cách riêng. Cho rằng "đồng dao do trời sinh ra" cũng có thể đúng.
N.X.H.
( Còn tiếp )
huyba
23-07-2018, 09:09 AM
Đồng dao (3)
3. Rồng rắn lên mây
Trò chơi rồng rắn lên mây bây giờ trẻ em không chơi nữa, nhưng thế hệ 5x, 6x, 7x ở nông thôn vẫn chơi. Nhiều đứa xếp hàng túm áo nhau, chọn đứa khỏe đứng đầu hàng, gọi là đầu rồng. Một đứa làm "thầy đuổi". Bọn làm rồng đi vòng quanh, nói câu đồng dao: Rồng rắn lên mây, có cây núc nác, có nhà điểm binh. Đứa làm "thầy đuổi" hỏi: Thày thuốc có nhà hay không? Đứa đầu rồng trả lời: Thày thuốc đi cắt thuốc cho trâu. Thày đuổi: Xin khúc đầu. Tất cả đồng thanh trả lời: Cùng xương cùng xẩu. Thày đuổi: Xin khúc giữa. Tất cả: Cùng máu cùng mê. Thày đuổi: Xin khúc đuôi. Tất cả: Ba vòng thày đuổi.
Bọn làm rồng rắn lại đi vòng quanh, đồng thanh đọc đồng dao 3 lần: Rồng rắn lên mây, có cây núc nác, có nhà điểm binh. 3 vòng là thày đuổi. Mục tiêu của thày là đuổi bắt hoặc sờ vào được đứa làm đuôi (cuối cùng). Thày chạy đến đâu, đầu rồng chạy đến đấy giang tay để chắn. Nếu thày xông vào vô ý sẽ bị cả đoàn rồng rắn cuộn vào là thày thua. Nếu thày bắt được đuôi thì đứa đuôi lại làm thày.
Trò chơi này giáo dục ý thức tập thể, cũng là trò rèn thể lực, tập thể dục, chạy nhảy, phối hợp nhóm. Trò chơi rất bổ ích, chỉ lạ là bài đồng dao chả đâu vào đâu, nói câu nọ câu kia rất buồn cười.
Mấy bài trước, tôi có nói đồng dao xưa có tính sấm vĩ, cũng có bạn không đồng ý. Tôi thì tin rằng, những bài đồng dao do các nhà nho có chữ đặt ra, rồi bằng cách nào đó dạy cho trẻ con. Thời xưa, trẻ con và các trò chơi chính là cách lan truyền thông tin trong cộng đồng, nó là mạng xã hội thời nguyên sơ. Đại Việt sử ký toàn thư chép rõ ràng những bài đồng dao trong dân gian do trẻ con hát, như bài nói về nhà Lê mất, nhà Lý lên thay. Hoặc như vua Lê Tương Dực được các quan bẩm báo, trẻ con hát đồng dao có thiên tử xuất hiện ở phương Đông, bèn tổ chức cả đoàn trấn yểm ở Đồ Sơn, trong đó trớ trêu thay có cả Mạc Đăng Dung, mà không biết câu đồng dao ứng vào chính nhà Mạc. Có thể đoán rằng, với nhiều cấm đoán trong xã hội, đồng dao là cách các trí thức "lách bút" viết về kinh nghiệm sống có tính phạm húy, dự báo tương lai không thể nói ra. Cho nên các câu đồng dao cổ như là lộn xộn, không rõ nghĩa. Ví dụ bài "rồng rắn lên mây", thì tại sao lại có cây núc nác, rồi có nhà điểm binh, thoắt cái xuất hiện thày thuốc. Thày thuốc đi đâu, đi chữa bệnh cho trâu. Toàn câu bạ đâu nói đó. Nhưng mà tại sao nó cứ sống qua thời gian, sống bền bỉ. Chỉ có thời đại ngày nay nó mới có nguy cơ mai một, chết dần, ít ai nhớ nữa.
Bài Rồng rắn lên mây, xưa tôi nghe nói về vua Quang Trung. Một người thường dân lên ngôi, là rồng rắn lên mây, năm Tỵ bắt đầu chiến dịch chiếm Phú Xuân, đó là khởi đầu ngai vàng của vua Quang Trung. Khi vua ra Bắc, phải lần thứ hai đánh Thanh mới xong, khúc đầu cùng xương cùng xẩu. Khúc giữa miền Trung anh em nồi da nấu thịt, máu mủ đánh nhau cùng máu cùng mê. Khúc đuôi đuổi Nguyễn Ánh 3 lần là kiệt sức. Trò diễn này chính là thời cuộc một giai đoạn lịch sử. Khi đi tìm thày thuốc, chính là khi vua ra Bắc xin khúc đầu, thày thuốc đi cắt thuốc cho trâu, một việc làm vô nghĩa với quan niệm dân gian xưa, không ai chữa bệnh cho trâu, đó là khi vua Lê cầu viện quân Thanh, một loại thày thuốc chữa bệnh cho trâu thôi.
Gần đây, tôi lại thấy một ông mê cổ văn, bảo bài rồng rắn lên mây ứng với chuyện nhà Nguyễn mất sáu tỉnh miền Trung, ba kỳ có 3 chế độ, rồi lại bảo đó là chuyện sau năm 54 đến 1975... Cũng là hiếu sự nói chơi vậy thôi. Nhưng mà đồng dao có tính sấm vĩ và sống trường tồn cho đến 1975 thì đã được thời gian kiểm chứng.
N.X.H
huyba
28-07-2018, 08:32 PM
Đồng dao (4) Bắc kim thang
Một bài đồng dao của trẻ em vùng Nam bộ khá nổi tiếng là bài "Bắc kim thang". Cho đến nay, khá nhiều thắc mắc về việc giải nghĩa bài này. Đây có thể là bài đồng dao cổ điển hình, giống như bài Thả đỉa ba ba, Chi chi chành chành ở miền Bắc, ngôn ngữ đa nghĩa, lộn xộn, gặp đâu nói đấy, khó hiểu.
Toàn bài: Bắc kim thang cà lang, bí dợ/ cột qua kèo là kèo qua cột/ chú bán dầu qua cầu mà té/ chú bán ếch ở lại làm chi/ con le le đánh trống thổi kèn/ con bìm bịp thổi tò tí te.
Nghe nói có cả những cuộc hội thảo có bàn về bài đồng dao này. Một ông cho rằng, đây là bài hát trẻ em hát khi lò cò chơi khèo chân. Ông ấy cho rằng phải là "bắt kim than" tức là bắt con ngựa màu xám. "Bắt Kim Than, cà lang bí rợ/ Cột quai chèo, chèo qua chèo lại/ Bắt ngựa ô, chạy vô vườn mít/ Hái lá mít, chùi đít ngựa ô". Nhưng đang bắt con ngựa thì cà lang bí rợ làm gì? Chịu. Nó là đồng dao trẻ con hát thế thì biết thế.
Gần đây, có ông bảo là bài đồng dao này nguồn gốc kể câu chuyện tình bạn của ông bán dầu và ông bán ếch. Một ông bán ếch cứu được con le le và bìm bịp bị sập bẫy, nên đôi chim ấy báo cho ông bán ếch là trong 7 ngày không được ra ngoài đi bắt ếch khi trời chưa sáng kẻo ma bắt. Ông bán ếch chưa kịp báo cho bạn thì ông bán dầu đã đi bán dầu sớm, đi qua cầu bị té ngã chết. Nên ông bán ếch chán ở lại làm chi, le le đánh trống bìm bịp thổi kèn đám ma ông bán dầu.
Câu chuyện trên đây chắc chắn là một ông hiếu sự đã nghĩ ra, cho các tình tiết hợp với bài đồng dao mà thôi. Vì các nhân vật trong câu chuyện không có tên tuổi, không có ghi chép lịch sử để chứng minh. Phiếm chỉ kiểu đó không phải là giải mã đồng dao. Nó chỉ là dựa vào ý tứ câu chữ để bịa ra một câu chuyện có ý nghĩa giáo dục con trẻ (một cách khiên cưỡng). Lạ lùng là bài giải nghĩa này chia sẻ nhiều trên mạng coi như một truyền thuyết chuẩn về bài đồng dao, trong đó cắt nghĩa cà, lang, bí rợ là 3 loại quả có dây leo trên giàn bắc kim thang có lẽ là sai sót lớn. Bí rợ là tiếng Nam chỉ bí ngô, thì cà lang hẳn là tiếng địa phương Nam chỉ loại quả bầu hoặc bí gì đó, chung giàn với bí rợ.
Trở lại ý nghĩa sấm vĩ của thể loại đồng dao, nhiều năm trước tôi đã nghe một ông giải mã bài Bắc kim thang như sau: Bắc kim thang là bắc cái thang hình chữ kim, trên đó loài cà lang và bí rợ đều leo lên. Leo cao. Một trong 2 anh đó là anh bán dầu, khi qua một cái cầu ở Nam bộ thì bị té. Còn anh kia cùng leo kim thang là anh ếch, người Nam đọc chữ X là "ếch". Anh bán dầu té rồi, đi tù rồi thì anh X ở lại làm chi? Bọn đánh trống thổi kèn là những con le le. Con le le, một loại vịt trời vui thì sà vào, động thì bay đi. Nhưng thổi kèn đám ma tò tí te là con bìm bịp. Loài bìm bịp ăn rắn độc, gương chiêu bài diệt rắn, nhưng nó là bìm văn bịp. Anh bán dầu đang bán dầu vào Nam bộ làm chi để qua cầu mà té? Anh X và anh bán dầu (dầu khí, dầu thô...) anh nào là cà lang, anh nào là bí rợ? Các anh leo đến gần đỉnh kim thang rồi mà xảy ra chuyện. Le le đâu, bìm bịp đâu?
Đồng dao có một ý nghĩa sấm vĩ, kể chuyện đời sống thâm thúy. Có lẽ mỗi thời lại tìm thấy một ký mã mới. Chả ai chứng minh được chỉ có thể nghiền ngẫm mà thôi.
N.X.H.
huyba
05-08-2018, 06:23 AM
Đồng dao
5. Lộn cầu vồng
Chuyện đồng dao còn nhiều cái hay, nhưng cũng như truyền thống, hầu như giải mã ra động đến thiên tào. Cái ý nghĩa sấm vĩ của nó thú vị hơn nhiều ý nghĩa giáo dục trẻ con sau này người ta cố tìm hiểu. Mà xét cho cùng, nói với trẻ con những điều có tính quy luật, ứng nghiệm đời sống, sau này chúng lớn lên chúng sẽ biết, cũng là giáo dục "bất lập văn tự".
Hôm nay thôi nói chủ đề nghiêm ngắn, đồng dao có những bài dí dỏm, buồn cười. Ví dụ bài "Lộn cầu vồng".
Trẻ con đứng chạm lưng vào nhau, tay cầm tay, vòng ra sau gáy, rồi cùng lắc lư, múa điệu ngoặc tay chạm lưng, rồi hát: Lộn cầu vồng nước sông nước chảy, có cô mười bảy có cậu mười ba, hai chị em ta ra lộn cầu vồng". Đơn giản, dễ hiểu thôi.
Nhưng mật mã của bài này ở 3 chữ "lộn cầu vồng". Nói ngược lại là "Vộng cầu... lồn". Câu chuyện về 2 chị em chị 17 em 13 mà lại lộn cầu vồng. Ha ha...
Tôi nghe các cụ già những năm 196x bảo: Thực ra là "lộn cầu rồng", chuyện về triều đình nhà vua (nào đó) có ông vua 13 lại đi bắt chị 17 làm vợ. Có thể đó là bài vè đám văn sĩ đặt ra cho trẻ con hát chế diễu những cảnh ngang trái, dâm loạn trong cung vua, nơi "cầu rồng". Mà hiểu chốn cung cấm là nơi cao siêu, nơi có cái "cầu vồng" cũng được. Tra sử sách, thấy có đời Trần Dụ tông, vua bị đuối nước, nên bị hỏng chim, nhờ có thầy thuốc Trung Quốc họ Trâu chữa, nên phục hồi, với điều kiện phải thông dâm với chị ruột mình. Vua cũng ok. Mà lạ nước mình thằng thầy thuốc TQ nào bảo gì cũng nghe. Thế là cô 17 cậu 13 lộn cầu vồng. Tất nhiên không rõ ông Dụ tông này có 13 hay chị ông ấy 17 không? Hoặc là chế diễu ông nào khác lằng nhằng các bà chị khác, triều Trần thì vô số. Bài này chắc có từ thời xa xưa.
Nếu không có chứng tích lịch sử, bài đồng dao này cũng vui vui, gây cười. Đám trẻ con chơi trò này rõ là rèn luyện sức khỏe, khó mà chịu được cảnh giằng nhau tréo nghoe kiểu chạm lưng, rồi cũng phải cười rũ ra.
Đồng dao Nam bộ có bài rất buồn cười, thanh mà tục, ví dụ: "Mù u ba trái mù u. Vợ chồng cãi lộn, con cu giải hòa". Ở đây câu chuyện cũng rất rõ ràng, vợ chồng cãi nhau thì có con chim cu, tiếng Nam chỉ con bồ câu cục cu giải hòa. Nhưng đồng dao nói thế mà giải thế thì tầm thường. Kiểu như anh bán ếch là anh bán con ếch, anh bán dầu là anh đi bán dầu đèn hàng ngày đi qua cầu mà té. Tầm thường, còn gì là đồng dao nữa.
Cứ đặt chữ "cãi lộn" bên cạnh chữ "con cu" thì thấy bài đồng dao chơi chữ thần tình, cãi lộn, chỉ đánh dấu "vô ý" thành "cái lồn", mà đặt cạnh "con cu" thì vợ chồng cãi lộn kiểu gì cũng giải hòa đươc hết. Cái này thì ở triều đình, ở Trung ương hay ở nhà bố cu mẹ đĩ đều đúng hết.
N.X.H
huyba
14-08-2018, 05:09 AM
Đồng dao (6)
Kéo cưa lừa xẻ
Đồng dao có khối chuyện, nhưng tôi muốn kết thúc câu chuyện đồng dao ở bài Kéo cưa lừa xẻ. Bài đồng dao đơn giản nhất, tối giản nhất. Ai thời trẻ con cũng được bố mẹ, anh chị chơi trò này. Nắm hai tay nhau trong tư thế ngồi, đưa đi đẩy lại. Nói: "Kéo cưa lừa xẻ, ông thợ nào khỏe, thì về ăn cơm vua, ông thợ nào thua, thì về bú tí mẹ"
Không có câu chuyện đời sống nào được kể cho trẻ con hay hơn cách truyền đạt bài Kéo cưa lừa xẻ. Cuộc sống dù là chiến tranh hay hòa bình, đều có quy luật của kéo cưa lừa xẻ. Thần nhãn của bài đồng dao ở chữ "lừa", nó sẽ đi vào tiềm thức của trẻ một cách tự nhiên, như thể chỉ là một từ để lấy vần vô thưởng vô phạt. Mật mã của bài đồng dao là câu "bú tí mẹ". Kiểu như sau này các văn sĩ triển khai ra, con đi góc biển chân trời, thất tình hay thất bại thì lại về với mẹ. Nhưng dân gian nói rõ rằng, thua thì về bú tí mẹ. Vừa hợp với tuổi thơ, vừa hợp với tuổi... già.
Hồi bé tôi được bố tôi và các ông già thế hệ ấy nói rằng, bài này nói về hai người chung một bà mẹ, một người làm vua,một người chống lại, ai thắng thì làm vua, ai thua đáng lẽ làm giặc, bị xử trảm, nhưng người thua lại được tha, vì cùng bú tí mẹ. Đây là cách giảng giải đặc sắc, nói lên được lòng vị tha của ông vua, giáo dục tính thân ái của tình anh em ruột thịt.
Truyền khẩu có đặc điểm diễn giải, lý luận đơn giản, không cụ thể, cứ nói "có một người" và kể hành trạng chung chung. Sau này, tôi tra sách, thấy câu chuyện đời Trần của Trần Liễu, Trần Cảnh đúng là như thế. Trần Liễu vì hiềm khích hôn nhân, bị Thủ Độ ép bỏ vợ cho em Trần Cảnh, hứa con đẻ ra thì cho làm vua, nhưng Thủ Độ thất hứa, Trần Liễu bèn cất quân đánh lại triều đình, nhưng tất nhiên bị thua. Liễu lấy thuyền nhẹ lẻn trốn lên thuyền rồng của em để xin hàng. Thủ Độ tuốt gươm xông vào định chém chết, tội khi quân không tha. Nhưng Trần Cảnh che cho anh. Thủ Độ tức quá vứt gươm, nói: Hóa ra ta chỉ là chó săn cho anh em nhà mày. Trần Liễu thua, đành bú tý mẹ. Trần Cảnh cứ việc ăn cơm vua.
Tuy nhiên, có lẽ câu chuyện đời cuối Lý, đầu Trần có vẻ là câu chuyện ứng nghiệm có lý hơn. Đoàn Thượng có mẹ là vú nuôi của Lý Huệ tông. Hai người cùng bú một cái tý. Sau Đoàn Thượng nổi quân chống lại Huệ tông, là do vua Lý bị nhà họ Trần điều khiển. Khi đó, còn có thế lực Nguyễn Nộn nữa, hình thành thế tam quốc chống Trần. Trần Thủ Độ dùng kế "cùng bú tí mẹ" để lấy danh Huệ tông dụ dỗ Đoàn Thượng, dùng dằng qua nhiều năm, kéo cưa lừa xẻ, cho đến khi nhà Lý mất, Thủ Độ mới thuyết phục được Đoàn Thượng hàng. Cuối cùng, Thượng thua, về bú tý mẹ, còn nhà Trần thắng về ăn cơm vua...
Thực sự bài Kéo cưa lừa xẻ đơn giản thế thôi, nhưng là quy luật có thể ứng nghiệm tương lai như bài sấm. Chắc là lịch sử có thời, hai phe cứ kéo cưa, lừa lọc nhau, rồi anh thua cũng như anh thắng, khi chết đến đít, ra tòa rồi vẫn nói trung thành với... mẹ già dân tộc. Bạc Hy Lai bị xử chung thân, vấn bảo tôi trung thành với bầu vú Đảng vĩ đại. Hi hi ha ha.
Kéo cưa lừa xẻ... bài đồng dao đơn sơ mà vĩ đại.
N.X.H
Powered by vBulletin™ Version 4.0.7 Copyright © 2024 vBulletin Solutions, Inc. All rights reserved.