PDA

Xem phiên bản đầy đủ : Truyện ngắn GIAO DUYÊN của NGỌC CHÂU



Ngọc Châu
02-06-2011, 07:18 AM
[ SIZE="5"]GIAO DUYÊN

Trầu đã có đây, cau đã có đây
Nhân duyên chưa định trầu này ai ăn?

- Giao ơi ! Đi đâu mà mất mặt vậy? Cả tuần này tao chả trông thấy mày đâu. Hỏi bà mày thì bà lão chỉ ậm ừ như kiểu không muốn cho biết cô cháu quí hoá đi đâu. Đang định dấm cho mày một đám chứ gì? Kiều Mỹ hay kiều Pháp? Chắc đang két.. két, à đang ma- ket- ting, muốn giữ bí mật không để con Loan này biết phải không?- Vừa thấy mặt Giao, con Loan đã hỏi một thôi một hồi. Cô bạn đồng niên nhà hàng xóm này mặt mũi cũng khá xinh xẻo nhưng nổi tiếng chanh chua và mồm miệng lúc nào cũng bô lô ba loa.
- Chỉ vớ vẩn, tớ vừa đi tập huấn thay sách giáo khoa...- Cô không nói chuyện ra thăm bạn ở Đồ Sơn mấy ngày qua. Vừa may con lợn khoang xổng chuồng chạy vào vuờn rau nên cô có cớ chạy đi, khỏi phải nói chuyện dây dưa với con bé này.
Đúng là “cùng làng, vạt rau lang cũng biết”. Chẳng giấu được ai chuyện gì, không kể bên cạnh nhà còn có cái loa cỡ Ăn-vạ (đó là tên loại loa thùng “Aiwa” của Nhật) như con Loan. Chả là hồi đầu năm có một người về Đồ Sơn tìm hỏi đến nhà cô Đông ngày xưa. Tìm mãi không được dù rằng chính quyền sở tại rất vui lòng giúp đỡ kiều bào hải ngoại. Người ấy đã trở về Pháp, nhưng cũng do lần về đó mà người ta biết được một vài tung tích mu mơ. Thư từ qua lại mấy lần nữa thì hoá ra cô Đông chính là bà giáo Thụ, bà nội của Giao. Bà bỏ đất Đồ Sơn ra đi từ năm nảo năm nào rồi sau lấy chồng người Thuỷ Nguyên. Từ bấy đến giờ chẳng quay về thăm quê lần nào thì đến Thành Hoàng, Thổ Địa cũng chẳng nhớ cô Đông là ai, nói gì mấy ông chính quyền mới lún phún râu trê!
Mới đầu bà cứ khăng khăng không nhận bức thư có hàng chục con dấu đóng chồng chéo lên nhau, chắc là phải qua nhiều bưu cục lắm. Bà bảo mình không phải là cô Đông cô Tây gì cả khiến ông nhân viên bưu điện dở khóc dở cười. Mãi đến lần thứ ba ông ta lại mang đến thêm một chiếc phong bì to, bên ngoài có một tờ giấy ố vàng đựơc ép plastic và ghim rất chắc chắn. Nhìn dòng chữ lộ ra một phần ở tờ giấy đó bà bỗng lặng người đi, đưa ống tay áo lên lau cặp mắt kèm nhèm rồi run run viết mấy dòng chữ ngòăn nghòeo vào mục người nhận bưu phẩm. Chắc ông bưu điện nhẹ nhõm cả người nhưng không dám nói gì thêm vì thái độ rất nghiêm trọng của bà già. Giao rót nuớc rồi bổ cam mời nhưng ông ta xin cáo từ, ra ngoài cổng ông bảo với cô cháu rằng cái người gửi bưu phẩm này đã mấy lần gọi điện về tận bưu cục, khẩn khoản nhờ chuyển bằng được đến tay người nhận. “Từ mãi miền Lo-ren bên nuớc Pháp cơ đấy”, ông ta bảo thế rồi leo lên chiếc xe máy cà tàng, làm mấy con gà mái nhà cô chạy tán loạn vì tiếng ống bô đột ngột nổ đoành đoạch như pháo tép.
Từ bé đến giờ Giao luôn kính sợ bà nội. Bà chẳng đánh mắng cháu gái bao giờ nhưng cô bé vẫn sợ, lẽ vì thấy cả nhà đều kính sợ bà. Bố cô bảo ngay cả ông ngày xưa cũng nể vì bà, có lẽ vì ngày xưa bà từng là du kích, có lần đã cứu được nhiều người trong một trận càn hay vì bà của cô là người sắc sảo và hiểu biết mặc dù bà chỉ dạy cấp một? - Cô bé vẫn thường tự hỏi. Thế rồi bà bảo bố cho cô ra Đồ Sơn chơi với bạn ngoài đó - nó với cô cùng mấy lần đi thi giỏi văn thành phố với nhau, đến lúc cả hai đều trở thành cô giáo thì đã là đôi bạn thân nhờ có mạng In-te-nét. - Nhờ nó khéo mồm khéo miệng nên Giao đã phô tô mang về đuợc cho bà mình cuốn gia phả chi Đinh Văn và một vài tờ chép những bài hát đúm ngày xưa như lời bà nội dặn dò.
Cô thường xuống trại giúp bố thu hoạch cau nên không biết những sóng gió trong lòng bà nội của mình. Xem cuốn gia phả chi Đinh Văn bà khẳng định lại điều mình đã biết từ năm mươi năm truớc: không còn người họ hàng nào nữa trong phạm vi ba đời. Bố bà là nguời cuối cùng của nhánh này mà cả bố và mẹ cô Đông ngày xưa đã bị cơn sóng thần năm mới giải phóng Hải Phòng cuốn ra biển cùng với mọi tài sản vì ngôi biệt thự nhỏ nhắn ngày ấy nằm bên bờ biển. Vài năm truớc đó cô Đông đã bỏ đất Đồ Sơn ra đi, định sẽ không bao giờ quay lại. Nhưng cô cũng đã mấy lần ra bờ biển bái vọng linh hồn những người đã sinh thành ra mình, thậm chí định nhảy theo xuống biển nếu như chưa có thằng bé, bố của con Giao hiện giờ, ngày đó mới hơn một tuổi.
Cảm giác xé lòng lại nổi lên như trong lần cô gặp phải đợt sóng thần đầu tiên. Cô đã bị tay chồng chưa cưới lừa gạt. Hắn nhà nghèo nhưng cô thương vì trong một buổi hát đúm đầu xuân cô nhận thấy hắn là người thông minh, đối đáp có duyên. Hải Phòng ngày xưa có ba vùng hát đúm*, Đồ Sơn là nơi có lề luật chặt chẽ, nội dung phong phú hơn cả nên một số trai thanh gái lịch ở các vùng khác hay về quê cô dự hội.
Chàng ơi cứ ở lại đây
Thày u không gả em bày mưu cho.
Cô đã nói với anh chàng Giang ở mãi Cát Hải bơi thuyền về đây dự hội như vậy. Quả thực cô đã giúp đỡ để hắn vừa làm vừa học, lấy được bằng tú tài. Khi gia đình cô đã bằng lòng nhận trầu cau thì Giang đi làm thông ngôn cho tay Quận truởng người Pháp. Không ngờ chính hắn đã sắp đặt để tay Quận truởng chiếm đoạt cô, dùng cô làm vật tiến thân.
Quá tủi nhục với bố mẹ và mọi nguời vì cái thai trong bụng trong lần bị tên Quận truởng dày vò, cô đã bỏ đất Đồ Sơn ra đi. Suýt chết vì phá chiếc thai oan nghiệt, cô lưu lạc sang Thuỷ Nguyên rồi xin vào đội du kích với ý định sẽ liều mạng để trả thù…
Tưởng giếng sâu nối sợi dây dài
Hay đâu giếng cạn tiếc hoài sợi dây.
Trong hội đúm người ta hát vậy. Nhưng Cô Đông không tiếc gì sợi dây. Cô căm thù bọn Pháp và những kẻ dính dáng với chúng. Chính trong trận phục kích bên chiếc cầu trên đường ra phà Rừng, cô đã giật mìn rồi xông ra ném lựu đạn liên tiếp làm bọn lính Tây chết trong khiếp đảm. Cô đã kéo anh bộ đội địa phuơng bị thương, sau này là ông con Giao, dũi bùn băng qua cánh đồng lúa, rồi sau đó mấy ngày trong trận chống càn đã cùng mọi người chống trả bọn Pháp và ngụy quyết liệt, đã bị bỏng nặng vì dập lửa cứu sống bà mẹ với thằng cu con hai tuổi, là bố con Loan bây giờ, khi bọn giặc đốt nhà.
Những câu hát đúm ngày xưa làm sống lại cả một thời đau đớn và thù hận trong lòng người nữ du kích đã già. Hồi ấy bà căm ghét cả những câu hát đúm. Nhưng lâu lắm rồi không còn hội đúm nữa, chuyện cũ bà đã quên đi. Không phải vì cơn sóng thần thứ hai lại dập đến, cũng không phải vì sau này có người nói với bà rằng Giang ngày đó cũng bị lừa gạt, anh ta cũng đớn đau ở nơi đất khách quê người, không còn mặt mũi nào tìm về quê cũ, mà chỉ đơn giản vì trái tim con nguời ta - nhất là trái tim một phụ nữ làm nhà giáo - không thể nuôi dưỡng mãi nỗi hận thù.
“Bà Đông ạ, chúng ta cùng đều đã già. Bao nhiêu năm tôi không hề biết tin tức gì của bà - Pitơ Giang viết trong lá thư gửi về cùng vài tờ chép tay các lời hát đúm ngày xưa - Tôi biết bà thù hận tôi suốt đời mặc dù sự việc không như bà hiểu. Tuy nhiên tôi cũng không thể tha thứ cho chính mình vì tất cả những gì đã xảy ra. Tôi không lập gia đình là để khi nào gặp bà dưới suối vàng tôi hy vọng được bà giơ ra cánh tay tha thứ. Không bao giờ tôi quên được cánh tay của bà chìa ra cho tôi lúc xuống thuyền bơi về Cát Hải, sau lần ba mẹ bà từ chối tôi. “Anh về kiếm vợ cho xong, em là tép nhỏ lộn rong khó tìm” Bã đã an ủi tôi như vậy nhưng tôi càng thêm hy vọng. Niềm hy vọng trong tôi đã ngày được củng cố và lớn lên cho đến cái ngày khốn nạn đó… Sau đó tôi bị chúng vu tội rồi xung vào lính. Không còn con đuờng nào để quay về nên tôi đã theo dân di cư sang Pháp. Tôi đã mấy lần dò tìm thằng quận truởng Pháp chó chết đó để trả thù, nhưng nó đã sang An-giê-ri rồi bị du kích bên đó bắn chết.
Kể những chuyện trên tôi không hề có ý định thanh minh hay mang ý đồ chuộc lỗi với bà nhưng tôi tin đạo Phật. Kiếp truớc tôi đã sống chẳng ra gì, kiếp này tôi đành chịu tội. Chỉ cầu mong khi gặp bà duới suối vàng chí ít Đức Phật cũng vẩy nuớc cành phan để mọi điều được sáng tỏ và đuợc thấy cánh tay bà giơ ra cho tôi một lần nữa, truớc khi buớc vào vòng luân hồi mới mà thôi…”
Một tiếng thở dài, người nữ du kích ngày xưa chùi mắt.
Bởi thương nên dạ mới trông
Không thương em đã lấy chồng còn chi.
Ngày ấy bà cũng từng nói với ông ta như vậy. Nhưng là nghiệp chướng nên lòng thương của bà trở thành thù hận. Sau đấy bà đã lấy anh bộ đội huyện hiền lành, đẻ mỗi thằng con giai, cũng hiền lành như bố nó. Mấy đứa cháu chỉ con Giao là có phần giống bà. Nó tinh tế, nhạy cảm và có tính chịu đựng, chẳng biết cuộc đời nó rồi sẽ ra sao? Cầu Trời cầu Phật..
Tháng sau thì có anh cháu họ của ông Pitơ Giang tìm đến nhà bà giáo Thụ. Chính cậu ta đã về Đồ Sơn tìm tung tích cô Đông ngày xưa. “Nó thích văn học nên chỉ sống bằng trợ cấp thất nghiệp mấy năm nay. Vừa rồi may được một cơ quan của Tổ chức “Các nuớc nói tiếng Pháp - Francophones” hợp đồng làm nhân viên trong nhóm nghiên cứu Văn hoá dân gian bán đảo Đông Dương vì biết tiếng Việt” - ông Giang viết cho bà như thế và khẩn khoản nhờ bà giúp đỡ cho nó.
Hôm nay đã là buổi thứ ba có khá đông thanh niên nam nữ ồn ào vui vẻ ở nhà Giao - cô Bí thư chi Đoàn mới được bàu khoá vừa rồi.
Rằng xa thì thật là xa
Mượn nàng làm mối cho ta một người
Một người mười tám đôi muơi
Một người vừa đẹp vừa tươi như mình..
Đó là anh chàng “Tây ngố” (theo như con Loan nó gọi vì anh chàng luôn đeo cặp kính với vẻ mặt khá là ngơ ngác) sau khi chép được một số câu hát đúm ở những phần hát gặp, hát chào, hát mời trầu... đang đọc lại mấy câu trong phần giao duyên với vẻ rất thích thú. Chưa hết câu thì đã nghe giọng hát chua của cái Loan:
Trông anh như cóc leo tuờng
Cũng thương mà ngại gầm giường khó chui..
Bà giáo Thụ ngồi trên phản bỏm bẻm nhai trầu nhìn lũ trẻ, bà phải can thiệp:
Hát thì làng cấm hát chua
Chị nào chua quá làng xua ra ngoài.
Đám thanh niên cười phá lên trong khi “nàng Loa” le lưỡi nhìn bà. Giao cũng phải bưng miệng. Chính cô đã phối hợp với Ban Văn hoá xã tổ chức những buổi tập hát đúm như thế này để anh “Tây ngố” có thể ghi ghi chép chép, cũng là
nhiệm vụ “tìm lại Văn hoá dân gian” của địa phuơng. Bà nội cô được mời làm “ Tư Vấn truởng” (con Loan đưa ra thuật ngữ này, chắc là để nịnh bà cụ nhà Giao). Bà giáo đã nói cho bọn trẻ hiểu những thủ tục và lề luật ngày xưa trong một hội đúm. Đầu tiên bao giờ cũng là hát dẹp đám để đám đông đang ồn ào nhốn nháo trong buổi hội xuân có thể qui tụm một cách trật tự vào một khu có cây xanh bóng mát, sau đó là hát gặp, hát chào, hát mời trầu... Nhiều lắm. Giao và bạn bè cũng không ngờ hát đúm phong phú đến như vậy. Cô vẫn chưa thuộc hết các chủ đề vì còn những hát mừng, hát hỏi tên, hát đố, hát hoa, giao hẹn, huê tình, gửi thư.. cuối cùng mới là hát giã. Bà giáo nhắc nhở rằng chủ đề cơ bản của hội đúm là tình yêu nam nữ, tuy nhiên người hát không để lộ mục đích ve vãn một cách thô lỗ trước công chúng nên lời hát bao giờ cũng lịch thiệp, có văn hoá và thơ mộng.
“Em ơi chớ vội tu chùa, yêu ai thì cứ bỏ bùa mà yêu”; ”Trầu em ăn nặng bằng chì, ăn rồi anh biết lấy gì đền ơn”. Rồi “Em về sao được mà về, mái chèo chưa ráo trăng thề chưa soi”. Bọn trẻ đang đối đáp với nhau trong khi anh “Tây ngố” ghi vội ghi vàng. Tuy đã có nhắc nhở của “Tư Vấn truởng” nhưng thỉnh thoảng vẫn có những câu như “Dạ anh dạ bưởi dạ bòng, ngoài da xanh lét trong lòng chua le”, hoặc “ Chuột chê xó bếp chẳng ăn, chó chê nhà dột ra nằm bụi tre” và “ nàng Loa” vừa cong cớn “Ai thèm ăn gỏi cá mương, ai thèm nói với những phường trẻ ranh” để đối đáp với một cậu vừa trêu “Ơi chim Loan đậu nóc chùa, cho Phượng cưới chịu đến mùa trả khoai”…
Giao thấy bà nội mình nhìn ra vườn cau mênh mang như đang suy tuởng. Quả là đang có cuộc độc thoại trong lòng bà giáo già: “Ông có dặn dò gì thằng cháu không mà thấy nó có vẻ săn đón quấn quít con Giao lắm. Con bé nhà này thì cũng niềm nở, chu đáo với nó. Liệu rồi sóng thần... Nhưng thôi, nếu duyên số là do Trời Phật định đoạt...” - Bà rời phản đi vào gian thờ thắp mấy nén nhang truớc bàn thờ Phật và ảnh của ông Thụ, lâm râm khấn vái rồi lại đến bên cửa sổ nhìn ra vườn cau suy tưởng "Chiến tranh đã qua đi lâu rồi, khổ đau thì bà và cả người ấy cũng đã chịu rồi. Ngay những kẻ gây tội ác ngày xưa, nếu Trời Phật chưa trừng phạt nghiệp kiếp này do phúc kiếp truớc của chúng còn lưu lại thì họ cũng đã ăn năn, muốn làm điều thiện gì đó cho mai sau… Hãy để cho hai dân tộc có thể giao duyên và sống trong bình an mãi mãi. Cầu Trời khấn Phật..."
Tháng 7/ 2005[/SIZE]

Hải Phòng ngày xưa có ba vùng hát đúm* : đó là Thuỷ Nguyên, Cát Hải - Cát Bà và Kiến Thụy-Đồ Sơn (theo “Non nước Đồ Sơn” của Trịnh Cao Tưởng-Nhà xuất bản Văn Hoá 1978)