PDA

Xem phiên bản đầy đủ : Cái nút áo



TRẦN THỊ THANH LIÊM
04-01-2012, 01:55 PM
Cái nút áo

Giật mình thức giấc. Cảm thấy khát khô ở cổ, tôi lồm cồm ngồi dậy mở tủ lạnh nốc một hơi.

Nước lạnh làm tôi tỉnh người. Nhìn đồng hồ đã hơn 4g sáng. Tôi đến bên máy vi tính bật máy lên. Mở chương trình Nhật Ký định nhập vào những việc mình đã làm hoặc những suy nghĩ về một ngày đã qua. Nhưng chương trình lại bật lên thông báo nhấp nháy màu đỏ chói: "Tuần sau là đến ngày đầu tiên quen M". Tôi chỉnh chương trình để xem lại cái ngày đầu tiên đó và mỉm cười khi thấy lúc đó mình trẻ con hết sức.

Tôi quyết định sẽ lục tung hết Internet để tìm ra một cái thiệp độc chiêu gửi nàng. Cuối cùng tôi cũng mãn nguyện với một cái thiệp nhiều ý nghĩa. Tôi kéo ngăn tủ ra để lấy cái đĩa CD hình mình để ghép vào thiệp, nhưng chợt nhìn thấy trong đó có một gói quà xinh xắn. Biết là của M tôi hồi hộp mở gói quà. Bên trên là một tấm thiệp to, còn bên dưới là một chiếc đồng hồ để bàn rất dễ thương và một cái nút áo. Hơi ngạc nhiên khi nhìn cái nút áo, tôi vội mở thiệp ra xem.

"Anh thân mến!

Thế là chúng mình quen nhau đã 3 năm rồi. Trong 3 năm qua em rất vui vì đã quen được anh. Em đã học được rất nhiều điều từ anh.

Anh là người rất giỏi, làm được rất nhiều việc lại sống rất tốt với mọi người. Anh sống hết sức chan hoà không câu nệ giàu nghèo, chức vị. Anh hết lòng với mọi người và được rất nhiều anh em bè bạn mến yêu, kính nể.

Tối nay, cũng như bao ngày em đến nhà anh, đã 9g tối anh vẫn chưa về nhà. Khi đến nhà anh, em nhìn thấy mẹ đang khâu lại chiếc áo bị bỏng thuốc lá của anh. Nhìn mẹ chợt em nhớ đến anh, rồi nhớ đến những gì em đã thấy ở nhà anh.

Em xin phép được tặng cho anh cái đồng hồ với lời nhắn: "Thời gian luôn trôi đi lạnh lùng. Có những thứ ngày mai làm được, nhưng có những thứ ngày mai không thể nào làm được".

Và một cái nút áo với lời nhắn chân tình: "Đôi khi người ta biết được rất nhiều điều nhưng lại không biết một điều đơn giản là áo mình đang mặc có bao nhiêu cái nút!". Anh đã sống vì mọi người nhưng trong mọi người lại thiếu một người quan trọng nhất. Anh hãy xem tờ giấy bên dưới. Chúc anh luôn vui vẻ và thành đạt".

Tôi cầm đồng hồ và cái nút lên, bên dưới có một tờ giấy xếp làm tư nằm ngay ngắn, tôi mở ra xem và thấy ngẩn ngơ với những dòng chữ dưới đây:

Em thấy anh rủ bạn về nhà cùng vui vẻ, làm xả láng mấy thùng Ken, anh em bàn tán chuyện đời, chuyện cơ quan, chuyện nhà sếp, chuyện quan trường, đủ thứ chuyện nhậu hoài bàn hổng hết.

Em thấy mẹ cặm cụi dọn dẹp thức ăn dư, lom khom nhặt từng vỏ lon xếp lại, sáng mai ra chợ đổi lấy chục chanh pha nước, cho thằng con tỉnh rượu mỗi khi say.

Em thấy anh sáng ra sạp gom gần hết báo, đọc ngấu nghiến từng bài từng mục. Ngẫm chuyện đời, chuyện quan liêu, chuyện cửa quyền, chuyện Mỹ, chuyện I rắc, chuyện SEA Games...

Em thấy mẹ cẩn thận sắp từng tờ báo, lựa riêng ra những phần quảng cáo rồi ngập ngừng hỏi cái này cân ký bán được hông con?

Em thấy anh chơi hết lòng với bạn, chẳng bỏ về dù tăng 4 hay tăng 3...

Em thấy mẹ cứ trằn trọc ra vô mãi, 2g rồi mà phòng nó vắng tanh

Em thấy anh sau một ngày làm mệt mỏi, về nhà bật máy lạnh, bật quạt, ngã lưng nằm thẳng chân, chẳng muộn phiền.

Em thấy mẹ ra hiên nằm những ngày trời nóng, rồi lẩm bẩm xem điện tháng này có quá định mức chưa.

Em thấy anh ghiền chơi vi tính, cứ băn khoăn hoài chuyện nâng cấp CPU lên 2 hay 3 Gb.

Em thấy mẹ rất ghiền xem cải lương, cứ chặm nước mắt, cứ cười vui thoải mái khi xem hoài cái tivi cà giật, cái Tivi từ lúc anh tắm mưa.

Em thấy anh chuyên viên vi tính, viết phần mềm để quản lý công ty, xem công nợ, lãi lỗ, bấm một phát là có ngay. Thế mà chẳng thể nào tính đúng được tình thương của người mẹ.

Em thấy mẹ chẳng cần vi tính, vẫn âm thầm lập trình cá, cơm, rau. Biết chị Hai cái áo ủi không ngay, còn anh nữa đôi giày cả tuần chưa chịu đánh!

Em thấy anh chuyện làm chuyện lớn mà quên đi những chuyện nhỏ xung quanh.

Em thấy mẹ suốt đời vụn vặt mà dạy con mình những bài học lớn lao...
o O o


Có bao giờ các bạn nghĩ rằng mình đã thật sự quan tâm đến ai đó chưa?
Có bao giờ các bạn đã quan tâm đến những chuyện dù chỉ là nhỏ nhặt?
Có bao giờ các bạn tự đặt mình vào hoàn cảnh của người khác?

Hi vọng qua câu chuyện này tôi và các bạn có thể tìm lại được những bài học về sự quan tâm mà các bạn đã lỡ đánh mất.

Hãy dành những lời chúc tốt đẹp nhất cho những người người mẹ, người cha, những người luôn ở bên các bạn, luôn hướng sự quan tâm về phía các bạn mà không cần đòi hỏi điều đó từ các bạn !
(Truyện này chúng tôi không biết tác giả)
http://songdep.xitrum.net/nghethuatsong/532.html
TTTL ST

TRẦN THỊ THANH LIÊM
04-01-2012, 11:45 PM
Chúng ta đều là kẻ cắp cả ???

FALLKO HENNIG
TRẦN ĐĂNG KHOA
Fallko Hennig là nhà văn trẻ rất nổi tiếng của Đức. Tôi biết được anh cũng là nhờ sự chỉ dẫn của dân "thổ công". Trước khi tôi thăm Đức, ông Tham tán Văn hoá ở Đại sứ quán Đức có hỏi nguyện vọng, xem tôi muốn thăm những đâu, để bạn giúp đỡ. Thực tình, tôi muốn gặp một nhà văn trẻ của Đức, muốn biết hiện nay, họ sống và viết ra sao? Họ quan tâm đến những vấn đề gì. Sở dĩ tôi muốn tìm đến các nhà văn trẻ, vì họ chính là văn học Đức tương lai. Còn những thành tựu của văn học Đức trong quá khứ thì ít nhiều, chúng ta đều đã biết rồi
Ba ngày sau, chị Vũ Hương Giang, cô con gái rượu xinh đẹp của nhà văn Vũ Tú Nam, làm ở Đại sứ quán Việt Nam ở Đức có chuyển cho tôi bản chương trình làm việc trong những ngày ở nước Đức. Trong chương trình, có cuộc gặp gỡ với Fallko Hennig, một nhà văn trẻ, hiện đang được bạn đọc Đức yêu mến.
Người phiên dịch cho tôi là Frang Gerke, một giáo sư người Đức rất giỏi tiếng Việt. Anh từng sống và làm việc nhiều năm ở Việt Nam . F. Gerke dẫn tôi đến một con hẻm nhỏ, lách qua hai hàng xe đỗ sít nhau. Trời vẫn còn sớm lắm. Ánh nắng vàng rực dọi trên những bức tường lở lói, loang lổ, bốc lên mùi ẩm mốc và hôi hám. Đây là khu phố của những người rất nghèo. F. Gerke bắt đầu ngờ vực:
- Địa chỉ thì đúng đây rồi. Nhưng xem ra thì hình như không phải. Chẳng có toà báo nào ở chỗ này cả. Đây chỉ đơn thuần là một khu dân cư...
- Đúng rồi! Tôi ở đây! Ở trên này cơ mà!
Có tiếng nói khàn khàn. Tôi ngẩng lên. Trên tầng 5, sau ô cửa sổ vừa bật mở là một cái đầu trọc lóc. Một người đàn ông còn rất trẻ. Trông anh ta như một con chim cánh cụt đang thập thò ở cửa chuồng...
- Lên đây! Lên trên này!
Nói vậy, nhưng anh chàng lại nhào xuống chân cầu thang đón chúng tôi. Mái đầu cạo trọc. Quần áo xộc xệch. Trông anh có dáng vóc của một ông thợ quét vôi.
- Tôi là Fallko Hennig! - Anh chàng tự trỏ ngón tay cái vào ngực mình - Tôi chờ các anh đã mấy hôm nay rồi. Bữa nay, tôi định tiếp các anh ở toà soạn báo. Nhưng rồi nghĩ, thôi, tốt nhất cứ mời các anh đến nhà, để các anh hiểu thực chất đời sống của chúng tôi!
F. Hennig nói bằng một giọng khàn khàn. Khu nhà không có thang máy. Chúng tôi bám theo anh, bước qua những bậc cầu thang mòn vẹt, chua loét mùi cứt mèo.
- Đây là nhà riêng của anh sao?
Tôi hỏi với sự ngạc nhiên. F. Hennig lắc đầu:
- Không, gia đình tôi ở Berlin . Tôi có một vợ, hai con. Vợ tôi bỏ đi rồi. Còn hai cháu nhỏ ở với ông bà nội. Căn hộ này có ba buồng. Tôi thuê một buồng. Còn hai buồng bên là của người khác. Một anh bốc vác. Còn một anh làm nghề giặt là.
Căn phòng nhỏ, bề bộn những sách. Sách xếp trong giá. Sách gác trên đầu. Sách vứt ngổn ngang dưới chân. Căn phòng bề bộn như một kho chứa đồ. F. Hennig gài cái máy vi tính cá nhân lên nóc tủ tài liệu, dành ghế cho khách.
- Anh ngồi đi! Ngồi bất cứ chỗ nào có thể ngồi được. Bây giờ tôi mới được đón anh, còn văn chương các anh đến với tôi từ rất lâu rồi. Đấy anh xem đấy, trong nhà tôi toàn văn học phương Đông. Tôi rất mê các nhà văn Trung Quốc. Đặc biệt là Lỗ Tấn. Mặc dù ông ta thuộc hạng cổ hủ. Văn hiện đại là thứ văn chỉ đọc một lần. Đọc xong rồi vứt. Nhưng văn Lỗ Tấn lại là cái thứ văn lây nhây, không thể đọc một lần mà xong được. Càng đọc, càng thấy hình như mình vẫn chưa đọc gì cả...
- Thế là anh hiểu Lỗ Tấn đấy!
- Không, tôi không hiểu gì Lỗ Tấn cả. Nếu hiểu được rồi thì tôi đã không đọc ông ta nữa. - F. Hennig vừa nói, vừa lúi húi pha trà - Lỗ Tấn là một lão phù thuỷ. Ông ta vừa đi vừa phun sương mù. Chính sương mù đã tạo ảo giác làm nên sức hấp dẫn của ông ấy. Đọc Lỗ Tấn, tôi luôn có cảm giác như mình đang đi trong sương. Phía trước cứ lờ mờ một cái gì đấy. Thế là mình cứ bám riết, cứ đuổi theo. Đuổi mê mải. Khi ra khỏi màn sương, mới hay là nó cũng chẳng có gì ghê gớm cả. Lỗ Tấn rất giỏi tạo ảo giác...
- Anh hiện đang viết gì?
- Tôi đang viết một cuốn tiểu thuyết về giao thông đô thị. Cái khó nhất của tôi trong cuốn sách này là phải viết làm sao cho khác cuốn trước...
- Cuốn trước anh viết về cái gì?
- Về chuyện đi ăn trộm.
- Cái gì?
- Ăn trộm. Anh cảm thấy lạ sao? - F. Hennig nheo nheo một bên mắt - Cuốn tiểu thuyết có tên "Cái gì cũng ăn cắp cả". Cuốn sách đã được tái bản rất nhiều lần. Gần đây, người ta còn dịch ra tiếng Anh. Bản tiếng Anh, cái tên có khác một chút, nhưng tinh thần thì không khác: "Tất cả đều là kẻ cắp".
Fallko Hennig nhấp một ngụm trà:
- Gọi tiểu thuyết, nhưng thực tình, đây là cuốn tự truyện của tôi. Cuốn sách có 64 chương. Tôi thuật lại 64 vụ ăn trộm của mình...
- Hoá ra anh cũng là người thích đùa...
- Không, tôi không đùa. Tôi là một kẻ trộm. Anh không tin sao? Thuở bé, tôi chuyên đi ăn cắp. Ăn cắp không chỉ một lần, mà 64 lần. Chỉ trừ nhà băng là tôi chưa bẻ khoá...
Tôi cứ ngỡ như mình nghe nhầm. F. Hennig tỏ ra rất khoái chí:
- Tất nhiên, tôi không sống bằng nghề ăn cắp. Nghĩa là tôi không phải kẻ cắp chuyên nghiệp. Tôi chỉ muốn thể hiện mình. Rồi cũng qua đó, muốn biết luật pháp của nước Đức ra sao? Công an Đức có thực giỏi không. Tóm lại là họ cũng rất xoàng. Bằng cớ là tôi chưa bao giờ bị bắt...
F. Hennig cười sảng khoái. Cứ như lời F. Gerke, người đã đọc cuốn sách, thì những chuyện ăn cắp mà F. Hennig kể trong cuốn tiểu thuyết của mình cũng chỉ là những phi vụ vặt vãnh, trẻ con. Chính vì thế mà nó nằm ngoài sự quan tâm của công an Đức. Chỉ có điều, F. Hennig viết rất hấp dẫn, hài hước. Mỗi chương một chuyện. Có chuyện hoàn toàn độc lập, có thể tách ra thành một tác phẩm riêng. Vì thế, cấu trúc cuốn sách khá độc đáo. Đằng sau những câu chuyện tưởng như vặt vãnh, trẻ con, người đọc lại thấy hiện lên cả một xã hội phức tạp với đầy đủ những dáng vẻ của nó...
- Trong cuốn sách này, có một đoạn tôi nói về Việt Nam đấy. Truyện hoàn toàn có thật. Một anh dũng sĩ Việt Nam sang thăm Đức. Anh đến trường Trung học của tôi nói chuyện diệt Mỹ. Khi kết thúc buổi diễn thuyết, anh có tặng lại trường một món quà. Đó là hai quả...lựu đạn. Hai quả lựu đạn này được đặt trong phòng truyền thống của trường. Bọn trẻ con kéo đến xem đông lắm. Thế là tôi cuỗm luôn hai quả lựu đạn, làm một triển lãm riêng. Nhưng khốn nỗi, hai quả lựu đạn rời khỏi phòng truyền thống thì nó không còn là lựu đạn nữa. Tôi cứ cố chứng minh nó chính là lựu đạn của Việt Nam đã từng đánh thắng Mỹ, nhưng chẳng ai tin. Người ta cứ bảo nó là cục sắt rỉ...
Tôi bắt đầu thấy ngờ vực. Chả lẽ một cuốn sách chỉ ghi những chuyện như thế mà lại được bạn đọc Đức thích ư?.
- Người Đức không dễ lừa đâu, anh Khoa ạ - F. Gerke quay sang tôi - Cuốn sách thật sự cuốn hút. Nó kể toàn những chuyện lặt vặt. Nhưng vấn đề cuốn sách đặt ra thì lại chẳng lặt vặt chút nào.
- Vậy thì qua cuốn sách này, anh muốn nói điều gì với độc giả?
- Nói gì à? Khó nhỉ. Mà tại sao văn chương lại cứ phải nói một cái gì đấy? Nếu tôi chẳng muốn nói gì cả thì sao? Tôi nghĩ, trên đời này chẳng có ai là người lương thiện. Chỉ có những kẻ bị bắt và chưa bị bắt. Thế thôi. Nói thực với anh, tôi nhìn đâu cũng thấy kẻ cắp. Kẻ cắp nhiều lắm. Nhan nhản khắp hành tinh này. Ăn cắp ngay từ khi mới nứt mắt. Đơn giản như đi học thì cóp bài chẳng hạn. Rồi lớn lên, có anh leo được tới ghế cao, nhưng vẫn không chịu bỏ nghề truyền thống. Nhiều khi lại dùng ngay chính quyền lực của mình để vơ vét của dân. Có người ăn cắp mà không biết mình ăn cắp. Thế nên cứ rao giảng đạo đức ra rả. Rồi quốc gia này ăn cắp của quốc gia kia. Ăn cắp thương hiệu. Ăn cắp công nghệ. Ăn cắp thông tin. Ăn cắp cả một mô hình xã hội. Cứ a dua bắt chước nhau, rập khuôn nhau. Sống bằng những giá trị không phải thực của mình. Điều ấy mới thật bi thảm...
F. Hennig cười. Tôi cũng cười. Không ngờ chàng trai vẫn còn rất trẻ này lại có cái nhìn cực đoan đến thế. Đành rằng cái ác rất nhiều, nhưng trái đất này tồn tại được chính là nhờ những người lương thiện, chứ đâu phải kẻ bất nhân. Người lương thiện cũng nhiều lắm, ở đâu cũng có. Tôi kể cho F. Hennig nghe một chuyện mà chính tôi được chứng kiến ở nước Đức này. Tôi gọi đó là chuyện cổ tích. Nước Đức có nhiều chuyện cổ tích lắm. Chả thế ở xứ này có anh em Grim chỉ đi chép những câu chuyện cổ tích ở dọc đường mà rồi trở thành những nhà văn nổi tiếng thế giới.
Câu chuyện cổ tích này, Grim chưa kịp chép. Tôi đi từ Weima về Berlin . Trên cả tuyến đường sắt chỉ có tôi và F. Gerke. Vậy mà cơ mạn nào là tàu. Cứ vài phút lại một chuyến tàu vun vút lao qua. Tôi rất kinh ngạc vì tầu chạy rất đúng giờ, chuẩn xác đến từng tích tắc. Cứ như vé ghi thì chuyến tàu của tôi khởi hành lúc 9h 10 phút. 9 h 8 phút, tôi xách va ly định nhảy lên tàu thì Frank Gerke vội kéo giật lại. Đó là con tàu đi thành phố khác. 9h 9 phút vẫn chưa thấy con tàu của tôi. Còn đúng nửa phút nữa đến giờ khởi hành thì con tàu tôi chờ đợi mới đến. Nó chỉ dừng ở ga đúng 30 giây. Tôi vội vàng tất tả chạy lên tàu, vừa lúc cửa khép và con tàu lao như bay trên mặt đất. Đến gần Berlin , tôi mới biết mình đã đánh rơi mất cái túi nhỏ. Trong túi có 1000 dollar. Số tiền không lớn, chỉ tiếc trong túi còn hơn chục cuộn phim tôi chụp dọc đường và hàng loạt cuốn băng cassete tôi ghi những cuộc tiếp xúc trong suốt cả chuyến đi. Chúng tôi đang bối rối, thì một anh chàng to béo, mặt đỏ như gà chọi chạy đến tìm tôi: "Xin lỗi, có phải ông mất cái túi da không? ". Tôi kinh ngạc: "Vâng, có lẽ tôi đã đánh rơi". "Không phải ông đánh rơi. Ông bỏ quên trên ghế đợi tàu. Hiện nhà ga đã cất vào kho rồi. Ông có thể về Weima nhận lại được không?" . "Rất tiếc, tôi không còn trở lại Weima được nữa". "Vậy thì ông có thể nhận lại ở Berlin . Chúng tôi sẽ chuyển cho ông ngay trong chuyến tàu sau. Phiền ông đúng 17 giờ có mặt ở ga Berlin để nhận. Tầu chúng tôi chỉ dừng một phút, xin ông đến thật đúng giờ".
- Chuyện ấy thì có gì lạ? - Fallko Hennig nhếch mép cười - Cái túi anh vứt trên ghế. Người ta tưởng anh là kẻ khủng bố nên đã báo động. Công an đến dò mìn và thế là anh không mất tiền. Đơn giản thế thôi.
F. Hennig khẽ thở dài:
- Người Đức chúng tôi không lương thiện như anh nghĩ đâu. Mà làm gì có người lương thiện. Ngay cả anh nữa, anh có dám chắc với tôi rằng, anh là một người lương thiện không? - F. Hennig nhìn tôi - Anh là nhà văn. Anh sống bằng nghề văn. Cốt truyện anh lấy từ đời sống. Rõ ràng đấy là những chuyện của người khác. Cái vui nỗi buồn cũng của người khác. Anh biến thành tác phẩm của anh. Rồi anh thành người nổi tiếng. Anh có tiền nhuận bút đút túi. Thế thì rõ ràng anh cũng là một kẻ ăn cắp. Cũng như tôi, như nhiều người khác, chúng ta đều là kẻ cắp cả. Chỉ có điều, đấy là những kẻ cắp không bị ra toà...
TTTL ST