PDA

Xem phiên bản đầy đủ : Giỗ trận Đống Đa



thanh ha
27-01-2012, 10:17 AM
Giỗ trận Đống Đa và ngày kỷ niệm
Hoàng Đế Quang Trung Nguyễn Huệ
mùng 5 Tết Kỷ Dậu (1789).

http://www.hungsuviet.us/sitebuilder/images/image002-300x226.jpg





" ... Sĩ Nghị đang đêm trốn khỏi thành
Sông Hồng cuốn xác vạn binh Thanh
Chiến bào đẫm máu Ngô văn Sở
Truyền lệnh bêu đầu Hứa Thế Hanh

Dưới nắng hồng quân sĩ ngất ngây
Tung hô chủ tướng tiếng vang rầy
QUANG TRUNG vui vẻ nhìn trong gió
Cờ VIỆT huy hoàng phất phới bay ..."

Mở đầu: Trận chiến thắng Đống Đa đã xẩy ra cách đây hơn 200 năm, nhưng mỗi lần nhắc
lại ta đều cảm thấy thật hãnh diện về chiến công oai hùng của Vua Quang Trung Nguyễn
Huệ trong ngày lịch sử mùng 5 Tết Kỷ Dậu (1789).

Nguyễn Huệ (1753-1792) sinh năm 1753, còn có tên là Nguyễn Quang Bình là em út của ba
anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ. Tổ của Nguyễn Huệ họ Hồ, nhưng khi
khởi nghĩa ở Qui Nhơn, lấy họ mẹ (Nguyễn). Theo Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện, Nguyễn
Văn Huệ có tiếng nói như chuông, mắt lập lòe như ánh điện, là người thông minh, giỏi chiến
đấu. Vua Quang Trung Nguyễn Huệ mất ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý (16 tháng 9 năm
1792), vào khoảng 11-12 giờ đêm, ở ngôi 4 năm, thọ 40 tuổi, miếu hiệu là Thái Tổ Vũ
Hoàng Đế. Hiện nay có đền thờ tại huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.

Khác với lệ thường, dân tộc Việt không lấy ngày băng hà của vua Quang Trung làm ngày kỷ
niệm, nhưng lại chọn ngày “Giỗ Trận Đống Đa”. Có hai lý do: Thứ nhất, lịch sử cận đại triều
Nguyễn coi vua Quang Trung Tây Sơn là “Nguỵ”, nên không cho phép ai được chính thức
làm lễ kỷ niệm Ngài. Thứ hai, ngày “Giỗ Trận Đống Đa” ban đầu chỉ là lễ giỗ những vong
hồn người Thanh chết nơi đất lạ, xa nhà. Lễ này được người Hoa tán thành, vua quan nhà
Nguyễn cũng không có lý do gì để cấm đoán. Vì liên hệ giữa những cái chết của quân Tàu
với chiến thắng lừng danh của vua Quang Trung, nên sau này ai cũng công nhận ngày “Giỗ
Trận Đống Đa” là ngày kỷ niệm vua Quang Trung.

Vài hàng lịch sử về trận Đống Đa: Năm 1788, vua Lê Chiêu Thống sai người sang Tàu
cầu viện. Vua Càn Long nhà Thanh sai Tôn Sỹ Nghị đem quân 4 tỉnh Quảng Đông, Quảng
Tây, Quý Châu và Vân Nam ước khoảng 20 vạn binh tướng, sang chiếm đóng Thăng Long
và các nơi với dã tâm thôn tính nước Đại Việt.
Quân Thanh tiến vào Đại Việt theo 3 ngả:
1- Ngả Tuyên Quang xuống Sơn Tây do Đề Đốc Vân Quý là Ô Đại Kinh chỉ huy quân Vân
Nam, Quý Châu từ Vân Nam vượt ải Mã Bạch vào Đại Việt, đóng đồn tại Sơn Tây.
2- Ngả Lạng Sơn do Tôn Sỹ Nghị tổng chỉ huy và các tướng Hứa Thế Hanh, Thượng Duy
Thăng, Trương Triều Long…mang đại quân vượt ải Nam Quan tiến về Thăng Long, đóng
trại trên bãi cát ở hai bờ sông Hồng và bố trí phòng thủ phía nam tới phía tây thành Thăng
Long . Bộ chỉ huy của Tôn Sỹ Nghị đặt tại Tây Long Cung, thành Thăng Long.
3- Ngả Cao Bằng do Sầm Nghi Đống chỉ huy quân Điền Châu tiến về Thăng Long, đóng
đồn tại Khương Thương (Đống Đa).
Cả 3 đạo quân xuất phát vào cuối tháng 10 âm lịch năm 1788, chiếm đóng Đại Việt từ ngày
20 tháng 11 năm Mậu Thân (1788) và bị đánh bật ra khỏi Đại Việt ngày 5 tháng giêng Kỷ
Dậu (1789).

Quân Tây Sơn ở Bắc Hà nghe tin quân Tàu qua đông đảo, nên rút về núi Tam Điệp để chờ
lệnh chủ tướng. Ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân (1788) Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lên
ngôi Hoàng Đế, đem 10 vạn quân và 100 con voi ra Bắc đánh giặc.

Vua Quang Trung chia quân làm 5 đạo: Đạo Thứ nhất (Trung quân) gồm nhiều quân
mới tuyển ở Nghệ An, do chính vua Quang Trung chỉ huy, có tướng Ngô Văn Sở và Phan
Văn Lân làm tiên phong, bao gồm tượng binh và kỵ binh, tiến đánh thẳng vào phía Nam và
tiến về Thăng Long. Đạo quân Thứ hai và Thứ ba do Đại Đô đốc Lộc và Đô Đốc Tuyết chỉ
huy, vứa tiếp ứng phía bên phải, vừa chặn đường quân Tàu rút về theo ngả Bạch Đằng và
Lạng Sơn. Đạo quân Thứ tư và Thứ năm do Đại đô Đốc Bảo và Đô Đốc Mưu (có tên khác là
Long hoặc Đặng Tiến Đông ) chỉ huy. Đô Đốc Bảo sẽ tiến về phía Tây và tiếp ứng phía bên
trái. Riêng đạo quân do Đô Đốc Mưu chỉ huy, có tượng binh và kỵ binh theo đường
Chương Đức, hướng lên Sơn Tây nhưng sẽ rẽ quặt sang làng Nhân Mục tập kích đồn
Khương Thượng của Sầm Nghi Đống (đồn Đống Đa), tiến vào Thăng Long từ hướng tây.

Ngày 30 tháng chạp, vua Quang Trung cho quân ăn tết trước rồi hạ lệnh tiến quân và hẹn
rằng sẽ vào Thăng Long ăn Tết ngày mồng 7 tháng giêng âm lịch.

Đêm 30 tết, quân Tây Sơn vượt sông Gián Thuỷ đánh đồn Gián Khẩu của quân nhà Lê.
Quân Lê tan vỡ bỏ chạy và bị giết hoặc bị bắt hết.

Ngày 3 tháng giêng, quân Tây Sơn đến Hà Hồi (cách Thăng Long khoảng 20 km). Vua
Quang Trung cho quân vây chặt đồn rồi sai bắc loa kêu gọi quân Thanh đầu hàng. Quân
Thanh bị tấn công bất ngờ đều hàng cả.

Nghe tin đồn Hà Hồi thất thủ, quân Thanh do Hứa Thế Hanh chỉ huy ra sức tăng viện giữ
thành Ngọc Hồi. Nhưng vua Quang Trung không vội đánh đồn Ngọc Hồi.. Quân Thanh hồi
hộp phòng thủ. Cả ngày mùng 4, vua Quang Trung chỉ cho quân uy hiếp tinh thần quân
Thanh và chuẩn bị những tấm ván lớn có để rơm tẩm nước để chắn đạn khi tấn công. Ngoài
ra, cố gây sự chú ý của quân Thanh đối với đạo quân do vua chỉ huy để tạo điều kiện cho
yếu tố bất ngờ của các đạo quân khác. Nhất là đạo quân của đô đốc Mưu tiến về phía Sơn
Tây, có vẻ như sẽ tấn công quân Vân Quý, nhưng đã bất ngờ quay trở lại tiến đánh đồn
Khương Thượng (Đống Đa) vào nửa đêm mồng 4, rạng ngày mồng 5 tết, khiến Sầm Nghi
Đống phải thắt cổ tự tử.

“Theo Thánh vũ ký, Khu vực Khương Thượng và xung quanh, do xác quân Thanh chết quá
nhiều, sau chất thành 12 gò cao (quân Nam đào 12 hố lớn chôn xác quân Thanh), có (cây)
đa mọc um tùm gọi là Gò Đống Đa. Trận đánh đồn Khương Thượng cũng còn gọi là trận
Đống Đa.”

Đại thắng quân Thanh kết thúc bằng trận đánh đồn Khương Thượng và đồn Ngọc Hồi. Vì
quân Thanh chết quá nhiều ở đồn Khương Thượng (Đống Đa) nên hàng năm người Việt
Nam làm lễ “Giỗ trận Đống Đa”, trước là cầu siêu cho những oan hồn, sau là kỷ niệm chiến
tích oai hùng của Hoàng Đế Quang Trung.

Giỗ trận Đống Đa

Đống Đa hương khói giỗ quân thù
Tha thứ, tình người đẹp thế ru!
Đắp mả chiêu hồn, tâm sáng tỏ
Đào mồ bạt vía, trí thâm u
Nghìn năm bia miệng khinh tà thuyết
Vạn thế sử xanh trọng thánh thư
Đại thắng mùa xuân năm Kỷ Dậu
Là tia nắng rọi cõi sa mù!
Vương Sinh

Kết luận: Chiến thắng Đống Đa ngày mồng 5 Tết Kỷ Dậu 1789 của vua Quang Trung
Nguyễn Huệ là một trong những chiến thắng vẻ vang nhất của lịch sử Việt Nam. Đây là một
chiến thắng thần tốc của một thiên tài quân sự “tốc chiến tốc thắng“ hiếm có trong lịch sử
các danh tướng trên thế giới. Cuộc hành quân nhanh chóng từ miền Trung ra Bắc và chiến
thắng lấy lại Thăng Long đã khiến dư luận dân chúng tạo ra nhiều câu chuyện truyền khẩu
lý thú như khi di chuyển, vua Quang Trung cho binh lính luân phiên nằm võng, 2 người
cáng 1 người. Lương thực thì dùng bánh tráng. Đặc biệt trên mình voi đều có đặt súng đại
bác hoặc súng phun lửa (hỏa hổ) bắn vào đồn binh địch dễ dàng trúng đích vì ở vị thế cao.
Nhờ dân chúng Bắc Hà oán ghét quân Tàu thường hay cướp phá dân chúng, nên đã hợp
tác hoặc giúp Tây Sơn, không hợp tác với quân Tàu. Sự bất tài, “rước voi về giày mả Tổ”,
lo trả thù riêng… của Triều Đình bấy giờ đã giúp cho quân Tây Sơn dễ dàng quét sạch giặc
ngoại xâm …
“Quân
nhất thời, dân vạn đại”, trước sau gì dân cũng sẽ làm chủ đất nước thực sự của mình.
Chiến thắng mùa xuân Kỷ Dậu của vua Quang Trung sẽ mãi mãi là tấm gương sáng và
ngày “Giỗ Trận Đống Đa” chính là ngày nói lên tinh thần nhân bản của dân tộc Việt Nam
vậy.


- Việt Nam Sử Lược - Trần Trọng Kim (Tập II)
- Từ Điển Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam
- Tài liệu trên internet (Wikipedia…)

Thanhha Sưu tầm
27/1/2012 (mùng 5 tháng giêng Nhâm Thìn )

thanh ha
27-01-2012, 04:18 PM
http://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/9/99/Go_Dong_Da_3.JPG/796px-Go_Dong_Da_3.JPG

Khu tượng đài Vua Quang Trung tại Gò Đống Đa.

http://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/b/b7/T%C6%B0%E1%BB%A3ng_%C4%91%C3%A0i_Quang_Trung_t%E1% BA%A1i_B%E1%BA%A3o_t%C3%A0ng_Quang_Trung.JPG/450px-T%C6%B0%E1%BB%A3ng_%C4%91%C3%A0i_Quang_Trung_t%E1% BA%A1i_B%E1%BA%A3o_t%C3%A0ng_Quang_Trung.JPG