PDA

Xem phiên bản đầy đủ : Văn kiền đức - trương thế công



KIỀN ĐỨC -TRƯƠNG THẾ CÔNG
05-02-2012, 11:15 PM
VĂN VẮN VỀ CHA TÔI

Thấy người ta viết văn đầy cả, chợt nảy ra ý định viết văn, mà biết viết gì đâu? Đành kể chuyện mình cho bằng hữu nơi nơi nghe thử. Thật tình thì đời trải qua bao nhiêu dâu bể, hẳn cũng có vạn điều để tâm sự với cuộc đời, chỉ là kể chi cho bạn nghe vui tai thôi.

Kể chuyện làm thơ vậy. Có mấy bài mới về mẹ, bạn hỏi sao không viết về cha? Tôi nghĩ chẳng có ai không yêu cha mình, mà tình yêu ấy chắc chắn mạnh mẽ, da diết vô cùng. Tôi cũng trong tâm trạng ấy. Vậy mà đời thơ mình chưa có bài nào về cha. Cha tôi ra đi đã mười bảy năm nay. Khi con sống, ông đối với con cái đúng như một ông bố nghiêm khắc, lạnh lùng.Ông rất uy nghiêm, cả với mọi người chunng quanh. Đúng hơn là kiệm lời. Bởi vậy con cái cũng sợ ông chết khiếp. Chỉ riêng tôi, đứa bị ông đánh đòn nhiều nhất, mắng mỏ cũng chẳng ít gì, lại 'thân' với ông nhất. Mà cách ông dạy tôi cũng khác, bởi khi còn nhỏ thì đánh mắng, còn khi lớn ông lại 'tỉnh như không'! Chuyện xảy ra chỉ từ khi có cậu con trai đầu. Ônng chỉ nói có một câu: Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ! Chuyện nhà thì mẹ tôi đã kể cả trăm lần, thuộc hết, nhưng chỉ hiểu ra khi mình thực sự làm bố. Bấy giờ mới hiểu thấu về cha và thương cha hơn cả.

Tuổi cao, ngoài bảy mươi, ông có mảnh vườn rộng trồng hồ tiêu, cũng khá xa nhà. Cứ ở vườn cả tuần, chủ nhật về nhà, đi đây đó buổi sáng, trưa về 'làm một xị' rồi lại ra vườn. Tôi lại ở gần vườn ông, trưa nắng ông thường vô nhà ngồi chơi với các cháu, bố con nói chuyện trời trăng mây nước. Vậy thôi, ít khi ông nhắc bảo chuyện này chuyện khác. Chắc cha tôi nghĩ: Mày đã làm bố thì phải biết tất cả những gì thuộc về bố! Mình thì chỉ có nhìn mà học. Cũng là do hồi mới lớn lên, nghe cha tôi kể chuyện một nhà nọ, rồi ông kết luận: Mày thấy chưa, dạy con mình mà con hàng xóm khôn! Nghe rồi thấu hiểu, từ đó cứ vậy mà học lóm đủ chuyện, mà khôn. Chắc hẳn cha tôi vẫn nhìn thấy thằng con khôn lớn, hiểu đời nên an tâm không nói ra. (Điều này mãi tới khi con tôi làm bố, tôi mới tin chắc thế.)

Bố con tôi cứ thế mà sống bên nhau, nhiều khi tôi cảm động nghĩ mình được như bạn vong niên của cha mình mà cảm động biết bao. Nên khi cha tôi đi xa, tôi thấy mình mất mát nhiều quá! Đâu chỉ là một người cha?! Nhưng tôi cũng giống cha, khô khốc. Đám con cháu bây giờ nhìn tôi cũng y như tôi nhìn cha tôi hồi đó. Lại càng thương cha mình hơn nữa. Nhưng làm thơ về cha ư? Đợi đấy!

KIỀN ĐỨC -TRƯƠNG THẾ CÔNG
11-02-2012, 07:39 AM
KỂ CHUYỆN ĐỜI MÌNH


Tôi vào đời khá sớm, mười tám tuổi. Va chạm ngay từ đầu với đủ dạng người: Khôn dại, nông trí, văn võ...Với mớ hành trang thời trung học, không nhiều nhưng khá chắt lọc. Vốn là một trường đạo, có một dàn thầy cô chọn lọc và một lối giáo dục nặng về nhân văn, trước văn hóa. Phương pháp học cũng rất thoáng, khơi gợi suy tư, dạy học sinh nhiều sáng tạo trong cách nghĩ, cách hành động. Hoàn cảnh đời bắt tôi phải vừa mưu sinh vừa học, cũng nhờ phương pháp học ở trường trước đây. Không ngờ đó là con đường tôi đi cả đời, mà cũng nhờ vậy mà hình thành một 'lão gàn' khác đời, khác người.
Bây giờ, gần sáu mươi, nghĩ lại, không có gì ân hận, chỉ có sự không hài lòng đây đó, tất nhiên. Lập thân sớm có con cũng sớm, ắt là vất vả cũng sớm! Cứ cắm đầu cắm cổ lao vào công việc để kiếm cơm, tuy vậy vẫn có hoạt động văn nghệ, cả hoạt động xã hội nữa. Hồi đó lập hẳn một đội văn nghệ nhé! Tổ chức cả 'đại nhạc hội' (kiểu nói hồi đó) nữa, thuê cả ca sĩ từ thành phố về hát nữa. Vui và tự hào lắm. Nhưng chén cơm manh áo quả là phải 'trần ai khoai củ' mới nên thân. Làm đủ nghề: làm rẫy chán, quay ra đi thầu khai thác nông sản, nuôi ong mật, sau còn lao cả vào nghề xây dựng, leo từ anh thợ lên xếp. Nhiều khi không thở được nữa, chỉ nghĩ cho gia đình một cuộc sống ổn định. Cuối đời cũng chẳng được như ý, may còn một nhà đầm ấm, con cái nên người. Thế coi lại mà tốt hơn. Kinh tế thì có bao giờ đủ, con cháu có tài có nghề ắt có cái mà sống, đúng không? Cái cần nhất là cái nhân văn, cái đạo đức làm nền tảng cho cả đời mình, tôi cứ luôn nhắc mình, nhắc con cái như thế, Mà như thế thì đời họ cho mình là gàn rồi!
Bạn hỏi tôi, như thế thì tôi kể chuyện gì cho bạn nghe đây? Thì đó, chuyện cái 'lão gàn' đấy! Cũng có nhiều kỷ niệm đep, lưu lại suốt đời mình được. Giúp đời giúp người cũng nhiều, thành công cũng nhiều, cả cay đắng thất bại cũng đầy. Khi mình ra tay 'nghĩa hiệp' là xuất phát từ cái tâm trong sáng, đâu kể gì lợi lộc hay danh giá. Cứ mong đạt tâm thỏa chí, cao cả thế?! Mà thỏa mà đạt thật, có vậy mới có nghị lực và sức mạnh mà sống ở đời chứ! Có khi gặp phản bội, bị xuyên tạc. Cay đắng nghĩ: bạn đểu, tình lừa, tôi tớ phản! Nhưng lúc nào đó, gặp dịp lại ra tay nghĩa hiệp' tiếp! Thế mới gàn! Hôm trước, gặp bài thơ nọ, nói chuyện hai người 'nghĩa hiệp' nọ bị lừa, bi phản, thấy đồng cảm; Lại gặp một gợi ý của một người bạn, gọi cái sự trao lầm thiện chí ấy là 'cầm .. cho chó đái', tâm đắc quá! Bèn cho ra một bài thơ, nói rằng: "Thiện chí trao lầm, cầm ... chó đái". Nhưng không bao giờ hết yêu đời, yêu người đâu. Gàn nữa, hả?!
Thời đại bây giờ, ai cũng lo cho thân mình, có khi trở nên ích kỷ, có khi dửng dưng đến tàn nhẫn nữa. Nghĩ lại có hai vấn đề: Giáo dục và tâm lý chung của xã hội. Giáo dục, có một thời mà học sinh tiểu học đã được dạy đánh lừa giặc, ăn cắp vũ khí của địch ... Có lý lắm khi dạy con trẻ yêu nước, căm thù giặc nhưng dạy đánh lừa, dạy ăn cắp là sao?! Lớn lên, trẻ được học biết: con người bởi khỉ mà ra. Dạy một giả thuyết khoa học là bình thường và cần thiết, nhưng dạy để làm gì, khi trẻ biết rằng: con người cũng là một con thú, cha mẹ nó cũng vậy, chết là hết. Bởi vậy mới có chuyên 'bạo hành ngược': Vợ bạo hành chồng, con cái bạo hành cha mẹ... Đó: Hành hạ cha mẹ về tinh thần, đòi hỏi vật chất, liều thân lao vào bao hiểm họa... Cha mẹ có khi chết sững vì biết con mình sa vào tệ nạn. Không thì cũng 'chết dở' vì những đòi hỏi của các ông bà trời con. Có đạo lý nào ràng buộc chúng đâu! Cái tâm lý chung của xã hội cũng có khối vấn đề. Người giàu cứ thỏa sức xài sang, khoe của, rồi bằng mọi cách làm cho tiền đẻ ra tiền, chẳng cân đạo lý nào hết. Cứ sống đi cho sướng, chết là hết, không lo chi chuyện xa vời. Người nghèo cay đắng tủi nhục thân phận mình, tất yếu tìm cách thoát nghèo, bằng mọi giá. Nghèo giàu gì thì cũng không cần đạo lý, 'Người là thú dữ của người', danh ngôn đấy...
Bây giờ thì tôi cũng thấy mình gàn thật, Lo chi cái chuyện đời?! Nhưng cũng không phải tất cả là màu đen. Như bạn, như tôi, như bao người tốt khắp nơi nơi... Biết vậy, vẫn lo âu. Gàn mà! Đọc báo nghe đài mà xót cả ruột, nhức cả óc. Có phải mình cả lo hay không, có yếm thế quá không? Tin vào điều thiện, và cầu mong cho cái ác mất dần, chỉ thế thôi. Việc đời cao rộng lắm, chẳng đến phần cái lão gàn này lo, phải không?!

KIỀN ĐỨC -TRƯƠNG THẾ CÔNG
23-02-2012, 11:51 PM
TẢN MẠN VỀ BÀI THƠ " HAI NĂM TÌNH LẬN ĐẬN"
( THƠ NGUYỄN TẤT NHIÊN, NHẠC PHẠM DUY )
Tôi yêu ca khúc này từ hồi mới lớn. Nhưng hồi đó (1972 - 1975) bị cuốn vào cơn lốc chiến cuộc, không có điều kiện đi sâu vào chi tiết,
không có được bài thơ nguyên tác. Hát mãi mà cứ thấy sượng sượng làm sao: Hai câu này: "TRƯỚC GIỜ LÊN NGÔI CHÚA, AI CHẮC KHÔNG DẠI KHỜ". cứ nghĩ: bài hát đi sai về ca từ; Ai đời có kẻ nào lên ngôi Chúa (vốn là Đấng Chí Tôn, Tối Thượng)? Mấy chục năm, nhờ có chị Thy Lan cho đọc bài thơ nguyên tác, thấy hay quá: "Chuông nhà thờ đổ mệt/ Tượng Chúa gầy hơn xưa/ Chúa bây giờ có lẽ/ Rơi xuống trần gian mưa// Dù sao thì Chúa cũng/ Một thời làm trai tơ / Dù sao thì Chúa cũng/ Là đàn ông ... dại khờ ". Một ý thơ hay đến mức ngạc nhiên!
Tôi có ít tư liệu về Nguyễn Tất Nhiên quá, nhất là sau khi ông chết, chẳng biết ông có ở trường hợp những nhà thơ sống chết trong thơ hay không (Như Xuân Diệu, Huy Cận, Đinh Hùng hay Bùi Giáng...). Nhưng quả là thơ Nguyễn hay quá! Nhất là ở cái thời điểm của mấy bài thơ này. Tiếc cho mình mấy năm ấy cứ bộn bề với thời thế; Mà chẳng kể riêng về thơ, hồi ấy chúng tôi còn chả có thì giờ mà sống cho ra sống nữa cơ! Bởi vậy nên cứ nhớ về thơ Nguyễn, nhất là với nhạc Phạm Duy, thấy lòng mình lâng lâng, ấm áp làm sao! Cái tài hoa của thơ và nhạc quyện chặt lấy nhau thành một cảm hứng 'nhức nhối' (Kiểu nói của chúng tôi), tận sâu thẳm trong tim.
Cũng phải nói vài điều về chất thơ trong các ca khúc của Phạm Duy, những bài ông viết lời ấy. Cái chất thơ ấy cũng độc đáo và sâu lắng hết mức, mà không mấy nhạc sĩ có được đâu. Bài PHƯỢNG YÊU chẳng hạn: "Yêu người như lá đổ chiều đông, như mây hồng chưa tím, như con chim khóc trong lồng, như cơn dông đêm hè..." Có cái gì đó ngần ngại, e dè... Rồi "Yêu người xong chết được ngày mai, yêu như loài ma quái đi theo ai cuối chân trời..." Mạnh thế, cuồng nhiệt thế?! Chưa hết đâu, "Yêu người yêu Phượng, yêu hoa đầu mùa, yêu bằng tiếng nói đơn sơ. Yêu người ... yêu em mù lòa". Rồi "yêu bằng tiếng hát yêu tinh" Yêu đến mất 'căn bản' rồi! Còn nhiều lắm, chăng bình cho đến nơi đến chốn được đâu! Chỉ nói rằng có những cái làm tâm hồn mình thăng hoa được, thì thật quý hóa đến chừng nào! Tôi vốn lười suy nghĩ, chỉ hay 'bị cảm' thôi. Những lúc như thế này, thấy sướng quá, viết ra chút xíu, chia sẻ với bà con làng thơ, cho ...ĐÃ! Cảm ơn chị Thy lan nhiều.

KIỀN ĐỨC -TRƯƠNG THẾ CÔNG
21-06-2012, 09:02 PM
BÚT KÝ:
TRỞ LẠI THÀNH PHỐ HOA (I)

Lâu lắm, mới trở về Đà lạt, thành phố ngàn hoa, nơi tôi để lại rất nhiều kỷ niệm thời thơ ấu, nơi tuổi thơ tôi được nuôi dưỡng bằng hương hoa và những êm đềm thơ mộng nhất của đời người. Về sau lúc lớn lên chẳng còn đâu hoa mộng cũ, cơn bão chiến tranh làm cho tuổi trẻ mất hết thiên đường. Vì thế, về lại Đà lạt vừa là những ngày nghỉ dưỡng bổ ích, cũng là vừa hoài niệm tuổi thơ xưa.
Tôi ghé thác Prenn, lên cáp treo tham quan ngay cảnh núi đồi nhấp nhô trùng điệp, một hình ảnh không thể không chiêm ngưỡng. Lạ lắm, từ nhỏ tôi cứ say mê cảnh núi đồi. Lúc còn đi học, ngôi trường trung học ấy có mấy tầng lầu và sân thượng là chỗ tôi hàng ngày lên ngắm cả một vùng đồi núi bao quanh, còn cái thị trấn quê nhà như cái lòng chảo, trũng xuống xanh ngắt giữa sắc lam tối của núi, và sương giăng mờ đây đó… (Tiếc quá, phải chi biết làm thơ như bây giờ!). Tiếp nối là đèo, khá ngoạn mục , có điều đang kỳ nắng, chẳng có sợi mây nào vắt vẻo sườn non cho mà ngắm.
Vào thành phố, việc đầu tiên là tìm ngay một căn phòng bên bờ hồ Xuân Hương, nước xanh ngăn ngắt, rộng dài tít tắp, cảnh trí thơ mộng… Cái hồ rộng bây giờ sầm uất hơn xưa, với hàng quán và tụ điểm vui chơi rải khắp chung quanh; tuy vậy vẫn có những khu cho du khách hóng gió với cây xanh trầm mặc và ghế đá ngồi cặp đôi, thơ mộng quá. Chiều xuống phố, ghé ngay vào cơ sở tranh thêu XQ, nơi sáng tạo hàng ngàn tác phẩm tuyệt vời qua bàn tay các nghệ nhân và cũng vinh hạnh đón rất nhiều vị khách quý, các nguyên thủ quốc gia … đến thưởng lãm. Chiều nay, hay sao, lại là ngày tưởng niệm một nghệ nhân bậc thầy đã ra đi ngay trên giá thêu. Bùi ngùi chiêm ngưỡng bức tranh đang thêu dang dở rồi vội vã rảo chân vào Đà Lạt Sử Quán, nơi tổ chức buổi tưởng niệm. Không khí thật trang trọng, với đoàn người dài làm thành cuộc rước với áo dài khăn đóng, với y trang hoàng hậu, với áo tím Huế và nón bài thơ… Đặc biệt là chương trình Ca Huế, những âm thanh của đất Thần Kinh ngân nga vang lên tận trong hồn người, những làn điệu Nam Ai, Nam Bình, rồi những điệu hò mái đẩy, mái nhì… Thật vui khi nghe âm thanh xứ Huế ngay giữa núi đồi Đà Lạt. Có điều gì thú vị quá mà không thể diễn tả!
Đêm Đà Lạt rất êm, lắng trầm như bài thơ cứ thầm thì, nhỏ nhẹ bên (hay trong) tai mình. Ngay cả cái chợ đêm, bước qua con đường là không còn ảnh hưởng chi đến cái thú suy tư trầm mặc bên bờ hồ loang ánh sáng mà cứ thấy như đang thoát tục. Bóng đêm trải rộng trên mặt hồ, vượt lên những hàng cây ven bờ rồi như thấm cả vào lòng mình nữa vậy… Rồi cứ ngồi đó, với gió đêm, với sương giăng nhẹ nhàng và nhất là cái im lặng đầy thích thú chung quanh mình, ngồi mãi đến khuya chẳng muốn về… Chợt thấy cuộc sống xô bồ hôm qua sao mà xa lạ!
Sáng hôm sau, xuống thung lũng tình yêu. Ngày xưa Đà Lạt gồm toàn những quả đồi, những thung lũng đầy hoa, cả một vùng với một màu hoa, một loài hoa thật riêng biệt, rất thú vị. Mà chẳng biết tại sao lại có được như thế! Bây giờ đã khác, cảnh trí được thiết kế theo từng mảng mang chủ đề riêng, du khách vào từng khu theo ý thích, chán khu này thì sang chỗ khác. Cứ miên man bước chân dạo chơi không biết mệt. Có một chỗ thật hay, là một triền đồi được xây dựng thành một hành lang trên cao nhìn xuống thung lũng bên dưới, thấy những bạn trẻ dắt tay nhau tung tăng dạo chơi. Bất chợt nghĩ mình như một ông cụ già, ngồi trong thời quá khứ nhìn đám con cháu ở thời hiện tại, với cái nhìn bao dung độ lượng, ngắm tuổi trẻ đang chảy trôi như dòng suối đầy sinh lực. Lại cười thầm mình sao mà lẩm cẩm thế nhỉ? Cũng thật là hay, vì trong bạt ngàn núi đồi, ai khéo chọn được chốn này cho những đôi tình nhân dẫn nhau vào mà vui chơi, tâm tình… Khen cả những ai đặt đúng cái tên ‘thung lũng tình yêu’ cho nơi dễ thương và thơ mộng tuyệt vời này.


KIỀN ĐỨC - 21/06/12

KIỀN ĐỨC -TRƯƠNG THẾ CÔNG
21-06-2012, 09:10 PM
PHIẾM LUẬN:

CHUYỆN ĐI, VỀ

Có một ngày, bỗng thấy mình chẳng hiểu là buồn hay vui. Thì vốn dĩ đời người cũng vẫn có những lúc như vậy chứ! Có điều, lại lẩn thẩn nghĩ vẩn vơ về hai chữ ĐI, VỀ, nghĩ riết mới viết bài ‘thơ thẩn’ mà chơi:


ĐI, VỀ

Đời là một cuộc ra đi
Trăm năm là cả trăm đi vào đời
Ra đi có thể một thời
Có khi một lúc đã rơi mất rồi
Ra đi có thể nổi trôi
Cũng đôi lúc lỡ, lại ngồi thở than
Ra đi có thể trái ngang
Có lần vui thú, cung đàn ngân vang
Có đi đau xót bàng hoàng
Có đi rồi chẳng có mang chi về

Đời luôn là bước quay về
Về mang kỷ niệm lê thê thêm đời
Về mà có lúc chơi vơi
Có khi ân hận lệ rơi vơi đầy
Đời về nhung nhớ mỏng dày
Về mang thương tích ngật ngầy bước chân
Có khi về bước tần ngần
Có khi vui bước đôi chân vội về

Đời anh đi, lại đi, về
Có đâu ngẫm nghĩ là về hay đi
Có đâu phân biệt làm chi
Cứ hoài bước, đã đến khi bạc đầu
Đi đến đâu, về đến đâu
Chắc chờ trăm tuổi người sau nghĩ dùm
Đi về, lão hủ ... tùm lum

KIỀN ĐỨC - 21/03/12

Giống ba anh chàng ‘hợp tác’ làm bài thơ ‘con cóc’, lại cứ lẩn thẩn nghĩ hoài cái chuyện đi – về, kể lại bạn nghe nhé!
Chẳng có ai rảnh mà định nghĩa thế nào là đi, là về; Lại càng chẳng có ai thắc mắc đi làm chi, về làm gì…Mà cái chuyện đi về trong không gian vật lý này càng cực kỳ nhảm nhí. Có điều còn nhiều không gian khác: Không gian tâm linh, không gian văn hóa, không gian đạo lý… Rồi trong những không gian đó, thế nào là đi, thế nào là về; Hay đi đâu về đâu, lúc nào là đi về… Có khi đi đó mà về đó, hay về mà hóa ra đi, mình cảm nhận về nó thế nào thôi.
Thế giới bây giờ thay đổi liên tục, thời thế tạo anh hùng, bao người trở về vinh quang. Bậc anh hùng vội củng cố uy quyền, tạo thanh thế, địa vị, nhanh chóng lao vào vòng xoáy quyền lực – lạc thú – tiền tài – rồi lại thêm quyền lực… Về mà là đi đó vậy. (Còn đi đâu, đi tới đâu nữa cơ!) Tôi cứ luôn thán phục hai con người của thời đại: Giáo hoàng John Paul II, và Mẹ Theresa Calcuta. Một ông cụ già yếu, bệnh tật đi khắp thế giới, vun đắp những cái chẳng để ăn, chẳng để xài, chẳng ai thấy cần… Là tự do, công lý, là nhân quyền, là sự tôn trọng những giá trị nhân linh, là phẩm giá của con người… Con người ấy nằm xuống mà chưa về, còn đi xa lắm, đi lâu lắm! Một bà cụ già đi hết một đời người, đi khắp thế giới chẳng hô hào chẳng tự phụ, chỉ coi mình là ‘cây bút chì trong tay Thiên Chúa’, đưa hàng triệu người vào một chuyến trở về bình an, ấm áp, xứng đáng với phẩm giá con người… Bà cũng vẫn còn đi, mà đi vào cả tâm trí, tình yêu của cả bao triệu người.
Mình thì quá là nhỏ bé, trước bao bậc vĩ nhân ( nên gọi là ‘tiểu nhân’ vậy!) chỉ nhìn thấy cái trước mắt, cái cụ thể, như cơm áo hay đại khái là như vậy.
Mà cũng có cái để đi - về nữa cơ đấy! Này nhé, gia đình, con cháu, đời sống… Còn bao chuyện nữa, đều là những chuyến đi, là đích về, là cả cái chuyện đi mà về, về mà hóa ra đi nữa chứ! Mà ngẫm lại, là con người, ai chẳng có một ‘xứ sở’ để mà đến, một ‘quê hương’ để trở về? Mà nếu không có nơi chốn nào để đi, để về thì buồn biết bao. Đời còn gì là thú vị, là ý nghĩa nữa?! Người có tôn giáo thường chú tâm vào nơi về cuối cùng là Niết – bàn, là Thiên Đàng, là nơi trường sinh cực lạc…; Nhưng còn bao nơi chốn cụ thể cho mình đi về nữa: Một chiều ấm áp bên gia đình, một lúc vui bên bạn hữu, một buổi hoàng hôn cuộc đời, một thời lắng đọng tâm tư sau một thời phấn đấu cho đời mình, cho lý tưởng hay một mục đích nào đó, cho ai đó…Tôi đi rất nhiều, về cũng nhiều; lại có nhiều bằng hữu sống tha hương và cũng có nhiều bạn chung lối sống, chung mục đích cống hiến cho người đời nên có nhiều dịp chia sẻ, tâm tình với nhau mà cảm nhận được phần nào cái hạnh phúc này: Có nơi để đi, có chốn để về, dù là hữu hình hay tâm linh, tình cảm… thì thấy đời mình đáng sống lắm!
Lại liên tưởng đến mấy nhà độc tài mới sụp đổ, thấy họ dường như đã đi như chỉ một thời mà về cả đời: danh vọng tuyệt đối, uy quyền tuyệt đối, tiền tài phú quý tuyệt đối… Có vẻ sung sướng nhất thế giới rồi. Mà dường như không phải! Vắt hết tâm sinh lực mới có ngày leo lên đầu cả thiên hạ, lại phải lao tâm khổ trí lo củng cố quyền hành, bảo vệ cái ngai vàng, kể cả phạm không trừ một tội ác nào, tàn sát hàng vạn, đầy ải hàng triệu người… Toàn là ĐI không thôi! Mà có khi là đi đến tận cùng của cái ác nữa! Rồi sụp đổ, lưu vong, chết, bị cả nhân loại nguyền rủa… Vẫn không có chỗ để về! Họ thật là những con người bất hạnh nhất, có phải thế không ạ?!



KIỀN ĐỨC