PDA

Xem phiên bản đầy đủ : Phản văn hóa ở một công trình văn hóa.



Phong Trần
06-06-2011, 01:13 PM
(Nguồn tin: Petrotimes.vn)

- Nếu đến Đại Nam chỉ để vui chơi, giải trí thì không có vấn đề gì, còn đến để tìm hiểu thêm về văn hóa Việt Nam thì khách tham quan chắc chắn sẽ thất vọng. Một công trình mang tiếng văn hóa Việt nhưng chẳng thể hiện được nét văn hóa truyền thống của dân tộc, mà lại là sự cóp nhặt một cách thô thiển và thiếu hiểu biết về văn hóa Việt Nam.

Đến Khu Du lịch Đại Nam thuộc tỉnh Bình Dương, nhiều người sẽ ngỡ ngàng trước những công trình nhân tạo đồ sộ như các khu thờ tự, khu dã ngoại, khu vui chơi, ẩm thực, biển, vườn thú… Tất cả đều rất quy mô và lộng lẫy, làm choáng ngợp khách tham quan. Nhưng ngỡ ngàng bao nhiêu thì thất vọng bấy nhiêu bởi có quá nhiều thứ hỗn độn, lai căng ở một khu du lịch được cho là xây dựng nhằm hướng về văn hóa Việt Nam, nơi đánh thức lòng tự hào dân tộc.
Từ ngỡ ngàng…
Dù đã nghe và thấy nhiều hình ảnh về Khu Du lịch Đại Nam (Đại Nam Văn Hiến) nhưng đến tận nơi, chúng tôi cũng không khỏi ngỡ ngàng trước sự hoành tráng của các công trình. Được xây dựng trên khuôn viên 450ha với tổng kinh phí khoảng 6.000 tỉ đồng mà theo nhiều nguồn tin thì Đại Nam Văn Hiến sau khi hoàn thành sẽ là khu phức hợp vui chơi giải trí lớn nhất Đông Nam Á. Hiện nay, tuy mới hoàn thành giai đoại 1 trên 261ha nhưng cũng đủ làm choáng ngợp bao khách tham quan. Cái gì cũng to lớn, lộng lẫy ở mức được đưa vào kỷ lục Việt Nam.
http://www.petrotimes.vn/wp-content/uploads/2011/05/DSC_0911ds1.jpg (http://www.petrotimes.vn/wp-content/uploads/2011/05/DSC_0911ds1.jpg)Khu du lịch Đại Nam

Từ ngoài cổng vào đến địa điểm tham quan cả cây số, dọc hai bên đường là dãy khách sạn đạt chuẩn quốc tế được xây dựng giống như những bức tường thành. Khá hoành tráng là khu biển Đại Nam với quy mô 21,6ha, sức chứa lên đến 30.000 người và khuôn viên 12,5ha là vườn thú với nhiều loại quý hiếm như sư tử trắng, ngựa vằn, hổ trắng, hươu cao cổ, khỉ sóc Nam Mỹ. Khu giải trí hiện đại với hơn 40 trò chơi, hầu hết các trò chơi lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam như tàu lốc xoáy, vượt thác, thám hiểm bầu trời… Ngoài ra, ở đây còn có rạp chiếu phim vòm 4D là sự kết hợp kỹ thuật công nghệ phim 3D và màn hình vòm 180o, mang lại cảm giác như thật cho người xem.
Nhưng hoành tráng và được trau chuốt nhất phải kể đến khu thờ tự với đền Đại Nam (Kim điện) và núi Bảo Sơn, được sách kỷ lục Việt Nam ghi nhận là ngôi đền lớn nhất và dãy núi nhân tạo dài nhất Việt Nam. Kim điện là một đền thờ được dát vàng 24k. Các bức tượng và những bức tranh trên tường đều được dát vàng và chạm trổ tinh tế, công phu. Cái lư hương to đùng, nặng hàng trăm ký cũng được dát vàng; rồi cả 2 cây nến to đặt trong chính điện, nghe đồn có thể cháy đến 1.000 năm. Phía sau khu điện thờ là núi Bảo Sơn, bên trong có một tháp thờ được bao bọc bởi dòng Bảo Giang trong vắt nhìn được tận đáy, cá lội tung tăng và trên các vách Bảo Sơn thì chim yến rủ nhau về làm tổ. Đúng như lời quảng bá đây là khu du lịch thần tiên. Cảnh trí như trong cổ tích.
Việc xây dựng công trình Đại Nam Văn Hiến đã góp phần đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí cho người dân Việt Nam và tạo thêm công ăn, việc làm cho người dân nơi đây. Vào các dịp lễ, tết khách tham quan từ các nơi đổ về đông nghịt. Ngày cao điểm có thể lên đến 40.000-50.000 lượt khách tham quan.
Nhưng, nếu đến Đại Nam chỉ để vui chơi, giải trí thì không có vấn đề gì, còn đến để tìm hiểu thêm về văn hóa Việt Nam thì khách tham quan chắc chắn sẽ thất vọng. Những công trình to lớn, đồ sộ, rực rỡ trước mắt chỉ để lại cảm giác ngỡ ngàng, choáng ngợp ban đầu. Tìm hiểu kỹ mới thấy thật tiếc cho một công trình mang tiếng văn hóa Việt nhưng chẳng thể hiện được nét văn hóa truyền thống của dân tộc, mà lại là sự cóp nhặt một cách thô thiển và thiếu hiểu biết về văn hóa Việt Nam.
Đến thất vọng…
Được quảng bá “là một công trình tôn vinh và vọng ngưỡng những tinh hoa của dân tộc Việt Nam qua 4.000 năm văn hiến”, nhưng khác với những gì được quảng bá, cả công trình như là một mớ hỗn độn mà nhiều người nhận xét giống đống xà bần.
http://www.petrotimes.vn/wp-content/uploads/2011/05/DSC_0938ds.jpg (http://www.petrotimes.vn/wp-content/uploads/2011/05/DSC_0938ds.jpg)Một góc khu du lịch Đại Nam

Theo Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái, đối với giới kiến trúc chúng tôi thì khu du lịch này là một thất vọng lớn. Ở đây có sự lẫn lộn rất tai hại về tên gọi, ý nghĩa các công trình với kiến trúc xây dựng. Đây là khu du lịch, vui chơi giải trí, khu hành hương tôn giáo hay công trình văn hóa? Về mặt nghệ thuật, kiến trúc và trang trí, các công trình ở đây có rất nhiều điều đáng bàn. Nhất là khi chủ nhân tự xưng đã xây dựng một “công trình hướng về văn hiến Việt Nam”. Thử hỏi có gì là văn hóa, nghệ thuật Việt khi nhà cửa toàn mái cong, rồng phượng cóp nhặt kiểu Trung Quốc. Chạm trổ cũng sao chép thô thiển họa tiết trang trí Trung Hoa, từ chiếc đèn đá, phù điêu cho đến vườn cảnh, hòn non bộ… Hình tượng binh lính có mặt nơi đây cũng không có gì gọi là Việt Nam, chỉ rặt một sự cóp nhặt hình ảnh các phim cổ trang Trung Quốc.
Đến khu thờ tự người ta dễ dàng nhận ra các cầu dẫn đến điện thờ là những đường đá như những chiếc cầu rộng nối từ điện này đến điện kia, được mô phỏng theo kiểu đường dẫn vào các điện ở Cố Cung (Trung Quốc) và cầu thang đi lên điện có bệ rồng ở giữa cũng làm theo kiểu bậc thang vào Thiên đàn (Đàn tế trời ở Trung Quốc) chỉ có sự thay đổi một số họa tiết.
Về mặt thờ tự, đền thờ Đại Nam lại tiếp tục thách đố các nhà nghiên cứu văn hóa, tôn giáo, lịch sử, dân tộc học… Bởi ở đây thực hiện cách bài trí thờ tự có một không hai. Ở dãy bên phải của Kim điện thờ Ngô Quyền và bài vị của tất cả các triều đại trong lịch sử Việt Nam: Đinh, tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, hậu Lê, nhà Mạc, nhà Nguyễn, nhưng không hiểu sao, ở bậc trên cùng lại thờ tượng Quán Thế Âm bồ tát, tượng Di Lặc và Phật mẫu Chuẩn Đề. Cách bài trí như vậy, có lẽ chỉ có chủ nhân mới hiểu, còn theo như cách nghĩ của chúng tôi, dưới thời Lý – Trần, Phật giáo hưng thịnh thì bài trí như vậy cũng được cho là có căn cứ, nhưng sang thời hậu Lê, nhà Lê lấy thuyết Nho giáo của Chu Tử làm mẫu mực cho cách cai trị của triều đại. Nho giáo trở thành quốc giáo và hệ tư tưởng chính thống của thời đại. Trong trường hợp này thì cách bài trí thờ tự như vậy không phải là có vấn đề hay sao?
GS-TS Ngô Văn Lệ cho rằng: Việc thờ các nhà nước phong kiến như trên vẫn có các giai đoạn bị đứt quãng. Vì trong lịch sử còn có những thời kỳ mà nhiều lực lượng khác nổi lên và bản thân của những lực lượng đó cũng đóng vai trò quan trọng như thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh… Do đó, ngay cả trưng bày trong một Bảo tàng Lịch sử cũng không có cách thờ như vậy. Đồng thời, trong tư duy của Việt Nam là “tam giáo đồng quy” (nho, phật, lão), chưa bao giờ người ta chỉ đề cao Phật giáo. Do đó, đặt Phật giáo lên trên cùng rồi phía dưới là các triều đại Việt Nam thì cũng không phù hợp.
Ở giữa Kim điện vị trí thờ được sắp xếp như sau: Theo chiều dọc trên cùng là Phật tổ, rồi đến Vua Hùng, rồi đến Trần Nhân Tông. Hai bên bàn thờ này là các bàn thờ Thần tài – Thổ địa – Tổ đức Thành hoàng, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Chí Minh, Vua Hùng, Đức thánh Trần Hưng Đạo, Quốc mẫu Âu Cơ, Cửu huyền Thất tổ (thờ gần 2.000 dòng họ Việt Nam).
GS-TS Ngô Văn Lệ nhận định: “Cách thờ như vậy đúng là “tạp pí lù”, tôn giáo có, người trần mắt thịt có, nhân vật truyền thuyết có rồi tín ngưỡng dân gian cũng có. Thờ tự là phải có nguyên tắc chứ không phải có cái gì cũng bê hết lên ban thờ được. Ở chùa thường chỉ thờ phật, còn đền thì thờ thánh thần. Không ai lại để Phật tổ lên trên cùng rồi ở dưới là Vua Hùng rồi đến Trần Nhân Tông. Vì Phật tổ là một nhân vật thuộc về tôn giáo có nguồn gốc tận Ấn Độ còn vua Hùng thuộc về truyền thuyết, giả sử của Việt Nam, không liên quan gì đến nhau. Dưới phật thường là các đệ tử nhà phật và cũng có quy định rất rõ ràng vị trí thờ tự chứ không phải muốn đặt đâu thì đặt. Tôi chắc chắn các sư thầy mà nhìn thấy cách thờ tự như thế này cũng không đồng ý”.
Còn Thần tài là cách thờ tự của người Hoa du nhập vào Việt Nam, người Việt chủ yếu là dân kinh doanh buôn bán mới thờ chứ người làm các nghề khác ít khi thờ. Và thông thường Thổ địa, Thần tài, Thành hoàng có miếu thờ riêng. Thờ Cửu huyền, Thất tổ cũng là ảnh hưởng của Trung Hoa. Nhìn chung, cách phối trí thờ tự tại Đại Nam không tìm ra được một mối quan hệ gì để làm chuẩn chung những nhân vật được thờ ở đây. Nếu xét về tôn giáo thì thờ Phật tổ; tín ngưỡng dân gian thì thờ Thần tài, Thổ địa, Thành hoàng, Cửu huyền Thất tổ; xét về người có công với đất nước thì thờ Hồ Chí Minh, Trần Hưng Đạo; nhà thơ, nhà văn có ông Nguyễn Bỉnh Khiêm; truyền thuyết, giã sử thì Âu Cơ, Vua Hùng… Do đó, cách thờ ở Đại Nam không theo một truyền thống tôn giáo hay một logic nào cả.
Trong xã hội có thể cùng tồn tại nho, phật, lão và tín ngưỡng dân gian nhưng trong phối cảnh thờ cũng ít xảy ra trường hợp này. Ở gia đình có thể “thế nọ, thế kia” được nhưng ở phương diện cộng đồng không thể có chuyện thờ tự linh tinh như vậy được.
Ở đây, dường như chủ nhân khu du lịch muốn thờ tất cả, từ cổ chí kim, từ nhân vật trong truyền thuyết đến nhân vật hiện thực, từ tôn giáo, tín ngưỡng dân gian đến các vị anh hùng dân tộc, các nhà văn, nhà thơ… Đồ thờ tự cũng có thể do bản thân chủ khu du lịch tự nghĩ ra chứ không theo một chuẩn nào, rất tùy ý, ngẫu hứng, chưa thấy ở nơi nào có cách bố trí thờ tương tự như vậy. Thông thường khi xây một nơi thờ tự người ta đã định vị sẵn các vị trí thờ tự, cao thấp ra sao và tất cả có quy định của nó nhưng tại đây do không theo một chuẩn mực, một quy tắc nào nên vị trí thờ tự cũng thay đổi lung tung, lúc thờ ở đây, lúc dời sang nơi khác. Trước đây, ở giữa Kim điện thờ Phật tổ, rồi Vua Hùng, rồi đến Hồ Chí Minh; sau nay đổi lại là Phật tổ, Vua Hùng, Trần Nhân Tông, còn bàn thờ Hồ Chí Minh được dời sang bên trái. Ban đầu, ông chủ này còn đem cửu huyền thất tổ của họ Huỳnh nhà mình để thờ trong Kim điện nhưng chắc do dư luận gièm pha nhiều nên đã được dời riêng ra phía sau núi để thờ tự.
Theo PGS-TS Phan An, Khu Du lịch Đại Nam mang tính chất giải trí hiện đại nhiều hơn, những cái thể hiện văn hóa truyền thống dân tộc rất ít và mờ nhạt, có nhiều điều chưa đúng với truyền thống văn hóa dân tộc. Ngoài kiến trúc, thờ tự thì thơ văn, câu đối ở đây cũng rất “lung ta lung tung” nôm không ra nôm, hán không ra hán. Bởi vậy, không phải cứ dát vàng, dát ngọc là sang là quý phái. Để được người khác nhìn nhận, tôn trọng thì văn hóa thể hiện vẫn là yếu tố rất quan trọng.
(Xem tiếp kỳ sau: Kinh hoàng văn chương ở Khu Du lịch Đại Nam)

Thiên Thanh – Mai Phương