PDA

Xem phiên bản đầy đủ : DẠY TRÂU- truyện ngắn Ngọc Châu



Ngọc Châu
10-06-2011, 07:09 AM
DẠY TRÂU

Ngọc Châu

Đã bắt đầu vào bài giảng mà Hiên vẫn còn bực bội vì chuyện nhà. Trong đầu cô giáo viên dạy văn cấp ba vẫn luẩn quẩn hình ảnh hai bố con (chồng cô và thằng con 15 tuổi) rối rít chuyện chọn cỏ, chọn lá, chọn chất bột để tăng lực và hung tính cho con trâu đực, mua về hơn tháng nay từ mãi Nậm Cắn Nậm xé gì đấy, thuộc vùng biên giới Kỳ Sơn của tỉnh Nghệ An với đất Lào.
Đàn ông ở cái đất Đồ Sơn này có khá nhiều người mang gien khùng - cô nghĩ - cứ phát cuồng lên vì chuyện mấy con trâu chọi mỗi khi vào hạ. Tuy là người Đồ Sơn chính gốc nhưng cô chỉ đi xem chọi trâu chính thức có mỗi một lần, không kể vài lần con trâu nhà đánh nhau với những con khác, khi cô phải dắt nó đi ăn cỏ hồi còn đang học cấp một. Lớn lên, tiếp cận với sách báo và phim ảnh, được xem những cảnh đấu bò tót của đất nước Tây Ban Nha, cô càng nghĩ rằng cái món chọi trâu thật là chán, đơn điệu, võ biền một cách thô thiển. Đấu bò tót ở đất nước người ta là giữa các matador* với các con bò chiến, mà việc dẵt dẫn cuộc đấu là do con người nên có nhiều tình tiết hay, hồi hộp và lôi cuốn. Hai con trâu chọi nhau chỉ quanh đi quẩn lại có mấy miếng khoá ngoài, khoá trong, lao, vằng hoặc đứng im lên gân cổ để đẩy đầu nhau có khi cả tiếng đồng hồ. Cặp đấu nào cũng chỉ có vậy mà từ bô lão đến con nít cứ xúm nhau hò la, thúc trống gõ mõ, nhảy cẫng lên như điên. Xong cuộc thì cả hai "Ông Trâu !" thắng thua đều vào nồi và lên đĩa, xung quanh là các khuôn mặt hỉ hả ướt nhẫy khoen môi, mắt đỏ cá chày.. Tuy vậy điều khó chịu nhất đối với Hiên là ông chồng cô lại thuộc vào đám đó, quanh năm suốt tháng trong đầu anh ta chỉ có chuyện mua bán đổi chác, kiếm thức ăn cho trâu, dạy miếng nọ miếng kia với tìm cách kích thích tính hung hăng cho con vật...
Cố xua đi khỏi đầu những bực bội đeo đẳng thường ngày, cô giáo tập trung vào bài giảng. Cô Hiên xưa nay vẫn có tiếng là một trong hai thày cô dạy văn hay nhất, không chỉ đối với riêng trường phổ thông trung học mà cô đang dạy, vậy nên chỉ ít phút sau cả cô và học trò đã cùng cuốn hút vào việc bình giảng bài " Đất nước" của Nguyễn Đình Thi. Sắp kết thúc tiết văn thì bác bảo vệ ló đầu vào vẫy cô giáo ra ngoài. Cô chỉ kịp đưa tay ra hiệu xin lỗi học trò, bước ra đến cửa thì bác ta đã kéo tay cô giáo lui ra ngoài tầm nhìn của học sinh và thì thào:
- Cô phải về ngay đi. Con trâu mới mua đã vằng sừng vào lưng tay Đoan nhà cô. Chúng nó cáng vào bệnh viện rồi, nghe nói thủng một lỗ khá sâu và vết rách cũng dài. Không bị ngất nhưng cũng nặng đòn đấy..
- Thế mới đáng đời - Hiên nghĩ bụng nhưng thầm than cho cái số vất vả của mình. Cô vào lớp nói thêm vài câu với học sinh để kết thúc tiết học, lên báo cáo tình hình với Hiệu truởng xin nghỉ tiết còn lại của buổi sáng, rồi lấy chiếc xe đạp từ bãi gửi đi thẳng vào bệnh viện thị xã.
- Thằng Đa Đoan vừa nhận một cú ngoặc vào lưng, kì này bọn họ Hoàng xuống xề rồi... - Cô nghe thấy tiếng nói từ đám người đang túm tụm trong "Pho bo ga" liền với quán cà phê bên đường, đó là một trong vài tụ điểm buổi sáng của đám đàn ông thị xã, ban đầu vốn có tấm biển "Phở bò gà", nay đã mất hết dấu nhưng tay chủ quán loại khoái với mấy chữ "Tây" đã mặc nhiên trở thành thương hiệu! Họ không nhìn thấy cô giáo viên cấp ba đang lẳng lặng đạp xe qua.
- Thằng Đoan quị thì con trâu nhà nó hỏng hẳn. Nói thật với các bố, đám trâu của các chi họ Hoàng tôi thấy chỉ con của nó là đáng gờm. Thằng Đa Đoan phải cơm nắm cơm gói vào tận Con Cuông hay Nậm Cắn gì đó trong Nghệ để chuốc nó về đấy... Năm nay họ Đinh có cơ may rồi.
- Phải cho bọn họ Hoàng ăn bùn mùa chọi năm nay...
Đã vào đến sân bệnh viện, Hiên chào ông già giữ xe, ông lão luôn vồn vã với cô chắc không chỉ vì có đứa cháu đang là học sinh của cô giáo. Cụ tất tả dẫn cô qua đoạn đường gần hết tầm quan sát khu để xe, còn nói đi nói lại những chỉ dẫn thêm khá tỉ mỉ, chỉ sợ cô giáo phải tìm lâu.
Người hùng của các sới chọi, tên cúng cơm là Hoàng Đa Đoan, chồng cô giáo Hiên đang nằm trên chiếc giường ở một góc phòng tám giường bệnh trong một tư thế chẳng "hùng" chút nào: úp sấp, chân cong chân xoạc, má áp chiếu quay hướng nhìn vào góc tường. Có lẽ anh ta đang rên nhưng đã vội ngừng khi nghe tiếng có người mới vào phòng. Lúc ngọ ngoạy đầu nhận ra là vợ mình, anh chàng có vẻ ngượng, im thin thít.
Đám ngồi ở "Pho bo ga" trông thấy anh ta thế này tha hồ mà múa tay trong bị- Hiên nghĩ. Cô biết đức phu quân nhà mình cũng như đa số đàn ông ở đây đều có tính gia trưởng và sĩ diện đối với vợ ở mức cao hơn bình thường. Bình nhật anh ta tuy không quát nạt cô nhưng làm gì chẳng bao giờ thèm hỏi ý kiến vợ, nhiều lúc còn can thiệp vào lịch học của con trai do cô lập và đánh máy dán trên bàn của nó, thường sai bảo thằng bé đi mua thứ này thứ nọ, vào suối Rồng lấy nước phục vụ việc cho trâu ăn trâu uống. Con trai đứa nào chẳng lười học nên khi thấy bố sai là nó bỏ bàn học cẫng chân sáo chạy đi ngay, xong rồi còn quẩn quanh mãi với con trâu hệt như bố nó. Tuy nhiên trong ba năm gần đây thì hai lần trâu của Hoàng Đa Đoan đoạt giải. Một nhất, một nhì, còn lần không đoạt giải thì ngay vòng loại đã vặc lòi mắt con trâu được đánh giá là triển vọng nhất của họ Đinh, nhờ vậy mà họ Hoàng vẫn đăng quang dù đó là trâu của chi Hoàng Gia. Bố và trâu lên ngôi nhưng con giai thì tí nữa lưu ban mặc dù thằng bé rất có tư chất.
- Có đau lắm không? - Hiên hỏi chồng - Cô sờ sờ vào lớp băng gạc dán suốt một dải phía bên phải từ hông vòng lên nách, ôm cả vòng eo.
- Đau lắm đấy, gãy hai rẻ xương sườn còn gì. May mà sừng nó không chọc vào đúng cột sống- Đoan không trả lời vợ nhưng một chị bác sĩ mới vào phòng nói thay và cầm tay Hiên như an ủi. Đó là bác sĩ Hoà, bạn học phổ thông với cô.
- Nghe nói anh ấy đang luyện một ông trâu hay lắm, vài tháng nữa là hội rồi -Hoà nói- mà vết thương này phải hàng tháng mới bình phục hẳn, đấy là trong trường hợp không bị tái nhiễm trùng..
- Trâu thì giao cho người khác! Họ Hoàng thiếu gì người, tớ chỉ lo cho ông ấy thôi, lại đang lúc thằng cu chuẩn bị thi chuyển cấp - Hiên bảo Hoà.
- Em mua thăn về nấu cháo cho anh ăn nhá - Cô giáo nói với chồng rồi lại quay sang Hoà hỏi xem nên cho bệnh nhân ăn uống như thế nào, cơm hay cháo, hoa quả thì thứ gì cần, thứ gì phải kiêng.
- Cũng không có gì phải kiêng đâu. Hiện giờ có lẽ còn sốt, nên để anh ấy ăn cháo vài bữa. Khi hết sốt, thấy đói thì ăn cơm cho chóng khoẻ. Cậu cứ mua cam trước đã, có thể mua thêm nho, táo sau một chút- Bác sĩ Hoà bảo với cả hai người.
- Cô... khự khự... cô bảo thằng Trang nhà mình sang mời bác tộc truởng, khự... Thôi, tốt nhất là cô sang mời bác ấy hộ tôi, nói là tôi chưa đi được khự... nhưng muốn gặp bác để bàn về việc... Mình cố mời bác ấy vào đây nhá... - Lần đầu tiên Đoan có vẻ năn nỉ vợ.
- Không phải mời, tôi đến đây rồi! - Ông tộc trưởng đang hối hả tiến vào cùng với hai người nữa, cùng chi Hoàng Đa. Là tộc trưởng nhưng ông ta mới chỉ hơn bốn mươi, suýt soát tuổi Hoàng Đa Đoan. Hai trong ba người đàn ông có dáng dân chài, vẻ như họ vừa từ thuyền lên thẳng đây.
- Bây giờ như thế này - Trưởng tộc nói giọng cắt đặt - Trong khi anh Đoan còn phải điều trị - tôi vừa hỏi bác sĩ trưởng khoa thì anh Đoan phải nằm đây chừng non tuần nữa, sau đó mới có thể về nhà - ông quay nhìn mọi người như muốn giải thích cho tất cả - thì bây giờ anh Đoan phải cố hướng dẫn tỉ mỉ cho anh Phường về cách thức cho Ông Trâu ăn uống hàng ngày. Bây giờ, bây giờ... Anh Phường này - ông ta quay sang người đàn ông khoảng non bốn chục tuổi, mặt xạm nắng gió, da ngăm đen - Anh giao thuyền anh lại cho thằng Hói, lên bờ ngay để phụ giúp cho anh Đoan. Nếu anh đảm đương được tất thẩy thì tốt quá, mấy năm trước anh cũng đã có ba bốn năm luyện trâu rồi còn gì. Tôi e anh Đoan..
- Không được đâu bác cả ạ - người đàn ông tên là Phường ngắt lời - Tôi làm sao luyện được Ông Trâu của anh Đoan. Quá lắm thì giúp anh ấy được mấy bữa trong việc cho Ông Trâu ăn uống cho khỏi sút. Cũng là việc chẳng đã, không có cá thu thì đù đù kho tạm vậy thôi..
Hiên lui ra hành lang trò chuyện với Hoà để mặc cho đám đàn ông bàn công chuyện của họ. Tuy vậy cuộc bàn luận cũng lọt vào tai cô giáo. Cô thấy ông trưởng tộc rất lo lắng cho Hội chọi tháng 8 tới và quả thực chồng cô được mọi người trong chi tộc đánh giá cao trong việc huấn luyện. Trước đây cô cho rằng chẳng qua anh chàng trốn việc quan đi ở chùa, không chịu làm nghề ngỗng gì cho tử tế, lại ỷ vào lệ không cho đàn bà đến gần chuồng trâu chọi để tự tung tự tác. Thế nên cô mặc kệ, chỉ khi nào có liên quan đến việc học hành của con cái mới có ý kiến. Trông thấy đám đàn ông bối rối như kiến bò chảo nóng, lại nhớ tới nhóm người hả hê ở "Pho bo ga", cô đâm ra băn khoăn không biết nên làm thế nào bây giờ.
Ngồi dự giảng tiết văn của thày Nghiên vào sáng hôm sau, khác với mọi lần cô giáo Hiên chưa thể nào tập trung được vào việc theo dõi bài giảng của đồng nghiệp. Cô vẫn còn băn khoăn về vết thương của chồng và con trâu của giáp* nhà chồng. Đến khi thày Nghiên đọc một số câu thơ minh hoạ cho bài giảng về "Non nước Đồ Sơn" cô mới để tâm lắng nghe:
..Đổi lấy thuyền cá đầy
Là mạng người hiến tế.
Thuở Lạc Long đưa con xuống bể
Thuở Âu Cơ tìm lối lên rừng
Ngậm ngải tìm trầm, buôn đấu bán thưng.
Trầm luân bể tiền tài, cơm áo…

Vạn chài tế thần đảo Dấu
Thay mạng người bằng máu Ông Trâu.
Nguyện cầu, nguyện cầu..
Bãi chọi trâu
Cát bụi xục ngầu
Trống khua kèn thổi
Ông thắng, ông bại
Máu và đầu đổi lấy bằng an..
Những câu thơ này ông Nghiên trích ở đâu nhỉ ? Nghe hơi lạ nhưng nó giúp cô hiểu thêm về miền quê của chính mình. Truyền thuyết nói rằng Chọi Trâu là do oai linh của Bà Đế mà ra, cũng có truyền thuyết nói đó là do thần Điểm Tước hoặc xuất phát từ thời Quận He khao quân. Tất cả đều mang màu sắc huyền thoại về một vùng đất hoang sơ hùng vĩ, còn tập tục hiến tế thần linh thì có ở mọi nơi trên trái đất khi xã hội loài người mới sơ khai. Không chỉ ở miền Núi Bùn này của cô ( tên "Đồ Sơn" theo chữ Nôm có nghĩa là vậy) trẻ em hoặc các cô gái đồng trinh bị ném xuống biển hiến tế cho thần linh trong những buổi tế thần nhằm cầu mong mọi sự an lành cho những người còn lại. Mãi về sau người ta mới thay mạng người bằng gia súc và của cải.
Đến nay con người văn minh hiểu rằng việc hiến tế là vô nghĩa nhưng những người họ Hoàng, họ Đinh.. khai sáng ra đất này từ ngàn xưa đã để lại cho con cháu ý nghĩa khác của hội Chọi Trâu. Đó là tinh thần thượng võ, là lòng dũng cảm của con người ngàn đời vẫn đấu tranh và giành giật với biển cả. Và mỗi năm chỉ có một ngày Hội, có lẽ cô đã ngớ ngẩn khi đem nó so sánh với cuộc đấu bò tót đã trở thành môn thể thao thương mại diễn ra hàng tuần ở đất nước người ta?
Thôi được - cô nghĩ - dù đàn bà không được lại gần chuồng trâu chăng nữa, cô cũng sẽ có cách. Đoan của cô sẽ tiếp tục dạy trâu, cô sẽ đỡ đần an ủi chồng mình bằng mọi khả năng để anh chàng mau bình phục, động viên anh ấy giành lại thời gian để quyết không thua các giáp khác. Cô cũng hiểu rằng chồng cô bị thương là do sơ ý không tránh kịp khi con trâu bị côn trùng cắn đột ngột đã vặc sừng một cách bất ngờ, bình nhật trâu không bao giờ đánh người dù Ông Trâu có hiếu chiến đến đâu chăng nữa.
Thế, Đoan dạy trâu, còn cô sẽ lưu tâm và sẽ "dạy" cả hai bố con một cách cẩn thận. Là giáo viên văn cô thừa biết rằng phụ nữ có tác động quan trọng như thế nào đối với một gia đình khi người ấy muốn, nhất là với một người phụ nữ khéo léo, có tri thức, biết cách giữ gìn tình yêu và không phải là không xinh gái.
Cô mỉm cười với ý nghĩ và lén nhìn vào chiếc gương con, gài ở phía trong cặp đựng tài liệu giảng dạy của mình. Tiết giảng của thày Nghiên cũng vừa kết thúc.
5/2005

___________
matador*: Đấu sĩ đấu với bò tót ở Tây Ban Nha.
giáp* : Đơn vị địa lý hoặc hành chính được phép chính thức đăng kí trâu tham gia chọi trong ngày Hội mồng 9 tháng 8 hàng năm.