PDA

Xem phiên bản đầy đủ : THƠ DỊCH NGA - VIỆT _Thơ EVGENI SEMICHEV - Nhà thơ



TRẦN THỊ THANH LIÊM
22-04-2012, 04:42 PM
Semichev Evgeni Nikolaevich
nhà thơ Nga nổi tiếng đương thời

Lê Đức Mẫn giới thiệu và dịch
(theo tài liệu của Liutyi Viacheslav Dmitrievich)

Ngày 14-I-2008 tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam ở Hà Nội đã diễn ra cuộc gặp mặt với đoàn các nhà văn, nhà thơ Nga sang thăm Việt Nam do ông Thúy Toàn chủ trì. Đoàn thông báo cho chúng ta về tình hình văn học Nga hiện đại và khi chia tay đã để lại một số sách tiêu biểu cho văn học Nga hiện đại làm quà tặng, trong đó có tập thơ của nhà thơ hiện đại Evgeni Semichev "Khung trời" (Nebesnaya krep), in năm 2005, là tập sách thứ sáu của ông, gồm những bài thơ mới và một số bài nổi tiếng từ những tập cũ.

Hình như số phận của các tập thơ có một điểm chung – nó nằm trên giá sách hàng năm hoặc lâu hơn thế, không được đoái hoài. Thế rồi một hôm, có thể là tình cờ, chủ nhân của giá sách mở ra. Dường như trong từng trang thơ có một vị phù thủy và chủ nhân cứ đọc mãi không dừng lại được nữa.
Tập thơ của Semichev đối với tôi là như vậy đấy.

Semichev Evgeni Nikolaevich là nhà thơ Nga nổi tiếng đương thời, hội viên Hội Nhà văn Nga, tác giả các tập thơ "Vườn quốc gia" (1991), "Ánh sáng Tổ quốc" (1994), "Từ đất tới trời" (1995), "Ngã ba đường nước Nga", (1999)"Đại bàng đất Nga" (2002), "Khung trời" (2005) và nhiều ấn phẩm khác trên sách báo trung ương và địa phương, chủ yếu trong các tạp chí "Người đương thời của chúng ta", "Thanh niên cận vệ đội", "Moskva", "Chiến binh Nga", tuần báo "Nước Nga văn học", các nhật báo "Ngày văn học", "Ngày mai", tạp chí "Tầm cao" (tp. Voronezh), "Lữ khách" (tp. Saransk), "Volga thế kỷ XXI" (tp. Saratov), "Tỉnh thành Nga" (tp. Tver), "Tỉnh Nizhnegorod" (tp. Sarov) vv… Ông đã hai lần nhận giải thưởng thơ toàn Nga của tạp chí "Người đương thời của chúng ta" vì chùm thơ năm 1999 và đợt vinh danh thơ năm 2002. Được giải thưởng toàn Nga "Sách Nga mới - 2002" và trong đợt vinh danh "Thi ca" vì tập thơ "Đại bàng đất Nga". Được giải thưởng của tạp chí "Thanh niên cận vệ đội" năm 2004. Được giải thưởng văn học toàn Nga mang tên M. Yu. Lermontov năm 2004.

***

Evgeni Semichev sinh ngày 5 tháng XI năm 1952 tại thành phố Novokubyshevsk tỉnh Samarskaya, xuất thân trong một gia đình công nhân. Ông học hết chương trình phổ thông mười năm rồi tốt nghiệp Đại học Văn hóa quốc gia Kubyshevsk, sau đó đi dạy ở Samara, rồi làm Giám đốc Cung văn hóa Novokubyshevsk.
Evgeni Semichev in thơ lần đầu tiên năm 1969 trên báo “Ngọn cờ cộng sản” (Novokubyshevsk). Năm 1991 tại Samara ông xuất bản tập thơ đầu tay “Đội biên cảnh thiêng liêng”, rồi sau đó thơ ông thường xuyên xuất hiện trên các báo trung ương và địa phương.
Năm 1995 Evgeni Semichev được kết nạp và Hội Nhà văn Nga và được đi học lớp Văn học cao cấp thuộc Viện Văn học mang tên A.M. Gorki.
“Có một hiện tượng trong thơ ca hiện đại, đó là Evgeni Semichev,- nhà nữ phê bình M. Pereyaslova viết khi đánh giá cuốn sách “Ngã ba đường nước Nga”,- nhà thơ có giọng nói của mình, có ngôn ngữ không lẫn với ai, vì thế sáng tác của ông không thể nhầm với của ai hết. Hình thức thi ca thoải mái được nhân lên với chiều sâu và tính độc đáo của tình cảm đã cho phép sáng tác của Evgeni Semichev dường như trở thành triết lý xã hội”.
Evgeni Semichev tự coi mình là người kế thừa hướng cổ điển của thi ca Nga, của Pushkin, Chutchev, Blok. Nhà phê bình I. Nikulshin cho rằng Evgeni Semichev đang tiếp tục truyền thống của Nekrasov khi hướng tới cuộc sống của những con người bình thường, tới những điều thầm kín trong cuộc sống của nhân dân. Thơ ông “khác với những vần thơ nhạt nhẽo gò bó vì thơ ông có tình cảm công lý sâu sắc, có cách nhìn cuộc sống trung thực, có sự quan tâm lớn lao đến những mặt gồ ghề không mấy chất thơ của cuộc sống đời thường” (I. Nikulshin. Ba giọng nói, ba âm thanh trong sáng // Nhà văn Nga, 2003, №7, tr, 16). Theo ý kiến của V. Liutyi thì Evgeni Semichev là “ca sĩ đồng dao”, người đang “hát bằng tiếng Nga về nỗi đau Nga, về hạnh phúc Nga, về những gì đang diễn ra dưới bầu trời Nga”. Không có đau xót thật sự thì Evgeni Semichev không thể có những vần thơ:

Nước Nga tôi trong ngọn gió hoàng hôn
Như kẻ mồ côi xót xa câm lặng
Như có người cắt ngang cổ họng
Như bọn cướp cắt cổ tôi ăn tiệc hôm nào.

Càng đọc kỹ thơ Evgeni Semichev ta càng thấy mất đi cái ấn tượng đầu tiên cho rằng thơ ông dễ dãi, và dần dần ta nhận ra rằng “tòa công trình” nghệ thuật của tác giả được xây dựng thật khéo léo, rằng tác giả đã sử dụng một cách tài năng các dữ liệu lịch sử. Evgeni Semichev thương cảm tất cả những gì thuộc về trần thế, những nỗi đau của người khác cũng khiến ông đau và tâm hồn ông lại vui trước mỗi nét đời thường.
Sự cách biệt “đất - trời” là một trong những xung đột chủ yếu trong thơ Evgeni Semichev. Tác giả quan tâm đến không phải là việc con người trách móc thượng giới, mà là vì ông yêu thế giới trần gian – con đẻ của Chúa Trời, đau đáu với mọi điều khổ cực, trìu mến với hình ảnh con người và cảm nhận được hơi ấm trong cuộc đời này. Cái dễ dãi nghệ thuật của Evgeni Semichev thật là tuyệt vời khi ông biết kết hợp những vật mọn thường ngày với những thứ trên trời:

Chú Zhora làm nghề quét tuyết / Chú ra đi trước tôi lúc tối mịt mù / Chú cần mẫn giữ gìn đường xá chỉn chu / Lúc nào cũng mang theo xẻng, chổi / Chú hất tuyết dọn mọi đường, mọi lối / Như người ta vãi bột trân châu / Để thiên thần chân trần trên tận trời cao / Không làm cho chân người lạnh giá. (“Như em muốn thế”) (1995)

Trong bài thơ mang tính cương lĩnh của Semichev “Nhà thơ” (1994) có những câu:

Lần theo bậc thang trời chênh vênh, / Theo những dòng thơ vụng về ghép lại, / Nhà thơ xuống tự trời, bước vội / Vào thế giới con người đau thương./
Lần theo bậc thang trời chênh vênh / Người rầu rĩ, mệt nhoài, lấm bẩn./ Bẩn vì bụi trên trời cao dính bám, / Bẩn vì trần ai bụi vẫn bay mù. / Râu không cạo, mặt mũi bơ phờ, / Người rủa nguyền mình, rủa nguyền thế cuộc./
Con người ấy không ai hiểu được, / Một con người bướng bỉnh, cuồng si.

Theo bậc thang thi ca dẫn vào thế giới con người đau thương, nhà thơ đã từ bỏ “chín tầng mây” để “dơ tay dơ mũ đến với con người”. Thái độ có vẻ khinh nhờn đối với “thiên đường” đã mất đi, nếu như “thiên đường” được hiểu không phải là pháo đài tinh thần, mà là bầu trời nghệ thuật, là đỉnh Olimp sáng tạo.
Trong thơ Semichev mọi vật dười trần cũng móc xích với nhau. Đó là cách nhìn rất biện chứng của tác giả. Ta có thể dẫn ra đây bài thơ “Con chó mơ thấy dòng sông” (1991), trong đó con chó giống như làn sóng có bộ ngực phập phồng. Con thuyền lại mơ thấy mình là chó bị cột buộc neo đậu bên bờ. Những làn sóng trong đêm đen cũng giật mình như lũ chó con. Còn con người thì mơ thấy bao nhiêu người đang chết, nhưng không đủ sức để chạy trốn, và thế là con người đứng dậy đánh thức con chó, tháo dây neo thuyền. Rồi cả con người, con chó, con thuyền, dòng sông cứ lao mình đi, không biết đi đâu giữa bầu trời đêm đen bất ổn…
Hầu như trong mỗi câu thơ của Semichev đều ẩn chứa một biểu hiệu rõ nét nhuốm màu đạo lý của riêng ông. Thơ ông có nhiều thứ ánh sáng, có ánh sáng mặt trời rực rỡ, có ánh sáng phấp phỏng ban mai, có ánh sáng từ trên trời chiếu xuống trái đất, lại có ánh sáng thiêng liêng từ cửa sổ của người yêu hắt ra. Nhưng đối với ông, trên hết vẫn là thứ ánh sáng thần bí dẫn dụ con người đi trong cuộc đời.
Trong thơ Semichev có hình ảnh một người Nga lầm đường lạc lối, đang ý thức được thiếu sót của mình và đang chất vấn về những người khác. Điều này khác với anh chàng Job trong kinh thánh cứ đi nhờ Chúa Trời nói cho nghe số phận của mình. Con người lạc lối của Semichev lại tự biết mình là ai và tự hy sinh. Đó là những phẩm chất của riêng anh ta, và đó cũng là điều khiến Semichev khác hẳn với các nhà thơ khác.
Hành trang thơ của Semichev có ba hình ảnh: tuổi thơ – ngôi nhà – Tổ quốc. Tuổi thơ đối với nhà thơ là hoàn toàn vô tội, đó là hình ảnh cậu bé cõng cả thế giới, là cậu bé vác cây thập ác nặng chĩu trên vai “Kìa trông ngọn khói lắc lư / Loang loang mái nhà gỗ nhỏ / Ngàn người đi, mà em nhỏ / Một mình… thập tự oằn vai” (“Thập tự chinh”, 1994). Khái niệm “ngôi nhà” gắn liền với tuổi thơ của ông, với những hình ảnh rất sống động, những nhân vật và những cá tính rất cụ thể. Đó là những bài thơ “Đĩa thịt đông” (1994), “Nghệ sĩ” (1994), “Tầng hầm” (1994), “Lời nói” (1995). Trong những bài này qua những câu chữ dung dị ta bắt gặp những hình ảnh chẳng những trong nhà, mà cả ‘ngoài sân’ nữa.
Khái niệm ngôi nhà lại chuyển hóa thành khái niệm Tổ quốc. Ông thường gọi Tổ quốc – nước Nga thần thánh – bằng những lời thiêng liêng nhất, trìu mến nhất, những lời nói theo lối “Semichev” mà ta cảm thấy như nhìn thấy được, chạm vào được. Nói với bạn bè thời thơ ấu ông bảo: “Các bạn chọn cho mình ánh sáng tự do / Còn tôi ở lại với nước mình khốn khó / Đất thánh này sắp chìm xuồng, thế đó / Nhưng tôi vẫn yêu các bạn suốt đời, / Dù các bạn có đi đâu khắp bốn phương trời./ Quả chuông ngập nước rồi tôi vẫn gõ / Để nhắc đừng quên một thời xưa cũ”. Rồi ông lại bảo “Tôi cũng say lòng với tự do lắm đó / Nhưng yêu Tổ quốc mình muôn vạn lần hơn!”
Có thể là ngày hôm nay trong số các nhà thơ Nga không có ai có giọng nói ca ngợi quê hương đến mức quên mình như Semichev. Nhiều người viết về chủ đề này một cách xót xa, nhưng không có được tấm lòng chung thủy sắt son với cảm nhận một vết thương không bao giờ kín miệng và với tính thuyết phục nghệ thuật cao cả, mà trong đó có sự hòa trộn ngôn ngữ tự nhiên với tâm hồn sâu sắc.

Thơ Evgeni Semichev chứa đựng nhiều những day dứt của những ngày Liên Xô sụp đổ, những ngày nước Nga gồng mình tìm con đường mới, chứa đựng nhiều trăn trở về quá khứ và tương lai, về tâm trạng của con người trong thực tại nơi trần thế cùng những ảo ảnh xa xôi tận chốn thiên đường.

Chúng tôi giới thiệu sau đây chùm thơ của ông, mong hé mở đôi chút con đường thơ hiện đại của ông nói riêng và của nước Nga nói chung.

Thơ EVGENI SEMICHEV

Nhà thơ

Lần theo bậc thang trời chênh vênh,
Theo những dòng thơ vụng về ghép lại,
Nhà thơ xuống tự trời, bước vội
Vào thế giới con người đau thương.
Lần theo bậc thang trời chênh vênh
Người rầu rĩ, mệt nhoài, lấm bẩn.
Bẩn vì bụi trên trời cao dính bám,
Bẩn vì trần ai bụi vẫn bay mù.
Râu không cạo, mặt mũi bơ phờ,
Người rủa nguyền mình, rủa nguyền thế cuộc.
Con người ấy không ai hiểu được,
Một con người bướng bỉnh, cuồng si.
Tự trên trời anh xuống làm chi?
Sao lại bước vào con đường vô định?
Sao trôi dạt với những người tốt bụng?
Sao dại khờ nếm mật đắng trần ai?
Giá anh cứ ngồi trên chín tầng mây,
Chẳng có ai làm phiền ai chốn đó.
Ai cũng nghĩ đến cuộc đời rực rỡ,
Đời vĩnh hằng trong ý nghĩ tươi vui.
Nhưng không đâu! Thang xuống cập kênh rồi.
Lỡ trật bước là thôi, không dậy nữa!
Nhà thơ vẫn dơ tay, dơ mũ,
Vẫn bình tâm bước xuống cõi nhân gian.
Lần theo bậc thang trời chênh vênh,
Theo những dòng thơ không sao tránh nổi,
Nhà thơ xuống tự trời, bước vội
Đến với con người, vào thế giới đau thương.

***

Kính tặng hương hồn Yuri Kuznetsov

Anh cho vay mà không lấy lại,
Suốt cuộc đời tôi vẫn nợ anh.
Anh bảo tôi: "Khi đến thiên đường,
Mọi khoản nợ cùng nhau thanh toán…".
Anh bảo tôi rằng nên gắng sống,
Rồi chỉ đường ra hướng sân ga.
Nhưng đường tới thiên đường gần xa?
Rẽ hướng nào đây? anh chẳng nói.
Chắc tôi phải tự mình kiếm lối.
Tự lần mò đi tới thiên cung.
Ga Kazan này mọi lối mông lung,
Con đường nào cũng vào địa ngục.
Một con tàu giữa đường dừng bước,
Con tàu vui mang số "ba trăm".
Thấy người soát vé, tôi hỏi thăm"
- "Đây là bến nào, anh bạn trẻ?"
Anh bạn ngập ngừng như xấu hổ:
- "Xin quí ngài cho biết, đi đâu?"
- "Tới thiên đường đi mất bao lâu?"
- "Thưa, chúng tôi chẳng bao giờ tới đó".
Đường tới đó xa xôi, trắc trở,
Còn vòng vo qua những nơi nao.
Trong lộ trình nào có ghi đâu,
Không có bến "Thiên đường" nào cả.
Ngài phải tự lần mò vất vả,
Phải tự mình kiếm lối thiên cung.
Ga Kazan này mọi lối mông lung,
Con đường nào cũng vào địa ngục.
Gắng sống nhé!- anh ta cầu chúc,
Rồi lắc đầu khó nhọc bước đi.
Tôi gặng hỏi đường thiên cung kia,
Anh lặng lẽ không hề nhếch mép.
Ơi con tàu "ba trăm" xinh đẹp,
Như một chàng ngựa sắt oai phong,
Như đoàn quân rầm rập thong dong,
Ơi đại quốc Á-Âu bát ngát.
Người phóng ngựa hay lần bước một?...
Hỡi Chúa Trời xin hãy giúp con!
Tôi vào điện thờ các bậc chí tôn,
Xin đem cả đời mình ra cắm nợ.
Tôi thắp nến lên và nức nở
Khóc đời mình số kiếp chẳng ra sao.
Đem cho vay không lấy lại xu nào,
Chỉ biết hẹn đến thiên đường tính toán.

***

Chúng tôi đông người trên thuyền độc mộc
Pushkin

Khi đất nước Nga đã biết bao lâu
Trong bóng đêm không tìm ra ánh sáng,
Nước Nga vứt ai ra khỏi con tàu?
-Vứt nhà thơ đã hết thời ân sủng.
-Nhà thơ ấy có tội gì đâu!
Nhiều người trả lời ngay thế đó.
Nhưng những ngày nước sôi lửa đỏ
Người ta làm như thế - chuyện thường thôi.
- "Ai bảo nhà thơ đi báo trước mọi người
Chuyện tai họa, chuyện con tàu sắp đắm.
Xuống địa ngục tội này là đáng lắm.
Lửa sẽ thiêu xác hắn muôn đời…".
Con tàu chìm sâu xuống đáy biển rồi,
Có những người vẫn theo ta lầm lũi.
Họ kiếm tìm nhà thơ trong bóng tối
Như tìm ngọn cờ chót vội vứt ra.
Để rồi lại biết bao ngày qua,
Lại đến hồi nước sôi lửa đỏ.
Người ta lại vứt nhà thơ ra cửa.
Chẳng còn ai ân sủng nữa, thế thôi.
Nhà thơ thiên tài của nước Nga ơi!
Đã bao lần quay hướng Tây lui bước,
Vẫn bị vứt ra ngoài đường như rác,
Như tội đồ cản những bước chân đi.
Nhưng nào có ai cứu con tàu kia
Giữa những ngày nước sôi và lửa đỏ.
Lũ cướp biển lại chiếm tàu, thế đó,
Còn Pushkin ai đọc hết bao giờ!

***

Kẻ mù chìa cánh tay ra,
Bàn tay đầm những lệ nhòa thương đau.
Đồng xu nào có ra đâu,
Ngày buồn bớt giọt lệ sầu vậy thôi.
Hồn tôi cũng đẫm lệ rồi,
Thoắt thôi lại hiện ra ngồi không yên.
Hồn bay tận chốn thiên tiên,
Cũng chìa tay đón chút duyên phận người.

***

Căn hộ giống hình nghĩa trang,
Dọc nghĩa trang là khối phố.
Tôi như người trông nom mộ,
Tôi biết ai ai nằm đâu.
Tôi nhớ số bia từ đầu,
Tôi biết hàng hàng mộ đá.
Mọi người đi làm tất tả,
Tôi ra cửa sổ trầm ngâm.
Tôi nhớ từng mặt người âm
Không cần giấy tờ sổ sách.
Tôi kể từng người vanh vách,
Cầu xin đất lành chở che.
Đâu cần ngày giỗ mô tê,
Chén rượu chưa hề khô nỏ,
Ngày nào chẳng là ngày giỗ,
Thơ mà làm gì? thơ ơi!
Bao nhiêu đau khổ chuyện đời
Có nhà văn nào nói hết?
Tôi xin làm kho chứa chuyện,
Cuộc đời sẽ nhớ tôi chăng?

***

Tôi nghiến răng và đứng yên rình
Có gì chạy ngang qua cửa sổ?
Con sói xám hôm nào còn nhỏ
Giờ đã cao thành sói to rồi.
Hôm nào sói nhỏ còn rong chơi,
Đôi mắt vàng ngây thơ sáng rực,
Đôi tai nghe gì vươn nhọn hoắt,
Và cái đuôi cụp lại cong cong.
Đôi chân sói con mềm mại như nhung,
Đêm đêm đến bên tôi đùa rỡn.
Cứ mỗi lần trăng lên tròn trặn,
Sói ngẩng đầu tru khóc than van.
Mới ngày nào khờ khạo lon ton
Sói cọ lưng vào người tôi ấm áp.
Giờ sói lớn, mọi chuyện đều đã khác,
Sói nhìn tôi - đúng mắt sói rồi.
Sói hoàn toàn không tin gì tôi,
Ánh mắt cứ long lên dữ tợn,
Giờ trong mơ tôi chẳng còn ước muốn
Được có ngày gặp mặt sói hôm xưa.

***

Chàng ngốc ơi, chàng khóc ư?
Sau nhà kho, trong bóng tối.
Sống cũng hết, chết cũng qua.
Cùng tới thiên đường một lối.
Chàng ngốc ơi, tôi khóc ư?
Sau nhà kho, trong bóng tối.
Sống cũng hết, chết cũng qua.
Cùng tới thiên đường một lối.
Thiên đường bảy màu chói lọi,
Vô biên ngàn nẻo thần tiên,
Không còn tử sinh, sáng tối,
Không còn nước mắt triền miên.
Được vào giữa chốn thần tiên,
Tôi hát vang như chàng ngốc.
Tôi hát rằng dưới trần gian
Đã biết bao ngày tôi khóc.
Thiên đường toàn những người hiền,
Người ngốc không còn nức nở.
Nơi ấy không còn buồn phiền.
Nơi ấy không còn đau khổ.

***

Chao chao tuyết liệng đầu ai,
Tuyết ơi, rơi mãi rơi hoài mà chi?
Có người giữa nẻo đường đi
Ngẩng đầu ngơ ngác ngóng gì, người ơi?
Chắc người lỡ bước đêm rơi,
Chắc người lạc lối phương trời bơ vơ.
Hay người rớt tự trời kia
Rồi quên không nhớ nẻo về, thế chăng?

***


Con chó nằm mơ thấy một dòng sông,
Giữa đêm khuya chó giật mình đứng dậy.
Ngực hào hển phập phồng như sóng đẩy.
Chó thấy mình như chạy giữa sông băng.
Con thuyền nằm mơ hóa chó lăng xăng,
Bị sóng đẩy lên bờ không xuống được.
Chó dẫm cát, còn sóng đùa dưới nước
Như đàn chó con chợt thức trong đêm.
Con người nằm mơ đang chết mỏi mòn,
Không còn sức tìm đường thoát chạy.
Con người chồm lên, bắt chó con thức dậy,
Rồi xô thuyền cho sóng đẩy ra xa.
Con người, con chó cùng con thuyền kia
Giữa đêm đen mù u không chút lửa
Họ đi đâu, miệt mài cho sóng vỗ?
Mà tôi chẳng hề mơ thấy họ khi nao.

***

Tôi mơ thấy đoàn thập tự chinh
Có cậu bé mặt mày hốc hác
Tuổi lên mười, dáng vẻ xinh xinh
Oằn vai vác cây thập ác.

Những ngọn cờ sau lưng ào ào
Phần phật trong bóng chiều loang lổ.
Dưới đất thật là đau khổ,
Thiên đường thật là ngọt ngào.

Có tiếng vọng từ trời cao,
Giọng nói trầm khô, cao cả:
-Hãy mang theo cây thánh giá!
Hỡi những con người ta yêu!

Cây thập ác phải mang theo
Lưng cậu bé giờ cong lại.
Lạy Chúa, xin Người tha tội.
Tôi biết rằng cậu rất ngoan.

Xung quanh bóng tối tràn lan
Đường đi vết chân líu ríu,
Cậu còn chút mong nhỏ xíu
Được sống thêm đôi ba ngày.

Giá lạnh xé lòng đắng cay,
Cây thập ác đè chĩu gục.
Cậu bé giống tôi như đúc,
Mặt mày u uất, hư hao.

Vì sao? Tôi hỏi vì sao
Giấc mơ khiến lòng chĩu nặng?
Vì sao giữa đêm trầm lặng
Lòng tôi đau đớn khôn nguôi.

Ngôi sao chiếu mệnh đời tôi
Lại đang chiếu vào cậu bé.
Bao giờ đến Ngày Tận thế
Tôi cùng cậu bé tránh đâu?

Tôi cũng đang mười tuổi đầu,
Cũng muốn dài thêm năm tháng
Phương Đông đang run chạng vạng
Buồn như ánh nến đưa ma.

Kìa trông ngọn khói lắc lư
Loang loang mái nhà gỗ nhỏ.
Ngàn người đi, mà em nhỏ
Một mình… thập tự oằn vai…

***

Như giữa tháng Mười khói sương
Mùa thu chờn vờn tăm tối.
Người mang đèn lồng đi tới
Là Sergei Esenin.

Đi giữa những hàng bạch dương,
Những cây liễu buồn than khóc
Ngọn đèn lung linh điểm bước,
Như mắt người trong đêm đen.

Vầng sáng dưới chân run run
Như nhịp tim người đau khổ
Ánh đèn lồng đang chiếu đổ -
Là ánh dương của nhà thơ.

Cần bao sức trời ban cho
Cần bao tài năng thiên bẩm
Để đốt lên vầng lửa ấm
Lửa thiêng không tắt bao giờ?

Thế mà biền biệt sao thơ
Không tung lên vầng lửa ấm
Soi Tổ quốc mình tê cóng?
Hỡi các nhà thơ hôm nay!

***
Các bạn bè của tôi ơi,
Cứ mong sống đến muôn đời mà chi?
Đừng cầu lập nghiệp thiên thu.
Sống sao thuần phác, suy tư thật lành.
Sống hồn nhiên tựa trời xanh,
Tựa con sông chảy, tựa ghềnh núi yên.
Làm sao dọi ánh thanh thiên
Vào hồn trăm họ, vào tim vạn người.
Tình thương xin trải ngàn nơi,
Thương cây cỏ dại, thương loài cá bơi.
Các bạn bè của tôi ơi
Nơi nào tăm tối là nơi ta cần.
Đời người được mấy mươi xuân,
Gầm trời ai sống ngàn năm. Sợ gì!

Lê Đức Mẫn dịch

TRẦN THỊ THANH LIÊM
26-04-2012, 12:27 PM
HAI BÀI THƠ CÙNG TÊN – MADONA
Lê Đức Mẫn giới thiệu và dịch

Năm 1830 đại thi hào Nga Aleksandr Pushkin viết bài thơ mang tên Madona. Hơn 150 năm sau Kazakova Rimma Fedorovna viết bài thơ cùng tên như thế - Madona.
Tháng Năm năm nay 2012 là tròn 4 năm ngày mất của bà - nhà thơ Kazakova Rimma Fedorovna -, người đã từng sang thăm Việt Nam và còn ít được biết đến ở nước ta.
Vẫn là một Madona, nhưng được tiếp cận từ 2 phía khác nhau. Ở Pushkin Madona là một người tuyệt thế giai nhân và tuyệt vời trong trắng mà Pushkin coi là báu vật do trời đất tặng riêng cho ông, tức là vợ ông. Còn ở Kazakova thì Madona lại là biểu tượng của nữ thần cao cả cưu mang các số phận trần gian, người đã đón Kazakova trở về với Chúa.

Tối ngày 5 tháng Sáu 2008 tại Nhà Văn hoá Nga ở Hà Nội đã diễn ra buổi ra mắt tập thơ dịch song ngữ Nga-Việt “Pushkin – thơ trữ tình” do NXB Thế giới và Trung tâm Văn hoá Đông Tây ấn hành và do nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi tuyển chọn và chú giải.
Buổi tối ấy, khi nói đến bài thơ này, ông Vũ Thế Khôi đã nhấn mạnh rằng Pushkin có nhiều bài thơ tuyệt vời về nhiều người phụ nữ, nhưng riêng với vợ ông – Natalia Goncharova - thì ông viết không nhiều. Chính đây là bài ông viết riêng cho vợ.
Trong phần chú giải ông Vũ Thế Khôi viết: “Trong bức thư đề ngày 30/6/1830 gởi Natalia Gontrarova, đã chính thức trở thành hôn thê của nhà thơ từ 6/4/1830, Pushkin có viết về bức tranh của một hoạ sĩ Ý: “Anh đứng hàng giờ trước Đức Mẹ Đồng Trinh tóc vàng, trông giống em như hai giọt nước”.
Chính phát hiện về sự giống nhau đó đã thúc đẩy nhà thơ viết nên tuyệt tác nói trên. Trong bài thơ ông gọi Natalia là Madona với niềm hạnh phúc tràn trề: “Tôi mãn nguyện rồi. Tôi được trời thương / Đem Em cho tôi – Madona cao khiết / Cao khiết tâm hồn, cao khiết dung nhan”. Tiếc thay, ông chỉ tôn thờ con người cao khiết ấy được có 7 năm. Đến năm 1837, vì bảo vệ danh dự của Madona, vợ ông, ông đã hy sinh trong cuộc đấu súng tuyệt mệnh.

Tối ngày 5 tháng Sáu 2008, khi những người dự họp nhắc đến bài thơ Madona của Pushkin, thì chỉ trước đó ít hôm, hồi 13 giờ (giờ Moskva) ngày thứ Hai 19 tháng Năm 2008, bà Kazakova đột ngột từ trần ở tuổi 77, và ngay sau đó báo chí Nga đã đăng lại bài thơ cũng được coi là tuyệt mệnh của bà – Madona.
Độc giả Việt Nam đã quen nhiều với Pushkin, nhưng còn ít biết Kazakova Rimma Fedorovna, vì thế xin được giới thiệu đôi chút (xem bài “Vĩnh biệt hai người bạn Nga” của Đăng Bảy và Đức Mẫn, báo Văn Nghệ số 22, ngày 31 tháng Năm 2008).

Bà Kazakova là Tổng thư ký Hội Nhà văn Moskva. Trong thập kỷ 80 đã sang thăm Việt Nam và để lại những bài thơ cảm động về nước ta. Bà được xếp ngang hàng với những nhà thơ nổi tiếng nhất những năm 60 của thế kỷ trước như Evtushenko, Voznesenski, Rozhdestvenski, Okudzhava, Akhmadulina và được bầu vào Ban Thư ký Hội Nhà văn Liên Xô (1976-1981).
Thơ bà giản dị mà nhiều tiên lượng. Bà viết “Nhưng tôi khổ không phải vì chuyện đó / Thế giới bây giờ hiện rõ / Khiến chúng ta có thể tin rằng / Người không vũ khí mới là người đẹp…” Sao bà nói được một câu đơn sơ đến thế mà không ai nghĩ ra “Người không vũ khí mới là người đẹp”. Chúng ta chẳng còn gì để nói hơn được.
Trong bài thơ được coi là tuyệt mệnh của mình, bà viết “Tôi mơ hoài một giấc mơ đẹp / Người suốt đời bước rồi bước tiếp / Về phía tôi, hẹn gặp, Madona!” Bà đâu có sợ cái chết. Bà coi đó là giấc mơ đẹp.
Bà được mọi người hết lòng yêu mến. Tên bà viết tắt là Kazakova R.F. Hai chữ viết tắt R.F. lại trùng với tên viết tắt của Liên bang Nga – Rossiskaia Federatsia. Và thế là người ta gọi bà một cách trìu mến: Kazakova Liên Bang Nga. Có lẽ ngoài bà ra không ai có được niềm vui to lớn như vậy.

Trong hai bài thơ cùng tên này có một điều trùng hợp nho nhỏ, nhưng lại lạ kỳ: Pushkin đang viết khổ thơ 4 câu, bỗng đến 2 khổ cuối ông chuyển sang viết 3 câu (ông Vũ Thế Khôi vẫn dịch thành khổ 4 câu, chắc là để nói hết ý, tôi thì giữ lại khổ 3 câu vì thấy có gì huyền bí trong đó). Còn bà Kazakova viết bằng khổ 3 câu. Đến khổ cuối bà chỉ viết có 2 câu. Xin mời các bạn cùng đọc và cùng suy ngẫm.

MADONA

Tôi chẳng bao giờ mong muốn đem treo
Những bức tranh xưa trong phòng tôi ở.
Chẳng mong gì khiến khách thăm bỡ ngỡ
Nghe những người am tỏ đứng bình tranh.

Phòng nhỏ bộn bề tôi chỉ dám xin
Suốt đời ngắm một bức hình giản dị
Mẹ Đồng Trinh với Chúa Trời Cứu Thế
Cúi nhìn tôi, ánh mắt tự trời xa

Mẹ trang nghiêm, Chúa rạng rỡ thiên tư.
Cả hai thật hiền hoà và rạng rỡ,
Chỉ hai người bên gốc cọ Xiôn (*)

Tôi mãn nguyện rồi. Tôi được Trời thương
Đem Em cho tôi – Madona cao khiết
Cao khiết tâm hồn, cao khiết dung nhan.

Thơ Pushkin A.C.
Đức Mẫn dịch



MADONA

Thêm một lần mưa hắt vẽ ra
Trên mặt kính nhạt nhoà như khóc
Hình ảnh Người đau xót, Madona!

Như thể lần đầu tôi nhìn rõ nét
Vẻ sầu muộn nơi Người, trên mắt.
Chân dung Người buồn thật, Madona!

Nhưng hình ảnh Người vẫn là diễm lệ,
Vẫn trinh nguyên và đầy sức trẻ.
Làm sao mưa biết vẽ? Madona!

Tôi mơ hoài một giấc mơ đẹp:
Người suốt đời bước rồi bước tiếp
Về phía tôi, hẹn gặp, Madona!

Nhưng ngón tay tôi vừa đụng lên kính,
Chân dung Người nhoà sạch, Madona!

Thơ Kazakova R.F.
Đức Mẫn dịch
………………………….

(*) Xiôn là khu đồi ở Giê-ru-xa-lem. Theo truyền thuyết đây là nơi ở của vua David và là nơi có đền Iakhve.

TRẦN THỊ THANH LIÊM
13-04-2013, 01:35 AM
NGỌN LỬA NGA



Thơ Nikolai Rubtsov (1936 – 1971)



***



Xung quanh tôi là giá băng não nuột,



Là tuyết dầy đông cứng đứng trơ trơ,



Là rặng thông non lặng lẽ bơ vơ,



Là bầu trời không ánh sao, tối sập.



Hoang vu quá! Tôi một mình mò mẫm



Giữa cánh đồng đen thẫm. Một mình tôi!



Bỗng có ánh đèn leo lét tựa ma trơi



Giữa hoang vu như lính tuần ẩn hiện.



Tôi bàng hoàng bước lên như người tuyết



Vào một ngôi nhà, với hy vọng mong manh.



Bỗng có tiếng người đâu đó âm âm:



-Lò sưởi đây, đây là quần áo ấm...



Tôi rũ tuyết, còn bà già yên lặng,



Mắt hoang vu, sức sống đã hao mòn.



Bà nghe chuyện tôi bên lửa cháy lom đom



Như tượng sống, như người thiêm thiếp ngủ...



Có biết bao bức tranh Nga vàng ố



Đóng khung thường, lưu giữ khắp nơi nơi.



Tôi bàng hoàng chợt hiểu lẽ đơn côi



Trong ảnh các gia đình đầy bụi bám.



Trái đất chúng ta đầy lửa bom, hờn oán,



Nhưng lòng này vẫn nhớ mọi nguời thân.



-Này, con ơi! Liệu có chiến tranh không?



Tôi đáp lại: -Chắc là không, mẹ ạ.



-Lạy Chúa tôi! Lòng người đầy khác lạ.



Hận thù nhiều, tai họa cũng nhiều hơn.



Bà gặng tôi: -Liệu có chiến tranh không?



-Không, mẹ ạ. – Bà lầm nhầm lạy Chúa.



Bà nhìn tôi hoài như người mù dở,



Như người câm, đầu cúi trắng phơ phơ.



Cứ vậy thôi, bên bếp củi lặng tờ.



Bà mơ gì? Phải chăng bà thấy hết



Cả trời đất hiện về ngay trước mắt?



Còn tôi loay hoay, làm đứt giấc mơ già.



Tôi có tiền trong túi định đem ra,



Xu lách cách khiến bà già tỉnh dậy:



-Cất đi con! Tiền này ta chẳng lấy.



-Lạy Chúa trời! Con chúc mẹ bình an!



Theo lẽ đời ân sẽ trả bằng ân,



Tình yêu sẽ được đền sao xứng đáng.



Xin cảm ơn ngọn lửa Nga khiêm nhượng



Cháy soi đường cho kẻ lạc đồng hoang.



Lửa cảm phiền nỗi nhọc kẻ cô đơn



Sống xa cách mọi người trong khổ tủi.



Cảm ơn lửa giữa cuộc đời gió bụi



Vẫn cháy hoài, cháy mãi lửa nhân tâm,



Giữa đêm trường cứ cháy, chẳng phân vân...



Bản dịch: Lê Đức Mẫn

Lê Đức Mẫn
13-04-2013, 01:39 AM
Rất cảm ơn TH TTTL đã đăng giúp bài về đúng chỗ!