TRẦN THỊ THANH LIÊM
04-05-2012, 02:36 PM
MIỀN SÂU THẲM CỦA NƯỚC NGA
K. Paustovski
Tôi muốn kể cho các bạn nghe những chuyện dù là chẳng đâu vào đâu về mầm mống tài năng và tính thuần phác của người Nga và tôi bỗng nhớ đến một câu chuyện vui vui xảy ra với tôi và bạn tôi.
Một hôm chúng tôi đi câu ở sông Staraya Kanava. Đó là cái tên những người dân vùng này đặt cho một con sông hẹp giữa rừng, nước chảy xiết và có màu nâu. Con sông cách xa làng bản, sâu tít trong rừng, không dễ gì vào được. Đầu tiên phải đi tàu hỏa bốn mươi cây số, sau đó đi bộ thêm ba mươi cây nữa.
Ngày hôm sau chúng tôi trở về. Chúng tôi ra đến ga trong cảnh hoàng hôn chốn rừng sâu tịch mịch. Độ ấy vào tháng Tám, lác đác trên các cành bạch dương đã điểm xuyết những chiếc lá nhuộm vàng đầu tiên. Lúc chiếc này, lúc chiếc kia thi nhau hắt ánh mặt trời đang xuống núi, như cháy lên ngọn lửa rực hồng.
Một con tàu vào ga, lèo tèo có mấy toa hàng trống trải. Chúng tôi leo lên một toa đông người hơn. Có mấy chị đem theo những giỏ nấm và quả rừng. Hai người đi săn mặc quần áo nhàu nát, râu ria xồm xoàm ngồi buông thõng chân chỗ cửa toa mở rộng và hút thuốc lá.
Đầu tiên các chị nói với nhau những chuyện đồng áng, nhưng chẳng mấy chốc vẻ quyến rũ của buổi hoàng hôn đại ngàn tràn vào trong toa và các chị thở dài im lặng.
Con tàu ra đến đồng cỏ và ráng chiều yên tĩnh hiện ra rõ nét. Mặt trời đã xuống ngang tầm cỏ, lẫn vào giải sương chiều và tiếng con tàu sình sịch không sao át nổi tiếng chim gọi bầy tíu tít trong những bụi cây hai bên đường sắt.
Đến lúc ấy chị trẻ nhất ngước mắt lên ngắm ráng chiều buông rồi cất tiếng hát. Chị hát một bài hát Nga bình dị và rồi có một chị nào đó hát theo.
Khi các chị ngừng lại thì anh chàng đi săn áo quần nhàu nát nói khẽ với người bạn đồng hành:
-Vania, thế nào, chúng mình cũng hát chứ?
-Hát thì hát,- anh bạn tán thành.
Hai người cất tiếng hát, một người có giọng trầm hùng, ấm áp, mềm mại. Giọng anh âm vang, bát ngát, và tất cả chúng tôi ngồi im, lặng người đi đón nhận giọng hát dị thường kia.
Các chị vừa nghe vừa đung đưa mái đầu đầy vẻ kinh ngạc, sau đó cái chị trẻ nhất thút thít khóc, nhưng thậm chí không ai quay đầu về phía chị, bởi lẽ những giọt nước mắt ấy không phải vì buồn rầu, đau khổ, mà là những giọt lệ đầy khâm phục.
Hai người hát im lặng. Các chị cảm ơn và chúc họ hạnh phúc, sống thọ vì họ đã mang lại một niềm vui hiếm hoi.
Sau đó chúng tôi hỏi danh tính chàng ca sĩ. Anh bảo anh là kế toán của một nông trường bên kia sông Oka. Chúng tôi bèn khuyên anh về Moskva để nhờ một người nào đó trong hàng các ca sĩ lớn hoặc các giáo sư nhạc viện nghe xem giọng anh thế nào. Chúng tôi bảo: “Chôn vùi tài năng của mình là tội lỗi đấy”. Nhưng anh chàng đi săn chỉ cười ngượng nghịu và chối đây đẩy.
- Các bác cứ nói thế chứ! – anh bảo - ca kịch gì cái giọng tôi! Mà tôi cũng không còn ở cái độ tuổi làm lại cuộc đời nữa rồi. Ở làng quê tôi có vườn tược, vợ con, các cháu đều đi học cả. Sao tự nhiên các bác lại nghĩ ra chuyện bảo tôi đi Moskva! Ba năm trước tôi đã ở đó. Suốt từ sáng đến tối đầu óc tôi cứ quay cuồng và đau nhức vì huyên náo, đến nỗi tôi không biết làm cách nào bò về được dòng sông Oka nhà mình.
Con tàu dóng lên một hồi còi inh ỏi. Chúng tôi đã về đến bến.
- Thế này nhé, - anh bạn tôi kiên quyết bảo chàng đi săn: - Bây giờ chúng tôi phải xuống tàu rồi. Tôi để lại cho anh địa chỉ và số phôn của tôi ở Moskva. Thế nào anh cũng phải về đó. Tôi sẽ đưa anh đến những người cần gặp.
Bạn tôi xé một tờ trong sổ tay và ghi vội địa chỉ. Con tàu vào ga rồi đỗ lại.
Dưới ánh hoàng hôn mờ tối anh chàng đọc mấy chữ của bạn tôi rồi nói:
- Bác là nhà văn à?
- Phải.
- Tất nhiên tôi biết. Tôi đã đọc sách của bác rồi. Rất vui mừng được làm quen. Nhưng bác cũng cho phép tôi được tự giới thiệu: Tôi là ca sĩ lĩnh xướng của nhà hát Bolshoi tên là Piragov. Lạy Chúa, xin bác bỏ qua cho lời nói dối lúc nãy. Tôi chỉ có thể nói một điều thế này nhân chuyện dối lừa kia: hạnh phúc thay cho một đất nước có những con người sống nhiệt thành với nhau đến thế.
Rồi anh cất tiếng cười lớn:
- Dĩ nhiên, tôi nói rằng bác rất mong muốn được giúp đỡ một người kế toán trở thành ca sĩ nhà hát ca kịch. Và tôi tin rằng nếu như quả thật tôi là kế toán, thì bác cũng không bao giờ để cho giọng hát của tôi mai một. Tôi xin cám ơn.
Anh nắm chặt tay chúng tôi. Con tàu chuyển bánh và chúng tôi bàng hoàng đứng trên sân ga. Đến lúc ấy chúng tôi mới nhớ ra rằng mùa hè nào ca sĩ Piragov cũng về nghỉ ở vùng quê rộng lớn bên kia dòng sông Oka gần chỗ chúng tôi.
LÊ ĐỨC MẪN dịch
K. Paustovski
Tôi muốn kể cho các bạn nghe những chuyện dù là chẳng đâu vào đâu về mầm mống tài năng và tính thuần phác của người Nga và tôi bỗng nhớ đến một câu chuyện vui vui xảy ra với tôi và bạn tôi.
Một hôm chúng tôi đi câu ở sông Staraya Kanava. Đó là cái tên những người dân vùng này đặt cho một con sông hẹp giữa rừng, nước chảy xiết và có màu nâu. Con sông cách xa làng bản, sâu tít trong rừng, không dễ gì vào được. Đầu tiên phải đi tàu hỏa bốn mươi cây số, sau đó đi bộ thêm ba mươi cây nữa.
Ngày hôm sau chúng tôi trở về. Chúng tôi ra đến ga trong cảnh hoàng hôn chốn rừng sâu tịch mịch. Độ ấy vào tháng Tám, lác đác trên các cành bạch dương đã điểm xuyết những chiếc lá nhuộm vàng đầu tiên. Lúc chiếc này, lúc chiếc kia thi nhau hắt ánh mặt trời đang xuống núi, như cháy lên ngọn lửa rực hồng.
Một con tàu vào ga, lèo tèo có mấy toa hàng trống trải. Chúng tôi leo lên một toa đông người hơn. Có mấy chị đem theo những giỏ nấm và quả rừng. Hai người đi săn mặc quần áo nhàu nát, râu ria xồm xoàm ngồi buông thõng chân chỗ cửa toa mở rộng và hút thuốc lá.
Đầu tiên các chị nói với nhau những chuyện đồng áng, nhưng chẳng mấy chốc vẻ quyến rũ của buổi hoàng hôn đại ngàn tràn vào trong toa và các chị thở dài im lặng.
Con tàu ra đến đồng cỏ và ráng chiều yên tĩnh hiện ra rõ nét. Mặt trời đã xuống ngang tầm cỏ, lẫn vào giải sương chiều và tiếng con tàu sình sịch không sao át nổi tiếng chim gọi bầy tíu tít trong những bụi cây hai bên đường sắt.
Đến lúc ấy chị trẻ nhất ngước mắt lên ngắm ráng chiều buông rồi cất tiếng hát. Chị hát một bài hát Nga bình dị và rồi có một chị nào đó hát theo.
Khi các chị ngừng lại thì anh chàng đi săn áo quần nhàu nát nói khẽ với người bạn đồng hành:
-Vania, thế nào, chúng mình cũng hát chứ?
-Hát thì hát,- anh bạn tán thành.
Hai người cất tiếng hát, một người có giọng trầm hùng, ấm áp, mềm mại. Giọng anh âm vang, bát ngát, và tất cả chúng tôi ngồi im, lặng người đi đón nhận giọng hát dị thường kia.
Các chị vừa nghe vừa đung đưa mái đầu đầy vẻ kinh ngạc, sau đó cái chị trẻ nhất thút thít khóc, nhưng thậm chí không ai quay đầu về phía chị, bởi lẽ những giọt nước mắt ấy không phải vì buồn rầu, đau khổ, mà là những giọt lệ đầy khâm phục.
Hai người hát im lặng. Các chị cảm ơn và chúc họ hạnh phúc, sống thọ vì họ đã mang lại một niềm vui hiếm hoi.
Sau đó chúng tôi hỏi danh tính chàng ca sĩ. Anh bảo anh là kế toán của một nông trường bên kia sông Oka. Chúng tôi bèn khuyên anh về Moskva để nhờ một người nào đó trong hàng các ca sĩ lớn hoặc các giáo sư nhạc viện nghe xem giọng anh thế nào. Chúng tôi bảo: “Chôn vùi tài năng của mình là tội lỗi đấy”. Nhưng anh chàng đi săn chỉ cười ngượng nghịu và chối đây đẩy.
- Các bác cứ nói thế chứ! – anh bảo - ca kịch gì cái giọng tôi! Mà tôi cũng không còn ở cái độ tuổi làm lại cuộc đời nữa rồi. Ở làng quê tôi có vườn tược, vợ con, các cháu đều đi học cả. Sao tự nhiên các bác lại nghĩ ra chuyện bảo tôi đi Moskva! Ba năm trước tôi đã ở đó. Suốt từ sáng đến tối đầu óc tôi cứ quay cuồng và đau nhức vì huyên náo, đến nỗi tôi không biết làm cách nào bò về được dòng sông Oka nhà mình.
Con tàu dóng lên một hồi còi inh ỏi. Chúng tôi đã về đến bến.
- Thế này nhé, - anh bạn tôi kiên quyết bảo chàng đi săn: - Bây giờ chúng tôi phải xuống tàu rồi. Tôi để lại cho anh địa chỉ và số phôn của tôi ở Moskva. Thế nào anh cũng phải về đó. Tôi sẽ đưa anh đến những người cần gặp.
Bạn tôi xé một tờ trong sổ tay và ghi vội địa chỉ. Con tàu vào ga rồi đỗ lại.
Dưới ánh hoàng hôn mờ tối anh chàng đọc mấy chữ của bạn tôi rồi nói:
- Bác là nhà văn à?
- Phải.
- Tất nhiên tôi biết. Tôi đã đọc sách của bác rồi. Rất vui mừng được làm quen. Nhưng bác cũng cho phép tôi được tự giới thiệu: Tôi là ca sĩ lĩnh xướng của nhà hát Bolshoi tên là Piragov. Lạy Chúa, xin bác bỏ qua cho lời nói dối lúc nãy. Tôi chỉ có thể nói một điều thế này nhân chuyện dối lừa kia: hạnh phúc thay cho một đất nước có những con người sống nhiệt thành với nhau đến thế.
Rồi anh cất tiếng cười lớn:
- Dĩ nhiên, tôi nói rằng bác rất mong muốn được giúp đỡ một người kế toán trở thành ca sĩ nhà hát ca kịch. Và tôi tin rằng nếu như quả thật tôi là kế toán, thì bác cũng không bao giờ để cho giọng hát của tôi mai một. Tôi xin cám ơn.
Anh nắm chặt tay chúng tôi. Con tàu chuyển bánh và chúng tôi bàng hoàng đứng trên sân ga. Đến lúc ấy chúng tôi mới nhớ ra rằng mùa hè nào ca sĩ Piragov cũng về nghỉ ở vùng quê rộng lớn bên kia dòng sông Oka gần chỗ chúng tôi.
LÊ ĐỨC MẪN dịch