PDA

Xem phiên bản đầy đủ : Hoàn cảnh khó khăn của vợ chồng người làm nghề vớt xác trên sông sài gòn



maimo
14-06-2011, 02:09 PM
HOÀN CẢNH KHÓ KHĂN CỦA VỢ CHỒNG NGƯỜI LÀM NGHỀ VỚT XÁC TRÊN SÔNG SÀI GÒN

Hơn 30 năm vớt xác cứu người trên sông Sài Gòn, ông Nguyễn Văn Chúc và vợ là bà Nguyễn Thị Hinh (52 tuổi) chưa bao giờ nằn nì chuyện thù lao công cán hay đòi bồi dưỡng dù rằng ông bà nghèo rớt mồng tơi. Đấy cũng là lý do mà hơn 10 năm qua, bà Hinh dù mang trong người nhiều trọng bệnh nhưng vẫn "cắn răng" chịu đựng...
Trên chiếc thuyền con chòng chành vốn là nơi cư trú và là phương tiện cứu người, vớt xác chết trôi sông, cặp vợ chồng thương hồ, tự an ủi: "Có lẽ nhờ vong linh người quá cố phù hộ mà vợ chồng tôi hết đau lại lành, chẳng thuốc men gì cả".

http://cand.com.vn/Uploaded_CANDONLINE/thuydt1/12_vo2121-450.jpg


Bám trụ bên mé sông dưới chân cầu Bình Lợi từ năm 1977, hơn 30 năm bầu bạn với sông nước cũng là ngần ấy năm vợ chồng ông Chúc vớt xác, cứu người. "Vợ chồng tôi sinh quán ở tỉnh Hưng Yên. Sau khi vào Nam lập nghiệp, do nghèo khó nên các cụ thân sinh bám sông nước làm kế sinh nhai, xem thuyền đò là mái nhà cư trú. Lớn lên trong cảnh thương hồ nay đây mai đó, năm 1977, chúng tôi lập gia đình và được bố mẹ hai bên gom góp mua cho chiếc thuyền con cũ mèm. Ở trên con thuyền này, 5 đứa nhỏ lần lượt ra đời. Từ năm 2000 cuộc sống kinh tế của gia đình tôi tạm ổn nhờ nguồn lợi tôm cá dồi dào. Sau này nguồn nước ô nhiễm khiến thủy hải sản chết như ngã rạ nên… dạo gần đây hơi khó ngặt".

Gió sông thổi lồng lộng. Ông Chúc vừa nói vừa ôm ngực ho sù sụ. Hơn 3 thập kỷ sống đời sông nước, hụp lặn dưới dòng chảy lạnh căm căm vớt xác chết, cứu hàng chục mạng người chừng như lấy đi trong ông nhiều sinh lực. Dứt cơn ho, người hùng của hàng trăm xác chết trôi sông, rắn giọng: "Chú hỏi tôi mới nói chứ hổng phải tôi kể khổ, thở than gì đâu nghen. Khi tôi mò vớt được xác người thân, thân nhân người chết, người được cứu sống đặt vấn đề bồi dưỡng, hỏi vợ chồng tôi muốn gì, cần gì… nhưng lần nào vợ chồng tôi cũng từ chối". Bà Hinh tiếp lời chồng: "Đồng tiền phải do mình tự làm ra, chứ giữa lúc người ta tang gia bối rối trăm thứ phải lo, trăm khoản phải chi phí cho tang ma người thân mà mình ngửa tay nhận tiền coi sao đặng?".


Vợ chồng hiệp nghĩa vớt xác chết: ông Nguyễn Văn Chúc và bà Nguyễn Thị Hinh.
Cũng vì cái tính kẻ sĩ ấy mà vợ chồng ông Chúc nghèo rớt mồng tơi. Dẫu rằng như ông bà thổ lộ có nhiều cơ hội "kiếm bộn tiền". Cơ hội ấy bắt nguồn từ việc lòng sông nơi vợ chồng ông Chúc neo đời đỗ bến là nơi hợp lưu của nhiều dòng chảy, nên xác người chết từ các nơi liên tục trôi về.

Chỉ tay về phía cầu Bình Lợi, bà Hinh nói rất nhiều người chán đời tìm đến cây cầu này gieo mình xuống dòng chảy cuồn cuộn quyết đi tìm cái chết: "Khi hay tin người thân nhảy cầu tự tử được vợ chồng tôi cứu sống, người thân của người tự tử tri ân lại biếu tiền. Rồi khi không tìm được xác người thân dù rằng đã thuê nhiều người hụp lặn, biết vợ chồng tôi rành rẽ khúc sông này, người ta tìm đến đặt vấn đề, hứa sẽ trả thù lao hậu hĩnh".

Những lúc như thế, vợ chồng người vớt xác chỉ biết nhìn nhau cười, cảm ơn thiện chí của người ta rồi lặng lẽ để lửng câu nói "gia đình cần vợ chồng tôi giúp chứ tiền bạc mà chi". Bà Hinh nén cơn đau do căn bệnh thoái hóa khớp, mỉm cười kể chuyện: "Có nhiều người ra đây nhảy cầu tự tử, được ông nhà tôi cứu đưa vào bờ an ủi động viên, họ bình tâm trở lại, hứa sẽ không làm chuyện rồ dại và trong nhiều trường hợp như thế, có không ít trường hợp vợ chồng tôi còn cho tiền để họ đón xe về nhà".

Lặng lẽ sống thanh bần và hào hiệp như thế, cặp vợ chồng vớt xác dưới chân cầu Bình Lợi hồn nhiên tối đi giăng lưới buông câu, sáng ra neo bờ, gặp xác chết thì vớt, thấy người tự tử thì cứu… mặc dòng đời cuộn chảy, bình thản giữa lúc người ta quay cuồng vì chuyện công danh, tiền quyền.

Dù vợ chồng người vớt xác tỏ ra rất lạc quan, bình thản với cảnh sống cơ hàn nhưng khi biết sức khỏe vợ chồng ông ngày một xuống dốc, sống cùng 3 con gái và 2 đứa cháu ngoại trong con thuyền cũ kỹ, chắp vá, tù mù giữa bến sông quạnh vắng mơ một ngày được lên bờ, chúng tôi không khỏi chạnh lòng.

Hơn 10 năm qua, bà Hinh mắc nhiều chứng bệnh như tiểu đường, thoái hóa khớp, viêm họng hạt kinh niên, mỡ trong máu… nhưng chỉ dám uống cỏ cây bứt hái ven sông vì không đủ tiền đến bệnh viện. Hỏi chuyện bảo hiểm y tế, ông Chúc lại cười, nụ cười của ông lúc này méo mó, gượng gạo hằn sâu nhiều nỗi niềm. Có lẽ đó là nỗi niềm của con người giàu lòng ban phát, giàu tính hiệp nghĩa nhưng lại quá nghèo, nghèo đến độ số tiền mua bảo hiểm y tế cho cả 2 vợ chồng chưa đến 800.000 đồng nhưng bao năm qua với vợ chồng ông vẫn là khái niệm xa xỉ.


Thành Dũng ( Từ Thiện . VN[/CENTER]