PDA

Xem phiên bản đầy đủ : Cây ổi



Thao Thuc
21-05-2012, 05:33 AM
Ổi là loại cây rất quen thuộc trong đời sống người dân nước ta, đặc biệt ở các vùng nông thôn. Thực ra cây ổi có nguồn gốc từ miền nhiệt đới châu Mỹ, sau được trồng phổ biến ở khắp các miền nhiệt đới châu Á và châu Phi. Ở nước ta, ổi mọc hoang tại nhiều vùng rừng núi hoặc được trồng trong vườn, quanh nhà để lấy quả ăn. Ngoài ra các bộ phận của cây ổi như búp non, lá non, vỏ rễ và vỏ thân còn được dùng làm thuốc.

Tác dụng dược lý



Tên khoa học của ổi là Psidium guajava L., trong dân gian còn gọi là phan thạch lựu, thu quả, kê thỉ quả, phan nhẫm, bạt tử, lãm bạt, phan quỷ tử... Về thành phần hóa học, quả và lá đều chứa Sitosterol, Quereetin, Guaijaverin, Leucocyanidin và Avicularin; lá còn có Volatile oil, Eugenol; quả chín chứa nhiều vitamin C và các Polysaccharide như Fructose, Xylose, Glucose, Rhamnose, Galactose...; rễ có chứa Arjunolic acid; vỏ rễ chứa Tanine và Organic acid. Nghiên cứu dược lý cho thấy dịch chiết từ các bộ phận của cây ổi đều có khả năng kháng khuẩn, làm săn se niêm mạc và cầm đi lỏng.

Theo dược học cổ truyền, lá ổi vị đắng sáp, tính ấm, có công dụng tiêu thũng giải độc, thu sáp chỉ huyết. Quả ổi vị ngọt hơi chua sáp, tính ấm, có công dụng thu liễm, kiện vị cố tràng. Các bộ phận của cây ổi thường được dùng để chữa những chứng bệnh như tiết tả (đi lỏng), cửu lỵ (lỵ mạn tính), viêm dạ dày ruột cấp và mạn tính, thấp độc, thấp chẩn, sang thương xuất huyết, tiêu khát (tiểu đường), băng huyết... Dưới đây, xin được giới thiệu một số cách dùng cụ thể:

Viêm dạ dày, ruột cấp và mạn tính: (1) lá ổi non sấy khô, tán bột, uống mỗi lần 6g, mỗi ngày 2 lần. (2) Lá ổi 1 nắm, gừng tươi 6-9g, muối ăn một ít, tất cả vò nát, sao chín rồi sắc uống. (3) Quả ổi, xích địa lợi và quỷ châm thảo, mỗi thứ từ 9-15g, sắc uống.


Cửu lỵ: (1) quả ổi khô 2-3 quả, thái phiến, sắc uống. (2) lá ổi tươi 30-60g sắc uống. (3) với lỵ trực khuẩn cấp và mạn tính, dùng lá ổi 30g, phượng vĩ thảo 30g, cam thảo 3g, sắc với 1.000ml nước, cô lại còn 500ml, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 50ml.


Trẻ em tiêu hóa không tốt: lá ổi 30g, hồng căn thảo (tây thảo) 30g, hồng trà 10-12g, gạo tẻ sao thơm 15-30g, sắc với 1.000ml nước, cô lại còn 500ml, cho thêm một chút đường trắng và muối ăn. Uống mỗi ngày: từ 1-6 tháng tuổi 250ml, 1 tuổi trở lên 500ml, chia uống vài lần trong ngày.


Tiêu chảy: (1) búp ổi hoặc vỏ dộp ổi 20g, búp vối 12g, búp hoặc nụ sim 12g, búp chè 12g, gừng tươi 12g, rốn chuối tiêu 20g, hạt cau già 12g, sắc đặc uống. (2) búp ổi 12g, vỏ dộp ổi 8g, gừng tươi 2g, tô mộc 8g, sắc với 200ml nước, cô còn 100ml. Trẻ 2-5 tuổi mỗi lần uống 5-10ml, cách 2 giờ uống 1 lần. Người lớn mỗi lần uống 20-30ml, mỗi ngày 2-3 lần
Với tiêu chảy do lạnh, dùng búp ổi sao 12g, gừng tươi 8g nướng cháy vỏ, hai thứ sắc cùng 500ml nước, cô còn 200ml, chia uống 2 lần trong ngày; hoặc búp ổi hay lá ổi non 20g, vỏ quýt khô 10g, gừng tươi 10g nướng chín, sắc với 1 bát nước, cô còn nửa bát, uống nóng; hoặc búp ổi 60g, nụ sim 8g, riềng 20g, ba thứ sấy khô tán bột, mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 5g với nước ấm; hoặc búp ổi 15g, trần bì 15g và hoắc hương 18g, sắc uống.

Với tiêu chảy do nóng (thấp nhiệt), dùng vỏ dộp ổi 20g sao vàng, lá chè tươi 15g sao vàng, nụ sim 10g, trần bì 10g, củ sắn dây 10g sao vàng, tất cả tán bột, người lớn mỗi lần uống 10g, trẻ em uống bằng nửa liều người lớn; hoặc vỏ dộp ổi sao vàng 20g, vỏ duối sao vàng 20g, vỏ quýt sao vàng 20g, bông mã đề sao vàng 20g, sắc đặc uống nóng; hoặc bột vỏ dộp ổi 80 phần, bột gạch non 20 phần, trộn đều, luyện thành viên, mỗi lần uống 10g, mỗi ngày uống 2 lần.

Với tiêu chảy do công năng tỳ vị hư yếu, dùng lá hoặc búp ổi non 20g, gừng tươi nướng cháy 10g, ngải cứu khô 40g, sắc cùng 3 bát nước, cô còn 1 bát, chia uống vài lần trong ngày

Với trẻ em đi lỏng, dùng lá ổi tươi 30g, rau diếp cá 30g, xa tiền thảo 30g, sắc kỹ lấy 60ml, trẻ dưới 1 tuổi uống 10-15ml, trẻ từ 1-2 tuổi uống 15-20ml, mỗi ngày uống 3 lần.

Thổ tả: lá ổi, lá sim, lá vối và hoắc hương lượng bằng nhau, sắc hoặc hãm uống.


Băng huyết: quả ổi khô sao cháy tồn tính, tán bột, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 9g pha với nước ấm.


Tiểu đường: (1) Quả ổi 250g, rửa sạch, thái miếng, dùng máy ép lấy nước, chia uống 2 lần trong ngày. (2) Lá ổi khô 15-30g sắc uống hàng ngày.


Ðau răng: vỏ rễ cây ổi sắc với dấm chua, ngậm nhiều lần trong ngày.


Thoát giang (sa trực tràng): lá ổi tươi lượng vừa đủ, sắc kỹ lấy nước ngâm rửa hậu môn. Có thể kết hợp dùng quả ổi khô sắc uống.


Mụn nhọt mới phát: lá ổi non và lá đào lượng vừa đủ, rửa sạch, giã nát rồi đắp lên vùng tổn thương.


Vết thương do trật đả: dùng lá ổi tươi rửa sạch, giã nát đắp vào nơi bị thương.


Giải ngộ độc ba đậu: quả ổi khô, bạch truật sao hoàng thổ, vỏ cây ổi, mỗi thứ 10g sắc với một bát rưỡi nước, cô lại còn 1 bát, chia uống vài lần.


Ðiều cần lưu ý là với những người đang bị táo bón hoặc bị tả lỵ có tích trệ chưa được giải quyết, không nên dùng các bài thuốc chế từ những bộ phận của cây ổi.