PDA

Xem phiên bản đầy đủ : Nhạc sĩ phú quang với " em ơi hà nội phố"



thylan
28-05-2012, 09:04 PM
“Em ơi Hà Nội phố” mang một gam màu xanh xám trầm mặc. Dường như chút bâng quơ của người nghệ sỹ khi đi trên những con phố cổ kính của thủ đô đã kết tinh thành xúc cảm về “màu xanh thời gian” đầy mơ hồ.

Ca khúc: EM ƠI HÀ NỘI PHỐ


“Em ơi Hà Nội phố” được nhà thơ Phan Vũ viết vào đầu năm 1972, khi cuộc chiến đang hồi khốc liệt. Thế nhưng bài thơ không gợn chút không khí căng thẳng, tang tóc, Hà Nội vẫn hiện lên bình yên đến lạ lùng.

Nghe EM ƠI HÀ NỘI PHỐ ta như đang đứng giữa một Hà Nội rêu phong cổ kính trong tranh Bùi Xuân Phái
Sau này, bài thơ được nhạc sỹ Phú Quang phổ nhạc và trở thành một ca khúc nổi tiếng về Hà Nội – thủ đô yêu dấu.

Em ơi, Hà Nội phố
Ta còn em mùi hoàng lan
Ta còn em mùi hoa sữa
Con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ
Ai đó chờ ai tóc xõa vai mềm

Câu hát “Em ơi Hà Nội phố” vang lên cùng tiếng đàn dương cầm êm đềm như lời thủ thỉ của một chàng trai với một cô gái. Một miền Hà Nội tràn về bình yên với “mùi hoàng lan”, “mùi hoa sữa”. Người ta thường nói Hà Nội đẹp nhất vào mùa thu. Thế nhưng khi sang đông, Hà Nội còn có một dáng vẻ quyến rũ khác: xa vắng đơn côi nhưng thanh lịch và đầy ám ảnh.

Ta còn em cây bàng mồ côi mùa đông
Ta còn em góc phố mồ côi mùa đông
Mảnh trăng mồ côi mùa đông
Mùa đông năm ấy
Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ
Tan lễ chiều sao còn vọng tiếng chuông ngân

Mảnh trăng đơn chiếc trên bầu trời đêm soi vào lòng người miền ánh sáng chênh vênh màu hoài niệm, gợi nhớ về một mùa đông đã ở rất xa đây. Ấy là ấn tượng về một Hà Nội lặng lẽ và man mác buồn.

Bức tranh mùa đông giản dị với vài nét chấm phá đơn sơ: cây bàng , nóc phố, tiếng chuông nhà thờ…mà đủ gợi lên thần thái của Hà Nội hào hoa. Mỗi hình ảnh trong bài hát như cái thoáng chạm tay vào tâm hồn “Hà Nội phố”.


Phú Quang đã từng tâm sự rằng, ông phổ nhạc cho bài thơ “Em ơi Hà Nội phố” bằng nỗi nhớ “nụ hôn lạnh giá mùa đông, vòng tay bồi hồi ướt giá dưới trời mưa bụi của những ngày tháng tình yêu còn nồng ấm. Rồi nỗi nhớ về căn nhà tôi đã sống ở Hà Nội qua suốt tuổi ấu thơ mà mùa đông năm 1972 khi những cành bàng trụi lá thì căn nhà ấy, và người bạn thân thiết nhất của tôi cũng vĩnh viễn bị bom B52 dập vùi. Thay vào đó là tượng đài về những người đã chết như một vết sẹo dẫu đã phủ kín rêu xanh mà chẳng bao giờ nguôi rát bỏng mỗi lần tôi nghĩ tới”:

Ta còn em một màu xanh thời gian
Một chiều phai tóc em bay chợt nhòa, chợt hiện
Người nghệ sỹ lang thang hoài trên phố
Bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường

Tiếng “em” ngọt ngào trong cụm từ “ta còn em” được điệp lại nhiều lần nhấn vào lòng người nghe xiết bao xao xuyến bâng khuâng, ta thấy thấp thoáng một mối tình và bóng dáng thanh thoát của người con gái Hà thành với mái “tóc xõa vai mềm”.

Ta còn em hàng phố cũ rêu phong
Và từng mái ngói xô nghiêng
Nao nao kỉ niệm
Chiều Hồ Tây lao xao hoài con sóng
Chợt hoàng hôn về tự bao giờ

Bức tranh “Em ơi Hà Nội phố” mang một gam màu xanh xám trầm mặc. Dường như chút bâng quơ của người nghệ sỹ khi đi trên những con phố cổ kính của thủ đô đã kết tinh thành xúc cảm về “màu xanh thời gian” đầy mơ hồ. “Màu xanh thời gian” ấy lưu dấu trên những viên ngói nhỏ, trên những gốc cây già, những con sóng Tây hồ lan tỏa mênh mang…

Mỗi viên ngói đều mang trong mình một câu chuyện về những ngày xa xưa, về một thời bom đạn khi mà sự sống và cái chết của con người chỉ cách nhau một lằn ranh mong manh. Hà Nội đã đi qua những tháng năm khốc liệt như thế để mãi mãi trường tồn như là trái tim dấu yêu của cả nước - Hà thành thanh lịch hào hoa...

(Soạn theo bài viết của bạn đọc Nguyễn Huy Thông)
Thy Lan (16/9/2010)


Sau đây mời quý thi hữu thưởng thức Ca khúc EM ƠI HÀ NỘI PHỐ - Nhạc Phú Quang - Lời thơ Phan Vũ qua tiếng hát "Cây nhà lá vườn" Thy Lan


http://www.youtube.com/watch?v=wcYip8sCeNg

Thy Lan