PDA

Xem phiên bản đầy đủ : Nhiều nghệ sĩ phản đối đề cử giải thưởng Nhà nước



Phong Trần
08-07-2011, 08:33 AM
5 nhạc sĩ Đoàn Bổng, Đinh Quang Hợp, Ngọc Khuê, Thế Song, Lê Việt Hòa và hai nhà biên kịch Phan Huyền Thư, Phan Thanh Tú kiến nghị Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch vì cho rằng việc xét trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về âm nhạc và điện ảnh chưa chính xác. http://vnexpress.net/Files/Subject/3b/a2/bf/47/nhac_si.jpg
Từ trái qua: Nhạc sĩ Đoàn Bổng, Đinh Quang Hợp, nhà soạn nhạc Tạ Tường và Thế Song. Ảnh: Đất Việt.
Cuối năm 2010, Đoàn Bổng, Đinh Quang Hợp, Ngọc Khuê, Thế Song, Lê Việt Hòa cùng 63 nhạc sĩ khác được đề nghị làm hồ sơ xét duyệt Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước. Ngày 1/1, năm người này nhận được thông báo không lọt vào danh sách cuối cùng vì không đạt 75% số phiếu. Hội đồng thẩm định cấp cơ sở gồm các nhạc sĩ: Phan Huỳnh Điểu, Ca Lê Thuần, Trần Long Ẩn, Chu Minh, Đôn Truyền, Phạm Ngọc Khôi và GS.TSKH Tô Ngọc Thanh đã chọn ra 28 tác giả để đề nghị lên Hội đồng cấp Bộ.
Trong đơn thư gửi hội nhạc sĩ Việt Nam ngày 4/1, các nhạc sĩ cho rằng, Hội đồng thẩm định cấp cơ sở "đã không nghe đĩa nhạc cũng không xem các bản nhạc từ ca khúc đến tổng phổ ở các thể loại âm nhạc lớn như giao hưởng, thanh xướng kịch, đưa ra những thẩm định vu vơ". Với hơn 300 tác phẩm được gửi tới, nếu nghe hết cũng phải mất 100 tiếng đồng hồ, nhưng trên thực tế, Hội đồng xét duyệt chỉ làm việc trong hai ngày rưỡi đã có kết quả. Việc những bài hát được công chúng yêu mến như: Tiếng hát sông Lam (Đinh Quang Hợp), Dòng sông quê anh, dòng sông quê em (Đoàn Bổng), Mùa xuân làng lúa làng hoa (Ngọc Khuê), Nơi đảo xa (Thế Song)… hay các tác phẩm thể loại lớn như Thanh xướng kịch Lửa và hoa (Đinh Quang Hợp) bị loại khiến các nhạc sĩ tỏ ra bất phục. Các nhạc sĩ đề nghị thành lập Hội đồng âm nhạc mới do anh em nhạc sĩ đề cử, đồng thời triệu tập cuộc họp gồm 68 nhạc sĩ tham dự giải thưởng để bỏ phiếu công khai, thay thế cho kết quả trước đó.
Ngày 22/2, nhạc sĩ Thế Song gửi đơn lên Bộ trưởng Văn hóa Thể thao Du lịch Hoàng Anh Tuấn. Đơn thư của ông tiếp tục khẳng định, Hội đồng cơ sở đã vi phạm nghiêm trọng cơ chế thẩm định tác phẩm âm nhạc, không hề đọc văn bản tác phẩm âm nhạc cũng như không hề nghe các tác phẩm âm nhạc. Một số nhạc sĩ không đủ tiêu chuẩn xét duyệt nhưng vẫn được duyệt như nhạc sĩ Lê Lan có bài hát ca ngợi Hồ Chí Minh nhưng giai điệu lấy từ ca khúc ca ngợi sư trưởng Sapaep (Liên Xô cũ) và đã bị Bộ quốc phòng Việt Nam kỷ luật về tội đạo nhạc. Nhạc sĩ Nguyễn Chính là chỉ huy dàn nhạc, không có một tác phẩm âm nhạc nào. Một số nhạc sĩ khác như Thập Nhất, Vũ Thành, Lê Tịnh, Vĩnh Lai, Cát Vận… chưa có bài nào nổi tiếng nhưng vẫn có tên trong danh sách đề nghị khen thưởng. Nhạc sĩ Thế Song cho biết, sau gần hai tháng gửi đơn cho Hội đồng cơ sở Hội nhạc sĩ Việt Nam, ông vẫn chưa nhận được câu trả lời.
http://vnexpress.net/Files/Subject/3b/a2/bf/47/phd_2.jpg
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu khẳng định Hội đồng đã làm việc nghiêm túc. Ảnh: Khả Lục.
Trước những thắc mắc này, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu (http://vnexpress.net/gl/van-hoa/2009/11/3ba15656/) - người nằm trong Hội đồng xét duyệt - khẳng định, các nhạc sĩ có đơn khiếu nại đã nói không chính xác bởi nếu không mở hồ sơ, Hội đồng sao có thể xét duyệt được. Tác giả Hành khúc ngày và đêm cho biết, đây là chuyện của cả hội đồng, ông không có quyền phát ngôn nhưng ông không quên nhấn mạnh: “Hội đồng giám khảo không thể nào sai”.
Trong lĩnh vực điện ảnh, chiều 6/7, nhà biên kịch Phan Thanh Tú đã trực tiếp cầm đơn lên Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch kiến nghị về kết quả xét tặng Giải thưởng Nhà nước đối với cụm công trình của đạo diễn Nguyễn Thước. Trong đơn có sự đồng thuận của nhà biên kịch, đạo diễn Phan Huyền Thư. Phan Huyền Thư chia sẻ, chị và nhà biên kịch Phan Thanh Tú mới được biết về việc ông Nguyễn Thước - đạo diễn thuộc Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương - gửi các tác phẩm: Sự nhọc nhằn của cát, Những công dân @, Chất xám tới hội đồng xin xét tặng các danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Phan Huyền Thư cho biết, bộ phim Sự nhọc nhằn của cát có tác giả kịch bản: Phan Thanh Tú, tác giả lời bình: Phan Huyền Thư, Những công dân @ tác giả kịch bản và lời bình: Phan Huyền Thư, Chất xám tác giả kịch bản và lời bình: Phan Huyền Thư. “Tôi thấy buồn cười vì họ không hiểu thế nào là một tác phẩm điện ảnh. Nó là của cả một tập thể, từ người viết kịch bản, đạo diễn, quay phim đến lái xe hay chỉ là của đạo diễn? Hai khâu quan trọng nhất với một bộ phim tài liệu là khâu đầu tiên - biên kịch và khâu cuối cùng - lời bình". Với Sự nhọc nhằn của cát, Phan Thanh Tú đoạt Giải Bông Sen Vàng cho Biên kịch xuất sắc tại Liên hoan phim Quốc gia năm 2004. Còn Phan Huyền Thư đã nhận giải Bông Sen Vàng cho Biên kịch xuất sắc phim Chất xám”.
Theo Phan Huyền Thư, Nguyễn Thước đã không trao đổi với chị và Thanh Tú khi đem các tác phẩm chung đi dự thi với tư cách cá nhân. Nữ biên kịch khẳng định, chị không phản đối đạo diễn Nguyễn Thước đăng ký xin xét tặng danh hiệu NSND, nhưng việc ông xin xét tặng Giải thưởng Nhà nước cho các bộ phim trên với tư cách là tác giả thì không đúng, vì tác giả kịch bản và lời bình mới thật sự là tác giả sáng tác của lĩnh vực văn học nghệ thuật. “Tôi cho rằng đây là chuyện nội bộ, tôi không cố gây scandal cũng không có bức xúc gì. Tôi chỉ muốn những người xét giải xem lại để danh hiệu cho đúng người mà thôi” - Phan Huyền Thư khẳng định.
Nhà biên kịch Phan Thanh Tú tuyên bố không phục nếu Nguyễn Thước được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho ba bộ phim có sự đóng góp lớn của chị và Phan Huyền Thư. Theo chị, nếu Nguyễn Thước đem những tác phẩm chung ra xin giải thưởng cho mình thì khi chị nộp đơn xin xét danh hiệu sẽ không được tính những phim trên nữa. Phan Thanh Tú cho biết, chiều 6/7, khi mang đơn khiếu nại lên Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, chị đã được đón tiếp rất nhiệt tình, có cơ hội trình bày hết những quan điểm của mình. “Chúng tôi đã làm hết trách nhiệm của mình, còn việc cấp trên xem xét đến đâu là tùy” - nhà biên kịch bày tỏ.
http://vnexpress.net/Files/Subject/3b/a2/bf/47/ht.jpg
Biên kịch, đạo diễn Phan Huyền Thư. Ảnh: ST.
Ông Hải Anh - Vụ trưởng vụ thi đua khen thưởng của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng cấp bộ cho biết, Bộ chưa xét duyệt mà còn phải chờ cuộc họp chính thức. Trước đó, Bộ đã thành lập 13 Hội đồng xét hồ sơ đề nghị tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật, danh hiệu NSND, NSƯT khối đơn vị thuộc Bộ và các Hội văn học nghệ thuật. Trong đó, có 8 Hội đồng cấp Bộ xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật thuộc các lĩnh vực: sân khấu, âm nhạc, múa, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, văn nghệ dân gian, văn học, kiến trúc; 4 Hội đồng xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT thuộc các lĩnh vực, như: sân khấu, múa, âm nhạc, điện ảnh.

Các Hội đồng có nhiệm vụ nhận kết quả xét duyệt của Hội đồng cấp cơ sở (từ các đơn vị thuộc Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch; các hội văn học nghệ thuật) và tổ chức xét chọn các nghệ sĩ, các tác phẩm, cụm tác phẩm, công trình, cụm công trình đủ điều kiện, đạt tiêu chuẩn trình Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Hội đồng có trách nhiệm xử lý dứt điểm, có kết luận về những khiếu nại liên quan đến việc xét tặng nếu có. Theo kế hoạch, các Hội đồng họp từ 27/6 đến 7/7. Kết quả đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, danh hiệuNSND, NSƯT của các Hội đồng sẽ thông báo công khai sau thời gian này.
Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, Đào Bá Sơn, diễn viên Bùi Bài Bình, cố diễn viên Phương Thanh… là những cái tên được đề nghị xét tặng danh hiệu NSND đợt này.
Giải thưởng Hồ Chí Minh được xét và công bố 5 năm một lần vào dịp Quốc khánh 2/9.
Giải thưởng Nhà nước được xét và công bố 2 năm một lần vào dịp Quốc khánh 2/9.
Giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước do Hội đồng cấp Nhà nước quyết định, theo đề nghị của Hội đồng cấp Bộ.
Ngọc Trần