PDA

Xem phiên bản đầy đủ : Đọc báo giùm bạn



maimo
06-08-2012, 05:29 PM
Sản xuất giá ăn bằng hóa chất

Thanh Niên OnlineThanh Niên Online – 9 giờ trước

Để những cọng giá ăn (làm từ đậu xanh) không rễ, mập mạp, trắng đẹp bắt mắt..., người làm giá không ngần ngại sử dụng hóa chất từ khâu đầu đến khâu cuối.



Bản thân người sản xuất cũng không cần biết đó là chất gì miễn có lời. PV Thanh Niên đã thâm nhập học nghề làm giá với hóa chất.

http://l.yimg.com/bt/api/res/1.2/mW7TzcFfdgazuS8dDLOa9Q--/YXBwaWQ9eW5ld3M7cT04NTt3PTQyMA--/http://media.zenfs.com/vi-VN/News/tno/S_n_xu_t_gi___n_b_ng-c8b5ea9ed362d21158d96865d15bc89f
Những cọng giá thành phẩm sau khi được ủ bằng hóa chất Trung Quốc - Ảnh: Thanh Thùy

Không hóa chất = không bán được

Tôi đến cơ sở làm giá của chị Ph. (H.Hóc Môn, TP.HCM) để tìm hiểu về nghề làm giá. Chị Ph. lanh lẹ: “Làm giá mà không bỏ thuốc, rễ nhiều nhìn thấy gớm lắm”. Chị Ph. nói, để các mối chịu lấy hàng của mình thì hàng phải đẹp, nhất là không có rễ, vì rễ lùm xùm nhìn vào không muốn ăn. Gia đình chị Ph. có thâm niên 10 năm làm giá nên biết rất rõ từ nguyên liệu cho đến hóa chất dùng trong nghề. Thậm chí, những người làm 10 năm đều đã “kinh” qua nhiều loại hóa chất có thể làm cho giá không ra rễ, tăng trưởng nhanh, trắng, mập...

Chị Ph. cho biết nếu muốn làm nghề này thì không thể nào làm theo phương pháp truyền thống với nguyên liệu trong nước vì rất khó làm. Muốn bỏ mối cho các chợ phải làm bằng đậu nhập từ nước ngoài. Chị Ph. nói: “Đậu của mình làm ra giá xấu hoắc à, nhất là không để được lâu, rễ tua tủa, ốm nhom. Nếu tối nay ra giá đi giao, sáng mai người ta bán là đã thấy rễ xồm xoàm thêm, lại mọc lá xanh nữa. Ai dám mua?”. Theo những người làm giá, trước đây, đa phần họ chọn đậu của Trung Quốc và Myanmar. Những năm trở lại đây, người làm giá chỉ dùng loại đậu của Trung Quốc vì nó dễ làm. Song song đó, hóa chất dùng để ngâm giá và pha nước tưới giá cũng là của Trung Quốc. “Ở đây nhiều người làm vậy không à. Ủ đậu vài tiếng rồi ngâm nước vôi, sau đó cách 3 tiếng thì tưới nước một lần. Nước phải xử lý bằng cách pha một thứ bột. Các lu giá đến ngày thứ 2 có thể ngâm với thuốc chống rễ được rồi. Ngày thứ 2 và ngày thứ 3 ngâm với thuốc này khoảng 15 phút mỗi lần ngâm, qua hôm sau là ra giá. Không có thuốc đố ai làm được”, chị Ph. cười.

Để tìm hiểu rõ việc dùng hóa chất sản xuất giá, chúng tôi đã đi nhiều cơ sở làm giá tại H.Hóc Môn (TP.HCM); cuối cùng, cũng được cơ sở làm giá của ông H. (xã Trung Chánh) nhận vào học nghề. Khuôn viên để dành làm giá ở nhà ông H. rộng hơn 30 m2. Trên các giá đỡ bằng khung sắt là các lu sành chứa đậu, giá được xếp thứ tự theo số ngày đã ủ. Ông H. hỏi tôi đã từng làm giá chưa. Khi nghe tôi nói đã làm rồi, làm bằng đậu xanh của ta, cũng tưới nước thường xuyên nhưng cọng giá vừa dài vừa nhiều rễ, nhiều lá nên bán không ai mua, ông H. cười, vừa kéo từng nắm giá trắng, mập trong lu ra ngoài vừa nói: “Trời ơi, đậu đó sao mà làm được. Làm giá không đơn giản đâu. Ở đây có dùng thuốc mới ngon như vậy. Thuốc nhập từ nước ngoài”.

Nguyên liệu đều của Trung Quốc

Qua nhiều ngày làm việc tại cơ sở ông H., chúng tôi nhận thấy quy trình để làm ra một lu giá (cho từ 15 kg giá trở lên) trải qua nhiều công đoạn. Quan trọng nhất là pha hóa chất và tưới vào giá để cọng giá phát triển đúng ý muốn. Đậu dùng để làm giá phải là loại đậu Trung Quốc hạt nhỏ, đều tăm tắp được đóng gói trong bao 50 kg. Vừa đổ 1,5 kg đậu vào mỗi lu, tôi thắc mắc sao không dùng đậu xanh trong nước, anh G., người làm công lâu năm ở đây khó chịu: “Vì nó cho giá đẹp, dễ làm chứ làm ra cọng dài nhằng như đậu xanh mình ai mà mua”. Sau khi cho đậu vào, chúng tôi lấy miếng đệm đậy lên trên, dùng vòng sắt cứng chèn lại. Đậu được ủ khoảng 12 giờ rồi ngâm tiếp 6 giờ với nước vôi. Sau đó, các lu giá được úp xuống. Từ thời điểm này trở đi, cứ mỗi 3 giờ các lu giá lại được lật lên để ngâm nước khoảng 10 phút rồi úp xuống. Theo kinh nghiệm của vợ chồng ông H., giá ngon hay không còn phụ thuộc vào nước ngâm. Nước ngâm giá chính là nước giếng được pha với một loại bột màu trắng (đựng trong bao bì loại 50 kg, xuất xứ từ Trung Quốc). Nước được pha với loại bột này sẽ dùng để ngâm giá từ khi bắt đầu cho đến ngày thu hoạch.



Không nhận làm giá “không hóa chất”

Chị Ph. cho biết, có nhiều nhân viên siêu thị xuống trực tiếp đặt mua giá với số lượng nhiều, ổn định nhưng phải đảm bảo yêu cầu là không sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào trong quá trình sản xuất. Thế nhưng khu này không có cơ sở nào nhận làm. Chị Ph. nhăn mặt: “Không có thuốc làm rất khó, giờ mình đã có mối ổn định rồi, làm như vầy dễ hơn, làm không thuốc cọng giá ốm, xấu, lỡ siêu thị không mua nữa biết làm sao?”.

Đến ngày thứ 3, đúng 13 giờ, ông H. lấy một gói bên ngoài in toàn chữ Trung Quốc, bên trong chứa 20 ống nhựa nhỏ, đựng chất lỏng màu trắng, cắt ra pha thêm vào nước ngâm giá (loại nước đã có pha chất bột trắng). Vừa lật các lu giá lên, tôi vừa thắc mắc: “Bây giờ có nhiều thứ hóa chất độc hại quá rồi, mình xài thêm cái này có sao không ông?”. Ông H. vừa cho thứ nước pha 2 loại hóa chất vào lu vừa nói cho qua chuyện: “Nếu độc sao nhiều người xài từ hồi đó tới giờ? Phải có nó thì giá mới ngon, để được lâu, biết chưa!”. Giá được ngâm ở công đoạn này khoảng 15 phút thì chúng tôi trút hết nước và úp xuống.

Sau công đoạn xử lý với hóa chất thứ 2, giá trong các lu tiếp tục được tưới ngâm với thứ nước pha hóa chất đầu tiên cho "bung" tối đa; đến khi nào có mối lái đến, giá được lấy ra, sàng sạch vỏ đậu rồi cho vào túi mang đi tiêu thụ, thường là ở chợ đầu mối Hóc Môn, các chợ nhỏ và quán ăn.

Tay chân lở ngứa, mất móng…

Ông H. khuyên tôi nên xin đi làm công nhân trong các KCN vì làm nghề này dù mấy tiếng đồng hồ mới tiếp xúc với nước một lần nhưng tay chân đều bị lở, ngứa, móng bị hư hết. Vừa nói ông H. vừa đưa bàn tay, bàn chân cho tôi xem. Tay ông H. bị lở, da bị ăn mòn, ngứa ngáy; móng chân bị hư, nhiều ngón mất móng.

Người làm giá luôn khẳng định thuốc mà họ dùng không độc hại, không ảnh hưởng đến sức khỏe người ăn giá. Nhưng chính những chủ cơ sở này cũng không dám ăn giá do họ làm. Khi tôi hỏi, thì bà N. - vợ ông H. nói qua loa: “Nhà này không ai ăn giá hết”. Chính chị Ph. cũng thừa nhận gia đình hạn chế ăn giá và ở xóm chị, nhiều người dân biết rõ quá trình làm giá có dùng hóa chất Trung Quốc nên cũng không dám ăn. Nếu nhà có đám tiệc, họ đến đặt một vài lu không bỏ thuốc.

Loại đậu và hóa chất mà các cơ sở làm giá sử dụng là giống nhau. Họ sản xuất giá với quy trình giống nhau. Trên các bao bì chứa đậu vừa có chữ Việt vừa có chữ Trung Quốc. Phần chữ Việt ghi xuất xứ đậu là từ Trung Quốc. Riêng bao bì các loại hóa chất chỉ có chữ Trung Quốc. Hầu hết các chủ làm giá đều cho biết, họ mua đậu và hóa chất từ những người chuyên bán các loại nguyên liệu, dụng cụ làm giá. Họ chỉ nghe nói những người này nhập hàng về từ Trung Quốc. Mỗi ngày, chỗ của ông H. cung cấp ra thị trường từ 800 kg đến 1 tấn giá. Riêng chỗ chị Ph. mỗi ngày bán hơn 500 kg ra các chợ ở Q.5, Q.6. Chỉ riêng trong khu vực nhà ông H. đã có tới hơn 20 cơ sở làm giá quy mô như ông. Theo một người chuyên vận chuyển giá cho chợ đầu mối Hóc Môn, ước tính mỗi đêm, chợ này tiêu thụ khoảng 50-60 tấn giá.

http://l2.yimg.com/bt/api/res/1.2/SSaXRbQjc737HloocgqBDg--/YXBwaWQ9eW5ld3M7cT04NTt3PTQyMA--/http://media.zenfs.com/vi-VN/News/tno/S_n_xu_t_gi___n_b_ng-4dc73324b4d1ced9d9acfb3684a15244

http://l.yimg.com/bt/api/res/1.2/C9uhh3VoSlJNDPDK0sxFfA--/YXBwaWQ9eW5ld3M7cT04NTt3PTQyMA--/http://media.zenfs.com/vi-VN/News/tno/S_n_xu_t_gi___n_b_ng-c016899d1ee89d1f12767d1cd7df95b7

http://l3.yimg.com/bt/api/res/1.2/_3Ieow1qNwJ0ATGjffWD8w--/YXBwaWQ9eW5ld3M7cT04NTt3PTQyMA--/http://media.zenfs.com/vi-VN/News/tno/S_n_xu_t_gi___n_b_ng-1e22779f076bd48958db28082c5605fa

http://l2.yimg.com/bt/api/res/1.2/0mw9vNVXWz2px56ZsoLq2A--/YXBwaWQ9eW5ld3M7cT04NTt3PTQyMA--/http://media.zenfs.com/vi-VN/News/tno/S_n_xu_t_gi___n_b_ng-f6d53cdc5eb41d129f75bb2041079715

Theo báo THANH NIÊN

thái thanh tâm
06-08-2012, 08:10 PM
Than ôi ! Ta lại giết ta bằng thuốc độc của khựa. (TTT)

thylan
08-08-2012, 05:39 PM
Trường Phan Chu Trinh - Đà Nẵng có gần 10 thủ khoa

Trong kỳ thi tuyển sinh ĐH&CĐ năm 2012, nổi lên một số trường có nhiều học sinh là thủ khoa, á khoa tại nhiều trường đại học trong đó có THPT Phan Chu Trinh của thành phố Đà Nẵng.

http://img2.news.zing.vn/2012/08/08/imagehandlerashx-1.jpg
Nguyễn Thị Minh Khang (đứng thứ 2 trong hàng) cùng các bạn lớp 12/32.


Trường THPT Phan Chu Trinh (TP Đà Nẵng), năm nay tiếp tục lập thành tích mới khi có đến hơn chục thủ khoa, á khoa, trong đó gần 10 học sinh đạt thủ khoa.

Lớp có 4 thủ khoa, á khoa

Chỉ tính riêng ĐH Đà Nẵng, lần theo hồ sơ gốc của các thủ khoa kỳ tuyển sinh năm 2012, hầu hết đều dẫn về cùng một địa chỉ: học sinh trường THPT Phan Chu Trinh.

Nguyễn Thị Minh Khang, cô học trò nổi tiếng nói tiếng Pháp “như gió” tại lớp 12/32 (THPT Phan Chu Trinh) lập thành tích khi đỗ thủ khoa ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng. Bố làm bác sĩ, mẹ là cán bộ ngân hàng nhưng Khang lại chọn thi ngành cử nhân tiếng Pháp du lịch.

Học tiếng Pháp từ trường tiểu học, suốt 3 năm THPT, Khang đều đoạt giải Nhì - Nhất môn tiếng Pháp cấp thành phố và 2 năm liền được chọn tham dự kỳ thi Olympic tiếng Pháp vòng khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Kỳ tuyển sinh ĐH vừa qua, Khang đạt thủ khoa với 24,5 điểm.

Hà Mai Sương, cô bạn gái cùng lớp với Khang cũng đạt thủ khoa khối C ĐH Luật Huế (24,5 điểm). Tin vui tiếp tục đến với thầy cô, bạn bè trong lớp khi hai bạn Phạm Thị Kim Yến và Tôn Nữ Khánh Nhi đỗ á khoa khối H vào Trường ĐH Kiến trúc TPHCM và ĐH Văn Lang (TPHCM) với số điểm 22 và 24,5 điểm (chưa nhân hệ số).

Cô Đặng Thị Cúc - giáo viên chủ nhiệm lớp 12/32, cho hay: Năm nào tỷ lệ đỗ đại học của học sinh trong lớp cũng chiếm đa số, nhưng đây là năm đầu tiên lớp có nhiều thủ khoa, á khoa đến thế.

Lớp 12/31 đóng góp thêm gương mặt thủ khoa khối B ĐH Sư phạm Đà Nẵng của học sinh Nguyễn Văn Phúc. Phúc cùng lúc đậu vào khối A ngành Ngoại thương (ĐH Kinh tế Đà Nẵng) với 22,5 điểm, và đỗ thủ khoa khối B ngành quản lý tài nguyên và môi trường (ĐH Sư phạm) với 23,5 điểm.

“Môn Sinh không phải sở trường của em, may là hai môn còn lại đều đạt trên 9 điểm”, Phúc nói. Cả 5 bạn học chung nhóm với Phúc đều đỗ ĐH từ 20 điểm trở lên.

Cô Trần Thị Hương, cán bộ văn phòng, phụ trách tuyển sinh của trường, tự hào: năm ngoái trường chỉ có 4 thủ khoa, thì đến thời điểm này đã có gần chục học sinh đỗ thủ khoa.

Có thể kể, như Đặng Thị Bảo Uyên (thủ khoa khối D1, ĐH Kinh tế Đà Nẵng, 25,5 điểm); Nguyễn Phạm Vân Anh (thủ khoa khối D1, ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng, 24 điểm); Thân Thị Thư (thủ khoa khối C, ĐH Sư phạm Đà Nẵng…).

Riêng số lượng học sinh thi đỗ á khoa, theo cô Hương: hiện có một số em báo về trường, lớp, còn lại trường chưa thống kê nổi.

Vào trường khó như thi đại học

Theo thầy Lê Phú Kỳ, hiệu trưởng nhà trường: Mỗi năm trường có khoảng 1.500 học sinh cuối cấp. Ba năm gần đây, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp luôn đạt 100%, đặc biệt có đến 80-90% học sinh của trường đều đỗ vào các trường ĐH ngay năm thi đầu tiên.

Chuyện một học sinh đỗ 2-3 trường ĐH không phải là hiếm. Để có được kết quả này, trước mỗi kỳ thi tuyển sinh ĐH, trường đều nghiên cứu, tổ chức các chương trình giảng dạy, ôn luyện phù hợp cho thí sinh.

Ngoài các tiết kiểm tra, tăng cường các môn ôn thi ĐH, học sinh cuối cấp sẽ được những kỳ thi thử tốt nghiệp, ĐH do trường tự tổ chức, ra đề và chấm thi.

Tân thủ khoa Nguyễn Thị Minh Khang, cho biết: Các đề thi thử của trường hầu hết khó hơn, đánh đố hơn đề thi của Bộ GD&ĐT, qua đó giúp bọn em không chủ quan mà tập trung, bổ sung kiến thức ôn luyện tốt nhất cho kỳ thi.

Theo thủ khoa Phúc, nhờ thi thử, học sinh có tâm lý tự tin, thoải mái, tích lũy kinh nghiệm, phương pháp làm bài tốt nhất. Theo cô Hương: từ kết quả thi thử ĐH, công tác tư vấn, định hướng cho các em chọn ngành, trường phù hợp được chú trọng.

Nếu chọn đúng với sức học, sở trường của mình, học sinh sẽ có nhiều cơ hội đỗ ĐH hơn.

Không phải là trường chuyên, nhưng “cuộc đua” đầu vào lớp 10 của trường không kém căng thẳng, khó như vào ĐH.

Như kỳ tuyển sinh vừa qua, điểm chuẩn thi vào lớp 10 Trường THPT Phan Chu Trinh đứng ở tốp cao nhất (49,5 điểm NV1 và 51,5 điểm NV 2) gấp đôi so với trường tốp dưới.

Theo Tiền Phong

thái thanh tâm
08-08-2012, 10:35 PM
Phỏng vấn nhà văn Hoàng Quốc Hải về tình hình biển Đông

Nhóm phóng viên Sống Mới thực hiện


SM: Nhà văn Hoàng Quốc Hải là nhà tiểu thuyết lịch sử đương kim sung sức với hai bộ tiểu thuyết đồ sộ về hai thời đại Lý- Trần có tựa đề “TÁM TRIỀU VUA LÝ” và “BÃO TÁP TRIỀU TRẦN” gồm 10 tập, dung lượng trên 6.500 trang với khoảng thời gian gần 400 năm. Có thể mượn lời của nhà văn, nhà giáo dục Phạm Toàn để nói về ông: “ Chỉ những nghệ sĩ chân chính mới có nỗi đau phải đào sâu vào khoa học lịch sử chẳng kém một nhà sử học ưu tú nhất. Song họ lại hơn đời ở một nỗi ưu tư nên họ mới làm ra được tác phẩm nghệ thuật có đề tài lịch sử”.

Nhân việc phía Trung Quốc đang rầm rộ gây hấn ở Biển Đông, vi phạm thô bạo quyền chủ quyền trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta, nhóm phóng viên Sống Mới đã có cuộc trao đổi với ông về tình hình thời sự nóng hổi này. Qua những cứ liệu lịch sử quý giá, cũng như những phân tích của nhà văn Hoàng Quốc Hải, chúng tôi hy vọng sẽ cung cấp tới độc giả những thông tin có ích và xác thực để mỗi người Việt Nam hiểu được rõ quyền lợi của quốc gia và trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Trung Quốc đã và đang tìm cách chiếm đoạt, cũng như bản chất tàng ẩn phía sau sự ngông ngạo của Trung Quốc trong thời gian gần đây.
PV: Thưa nhà văn Hoàng Quốc Hải, mới đây Trung Quốc cho một đoàn tàu cá với 30 chiếc tầu lớn, trong đó có cả tầu hậu cần vào đánh bắt cá và khuấy đảo vùng biển thuộc quyền chủ quyền và đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Trường Sa, lại nữa Công ty dầu khí Hải Dương của Trung Hoa (CNOOC) (China National Oil Corporation) mời thầu 9 lô dầu khí cũng trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của VN; trước tình hình đó chẳng hay nhà văn có quan tâm?
Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Thưa các nhà báo, sao lại nói “có quan tâm”? Mà phải nói trách nhiệm mỗi công dân phải làm gì đây trước việc ngoại bang đe dọa đến sự toàn vẹn lãnh thổ trong đó có chủ quyền biển đảo của chúng ta. Việc Trung Quốc đưa một đoàn tầu cá hùng hậu (cũng có thể là tầu hải quân trá hình) vào diễu võ dương oai tại vùng biển thuộc chủ quyền của nước ta, thực chất là một hành vi khiêu khích nghiêm trọng. Điều trớ trêu là Trung Quốc vừa ra lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông (cấm trái phép cả trên vùng biển Việt Nam) từ 16 tháng 5 năm 2012 đến 1 tháng 8 năm 2012 thì 12 tháng 7 năm 2012 chính họ lại vi phạm cái gọi là “lệnh cấm” đó. Điều này chứng tỏ cái mà Trung Quốc nói hoàn toàn trái ngược với cái mà Trung Quốc làm. Đoàn tầu cá 29 chiếc vỏ thép, mỗi tầu 140 tấn cùng với tầu hậu cần kiêm chỉ huy 3.000 tấn được chia thành hai biên đội 6 tốp, hình thành một hạm đội đánh bắt. Thực chất đây là một cuộc diễn tập quân sự trá hình và cũng là đòn cân não nắn gân đối phương
Còn việc Công ty dầu khí (CNOOC) Trung Quốc mời thầu 9 lô dầu khí nằm sâu trong thềm lục địa Việt Nam, lô gần nhất chỉ cách đảo Phú Quý hơn 50km, đó không còn là hành vi khiêu khích, mà nó nằm trong âm mưu thôn tính thuộc về quốc sách của Trung Hoa xuyên suốt từ cổ đại tới nay.
PV: Có phải nhà văn muốn nói đến vùng biển tranh chấp giữa Trung Quốc với ta.
Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Không, giữa ta và Trung Quốc cùng các nước như Malaysia, Philippines, Brunei chưa đàm phán để xác định vùng chồng lấn. Chỉ vùng chồng lấn đó mới gọi là vùng tranh chấp. Còn việc Trung Quốc cho ngư dân vào đánh bắt cá và mời thầu 9 lô dầu khí trong vùng thuộc quyền chủ quyền tức vùng đặc quyền kinh tế của ta là hành vi xâm lấn, nếu chưa muốn nói là xâm lược. Đó là một âm mưu thâm độc, tạo ra tranh chấp trong vùng không có nhân tố tranh chấp rồi đòi thương lượng. Thật chẳng khác chuyện cổ tích kể về một con chó sói trong lúc đói rét, năn nỉ xin đặt nhờ một cái chân vào trong ngôi nhà của thỏ để sưởi ấm. Khi đặt được một chân, sói dùng toàn thân xô cửa vào nhà, liền đó đuổi thỏ đi và nhận đó chính là nhà của mình. Thỏ cãi lại. Sói chồm lên cắn chết thỏ rồi ăn thịt.
PV: Đề nghị nhà văn nói rõ hơn về quốc sách tạo ra vùng tranh chấp của Trung Quốc.
Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Phải nói hầu hết các nước có chung biên giới với Trung Quốc đều bị Trung Quốc gây hấn và bị mất đất về tay Trung Quốc. Hùng mạnh như nước Ấn Độ mà năm 1962, Trung Quốc gây ngòi nổ làm bùng lên cuộc chiến tranh biên giới Trung -Ấn. Kết thúc chiến tranh, Trung Quốc chiếm được của Ấn Độ 50.000 km2. Cho tới nay Ấn Độ luôn đòi lại vùng đất bị Trung Quốc chiếm mà vẫn chưa đòi nổi một xăng ti mét, và hận thù giữa hai nước Ấn-Trung vẫn chưa có cách nào hóa giải.
Lấy ngay như nước ta làm ví dụ. Rõ nhất là cổng Nam Quan giáp với Đồng Đăng của nước ta. Cổng đó được người Trung Hoa xây từ đời nhà Minh thế kỷ 15. Trải năm thế kỷ nó vẫn tồn tại trấn giữa một đường biên dài và không xảy ra tranh chấp. Nhưng qua cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc đánh Việt Nam vào tháng 2 năm 1979, tới nay chiếc cổng đó đã nằm sâu trong đất họ và cách đường biên giới tới mấy trăm mét. Và người Trung Quốc lý sự rằng hiệp ước Pháp- Thanh phân định biên giới, việc đo đạc không chính xác! Vả lại Hiệp ước Pháp-Thanh thì mãi 1885 mới ký, chẳng có liên can gì đến biên giới trước đó.
Hoặc Bãi Tục Đoạn trên sông Bắc Luân huyện Móng Cái (Quảng Ninh), Thác Bản Giốc thuộc huyện Trùng Khánh (Cao Bằng), trước chiến tranh biên giới năm 1979, nó hoàn toàn thuộc phần đất Việt Nam, không hề có tranh chấp. Ấy thế mà sau chiến tranh biên giới, người Trung Quốc nhận chằng là của họ. Trên phương diện quốc gia, họ cù nhầy cò cưa gây căng thẳng trên nhiều tuyến biên ải, tới khi “Bãi Tục Đoạn” chia đôi, Thác Bản Giốc” chia đôi. Sự cực kỳ phi lý ấy, thử hỏi có khác gì truyện con chó sói xin sưởi nhờ một chân trong nhà con thỏ?
Trở lại vấn đề Biển Đông tức Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam. Theo Công ước về Luật biển UNCLOS của Liên Hiệp quốc 1982 mà Trung Quốc và Việt Nam đều ký kêt, thì vùng thềm lục địa 200 hải lý tính từ đường lãnh hải của mỗi quốc gia là quyền tài phán thiêng liêng bất khả xâm phạm của quốc gia đó. Ấy thế mà Trung Quốc nhảy vào đến tận sân nhà người ta mà cãi cối, nhận bừa theo kinh nghiệm truyền đời trên đất liền của họ với mục tiêu là tạo ra vùng tranh chấp.
Việc bất minh này nếu ta không làm quyết liệt, vạch trần sự gian dối đến liều lĩnh, sự ngạo mạn đến trơ trẽn về mặt pháp lý và cả đạo lý cho nhân dân Trung Quốc và toàn thế giới biết, chắc sẽ dẫn đến hậu quả tai hại về mặt chủ quyền. Và nếu điều đó xảy ra thì đương thời không chỉ mắc tội với tổ tông mà muôn đời sau hậu thế còn nguyền rủa.
PV: Thưa nhà văn, sở dĩ có sự gây hấn với các nước láng giềng về lãnh hải, là do Trung Quốc căn cứ vào đường 9 đoạn mà thế giới gọi là đường lưỡi bò trên bản đồ do Trung Quốc tự vẽ. Vậy xin nhà văn giải thích đường 9 đoạn hình thành trên cơ sở nào, và như Trung Quốc biện bạch là do từ trong lịch sử lâu đời, từ thời Hán, Đường, tổ tiên họ đã phát hiện ra vùng biển đảo này, do đó họ có quyền chiếm hữu.
Nhà Văn Hoàng Quốc Hải: Từ trước năm 1946, trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa hoàn toàn không có yếu tố nước ngoài mà chỉ có người Việt Nam chiếm hữu từ thế kỷ 17, tới cuối thế kỷ 19 người Pháp xâm chiếm Việt Nam thì quyền chiếm hữu hai quần đảo này thuộc về người Pháp. Họ thay mặt chính phủ Nam triều quản lý.
Năm 1939, quân Nhật đổ bộ lên chiếm một phần đảo Hoàng Sa và hàng loạt đảo Bành Hồ, Mã Tổ, Đài Loan, Hải Nam của Trung Quốc vừa làm bàn đạp tấn công lục địa Trung Hoa, vừa khống chế bờ tây Thái Bình Dương đối chọi với Mỹ đang thống lĩnh bờ đông Thái Bình Dương. Ngay trong thời gian quân Nhật chiếm đóng Hoàng Sa, thì phía người Pháp và cả người Việt vẫn điều hành trạm khí tượng và cây đèn biển trên quần đảo này. Năm 1945 các nước phát xít Đức - Ý - Nhật đầu hàng Đồng Minh, Trung Hoa dân quốc do Tưởng Giới Thạch đứng đầu nằm trong thành phần của Đồng Minh, nên được phân công giải giáp quân đội Nhật, trong đó có phần lãnh thổ Bắc Việt Nam và quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Đến đầu năm 1950, quân Trung Hoa dân quốc đã rút lui khỏi vùng đảo này. Còn đồn binh của quân Pháp vẫn đóng trụ trên quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên đầu năm 1956, Trung Hoa dân quốc lại tái chiến đảo Ba Bình thuộc Trường Sa, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa chiếm đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa; cả hai bên Trung Hoa đều chiếm đóng trái phép một phần lãnh thổ do Việt Nam quản lý liên tục suốt từ thế kỷ 17.
Đường 9 đoạn trên bản đồ do Trung Quốc vẽ hiện nay là kế thừa đường 11 đoạn do một người thuộc chính quyền Trung Hoa dân quốc tự vẽ ra từ năm 1947, nghĩa là từ sau khi họ tiếp quản phần đất mà người Nhật thua trận để lại.
Lai lịch tấm bản đồ này rất mơ hồ, nó không có xuất sứ lịch sử, không có giới hạn địa lý theo kinh độ, vĩ độ và tọa độ. Sở dĩ hiện nay nó chỉ còn 9 đoạn là do hai đoạn trùm lên Vịnh Bắc Bộ của Việt Nam, sau khi đã phân chia giữa Việt Nam và Trung Hoa thì người Trung Hoa lại tự xóa đi 2 đoạn.
Trung Quốc không hề có một bằng chứng lịch sử nào khả tín như sử sách của họ có ghi chép cụ thể về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, hoặc có thực tế chiếm hữu và khai thác; hoặc chí ít là bia chủ quyền; điều có thể thuyết phục nữa là bản đồ hành chính hoặc bản đồ địa lý quốc gia. Tất cả những yếu tố tối thiểu để chứng minh quyền làm chủ của Trung Quốc trên hai quần đảo này đều không có. Mà tất cả chỉ là những căn cứ vu vơ. Ví như: “Trung Quốc đã hành xử chủ quyền biển Nam Trung Hoa từ thời nhà Tống (960 -1279). Hoặc “Thời Minh Vĩnh Lạc (1403 – 1427), hạm đội của Trịnh Hòa đã đi khảo sát tại vùng biển Đông Nam Á…”
Đúng là Trịnh Hòa có đem quân đi giễu võ dương oai tại vùng Đông Nam Á, nhưng không vẽ được bản đồ, không có dấu ấn gì ghi chép tại mấy nước này, trái lại khi quân của Trịnh Hòa tiến vào Trảo Oa (Java) bị dân địa phương đánh đuổi giết chết tới 170 người Trung Quốc, khiến Trịnh Hòa phải tháo lui. Và sang đời Minh Tuyên Đức thì nhà Minh phải bãi bỏ chương trình rất tốn kém của Trịnh Hòa.
Còn như “Hoàn Cầu thời báo” nói: “Trung Quốc đã hành xử chủ quyền biền Nam Trung Hoa từ thời nhà Tống” thì quả là họ nói liều và họ chẳng hiểu gì về lịch sử cha ông họ. Ta nhớ, trước cuộc xâm lăng Đại Việt năm 1076, triều đình nhà Tống bàn đến nát nước. Các đại thần nhà Tống rất sợ giao chiến với người Giao Chỉ ( Xưa họ gọi nước ta là xứ Giao Chỉ). Lễ bộ thị lang Vương Thiều đã tranh biện kịch liệt với bọn người hiếu chiến và khẳng định “Chớ nên gây việc binh đao với người Giao Chỉ”. Còn Triều Bổ Chí, một văn quan thì dâng sớ trần tình mọi nhẽ can ngăn Vương An Thạch và Tống Thần tông chớ nên gây chiến với người Giao Chỉ. Bởi nhẽ người Tống không quen thạo đường biển. Ông nói: “Quân Tống nhát sóng, hơi có gió đã sợ rồi, không biết sẽ chiến đấu làm sao? Còn người Giao Chỉ, họ giỏi thủy chiến. Từ xưa truyền lại rằng người Việt lặn xuống nước đợi thuyền địch lật úp. Đỗ Mục nói họ có kẻ đi chìm dưới đáy bể tới năm mươi dặm mà không thở…”
Phải nói nhà Tống là một thời đại yếu hèn, hết bị nước Kim đến nước Liêu, nước Hạ chèn đánh. Nhà Tống vừa phải cắt đất cầu hòa vừa phải triều cống. Vua Tống còn bị vua nước Kim bắt phải tôn gọi bằng bá phụ, trong khi Kim Thái tông mới có 12 tuổi. Sự suy thoái triền miên ấy dẫn toàn bộ nước Trung Hoa vào vòng thống trị của người Mông Cổ tới cả trăm năm. Trận quyết chiến cuối cùng năm 1279, quân Mông Cổ dìm chết 10 vạn quân Tống trong Vùng biển Nhai Sơn, tể tướng nhà Tống là Lục Tú Phu phải cõng vua Tống nhảy xuống biển tự tử.
Thử hỏi một đất nước như thế làm sao mà “hành xử chủ quyền” được trên “biển Nam Trung Hoa”?
PV: Nhân sự kiện người Trung Quốc quấy rối trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam với chính sách tựa như “ngoại giao pháo hạm”, nhà văn có thể chứng minh bằng các tài liệu của phía Trung Quốc, rằng từ xưa chưa bao giờ hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Trung Hoa và tình trạng họ chiếm đóng Hoàng Sa và một phần Trường Sa được thể hiện như thế nào?
Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Mới đây tiến sĩ Hán- Nôm Mai Ngọc Hồng vừa hiến Bảo tàng lịch sử Việt Nam tấm bản đồ lãnh thổ Trung Quốc Hoàng Triều trực tỉnh địa dư toàn đồ do Nhà Xuất bản Thượng Hải ấn hành năm 1904, ghi rõ cực Nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam.
Nên nhớ đây là bản đồ “địa dư toàn đồ” nên không có thể nhầm lẫn hoặc bỏ sót một địa danh nào. Vả lại nhóm làm bản đồ gồm các học giả nổi tiếng của Trung Quốc và các chuyên gia phương Tây hợp tác. Thêm vào đó sách “Trung Quốc địa lý học giáo khoa thư biên soạn năm 1905, xuất bản năm 1906 có ghi: “Phía Nam từ vĩ độ Bắc 18độ13’ tận cùng là bờ biển Nhai Châu (Hải Nam)… Vậy là cả bản đồ chi tiết về lãnh thổ và sách giáo khoa của người Trung Quốc đều xác nhận Hải Nam là đất tận cùng giáp biển. Tuyệt nhiên không thấy có tên Hoàng Sa, Trường Sa xuất hiện trên bản đồ này.
Cái tên Tây Sa (tức Hoàng Sa) và Nam Sa (tức Trường Sa) mới chỉ xuất hiện trên thư tịch Trung Quốc từ năm 1947. Và mãi tới năm 1980 ngày 30 tháng 1, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa mới lần đầu tiên đưa ra văn kiện có hệ thống đầy đủ của Bộ Ngoại giao về chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam mà phía Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa, trong khi Việt Nam đã chiếm hữu và khai thác liên tục từ thế kỷ 17 cho tới khi Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm.
Thật ra hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 20, Việt Nam chỉ gọi một cái tên chung là Hoàng Sa (tức đảo cát vàng) hoặc Vạn Lý Trường Sa (một bãi cát dài vạn dặm).
Ta có thể tham khảo thêm một số bản đồ cổ của Trung Quốc ví như “Dư địa đồ” bản đồ của Trung Quốc vẽ đời Nguyên của Chu Tự Bản, được thu nhỏ trong sách “ Quảng Dư Đồ, quyển 1” của La Hồng biên soạn năm 1561, phần cực nam lãnh thổ Trung Quốc là đảo Hải Nam.
Trong “Hoàng Minh đại thống nhất tổng đồ” quyển 1 của Trần Tổ Thụ đời Minh soạn năm 1635, phần lãnh thổ cực nam của Trung Quốc ghi là đảo Hải Nam.
Trong danh mục bản đồ các đời mà Trung Quốc vẽ hiện còn lưu giữ trong “Bắc Kinh tứ khố” còn vô vàn, nhưng chẳng có một chiếc nào đả động đến Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam hoặc Tây Sa, Nam Sa như Trung Quốc gọi.
Trên đây tôi chỉ nêu ba tấm bản đồ tiêu biểu của Trung Quốc, do người Trung Quốc vẽ qua các thời đại Nguyên, Minh, Thanh từ thế kỷ 14 đến đầu thế kỷ 20. Ngoài ra còn vô số các bản đồ do các nhà truyền giáo phương Tây, các nhà thám hiểm, nhà buôn vẽ đều ghi nhận đảo Cát Vàng thuộc về nước Đại Nam.
Vài chứng cớ nữa nói lên người Trung Quốc thừa nhận đảo Cát Vàng (Hoàng Sa) là của Việt Nam.
Vào năm 1895 tầu Bellona của Đức bị vấp đá ngầm và chìm tại quần đảo Hoàng Sa, đánh tín hiệu cấp cứu cho Hải Nam mà không được đáp ứng. Trước đó, năm 1890 tầu Himeji của Nhật Bản cũng bị đắm ở Hoàng Sa, gởi tín hiệu cho Hải Nam đều không được phía Trung Quốc cứu hộ. Trái lại ngư dân của họ lại từ Hải Nam ra hôi của như đồng và các hàng hóa khác. Nhân hai sự vu này chính phủ Anh gởi công hàm phản kháng. Phía Trung Quốc tuyên bố chính thức là quần đảo này không thuộc về Trung Quốc.
Xa hơn nữa trong “Phủ biên tạp lục” nhà bác học Lê Quý Đôn có đoạn viết:” Tôi đã từng thấy một đạo công văn của quan chánh đường, huyện Văn Xương, Quỳnh Châu (đảo Hải Nam) gửi cho Thuận Hóa nói rằng:” Năm Kiền Long thứ 18 (1758-tương đương với thời Chúa Nguyễn Phúc Chu ở Đàng Trong) có 10 tên quân nhân xã An Vĩnh đội Cát Liềm huyện Chương Nghĩa phủ Quảng Ngãi nước An Nam, ngày 7 đến đến Vạn lý Trường Sa tìm kiếm các thứ, có 8 tên lên bờ tìm kiếm, chỉ để hai tên giữ thuyền, bị gió giựt đứt dây thuyền dạt vào Thanh Lan cảng, quan ở đây xét thực đưa trả về nguyên quán. Nguyễn Phúc Chu sai cai bạ Thuận Hóa là Thúc Lương hầu làm thư trả lời”
PV: Thưa nhà văn trên đây ông đã nói về sự cưỡng chiếm phi pháp và ngộ nhận phi lý của nhà cầm quyền Trung Quốc đối với hai quần dảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Vậy xin ông nói việc Việt Nam xác lập chủ quyền trên hai quần đảo này như thế nào để độc giả trong và ngoài nước hiểu cho thấu đáo.
Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Thật ra, ta có vô vàn tài liệu ghi chép rất cụ thể ngày tháng năm Chúa Nguyễn, sau này là các vua triều Nguyễn sai lập Hải đội Hoàng Sa trong đó có nhiều việc như đo đạc các đảo, đo đạc thủy triều, hướng gió, lập miếu thờ thần, trồng cây dựng bia chủ quyền, khai thác các hải sản quý như hải sâm, đồi mồi… thu gom các hàng hóa và vật dụng do các tầu thuyền nước ngoại gặp nạn dạt vào đảo. Quý hơn nữa là các châu bản ví như các chiếu, cáo, dụ, sắc, có chữ ký và con dấu của nhà vua sai phái công việc ở Hoàng Sa, hoặc các biểu tấu của mấy tỉnh ven biển tâu báo về công việc có liên quan đến Hoàng Sa được nhà vua phê duyệt và ký. Cũng có nhiều sắc khen đến Hải đội Hoàng Sa hoặc các cá nhân mẫn cán có công trong Hải độ Hoàng Sa này được vua ký sắc khen tặng. Những bản đó gọi là châu bản, hiện còn lưu trữ khá nhiều và các giấy tờ được vua ban khen trong các gia đình lưu giữ như bảo vật truyền gia cũng không phải là hiếm.
Ngoài ra còn các tài liệu do người Pháp đo đạc, khảo sát trên hai quần đảo này từ năm 1933, kể cả nhật ký của những người Pháp, người Việt làm việc trên đảo này từ trước cho đến ngày 20 tháng 1 năm 1974 là ngày quân xâm lược Trung Quốc dùng lực lượng hải quân áp đảo cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa từ tay quân lực Việt Nam cộng hòa
Ngoài ra còn có nhiều ghi chép, kể cả bản đồ do người ngoại quốc viết và vẽ về quần đảo Hoàng Sa. Chỉ tiếc trong tay ta có cả đống tư liệu vô cùng phong phú, mà không hiểu do cản trở gì lại không được phổ cập trong các trường học và cho mọi người dân Việt Nam đều được biết về hình hài Tổ quốc mình. Hơn nữa còn làm tài liệu cho nhân dân thế giới biết được thực hư, phải trái, nếu không cứ để cho người Trung Hoa nói bừa, nói bậy rồi tới lúc lộng giả thành chân, ta có hối cũng không kịp.
Tài liệu lịch sử thì nhiều không thể trích hết ra đây cho được, tôi chỉ xin giới thiệu hai bản sách phổ cập nhất là “Phủ biên tạp lục” quyển 1 của học giả Lê Quý Đôn có nói kỹ về phủ Quảng Ngãi và đảo Cát Vàng (Hoàng Sa)
Thứ nữa là sách “Đại Nam nhất thống chí” do Quốc sử quán triều Nguyễn soạn. Viện sử học dịch, Nhà xuất bản khoa học xã hội xuất bản gồm 5 tập. Trong đó tập 2, quyển 8 là phần tỉnh Quảng Ngãi, mục “Núi Sông” có nói về “Đảo Hoàng Sa”. Cuối sách, phần phụ lục, lại nói riêng về “quần đảo Hoàng Sa”.
Lại nữa, các sách Đại Nam thực lục; Lịch triều hiến chương loại chí; Việt Nam hội lệ sự điển; Việt sử thông giám cương mục… đều có nói khá kỹ về quần đảo Hoàng Sa.
Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn có đoạn ghi như sau: “Phủ Quảng Ngãi huyện Bình Sơn có xã An Vĩnh ở gần biển, ngoài biển về phía Đông Bắc có nhiều cù lao, các núi linh tinh hơn 130 ngọn, cách nhau bằng biển, từ hòn này sang hòn kia hoặc đi một ngày hoặc vài canh thì đến. Trên núi có chỗ có suối nước ngọt. Trong đảo có bãi cát vàng dài ước hơn 30 dặm, bằng phẳng rộng lớn, nước trong suốt đáy. Bên đảo có vô số yến sào; các thứ chim có hàng nghìn hàng vạn, thấy người thì đậu vòng quanh không chạy. Bên bãi vật lạ rất nhiều. Ốc vân có ốc tai voi to như chiếc chiếu, có ốc xà cừ để khảm đồ dùng, đồi mồi thì rất lớn…”
Các thuyền ngoại phiên bị bão thường đậu ở đảo này. Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng 2 nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy. Ở đấy tha hồ bắt chim, bắt cá mà ăn. Lấy được hóa vật của tầu ( các tầu buôn bị đắm) như là gươm, hoa bạc, tiền bạc, hòn bạc, đồ đồng, khối thiếc, khối chì, sừng, ngà voi, sáp ong, đồ sứ…Đến kì tháng 8 thì về, vào cửa eo, đến thành Phú Xuân để nộp” (phủ biên tạp lục, tập 1, trang 119-120 nhà xuất bản khoa học xã hội 1977).”
Và sách Đại Nam nhất thống chí tập 2 tờ 369-370 ghi: “Đảo Hoàng Sa ở phía đông cù lao Ré huyện Bình Sơn từ bờ biển Sa kì đi thuyền ra, thuận gió thì độ 3-4 ngày đêm có thể đến nơi. Có đến hơn 130 đảo nhỏ cách nhau hoặc 1 ngày đường, hoặc mấy trống canh.
Trong đảo có bãi cát vàng, liên tiếp kéo dài không hết hàng mấy ngàn dặm, bằng phẳng, rộng rãi, tục gọi “Vạn lý trường sa”….
Hồi đầu bản triều đặt đội Hoàng Sa có 70 người, lấy dân xã An Vĩnh sung vào, hằng năm cứ tháng 3 là ra biển tìm kiếm hải vật, đến tháng 8 thì do cửa biển Từ Hiền về nộp; lại đặt đội Bắc Hải do đội Hoàng Sa kiêm quản, để đi lấy hải vật ở các đảo. Phía đông đảo Hoàng Sa gần phủ Quỳnh Châu đảo Hải Nam nước Thanh (tức Trung Quốc). Đầu đời Gia Long, phỏng theo lệ cũ đặt đội Hoàng Sa, sau lại bỏ.

…Năm Minh Mệnh thứ 16 (1836) sai thuyền công, chở gạch đá đến đấy xây đền, dựng bia đá ở phía tả đền để ghi dấu và tra hột các thứ cây ở ba mặt tả hữu và phía sau. Binh phu đắp nền miếu đào được lá đồng và gang sắt có đến hơn 2000 cân”.

Qua đây, ta biết từ thời các chúa Nguyễn đến các triều đại nhà Nguyễn, việc quản lý Hoàng Sa đều do Nhà nước chỉ huy, trong đó có việc đo đạc, vẽ bản đồ, lập miếu, dựng bia, gieo hạt, trồng cây và khai thác sản vật. Tất cả những yếu tố trên đáp ứng đầy đủ các điều kiện chiếm hữu mà Ủy ban pháp luật của Liên hiệp quốc soạn thảo trong Công ước về luật biển UNCLOS 1982. Phía tranh chấp với chúng ta, nằm mơ cũng không có được một dòng chứng tích để làm chứng lý cho việc xác lập chủ quyền chiếm hữu.

PV: Thưa nhà văn tình hình Biển Đông hiện nay rất nguy hiểm, có người ví nó như một kho thuốc súng chờ nổ. Vậy báo chí Trung Quốc đang tuyên truyền gì về vấn đề Biển Đông?

Nhà văn Hoàng Quốc Hải : Trở lại vấn đề Trung Quốc chiếm hữu một phần Hoàng Sa một cách bất hợp pháp từ năm 1956. Trên thực tế năm 1956 Chính phủ Việt Nam cộng hoà đang quản lý cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cho tới tháng 1 năm 1974, Trung Quốc huy động một lực lượng lớn hải quân cưỡng chiếm phần còn lại của quần đảo Hoàng Sa từ tay quân lực Việt Nam cộng hoà. Và mãi tới tháng 3 năm 1988, lại vẫn với thủ đoạn dùng lực lượng áp đảo đánh bất ngờ một cách hết sức dã man và tàn bạo, Trung Quốc lại chiếm đảo Đá Gạc Ma từ tay quân đội nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Sau đó quân xâm lược chiếm thêm các đảo Đá Chữ Thập, Đá Châu Viên, Đá Ga Ren, Đá Tư Nghĩa, Đá Subi….

Sự có mặt của Trung Quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam thực chất là một cuộc xâm chiếm đất đai đúng nghĩa.

Trung Quốc chỉ được sở hữu hợp pháp 13% diện tích Biển Đông, nay tuyên bố chủ quyền tới 90% Biển Đông, tức hơn 3 triệu cây số vuông khiến các nước có chung Biển Đông phản ứng quyết liệt. Không chỉ Việt Nam mà cả Philippines, Malaysia và Brunei cũng khẳng định chủ quyền theo Công ước UNCLOS của Liên hiệp quốc.

Một trong những khẳng định chủ quyền mạnh mẽ của Việt Nam là ngày 21 tháng 6 vừa qua, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật biển, trong đó khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam. Đó là việc bình thường của mỗi quốc gia có chủ quyền. Trung Quốc cũng công bố Luật biển của nước họ từ năm 1992. Ngay điều 1 của Luật biển Việt Nam đã khuyến cáo trong quá trình thi hành có điều gì không phù hợp với Công ước Luật biển UNCLOS của Liên hiệp quốc sẽ lập tức tu chỉnh. Việc làm này tỏ rõ thiện chí của Việt Nam là hoà hợp, là tôn trọng luật lệ quốc tế và thông lệ quốc tế

Tuy nhiên, điều đó khiến Trung Quốc không hài lòng. Quốc hội Trung Quốc ngay lập tức đòi Việt Nam phải huỷ bỏ hoặc sửa chữa Luật biển của nước mình. Bộ ngoại giao Trung Quốc triệu Đại sứ Việt Nam ở Bắc Kinh đến phản đối về Luật biển Việt Nam.

Thực hiện kế hoạch xâm chiếm, Trung Quốc tuyên bố thành lập thành phố Tam Sa, và xây trụ sở hành chính một cách bất hợp pháp trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Nay lại dựa trên quyết định sai trái ấy để lấy nó làm căn cứ dựng lên cái gọi là Khu phòng thủ Tam Sa, thật là một bước leo thang nguy hiểm. Hơn thế nữa, Trung Quốc cho Tam Sa là tiền tuyến của Bắc Kinh trong trận chiến Nam Hải, và triển khai quân đồn trú cấp Phân khu và trực thuộc hạm đội Nam Hải. Và họ đang khởi động đưa một đoàn tầu cá khổng lồ với 23000 tầu tới các vùng biển chủ quyền của Việt Nam đánh bắt. Lại kêu gọi vũ trang cho 100000 ngư phủ trở thành một đội quân mạnh hơn bất kỳ lực lượng vũ trang nước nào đang tranh chấp biển đảo với họ. Với các hành động mang tính cơ bắp đó, rõ ràng người Trung Quốc đang chuẩn bị chiến tranh.

Trong khi đó nhà cầm quyền Trung Quốc luôn tuyên bố phản đối dùng vũ lực và củng cố tình hữu nghị, củng cố lòng tin trên cơ sở “16 chữ”và “4 tốt”. Sự thực đây chỉ là chiêu bài lừa mị nhân dân Việt Nam và dư luận thế giới, kỳ thực họ đang chuẩn bị cho một âm mưu cực kì thâm độc để hiểm chiếm Biển Đông với bất cứ giá nào kể cả chiến tranh.

Song song với hành động hung hăng và hiếu chiến này, các trang mạng và báo chí Trung Quốc đang kích động chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, đổ lỗi cho các nước, đặc biệt là Việt Nam và Philippines. Suốt từ năm 2009 tới nay, báo chí Trung Quốc không ngớt công kích Việt Nam với lời lẽ càng ngày càng hiếu chiến và dường như nó không còn nằm trong hệ ngôn ngữ ngoại giao của bất kì một quốc gia nào gọi là có một chút văn minh nữa. Ví như tờ “Hoàn cầu thời báo” thuộc tờ Nhân Dân nhật báo của Đảng cộng sản Trung Quốc từng viết bài đe dọa Việt Nam rồi hô hào: “Sát Việt khấu vi Nam Sa chi chiến tế kỷ” (giết giặc Việt để làm lễ tế cờ trong trận chiến Nam Sa). Sau đó bài này được đưa trên trang mạng Trung Quốc vào hồi 5h45’ ngày 9-1-2010.

Khơi gợi lại hận thù xưa, công khai thú nhận tội ác của nhà cầm quyền Trung Quốc trong chiến tranh xâm lược Việt Nam ngày 17-2-1979, mạng quân sự Milchina.com tháng 1 năm 2011 đã đăng thư của một viên cựu chiến binh còn sống sót trong cuộc xâm lăng đó, tôi chỉ trích một đoạn ngắn: “…mục đích của cuộc chiến tranh này là tàn phán, hủy hoại quốc lực của Việt Nam chứ không phải là chiếm lĩnh lãnh thổ, nên sau 2 ngày đánh nhau, bộ đội tham chiến của ta chấp hành mệnh lệnh bán chính thức là “không bắt tù binh”, “không để lại cho Việt Nam một lá cây ngọn cỏ”... Tự thân lời thú tội này đã nói lên tất cả. Sự ghê tởm này chỉ có thể so được với đội quân xâm lược nhà Minh do tên tội phạm số 1 Minh Thành tổ đã xua 80 vạn quân sang xâm lược và tàn phá đất nước Việt Nam hồi đầu thế kỉ 15.
Trung Quốc thường tuyên bố “Trỗi dậy trong hòa bình” và là “Một quốc gia có trách nhiệm” nhưng sao lời lẽ thì hiếu chiến, mà hành động lại thuần gây hấn với các nước láng giềng. Cái đám tầu cá hung hăng kia liệu có đúng là dân ngư phủ hay là bọn thám báo, quân báo trá hình, hết gây sự với Việt Nam, Philippines lại đến Nhật Bản, Hàn Quốc và Nga; ngay tầu thăm dò Impecable của Mỹ cũng bị cái đám tầu cá này quấy nhiễu. Tổng hợp các hành động ngạo mạn trên cho ta biết một Trung Quốc đang trỗi dậy thật sự. Nhưng là sự trỗi dậy với cung cách học đòi làm sen đầm quốc tế. Và với thái độ ngông ngạo muốn làm bá chủ thế giới thật sự. Mới đây đọc trên mạng thấy đăng lại bài phát biểu của tướng Trì Hạo Điền, nguyên Bộ trưởng Bộ quốc phòng nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Bài này có tựa đề: “Sử dụng vũ khí sinh học quét sạch nước Mỹ, bá chủ thế giới”.
“…Chỉ có thể sử dụng loại vũ khí không hủy diệt, nhưng có khả năng giết nhiều người chúng ta mới có thể dành lấy nước Mỹ cho chúng ta.
…Chúng ta có khả năng đạt được mục tiêu “Quét sạch nước Mỹ” một cách hoàn toàn bất ngờ. Khi đồng chí Đặng Tiểu Bình còn sống, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã sáng suốt đưa ra quyết định đúng đắn là không phát triển các nhóm tầu sân bay và thay vào đó, tập trung phát triển các loại vũ khí có thể thủ tiêu hàng loạt dân chúng của nước thù địch.
Xét về mặt nhân đạo, chúng ta cần phải cảnh báo cho dân chúng Mỹ và thuyết phục họ phải rời khỏi nước Mỹ và để lại vùng đất họ từng sinh sống trên đó cho người Trung Quốc. Hoặc là ít nhất họ phải rời khỏi một nửa nước Mỹ để nhường phần đất đó cho người Trung Quốc, bởi phát hiện ra nước Mỹ lần đầu tiên chính là người Trung Quốc.” (Nguồn báo Đất Việt 7-7-2012, Nguyễn Hữu Quý).
Thảo nào với Hoàng Sa, Trường Sa của ta, họ bảo họ đã nhìn thấy trước và đã lưu vào sử sách từ đời Hán, đời Đường.
Đây không còn là tham vọng nữa mà là cuồng vọng của kẻ cuồng chiến.
PV: Vậy giới học giả Trung Quốc đã lên tiếng như thế nào về vấn đề Biển Đông, thưa ông?
Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Nước Trung Hoa có truyền thống văn hiến lâu đời, từng sản sinh ra các học thuyết triết học vĩ đại, cống hiến đáng kể vào kho tàng trí thức và nền văn minh nhân loại cùng với hơn 1 tỷ dân và biết bao các học giả, biết bao nhà trí thức đạt tầm cao nhân loại, không dễ gì bị các nhà dân tộc chủ nghĩa mù quáng và hiếu chiến lừa dối được. Vì vậy giới học giả Trung Hoa đã cất lên tiếng nói nhân văn một cách dũng cảm, công bằng và khoa học.
Học giả Chu Hạo, chuyên viên của Viện quan hệ quốc tế Bắc Kinh đăng trên tờ China Daily vào ngày 6-7-2012: “Điểm nóng tranh chấp Biển Đông đã làm xấu đi hình ảnh Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt từ 2010 tới nay…Nếu tiếp tục chính sách ngoại giao pháo hạm, sự phát triển của Trung Quốc sẽ bị cho là mối đe dọa với nhiều nước khác, không tỉnh táo thì Biển Đông sẽ là cái bẫy giam hãm Trung Quốc”.
Giáo sư Sun Zhe lưu ý Trung Quốc rằng: “Nam Hải (Biển Đông) không phải là “ao nhà” (internal lake) của Trung Quốc, bởi phần nhiều vùng biển này thuộc về vùng biển quốc tế…Với đường lưỡi bò này, Trung Quốc có nguy cơ bị cộng đồng quốc tế hiểu rằng Bắc Kinh đang cố gắng kiểm soát Biển Đông như một “ao nhà” của chính mình…”
Trong cuộc Hội thảo của Học viện khoa học xã hội Trung Quốc (CASS), giáo sư Thịnh Hồng thuộc Đại học Sơn Đông nói: “Chúng ta không nên chỉ nghĩ lợi ích cho mình mà cần phải quan tâm đến lợi ích của toàn thế giới bằng cách tuân thủ các quy tắc quốc tế”.
Học giả Zhang Yuling thuộc CASS nói: “Trung Quốc không nên bám víu vào tư duy truyền thống của mình. Việc thảo luận về các biện pháp cụ thể để phân định vùng đặc quyền kinh tế trong vùng biển này phải phù hợp với UNCLOS, trong đó Asean sẽ đóng một vai trò phù hợp. Đường lưỡi bò diễn giải mơ hồ về quyền tài phán, không đề cập đến các yếu tố địa lý của đường bờ biển hay đường cơ sở là hoàn toàn không thuyết phục”.
Nhà nghiên cứu Lý Lệnh Hoa thuộc trung tâm tin tức Hải Dương của Trung Quốc cho rằng: “Chúng ta – Trung Quốc vẽ đường chín đoạn mà không có một kinh độ hoặc vĩ độ cụ thể, và cũng không có căn cứ pháp luật. Đường chín đoạn chiếm giữ gần 80% Biển Đông là do Trung Quốc tự vẽ ra năm 1974”.
Giáo sư Trương Thụ Quang, đại học Tứ Xuyên thì nhấn mạnh “Trung Quốc không thể tự vẽ ra đường chín đoạn. Khi Trung Quốc khăng khăng đưa ra “Đường lưỡi bò” nhưng không có căn cứ để khẳng định và không được bất kì nước nào thừa nhận thì nó vô giá trị. Quyền lợi của anh (TQ) cần được người khác thừa nhận, người khác không thừa nhận thì anh không có quyền đó”.
Thạc sĩ báo chí truyền thông Chu Phương, Biên tập viên cộng tác tại Ban biên tập đối ngoại của Tân Hoa xã có bài báo với tựa đề “Hiện trạng Nam Hải (Biển Đông) có lẽ sẽ kéo lùi cải cách chính trị của Trung Quốc” đăng ngày 17-7-2012. Mở đầu Chu Phương viết: “Nhiều người dân nước ta đến giờ vẫn chưa hiểu tại sao Nga lần đầu tiên lại tham gia diễn tập quân sự lớn Thái Bình Dương do Mỹ chỉ đạo. Kỳ thực đó là sự phản ứng mạnh mẽ quốc tế trước hành động thiết lập “Thành phố Tam Sa” đi ngược lại luật quốc tế và vô trách nhiệm của Trung Quốc.
…Việc thiết lập “Thành phố Tam Sa” là một trò cười quốc tế điển hình. Chính phủ Trung Quốc cần nhận rõ sai lầm to lớn của mình, sớm có hành động sửa chữa sai sót.
…Hành động sai lầm nguy hiểm vô trách nhiệm của một số người trong việc thiết lập “Thành phố Tam Sa” đang đẩy nhân dân Trung Quốc sa vào miệng hố chiến tranh. Nhân dân Trung Quốc cần hòa bình, không cần chiến tranh. Trong việc xử lý vấn đề quốc tế và xử lý vấn đề quan hệ với các nước, Trung Quốc cần phải tỉnh táo, không được cuồng nhiệt. Trung Quốc cần làm một dân tộc có trách nhiệm, đứng thẳng giữa khu rừng các dân tộc thế giới, quyết không thể làm một “cô nhi thế giới” hành động ngang bướng.
Trong việc giải quyết công việc quốc tế, Trung Quốc cần phải học cách tuân thủ quy tắc trò chơi đã được cả thế giới công nhận, tránh một mình một kiểu, mình khen mình hay, đừng để trở thành Triều Tiên thứ hai…
Bản thân tôi mạnh mẽ kêu gọi hãy lập tức hủy bỏ “thành phố Tam Sa”, triển khai sớm nhất có thể được việc đối thoại mang tính xây dựng với các nước xung quanh Nam Hải, dốc sức cho việc làm dịu tình hình căng thẳng ở Nam Hải (Biển Đông) loại bỏ nguy cơ chiến tranh, đưa Trung Quốc trở lại với đại gia đình quốc tế”…
Trên đây là hai lối hành xử của người Trung Quốc. Một bên là áp đặt, ngông cuồng, hiếu chiến, tham lam, bất chấp đạo lý và pháp lý, còn một bên là tiếng nói của lương tri, tôn trọng đạo lý và luật pháp quốc tế, hòa bình, thân hữu.
PV: Và phản ứng của thế giới đối với vấn đề Biển Đông thì sao, thưa ông?

Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Các quốc gia trên thế giới đều thể hiện sự quan tâm đặc biệt tới vấn đề này, đặc biệt bất bình với những hành động khiêu khích và xâm lấn trắng trợn của Trung Quốc. Sau đây là một vài ý kiến của một số nhân vật Hoa Kỳ, quốc gia vốn là thân hữu của Trung Quốc, ân nhân giúp Trung Quốc thoát khỏi vòng vây của Liên Xô và tạo tiền đề cho Trung Quốc hội nhập với thế giới và trở thành một nước cường thịnh. Trước hàng loạt các hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông, Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, ông John Mc Cain cho là: “Trung Quốc khiêu khích”.

Còn nghị sĩ Jim Webb của Ủy ban đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ cho rằng: “Các hành động gần đây của Trung Quốc nhằm đơn phương khẳng định quyền kiểm soát Biển Đông là phạm luật quốc tế”.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ, bà Hilary Clinton nói: “Trung Quốc cần hành xử như một cường quốc có trách nhiệm”.
Ngài Hishore Mabubanie, giáo sư hiệu trưởng trường Chính sách công Lý Quang Diệu Singapore thì phê phán: “Trung Quốc bắt đầu có những sai lầm nghiêm trọng. Việc Trung Quốc năm 2009 gửi công hàm lên Liên hiệp quốc để đưa ra yêu sách đường chín đoạn (đường lưỡi bò) là hành động không khôn ngoan, vì Bắc Kinh sẽ gặp khó khăn trong việc biện hộ cho yêu sách của mình theo luật quốc tế. …Đường chín đoạn có thể sẽ chỉ là cái cùm lớn đeo vào cổ Trung Quốc”.
Dẫu sao tôi vẫn muốn trích lại bài của ông luật sư người Mỹ viết cách đây một năm (27-7-2011). Ông Ted Laguatan là một trong 29 luật sư nổi tiếng nhất trong suốt 20 năm qua của Đoàn luật sư bang California đã lên tiếng về sự ngông ngạo của Trung Quốc đối với Biển Đông.
Tựa đề bài viết của ông Ted: Tại sao Trung Quốc không đưa vấn đề Trường Sa ra Liên hiệp quốc?
“…Nhà Hán của Trung Quốc mới có từ 206 trước Công nguyên đến 220 Công nguyên.
Còn Alexandre đại đế chết năm 323 trước Công nguyên. Vương quốc của ông bao gồm Hy Lạp, Syrie, Ba Tư, Ai Cập và một phần Ấn Độ.
Đế quốc La Mã tồn tại hơn 1000 năm thâu tóm cả Châu Ấu, một phần Châu Á, Châu Phi.
Vậy ngày nay 2 nước Macédoine và La Mã có thể đòi lại các phần đất cũ mà đế quốc Macédoine và La Mã chiếm đóng từ mấy ngàn năm trước không?
Nếu lý luận như Trung Quốc ngày nay thì người Mông Cổ có thể đòi lại cả Nước Nga và nước Trung Hoa cùng nhiều nước khác mà Thành Cát-Tư-Hãn (Jensis Khan) đã thống trị từ thế kỷ 13, 14 không?
Thói ngạo mạn của Trung Quốc lấy cơ bắp làm ngôn ngữ ngoại giao và áp đặt chính sách đối ngoại của mình buộc đối phương phải tuân thủ tựa như đường lối của bọn phát xít Hít-Le hồi Đại chiến thế giới thứ 2. Thế nhưng Trung Quốc luôn rêu rao là “trỗi dậy trong hòa bình” và muốn làm bạn với các nước.
Lâu nay Trung Quốc đã thể hiện rất kiên trì đường lối đối ngoại là cái gì họ làm với thế giới luôn luôn ngược lại với cái mà họ hùng hồn tuyên bố
Hãy cảnh giác với Trung Quốc!”
PV: Thưa ông, tình hình đã tới mức nghiêm trọng. Có thể nói Trung Quốc đã dẫn dắt mâu thuẫn ngoài Biển Đông tới miệng hố chiến tranh, nhưng họ lại cứ vờ nói: “Phải giải quyết tranh chấp Biển Đông trên cơ sở thương lượng hòa bình, tránh đối đầu, tránh đe dọa dùng vũ lực…” Xin ông cho hỏi 1 câu cuối để khép lại cuộc trao đổi. Thưa ông, vậy ta cần làm gì và phải làm gì để không dẫn đến đối đầu, xung đột vũ trang mà vẫn bảo vệ được hòa bình, toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải và các quần đảo của chúng ta.
Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Đúng vậy, những gì đã và đang diễn ra trên Biển Đông quả là nghiêm trọng. Câu hỏi nhà báo vừa đặt ra tôi không thể trả lời được, đó là về phương diện quốc gia, thẩm quyền ấy thuộc về Đảng cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Bởi theo điểu 4 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 thì Đảng cộng sản lãnh đạo Nhà nước. Lãnh đạo Nhà nước để xây dựng và bảo vệ đất nước là trọng trách thuộc về Đảng và Nhà nước, tức bộ máy cầm quyền phải có trách nhiệm với vận mệnh quốc gia.
Tuy nhiên, “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”. Vả lại nước là của dân. Dân được bà n và có quyền bàn nhưng quyết về phương lược đối sách lại thuộc về nhà cầm quyền. Ta phải làm gì với người hàng xóm mưu mô hiểm độc này ư? Ta là nước nhỏ, họ là nước lớn cho nên từ mấy ngàn năm nay là hàng xóm hữu hảo hay hàng xóm cừu thù đều do họ quyết định chứ đâu phải do ta. Xưa thế, nay vẫn thế. Nhưng nếu khôn ngoan và biết tự trọng thì không cho phép họ biến mình thành con rối trong tay họ. Nếu ta biết tự trọng thì buộc đối phương phải tôn trọng ta.
Cha ông ta đã từng buộc đối phương phải kính trọng thay vì tôn trọng. Đã đến nước này có nhẽ Nhà nước không nên lẩn tránh sự thật. Bởi ta không cho Báo chí nói lên sự thật, không cho nhân dân biểu lộ lòng yêu nước trước sự đe dọa của Trung Quốc. Thậm chí tầu của Trung Quốc vào sâu trong vùng biển ta cắt cáp, phá hoại sản xuất của ta, ta cũng im lặng không tố cáo; tầu của Trung Quốc bắn chết ngư dân ta, cướp thuyền, thu lưới, vét cá, bắt tù, bắt chuộc tiền, ta cũng im lặng hoặc chỉ nói “tầu lạ”.
Chắc hẳn Nhà nước muốn giữ tình hòa hiếu giữa hai nước, mà lãnh đạo hai nước gặp nhau thường trao đổi trên cơ sở 16 chữ vàng và 4 tốt. Tuyên bố chung trong các cuộc lãnh đạo hai nước thăm viếng nhau, đều xoay quanh chuyện “đối tác chiến lược”, “hợp tác toàn diện”, “ không để cho tình hình Biển Đông cản trở sự hợp tác phát triển của hai nước”. “ Mọi tranh chấp có thể giải quyết bằng thương lượng”. Lại lập cả đường dây nóng….
Phía ta giữ gìn từng li từng tí, cốt sao cho bạn tin tưởng. Thế nhưng ta càng nhẫn nhịn, bạn càng lớn tiếng vu cáo ta, la mắng thậm chí chửi bới ta. Ta càng nhún nhường bạn càng lấn tới. Nay thì “bạn” đã sấn sổ vào tận cửa nhà ta, túm lấy ngực áo ta, dí dao nhọn vào cổ ta rồi. Vậy ta vẫn kêu họ là “bạn” hay phải gọi nó là “quân ăn cướp giết người”, hay là “quân xâm lược” hay vẫn là “ quân lạ” đây?
Nếu không xác định rõ đối tượng thì làm sao tìm ra đối sách. Một sự thật tàn nhẫn đã hiển lộ rành rành, có lẽ Nhà nước nên chấp nhận, không nên và cũng không thể né tránh được nữa trước toàn dân về tình hình đất nước đang bị ngoại bang đe dọa nghiêm trọng, quan hệ đến vận mệnh an nguy của Tổ quốc. Chỉ có đoàn kết toàn dân với tinh thần Diên Hồng mới có thể hóa giải được.
Cách hành xử của tổng thống Philippines Benigno Aquino nói trước toàn dân ngày 23 tháng 7 vừa qua do hãng Reuters đưa lại, tưởng cũng nên tham khảo: “Trong vai trò lãnh đạo, tôi có bổn phận bảo vệ luật pháp của đất nước chúng ta. Và trong khi tôi làm bổn phận này, căng thẳng đã diễn ra, một mặt là, phía Trung Quốc đưa ra lý thuyết đường đứt đoạn 9 khúc để tuyên bố chủ quyền gần như trên toàn bộ biển Tây Philippines.
…Chúng ta đã tỏ ra nhẫn nhục tới mức tối đa trong khi đối phó với vấn đề này. Chúng ta đã chọn con đường không lời qua tiếng lại với những tuyên truyền khiêu khích của báo chí Trung Quốc.
Tôi không cho là một điều quá đáng khi chúng ta yêu cầu nước khác tôn trọng chủ quyền của chúng ta, như chúng ta tôn trọng chủ quyền của một nước khác trong thế giới mà chúng ta cần phải sống chung. Có những kẻ khuyên chúng ta nên bỏ qua vụ việc Bajo Masinloc (quốc tế gọi là bãi cạn Scarborough) chúng ta nên tránh phiền phức.
Nhưng nếu có một người nào đó vào ngôi vườn của bạn và nói với bạn rằng hắn làm chủ ngôi vườn ấy, bạn có chịu không? Liệu có đúng không khi chúng ta giao cho kẻ khác những gì chính đáng thuộc về chúng ta. Và vì thế tôi kêu gọi đồng bào phải đoàn kết về vấn đề này. Chúng ta phải nhất trí nói cùng một tiếng nói:
Xin đồng bào giúp tôi chuyển đến phía bên kia (TQ) những lý lẽ trong lập trường của chúng ta”.
Vậy là các nhà lãnh đạo và nhân dân Philippines đã có một tiếng nói chung
Ngài tổng thống Aquino kết thúc bài nói chuyện bằng câu: “Xin đồng bào giúp tôi chuyển đến phía bên kia (TQ) những lý lẽ trong lập trường của chúng ta”, có nghĩa là ông kêu gọi các phương tiện truyền thông góp sức cùng nhà nước đấu tranh trên cơ sở của lẽ phải.
Về phía ta điều nên làm khẩn cấp trong lúc này là phải công khai các tư liệu về chủ quyền 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cho toàn dân được biết. Phải xác định rõ tọa độ 2 quần đảo này theo kinh độ, vĩ độ. Phải trình bày rõ ràng việc chiếm hữu, khai thác thực hiện chủ quyền liên tục từ mấy thế kỉ nay. Phải in các bản đổ cùa ta và của Trung Quốc cổ kèm theo. Phải dịch ra các thứ tiếng, và tùy viên văn hóa của sứ quán ta ở các nước có quan hệ ngoại giao với ta, phải có nghĩa vụ giới thiệu và làm rõ vấn đề với các nước bạn, để bạn hiểu đâu là chân lý. Phải phổ cập kiến thức này qua hệ thống truyền thông của Nhà nước. Phải phổ cập chương trình này trong các cấp học của Bộ giáo dục. Trong các đơn vị của Bộ quốc phòng, mỗi người lính phải hiểu tường tận lãnh thổ, lãnh hải của cả nước. Nếu không biết rõ hình hài của đất nước thì biết ta sở hữu đến đâu mà bảo vệ. Nên in thành tài liệu rút gọn về Trường Sa, Hoàng Sa có kèm bản đổ phát không cho khách du lịch nước ngoài và phát tài liệu này cho toàn dân. Cũng nên mở các cuộc thi tìm hiểu về địa lý, lịch sử của Trường Sa, Hoàng Sa, Bạch Long Vỹ, Lý Sơn, Cô Tô, Cồn Cỏ, Phú Quý, Phú Quốc…
Trong điều kiện có thể nên in cả Luật biển Việt Nam và Công ước luật biển UNCLOS của Liên hiệp quốc để phổ cập cho mọi tầng lớp nhân dân được biết. Và đó chính là cơ sở pháp lý để ta đấu tranh với họ. Cái lý gì bãi cạn Scarborough của Philippines cách đất liền Philippines có 130 hải lý, cách đảo Hải Nam Trung Quốc hơn 600 hải lý mà Trung Quốc nhận là đất của họ.
Trường Sa, Hoàng Sa cách bờ biển Việt Nam từ 300 đến 400 km, cách Trung Quốc từ 600-900 km mà Trung Quốc lại nhận là của Trung Quốc. Nó hoàn toàn trái với Công ước Luật biển của Liên hiệp quốc mà Trung Quốc cũng là một bên ký kết. Đường lưỡi bò do Trung Quốc tự vẽ ra và đe dọa các nước phải công nhận. Nếu các nước có liên quan và cả thế giới chấp nhận cho Trung Quốc áp dụng luật rừng thì ước tính họ chiếm của Việt Nam 1.170.000km2 thềm lục địa; Philippines mất khoảng 620.000km2; Malaysia 170.000 km2; Brunei 50.000km2; Indonesia 50.000km2. Và như thế là Trung Quốc sẽ làm bá chủ Biển Đông, tức là làm chủ cả phía tây Thái Bình Dương, thế giới sẽ khốn đốn với họ.
Nếu Việt Nam và các nước Đông Nam Á nhát sợ không liên kết lại đứng ra tự bảo vệ mình, không liên kết quốc tế lại thành một mặt trận bảo vệ công lý chống lại các hành vi tham lam, ngang ngược và gây hấn của Trung Quốc, chắc chắn họ sẽ lấn lướt hơn, quyết đoán hơn.
Tuy nhiên, nhân loại của thế kỉ 21 đã tỉnh thức, dù nhà cầm quyền Trung Quốc có tham vọng biến mình thành Hít-le thì thế giới cũng không cho phép, nhân dân Trung Quốc không cho phép.
Thiết nghĩ trên đây là những việc cần làm cấp bách, còn việc phải làm cũng không kém phần cấp bách nữa là chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống xấu nhất. Trong đó về nhân lực, về khí tài không thể coi nhẹ. Không thể duy ý chí mà phải coi trọng về thực chất. Và việc phán đoán cơ mưu quỷ quyệt của đối phương phải hết sức chính xác, sai một ly đi cả vạn dặm. Về tham mưu nhân dân, chúng tôi xin Bên an ninh, Quốc phòng lưu ý cái đám cả vạn tầu cá trá hình của Trung Quốc. Có thể sự rắc rối khó lường lại nảy sinh từ đám tầu cá chứ không phải lũ tầu ngầm và khu trục hạm.
Hãy dũng cảm, tự tin và liên kết bạn bè để hưng thế nước. Dân tộc ta đã từng vùi chôn cái mộng bá chủ thiên hạ của Hốt-tất-liệt- tên trùm đế quốc Mông - Nguyên có sức mạnh kinh thiên động địa hồi thế kỉ 13; chẳng nhẽ đó không phải là nguồn động lực, không phải là một thứ khí tài thần thánh cho toàn dân bảo vệ Tổ quốc sao?
Sức mạnh là ở lòng dân!
PV: Cảm ơn nhà văn Hoàng Quốc Hải về cuộc trao đổi toàn diện và sâu sắc này.

Nhóm phóng viên
Sống Mới thực hiện

thylan
28-08-2012, 08:45 PM
‘Trăng xanh’ xuất hiện trên bầu trời Việt Nam đúng lễ Vu Lan

Những người yêu thích thiên văn trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam sắp được chiêm ngưỡng hiện tượng mà giới khoa học gọi là “Mặt trăng xanh” trong những năm nhuận (theo âm lịch).

Mặt trăng xanh” là thuật ngữ để chỉ hiện tượng trăng tròn 2 lần trong một tháng dương lịch. Đây là hiện tượng xảy ra khi âm lịch có 13 tháng (tương đương 13 lần trăng tròn) trong khi dương lịch vẫn giữ nguyên 12 tháng. Hai loại lịch này được các nước châu Á, trong đó có Việt Nam sử dụng song song nên xuất hiện hiện tượng trăng tròn 2 lần trong một tháng dương lịch.

http://img2.news.zing.vn/2012/08/28/trang.jpg
"Trăng xanh" sắp xuất hiện trên bầu trời Việt Nam.


Theo đó, hiện tượng “Trăng xanh” năm nay sẽ chuẩn xác nhất vào lúc 13h58’ ngày 31/8 giờ GMT (20h58’ giờ Việt Nam). Đây là trường hợp vô cùng đặc biệt bởi ngày 1/8 cũng là ngày trăng tròn (người Việt Nam vẫn gọi là rằm). Hiện tượng này sẽ chỉ lặp lại vào tháng 7/2015 và đều đặn theo chu kì đó.

Trên thực tế, Mặt trăng ngày 31/8 sẽ không có màu xanh trừ trường hợp xuất hiện khói hoặc bụi trong không khí, làm ánh sáng từ Mặt trăng chiếu xuống trái đất bị hấp thụ, chỉ còn lại màu xanh.

Một số tài liệu ghi nhận, lần trăng tròn thứ 2 trong tháng có màu xanh dương được ghi nhận vào năm 1980 và 1991, sau những vụ cháy rừng và núi lửa phun trào ở một số quốc gia. Riêng năm 1999, hiện tượng Mặt trăng có màu xanh xảy ra trong cả tháng Giêng và tháng 3 (năm đó tháng 2 dương lịch không có ngày rằm) dù không có tháng nhuận theo âm lịch.

Chính vì đó, thuật ngữ “trăng xanh” (blue moon) bị hiểu nhầm là màu sắc của Mặt trăng. Trên thực tế, lần trăng tròn thứ 2 trong tháng dương lịch không khác gì so với những lần trăng tròn trong năm. Việc gọi hiện tượng đó là “trăng xanh” chỉ nhằm nhấn mạnh sự khác biệt của nó.

Hồng Duy
(Theo infonet)

thái thanh tâm
02-09-2012, 12:38 PM
Thú chơi đổi vợ ở Sài Gòn



Khi ăn nhậu họ tạo lá thăm đánh số từ 1 đến 8 rồi để các bà bắt trước. Sau đó, các ông bắt thăm được số nào thì trở thành cặp đôi với người phụ nữ mang số đó. Nếu trùng số với vợ mình thì xóa rồi bắt lại.

Trong giới ăn chơi ở TP HCM, lâu nay vẫn râm ran về một vài hội nhóm bí mật có cái tên rất quái gở: Hội đổi vợ... Hội này đang tồn tại ngấm ngầm giữa lòng thành phố, hoạt động thậm thụt, không ồn ào và trở thành mốt sa đọa của một số người.

Trong tiếng Anh, swing có nghĩa là trao đổi quyền ân ái tạm thời, và người tham gia được gọi là swinger. Theo một vài tài liệu nghiên cứu xã hội học thì phong trào swing ra đời từ những năm 50 thế kỷ trước tại Mỹ sau chiến tranh Triều Tiên.

Tài liệu của Hiệp hội Swing NASCA Bắc Mỹ khẳng định, thế chiến thứ hai đã khiến nhiều phụ nữ trẻ có chồng là phi công của Mỹ trở thành góa phụ. Các phi công còn sống sót sau cuộc chiến đã lập một câu lạc bộ giúp đỡ các góa phụ trẻ này từ tình cảm, vật chất đến cả tình dục. Sau chiến tranh Triều Tiên, một số lớn phụ nữ có chồng là phi công bị rơi vào cảnh góa bụa đã gia nhập các câu lạc bộ này. Nữ nhiều, nam ít nên hiện tượng quần hôn xảy ra trong các câu lạc bộ.

Năm 1960, tại Anh, kể từ khi thuốc tránh thai được phát minh, phong trào buông thả tình dục trong giới trẻ bùng phát mạnh. Các nhà sử học gọi giai đoạn này là "Cuộc cách mạng tình dục ở châu Âu". Hình thức sinh hoạt câu lạc bộ phi công của Mỹ lan sang Anh gặp môi trường "cách mạng tình dục" đã biến nhanh thành phong trào swing sex. Phong trào này được định hình và lan ngược trở lại Mỹ, và được gọi gọn lại là swing.

Phong trào swing dần thoái hóa vì sự kỳ thị của xã hội. Nó chuyển trạng thái sang các loại hình "sinh hoạt thị giác", và các loại tạp chí sex, phim sex bùng nổ. Một số tín đồ swing vẫn ngấm ngầm hoạt động trong vòng bí mật để tránh ánh mắt dè bỉu, kỳ thị của xã hội.

Từ năm 1990, bước nhảy vọt công nghệ Internet đã tạo điều kiện cho phong trào swing trỗi dậy mạnh mẽ. Những lời mời gọi tham gia swing không còn truyền tai chậm chạp nữa mà lan nhanh theo đường truyền Internet mà vẫn đảm bảo bí mật. Kể từ năm 1995, một số nhà kinh doanh đã nắm bắt cơ hội đứng ra mua bán nhu cầu quái gở này và hàng loạt câu lạc bộ swing ra đời ở Mỹ. Năm 2005, John Stossel - một nhà nghiên cứu xã hội học của Mỹ thực hiện một cuộc thăm dò và kết luận có hơn 4 triệu người đã từng tham gia swing.

Hiện, rất nhiều trang mạng của các câu lạc bộ kinh doanh swing ở Mỹ vẫn chào mời khách hàng công khai. Phí của các cuộc sinh hoạt không hề rẻ, thấp nhất là 20.000 USD cho một thẻ sinh hoạt swing trong một năm. Đắt đỏ là vậy nhưng mỗi câu lạc bộ có ít nhất 1.000 cặp đôi tham gia. Giống như các loại hình giải trí khác, swing cũng len lỏi vào xã hội Việt một cách ngấm ngầm.

http://vnexpress.net/Files/Subject/3b/bd/b9/f1/4_1choi1192-450.jpg
Một chòi lá trong khu du lịch ở Tây Ninh là điểm sinh hoạt của nhóm swing. Ảnh: ANTG.

Rất nhiều topic, diễn đàn sex tiếng Việt kêu gọi lập nhóm swing. Những thành viên đăng ký tham gia đều để lại tuổi, số đo 3 vòng và nick yahoo của hai vợ chồng. Khi thêm những nick này để trò chuyện tìm hiểu, phát hiện đó chỉ là những gã sở khanh tìm thú vui làm tình miễn phí lập nick ảo để thả mồi câu.

Trên trang web của một câu lạc bộ swing vùng LasVegas (Mỹ), một ngày sau khi nhận được đoạn chat và vài dòng giới thiệu, một người trả lời bằng tiếng Việt rất rõ ràng: "Chao ban. Rat tiec la toi dang o My. Neu ban thich, toi se gioi thieu mot nguoi ban cua toi dang sinh song tai Saigon".

Ngay sau khi nghe trình bày lý do gọi điện làm quen, Phi trả lời gọn "Ông nhầm người" rồi tắt máy. Nhưng hôm sau, Phi gọi lại bằng thái độ ân cần vui vẻ, mời đi uống cà phê. Anh ta hẹn ngày 19/8 đi một mình đến gặp vợ chồng Phi tại quán cà phê trên đường Nguyễn Văn Cừ (quận 1, TP HCM). Cạn ly cà phê vẫn chưa thấy Phi đến, bất chợt người ngồi bàn bên cạnh đến mượn bật lửa mồi thuốc. Mồi thuốc xong, anh ta hỏi: "Có phải anh là… không?". Thấy khách gật đầu, anh ta ngồi xuống, nói mình là Phi rồi ngoắc cô gái trẻ ngồi lẻ loi một mình trong góc quán đến ngồi chung bàn. Đó là vợ Phi.

Phi tự giới thiệu mình 38 tuổi và cô vợ tên Ngọc 25 tuổi. Phi tốt nghiệp cử nhân ở Úc và cô vợ tốt nghiệp cử nhân tại Sài Gòn. Phi có vẻ gai góc sành đời bao nhiêu thì cô vợ có vẻ ngây thơ bấy nhiêu. Trong khi Phi liến thoắng trò chuyện thì cô vợ e thẹn, ngại ngùng khép kín. Mọi câu trả lời, cô ta đều chuyển sang cho chồng.

Khi bị hỏi về nhân thân, Phi khuyên: "Với những thành viên đã gia nhập trong hội, tiết lộ thông tin cá nhân như thế là quá nhiều. Quy định cơ bản nhất cho các thành viên trong hội là: Gặp, thấy, làm nhưng không biết". Có nghĩa là, các thành viên gặp gỡ nhau để biết mặt và làm tình chứ không nên tò mò tìm hiểu về nhau. Ai vi phạm, đuổi ngay ra khỏi cuộc chơi và không có cơ hội tái gia nhập.

Phi cho biết, buổi cà phê hôm nay, anh ta có nhiệm vụ kiểm tra "hộ chiếu" trước khi xét duyệt vào hội. "Hộ chiếu" là giấy đăng ký kết hôn của người xin nhập hội. Quy định của hội là, người nào giới thiệu thành viên mới, người đó chịu trách nhiệm kiểm tra "hộ chiếu" và hoàn toàn chịu trách nhiệm về người mới. Đổi lại, người bảo lãnh, giới thiệu được ưu tiên trao đổi vợ với thành viên mới như là một thủ tục "xét tuyển". Bất cứ thành viên mới nào cũng phải vượt qua cửa ải này để chứng tỏ thiện chí. Phi trấn an, chỉ duy nhất một lần người bảo lãnh kiểm tra "hộ chiếu", kiểm tra nhân thân và thủ tục "xét tuyển" người xin vào hội để chống "mọt".

"Mọt là cánh nhà báo, công an hay những kẻ chưa vợ chui vào hàng ngũ. Anh yên tâm, đây là lần duy nhất anh tiết lộ nhân thân. Tụi tôi không lưu giữ thông tin này", Phi giải thích. Và để chứng tỏ đó là quy định chung, Phi chìa ra giấy chứng nhận đăng ký kết hôn của họ. Sau khi xem bản photo giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, Phi hỏi thêm vài chi tiết như: Vợ anh có đồng ý tham gia không? Đã từng tham gia swing lần nào chưa? Trình độ học vấn? Đang cư ngụ quận nào? Lý do gia nhập hội? Câu trả lời không cần chi tiết.

Sau khi xem tấm ảnh cô gái mặc đồ tắm được giới thiệu là vợ thành viên mới, ánh mắt Phi như dính cứng vào bức ảnh một lúc, rồi nói như tuyên bố: "Ố khày! Vợ chồng anh được gia nhập. Pass của anh là Con Chim Dễ Thương. Nếu chat online thì chúng tôi gọi anh là conchimdethuongOX. Còn vợ anh là conchimdethuongBX. Anh phải tạo một nick yahoo mới chuyển cho tôi. Nick yahoo không được trùng với pass. Khi nào sinh hoạt, chúng tôi sẽ thông báo cho anh qua mail. Nếu người nhắn tin gọi không đúng pass, anh đừng trả lời. Khi nhận được mail yêu cầu gặp nhau chỗ cũ thì anh phải hiểu chỗ cũ tức là quán cà phê X ở Bàu Cát, Tân Bình. Xem mail xong phải xóa ngay".

http://vnexpress.net/Files/Subject/3b/bd/b9/f1/5_an1192-450.jpg
Ăn nhậu rồi bốc thăm để ghép ông này vào bà kia, sau đó các thành viên có quyền "vui vẻ" với đối tác. Ảnh: ANTG.

Phi cho biết, nhóm swing của mình không phải là duy nhất bởi TP HCM có khoảng 10 nhóm swing hoạt động riêng rẽ. Nhóm của Phi lập từ cuối năm 2009 do một người có pass là Bim Swing OX. Bim Swing OX học thiết kế đồ họa ở Úc về nước năm 2007. Khi còn ở bên đó, Bim Swing có tham gia một câu lạc bộ trao đổi vợ chồng làm tình. Khi về Việt Nam, trong lần đi Vũng Tàu tắm biển, họ quen một cặp vợ chồng ở chung khách sạn. Sau cuộc nhậu làm quen, họ đã trao đổi vợ chồng cho nhau. Sau chuyến đó, hai cặp vợ chồng này rủ rê thêm vài cặp khác tham gia chơi trò này.

Và chuyến sinh hoạt "giao lưu" đầu tiên của họ là một ngày cuối năm 2009 tại Đà Lạt. Hiện giờ nhóm của họ có 8 cặp vợ chồng, trong đó có một cặp chồng Mỹ, vợ Việt. Tuổi của thành viên trẻ nhất là 26 và cao nhất là 40. Tất cả đều có bằng cử nhân ở các chuyên ngành khác nhau.

Họ thường chọn ngày cuối tuần, cuối tháng hẹn nhau tại một khu du lịch để ăn nhậu, trò chuyện. Khi ăn nhậu họ tạo lá thăm đánh số từ 1 đến 8 rồi để các bà bắt trước. Bắt dính số nào thì mang số đó. Sau đó, các ông bắt thăm được số nào thì trở thành cặp đôi với người phụ nữ mang số đó. Nếu trùng số với vợ mình thì xóa rồi bắt lại. Nếu anh 26 tuổi bắt đúng số phụ nữ 40 tuổi thì cũng phải "làm tròn nghĩa vụ" chứ không được từ chối bởi bất cứ lý do gì.

Khi đã chia đôi xong, các cặp dìu nhau vào phòng muốn làm gì thì làm trong 3 giờ. Thời gian kết thúc, chỉ cần phụ nữ than phiền về người đàn ông "chơi không đẹp", thì cặp đôi đó sẽ không còn cơ hội tham gia lần sau.

Do chỉ có 8 cặp trao đổi lòng vòng riết cũng nhàm, nhóm này bàn với nhau tuyển thêm thành viên để có "làn gió mới". Họ đề ra quy định tuyển dụng: Các cặp vợ chồng từ 25 tuổi trở lên 40 tuổi, có giấy chứng nhận đăng ký kết hôn; Không phân biệt giai cấp, tầng lớp, sang hèn, nghề nghiệp; Không phân biệt xấu đẹp; Không tiếp nhận các trường hợp chưa xác định giới tính hoặc giới tính không rõ ràng; Không tiếp nhận người không có khả năng hành vi dân sự và độc thân.

Nguyên tắc cơ bản trong sinh hoạt là không tìm hiểu đời tư và số điện thoại của bạn tình; Không quấy rầy, đeo bám, tiếp cận ngoài buổi sinh hoạt; Không quay phim, chụp hình lẫn nhau; Luôn lịch sự, ân cần và thỏa mãn phụ nữ; Không tỏ thái độ ghen, gây sự, đánh nhau; Không tranh giành bạn tình của nhau; Kết thúc một chuyến sinh hoạt, tổng chi phí được phân đều cho các thành viên góp vào chi trả.

Phi khẳng định, trong những chuyến sinh hoạt, chưa từng có chuyện gì đáng tiếc xảy ra. Đang trò chuyện bỗng Phi quay sang nói nhỏ gì đó với cô vợ. Cô ta lắc đầu quầy quậy, mặt đỏ bừng. Phi nháy mắt bảo nhỏ với khách: "Sáng chủ nhật, tụi tôi hẹn nhau cà phê ở đây. Ông cứ đưa bà xã ra đây làm quen với mọi người. Còn bây giờ, nếu hứng, ông gọi bà xã ra đây, tui với ông trao đổi".

Theo An ninh Thế giới

thylan
05-09-2012, 02:55 PM
Đã bắt được Dương Chí Dũng


(NLĐO)- Bị can Dương Chí Dũng, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, đã bị bắt ngày 4-9 sau hơn 3 tháng lẩn trốn. Dương Chí Dũng bị bắt tại 1 nước trong khối ASEAN và được Cảnh sát quốc tế Interpol di lý về Việt Nam.

Ngày 5-9, một lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm thuộc Bộ Công an xác nhận đã bắt được bị can Dương Chí Dũng (55 tuổi, trú tại phường Thành Công, Hà Nội - nguyên cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam).

http://nld.vcmedia.vn/BJ072xyCtEPHtnnWS0mbQaWHs01BP3/Image/2012/09/Duong-Chi-Dung_e869c.jpg

Ông Dương Chí Dũng đã bị bắt tại một nước ASEAN và di lý về Việt Nam


Được biết, Dương Chí Dũng bị bắt tại 1 nước trong khối ASEAN và được Cảnh sát quốc tế Interpol di lý về Việt Nam.

Trước đó, sáng 18-5, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và khám xét nơi ở đối với ông Dương Chí Dũng (SN 1957, trú ở phố Nguyên Hồng, quận Đống Đa, Hà Nội), Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines) về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 165 Bộ luật hình sự xảy ra tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.

Tuy nhiên, vào thời điểm khám xét, ông Dũng đã không có mặt tại nơi ở.

Cơ quan điều tra Bộ Công an đã kiên trì thuyết phục gia đình, thân nhân của Dương Chí Dũng vận động đối tượng ra tự thú, nhưng không có kết quả.

Ngày 18-5, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã phát lệnh truy nã đặc biệt số 01/C48-P2 trong toàn quốc, đồng thời phối hợp với tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol) ban hành lệnh truy nã quốc tế đối với Dương Chí Dũng.

Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an, sau một thời gian khẩn trương tiến hành các biện pháp truy bắt, ngày 4-9, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã bắt giữ được Dương Chí Dũng.

Hiện nay, Cơ quan điều tra Bộ Công an đang khẩn trương điều tra, làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật. “Cơ quan điều tra Bộ Công an kêu gọi những ai có hành vi che giấu, tiếp tay cho Dương Chí Dũng bỏ trốn, nếu ra tự thú sẽ được hưởng khoan hồng” - thông báo của cơ quan điều tra nêu rõ.

Ngay sau khi bắt được Dương Chí Dũng, Thượng tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, đã khen thưởng kịp thời cho các tập thể, cá nhân có thành tích bắt giữ bị can này.

Theo tài liệu ban đầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra, vào ngày 1-2-2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án tham ô tài sản, khởi tố và bắt tạm giam 4 bị can liên quan trực tiếp đến hành vi tham ô tài sản trong việc sửa chữa ụ nổi No83M.

http://nld.vcmedia.vn/BJ072xyCtEPHtnnWS0mbQaWHs01BP3/Image/2012/09/U-noi-No83M_838cd.jpg

Thiệt hại trong vụ mua ụ nổi No83M lên tới 100 tỷ đồng

Liên quan đến vụ việc trên, vào tối ngày 17-5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đã khám xét và bắt giữ ông Mai Văn Phúc (trú ở phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội), Vụ phó Vụ Vận tải - Bộ GTVT, nguyên tổng giám đốc Vinalines và ông Trần Hữu Chiều (trú ở phố Thái Thịnh, quận Đống Đa), Phó tổng giám đốc Vinalines, cũng về hành vi như ông Dương Chí Dung.

Được biết, ông Dương Chí Dũng khi giữ chức chủ tịch Hội đồng quản trị rồi Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinalines từ tháng 8-2005 cho đến khi được giao giữ chức Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam từ ngày 6-2-2012. Còn ông Mai Văn Phúc từng có 2 năm ở cương vị tổng giám đốc Vinalines dưới thời ông Dương Chí Dũng làm chủ tịch Hội đồng quản trị.

Thông tin ban đầu, ông Dũng, ông Phúc và ông Chiều có liên quan đến những sai phạm trong việc điều hành Vinalines trong dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam của Công ty Sửa chữa tàu biển Vinalines (thuộc Vinalines). Trong đó, đáng chú ý là việc đầu tư mua ụ nổi No83M gây lãng phí đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với 4 bị can về hành vi tham ô tài sản.

Cụ thể, các bị can đã tự ý quyết định đầu tư khi chưa được Bộ GTVT cập nhật dự án vào quy hoạch… và chưa trình Thủ tướng Chính phủ xem xét duyệt theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Trong quá trình phê duyệt, tổ chức mua ụ nổi No83 M (hạng mục chính của nhà máy) trước thời điểm ông Dương Chí Dũng phê duyệt dự án nhà máy 1 năm và khi chưa được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giao mặt bằng xây dựng nhà máy nên khi ụ nổi mua về không có địa điểm để lắp đặt, đưa vào khai thác dẫn đến hậu quả là tính đến tháng 4-2010, Vinalines phải chi 30 tỷ đồng thuê chỗ neo đậu, bảo vệ, trực sự cố cho ụ nổi tại cảng Gò Dầu và hơn 70 tỷ đồng tiền trả lãi vay ngân hàng cho khoản tiền mua, sửa chữa ụ nổi No83M gây thiệt hại tổng cộng là 100 tỷ đồng.

Theo báo Người lao động

thylan
23-09-2012, 07:38 PM
Sau nhiều ngày dày công mai phục, PV đã tiếp cận và dần phơi lộ đường đi của loại thịt bẩn đang ngày ngày xâm nhập vào bữa ăn của nhiều hộ gia đình ở TP. HCM.

Lò mổ hiện đại 'đắp chiếu', dân ăn thịt bẩn

Thành phố Hồ Chí Minh là địa bàn lớn đông dân cư, mỗi ngày tiêu thụ cả ngàn tấn thịt gia súc, gia cầm các loại. Dù đã có các quy định về kiểm dịch nhưng trên thực tế bằng nhiều chiêu thức mỗi ngày vẫn có hàng trăm tấn thịt không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm tra, có nguồn gốc thịt bệnh, thậm chí thịt ôi thối, trong quá trình phân hủy được tuồn ra thị trường tiêu thụ để sau đó nó “ngự” vào bữa cơm của nhiều gia đình, hay bếp ăn tập thể của công nhân, sinh viên.

Bất kể ngày đêm, 200 lò mổ heo lậu ở tỉnh Đồng Nai vẫn vô tư hoạt động để tuồn ra thị trường hàng trăm tấn thịt mỗi ngày. Không ít trong số đó, có cả heo bị bệnh và heo chết.

http://l.yimg.com/bt/api/res/1.2/QzllaN9TaVbh1xr8sj6sWg--/YXBwaWQ9eW5ld3M7cT04NTt3PTMxMA--/http://media.zenfs.com/vi_VN/News/Vietnamnet/Ch__tr_n_heo_b_nh__heo-c1f7e352d579efd2a6a3682d8ec10026
Chiếc xe ba gác máy xé tan màn đêm, lao đi vun vút trên quốc lộ 1A đoạn qua phường Long Bình, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Bất ngờ, tài xế giảm ga rồi quặt vào hẻm C337 thuộc tổ 4, nơi có lò mổ heo của bà Hồng Thúy hoạt động từ 5 năm nay.

4 con heo được đổ xuống. 3 con heo trong số đó, mỗi con có trọng lượng từ 70-90 kg kêu ré lên sau cú chích điện.

Một con nằm bẹp dưới nền nhà. Sau 20 phút xuống tay, cả 4 con heo được làm sạch, cơ thể bị xẻ đôi. Nội tạng được phân ra riêng, bỏ ngổn ngang trên nền nhà cáu bẩn.

11 giờ đêm, thời điểm chợ heo Tam Hòa ở TP Biên Hòa mở cửa, hai thanh niên mình trần trùng trục vứt hai con heo đã làm sạch lên chiếc xe máy không biển số, rồi rồ ga lao đi.

Người tiêu dùng khó có thể phân biệt thịt sạch ở chợ trộn lợn bệnh, lợn lành.

Sau hơn 15 phút chạy xe với tốc độ chóng mặt, 4 chân của con heo vắt trên yên sau của chiếc xe quệt xuống đất dính bùn biến dạng. Vừa trờ tới chợ, con heo này được các chủ sạp dùng cây đinh ba chấu đưa lên bàn, sau đó hai phụ nữ dùng dao ra thịt.

Hơn 12 giờ khuya, lần lượt 4 con heo được người thanh niên tập kết đưa ra chợ. Tất cả đều không được đóng dấu kiểm dịch giết mổ của thú y.

Heo bệnh vào lò

http://l1.yimg.com/bt/api/res/1.2/YqGcRLlqJuHIqBnAAO9d.w--/YXBwaWQ9eW5ld3M7cT04NTt3PTMxMA--/http://media.zenfs.com/vi_VN/News/Vietnamnet/Ch__tr_n_heo_b_nh__heo-28c44b15dd69ee94400cc195d4d175de
Chiếc xe ba gác máy chở đầy heo từ một lò mổ ra chợ Tam Hòa (ảnh lớn) và
hàng loạt xe máy chở heo lậu từ lò mổ chui chạy ra chợ tiêu thụ (ảnh
nhỏ).

Cách lò mổ của bà Thúy không xa, lò mổ của bà Nguyệt ở hẻm 699A, khu phố 4, phường Long Bình cũng hoạt động vô tư cả ngày đêm, bất chấp cách đây một tháng cơ sở này bị lực lượng chức năng bắt quả tang giết mổ chui và 4 con heo bị giết đều không được kiểm dịch, trong đó 3 con là heo bệnh.

Lò mổ heo lậu của ông Nguyễn Hợi ở C96 tổ 2, khu phố 3, phường Long Bình luôn kín cổng cao tường với người lạ. Người dân nơi đây cho biết, khó ai vào được lò mổ này vì “ông Hợi rất cảnh giác, nhà luôn có chó dữ”.

Ngày 5-9, trong vai những người ở TPHCM đi đặt mua thịt heo cho bếp ăn của công ty với 1.000 công nhân, chúng tôi mới được một người ở lò heo tiếp. Phía sau ngôi nhà cấp bốn, nơi giết mổ, 3 con heo bị hóa kiếp lăn lóc thịt và phụ phẩm dưới nền nhà dơ bẩn, cạnh nhà vệ sinh.

Khi chúng tôi xin được ra xem nguồn heo và nơi giết mổ, nhân viên của cơ sở này liền ngăn lại. “Anh yên tâm, heo nơi đây đều có nguồn gốc rõ ràng, heo lấy từ Trảng Bom về đều được thú y kiểm dịch sau giết mổ” - người này trấn an.

“Nếu lấy heo không kiểm dịch, heo bệnh nơi đây cũng có. Thịt loại này giá rẻ hơn, thường dành cho công nhân, các quán cơm bụi. Giá từ 20-45 nghìn/kg” - cô gái tiếp.

Lò mổ của của ông Hợi tưởng là “đệ nhất mất vệ sinh” nhưng chẳng thấm vào đâu so với lò của ông Bốn, nằm trong một con hẻm nhỏ thuộc khu phố 4, phường Long Bình, TP Biên Hòa.

Theo chân đoàn kiểm tra khi ập vào lò mổ này, chúng tôi chứng kiến 4 con heo có tổng trọng lượng gần 400kg đã bị giết mổ trong môi trường cực kỳ dơ bẩn.

Trong khi đó, 10 con heo khác đang ngắc ngoải trong chuồng, có 2 con mắc bệnh không thể đứng nổi. Chủ cơ sở cho biết chuẩn bị mổ để đưa ra chợ tiêu thụ.

Do tất cả số heo này đều không có nguồn gốc nên chúng nhanh chóng bị lực lượng thú y chặn lại. Chủ lò mổ thừa nhận số heo này được gom từ một trại nuôi heo ở xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất.

Một ngày sau khi lò mổ của ông Bổn bị phát hiện mổ heo chui, ngành chức năng còn phát hiện ra một lò mổ “chui” khác cách đó không xa, của bà Đỗ Thị Lê.

Cơ sở này cũng hoạt động công khai từ nhiều năm qua. Người này cho biết mỗi ngày giết từ 2-5 con và số thịt heo lậu này được tiêu thụ chủ yếu ở chợ Biên Hòa và bỏ mối cho các quán ăn.

Chợ heo “trộn”

http://l1.yimg.com/bt/api/res/1.2/LV_ToLa70kmwwo3Ku.BZgQ--/YXBwaWQ9eW5ld3M7cT04NTt3PTMxMA--/http://media.zenfs.com/vi_VN/News/Vietnamnet/Ch__tr_n_heo_b_nh__heo-da633a6b2250a4d8eb8ec42e3a931483

Tập kết heo, gà lậu trên quốc lộ 1A, khu vực Hố Nai, Biên Hòa để chuyển đi tiêu thụ
12 giờ đêm 4-9, chúng tôi có mặt ở khu giết mổ tập trung Rạng Đông trên xa lộ Hà Nội, phường Tân Biên, TP Biên Hòa, nơi mỗi ngày giết mổ khoảng 200 con heo, bò.

Trời mưa tầm tã, hai chiếc xe ba gác máy vẫn chất đầy thịt heo nối đuôi chạy ra chợ Tam Hòa. Theo sau hai xe ba gác là một xe ôm, có vẻ như làm “công tác cảnh giới”.

Thịt được chất lăn lóc trên xe, không cần che đậy.
Lần theo những chiếc xe máy chở heo từ các lò mổ chui, chúng tôi phát hiện mỗi đêm có hàng trăm con heo không kiểm dịch, heo bệnh, heo chết được tập kết về chợ Tam Hòa, chợ Tân Biên ở TP Biên Hòa.

Tuy nhiên, trên các chốt chặn vào chợ, thậm chí ở trong khu chợ được cho là lớn nhất khu vực miền Đông Nam Bộ về kinh doanh heo vẫn không có bóng dáng của cán bộ thú y.

Từ 11 giờ đêm, chợ đầu mối heo Tam Hòa bắt đầu nhộn nhịp xe cộ vào ra. Ngoài xe ba gác, xe máy chở heo còn nhiều xe tải đông lạnh, xe tải 1,5 đến 3 tấn tập kết kéo dài trên con đường vào chợ “ăn hàng”.

Một thương lái là người quen, chuyên lấy hàng ở chợ này, cho biết một tháng ban quản lý chợ Tam Hòa mới đi kiểm tra một lần. “Có khi chả có lần nào. Heo lậu cứ thế trà trộn vào chợ và được đưa đi các tỉnh tiêu thụ” - người này nói thẳng.

Heo sau khi xuống sạp được các tiểu thương xử lý bằng cách cắt lọc xương ra riêng, thịt đùi ra riêng, thịt vai và mỡ ra riêng…rồi đóng thùng cho các thương lái chuyển đi bằng xe máy.

Các đầu nậu buôn thịt thường trộn thịt heo lậu, heo bệnh vào thịt heo có kiểm dịch để che mắt cơ quan chức năng. Bà Nga, một “trùm” cung cấp thịt ở chợ Tam Hòa, cho biết mỗi đêm nơi đây tiếp nhận hơn 100 tấn heo từ các lò mổ ở phường Long Bình, Hố Nai, Trảng Dài và huyện Trảng Bom đổ về.

Sau đó, số thịt heo này lần lượt được cho vào các thùng nhựa, trong các giỏ xách hoặc bằng thùng inox đưa lên xe máy tỏa đi các hướng.

“Chẳng ai quan tâm về dấu kiểm dịch bởi họ biết chợ heo này nhiều heo lậu, họ cũng phải mua heo này về buôn bán, bỏ mối hoặc chế biến để kiếm lời” - bà Nga bật mí.

“Thực ra người ta quan tâm tới giá cả heo hôm nay bao nhiêu hơn là hỏi heo có kiểm dịch hay không” - bà tiếp.

Khi đồng hồ chỉ 3 giờ sáng cũng là lúc lượng heo đã đổ về đầy chợ. Ngoài các con buôn đi xe máy ở các tỉnh từ Bình Dương, TPHCM lên lấy hàng, các loại xe tải với nhiều biển số ở tỉnh Đồng Nai, Vũng Tàu, Bình Dương và TPHCM đều có mặt để chở hàng về các tỉnh.

Trong khi đó, ở khu chợ Tân Biên, chợ Biên Hòa ở phường Tân Biên, TP Biên Hòa mỗi đêm có khoảng 300-400 con heo không qua kiểm dịch được giết mổ.

Rồi cũng như ở chợ Tam Hòa, số thịt này nhanh chóng được các thương lái gom đưa đi bỏ mối cho các chợ nhỏ và quán ăn, các khu công nghiệp Biên Hòa 1, 2 và các nhà cung cấp suất ăn công nghiệp.
(Theo Tiền Phong)

thylan
07-10-2012, 04:08 PM
Mất sạch tiền vì cú điện thoại lỡ

Các tập đoàn viễn thông lớn trên thế giới đã phát đi thông báo khẩn tới các khách hàng để cảnh giác kiểu lừa đảo viễn thông mới này nên những nhóm hacker đã chuyển hướng "tấn công" sang các quốc gia ở châu Á và châu Phi, và chiêu lừa này đã xuất hiện ở Việt Nam một vài tuần nay.

"Gọi lỡ" lừa cước viễn thông Tính đến thời điểm này, đã có rất nhiều thông tin của khách hàng phản ánh về việc liên tục bị các số máy lạ từ nước ngoài có đầu số +881, +882 nháy máy, gọi lỡ vào số điện thoại di động; tất cả các trường hợp trên muốn gửi tin lại thì không gửi được, bấm số gọi lại vào đầu số gọi nhỡ thì lúc thấy tín hiệu đổ chuông, lúc thì nghe nhạc chờ, lúc thì chỉ có tổng đài trả lời tự động bằng tiếng Anh nhưng tuyệt nhiên không có ai trả lời đáp trả cuộc gọi.

Đến khi thanh toán cước phí, mặc dù liên lạc không được kết nối nhưng khách hàng đã bị mất một số tiền lên đến hàng trăm nghìn đồng cho các số gọi không được nêu trên. Gọi điện tới trung tâm tư vấn khách hàng của các nhà mạng để khiếu nại khách hàng mới biết đã bị tin tặc quốc tế lừa bằng chiêu thức hết sức đơn giản: "nháy máy + gọi lỡ + gọi lại + không kết nối = mất tiền". Thậm chí số máy lạ không chỉ gọi lỡ một lần mà rất nhiều lần, khiến cho việc mất tiền cũng nhiều thêm. Rất nhiều khách hàng của các nhà mạng Mobifone, Vinaphone, Viettel đã bị rơi vào trường hợp tương tự.

Thực hư ra sao, cụ thể theo thông báo của các nhà mạng trong nước, hiện nay đã xuất hiện các số điện thoại từ nước ngoài có mã đầu số +881xxxxxxxx, +882xxxxxxxx thực hiện công đoạn nháy máy để tạo nên các cuộc gọi lỡ để chủ thuê bao "sập bẫy", khi ấn số gọi lại, ngay khi đổ chuông dù chỉ trong tích tắc đã bị tính cước và nhóm hacker bắt đầu chiếm đoạt tiền cước. Thủ đoạn của tin tặc là liên tục tạo nên hàng triệu triệu cuộc gọi nhỡ thông qua dải số có sẵn đến các số điện thoại di động của bất kỳ ai, sống tại quốc gia và vũng lãnh thổ nào, trong đó có Việt Nam. Sau khi thuê bao di động Việt Nam gọi lại đến các số quốc tế đã gọi lỡ, trạng thái kết nối bị các hacker chuyển sang chế độ trả lời tự động, hướng dẫn khách hàng bấm số nội bộ, hoặc số nhánh để sử dụng dịch vụ để "câu" giờ vì thời gian chờ càng lâu số tiền khách hàng bị hacker rút ruột càng lớn. Đó là lý do vì sao nhiều người dùng mới chỉ gọi lại, đợi chuông nhưng tài khoản đã bị trừ hàng trăm nghìn đồng. Theo tư vấn của dịch vụ chăm sóc khách hàng 1080 Hà Nội thì những dải số +881..., +882... được xác định là hệ thống vệ tinh di động toàn cầu không trực thuộc sự quản lý của bất kỳ cơ quan, quốc gia nào (?), nên khi khách hàng bị "móc túi" thì việc truy thu hoàn cước số tiền bị mất là bất khả thi. Theo thống kê tính đến thời điểm này, mức cước mà thuê bao Việt Nam bị lừa dao động từ khoảng 99.000-150.000 đồng/phút. Cảnh giác Rất nhiều khách hàng của Tập đoàn Viễn thông SingTel (Singapore), AT&T (Mỹ), Hãng Viễn thông MTC (Namibia) cùng nhiều quốc gia khác đã bị lừa từ dải số +881, +882... Thông tin khẩn được phát đi từ các tập đoàn này cảnh báo các thuê bao di động cảnh giác bởi ngoài việc lấy tiền cước, các nhóm hacker còn truy cập vào điện thoại để "ăn trộm" những dữ liệu mang tính bảo mật cá nhân được lưu giữ trong điện thoại.

Diến biến tiếp theo của nhóm hacker này sau khi "missed call" bị bại lộ, chúng tiếp tục chuyển hướng sang dùng phần mềm gửi tin nhắn (sms) hàng loạt (spam) với nội dung úp mở, gây sự tò mò khiến khách hàng gọi lại theo số nhắn tin và chúng tiếp tục "rút" tiền với giá cước rất cao. Theo ông Nguyễn Ngọc Anh, chuyên viên kỹ thuật Công ty dịch vụ viễn thông Vinaphone cho biết, khi khách hàng mở máy nhận các cuộc gọi quốc tế thì không bị mất tiền, nhưng khi khách hàng dùng mạng di động gọi lại các số điện thoại vệ tinh sẽ bị tính cước rất cao ngay sau khi điện thoại ở đầu dây bên kia có tín hiệu đổ chuông.

Để khắc phục, ngoài việc cảnh giác tuyệt đối không được gọi lại ở bất kỳ hình thức nào khi thấy cuộc gọi lỡ từ số máy lạ có đầu số quốc tế thì khách hàng nên đăng ký khóa chiều gọi đi quốc tế để tránh tình trạng mất cước quốc tế. Ông Nguyễn Hùng Sơn, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm công nghệ cao, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, CATP Hà Nội cho biết, hiện nay tội phạm công nghệ cao liên tục gia tăng, hoạt động trên địa bàn rộng và ngày một tinh vi. Ngoài các đối tượng tội phạm trong nước còn có hiểm họa từ các đối tượng ở nước ngoài xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực thông qua Internet, hệ thống vệ tinh toàn cầu xâm nhập vào máy tính cá nhân, điện thoại di động và các thiết bị công nghệ khác của cá nhân lẫn cơ quan, tổ chức.
Trước khi có những biện pháp cụ thể, khách hàng không nên chủ quan, cần cảnh giác kiểm tra kỹ số điện thoại trước khi thực hiện gọi lại, đăng ký chặn số và tin nhắn để tránh các chiêu lừa tiền của tin tặc. Vừa qua, các chuyên gia an ninh mạng của Công ty Bkav Việt Nam đã đưa ra cảnh báo, thông qua "lỗ hổng" hệ điều hành của iPhone, đối tượng có thể lợi dụng để thực hiện hành vi lừa đảo, tống tiền, ăn cắp thông tin bí mật, tài khoản của người sử dụng iPhone tại Việt Nam bằng các tin nhắn (sms) giả mạo từ người thân nạn nhân. Kết quả thử nghiệm giả lập tình huống và chứng minh của các chuyên gia an ninh mạng Bkav cho thấy đối tượng có thể giả mạo bất kỳ số máy nào lưu trong danh bạ để gửi tin nhắn đến chính thiết bị đó. Ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc An ninh mạng của Bkav nhận định: "Việc có thể giả mạo số điện thoại để gửi tin nhắn sẽ dẫn đến nguy cơ xuất hiện nạn lừa đảo hay tống tiền bằng tin nhắn. Đối tượng sẽ không chỉ giả mạo số điện thoại của người thân, vợ hoặc chồng con, bạn bè mà còn có thể ngụy trang bằng số dịch vụ ngân hàng hay nhà cung cấp dịch vụ viễn thông để lừa người sử dụng". Hiện nay Công ty Apple đã xác nhận lỗi này, tuy nhiên "lỗ hổng" của iPhone không phụ thuộc vào nhà mạng và không thể ngăn chặn từ hệ thống mà chỉ chờ nhà sản xuất sửa lỗi vá lỗ hổng. Vì vậy các chuyên gia an ninh mạng khuyến cáo người sử dụng iPhone khi nhận được tin nhắn từ người thân, quen cần để ý, nếu có dấu hiệu nghi ngờ có thể phải nghĩ đến khả năng mình đang bị lừa, cần cảnh giác đề phòng và ngay lập tức kiểm tra lại nguồn gốc của thông tin từ tin nhắn được gửi đến.
(Theo ANTD)
Thy Lan đưa tin

thylan
24-10-2012, 12:23 PM
Quá nhiều nỗi lo, quá nhiều lời hứa

Hơn 24 giờ sau trận động đất mạnh nhất xảy ra tại Bắc Trà My (Quảng Nam), hàng ngàn người dân trong khu vực vẫn chưa hết hốt hoảng vì diễn biến động đất ngày càng phức tạp hơn, rung lắc mạnh và chưa dấu hiệu dừng lại.

http://media.zenfs.com/vi-VN/News/tto/Ch_nh_tr__-_X__h_i-c5acb29640289f1203645548f9cd3765
Nhiều người đi đường trực tiếp xem công trình thủy điện sau trận động đất xảy ra ngày 22-10
Ảnh: TẤN VŨ

Trong khi đó, mưa lớn bắt đầu trút xuống khu vực này, nước hồ dâng lên khiến nguy cơ động đất sẽ tiếp tục diễn ra trong những ngày tới.

Sáng 23-10, chúng tôi có mặt tại các xã Trà Tân, Trà Đốc (huyện Bắc Trà My) nằm gần khu vực thủy điện Sông Tranh 2. Nhiều người dân vẫn thất thần, lo lắng khi vừa trải qua một đêm mệt mỏi vì động đất.
Chưa hết bàng hoàng, ông Lê Văn Nam (50 tuổi, thôn 4, xã Trà Tân) kể lại: “Gia đình đang ngồi xem tivi bỗng nghe tiếng nổ ầm từ lòng đất. Nhà cửa bị rung lắc, kính cửa nhà tôi vỡ ra nhiều mảnh. Tưởng nhà sắp sụp, tôi và vợ ôm các con bỏ chạy ra đường. Không lạ chi động đất nhưng lần này ngoài sức tưởng tượng của tôi”. Ông Nam cho biết chỉ có cách phóng thật nhanh ra đường may ra thoát thân chứ chẳng chờ ai đến cứu.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Tin (45 tuổi, thôn 4, xã Trà Tân) kể lại: “Tôi đang bán hàng cho khách bỗng nghe ầm ầm dưới lòng. Tôi chỉ kịp kêu vợ con chạy ra khỏi nhà”.
Nhà của chị Hồ Thị Thổ, 31 tuổi, nằm ở khu tái định cư Trà Đốc. Trận động đất đêm 22-10 đã khiến hai cây cột trước hiên nhà bị đứt gãy, sáng hôm sau chị phải thuê thợ hồ đến xây dựng lại hai cây trụ nhà mới.
Còn ông Hồ Văn Giúi (70 tuổi, thôn 3, xã Trà Đốc) than thở: “Lần đầu tiên tôi mới thấy động đất dữ dội như thế này. Thà nó động đất mạnh một lần cho chết hết chứ người dân chúng tôi phải nhiều đêm thức trắng, luôn sống trong cảnh bất an, thất thần như thế này thì sống mà khổ hơn chết nữa”.
Không chỉ người dân ở Bắc Trà My, các huyện lân cận như Tiên Phước, Phước Sơn, Nam Trà My, Hiệp Đức, Nông Sơn..., thậm chí nhiều người dân tại TP Tam Kỳ lần đầu tiên cũng cảm nhận được rung chấn này.
Quá nhiều lời hứa
Ông Huỳnh Ngọc Thiệu, trưởng Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Bắc Trà My, cho biết trận động đất tối 22-10, khiến 246 căn nhà của năm xã và thị trấn trong huyện bị hư hại. Các xã Trà Bui, Trà Sơn và Trà Đốc là nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất. Trong khi đó, 583 căn nhà đã hỏng hóc vì động đất trước đó vẫn chưa được khắc phục.
Ngay sau khi động đất xảy ra, Sở Công thương tỉnh Quảng Nam có công văn gửi chính quyền tỉnh Quảng Nam kiến nghị tăng cường công tác kiểm tra, quan trắc đập thủy điện Sông Tranh 2 ở chế độ đặc biệt. Quan trắc lưu lượng thấm nước mỗi ngày từ 2-3 lần trong điều kiện bình thường và tăng lên khi mùa mưa lũ về.
Chiều 23-10, chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My Đặng Phong cho biết dù đã được tập huấn ứng phó động đất nhưng người dân vẫn hoang mang với những gì diễn ra. Đặc biệt là cường độ và tần suất động đất ngày càng tăng và mưa lớn bắt đầu trút xuống. Ông Phong tỏ ra bức xúc trước việc Bộ Công thương và các cơ quan chức năng hứa trong cuộc họp báo về thủy điện Sông Tranh 2, cũng như buổi làm việc với Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, là sẽ cử các chuyên gia vào “nằm vùng” tại thủy điện Sông Tranh 2 để trực tiếp theo dõi tình hình nhưng đến nay vẫn chưa ai có mặt.
Chiều 23-10, trời vẫn tiếp tục mưa lớn tại khu vực Trà My. Nhiều người đi đường và người dân lân cận quan tâm đến đập thủy điện đã tụ tập để nghe ngóng tình hình cũng như theo dõi lượng nước về.
Tại Trạm quan trắc động đất của Viện Vật lý địa cầu, nơi đặt máy quan trắc động đất, cổng được khóa kín, trưởng Ban quản lý dự án thủy điện 3 ông Trần Văn Hải cho biết Viện Vật lý địa cầu chỉ mượn một vị trí nhỏ trong khuôn viên ban quản lý để đặt trạm quan trắc động đất. Mọi thông số, quản lý, con người và cách vận hành đều do Viện Vật lý địa cầu điều khiển từ xa.
Ông Hải cũng khẳng định đập vẫn an toàn sau khi xảy ra rung chấn và mọi việc vẫn vận hành bình thường sau những gì vừa xảy ra. Trong khi đó theo chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Ngọc Truyền, chính quyền tỉnh vừa có văn bản báo cáo tình hình động đất xảy ra tại Bắc Trà My cho Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành liên quan. “Tỉnh cũng đề nghị lãnh đạo các huyện Bắc Trà My, Nam Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức, Phước Sơn... xuống địa bàn thăm hỏi người dân. Kiểm tra tình hình thiệt hại, báo cáo tỉnh để có chính sách hỗ trợ - ông Truyền nhận định.

Pv TẤN VŨ - LÊ TRUNG


Dân tự cứu mình
Quảng Ngãi: động đất gây rung lắc ở miền núi

Ngày 23-10, ông Phạm Văn Tương, chủ tịch UBND xã Ba Nam, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi), cho biết khoảng 20g30 ngày 22-10 tại trung tâm xã gồm cơ quan hành chính, trường học, trạm y tế và thôn Xà Râu đã xảy ra một trận rung lắc mạnh trong 5 giây. Ông Tương kể lại: trong lúc gia đình đang ngồi xem tivi, bất ngờ nghe tiếng rền rất mạnh, rồi thấy ly nước trên bàn lắc mạnh. Nhiều người dân trong vùng cũng cảm nhận được hiện tượng rung lắc tương tự.
Theo ông Hoàng Anh Ngọc - chủ tịch UBND huyện Tây Trà, tại xã Trà Phong, Trà Quân, cũng xảy ra hiện tượng động đất gây rung lắc từ 5-7 giây.

VÕ MINH

Theo Tuổi trẻ online

thylan
11-11-2012, 11:08 AM
Ớn lạnh nữ sinh viên... "chết" thử

Nằm vào quan tài đóng kín, ngửi mùi hương, nghe kinh Phật và lời điếu văn của chính mình, những nữ sinh viên muốn trải nghiệm về cái chết không thể hình dung nổi 10 phút nằm trong quan tài lại ghê rợn đến như thế….

“Chết thử” để biết trân trọng cuộc sống hơn

Các trường đại học ở Đài Loan gần đây xôn xao về quyết định trải nghiệm có một không hai của 10 sinh viên nữ Trường Y Jen-The. Thay vì “đi phượt” hoặc tham gia vào một trò chơi mạo hiểm, họ lại tìm chỗ để thử cảm giác được về nơi chín suối.

Liu Cheng Tsu, cô sinh viên đưa ra ý tưởng kỳ lạ này cho biết, đây không phải là thú vui lập dị, chuyện nằm trong quan tài là một hành động dũng cảm, đầy tính nhân văn.

Liu Cheng Tsu chia sẻ: “ Chúng tôi muốn trải nghiệm cuộc sống một cách đặc biệt. Nhiều người nói chúng tôi không bình thường, nhưng các bạn thử nghĩ xem, bây giờ có quá nhiều người không coi trọng cuộc sống. Họ luôn ấp ủ tư tưởng sống gấp, buông thả trong rượu, ma túy và những cuộc chơi thâu đêm.

Trong khi đó, nhà dưỡng lão ở Đài Loan ngày một chật chội vì người già bị con cái bỏ rơi. Đạo đức xã hội đang xuống cấp ở mức báo động. Tôi và các bạn của mình chắc chắn sẽ viết một cuốn sách về trải nghiệm trong quan tài, về cảm xúc khi chứng kiến toàn bộ tang lễ của mình. Chúng tôi hy vọng cuốn sách đó sẽ giúp nhiều bạn trẻ biết trân trọng cuộc sống hơn”.

Ý tưởng của Liu tạo ra hiệu ứng khá mạnh đối với giới các nhà nghiên cứu giáo dục ở Đài Loan. Ban giám hiệu trường Đại học Y Jen-The thậm chí còn ủng hộ tiền bạc, tạo điều kiện để các sinh viên trường mình hoàn thành đợt “chết thử”.

http://image.tin247.com/dantri/121110082250-687-346.jpg
Ý tưởng "chết thử" được thiết lập nhằm mục đích giúp SV hiểu và nâng niu cuộc sống thực hơn. (ảnh minh họa)

Theo bản đề xuất của Liu, có tổng cộng 10 giáo sư, tiến sỹ và 12 vị được gọi là pháp sư sẽ giúp họ thực hiện chương trình “về với suối vàng”. Các sinh viên bắt đầu nghi lễ được chết vào buổi sáng sớm tinh mơ ( khoảng 4 giờ). Khi cỏ cây hoa lá còn ướt đẫm sương đêm, vạn vật chìm trong ánh sáng hắt hiu của bình minh, họ sẽ đi bộ từ Trường Y Jen-The đến nhà tang lễ của thành phố bằng lối cửa sau.

Ở đó, các giáo sư sẽ phát cho mỗi người 1 bộ quần áo người chết theo cách truyền thống của Đài Loan và trang điểm cho họ như thể họ sắp lên thiên đàng. Họ được đề nghị viết di chúc và sử dụng tên thật, hoàn cảnh thật trong mọi thủ tục đăng ký.

Tiếp đó, các pháp sư sẽ dẫn từng người một đến miệng huyệt ( ngay trong nhà tang lễ), đặt sẵn 10 chiếc quan tài phủ một màu vải vàng chuyên để khâm liệm. Họ chờ thông báo của người chủ tang lễ, rồi từ từ đỡ các “xác chết” nằm vào quan tài.

Lúc này, kinh Phật râm ran khắp phòng khâm liệm. Người chủ tang lẽ bắt đầu đọc điếu văn cho từng “hồn ma”. Khi 10 bản điếu văn kết thúc, các pháp sư sẽ đóng nắp quan tài lại và chuyến đi vào cõi vĩnh hằng bắt đầu. Những người dũng cảm nhất sẽ có trải nghiệm trong 10 phút. Hết thời gian, họ được giải cứu bởi các pháp sư và trở lại cuộc sống bình thường.

Những sự cố ngoài ý muốn

Tất cả 10 sinh viên sẵn sàng cho cuộc “chết thử” đều là những người dũng cảm. Trước khi nhận lời tham dự, họ đã được tư vấn, được trang bị thông tin đầy đủ và cả những phân tích thiệt hơn về đợt thử nghiệm.

Một số người còn bị gia đình ngăn cản vì theo văn hóa phương Đông, cuộc chết thử như thế chẳng khác gì điềm gở hoặc nó báo hiệu một cái chết thật mà chính người trong cuộc không thể hình dung nổi.

Ông Chan Seng Hsing, phụ huynh của một nữ sinh giấu tên tham dự chết thử cho biết, ông và gia đình hoàn toàn thất vọng về quyết định mạo hiểm không giống ai của cô con gái rượu. Ai cũng lo “nhỡ” có vấn đề gì thì mọi chuyện trở nên cực kỳ rắc rối và bi thảm.

Ông Chan Seng Hsing buồn rầu nói “ Tôi đã nói chuyện với con bé cả đêm. Nhưng có vẻ như nó rất quyết tâm. Nó sẵn sàng đi khỏi nhà chứ không bỏ qua đợt trải nghiệm điên rồ này. Tôi thật không hiểu nổi lớp trẻ bây giờ nghĩ gì. Có rất nhiều việc chứng minh được việc làm tốt, đâu cần phải mang mạng sống của mình ra thử”.

Ngày hành lễ, cả 10 nữ sinh đều có mặt đầy đủ. Họ rất dũng cảm, mạnh dạn bước đi trong đêm tối từ Trường Y Jen –Teh đến nhà tang lễ. Tuy nhiên, tất cả không ai có thể đứng vững khi kinh Phật réo rắt bên tai và lời điếu văn của chính mình ai oán. Cộng thêm khói hương, ánh nến và việc phải nằm trong quan tài bịt kín chỉ hở một ô vuông như…truyền thống càng khiến họ hoang mang.

Ban tổ chức (các giáo sư, tiến sỹ và pháp sư) đã phải dừng cuộc thử nghiệm 2 lần để “cứu” hai linh hồn thoát khỏi quan tài trước thời hạn vì họ không thể chịu nổi. Cô gái có tên Jian Xao khóc nức nở và gần như ngất đi khi “cái chết” mới ập đến khoảng 3 phút.

Còn Jian Lin Fay giẫy đạp liên tục trong quan tài kể từ phút thứ 4. Cô không khóc nổi vì quá sợ hãi. Hai người đã được nhanh chóng đưa ra khỏi nhà tang lẽ và trở lại Trường Y Jen – The. Số còn lại đã nằm hết 10 phút sống ở địa ngục, thưởng thức đầy đủ tang lễ của chính mình.

Tuy nhiên, tất cả trong số họ đều không cầm nổi nước mắt. Ai cũng nhanh chóng trút bỏ bộ quần áo nhà xác để trở lại là minh. Họ chia sẻ với nhau về khát vọng được sống sau khi “đã chết”. Họ hẹn nhau chăm sóc gia đình, ông bà, bố mẹ và hứa sống tốt hơn với những người xung quanh sau khi đã cảm nhận sâu sắc được giá trị cuộc sống.

Câu chuyện của họ được giáo sư Sai Hong Yuk chia sẻ như sau: “ Không ai bảo ai, dường như họ có chung một suy nghĩ “khát sống” sau khi thử chết. Tôi cho rằng, những người này sẽ dẫn dắt thế hệ mới sống tốt hơn sau khi họ đã có trải nghiệm cực kỳ dũng cảm về cái chết”.

Theo Tuổi trẻ & Đời sống

thylan
08-12-2012, 06:10 PM
Sương mù bao phủ Hà Nội

(TNO) Suốt cả buổi sáng nay 8.12, sương mù lại xuất hiện, phủ trên diện rộng ở Hà Nội và các tỉnh Bắc bộ.

Sương mù bao phủ Nam bộ

Sương mù giăng kín Bắc bộ

Hà Nội chìm trong sương mù

Sương mù giăng kín trời Bắc bộ

Nguyên nhân, theo các chuyên gia khí tượng, là do không khí lạnh đang suy yếu và biến tính, kết hợp mưa phùn và gió đông nam đưa hơi ẩm từ biển vào đất liền.

Dự báo, hình thái thời tiết này còn tiếp diễn trong 1-2 ngày tới. Ngày 10.12, thêm một đợt không khí lạnh tràn về, gây mưa rét trên diện rộng, xua tan sương mù.

Đây là lần thứ 3 kể từ đầu tháng 12 đến nay, sương mùa xuất hiện tại Hà Nội.

http://l.yimg.com/bt/api/res/1.2/KE40jpy3fiynKn.3Bo47aQ--/YXBwaWQ9eW5ld3M7cT04NTt3PTMxMA--/http://media.zenfs.com/vi-VN/News/tno/S__ng_m__bao_ph__H_-1e87f8173420a05544c79546870895c1
Các tòa nhà cao tầng... Ảnh: Quang Duẩn


http://l3.yimg.com/bt/api/res/1.2/cIPQvlVsTnrW6e0xuR6FlQ--/YXBwaWQ9eW5ld3M7cT04NTt3PTMxMA--/http://media.zenfs.com/vi-VN/News/tno/S__ng_m__bao_ph__H_-c9b17492b6dbdd51773643bb33b17638
... lại mờ ảo trong sương mù - Ảnh: Quang Duẩn


Thanh Niên Online

thái thanh tâm
12-01-2013, 07:43 PM
MỘT LÁ THƯ ĐÁNG ĐỌC

http://i1099.photobucket.com/albums/g381/anton_hoa7x/V1EACNTUY1EC0N_zps88b87e41.jpg



Tôn Vận Tuyền (孫運璿, Sun Yun-Suan, 10/11/1913 - 15/2 /2006) , một nhà kinh tế, một chính trị gia Đài Loan, xuất thân là kỹ sư, quê ở Bồng Lai, Sơn Tây (Trung Quốc). Ông tốt nghiệp ngành Công nghệ điện tại Đại học Công nghệ Harbin (Harbin Institute of Technology). Từ năm 1937 đến 1940 ông làm việc tại Hội đồng tài nguyên quốc gia (National Resources Commission). Ông được gửi đi tu nghiệp tại Tennessee Valley Authority (Hoa Kỳ) từ năm 1943 đến 1945. Ông làm Bộ trưởng gần 20 năm ở các bộ Giao thông vận tải, Truyền thông và Bộ Kinh tế . Ông là Bộ trưởng Bộ Kinh tế từ năm 1969 đến 1978, sau đó được bầu làm Thủ tướng Đài Loan (Premier of the Republic of China ) từ năm 1978 đến 1984. Ông có công xây dựng Mười dự án siêu cấu trúc , trong đó có sân bay quốc tế Chiang Kai-shek International,Nhà máy Điện hạt nhân số 1, đường cao tốc Quốc gia Tôn Dật Tiên (Sun Yat-sen National Expressway) Viện nghiên cứu Công nghiệp Quốc gia (Industrial Technology Research Institute) và Công viên Công nghệ khoa học Tân Trúc (Hsinchu Science-based Industrial Park)... Nhờ những biến đổi có tính cách mạng này mà từ những năm 60 của thế kỷ trước, Đài Loan đã trở thành nơi xuất khẩu mạnh mẽ các loại hàng dệt may, giầy dép, đồ nhựa, nông sản phẩm, công nghệ hóa dầu, thiết bị cơ khí và đặc biệt là các linh kiện điện tử. Ông được coi là một trong những người tạo ra sự bứt phá về Công nghệ và Kinh tế ở Đài Loan .

Ngày 24 tháng hai năm 1984 ông bị đột quý do xuất huyết não và sau khi phục hồi chỉ có thể ngồi trên xe lăn. Tháng 2 năm 2006 do bị biến chứng, ông đã qua đời tại Đài Bắc, hưởng thọ 92 tuổi . Ngoài các trước tác về Kinh tế, Chính trị, tôi quan tâm đến một bức thư ông để lại cho các con của ông. Một bức thư giản dị nhưng thật chân tình và sâu sắc. Tôi xin phép được giới thiệu lại cùng các bạn bức thư này:

KIẾP SAU( NẾU CÓ) DÙ THƯƠNG HAY KHÔNG THƯƠNG, CŨNG KHÔNG CÒN DỊP GẶP LẠI NHAU ĐÂU ".... Tôn Vận Tuyền đã để lại những lời căn dặn như sau:

Các con thân mến!

Viết những điều căn dặn này, cha dựa trên 3 nguyên tắc như sau :
1. Đời sống là vô thường, không ai biết trước mình sống được bao lâu, có những việc cần , nếu được nói ra sớm để hiểu thì hay hơn.

2. Cha là Cha của các con, nếu không nói ra thì chắc không ai nói rõ với các con những việc này đâu!

3.Những điều căn dặn để ghi nhớ này là kết quả của bao kinh nghiệm xương máu, thất bại đắng cay trong cuộc đời của chính bản thân mà Cha ghi nhận được, Nó sẽ giúp các con tránh những nhầm lẫn hoang phí trên con đường trưởng thành của các con.

Dưới đây là những điều nên ghi nhớ trong cuộc đời :

1. Nếu có người đối xử với con không tốt, đừng thèm để tâm cho mất thời giờ. Trong cuộc đời nầy, không ai có bổn phận phải đôi xử tốt với con cả, ngoại trừ cha và mẹ của các con. Nếu có người đối xử tốt với con, ngoài việc các con phải biết ơn, trân quý, các con cũng nên thận trọng một chút, vì người đời thường làm việc gì cũng có mục đích của nó, chớ có vội vàng cho là bạn tốt của mình ngay.

2.Không có người nào mà không thể thay thế được cả; không có vật gì mà nhất thiết phải sở hữu ,bám chặt lấy nó. Nếu hiểu rõ được nguyên lý nầy, thì sau nầy trong cuộc đời, lỡ người bạn đời không còn muốn cùng đi trọn cuộc đời, hay vì lý do gì con bị mất đi những gì trân quý nhất trong đời con, thì cũng nên hiểu: đó cũng không phải là chuyện trời sập.

3. Đời người ngắn ngủi, nếu hôm nay ta để lãng phi thời gian, mai đây hiểu được thì thấy rằng quãng đời đó đã vĩnh viễn mất rồi!. Cho nên, nếu ta càng trân biết quý sinh mạng của mình càng sớm, thì ta được tận hưởng cuộc đời mình càng nhiều hơn. Trông mong được sống trường thọ, chi bằng mình cứ tận hưởng cuộc đời mìmh ngay từ bây giờ.

4.Trên đời nầy chẳng hề có chuyện yêu thương bất diệt. Ai tình chẳng qua là một cảm xúc nhất thời, cảm giác nầy tuyệt đối sẽ theo thời gian, hoàn cảnh mà biến thiên, thay đổi. Nếu người yêu bất diệt rời bỏ con rồi, hãy chịu khó nhẫn nại một chút, để thời gian dần dần trôi qua, để tâm tư mình từ từ lắng đọng, cái đau khổ cũng sẽ từ từ nhạt nhòa đi. Không nên cứ ôm ấp cái ảo ảnh yêu thương mãi, cũng không nên quá bi luỵ vì thất tình.

5.Tuy có nhiều người trên thế giới này thành công, nổi tiếng mà chẳng có học hành nhiều, chẳng có bằng cấp cao, nhưng điều đó cũng không có nghĩa là không cần học hành nhiều sẽ thành công. Kiến thức đạt được do việc học hành, giáo dục là vũ khi trong tay của mình. Ta có thể lập nên sự nghiệp với bàn tay trắng, nhưng không thể trong tay không có tấc sắt. Nên nhớ kỷ điều nầy !

6. Cha không yêu cầu các con phải phụng dưỡng cha trong nửa quãng đời còn lại của cha sau nầy. Ngược lại, cha cũng không thể bao bọc nữa quãng đời sau này của các con. Lúc các con đã trưởng thành, độc lập, đó cũng là lúc cha đã làm tròn thiên chức của mình. Sau nầy các con có đi xe Bus công cộng hay đi Auto nhà, các con ăn soup vây cá hay ăn mi gói, đều là trách nhiệm của các con.

7. Các con có thể yêu cầu mình phải giữ chữ TÍN, nhưng không thể bắt người khác phải giữ chữ TÍN với mình. Các con có thể yêu cầu mình phải đối xử TỐT với người khác, nhưng không thể kỳ vọng người khác phải đối xử TỐT với mình. Mình đối xử người ta thế nào, không có nghĩa là người ta sẽ đối xử lại mình như thế , nếu không hiểu rõ được điều nầy, sẽ tự chuốc lấy buồn phiền cho mình.

8.Trong mười mấy, hai mươi năm nay, có người tuần nào cũng mua vé số, nhưng vẫn nghèo trắng tay, điều nầy chứng minh: muốn phát đạt, phải siêng năng làm ăn mới khá được. Trên thế gian nầy không có cái gì là miễn phí cả.

9.Sum họp gia đình, thân thích đều là duyên phận, bất luận trong kiếp nầy chúng ta sống chung với nhau được bao lâu ,như thế nào, nên trân quý khoảng thời gian chúng ta được chung sống với nhau, kiếp sau (nếu có), dù ta có thương hay không thương, cũng không có dịp gặp lại nhau đâu.

(Cảm ơn bạn Chão Chàng đã cho đăng bài này. Đây là ý kiến riêng của ông Tôn, nhưng theo tôi rất đáng suy ngẫm) - TTT

thái thanh tâm
12-01-2013, 07:48 PM
Ớn lạnh nữ sinh viên... "chết" thử

Nằm vào quan tài đóng kín, ngửi mùi hương, nghe kinh Phật và lời điếu văn của chính mình, những nữ sinh viên muốn trải nghiệm về cái chết không thể hình dung nổi 10 phút nằm trong quan tài lại ghê rợn đến như thế….

“Chết thử” để biết trân trọng cuộc sống hơn

Các trường đại học ở Đài Loan gần đây xôn xao về quyết định trải nghiệm có một không hai của 10 sinh viên nữ Trường Y Jen-The. Thay vì “đi phượt” hoặc tham gia vào một trò chơi mạo hiểm, họ lại tìm chỗ để thử cảm giác được về nơi chín suối.

Liu Cheng Tsu, cô sinh viên đưa ra ý tưởng kỳ lạ này cho biết, đây không phải là thú vui lập dị, chuyện nằm trong quan tài là một hành động dũng cảm, đầy tính nhân văn.

Liu Cheng Tsu chia sẻ: “ Chúng tôi muốn trải nghiệm cuộc sống một cách đặc biệt. Nhiều người nói chúng tôi không bình thường, nhưng các bạn thử nghĩ xem, bây giờ có quá nhiều người không coi trọng cuộc sống. Họ luôn ấp ủ tư tưởng sống gấp, buông thả trong rượu, ma túy và những cuộc chơi thâu đêm.

Trong khi đó, nhà dưỡng lão ở Đài Loan ngày một chật chội vì người già bị con cái bỏ rơi. Đạo đức xã hội đang xuống cấp ở mức báo động. Tôi và các bạn của mình chắc chắn sẽ viết một cuốn sách về trải nghiệm trong quan tài, về cảm xúc khi chứng kiến toàn bộ tang lễ của mình. Chúng tôi hy vọng cuốn sách đó sẽ giúp nhiều bạn trẻ biết trân trọng cuộc sống hơn”.

Ý tưởng của Liu tạo ra hiệu ứng khá mạnh đối với giới các nhà nghiên cứu giáo dục ở Đài Loan. Ban giám hiệu trường Đại học Y Jen-The thậm chí còn ủng hộ tiền bạc, tạo điều kiện để các sinh viên trường mình hoàn thành đợt “chết thử”.

http://image.tin247.com/dantri/121110082250-687-346.jpg
Ý tưởng "chết thử" được thiết lập nhằm mục đích giúp SV hiểu và nâng niu cuộc sống thực hơn. (ảnh minh họa)

Theo bản đề xuất của Liu, có tổng cộng 10 giáo sư, tiến sỹ và 12 vị được gọi là pháp sư sẽ giúp họ thực hiện chương trình “về với suối vàng”. Các sinh viên bắt đầu nghi lễ được chết vào buổi sáng sớm tinh mơ ( khoảng 4 giờ). Khi cỏ cây hoa lá còn ướt đẫm sương đêm, vạn vật chìm trong ánh sáng hắt hiu của bình minh, họ sẽ đi bộ từ Trường Y Jen-The đến nhà tang lễ của thành phố bằng lối cửa sau.

Ở đó, các giáo sư sẽ phát cho mỗi người 1 bộ quần áo người chết theo cách truyền thống của Đài Loan và trang điểm cho họ như thể họ sắp lên thiên đàng. Họ được đề nghị viết di chúc và sử dụng tên thật, hoàn cảnh thật trong mọi thủ tục đăng ký.

Tiếp đó, các pháp sư sẽ dẫn từng người một đến miệng huyệt ( ngay trong nhà tang lễ), đặt sẵn 10 chiếc quan tài phủ một màu vải vàng chuyên để khâm liệm. Họ chờ thông báo của người chủ tang lễ, rồi từ từ đỡ các “xác chết” nằm vào quan tài.

Lúc này, kinh Phật râm ran khắp phòng khâm liệm. Người chủ tang lẽ bắt đầu đọc điếu văn cho từng “hồn ma”. Khi 10 bản điếu văn kết thúc, các pháp sư sẽ đóng nắp quan tài lại và chuyến đi vào cõi vĩnh hằng bắt đầu. Những người dũng cảm nhất sẽ có trải nghiệm trong 10 phút. Hết thời gian, họ được giải cứu bởi các pháp sư và trở lại cuộc sống bình thường.

Những sự cố ngoài ý muốn

Tất cả 10 sinh viên sẵn sàng cho cuộc “chết thử” đều là những người dũng cảm. Trước khi nhận lời tham dự, họ đã được tư vấn, được trang bị thông tin đầy đủ và cả những phân tích thiệt hơn về đợt thử nghiệm.

Một số người còn bị gia đình ngăn cản vì theo văn hóa phương Đông, cuộc chết thử như thế chẳng khác gì điềm gở hoặc nó báo hiệu một cái chết thật mà chính người trong cuộc không thể hình dung nổi.

Ông Chan Seng Hsing, phụ huynh của một nữ sinh giấu tên tham dự chết thử cho biết, ông và gia đình hoàn toàn thất vọng về quyết định mạo hiểm không giống ai của cô con gái rượu. Ai cũng lo “nhỡ” có vấn đề gì thì mọi chuyện trở nên cực kỳ rắc rối và bi thảm.

Ông Chan Seng Hsing buồn rầu nói “ Tôi đã nói chuyện với con bé cả đêm. Nhưng có vẻ như nó rất quyết tâm. Nó sẵn sàng đi khỏi nhà chứ không bỏ qua đợt trải nghiệm điên rồ này. Tôi thật không hiểu nổi lớp trẻ bây giờ nghĩ gì. Có rất nhiều việc chứng minh được việc làm tốt, đâu cần phải mang mạng sống của mình ra thử”.

Ngày hành lễ, cả 10 nữ sinh đều có mặt đầy đủ. Họ rất dũng cảm, mạnh dạn bước đi trong đêm tối từ Trường Y Jen –Teh đến nhà tang lễ. Tuy nhiên, tất cả không ai có thể đứng vững khi kinh Phật réo rắt bên tai và lời điếu văn của chính mình ai oán. Cộng thêm khói hương, ánh nến và việc phải nằm trong quan tài bịt kín chỉ hở một ô vuông như…truyền thống càng khiến họ hoang mang.

Ban tổ chức (các giáo sư, tiến sỹ và pháp sư) đã phải dừng cuộc thử nghiệm 2 lần để “cứu” hai linh hồn thoát khỏi quan tài trước thời hạn vì họ không thể chịu nổi. Cô gái có tên Jian Xao khóc nức nở và gần như ngất đi khi “cái chết” mới ập đến khoảng 3 phút.

Còn Jian Lin Fay giẫy đạp liên tục trong quan tài kể từ phút thứ 4. Cô không khóc nổi vì quá sợ hãi. Hai người đã được nhanh chóng đưa ra khỏi nhà tang lẽ và trở lại Trường Y Jen – The. Số còn lại đã nằm hết 10 phút sống ở địa ngục, thưởng thức đầy đủ tang lễ của chính mình.

Tuy nhiên, tất cả trong số họ đều không cầm nổi nước mắt. Ai cũng nhanh chóng trút bỏ bộ quần áo nhà xác để trở lại là minh. Họ chia sẻ với nhau về khát vọng được sống sau khi “đã chết”. Họ hẹn nhau chăm sóc gia đình, ông bà, bố mẹ và hứa sống tốt hơn với những người xung quanh sau khi đã cảm nhận sâu sắc được giá trị cuộc sống.

Câu chuyện của họ được giáo sư Sai Hong Yuk chia sẻ như sau: “ Không ai bảo ai, dường như họ có chung một suy nghĩ “khát sống” sau khi thử chết. Tôi cho rằng, những người này sẽ dẫn dắt thế hệ mới sống tốt hơn sau khi họ đã có trải nghiệm cực kỳ dũng cảm về cái chết”.

Theo Tuổi trẻ & Đời sống


Một ý tưởng hay ! Một việc làm hữu ích.

thái thanh tâm
12-01-2013, 07:53 PM
Sau nhiều ngày dày công mai phục, PV đã tiếp cận và dần phơi lộ đường đi của loại thịt bẩn đang ngày ngày xâm nhập vào bữa ăn của nhiều hộ gia đình ở TP. HCM.

Lò mổ hiện đại 'đắp chiếu', dân ăn thịt bẩn

Thành phố Hồ Chí Minh là địa bàn lớn đông dân cư, mỗi ngày tiêu thụ cả ngàn tấn thịt gia súc, gia cầm các loại. Dù đã có các quy định về kiểm dịch nhưng trên thực tế bằng nhiều chiêu thức mỗi ngày vẫn có hàng trăm tấn thịt không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm tra, có nguồn gốc thịt bệnh, thậm chí thịt ôi thối, trong quá trình phân hủy được tuồn ra thị trường tiêu thụ để sau đó nó “ngự” vào bữa cơm của nhiều gia đình, hay bếp ăn tập thể của công nhân, sinh viên.

Bất kể ngày đêm, 200 lò mổ heo lậu ở tỉnh Đồng Nai vẫn vô tư hoạt động để tuồn ra thị trường hàng trăm tấn thịt mỗi ngày. Không ít trong số đó, có cả heo bị bệnh và heo chết.

http://l.yimg.com/bt/api/res/1.2/QzllaN9TaVbh1xr8sj6sWg--/YXBwaWQ9eW5ld3M7cT04NTt3PTMxMA--/http://media.zenfs.com/vi_VN/News/Vietnamnet/Ch__tr_n_heo_b_nh__heo-c1f7e352d579efd2a6a3682d8ec10026
Chiếc xe ba gác máy xé tan màn đêm, lao đi vun vút trên quốc lộ 1A đoạn qua phường Long Bình, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Bất ngờ, tài xế giảm ga rồi quặt vào hẻm C337 thuộc tổ 4, nơi có lò mổ heo của bà Hồng Thúy hoạt động từ 5 năm nay.

4 con heo được đổ xuống. 3 con heo trong số đó, mỗi con có trọng lượng từ 70-90 kg kêu ré lên sau cú chích điện.

Một con nằm bẹp dưới nền nhà. Sau 20 phút xuống tay, cả 4 con heo được làm sạch, cơ thể bị xẻ đôi. Nội tạng được phân ra riêng, bỏ ngổn ngang trên nền nhà cáu bẩn.

11 giờ đêm, thời điểm chợ heo Tam Hòa ở TP Biên Hòa mở cửa, hai thanh niên mình trần trùng trục vứt hai con heo đã làm sạch lên chiếc xe máy không biển số, rồi rồ ga lao đi.

Người tiêu dùng khó có thể phân biệt thịt sạch ở chợ trộn lợn bệnh, lợn lành.

Sau hơn 15 phút chạy xe với tốc độ chóng mặt, 4 chân của con heo vắt trên yên sau của chiếc xe quệt xuống đất dính bùn biến dạng. Vừa trờ tới chợ, con heo này được các chủ sạp dùng cây đinh ba chấu đưa lên bàn, sau đó hai phụ nữ dùng dao ra thịt.

Hơn 12 giờ khuya, lần lượt 4 con heo được người thanh niên tập kết đưa ra chợ. Tất cả đều không được đóng dấu kiểm dịch giết mổ của thú y.

Heo bệnh vào lò

http://l1.yimg.com/bt/api/res/1.2/YqGcRLlqJuHIqBnAAO9d.w--/YXBwaWQ9eW5ld3M7cT04NTt3PTMxMA--/http://media.zenfs.com/vi_VN/News/Vietnamnet/Ch__tr_n_heo_b_nh__heo-28c44b15dd69ee94400cc195d4d175de
Chiếc xe ba gác máy chở đầy heo từ một lò mổ ra chợ Tam Hòa (ảnh lớn) và
hàng loạt xe máy chở heo lậu từ lò mổ chui chạy ra chợ tiêu thụ (ảnh
nhỏ).

Cách lò mổ của bà Thúy không xa, lò mổ của bà Nguyệt ở hẻm 699A, khu phố 4, phường Long Bình cũng hoạt động vô tư cả ngày đêm, bất chấp cách đây một tháng cơ sở này bị lực lượng chức năng bắt quả tang giết mổ chui và 4 con heo bị giết đều không được kiểm dịch, trong đó 3 con là heo bệnh.

Lò mổ heo lậu của ông Nguyễn Hợi ở C96 tổ 2, khu phố 3, phường Long Bình luôn kín cổng cao tường với người lạ. Người dân nơi đây cho biết, khó ai vào được lò mổ này vì “ông Hợi rất cảnh giác, nhà luôn có chó dữ”.

Ngày 5-9, trong vai những người ở TPHCM đi đặt mua thịt heo cho bếp ăn của công ty với 1.000 công nhân, chúng tôi mới được một người ở lò heo tiếp. Phía sau ngôi nhà cấp bốn, nơi giết mổ, 3 con heo bị hóa kiếp lăn lóc thịt và phụ phẩm dưới nền nhà dơ bẩn, cạnh nhà vệ sinh.

Khi chúng tôi xin được ra xem nguồn heo và nơi giết mổ, nhân viên của cơ sở này liền ngăn lại. “Anh yên tâm, heo nơi đây đều có nguồn gốc rõ ràng, heo lấy từ Trảng Bom về đều được thú y kiểm dịch sau giết mổ” - người này trấn an.

“Nếu lấy heo không kiểm dịch, heo bệnh nơi đây cũng có. Thịt loại này giá rẻ hơn, thường dành cho công nhân, các quán cơm bụi. Giá từ 20-45 nghìn/kg” - cô gái tiếp.

Lò mổ của của ông Hợi tưởng là “đệ nhất mất vệ sinh” nhưng chẳng thấm vào đâu so với lò của ông Bốn, nằm trong một con hẻm nhỏ thuộc khu phố 4, phường Long Bình, TP Biên Hòa.

Theo chân đoàn kiểm tra khi ập vào lò mổ này, chúng tôi chứng kiến 4 con heo có tổng trọng lượng gần 400kg đã bị giết mổ trong môi trường cực kỳ dơ bẩn.

Trong khi đó, 10 con heo khác đang ngắc ngoải trong chuồng, có 2 con mắc bệnh không thể đứng nổi. Chủ cơ sở cho biết chuẩn bị mổ để đưa ra chợ tiêu thụ.

Do tất cả số heo này đều không có nguồn gốc nên chúng nhanh chóng bị lực lượng thú y chặn lại. Chủ lò mổ thừa nhận số heo này được gom từ một trại nuôi heo ở xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất.

Một ngày sau khi lò mổ của ông Bổn bị phát hiện mổ heo chui, ngành chức năng còn phát hiện ra một lò mổ “chui” khác cách đó không xa, của bà Đỗ Thị Lê.

Cơ sở này cũng hoạt động công khai từ nhiều năm qua. Người này cho biết mỗi ngày giết từ 2-5 con và số thịt heo lậu này được tiêu thụ chủ yếu ở chợ Biên Hòa và bỏ mối cho các quán ăn.

Chợ heo “trộn”

http://l1.yimg.com/bt/api/res/1.2/LV_ToLa70kmwwo3Ku.BZgQ--/YXBwaWQ9eW5ld3M7cT04NTt3PTMxMA--/http://media.zenfs.com/vi_VN/News/Vietnamnet/Ch__tr_n_heo_b_nh__heo-da633a6b2250a4d8eb8ec42e3a931483

Tập kết heo, gà lậu trên quốc lộ 1A, khu vực Hố Nai, Biên Hòa để chuyển đi tiêu thụ
12 giờ đêm 4-9, chúng tôi có mặt ở khu giết mổ tập trung Rạng Đông trên xa lộ Hà Nội, phường Tân Biên, TP Biên Hòa, nơi mỗi ngày giết mổ khoảng 200 con heo, bò.

Trời mưa tầm tã, hai chiếc xe ba gác máy vẫn chất đầy thịt heo nối đuôi chạy ra chợ Tam Hòa. Theo sau hai xe ba gác là một xe ôm, có vẻ như làm “công tác cảnh giới”.

Thịt được chất lăn lóc trên xe, không cần che đậy.
Lần theo những chiếc xe máy chở heo từ các lò mổ chui, chúng tôi phát hiện mỗi đêm có hàng trăm con heo không kiểm dịch, heo bệnh, heo chết được tập kết về chợ Tam Hòa, chợ Tân Biên ở TP Biên Hòa.

Tuy nhiên, trên các chốt chặn vào chợ, thậm chí ở trong khu chợ được cho là lớn nhất khu vực miền Đông Nam Bộ về kinh doanh heo vẫn không có bóng dáng của cán bộ thú y.

Từ 11 giờ đêm, chợ đầu mối heo Tam Hòa bắt đầu nhộn nhịp xe cộ vào ra. Ngoài xe ba gác, xe máy chở heo còn nhiều xe tải đông lạnh, xe tải 1,5 đến 3 tấn tập kết kéo dài trên con đường vào chợ “ăn hàng”.

Một thương lái là người quen, chuyên lấy hàng ở chợ này, cho biết một tháng ban quản lý chợ Tam Hòa mới đi kiểm tra một lần. “Có khi chả có lần nào. Heo lậu cứ thế trà trộn vào chợ và được đưa đi các tỉnh tiêu thụ” - người này nói thẳng.

Heo sau khi xuống sạp được các tiểu thương xử lý bằng cách cắt lọc xương ra riêng, thịt đùi ra riêng, thịt vai và mỡ ra riêng…rồi đóng thùng cho các thương lái chuyển đi bằng xe máy.

Các đầu nậu buôn thịt thường trộn thịt heo lậu, heo bệnh vào thịt heo có kiểm dịch để che mắt cơ quan chức năng. Bà Nga, một “trùm” cung cấp thịt ở chợ Tam Hòa, cho biết mỗi đêm nơi đây tiếp nhận hơn 100 tấn heo từ các lò mổ ở phường Long Bình, Hố Nai, Trảng Dài và huyện Trảng Bom đổ về.

Sau đó, số thịt heo này lần lượt được cho vào các thùng nhựa, trong các giỏ xách hoặc bằng thùng inox đưa lên xe máy tỏa đi các hướng.

“Chẳng ai quan tâm về dấu kiểm dịch bởi họ biết chợ heo này nhiều heo lậu, họ cũng phải mua heo này về buôn bán, bỏ mối hoặc chế biến để kiếm lời” - bà Nga bật mí.

“Thực ra người ta quan tâm tới giá cả heo hôm nay bao nhiêu hơn là hỏi heo có kiểm dịch hay không” - bà tiếp.

Khi đồng hồ chỉ 3 giờ sáng cũng là lúc lượng heo đã đổ về đầy chợ. Ngoài các con buôn đi xe máy ở các tỉnh từ Bình Dương, TPHCM lên lấy hàng, các loại xe tải với nhiều biển số ở tỉnh Đồng Nai, Vũng Tàu, Bình Dương và TPHCM đều có mặt để chở hàng về các tỉnh.

Trong khi đó, ở khu chợ Tân Biên, chợ Biên Hòa ở phường Tân Biên, TP Biên Hòa mỗi đêm có khoảng 300-400 con heo không qua kiểm dịch được giết mổ.

Rồi cũng như ở chợ Tam Hòa, số thịt này nhanh chóng được các thương lái gom đưa đi bỏ mối cho các chợ nhỏ và quán ăn, các khu công nghiệp Biên Hòa 1, 2 và các nhà cung cấp suất ăn công nghiệp.
(Theo Tiền Phong)

Không riêng lĩnh vực này. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến ăn bẩn diễn ra thường xuyên, trở thành "truyền thống" của nhiều người Việt. Thật buồn !

thái thanh tâm
15-01-2013, 08:42 AM
Bộ trưởng Y tế thị sát cảnh bệnh nhân nằm gầm giường


http://l.f13.img.vnecdn.net/2013/01/14/qua-tai-jpg-1358147681_500x0.jpg


Khi Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến có mặt ở Bệnh viện Ung bướu TP HCM lúc 8h30 sáng nay, khu vực phòng khám đông nghịt với hơn 200 người đang chờ lượt. Họ cho biết phải xếp hàng từ mờ sáng.
Quá tải bệnh viện, bệnh nhân nằm gầm giường, hành lang
Bệnh viện Ung bướu là một trong những cơ sở y tế quá tải nhất tại TP HCM. Khoa Nội nhi là nơi các em bé điều trị nội trú. Nhiều cháu rụng hết tóc với cái đầu trọc lóc, tay còn cắm ống truyền dịch mà phải nằm dưới gầm giường để điều trị.

Chị Hoa nhà ở Tây Ninh nuôi con nằm viện vì bệnh ung thư máu cho biết, bé đã phải nằm dưới gầm giường từ nhiều tháng nay vì phòng bệnh luôn quá tải. "Nhìn thấy cảnh con phải chui ra chui vào gầm giường mỗi khi lên cơn đau thật xót xa nhưng bệnh viện chật quá đành phải chịu", chị Hoa nói.

Cùng cảnh ngộ, một phụ huynh nhà ở Bến Tre cho biết, con chị cũng phải nằm dưới sàn phòng bệnh từ hồi mới nhập viện đến nay. "Có phòng nằm là may rồi nên chẳng ai có ý kiến gì", chị này nói.

Đại diện khoa Nội nhi cho biết, tình hình quá tải đã kéo dài từ nhiều năm nay. Cảnh bệnh nhân nằm 2-3 người một giường hay phải tá túc dưới gầm giường là chuyện bình thường.


Bộ trưởng Y tế thăm và tặng quà bệnh nhi ung bướu. Ảnh: Thiên Chương.
Đông đúc hơn cả là hai khu vực chờ khám bệnh mới và bệnh cũ. Gần 9h sáng, lượng người lấy số thứ tự ngồi chờ đã lên đến hơn trăm trường hợp. Nhiều bệnh nhân ở tỉnh cho biết mỗi lần khám họ phải đi từ tận 21h hôm trước mới mong khám kịp để về luôn trong ngày hôm sau.

"Cứ vài tuần tôi lại phải đưa mẹ đi khám một lần, lần nào cũng khởi hành từ chiều hôm trước, vậy mà có khi đến tận trưa vẫn chưa khám xong", chị Xuân nhà ở Cà Mau nói.

Không chỉ những người nhà ở tỉnh, bệnh nhân nhà ở TP HCM nếu muốn tránh cảnh chờ đợi quá lâu cũng phải đến lấy số thứ tự từ rạng sáng.

Bác sĩ Lê Hoàng Minh, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP HCM khẳng định tình trạng quá tải đến nỗi bệnh nhân phải nằm gầm giường là khó có thể tránh khỏi, bởi diện tích của bệnh viện hiện nay quá khiêm tốn.

"Chúng tôi đã tìm mọi cách để giảm tải cho bệnh viện như chuyển bớt bệnh nhân nội trú sang ngoại trú, chăm sóc bệnh nhân giai đoạn cuối tại nhà nhưng vẫn chưa thể giảm bớt quá tải, do mỗi năm số bệnh mới tăng khoảng 8%", ông Minh nói.

Bác sĩ Phạm Xuân Dũng, Phó giám đốc bệnh viện cũng cho hay, tình hình quá tải khiến đội ngũ cán bộ y tế phải hoạt động hết công suất từ 6h sáng đến chiều tối. Trung bình mỗi ngày bệnh viện nhận khoảng 1.500 lượt người đến khám, trong đó khoảng 80% người bệnh ở các tỉnh lân cận.


Khoa Nội nhi của bệnh viện vẫn còn cảnh trẻ phải nằm gầm giường. Ảnh: Thiên Chương.
"Thời gian chờ đợi trung bình của mỗi bệnh nhân sau khi làm thủ tục phải mất hơn 40 phút trong khi thời gian khám chỉ khoảng 5 phút. Bác sĩ làm liên tục nhưng người bệnh còn vất vả hơn, đặc biệt là những người ở tỉnh xa. Chuyện đi khám từ nửa đêm rồi xếp hàng từ 4h sáng không có gì lạ", ông Dũng nói.

Kể cả những người cần được điều trị cũng phải chờ đợi. Hiện có khoảng 800 bệnh nhân cần xạ trị gia tốc nhưng máy móc không còn trống. Theo ban giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP HCM, tình trạng quá tải chỉ có thể được khắc phục khi bệnh viện này có thêm cơ sở 2, song phải vài tháng tới công trình này mới được xây phần bờ bao.

"Hiện chúng tôi đã nỗ lực giảm tải bằng cách triển khai đặt lịch khám qua tổng đài điện thoại 1080, lập phòng khám vệ tinh tại quận 2 và liên kết điều trị với Bệnh viện quân y 175 ở Gò Vấp", giám đốc bệnh viện nói.

Bộ trưởng Y tế cho biết sẽ sớm có giải pháp cải thiện tình trạng này. Cụ thể, Bộ đã trình Chính phủ duyệt đề án giảm tải nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, trong đó tập trung hàng đầu là chuyên khoa ung bướu.

Trước khi đề án được thực hiện, bà Tiến yêu cầu bệnh viện có kế hoạch lập thêm các ô khám, tăng bác sĩ khám để bệnh nhân bớt cảnh chờ đợi.

Đây là lần thứ hai Bộ trưởng Y tế thị sát Bệnh viện Ung bướu TP HCM.

Thiên Chương

.....

Giá hàng trăm ngàn tỷ không bị bốc hơi mấy năm qua, được giành một phần nhỏ nhoi lo cho dân thì đâu đến nỗi này.

thylan
22-01-2013, 07:24 PM
Một cây ra năm loại quả

Năm loại quả gồm bưởi, cam, phật thủ, quýt, quất cùng mọc trên một cây, được cho là sẽ mang lại may mắn và sự thịnh vượng cho gia chủ.

Năm nay trên thị trường cây cảnh phục vụ cho những ngày tết tại thủ đô Hà Nội đang xuất hiện một loại cây kỳ lạ, cho năm thứ quả gồm bưởi, cam, phật thủ, quýt, quất. Theo người trồng, cây như một mâm ngũ quả ngày tết, mang đến sự thịnh vượng, cát tường, hạnh phúc no đủ cho gia chủ.

"Cây ngũ quả" xuất phát từ một ý tưởng của ông Lê Đức Giáp ở thôn Bãi, xã Cao Viên (huyện Thanh Oai, Hà Nội) - một nơi trồng cam Canh nổi tiếng miền Bắc.

Sau nhiều năm làm thử nghiệm, người nông dân này đã ghép thành công 5 loại quả trên cùng một cây và đã bắt đầu cho ra thị trường tiêu thụ.

http://l.yimg.com/bt/api/res/1.2/HWmcBFi3UGSTT1Xfeon8Hw--/YXBwaWQ9eW5ld3M7cT04NTt3PTQ1MA--/http://media.zenfs.com/vi_VN/News/ngoisao/M%e1%bb%99t_c%c3%a2y_ra_n%c4%83m_lo%e1%ba%a1i-dba2e93723491e0dbcb2ffc645892643

http://l1.yimg.com/bt/api/res/1.2/ltmerSJMs5oyXe3seAS8aQ--/YXBwaWQ9eW5ld3M7cT04NTt3PTQ1MA--/http://media.zenfs.com/vi_VN/News/ngoisao/M%e1%bb%99t_c%c3%a2y_ra_n%c4%83m_lo%e1%ba%a1i-92752bc874823a826698664af549de8a

Thời gian kể từ khi chọn cây thực hiện ghép cho đến khi cho thu hoạch vừa tròn một năm.

Những cây được chọn ghép là cây có bộ rễ chùm cực khỏe.

Cây ghép năm loại quả, tượng trưng cho mâm ngũ quả để thờ cúng ngày tết. Giá một "cây ngũ quả" dao động từ 1 đến 5 triệu đồng.

Bưởi là cây thích hợp nhất để ghép. Tháng 4 âm lịch sẽ bắt đầu lai ghép quả bưởi. Đến giữa tháng 5, đầu tháng 6, sẽ ghép cam và quýt. Cuối cùng, vào tháng 8 sẽ ghép quất và Phật thủ.

Ngoài ra ông Lê Đức Giáp còn đang thử nghiệm ghép thêm một số cây bảy loại quả.
Theo Khám Phá - Yahoo tintuc

thái thanh tâm
09-03-2013, 09:38 AM
Tìm xuất xứ câu ca "Công cha như núi Thái Sơn,,,,"

Hà Văn Thùy Thứ bẩy ngày 9 tháng 3 năm 2013 4:46 AM
Trong chuyên luận Tìm gốc gác và niên đại Hùng Vương*, chúng tôi công bố khảo cứu cho thấy, vùng Thái Sơn tỉnh Sơn Đông Trung Quốc là nơi phát tích của người Việt hiện đại. Tuy nhiên do hạn chế về tài liệu, chúng tôi mới lý giải được nửa câu ca Công cha như núi Thái Sơn mà còn nợ, chưa làm rõ nửa sau Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Nay xin được trả món nợ hầu bạn đọc.
*
Trong phần lớn trường hợp, ở vế sau của câu ca, chữ trong nguồn không viết hoa. Điều này cho thấy, trong quan niệm phổ cập, đó không phải là danh từ riêng. Có nghĩa đó là từ dùng chung cho mọi sông suối, nguồn nước. Suốt nhiều năm tháng, chúng tôi cũng cho là như vậy. Nhưng khi suy nghĩ kỹ lại thì thấy không phải thế. Câu ca là một câu đối nghiêm chỉnh. Một khi Thái Sơn là địa danh cụ thể, không phải là “núi lớn” chung chung thì trong nguồn bắt buộc cũng phải là một địa danh! Chúng tôi cho đó là dòng suối, dòng sông trong vùng Thái Sơn. Tuy nhiên tìm khắp vùng Thái Sơn không hề có địa danh này. Vì vậy, trong chuyên luận trên, chúng tôi không thể nói thêm được gì!
Rất may, trong một lần trao đổi qua điện thoại, nhà nghiên cứu Đỗ Thành từ Sacramento cho biết: “Trong Nguồn là tiếng Việt gọi vùng đồng bằng miền trung của sông Hoàng Hà. Hiện nay tên Hán Việt là Trung Nguyên. Nhiều địa danh Việt trên đất Trung Hoa vẫn được ghi theo lối nói chính trước, phụ sau của người Việt: Sơn Đông – vùng đất ở phía đông núi; Sơn Tây – vùng đất phía tây núi hay Hà Bắc, Hà Nam… Vùng đồng bằng miền trung sông Hoàng Hà, người Việt gọi là Trong Nguồn. Khi người Mông Cổ vào chiếm rồi con cháu họ là người Hoa Hạ, chỉ cần “phang ngang” trong  trung; nguồn  nguyên là có địa danh Hán Việt: Trung Nguyên.” Ông còn cho biết: “Sở dĩ người Việt gọi vùng đất này là Trong Nguồn là do có con sông Nguồn hay Ngọn Nguồn. Do người Hoa Hạ không nói được phụ âm “ng” nên gọi trại là sông Hon hay Hòn theo giọng cao thấp khác nhau. Sau này chuyển hóa dần Hon, Hòn thành Hớn rồi thành Hán Thủy vào thời Đường. Vì vậy, trên bản đồ Trung Quốc hiện nay không có sông Nguồn cũng như Trong Nguồn mà chỉ có Trung Nguyên với Hán Thủy.” Hán Thủy còn gọi là Hán Giang, nằm ở tả ngạn sông Dương Tử với chiều dài khoảng 1.532 km, diện tích lưu vực của nó khoảng 174.300 km². Sông Hán Thủy bắt nguồn từ miền tây nam tỉnh Thiểm Tây, tại khu vực Bàn Trủng Sơn thuộc huyện Ninh Cường sau đó chảy tới tỉnh Hồ Bắc. Nó tiếp nhận nước của các sông Tư Thủy Hà, Đổ Hà, Đan Giang, Đường Bạch Hà rồi đổ vào sông Dương Tử tại Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc. Trong khi những con sông khác nhận nước từ tuyết tan của các dãy núi thì Ngọn Nguồn nhận nước mạch từ lòng đất của dãy Tần Lĩnh chảy theo nhiều con suối tạo thành. Trong các chi lưu làm nên sông Nguồn có dòng Đan Giang dài 800 km, nước xanh đen nên ngày xưa tiếng Việt gọi là sông Đen, sau này người Hoa gọi trại đi thành Đan Giang. Nhưng sau khi đổ vào sông Nguồn (Hán Thủy) thì nước trở nên trong suốt và cho đến nay, Hán Thủy là con sông ít bị ô nhiễm nhất ở Trung Quốc.
Phát hiện của nhà nghiên cứu Đỗ Thành giúp chúng tôi nhìn thấy sự thực lịch sử sau:
Năm 2700 TCN, người Mông Cổ thắng trận ở Trác Lộc (nay là huyện Trác Lộc, bờ nam Hoàng Hà, phía bắc Bắc Kinh) vào chiếm đất Trong Nguồn của người Việt, lập vương triều Hoàng Đế. Do đồng bằng phì nhiêu nên đây được coi là đất phát tích của người Hoa Hạ. Người Hoa Hạ đã đổi tên đất thành Trung Nguyên, tên sông thành Hán Thủy.
Còn người Việt, do thua trận Trác Lộc, Đế Lai hy sinh (sau này do căm thù ông nên người Mông Cổ gọi ông là Si Vưu với nghĩa xấu.) Lạc Long Quân cùng đoàn quân dân Việt dùng thuyền xuôi Hoàng Hà, ra biển rồi đổ bộ vào Nghệ Tĩnh. Có thể diễn ra cuộc chạy loạn lâu dài của một bộ phận người Việt ở đất Trong Nguồn về Việt Nam. Đó là vào năm 1400 TCN, vua Bàn Canh nhà Thương đánh chiếm đất của người Việt, lập nhà Ân rồi từ đây tiếp tục mở rộng vùng chiếm đóng. Trong cuộc chống lại nhà Ân xâm lăng đã xuất hiện hình tượng anh hùng cứu nước trẻ tuổi. Người về Việt nam mang theo hình tượng này trong truyền thuyết Thánh Dóng.
Như đã trình bày ở bài trước, người Việt vùng Thái Sơn và Trong Nguồn di cư về Việt Nam đã chuyển hóa di truyền người Việt cổ Australoid ở Việt Nam thành người Việt hiện đại Mongoloid phương Nam.
Để ghi nhớ cội nguồn, tổ tiên ta đã khắc địa danh Núi Thái - Trong Nguồn vào tấm bia miệng bền vững mà hôm nay, nhờ ánh sáng của khoa học nhân loại, chúng ta giải mã được. Và câu ca quen thuộc được viết như sau:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước Trong Nguồn chảy ra.

NGUYỄN DUY CHINH
23-03-2013, 11:17 AM
Quán ăn Lunch Lady ở ĐaKao

Bà chủ nói được tiếng Đức...




http://www.congan.com.vn/dulieu7/TratTu-XaHoi/02_13/10lady1.jpg
Bận rộn chế biến món ăn


Quanh năm suốt tháng người phụ nữ ấy bán thức ăn cho người dân ở chung cư Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, Q1. Cho đến một ngày, bà chủ quán xuất hiện trên show truyền hình No Reservations nổi tiếng của vua ẩm thực Anthony Bourdain (Mỹ) và nhiều tờ báo lớn như New York Times, The Sydney Morning Herald, AsiaLIFE..., từ đó quán ăn của chị được chọn là một trong những điểm đến thú vị của khách quốc tế.


Kỷ niệm trưa vắng
Khác với tưởng tượng của chúng tôi, Lunch Lady không lớn mà chỉ là một quán nhỏ, được những cây bàng che chắn nên khá mát mẻ. Dù mang tên nước ngoài nhưng quán đơn sơ, giản dị với vài cái bàn nhựa. Tại đây, những vị khách Tây tóc vàng, mũi cao đang sì sụp ăn bún, thích thú khám phá hương vị Việt.
Nở nụ cười tươi, chị chủ quán Trần Thị Thanh vừa luôn tay chuẩn bị cho buổi bán ngày mai vừa vui vẻ cho biết chị quê gốc ở Bình Trị Thiên nhưng sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, sau đó đi lao động tại Đức và gặp ông xã bên ấy. Về lại Việt Nam, họ xây dựng tổ ấm ở lô D1 khu chung cư này.
Ở nhà làm nội trợ hoài cũng chán, năm 1995 chị quyết định mở quán ăn để kiếm thêm thu nhập. Buổi sáng người nhà chị bán điểm tâm, đến trưa là thời điểm chị bán đủ món: bún bò, bún cá, bún cà ri, mì gà tiềm, hủ tiếu bò viên... Các món ăn được thay đổi liên tục từng ngày. Nghe chúng tôi thắc mắc vì sao làm được nhiều món thế, chị vui vẻ trả lời: “Buôn bán mà em, phải chịu khó tìm tòi, sáng tạo để có những món ăn ngon nhất cho khách chứ”.
Một buổi trưa vắng khách, cái quán nhỏ của chị được đón ký giả của tờ AsiaLIFE. Nhà báo quốc tế này viết bài giới thiệu về quán ăn của “Madame Thanh” và phát hành sang tận Mỹ. Ông Tony (tên thân mật của Anthony Michael “Tony” Bourdain, đầu bếp kiêm đạo diễn và MC của kênh truyền hình Travel Channel, tên tuổi nổi tiếng khắp thế giới nhờ chương trình khám phá ẩm thực - văn hóa Anthony Bourdain: No Reservations và The Layover) tình cờ xem được bài báo đã cùng ê kíp truyền hình lặn lội sang tận TPHCM quay cho được quán ăn thú vị này.
Chị Thanh hồ hởi đón những người bạn cách nửa vòng trái đất đến quán vỉa hè của mình. Lunch Lady là tên mà vua ẩm thực Tony đặt cho cái quán nhỏ của bà chủ có nụ cười luôn nở trên môi, lúc nào cũng tấp nập khách mỗi trưa.Khi ông trở về Mỹ, quán ăn của “madame Thanh” liền xuất hiện trên sóng truyền hình.


Điều giản dị
Từ ngày bà chủ quán bình dân nổi tiếng trên truyền hình và báo chí nhiều nước, cứ đến trưa, khách Tây cũng như Việt tìm đến Lunch Lady. Ngoài khách quen là người ngoại quốc đang làm việc trong các cao ốc, không ít khách Tây ba lô cũng tìm đến tận đây. Nhiều người Việt cũng giới thiệu cho đối tác nước ngoài tìm đến quán của chị Thanh. “Khách Đức, Thụy Sĩ tới đây rất ngạc nhiên vì không hiểu sao một người bán hàng bình dân như tôi lại nói được tiếng Đức nên họ thích lắm” - chị tâm sự.
Ngồi ăn tô bún bò cay sè bên nồi nước lèo khói bay nghi ngút, anh David (44 tuổi, du khách Pháp) giơ ngón tay cái lên để khen món ngon. “Ngồi ở đây có một máy lạnh khổng lồ là khí trời luôn mát mẻ, nó làm chúng tôi thích hơn đến những nhà hàng sang trọng. Bà Thanh lại luôn đổi món mà món nào cũng ngon tuyệt nên ăn hoài không biết chán, mỗi món lại chỉ có giá vài chục nghìn đồng” - vị khách quốc tế này chia sẻ.
Ngoài chủ quán luôn tay bận rộn, Lunch Lady còn có bốn nhân viên chạy bàn. “Mỗi ngày kiếm được một triệu đồng sau khi trừ hết chi phí, tôi thấy công việc này rất thú vị. Hai vợ chồng đang chăm sóc đứa con trai học lớp 12. Điều mà tôi hạnh phúc hơn cả là món ăn Việt Nam đã được thực khách nước ngoài tìm hiểu. Có người còn hỏi tôi cách nấu để khi về nước họ sẽ nấu cho cả gia đình cùng thưởng thức. Nước mình có món ăn ba miền, rất đa dạng. Nhiều vị khách ngoại tới một lần là những lần du lịch sau thế nào họ cũng tìm đến quán bình dân này” - chị tâm sự.
Chị Thanh cũng tri ân tất cả những khách hàng đã ủng hộ quán của chị suốt 18 năm qua. Sự chân thành ấy của chủ quán đã được mọi người đáp lại. Ngày tiếp ngày, chị lại diện bộ bà ba quen thuộc, đứng dưới gốc cây bàng lấy bún, chế nước lèo và luôn mỉm cười, nụ cười của sự chân tình, hiếu khách. Có lẽ cũng chẳng quá lời khi bảo chị là một trong những “sứ giả” ẩm thực của nước ta để hương vị Việt bay xa đến nhiều nước trên thế giới.
PVB ST

thái thanh tâm
29-03-2013, 08:53 PM
Trí thức lỏng

Nguyễn Hiếu Thứ sáu ngày 29 tháng 3 năm 2013 9:18 AM

Thế hệ trên dưới 60 được xem như thế hệ bắt đầu của một nền giáo dục dưới chính thể mới. Dạo đó không ít các nhà quản lý giáo dục hể hả tuyên bố một câu xanh rờn” chúng ta tự hào khi có thể giảng dậy tiếng Việt trên bục trường đại học”. Hậu quả của sự tự mãn quá lớn này đã để lại hậu quả là hầu hết các trí thức của ta được đào tạo trong nứoc từ năm 1954 đổ lại đây đều không xử dụng thành thạo nổi một ngoại ngữ. Điều này làm ta chạnh lòng khi nghĩ đến thế hệ cha ông ta thời Pháp chỉ mới ở trình độ sơ học yếu lựơc – tương đương lớp 5 hiện nay đã có thể nói và đọc tiếng Pháp như tiếng mẹ đẻ. Nhưng thôi, tạm coi hiện trạng mù ngoại ngữ này như một tồn tại lịch sử của một thời ấu trĩ trong giáo dục. Còn hiện nay trong xu thế người ta thích tự hào, kiêu hãnh, thích lập kỉ lục ở nhiều lĩnh vực nên Việt nam ta trong một vài năm gần đây thường oang oang những danh từ tự phong như “cường quốc thế giới về đóng tàu” khi Vinasin chưa bị đổ bể. Rồi gần đây các nhà quản lý văn nghệ lại hào phóng hô to” Việt nam ta là cường quốc thơ “khi phong trào nhà nhà, phố phố, ngưòi ngưòi làm thơ dẫn đến tình trạng lạm phát thơ. Trở lại lĩnh vực giáo dục. Gần đây các nhà quản lý ngành này lại kiêu hãnh khoe “Việt nam là quốc gia đứng đầu Đông nam Á về số lưộng giáo sư, tiến sĩ”. Tinh sơ sơ Việt nam ta hiện nay với gần 90 triệu dân thì đã có tới 24000 tiến sĩ , 9000 giáo sư. Nếu chia bình quân số ngưòi có học vị này so với thế giới thì quả là đáng tự hào. Nhưng đáng buồn thay sau con số hoành tráng các nhà trí thức có học vị này là cả một thực tế thê thảm về trình độ học vấn của Việt nam ta cũng như trình độ thực của các nhà trí thức nứơc ta. Theo con số được công bố thì Việt nam có tới gần 400 trường đại học, cao đẳng thuộc các ngành nghề , các viện tương đương …nhưng tệ hại thay không có trường nào lọt vào danh sách 500 trường đại học nghiêm chỉnh và danh giá trên thế giới. Đã gọi là các nhà trí thức có học vị cỡ tiến sĩ, giáo sư thì tiêu chuẩn đầu tiên là bài báo, công trình công trình nghiên cứu khoa học hàng năm và qui chuẩn nhất là các nghiên cức này được đăng kí bằng sáng chế tại Mỹ. Tình hình nay ở Việt nam ta ra sao?. Với 33 nghìn vị trí thức có học vị giáo sư, tiến sĩ đó nhưng giai đoạn từ 2000 đến 2006 nứơc ta vẻn vẹn có 19 bằng sáng chế. Giai đoạn từ 2007 đến 2010 Việt nam chỉ còn 5 bằng sáng chế. Năm 2011 với xấp xỉ 90 triệu dân, 33000 giáo sư, tiến sĩ thì số bằng sáng chế của Việt nam ta đăng kí tại Mỹ lại là còn số không tròn trĩnh. Cũng trong năm 2011 này chưa nói đến các nứơc có trình độ kinh tế hiện đại, trí thức tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc… Mà chỉ so sánh với các quốc gia trong khu vực thì Đài Loan với 23 triệu dân có tới 8781 bằng sáng chế, Israel vẻn vẹn 7,3 triệu dân đã đăng kí 1981 bằng sáng chế. Còn các nứơc vùng Đông Nam Á thì năm 2011 cũng là năm bội thu về số lượng bằng sáng chế đăng kí tại Mỹ. Singapo với 4,8 triệu dân có tới 647 bằng. Malaixia với 27,9 triệu dân có 161 bằng, Thái Lan với 68,1 triệu dân có 53 bằng….
Nguyên nhân của thực trạng đáng buồn này do đâu ? Nứơc ta hiện nay ra ngõ không chỉ gặp nhà thơ mà còn gặp một vị tiến sĩ hay giáo sư. Nhưng trong 33000 giáo sư tiến sĩ đó thì có đến hơn 70 % không dính dáng gì đến nghiên cứu khoa học, thậm chí cả đời không viết một bài báo nào có tính khoa học. Đa số các vị có bằng cấp này đều làm chức vụ hành chính. Ông Phạm Bích San Tổng thư kí Các hội khoa học, kĩ thuật Việt nam đã ngao ngán nhận xét”chúng ta gần như không có ai có nghiệp khoa học…quên mình vì khoa học được ghi nhận bằng các giải thưởng quốc tế tầm cỡ”. Hình như sau hàng loạt nghị quyết khuyến khích hình thức về bằng cấp đã khiến cho thị trường bằng cấp thật giả càng có đà phát triển. Người ta tìm mọi cách để có được tấm bằng học vị làm điểm tựa tiến thân thay vì xả thân cho sự đào tạo, rèn luyện nghiêm chỉnh. Trên danh thiếp, trong lời giới thiệu người ta xính và coi như mốt thời thượng giới thiệu học vị đi liền với chức sắc. Những vụ phát giác ông thứ trưởng, ông giám đốc sở, ông vụ trưởng nọ kia dùng bằng giả… đã trở thành phổ biến ở nứơc ta. Phải chăng chính sự yếu kém của các nhà trí thức Việt nam như vậy nên chẳng những nền giáo dục nứơc ta đang là một nền giáo dục yếu kém, nhiều bất cập nhất mà Việt Nam cũng là một quốc gia có vị trí thấp trong thang bậc trí tuệ toàn cầu ( hạng 76 trên 141 quốc gia được đưa vào xếp hạng).
Nghĩ lại một thời không xa trí thức thế giới nghiêng mình khâm phục trí tuệ và công trình của những nhà trí thức lớn của Việt nam như Giáo sư Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Tôn Thất Tùng .. Chúng ta càng lo lắng khi căn bệnh trí thức lỏng của nứơc ta vẫn ngày càng phát triển và chưa có biện pháp nào hữu hiệu ngăn chặn.

Nguyễn Hiếu

thái thanh tâm
01-04-2013, 05:39 PM
Liên hiệp quốc thi nói dối

Trương Tuần Thứ hai ngày 1 tháng 4 năm 2013 5:20 AM

Liên hợp quốc thấy cả năm hoạt động mệt mỏi bàn thi nói dối cho vui. Khá nhiều nước tham gia vòng loại nhưng lọt vào vòng trong chỉ có ba nước là Trung Quốc, Việt Nam và Apganistan. Giám khảo gọi tên thí sinh Trung Quốc:
Chàng AQ áo khuy nút tiến ra kể:
Ở Trung Quốc chúng tôi các vùng như Tây Tạng, Tân Cương đã bỏ phiếu 100% ủng hộ nhà nước trung ương. Nhân dân các vùng này luôn được ấm no hạnh phúc, lúc nào cũng hô woan xê woawn xê.
Giám khảo hỏi:
- Năm ngoái họ biểu tình, nhà nước bắt cả hơn 1000 người là sao ?
- Không phải bắt bớ gì đâu, nhà nước mời họ đi an dưỡng cho khỏe đấy ạ.
Vị giám khảo đuổi ra thí sinh Trung Quốc ra: nói láo.
Thí sinh Apganistan được gọi vào:
- Thưa BGK ở nước chúng tôi chỉ có tiếng hát hòa bình và hữu nghị. Bao nhiêu sắc tộc cùng nhau chung sống vui tươi.
Ban giám khảo hỏi:
- Thế Taliban liên tục tấn công đến nỗi quân Mỹ phải chiếm đóng nước các người thì lấy đâu vui tươi hạnh phúc ?
- Dạ người Mỹ thấy nước chúng tôi núi biếc rừng xanh đẹp quá nên sang du lịch đấy ạ.
BGK cáu tiết: bậy bạ hết sức.
Cuối cùng đến thí sinh Việt Nam. Anh Chí tay cầm chai rượu bước vào:
- Nước chúng tôi luôn luôn phát triển khoa “ bốc phét học” ngay từ tấm bé tuổi đến trường. Chính vì thế mà phải chống bệnh thành tích. Dạ muốn có thành tích thì phải dối lừa nói sai thực tế mới được khen thưởng, cất nhắc, mới là xuất sắc, tiên tiến….
BGK hỏi vặn:
- Ở nước anh tỷ lệ người nói dối bao nhiêu phần trăm ?
- Dạ chúng tôi chưa thống kê được nhưng ra ngõ là gặp lừa lọc. Nói dối có bài có bản, có môm bài đấy ạ. Nói dối đến nỗi khi nghe nói thật thì cho là nói dối.
BGK hỏi:
- Có lúc nào người nước ngươi nói thật không?
- Dạ có.
- Lúc nào ?
- Lúc sắp lên nóc tủ ngắm gà khỏa thân ạ.
- Lúc ấy mới nói thật thì có ích gì ?
- Vì lúc ấy không còn sợ gì nữa, nói thật rồi đi vào cõi hư vô…
Ban giám khảo hội ý và nhất trí 100% cho Việt Nam giải nhất vì toàn dân có truyền thống nói…dối…

thái thanh tâm
02-04-2013, 08:44 AM
Ừ nhỉ, đi Mỹ làm quái gì cơ chứ.

Nguyễn Đại Hoàng dịch Thứ ba ngày 2 tháng 4 năm 2013 5:30 AM

TN: Xin gửi đến bài viết thú vị về nước Mỹ qua giọng văn châm biếm của một người Trung Quốc. Bản tiếng Việt do anh Nguyễn Đại Hoàng chuyển ngữ kèm lời giới thiệu.

Dẫn : Xuất hiện lần đầu tiên trên mạng xã hội Sina Weibo, bài viết này đã nhận được hàng chục ngàn chia sẻ và bình luận. Nội dung tưởng như châm chích cười cợt mỉa mai nước Mỹ như một quốc gia ngu ngốc, sơ khai và ngây ngô, nhưng thực ra lại là lời phê phán sắc sảo sâu cay thú vị về chính Trung Quốc ! Tờ Tea Leaf Nation đã trích dịch , biên tập lại những phần đinh nhất của bài viết nói trên. Chúng tôi xin giới thiệu sau đây bản chuyển ngữ của Nguyễn Đại Hoàng.

Tôi có thời gian qua Mỹ khá lâu. Và nói thật đến giờ này tôi vẫn còn thấy hối hận vì sự lựa chọn đó! Truyền thông phương Tây đã khiến chúng ta mê muội rằng Hoa Kỳ là một xứ sở hiện đại ! Tôi đã từng ôm giấc mộng được học tập ở đó, đã tìm mọi cách tới được cái xứ sở siêu cường đó.
Nhưng than ôi những gì tôi chứng kiến là rất đáng thất vọng !
1. Công nghiệp
Nước Mỹ thật ra chỉ là một làng quê khổng lồ chậm phát triển !
Hồi trung học, chúng ta đã được dạy rằng, công nghiệp càng phát triển bao nhiêu thì môi trường càng bị xâm hại bấy nhiêu.
Chúng ta biết rằng một thành phố công nghiệp tất phải có nhiều ống khói,nhiều nhà máy và khói bụi khắp nơi. Đó là biểu tượng của sự công nghiệp hóa ! Thế mà ở tại xứ Cờ Hoa này, tịnh không có một cái ống khói nào ! Họa hoằn lắm mới thấy một vài cái nhỏ tí ti để trang trí nhà cửa thôi !
Và ở Mỹ bạn cũng chỉ thấy toàn sông hồ trong sạch thôi. Chả tìm đâu ra những nhà máy giấy, nhà máy luyện thép bên bờ sông ! Không khí trong lành thanh khiết này là dấu hiệu của một xã hội sơ khai chứ gì nữa ! Chả có dấu vết gì của công nghiệp hóa cả !
2. Kinh tế
Người Mỹ hầu như không biết làm kinh tế ! Bạn biết đấy, nước họ có cơ man nào là xa lộ tỏa đi mọi hướng, vươn đến mọi làng mạc xa xôi, thế mà tịnh không thấy một trạm thu phí nào ! Thế là mất toi cả núi vàng!
Ước gì tôi có thể xây dựng vài cái trạm thu phí nhỉ ! Chắc chắn non tháng đã gom đủ tiền mua được cả tòa lâu đài trông ra Đại Tây Dương ấy chứ !
Hai bên xa lộ còn những cụm hồ hoang sơ tĩnh lặng. Thế mà chính quyền cứ để mặc cho lũ chim trời cá nước thỏa sức vẫy vùng, không nghĩ đến việc xây dựng vườn cảnh để thu lợi. Người Mỹ rõ ràng là không có đầu óc kinh tế tí tẹo nào !
3. Xây dựng
Trình độ xây dựng của người Mỹ còn sơ khai lắm.Ngoài một số ít tòa nhà chọc trời tại các thành phố lớn, tôi dám chắc bạn rất ít gặp những công trình bê tông ở nước Mỹ. Nhà của người Mỹ thường làm bằng gỗ và vài thứ vật liệu khác.
Thử nghĩ mà xem, đến giờ này mà gỗ vẫn còn được dùng để xây dựng nhà cửa, thì có thể nói là trình độ kiến trúc của ngoại bang này còn thua xa trình độ của triều đại nhà Thanh xưa kia ấy chứ !
4. Văn hóa
Người Mỹ có cách suy nghĩ thật là lạc hậu và khờ khạo.
Hồi mới tới Mỹ, tôi thuê một xe chở hành lý giá 3 đô la. Nhưng tôi lại không có tiền lẻ. Một người Mỹ liền trả dùm tôi 3 đô la đó, và thấy tôi lỉnh kỉnh đồ đạc nên còn giúp mang lên xe nữa ! Người Mỹ cũng luôn sẵn sàng mở cửa giúp tôi và hỏi tôi có cần giúp đỡ gì không ? Thế đấy !
Ở nước ta, mấy chuyện này chỉ có vào thời Lôi Phong tức là vào những năm 50, 60 của thế kỷ trước thôi – còn bây giờ lối cư xử đó quá ư lạc hậu. ( Lôi Phong là một thanh niên mà thời Mao thường nhắc tới như một tấm gương về đạo đức).
Hồi đó người ta chuộng lối sống “ đạo đức giả ”nhưng bây giờ chúng ta không như vậy nữa. Bây giờ chúng ta nên sống thực dụng trần trụi, đó mới là hiện đại chứ ! Tư duy của người Mỹ lạc hậu hơn chúng ta hàng mấy thập kỷ, và không có dấu hiệu nào cho thấy họ có thể bắt kịp chúng ta cả !
5. Ẩm thực
Người Mỹ làm như không biết thưởng thức thịt thú rừng.
Một đêm nọ, tôi cùng các bạn cùng lớp lái xe đi đến một thành phố khác, thình lình có mấy con nai nhảy xổ ra. Anh bạn tôi lập tức thắng lại và bẻ sang hướng khác để tránh. Ai cũng biết tai nạn loại này có thể làm hỏng cả chiếc xe. Thế mà chính quyền đành bó tay không biết phải xử lý tụi thú hoang này như thế nào cơ đấy !
Người Mỹ làm như cũng không biết ăn thịt thú rừng, thậm chí không có nhà hàng nào bán thịt thú rừng, họ chả thiết đến loại thịt thú rừng thơm ngon bổ như hươu nai, và cũng chả thiết lấy sừng bọn thú này để kiếm bộn tiền ! Người Mỹ vẫn sống cùng những con thú hoang dã đó, thậm chí còn đưa ra những biện pháp để bảo vệ chúng. Quả thật đó là một xã hội còn quá sơ khai !
6. Phong cách
Người Mỹ làm như không biết tự trọng !
Các giáo sư Mỹ không quan tâm nhiều đến bề ngoài , họ không hề có cái gọi là phong thái bác học. Giáo sư D chẳng hạn, là một giáo sư tâm lý học cực kỳ nổi tiếng thế mà giờ nghỉ ông ấy cũng thường ăn bánh bích quy với sinh viên trong văn phòng của mình, và bàn tán xôm tụ với họ về bộ phim 21, hay về minh tinh Trung Quốc Chương Tử Di ! Ông cũng không có phong cách uy nghi của một nhà bác học, và điều đó làm tôi thất vọng ghê gớm !
Các nghiên cứu sinh sau tiến sĩ cũng không bao giờ ghi hai chữ PhD. lên danh thiếp của mình. Họ thậm chí cũng không biết cách thể hiện vị thế của mình. Thành ra những người học những ông thầy như vậy nếu trở thành những quan chức thì làm sao biết cách đi đứng nói năng cho đúng bộ lệ đây !
Còn ở Trung Quốc, giờ đây các công chức dường như rất biết cách để thu hút sự kính trọng của dân chúng, thậm chí đến cả vị giám đốc của một cơ quan tầm tầm ở Trung Quốc có khi còn uy thế hơn cả Tổng Thống Mỹ cơ đấy ! Một công dân hạng ba của Trung Quốc có khi còn xa một công dân hạng nhất của Mỹ là vậy !
7. Học đường
Học sinh tiểu học Mỹ chả có lý tưởng cao xa gì sất.
Chúng không hề có ý định đi học để trở thành ông này bà nọ trong chính quyền! Không hề có học đường nào dành cho chủ tịch, bí thư, ủy viên tương lai, như tôi đã từng thấy hồi còn nhỏ ở quê nhà. Các em không có bài tập về nhà. Bài tập về nhà kiểu như các học sinh như các học sinh Trung Quốc là khá xa lạ ở Mỹ.
Trường học ở Mỹ chú trọng đến đạo đức, trước hết để giúp cho các đứa trẻ trở nên những công dân có đủ tư cách , sau đó mới tính đến chuyện lý tưởng lâu dài. Trở thành công dân có đủ tư cách ư ? Một quan niệm nghe mới cổ hủ làm sao !
8. Y tế
Người Mỹ làm lớn chuyện một cách kỳ cục khi có bệnh.
Đầu tiên họ đi bác sĩ khám bệnh, rồi bác sĩ kê toa. Rồi cầm toa đó đi mua thuốc, mua xong còn phải nghe dược sĩ hướng dẫn sử dụng …ôi chao mọi việc chẳng thể nhanh gọn như ở Trung Quốc …Tôi chả hiểu tại sao ở Mỹ lại phân biệt việc khám bệnh với việc bán thuốc … mà lẽ ra nên tách rời lợi nhuận với trách nhiệm !
Rõ ràng là các bệnh viện ở Hoa Kỳ không biết kiếm tiền mà ! Sao lại phải nói tên thuốc cho bệnh nhân biết chứ ? … chỉ có như vậy họ mới độc quyền bán thuốc với giá cao gấp cả chục lần cơ mà ! Có quá nhiều cơ hội làm ăn béo bở thế mà họ không biết khai thác , rõ ràng kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa ở Mỹ chết rồi !
9.Báo chí
Ý kiến của công chúng Mỹ thật chả ra làm sao !
Đôi khi tôi hoàn toàn mất kiên nhẫn với sự ngu dốt và khờ khạo của người Mỹ . Chẳng hạn khi họ biết Trung Quốc có đài truyền hình và báo chí, họ đã hỏi tôi một câu ngu dốt như thế này : Hóa ra Trung Quốc cũng có báo chí à ? Nghe mà bực !
Chúng ta có những tờ báo tiếng Trung được Bộ Truyền Thông cho phép ấn hành sau khi đã rà soát một cách cẩn mật đấy chứ . Báo của chúng ta toàn là những bài ca tụng lên mây cả, có đâu như báo Mỹ, công chúng đóng góp phê bình loạn cả lên, thậm chí còn dám “ chưởi ” cả tổng thống nữa cơ đấy!
Báo chí chúng ta đâu có chuyện công khai mấy vụ bê bối của quan chức, bởi nếu cứ tung hê lên thì sau này ai mà muốn làm lãnh đạo nữa chứ !
10. Tâm linh
Người Mỹ có đời sống tinh thần hết sức vô vị nhạt nhẽo.
Tôi chả hiểu tại sao trước mỗi bữa ăn họ lại lẩm bẩm mấy câu thánh nghe hết sức khờ khạo : Cầu Chúa phù hộ nước Mỹ.
Thật là buồn cười quá đi : Nếu Chúa phù hộ nước Mỹ thì làm sao lại để nước Mỹ lạc hậu, sơ khai, đơn giản đến thế này ? Cầu Chúa có ich lợi gì chứ ? Thực tế nhất là bạn nên dành thời gian đó để đi lễ thủ trưởng !
Đó mới đúng là hiện đại chứ lỵ !
11. Lối sống
Người Mỹ chả có khái niệm về thời gian .
Bất luận chuyện lớn chuyện nhỏ, người Mỹ đều ngoan ngoản đứng vào hàng chờ đợi … Còn người Trung Quốc chúng ta – như bạn biết đấy – khôn hơn nhiều !
Bất kể đám đông như thế nào, chúng ta vẫn có kỹ năng chen lấn, điều này giúp tiết kiệm thời gian, và tránh được sự mệt mõi khi đứng chờ ! Nếu ai đó biết đi cổng sau thì kết quả tiết kiệm thời gian còn tuyệt hơn nữa.
Thế mà những người Mỹ lẩm cẩm lại không biết đến những điều hay ho đó cơ chứ !
12. Mua bán
Những cửa hàng ở Mỹ có một phong cách buôn bán hết sức vô lý : bạn có thể trả lại hàng vài tuần sau khi mua về mà thậm chí cũng không cần nêu lý do. Ở ta thì làm gì có chuyện cho đổi hàng mà không hò hét quát tháo nhau ra trò chứ !
13. An toàn
Nước Mỹ không an toàn ! Tôi nói điều này bởi có tới 95 % nhà dân không cần tới lưới chống trộm, và điều kỳ lạ này nữa là : chả biết mấy tên trộm đi đâu hết rồi nhỉ ?
14. Giao thông
Người Mỹ sao mà nhút nhát và yếu đuối quá vậy không biết !
Tôi nói điều này cũng bởi có tới 95 % tài xế không dám vượt đèn đỏ !’
Và mặc dầu 99 % dân Mỹ có xe hơi, vậy mà cách lái xe của họ thật lạ : bao nhiêu là xe cộ lưu thông nhưng không mấy khi nghe tiếng còi xe, phố xá vì thế vắng lặng đến nỗi cứ ngỡ không phải là phố xá nữa, làm sao mà bì được phố xá ồn ào náo nhiệt ở Trung Quốc cơ chứ !
15. Tình cảm
Người Mỹ rất là thiếu cảm xúc .
Có tới 95 % nhân viên không nghĩ tới việc phải làm gì cho tiệc cưới của sếp, họ chẳng bao giờ phải vắt óc tìm ra lý do để chăm sóc sếp của mình. Ở Trung Quốc liệu có ai điên đến mức bỏ qua cơ hội chăm sóc sếp của mình không? Nói cách khác, có ai dám làm điều đó không ? Hãy xem, người Trung Quốc chúng ta có biết bao nhiêu là tình thương mến thương với lãnh đạo !
16. Nhạy bén
Người Mỹ không nhạy bén chút nào !
99% người Mỹ đi học, đi làm , thăng quan tiến chức, mà không hề biết sự cần thiết của “ phong bì ” để có thể mở ra một cánh cửa ..sau !

Nguyễn Đại Hoàng chuyển ngữ
3/2013

thái thanh tâm
26-04-2013, 07:33 PM
Cơn lốc 'đập đá' tàn phá giới trẻ

Dù ma túy đá sẽ khiến con nghiện tự rạch tay, gào thét, chạy xe quá tốc độ, hình thành băng đảng đi gây án, thậm chí quan hệ tình dục tập thể... nhưng một bộ phận giới trẻ vẫn ngày đêm bay bổng trong cuộc chơi hàng đá.

"Sau khi hít một hơi 'đá', mình thấy trong người rần rần như có thứ gì chạy khắp cơ thể, rồi mắt dại đi. Mình phấn khích đến nỗi như muốn dồn hết sinh lực trong người để quậy tưng lên. Nhạc càng to nghe càng đã, chân tay múa may giật đùng đùng theo tiếng nhạc điên cuồng... cho đến khi hết phê thuốc thì thôi", Quỳnh Anh - một dân chơi "hàng đá" cho biết.

Theo cô gái con nhà giàu chỉ biết đốt tiền vào vũ trường và chơi “hàng đá” này thì khi đã nghiện “đá”, người chơi nghĩ đến việc gì là quyết không bỏ cuộc. Sau những cái ngáp mệt mỏi, đôi mắt đờ đẫn, Quỳnh Anh nói chẳng chút ngượng ngùng: "Nếu đã lăm lăm nhắm vào tình dục thì sẽ cảm thấy sung mãn với 'chuyện ấy'. Cái ảo giác chết người đã khiến người chơi cảm thấy sức khỏe thật mãnh liệt, không biết đến hai từ mệt mỏi".

Nhưng cô cũng gật gù thừa nhận: "Khi hết phê thuốc, cơ thể sẽ mềm nhũn, rũ rượi và chán chường. Đó là lý do khiến nhiều dân chơi “hàng đá” thường không thể bỏ giữa chừng...". Nói xong, Quỳnh Anh hít điếu thuốc đang cầm trên tay và nhả khói điệu nghệ.


http://vnexpress.net/Files/Subject/3b/be/40/05/Dap-da-1.jpg
Dụng cụ "hít đá" của dân chơi. Ảnh: Công an TP HCM.

Gần đây, các cuộc ăn chơi thâu đêm suốt sáng của giới trẻ thường không thể thiếu "đập đá”. Hùng, sinh viên một trường đại học ở TP HCM hào hứng: "Chỉ có chơi “đá” mới biết được cảm giác bay lơ lửng trên chín tầng mây...”. Đã bao lần Hùng dồn hết tiền ba mẹ cho để cùng đám bạn vào khách sạn “đập đá”. Theo Hùng, giá cả cũng tùy loại, nhưng một chấm (tức một cục đá nhỏ) giá dao động 1,2 - 1,5 triệu đồng, dùng được cho khoảng 5 người trong một đêm.

Có nhiều người ban đầu bị rủ rê với lời chiêu dụ rất tử tế: "Thử một lần đi, đảm bảo không gây nghiện đâu mà sợ. Lên mây một tí cho biết cảm giác". Vậy mà một khi đã gật đầu đồng ý thì coi như xong. Là chủ của một Beauty Salon có tiếng, tiền bạc rủng rỉnh nên chỉ sau vài lần hội tụ bạn bè, Thái bị nghiện “đá”. Cả nhóm đều mê nó, còn Thái không muốn bị cho là “nhà quê”. Ngay từ lời nói khích đầu tiên của lũ bạn, cậu thử luôn. Và khi đã thành con nghiện, Thái vẫn bô bô giới thiệu "cái này không gây nghiện đâu".

Từ nhận định sai lầm đó, dần dần “hàng đá” leo lên vị trí lựa chọn đầu bảng của giới ăn chơi. “Đá” được xem như loại “thần dược” đầy mê hoặc giúp thăng hoa, hưng phấn tột đỉnh nên đã nhanh chóng len lỏi vào mọi ngóc ngách của các buổi tiệc tùng, nhảy nhót, hát hò, bù khú... của một bộ phận giới trẻ có lối sống thác loạn. Những ai thất tình, chán sống lại càng muốn tìm đến “hàng đá” để tạm quên thực tại.

Theo những con nghiện “đá” lâu năm thì đẳng cấp dân chơi không chỉ được chứng minh bởi việc chi tiền cho mỗi chầu “đập đá” mà còn phải tỏ số má trong việc đầu tư công cụ “hít đá”. Dụng cụ “đập đá” càng độc, càng chứng tỏ đẳng cấp. Nhiều đại gia đồng thời cũng là con nghiện đã không ngần ngại vung tiền để tậu về một bộ đồ nghề nhập từ nước ngoài có kiểu dáng “độc nhất vô nhị”.

Trào lưu "đập đá" cứ thế trở thành cơn lốc ngầm khủng khiếp tàn phá một bộ phận giới trẻ thị thành, trong đó sinh viên dễ bị lôi kéo kích động. Độ tuổi của những người sử dụng có xu hướng trẻ hóa, từ 18 - 30 tuổi chiếm tỷ lệ rất cao. Một con nghiện còn khá trẻ từng trải lòng: "Sau khi phê 'đá', cơ thể như mọc hai cái cánh và người cứ thế nhẹ tênh, chỉ muốn bay, bay và... bay”.

Một dân nghiện “đá” không ngần ngại chia sẻ: “hít đá” xong có khi làm “chuyện ấy” không biết mệt mỏi nên họ tìm đến các dịch vụ “xả đá”. Trong các cuộc ăn chơi thác loạn đúng nghĩa thì “đập đá” và “xả đá” không thể tách rời nhau. Sinh hoạt tình dục tập thể không còn là chuyện hiếm trong giới chơi “hàng”.

Tháng 3 vừa qua, Công an thị xã Thuận An (Bình Dương) bắt quả tang Đỗ Anh Kiệt (32 tuổi), Nguyễn Trọng Nghĩa (28 tuổi, cùng ở Bình Dương) cùng 2 thiếu nữ 17 và 19 tuổi đang chơi “hàng đá” trong khách sạn. Tang vật là một bộ nõ, bộ khò ma túy, cân tiểu ly và cục ma túy đá, ngoài ra còn nhiều hung khí như một lưỡi dao lê, roi điện... Kiệt và Nghĩa đã rủ bạn gái cùng vào khách sạn rồi ép “hít đá”. Khi cả nhóm đều phê thì quan hệ tình dục tập thể.

Ma túy đá là tên gọi chung cho các loại ma túy tổng hợp có chứa chất methamphetamine (meth) và amphethamine (amph), thậm chí là niketamid. Nó được bán bất hợp pháp trên thị trường dưới các dạng tinh thể đá. Theo các chuyên gia, ma túy đá không chỉ có tác dụng gây phê cho người nghiện mà còn là loại thuốc khiến người dùng thèm muốn cả chuyện quan hệ tình dục. Nhiều người dùng ma túy đá với mục đích ban đầu chỉ để được "hưởng lạc" trong một khoảnh khắc hoặc để chứng tỏ đẳng cấp, nhưng lại không biết nó có sức tàn phá sức khỏe nghiêm trọng và để lại nhiều hậu quả nguy hiểm.
Theo bác sĩ Trịnh Tất Thắng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP HCM, hàng đá có chất kích thích tâm thần, nếu dùng nhiều, ảo giác sẽ luôn thường trực khiến cơ thể hưng phấn, năng lượng tràn trề. Nó giải phóng những vận động tự động của cơ thể khiến người sử dụng chỉ muốn lắc lư, nhảy nhót với một tinh thần điên loạn và sẵn sàng chơi quên ngày, quên đêm. Ngay khi sử dụng, meth sẽ tác động trực tiếp gây kích thích hệ thần kinh trung ương, có thể tạo ảo giác trong một thời gian dài.

Từ đó, người nghiện sẽ thực hiện những việc làm khác thường, không thể kiểm soát được hành vi như: tự rạch tay, gào thét, chạy xe quá tốc độ, hình thành băng đảng đi gây án, thậm chí quan hệ tình dục tập thể... Người sử dụng lại không biết hoặc cố tình không biết đó chỉ là những cảm giác điên loạn nhất thời. Khi hết phê thuốc, thứ ảo giác kia biến mất, người nghiện sẽ đối mặt với thân hình tàn tạ, sức khỏe giảm sút nghiêm trọng, có khi trở về trạng thái vô hồn.

Bác sĩ Thắng cũng cho biết, ngoài việc gây ra cho người sử dụng chứng hoang tưởng ảo giác, rối loạn hành vi, “hàng đá” còn kích thích hệ thần kinh, gây mất ngủ khiến các cơ quan sinh học nội tạng nhanh chóng bị suy yếu, kiệt quệ. "Đập đá" còn ảnh hưởng đến tim mạch, huyết áp tăng, nếu sử dụng quá liều có thể dẫn đến tử vong. Chất Amph trong “hàng đá” còn gây ngộ độc các tế bào thần kinh sinh ra những chứng bệnh tâm thần, trầm cảm, loạn thần, nguy hiểm nhất vẫn là chứng hoang tưởng (nghi ngờ có người ám hại mình, ghen tuông, tự hành hạ bản thân...). Có không ít trường hợp khi nghiện “hàng đá”, đòi hỏi tình dục tăng cao. Đó chính là nguyên nhân khiến “hàng đá” gắn liền với nhiều vụ làm tình tập thể.

Theo các chuyên gia, nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên, các con nghiện có thể mất khả năng duy trì nòi giống, nhất là đối với con nghiện “hàng đá” lâu năm.

Đằng sau thú chơi gây ảo giác cực mạnh ấy là những hậu quả khôn lường. Nhưng hàng đêm, trong tiếng nhạc xập xình với bộ loa vặn hết công suất tại các quán bar, vũ trường, những con nghiện “hàng đá” vẫn đang nhảy nhót điên cuồng. Đâu đó trong khách sạn, có đám lại tụm năm, tụm bảy đốt tiền bằng việc “đập đá” để được “cưỡi gió, vờn mây”.

Theo Công an TP HCM

thái thanh tâm
29-04-2013, 08:28 PM
Nợ công Việt Nam

Trích Tuoitre online Thứ hai ngày 29 tháng 4 năm 2013 4:24 PM

Thế giới nói 128,9 tỉ USD, VN tính 66,8 tỉ USD

Dẫn tính toán của chuyên gia Liên Hiệp Quốc, trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề hội thảo, TS Nguyễn Trọng Hậu, Đại học Almamer, Ba Lan, cho biết nếu theo chuẩn quốc tế thì nợ công VN lên đến khoảng 128 tỉ USD, bằng khoảng 106% GDP năm 2011 - gần gấp đôi mức VN công bố chính thức.

TS Lưu Bích Hồ, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Kế hoạch - đầu tư), cũng đồng tình và chỉ ra rằng năm 2011, ước tính theo quốc tế thì nợ công của VN là 128,9 tỉ USD, tương đương 106% GDP. Nhưng con số mà Bộ Tài chính công bố chỉ 66,8 tỉ USD và bằng 55% GDP.

Các nhà khoa học cũng đồng tình với nhận định của TS Hồ khi cho rằng cái khó nhất nói về thực trạng nợ công của VN là thiếu số liệu và không đủ tin cậy. Thời gian cập nhật nợ công của các nước là hằng quý, còn ở VN Bộ Tài chính mới chỉ công bố đến năm 2010 và ước tính đến năm 2011 thôi.

"Cứ thâm hụt ngân sách, thâm hụt cán cân thương mại, cứ vay nợ không sử dụng hiệu quả chắc chắn khủng hoảng nợ công sẽ xảy ra"


PGS.TS Nguyễn An Hà
Bày tỏ quan điểm cá nhân, ThS Đinh Mai Long - Vụ Tổng hợp, Văn phòng Chủ tịch nước - nêu trong 10 năm trở lại đây, nợ công tại VN tăng nhanh một cách đáng lo ngại và có cơ cấu kém bền vững, bị tác động mạnh của những cú sốc từ nền kinh tế thế giới, đặc biệt là các cú sốc tỉ giá. Cơ cấu đồng tiền vay nước ngoài của Chính phủ chủ yếu là các đồng tiền chủ chốt như JPY chiếm khoảng 39%, bằng SDR khoảng 27%, bằng USD khoảng 22%, bằng EUR khoảng 9%. Đối với vay nước ngoài của doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước - DNNN) được Chính phủ bảo lãnh) chủ yếu tập trung vào USD (chiếm từ 70-80%). Kể từ đầu năm 2010 đến cuối tháng 6-2011, ba đồng tiền chủ chốt gồm EUR, USD và JPY trong giỏ nợ nước ngoài của VN đã lên giá lần lượt khoảng 12%, 13% và 26% so với VND. Điều này cho thấy gánh nặng nợ nước ngoài tính theo nội tệ đang tăng với tốc độ chóng mặt và gây sức ép đối với thâm hụt ngân sách và chính sách tiền tệ.


Mặt khác, ông Long cũng lưu ý là vay nợ từ Trung Quốc gia tăng nhanh trong mấy năm gần đây - khoảng 1,2 tỉ USD. Ngoài ra, tốc độ gia tăng nợ công khoảng 15%/năm đang dần “bắt kịp” tốc độ tăng thu ngân sách khoảng 17-21%, có nghĩa là vài ba năm nữa nguồn tăng thu chỉ đủ để bù trả nợ - ông Long nhấn mạnh.



Bỏ qua nợ của DNNN

Nợ công của VN vì sao lại chỉ bằng một nửa so với cách tính của thế giới? TS Nguyễn Trọng Hậu cho rằng thế giới có tiêu chí nợ công chung, họ có năm thành tố thì VN chỉ có ba. Có hai yếu tố chưa được tính vào nợ công của VN đó là nợ của DNNN và khoản Nhà nước vay của quỹ hưu trí. Ông Hậu cho rằng với cách tính nợ công của VN thì thực tế những khoản nợ nước ngoài cả tỉ USD như của Vinashin không được tính vào nợ công trong khi các nước, doanh nghiệp nào có vốn nhà nước dù chỉ một vài phần trăm, khi vay nước ngoài cũng phải tính vào. Một khoản nữa VN chưa tính vào nợ công là khoản tiền Nhà nước vay của quỹ hưu trí (nếu có), vì về thực chất đây cũng là nợ của dân.

Cũng theo ông Hậu, kinh nghiệm hiện nay cần cảnh giác là rất nhiều khoản nợ tư cũng có thể biến thành nợ công. Như hiện nay có rất nhiều “đại gia” bất động sản có thể vay nợ nước ngoài. Đây không phải nợ công nhưng khi các “đại gia” phát triển đến quy mô rất lớn mà nếu để các doanh nghiệp này đổ vỡ có thể kéo theo hàng loạt hệ lụy cho nền kinh tế. Trong nhiều trường hợp, các “đại gia” không trả được nợ, Nhà nước sẽ phải đứng ra cứu. Như thế cũng tạo nguy cơ rất lớn khiến phình nợ công rất nhanh.

Còn ông Long thì cho rằng trên thực tế, dù được hay không được Chính phủ bảo lãnh nhưng nếu những DNNN không thể thanh toán một phần hoặc toàn bộ thì Chính phủ với vai trò chủ sở hữu vẫn phải gánh nợ cho các DNNN này.

Cần tính theo chuẩn quốc tế

Ông Hậu khuyến cáo VN cần theo thông lệ quốc tế trong cách tính nợ công bởi để đến khi “cái kim trong bọc lâu ngày lộ ra” thì khi đó ứng xử rất bị động. Đặc biệt, ông Hậu khuyến cáo nguy cơ vay nợ nhiều nhưng nếu sử dụng không hiệu quả thì rất nguy hiểm. Trong khi đó, nhiều khoản vay nợ của VN được phân bổ bởi Nhà nước lại có hiệu quả sử dụng không cao...

PGS.TS Nguyễn An Hà - Viện Nghiên cứu châu Âu - cho rằng với tình hình nợ công và quản lý nợ công của VN có thể thấy rằng nền kinh tế VN hiện đang có một số đặc điểm giống với các nước PIIGS (các nước châu Âu có tỉ lệ nợ cao, bao gồm Hi Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ý) khi lâm vào khủng hoảng nợ công. Đó là tăng trưởng GDP giảm kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007 đến nay, lạm phát luôn có xu hướng tăng mạnh, luôn cao trên 8% kể từ năm 2006-2011... Do vậy, cần có những giải pháp xử lý trước khi quá muộn.

Theo GS.TS Đỗ Hoài Nam - chủ tịch Hội đồng Học viện Khoa học xã hội VN, điều quan trọng là tìm ra được nguyên nhân của tình trạng đáng báo động về nợ công ở VN. “Phải chăng đó là vấn đề liên quan đến mô hình tăng trưởng kinh tế quá nóng, dựa quá nhiều vào vốn, phát triển theo chiều rộng. Điều đó đúng nhưng đã đủ chưa. Người ta còn nói mô hình tăng trưởng dựa vào DNNN làm ăn kém hiệu quả. Gần như là con nợ lớn nhất của nợ công. Thế thì chúng ta sẽ phải bắt đầu từ đâu?” - ông Nam băn khoăn.

Ông Nguyễn An Hà cũng cho rằng nợ công là nguồn lực quan trọng nhưng chất lượng sử dụng nợ còn quan trọng hơn. Rút ra các bài học từ nghiên cứu, ông Hà cho rằng con số tuyệt đối nợ công cần minh bạch, rõ ràng. Trong hội nhập quốc tế, VN phải theo luật chơi quốc tế. Bởi theo ông Hà, các khoản vay đến hạn thì nước ngoài họ xiết nợ theo luật quốc tế. VN sẽ khó lờ đi được bởi ông Hà ví dụ trường hợp Vinashin, khi phải trả lãi, ban lãnh đạo mới của Vinashin lờ đi, nhưng chỉ cần các tổ chức xếp hạng đưa định mức tín nhiệm của VN xuống một bậc, thành B- lãi suất cho các khoản vay đến VN tăng, thiệt hại có thể lớn hơn nhiều.

Đầu tư công cho nông nghiệp, y tế, giáo dục giảm

Ngày 25-4, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch - đầu tư) cùng Đại sứ quán Ireland đã tổ chức hội thảo đánh giá hiệu quả đầu tư công. Theo báo cáo nghiên cứu, tỉ trọng đầu tư công của VN còn bất cập. Ví dụ, trong giai đoạn 2006-2010, đầu tư công cho nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 6,51% trong tổng đầu tư công thì đến năm 2011 chỉ còn 5,6%; giáo dục - đào tạo giai đoạn 2006-2010 là 3,1% thì năm 2011 chỉ còn 2,93%; y tế và hoạt động trợ cấp xã hội từ 4,62% xuống 4,05%. Trong khi đó, đầu tư cho các lĩnh vực kinh tế lại theo xu hướng tăng, ngay khách sạn nhà hàng cũng tăng từ 0,76% giai đoạn 2006-2010 lên mức 1,39% vào năm 2011. Cao nhất là vận tải, kho bãi, thông tin - truyền thông với tỉ lệ 22,95% lên 23,3%...

Báo cáo cũng khẳng định đầu tư công đã tác động tích cực tới tăng trưởng của VN nhưng chỉ tác động trong khoảng thời gian năm năm, sau đó giảm dần. Trong dài hạn, đầu tư tư nhân mới là yếu tố tác động mạnh nhất đến tăng trưởng kinh tế VN.
Trích Tuoitre online

thái thanh tâm
05-05-2013, 06:20 PM
Sự xấu hổ với lịch sử!

Bùi Hoàng Tám Thứ năm ngày 2 tháng 5 năm 2013 2:34 PM

Sự đối mặt với lịch sử luôn là điều khủng khiếp của mỗi thế hệ bởi không ai thoát khỏi lịch sử! Ai có công, lịch sử và nhân dân không quên và ngược lại. Hãy biết xấu hổ thật nhiều bởi đây là đặc điểm chỉ con người mới có.
Bộ VH-TT&DL vừa trình Chính phủ đề án chọn Quốc hoa đồng thời tổ chức hội thảo, lấy ý kiến nhân dân qua bầu chọn trực tiếp và qua Intenet. Theo đó, 62,1% số ý kiến được hỏi trên mạng Internet chọn hoa sen, 16% chọn hoa Đào, 5% chọn hoa Ban và 2% chọn hoa tre và nhiều ý kiến khác...
Thế nhưng một số người lại đặt câu hỏi có cần thiết phải chọn Quốc hoa vào thời điểm này hay không?
Thậm chí, trên một số tờ báo, bức xúc trước thực trạng tham nhũng hiện nay, một số độc giả còn đề xuất chọn… hoa hồng và hoa trinh nữ. Điều hài hước ở đây là hoa hồng được hiểu chung là phần trăm (%), là chia chác, là phong bao, phong bì tham nhũng hối lộ. Còn hoa trinh nữ có cái tên dân gian là loài hoa… xấu hổ!
Những ý kiến trên có vẻ hài hước nhưng ẩn chứa trong đó là một sự thật chua chát đến đắng lòng. Đó là tệ nạn tham nhũng, hối lộ, chia chác (hoa hồng) “nở rộ” khắp nơi. Nó như một sự “tất yếu trong cuộc sống” mà đỉnh cao có lẽ ở Hà Nội với lời nhận xét của Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị: “… những nơi khác khi “bôi thì trơn”, còn ở chúng ta “cũng bôi mà không trơn”! Tức là có thể hiểu tiền vẫn lấy (hoa hồng % vẫn nhận) nhưng việc không làm.
Cùng nở rộ với những “bông hoa hồng phần trăm” là loài hoa xấu hổ của những ai có lương tri, có tấm lòng đối với non sông, đất nước .
Không xấu hổ sao được khi mà tổ quốc thống nhất đã gần 40 năm mà vừa mới thoát khỏi ngưỡng nước nghèo của thế giới.
Không xấu hổ sao được khi tình trạng nói một đằng làm một nẻo, sự dối trá đã trở thành “nỗi nhục lớn” như lời giáo sư Hoàng Tụy.
Không xấu hổ sao được khi nạn tham ô, tham nhũng nhung nhúc như một “bầy sâu” trong một nồi canh theo lời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Không xấu hổ sao được khi những vụ tham ô, tham nhũng ngày càng tinh vi và nghiêm trọng, có những vụ đẩy nền kinh tế cả nước vào cảnh lao đao như vụ Vinashin, Vinalines…
Không xấu hổ sao được khi cả nước có đến hơn 9.000 giáo sư, tiến sĩ mà mỗi năm không có nổi vài ba cái sáng chế, thậm chí không có được một bài báo trên tạp chí khoa học uy tín.
Không xấu hổ sao được khi còn nhiều lắm những em thơ áo không đủ ấm, cơm không đủ no, sách không đủ học. Không xấu hổ sao được khi mỗi dịp tựu trường là một cuộc chạy đua bằng những chiếc phong bì chứa đầy ngoại tệ.
Không xấu hổ sao được trước cảnh bệnh nhân chen chúc, chui từ gầm giường ra chào Bộ trưởng Y tế.
Không xấu hổ sao được khi tai nạn giao thông vào loại hàng đầu thế giới và mỗi khi tan tầm là nhiều con đường kẹt cứng.
Không xấu hổ sao được khi có những người phụ nữ Việt Nam xếp hàng bán mình làm dâu xứ người như cảnh bán nô lệ thời Túp lều bác Tôm.
Không xấu hổ sao được khi nền hành chính mà có đến 30% công chức có cũng được mà không cũng được.
Không xấu hổ sao được khi người ta cần đến một tháng để soạn một bức thư và hơn một năm để soạn một cái thông tư.
Có lẽ khó có thể kể hết về những sự việc đáng xấu hổ đã và đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ ở mọi miền của đất nước.
Không chỉ xấu hổ với thế hệ hôm nay mà tủi hổ với cả mai sau.
Chúng ta sẽ nói như thế nào với cháu con hay ngược lại, rồi đây lịch sử sẽ nói gì về thế hệ chúng ta hôm nay?
Sự đối mặt với lịch sử luôn là điều khủng khiếp của mỗi thế hệ bởi không ai thoát khỏi lịch sử!
Ai có công, lịch sử và nhân dân không quên và ngược lại.
Hãy biết xấu hổ càng nhiều càng tốt bởi đây là đặc điểm chỉ con người mới có.

Bùi Hoàng Tám

thái thanh tâm
11-05-2013, 12:39 PM
Thành anh hùng 'vì cứu áp phích Kim Jong-un'

Một nữ cảnh sát Triều Tiên được phong anh hùng vì "xả thân bảo vệ an toàn lãnh tụ cách mạng" theo lời truyền thông nước này, nhưng thực tế cô dường như chỉ cứu tấm áp phích có tên Kim Jong-un khỏi bị cháy.


http://vnexpress.net/Files/Subject/3b/be/47/9a/co_ryo.jpg
Ri Kyong-sim trước sự hoan nghênh của đồng nghiệp vì hành động anh hùng. Ảnh: AFP

Báo Rodong Sinmun hôm 8/5 cho biết Ri Kyong-sim, một nữ cảnh sát giao thông 22 tuổi ở Bình Nhưỡng được vinh danh là "Anh hùng Triều Tiên" vì xả thân bảo vệ an toàn cho "lãnh tụ cách mạng" trong một hoàn cảnh bất ngờ.

Câu chuyện được đăng tải trên truyền thông Hàn Quốc và quốc tế như hãng thông tấn AFP, rộ lên tin đồn rằng "cô dường như đã ngăn chặn một sự cố có thể gây đe dọa mạng sống của lãnh đạo Kim Jong-un".

Tuy nhiên, News Focus International, một tổ chức thông tin về Triều Tiên, có nguồn tin là những người Triều Tiên lưu vong và những người đang hoạt động nhân đạo ở nước này, hôm 9/5 cho biết các nguồn tin ở Bình Nhưỡng nói Ri "nhận được giải thưởng vì đã dập ngọn lửa bùng phát gần một bức áp phích tuyên truyền". Bức áp phích được cho là có tên của lãnh đạo Kim Jong-un.

Theo Washington Post, sự lý giải này có thể nghe kỳ quặc, nhưng không phải không hợp lý, khi Triều Tiên thường trao danh hiệu cao quý cho những người cứu ảnh của các vị lãnh đạo. Những bức chân dung, cũng giống như Bí tích Thánh thể của Thiên chúa giáo, được coi là những biểu tượng linh thiêng trong tâm niệm người Triều Tiên.

News Focus International cũng cho biết Triều Tiên vẫn đang ở trong tình trạng "Sẵn sàng Chiến tranh Cấp độ 1", do những căng thẳng gần đây với Mỹ và Hàn Quốc. Tình trạng này cho phép áp dụng những quy định đặc biệt, trong đó có yêu cầu công dân bảo vệ hình ảnh và biểu tượng của các lãnh đạo.

Truyền thông Triều Tiên cũng từng vinh danh những người hy sinh hoặc mạo hiểm mạng sống của bản thân hay của người thân để đảm bảo an toàn cho bức chân dung lãnh đạo. Năm 2007, Kang Hyong-kwon, một công nhân nhà máy trong một trận lũ đã cố gắng cứu con gái và chân dung lãnh tụ khỏi ngôi nhà bị ngập. Vì dòng nước xiết, ông đã không thể giữ được con gái nhưng vẫn cố nắm chặt bức chân dung, và sau đó được ngợi ca là một anh hùng trong đời thực.

Năm 2002, truyền thông Triều Tiên đưa tin về cái chết anh hùng của Han Hyong-gyong, một học sinh 14 tuổi chết đuối vì cố cứu ảnh của lãnh đạo trong một trận lũ khác. Bé gái sau đó được Triều Tiên vinh danh ở cấp cao nhất, trong khi cha mẹ, giáo viên và hiệu trưởng của em cũng được tặng thưởng.

Trọng Giáp

Ôi những con người tiệt vời ở đất nước tiệt vời !

thái thanh tâm
14-05-2013, 08:18 AM
Cảnh khốn cùng của nữ đô vật số một Việt Nam

Nữ đô vật nổi danh một thời Lê Thị Huệ bây giờ bị liệt và sống trong cảnh nghèo khốn cùng, ngày đêm vật vã với những cơn đau đớn.

http://l.f4.img.vnexpress.net/2013/05/13/hue2-164586-1368416664_500x0.jpg
Nữ đô vật nổi danh một thời nay phải cực nhọc mới lê lết được vài bước chân rồi lại kiệt sức gã khuỵu xuống. Ảnh: GĐ.

Đường trở về quê nhà sau bao năm xa cách đối với nữ đô vật nổi danh một thời Lê Thị Huệ (sinh năm 1979) tới thôn Châu Chính, xã Quảng Châu, Quảng Xương (Thanh Hóa) sao mà chua cay, nghẹn ngào. Cũng ở con đường đó cách đây không lâu là hình ảnh Huệ mạnh mẽ, là niềm hy vọng của thể thao Việt Nam.

Sự nghiệp dở dang sau một tai nạn trong khi luyện tập, nữ đô vật quốc gia Lê Thị Huệ trở về quê nhà với tấm thân tàn phế trên chiếc xe lăn, đang ngày đêm vật lộn chống lại nỗi đau thể xác lẫn tâm hồn. Những ánh hào quang lóe sáng trong quá khứ không khỏa lấp được nỗi cay đắng, sự nghèo túng hiển hiện. Những ai biết Huệ đều xót xa cho một nữ VĐV bị cướp đi tất cả khi tuổi đời còn quá trẻ và suốt một thập kỷ qua phải vật lộn với đau đớn.

Nhớ lại buổi chiều định mệnh ngày 12/5/2003, “viên ngọc” thể thao đã chấm hết cuộc đời miệt mài phấn đấu cho thành tích quốc gia, cô lại ôm mặt khóc. Đó chính là cái ngày cô tập đối kháng để chuẩn bị SEA Games 22 thì bất ngờ bị ngã cắm đầu xuống dưới thảm, bị chấn thương cột sống, thoát vị đĩa đệm, dập tủy sống dẫn tới liệt tứ chi.

Từng là nữ VĐV vật số một của tỉnh nhà, năm 2003 Huệ giành HC vàng hạng 55 kg toàn quốc và là hy vọng vàng của vật Việt Nam ở SEA Games 22. Nhưng số phận lại quá nghiệt ngã với cô. Ngày tiễn Huệ đi cống hiến cho thể thao nước nhà là một cô gái khỏe mạnh, ngày trở về gia đình đón cô trong nước mắt. Hình ảnh Huệ ngồi xe lăn chầm chậm vào nhà lúc đó làm náo động cả một vùng quê nghèo. Ai ai cũng xót thương cho cô gái tài hoa, phận bạc.

Người mẹ già nua cả đời lam lũ của Huệ, bà Lường Thị Hường (hơn 70 tuổi) có nằm mơ bà cũng không thể hình dung có ngày con gái mình lại thành tàn phế, khốn khó như ngày hôm nay. Bàn tay còn ken đầy bùn đất, quần áo lấm lem, sự lam lũ khắc khổ hằn in trên từng nét mặt - người mẹ đáng thương bảo: “Từ ngày Huệ về, tất cả sinh hoạt của Huệ phụ thuộc vào tôi, nó không thể cử động làm được việc gì nên càng khó khăn, gạo lại phải đi đong từng bữa. Ngày bố nó còn, hai mẹ con sống nhờ vào đồng lương hưu ít ỏi nhưng năm 2010, ông ấy mất đi, tôi thì già yếu, hai mẹ con chẳng biết xoay sở thế nào”.

Cũng từ ngày Huệ trở về, vì không có tiền nên gia đình cũng chẳng đưa cô đi khám lại được. Nhìn con gái vật vã trong cơn đau, tiền mua thuốc không có mà nước mắt người mẹ già cứ trào ra. Thương con nghẹn đắng nhưng bà cũng bất lực ngồi nhìn con đau mà khóc. Đến chiếc xe lăn cũ đã hư nhưng bà cũng không thể mua được cho con chiếc xe khác. “Sao nó lại ra nông nỗi như thế này. Hơn 30 tuổi, sự nghiệp dở dang, chuyện chồng con cũng vậy. Sau này tôi chết liệu nó sống như thế nào…”, người mẹ già vừa khóc vừa nói.

http://l.f3.img.vnexpress.net/2013/05/13/hue-676856-1368416665_500x0.jpg
Hai mẹ con Huệ giờ đây sống trong khốn khó, gạo đong từng bữa. Ảnh: GĐ.

Ngày ngày Huệ âm thầm chịu đựng nỗi đau đớn khôn cùng về thể xác. Mỗi lúc trái gió trở trời là vết thương lại hành hạ cô. Nhưng có lẽ sự đau đớn ấy không thấm vào đâu với nỗi đau về tâm hồn đè nặng lên cô. Nhiều đêm không ngủ cô dò dẫm từng bước giở lại những kỷ vật ngày xưa. Những kỷ niệm ùa về như hàng trăm vết kim đâm vào trái tim đã quá đau đớn.

Ra đi lập nghiệp hai bàn tay trắng, lúc trở về vẫn trắng bàn tay. Số phận dường như quá cay nghiệt với Huệ. Tạo hóa nghiệt ngã đã lấy đi của cô tất cả tuổi trẻ, sự nghiệp, sức khỏe… Sau bao năm tháng miệt mài ấy để bây giờ cô sống trong cảnh nghèo túng đến khốn cùng với cơ thể bại liệt, bệnh tật hành hạ; trong sự thờ ơ đến vô cảm của những người từng một thời tôn vinh cô như niềm hy vọng. Chứng kiến gia cảnh đói nghèo đong gạo từng bữa của nữ đô vật vang danh một thời thật nghẹn ngào xót xa.

Gia Đình

thái thanh tâm
14-05-2013, 04:37 PM
Liên Hợp Quốc kêu gọi nhân loại ăn côn trùng

Ăn côn trùng là một trong những biện pháp hiệu quả để chống nạn đói toàn cầu, một báo cáo mới của Liên Hợp Quốc tuyên bố.

http://vnexpress.net/Files/Subject/3b/be/48/ad/de-men-0.jpg
Một cửa hàng dế mèn tại Thái Lan. Ảnh: Flickr.
Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), cơ quan công bố báo cáo, khẳng định rằng ăn côn trùng là cách để con người tăng cường dinh dưỡng và giảm ô nhiễm môi trường.

"Hơn hai tỷ người trên thế giới đang bổ sung dưỡng chất bằng cách ăn côn trùng trong bữa ăn hàng ngày. Tuy nhiên, cảm giác ghê tởm côn trùng của người dân các nước phương Tây vẫn là một rào cản đối với nỗ lực biến côn trùng thành thực phẩm", báo cáo tiết lộ.

Báo cáo nhắc lại rằng côn trùng là loại thức ăn giàu dinh dưỡng do chứa nhiều protein, chất béo và chất khoáng. Nhộng ong, bọ xít, nhộng tằm, châu chấu, dế mèn, cà cuống, bọ cạp và nhiều loài côn trùng khác là thực phẩm khá phổ biến tại các đang phát triển. Chúng là nguồn thực phẩm bổ sung cực kỳ quan trọng đối với trẻ suy dinh dưỡng.

Theo FAO, nuôi côn trùng trong trang trại là một trong những cách để con người chống nạn đói.

“Côn trùng sống khắp nơi. Chúng sinh sản nhanh và tăng trưởng cũng nhanh”, báo cáo lập luận.

Côn trùng cũng là những con vật “cực kỳ hiệu quả” trong việc biến thực phẩm thành thịt. Chẳng hạn, để tạo ra một lượng protein như nhau, một con bò sẽ cần khoảng thời gian gấp 12 lần so với một con dế. Phần lớn côn trùng thải ra ít khí thải nhà kính hơn so với gia súc.

FAO nhận định rằng, ngành công nghiệp thực phẩm có thể góp phần vào việc nâng cao vị thế của côn trùng bằng cách đưa chúng vào các công thức chế biến món ăn và thực đơn nhà hàng.

“Ở nhiều nơi, một số loài côn trùng là đặc sản. Chẳng hạn, người dân ở phía nam châu Phi coi một số loài sâu là thực phẩm hảo hạng và họ phải chi rất nhiều tiền để mua chúng”, báo cáo nhấn mạnh.

Báo cáo kêu gọi các nước thay đổi luật và cách thức sản xuất để người dân thường xuyên sử dụng côn trùng làm thực phẩm. “Việc ăn côn trùng trên quy mô lớn là một thói quen bền vững về mặt kỹ thuật. Những công ty hàng đầu trên thế giới đang đi tiên phong trong xu hướng này”, báo cáo kết luận.

thái thanh tâm
16-05-2013, 05:27 PM
Chủ nghĩa kì thị dân tộc đang ngóc đầu dậy ở Trung Quốc

(Nhân xem cái biển “Cấm người Nhật Bản, Philippin, Việt Nam và chó” tại một cửa hàng ăn nhanh ở Bắc Kinh, kiêm bàn “Hoa Di chi biện”)


http://i1354.photobucket.com/albums/q681/Satthat1/Biencamnguoivietnam_zpsa043ac3b.jpg
Đằng sau các từ ngữ hoa mĩ như “16 chữ vàng”, “hữu hảo”…là tiềm ẩn quan niệm phân biệt chủng tộc thâm căn cố đề của không ít người Trung Quốc. Không phải người Trung Quốc nào cũng thế. Tôi đã từng sống ở Trung Quốc nhiều năm, sau này cũng có nhiều lần sang Trung Quốc và thường xuyên đọc sách báo của họ, học tập họ, tôi thấy họ là một dân tộc văn minh, sáng tạo, khách khí, giữ lễ nghĩa, thích làm “hảo hán”. Nhiều bạn Trung Quốc mà tôi gần gụi có tình cảm rất tốt đẹp, nhường cơm sẻ áo. Nhưng không ít cá nhân của họ nhiều khi phụ thuộc vào quan điểm của nhà nước, cho nên thái độ của họ có thể thay đối 180 độ khó lường trước được.
Trước các tham vọng của Trung Quốc đối với chủ quyền biển đảo của ta, ta cần biết hiện nay trong thâm tâm họ nghĩ gì về người Việt và các dân tộc xung quanh trong bối cảnh thông tin bị nhiễu để khỏi bị ngộ nhận.
Từ những năm 90 khi tôi sang Trung Quốc sưu tầm tư liệu để viết các sách giáo khoa trung học Việt Nam, tôi có được một cuốn sách Ngữ văn lớp sáu, trong đó có bài Việt Nam tiểu bá, dạy cho học sinh lớp sáu của họ nào Việt Nam có tham vọng lãnh thổ, xưa đã từng thôn tính Chân Lạp và nay có tham vọng thành lập liên bang Đông Dương, xưng hùng xưng bá đối với các nước Đông Nam Á. Một bài tập đọc ngắn nhưng đã xuyên tạc Việt Nam và có ý dạy cho thế hệ trẻ Trung Quốc thái độ bài Việt.
Gần đây, vào mạng, tôi thấy người Trung Quốc rất tự hào với quan điểm sặc mùi tự kỉ trung tâm luận và kì thị chủng tộc cổ lỗ sĩ là phân biệt “Hoa Di”(Hoa Di chi biện), trong đó Trung Quốc được xem là trung tâm của thiên hạ, các dân tộc xung quanh bị miệt thị là “tứ di”. Tứ Di ấy gồm: Đông Di là Nhật Bản, Triều Tiên, Di châu; Bắc Địch gồm Hung Nô, Tiên Tỳ, Khiết Đan, Mông Cổ; Nam Man là An Nam; Tây Nhung là các tộc người phía Tây Hoa Hạ. Một quan điểm từ thời cổ đại mà theo nhãn quan văn hóa hiện đại, theo hiến chương Liên hiệp quốc thì đã phải vứt vào sọt rác từ lâu rồi, thế mà nhiều người đang ra sức làm sống dậy.
Trong sách Thượng Thư (trong thiên Đại Vũ mô) cho biết, thời vua Vũ trị thủy, người Hoa đã gọi các tộc xung quanh là “tứ di”, tứ Di là các dân tộc man di, mọi rợ, ở xung quanh Hoa Hạ, không có văn hóa. Sách Lễ kí thiên Vương chế nói rõ hơn: “Đông gọi là Di, Tây gọi là Nhung, Nam gọi là Man, Bắc gọi là Địch.” Tể tương Tề Hoàn Công là Quản Trọng chủ trương “Tôn Hoa Nhương Di” nghĩa là đề cao Hoa Hạ và bài xích các Di, được Khổng Tử khen ngợi hết lời (Luận ngữ, Hiến vấn). Khổng Tử viết Xuân Thu đại nghĩa nhấn mạnh sự phân biệt Hoa Di. Từ Kinh học của Đổng Trọng Thư đến Lí học của Chu Hi đều kế tục sự phân biệt đó. Đến đời Đường, Hàn Dũ trong thiên Nguyên nhân (Tìm bản chất con người) có viết : “Con người là người chủ của các loài vật và tứ Di”. Như vậy đối với Hàn Dũ, một bậc đại gia văn hóa Trung Quốc đáng kính, quan niệm của ông về con người sặc mùi đại Hán: chỉ người Hoa mới là người, các dân tộc xung quanh chỉ được coi như con vật, đồ vật. Đời Tống Trình Di viết : “Lễ mà mất đi thì thành Di Địch, mà mất nữa thì thành cầm thú.” Đời Minh Lữ Lưu Lương viết sách nói, “Sự phân biệt Hoa Di không giống như phân biệt quân thần, bởi vì quan hệ người Hoa đối với người Di giống như quan hệ con người đối với cầm thú, đồ vật, đó mới là ý nghĩa quan trọng nhất.” Các tư tưởng ấy làm chạm nọc vua nhà Thanh, bởi tộc của họ là người Mãn Châu, vốn bị người Hoa gọi một cách khinh thị là Di Địch. Vua Ung Chính đã dõng dạc bác bỏ như sau: “Kể từ khi Trung Hoa nhất thống, không thể tỏa ra xa rộng, có người không theo văn hóa Trung Quốc bèn mắng họ là Di Địch. Như bản triều ta là Mãn Châu, Mãn Châu là tịch quán của Trung Quốc, theo đó thì Thuấn là người Đông Di, Văn Vương là người Tây Di, điều đó có tổn hại gì cho thánh đức đâu?” Ung Chính đã xóa bỏ phân biệt Hoa Di và gọi các vị tổ của Trung Quốc là Di Địch mà người Trung Quốc ai dám hé răng.
“Tôn Hoa nhương Di” là tư tưởng lấy lễ nghi văn hóa Trung Quốc làm tiêu chuẩn phân biệt Trung Quốc với tộc người không phải Trung Quốc[1], đồng thời do tư tưởng độc tôn dân tộc mình, họ khinh bỉ các dân tộc khác do không có văn hóa lễ nghi của họ. Đó cũng là nền tảng để người Trung Quốc xâm lược các nước xung quanh, hủy diệt văn hóa của họ, mà tiêu biểu là lối cướp bóc hủy diệt các thành quả và di vật văn hóa Đai Việt của Vua nhà Minh.
Đó là sản phẩm tư tưởng lạc hậu của người Trung Quốc vào thời họ chưa có quan niệm về thế giới, chưa có khái niệm nhân loại, chưa hiểu về cộng đồng các dân tộc trên thế giới, chưa biết đến sự đa dạng văn hóa của các tộc người trong nhân loại. Dân tộc không có văn hóa Trung Quốc không có nghĩa là không có văn hóa. Văn hóa riêng của họ cũng có giá trị bình đẳng.
Điều quái gở là hôm nay không ít người Trung Quốc hết sức khoái thú với sự phân biệt Hoa Di đó. Họ chủ trương cần phát huy sự phân biệt kia để phát triển văn hóa Trung Hoa. Các từ điển mở Wikipedia, các trang khác như Hỗ Động, Bách Khoa, Đậu bạn, Bách độ…đều có mục “Phân biệt Hoa Di”, trong đó biện hộ tư tưởng đó không phải là kì thị chủng tộc, mà chỉ là lấy tiêu chí văn hóa phát triển cao để phân biệt các dân tộc mà thôi. Tất cả các nhà khoa học của Trung Quốc tham gia các trang ấy, buồn thay, không ai thấy rằng văn hóa các dân tộc đều độc đáo, mà độc đáo thì không so hơn thua được, đều bình đẳng, thì việc lấy văn hóa của mình làm tiêu chí để đánh gía các dân tộc khác thấp hơn là không có cơ sở. Áo mũ, lễ nghĩa chưa phải là thước đo văn minh. Trong thực tế lịch sử Trung Hoa, ngược lại, ta thấy có sự thật là người Trung Hoa có nhiều khi không phân biệt được Hoa Di như họ tưởng. Chẳng phải trong lịch sử Trung Quốc đời nhà Đường người Hoa rất say mê văn hóa của người Hồ (Bắc Địch), từ hồ cầm, hồ cà (nhạc cụ), hồ địch (sáo), hồ nhạc, hồ vũ, hồ phục (trang phục), hồ mã (ngựa hồ), hồ phạn (ẩm thực người hồ) , …đều là các thứ được người Hoa, kể cả vua chúa, quyền quý yêu chuộng tiếp nhận đó sao? Vua Hán Linh đế cũng say mê văn hóa người Hồ, đâu có phân biệt Hoa Di? Đến thời Nguyên người Hoa bị người Mông Cổ là Bắc Địch thống trị mấy trăm năm, tự biến thành Bắc Địch, đâu còn Hoa nữa. Họ không thấy đến thời Mãn Thanh, cả dân tộc Hoa đều phải cạo đầu, dóc tóc như người Mãn, ăn vận theo trang phục người Mãn, đâu còn trang phục Trung Hoa, cả một dân tộc có văn hóa riêng, thoắt cái biến thành Di tất cả trong mấy trăm năm trời thì còn phân biệt Hoa Di mà làm gì? Các biển hiệu treo trong Cố cung trên ghi chữ Mãn, dưới ghi chữ Hán thì đâu có phân biệt Hoa Di? Cả Cố cung cũng có trí tuệ của kiến trúc sư Đại Việt, làm sao phân biệt Hoa Di? Thời cận đại cả dân tộc Trung Hoa lại sang học Đông Di tức là nước Nhật Bản, đất nước đi tiên phong trong việc học tập văn hóa phương Tây để phát triển thành một cường quốc châu Á. Muốn tiếp thu phương Tây thì trước hết phải dịch từ ngữ, mà lúc đầu người Trung Quốc dịch đều thất bại, hầu hết các từ thông dung hiện đại của tiếng Hán đều vay mượn từ dịch của Nhật Bản cả[2]. Trong tiếng Hán hiện đâu có thấy phân biệt Hoa Di? Lúc này Trung Quốc biến thành Di rồi, mà Nhật Bản là Nhật Bản. Đến thời Ngũ Tứ năm 1919, người Trung Quốc đã giác ngộ, tự thấy mình là Di trong mắt người phương Tây, Nhật Bản. Hình tượng AQ chính là hình tượng người Di trong con mắt người hiện đại. Họ nêu khẩu hiệu “đạp đổ cửa hàng họ Khổng” tức là tinh hoa văn hóa của Hoa Hạ, để hoàn toàn Âu hóa. Đến thời Mao họ lại vứt Khổng đi, tôn sùng Mác Lê, một thứ Tây Di hiện đại. Phải nói ngay rằng, chính sự giao lưu, cộng sinh văn hóa giữa các dân tộc đó đã tạo thành bản sắc văn hóa Trung Hoa phong phú. Còn ngày nay thì đất nước Trung Quốc tràn ngập mọi thứ văn minh phương Tây, làm gì có Hoa Di chi biệt nữa? Nếu chỉ phân biệt Hoa Di theo các tư tưởng cổ lỗ ngày xưa thì nay đâu có văn hóa Trung Quốc hiện đại? Thế mà họ vẫn đề xướng “Hoa Di chi biệt” thì thật quái gở. Chẳng lẽ họ không biết phân biệt Hoa Di là tự tách mình ra khỏi nhân loại, khỏi thế giới, khỏi luật pháp quốc tế? Chẳng lẽ họ không biết như thế là chông lại sự bình đẳng về văn hóa của các dân tộc? Hay là sự phân biệt Hoa Di là ngọn cờ dân tộc chủ nghĩa được ai đó lợi dụng phất lên nhằm làm lu mờ khát vọng dân chủ và yêu cầu tôn trọng quyền con người trong nước họ?


http://i1354.photobucket.com/albums/q681/Satthat1/bien_cam_cho_va_nguoi_trung_quoc_1_zps12b7f62d.jpg
Họ đã từng nhục nhã khi thấy Vườn hoa Hoàng Phố thuộc tô giới Anh ở thành phố Thượng Hải có treo tấm bảng đề tám chữ “Người Hoa và chó không được ra vào”(Hoa nhân dữ khuyển bất đắc xuất nhập), thế mà bây giờ họ quên ráo. Họ lại tự hào truyền thống ông cha xưa, coi phân biệt Hoa Di là tư tưởng cốt lõi để tôn vinh dân tộc Hoa và hạ nhục dân tộc khác. Mới đây một cửa hàng ăn nhanh ở Bắc Kinh treo biển “không tiếp người Nhật Bản, Philippine , Việt Nam và chó”, một hành động bắt chước cái vô văn hóa của bọn thực dân thuần túy. Chính người Hoa cũng nhiều người hiểu rằng, người Anh khi treo cái biểu cấm chó và người Hoa kia là có lí của họ. Vườn hoa thuộc tô giới, là nhượng địa, người Trung Quốc không có quyền vào, tuy nhiên nhiều người không biết cứ vào cho nên đề cấm. Lại nữa, người Hoa vào, theo thói quen, nhổ bậy, đái bậy, ỉa bậy làm ô uế, nên phải cấm. Chó Trung Quốc là thứ chó nuôi thả rông, chúng cũng vô đái bậy, ỉa bậy, không như chó cảnh của mấy ông tây bà đầm. Còn cái biển đề của nhà hàng kia không có ý nghĩa gì ngoài cái nghĩa kì thị dân tộc. Nhà hàng là nơi chào đón người tứ xứ, nhất là khách du lịch, việc gì mà cấm người này, người nọ. Trên thực tế tôi cũng không thấy họ cấm chó, bởi trong cửa hàng Trung Quốc, người ta nuôi chó để làm vệ sinh. Như thế càng rõ họ chỉ có ý làm nhục các nước tranh chấp lãnh thổ của họ. Vấn đề lãnh thổ là chuyện khác, chuyện pháp lí, không phải chuyện yêu ghét. Thế mà người Trung Quốc cứ ra vào nhà hàng như không, hình như không thấy ai phản ứng sự kì thị chủng tộc công khai thách thức đó. Cũng có thể có người không tán thành, mà không dám nói, sợ đám kì thị kia làm khó, cho nên ngậm miệng. Đó là sự trỗi dậy, hiện nguyên hình khía cạnh văn hóa thấp kém của Trung Hoa hàng nghìn năm nay, tự lột cái mặt nạ tư tưởng kì thị dân tộc trước mắt nhân dân thế giới.
Tóm lại phân biệt Hoa Di là sản phẩm của thời Trung Quốc còn lạc hậu, và trong suốt lịch sử Trung Quốc tự bản thân họ cũng đã nhiều lần hòa trộn với Di, thậm chí biến thành Di trong mắt các nền văn minh khác. Không hề có Hoa Di chi biệt như họ ảo tưởng.
Chúng tôi yêu quý, trân trọng văn hóa sâu rộng, phong phú của người Trung Hoa, sự giao lưu văn hóa của hai dân tộc Hoa Việt đã làm cho văn hóa Việt Nam được phát triển. Nhưng các biểu hiện gần đây ở Trung Quốc cho thấy chủ nghĩa kì thị dân tộc đang trỗi dậy hết sức mạnh mẽ, và cũng hết sức nguy hiểm. Nó đầu độc tâm hồn cả một dân tộc vĩ đại. Một dân tộc vĩ đại mà bị đầu độc thì còn gì nguy hiểm hơn? Chủ nghĩa Hitler cũng chỉ vì kì thị dân tộc mà trở thành kẻ thù của nhân loại. Trung Quốc bây giờ bề ngoài mạnh mẽ, phồn vinh, nhưng bên trong tâm thức vẫn còn là một kẻ bành trướng tham lam cực kì nguy hiểm. Xin đừng quên cảnh giác.

TRẦN ĐÌNH SỬ

thái thanh tâm
17-05-2013, 05:27 PM
Cách mạng Văn hóa - tội lỗi của ai?

(Trao đổi với giáo sư Mao Vu Thức)

Đấu tố trong cách mạng văn hóa

Trong thời đại Mao Trạch Đông, dân chúng không có quyền tự do ngôn luận, tự do theo đuổi nghề nghiệp, tự do cư trú và tự do đổi nơi cư trú. Điều mà người dân có thể làm chỉ là sự phục tùng. Bởi vì “kẻ không phục tùng không có cơm ăn”, ai không phục tùng thì phải “đói mà chết dần”. Tất cả bi kịch cũng như mọi chuyện hoang đường xuất hiện trong thời Cách mạng Văn hóa không phải là trách nhiệm và lỗi lầm của nhân dân Trung Quốc (trong đó có giáo sư Mao Vu Thức[2]). Tạp chí Minh Kính số tháng 8 đăng bài “Kỉ niệm một vị nữ thánh” của Ngô Giá Tường.[3]Trong bài có nhắc đến chuyện kinh tế gia Mao Vu Thức phát biểu trong lễ kỉ niệm tròn 90 năm ngày sinh Vương Bối Anh[4]rằng “Bi kịch Cách mạng Văn hóa dù do lãnh tụ vĩ đại Mao Trạch Đông đích thân đạo diễn, cộng thêm nhóm tứ nhân bang cùng những kẻ tay sai trợ ác cùng lắm cũng chỉ mấy trăm người. Vậy mà cả nước sáu bảy trăm triệu người điên cuồng vào cuộc. Có một nửa trách nhiệm ở người dân. Nếu Mao Trạch Đông và lũ bốn tên sang Hoa Kì làm việc đó thì khẳng định là làm không nổi”.[5]Giáo sư Mao có dũng khí phản tỉnh như vậy thực đáng ca ngợi. Vậy mà người viết bài này quả thật không dám đồng ý với phát biểu cho rằng nhân dân phải gánh một nửa tránh nhiệm về bi kịch Cách mạng Văn hóa và nếu như là ở Mĩ thì không thể tiến hành được cuộc cách mạng đó. Chúng tôi cho rằng quan điểm đó có vấn đề về logic rất đáng được trao đổi thêm.

“Kẻ không phục tùng không có cơm ăn”

Cách mạng Văn hóa sở dĩ có thể phát động và lôi cuốn dân chúng - việc này hoàn toàn có quan hệ với thể chế chính trị Trung Quốc. Dưới thời Mao, dân không chỉ mất quyền tự do ngôn luận. Đến quyền tự do chọn nghề nghiệp, tự do cư trú và di chuyển cũng chả có. Mỗi một người đều trở thành “chiếc đinh ốc” trong cỗ máy quốc gia. Còn nhà nước thì trở thành người chủ nhân công duy nhất, người kinh doanh của tất cả các xí nghiệp. L.Trotsky nói từ 1937: “Trong những nước mà nhà nước là người thuê nhân công duy nhất, phản kháng đồng nghĩa với việc “từ từ chết đói”. Nguyên tắc xưa cũ “kẻ không lao động không được ăn” đã bị thay thế bởi nguyên tắc mới “kẻ không phục tùng không được ăn”[6](sách “Đường đến nô dịch”). Trong một xã hội như thế, việc mà dân chúng có thể làm chỉ có thể là phục tùng và phục tùng. Bởi vì “kẻ không phục tùng không được ăn”, kẻ không phục tùng thì sẽ đối diện với uy hiếp của việc phải “từ từ chết đói”.
Ta hãy xem tình cảnh xã hội Trung Quốc thời Mao. Chính quyền mới được thành lập sau 1949. Trong thập niên những năm 50 hàng loạt các cuộc vận động chính trị và trấn áp phản cách mạng do Mao phát động đã tiêu diệt triệt để giai cấp trí thức thân hào trong xã hội Trung Quốc truyền thống. Những chức năng có tính truyền thống của xã hội Trung Quốc theo đó cũng tiêu vong. Trên một cơ sở như thế Mao đã sử dụng năm thủ đoạn kể sau để khống chế chặt chẽ xã hội dưới tay mình.

Thủ đoạn thứ nhất - Chế độ hộ khẩu

Chế độ hộ khẩu kiểu Trung Quốc phân tách thành thị và nông thôn. Nông dân suốt đời bị cầm cố ở nông thôn, các hộ dân quê không có cách nào để dời lên thành phố. Không có hộ khẩu thành phố thì không có chỗ làm, không có hộ khẩu thành phố thì không có phân phối lương thực, không có hộ khẩu thành phố không những không làm được bất cứ việc gì mà chính ra là không thể sinh tồn. Dân thành phố cũng bị cầm cố tại chính nơi cư trú của mình. Việc chuyển chỗ ở giữa các thành phố cũng vì chế độ hộ khẩu mà chịu sự khống chế hoàn toàn. Chế độ hộ khẩu đó dẫn đến vấn đề bất bình đẳng về mức sống, việc làm, đi học giữa nông thôn và thành phố. Vậy nhưng chỗ giống nhau về quyền lợi chính trị mà dân nông thôn và dân thành phố được hưởng đều là “không có gì”. Chế độ hộ khẩu Trung Quốc còn có một công năng khác, đó là thông qua hộ khẩu cưỡng chế những ai không phục tùng hay có kiến giải độc lập về nông thôn tiếp thu giáo dục lao động cải tạo. Sự khác biệt giữa thành phố và nông thôn kiểu như thế hoàn toàn là do con người tạo nên. Những ai có hiểu biết về thời kì lịch sử đó đều thấy rõ như thế.

Thủ đoạn thứ hai – Chế độ tem phiếu phân phối

Mao Trạch Đông dùng chế độ phân phối tem phiếu để nắm chặt trong tay mình nguồn nhu yếu phẩm phục vụ đời sống nhân sinh. Bất cứ một số lượng tiêu dùng nhu yếu phẩm nào cần thiết cho sinh hoạt đều được phân phối, người dân không thể tự do có được các nhu yếu phẩm đó. Khi mua lương thực không những cần có sổ mà còn cần cả tem phiếu, có tiền cũng không mua được định mức quy định theo tháng. Điều cần phải chỉ rõ là, phiếu lương thực còn chia thành loại phiếu thông dụng toàn quốc, loại phiếu dùng ở địa phương các tỉnh và loại phiếu dùng cho các thành phố. Trừ loại phiếu lương thực thông dụng toàn quốc ra, hai loại sau chỉ có thể dùng trong phạm vi các tỉnh các thành phố. Người ta không thể xoay trở được nếu như không có phiếu lương thực. Chỉ riêng với chế độ phiếu lương thực đã có thể khống chế được quyền tự do hành động của dân chúng. Nhưng chế độ phân phối của Mao gồm một nội dung hết sức rộng rãi. Tất cả đều được phân phối theo phiếu – có phiếu dầu ăn, phiếu vải, phiếu trứng, phiếu đường, phiếu thịt, phiếu máy khâu, phiếu xe đạp,... Đến tết có phiếu hàng tết. Đủ loại tem phiếu quán xuyến toàn bộ đời sống người dân Trung Quốc.

Thủ đoạn thứ ba – Chế độ hồ sơ lí lịch

Chế độ hồ sơ lí lịch không xa lạ đối với mỗi người dân Trung Quốc. Cho dù anh học ở trường, công tác ở các đơn vị cơ quan hay về hưu ở nhà (về hưu hồ sơ lí lịch được chuyển về khối phố hoặc công xã nơi đương sự sinh sống). Hồ sơ lí lịch theo liền với từng người cho đến hết đời. Chức năng của chế độ hồ sơ lí lịch không thua kém gì một sự theo dõi ngầm của cơ quan công an. Trường học và cơ quan sẽ ghi vào hồ sơ nếu đương sự bị kỉ luật. Những nhận xét hay giới thiệu mà chính đương sự không được đọc thấy hay không được chính đương sự xác nhận cũng được phê viết vào hồ sơ lí lịch. Tính cách tiêu cực hay tích cực của những lời phê đó ảnh hưởng đến đến cuộc sống giữa xã hội của chủ nhân bộ hồ sơ. Những ai có dũng cảm phàn nàn, nêu ý kiến hay phát ngôn trái lạ đều bị ghi vào trong hồ sơ lí lịch. Còn như việc sẽ chịu xử lí như thế nào thì chỉ còn trông chờ vào may rủi. Chế độ hồ sơ lí lịch phi nhân tính đó trên thực tế đã tước đi quyền tự do ngôn luận.

(Còn tiếp)

thái thanh tâm
18-05-2013, 07:14 AM
(Tiếp theo và hết)

Cách mạng Văn hóa - tội lỗi của ai?

(Trao đổi với giáo sư Mao Vu Thức)

Thủ đoạn thứ tư – Chế độ giáo dục lao động cải tạo

Giáo dục lao động cải tạo được nói là một loại xử phạt hành chính nhưng trên thực tế rất gống với xử phạt hình sự. Chế độ giáo dục lao động có tính tùy tiện, nó có thể do một đơn vị cơ quan quyết định. Như thế chế độ giáo dục lao động khiến cho các cơ quan đơn vị trở nên rất gần với một cấp tư pháp nhưng tùy tiện và vô pháp luật. Mặc dù nói là xử phạt hành chính và được gọi là “trị bệnh cứu người” nhưng những người bị bắt đi lao động không những mất quyền tự do nhân thân đồng thời họ cũng trở thành “tiện dân” của xã hội và chịu sự kì thị. Nghiêm trọng hơn là khi mãn hạn lao-giáo rồi người ta vẫn có thể cưỡng chế người bị giáo dục bằng lao động đó ở làm việc tại chỗ. Trên thực tế đó là một thứ tù không kì hạn, suốt đời bị giam thân cảnh tù, mất hẳn tự do. Việc có thể tùy ý thực hiện chế độ lao-giáo đối với dân chúng là biểu hiện của sự khủng bố chính trị thời Mao.

Thủ đoạn thứ năm - Chế độ cơ quan đơn vị

Dưới thời Mao, “cơ quan/đơn vị” trên thực tế chính là chỗ để khống chế cá nhân. Quyền tự do theo đuổi nghề nghiệp bị tước bỏ, tất cả mọi người đều nhận công tác theo sự sắp xếp của nhà nước. Người ta không có quyền chọn công việc và cũng không có quyền từ chối công việc được phân công. Nhà nước không cho phép tùy ý từ chức hay đổi công tác. Mỗi một người suốt đời làm việc ở những vị trí công tác đã được phân công. Tiền lương do nhà nước quy định. Tình trạng đi làm cả đời không có tăng lương là rất nổi bật. Một khi anh rời khỏi đơn vị hoặc bị đơn vị khai trừ đồng nghĩa với việc hoặc là anh đã ra khỏi cái xã hội mà Mao đang khống chế hoặc là anh bị cái xã hội đó khai trừ. Anh sẽ lâm cảnh đường cùng, mất hết nền tảng sinh hoạt. Trong cái chế độ cơ quan-đơn vị đó, để sinh tồn kiếm sống nuôi gia đình anh chỉ có thể phục tùng và phục tùng. Nhân dân Trung Quốc không có tội và cũng không có trách nhiệm về Cách mạng Văn hóa.
Thời đại Mao Trạch Đông chính là dùng những thủ đoạn như thế để khống chế toàn bộ xã hội Trung Quốc. Cộng thêm vào đó là hết cuộc vận động chính trị trị này đến cuộc vận động chính trị kia. Tất cả khiến cho nhân dân Trung Quốc thực không có lấy một cơ hội nào để thở lấy hơi nữa. Cách mạng Văn hóa trong suốt quá trình của nó xem ra rất là hỗn loạn nhưng cả xã hội vẫn được khống chế chặt trong tay Mao. Mà Cách mạng Văn hóa là một cuộc vận động chính trị nhằm giải quyết chuyện người thừa kế quyền lực. Nói cách khác Mao phát động Cách mạng văn hóa là nhằm mục đích biến giang sơn của một đảng thành giang sơn của một nhà, chuẩn bị cho Giang Thanh tiếp nối quyền hành[7](Xem Lưu Thông, “Mục đích của Cách mạng Văn hóa – Xác lập người thừa kế quyền hành”). Trong Cách mạng Văn hóa, từ trên xuống dưới, từ trong đảng đến người ngoài đảng tất cả đều bị cuốn vào trong đó. Người bị cuốn vào không biết nguyên do sự việc nhưng kẻ phát động thì từng bước hướng cuộc vận động đi đến mục tiêu đã dự định trước. Nhiều lãnh đạo cấp cao bị cuốn vào mà không sao hiểu được nguyên do, họ lại còn đứng đó hô hào học tập. Họ cảm thấy chuyện dường như là “cách mạng gặp phải vấn đề mới”. Nhiều lãnh đạo bị lôi ra phê đấu bắt đầu công việc tự kiểm thảo đi kiểm thảo lại. Mao Trạch Đông bày đặt mê hồn trận, khiến cho đám đông những là “đối tượng của cách mạng” từ to đến nhỏ không biết phải như thế nào cho phải, suốt này hoảng hốt giữa rầm trời tiếng hô khẩu hiệu và tiếng hô đả đảo. Trong một không khí khủng bố chính trị như thế, quần chúng dân đen không chút quyền hành sống khác gì chết. Họ đến nói năng cũng phải giữ mồm, không cẩn thận là bị hàng xóm thậm chí chính vợ (chồng) con cái mình phản ánh, tố giác. Trong thời buổi Cách Văn hóa, ai cũng run sợ cho bản thân, ngay cả người thân cũng không được tin. Lúc bấy giờ, “tin tưởng” đã trở thành từ đồng nghĩa của từ “nguy hiểm”. Bạn bè tri âm trở thành người cáo giác, người dám nói thẳng chẳng khác gì đang đào huyệt cho mình. Cả nước từ trên xuống dưới chỉ mỗi Mao là người hưởng quyền “tự do ngôn luận” ghi trong hiến pháp. Mọi công dân của cộng hòa quốc này đều đã bị tước bỏ quyền phát ngôn. Mọi hành động đều chờ chỉ huy của Mao, vạn vật sinh trưởng cũng nhờ sự tưới tắm của “lời dạy của chủ tịch” (ngữ lục). Trong những năm tháng gọi là “cách mạng” đó, mở miệng là “muôn năm”, kiểm thảo ngày nào cũng có, tự sát trở thành ước mơ. Tất cả là để làm gì? Vận động quần chúng là để chặn đánh tâm lí phản nghịch của quần chúng. Vận động lãnh đạo cao cấp là để chống lại “lửa bất bình” nơi họ, làm cho họ cụp tai cúi đầu cam nô lệ. Mao gây bao án oan, bức đồng chí không ngừng tự kiểm thảo. Mao muốn tinh thần “tội tổ tông” thấm sâu vào thần dân. Chỉ như thế thì mới có thể khiến cho dự trù chính trị của mình thực hiện thông suốt.
Ham sống sợ chết là thiên tính của con người. Trong một xã hội mà không khí khủng bố nhuốm mùi tanh của máu, dân chúng xô dạt theo dòng lớn là chuyện không khó hiểu cả về tình lẫn về lí. Hẵng xem một người tài năng tót vời như Quách Mạt Nhược đã phải sống một cuộc sống run rẩy kinh hãi ra sao là đủ biết quần chúng thường dân vì sao lại phải “ngây cuồng”. Hẵng xem biết bao nhà văn nổi tiếng bỗng chốc tất cả cùng im lặng tập thể, gác bút tập thể là đủ thấy Mao Trạch Đông đã không chế thành công xã hội Trung Quốc đến mức nào. Cũng đủ để thấy dân chúng vì sao phải “ba phải a dua”. Bởi vì họ chỉ mỗi việc phải phục tùng, “ngây cuồng” hay “ba phải vào hùa” là kết quả của việc phải phục tùng. Không thế thì sẽ “dần dần chết đói”. Dám chắc giáo sư Mao Vu Thức cũng ở trong đội ngũ đó. Đó quyết không phải là tội lỗi và trách nhiệm của nhân dân Trung Quốc (gồm cả giáo sư trong đó). Quả đúng như giáo sư đã nói: “Nếu Mao Trạch Đông và lũ bốn tên sang Hoa Kì làm Cách mạng Văn hóa thì khẳng định là làm không nổi”. Sở dĩ những việc tương tự Cách mạng Văn hóa không thể phát động nổi ở Mĩ là bởi vì chế độ chính trị quốc gia này không cho phép các nhà chính trị muốn làm gì thì làm. Điều còn quan trọng là, các nhân vật chính trị ở Mĩ là do dân chúng bỏ phiếu chọn ra. Tất cả những người đó (bao gồm cả tổng thống) đều phải chịu trách nhiệm trước dân chúng. Thế nên chính trị gia tại Mĩ không thể hành động khinh suất hay tùy ý trái phản ý dân. Ai cũng biết chính trị Trung Quốc thời Mao và chính trị Hoa Kì không giống nhau. Vậy đương nhiên là ngón nghề của Mao làm sao mà thi hành được ở Hoa Kì! Bản thân Mao cũng biết rõ điều đó. Sau lúc Liên Xô hạ bệ Stalin, chính Mao từng nói nếu như ở các nước phương Tây thì đã không có chuyện kiểu Stalin.[8]Thế nhưng Mao hoàn toàn không rút ra bài học gì cả. Sau vụ Watergate, Richard Nixon bị điều trần. Bill Clinton vì chuyện quan hệ ngoài hôn nhân mà bị quốc hội điều tra và ông đã buộc phải xin lỗi dân Mĩ. Ngược lại Mao chưa hề có một lời xin lỗi nào về những việc sai lầm của mình. Bành Đức Hoài[9]dũng cảm vì dân cuối cùng cũng chỉ là “Tôi không uống thuốc của Mao Trạch Đông” “Tôi không ăn cơm của Mao Trạch Đông”.[10]Một nguyên soái chiến công hiển hách cũng chỉ biết dùng cách đó để phản kháng thì còn yêu cầu được người dân phải làm thế nào? Một chế độ tốt đẹp có thể khiến một người xấu không dám làm việc hư, một chế độ bất lương có thể khiến người tốt làm việc xấu. Đây là lí do vì sao người ta yêu cầu phải cải cách thể chế. Giả sử, nếu xưa kia các bậc tiên hiền buổi đầu nước Mĩ kiến quốc không dựng nên chế độ dân chủ, nếu G.Washington sau 8 năm làm tổng thống không sáng suốt và dứt khoát rút lui khỏi đời sống chính trị, nếu không có việc những người kế thừa Washington thể chế hóa hành động của ông, nếu Washington thực hiện triệt để chế độ chính trị kiểu Mao thì hoàn toàn có thể khẳng định - việc xuất hiện thảm cảnh Cách mạng Văn hóa hay việc nảy sinh bi kịch tương tự bi kịch của những Trương Chí Tân[11], Vương Bối Anh là hoàn toàn có thể.
Vì vậy, tất cả những bi kịch hay những chuyện hoang đường xuất hiện trong Cách mạng Văn hóa chỉ có thể là trách nhiệm của kẻ phát minh Mao Trạch Đông. Nếu không sẽ là không công bằng đối với lịch sử và cũng là một điều sỉ nhục đối với người dân Trung Quốc – những kẻ không có chút quyền kinh tế và quyền chính trị nào trong tay.

HIDEMATSU HIYOSHI

thái thanh tâm
19-05-2013, 07:27 PM
Cổ vũ bóng đá kiểu Triều Tiên

Khách nước ngoài đến Triều Tiên được phép đến xem các trận bóng đá cùng với người giám sát của họ. Nhưng bóng đá ở đất nước bí ẩn này không được ưa chuộng và hâm mộ cuồng nhiệt như ở những nơi khác.


http://vnexpress.net/Files/Subject/3b/be/4b/2a/trieu-tien4.jpg
Khán giả Triều Tiên đang theo dõi trận đấu giữa hai câu lạc bộ Bình Nhưỡng và Ri Myong Su. Ảnh: wodumedia
Phóng viên của BBC Tim Hartley có dịp đến sân vận động 50.000 chỗ ngồi Kim Nhật Thành để theo dõi một trận đấu bóng đá.

Vé của trận đấu được bán sạch sành sanh, nhưng ở bên ngoài sân, anh không thấy bóng dáng một ai, không có những dãy người xếp hàng dài hay những quầy bán đồ ăn vặt.

Tuy nhiên, bên trong sân là một khung cảnh hoàn toàn khác. Tất cả các chỗ ngồi đều được phủ kín. Hàng hàng lớp lớp những người đàn ông ngồi lặng lẽ, mặc những chiếc áo tối màu giống hệt nhau, đeo cà vạt đỏ và một loại huy hiệu nhỏ ở bên ngực trái của họ. Tuy nhiên, đó không phải là huy hiệu in logo của Bình Nhưỡng FC mà là hình của nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành.

Sân cỏ nhân tạo trông rất đẹp dưới ánh nắng mùa xuân. 9h30 trận đấu khai màn. Không một tiếng reo hò, không một lá cờ hay khăn quàng cổ động ở các hàng ghế khán giả, chỉ có những tiếng xì xầm khe khẽ phát ra từ những hàng ghế tối.

Trong số các khán giả có nhiều người là binh sĩ mặc quân phục xanh và đội mũ rộng vành. Một số người lặng lẽ ngồi đọc báo, không ai tỏ ra hứng thú với trận cầu, cứ như thể họ bị yêu cầu đến đây.

Đối thủ của Bình Nhưỡng FC, Amrokgang, có phần nhỉnh hơn trong hiệp một nhưng đây vẫn là một trận đấu ngang sức ngang tài. Bình Nhưỡng FC sau đó vươn lên và chiến thắng trong một quả penalty, nhưng cũng không có phản ứng nào từ đám đông.

Nhóm bạn đi du lịch của Hartley quyết định tạo không khí một chút bằng cách hô "1-0 cho trọng tài! 1-0 cho trọng tài!". Khoảng hơn chục người phương Tây ngồi cùng Hartley ở khu vực VIP, với giá 40 USD một ghế, nhìn họ cười.

Một số người nhập hội và hét to hơn: "Bình Nhưỡng ooh, ooh!Bình Nhưỡng ooh, ooh!". Những người Triều Tiên liền quay sang nhìn họ chằm chằm nhưng vẫn không nói gì.

Nhóm của Hartley bị giám sát rất kỹ tại sân. Hai người hướng dẫn viên một người ngồi trước, một người ngồi sau và hầu như không cất tiếng.

http://vnexpress.net/Files/Subject/3b/be/4b/2a/trieu-tien3.jpg
Một trận đấu diễn ra tại sân vận động Kim Nhật Thành giữa đội tuyển Triều Tiên và đội tuyển Nhật Bản năm 2011. Ảnh: Asahi Shimbun
Đội tuyển quốc gia Triều Tiên sử dụng tên chính thức của nước này. Khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong lịch sử chơi bóng của họ là vào World Cup năm 1966, khi họ đánh bại đội Italy với tỷ số 1-0 để lọt vào tứ kết. Họ cũng từng lọt vào vòng chung kết năm 2010.

Tại kỳ World Cup gần nhất ở Nam Phi, huấn luyện viên Triều Tiên Kim Jong-Hun, nói với giới truyền thông rằng ông "thường xuyên được nhà lãnh đạo Kim Jong-il hướng dẫn về chiến thuật trong các trận đấu bằng loại điện thoại di động mà mắt thường không nhìn thấy được và do chính bản thân nhà lãnh đạo tối cao phát triển".

Tuy nhiên, đội tuyển Triều Tiên hiện đang trong giai đoạn khó khăn và cũng không lọt vào World Cup năm tới ở Brazil. Trận đấu gần nhất của đội tuyển là trận giao hữu với Cuba, kết thúc bằng kết quả hòa không bàn thắng.

Trở lại với trận đấu trên sân Kim Nhật Thành, một tiền đạo của Bình Nhưỡng FC bị đốn ngã trong vòng cấm địa và Amrokgang phải chịu thêm một quả phạt đền nữa.

Bàn thắng thứ hai vẫn chẳng thu hút được phản ứng nào từ các khán giả. Đám đông tiếp tục im lặng. Không có cảnh huấn luyện viên lao ra đường biên chúc mừng các cầu thủ, cũng không có màn các cầu thủ đập tay hay vỗ lưng nhau ăn mừng.

Vào giờ giải lao giữa hai hiệp, hai ban nhạc chơi kèn đồng xuất hiện phía sau hai khung thành và chơi nhiều bản nhạc khác nhau nhưng dường như không ai quan tâm.

Vào phút bù giờ của hiệp hai, Bình Nhưỡng FC lấn lướt đối thủ. Cuối cùng, đám đông cũng như bừng tỉnh, dù chỉ đôi chút, khi Bình Nhưỡng ghi thêm một bàn thắng khác. Đó là cú sút cuối cùng, khép lại trận đấu kỳ lạ nhất mà Hartley từng được xem vào phút thứ 94.

Hartley những tưởng các cổ động viên sẽ rời sân trong niềm hân hoan chiến thắng, nhưng không, trên gương mặt của các binh sĩ không một chút biểu hiện cảm xúc.

Anh Ngọc (theo BBC)

thái thanh tâm
24-05-2013, 03:08 PM
MANILA (AFP) - Chính phủ Philippines hôm Thứ Năm thề sẽ chiến đấu chống Trung Quốc “đến người cuối cùng” để bảo vệ lãnh thổ, trong khi một tàu chiến Trung Quốc lượn quanh một hòn đảo đá ngầm hẻo lánh do một toán quân Thủy Quân Lục Chiến Philippines trấn giữ.

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/articlefiles/166769-TS-ThuyQuanLucCHien-400.jpg
Lực lượng Thủy Quân Lục Chiến của Philippines. (Hình: TED ALJIBE/AFP/Getty Images)

Trong vụ tranh cãi mới nhất liên quan đến tranh chấp biển đảo ở vùng Biển Đông, chính phủ Philippines tuần này lên án các hành động “khiêu khích và sự hiện diện trái phép” của một chiến hạm và một đội tàu đánh cá Trung Quốc gần đảo đá ngầm mang tên Second Thomas Shoal.

Sau khi Trung Quốc bác bỏ lời phản đối và khẳng định là tất cả khu vực nhiều cá này là của họ, chính phủ Manila hôm Thứ Năm có lời lẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc.

“Cho đến người sau cùng, chúng tôi sẽ chiến đấu bảo vệ những gì của chúng tôi,” Bộ Trưởng Quốc Phòng Philippines, ông Voltaire Gazmin, tuyên bố với báo chí khi được hỏi là liệu phía Philippines có sẽ nhượng bộ trước áp lực của Trung Quốc và rút quân khỏi đảo này.

Tuy nhiên, ông Gazmin cũng cho hay Philippines không có ý định gửi quân tăng viện và cũng không có sự đối đầu quân sự kể từ khi tàu Trung Quốc đến nơi này hồi đầu tháng.

Second Thomas, có tên Việt là Bãi Cỏ May, là một trong chín đảo Philippines đang có quân đồn trú trong vùng quần đảo Trường Sa. Hòn đảo này thuộc cụm Bình Nguyên của quần đảo Trường Sa và là nơi tranh chấp giữa Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan và Philippines.

Đảo này cách đảo Palawan của Philippines chừng 200 km về phía Tây Bắc và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc khoảng hơn 1,000 km về phía Nam. (V.Giang)

thái thanh tâm
28-05-2013, 03:46 PM
Con trai đòi phạt tù giam mẹ già

Muốn lấy lại một phần đất chia cho con trai, cụ Cải vướng lao lý. Ở tuổi 81, cụ bị con một mực đòi tăng án tù cho mẹ, dọa sẽ kiện đến cùng nếu yêu cầu chưa được “xét xử công minh”.

Ngày 27/5, phiên phúc thẩm xét xử cụ Nguyễn Thị Cải cùng 5 người con về hành vi hủy hoại tài sản được mở theo kháng cáo của vợ chồng con trai (anh Đích).

Cụ Cải 81 tuổi, mắt kém, tai không còn nghe rõ, được các con dẫn vào phòng xử án. Hai "chiến tuyến" vô hình được lập nên, một bên là cụ cùng 5 người con và bên kia là vợ chồng anh Đích. Vì tranh chấp miếng đất chưa đầy 20m2, tình ruột thịt của họ đã sứt mẻ.



http://vnexpress.net/Files/Subject/3b/be/4e/91/ba-cai-480.jpg
Cụ Cải hầu toà trong phiên phúc thẩm.
Cụ Cải cho hay, năm 2007, sau khi họp gia đình đã chia đất cho các con. Cuối năm 2011, cụ cần một phần đất nên đòi lại 20 m2 phía chuồng lợn và chuồng ngựa đã đồng ý cho anh Đích. Từ đó mâu thuẫn giữa cụ với vợ chồng anh này thường xuyên xảy ra.

Cụ bảo đất là của cụ, cho con được thế nào thì hưởng vậy. Khi cần, cụ chỉ việc lấy lại. Vì thế, sáng 23/12/2011, cụ qua nhà anh Đích để lấy đất như lẽ dĩ nhiên. To tiếng xảy ra giữa mẹ chồng nàng dâu. Cụ Cải bị ngã nên gọi các con qua.

5 người con (cả con dâu và con ruột) xông vào giật tóc, hỗn chiến với vợ anh Đích là chị Tường. Hai ngày sau, cụ Cải sang nhà anh Đích đòi dỡ mái chuồng lợn và chuồng ngựa. Sau khi tuyên bố “đất của tao, tao có quyền lấy lại”, cụ cầm gậy chọc mái ngói, 5 người con đi theo cụ cùng kéo đổ bức tường tạm bợ.

Tại phiên sơ thẩm, TAND huyện Sóc Sơn phạt cụ Cải 9 tháng tù cho hưởng án treo về tội Hủy hoại tài sản. 5 người con (con dâu, con gái) mỗi người 6 tháng tù treo. Cụ và các bị cáo phải bồi thường 10 triệu đồng cho vợ chồng anh Đích. Không đồng ý với phán quyết này, bị hại chống án đòi tăng hình phạt cho mẹ cùng các chị em.

http://vnexpress.net/Files/Subject/3b/be/4e/91/con-ba-cai.jpg
Vợ chồng con trai của cụ Cải một mực đề nghị xử tù giam mẹ. Ảnh: Việt Dũng.
Trước vành móng ngựa ngày 27/5, cụ Cải cho biết bức xúc khi con dâu cho rằng phần đất cụ muốn lấy lại là do cô tự cơi nới, lấn chiếm nên không giao.

Còn bị hại Tường khai hôm cụ Cải ngã, cô bị các chị em chồng lao vào đánh chỉ là cái cớ để bùng lên những mâu thuẫn âm ỉ từ lâu. Đưa ra nhiều lý do, cô đề nghị tòa phạt tù giam mẹ chồng và 5 người phụ nữ đang đứng trước vành móng ngựa. Anh Đích nói rằng: “Không còn mẹ con, anh em gì nữa”.

Nghe vậy, nữ thẩm phán nói với vợ chồng anh: “Không ai làm con lại muốn mẹ và các chị em mình vào tù. Mọi người nên ngẫm lại mọi việc đã gây ra cho nhau”. Vợ chồng anh Đích không nói gì, khán phòng im ắng...

Phiên xử kết thúc với việc cấp phúc thẩm bác kháng cáo của vợ chồng anh Đích. Tại cửa phòng xử, cả hai bên đều lớn tiếng nói sẽ “đi đến cùng” vụ án.

Việt Dũng

Thằng này lỗ nẻ chui ra
Đất đai mới quý, mẹ cha là gì

TTT

thái thanh tâm
31-05-2013, 12:28 PM
10 nước hạnh phúc nhất thế giới

Tuổi thọ cao, tỷ lệ việc làm nhiều, người dân hài lòng và cân bằng giữa cuộc sống với công việc, Australia, Thụy Sĩ, Anh, Mỹ... được đánh giá là những quốc gia phát triển hạnh phúc nhất thế giới.

Danh sách các nước công nghiệp hạnh phúc nhất thế giới do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đánh giá dựa trên các chỉ tiêu độ hài lòng, cân bằng công việc và cuộc sống, thu nhập và nhà ở. Kết quả trong năm thứ ba đánh giá được công bố hôm qua, trong đó Australia là nước hạnh phúc nhất thế giới, gần như miễn dịch với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, vẫn tăng trưởng trung bình 3,5% trong 20 năm trở lại đây.
Tỷ lệ việc làm của Australia cao, 73% những người trong độ tuổi từ 15-64 có việc làm, so với 66% của OECD. Thu nhập bình quân 28.884 USD/hộ, nhiều hơn mức trung bình của OECD là 23.047 USD, mặc dù người Australia làm việc ít hơn các nước khác 83 giờ/năm. Tuổi thọ trung bình của Australia cũng cao, 82 tuổi, hơn 2 tuổi so với mức chung và mức độ hài lòng của người dân là 84%, cao hơn trung bình của toàn cầu là 80%.

Thụy Điển đứng thứ hai trong danh sách với tuổi thọ trung bình cao ngang với Australia và thu nhập bình quân là 26.242 USD/hộ. Tỷ lệ việc làm là 74% và "hầu hết người Thụy Điển hài lòng với cuộc sống của mình".

Canada đứng thứ ba với 72% người lao động có việc làm, thu nhập bình quân 28.194 USD/hộ và người dân có ý thức cộng đồng mạnh mẽ. Tuy nhiên, ba quốc gia kể trên cũng có khoảng cách giàu nghèo khá cao, với 20% dân số có thu nhập cao nhất cả nước kiếm nhiều hơn 4-6 lần so với 20% dân số có thu nhập thấp nhất. Ảnh: Gocanada

Có tổng cộng 11 chỉ tiêu đánh giá trong đó có nhà ở, giáo dục, y tế, thu nhập và mức độ chung tay của cộng đồng. Na Uy là quốc gia có độ hạnh phúc thứ 4.

Số 5: Thụy Sĩ.

Số 6: Mỹ.

Số 7: Đan Mạch.

Số 8: Hà Lan.

Số 9: Iceland.

Số 10: Anh.
....

Tổ chức này xắp đặt tùy tiện. Việt Nam đã từng xếp số 2 trên thế giới về hạnh phúc, thế mà nó lại bỏ ra. Chắc nó lại nằm trong thế lực thù địch như đc Trọng nói rồi.

thylan
11-06-2013, 08:17 AM
Đầu độc mỗi sáng với bún huỳnh quang

Kết quả xét nghiệm mẫu bún lấy từ 2 cơ sở trên địa bàn TX.Tây Ninh cho thấy trong bún có chất huỳnh quang (Tinopal), một loại hóa chất có khả năng gây ung thư.
Đầu tháng 5.2013, cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh đã tiến hành kiểm tra một số cơ sở sản xuất bún, hủ tiếu, bánh canh ở KP.2, P.4, TX.Tây Ninh.
Tại đây, cơ quan chức năng phát hiện nhiều cơ sở không có giấy phép kinh doanh, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

http://l3.yimg.com/bt/api/res/1.2/muKfXYBboyal8bKd1SIznQ--/YXBwaWQ9eW5ld3M7cT04NTt3PTQ4MA--/http://media.zenfs.com/vi-VN/News/Vef.vn/20130610082054-bun.jpg

Đáng lưu ý, tại cơ sở của ông Võ Văn Ánh, đoàn kiểm tra lấy 3 mẫu gồm nước luộc bún, bột đã khuấy trộn, hóa chất thu tại kho nguyên liệu gồm 200 gr màu vàng chanh và 420 gr bột màu trắng đem xét nghiệm.
Kết quả, chất màu vàng chanh là chất tẩy trắng (huỳnh quang - Tinopal), còn chất bột màu trắng là chất chống mốc (Sodium benzoat); mẫu nước bột trộn gạo đã khuấy làm bún dương tính với chất tẩy trắng.
Ông Ánh khai cơ sở của ông hoạt động từ tháng 10/2007 đến nay, trong quá trình sản xuất có sử dụng hóa chất chống mốc, tẩy (bột màu vàng chanh) để tẩy trắng bún.
Tại cơ sở của ông Trần Văn Cương, đoàn kiểm tra cũng lấy 3 mẫu gồm nước luộc bún, bột đã khuấy trộn, hóa chất thu tại kho nguyên liệu gồm một bịch bột màu vàng chanh và 2 bịch bột màu trắng.
Kết quả xét nghiệm chất màu vàng chanh là huỳnh quang, một bịch bột trắng là Sodium benzoat và bịch còn lại là hàn the (solium tetraborate); mẫu nước bột trộn gạo đã khuấy làm bún dương tính với chất tẩy trắng.
Ông Cương khai cơ sở của ông hoạt động từ năm 2009, đến năm 2010 trong quá trình sản xuất có cho thêm chất tẩy trắng và chống mốc vào bún ở công đoạn quậy bột...
Gây hại cho gan, thận, thần kinh...
Bác sĩ Trần Văn Ký, Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm VN, cho biết sử dụng huỳnh quang làm sáng bóng thực phẩm rất hại cho cơ thể vì nó chứa nhiều tạp chất, nhất là các kim loại nặng. Nếu sử dụng lâu dài, các tồn dư kim loại nặng sẽ tích tụ lại trong cơ thể ảnh hưởng lên gan, thận, thần kinh, gây ra các bệnh mãn tính, khiến người hay mệt mỏi, uể oải, nguy cơ gây ung thư.
Hàn the là chất không được phép có trong thực phẩm. Hàn the khi vào cơ thể, không đào thải hết mà tích tụ lại làm cơ thể mệt mỏi, chán ăn, trẻ chậm phát triển, ảnh hưởng đến gan, thận...
Tại TP.HCM, trước đây Sở Y tế TP cũng có lần kiểm tra cơ sở sản xuất bún tươi, tuy nhiên không phát hiện việc sử dụng chất huỳnh quang làm sáng bóng bún, mà phát hiện có sử dụng chất Sodium benzoat.

Theo VTC | Vef.vn

thylan
17-06-2013, 07:06 AM
Hàng loạt trường THPT tốt nghiệp 100%

- Đến chiều 16/6, đã có 24 địa phương công bố tỷ lệ tốt nghiệp. Thống kê sơ bộ số trường THPT có tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp 100% là 221 trường. Hai học sinh đạt điểm 10 môn Ngữ văn.

Tính đến thời điểm này, tỉnh Đồng Tháp tạm dẫn đầu cả nước về tỷ lệ đỗ tốt nghiệp với tỷ lệ 99,76%. Kế đến là Thanh Hóa với tỷ lệ đậu tốt nghiệp đạt 99,42%.

http://imgs.vietnamnet.vn/Images/vnn/2013/06/16/14/20130604202827-2-5-.JPG
Ảnh Văn Chung

Các địa phương có trường THPT đỗ tốt nghiệp 100% như sau:

Hà Nội: Toàn thành phố có 68 cơ sở giáo dục có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 100%, trong đó có 42 trường THPT công lập, 25 trường THPT ngoài công lập và 1 trung tâm giáo dục thường xuyên (trung tâm giáo dục thường xuyên Đông Mỹ).

Thanh Hóa có 50 trường THPT, 7 Trung tâm GDTX, trường Trung cấp Thuỷ sản và trung cấp nghề Phát thanh - Truyền hình tỉnh đạt tỷ lệ đậu tốt nghiệp 100%.

Nghệ An: Khối THPT có 16/91 trường đậu tốt nghiệp 100% (năm ngoái 32 trường), trong đó không có trường nào ngoài công lâp (năm ngoái có 05 trường ngoài công lập). Các trường THPT đậu tốt nghiệp 100% là: Chuyên Phan Bội Châu, Chuyên Đại học Vinh, Huỳnh Thúc Kháng, DTNT Nghệ An, Cửa Lò, Cửa Lò 2, Thái Lão, Nguyễn Trường Tộ (Hưng Nguyên), Nam Đàn 1, Diễn Châu 3, Diễn Châu 4, Quỳnh Lưu 1, Bắc Yên Thành, Đô Lương 3, Đô Lương 4, Thanh Chương 1.

Khối bổ túc THPT có 01/24 đơn vị đậu tốt nghiệp 100% (năm ngoái 09 đơn vị), đó là Trung tâm Giáo dục thường xuyên Quế Phong.

Thông tin từ Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai cho biết Toàn tỉnh có 42/62 trường THPT đạt tỷ lệ đậu tốt nghiệp 100%.

Sở GD-ĐT Đà Nẵng có 3 trường THPT đạt tỉ lệ tốt nghiệp 100%, gồm: THPT chuyên Lê Quý Đôn, THPT Phan Châu Trinh và THPT Hòa Vang.

Đặc biệt, thành phố có 2 thí sinh đạt điểm 10 tuyệt đối môn Ngữ văn là em Nguyễn Trần Thục Nhi (Trường THPT Phan Châu Trinh)và Nguyễn Thị Bích Ly (Trường THPT Hoàng Hoa Thám).

Sở GD- ĐT tỉnh Lâm Đồng có 18/58 trường THPT tốt nghiệp đạt 100%.

Sở GD-ĐT Sóc Trăng Có 16/32 trường có tỉ lệ đỗ 100% là THPT Chuyên Nguyễn Thị Minh Khai, Vĩnh Hải, Trần Văn Bảy, Thuận Hòa, Thiều Văn Chỏi, Phú Tâm, Huỳnh Hữu Nghĩa, Hoàng Diệu, Hòa Tú, Đoàn Văn Tố, An Thạnh 3, An Ninh, An Lạc Thôn, THPT Dân tộc nội trú Huỳnh Cương, THCS & THPT Tân Thạnh, THCS & THPT Mỹ Thuận. Trường có tỉ lệ đỗ thấp nhất là trường THPT Mai Thanh Thế (huyện Ngã Năm) với tỉ lệ 94,80%.

Theo Vietnemnet

thái thanh tâm
22-10-2013, 03:33 PM
Cụ ông tạt axit vợ cũ rồi tự thiêu trong căn nhà 3 tầng

Sau khi tạt axit người vợ đã ly hôn, ông chồng chạy vào nhà khóa cửa rồi tưới xăng tự thiêu.

http://m.f29.img.vnecdn.net/2013/10/21/chuyen-xac-5842-1382335942.jpg
Thi thể người đàn ông được chuyển đi. Ảnh: An Nhơn
Thi thể người đàn ông được chuyển đi. Ảnh: An Nhơn
9h ngày 21/10, người dân ở đường số 3 (phường 7, quận Gò Vấp, TP HCM) hốt hoảng khi thấy ông Vương Chí Linh (70 tuổi) tạt axit vào người vợ cũ là bà Vân (62 tuổi) rồi chạy vào căn nhà 3 tầng khóa cửa. Mọi người nhanh chóng đưa bà Vân đi cấp cứu trong tình trạng bị bỏng nặng.

Sau đó, hàng xóm thấy lửa bùng lên trong căn nhà, cửa vẫn bị khóa. Đến khi Cảnh sát chữa cháy quận Gò Vấp có mặt thì phát hiện ông Linh đã chết trong phòng.

Theo thông tin ban đầu, trong thời gian sống với nhau, ông Linh và bà Vân thường xuyên xảy ra cãi vã dẫn đến ly hôn. Bà Vân vẫn ở trong căn nhà chung còn ông Linh chuyển đi chỗ khác.

http://m.f29.img.vnecdn.net/2013/10/21/can-xang-2468-1382335942.jpg
Những can xăng được tìm thấy trong hiện trường. Ảnh: An Nhơn
Những can xăng được tìm thấy trong hiện trường. Ảnh: An Nhơn
Sáng nay, ông lão 70 tuổi được cho là mua sẵn xăng và axit rồi ngồi ở quán cà phê đối diện căn nhà. Khi thấy bà Vân về, ông Linh tạt axit vào người bà này rồi lên phòng khóa trái cửa, tự thiêu.

Công an quận đã khám nghiệm hiện trường, thu giữ một lá thư tuyệt mệnh nghi là của ông Linh gửi cho người thân.
....

Ông này là nhà thơ hoặc bán nhà thơ thì không hành xử như thế này. Phải không bà con ?

Nhà thơ thấm đẫm tình yêu
Chả bao giờ nghĩ đến điều bất nhân
Cãi nhau cho vợ tranh phần
Thiệt thòi nhận hết, nhẹ lần đến thơ...

TTT (22.10.13)

thái thanh tâm
27-10-2013, 09:09 PM
Gián đất lên ngôi ở Trung Quốc

Trào lưu làm kem đắp mặt dưỡng da và chế thuốc chữa dạ dày từ những con gián đất đang khiến nông dân Trung Quốc đua nhau xây trang trại, nuôi dưỡng hàng trăm triệu con côn trùng này và gây lo sợ cho dân chúng xung quanh.

Một triệu con gián sổng chuồng

Wang Fuming nuôi gián trong ngôi nhà ở ngoại ô gần thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông. Ảnh: LA Times.
Cách chính xác để ăn gián ở tỉnh Sơn Đông, phía bắc Trung Quốc là rán không phải một, mà là hai lần trong chảo dầu nóng.

"Lần rán thứ hai sẽ làm giòn lớp vỏ bên ngoài trong khi bên trong vẫn còn mềm ngọt", Wang Fuming, người đàn ông 43 tuổi nói. Ông nghiêng bát đổ đám côn trùng vừa thu hoạch được vào chiếc chảo nóng. Wang là người đi đầu trong phong trào nuôi gián ở tỉnh Sơn Đông. Ông đang nuôi hơn 22 triệu con gián trong những ngôi nhà bằng bê tông ngoại ô thành phố Tế Nam.

Sau khi chế biến xong, Wang nhẹ nhàng đổ ra đĩa. Những con gián tròn, cánh hơi xòe ra được rắc thêm một lớp bột mỳ ăn liền vị cải muối trước khi thưởng thức.

"Sẽ ngon hơn nếu có thêm vài quả ớt", ông tỏ sự tiếc nuối.

Gián sau khi rán lên có ruột màu vàng như phô mai, mang vị của đất cùng chút mùi amoniac. Tuy nhiên, gián trở nên phổ biển ở Trung Quốc không phải vì hương vị của chúng mà là vì khả năng làm thuốc.

"Liều thuốc thần kỳ"

"Chúng thực sự là một liều thuốc thần kỳ", Liu Yusheng, giáo sư đại học Nông nghiệp Sơn Đông và là người đứng đầu Hiệp hội côn trùng tỉnh này, nói. "Chúng có thể chữa được nhiều bệnh và phát huy tác dụng nhanh hơn nhiều so với các loại thuốc khác".

Theo giáo sư Liu, một loại kem làm từ bột gián đang được sử dụng trong vài bệnh viện Trung Quốc để chữa bỏng và làm mặt nạ chăm sóc sắc đẹp tại Hàn Quốc. Trong khi đó, một công ty dược phẩm ở tỉnh Tứ Xuyên điều chế được loại siro hứa hẹn có thể chữa viêm dạ dày, loét tá tràng và lao phổi từ gián.

"Trung Quốc gặp vấn đề từ sự già hóa dân số", giáo sư Liu giải thích. "Vì vậy, chúng tôi đang cố gắng tìm ra loại thuốc mới cho người già. Loại thuốc này phải rẻ hơn thuốc Tây. Ngoài ra, chúng tôi còn có truyền thống ăn côn trùng".

Trong thập niên qua, ông Wang từng nuôi một loại côn trùng khác là gián đất (Eupolyphaga Sinensis) cũng được dùng trong phương thuốc cổ truyền Trung Quốc. Nhưng từ năm 2011, khi nhu cầu về gián bắt đầu tăng vọt, Wang chuyển sang nuôi loài gián Mỹ (Periplaneta americana) màu đồng, dài tối đa 4 cm.

Bên trong nhà nuôi là hàng trăm chiếc tổ được gài lại với nhau, xếp từ trên mái nhà và nằm dọc theo những chiếc kệ tối. Các cửa ra được chặn lại bằng lưới. Không khí nơi đây luôn có mùi hôi khó chịu.

"Đó là mùi của chúng", ông Wang nhún vai.

Các bao tải gián chết đang chờ được chuyển đi. Ảnh: Telegraph.
Các bao tải gián chết đang chờ được chuyển đi. Ảnh: Telegraph.
Nguồn thu nhập

Mùa thu hoạch nông sản ở Sơn Đông bắt đầu từ tháng 9. Thay vì bứt táo, bẻ ngô như những người nông dân khác, ông Wang "gặt hái" nhiều bao gián lớn.

"Chúng tôi giết gián trước 4 tháng tuổi vì khi đó cánh gián đã phát triển đầy đủ và chúng có thể bay được", ông nói. "Giết chúng rất dễ. Chúng tôi chỉ cần mang các thùng nước sôi lớn vào trong, sau đó nhúng tổ gián vào".

Theo Wang Fuming, số gián thu hoạch được sẽ được bán cho các công ty dược phẩm và giá bán đang tăng mạnh. Tính từ năm 2011, ông đã tăng quy mô sản xuất lên 5 lần, với sản lượng hơn 100 tấn mỗi năm và đang có 8 công nhân làm việc.

Wang nhận được 100 yêu cầu giúp đỡ của những người muốn nuôi gián từ đầu năm nay và đã giúp đỡ 30 người xây nông trại.

"Thu nhập rất tốt", Xiao Zhongwu, 49 tuổi, người có một trang trại nhỏ hơn ở khu ngoại ô gần Khúc Phụ cho biết. "Tôi làm nhiều việc, từ kinh doanh dịch vụ vận tải, vận chuyển đá cẩm thạch, giấy và nông sản cho các công ty địa phương. Tuy nhiên, công việc đó chỉ mang lại khoản tiền nhỏ trong khi nuôi gián kiếm tốt hơn nhiều".

Xiao cho biết đã đầu tư 260.000 USD để xây dựng một chuỗi nông trại nhỏ. Cửa sổ được dán một lớp nhựa, ngăn gián thoát ra ngoài. Ông có thể kiếm được ít nhất 48.000 USD một năm và có thể lên đến 145.000 USD nếu thuận lợi.

Xiao nuôi gián theo một "công thức đặc biệt", hỗn hợp của rau và thức ăn thừa có chứa nhiều axit amino theo yêu cầu của người mua. Theo ông, nuôi gián rất đơn giản. "Chỉ cần giữ chúng ấm là chúng vui vẻ rồi", ông nói.

Nguy cơ tiềm ẩn

Cho đến nay, ngành công nghiệp đang bùng nổ này vẫn còn chưa được kiểm soát chặt chẽ ở Trung Quốc. Một triệu con gián từng thoát ra từ một trang trại ở tỉnh Giang Tô hồi tháng 8, trở thành tin nóng trên các phương tiện truyền thông nước này.

Wang Pengsheng, 38 tuổi, một thợ máy nghỉ việc, cho biết đã mua một khoảnh đất để nuôi gián sau 6 tháng nghiên cứu. Anh mua hơn 80 kg trứng với giá 16.000 USD và bắt đầu xây dựng trang trại của riêng mình.

Chính quyền địa phương coi việc xây dựng của Wang Pengsheng là bất hợp pháp và phá hủy nhà nuôi khi anh đi kiểm tra đàn dê và lợn nuôi ở một nơi khác.

"Mọi thứ đã biến mất, chỉ còn lại đống đổ nát khi tôi quay về vào buổi tối", Wang kể lại. "Sau đó, một nhóm nhà tiêu diệt côn trùng xuất hiện và giết tất cả gián thoát ra".

"Chính quyền địa phương đang chịu áp lực từ những người cho rằng gián có hại. Họ không cho phép tôi xây dựng lại nhà nuôi", Wang nói về khó khăn khi anh muốn thực hiện lại kế hoạch của mình.

Wang Fuming đã nghe kể về trường hợp của Wang Pengsheng, người cùng họ ở Giang Tô. Ông cho biết chưa có vụ xổng chuồng nào xảy ra ở trang trại của mình. "Một số gián đã chạy thoát khi tôi mới bắt đầu. Nhưng khi chúng tôi giăng lưới ở cửa sổ và cửa ra vào, lũ gián đã được kiểm soát tốt hơn", ông nói.

Nguyễn Tâm

Nhà thơ kiêm doanh nhân nào trong VNTH hãy nhanh nuôi gián mà xuất khẩu , thu về bộn tiền. (TTT)

thái thanh tâm
28-10-2013, 12:01 PM
Họp để chấn chỉnh họp hành nhiều quá

Đào Tuấn

http://3.bp.blogspot.com/-NyRBm-JAABA/Um0RDehkkoI/AAAAAAAAQn8/Rc0Vk4ghsEI/s320/t175593.jpg
Bộ trưởng Bộ TTTT Lê Doãn Hợp có lẫn mỉm cười cho biết trong 20 năm “tại vị” bình quân mỗi ngày ông họp 1 cuộc. Còn ngày nhiều nhất ư? Họp 5 cuộc

Nghị trường đã bật cười khi ĐBQH Đỗ Văn Đương nói về chuyện họp hành quá nhiều mà chẳng có hiệu quả, trong khi chẳng hạn như “tỷ lệ sinh đẻ giảm là vì phụ nữ họ đẻ muộn để rảnh rang đi chơi”, chứ không phải vì họp bàn kế hoạch hóa gia đình.


ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh thì lấy ví dụ “Hiện nay Bộ Y tế quản lý tới 3 chương trình, chắc Bộ trưởng Tiến mỗi ngày phải họp 3 cuộc về Chương trình y tế, Chương trình HIV-AIDS, chương trình dân số kế hoạch hóa”, khi “thực ra đều là chăm sóc sức khỏe”.

Họp hành liên quan đến những chiếc vé máy bay, liên quan đến phong bì, khi mà từ cả chục năm trước “dân gian” đã có câu “Phi phong bì bất thành hội họp”.

Thì đó, ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm than vãn festival quá nhiều, khánh thành, khởi công quá nhiều, đâu cũng xe biển xanh, cũng phải có người phục vụ. Nếu coi đó là chuyện nhỏ, thì đất nước nghèo là cái chắc.

Còn ông Nguyễn Tiến Sinh có một ví dụ sinh động bằng chương trình khắc phục biến đổi khí hậu “có chưa đầy 300 tỷ thì chỉ đủ cho các “thầy” đi hội thảo, bay từ Bắc vào Nam, Nam ra Bắc. Không có một xu nào đến được với việc trồng rừng hay cái gì khác”.

Nhưng thưa các vị ĐBQH, không phải bây giờ họp hành mới trở thành một cái tệ, một thói quen, một lề lối làm việc như hiện nay.

Báo Nhân dân số ra ngày 28.2.1961 đăng ý kiến của một cán bộ nhà máy dệt kim Đông Xuân phản ánh về tình hình hội họp bằng ví dụ việc bình bầu cá nhân xuất sắc. Theo đó, bất cứ một công nhân thuần túy nào cũng phải dự tới 7 cuộc họp. Họp tổ sản xuất. Họp phân xưởng; Họp toàn nhà máy; Họp phân đoàn thanh niên; Họp chi đoàn thành niên; Họp thanh niên toàn nhà máy; Họp công đoàn.
Cuộc họp nào cũng chỉ 3 nội dung: Thành tích. Nhận xét. Bình bầu.

Sự họp, hóa ra lâu dài như nền hành chính Việt. Và họp hành, từ công việc của cán bộ, cũng dần dần trở thành việc của những người được chỉ đạo bởi cán bộ.

Năm 2008, trong một bài trả lời phỏng vấn, Bộ trưởng Bộ TTTT khi đó là ông Lê Doãn Hợp đã mỉm cười cho biết trong 20 năm “tại vị” bình quân mỗi ngày ông họp 1 cuộc. Còn ngày nhiều nhất ư? Họp 5 cuộc.

Hình như phi họp hành bất thành cán bộ.

Hình như họp hành còn trở thành nguồn thu chủ yếu hơn cả lương.

Trong khi không chỉ là chiếc vé máy bay, lít xăng xe biển xanh dùng để đi họp điều từ tiền thuế của dân, mà cả lương cho việc họp, cả phong bì đút túi mang về người dân cũng phải nai lưng ra gánh.

Các nghị sĩ đã nhìn rất rõ sự lãng phí từ việc đút chân gậm bàn họp hành quá nhiều, trong khi thực tế nó ở… ngoài đường. Mà người cần làm gương đầu tiên, nên là Quốc hội. Chẳng hạn trong kỳ họp thứ 6 lần này, một kỳ họp 41 ngày, dài hiếm gặp trong lịch sử, Quốc hội nên tiết kiệm lấy ít nhất một phiên họp, để họp bàn các biện pháp phát động trên cả nước tổ chức các cuộc họp chống hội họp quá nhiều.

thái thanh tâm
29-10-2013, 08:22 PM
Danh gia hay tổ quỷ

Minh Diện

Một người hàng xóm chỉ ngôi nhà bốn tẩng trên đường Nguyên Hồng,nói với tôi:
- Nhà Dương Chí Dũng đấy.Trước ngày nào cũng tấp nập khách khứa ra vào, toàn xe hơi bóng lọng. Đêm nào đèn cũng sáng rực cả bốn tầng . Bây giờ suốt ngày cửa đóng im ỉm , ban đêm chỉ le lói ánh đèn vàng và thấp thoáng một bóng người như bóng ma!
Cái bóng thấp thoáng như bóng ma ấy chính là cùa Pham Thị Mai Phương , vợ Dương Chí Dũng.

Những người hàng xóm kể: Vào buổi sáng ngày Dương Chí Dũng bỏ trốn, vẫn thấy bà này sánh vai đi bách bộ, trên môi nở nụ cười tươi. Và 10 giờ đêm ấy, ngôi nhà vẫn sáng đèn ,vẫn thấy hai người đi ra đi vào.
Trả lời phóng viên báo Vietnamnet, bà Phạm Thị Mai Phương bảo: “Tôi cảm thấy choáng váng như bị sét đánh khi biết chồng mình phạm tội. Nhất là khi biết chống mình làm liều vi phạm pháp luật để có tiền chiều bồ!”
Nếu vậy thì quả thật Dương Chí Dũng không hổ danh là thành viên trong một gia đình từ bố đẻ đến các con đều là công an, giấu giểm giỏi hơn méo giấu cứt! Tham những như thế, ăn chơi sa đọa như vậy, mà người vợ đầu ấp má kề mấy chục năm không biết!
Bí mật của Dương Chí Dũng còn ở chỗ y leo rất nhanh lên các nấc thang quyền lực , bằng trình độ kiến thức chắp vá, không muốn nói là học già bằng mua.
Cũng như Nông Quốc Tuấn con trai Nông Đức Mạnh, Dương Chí Dũng đi hợp tác lao động ở Cộng hòa dân chủ Đức. Ngày ấy phải đút tiền hoặc con ông , cháu cha mới được đi hợp tác lao động ở cái nước giàu nhất phe xã hội chủ nghĩa ấy. Dương Chí Dũng thuộc dạng thứ hai, vì bố là Dương Khắc Thụ giám đốc công an Hải Phòng.
Sau mấy năm lao động ở Đức, Dương Chí Dũng về nước, được bố trí ngay vào văn phòng công đoàn cảng Hải Phòng. Từ cái văn phòng này, Dũng nhảy lên ghế phó giám đốc, rồi giám đốc công ty nạo vét sông. Bấy giờ Dương Chí Dũng mới bắt đầu học đại học , bởi theo quy định cán bộ cỡ đó trở lên phải có bằng cấp!


Người ta mài đũng quần trên ghế giảng đường 5 năm liên tục , thi cử trầy da tróc vẩy mới được nhận cái bằng cử nhân. Dương Chí Dũng thuộc bậc “thiên tài”, vừa làm giám đốc, vừa học bổ túc ngắn hạn, mà có hẳn một cái bằng tiến sỹ đỏ chót
Dù bằng cấp như vậy, nhưng xuất thân trong gia đình có quyền lực và sẵn tiền, Dương Chí Dũng nhảy phắt lên chiếc ghế Tổng giám đốc Vinaline ( 8-2005) rồi Chủ tịch hội đồng quản trị, Uỷ viên thường vụ Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương, Bí thư Đảng ủy Vinaline ( 7-2011) Cục trưởng hàng hài Việt Nam (2-2012)
Vừa nhảy lên cái ghế Tổng giám đốc Vinaline, Dương Chí Dũng đã vén “tay đốt nhà táng”, mua hàng chục con tàu viễn dương già cỗi về mông má lại , hoạt động ì ạch, bỏ không, bị bắt giữ hoặc neo đậu ở nước ngoài dẫn đến thua lỗ thất thoát hàng ngàn tỷ đồng. Nhưng Dương Chí Dũng chỉ bị rờ tới khi cái gọi là “Dự án ụ tàu 83M” hiện nguyên hình là một đống sắt vụn.
Dự án ấy lúc đầu dự toán 14,136 triệu đô la, Dương Chí Dũng đã nâng lên 19,5 triệu đô la, sau đó lại bồi tiếp lên tới 525 tỷ đồng, tương đương 26 triệu đô la. Số tiền khổng lồ đó được chia cho các hạng mục như mua ụ, sửa chữa, vận chuyển, neo đậu...Theo kết quả giám định đã gây thiệt hại của nhà nước 370 tỷ đồng bằng 70,4% tổng đầu tư dự án.
Có lẽ chưa có ai vừa liều lĩnh, vừa trắng trợn, vừa ngu dốt như Dương Chí Dũng trong trường hợp này.
Cái ụ nổi 83M sản xuất tại Nhật năm 1965. Hơn bốn mươi năm sử dụng nó đã quá già nua , nên cơ quan Đăng kiểm Nga đã dừng phân cấp, nghĩa là không cho phép hoạt động nữa. Năm 2006, Nakhoda, chủ nhân của ụ nổi 83 M , chào bán với giá 5 triệu đô la, nhưng không ai mua. Ấy thế mà ma đưa lối , quỷ dẫn đường , Dương Chí Dũng đã móc nối với Goh Hoon Seow , giám đốc công ty môi giới AP , Singgapor làm trung gian, mua đống sắt vụn đó qua công ty Global Success của Nga tại Hồng Kông, với cái giá 9 triệu đô la. Nhiều ý kiến phản biện chất lượng và giá cả , nhưng Dương Chí Dũng bỏ ngoài tai. Dũng chỉ đạo bọn Trần Văn Chiều, Mai Văn Phúc, Trần Hải Sơn, Mai Văn Khang làm mọi cách hợp thức hóa các thủ tục, mua bằng được ụ nổi đó. Cùng một lúc Dương Chí Dũng đóng ba vai chính : Chủ chi tiền, chủ mua tàu,và người môi giới . Một kẻ lộng hành như thế, phản biện chỉ là nước đổ đầu vịt! Hơn nữa, đâu chỉ mình Dương Chí Dũng, chung quanh y, những kẻ phàm ăn như cá tra nhâu nhâu lợi dụng đục nước béo cò.
Trong bản thỏa thuận ăn chia số tiền 9 triệu đô la , ký tại Hồng Kông, ngày 7-7-2007, có 1,66 triệu đô la dành cho Dương Chí Dũng và đồng bọn.
Với trình độ chuyên nghiệp của giới Mafia quốc tế, ngay sau khi nhận được 9 triệu đô la của Vinaline , giám đốc công ty Global đã ra lệnh cho Goh chuyển ngược 1,66 triệu đô la cho công ty Phú Hải, Hải Phòng qua ngân hàng UOB, chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh. Phú Hải là công ty sửa chữa tàu biển của Vinaline, do Trần Hải Sơn , một đàn em tin cậy của Dương Chí Dũng làm giám đốc. Trần Sơn Hải đã biến 1,66 triệu đô la thành những xấp tiền 500 ngàn mới rượi chở đến tận nhà cho Dũng.
Đằng sau mỗi tham quan đều thấp thoáng hình bóng đàn bà!
Trong giới quan chúc tham những Trung Quốc như vậy. Ở ta cũng thế. Những vụ án tham nhũng và Scandal vừa qua, các bậc mày râu đều bị hệ lụy bởi “đám chân dài”. Bùi Tiến Dũng PMU 18 tặng xe sang, Lê Ân tặng giường ngoại, Huỳnh Phi Dung trao cả cơ nghiệp cho đứa con một tuổi của người đẹp, và Dương Chí Dũng dùng tiền ăn cắp của nhân dân mua cho bồ nhí một lúc hai căn hộ cao cấp bậc nhất Hà Nội. Đồng tiền bất chính chui tọt vào cái túi càn khôn!
Ông Đinh La Thăng ,Uỷ viên trung ương đảng, Bộ trưởng bộ giao thông nhận xét về Dương Chí Dũng : “ Trong ngành tất cả các đánh giá cán bộ cuối năm và hàng năm, ông Dũng đều được nhận xét là rất tốt. Và thực tế cho đến khi có kết luận của Thanh tra chính phủ, chúng tôi hoàn toàn không nhận được bất kỳ thông tin gì từ thanh tra, công an hay đơn tố cáo ông Dũng!”
Thế mới biết việc quản lý cán bộ đảng viên lỏng lẻo. Và hình như càng lên cao lại càng lỏng lẻo. Những cơ quan nội chính, kiềm tra, thanh tra và những đợt kiềm tra , thanh tra phải chăng chỉ là hình thức? Gía như việc quản lý cán bộ đảng viên chặt chẽ, riết róng như công an theo dõi dân, quản lý dân ở từng địa bàn , thì có lẽ không sảy ra những bất cập như vậy.
Đã không phát hiện được Dương Chí Dũng phạm tội sớm, lại để y trốn ra tận nước ngoài. Mỉa mai thay, những kẻ tổ chức cho tên tội phạm nguy hiểm này chạy trốn lại chính là những sỹ quan công an sừng sỏ như Vũ Tiến Sơn, Hoàng Trọng Thắng, Nguyễn Trọng Ánh, Dương Tự Trọng... từng thề bồi gãy lưỡi tuyệt đối trung thành với đảng , thượng tôn pháp luật.
Trong những ngày qua, có tờ báo lề phài ca ngợi gia đình ông Dương Khắc Thụ. Nào là “Danh gia vọng tộc”, nào là “ Một bức tượng đài”, nào là “ Niềm tự hào của đất cảng”. Có bài báo đề cao phẩm chất và tài năng của Dương Tự Trọng, nào là “Hắc tinh của bọn tội phạm”, nào là “ Một người có tâm thức, từng thuyết phục nhiều bậc cha mẹ đưa con phạm tội đầu thú”
Ô hay , thật hay đùa nhỉ? Một đại tá công an từng uốn ba tấc lưỡi thuyết phục ngưới ta đưa con em ra đầu thú, lại cẩm đầu tổ chức đưa anh trai mình trốn ra nước ngoài, khi biết anh mình đứng đầu một vụ án đặc biệt nghiêm trọng là thế nào ? Tâm thức hay tâm đểu? Phải chăng Dương Tự Trọng chỉ là kẻ lừa dối người khác để lập công?
Đề tổ chức cho anh ruột trốn ra nước ngoài , Dương Tự Trọng đã xử dụng Trần Văn Dũng, biệt danh “Dũng Bắc Kạn”, một cộm cán giang hồ đất cảng. Phải chăng với cương vị phó giám đốc công an Hải Phòng, Dương Chí Dũng đã bị khuất phục, hoặc cố tình dung túng cho bọn tội phạm, như một hình thức bảo kê và làm phương tiện đánh án lập công?
Một câu hỏi nữa cần đặt ra là, trong khi Dương Chí Dũng lẩn trốn ở Campuchia , Dương Tự Trong hai lần bơm cho anh 24.000 đô la thông qua Đồng Xuân Phong, tiền đó từ đâu ra?
“Danh gia vọng tộc”, “bức tượng đài”, “niềm tự hào của đất cảng”...tất cả đã bị sụp đổ, đúng hơn, là danh hão, là cái mặt nạ tự rơi xuống cho thiên hạ nhìn vào một tổ quỷ ! Âu cũng là nhân quả.
Trong quyết định truy nã quốc tế Dương Chí Dũng cùa Cơ quan cảnh sát điều tra đã nói rõ: “ Đây là vụ án gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho nhà nước, có tính chất phức tạp, gây nhức nhối trong quần chúng nhân dân, làm ảnh hưởng đến uy tín của chính phủ Viết Nam!”
Ấy thế mà bà Phạm Thị Mai Phương lại nói với báo chí rằng chồng mình chỉ làm liều để chiều bồ! Và bà Băng Tâm, em gái Dương Chí Dũng, một sỹ quan công an Hải Phòng lại làm những câu thơ mùi mẫm như sau :
“ Em đang cho anh vào tim
Sưởi cho tâm hồn dịu lại
Rũ tung những gì tê tái
Em khấn Phật rất lâu rồi!”
Gía như bài thơ ấy dành cho Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Đặng Ngọc Viết ở Thái Bình và những dân oan thì có lẽ hợp tình hợp cảnh hơn. Một kẻ tham nhũng và làm thất thoát hàng trăm tỷ đồng của nhân dân, một kẻ dùng hàng triệu đô la nuôi bồ nhí, một kẻ dối đảng và lừa cà vợ con mình thì Thần Phật nào chứng mà khấn với cầu?
Hãy nhìn tận mặt đặt đúng tên bọn tội phạm : Tổ quỷ.
M D

thái thanh tâm
30-10-2013, 07:41 PM
Hàng loạt đồ Tàu bị yểm chất lạ

Hạnh Nguyên(tổng hợp) Chủ nhật ngày 27 tháng 10 năm 2013 6:18 AM

- Không chỉ dừng ở hoa quả, thực phẩm, sữa... mà hàng loạt đồ dùng có xuất xứ từ Trung Quốc cũng khiến người tiêu dùng lo sợ do chứa chất độc hại.

Từ bình nước có chất lạ rất độc

Kết quả thử nghiệm của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 2 cho thấy, chất lạ để ở đáy phích Trung Quốc có các thành phần: SiO2 74,2%; hàm lượng một số kim loại Cd 0,77 mg/Kg, Pb 7,27 mg/Kg, As 4,59 mg/Kg, Hg 0,66 mg/Kg.
Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân có các phích nước trên không mở gói cát, không ngửi, hít gói cát và không làm rơi vãi cát ra bên ngoài. Các gói cát đã tháo ra khỏi phích nước nên xử lý như xử lý rác thải nguy hại. Nếu dùng phích đựng nước ăn uống, sau 24 giờ nên lấy mẫu nước xét nghiệm hạm lượng kim loại, nếu vượt mức cho phép phải cấm lưu hành loại phích nước này.

Trung Quốc, hóa chất, độc hại, hàng hóa, độc tố, thực phẩm bẩn, hoa quả

http://imgs.vietnamnet.vn/Images/vnn/2013/10/17/15/20131017154529-d1.jpg
Trong đáy bình phích Trung Quốc có chứa gói chất lạ


Trước đó, Bưu điện Trà Tiên, huyện Tiên Phước, Quảng Nam đã tặng cho 13 người đăng ký để mua Bảo hiểm nhân thọ Bưu điện một phích nước loại 0,5 lít nước có vỏ bóng được mọi kim loại Inox, chiều cao khoảng 25cm, bề rộng vòng tròn bằng cái ly uống nước. Vỏ bình toàn chữ Trung Quốc, dưới đáy vỏ bình có chữ “Made in China”... không hề có nơi sản xuất cũng như nhãn mác, hiệu sản phẩm. Người dân đem bình phích về sử dụng phát hiện dưới đáy bình có chứa một gói nilông chứa bột lạ dạng hạt cát mịn, có màu đen sẫm, hơi trong bình bay ra có mùi khét, ai ngửi chất đó cảm thấy khó thở xây xẩm mặt mày, cổ họng khô, rất thích uống nước.

Đến ca giữ nhiệt
Sáng 22/8, anh Trần Hoàng Thắng (SN 1977, ngụ ấp 2, xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) đã giao nộp cho công an một chiếc ca giữ nhiệt loại 1 lít, hiệu Bangong do Trung Quốc sản xuất vì nghi có chất độc. Theo lời anh Thắng, chiếc ca này được anh mua tại chợ Long Khánh từ tháng 2/2013 và đem về nhà cất giữ, không dùng đến. Vào ngày 21/2, trong một chuyến đi câu cá, anh Thắng pha cà phê đổ vào chiếc ca rồi mang theo. Sau khi uống vài ngụm, anh thấy trong người rất khó chịu, đầu óc quay cuồng, muốn ngất xỉu nên không uống nữa, bỏ dỡ buổi đi câu.
http://imgs.vietnamnet.vn/Images/vnn/2013/10/17/15/20131017154529-d2.jpg

Chiếc ca được cho là chứa chất độc hại được anh Trần Hoàng Thắng giao nộp cho công an xã Xuân Hòa

Hôm sau, anh Thắng tiếp tục pha cà phê và đổ vào chiếc ca để uống. Sau khi uống khoảng 10 phút, hiện tượng như hôm trước lặp lại. Tò mò, anh đục, khoét chiếc ca để xem bên trong lớp bọc bằng kim loại có chứa thứ gì. Anh Thắng phát hiện bên trong nắp đậy và đáy chiếc ca có chứa 2 bịch bột màu nâu, trọng lượng khoảng 200 gram và bốc mùi rất khó chịu.

Và đĩa Trung Quốc chứa gói chất lạ
Ngày 8/4, bà Nguyễn Thị Thơ (xóm 4, Phú Đô, Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội) phát hiện hai gói lạ nhỏ dính vào giữa hai lớp đĩa trong một chiếc đĩa bị vỡ. Đây là loại đĩa sứ in hình hoa hồng, mặt sau chiếc đĩa có chữ “Made in China”. Quan sát kỹ thì thấy chiếc đĩa này có những biểu hiện khác thường so với những chiếc đĩa sứ thông thường. Chỉ một lớp mỏng phía trên mặt đĩa và phần đáy đĩa được làm bằng sứ, còn lớp viền phía dưới đĩa được tráng bằng một lớp màu trắng đục hơn. Đặc biệt, lớp dưới ở phần đĩa bị vỡ được làm bằng hợp chất nhựa dẻo có màu vàng đục trông rất đáng ngờ.
Trung Quốc, hóa chất, độc hại, hàng hóa, độc tố, thực phẩm bẩn, hoa quả

http://imgs.vietnamnet.vn/Images/vnn/2013/10/17/15/20131017154529-d3.jpg
Hai gói "lạ" màu trắng trong đĩa sứ Trung Quốc

Hiện không rõ bên trong hai gói “lạ” này chứa chất gì. Cũng chưa biết liệu có còn những vật lạ nào dưới lớp đĩa chưa bị vỡ.

Rồi dép gây ngứa, nhức chân
Cuối tháng 3//2013, người dân Phú Yên hoang mang khi hay tin dép nhựa xuất xứ Trung Quốc chứa chất lạ, người dùng một thời gian liền bị ngứa chân, đau nhức; cắt dép ra người ta thấy có bột trắng, mùi khó chịu...

Trung Quốc, hóa chất, độc hại, hàng hóa, độc tố, thực phẩm bẩn, hoa quả

http://imgs.vietnamnet.vn/Images/vnn/2013/10/17/15/20131017154536-d4.jpg
Dép Trung Quốc gây ngứa chân ở Phú Yên

Trước đó, người dân sống ở khu vực chợ Thành Công (Ba Đình, Hà Nội) cũng nghi vấn dép Trung Quốc có chứa hóa chất độc hại gây nguy hiểm đến sức khỏe người tiêu dùng.
Tháng 9/2008, giày, dép Trung Quốc đã bị tẩy chay ở một số nước trên thế giới vì có hàm lượng hexavalent chromium (crom hóa trị sáu) vượt mức cho phép, có thể gây ung thư cho người sử dụng.

Áo ngực chứa túi chất lạ
Cuối năm 2012, nhiều phụ nữ ở Quảng Nam phản ánh với cơ quan chức năng về chất lỏng và những viên màu trắng chứa trong chiếc áo nịt ngực nhãn hiệu Trung Quốc mà họ mua, khi sử dụng thấy ngứa ngáy khó chịu ở vùng ngực, tức ngực, khó thở. Khi dùng dao mổ hai đường của phần túi trong nâng ngực, thấy có chứa hai gói dung dịch chất lỏng màu trắng kèm theo sáu viên thuốc màu trắng.
Trung Quốc, hóa chất, độc hại, hàng hóa, độc tố, thực phẩm bẩn, hoa quả
Những viên thuốc màu trắng phát hiện trong áo ngực hiệu Trung Quốc

Tại Hà Nội cũng phát hiện nhiều loại áo ngực tương tự, bên trong hoặc độn miếng cao su dẻo, màu trắng trong, có nhiều lỗ hoặc bằng dung dịch trắng sữa, mỗi bên có ba hạt nhựa có thể di chuyển nếu dùng tay tác động. Khi cắt túi đựng dung dịch, chất lỏng chảy ra phảng phất mùi ngai ngái và gây ngứa.
Kết quả kiểm nghiệm 2 chất lạ trong áo ngực phụ nữ cho thấy, chất lỏng là dầu khoáng (mineral oil) và các viên hình cầu chứa trong gói dung dịch có thành phần chính là polystyrene, có thể gây ung thư cho người tiếp xúc trực tiếp.
Hạnh Nguyên(tổng hợp)
...

Toàn hàng quý của ông bạn 16 chữ vàng. Ngành công thương nên mua về phân phối cho cán bộ cấp cao.

thái thanh tâm
31-10-2013, 11:39 AM
Thứ năm, 31/10/2013 11:05 GMT+7
Bất lực chờ vợ vào khách sạn với trai

Đáng lẽ lúc đó tôi phải vào tận nơi để bắt vợ ngoại tình, nhưng sợ làm vậy cô ấy sẽ ly dị ngay lập tức. Tôi yêu vợ, không thể để mất cô ấy được nên chấp nhận vợ ngoại tình để giữ cô ấy bên mình.

Tôi 50 tuổi, từng có gia đình. Sau đó qua giới thiệu tôi quen với người vợ hiện tại, cô ấy gần 30 tuổi. Lúc mới lấy nhau rất hạnh phúc, sau một thời gian khả năng làm chồng của tôi giảm dần, cô ấy quá trẻ nên ngày càng đòi hỏi nhiều hơn. Từ đó chúng tôi không được hạnh phúc như trước nữa, lúc nào cũng cáu gắt. Tôi biết lỗi do mình không làm cho vợ thỏa mãn nên lúc nào cũng nhường nhịn, chiều chuộng vợ.

Thời gian gần đây tôi mới biết vợ ngoại tình, không chỉ một mà với rất nhiều người, là đồng nghiệp, bạn bè của cô ấy. Tôi không đủ can đảm để nói thẳng cho vợ việc đã biết rõ chuyện cô ấy ngoại tình. Nhiều lần tôi bóng gió nói bây giờ chồng như vậy chắc vợ sẽ chán và đi ngoại tình, vợ không những không sợ, còn nói nếu tôi cứ ghen tuông vớ vẩn cô ấy sẽ ly dị ngay lập tức. Vì quá yêu vợ nên tôi không dám nói nữa. Chẳng những thế, biết vợ có hẹn với người khác đi khách sạn, tôi đi theo đến tận nơi mà không dám vào, chỉ biết đứng ngoài đợi.

Tôi biết mọi người sẽ cười tôi sao quá nhu nhược, hèn nhát, đáng lẽ lúc đó phải vào đến tận nơi để bắt vợ ngoại tình, nhưng tôi sợ làm vậy cô ấy sẽ ly dị ngay lập tức. Tôi yêu vợ, không thể để mất cô ấy được, chỉ những người nào trong hoàn cảnh của tôi mới hiểu. Tôi chấp nhận vợ ngoại tình để giữ cô ấy bên mình.

Rồi vợ thông báo có thai, dĩ nhiên cô ấy rất bình thản nói vì không biết tôi đã rõ mọi chuyện. Tôi không biết cái thai đó có phải con mình không vì mỗi tuần chúng tôi vẫn quan hệ, nếu thật sự là con tôi mà từ bỏ thì đó là cái tội quá lớn. Tôi cứ hy vọng khi vợ ngoại tình đã có biện pháp an toàn, hy vọng đứa con đó là của mình, hy vọng sinh con xong vợ sẽ vì bận lo cho con mà từ bỏ chuyện ngoại tình. Mong mọi người cho tôi một lời khuyên, thật sự bây giờ tôi rối lắm, không biết nên làm gì nữa.
...

Hãy cho anh ấy lời khuyên
Tấm lòng như thế nhiều tiền khó mua
TTT

thái thanh tâm
20-11-2013, 07:43 PM
Thứ tư, 20/11/2013 11:18 GMT+7Facebook Twitter

Kính gửi Bộ Trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo,

Nhân ngày 20/11, tôi xin được gửi tới ông và các cán bộ trong ngành, các thầy cô giáo những lời chúc tốt đẹp nhất.

Tối qua, tôi cũng cùng các bạn tôi tới thăm thầy giáo cũ của mình. Chúng tôi đã có một buổi tối thật vui vẻ bên cạnh người thầy mà chúng tôi yêu quý. Khi nhớ lại những giây phút đấy, tôi không khỏi không nghĩ tới con mình và những đứa trẻ cùng lứa.

Nhiều lần, khi nói chuyện về một số thầy cô giáo của cháu, tôi không thấy được sự kính trọng trong ánh mắt cháu mà đôi khi là sự bức bối, có lúc là sự thờ ơ. Ở nhiều đứa trẻ cùng lứa khác, khi nói tới thầy giáo, trong ánh mắt chúng là sự sợ hãi và những điều khác nữa.

Thật buồn khi nhắc tới điều này trong một ngày rất quan trọng đối với không chỉ các thầy cô giáo, với các học trò đang đến lớp mà cả với những người từ lâu đã rời xa trường lớp như chúng tôi. Thật sự tôi đã muốn viết thư gửi ông từ lâu rồi, và có lẽ đây là một dịp tốt để thực hiện việc này.

Con tôi năm nay học lớp 8 và vừa bước sang tuổi 14, cháu hiện là học sinh một trường trung học cơ sở có tiếng ở Hà Nội. Mỗi ngày cháu phải học chính khóa ở trường khoảng bốn tiếng. Ngoài ra cháu phải học thêm bốn môn khác ở trường, tôi xin nhấn mạnh chữ “phải” vì dù việc học thêm là tự nguyện nhưng không mấy phụ huynh dám không cho con học thêm ở trường.

Trong các môn học thêm thì toán và văn đều phải học 4 tiết/tuần, mỗi môn còn lại phải học 2 tiết/tuần. Như vậy, mỗi ngày trong tuần cháu phải học thêm hai tiết, hay một tiếng rưỡi. Để có thể làm hết bài tập và học thuộc các bài học, cháu cần phải tự học ít nhất là hai tiếng mỗi ngày ở nhà, bình thường là ba tiếng mỗi ngày. Như vậy, mỗi ngày cháu phải dành ra tám đến tám tiếng rưỡi cho việc học hành.

Nhưng dường như việc dạy thêm ở trường không phải để phục vụ cho mục đích học thêm nên để đảm bảo môn toán và văn đạt điểm giỏi, chúng tôi đành phải cho cháu học thêm khoảng bốn tiếng mỗi tuần cho cả hai môn. Thành ra mỗi ngày cháu phải học bình quân khoảng chín tiếng.

Tôi xin lưu ý là theo Luật lao động của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thời gian làm việc mỗi ngày được qui định là tám tiếng. Nếu làm thêm giờ thì tổng thời gian làm thêm giờ mỗi năm cũng bị hạn chế ở mức mà bình quân mỗi ngày chỉ được làm thêm gần một tiếng và tổng cộng thời gian lao động cho phép mỗi ngày là gần chín tiếng. Ngoài ra khối hành chính còn được nghỉ thứ 7.

Con tôi, một đứa trẻ mới qua tuổi 14, hiện phải làm việc cả ngày thứ 7 và làm việc khoảng chín tiếng mỗi ngày, tức cả hơn mức cho phép đối với người lớn. Cháu đã phải làm việc ở mức độ như vậy từ năm học lớp 6. Đương nhiên không phải chỉ mình con tôi mà rất nhiều các cháu đang phải học với thời lượng như vậy, thậm chí còn hơn.

Nếu muốn các cháu phát triển các năng khiếu khác, các cháu sẽ phải dành nhiều thời gian hơn nữa cho việc học. Nếu muốn phát triển khả năng ngoại ngữ, mỗi tuần các cháu phải học thêm ít nhất là một tiếng rưỡi nữa. Mỗi môn năng khiếu sẽ cần khoảng hai đến ba tiếng mỗi tuần. Nhưng cho dù không học thêm môn năng khiếu đi nữa, thì với thời lượng như vậy, lúc nào áp lực học cũng treo lơ lửng và lũ trẻ chẳng có đủ thời gian để chơi.

Năm nay, để tránh các qui định về dạy thêm của Bộ, trường con tôi tổ chức dạy thêm qua một trung tâm khác. Giáo viên thì vẫn là các thầy cô của trường, ai môn nào lớp nào thì vẫn dạy thêm môn đấy, lớp đấy và vẫn học tại trường. Việc học thêm vẫn như những năm trước nhưng vì có thêm một trung tâm bên ngoài nên tiền học tăng lên. Áp lực học hành lại cộng dồn thêm áp lực kinh tế.

Mỗi năm đến dịp khai trường, tôi nhìn lũ trẻ mà vừa cảm thấy vui, lại vừa thấy ngại ngần. Vui vì sau một mùa hè, lũ trẻ lớn vọt lên trông thấy, đến phải ngỡ ngàng. Ngại ngần vì áp lực học hành sẽ khiến chúng chẳng lớn thêm được bao nhiêu trong chín tháng của năm học. Tôi đã thấy điều này suốt bao nhiêu năm nay, kể từ khi con tôi trải qua mùa hè đầu tiên sau năm lớp một. Suốt chín tháng trời, sức lớn của lũ trẻ bị kìm hãm và trong ba tháng hè chúng phải lớn cho cả năm và lớn bù cho chín tháng học hành.

Những điều đã viết ở trên cho thấy sự tồn tại rõ ràng của những bất hợp lý. Khi việc học chính khóa không đảm bảo, việc học thêm phải diễn ra ở mức độ đại trà. Khi hầu hết lũ trẻ phải học thêm thì mới theo kịp chương trình hoặc mới đạt mức khá giỏi thì rõ ràng là việc giáo dục chính khóa đã có sai sót trầm trọng và mục đích của chương trình giáo dục do Bộ đề ra đã thất bại hoàn toàn.

Khi việc học hành kìm hãm khả năng tăng trưởng thể chất của lũ trẻ thì rõ ràng giáo dục trường lớp là điều có hại và không nên tồn tại. Thế nhưng dù sai sót trầm trọng, dù có hại thì chúng ta vẫn phải cho lũ trẻ đến trường. Thật là vô lý phải không ạ?

Có lẽ ông sẽ hỏi vì sao tôi muốn con tôi đạt mức học sinh giỏi làm gì để mà cháu phải học nhiều như vậy. Đơn giản là vì học sinh giỏi thì sẽ được cộng điểm khi thi vào bậc trung học phổ thông. Với cách tính điểm cộng cho học sinh giỏi hiện nay, các trường trung học phổ thông công lập tha hồ nâng mức điểm lên và các thầy cô giáo bậc trung học cơ sở lại có được quyền lực rất lớn khi có thể quyết định học lực của học sinh.

Chính vì có quyền lực này mà việc dạy thêm xảy ra tràn lan. Chính nhờ có quyền lực này mà các thầy cô có cách kiếm thêm tiền. Và cũng chính vì quyền lực này mà chúng tôi không dám cho con mình nghỉ học thêm ở trường.

Học thêm thay vì để giúp đỡ các học sinh yếu kém hay bồi dưỡng các học sinh giỏi đã trở thành công cụ để kiếm tiền. Muốn vào trường tốt, trường công lập thì phải có điểm cao, muốn đạt điểm cao thì phải là học sinh giỏi để được điểm thưởng, muốn là học sinh giỏi thì phải học thêm. Phụ huynh và học sinh cứ sa vào cái guồng quay do cơ chế giáo dục tạo ra.

Và điều này cũng phần nào lý giải ánh mắt của lũ trẻ khi nhắc tới một số thầy cô giáo. Cách đây không lâu, một cô giáo trẻ đã viết một bài về quyền được kiếm tiền của mình, và đã nhận được nhiều phản hồi. Ai cũng có quyền kiếm tiền và đó là điều cần được tôn trọng, nhưng khi các thầy cô ra giá cho mình, khi các thầy cô kiếm tiền từ lũ trẻ thì giá trị của các thầy cô được xác định bằng tiền, như một thứ hàng hóa.

Tôi đã cố giữ cho con tôi không phải tiếp xúc với những chuyện tiêu cực của người lớn vì muốn tuổi thơ của con mình được xây nên bởi những điều tốt đẹp. Nhưng cố gắng của tôi đã thất bại thảm hại. Từ năm lớp 4, cháu đã biết nhà bạn nào tặng thầy cô quà giá trị ra sao. Năm lớp 6, cháu muốn tự tay tặng cô quà nhân ngày 20/11 và nhận được sự thờ ơ khi chỉ tặng cô gói sôcôla.

Qua bọn trẻ cùng trường, cháu nhanh chóng biết được các thầy cô thích được tặng phong bì hay tiền hơn. Khi các thầy cô như vậy thì lũ trẻ sẽ được giáo dục điều gì? Thật rùng mình khi nghĩ tới câu trả lời.

Tôi được biết ông đang khởi động một chương trình cải cách giáo dục mới. Hơn ba mươi năm rồi, vẫn liên tục cải cách. Nhưng khi nền giáo dục đang khiến lũ trẻ phải học thêm ở mức đại trà, khi nền giáo dục đang kìm hãm sự phát triển của lũ trẻ, khi nền giáo dục đang gieo rắc văn hóa phong bì vào đầu lũ trẻ thì nền giáo dục đó cần được cải cách và chúng tôi đồng ý với điều đó.

Khi trả lời phỏng vấn về việc cải cách, dường như có lúc ông đã nói ông và các cộng sự sẵn sàng trả giá cho cải cách giáo dục. Tôi trộm nghĩ nếu điều xấu nhất xảy ra, khi cải cách thất bại, thì trả giá sẽ là vạn triệu học sinh của đất nước này, sẽ là cả tương lai của đất nước này.

Vì lẽ đó, tôi mong và chúc ông thực hiện cải cách giáo dục thành công. Tôi mong ông sẽ đem sự kính trọng và tin yêu trở lại trong ánh mắt của lũ trẻ, như ánh mắt chúng tôi khi nhìn người thầy của mình tối nay.

Một lần nữa xin được chúc mừng ông và các thầy cô giáo nhân ngày 20/11.

Trân trọng.

thái thanh tâm
25-11-2013, 05:21 PM
25-11-2013

Liệt sĩ trở về dọa kiện “nhà ngoại cảm” phán bậy

Pháp luật & thời đại
Theo xã hội.com

http://1.bp.blogspot.com/-_sM6yyDijK8/UpMKDdnyx2I/AAAAAAAAS10/EzSMue_uEno/s320/liet-sy-tro-ve.jpg
Ông Thuấn bên “ngôi mộ” của mình
“Liệt sĩ” đã được “nhà ngoại cảm” tìm thấy “hài cốt” mang về chôn cất, nhưng bất ngờ trở về...

Ông Thuấn bị thất lạc trong trận chiến ác liệt, đồng đội ngỡ ông đã hy sinh nên thông báo giấy báo tử về gia đình. Đau đáu vì chưa tìm được phần mộ người thân, gia đình liền mời “nhà ngoại cảm” tìm giúp phần mộ.


Bằng điện thoại, “nhà ngoại cảm” "phán răm rắp" vị trí chôn cất hài cốt “liệt sĩ”. Gia đình rớt nước mắt khi tìm được hài cốt người thân sau gần 40 năm thất lạc, cẩn thận đưa về mai táng và thờ cúng.
Nào ngờ, vài năm sau, ông Thuấn trở về nhà bằng da bằng thịt khiến ai nấy đều ngỡ ngàng.

Hành trình nhờ vả “nhà ngoại cảm”

Ông Nguyễn Viết Thuấn (SN 1951, ngụ làng An Thọ, xã An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội) là anh cả trong gia đình có 5 anh em trai. Ngày nhỏ, ông Thuấn đi học nhưng chẳng mấy chú tâm nên không biết chữ. Bù lại, người thanh niên ấy tính tình khảng khái, gan dạ.

Chàng trai trẻ tình nguyện làm đơn đi bộ đội năm 1971. Chiến tranh bom đạn tơi bời, gia đình mất luôn liên lạc với ông từ đó. Sau chiến tranh, tháng 3/1976, gia đình ông Nguyễn Viết Tuynh (em trai ông Thuấn, ngụ địa chỉ trên) bàng hoàng nhận giấy báo tử của anh trai.

Ông Tuynh cho biết, tháng 6/2008, với mong muốn làm tròn trách nhiệm với người anh đã hi sinh, ông tìm đến “nhà ngoại cảm” Nguyễn Đức Phụng, ngụ phố Thụy Khuê (quận Tây Hồ, Hà Nội) nhờ tìm phần mộ cho anh trai.

“Chúng tôi đến vào sáng sớm nhưng nơi làm việc của ông Phụng đã khá đông khách. Sau khi đặt lễ và ít tiền khấn, tôi ra bàn viết phiếu. Tiếp đó, một người đàn ông bảo tôi tùy tâm đặt tiền lễ chỗ ban thờ.

Tôi điền thông tin bản thân, tên liệt sỹ cần tìm và nơi hy sinh vào phiếu. Xong xuôi, một người đến cầm tờ phiếu của tôi chuyển cho ông Phụng đang ngồi trên gác.

Chứng kiến nhiều người tìm đến nhờ “thầy” giúp, tôi càng thêm niềm tin vào khả năng của “nhà ngoại cảm””, em trai của “liệt sĩ” kể lại.

Ông Tuynh kể tiếp, xem thông tin tìm liệt sỹ của gia đình ông, ông Phụng mở một cái máy giống như máy thu thanh có bộ đàm lên, bấm đầu bấm tai lẩm bẩm: “Liệt sỹ Nguyễn Viết Thuấn, hy sinh tại mặt trận phía Nam đang nằm ở đâu? Chỗ nào?”.

Đồng thời, “nhà ngoại cảm” này lấy một tờ giấy khổ A4 rồi lại tiếp tục “độc thoại”: “Sơ đồ ở huyện nào, xã nào?”. Miệng nói, tay ông chấm những chấm nhỏ rồi vẽ sơ đồ nghĩa trang huyện Bình Long (Bình Phước) cùng vị trí ngôi mộ.

Mừng rỡ vì không ngờ “nhà ngoại cảm” “cao siêu” đến thế, ngay trong tháng 6/2008, gia đình ông Tuynh vượt 2000 km mang “báu vật” sơ đồ này tìm đến nghĩa trang huyện Bình Long, gọi điện ra cho “nhà ngoại cảm” Phụng.

Nói qua điện thoại với người nhà, “thầy” Phụng chỉ dẫn tỉ mỉ ngôi mộ ở phía sau tượng đài Tổ quốc ghi công. “Trên ngôi mộ ấy có mấy cọng cỏ dại và một vết nứt chéo. Người quản trang nơi liệt sĩ Thuấn đang nằm là đàn bà và có nuôi hai con bò”, ông Tuynh thuật lại lời chỉ dẫn.

Thực hiện theo lời chỉ dẫn, gia đình ông Tuynh tìm được “hài cốt” người anh trong sự vui mừng khôn tả. “Thú thực, thấy “nhà ngoại cảm” ngồi ở Hà Nội lại có thể “trên thông thiên văn, dưới tường địa lí” đến từng “chân tơ kẽ tóc” tại một nghĩa trang xa tít tắp, khiến chúng tôi phục sát đất.

Do đó, khi xương cốt đào lên, chúng tôi bỏ qua công đoạn xét nghiệm ADN, tin tưởng tuyệt đối là hài cốt người thân. Gia đình tin tưởng quá, bỏ qua luôn cả nghi vấn không biết “thầy” có hệ thống “chân rết” thông tin từ xa, sắp đặt từ trước hay không”, em trai “liệt sĩ” nhớ lại.

Ngay lập tức, gia đình “liệt sĩ” hoàn tất các thủ tục rồi đưa “hài cốt” anh trai về quê, tổ chức an táng trong thể tại nghĩa trang liệt sỹ xã An Khánh.

“Khi đó, cả gia đình tôi phần nào nhẹ lòng vì làm được một phần trách nhiệm với người thân biệt tích 37 năm qua. Hàng ngày, việc thăm nom hương hỏa ngôi mộ được cả gia đình làm rất chu đáo. Lúc đưa hài cốt anh về, tôi đã xúc động đến rơi nước mắt vì từ nay anh trai mình không phải lạnh lẽo một mình ở miền đất xa lạ nữa”, vẫn lời người em.

Được biết, chi phí phải trả cho “nhà ngoại cảm” lên đến mấy chục triệu. Tính cả kinh phí gia đình lặn lôi vào Bình Phước bốc mộ, số tiền đến gần trăm triệu.

Sững sờ “liệt sĩ” trở về bằng xương bằng thịt

Đầu năm 2013, qua một người quen trong miền Nam, ông Tuynh bất ngờ được biết một người ở ấp An Thịnh, thị trấn An Phú (huyện An Phú, An Giang) có đặc điểm nhận dạng giống hệt anh trai mình.

Thông tin từ miền Nam báo ra người này đã lấy vợ và có con, vợ bán hàng ăn vặt, chồng làm thuê làm mướn sinh nhai. “Anh tôi đã có giấy báo tử, đã được “nhà ngoại cảm” tìm thấy mộ, thấy hài cốt, nên lúc nhận được tin này chúng tôi vừa mừng vừa lo.

Mừng là trong trường hợp nào, người thân của mình còn sống thì cũng là điều hạnh phúc vô bờ bến. Lo là chẳng lẽ mình lại “mắc nỡm” “nhà ngoại cảm”. Thế nên phải dò xét cho xác thực”, lời người em.

Ngày 19/5/2013, năm năm sau khi tìm thấy “hài cốt anh trai”, ông Tuynh cùng hai người thân một lần nữa lặn lội vào Nam, tìm đến địa chỉ trên. Đến đúng địa chỉ ghi trong giấy, ông thấy một người đàn bà đang bán bún buổi sáng. Căn nhà lụp xụp được chắp ghép bằng nhiều mảnh gỗ và tôn. Đưa mắt tìm kiếm một lượt, không thấy bóng dáng người đàn ông.

Tạt sang căn nhà phía đối diện, ông sững người khi nhìn một người đàn ông khuôn mặt rất quen. Người này lò dò đưa ra hai chiếc ghế, nói giọng Nam đặc sệt: “Anh Hai vô ghế ngồi. Anh Hai quê đâu đấy?”.

Ông Tuynh nói là người ngoài Bắc vào, có họ hàng thất lạc bao năm nay nên vào tìm.

Thấy khuôn mặt người đối diện có những nét giống cha mình như lột, nhưng ông Tuynh vẫn chưa dám nói ra vì biết đâu có chuyện nhiều người trên quả đất này giống nhau. Ông vờ như vô tình kể chuyện quê mình, nhà mình, cặn kẽ từ tên bố mẹ, các em trai; tả từ cái giếng, cái ao.

Ông kể chuyện hồi ấu thơ hai anh em mò cua bắt ốc, nhổ mạ cấy lúa với cha mẹ. Người đàn ông kia đang thẫn thờ, đột nhiên ngắt lời: “Nhà bác ruột có chiếc cổng cổ, dưới có bụi tre, chỗ rẽ ra ao làng?”.

“Tôi bật khóc vì tôi biết chắc chắn đây là anh Thuấn. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau, hai người đàn ông chỉ biết khóc nức nở. Vừa khóc trong tiếng nấc, anh tôi vừa trách “Sao em vào còn thử anh như thế?”.

Anh lý giải do thất lạc đơn vị, không biết chữ, mù mịt đường về nên sau chiến tranh không tìm về nhà được. Từ ấy đến nay nhà nghèo, vợ con có khi còn thiếu ăn, có khi nào dư dả tiền để lần mò tìm kiếm quê”, người em trai xúc động nhớ lại.

Ở lại chơi ít ngày, người em trai dẫn vợ chồng anh trai và các cháu trở về quê hương. Dân làng biết tin kéo đến chật nhà. Mấy người bạn đồng ngũ thì bắt tay mừng mừng tủi tủi.

Trước sự việc hy hữu này, lãnh đạo địa phương đã mời gia đình ông Tuynh tới gặp mặt. Gia đình cũng đã nộp lại giấy báo tử, bằng Tổ quốc ghi công.

Tên “liệt sĩ” Thuấn được gỡ khỏi ngôi mộ “nhà ngoại cảm” tìm thấy, thay vào đó là dòng chữ “người chưa biết tên”. Hiện gia đình con trai ông Thuấn đã chuyển hẳn về quê Hoài Đức, Hà Nội sinh sống.
Còn ông Thuấn về quê hơn một tháng thì trở vào An Giang để thu xếp mọi việc trước khi đưa hẳn vợ con ra Bắc định cư trong thời gian sắp tới.

Ông Nguyễn Huy Hoán, Phó Chủ tịch xã An Khánh xác nhận sự việc “liệt sỹ” Thuấn trở về là có thật. Gia đình đã có đơn đề nghị xin cấp đất cho ông Thuấn. Xã đang báo cáo huyện để xem xét giải quyết. “Rõ ràng trong việc này, “nhà ngoại cảm” có dấu hiệu lừa dối gia đình anh Tuynh”, vị phó chủ tịch xã nói.

“Nhà ngoại cảm”: Ai bảo nhà nước báo tử sai?

Một người em trai của “liệt sĩ” cho biết: “Sau khi anh trai trở về, tôi gọi cho nhà ngoại cảm đã tìm mộ cho gia đình nhưng người này không bắt máy. Gia đình tôi hết sức bức xúc vì sự lừa dối này.
Liệt sĩ trở về dọa kiện “nhà ngoại cảm” phán bậy | Ngoại cảm, Tìm mộ liệt sỹ, Nhà ngoại cảm lừa đảo, Lừa đảo, Nguyễn Văn Thuấn, Liệt sỹ trở về

http://image1.xahoi.com.vn/news/2013/11/25/25/lietsytrove1jpg1385348446.jpg
Em trai “liệt sĩ” Thuấn khẳng định gia đình mình đã bị “nhà ngoại cảm” lừa đảo.

Tôi khẳng định “nhà ngoại cảm” đã dựng kịch bản, tạo ngôi mộ giả hoặc mộ người khác rồi chỉ cho gia đình chúng tôi. Chắc chắn, trước đó “nhà ngoại cảm” đã cho người vào khảo sát rồi sau đó lừa dối chúng tôi."

Phóng viên đại đã liên lạc với “nhà ngoại cảm” Nguyễn Đức Phụng, đề nghị làm rõ vụ tìm mộ “liệt sĩ” Thuấn. Trong suốt cuộc trò chuyện, ông Phụng không hề nhận trách nhiệm khi tìm sai mộ, thậm chí đẩy trách nhiệm cho người nhà “liệt sĩ” Thuấn. Những thông tin của gia đình ông Tuynh và “nhà ngoại cảm” đưa ra khá vênh nhau.

Ông Phụng lý giải cho việc tìm sai mộ: “Quy trình chúng tôi là “tìm từ xa”, không đi thực địa bất cứ ngôi mộ nào. Gia đình ông Tuynh chỉ thực thi công đoạn 1.

Khi vào nghĩa trang, gia đình này không hề liên hệ với chúng tôi để hướng dẫn công đoạn 2 nên tôi bó tay. Khi đi tìm thấy ngôi mộ, đúng hàng, cây cỏ, gia đình họ cứ bê ra, không báo lại cho tôi. Trên đời nhiều người trùng họ tên lắm”.

Không những phủi trách nhiệm, ông Phụng còn thản nhiên cho rằng: “Cái sai này trước hết do việc báo tử sai”.

Ông Phụng còn cho rằng: “Sau vài tháng khi gia đình ông Tuynh bốc mộ về, tôi đã biết là bốc sai”. Hỏi sao ông không liên hệ với phía ông Tuynh thông báo, “nhà ngoại cảm” đáp: “Người nhà ông Tuynh không thèm liên hệ với tôi”.

Khi phóng viên đề cập đến vấn đề lương tâm đạo đức khi “phán” sai, khiến người nhà ông Tuynh thờ cúng “xương cốt” người lạ, ông Phụng im lặng, không trả lời.

Trong khi đó, em trai “liệt sĩ” khẳng định: “Khi chúng tôi vào Bình Phước thì “lạ nước lạ cái”, chỉ có duy nhất bản sơ đồ “nhà ngoại cảm” vẽ làm căn cứ, sao dám làm sai.

Trong quá trình xác định vị trí mộ, nhất cử nhất động tôi đều xin chỉ đạo của “thầy” qua điện thoại. Sau khi tìm ra anh trai còn sống, chúng tôi cũng nhiều lần liên lạc với ông Phụng nhưng không được”.

Gia đình ông Tuynh cho biết, đang xem xét các thủ tục, cân nhắc kiện ông Phụng ra tòa

thái thanh tâm
26-11-2013, 09:00 PM
Sách đồng dao thế này ư ?

http://trannhuong.com/Uploads/2/2013/11/Sach%20mythuat.jpg

TNc: NXB Mỹ thuật cả gan dám làm việc vô lối này mà các anh tuyên giáo, quản lý xuất bản, các vị hội đồng nọ kia tai mắt để đâu rồi nhỉ. Có lẽ các bác chăm chăm soi thằng "diễn biến", "thù địch" mà chả để ý đến chăng ?

Đến như lũ phản động muốn phá hoại chế độ, bôi nhọ chế độ cũng không dám nghĩ và viết ra những lời gọi là đồng dao như thế.
Quái đản làm sao đây lại là ấn phẩm của NXB Mỹ thuật ấn hành năm 2012 (số đăng ký KHXB: QĐ.87-2011/CXB/36-04/MT ngày 12.10.2011).
Cuốn sách được mang tên: SÁCH ĐỒNG DAO CHO TRẺ CON.

Những ai biên soạn sách này, với cái kiểu đồng dao bệnh hoạn,vô văn hóa, vô học, tiêm thuốc độc vào trẻ thơ là ai? Và ai đã đồng lõa?

thái thanh tâm
01-12-2013, 08:46 PM
CƯỜI, CƯỜI CÁI Đ…GÌ?

Lampard là người Anh sang Việt Nam theo dạng du lịch Tây ba lô. Anh gặp và yêu một cô gái Việt Nam rồi định cư ở Sài Gòn đã hơn 10 năm nay. Anh dạy tiếng Anh cho người Việt ở Trung tâm Anh ngữ, lại sống rất hoà đồng dân dã, nên rất giỏi tiếng Việt. Có người biểu Lampard giỏi tiếng Việt hơn cả người Việt. Mấy ông bạn Việt nghe thế còn khoái, chả ai tự ái với anh hết.

Bữa nay Lampard ngồi nhậu với mấy ông bạn Việt, vui nổ trời. Hứng chí, ông đầu đinh biểu:
- Nè Lampard, tui đố ông diễn đạt câu tiếng Việt này của tụi tui bằng tiếng Việt của ông cho dễ hiểu hơn nha.
Lampard:
- Chơi luôn, tui mần được, ông chung nguyên thùng Ken, Ok?
Đầu đinh giơ ngón tay cái lên trời và đọc:
“ Bữa hổm, qua nói qua qua, mà qua hổng qua. Bữa nay qua nói qua hổng qua, mà qua lại qua”
Suy nghĩ giây lát, Lampard choang choác:
- Đây là câu nói của ông già gân Nam Bộ. Ông xưng QUA với bạn, tương tự như người ta xưng TÔI ở nơi khác. Ông nói với bạn ông rằng: Bữa trước tôi nói tôi qua nhà ông chơi, nhưng kẹt đột xuất, tôi không qua được. Bữa nay tôi nói tôi không qua nhà ông chơi được, thì tôi lại qua đây này.
Cả bàn nhậu đứng dậy vỗ tay tán thưởng. Lampard kêu:
- Ê, cho thùng Ken lẹ, chủ quán!
Đầu đinh:
- Từ từ Lampard, còn câu này nữa, mần tiếp nghe:
Ngày 23.10.2013, tại kì họp Quốc hội thứ 6, khoá 13, đại biểu Ngô Văn Minh chất vấn về việc các Nhà máy Thuỷ điện xả lũ làm chết dân, gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, ai chịu trách nhiệm? Ông Bộ trưởng Bộ Công thương trả lời như sau:” Quy hoạch thủy điện trải qua nhiều thời kỳ là quy hoạch chung của cả nước chứ không phải quy hoạch riêng của Chính phủ hay Bộ Công thương. Chúng ta nói về chúng ta chứ không phải chúng ta nói về Chính phủ, cũng không phải chúng ta chỉ nói về bộ, ngành này hay bộ, ngành khác mà chúng ta nói về chúng ta…”.

Lampard ngồi rất lâu, vò đầu bứt tai rồi… đực mặt ra. Tất cả cười ồ, cười rần rần. Bỗng Lampard đập tay xuống bàn cái rầm, giọng giật cục:
- Mấy cha là người Việt, cha nào giỏi giải thích lẹ giùm tui xem ông Bộ trưởng nói gì coi. Tui nói thiệt nghe, ông Bộ trưởng ấy chưa chắc đã hiểu mình nói gì, chứ đừng nói tui, đừng nói mấy cha hiểu. Ai hiểu được, tui chết liền. Bố tui cũng chịu chết. Mất cha bày đặt cười nhạo, cười đểu…
Cười cái đ…gì?
Hí…hí…

Vũ Duy Chu

thái thanh tâm
15-12-2013, 03:01 PM
Sự kiệnChủ Nhật, 15/12/2013

Khác biệt trong tư duy của đàn ông và phụ nữ

(Dân trí) - Ai cũng biết “đàn ông sao Hỏa, đàn bà sao Kim” nhưng không dễ gì thông cảm cho nhau khi xảy ra xích mích. Hiểu về những khác biệt trong cách suy nghĩ giữa hai phái sẽ giúp mối quan hệ của bạn hòa hợp hơn.
1. Đàn ông nghĩ một, đàn bà nghĩ mười


1. Đàn ông nghĩ một, đàn bà nghĩ mười

Khi phải suy nghĩ, trong đầu đàn ông chỉ xuất hiện một đề tài duy nhất nhưng phụ nữ có xu hướng cùng một lúc lại nghĩ đến quá nhiều thứ. Bởi vì phái mạnh có khả năng tập trung cao, khi phải giải quyết việc gì, họ sẽ dành toàn tâm toàn lực vào nó.

2. Đàn ông tư duy bằng hình ảnh, đàn bà thì thông qua ngôn từ

Khác với phụ nữ tư duy bằng ngôn ngữ để tìm cách đối phó với mọi vấn đề, suy nghĩ của cánh mày râu lại được thể hiện qua những hình ảnh xuất hiện trong đầu ngay khi họ gặp phải với tình thế bí bách.

3. Đàn ông có thể để đầu óc mình trống rỗng

Thật đáng kinh ngạc! Đàn ông có khả năng khiến cho đầu óc họ thanh thản, lúc đấy họ sẽ không suy nghĩ về bất cứ điều gì. Tâm trí phụ nữ thì hoạt động từng giây từng phút. Vì vậy
khi bạn hỏi chàng đang nghĩ gì và nhận được câu trả lời “Không gì cả” thì đừng nghi ngờ rồi bắt bẻ chàng nữa nhé!

4. Đàn ông rất lý trí

Nữ giới suy nghĩ một cách cảm tính về mọi tình huống và cảm xúc của họ cũng bị chi phối ngược lại bởi chúng. Vì thế đôi khi mọi thứ sẽ rối tung lên. Nam giới lại hoàn toàn khác.

Khi phải giải quyết một vấn đề, họ sẽ dẹp tình cảm sang một bên và hành động theo lý trí.

5. Nữ giới suy nghĩ nhanh hơn

Hầu hết phụ nữ có xu hướng tư duy và cảm nhận về sự việc họ gặp phải một cách nhanh chóng. Tuy nhiên cánh mày râu lại không làm được như thế, họ cần thời gian để xuy xét các lựa chọn trước khi đưa ra quyết định. Đôi khi sẽ rất nản khi bạn đã biết rõ mình nghĩ gì trong khi người ấy còn mãi phân vân.

6. Đàn ông giỏi phân tích hơn

Họ đặc biệt giỏi phân tích các khía cạnh của vấn đề hơn phụ nữ. Họ có khả năng nhìn xa trông rộng và đưa ra nhận xét chính xác. Nữ giới thực ra cũng có thể làm thế nhưng họ lại bị chi phối bởi những cảm xúc và ý kiến cá nhân. Đàn ông thì khác, họ công tư phân minh nên có cái nhìn khách quan hơn

7. Đàn ông đi thẳng vào vấn đề

Phụ nữ có thể nhìn thấy khó khăn chung nhưng không thể tìm ra chính xác cốt lõi là gì. Nam giới nhận ra điều cốt lõi ngay từ lúc bắt đầu. Có lẽ vì chị em thường bị sa vào những chi tiết vụn vặt.

May
Theo AWS

thái thanh tâm
21-12-2013, 07:14 PM
Lối sống khó tin của giới giàu có Triều Tiên

Triều Tiên thực sự là một ốc đảo nghèo đói nghèo khi đại đa số người dân phải chạy ăn từng bữa. Nhưng không thể phủ nhận rằng trong hai thập kỷ qua, có một bộ phận đang giàu lên trông thấy.

Người giàu, họ là ai?
Không phải tất cả những người giàu có Triều Tiên đều là các quan chức chính phủ. Rất nhiều trong số đó là nhà buôn, doanh nhân, những người có thu nhập khá cao so với mức trung bình cả nước.

Không có thống kế chính thức về số người giàu của Triều Tiên cũng như tài sản của họ nhưng theo tính toán, một gia đình kiếm được hơn 300-400 USD/ tháng đã được coi là khá dư giả. Còn những người thu nhập hàng ngàn USD thì hẳn là giàu có.

Ăn chơi nhưng theo kiểu… Triều Tiên

Nếu như trước đây, các quan chức có thể được ăn thịt lợn và xem Tivi màu trong căn hộ rộng rãi của mình- những điều mà dân thường không dám mơ tới thì ngày nay, tầng lớp giàu có mới nổi nước này đã biết sắm xe riêng, đi ăn nhà hàng…

http://dantri4.vcmedia.vn/Ic3EyFHpPWFvMJOJFocc/Image/2013/12/unnamed-c4c75.jpg
Mua tủ lạnh để… khoe mẽ

Người giàu Triều Tiên thích thể hiện quyền lực và sự giàu có. Tủ lạnh, máy giặt, điều hòa có thể là những vật dụng thông thường ở các quốc gia phát triển nhưng tại Triều Tiên, chúng lại là mặt hàng đẳng cấp thượng lưu. Người giàu và nổi tiếng nước này đôi khi bỏ tiền ra mua những sản phẩm như vậy không phải để sử dụng (vì tình trạng mất điện thường xuyên) mà là để khoe mẽ.

Ở Triều Tiên, việc sở hữu các thiết bị điện dân dụng như Tivi LCD, nồi cơm điện, nội thất Tàu hay máy tính cho trẻ con là biểu hiện của một gia đình giàu có.

Xe đạp, xe máy đã là giàu

Hay ngay cả những gia đình tương đối giàu có cũng chỉ sở hữu một chiếc xe đạp hoặc xe máy sịn. Những chiếc xe khách tư nhân không còn quá xa lạ nhưng chúng rất đắt và chỉ dành cho giới giàu có nhất. Vì việc sở hữu xe hơi riêng hiện còn bị cấm tại đất nước này nên để tránh phiền phức, chủ nhân đành nhờ một cơ quan nào đó đăng ký hộ với thông tin…xe là tài sản nhà nước. Tuy nhiên cũng phải nói, việc có xe hơi ở Triều Tiên vẫn còn vô cùng hiếm hoi.

Thích đi ăn nhà hàng

Người Triều Tiên yêu thích ẩm thực. Đi ăn ngoài vì thế trở thành phương thức giải trí ưu chuộng đối với người giàu nước này. Một bữa ăn tại nhà hàng cho mỗi người tiêu tốn khoảng 5-15 USD. Đối với người bình thường Triều Tiên thì điều này là không thể. Tuy vậy, hầu hết các nhà hàng ở Bình Nhưỡng đều rất đông khách.

Du lịch là xa xỉ

Đi du lịch vẫn là một hoạt động xa xỉ ở Bắc Triều Tiên. Hầu hết những người giàu nước này chỉ rời thành phố của họ khi cần thiết cho hoạt động kinh doanh. Còn du lịch nước ngoài thì được xem là quá sức tưởng tượng. Chỉ một bộ phận rất nhỏ người giàu Triều Tiên mới đủ khả năng thực hiện những chuyến đi như vậy.

Bắt đầu mua nhà dù là… bất hợp pháp

Về bất động sản, mặc dù thương mại bất động sản vẫn bị cho là bất hợp pháp nhưng nhiều người giàu đã bắt đầu biết mua nhà. Một căn hộ cao tầng có giá khoảng 10.000-25.000 USD tại các thành phố nhỏ và 50.000-80.000 USD tại Bình Nhưỡng. Những khu bất động sản tốt nhất ở thủ đô còn có giá cao hơn, lên đến 150.000 USD.

Đầu tư giáo dục cho con cái

10 năm qua, bộ phận các trường dân lập tại nhiều thành phố Triều Tiên phát triển khá mạnh. Giới giàu có sẵn sàng chi nhiều tiền để đảm bảo con cái họ được học ở những trường tốt hơn. Chúng được học Toán, Tiếng Anh và âm nhạc, võ, vẽ…

Theo HungNinh
...

Tư tưởng chủ thể muôn năm !
ĐC vua Ủn muôn muôn năm!

thái thanh tâm
24-12-2013, 08:23 PM
Sự thật kinh hoàng về rau an toàn bán ở các siêu thị Hà Nội

Hơn 1 năm nay, các sản phẩm rau an toàn ở siêu thị Le’s Mart, Minh Hoa, Citimart,… đều nhập mặt hàng rau củ quả từ Công ty TNHH sản xuất tiêu thụ rau an toàn số 5 Thôn Đầm (địa chỉ tại xã Vân Nội, Đông Anh, Hà Nội).
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV báo Đất Việt, phần lớn các mặt hàng “rau an toàn” này đều là những rau củ quả không rõ nguồn gốc, được Công ty TNHH sản xuất tiêu thụ rau an toàn số 5 Thôn Đầm mua từ các chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội sau đó mang về đóng gói, dán tem giả làm rau củ quả được trồng tại xã Vân Nội.

Điều bất ngờ là công đoạn này diễn ra ngay trên chiếc xe ôtô 16 chỗ và chỉ mất khoảng 5 phút. Sau đó các sản phẩm này tuồn vào trong siêu thị dưới nhãn mác rau an toàn và bán với giá trên trời. Người tiêu dùng đã bị lừa trong thời gian dài mà không hề biết thực phẩm mình đang tin tưởng thực chất có nguy cơ gây hại rất cao.

Được quyền tự nhận rau an toàn

Theo tìm hiểu, Công ty TNHH sản xuất tiêu thụ rau an toàn số 5 Thôn Đầm do người phụ nữ tên là Trần Thị Vui làm giám đốc nhưng thực chất người điều hành hoạt động lại là người thanh niên tên Nguyễn Hưng Bình. Ngoài Bình còn có hai người cùng trợ giúp việc nhập và xuất mặt hàng rau củ quả cho công ty này là bà Hiền – mẹ vợ Bình và Dương – vợ Bình.

Cơ sở này hàng ngày đều lấy rau không rõ nguồn gốc ở các chợ đầu mối, sau đó đem cung cấp cho các siêu thị lớn ở Hà Nội dưới dạng rau an toàn, được trồng ở xã Vân Nội. Trong đó đáng chú ý là siêu thị Minh Hoa (có 2 cơ sở ở 174 Thái Hà và 14 Đặng Tiến Đông), siêu thị Le’s Mart (có 3 cơ sở ở Bà Triệu, KĐT Văn Quán, Mỹ Đình) và siêu thị Citimart (tòa nhà Indochina số 239 Cầu Giấy)…

http://dantri4.vcmedia.vn/L6citQa4PR6kuP9vPSuL/Image/2013/12/sieuthi1-9c0b6.jpg
Hệ thống các siêu thị Le's mart, Citimart, Minh Hoa trên địa bàn Hà Nội hàng ngày vẫn nhập rau không rõ nguồn gốc từ Công ty TNHH sản xuất tiêu thụ rau an toàn số 5 Thôn Đầm

Chúng tôi tìm đến công ty của Bình để tìm hiểu về việc cung ứng rau cho các siêu thị lớn ngoài Hà Nội, tuy nhiên những người dân ở xã Vân Nội đều cho biết, trên địa bàn có rất nhiều công ty cung ứng rau củ quả an toàn đi khắp cả nước.

Ở đây không có một công ty nào treo bảng hiệu mà chỉ liên danh với Hợp tác xã Sản xuất rau an toàn Vân Nội để hợp thức hóa giấy tờ, thủ tục kinh doanh. Trụ sở của các công ty này thực chất chỉ là những nhà dân và nhân viên công ty là các thành viên trong một gia đình (vừa là giám đốc, kiêm luôn nhân viên – PV).

Để chứng minh công ty của mình đều xuất đi những mặt hàng rau củ quả nguồn gốc rõ ràng, người thanh niên tên Bình – con bà Vui chỉ tay vào chiếc tem chứng nhận rau sạch của Cục vệ sinh an toàn thực phẩm Thành phố Hà Nội giọng khá tự hào: “Quan trọng là chiếc tem này này, không phải cơ sở nào cũng được cấp đâu, phải những cư sở uy tín như nhà tôi mới có”.

Tuy nhiên, chỉ một lúc sau Bình lại cười và nói: “Những cái này lần đầu là do HTX rau Vân Nội cấp cho nhưng sau này là do nhà mình tự đi in”.


http://dantri4.vcmedia.vn/L6citQa4PR6kuP9vPSuL/Image/2013/12/sxrauantoan-9c0b6.jpg
Chiếc xe ô tô của Công ty TNHH sản xuất tiêu thụ rau an toàn số 5 Thôn Đầm đi mua rau ở chợ đầu mối Dịch Vọng vào lúc sáng sớm...

Rau an toàn sản xuất…ở chợ!

Để tìm hiểu rõ hơn về nguồn gốc cũng như đường đi của mặt hàng rau không rõ nguồn gốc được hóa thành rau an toàn vào các siêu thị, PV báo Đất Việt đã thâm nhập vào cơ sở của công ty TNHH sản xuất tiêu thụ rau an toàn số 5 Thôn Đầm dưới dạng nhân viên làm thuê.

Tại đây, bà Hiền – mẹ vợ của Bình, đồng thời cũng là nhân viên lâu năm của công ty bật mí: “Phần lớn lượng rau xuất cho siêu thị mỗi ngày là được mua ở chợ Vân Trì. Vì đây là chợ đầu mối rau lớn của Hà Nội, rau từ khắp các nơi được mang về đây do đó có nhiều chủng loại rau hơn ở chợ này”.

Hàng ngày, vào khoảng 13h, Bình, Dương và bà Hiền trực tiếp có mặt tại chợ đầu mối Vân Trì mua rau. Sau đó, đưa về nhà gắn nhãn mác rau an toàn xã Vân Nội rồi cung ứng cho các siêu thị Minh Hoa, Le’s Mart, Citimart…

Theo lời kể của những người trong gia đình Bình, để biết được lượng rau mỗi siêu thị cần một ngày là bao nhiêu kilogam và những loại rau củ gì, thì cứ khoảng từ 3h chiều cho đến 7h tối hàng ngày, các siêu thị đều gửi một bản fax đơn đặt hàng trong đó có ghi cụ thể số lượng, chủng loại rau họ cần và có khi là ghi cả thời gian giao hàng cho họ.

http://dantri4.vcmedia.vn/L6citQa4PR6kuP9vPSuL/Image/2013/12/rauantoan2-9c0b6.jpg
Rồi sau đó được đóng gói rau an toàn trong thời gian 5 phút và chuyển đến ngay cho siêu thị vào lúc sáng sớm.

Nhưng lượng rau và loại rau các siêu thị nhập mỗi ngày không thay đổi nhiều. Nếu như có thừa thì để lại hôm sau giao tiếp. Còn nếu vẫn còn kịp thời gian giao hàng thì một người sẽ xuống chợ mua rau rồi trực tiếp đưa lên xe để Bình ngồi trong đó “sản xuất rau an toàn” trực tiếp chỉ trong 5 phút bằng cách đóng gói và dán tem ngay trên xe.

Theo lời của Dương, để mua được đủ lượng rau cần thiết, Dương thường rong ruổi cả buổi chiều ở chợ. Xem hết hàng nọ hàng kia, nâng lên đặt xuống, ỉ ôi mặc cả sao cho mua được rau với giá rẻ nhất. Do công việc này diễn ra từ nhiều năm nay nên chỉ cần mua xong là tới cuối phiên chợ những người bán rau sẽ chở rau về tận nhà cho Dương.

Vừa đóng gói rau mua ở chợ, Bình cho biết: “Từ nhiều năm nay, chỉ trừ 3 ngày tết là nghỉ, mỗi ngày gia đình thu mua, sơ chế đóng gói và mang đi giao khoảng một tấn rau củ quả các loại cho rất nhiều siêu thị trên địa bàn Hà Nội”.

Rồi Bình bật mí tiếp, khi các siêu thị có nhu cầu mua các loại rau trái vụ, gia đình còn nhập những lô hàng Trung Quốc về đóng gói, gắn tem trồng từ xã Vân Nội rồi bán cho các siêu thị.

Nếu đơn hàng từ các siêu thị quá lớn, lượng rau thu mua được từ các chợ đầu mối chưa đủ thì tầm hơn 1h sáng, gia đình Bình lái một chiếc xe tải dạng 1 tấn tới các chợ đầu mối khác để tiếp tục thu mua một lượng lớn rau trôi nổi trên thị trường rồi đóng gói, lên đời cho rau tại chỗ.

Ngay sau đó, những loại rau này lập tức được giao cho các siêu thị ngay trong đêm dưới dạng hàng rau an toàn, sản xuất từ Vân Nội.

HTX số 5 Vân Nội thừa nhận đã trà trộn rau Trung Quốc

Ngày 28/8/2013, trả lời báo chí, ông Trần Văn Mây, chủ nhiệm HTX rau sạch Vân Nội đã thừa nhận có một số hộ gia đình vì ham lợi mà đã trà trộn các sản phẩm rau củ quả Trung Quốc rau an toàn do mình sản xuất rồi bán đi các nơi.

Đại diện hợp tác xã sản xuất rau an toàn Vân Nội thừa nhận, vào mùa hè các cơ sở trong hợp tác xã chỉ sản xuất được su hào, bí cô tiên và bí xanh chứ không thể tự sản xuất củ cải, cải bắp giữa mùa hè để xuất vào trong các siêu thị bày bán.

Chính vì thế, để có các mặt hàng củ cải, cải bắp... bán cho các siêu thị thì một số cơ sở sản xuất rau an toàn ở Vân Nội lấy hàng Trung Quốc về đóng gói rồi bán lại cho các siêu thị.

Theo Văn Tuấn – TP

thái thanh tâm
29-12-2013, 05:41 PM
29-12-2013

Sự thật những tấm HCV Olympic Toán quốc tế của Việt Nam qua lời kể nguyên Phó Chủ tịch FPT

Theo Cafebiz

NQL: Mình học cùng một con gà nòi toán Olympic, không nghe nó kể gì. Đi bộ đội ở cùng một con gà nòi toán Olympic khác cũng không nghe nó kể gì. Bây giờ nghe gà nòi Lê Quang Tiến kể thật quá vui, he he

Sự phát triển của một người phụ thuộc hai yếu tố: di truyền và môi trường. Do các yếu tố di truyền nên người Việt Nam khó có thể ganh đua với người Mỹ trong các môn sức mạnh cơ bắp như chạy, nhảy... Nhưng với các môn thuần túy đầu óc và không cần đầu tư nhiều tiền thì có thể ngang ngửa như cờ, toán...


Về lý thuyết thì người Việt Nam cũng có số tế bào não như các dân tộc khác. Kiến thức cơ bản của nhân loại đã tích lũy được qua hàng triệu năm tiến hóa thì chúng ta có điều kiện tiếp cận như Mỹ nhờ có Internet.

Tóm lại nếu chỉ thi bằng bút chì và bàn phím, không thi vật tay thì Việt Nam có điều kiện ngang ngửa với Mỹ.

Còn môi trường, có lẽ cái này Việt Nam luôn thiếu.

Một ví dụ điển hình là việc Việt Nam tham gia thi Toán quốc tế từ năm 1974. Chúng ta tự hào là một nước bị chiến tranh tàn phá 20 năm mà vẫn đạt được huy chương này nọ, chỉ thua Liên Xô, Đông Đức và sau này thua Mỹ...

Thực ra là thế nào?

Tôi tham dự đội tuyển Việt Nam năm 1975. Đoàn nước ta có 8 học sinh (số lượng tối đa cho một đoàn) giành được một huy chương Bạc, 3 huy chương Đồng và đứng thứ 10.

Mỹ cũng tham gia lần thứ hai, có 8 học sinh giành được 3 huy chương Vàng, một huy chương Bạc, 3 huy chương Đồng và chỉ đứng sau Hungary và Đông Đức.

Tôi nhờ thầy Phan Đức Chính, Trưởng đoàn Việt Nam hồi đó, hỏi xem Mỹ chọn và dạy học sinh đi thi thế nào?

Mỹ làm thế này: Họ thông báo là thế giới tổ chức International Math Olympics. Mỗi nước được cử tối đa 8 học sinh phổ thông, tuổi dưới 19, cùng một Trưởng đoàn tham gia cung cấp bài thi (giới hạn trong kiến thức phổ thông) để hội đồng chọn ra 6 bài cho học sinh làm, và cùng chấm điểm tất cả các bài thi kể cả của đoàn mình. Chi phí đi lại nước dự thi chịu. Chi phí ăn ở trong quá trình thi nước đăng cai trả.

Mỹ sẽ cử đoàn đi, chọn các em dưới 19 tuổi, chưa học đại học. Nếu số lượng đăng ký trên 8 thì tổ chức thi loại, dưới 8 thì ai đăng ký đều được đi. Đoàn tự thu xếp kinh phí (gia đình cho tiền, xin tài trợ của tổ chức, cá nhân). Chính phủ Mỹ không cho tiền, cũng chẳng dạy dỗ gì cả. Mặc dù là trò chơi vớ vẩn nhưng Mỹ luôn đứng trong Top 3.

Việt Nam và các nước XHCN làm thế này: Từ cấp 2 (lớp 5-7) đã phải thi đấu vào lớp chuyên của trường, tỉnh/thành phố. Đến cấp 3 (lớp 8-10) lại thi đấu vào trường chuyên của Bộ Đại học, của tỉnh. Hình thành một loại "gà nòi" chỉ để thi đấu: Chuyên toán của Bộ Đại học có ĐH Tổng hợp, Sư phạm Hà Nội, Sư phạm Vinh. Chuyên toán của các tỉnh như Chu Văn An (Hà Nội), Lam Sơn (Thanh Hóa), Lê Hồng Phong (Nam Định)...

Rồi "bọn gà" này lại qua hàng chục vòng đấu để chọn ra 14 "con" vào đội tuyển toán quốc gia. Từ đó, sau 90 ngày khổ luyện qua 45 bài kiểm tra lấy ra 8 "con gà" để đi thi. Tiền tuy không nhiều nhưng do ngân sách Nhà nước chi trả cả.
http://4.bp.blogspot.com/-Zd9LfSsD9cc/Ur-szWzPb7I/AAAAAAAAVqE/MYki2172VaM/s1600/su-that-nhung-tam-hcv-olympic-toan-quoc-te-cua-viet-nam-qua-loi-ke-nguyen-pho-chu-tich-fpt.jpg

Nguyên Phó Chủ tịch FPT Lê Quang Tiến
Trước khi ra nước ngoài, Bộ Tài chính cho mỗi thành viên trong đoàn mượn một bộ comple, 2 áo sơ mi, một đôi giày, về thì phải trả, không có tất.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng mời cả đoàn vào dinh đãi một bữa phở úy lạo trước khi lên đường và hỏi:
- Các cháu có nguyện vọng gì?

Đáng lẽ phải nói là quyết tâm mang vinh quang về cho tổ quốc Việt Nam anh hùng thì tôi lại bảo:
- Chúng cháu được cho mượn giày nhưng không có tất, đau chân lắm, cháu sẽ đi dép lê.

Dưới gầm bàn, thầy Chính đá tôi một phát khá đau.

Thủ tướng chảy nước mắt nói với ông Tạ Quang Bửu, khi đó là Bộ trưởng Bộ Đại học:

- Nước nhà vừa trải qua chiến tranh, còn nghèo lắm, nhưng một đôi tất sao không lo được cho các cháu?

Khi đó chỉ có đúng một loại tất của Trung Quốc bày bán ở cửa hàng Bách hóa Bờ Hồ giá 7 đồng một đôi.

Ngay lập tức, một núi công văn, điện thoại giữa Bộ Đại học, Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ được trao đổi và kết quả đến chiều có văn bản cấp cho mỗi cháu 3 đồng để mua tất. 4 đồng thiếu thì bảo bố mẹ cho, bố mẹ không có thì bác Bửu bù. Có lẽ đấy là vụ PPP đầu tiên của Việt Nam.

Mặc dù thuần túy chuyên môn nhưng ngay từ năm 1975 đã có vô số yếu tố phi chuyên môn len vào quá trình lựa chọn:

- Phải có đủ thành phần nam, nữ.
- Phải cân đối số lượng giữa các trung tâm "gà" (hồi đó là ĐH Tổng hợp và ĐH Sư phạm).
- Các thầy từ lò Sư phạm rỉ tai cho "gà" của trung tâm mình đáp án trước các vòng kiểm tra.
- Thêm cả yếu tố đạo đức, lý lịch, thành phần giai cấp nữa. Trong đội tuyển năm 1975 có một bạn rất giỏi bị loại vì đã tố cáo các thầy Sư phạm "gà" bài cho học sinh trường mình. Lý do: "Thiếu ý thức kỷ luật, có vấn đề về đạo đức". Có lẽ cũng là vụ "Đồi Ngô" đầu tiên của ngành giáo dục Việt Nam.

Duy nhất cậu này trong số mấy ngàn "con gà" khóa 1975 cho đến bây giờ còn làm toán và sống bằng nghề giảng dạy toán cao cấp tại một trường đại học danh tiếng của Mỹ.

Theo tôi biết thì hàng chục ngàn "con gà" đó sau này không làm nên cơm cháo gì trừ Ngô Bảo Châu đã làm rạng danh nền toán học Pháp và đang cống hiến cho một trường đại học ở Mỹ.
Thế khác nhau chỗ nào?

Khác nhau ở chỗ Chính phủ Mỹ dứt khoát không dùng tiền ngân sách tài trợ cho Khoa học, Văn hóa, Thể thao.

Nhà nghiên cứu khoa học, nhà văn, diễn viên, cầu thủ tự sống bằng tiền nghiên cứu theo hợp đồng với cơ quan Chính phủ hay với các công ty, giảng dạy, bán sách, bán phim, thi đấu. Thích thì tự hội họp với nhau mà trao giải Field, Oscar... phong nhau làm Giáo sư, Viện sĩ...

Còn Việt Nam thì suốt ngày cãi nhau về chuyện Nhà giáo Nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú và xin Nhà nước tài trợ từ hát xẩm đến cầu lông.

thái thanh tâm
02-01-2014, 09:33 AM
Thứ năm, 2/1/2014 01:06 GMT+7Facebook Twitter

Tôi sẽ không bao giờ cho tiền người ăn xin nữa

Ăn xin nhục lắm, người không có tiền, không lao động được, bần cùng họ mới phải đi ăn xin. Nhưng sao có những người xin được nhiều tiền rồi vẫn đi ăn mày?

Đừng ‘ném đá’ cụ già ăn xin vì 25 lượng vàng
Câu chuyện cụ già ăn xin Nguyễn Văn Cưng (86 tuổi) tích cóp được 20 lượng vàng trong suốt 20 năm, đối với tôi không có gì là ngạc nhiên. Bởi cụ tằn tiện, không dám ăn xài, tích lũy từng đồng bạc bố thí 100.000-200.000 đồng/ngày để dành cuối tháng mua vàng về xỏ xâu, có được như ngày hôm nay cũng là điều dễ hiểu.

Nhưng tôi không thích cách sống và lối suy nghĩ của cụ. Vì nó vừa làm khổ cụ, lại vừa khổ cho cả xã hội.

Tôi hiểu ăn xin mà biết tằn tiện, không hoang phí là điều rất đáng trân trọng. Nhưng dù là ai thì cũng nên có chừng mực, đường cùng thì hãy xin. Khi nào xin đủ thoát khỏi bần hàn thì nên kiếm việc khác mà làm để sống cho đàng hoàng và xứng đáng với những ân tình người dân góp tặng.

Chúng ta nên nhìn đúng bản chất vấn đề mà phải ánh, không thể lấy số tuổi nhiều hay ít để bao biện cho hành động lợi dụng lòng tốt, ăn bám tình thương của của cộng đồng được. Tôi đã gặp nhiều người tật nguyền, người già yếu, trẻ nhỏ,... nhưng họ vẫn cố gắng lao động tự nuôi sống bản thân, không bao giờ ngửa tay chờ sự bố thí của người khác. Họ thật đáng trân trọng.

Còn một số người lành lặn, giả vờ đau khổ để lợi dụng lòng thương của mọi người, xin ăn qua ngày (thậm chí làm giàu), đối với tôi những con người đó thì rất đáng lên án.

Người Việt Nam thường mang sự thương hại khi nhận định một sự việc, nếu một người đáng thương phạm tội nặng thì các bạn giảm nhẹ, làm việc không đúng thì các bạn cho qua. Nhưng không bao giờ chúng ta nhìn vào bản chất của sự việc.

Nếu bạn có tiền mà đi ăn xin thì đó là bạn đang lợi dụng lòng tốt của mọi người, có thể nói nặng là lừa dối lòng tốt người khác. Những người đó, tôi cho là những kẻ khuyết tật từ chính tâm hồn. Không đáng để chúng ta phải rủ lòng thương. Cơ bản tôi chỉ bàn về bản chất của việc đi ăn xin chứ không nói về ông lão hay bất cứ ai cả.

Chúng ta cũng nên hiểu ăn xin không phải là nghề, mục đích của việc ăn xin là để kiếm sống qua ngày, chứ không phải để kiếm tiền mua vàng tích trữ. Nhưng rõ ràng ăn xin mang lại "lợi nhuận" rất cao. Chúng ta có thể thông cảm cho cụ Cưng là người già cả, nhưng hiện nay trong xã hội có rất nhiều người trẻ khoẻ vẫn đi ăn xin, và táng tận lương tâm là những người đã sống trên thân xác những người ăn xin.

Vì thế, lòng tốt của chúng ta phải đặt đúng chỗ, không nên phung phí lòng tốt cho những kẻ lười nhác, lợi dụng sự thương hại của cộng đồng.

Nhân đây, tôi cũng chia sẻ mọi người về một cụ bà Nguyễn Thị Giới (78 tuổi), đêm đêm cụ vẫn cặm cụi ngồi vá xe ở góc đường Lê Quang Định – Nguyễn Thị Đậu (quận Bình Thạnh, TP HCM). Đôi bàn tay già nua của cụ vẫn nhẫn nại cạy, vá lốp xe cho khách đến nay đã tròn 38 năm.

Tâm sự với cụ tôi mới biết cụ mồ côi cả cha lẫn mẹ từ lúc 8 tuổi, trôi dạt vào Sài Gòn ở đợ nhà người rồi đi làm thuê làm mướn kiếm cơm qua ngày. Cuộc đời của bà cụ vá xe đêm này dường như được mặc định với sự bất hạnh, cái nghèo, cái khổ. Nhưng cụ không bao giờ ngửa tay ra nhận tiền không của ai, dù chỉ một đồng.

"Chẳng thà cái tay tôi không làm được, đành chịu. Còn làm ra tiền nhất định không ăn bám con và ngửa tay xin ai cả”, cụ Giới nói.

Hình ảnh cụ bà với những người ăn xin đều có chung hoàn cảnh là nghèo khó, nhưng cách sống và lối suy nghĩ của bà thì hoàn toàn đối lập với những người đó. Vậy ai mới là người đáng thương và trân trọng hơn?

Tôi sẽ không bao giờ cho tiền người ăn xin nữa, mà giúp họ bằng đồ ăn hoặc báo cho các trung tâm bảo trợ xã hội.

Qua đây, tôi muốn nói: thay vì chúng ta thương người nghèo thì hãy cho họ cần câu chứ đừng cho họ con cá, cũng giống như thay vì cho họ tiền thì chúng ta hãy tạo công ăn việc làm cho họ, hoặc đưa họ vào những trung tâm bảo trợ xã hội. Có vậy thì mới chấm dứt được vấn nạn ăn xin đường phố và đất nước mới ngày càng tươi đẹp và phát triển hơn.


Trần Hưng

thái thanh tâm
02-01-2014, 03:03 PM
Kỷ luật sa thải người đã... chết

Người bị kỷ luật với hình thức sa thải đã qua đời cách đây 16 năm 6 tháng do bị sét đánh.
Dư luận ở Kon Tum lấy làm lạ khi ông Phạm Văn Sớm, Giám đốc công ty TNHH MTV cà phê 731 (thuộc Tổng công ty cà phê Việt Nam, tỉnh Kon Tum) đã ký quyết định số 87 về việc xử lý kỷ luật lao động công nhân Tạ Thị Mơ. Lạ là vì, người bị kỷ luật với hình thức sa thải đã qua đời cách đây 16 năm 6 tháng do bị sét đánh.

Để có căn cứ cho quyết định "lạ" nói trên, ông Nguyễn Hữu Tư, Phó Giám đốc công ty cà phê 731 khẳng định: “Hồ sơ của bà Mơ tại thời điểm kỷ luật là hồ sơ vẫn đầy đủ. Và cũng không ai xác minh, thực ra không ai xác minh là bà đã chết cả, bởi vì hồ sơ của chính quyền địa phương xác nhận về những năm sau đó và hiện tại bây giờ hồ sơ vẫn có đầy đủ là bà Tạ Thị Mơ vẫn còn sống, chính quyền địa phương xác nhận. Kể cả chứng minh nhân dân vẫn có, rồi sơ yếu lý lịch có xác nhận của chính quyền địa phương”.

Được biết, bà Tạ Thị Mơ vào làm công nhân tại đây từ trước năm 1992, nhận khoán chăm sóc trên 1 héc-ta cà phê của công ty. Sau đó vài năm, vì nhiều lý do, bà Mơ không tiếp tục chăm sóc diện tích cà phê này mà giao lại cho chị dâu là bà Bùi Thị Đoạn và anh trai Tạ Văn Hạnh chăm sóc.

Sau khi bà Mơ mất vào năm 1996, việc chăm sóc cà phê và thực hiện các nghĩa vụ với công ty, như nộp khoán sản lượng hàng năm, đóng bảo hiểm xã hội… được gia đình ông Hạnh bà Đoạn thực hiện đầy đủ với công ty dưới tên bà Mơ. Thậm chí gia đình ông Hạnh còn sử dụng chứng minh thư, sơ yếu lý lịch có xác nhận của chính quyền địa phương dưới cái tên của công nhân Tạ Thị Mơ. Vụ việc mới bị phanh phui khi người nhà của bà Mơ xin thực hiện các chế độ, thủ tục để nghỉ hưu.

Tuy nhiên, bức xúc trước quyết định sa thải với người đã chết, ông Tạ Văn Hạnh, anh trai bà Mơ cho biết: “Em tôi hiện nay đã chết rồi chứ không phải tranh chấp gì cả nên đề nghị với công ty là lên làm trực tiếp với bảo hiểm giúp đỡ gia đình tôi có thể là hiệu chỉnh cái tên Tạ Thị Mơ sang Bùi Thị Đoạn để cho gia đình tôi được nghỉ chế độ hưu theo quy định của Nhà nước cho đỡ thiệt thòi thôi. Nếu không được phương án đó thì thanh toán, giải quyết chế độ thôi việc chứ không nên là dùng biện pháp sa thải một người chết 16 năm 6 tháng để danh dự sau này còn con cái”.

Sự việc đáng tiếc nêu trên âu cũng là bài học về sự quản lý nhân sự lỏng lẻo của một số công ty; bài học về cách xử lý tình huống chưa phù hợp với thực tế rất dễ gây bức xức trong dư luận xã hội.

Theo Sỹ Thắng
Baotintuc.vn

thái thanh tâm
03-01-2014, 12:40 PM
Sự kiệnThứ Sáu, 03/01/2014 - 07:38

Vụ "anh hùng khai man thành tích": Xem xét hủy bỏ danh hiệu anh hùng

(Dân trí) - Ngày 2/1, Đoàn Ủy ban Kiểm tra Trung ương đến Tỉnh ủy TT-Huế làm việc với các cựu chiến binh đã tố cáo ông Hồ Xuân Mãn, nguyên Bí thư tỉnh ủy TT-Huế, khai man thành tích để được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND).
Ủy ban Kiểm tra Trung ương thừa ủy quyền của Ban Bí thư đến làm việc với các cựu chiến binh đứng tên ký đơn tố cáo ông Hồ Xuân Mãn. Ông Lê Hồng Liêm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương là Trưởng đoàn kiểm tra đã thông báo kết luận của Ban Bí thư về việc xử lý vụ ông Mãn.

Theo đó, trong 17 thành tích mà các cựu chiến binh tố cáo ông Mãn khai man như diệt nhiều địch, bắn máy bay, diệt xe tăng… qua thẩm tra, xác minh, đối chiếu, Ban Kiểm tra Trung ương nhận định đại đa số các cựu chiến binh tố cáo đúng. Rất nhiều “thành tích” do ông Mãn khai khống. Ông Mãn chỉ khai đúng 2 thành tích, nhưng trong đó lại có 1 thành tích gây hậu quả thiệt hại nặng nề về người (diệt địch nhưng diệt nhầm luôn nhiều người của ta).

Ban Bí thư chỉ đạo Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương báo cáo cho các cơ quan chức năng xem xét hủy bỏ quyết định phong tặng danh hiệu AHLLVTND của ông Mãn. Đồng thời thu hồi các hiện vật, tiền thưởng và những gì liên quan đến danh hiệu này đã được trao cho ông Mãn.

http://dantri4.vcmedia.vn/HvrZZiM2C5QLR4u67tfR/Image/2014/01/20711-69571-b7f71.jpg
Ông Hồ Xuân Mãn, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế
Bên cạnh đó, chỉ đạo kiểm điểm tập thể, cá nhân liên quan đến việc xét danh hiệu AHLLVTND của ông Mãn. Thực tế cho thấy nhiều nơi chỉ dựa vào xác nhận của văn phòng Tỉnh ủy TT-Huế thời kỳ ông Mãn làm hồ sơ phong tặng danh hiệu AHLLVTND mà không đi thẩm tra nên đã xảy ra sai sót như trên. Hiện Ban Bí thư chưa xem xét kỷ luật đối với ông Mãn do ông bị bệnh hiểm nghèo (căn cứ theo kết luận Hội đồng chuyên môn Bệnh viện sức khỏe miền Trung và quy định xử lý đảng viên vi phạm).

Đại Dương

thái thanh tâm
06-01-2014, 08:57 AM
Thứ hai, 6/1/2014 05:18 GMT+7

Lão nông 7 năm chôn cất hài nhi

Vô tình chứng kiến một ca phá thai, ông Nguyễn Văn Nho (67 tuổi, Thanh Oai, Hà Nội) ám ảnh khôn nguôi. Thương những hài nhi bị vứt bỏ, 7 năm qua ông rong ruổi khắp Hà Nội đưa các cháu về chôn cất.
Chiều cuối năm ở nghĩa trang Từ Châu (Liên Châu, Thanh Oai) có một đôi nam nữ ghé qua ngôi mộ vô danh - nơi yên nghỉ của 26.000 hài nhi bị tước quyền sống - đặt vài nhành cúc trắng, rồi vội vã bỏ đi. Đã quen với cảnh đó, ông Nho chỉ biết thở dài.

"Nhiều người biết con họ ở đây nên tìm đến. Người từng bỏ con thấy tội lỗi cũng qua thắp hương. Lại có đôi lúc cưới nhau không có con, mới hối hận qua đây cầu tự", ông buồn nói.

http://m.f13.img.vnecdn.net/2014/01/04/anh3-3676-1388803447.jpg
Ngôi mộ tập thể của những hài nhi xấu số luôn nghi ngút hương, hoa của những người lạ mặt mang đến. Ảnh: P.D.

Tháng 3/2007, ông Nho bị sốt virus, điều trị ở Bệnh viện Thường Tín. Trước ngày xuất viện, ông vô tình chứng kiến một ca phá thai to. Cái thai đã 7 tháng, bác sĩ dùng nhiều cách mà thai không ra, sau cùng phải cắt. "Lúc đó tôi thực sự run sợ, cả đêm bị ám ảnh, cũng là một con người mà bị tước mạng sống. Sáng hôm sau tôi quay lại đặt vấn đề với bệnh viện xin đưa đứa bé đó về chôn cất", ông kể.

Ông được chỉ ra chỗ đặt xác, mở túi ra thì biết không phải một mà có tới 16 hài nhi. "Từ đấy trở đi ngày nào tôi cũng qua đó mang các em về tắm rửa, chôn cất. Hôm ít nhất cũng phải 4 em", ông Nho cho biết.

Tháng 12 năm đó, câu lạc bộ thiện nguyện Bác ái do ông làm trưởng nhóm ra đời. Mục tiêu đầu tiên là đi khuyên giải những người muốn bỏ con từ bỏ ý định, bất đắc dĩ mới mang thi thể về chôn. Nhóm mở rộng hoạt động ra các phòng khám tư, các bệnh viện lớn trên Hà Nội. Ban đầu các thành viên tiếp xúc, hỏi han, tâm tình. Sau đó khuyên bảo bà bầu từ bỏ ý định, kể ra các nguy cơ của việc nạo phá, cũng như những câu chuyện xúc động mà nhóm từng chứng kiến... Nhiều người vẫn từ bỏ đứa con, nhưng cũng có một số hứa không bỏ.

"Chúng tôi cũng không xác định được họ có quay lại, hoặc đi phá ở đâu khác. Chỉ có 18 trường hợp cơ nhỡ được chúng tôi khuyên giải, đem về cho ăn ở là chắc chắn. Giờ họ đã sinh con, đứa bé chào đời khỏe mạnh", ông lão cho biết.

http://m.f13.img.vnecdn.net/2014/01/04/anh2-9394-1388803448.jpg
Làm được nhiều việc thiện song ông Nho luôn cảm thấy mình bất lực vì thực tế tình trạng nạo phá thai vẫn cứ tăng, nhất là trong phụ nữ trẻ. Ảnh: P.D.

Ông kể, có một cô gái cùng làng bị người yêu bỏ khi đã mang thai. Gia đình cô rất hoàn cảnh, bố bị chất độc da cam, mẹ không bình thường, cô lại là con cả. Biết tin cô muốn phá thai, nhóm Bác ái đã đến khuyên giải, sau đó cho đi nhà chờ, nuôi ăn ở đến khi đứa bé cứng cáp. Giờ cô gái ở cùng bố mẹ, bán hoa quả chăm con.

Một trường hợp khác ở La Phù (Hà Đông) được nhóm kịp thời giải cứu khi chuẩn bị phá thai. Chị này mang thai con thứ ba, gia đình khó khăn nên đi phá. Sau khi được khuyên, chị đồng ý giữ lại con nhưng lại bị gia đình chồng hắt hủi. Nhóm thiện nguyện cho chị nương nhờ đến ngày sinh nở. "Sau gia đình hối hận đến nhận lại cháu và còn muốn trả tiền cho chúng tôi đã chăm sóc 2 mẹ con", ông cho biết.

Trường hợp khuyên giải khó khăn nhất là một nữ sinh quê Hà Nam, trọ ở Hai Bà Trưng, Hà Nội. Nhà có 2 mẹ con, ngày con đi đại học mẹ cũng ra thành phố làm đủ nghề để nuôi con. Chẳng ngờ cô con gái mang thai, bị người yêu hắt hủi, sợ tiếng xấu đồn về làng nên 2 mẹ con nhất quyết bỏ.

"Lúc tôi nghe tin về trường hợp này thì cô gái muốn nhảy lầu tự tử vì không có 5 triệu đồng phá cái thai đã 7 tháng. Chúng tôi tốn rất nhiều thời gian khuyên giải cả 2 mẹ con, sau đó còn đưa cô ấy đi lánh nạn, nuôi ăn uống chờ ngày sinh đẻ. Giờ thì bé Hoài Thương con nữ sinh viên đó đã được 4 tuổi. Bé vẫn thường được mẹ đưa qua chơi với chúng tôi", ông nở nụ cười hiếm hoi.

Cũng có trường hợp dù nhóm thiện nguyện chăm sóc nhưng cuối cùng họ vẫn phá bỏ đứa con. Đó là sinh viên có quan hệ với một thợ xây quê Thừa Thiên - Huế. Anh này đã có vợ con ở quê. Khi được nhóm khuyên giải, cô gái từ bỏ ý định phá thai. "Ở trong nơi lánh nạn một thời gian cô ấy bỏ đi, còn nhóm thì mất 3,6 triệu đồng nuôi ăn uống mà không giữ được đứa bé", lão nông thở dài.

anh1_1388801347.jpg

Nơi chôn cất các hài nhi được đào sâu tới 3 m. Mỗi tuần nhóm tổ chức an táng 2 lần. Ảnh: P.D.

Tự nhiên vướng vào việc "trời đày", nhà cửa bị bỏ bê khiến bà Linh - vợ ông Nho- phải lo cả mẫu ruộng, nuôi con học đại học, lại chăm cháu, vợ chồng xích mích thường xuyên. "Bị nói nhiều, ông ấy dậy sớm đi cắt cỏ, dắt 2 cặp bò đi chăn nhưng vẫn không bỏ được công việc ấy. Ngày nào ông ấy cũng đi, buổi trưa thì hì hụi ngoài nghĩa trang. Từng có thời gian làng nước nói ông thần kinh không bình thường", bà phàn nàn.

May mắn, ông Nho có những người đồng hành nhiệt tình. Bằng cái xe đạp, ngày nào bà Ninh (56 tuổi) cũng đến các phòng phá thai, tiếp cận, khuyên giải. Có trường hợp bà còn quỳ xuống van xin người mẹ đừng bỏ con. "Lại có bà cụ Hạnh, mẹ liệt sĩ 82 tuổi là người đầu tiên đồng hành cùng tôi. Những năm trước còn khỏe bà cụ vẫn đạp xe đến các bệnh viện mang thi thể hài nhi về chôn. Giờ già hơn, cụ vẫn bán hoa để lấy tiền lãi giúp nhóm. Những bông hoa cúc trắng, cúc vàng trên mộ là cụ mang ra cho các bé", ông nói.

Hiện nay, nhóm đã mua được một chiếc tủ đông lạnh. Hằng ngày các thành viên mang xác hài nhi về khâm liệm, đặt ngăn nắp trong tủ đông. Một tuần 2 lần, ông Nho tổ chức an táng. "Tôi chỉ mong không còn người phá thai để không phải đi làm công việc trời đày này nữa", ông già 67 tuổi bộc bạch.

Phan Dương

thái thanh tâm
08-01-2014, 07:59 AM
Dương Chí Dũng khai đã mang 500.000 USD tới nhà ông Phạm Quý Ngọ


http://l2.yimg.com/bt/api/res/1.2/BY4H9vIMC9HrZUhfjBqshA--/YXBwaWQ9eW5ld3M7cT04NTt3PTUwMA--/http://media.zenfs.com/vi-VN/News/thanhnien.com.vn/4-20140107-083019-323.jpg

Dương Chí Dũng tại phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng - Ảnh: Minh Sang
13 giờ 30 phút ngày 7.1, Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục làm việc sau giờ nghỉ trưa. Tiếp phần xét hỏi, bị cáo Dương Chí Dũng nói: “Tôi là bị cáo trong một vụ án khác và phải chịu mức án cao nhất nên tôi chẳng có gì phải giấu giếm và sẽ khai thật”. Trong khi đó Chủ tọa phiên tòa Trương Việt Toàn cho biết, toàn bộ lời khai của nhân chứng Dương Chí Dũng tòa ghi nhận và không ngăn cản trình bày.
Theo đó Dương Chí Dũng khai nhận, chiều 29.4.2012, hai vợ chồng Dương Chí Dũng xuống thăm một cán bộ cấp cao của Bộ Công an tại Tuần Châu (tỉnh Quảng Ninh). Khoảng 14 giờ chiều thì gặp được vị này và trình bày hoàn cảnh về vụ việc xảy ra tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam rằng mình không trực tiếp ký bất kỳ văn bản quan trọng nào. Tại nơi nghỉ của ông cán bộ cấp cao này, Dương Chí Dũng biếu quà 10.000 USD.
Tối ngày 2.5.2012, Dương Chí Dũng điện cho vị cán bộ cấp cao trên và được người này cho biết đang ở nhà. Khi đến nhà gặp thì vị này bảo xuống quán nước dưới tầng 1 của tòa nhà Pacific trên đường Lý Thường Kiệt, sau đó lại được bảo lên trên nhà. Lần này Dương Chí Dũng có mang theo 500.000 USD. Khi lên nhà thì vợ vị cán bộ cấp cao dẫn vào phòng khách và pha nước mời uống. Sau đó vị cán bộ cấp cao gợi ý Dương Chí Dũng mua một cái sim rác để liên lạc. Theo lời Dương Chí Dũng, toàn bộ số tiền 500.000 USD đều là tiền vay mượn của một số người quen để biếu ông cán bộ cấp cao Bộ Công an. Ông Dũng cho biết, việc đến gặp và biếu quà này để vị cán bộ cấp cao giúp chạy án.
Lúc đang ngồi, vị cán bộ cấp cao đã điện thoại cho Cục trưởng C48 nhưng không thấy nghe máy. Dương Chí Dũng đề nghị xin số của Cục trưởng C48 để liên lạc. Sau đó, Dương Chí Dũng nhờ người dẫn đến nhà Cục trưởng C48.
Tới ngày 6.5.2012, Dương Chí Dũng lại đến nhà vị cán bộ cấp cao trên rồi điện thoại cho con trai ông này, nhưng người con trai này bảo đang dự tiệc sinh nhật tại nhà một người tên Thiều (Bộ Công an).
Ngày 7.8, Dương Chí Dũng đến làm việc với C48 và chiều tối lại điện thoại cho vị cán bộ cấp cao Bộ Công an để báo cáo tình hình. Ngày 13.5, Dũng đi công tác Hà Tĩnh. Hôm sau ra có điện cho vị cán bộ cấp cao nhưng thấy tắt máy, điện lại vào số cũ thì người này nghe máy và đồng ý tới đến nhà ông này. Tại đây vị cán bộ cấp cao Bộ Công an nói tình hình có căng thẳng, nhất là khi T.Ư vừa họp, C48 đề nghị khởi tố 3 người, trong đó có Dũng là người đứng đầu.
Đang nói chuyện thì vị cán bộ cấp cao Bộ Công an có điện thoại. Nghe hết cuộc điện thoại, ông này quay ra nói là Chủ tịch nước nói làm sớm, làm nghiêm vụ Vinalines trước kỳ họp Quốc hội cuối tháng 5.2012. Chủ tịch nước trước đó không đồng ý gặp Dương Chí Dũng.
Hà An

thái thanh tâm
21-01-2014, 03:20 PM
Hải Phòng:

Bắt quả tang 2 hiệu trưởng và nhiều giáo viên đánh bạc

- 6 đối tượng đang say sưa sát phạt thì bị các trinh sát công an ập vào bắt quả tang. Qua xác minh 6 đối tượng,̀ có tới 2 hiệu trưởng, 1 chuyên viên Sở giáo dục và 2 giáo viên.
Thượng tá Phạm Duy Diên, người phát ngôn công an thành phố Hải Phòng cho biết cơ quan công an đang tiến hành xử lý các đối tượng tham gia đánh bạc vừa bị bắt quả tang tại số nhà 6/20/46 Nam Pháp I, Đằng Giang, Ngô Quyền, Hải Phòng.
Bằng nguồn tin của quần chúng, vào lúc 17h30’ ngày 18/01/2014, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an thành phố bắt quả tang 06 đối tượng đang đánh bạc bằng hình thức đánh chắn.
Tang vật thu giữ dưới chiếu bạc gồm 10.700.000 đồng; 02 bộ bài chắn và 02 đĩa sứ. Điều đáng nói là các đối tượng bị bắt đều đang công tác trong ngành giáo dục. Trong đó̉ có ông Trần Tuấn Anh (SN 1976, ở số 49/16/37 An Đà, Đằng Giang, Ngô Quyền) là Hiệu trưởng trường THCS Lý Tự Trọng và Đào Hồng Tuyến (SN 1959, ở số 76/37/18 Lạch Tray, Hàng Kênh, Lê Chân) là Hiệu trưởng trường THCS Chu Văn An.

Ngoài ra còn có một chuyên viên sở giáo dục là Trần Duy Mạnh (SN 1979, ở 78 Hàm Long, Núi Đèo, Thuỷ Nguyên) cùng 2 giáo viên là Ngô Lê Hà (SN 1982, số 5/12/73 Lê Lai, Máy Chai, Ngô Quyền) là giáo viên trường THCS Lạc Viên; Trần Thanh Tra (SN 1976, 6/20/46 Nam Pháp I, Đằng Giang, Ngô Quyền, đồng thời là chủ nhà chơi bạc) là giáo viên trường THCS Chu Văn An. Còn lại Kiều Văn Trường (SN 1978; ở Lại Thượng, Thạch Thất, Hà Nội) làm nghề kinh doanh ăn uống .

http://dantri4.vcmedia.vn/JY2cxKm3kOPd8LFsQdcc/Image/2013/truong-chu-van-an-41438.jpg
Trường THCS Chu Văn An nơi có hiệu trưởng vừa bị bắt do tham gia đánh bạc

Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận: Khoảng 15h ngày 18/01/2014, sau khi ăn liên hoan tất niên, tất cả về nhà Tra đánh chắn ăn tiền. Đến 17h30’ cùng ngày, họ thì bị cơ quan Công an bắt giữ.

Căn cứ kết quả điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can 06 đối tượng trên về tội đánh bạc.

Thu Hằng

thái thanh tâm
16-02-2014, 03:59 PM
Chủ nhật - Ngày 16/02/2014
Tin tức 24h qua


Bố đi cứu con bị trai làng chém chết tức tưởi



Chuyện trai làng “tức nhau tiếng gáy” gây sự đánh nhau xảy ra ở nhiều nơi. Nhưng thú tính đến mức chém chết cả bậc làm cha, làm mẹ đi tìm con thì đúng là chuyện xưa nay hiếm.

Đau đớn hơn, người cha bị chém chết oan chỉ vừa mới vượt qua cơn bạo bệnh trước đó ít ngày. Người mẹ tội nghiệp bị đánh vẫn nằm mê man trên giường bệnh chưa biết sống chết ra sao. Và xót xa thay, nỗi đau có thấu trời xanh khi cô con gái út bị câm, khóc thương cha nhưng ú ớ thốt không nên lời.

Đâm con, đánh mẹ, chém bố

Theo như người dân cho biết, ngày 28/11 là lễ cưới của con trai ông Trương P. ở khu vực 6 (KV 6), thôn Đại Lộc B, xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong. Vì vậy, đêm trước đám cưới (27/11 – PV) gia đình chú rể thuê nhạc sống, tổ chức buổi tiệc rượu gọi là khao bà con lối xóm. Thanh niên xóm trên làng dưới, kéo nhau đến chung vui với cô dâu chú rể. Nói là thanh niên hai khu vực, nhưng thực chất chỉ cách nhau có mấy bước chân, ranh giới chính là cái cổng chào ở đầu làng. Khoảng 9h tối, sau khi nốc cạn mấy chục lít rượu thì mặt ai nấy đều đỏ gay, máu văn nghệ nổi lên ai cũng muốn lên sân khấu nhảy nhót xả hơi men. Cũng từ đây nảy sinh mâu thuẫn giữa đám trai làng KV 6 với thanh niên KV 5.

http://xmedia.nguoiduatin.vn/99/2013/12/5/thang%20thuong%201%20%281%29.JPG

Lễ tang ông Nguyễn Văn Q.

Rượu vào lời ra, không thể hòa giải bằng lời hai bên dùng nắm đấm để giải quyết. Đám trai tráng KV 5 đông hơn, nhưng tay không một tấc sắt, lại “đá sân khách” nên nhanh chóng bị thanh niên KV 6 đánh cho chạy tan tác. Về phía đám trai tráng KV 6 dù thắng “trận” nhưng hơi men trong người vẫn chưa dịu xuống, hò nhau cầm theo rựa, mã tấu, tuýp sắt, gậy gộc rượt theo nhóm thanh niên KV5. Thấy trai làng bên bỏ chạy tán loạn mỗi người một ngã nên đám trai làng KV 6 chia thành hai hướng tiếp tục truy sát. Nhóm thanh niên hung hãn tay lăm lăm hung khí kéo nhau chạy rầm rập qua tận đường làng KV 5 lùng sục khắp các ngõ hẻm, với “khẩu hiệu” nếu gặp ai thì chém nấy.

Đến đoạn đường liên thôn Đại Lộc B thì một nhóm thanh niên KV 6 gặp được anh Nguyễn Sĩ (21 tuổi, trú KV 5, xã Triệu Thuận) đang trên đường chạy về nhà. Không một phút chậm trễ, một đối tượng trong nhóm truy sát “tiên phong” lao vào chém anh Sĩ. Mặc dù, bị chém một nhát vào đỉnh đầu, mất máu khiến người choáng váng nhưng bản năng sinh tồn trỗi dậy mạnh mẽ, anh Sĩ vùng lên xô ngã đám thanh niên đang bao vây bỏ chạy phía bờ sông trốn thoát. Tiếp đó cả nhóm trai làng KV 6 tiếp tục kéo nhau lên cầu Đại Lộc khuếch trương thanh thế, vang động cả xóm làng.

Cũng trong khoảng thời gian này, nhóm truy sát thứ hai của thanh niên KV 6 đi theo hướng cổng chào của thôn 5 thì “túm” được anh Nguyễn Văn Ánh (27 tuổi, trú KV 5, xã Triệu Thuận). Anh Ánh chưa “thanh minh, thanh nga” được gì đã bị cả nhóm trai làng bên xông vào đánh túi bụi. Anh Ánh chỉ còn biết cuộn tròn người, ôm đầu chịu đòn, rồi ngất đi. Bà con gần đó, nghe tiếng hò hét đánh nhau chạy ra thì thấy người thanh niên tội nghiệp đang nằm dưới đất chính là anh con trai thứ hai của vợ chồng ông Quỳ, kêu cứu và chạy về báo tin cho hai ông bà. Bà Trần Thị Y. (48 tuổi, mẹ anh Ánh) chạy ra thấy vậy, liền lao vào ôm con, xin đám thanh niên kia tha cho con bà. Nhưng chúng không mảy may mủi lòng “nện” luôn cho người mẹ tội nghiệp một gậy vào đầu khiến bà bất tỉnh.

Trước đó khoảng 15 phút, ông Nguyễn Văn Q. (53 tuổi, cha anh Ánh) nghe tin thanh niên hai làng đi chơi đám cưới đánh nhau to, ông Q. lo lắng cho hai đứa con trai nên liền bật đèn pin đi tìm con. Đến khoảng gần 10h, ông về tới dưới chân cầu Đại Lộc thì thấy con trai và vợ bị đánh nên chạy tới cứu hai mẹ con. Nhưng chưa đến nơi thì đã bị đám thanh niên chém xối xả vào người. Trong đó có một nhát chí mạng vào cổ, làm đứt xương cổ, gần đứt lìa cuống họng khiến ông Q. chết ngay tại chỗ. Thấy ông Quỳ nằm sõng soài trên đường làng, máu tuôn ra lênh láng, đám thanh niên hung hãn mới chịu bỏ đi. Lúc này, bà Y. tỉnh dậy thấy chồng nằm bất động liền chạy tới kêu con trai đưa cha tới bệnh viện. Nhưng khi hai mẹ con đến chỗ ông Q. đang nằm thì ông đã tắt thở từ lúc nào.


Những mảnh đời khốn khổ

Quảng Trị mùa này trở lạnh, gió bấc thổi từng cơn như cắt vào da thịt, ngôi nhà ven sông Hiếu của gia đình ông Q. lại càng trở nên nhỏ bé và liêu xiêu. Ngôi nhà trống hoác chỉ vừa kịp kê chiếc bàn thờ. Di ảnh của người đàn ông trên bàn thờ gầy gò với nước da bánh mật đậm màu sông nước, làm cho những người đến viếng không khỏi đau lòng.

Ông Q. và bà Y. lấy nhau đến nay đã gần 30 năm, có với nhau năm mặt con gồm 4 trai, 1 gái. Trong đó, đứa con gái duy nhất của ông bà không may bị câm, điếc bẩm sinh. Quanh năm, ông Q., bà Y. “neo” vào con sông trước nhà để kiếm kế sinh nhai. Suốt bao năm qua, đôi vợ chồng nghèo vẫn tảo tần sớm hôm để nuôi con. Nhà tuy nghèo, cơm ăn bữa đói bữa no, nhưng trong làng ai cũng quý cặp vợ chồng nghèo bởi ông bà rất thương con. Những đứa con của ông bà nhờ con tôm, cái tép mà lớn lên từng ngày.

Người con trai đầu của ông Q. năm nay đã gần 30 tuổi, mặc dù vẫn phải chạy ăn từng bữa nhưng nhất quyết không cho ông bà đi biển sớm hôm như trước nữa. Nhưng phần thương con, phần muốn cải thiện cuộc sống gia đình, ông Q., bà Y. hằng ngày vẫn đi đánh cá. Vào những ngày này, trời trở gió, mưa nặng hạt hơn nên bà Y. khuyên ông Q. ở nhà cho an toàn. Ông Q. đành bấm bụng ở nhà với con cháu và phụ vợ buôn bán qua ngày. Bà Y. không hề biết rằng, con sông Hiếu đỏ ngầu giận dữ, nhưng có lẽ cũng không đáng sợ đến mức cướp đi mạng sống của chồng bà như khi ở... nhà.

Uất nghẹn tiếng khóc cha của người con bị câm

Nằm lặng lẽ một mình trong bệnh viện, đôi mắt của người vợ, người mẹ ấy đã sưng húp đến mức không thể mở ra nổi. Vết thương trên đầu của bà Y. chưa lành, nên bà vẫn còn phải ở lại bệnh viện để theo dõi và rất có thể phải mổ trong nay mai. Trò chuyện với chúng tôi, trong giọng nói thều thào, yếu ớt của bà Y. vẫn còn sự kinh hoàng, ám ảnh đến tột cùng. Bà cứ nắn bóp đầu cố nhớ lại: “Đêm đó hai thằng con trai thì đi chơi đám cưới ở xóm trên, tui với ổng ở nhà. Đang coi tivi thì nghe hàng xóm kêu la đám trai làng đánh nhau loạn xạ, tui thấy lo nên kêu ổng đi tìm, ai ngờ...”.

Trong đám tang ông Q., nỗi đau quá lớn và quá đột ngột đã làm cho những người trong gia đình không thể khóc thành tiếng. Người con gái câm điếc muốn khóc thương cho người cha tội nghiệp cũng chỉ biết ú ớ trong vô vọng, hai đứa cháu đích tôn của ông cũng còn quá nhỏ. Những người con trai của ông Q. thì bần thần trước sự ra đi đột ngột của cha. Riêng anh Ánh chỉ đứng lặng lẽ ở một góc nhà, đôi mắt mệt mỏi và đờ đẫn. Trò chuyện với chúng tôi, anh Ánh chỉ biết cúi đầu, thỉnh thoảng lại nhìn về hướng con sông trước hiên nhà, anh nghẹn ngào: “Nếu đêm đó tôi không đi chơi ở cái đám cưới đó thì chắc ba tôi đã không ra đi như thế này...”.

Một mùa đông nữa lại về trên dòng sông Hiếu, vẫn là tiếng gió rít, tiếng mưa tuôn nhưng hôm nay nghe đến xé lòng. Chỉ vì một phút “tức nhau tiếng gáy” của những gã choai choai mới lớn mà một người trụ cột gia đình đã mãi ra đi. Mùa đông năm nay sẽ càng lạnh hơn trong căn nhà của bà Y. Những kẻ gây ra cái chết cho ông Q. rồi sẽ phải đối diện với bản án nghiêm khắc của pháp luật, ông Q. nằm xuống, là về với cát bụi. Nhưng nỗi đau hôm nay chắc hẳn sẽ còn ám ảnh những người ở lại rất lâu nữa....

...

Có xứ nào như xứ này không ???

thái thanh tâm
18-02-2014, 10:20 PM
Thầy giáo cưỡng dâm nữ sinh bị tạm giam

Thứ Ba, ngày 18/02/2014 09:18 AM (GMT+7)

Tuấn được cho là đã dụ dỗ học trò đi chơi rồi đưa vào nhà nghỉ thực hiện hành vi giao cấu.


Chiều 17/2, Thượng tá Bùi Văn Thuần, Trưởng công an huyện Nho Quan (Ninh Bình) cho biết, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam Trần Văn Tuấn (32 tuổi, xã Phú Lộc, Nho Quan) để điều tra hành vi Cưỡng dâm trẻ em. Nạn nhân là Vũ Thị Minh (14 tuổi, học lớp 8).

Theo hồ sơ vụ án, cuối năm 2013, bố mẹ Minh thấy con gái có biểu hiện khác thường, sức khỏe và tinh thần xuống cấp. Sau nhiều lần tra hỏi, Minh khai bị Tuấn đưa vào một nhà nghỉ ở xã bên rồi thực hiện hành vi cưỡng hiếp.

Đầu năm 2014, gia đình bị hại đã đâm đơn tố cáo lên công an huyện. Tuấn bị triệu tập lấy lời khai.

Tại cơ quan điều tra, ban đầu, nghi can Tuấn một mực chối tội. Tuy nhiên, trước những bằng chứng của cảnh sát, anh này thừa nhận hành vi sai phạm.

Trước thời điểm gây án, Tuấn là thầy giáo công tác ở một trường THCS. Người này được biết đến là cán bộ gương mẫu trong nhiều năm.

* Tên nạn nhân đã được thay đổi.

thái thanh tâm
22-02-2014, 09:37 AM
Cô hiệu phó lừa đảo tiền tỷ vì 'tự tin' có người 'chống lưng'?

22.02.2014 | 07:30 AM

THỜI SỰ XÃ HỘI

Nhiều người dân xã Tân Phong, huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng bức xúc vì bị cô hiệu phó trường mầm non xã Tân Phong, cô Lưu Thị Huệ (SN 1971, trú tại xã Tân Phong) vay “nóng” số tiền lớn để “mua thiết bị trường học và xây dựng trường” nhưng thực chất là cô Huệ đã vay vào việc cá nhân.
Theo những người dân, sở dĩ cô Huệ có thể làm được việc đó là vì có “chống lưng”: Bố cô Huệ nguyên là lãnh đạo trường tiểu học xã Tân Phong; anh trai cô Huệ là Chánh án TAND huyện; em trai cô Huệ là Phó chánh án TAND quận, đều ở TP.Hải Phòng(?!). Tổng số tiền cô Huệ nợ theo tính toán của những người dân có thể lên tới 10 tỷ đồng!

Cô giáo sống được lòng tất cả mọi người?

Cô Phạm Thị Bè, hiệu trưởng trường mầm non Tân Phong trao đổi với PV: “Việc cô Huệ vay rất nhiều tiền của mọi người là việc cá nhân của cô Huệ. Chính bản thân tôi cũng giúp đỡ cô Huệ 20 triệu đồng. Còn các giáo viên khác úp mở như thế nào thì tôi không biết”. Theo người dân ở xã Tân Phong và sự khẳng định của CT UBND xã Tân Phong thì cô Huệ nợ giáo viên trong trường gần một tỷ đồng (?).

Cô Nguyễn Thị Miền, hiệu phó trường mầm non Tân Phong cho biết: “Huệ vào làm ở trường mầm non này lâu rồi, từ năm 1996 cơ. Cô ấy lên Hiệu phó được 5 – 7 năm. Huệ phụ trách chuyên môn cả hai cơ sở của trường mầm non xã Tân Phong còn mình phụ trách bên nuôi dưỡng. Nếu mà nói cách làm việc của cô ấy thì cô ấy làm việc tốt, chuyên môn khá vững. Cách sống của cô ấy cũng được đánh giá tốt lắm, biết đối nhân xử thế”. Tuy nhiên, xét về mối quan hệ cá nhân thì cô Huệ và cô Miền lại là chị em dâu.
http://xmedia.nguoiduatin.vn/99/2014/2/21/VO%20CHONG%20HIEU%20TRV%203.JPG
Cô hiệu phó lừa đảo tiền tỷ vì 'tự tin' có người 'chống lưng'? - Ảnh 1
Vợ chồng anh Đỗ Văn Trung, người cho cô Huệ vay hàng trăm triệu đồng.
Cô Phạm Thị Bè, Hiệu trưởng trường mầm non xã Tân Phong kể: “Huệ nó là người hiền, trầm trầm, không ai nghĩ khi sự việc xảy ra lại bung bét thế”. Bà Vũ Thị Nhiên, CT UBND xã Tân Phong cũng đánh giá: “Huệ làm Hiệu phó ở trường mầm non lâu năm rồi đấy, cũng phải ngót chục năm rồi. Cô Huệ có niềm tin của nhiều người lại là con nhà giáo. Cô ấy là lãnh đạo trường tiểu học Tân Phong. Dưới con mắt của nhân dân, đó là người để họ gửi gắm niềm tin vững chắc. Gia đình cô ấy có anh trai là Chánh án TAND huyện; em trai cũng làm Phó chánh tòa án một quận đều ở TP. Hải Phòng. Anh em cũng đa số là công chức Nhà nước hết”.

Vay “nóng” mỗi nhà mấy trăm triệu đồng(!)

Theo tính toán của người dân, cô Huệ vay khoảng gần 10 tỷ đồng của những người trong xã Tân Phong. Anh Đỗ Văn Trung, xóm 5, thôn Lão Phong, xã Tân Phong, huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng kể: “Cô ấy vay nóng vợ chồng tôi 396 triệu và hứa trả trong vòng 5 ngày. Vay nóng làm gì có lãi. Nó nói để lấy đồ cho nhà trường vào đầu năm học, tức là khoảng tháng 8/2013, nhưng lâu quá chưa trả. Cô trình bày là nhà trường cần sắm đồ nhưng chưa có tiền nên muốn vay nhanh để mua trước rồi trả.

Còn một bà ở góc đường, bà ấy vay hộ hơn 200 triệu đồng, bà ấy cũng đang bức xúc lắm. Bà ấy tên là Hải. Nhà ông Giang ở xóm 4 thì cô ấy lấy trộm dấu của trường, mạo chữ ký của Hiệu trưởng trường mầm non rồi mang đến vay ở đó 80 triệu đồng”. Ngoài việc “vay nóng” của vợ chồng anh Trung, cô Huệ còn vay của vợ chồng anh hơn 100 triệu đồng tiền lãi.
http://xmedia.nguoiduatin.vn/99/2014/2/21/VO%20CHONG%20HIEU%20TRV%202.JPG
Cô hiệu phó lừa đảo tiền tỷ vì 'tự tin' có người 'chống lưng'? - Ảnh 2
Giấy vay nóng 300 triệu đồng mà cô Huệ vay nhà anh Trung, do con gái anh Trung đứng tên người cho vay.
Chiêu của cô Huệ là lợi dụng tình cảm, sự tin tưởng của mọi người để vay tiền dễ dàng. “Tôi nói chân tình như thế này: Gia đình nhà ông ấy (bố đẻ của cô Huệ) và gia đình nhà này có thân tình, đi lại với nhau, mọi thứ thân thiết từ trước. Nó cứ cần tiền, nó bảo mình vay hộ là từ trước đến giờ chứ không phải bây giờ.

Ai biết đâu là nó vỡ nợ, mà nó làm gì mà vỡ nợ chứ? Nó cứ bảo cần tiền là lại đi vay hộ. Trước, nó bảo 5 hôm trả là đúng 5 hôm trả. Giờ nó như đóng cống chảy lại thì nước phải ngừng. Vỡ lở ra thì mới biết nó vỡ nợ, chứ không làm sao biết nó vỡ nợ? Nó bảo vay hộ trường mầm non, cứ thu tiền được của các cháu là em trả anh chị thì ai chẳng tin”, vợ anh Trung kể.

Anh Đặng Kim Tiến, nhà ở xóm 1, Tân Thành, Tân Phong, Kiến Thụy, Hải Phòng, cũng là một nạn nhân của cô Huệ tâm sự: “Tôi với nhà cô ấy, hai người mua hai mảnh đất sát nhau, làm chung một cái cầu. Tức là cách nhau sợi chỉ. Từ đời bố tôi lại quan hệ với cậu cô ấy, cứ nhận anh em kết nghĩa đi lại. Đến đời cô ấy, trong khi đó tình cảm sâu nặng lắm. Cô ấy giới thiệu một đứa làm kế toán để giúp đỡ lấy con trai tôi. Tình cảm hơn cả anh em ruột.

Đêm hôm, vợ chồng nó cãi nhau nó cũng điện cho tôi vào còn phải can thiệp. Cô ấy vay một lần, sau ngày con trai tôi cưới vợ khoảng 20 ngày, cách đây 2 năm rồi. Cô ấy bảo nhà trường đang xây dựng sân, cô ấy làm Hiệu phó nên cô ấy vay tiền để làm, cô ấy thanh toán với trường sẽ trả chúng tôi sau”.

Ngoài việc vay của anh Tiến, cô Huệ còn “nấn ná” cả con anh Tiến để vay tiền. “Cô ấy dỗ con trai tôi là cô ấy đang chạy chức hiệu trưởng ở một trường chuẩn Quốc gia gì đó. Thằng con tôi nó bảo: Cô ấy đã tình hình như thế, bố cố gắng điện cho cậu (em vợ ông Tiến - PV) giúp cô ấy.

Chúng tôi lấy cả của thằng Hiệu và cái Thủy (em vợ ông Tiến - PV) là hai trăm mười mấy triệu đồng. Cuối cùng là điện cho con tôi ra lấy tiền đưa cô ấy, bảo mấy hôm thì sẽ trả. Nhưng chưa được chục hôm thì tung ra vỡ nợ. Thế là nhà tôi xỉu luôn. Nó đột ngột quá! Người ta cho vay có thời gian rồi, có khi được đồng lời đồng lãi rồi. Còn mình bị một cú sốc quá!”, anh Tiến kể chuyện bi hài trong gia đình mình khi cho cô Huệ vay tiền.

Cô hiệu phó lừa đảo tiền tỷ vì 'tự tin' có người 'chống lưng'? - Ảnh 3
Thông báo của cơ quan công an đến UBND xã Tân Phong về trường hợp cô Huệ.
Lộ rõ bản chất Hiệu phó lừa đảo?

“Cô ấy bảo cô ấy gán nhà cho tôi. Vợ chồng cô ấy nói thế, tất cả khu vực này biết. Nhưng đến khi bên ngoài có người mua vụng, mua giấu kín đáo với nhau ấy tức là: Cô ấy bảo bán cho tôi cái nhà 450 triệu đồng, cô ấy nợ ngân hàng 330 triệu đồng. Nghĩa là tôi mua nhà ấy, tôi trả ngân hàng cho cô ấy 330 triệu đồng, còn bao nhiêu tiền mặt thì tôi trả cô ấy. Nhưng khi có một người trả nó 460 triệu đồng, nó kín đáo bán cho người ta và trừ 330 triệu đồng tiền nợ ngân hàng, còn dư ra 130 triệu đồng nữa mà không trả ai một xu nào. Bởi thế, chúng tôi mới kiện”, anh Trung cho biết.

“Nếu cô ấy buôn bán bị thua lỗ là một, hoặc là cô ấy làm nhà làm cửa nó quá tay là hai, đó là thành thực, thì chúng tôi cũng không bao giờ kiện tụng đâu. Có nghĩa là bao giờ có thì trả. Hoặc là cô ấy không may bị cái tai nạn gì đấy, nhưng mà cũng phải thật lòng. Cô ấy bán nhà bán cửa, cô ấy trả ngân hàng xong, còn chút tiền ấy thì mỗi người cho cô ấy phải tính trả: Ai nhiều thì tỷ lệ trả nhiều, ai ít thì tỷ lệ trả ít, còn lại bao giờ có thì trả. Như thế thì không bao giờ chúng tôi nghĩ ngợi gì. Nhưng mà bán nhà, trả ngân hàng xong, còn dư hơn 100 triệu đồng, không hề trả ai bất cứ một đồng nào”, vợ chồng anh Trung và một số người dân cho biết.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Quý (SN 1979) và chị Đặng Thị Khánh (SN 1984) ở xóm 5, thôn Lão Phong, xã Tân Phong, huyện Kiến Thụy là một trong những nạn nhân của cô Huệ đã kể: “Cô Huệ hứa chạy việc cho vợ em vào làm việc ở trường mầm non Tân Phong với giá 30 triệu đồng.

Vợ chồng đã nộp đủ 30 triệu đồng cho cô Huệ, nhưng vợ em không được dạy ở trường Tân Phong. Vợ em chỉ học hết cấp 3, cô ấy bảo là xin cho rồi đi học trung cấp, vừa học vừa làm. Bây giờ vợ chồng em chưa lấy lại được số tiền đó. Cô ấy hứa là khi nộp tiền xong mà vào được thì lấy tiền, không vào được thì trả tiền. Em thấy khoảng 4 trường hợp nữa như nhà em, mỗi trường hợp 30 triệu đồng, và đều nộp tiền rồi. Căn bản cô ấy bảo có một cái lớp như thế và phải nộp tiền ngay”.

Khởi tố, bắt tạm giam
Những người làm đơn kiện cô Huệ từ hơn một năm nay nhưng mãi đến 27/01/2014 cơ quan CSĐT, Công an huyện Kiến Thụy mới ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Lưu Thị Huệ để làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại khoản 2, Điều 139 BLHS. Huệ đang bị tạm giam tại cơ quan công an huyện Kiến Thụy. Hiện tại, cơ quan cảnh sát điều tra mới đưa thông tin cô Huệ có hành vi lừa đảo của người dân số tiền hơn 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo thông tin của PV báo ĐS&PL tìm hiểu, số nợ của cô Huệ có thể lên tới gần 10 tỷ đồng.

thái thanh tâm
25-02-2014, 08:26 AM
Thứ hai, 24/2/2014 17:14 GMT

Ông lão thu cước điện thoại sàm sỡ con chủ nhà

Hôm nay, TAND Hà Nội đã giảm hơn 7 tháng tù, trả tự do ngay tại tòa cho ông lão 76 tuổi bị kết tội dâm ô bé gái 7 tuổi trong lúc đến nhà bé thu phí điện thoại.

Ngày 24/2, TAND Hà Nội mở phiên phúc thẩm xét kháng cáo của ông Phạm Đình Tôn (76 tuổi, ở huyện Gia Lâm) về hành vi dâm ô với trẻ em.

Trong khu phố, ông Tôn được nhận xét là sống mẫu mực, có uy tín nên được bầu làm tổ trưởng dân phố hai nhiệm kỳ, bí thư chi bộ. Không có lương hưu, vợ chồng ông nhận làm thêm thu phí điện thoại tại khu vực quận Long Biên.

Theo bản án sơ thẩm của TAND quận Long Biên, chiều 25/9/2013, ông Tôn đến nhà chị Hoàn thu tiền thì đúng lúc con gái 7 tuổi của gia chủ đi học về. Bé mở cửa và ông Tôn theo vào.

Biết vợ chồng chị Hoàn đi làm vắng, ông đã sàm sỡ cháu bé trong chừng 4-5 phút. Khi về, ông dặn "không được nói với ai, hẹn tháng sau gặp lại".

Bị đưa ra xét xử, ông Tôn thừa nhận hành vi và bị phạt 12 tháng tù về tội Dâm ô đối với trẻ em.

Trong phiên phúc thẩm hôm nay, TAND Hà Nội đã chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của ông Tôn, tuyên mức án bằng với thời gian tạm giam (4 tháng 19 ngày) và trả tự do ngay tại tòa.

HĐXX cho biết đã căn cứ bị cáo chưa có tiền án, tiền sự, từng có huy chương hạng nhì và ba; gia đình đã bồi thường 35 triệu đồng và bị hại có đơn xin giảm nhẹ hình phạt.

Việt Dũng

Thu Giang ơi ! Ông lão này bị bệnh gì ấy nhỉ ?

thái thanh tâm
25-02-2014, 12:55 PM
Lời khai rùng rợn của vợ chồng thầy giáo giết chủ nợ


(Tội phạm từ A-Z) - Tuy nhiên, hành vi tàn bạo đến man rợ của cặp vợ chồng này nhanh chóng bị cơ quan chức năng phát giác. Những lời khai rùng rợn về động cơ và cách thức gây án từ cặp sát thủ này tại cơ quan cảnh sát điều tra khiến dư luận bàng hoàng, căm phẫn.

“Ác quỷ” đội lốt giáo viên

Trong khi người dân huyện Gia Viễn chưa hết xôn xao sau vụ án giết tài xế taxi xảy ra trên địa bàn, thì mới đây cơ quan CSĐT công an tỉnh Ninh Bình tiếp tục điều tra làm rõ vụ trọng án giết người phi tang xác tại TP. Ninh Bình. Kinh hãi hơn, vụ trọng án này liên quan trực tiếp đến cặp vợ chồng thầy giáo dạy môn thể dục Nguyễn Quang Hiệp (SN 1979, trú tại thôn Tân Hoa, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) và vợ là Hoàng Thị Lư (SN 1984, trú tại xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư, đang trọ tại đường Tô Vĩnh Diện, phường Tân Thành, TP. Ninh Bình.

Nạn nhân trong vụ án đau lòng này được cơ quan chức năng xác định là bà Nguyễn Thị M. (SN 1949, trú tại số nhà 81, khu phố 2, đường Lê Hồng Phong, phường Vân Giang, TP. Ninh Bình). Nguyên nhân dẫn đến vụ trọng án nghiêm trọng này được cơ quan CSĐT công an tỉnh Ninh Bình xác định là do mâu thuẫn trong nợ nần giữa vợ chồng Hiệp – Lư với bà M. Theo đó, do muốn “xù” món nợ gần một tỷ đồng cả vốn và lãi mà Hiệp đã vay trước đó của bà M. để đầu tư mua đất đai, hai vợ chồng sát thủ đã lên kế hoạch khá chu đáo để thanh toán chủ nợ hòng cướp trắng số tiền đáng ra đến ngày phải trả nợ.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh 57 tuổi là nhân chứng đầu tiên phát hiện ra bao tải lạ dưới rãnh nước thải bàng hoàng kể lại: “Lúc ấy khoảng 17h ngày 8/5, tôi và một số người bạn trong khu phố đi bộ thể dục buổi chiều ven kênh Đô Thiên thuộc phố Phúc Chỉnh II, phường Nam Thành, TP. Ninh Bình thì phát hiện ra mùi hôi thối nồng nặc phát ra từ rãnh nước. Chúng tôi lại gần hơn thì hoảng hồn khi phát hiện đó là xác người bị bó chặt, đang phân huỷ. Ngay lập tức, tôi và một số người dân khẩn trương cấp báo cho cơ quan chức năng. Cảnh tượng kinh hoàng đó cứ ám ảnh tôi suốt mấy ngày liền”.

Ác quỷ đội lốt giáo viên Nguyễn Quang Hiệp tại cơ quan cảnh sát điều tra.
Ác quỷ đội lốt giáo viên Nguyễn Quang Hiệp tại cơ quan cảnh sát điều tra.
Ngay sau khi nhận được tin báo của quần chúng nhân dân, công an TP. Ninh Bình, công an tỉnh Ninh Bình đã có mặt tại hiện trường xác minh điều tra làm rõ. Tiến hành mở bao tải để khám nghiệm tử thi, cơ quan chức năng xác định nạn nhân bị giết hại dã man sau đó bị trói hai tay, cổ tay và cổ chân bị buộc gạch khá nặng. Phần đầu nạn nhân có nhiều vết tụ máu, hộp sọ bị vỡ.

Sau khi công tác khám nghiệm tử thi hoàn tất, xác định đây là vụ trọng án đặc biệt nghiêm trọng, cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Ninh Bình đã nhanh chóng thành lập chuyên án, quyết tâm truy bắt đối tượng gây án.

Hàng loạt các đối tượng nghi vấn được sàng lọc kỹ lưỡng. Các mối quan hệ giữa nạn nhân M. trong thời gian gần đây được dựng lại. Trong khi công an tỉnh Ninh Bình đang tích cực truy tìm hung thủ thì người nhà của nạn nhân M. đã cung cấp cho các trinh sát một thông tin quan trọng. Theo đó, nạn nhân Nguyễn Thị M. rời khỏi nhà từ ngày 26/1/2013.

Trước đó, bà M. có cho vợ chồng một giáo viên tên Hiệp vay tiền, hiện vẫn còn giấy biên lai lưu giữ tại nhà. Thông tin hé mở, nghi can số một nhanh chóng rơi vào tầm ngắm. Ngày 11/5, vợ chồng giáo viên Nguyễn Quang Hiệp và Hoàng Thị Lư được triệu tập tới CQCSĐT để làm rõ. Tại cơ quan điều tra, ban đầu hai nghi can vẫn quanh co chối tội và đưa ra các bằng chứng ngoại phạm. Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ, sau 24h điều tra, cặp sát thủ đã cúi đầu khai nhận toàn bộ tội lỗi của mình. Hai vợ chồng y chính là hung thủ gây nên cái chết thương tâm của bà Nguyễn Thị M. vào ngày 26/1/2013 để bùng nợ.
http://cdn9.trandaiquang.net/files/2013/05/thay-giao-17513-1.jpg
Lời khai rùng rợn của cặp sát thủ

Lời khai rành rọt của một giáo viên dạy thể dục về động cơ và cách thức gây án của hắn khiến các điều tra viên công an tỉnh Ninh Bình cũng phải rùng mình. Theo lời khai của Nguyễn Quang Hiệp, vào đầu năm 2011, vợ chồng hắn có vay của bà Nguyễn Thị M. số tiền là 660 triệu đồng với lãi suất 3.000đồng/triệu/ngày.

Đến tháng 1/2013, bà M. đòi lại số tiền trên tính cả gốc lẫn lãi là 850 triệu đồng. Do bị bà M. ráo riết đòi nợ, vợ chồng Hiệp không có tiền để trả nên đã bàn tính với nhau lập kế hoạch giết bà M. để xù khoản nợ trên.

Sau khi bàn bạc thống nhất, Hiệp sai vợ là Hoàng Thị Lư đi mua mấy chiếc sim điện thoại rác và ba chiếc bao tải giấu sẵn trong nhà. Đến khoảng 18h ngày 26/1/2013, vợ chồng Hiệp gọi điện cho bà M. mang toàn bộ giấy tờ vay nợ và bìa đỏ đất của Hiệp đã thế chấp để vay nợ đến phòng trọ ở số 02, đường Tô Vĩnh Diện, phố Tân Văn, phường Tân Thành, TP. Ninh Bình để thanh toán dứt điểm khoản nợ.

Sau khi bà M. tới phòng, hai bên có xảy ra to tiếng vì không thống nhất được phương án giải quyết nợ, Lư dẫn bà M. vào buồng còn Hiệp đi từ phía sau cầm chày bằng kim loại đập hai nhát vào đầu khiến bà M. tử vong tại chỗ. Dù biết bà M. đã chết, nhưng vợ chồng Hiệp vẫn tiếp tục lấy khăn quấn nhiều vòng thắt chặt cổ nạn nhân rồi dùng thừng trói hai tay bà M. Chúng tiếp tục lấy túi nilon quấn quanh cổ nạn nhân rồi lấy dây thép buộc chặt lại cho vào ba bao tải đã chuẩn bị sẵn. Sau đó, chúng dùng xe máy chở ra vứt xuống cống nước thải gần bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình thuộc phường Tân Thành, TP. Ninh Bình. Hạ sát bà M. xong, cặp vợ chồng độc ác này thản nhiên về quê tại xã Trường Yên, huyện Hoa Lư và sinh hoạt bình thường như chưa có chuyện gì xảy ra.

Theo thông tin mà PV báo Người đưa tin ghi nhận được thì cơ quan CSĐT công an tỉnh Ninh Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án giết người, ra lệnh bắt khẩn cấp hai đối tượng Nguyễn Quang Hiệp và vợ là Hoàng Thị Lư để điều tra làm rõ và sớm đưa ra trừng trị trước pháp luật. Ban giám đốc công an tỉnh Ninh Bình cũng ra quyết định thưởng nóng cho Ban chuyên án vì thành tích phá án nhanh.

(NDT

thái thanh tâm
27-02-2014, 05:53 PM
Thầy giáo cưỡng dâm học trò trong nhà vệ sinh

Thứ Năm, ngày 27/02/2014
Sau nhiều lần gạ tình để đổi điểm, một thầy giáo môn Công nghệ ở Cần Thơ đã dụ dỗ và thực hiện hành vi cưỡng dâm học sinh của mình trong nhà vệ sinh.

Ngày 27/2, tin từ Công an quận Ô Môn (TP.Cần Thơ) cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Đặng Văn H. (giáo viên Trường THPT Thới Long, quận Ô Môn) để điều tra về hành vi Cưỡng dâm.

Theo kết quả xác minh, trong quá trình giảng dạy môn Công nghệ tại trường này, thầy giáo Đặng Văn H. đã 2 lần gạ tình, đổi điểm một nữ sinh lớp 10 (17 tuổi).

Một lần thầy giáo này có hành vi sờ mó cơ thể và một lần thực hiện hành vi cưỡng dâm nữ sinh trong nhà vệ sinh nam của giáo viên.

Sự việc được cha mẹ nữ sinh phát hiện, làm đơn tố cáo lên cơ quan công an. Sau đó, Hoàng đã bồi thường cho gia đình nạn nhân 70 triệu đồng để rút đơn kiện. T

Tuy nhiên, qua nghiên cứu hồ sơ, Viện KSND TP.Cần Thơ và CSĐT Công an TP.Cần Thơ xác định đủ cơ sở chứng minh Hoàng thực hành vi cưỡng dâm nên yêu cầu Công an quận Ô Môn xử lý đúng quy định của pháp luật.

Theo Đình Đình

thái thanh tâm
01-03-2014, 10:01 PM
VỀ CHỮ “HỒNG” TRONG BÀI THƠ “MỘ” CỦA HỒ CHÍ MINH

Hoàng Tuấn Công


http://4.bp.blogspot.com/-BZRCp0rueCU/UmCeV2GRqCI/AAAAAAAAASY/sx6sO910sDs/s400/dt_9122009911_ben+bep+lua.jpg
Bên bếp lửa hồng (nguồn Báo Hòa Bình)

Trên tạp chí Ngôn ngữ học-Viện ngôn ngữ học Việt Nam, số 6-2007 có bài “Thiết kế thử nghiệm bài học ngữ văn” đối với bài thơ “Mộ (Trích ngục trung nhật ký, Hồ Chí Minh, Ngữ văn 12, tập 1)” của Th.S Vũ Thị Sao Chi (hiện là Tiến sĩ - Phó tổng biên tập Tạp chí ngôn ngữ học-Viện ngôn ngữ học Việt Nam). Bài viết thể hiện sự đầu tư công phu khi đưa ra cách giảng dạy bài thơ “Mộ” (Chiều tối). Đặc biệt đã có sự so sánh khá kỹ giữa bản phiên âm, dịch nghĩa và dịch thơ để hướng dẫn giáo viên phân tích, cảm thụ cái hay cái đẹp của bải thơ. Tuy nhiên, khi phân tích hai câu thơ cuối:
Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng.
Nam Trân dịch:
Cô em xóm núi xay ngô tối,
Xay hết lò than đã rực hồng.

ThS. V.T.S.C chỉ căn cứ vào chữ “hồng” qua bản dịch thơ của Nam Trân mà không tìm hiểu chữ “hồng” trong nguyên tác chữ Hán nên dẫn đến sự nhầm lẫn. Cụ thể V.T.S.C luôn bám vào hai từ “rực hồng” của người dịch để hướng dẫn giáo viên phân tích, cảm thụ bài thơ.
Do hiện tượng “đồng âm, dị nghĩa”, trong Hán tự có rất nhiều chữ “hồng”. Chữ hồng có bộ mịch nghĩa là mầu đỏ, mầu hồng, chữ hồng có bộ trùng nghĩa là cầu vồng, và chữ hồng có bộ hoả có nghĩa là đốt, sưởi ấm, hoặc nướng lên lửa cho chín, v.v... (Xem Tự điển Hán Việt-Thiều Chửu, Hán Việt tự điển-Đào Duy Anh và Từ điển Hán-Việt hiện đại của Vương Trúc Nhân-Lữ Thế Hoàng-NXB Văn Hoá 2007) Khi đọc nguyên tác chữ Hán của bài thơ “Mộ” chúng ta sẽ thấy rằng, chữ “hồng”(烘) trong câu cuối bài thơ “Mộ” có bộ hoả(1). Chữ “hồng” có bộ hoả, Bác dùng với nghĩa, đốt, nhóm lửa lên chứ không phải chữ “hồng” có bộ mịch (紅) là mầu hồng- sắc mầu của ngọn lửa “rực hồng” mà Nam Trâm đã dịch thoát. Có nghĩa, chữ “hồng” (烘)Bác dùng trong câu thơ là một động từ ( đốt lên, nhóm lửa lên, sưởi ấm) chứ không phải chữ “hồng” (紅)tính từ (chỉ màu sắc lửa hồng).
Đây không phải là sự ngẫu nhiên. Ta có thể so sánh ngay cách dùng một số chữ “hồng” khác có trong tập thơ Ngục trung nhật ký. Để chỉ màu hồng của mặt trời, của ánh sáng xua tan bóng đêm trong bài Tảo giải (Giải đi sớm) Bác đã dùng chữ “hồng” có bộ mịch (紅 ). Chữ hồng có bộ mịch (紅) với nghĩa mầu sắc xua tan bóng đêm-hoàn toàn khác với chữ “hồng” có bộ hoả (烘) nghĩa là đốt, sưởi ấm trong bài “Mộ”:
“Đông phương bạch sắc dĩ thành hồng
U ám tàn dư tảo nhất không”
Dịch nghĩa:
Màu trắng ở phương đông đã thành màu hồng
Bóng đêm rơi rớt đã bị quét sạch.(2)
Hoặc chữ “hồng” có bộ mịch (紅), cũng chỉ mầu sắc như vậy trong bài “Triêu cảnh” (Cảnh buổi sớm):
Thái dương mỗi tảo tòng sơn thượng
Chiếu đắc toàn sơn xứ xứ hồng
Dịch nghĩa:
Mỗi buổi sớm, mặt trời từ đỉnh núi mọc lên
Núi non, xứ xứ đều rực ánh hồng (3)
Trở lại bài thơ “Mộ”. Do không hiểu đúng nghĩa nguyên tác chữ “hồng” (烘) lại bám vào chữ “rực hồng” của Nam Trân dịch nên người thiết kế thử nghiệm bài học ngữ văn cho giáo viên đã sa vào suy diễn, gán ghép, “tán” ý thơ mà không ít nhà phê bình đã từng lầm tưởng: “Bài thơ kết thúc bằng hình ảnh “lò than rực hồng”. Đây là tín hiệu đa tầng ý nghĩa”;... “Hình ảnh lò than rực hồng còn là một nét vẽ tương phản trên nền bóng đêm đen, nó cân lại bức tranh của núi rừng chiều tối, làm sáng lên và ấm lại khung cảnh hoang lạnh tối tăm. Nghệ thuật thơ Đường gọi những hình ảnh như thế là “thi nhãn” (mắt thơ). Ánh sáng lung linh, sức sống ấm áp, niềm tin yêu cuộc đời đã toả ra từ ngọn lửa-con mắt thơ rực rỡ ấy. Từ sức bật của hình tượng thơ (rực hồng) phả ra một nguồn ánh sáng, một nguồn nhiệt lượng mạnh mẽ để tiếp cho con người hơi ấm...”... “Hình ảnh lò than rực hồng cuối bài thơ chính là một biểu hiện của nhãn quan nghệ thuật ấy.”v.v...
Từ sự nhầm lẫn đó, Vũ Thị Sao Chi chê Nam Trân khi dịch câu thơ: “Cô em xóm núi xay ngô tối”: “Bản dịch đã thêm vào chữ tối làm mất đi dấu hiệu nghệ thuật độc đáo (trở nên lộ liễu) vì nguyên bản không nói tối mà vẫn gợi được tối, nhờ ánh sáng của lò than rực hồng-nghệ thuật lấy sáng để gợi tối.” và “Bài thơ kết thúc bằng hình ảnh lò than rực hồng. Đây là một tín hiệu nghệ thuật đa tầng ý nghĩa. Trước hết hình tượng thơ gợi bước đi của thời gian. Thời gian vận động từ chiều sang tối hẳn. Nguyên bản câu cuối không có chữ tối mà cả bóng tối bịt bùng của núi rừng đã được mở ra khi “lò than rực hồng” của cô gái xóm núi bừng sáng (khi mặt trời tắt, rừng núi mịt mùng thì tự nhiên ta có thể nhìn rõ nơi có ánh sáng) Lấy ánh sáng gợi tối chính là một thủ pháp độc đáo của ý thơ này.”
Tất cả những bóng đêm Vũ Thị Sao Chi tưởng tượng ra như: “nét vẽ tương phản trên nền bóng đêm đen”, “hoang lạnh tối tăm”, “bóng tối bịt bùng của rừng núi đã được mở ra” đều thể hiện sự lạc lối bắt đầu từ chữ “hồng”. Vũ Thị Sao Chi quên rằng, bài thơ tả cảnh chiều tà, chiều muộn, gần tối chứ không phải trời đã tối. Tính thời gian (hay giới hạn thời gian) tác giả bài thơ đã khẳng định ở đầu đề bài thơ là chữ “Mộ” (暮) chứ không phải chữ “Dạ” (夜).
Nên hiểu rằng, với các dân tộc miền núi cao, bắp ngô là lương thực chính hàng ngày. Ngô làm cơm, làm bánh được xay dùng từng bữa. Xay ngô chiều để chuẩn bị cho bữa tối. (Giống như tiếng chày giã gạo vang lên rộn rã rừng chiều của cư dân vùng thung lũng lúa nước chuẩn bị bữa cơm tối). Do đó, hai câu:
Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng.
Dịch nghĩa:
Thiếu nữ xóm núi xay ngô,
Ngô xay xong, lò than đã được nhóm lên.
Công việc , đốt lò, nhóm lò lên ở đây được hiểu là chuẩn bị cho bữa cơm tối (lô = lò than, dĩ = đã, được; hồng = đốt, nhóm lên ). Bởi vậy khi dịch câu “Ngô xay xong, lò than đã được đốt (cháy rực) lên” thành “Xay hết lò than đã rực hồng” Nam Trâm đã có ý thêm chữ “tối” vào câu thơ trước: “Cô em xóm núi xay ngô tối”. Có nghĩa, xay ngô chuẩn bị cho bữa cơm tối, không phải xay ngô khi trời (đã) tối; và hai từ “rực hồng” Nam Trân dịch ở đây là bếp lửa nấu cơm chiều, không phải ngọn lửa cháy trong bóng tối, “Thời gian vận động từ chiều sang tối hẳn” như sự suy diễn của V.T.S.C.
Như trên đã nói, chữ “hồng” (烘) trong bài thơ này có nghĩa là đốt, nhóm lửa lên, sưởi ấm, không phải chữ “hồng” (紅) là ánh lửa sáng mầu hồng. Vậy, tại sao Bác lại dùng chữ “hồng” với nghĩa là nhóm lửa lên, mà không dùng chữ “hồng” với nghĩa đơn thuần là ánh lửa sáng mầu hồng trong đêm tối ? Chúng ta đều biết, trong khoảng thời gian bị giam cầm, Bác liên tục bị giải đi hết nhà lao này đến nhà lao khác:
Liễu Châu, Quế Lâm, lại Liễu Châu
Đá qua đá lại, bóng chuyền nhau.
Vô đề(4))
Bài thơ “Mộ” là một trong những bài Bác làm khi đang trên đường bị giải. Đó là khung cảnh buổi chiều, thời khắc mọi vật dường như đều mệt mỏi sau một ngày dài. Cánh chim mỏi bay về rừng tìm chốn ngủ, chòm mây đơn chiếc cũng trôi chậm lại. Tất cả dường như đều trở về ngôi nhà của riêng mình để nghỉ ngơi. Trong khi người tù vẫn “cất bước trên đường thẳm”(5) và không biết “Giải tới bao giờ, giải tới đâu”(6). Giữa rừng chiều vắng, đói rét, mỏi mệt, ai chẳng mơ về một mái ấm bình dị, nơi có bếp lửa ấm áp và bữa cơm tối đang chuẩn bị. Buổi chiều chính là thời khắc dễ khiến những bước chân tha hương nhớ, nghĩ, mơ về người thân và mái ấm gia đình. Thơ Bác, cảnh và tình bao giờ cũng rất cụ thể, giản dị và thắm đượm tình người cùng hơi thở cuộc sống. Hiểu theo đúng nghĩa của chữ “hồng” trong bài thơ, chúng ta càng thấy thương và cảm phục Bác hơn. Lò than được đốt lên, nhóm lên sưởi ấm không gian khi một ngày sắp tàn như khẳng định ngọn lửa trong lòng người tù cách mạng không bao giờ tắt. Nó tiếp tục được nhen lên, cháy lên sau một ngày tưởng chừng trí lực đã cùng kiệt. Câu thơ như thắp lên ngọn lửa ý chí của Bác - ngọn lửa sẽ cháy lên để tiếp sức cho một cuộc hành trình gian khổ ngày mai đang đợi phía trước...
Ngoài ra, có nhiều điểm, ThS V.T.S.C cần cẩn trọng hơn khi thiết kế bài giảng cho giáo viên. Ví như câu “Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ” (Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ). Có lẽ ThS không đọc kỹ nguyên tác nên lầm chữ “túc” (宿) với nghĩa tá túc, ngủ lại trong câu thơ thành “túc” (足) là chân, và dịch nghĩa cho học sinh là “Chim mỏi bay về rừng tìm chốn dừng chân” (Hoàng Tuấn Công nhấn mạnh). Chim bay bằng cánh nên không thể dùng từ dừng chân. Hơn nữa, chim về rừng tìm chốn ngủ – (“tầm túc thụ”), không phải “dừng chân” (để nghỉ). Nguyên tác cũng không dùng chữ “túc” (宿)với nghĩa này.
Một điều nữa. Hai chữ “cô vân” trong câu “Cô vân mạn mạn độ thiên không” Nam Trân dịch là “chòm mây”. ThS V.T.S.C cho rằng: “Bỏ sót một tín hiệu nghệ thuật quan trọng về hình ảnh đám mây, đó là chữ cô (một mình) gợi sự lẻ loi, đơn chiếc, trống vắng, hoang lạnh”. Sự thực Nam Trân không kém cỏi tới mức vô tình “bỏ sót tín hiệu nghệ thuật quan trọng” như VTSC nói. Phải thấy rằng, khi dịch thơ khó chọn từ nào hay hơn “chòm mây” để diễn tả hình ảnh “cô vân”. Thực tế đã chứng minh, dù chê Nam Trân, nhưng chính VTSC cũng không đưa ra được cách dịch nào hay hơn để không “bỏ sót tín hiệu nghệ thuật quan trọng” của hai từ “cô vân” ấy. Ngược lại, khi đưa ra bản dịch nghĩa của câu thơ này, thậm chí là từ dùng trong bài viết (mặc dù không bị câu thúc về số lượng từ hay niêm luật), VTSC vẫn phải dùng lại hai chữ “chòm mây” của Nam Trân để diễn tả hai từ “cô vân” ! (Một chòm mây chầm chậm trôi giữa không trung). Cũng cần nói thêm, hình ảnh “cô vân” (một đám mây, cụm mây, chòm mây), “mạn mạn” (bay, trôi chầm chậm) là những hình ảnh chỉ có được trong một ngày đẹp nắng, hoặc buổi chiều tà đẹp trời, không thể là cảnh ngày đông bầu trời xám xịt u ám, “hoang lạnh” (chữ của Vũ Thị Sao Chi-HTC). Và theo tôi, “Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ, Chòm mây chầm chậm bay giữa từng không” là những hình ảnh đẹp, gợi nên vẻ êm ả, thanh bình, trìu mến của bầu trời cảnh vật vùng sơn cước lúc chiều tà, không hẳn “gợi sự lẻ loi, đơn chiếc, trống vắng, hoang lạnh” như cách hiểu của ThS. Điều này cũng không phù hợp với cái nhìn lạc quan trong mọi hoàn cảnh thường thấy trong thơ Hồ Chí Minh, và cụ thể đối với chính bài “Mộ” .
Tóm lại, chữ “hồng” (烘) trong bài thơ “Mộ” của Hồ Chí Minh nghĩa là đốt lên, nhóm lên, sưởi ấm, không phải chữ “hồng” (紅) với nghĩa là mầu hồng. Có lẽ, do ngay từ bản dịch nghĩa, Nam Trân đã dịch thoát chữ “hồng” (Ngô xay xong lò than đã đỏ) nên tạo ra sự hiểu nhầm cho không ít người, trong đó có ThS. Vũ Thị Sao Chi. Nhưng khi dịch thơ Nam Trân lại thêm từ “rực” vào : “Xay hết lũ than đó rực hồng” (lò than cháy rừng rực). Cách dịch của Nam Trân là chấp nhận được và phải thừa nhận rằng đây là bản dịch hay nhất từ trước tới nay. Bởi vậy khi bình giảng, phân tích câu chữ của bài thơ cần hiểu đúng nghĩa của chữ “hồng” để cảm nhận sự tinh tế trong cách dùng từ của nhà thơ Hồ Chí Minh.
Dịch nói chung và dịch thơ nói riêng, có trường hợp làm cho bản gốc trở nên hay hơn, cũng có lúc không thể chuyển tải hết ý của nguyên tác, đó là chuyện thường thấy và phải biết chấp nhận. Hơn nữa khi đã đi sâu vào phân tích, cảm thụ thơ dịch (đặc biệt là thơ chữ Hán) nên tìm hiểu, so sánh với phần nguyên tác. Không nên tìm hiểu qua phần phiên âm, dịch nghĩa, dịch thơ rồi vội nhận xét, phê bình, đặc biệt là đối với những bài truyền đạt cho giáo viên, học sinh./.
Thanh Hoá 20/08/2007
(Bài này viết này được rút ra từ “Tuyển tập 10 năm 2000-2010 nghiên cứu phê bình văn nghệ Thanh Hóa”-NXB Văn Học-2011)
Chú thích:
(1)-Tất cả các sách xuất bản có in phần nguyên tác chữ Hán bài thơ “Mộ” của Hồ Chí Minh đều thấy chữ “hồng”( 烘) có bộ hoả này, kể cả bút tích của bài thơ.
(2) (3) (4) (5) (6) –Những câu thơ này đều trích trong “Ngục trung nhật ký-Hồ Chí Minh.

thái thanh tâm
07-03-2014, 03:06 PM
Thầy giáo chủ mưu vụ 8 côn đồ truy sát dân trong đêm

06.03.2014 | 15:12 PM
Liên quan tới sự việc người dân thôn Hương Đại (xã Đức Hương – Vũ Quang – Hà Tĩnh) “tố” thầy giáo dẫn côn đồ truy sát dân trong đêm 15/2, cơ quan công an đã triệu tập 9 đối tượng và thu giữ nhiều hung khí.


Sáng 6/3, thượng tá Nguyễn Văn Hải, phó trưởng công an huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) cho biết, bước đầu, cơ quan điều tra đã triệu tập Lê Hoài Nam (SN 1984, trú tại xã Đức Lạng, hiện đang là Giáo viên Trường THCS Phan Đình Phùng) cùng 8 đối tượng khác bao gồm: Trần Đình Mông (SN 1992) Nguyễn Thành Trai (1995) đều trú tại xã Đức Hương; Võ Đức Thịnh (SN 1995), Phan Ngọc Thịnh (SN 1994), Lê Văn Tình (SN 1996), Phạm Minh Chiến (SN 1992), Võ Đình Bảo (SN 1985), Phan Văn Linh (SN 1993) đều trú ở xã Đức Lạng, huyện Đức Thọ lên lấy lời khai.

Tại cơ quan điều tra, các đối tượng này khai nhận Lê Hoài Nam là kẻ chủ mưu trong vụ truy sát đêm 15/2. Còn Lê Hoài Nam cũng đã thừa nhận sự việc, do bị người dân phản đối việc hút cát tại bến ông Kiểu (thôn Hương Đại, xã Đức Hương) nên tối 15 rạng sáng 16/2, Nam đã gọi thêm 8 đối tượng mang theo súng tự chế, ống tuýp kéo vào làng để truy sát những người phản đối.

Được biết, khẩu súng tự chế là của Nguyễn Thành Trai. Tuy nhiên, sau khi xảy ra sự việc mẹ của Trai biết chuyện đã mang ra đập vỡ. Những mảnh vỡ của khẩu súng cũng được công an thu giữ đầy đủ.

Hiện tại, cơ quan điều tra cũng đã thu giữ 1 khẩu súng tự chế, 2 xe máy và 3 ống tuýt sắt dài 80cm.
Liên quan tới vụ việc, ông Nguyễn Thái Hòa, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) cho biết: “Sau khi báo chí thông tin về sự việc, tôi đã giao cho bộ phận thanh tra của phòng xuống trường tìm hiểu sự việc. Đồng thời cũng yêu cầu trường báo cáo cụ thể. Chúng tôi đang chờ kết quả điều tra từ công an sau đó sẽ có biện pháp xử lý phù hợp”.

Hiện công an huyện Vũ Quang vẫn đang tiếp tục điều tra vụ việc.

Văn Đức

thái thanh tâm
08-03-2014, 08:01 AM
Nhà sư bị tố nhiều lần hiếp dâm trẻ 13 tuổi

07.03.2014 | 13:46 PM

Dư luận trong giới phật tử của chùa Từ Vân, TP.Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa đang hết sức bức xúc về vụ việc liên quan đến nội dung đơn tố cáo nhà tu hành Thích Thông Anh có hành vi hiếp dâm trẻ em nhiều lần. Nạn nhân là một phật tử của “sư phụ” mới học lớp 7.

Tọa lạc tại số 112 đường 3/4 thuộc địa bàn phường Cam Linh, TP.Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, ngôi chùa mang tên Từ Vân được xây dựng từ năm 1968. Khi bước vào cổng chùa, du khách đã nhận ra một không gian tĩnh lặng của chốn thiền tu. Thế nhưng Trụ trì ngôi chùa này là nhà sư Thích Thông Anh (tên khai sinh là Nguyễn Nhanh), đang bị những phật tử của chính mình tố cáo đã có hành vi hiếp dâm trẻ em nhiều lần và trong một thời gian dài.
http://xmedia.nguoiduatin.vn/102/2014/3/7/hiep-dam-phat-tu.jpg

Dư luận trong giới phật tử của chùa Từ Vân, TP.Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa đang xôn xao vụ "Nhà sư bị tố nhiều lần hiếp nữ phật tử 13 tuổi".
Nạn nhân là cháu K. (sinh ngày 1/9/1994, trú xã Thành Hải, TP.Phan Rang Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận). Do gia đình cháu K. là phật tử của chùa Từ Vân nhưng là hộ nghèo nên từ năm 2006, ông Nguyễn Nhanh (Pháp danh Thích Thông Anh) nhận cháu K. về chùa nuôi dưỡng.
Tuy mới 13 tuổi và đang là học sinh lớp 7 nhưng cháu K. rất phổng phao. “Sư phụ” đã không kìm nổi những dục vọng thấp hèn. Từ năm 2007, cháu K. thường xuyên bị “sư phụ” này ép quan hệ tình dục, khi thì ngay tại chùa Từ Vân, lúc lại ở nhà riêng của nhà sư tại xã Cam Thịnh Tây, TP.Cam Ranh (!?).
Sợ bị bại lộ nên đầu năm 2008, ông Nhanh “giả vờ” cho cháu K. về sống với cha mẹ tại TP.Phan Rang Tháp Chàm, nhưng thỉnh thoảng vẫn gọi cháu K. đến để “quan hệ”.
Ngày 26/12/2009, ông Nhanh gọi điện thoại nói cháu K. đến chùa Từ Vân gặp “sư phụ” có việc gấp. Ngay lập tức, cháu K. bắt xe đò từ TP.Phan Rang Tháp Chàm đến chùa Từ Vân tại Cam Ranh, nhưng không phải có chuyện gấp mà đêm hôm ấy “sư phụ” tiếp tục thỏa mãn tình dục với cháu K.
Đến sáng 27/12/2009, cháu K. về nhà trong tâm trạng phờ phạc. Thấy lạ, bà Phan Thị Hà (mẹ cháu K.) gặng hỏi. Sau một hồi ấp úng, cuối cùng cháu K. cũng đã kể lại toàn bộ sự thật là đã bị “sư phụ” quan hệ tình dục nhiều lần trong suốt thời gian từ năm 2007 đến năm 2009.
Nhà sư chi 200 triệu để… “chạy tội”
Quá bức xúc trước hành vi hiếp dâm nhiều lần của nhà sư Thích Thông Anh đối với con gái, bà Phan Thị Hà làm đơn tố cáo đến Cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Ninh Thuận. Do vụ việc xảy ra tại chùa Từ Vân nên Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Ninh Thuận tiếp nhận và lập hồ sơ chuyển đến Cơ quan CSĐT Công an TP.Cam Ranh để xử lý theo quy định của pháp luật.
Biết được thông tin Công an TP.Cam Ranh đang thụ lý vụ việc theo nội dung tố cáo của công dân, ngay lập tức, nhà sư Thích Thông Anh đã cùng với 4 thầy tu khác của chùa Từ Vân gồm các thầy Giác Không, Trúc Lạc, Trúc Kỷ và Giác Quốc thường xuyên đến gia đình nạn nhân tại thôn Tân Sơn 2, xã Hải Thành, TP.Phan Rang Tháp Chàm để “thương lượng”, xin khắc phục hậu quả và đề nghị gia đình nạn nhân rút đơn tố cáo.
Tuy nhiên, thời gian đầu gia đình nạn nhân không chấp nhận “thương lượng” của nhà chùa mà tìm đến Trung tâm Tư vấn pháp luật thuộc Hội Luật gia tỉnh Ninh Thuận nhờ giúp đỡ.
Nhận được “Đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý” của bà Phan Thị Hà, Hội Luật gia tỉnh Ninh Thuận đã cử Luật sư Hứa Thanh Ka, Đoàn Luật sư tỉnh Ninh Thuận - kiêm Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp lý tỉnh Ninh Thuận trực tiếp tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp miễn phí cho cháu K. do nạn nhân bị hiếp dâm khi chưa thành niên (13 tuổi).
Sau nhiều lần “đàm phán”, thấy nhà sư này có thái độ ăn năn, hối cải, đồng thời cam kết sẽ nguyện tịnh tu theo đạo pháp của nhà Phật; đồng thời xin bồi thường cho nạn nhân 200 triệu đồng để khắc phục hậu qủa do hành vi giao cấu với cháu K. Luật sư Ka cũng đã mềm lòng trước sự “hối hận” của nhà sư này, cũng như 4 nhà sư của chùa Từ Vân nên đã thuyết phục gia đình nạn nhân bỏ qua vụ kiện, trực tiếp nhận 200 triệu đồng từ tay nhà sư, đồng thời rút đơn tố cáo. Do đó, hồ sơ vụ án đang được Cơ quan CSĐT Công an TP.Cam Ranh thụ lý nhưng phải tạm xếp hồ sơ.
Tuy nhiên, thời gian gần đây khi thấy nhà sư này lại tiếp tục “trở chứng”, không tịnh tu như đã cam kết mà có hành vi quan hệ bất chính với những nữ phật tử khác của chùa Từ Vân, gây bất bình trong dư luận giới phật tử tại địa phương. Do đó, mới đây Luật sư Hứa Thanh Ka chính thức gửi đơn tố cáo hành vi hiếp dâm trẻ em đối với nhà sư Thích Thông Anh đến Ban Trị sự Hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa đề nghị xử lý nhà sư này theo quy định của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng như theo quy định của pháp luật.

...

Sao giờ lắm sư hổ mang
Phải chăng giời đất đa đoan nên vầy ???

TTT

thái thanh tâm
27-03-2014, 11:55 AM
Sự kiệnThứ Năm, 27/03/2014 - 10:53

Đàn ông Triều Tiên buộc phải để tóc giống Kim Jong-un

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vừa ban hành sắc lệnh buộc 12 triệu nam giới nước này phải cắt kiểu tóc giống như ông.
Sắc lệnh này được ban hành cách đây 2 tuần, theo đó nam giới Triều Tiên không còn lựa chọn nào khác ngoài kiểu tóc giống nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Đây cũng là kiểu tóc cổ điển đã từng được các nhóm nhạc nam ưa chuộng vào những năm 1990 và nay được gọi với cái tên mới là kiểu tóc “lãnh đạo Kim Jong-un đáng kính”. Đặc trưng của kiểu tóc này là cắt cao ở phía sau, phần tóc trên đỉnh thật ngắn và tóc hai bên tai phải được cạo sạch.

Không ít người dân Triều Tiên phàn nàn về yêu cầu trên vì cho rằng không phải ai để kiểu tóc "lãnh đạo Kim Jong-un" cũng hợp.

http://dantri4.vcmedia.vn/6DQQJ7yW5QPfG6EzuGal/Image/2014/03/1-c62a4.jpg
Đàn ông Triều Tiên buộc phải để tóc giống nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ảnh: AP

Một người dân cho biết: “Kiểu tóc nhà lãnh đạo của chúng tôi rất đặt biệt nhưng không phải hợp với mọi người vì mỗi người có khuôn mặt và kiểu đầu khác nhau”. Một người Triều Tiên giờ đang sinh sống tại Trung Quốc cho biết kiểu tóc giống như ông Kim Jong-un không thịnh hành bởi nó gợi nhớ tới những người buôn lậu Trung Quốc. Người này khẳng định: “Cho tới giữa thập niên 2000, chúng tôi gọi đây là kiểu tóc của dân buôn lậu Trung Quốc”.
Igor Iskiyev, chủ sở hữu một tiệm cắt tóc tại thành phố New York - Mỹ, cho biết: “Đây là một kiểu tóc cổ điển và nó chỉ hợp với gương mặt hơi to của ông Kim Jong-un”. Ông cho biết mình có thể thực hiện kiểu tóc này trong 10 phút với giá khoảng 15 USD. Ông nói thêm: “ Các khách hàng thường không yêu cầu cắt kiểu giống ông Kim Jong-un nhưng nếu họ muốn thế thì tôi cũng không cảm thấy thú vị”.

Trong quá khứ, mọi công dân Triều Tiên có quyền lựa chọn kiểu tóc của mình theo danh sách những kiểu đầu đã được nhà nước chấp thuận. Phụ nữ có tổng cộng 14 lựa chọn, trong đó tóc ngắn được dành cho những người lập gia đình còn những phụ nữ độc thân được phép thoải mái hơn với tóc dài và có thể để xoăn.
...
Tóc tai phải để theo vua
Giời mà ở đấy cũng thua thằng cùn
Rồi đây ở xứ chú Un
Khắp nơi nồi đất tùm lum đội đầu
TTT

thái thanh tâm
01-04-2014, 10:15 PM
Nữ sinh 16 tuổi bỏ học vì sợ có thai với thầy giáo


Khi Thắng đang thực hiện hành vi giao cấu với em L. trên giường thì bị học sinh tên L.T.N. (cùng học với cháu L.) nhìn qua khe cửa bắt gặp.
Cụ bà 80 bị 'yêu râu xanh' 23 tuổi làm nhục
Thoát chết dưới tay 'yêu râu xanh' nhờ giả chết

Sáng ngày 31-3, TAND tỉnh Thanh Hóa đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Lê Đôn Thắng (SN 1984, ngụ xã Bắc Lương, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa), là thầy giáo dạy toán trường THCS xã Xuân Lộc (huyện Thường Xuân), về hành vi “Dâm ô trẻ em” và “Giao cấu với trẻ em”.

Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Thanh Hóa, vào khoảng giữa tháng 4-2012, trường THCS xã Xuân Lộc tổ chức dạy phụ đạo cho các em học sinh có học lực yếu, kém. Lúc này do xa nhà nên thầy Thắng ở lại trường và thấy có em L.T.L. (SN 1998, HS lớp 6) rất phổng phao. Vì thế, thầy Thắng thường xuyên nhờ L. cùng một số bạn của L. vào dọn dẹp phòng, rửa chén bát để lừa "quan hệ" với L.

http://xmedia.nguoiduatin.vn/133/2014/3/31/yeu%20rau%20xanh.JPG
Thầy giáo "yêu râu xanh" Lê Đôn Thắng trước vành móng ngựa.

Lần thứ nhất, lợi dụng lúc L. đang quét dọn, Thắng kéo vào góc bếp ôm rồi sàm sỡ em L. đòi quan hệ tình dục, tuy nhiên 2 bạn của L. đi vào bắt gặp nên Thắng mới buông tha.

Sau đó vài ngày, Thắng lại gọi L. cùng một số học sinh nữa vào rửa bát. Sau đó, Thắng bảo 2 em kia đi đổ rác. Lúc này chỉ có mình L. đang rửa bát, Thắng kéo em L. vào bếp rồi lại sàm sỡ, dụ dỗ quan hệ tình dục và hứa sẽ cho L. 3 triệu đồng.

Khi Thắng đang thực hiện hành vi giao cấu với em L. trên giường thì bị học sinh tên L.T.N. (cùng học với cháu L.) nhìn qua khe cửa bắt gặp. Sau đó, sợ bị mang thai nên em L. đã nghỉ học. Nhà trường đến động viên em L. đi học lại. Sự việc sau đó mới bị bại lộ.

Tại phiên xét xử sáng nay, với 2 tội danh “Dâm ô trẻ em” và “Giao cấu với trẻ em”, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt thầy giáo "yêu râu xanh" Lê Đôn Thắng 3 năm tù giam

thugiangvu
02-04-2014, 08:54 AM
Nhà sư bị tố nhiều lần hiếp dâm trẻ 13 tuổi

07.03.2014 | 13:46 PM

Dư luận trong giới phật tử của chùa Từ Vân, TP.Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa đang hết sức bức xúc về vụ việc liên quan đến nội dung đơn tố cáo nhà tu hành Thích Thông Anh có hành vi hiếp dâm trẻ em nhiều lần. Nạn nhân là một phật tử của “sư phụ” mới học lớp 7.

Tọa lạc tại số 112 đường 3/4 thuộc địa bàn phường Cam Linh, TP.Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, ngôi chùa mang tên Từ Vân được xây dựng từ năm 1968. Khi bước vào cổng chùa, du khách đã nhận ra một không gian tĩnh lặng của chốn thiền tu. Thế nhưng Trụ trì ngôi chùa này là nhà sư Thích Thông Anh (tên khai sinh là Nguyễn Nhanh), đang bị những phật tử của chính mình tố cáo đã có hành vi hiếp dâm trẻ em nhiều lần và trong một thời gian dài.
http://xmedia.nguoiduatin.vn/102/2014/3/7/hiep-dam-phat-tu.jpg

Dư luận trong giới phật tử của chùa Từ Vân, TP.Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa đang xôn xao vụ "Nhà sư bị tố nhiều lần hiếp nữ phật tử 13 tuổi".
Nạn nhân là cháu K. (sinh ngày 1/9/1994, trú xã Thành Hải, TP.Phan Rang Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận). Do gia đình cháu K. là phật tử của chùa Từ Vân nhưng là hộ nghèo nên từ năm 2006, ông Nguyễn Nhanh (Pháp danh Thích Thông Anh) nhận cháu K. về chùa nuôi dưỡng.
Tuy mới 13 tuổi và đang là học sinh lớp 7 nhưng cháu K. rất phổng phao. “Sư phụ” đã không kìm nổi những dục vọng thấp hèn. Từ năm 2007, cháu K. thường xuyên bị “sư phụ” này ép quan hệ tình dục, khi thì ngay tại chùa Từ Vân, lúc lại ở nhà riêng của nhà sư tại xã Cam Thịnh Tây, TP.Cam Ranh (!?).
Sợ bị bại lộ nên đầu năm 2008, ông Nhanh “giả vờ” cho cháu K. về sống với cha mẹ tại TP.Phan Rang Tháp Chàm, nhưng thỉnh thoảng vẫn gọi cháu K. đến để “quan hệ”.
Ngày 26/12/2009, ông Nhanh gọi điện thoại nói cháu K. đến chùa Từ Vân gặp “sư phụ” có việc gấp. Ngay lập tức, cháu K. bắt xe đò từ TP.Phan Rang Tháp Chàm đến chùa Từ Vân tại Cam Ranh, nhưng không phải có chuyện gấp mà đêm hôm ấy “sư phụ” tiếp tục thỏa mãn tình dục với cháu K.
Đến sáng 27/12/2009, cháu K. về nhà trong tâm trạng phờ phạc. Thấy lạ, bà Phan Thị Hà (mẹ cháu K.) gặng hỏi. Sau một hồi ấp úng, cuối cùng cháu K. cũng đã kể lại toàn bộ sự thật là đã bị “sư phụ” quan hệ tình dục nhiều lần trong suốt thời gian từ năm 2007 đến năm 2009.
Nhà sư chi 200 triệu để… “chạy tội”
Quá bức xúc trước hành vi hiếp dâm nhiều lần của nhà sư Thích Thông Anh đối với con gái, bà Phan Thị Hà làm đơn tố cáo đến Cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Ninh Thuận. Do vụ việc xảy ra tại chùa Từ Vân nên Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Ninh Thuận tiếp nhận và lập hồ sơ chuyển đến Cơ quan CSĐT Công an TP.Cam Ranh để xử lý theo quy định của pháp luật.
Biết được thông tin Công an TP.Cam Ranh đang thụ lý vụ việc theo nội dung tố cáo của công dân, ngay lập tức, nhà sư Thích Thông Anh đã cùng với 4 thầy tu khác của chùa Từ Vân gồm các thầy Giác Không, Trúc Lạc, Trúc Kỷ và Giác Quốc thường xuyên đến gia đình nạn nhân tại thôn Tân Sơn 2, xã Hải Thành, TP.Phan Rang Tháp Chàm để “thương lượng”, xin khắc phục hậu quả và đề nghị gia đình nạn nhân rút đơn tố cáo.
Tuy nhiên, thời gian đầu gia đình nạn nhân không chấp nhận “thương lượng” của nhà chùa mà tìm đến Trung tâm Tư vấn pháp luật thuộc Hội Luật gia tỉnh Ninh Thuận nhờ giúp đỡ.
Nhận được “Đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý” của bà Phan Thị Hà, Hội Luật gia tỉnh Ninh Thuận đã cử Luật sư Hứa Thanh Ka, Đoàn Luật sư tỉnh Ninh Thuận - kiêm Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp lý tỉnh Ninh Thuận trực tiếp tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp miễn phí cho cháu K. do nạn nhân bị hiếp dâm khi chưa thành niên (13 tuổi).
Sau nhiều lần “đàm phán”, thấy nhà sư này có thái độ ăn năn, hối cải, đồng thời cam kết sẽ nguyện tịnh tu theo đạo pháp của nhà Phật; đồng thời xin bồi thường cho nạn nhân 200 triệu đồng để khắc phục hậu qủa do hành vi giao cấu với cháu K. Luật sư Ka cũng đã mềm lòng trước sự “hối hận” của nhà sư này, cũng như 4 nhà sư của chùa Từ Vân nên đã thuyết phục gia đình nạn nhân bỏ qua vụ kiện, trực tiếp nhận 200 triệu đồng từ tay nhà sư, đồng thời rút đơn tố cáo. Do đó, hồ sơ vụ án đang được Cơ quan CSĐT Công an TP.Cam Ranh thụ lý nhưng phải tạm xếp hồ sơ.
Tuy nhiên, thời gian gần đây khi thấy nhà sư này lại tiếp tục “trở chứng”, không tịnh tu như đã cam kết mà có hành vi quan hệ bất chính với những nữ phật tử khác của chùa Từ Vân, gây bất bình trong dư luận giới phật tử tại địa phương. Do đó, mới đây Luật sư Hứa Thanh Ka chính thức gửi đơn tố cáo hành vi hiếp dâm trẻ em đối với nhà sư Thích Thông Anh đến Ban Trị sự Hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa đề nghị xử lý nhà sư này theo quy định của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng như theo quy định của pháp luật.

...

Sao giờ lắm sư hổ mang
Phải chăng giời đất đa đoan nên vầy ???

TTT

Hổ mang có giống hổ lửa khôn hả ấy ơi.........loại rắn này sao vào chùa làm gì vậy nhỉ?

thugiangvu
02-04-2014, 09:07 AM
Sự kiệnThứ Năm, 27/03/2014 - 10:53

Đàn ông Triều Tiên buộc phải để tóc giống Kim Jong-un

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vừa ban hành sắc lệnh buộc 12 triệu nam giới nước này phải cắt kiểu tóc giống như ông.
Sắc lệnh này được ban hành cách đây 2 tuần, theo đó nam giới Triều Tiên không còn lựa chọn nào khác ngoài kiểu tóc giống nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Đây cũng là kiểu tóc cổ điển đã từng được các nhóm nhạc nam ưa chuộng vào những năm 1990 và nay được gọi với cái tên mới là kiểu tóc “lãnh đạo Kim Jong-un đáng kính”. Đặc trưng của kiểu tóc này là cắt cao ở phía sau, phần tóc trên đỉnh thật ngắn và tóc hai bên tai phải được cạo sạch.

Không ít người dân Triều Tiên phàn nàn về yêu cầu trên vì cho rằng không phải ai để kiểu tóc "lãnh đạo Kim Jong-un" cũng hợp.

http://dantri4.vcmedia.vn/6DQQJ7yW5QPfG6EzuGal/Image/2014/03/1-c62a4.jpg
Đàn ông Triều Tiên buộc phải để tóc giống nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ảnh: AP

Một người dân cho biết: “Kiểu tóc nhà lãnh đạo của chúng tôi rất đặt biệt nhưng không phải hợp với mọi người vì mỗi người có khuôn mặt và kiểu đầu khác nhau”. Một người Triều Tiên giờ đang sinh sống tại Trung Quốc cho biết kiểu tóc giống như ông Kim Jong-un không thịnh hành bởi nó gợi nhớ tới những người buôn lậu Trung Quốc. Người này khẳng định: “Cho tới giữa thập niên 2000, chúng tôi gọi đây là kiểu tóc của dân buôn lậu Trung Quốc”.
Igor Iskiyev, chủ sở hữu một tiệm cắt tóc tại thành phố New York - Mỹ, cho biết: “Đây là một kiểu tóc cổ điển và nó chỉ hợp với gương mặt hơi to của ông Kim Jong-un”. Ông cho biết mình có thể thực hiện kiểu tóc này trong 10 phút với giá khoảng 15 USD. Ông nói thêm: “ Các khách hàng thường không yêu cầu cắt kiểu giống ông Kim Jong-un nhưng nếu họ muốn thế thì tôi cũng không cảm thấy thú vị”.

Trong quá khứ, mọi công dân Triều Tiên có quyền lựa chọn kiểu tóc của mình theo danh sách những kiểu đầu đã được nhà nước chấp thuận. Phụ nữ có tổng cộng 14 lựa chọn, trong đó tóc ngắn được dành cho những người lập gia đình còn những phụ nữ độc thân được phép thoải mái hơn với tóc dài và có thể để xoăn.
...
Tóc tai phải để theo vua
Giời mà ở đấy cũng thua thằng cùn
Rồi đây ở xứ chú Un
Khắp nơi nồi đất tùm lum đội đầu
TTT

Cười đau bụng quá ấy ơi, nồi đất dễ bể lắm đó ấy ,
Giời ạ... .ông Ủn ủn này mặt trông còn búng ra sữa mà chức tướng to lắm, lên chức cái vù......u'i ....sợ quá
May quá ấy ơi.....
Thu giang không là dân của xứ ông Ủn này , cũng may cho Ấy nữa đó, nếu ấy mà ở xứ ông Ủn này thì hàm răng đẹp cộng với kiểu tóc này thì chính hiệu con nai vàng ngơ ngác.

Kiểu tóc này thugiang thấy ở Ca na cũng có một mạnh thường quân cắt tóc kiểu này, ông này bị bệnh mất trí , người nhà để hở ra dạo cạo râu thế là ông ta cạo tóc luôn .
Người nhà vẫn thương Bố già nên không đưa vào viện .
Thỉnh thoảnh TGiang ghé thăm và động viện con cháu ông ta có hiếu , tuy Bố mất trí vẫn thay nhau chăm sóc Bố , vẫn phụng dưỡng cha già chu đáo.
Cám ơn Ấy nhiều nhé. Tg lừơi đọc báo nhưng có tiết mục này thì Tg ghé vào là gọn gàng đỡ mất nhiều thì giờ.
thân mến chúc ấy nhiều niềm vui, may mắn.
Thugiang

thái thanh tâm
24-04-2014, 11:38 AM
nhớ hồi đi họp PH cho th cu lớp 3,, có một bài văn thế này làm các phụ huynh ngã ngửa : đề- em hãy tả một cảnh sinh hoạt gia đình mà em nhớ nhất ,,, 1 thằng cu làm thế này ,,, dân HN nhé ,,, : nhà em có 4 người, bố mẹ em và em và chị em năm nay học lớp 6, có một lần bố em say bia về nhà rồi bố mẹ em cãi nhau bằng mày tao, em buồn lắm , rồi em hỏi bố em là sao bố gọi mẹ là mày thì bố em bảo vì lúc ấy bố say quá, bố xin lỗi sẽ kông bao giờ cãi nhau để con buồn , bố em nói như thế nhưng mấy hôm sau em vẫn thấy bố mẹ em cãi nhau to,còn chửi nhau nữa , em giận bố lắm em bảo bố là , lớn lên con cũng sẽ uống bia và sẽ gọi bố bằng mày . thưa cô giáo em rất buồn và không quên được !..
đừng nghĩ trẻ em không sâu săc !!!!!
st

thái thanh tâm
27-04-2014, 12:24 PM
Thủ tướng Hàn Quốc xin từ chức vì vụ chìm phà

Thủ tướng Hàn Quốc Chung Hong-won vừa xin từ chức và nhận trách nhiệm về cách xử lý yếu kém của chính phủ đối với vụ chìm phà Sewol làm gần 300 người chết hoặc mất tích.

http://m.f29.img.vnecdn.net/2014/04/27/chung-hong-won-3988-1398573035.jpg
Ông Chung hôm nay cúi đầu xin lỗi trong bài phát biểu xin từ chức. Ảnh: AP

"Điều đúng đắn tôi cần làm là nhận trách nhiệm và từ chức. Tôi đã muốn làm điều này từ trước nhưng việc xử lý tình huống là ưu tiên hàng đầu, và tôi nghĩ hành động có trách nhiệm là giúp đỡ trước khi ra đi", Yonhap dẫn lời ông Chung sáng nay nói trong một cuộc họp báo, 11 ngày sau vụ chìm phà Sewol. Đây được coi là một trong những thảm họa hàng hải tồi tệ nhất Hàn Quốc.

"Việc tôi giữ chức vụ là một gánh nặng quá lớn đối với chính phủ", Thủ tướng Chung nói. Ông cũng nhận trách nhiệm về phản ứng chậm đối với vụ tai nạn giai đoạn đầu và xin lỗi các gia đình nạn nhân vì nhiều vấn đề, "từ việc ngăn chặn tai nạn tới việc xử lý sớm thảm họa".

"Có quá nhiều sai phạm và những hành động sai trái trong các bộ phận của xã hội, tồn tại cùng chúng ta quá lâu, và tôi hy vọng chúng sẽ được sửa chữa để những tai nạn như thế này sẽ không tái diễn", ông Chung cho hay.

http://m.f29.img.vnecdn.net/2014/04/27/than-nhan-sewol-4718-1398573036.jpg
Tại cảng trên đảo Jindo, thân nhân hành khách mất tích trên phà Sewol theo dõi bài phát biểu trên truyền hình của ông Chung. Ảnh: AP
Thủ tướng Chung từng bị la ó phản đối và ném chai nước khi đến thăm những bậc phụ huynh có con em mất tích một ngày sau tai nạn. Nhiều người giận dữ về tiến độ cứu hộ chậm và sự thay đổi thông tin thường xuyên của chính phủ, trong đó có lần chính quyền địa phương tuyên bố mọi người đều được giải thoát.

Phà Sewol chìm trong chuyến đi xuống phía nam, từ cảng Incheon tới đảo nghỉ dưỡng Jeju. Hơn 300 người, hầu hết là học sinh và giáo viên một trường trung học đang đi dã ngoại, đã thiệt mạng hoặc mất tích. Số người chết đến nay lên tới 187.

Trọng Giáp
...

Cái số ông này vất vả ! Nếu làm Thủ tướng ở các nước độc tài thì chẳng hề gì. Làm quan ở các nước dân chủ khổ quá!

thái thanh tâm
28-04-2014, 10:13 PM
Giáo viên trơ như gỗ đá, cha mẹ học sinh thì u mê!...

Mạc Văn Trang Thứ bẩy ngày 26 tháng 4 năm 2014 5:37 AM

Đó là kết luận rút ra từ câu chuyên tôi vừa được nghe tối nay. Nghe xong câu chuyên, tôi bảo, chú phải viết chuyện này lên mạng. Người mẹ trẻ van vỉ: chú đừng viết, chú viết lộ ra thì chết cháu. Con cháu trong tay cô giáo, cháu sợ lắm…Vì thế dưới đây không nêu tên trường, tên người!

Người mẹ trẻ bảo, biết chú mệt nhưng tối nay mới đến thăm được. Cháu đi làm đã mệt, tối nào cũng phải ngồi học với con đến 10 – 11 giờ mới xong, có hôm gần 12 giờ…

- Con cháu học lớp mấy, học trường nào, mà vất vả thế?

- Cháu mới học lớp Một, trường…. (một trường nổi tiếng ở trung tâm Hà Nội).

- Con cháu có vấn đề à? Nó yếu kém về cái gì?

- Không, cháu là học sinh giỏi, cháu học lớp chọn. Nhưng mà… tối nào cô cũng cho hàng chục trang toán về nhà phải làm. Cháu học cả ngày ở trường mệt rồi, tối lại làm toán nên vừa làm vừa ngáp, có khi vừa ngủ gật, vừa làm toán! Mà sao toán lớp Một cũng khó lắm. Cháu cứ phải làm hộ rồi bảo con chép vào. Mắt nhắm mắt mở, chép sai, tẩy xóa, chép lại, vừa chép vừa khóc!...

- Tại sao thấy giáo viên đầy đọa con trẻ như vậy mà cha mẹ học sinh không phản ánh với nhà trường? Tai sao không lên tiếng phê bình, góp ý với giáo viên?

- Ai cũng ngại cô giáo trù con mình nên chẳng dám góp ý. Cũng có người nói nhe nhàng: “Cô cho nhiều bài, nặng quá”… Cô liền bảo: “Thế không muốn cho con học lớp chọn nữa phải không”? Hôm nọ các cháu học xong buổi chiều phải ở lại tập múa đến hơn 8 giờ tối. Lúc cháu đón con, nó xỉu đi!

- Tập múa để làm gì mà phải khổ thế?

- Để lớp đi thi văn nghệ được giải thưởng thì cô được thành tích.

- Nhưng tại sao không múa vào buổi chiều hay thứ bẩy chẳng hạn?

- Đây là cô thuê nghệ sĩ múa đến dạy, chỉ sắp xếp được giờ đó thôi. Mà cha mẹ phải đóng tiền thuê dạy múa… Rồi … Tiền thì nhiều thứ lắm. Cháu vẫn đóng đủ các thứ tiền, nhưng làm đơn xin cô giáo miễn cho con cháu đi thi học sinh giỏi với tập văn nghệ, vì cháu sức yếu, sợ không thể chịu đựng nổi!

- Tôi không thể hiểu được, tại sao cha mẹ trẻ phần lớn là những người có trình độ mà để nhà trường làm những chuyện phản giáo dục như vậy, cứ cam chịu là sao? Tại sao lại nhu nhược, u mê như thế đươc!?

- Chú không biết đấy, cô giáo ghê lắm. Hôm nọ chỉ có mỗi chuyện, trên sở giáo dục xuống dự giờ; cô đã dạy trước cho học sinh, phân công em nào trả lời câu nào… Đến lúc sở dự giờ có một em nói không đúng như lời cô đã dạy trước, mà đến chiều cô mắng mẹ cháu ầm lên, bảo nó không thèm nghe lời cô, nó làm cô mất mặt, nó như đứa mất trí, tâm thần!...

Chao ôi, chỉ ngần ấy chi tiết thôi đủ thấy bản chất của nền giáo dục này thế nào!

Nào là nghị quyết, chỉ thị, đề án, chiến dịch, trận đánh lớn, 34 nghìn tỉ để thay sách, sắm thiết bị, bồi dưỡng giáo viên… Tất cả như đàn gẩy tai trâu, nước đổ đầu vịt, gió vào nhà trống! Giáo viên ở gữa Hà Nội vẫn trơ trơ như gỗ đá, cứ hành xử theo thói quen, theo nếp nghĩ thâm căn cố đế, thành một thứ não trạng không thể tự thay đổi! Vì đâu một giáo viên lớp Một mà có quyền uy ghê gớm như vậy đối với học sinh và cha mẹ học sinh? Vì đâu mà cha mẹ học sinh nhu nhược để con mình trở thành con tin của nhà trường mà cứ dằn lòng cam chịu tuân theo? Vì cái gì, vì ai mà trẻ phái hủy hoại tuổi thơ, phải khổ ải như vậy?

Bộ giáo dục trả lời được những câu hỏi này thì biết “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục” bắt đầu từ đâu?



11h ngày 23/4/2014

MVT

thái thanh tâm
03-05-2014, 09:42 PM
GÁI BÁN DÂM ĐÒI THÀNH PHỐ TẶNG BẰNG KHEN

Điều chúng tôi muốn nói là các nữ nhân viên mát-xa ở Hoàng Nhi luôn kể về “nghề nghiệp” mại dâm của mình với vẻ rất mãn nguyện xen lẫn tự hào. Mãn nguyện thì đành bởi ở đây, các cô có thu nhập cao ngất ngưởng, mỗi ngày kiếm ra một vài triệu bạc, mỗi tháng để ra vài chục triệu là chuyện bình thường.

Nhưng các cô tự hào vì lẽ gì, trong khi bản thân các cô đang hòa mình vào hoạt động mại dâm, một tệ nạn xã hội bị người đời khinh ghét?

Xin thưa, các cô tự hào vì đều cho rằng mình đã có đóng góp to lớn vào... sự phát triển của ngành dịch vụ du lịch của Đà Nẵng?!

Người đầu tiên thể hiện sự tự hào của mình với phóng viên là nữ nhân viên có nghệ danh “Q”, cô gái đã mát-xa cho phóng viên vào ngày 9/4/2014 tại khách sạn Hoàng Nhi. Hôm đó, Q đã tâm sự một cách đầy tự hào: “Đà Nẵng vừa được lọt vào danh sách 10 điểm du lịch hấp dẫn nhất châu Á (ý nói đến việc TP.Đà Nẵng vừa được trang web Agoda.com - một trong những trang web đặt phòng khách sạn nổi tiếng - công bố lọt vào danh sách 1 trong 10 điểm đến du lịch mới, nổi bật nhất ở châu Á - PV).

Mà anh biết rồi đó, các ông đi du lịch ngoài việc ngắm cảnh thì cũng phải du lịch luôn cả tình dục nữa chứ. Khách khứa ở đây bọn em tiếp chủ yếu là khách du lịch từ các nơi, trong đó có cả khách du lịch nước ngoài. Vì vậy, công việc của bọn em góp phần giải tỏa nhu cầu cho các khách du lịch. Việc này không đáng được vinh danh sao? Lẽ ra thành phố Đà Nẵng phải cấp bằng khen cho bọn em về thành tích này”.

Không chỉ có Q mà trong các lần phóng viên trò chuyện với các nhân viên tự nhận mình tên H, V, T, các cô này cũng đều chia sẻ về việc số khách mình “tiếp” hàng ngày phần nhiều là khách du lịch từ các nơi đổ về Đà Nẵng.

Giống như Q, khi tâm sự với phóng viên, nữ nhân viên mát-xa tên V cũng thẳng thắn đưa ra quan điểm là nhờ có những tụ điểm như Hoàng Nhi mà ngành du lịch Đà Nẵng mới thu hút khách du lịch, do đó những người như V và “đồng nghiệp” cũng cần phải được... vinh danh!?

Nguồn khách nào cũng không ổn

Qua tìm hiểu của phóng viên, có thể khái quát về nguồn khách của khách sạn Hoàng Nhi như sau: Nguồn thứ nhất là du khách nước ngoài đến Đà Nẵng; nguồn thứ hai là du khách ở tỉnh, thành phố khác tìm đến; nguồn thứ ba là người dân Đà Nẵng tự tìm đến để “giải khuây”.

http://xmedia.nguoiduatin.vn/169/2014/4/28/20140414091013-m2_141449647_AWTX.jpg
Khách sạn Hoàng Nhi.
Nhưng dù khách mua dâm có là ai đi chăng nữa thì hành vi bán dâm của gái mát-xa ở Hoàng Nhi và hành vi chứa mại dâm của chủ khách sạn Hoàng Nhi (nếu được cơ quan công an làm rõ) cũng đều vi phạm pháp luật.

Ở Việt Nam hiện nay, mại dâm vẫn là hoạt động bị cấm, là một tệ nạn xã hội đang gây nhức nhối cho toàn xã hội, hành vi mua bán dâm vẫn bị phạt hành chính, còn hành vi chứa mại dâm và tổ chức mại dâm vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ở góc độ khác, một khi những tụ điểm mại dâm công khai như Hoàng Nhi vẫn còn ngang nhiên hoạt động thì người nước ngoài đến đây chỉ cần bỏ ra số tiền lẻ của mình là vài chục đô la Mỹ đã có thể mua vui trên thân xác phụ nữ Việt Nam.

Đây là chuyện không thể chấp nhận được vì nó đánh thẳng vào sĩ diện của người Việt, vào những giá trị cao đẹp, nhân văn, sự tôn trọng phẩm hạnh con người mà hàng ngàn năm nay tổ tiên chúng ta và cả chính chúng ta vẫn theo đuổi. Có lẽ nào chỉ vì đồng tiền, chỉ vì “xúc tiến du lịch” mà chúng ta sẵn sàng để phẩm cách và thân xác của người phụ nữ Việt Nam bị dẫm đạp, bị vần vò không thương tiếc?

Còn với khách mua dâm là người Việt Nam ở các tỉnh thành khác đến Đà Nẵng thì sao? Một khi các tụ điểm mại dâm đình đám và chuyên nghiệp như khách sạn Hoàng Nhi vẫn còn tồn tại thì Đà Nẵng sẽ biến thành một “điểm đến kinh hoàng” khiến các bà nội trợ lo ngay ngáy, sợ hãi đến sởn da gà.

Lo lắng không chỉ vì e sợ chồng mình đi Đà Nẵng sẽ “chán cơm, thèm phở”, sẽ bỏ quên vợ con mà tìm vui chốn khác, từ đó tạo ra các mầm mống hủy hoại dần dần hạnh phúc và kết cấu gia đình.

Lo lắng còn là vì nhỡ đâu các “đức ông chồng” lại đem các bệnh lây truyền qua đường tình dục về với tổ ấm của mình và lây nhiễm cho người bạn đời...

Riêng với người dân Đà Nẵng, những tụ điểm mại dâm chỉ làm cho đàn ông dễ dàng hư hỏng hơn, dễ mang bệnh tật vào thân hơn và dễ “nướng” tiền hơn cho những lần “sung sướng”. Những đồng tiền họ đem đi mua dâm hoặc chiêu đãi những chầu “sung sướng” cho bạn bè lẽ ra có thể được sử dụng vào những việc ích nước lợi nhà hơn.

Còn nếu nhìn nhận theo hướng khác thì về lâu dài, việc các động mại dâm kiểu như khách sạn Hoàng Nhi cứ sừng sững tồn tại theo năm tháng theo kiểu “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” sẽ khiến người dân mất dần niềm tin vào pháp luật, vào chính quyền và các cơ quan thi hành pháp luật trên địa bàn.

Mại dâm phát triển đúng là có thu hút khách du lịch, nhưng trong bối cảnh hiện nay ở nước ta thì mại dâm là câu chuyện “lợi bất cập hại”. Từng ấy tác hại của mại dâm (tờ báo không có đủ dung lượng để tác giả và các chuyên gia có thể kể cho hết), không hiểu các ban ngành chức năng của Đà Nẵng đã nhìn ra chưa?

thái thanh tâm
05-05-2014, 10:56 AM
Phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan đến vùng biển Việt Nam

Việt Nam khẳng định việc Trung Quốc đưa giàn khoan đến vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông là bất hợp pháp và kiên quyết phản đối hành động xâm phạm này.

http://m.f29.img.vnecdn.net/2014/05/04/b-3343-1397728838-5005-1399208934.jpg
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình. (Nguồn: Bộ Ngoại giao)
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình. Ảnh: Bộ Ngoại giao
Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, hôm qua, Cục Hải sự Trung Quốc đã ra thông báo cho biết giàn khoan có tên Hải Dương 981 (HD-981) sẽ tiến hành khoan và tác nghiệp tại vị trí có tọa độ 15o29’58” vĩ Bắc – 111o12’06” kinh Đông từ ngày 02/5 đến 15/8.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định vị trí tọa độ hoạt động của giàn khoan HD-981 nêu trên nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý.

"Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình được xác định phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982", ông Lê Hải Bình tuyên bố. "Mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển của Việt Nam khi chưa được phép của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị, Việt Nam kiên quyết phản đối".

Theo thông cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) đưa giàn khoan HD-981 vào định vị khoan tại vị trí tọa độ trên hôm 2/5. Việc làm này của Tổng Công ty dầu khí Hải dương Trung Quốc đã xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Hôm nay, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã gửi thư cho chủ tịch và tổng giám đốc của CNOOC để cực lực phản đối hành động trên và kiên quyết yêu cầu công ty này dừng ngay lập tức các hoạt động bất hợp pháp và rút giàn khoan HD-981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

"Việc làm nói trên của Tổng công ty dầu khí Hải dương Trung Quốc đi ngược lại tinh thần hợp tác giữa hai tập đoàn dầu khí quốc gia, trái với thông lệ của các hoạt động dầu khí quốc tế cũng như phương châm hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam yêu cầu Tổng công ty dầu khí Hải dương Trung Quốc không để tái diễn những việc làm tương tự", thông cáo cho biết.
http://m.f29.img.vnecdn.net/2014/05/05/vi-tri-gian-khoan-5204-1399250749.jpg

Vị trí giàn khoan (chấm đen vuông) mà Trung Quốc đặt trái phép trên vùng biển Việt Nam. Ảnh: PVN
HD 981 thuộc sở hữu của CNOOC, là loại giàn khoan nửa chìm nửa nổi, có chiều dài 114 m, chiều rộng 89 m và chiều cao 117 m, độ sâu hoạt động tối đa là 3.000 m và độ khoan sâu tối đa là 10.000 m.

Đây là thế hệ giàn khoan kết hợp các thiết kế, công nghệ và thiết bị rất hiện đại thế giới. Giàn khoan được trang bị 8 máy phát điện 44.000 kilowatt, động cơ đẩy với sức mạnh mỗi động cơ tương đương 5 đầu máy xe lửa. Các động cơ đẩy sẽ chống lại tác động từ gió, sóng và dòng chảy của đại dương. Nó được đưa vào Biển Đông lần đầu tiên tháng 5/2012, vị trí ở phía nam Hong Kong.

Anh Ngọc
...

Anh bạn vàng Hổ Báo
Lại chơi đẹp thế này
Chú Vịt Ngan phản đối
Như thường lệ xưa nay

TTT

thái thanh tâm
17-05-2014, 08:57 AM
17-05-2014

Âm mưu thâm độc của Trung Quốc tại Hà Nội 36 năm trước



Bước sang năm 1978, quan hệ giữa Việt Nam với các đồng chí Trung Quốc xấu đi trông thấy. Tuy vậy, một bộ phận lớn cán bộ của ta (kể cả cán bộ cao cấp) chưa chuyển biến kịp thời về mặt nhận thức, vẫn mơ hồ và ảo tưởng vào quan hệ với Bắc Kinh. Bị ám ảnh với yêu cầu gìn giữ tinh thần đoàn kết quốc tế vô sản (đại cục), ám ảnh bởi sự hàm ơn Trung Quốc giúp ta đánh Mỹ, đánh Pháp, ngay cả nhiều cán bộ Trung ương rất dè dặt khi phát biểu về các vụ việc rắc rối do Trung Quốc gây hấn.


Quan điểm chung đều cho rằng đó là các vụ việc cá biệt trong đó Việt Nam có lỗi chính, mà không thấy được đó là chuỗi sự kiện được sắp đặt có chủ ý. Giữa lúc đó, xảy ra rắc rối lớn ở Hà Nội liên quan đoàn chuyên gia Trung Quốc tại công trình quốc tế cầu Thăng Long.

Sau 1975, đoàn chuyên gia Trung Quốc được cử sang Hà Nội rất đông giúp Việt Nam xây dựng công trình cầu Thăng Long do họ viện trợ. Phần lớn số này sinh hoạt ngay tại công trình. Việc chẳng tiến triển được bao nhiêu thì họ cố tình lấy cớ này cớ kia trì hoãn tiến độ khiến các cơ quan Việt Nam rất bị động trong việc bố trí nhân công, thời gian, gây lãng phí lớn.

Đầu năm 1978, thấy Việt Nam vẫn nhẫn nại, họ bắt đầu khiêu khích trắng trợn. Một số chuyên gia mới được Bắc Kinh cử sang rất lỗ mãng với cán bộ và công nhân ta. Đã có trường hợp sỉ nhục, thậm chí đánh đập công nhân ngay trên công trường. Việc đến tai lãnh đạo. Nhận thức chung vẫn là: chắc mấy ông tướng nhà mình có gì sai chuyên gia bạn mới buộc làm thế… rồi: phải nín nhịn để giữ đại cục.

Thấy Việt Nam không có phản ứng, họ lại leo thang hành động gây hấn thù địch. Họ bắt đầu biến khu nhà ở chuyên gia thành lãnh địa riêng, cấm người Việt Nam tới gần. Nhiều lần, họ thả đàn chó bẹc-giê rất hung dữ cho cắn công nhân ta. Việc được báo cáo lên thì lãnh đạo đều xem xét xuề xòa trên tinh thần gìn giữ đại cục. Gìn giữ đoàn kết quốc tế vô sản cũng là thực hiện di huấn của Bác, thiêng liêng lắm. Phần sai lại vẫn bị đẩy về phía công nhân ta. Không khí trên công trường căng thẳng từng ngày.

Đến một hôm, khi bị đàn chó bẹc-giê của Trung Quốc tấn công, đồng chí công nhân ta đã dùng gậy xua chó nhằm tự vệ. Chỉ chờ có vậy, Trưởng đoàn chuyên gia Trung Quốc ngay lập tức tố cáo “nhà đương cục Việt Nam” giết chó bảo vệ, đột nhập khu nhà ở của họ nhằm hãm hại chuyên gia Trung Quốc. Sứ quán họ ở Hà Nội không chậm chễ bù lu bù loa hết công suất. Lúc này, lãnh đạo Trung ương và Hà Nội hoảng thực sự. Phần lớn phản ứng ban đầu đều quy kết công nhân ta chưa thấm nhuần này kia nên manh động và phạm pháp (?!). Đây là vụ án (lúc này là án) có ảnh hưởng lớn tới chính trị, quan điểm ban đầu giao cho cơ quan chức năng là như vậy.

Khó khăn lắm cơ quan chức năng ta mới tiếp cận được xác chó. Công tác khám nghiệm pháp y được tiến hành thận trọng, tỉ mỉ còn hơn vụ án mạng. Tình hình nóng lên từng ngày. Họ yêu cầu đưa lực lượng chức năng từ Bắc Kinh sang để bảo vệ đoàn chuyên gia Trung Quốc, họ đòi tìm ra lãnh đạo cao cấp Việt Nam (!?) đứng sau âm mưu này để xử lý. Cuối cùng, kết quả điều tra cho thấy chó của Trung Quốc chết do độc chất được tìm thấy trong mẫu thức ăn lấy từ dạ dày chứ không phải chết do ngoại lực tác động. Chỉ chờ có thế, sứ quán họ nhảy dựng lên vu cáo chính phủ Việt Nam vô ơn, mưu toan đầu độc chuyên gia Trung Quốc (?!). Vu cáo không thành công, vào tháng 6/1978 họ tự rút hết chuyên gia về nước, bỏ hẳn công trình cầu Thăng Long mới thi công được vài mố trụ.

Do chỉ đạo quyết liệt trực tiếp từ lãnh đạo cao nhất mà công tác điều tra lại mở ra hướng khác. Từ những manh mối thu thập ban đầu về quan hệ của một số chuyên gia Trung Quốc mà sau này cơ quan chức năng Việt Nam đã lần ra ổ tình báo Hoa Nam quy mô lớn nhất hoạt động ngay giữa Hà Nội có nhiều chân rết tại Hải Phòng, Nam Định, Việt Trì, Lạng Sơn đứng đầu là Thái Nhữ Siêu (người Việt gốc Hoa). Thì ra, ngay khi quan hệ hai nước còn tốt đẹp, một mặt, Trung Quốc công khai điều hành mạng lưới nổi hoạt động mua chuộc cán bộ, lũng đoạn cơ quan nhà nước Việt Nam dưới nhiều hình thức rất tinh vi (ngay khi Bác còn sống, có Ủy viên Bộ Chính trị bao giờ cũng đến chúc Tết đại sứ Trung Quốc trước khi đến chúc Tết Bác, đêm giao thừa ăn nằm hẳn trong sứ quán của họ, có chuyện gì cơ mật nội bộ là báo cáo ngay với Trung Quốc). Mặt khác, Trung Quốc ngấm ngầm nuôi dưỡng và điều khiển mạng lưới “xã hội đen” tại Việt Nam nhằm tiến hành các hoạt động kích động, phá hoại khi có lệnh. Được biết, Thái Nhữ Siêu cùng tay chân đã lên kế hoạch cho nổ một số nơi tại Hà Nội và Hải Phòng nhằm gây mất ổn định song đã bị vô hiệu hóa trước khi hành động.

Trở lại với vụ việc tại Bình Dương và một số tỉnh vừa qua. Nhìn vào bề nổi, sẽ rất dễ dàng quy kết cho công nhân Việt Nam, giống như vụ việc tại công trình cầu Thăng Long 36 năm trước. Tuy nhiên, lịch sử quan hệ Việt – Trung cho thấy Trung Quốc là tổ sư của những trò lợi dụng, kích động rất tinh vi. Tại sao ông chủ Trung Quốc lại tốt đến mức cho công nhân Việt Nam nghỉ việc (vẫn được trả lương) để họ đi biểu tình chống Trung Quốc, ủng hộ Việt Nam? Có hẳn nhóm “nòng cốt” lợi dụng gây rối phá hoại, họ hoạt động có tổ chức cao, có sự phối hợp nhịp nhàng giữa nhiều điểm nóng, trên một địa bàn trải rộng trong nhiều tỉnh, họ liên lạc với nhau bằng bộ đàm (tránh để lại dấu vết liên lạc khi bị điều tra, tránh bị cơ quan an ninh nghe lén phát hiện), họ là ai? Những hoạt động trên vượt quá xa khả năng của những băng nhóm tội phạm thuần túy, không phải là những hoạt động mang tính bột phát mà hoàn toàn được tính toán trước, có tổ chức rất kỹ, phối hợp rất nhịp nhàng. Họ có quan hệ gì với mạng lưới tình báo của Trung Quốc … Đó là hàng loạt những câu hỏi rất khó, cần phải điều tra làm rõ. Trong điều kiện năng lực điều tra hạn chế và nhận thức chính trị rất lệch lạc trong các cơ quan như hiện nay thì khó có thể tìm được câu trả lời chính xác.

Khi tình hình chưa có kết luận rõ ràng thì nhiều tờ báo Việt Nam đã vội vã giật tít, đăng tin theo kiểu công nhân đi biểu tình yêu nước tại Bình Dương và một số tỉnh là những kẻ ít học, vô kỷ luật, tội phạm, manh động. Họ lớn tiếng dạy bảo công nhân phải học tập Nhật Bản, học tập nước này nước kia … mà không nhìn thấy thực trạng ở ta là: lòng yêu nước và các quyền cơ bản bấy lâu bị kìm hãm, đời sống công nhân vô cùng cực khổ, điều kiện làm việc rất thấp kém, các tổ chức công đoàn, đoàn thể chính trị đứng về phía giới chủ, về phía chính quyền mà không bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công nhân dẫn đến việc công nhân trở thành đối tượng bị bóc lột thậm tệ mà không có nơi bấu víu … Rất đáng tiếc, trong cơn hăng máu đánh công nhân bằng bút, báo chí lại không nhìn thấy hoặc cố tình không thấy nhóm “nòng cốt” vô cùng nguy hiểm, hoạt động rất tinh vi kia.

thái thanh tâm
23-05-2014, 09:22 PM
23-05-2014
Thất bại trong quá khứ và bài học cho hôm nay

Bách Việt


Tầu Trung Quốc tấn công tầu VN. Ảnh: CS Biển VN
Việc đưa dàn khoan vào khu vực biển của Việt Nam, Trung Quốc đã gần như lật ngửa ván bài của một chính sách đối ngoại dựa trên bạo lực hơn là đàm phán hòa bình. Trong khi đó, Việt Nam còn quá yếu về mọi mặt để có thể tạo thế đối đầu có trọng lượng với Trung Quốc. Việt Nam ở thế tiến thoái lưỡng nan vì không thể leo thang và chạy đua trong chính sách ngoại giao bạo lực với Trung Quốc, nhưng cũng không có đường lùi và không thể nhượng bộ.

Tóm lại, mọi động thái ứng xử của Việt Nam hiện nay vẫn rất lúng túng, và mục đích chính vẫn chỉ để trì hoãn, hơn là thực sự giải quyết vấn đề về lâu dài trên cơ sở hòa bình. Vận mệnh của Việt Nam do vậy đang là “ngàn cân treo trên sợi tóc”. Câu trả lời hoàn toàn phụ thuộc vào sự tỉnh táo của Việt Nam vào lúc này.

Để có được sự tỉnh táo, ngoài niềm tự hào về lịch sử giữ nước vẻ vang, Việt Nam cũng cần nhìn vào những thất bại trong lịch sử để từ đó rút ra bài học cho các quyết sách sáng suốt đối phó với Trung Quốc.

Bài viết này tập trung vào thất bại quân sự của triều Hồ năm 1407 và thất bại của Việt Nam năm 1975-1977 trong bình thường hóa quan hệ với Mỹ và Tây Âu, vì những giai đoạn này có rất nhiều tương đồng sâu sắc với thời điểm hiện nay.

QUÂN ĐỘI HỒ QUÝ LY VÀ NHỮNG BÀI HỌC VỚI QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM

Lịch sử chống ngoại xâm là đặc điểm nổi bật của lịch sử Việt Nam và giữ vai trò định đoạt sự tồn vong của dân tộc trước nguy cơ xâm lược và đô hộ. Chính cuộc đấu tranh sống còn này đã rèn luyện nên nhiều phẩm giá cao quý và phát huy đến cao độ trí thông minh, sáng tạo của dân tộc. Vì vậy, lịch sử chống ngoại xâm là niềm tự hào vô tận của dân tộc. Tuy nhiên, trong nhiều giai đoạn, lịch sử Việt Nam không được thể hiện đầy đủ và khách quan, quá nhấn mạnh các thắng lợi của các cuộc kháng chiến, dẫn đến việc đơn giản và thậm chí không phản ảnh hết tính ác liệt đến tàn khốc của các cuộc kháng chiến, và đặc biệt là những thất bại về quân sự của Việt Nam trước các thế lực xâm lược phương bắc.

Một thất bại quân sự cay đắng trong lịch sử vệ quốc của Việt Nam là của Hồ Quý Ly với cuộc xâm lăng của nhà Minh. Một điểm đáng kinh ngạc là những thách thức của vương triều Hồ với quân xâm lược phương bắc vào năm 1400-1407 là hoàn toàn giống với những gì Việt Nam đang phải đổi mặt hiện nay, và rất nhiều khả năng thất bại của vương triều Hồ sẽ lặp lại với Việt Nam hiện nay nếu không có sự thay đổi trong nội bộ của Việt Nam.

Hồ Quý Ly đã biết rõ âm mưu xâm lược của nhà Minh từ năm 1400. Nhà Hồ đã một mặt áp dụng những biện pháp ngoại giao khôn khéo đế trì hoãn chiến tranh, mặt khác tích cực lo chuẩn bị kháng chiến chống xâm lược.

Nhà Minh liên tục gây sức ép và tạo bất ổn với Việt Nam từ cả phía Bắc và phía Nam. Phía bắc, nhà Minh gây hấn và lấn chiếm đất đai. Năm 1404, nhà Minh đòi chiếm đất Lộc Châu, Tây Bình, Vĩnh Bình, lấy cớ những đất đó thuộc phủ Tư Minh (Quảng Tây). Năm 1405, nhà Minh lại sai sứ đòi đất Lộc Châu (Lạng Sơn), và 7 trại Mãnh Man thuộc châu Ninh Viễn một cách gay gắt. Hồ Quý Ly đã bất đắc dĩ phải nhượng đất để kéo dài thời gian hòa hoãn, lo chuẩn bị kháng chiến, nhưng trước sau vẫn kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và lãnh thổ đất nước.

Ở phía Nam, giữa nhà Hồ và vương triều Chăm Pa có những xung đột phức tạp. Nhà Minh tìm mọi cách khoét sâu và lợi dụng những xung đột đó để quấy rối hậu phương nước ta. Năm 1403, nhà Minh phái 9 chiến thuyền vào giúp Chăm-pa chống lại nhà Hồ, và gây ra những vụ xung đột biên giới để phân tán quân đội nhà Hồ.

Việc nhượng bộ đất của Hồ Quý Ly đã gây bất mãn sâu rộng trong quần chúng. Tuy nhiên, mặt khác cũng tạo được một khoảng thời gian gần 5 năm để vương triều Hồ xây dựng quân đội và trang bị vũ khí với ảo tưởng rằng với quân đội hùng mạnh và vũ khí hiện đại (theo thời đó) thì sẽ chặn được sự xâm lược của quân Minh.

Năm 1401 nhà Hồ ra lệnh kiểm kê dân số và từ đó tiến hành tổng động viên. Quân đội được chia thành Nam Ban và Bắc Ban với 12 vệ (tương đương sư đoàn), quân Điện Hậu Đông và Tây gồm 8 vệ. Ngoài quân chủ lực, còn tổ chức thêm hương binh của làng xã, và quân dũng hãn chiêu mộ từ nông dân lưu vong.

Hồ Quý Ly cũng tăng cường chế tạo vũ khí và đạt được những thành tự khoa học quân sự đáng nể. Bên cạnh các loại vũ khí thông thường như cung tên, giáo mác, kiếm lao, máy bắn đá…..còn có súng thần cơ do Hồ Nguyên Trừng chế tạo có sức công phá và sát thương hơn hẳn các loại súng của quân Minh.

Ngoài ra, nhà Hồ cũng lập những phòng tuyến quân sự kiên cố như phòng tuyến phía bắc chạy dài từ chân núi Tản Viên, Ba Vì, men theo sông Đà, tiếp theo sông Nhị qua Đông Đô, rồi theo sông Hải Triều, sông Hy (sông Luộc) chuyển qua sông Ma Lao (sông Thái Bình) đến Chí Linh, Hải Dương. Tất cả các phòng tuyến đều được đóng cọc dưới sông, cắm chông dày đặc trên bờ, và phía ngoài có bẫy ngựa và quân lính.

Cho dù có sự chuẩn bị kỹ càng về quân sự, nhà Hồ đã thất bại nặng nề trong cuộc chiến chống quân Minh. Với một đạo quân gần một triệu (cả chủ lực lẫn tiếp vận), và bất chấp sự kháng cứ mãnh liệt của quân đội vương triều Hồ, quân Minh đã thôn tính được Việt Nam vào năm 1407, sau 6 tháng chiến đấu ác liệt.

Lịch sử phải công minh ghi nhận rằng vương triều Hồ và Hồ Quý Ly đều chủ trương kiên quyết đánh giặc giữ nước, và đã đánh đến cùng. Tuy nhiên, lịch sử cũng phải thừa nhận rằng nguyên nhân thất bại chủ yếu của triều Hồ là không đoàn kết được toàn dân đánh giặc.

Một điểm đáng lưu ý là những mâu thuẫn nội bộ giữa nhà Trần bị lật đổ và vương triều Hồ (tạm gọi là “ý thức hệ) rất sâu sắc. Nhà Minh lợi dụng khoét sâu thêm mâu thuẫn này để gây rối trong nội bộ nhà Hồ.

Trước tình hình đó, lẽ ra nhà Hồ phải biết đặt lợi ích của đất nước lên trên hết, giải quyết các mâu thuẫn bên trong theo hướng đáp ứng xu hướng chủ đạo của phát triển chính trị xã hội, để từ đó thắt chặt sư đoàn kết của toàn dân, và huy động sức mạnh của cả nước vào chống giặc cứu nước. Nhưng nhà Hồ đã không làm được như vậy.

Do đó, khi quân Minh tiến sang, triều Hồ không thu phục được lòng dân, không dấy lên được sức mạnh của cả nước đánh giặc, toàn dân đánh giặc, thực hiện một cuộc chiến tranh nhân dân yêu nước chống ngoại xâm.

Từ hạn chế trên đã đưa nhà Hồ đến những sai lầm về quân sự, đó là dựa chủ yếu vào quân mà không dựa vào dân, dựa chủ yếu vào vũ khí và thành quách, mà không dựa vào lòng người và địa hình. Suy nghĩ về những sai lầm và thất bại của nhà Hồ trong kháng chiến chống Minh, Nguyễn Trãi viết:

Lớp lớp rào lim ngăn sóng biển,
Khóa sông xích sắt cũng vậy thôi.
Lật thuyền mới rõ dân như nước
(Quan Hải)

Những thất bại trong lịch sử chống ngoại xâm Phương Bắc nói trên cho thấy không phải lúc nào Việt Nam cũng chiến thắng. Những thất bại quân sự dẫn đến mất nước Việt Nam chỉ do một nguyên nhân chính đó là: Mâu thuẫn, đấu đá tranh giành quyền lực nối bộ, thiếu dân chủ dẫn đến mất lòng dân. Từ chỗ mất lòng dân, những triều đại thất bại trước đây buộc phải dựa vào vũ khí (Nỏ Thần, Đại Thần Cơ) và quân chủ lực.

Trong chiến tranh với Phương Bắc, nếu Việt Nam chỉ dựa vào quân đội và vũ khí thì thất bại là nắm chắc trong tay vì Việt Nam ở bất cứ thời đại nào cũng không thể đủ lính và đủ vũ khí để áp đảo Trung Quốc. Những gì đang diễn ra hiện nay cho thấy Việt Nam với Quân đội Nhân dân Việt nam, đã và đang có những nét tương đồng đáng sợ với đội quân chủ lực của Hồ Quý Ly.

Thứ nhất, Việt Nam cho dù đã và rất kiên quyết, nhưng cũng đã và sẽ tiếp tục phải nhượng bộ với Trung Quốc với mục đích là kéo dài thêm được thời gian hòa bình càng lâu càng tốt. Đây là điều nhà Hồ đã làm, thậm chí phải nhượng cả một số đất của Việt Nam để kéo dài thời gian hòa hoãn cho việc xây dựng quân đội.

Thứ hai, Việt Nam đang dốc tiền đầu tư vào xây dựng quốc phòng như mua tầu ngầm, tầu chiến, máy bay chiến đấu, v.v….đúng như những biện pháp hiện đại hóa quân sự mà nhà Hồ đã thực hiện vào năm 1401-1405. Cái hơn của quân đội Hồ Quý Ly so với Quân đội Nhân dân Việt nam hiện nay là nhà Hồ đã chế tạo ra đại thần công có uy lực công phá đáng sợ hơn cả thần công của nhà Minh.

Việt Nam hiện nay không có vũ khí nào có uy thế vượt trội so với Trung Quốc. Cái Việt Nam rất cần làm và phải làm ngay hôm nay là xây dựng “lòng dân” vững mạnh, bên cạnh xây dựng quốc phòng. Trung Quốc không sợ một Việt Nam mạnh về quốc phòng, mà Trung Quốc chỉ sợ một Việt Nam đoàn kết, dân chủ, toàn dân một lòng.

Thứ ba, nội bộ nhà Hồ lủng củng, chia rẽ và đây là điểm nhà Minh đã lợi dụng để làm yếu nhà Hồ. Nội bộ của Việt Nam hiện nay cũng đang bị chia rẽ sâu sắc và Trung Quốc hiện nay cũng đã và đang triệt để khoét sâu mâu thuẫn nội bộ này của Việt Nam để làm suy yếu Việt Nam.

Một điều phải khăng định rằng Quân đội Nhân dân Việt nam sẽ chiến đấu mãnh liệt đến cùng để chống ngoại xâm Trung Quốc, cũng giống như đội quân Hồ Quý Ly đã làm.

Nhưng liệu Quân đội Nhân dân Việt nam có thể chiến thắng sự xâm lược của Trung Quốc hay không, hay lại lặp lại thất bại mất giang sơn đau đớn của đội quân Hồ Quý Ly vào năm 1407.

Điều này hoàn toàn phụ thuộc Việt Nam liệu có đủ can đảm để thực hiện những cải cách dân chủ ngay lập tức hay không. Chỉ có một Việt Nam dân chủ thật sự mà trong đó người dân có quyền làm chủ thật sự mới có thể chống lại được bành trướng Trung Quốc. Tiến trình cải tổ dân chủ đó phải được bắt đầu ngay lập tức nếu không muốn mọi việc trở nên quá muộn.

THẤT BẠI TRONG BÌNH THƯỜNG HÓA QUAN HỆ VỚI MỸ VÀ TÂY ÂU NĂM 1978

Trong lịch sử cận đại khi thế giới chia làm đa cực, một nguyên tắc có tính quy luật với các nước nhỏ để tránh bị lôi vào vòng cuốn gây ảnh hưởng của các nước lớn là tuyên bố chính sách phát triển trung lập. Tuy nhiên, trên thế giới, rất ít nước nhỏ thực hiện được thành công chính sách phát triển trung lập, ngoại trừ Thụy Sĩ ở Châu Âu, Thái Lan ở Đông Nam Á, hay Nepal và Bhutan ỏ Nam Á do địa hình quá hiểm trở khiến hai nước này không bị đô hộ.

Việt Nam nằm trong nhóm những nước nhỏ đã liên tục thất bại trong việc theo đuối chính sách ngoại giao trung lập, độc lập, và không bị phụ thuộc vào các nước lớn.

Phần này tập trung phân tích trong giai đoạn 1975- 1979, vì đây là giai đoạn lịch sử có những nét tương đồng đáng kinh ngạc với thời điểm hiện nay về bối cảnh lịch sử, về chính sách đối ngoại của Việt Nam, và về các quyết sách của Trung Quốc và Mỹ với Việt Nam.

Ngay sau ngày 30/4/1975, và thậm chí trước đó một năm vào năm 1974, Việt Nam đã có chủ trương bình thường hóa quan hệ với Mỹ và phương Tây để làm đối trọng với Trung Quốc. Trong năm 1975 đã có những biểu hiệu Trung Quốc và Pol Pot liên kết với nhau để chống Việt Nam.

Ngày 4/5/1975, chỉ bốn ngày sau khi Mỹ rút khỏi Việt Nam, Pol Pot tấn công Việt Nam. Ba tháng sau, vào ngày 18/8/1975, Trung Quốc tuyên bố viện trợ toàn diện cho Pol Pot. Để tranh thủ Trung Quốc, TBT Lê Duẩn đã có chuyến viếng thăm chính thức Trung Quốc ngày 25/9/1975. Nhưng chuyến thăm chính thức không đạt kết quả gì và Trung Quốc không có cam kết viện trợ thêm cho Việt nam.

Cùng thời điểm, Liên Xô tăng cường lôi kéo Việt Nam vào trong khối Đông Âu để chống Trung Quốc. Ngày 30/10/1975, Liên Xô tuyên bố sẽ viện trợ kinh tế cho Việt Nam trị giá gần 2 tỉ đô la, một con số khổng lồ vào thời điểm đó, với hy vọng Việt Nam sẽ bỏ Trung Quốc và theo Liên Xô. Liên Xô cũng ra sức thuyết phục Việt Nam tham gia khối COMECOM, khối hợp tác kinh tế XHCN.

Tuy nhiên, bất chấp những ve vãn của Liên Xô để lôi kéo Việt Nam chống lại Trung Quốc, Việt Nam chủ trương bình thường hóa quan hệ với Mỹ và phương Tây, hơn là tăng cường quan hệ với Trung Quốc hoặc Liên Xô. Việt Nam muốn theo đuổi một chính sách cân bằng và độc lập trong đối ngoại.

Vì vậy, trong năm 1976, cho dù Trung Quốc và Liên Xô liên tục đòi Việt Nam cho mở Tổng Lãnh Sự Quán ở TP HCM, Việt Nam không để hai nước này mở Tổng Lãnh Sự Quán ở TP HCM. Nhưng thay vào đó, đã để Pháp, Ý, Đức và các nước phương Tây khác mở lãnh sự quán. Thậm chí hãng thông tấn xã Sự Thật của Liên Xô cũng không được mở văn phòng đại diện ở TP HCM, trong khi các hãng thông tấn của Mỹ và Phương Tây được mở lại văn phòng báo chí thường trú.

Trong lúc Việt Nam treo cờ ở toàn bộ các ĐSQ nước ngoài đang bị bỏ hoang ở TP HCM sau ngày 30/4/75, CP Việt Nam không treo cờ Việt Nam ở Tòa Đại Sứ Mỹ (cũng đang bị bỏ trống) với hàm ý để ngỏ chờ cơ hội mở cửa và bình thường hóa quan hệ.

Vì thế, vào năm 1976, cả Liên Xô và Trung Quốc đã bày to thất vọng với Việt Nam và cả hai công khai chỉ trích Việt Nam là một đất nước “vô ơn”.

Về kinh tế, Việt Nam cũng từ chối lời mời tham gia COMECOM của Liên Xô. Thay vào đó, IMF và Ngân Hàng Thế giới đã đến Việt Nam tháng 12/1976 và bắt đầu thiết kế khoản vay 60 triệu đô la đầu tiên cho Việt Nam.

Năm 1977 khi Liên Xô ngỏ ý định không hỗ trợ Việt Nam xây dựng nhà máy thủy điện sông Đã, Việt Nam đã liên hệ với Ngân Hàng Phát Triển Châu Á (ADB) để tìm hiểu khoản vay xây dựng nhà máy thủy điện Sông Đà.

Trong giai đoạn 1976 và 1977, Trung Quốc và Pol Pot tăng cường hợp tác quân sự và kinh tế. Được Trung Quốc bật đèn xanh, Pol Pot tiến hành các hoạt động tấn công hủy diệt tàn bạo ở các tỉnh biên giới phía Nam của Việt Nam.

Đứng trước một nguy cơ một cuộc chiến tranh tổng lực với Trung Quốc ở phía bắc và một cuộc chiến tranh ở biên giới phía nam với Pol Pot, Việt Nam đã buộc phải vượt qua rào cản ý thức hệ để thúc đẩy hết sức việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ và các nước Tây Âu bằng mọi giá với mục đích tạo đối trọng với Trung Quốc.

Nhận lời mời của Việt Nam, đặc phái viên của Tổng Thống Carter, Đại sứ Leonard Woodcock đã tiến hành một chuyển viếng thăm bí mật đến Hà Nội ngày 16/3/1977 để bàn về việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao.

Ngay sau đó, TTg Phạm Văn Đồng đã tiến hành công du một loạt các nước Tây Âu vào ngày 25/4/1977.

Để đáp lại, dưới sự chỉ đạo của Trung Quốc, Pol Pot đã tiến hành một cuộc tiến công toàn diện vào các tỉnh biên giới phía Nam của Việt Nam ngày 30/4/1975 như một tín hiệu cảnh báo những nỗ lực bình thường hóa quan hệ với phương Tây và Mỹ của Việt Nam

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn quyết tâm đẩy mạnh bình thường hóa quan hệ với Mỹ và ngày 3/5/1977, Việt Nam và Mỹ đã tiến hành đàm phán bình thường hóa quan hệ ở Pháp.

Sau đó, trong suốt nửa cuối năm 1977 cho đến ngày 11/10/1978 là cuộc chạy đua giữa Việt Nam và Trung Quốc trong việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ.

Một mặt, Trung Quốc liên tục kích động Pol Pot tấn công Việt Nam để buộc Việt Nam phải tự vệ và từ đó cáo buộc Việt Nam gây hấn để tạo cớ gây sức ép với Tây Âu không bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.

Mặt khác, Trung Quốc tiến hành một chiến dịch ngoại giao để gây sức ép với Mỹ và buộc Mỹ phải cân nhắc lựa chọn giữa Trung Quốc hay Việt Nam trong chiến lược ngoại giao và quân sự của Mỹ.

Ngày 25/12/1977, Việt Nam phản công tự vệ và chiếm một số tỉnh miền tây của Pol Pol. Sau đó, trong miền nam, Việt Nam tiến hành chiến dịch “đánh tư sản”, thực ra là nhắm vào người Hoa vì phần lớn tư sản và nhà giàu Sài Gòn là người Hoa.

Hậu quả của việc đánh tư sản đã kích động làn sóng di tản của người Hoa vào tháng 3/1978 cả trên bộ, trên biển và lan rộng khắp Việt Nam vào năm 1978-1980. Những phản ứng này của Việt Nam đã mắc đúng vào bẫy của Trung Quốc.

Trung Quốc cáo buộc Việt Nam đã vi phạm luật quốc tế bằng xử dụng vũ lực đánh lại một nước nhỏ là Cambodia, và đã vi phạm nhân quyền trong việc đẩy đuổi người Hoa Kiều.

Do vậy, bất chấp sự nhượng bộ của Việt Nam bỏ tất cả các yêu cầu về bồi thường chiến tranh trong buổi đàm phán với Mỹ ngày 27/9/1978 ở New York, dưới sức ép của dư luận trong nước, chính quyền Carter đã buộc phải đưa ra tuyên bố vào ngày 11/10/1978 đình chỉ toàn bộ việc đàm phán bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.

Quyết định này của Mỹ đã đẩy Việt Nam vào thế buộc phải dựa vào Liên Xô như là một đối trọng với Trung Quốc. Sau nhiều lần trì hoãn ký hiệp định hợp tác hữu nghị toàn diện với Liên Xô, ngay sau tuyên bố của Mỹ không bình thường hóa quan hệ, Việt Nam lập tức cử một phái đoàn cao cấp sang LX vào ngày 3/11/1978 để ký một Hiệp đinh hợp tác toàn diện trong 25 năm.

Tóm lại, Trung Quốc đã đạt được ba thắng lợi lớn sau năm 1975.

Một là cô lập và ngăn chặn quá trình bình thường hóa quan hệ của Việt Nam với Mỹ. Đây là một đòn giáng rất nặng đến Việt Nam và đã đẩy Việt Nam phải từ bỏ chính sách ngoại giao trung lập sau năm 1975.

Hai là, Trung Quốc đã cài Việt Nam vào bẫy bằng cách xử dụng Pol Pot để buộc Việt Nam phải tự vệ bằng vũ lực, và tạo ra làn xóng di cư của Hoa Kiều để bôi xấu hình ảnh của Việt Nam, từ đó dọn đường dư luận thế giới ủng hộ Trung Quốc – hoặc làm ngơ với Trung Quốc – trong cuộc chiến tranh biên giới 1979 để triệt phá toàn bộ cơ sở hạ tầng của các tỉnh biên giới Việt Nam.

Ba là Trung Quốc đã thành công làm kiệt quệ nền kinh tế Việt Nam. Trong khi Việt Nam lao đao vì cấm vận kinh tế, Trung Quốc đã nhân cơ hội bình thường hóa quan hệ với Mỹ để tạo ra một thị trường xuất khẩu rộng lớn cho phát triển kinh tế trong ba thập niên 70,80, và 90. Chỉ trong vòng ba thập niên, nền kinh tế Trung Quốc nhờ tăng cường xuất khẩu vào Mỹ và Tây Âu đã bứt phá mạnh mẽ, trong khi nền kinh tế Việt Nam liên tục suy thoái trong ba thập kỷ 70, 80 và đầu những năm 90 do cấm vận kéo dài.

NHỮNG BÀI HỌC RÚT RA CHO VIỆT NAM HÔM NAY

Việt Nam cần tấn công chính trị để phòng thủ quân sự. Một trong các chiến lược quân sự sáng tạo của chiến tranh nhân dân của Việt Nam là chiến lược tấn công để phòng thủ của Lý Thường Kiệt. Việt Nam không thụ động đợi quân địch tiến đánh, mà chủ động đánh thẳng vào hậu phương địch. Vào thời điểm hiện nay, Việt Nam không thể áp dụng chiến lược quân sự này trong chiến tranh hiện đại.

Nhưng Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động tấn công Trung Quốc với biện pháp chính trị bằng cách thực hiện cải tổ chính trị, hướng tới dân chủ ngay tại Việt Nam. Đây sẽ là đòn giáng nặng nhất vào hậu phương chính trị và quân sự của Trung Quốc. Nó sẽ tiếp nguồn cho phong trào đòi dân chủ hiện đang bị đàn áp ở Trung Quốc, và buộc Trung Quốc phải quay ra đối đầu với nội bộ, không thể quấy nhiễu bên ngoài.

Hiện nay, ngoại trừ Bắc Triều Tiên là một trường hợp ngoại lệ, chỉ có ba nước theo hệ thống chính trị đóng với quyền lực tập trung vào một đảng, đó là Trung Quốc, Việt Nam và Miến Điện.

Miến Điện hiện đã thực sự cải tổ chính trị và đang hướng tới dân chủ. Như vậy, chỉ còn Trung Quốc và Việt Nam. Trung Quốc luôn tuyên truyền để trấn an các phong trào đòi dân chủ trong nước rằng Trung Quốc có thể chế chính trị ưu việt hơn của Việt Nam vì Trung Quốc hiện có 9 đảng đối lập (cho dù là không có quyền lực).

Do vậy, nếu Việt Nam cải cách dân chủ, Trung Quốc sẽ bị sức ép nội bộ rất nặng cho việc cải tổ, và sẽ làm phân tán sự hung hăng gây hấn bên ngoài.

Nếu phải đặt lên bàn cân, các nước dân chủ tiên tiến luôn sẽ chọn Trung Quốc cộng sản thay vì chọn Việt Nam cộng sản. Về kinh tế, nếu cùng một chủng hàng, cùng chất lượng, mẫu mã giống nhau, và giá cả không chênh lệch nhiều, ai cũng sẽ chọn hàng có khối lượng hoặc số lượng lớn.

Thất bại về bình thường hóa quan hệ với Mỹ năm 1978 cho thấy khi phải đặt lên bàn cân giữa Trung Quốc cộng sản và Việt Nam cộng sản, Mỹ đã chọn Trung Quốc.

Thế nhưng, các nước dân chủ tiên tiến buộc phải cân nhắc khi phải lựa chọn giữa một Trung Quốc cộng sản với một Việt Nam dân chủ.

Đây là một bài toán hoàn toàn khác vì một Việt Nam dân chủ có tầm quan trọng trong toàn bộ chiến lược phát triển dân chủ ở khu vực Châu Á. Trong khi một Việt Nam cộng sản với một ít tiềm năng về kinh tế thì không thể so bì với những cơ hội kinh tế của một Trung Quốc cộng sản, và do vậy họ sẽ sẵn sàng đánh đổi Trung Quốc cộng sản với Việt Nam cộng sản.

Hiện nay, sự lựa chọn này đang diễn ra rất gay gắt trong nội bộ của Mỹ. Vấn đề Ukraine và hạn chế ảnh hưởng của Nga hiện nay là một trong vấn đề nóng nhất trong c/s đối ngoại của Mỹ.

Trung Quốc nắm được điều này nên đã chơi con bài đúng như năm 1978 là gây sức ép với Mỹ phải lựa chọn giữa Trung Quốc hay Việt Nam.

Nếu Mỹ lựa chọn Trung Quốc, Trung Quốc sẽ hỗ trợ Mỹ trong việc làm trung gian giữa Mỹ và Nga. Nếu Mỹ lựa chọn Việt Nam, Trung Quốc sẽ đẩy quan hệ chiến lược với Nga làm đối trọng với Mỹ.

Do vậy, đừng quá ảo tưởng về những tuyên bố gần đây của Mỹ phản đối Trung Quốc về biển Đông. Việt Nam chỉ có thể vượt trội trong bàn cân chiến lược nếu Việt Nam là một nước dân chủ tiến bộ.

Vì điều này sẽ tạo một làn sóng ủng hộ mạnh mẽ trong nội bộ Quốc hội Mỹ và bất cứ tính toán thực dụng nào thiên về phía Trung Quốc cũng sẽ vấp phải phản ứng của Quốc Hội Mỹ ủng hộ cho một Việt Nam dân chủ.

Không thể áp đảo và thắng Trung Quốc bằng số lượng quân đội và vũ khí. Đây là bài học muôn thủa, nhưng vẫn bị quên lãng. Hiện đại quốc phòng là cần thiết. Nhưng phải xác định không thể thắng Trung Quốc bằng số lượng quân hay vũ khí. Thất bại của nhà Hồ là điển hình.

Thậm chí ngay cả An Dương Vương vì quá coi trọng vào Nỏ Thần, và dựa vào thành Cổ Loa, mà không thật sự dựa vào dân, đã để thua Triệu Đà và đẩy Việt Nam vào một nghìn năm Bắc thuộc.

Chiến tranh nhân dân, toàn bộ Việt Nam là chiến trường, phi thành quách, toàn bộ người dân là quân, chỗ nào cũng đánh khiến cho địch “không thể cởi giáp và bỏ cung kiếm trong nhiều năm, dẫn đến kiệt quệ và bị tiêu diệt….” (Nguyễn Trãi). Nhưng để làm được như vậy thì phải thực hiện dân chủ, phải thay đổi, nếu không muốn Việt Nam lại rơi vào một thời kỳ Bắc thuộc thế kỷ 21.

Không bị sa bẫy làm “chảy máu kinh tế”. Trung Quốc đã áp dụng rất thành công chiến lược làm kiệt quệ Việt Nam vào năm 1978. Với thành công trong việc ép Mỹ và Tây Âu cấm vận Việt Nam vì lý do nhân quyền, và xử dụng vũ lực, Việt Nam đã bị rơi vào cô lập kinh tế mà hậu quả cho đến nay vẫn còn nặng nề.

Những vụ manh động vừa qua đã làm tổn hại nghiêm trọng đến đầu tư lâu dài của nước ngoài ở Việt Nam và những tác động này là hết sức nghiêm trọng về kinh tế. Từ năm 2012 đến nay, nhà đầu tư dài hạn đang có xu hướng chuyển sang xuất từ Trung Quốc đến các nước ASEAN do nhân công ở Trung Quốc đã quá cao.

Nhưng những vụ biểu tình bạo lực tuần trước đã là tiếng chuông báo động cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài khi tính đến khả năng đầu tư dài hạn ở Việt Nam. Họ đang tính chuyển dần sang Nam Á hơn là Việt Nam, nhất là sau bầu cử thắng lợi của Ấn độ ngày 19/5/2014.

Trung Quốc sẽ liên tục gây sức ép căng thẳng để kích động và tạo tâm lý chiến tranh để từ đó uy hiếp các nhà đầu tư rút dần ra khỏi Việt Nam. Đây là một độc chiêu rất nguy hiểm của Trung Quốc. Hiện nay, Trung Quốc cũng đã loan tin về sự bất ổn về đầu tư dài hạn ở Việt Nam với các nhà đầu tư Đài Loan, và các nhà đầu tư nước ngoài khác.

Không thể ảo tưởng về ngoại giao “khôn khéo và linh hoạt”. Nhà Hồ đã áp dụng các biện pháp ngoại giao uyển chuyển và linh hoạt trong suốt 5 năm, 1401 – 1406, thậm chí buộc phải nhượng lại một số đất đai phía bắc cho nhà Minh nhưng cũng không tránh được một cuộc chiến tranh với Trung Quốc.

Xung đột vũ trang với Trung Quốc trước sau cũng xảy ra, chỉ là vấn đề thời gian, phạm vi, và mức độ. Việc xử dụng vũ lực đơn phương và không bị quốc tế trừng phạt – hoặc quốc tế không thể trừng phạt – diễn ra như cơm bữa trong thế kỷ 20 và 21.

Mỹ đánh Iraq không cần nghị quyết LHQ (Nghị quyết số 1441 của LHQ không đồng thuận cho Mỹ đánh Iraq đơn phương).

Việt Nam đánh Cambodia năm 1979 cũng không được LHQ ủng hộ (mà lẽ ra LHQ phải ủng hộ vì Pol Pot thực sự là chế độ diệt chủng).

Tuy nhiên, thực tế trên cho thấy Trung Quốc có thể bất cứ lúc nào đánh Việt Nam, bất chấp dư luận quốc tế phản đối.

Cũng không thể có nước nào có thể áp dụng trừng phạt kinh tế với Trung Quốc vì sự ràng buộc thương mại và đầu tư với Trung Quốc là quá lớn với tất cả các nước có khả năng áp dụng trừng phạt kinh tế.

Trung Quốc đã có thể chiếm các đảo của Việt Nam ngay trong ngày mai, mà Việt Nam khó có thể đánh chiếm lại.

Điều này cho thấy sự khẩn cấp của việc cải tổ chính trị ở Việt Nam càng sớm càng tốt để củng cố lòng tin của dân, củng cố vị thế dân chủ của Việt Nam trên thế giới, từ đó Việt Nam sẽ nằm trong liên minh của các nước dân chủ để đối trọng với Trung Quốc. Nếu không thực hiện việc cải tổ chính trị ngay và quyết liệt, thì hậu quả với Dân Tộc và Tổ Quốc là khôn lường

thugiangvu
05-06-2014, 11:07 AM
Chị nói cho chú biết -




https://ci6.googleusercontent.com/proxy/Xbj-lpjROs52KWxpjc40R2bk73wRb4uJXHCfB7v0Z8ykurOz_dNZRx PzCRQG9yKEOetT-_vrkwDM2kFfui4SMaxh1ux4BIlP6hXJoJ_tkp2LBIkFLPLUdnK N6t_lgvU7FEPRBpvFjw__LchQcB2fNBz8Vobr3LfWWml3sLjFs cLbThBF1Wcqm1MQ1z7RIf0=s0-d-e1-ft#https://fbcdn-sphotos-h-a.akamaihd.net/hphotos-ak-frc3/t1.0-9/p280x280/10373838_491734784260114_1121676640751544281_n.jpg

CHỊ NÓI CHO CHÚ BIẾT

Chị đây hơn tuổi chú
Thủ tướng mấy nhiệm kì
Dân Đức bầu cho chị
Còn chú, đảng bầu hi.
Chị nói cho mà biết
Đừng đực mặt thế kia
Đừng giả câm giả điếc
Chơi bẩn, chú nhất nhì.
Chú một vừa hai phải
Đừng ức hiếp láng giềng
Hàng xóm của nhà chú
Xem đi, có ai thương?
Từ Nhật, Hàn, Ấn Độ
Mianma, Việt Nam
Chú xỏ mũi vào cả
Cướp mãi chẳng rầy rà.
Đừng hòng qua mặt chị
Chú bày trò khoan dầu
Hơn ai hết chú biết
Còn lâu mới có màu.
Chú biết vùng biển ấy
Vừa sâu lại bão nhiều
Vốn bỏ ra một chuc
Thu về vài đồng bèo.
Dầu, chú chơi đòn gió
Cái mà chú muốn là
Ép Việt Nam thế yếu
Bắt họ thần phục mà.
Bởi thế chị nói thật
Chú hơi bị ngu nhiều
Chú đẩy Việt Nam chạy
Như Nhật, Đài Mỹ theo.
Thế là chuốc lấy hoạ
Cả cửa ngõ Biển Đông
Đều bạn của Mỹ cả
Chú thành nằm trong chuồng.
Đừng chủ quan mãi nhé
Đừng khinh thường họ nghèo
Tung hết lực ra đánh
Thế nhà để ai coi?
Khôn hồn chơi cho đẹp
"Bốn tốt" họ để yên
"Mười sáu chữ" họ giữ
Với họ, vẫn hoà bình.
Đài Loan, hỏi bố chú
Hơn sáu mươi năm rồi
Từ hồi chú chưa đẻ
Trung quốc dám sờ đuôi?
(Sưu tầm)

thugiangvu
07-06-2014, 07:17 AM
Hà Nội tan hoang sau mưa lớn, tài xế taxi bị đè chết

Cơn mưa lớn tối 4/6 ở Hà Nội khiến nhiều đoạn đường bị ngập, hàng loạt cây xanh, biển quảng cáo bị đổ. Tại khu vực quận Ba Đình, một chiếc taxi bị đè bẹp, tài xế chết tại chỗ.
https://ci6.googleusercontent.com/proxy/wX9UcudU4kfr5fXY3tqDjP_8GMDvjOLXus2_KqeA6SOCcXMlDL NaTMKMZE5nRJCISo5RW8Yuystfo3ge6JZRPC4IarsyMArVRKQj pR2_LNt4xV6U7MRe027D5Q=s0-d-e1-ft#http://www.tamguong.vn/ImageHandler.ashx?ThumbnailID=467278&Width=46019h30 ngày 4/6, trong cơn mưa lớn, một cây xanh bị đổ tại khu vực vườn hoa Mai Xuân Thưởng (Quán Thánh, Ba Đình) đã đè bẹp một chiếc taxi làm chết lái xe.https://ci3.googleusercontent.com/proxy/SDjBfTztMQ-9tVqwP6GHJDKbMXtWc8qBdWUpoR8NTFAcBsaxvzyHW48STYH-MEmhD8yNaSOV15gnjQKwZYzK4UesdHvmqSEdzTD1zTBrwpwNzg irc9g4dxB_SA=s0-d-e1-ft#http://www.tamguong.vn/ImageHandler.ashx?ThumbnailID=467279&Width=460Tài xế được xác định là anh Nguyễn Hữu Dần, (sinh năm 1978, trú tại Minh Khai). Hành khách ngồi sau xe là một người phụ nữ. Chị may mắn thoát nạn và được người đi đường giải cứu ra ngoài.https://ci3.googleusercontent.com/proxy/KnTxCNkCjGddLGGPZdnaaNbMpBzBoAD36hn8fPg8YFyeITQmaW r5kfejg2o9jasPW39c_qWABlTmJuxg9EggU52Vu2W0_UbAbeOx MNaGdAzcQoxtkO5lmgs8vg=s0-d-e1-ft#http://www.tamguong.vn/ImageHandler.ashx?ThumbnailID=467280&Width=460Công an quận Ba Đình phối hợp cùng lực lượng Cảnh sát PCCC điều xe cứu hộ đến cắt nóc xe, đưa thi thể tài xế ra ngoài.https://ci6.googleusercontent.com/proxy/JvlMxONSz0rglg7h__qUc1JZj_3pqidLgnLTL1HcWlxH1ooT4j tU2LUc1Ks9VfdhHuX--29-B9SINkTp524rHlVqcA9iqpd_fFjfX9lIh049OT29Moh8fbs-Zg=s0-d-e1-ft#http://www.tamguong.vn/ImageHandler.ashx?ThumbnailID=467281&Width=460Trước đó, cơn mưa bất ngờ đã khiến nhiều người dân không kịp trở tay. Trong ảnh là hệ thống tường rào bằng tôn và nhựa của một công trường tại ngã tư Nguyễn Chánh - Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy) đổ sập toàn bộ.https://ci5.googleusercontent.com/proxy/WNU8EB8odnxcNCugz3uyBN1nfA057xg4GvsuHNJnIEY5_EbrqN NaIqW4Pxv77H9v6rwh4o1tA1yMaoa6JYkBYuTAYIn0C9Somute fQIzZB2ScGponGBTAO-GGg=s0-d-e1-ft#http://www.tamguong.vn/ImageHandler.ashx?ThumbnailID=467282&Width=460Cây cối đổ hàng loạt trên nhiều tuyến phố.https://ci6.googleusercontent.com/proxy/zq1VghT4pTp7Ucy2KRUeCVksFTP1Ec2RtF2cRVXiMwCgCHornQ sVZX2Mh2uC79FM_UNcDLMbUz8uWWXse3scfVcO_NaBYybZ9B7U wkgzUwk0ZUsXUptrMh2Szw=s0-d-e1-ft#http://www.tamguong.vn/ImageHandler.ashx?ThumbnailID=467283&Width=460Vòng tròn inox dùng để cắm cờ trên đường Hồ Tùng Mậu.https://ci5.googleusercontent.com/proxy/lB06bUpbIX3R2epXDt-JC2Z0MwlaSnWTTUDDB4rFfwStUYU0m9NHz0q56Qr8BWqeSsAX4 CUW2_jLePohRU_bi6no_LCnpOTA3kj0AQMWVJUfg6ViSIo9JYe HzQ=s0-d-e1-ft#http://www.tamguong.vn/ImageHandler.ashx?ThumbnailID=467284&Width=460Khu vực trước cửa trung tâm thương mại The Garden bị ngập nước.https://ci5.googleusercontent.com/proxy/Flk9QCutR0_VUvZCAaXUqdz4j2sZHWOtxjVS-xIMLnW9GU4aVf3Y0KAxjfV9d9QYjgzLSOEwxSVpWDkDjBBx2f_ 1KOsF2cZXlE8FCJ5LmzaPkSXAxfkd4wGgDQ=s0-d-e1-ft#http://www.tamguong.vn/ImageHandler.ashx?ThumbnailID=467285&Width=460Trên đường Lê Đức Thọ, một chiếc ô tô khác cũng bị cây đè. Rất may, khi sự cố xảy ra không có người bên trong.https://ci3.googleusercontent.com/proxy/vPOiJ2U8BWmDvVFLqoDv6Jutu7zk2bJBlTQqabHFRhLOeCdceU keg0WroHfaeGJVKEZ2-GAD66wa_fYUk0KeolspAZX2mYq5hVwZckHBcHz3VC9vW7M5e1o bGg=s0-d-e1-ft#http://www.tamguong.vn/ImageHandler.ashx?ThumbnailID=467286&Width=460Đường Lê Văn Lương, cây to bật gốc.https://ci3.googleusercontent.com/proxy/Wc5ojUjuHlMckrvZmKlS_Oskgl7gFn2rvrF0atdrCAIA19mTWn GmMhwIBPmVIm-pHwjSYObJAv0Gmhpzg-zuw8oSgd9KcKIfbfL43_40ou3_Em835mdDTJsEUw=s0-d-e1-ft#http://www.tamguong.vn/ImageHandler.ashx?ThumbnailID=467287&Width=460Nhiều tuyến phố lập tức được phong tỏa giao thông.https://ci5.googleusercontent.com/proxy/8tJDk4-qNve3HG68i4W2xotm394dhMVvpZXxVfFmWHbAkHzWlHPegzgae UK6heetSoKxYtYY8DlsI7-4ZhC_A-wY7Zbp6JH__yzKE_Adv2gUNeVEGMHzLzsAgQ=s0-d-e1-ft#http://www.tamguong.vn/ImageHandler.ashx?ThumbnailID=467288&Width=460Ngã tư Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa), các tấm biển quảng cáo tơi tả trước sức tàn phá của giông lốc trong cơn mưa.https://ci5.googleusercontent.com/proxy/UL4VWcMoIrZxbSOMddwCrNvW1cOHNj9YTiOk87MGweRL0TjDgk oC2OPwo-etgasYItBDq7icZJ8jZ9oABYhg8QrWhBT8GwO6TZgCZp3tj8Ig EtFQbD4NnVGVdQ=s0-d-e1-ft#http://www.tamguong.vn/ImageHandler.ashx?ThumbnailID=467289&Width=460Gốc cây xà cừ đại thụ trên đường Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng) cũng không chịu nổi sức gió. Cả thân cây đổ xuống chắn ngang đường cản trở giao thông.https://ci5.googleusercontent.com/proxy/CKqMSjbss0yNyoxWk7NzsP51yeDgP4xrjynopmzV0lg21WA_sm e3kLUQtOmt3yfvmPO9k7ig0rXp0Bu-vNyMrr_u-lYzc29r7ppwNuTnJscci-MkwcSWFn4Qzw=s0-d-e1-ft#http://www.tamguong.vn/ImageHandler.ashx?ThumbnailID=467290&Width=460Cây đổ đè lên hệ thống dây điện. Nhiều phường ở quận Hai Bà Trưng bị mất điện vì sự cố này.https://ci3.googleusercontent.com/proxy/2fqGWWItpbwFkniKBYrrODWCGBBM7BqrOtqZLeSQHrwpR9ZnPC kM1uux788giY7bgqMPVKysGjQjt7gefMKWe--mB_IXfh55Q3SP0U4EJjDNgzqD3DB40T9cbA=s0-d-e1-ft#http://www.tamguong.vn/ImageHandler.ashx?ThumbnailID=467291&Width=460Công nhân điện lực Hai Bà Trưng cố gắng khắc phục sự cố ngay trong đêm.https://ci4.googleusercontent.com/proxy/cAlchjrKuvJ9VKA1jyGRaDfwXPCZQjjIGs7Txnw7k1UFTPOXp5 kYW4zBla10QjarzPD5ITXgNHaaXL1U0uSsZjOOj2-H6UAqsMCtW9RSwlSpD0Sk9asRMvIkfg=s0-d-e1-ft#http://www.tamguong.vn/ImageHandler.ashx?ThumbnailID=467292&Width=460Dải phân cách trên các phố Nguyễn Chánh, Hoàng Minh Giám (quận Thanh Xuân).https://ci4.googleusercontent.com/proxy/oCMObAVPxE7XvcyeQgjMidrRk5H1pfWs4gqsmTgC8aFNvTAryX 6ztyNM-7vaKVRTB7QJN6tO6gDq5H9uAb9iopa6ngMJYYn44Xp8UDvY8X5 a7NWBXoH_3ZUzig=s0-d-e1-ft#http://www.tamguong.vn/ImageHandler.ashx?ThumbnailID=467293&Width=460Đường Hoàng Minh Giám, đoạn gần nút giao Lê Văn Lương.https://ci6.googleusercontent.com/proxy/ryhxZLFMznVvYK1BgD_Ss2kaiHanbUyIi523x7qlFLWj8E422B hkdI6gqqjPlY6YJAW0gQ3coYiyLD-KGzncDVKwHx3ebo6Or0uba1D52UNwyzZv_-BHf6vZYw=s0-d-e1-ft#http://www.tamguong.vn/ImageHandler.ashx?ThumbnailID=467294&Width=460Quảng trường SVĐ Mỹ Đình đang tổ chức hội chợ cũng trong cảnh tan hoang.Theo trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia trước khi Hà Nội xảy ra cơn mưa giông lớn, phía đông bắc thủ đô xuất hiện vùng mây đối lưu phát triển tiến gần khu vực trung tâm thành phố. Vào khoảng 18h chiều 4/6, vùng mây đối lưu đã gây nên cơn mưa rào và giông cho khu vực phía đông bắc Hà Nội và các vùng lân cận. Sau đó vùng mưa mở rộng dần vào khu vực trung tâm thành phố gây nên gió giật mạnh, một số nơi có lốc. Các khu vực quận Ba Đình, Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm là nơi chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

Theo Zing

thylan
24-10-2014, 08:38 AM
Phố phường ngập nước, học sinh TP HCM ngồi xe ba gác về nhà

Do đường ngập nặng vào đúng giờ tan học, không thể đón con bằng xe máy, nhiều phụ huynh TP HCM phải thuê xe ba gác chở con về nhà.
Cơn mưa tầm tã chiều 23/10 khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TPHCM như quận 6, quận Bình Tân, quận Tân Phú…ngập nặng. Có thể kể đến các tuyến đường như Đặng Nguyên Cẩn, Tân Hóa, Hậu Giang, Tô Hiệu, (quận 6), đường Kinh Dương Vương, Tân Hòa Đông, Phan Anh (quận Bình Tân)

http://giaoducthoidai.vn/uploaded/ngocnd/2014_10_23/20141023221330ngaphai_lfrz.jpg?width=500

các tuyến đường này nước ngập sâu hơn nửa mét, khiến hàng trăm phương tiện chết máy, bì bõm trong dòng nước đen ngòm, bốc mùi nồng nặc.
Ghi nhận của VietNamNet trên đường hẻm số 278/66, đường Tân Hòa Đông, P. Bình Trị Đông, Q. Bình Tân nước ngập nửa bánh xe đã khiến hàng chục phương tiện chết máy. Đoạn đường hẻm dài hơn 500m đã biến thành “dòng sông”.

http://giaoducthoidai.vn/uploaded/ngocnd/2014_10_23/20141023221428ngapba_fbcg.jpg?width=500

Rất nhiều phụ huynh không thể chạy xe máy đến trường đón con nên phải lội nước cõng các em về nhà. Có phụ huynh phải chọn phương án thuê xe ba gác để đón con lúc tan trường…

Theo một số hộ dân sống tại hẻm này, nguyên nhân là do ảnh hưởng của công trình cải tạo kênh Tân Hóa- Lò Gốm và công trình tại vòng xoay Phú Lâm làm chặn dòng chảy của nước khiến nước tràn về khu vực gây ngập.

Đến 19h cùng ngày, tình trạng ngập tại con hẻm này cũng như trên nhiều tuyến đường khác vẫn chưa được cải thiện…

Theo Vietnamnet

thái thanh tâm
18-11-2014, 08:47 PM
Võ Tá Luân(11/18/2014 3:51:00 PM)

Những điều các bạn cần biết qua thống kê thế giới về Việt Nam để có thể đánh giá về khả năng lãnh đạo của VN về mọi mặt đời sống và xã hội. Dân số: Việt Nam hiện nay có dân số ước tính khoảng hơn 93 triệu người, đứng hàng thứ 13/243 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới. Dân số là một trong những đơn vị chính được dùng để đánh giá độ lớn và nhỏ của một quốc gia. Việt Nam đứng hàng thứ 13 có dân số đông nhất thế giới.Bởi vậy, xét về mặt dân số, Việt Nam không phải kém. Diện tích: Việt Nam có tổng diện tích đất liền khoảng 331,210 km2, đứng hàng thứ 61/189 quốc gia trên thế giới. Diện tích quốc gia cũng là một trong những đơn vị chính dùng để đánh giá độ lớn của quốc gia. Ở vị trí thứ 61, Việt Nam thuộc nhóm 1/3 quốc gia có diện tích lớn nhất thế giới.Bởi vậy, xét về mặt diện tích, Việt Nam không phải là kém. Duyên Hải: Việt Nam là một quốc gia có địa thế rất đặc biệt; vừa tiếp diện biển ở phía Đông, vừa dựa vào rừng cây và cao nguyên ở phía Tây. Việt Nam đứng hàng thứ 33/154 quốc gia có bề dài duyên hải dài nhất thế giới với chiều dài duyên hải 3,444 cây số. Nên biết rằng, có 47 quốc gia trên thế giới hoàn toàn nằm trong lục địa (không tiếp diện với biển) và 35 quốc gia có chiều dài duyên hải chưa đến 100 cây số. Bởi vậy, xét về mặt bề dài duyên hải, Việt Nam không phải là kém. Rừng cây: Việt Nam có tổng số diện tích rừng đứng hàng 45/192 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới với tổng diện tích rừng là 123,000 cây số vuông. Rừng Việt Nam được xếp loại rừng có hệ sinh thái đa dạng và đặc biệt.Mặc dù rừng cây ở Việt Nam bị khai thác một cách bừa bãi, nó vẫn nằm ở vị trí 1/3 các quốc gia đứng đầu về diện tích rừng.Bời vậy, xét về mặt diện tích rừng cây, Việt Nam không phải là kém. Đất canh tác: Việt Nam có tổng số đất canh tác là 30,000 cây số vuông, đứng hàng 32/236 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới. Tổng số lượng lúa được Việt Nam canh tác đứng hàng thứ 5 trên thế giới trong số 20 quốc gia canh tác lúa gạo. Xét về mặt đất canh tác (và đặc biệt canh tác lúa gạo), Việt Nam không phải là kém. Việt Nam không nhỏ với đơn vị kích thước, dân số, đất đai, biển đảo, rừng cây v..v… nhưng lại yếu kém về phát triển kinh tế, giáo dục, xã hội, và văn hóa… do quản lý rất tồi: 1. Giáo dục: Theo chỉ số Human Development, Việt Nam đứng hàng 121/187, có nghĩa là dưới trung bình. Không có một trường đại học nào của Việt Nam được lọt vào danh sách trường đại học có danh tiếng và có chất lượng. 2. Bằng sáng chế: Theo International Property Rights Index [8], Việt Nam đứng hàng 108/130 tính theo giá trị trí tuệ, có nghĩa là gần đội sổ. 3. Ô nhiễm: Theo chỉ số ô nhiễm, Việt Nam đứng ở vị trí 102/124, gần đội sổ danh sách. 4. Thu nhập tính theo đầu người: Tuy thu nhập quốc gia của Việt Nam đứng hàng 57/193, Việt Nam lại đứng hàng 123/182 quốc gia tính theo thu nhập bình quân đầu người. Có nghĩa là Việt Nam đứng trong nhóm 1/3 quốc gia cuối bảng có thu nhập đầu người thấp nhất. 5. Tham nhũng: Theo chỉ số tham nhũng mới nhất của tổ chức Transparency International, Việt Nam đứng hàng 116/177 có nghĩa là thuộc 1/4 quốc gia cuối bảng. 6. Phát triển xã hội: Theo chỉ số phát triển xã hội, Việt Nam không có trong bảng vì không đủ số liệu để thống kê. Trong khi đó, theo chỉ số chất lưọng sống (Quality of Life) thì Việt Nam có điểm là 22.58, đứng hàng 72/76, có nghĩa là gần chót bảng. 7. Y tế: Theo chỉ số y tế, sức khoẻ, Việt Nam đứng hàng 160 trên 190 quốc gia, có nghĩa Việt Nam đứng trong nhóm quốc gia có tổ chức y tế tệ nhất. Việt nam có đầy đủ tiềm năng nhưng tại sao tụt hậu ngày càng xa sau các nước khác?

thái thanh tâm
21-11-2014, 09:35 PM
Việt Nam: quốc gia hạnh phúc nhì thế giới, Mỹ xếp 105

Daily Mail đưa tin trong bảng danh sách các quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới (dựa theo chỉ số HPI), Việt Nam xếp thứ 2 trong khi Mỹ xếp 105. Đây là bảng xếp hạng do tổ chức nghiên cứu xã hội New Economic Foundation có trụ sở tại Anh công bố.
http://dantri4.vcmedia.vn/Ldc6Z4o9cYxy75j5rPtQm1jeD4kqE/Image/2014/11/11b/chisoHPa-96ec4.gif
Người Việt Nam luôn lạc quan

Chỉ số HPI không dựa trên sự giàu có mà dựa theo mứctuổi thọ của người dân, độ hài lòng của người dân và chỉ số môi trường. Theo chỉ số này, Costa Rica là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới 2014 tiếp theo là Việt Nam.

Trong top 10 các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, duy nhất Việt Nam là nước ngoài khu vực Mỹ Latin. Các nước trong top 10 còn lại là Colombia, Belize, El Salvador, Jamaica, Panama, Nicaragua, Venezuela và Guatemala.

http://dantri4.vcmedia.vn/Ldc6Z4o9cYxy75j5rPtQm1jeD4kqE/Image/2014/11/11b/chisoHP1a-96ec4.gif
Top 10 quốc gia hạnh phúc

http://dantri4.vcmedia.vn/Ldc6Z4o9cYxy75j5rPtQm1jeD4kqE/Image/2014/11/11b/chisoHP2a-96ec4.gif
Một số thứ hạng quan trọng
Một điều kỳ lạ là các nước phương Tây có chỉ số HPI rất thấp, tức là người dân cảm thấy không hạnh phúc lắm với điều kiện sống. Theo chỉ số này, Anh xếp 41, Pháp xếp 50, Tây Ban Nha xếp 62, Canada xếp 65, Úc xếp 76 và Mỹ xếp tận 105.

Năm 2006, Việt Nam xếp hạng thứ 12 nhưng đến 2009 đã nhảy lên top 5. Năm 2012, Việt Nam xếp thứ 2 và tiếp tục duy trì vị thế này cho đến nay.

Theo Anh Tú/Báo Dân trí

...

Giời ơi! Sướng quá!

Gió Bụi
22-11-2014, 01:49 PM
Võ Tá Luân(11/18/2014 3:51:00 PM)

nhưng lại yếu kém về phát triển kinh tế, giáo dục, xã hội, và văn hóa… do quản lý rất tồi:
1. Giáo dục: Theo chỉ số Human Development, Việt Nam đứng hàng 121/187, có nghĩa là dưới trung bình. Không có một trường đại học nào của Việt Nam được lọt vào danh sách trường đại học có danh tiếng và có chất lượng.
2. Bằng sáng chế: Theo International Property Rights Index [8], Việt Nam đứng hàng 108/130 tính theo giá trị trí tuệ, có nghĩa là gần đội sổ.
3. Ô nhiễm: Theo chỉ số ô nhiễm, Việt Nam đứng ở vị trí 102/124, gần đội sổ danh sách.
4. Thu nhập tính theo đầu người: Tuy thu nhập quốc gia của Việt Nam đứng hàng 57/193, Việt Nam lại đứng hàng 123/182 quốc gia tính theo thu nhập bình quân đầu người. Có nghĩa là Việt Nam đứng trong nhóm 1/3 quốc gia cuối bảng có thu nhập đầu người thấp nhất.
5. Tham nhũng: Theo chỉ số tham nhũng mới nhất của tổ chức Transparency International, Việt Nam đứng hàng 116/177 có nghĩa là thuộc 1/4 quốc gia cuối bảng.
6. Phát triển xã hội: Theo chỉ số phát triển xã hội, Việt Nam không có trong bảng vì không đủ số liệu để thống kê. Trong khi đó, theo chỉ số chất lưọng sống (Quality of Life) thì Việt Nam có điểm là 22.58, đứng hàng 72/76, có nghĩa là gần chót bảng.
7. Y tế: Theo chỉ số y tế, sức khoẻ, Việt Nam đứng hàng 160 trên 190 quốc gia, có nghĩa Việt Nam đứng trong nhóm quốc gia có tổ chức y tế tệ nhất.
Việt nam có đầy đủ tiềm năng nhưng tại sao tụt hậu ngày càng xa sau các nước khác?

mà "Việt Nam: quốc gia hạnh phúc nhì thế giới, Mỹ xếp 105"

Phải chăng thống kê, thông tin này họ lấy từ những người thuộc nhóm số 5 ở trên?
Thật là bótay.com hiểu được, chít liền!

thugiangvu
22-11-2014, 09:20 PM
Quote Nguyên văn bởi thái thanh tâm Xem bài viết
Võ Tá Luân(11/18/2014 3:51:00 PM)

nhưng lại yếu kém về phát triển kinh tế, giáo dục, xã hội, và văn hóa… do quản lý rất tồi:
1. Giáo dục: Theo chỉ số Human Development, Việt Nam đứng hàng 121/187, có nghĩa là dưới trung bình. Không có một trường đại học nào của Việt Nam được lọt vào danh sách trường đại học có danh tiếng và có chất lượng.
2. Bằng sáng chế: Theo International Property Rights Index [8], Việt Nam đứng hàng 108/130 tính theo giá trị trí tuệ, có nghĩa là gần đội sổ.
3. Ô nhiễm: Theo chỉ số ô nhiễm, Việt Nam đứng ở vị trí 102/124, gần đội sổ danh sách.
4. Thu nhập tính theo đầu người: Tuy thu nhập quốc gia của Việt Nam đứng hàng 57/193, Việt Nam lại đứng hàng 123/182 quốc gia tính theo thu nhập bình quân đầu người. Có nghĩa là Việt Nam đứng trong nhóm 1/3 quốc gia cuối bảng có thu nhập đầu người thấp nhất.
5. Tham nhũng: Theo chỉ số tham nhũng mới nhất của tổ chức Transparency International, Việt Nam đứng hàng 116/177 có nghĩa là thuộc 1/4 quốc gia cuối bảng.
6. Phát triển xã hội: Theo chỉ số phát triển xã hội, Việt Nam không có trong bảng vì không đủ số liệu để thống kê. Trong khi đó, theo chỉ số chất lưọng sống (Quality of Life) thì Việt Nam có điểm là 22.58, đứng hàng 72/76, có nghĩa là gần chót bảng.
7. Y tế: Theo chỉ số y tế, sức khoẻ, Việt Nam đứng hàng 160 trên 190 quốc gia, có nghĩa Việt Nam đứng trong nhóm quốc gia có tổ chức y tế tệ nhất.
Việt nam có đầy đủ tiềm năng nhưng tại sao tụt hậu ngày càng xa sau các nước khác?
mà "Việt Nam: quốc gia hạnh phúc nhì thế giới, Mỹ xếp 105"

Phải chăng thống kê, thông tin này họ lấy từ những người thuộc nhóm số 5 ở trên?
Thật là bótay.com hiểu được, chít liền!
Gió Bụi

Nghe tiếng Anh Thanh Tâm kêu :Giời ơi sướng quá...........
thì lại thương cho anh Gió Bụi ở cái xứ đứng hạng sau 100
Giời ơi khổ quá hả anh Gió Bụi ?
hu hu

Ngọc Mai
23-11-2014, 12:56 AM
Hổng hiểu gì hết trơn hết trọi ! :gn4: