PDA

Xem phiên bản đầy đủ : Chuyện của các văn nghệ sĩ



thái thanh tâm
20-08-2012, 08:01 PM
Nói chuyện Trung Quốc với ông Trần Đình Hiến và Hà Phạm Phú (bài 1)

Nguyễn Xuân Hưng


Bút Ký

Không nước nào như Trung Hoa, tầng lớp trí thức lại có một lịch sử truyền thống đặc biệt gắn bó với giai cấp thống trị bằng một loại nghề như thế. Đó là nghề quân sư. Thuở xa xưa, đó là những anh thuyết khách, kiểu như Tô Tần, Trương Nghi. Sau đó, Khổng tử cũng là một loại trí thức bôn ba, tìm cách tiếp cận với chính quyền để làm sao thực thi được cái đạo của mình. Rồi suốt lịch sử Trung Quốc, bao giờ các vị quân vương muốn trị quốc, bình thiên hạ cũng đều phải có quân sư. Lưu Bị phải 3 lần nhún mình, mới mời được Khổng Minh ra làm quân sư cho mình. Tào phủ thì đầy chặt quân sư từ Tuân Úc, Tuân Du cho đến Tư Mã Ý. Khổng Minh là một trường hợp tiêu biểu, khi ông ta làm quân sư thì rất sáng láng, đến khi làm Thừa tướng, tức là trực tiếp cầm quyền, thì hầu như kế sách của ông ta đều bị Tư Mã Ý cũng là quân sư tham chính, phá được. Khi anh không là quân sư nữa, thì anh ta cũng tầm thường như quan lại thường tình thôi.
Ông Trần Đình Hiến lý giải, tầng lớp người thuyết khách ở Trung Quốc thời Xuân Thu như Tô Tần, Trương Nghi, đến Khổng tử là những “túi khôn” trong một xã hội phong kiến vốn tôn ti trật tự, quan lại bậc cao thì thế tập, người thường không sao len chân lên tầng lớp chính quyền được. Họ chỉ có một cách là dùng ba tấc lưỡi để làm cho người cầm quyền dùng họ, thi hành cái “đạo” của họ. Ông Hiến cho rằng, xã hội Trung Quốc rất đặc biệt vì có tầng lớp quân sư này, nó có quan hệ quan trọng với sự hình thành Nho giáo và tư tưởng Đại Hán. Nhà Hán vĩ đại vì bắt đầu nắm lấy Nho giáo để trị quốc, từ đó các quy tắc tuyển dụng trí thức, làm cho trí thức bám chặt với chính quyền và nhuộm trí thức thành những ông quan để phục vụ cho vua. Hình mẫu quân tử theo các chuẩn mực Nho giáo có sự phân hóa thú vị, nếu anh ta có thể làm quan thì phục vụ triều đình, còn nếu không thể làm quan, cũng là vươn đến cấp độ “hảo hán” (một người Hán tốt) mà thôi.
Chu Ân Lai trong lịch sử hiện đại cũng là một kiểu quân sư tiêu biểu. Ông ta quê ở Thiệu Hưng, Triết Giang, một huyện có truyền thống hàng ngàn năm làm quân sư. Đó thực chất là vùng văn hóa Bách Việt truyền thống. Sau khi Hán hóa Trung Quốc, anh Bách Việt chỉ có cách chui vào chính quyền trung ương bằng nghề quân sư. Tôi đã nói chuyện với nhiều người Trung Quốc, họ nói Chu Ân Lai nếu là quân sư như thời trước khi làm Thủ tướng thì tốt, được Mao coi trọng, sau khi làm Thủ tướng, cũng như Không Minh làm Thừa tướng mà thôi.
Ông Hà Phạm Phú thì cho rằng, thực chất Trung Quốc hàng ngàn năm không có tầng lớp trí thức. Những kẻ có học, có tri thức luôn luôn có nguyện vọng cơ hữu với chính quyền. Khi anh luôn khao khát là một bộ phận của chính quyền, thì không bao giờ có phản kháng, không có phản biện, nếu có nói đến cái bánh thì thực ra chỉ là cái bánh vẽ mà thôi. Còn nếu anh vẫn muốn giữ tiết tháo, giữ nhân cách thì anh phải ở ẩn, về gõ đầu trẻ hoặc làm thuốc cứu người. Đó là tình thế hàng ngàn năm nay ở Trung Quốc.
Tôi nhớ lại Phạm Đông Vũ, đồng đạo diễn phim Vượt qua bến Thượng Hải, khi làm phim này, anh ta đề nghị một trường đoạn như sau: Khi ông Nguyễn Ái Quốc và người bảo vệ bị lùng sục, bị đói ở Thượng Hải, đợi giao liên của Tống Khánh Linh, thì ông Nguyễn có vẽ một cái bánh ra lề tờ báo. Người bảo vệ hỏi: “Anh vẽ cái gì đấy?” Nguyễn Ái Quốc trả lời: “Cái bánh. Người Trung Quốc có câu, ăn bánh vẽ cũng đỡ đói hơn không ăn gì”. Nói xong hai người cười hả hê. Phạm Đông Vũ lý luận: “Ông Nguyễn am hiểu Trung Quốc, mà trong khó khăn, ông Nguyễn luôn lạc quan hài hước. Người Trung Quốc cũng hay nói câu đó”. Phim quay rồi, nhưng khi duyệt tại Cục Điện ảnh thì chi tiết ấy bị cắt. Tôi và Vũ đều tiếc.
Nếu theo dõi cái Nho giáo Trung Hoa, thì thấy nó đi liền với tư tưởng Đại Hán. Chính nó góp phần quan trọng cho việc hình thành nền văn hóa Hán. Nếu nghiên cứu Khổng tử mà không có phản biện, thì vô tình đi vào con đường xuất khẩu tư tưởng Đại Hán một cách tinh vi. Một trí thức Nho giáo, một quân tử Tàu theo hình mẫu truyền thống thực chất thế nào? Đạo nhân của Nho gia lấy hình mẫu “quân tử”, đó là hình mẫu của người cai trị. Vươn đến “quân tử” thì còn nói làm gì nữa. Cho nên mới phải noi theo hình ảnh lý tưởng của họ, nào là tam cương ngũ thường, nào là tu tề trị bình. Tất nhiên anh chỉ có thể mon men đến chỗ của các ông quan đứng bên cạnh nhà cầm quyền để thi hành cái đạo của họ. Đạo đó là cái gì? Nói thì văn hoa, là quân thần, phụ tử, phu phụ, là tôn ti trật tự, là nhân nghĩa lễ trí tín, nhưng thực chất là để đạt đến mức sống của ông quan hưởng lạc chót vót. Tu, tề, trị, bình để làm gì? Cũng là để đạt tới khoái sướng cá nhân quân tử trên cơ sở phủ định người khác. Nếu không có tầng lớp dân đen lúc nhúc ở tầng dưới, thì anh ta có thực hiện được hoài bão ấy không? Có cái đạo nào hướng đến sự hưởng lạc hơn đạo Nho, mà lại giấu kỹ thực chất ấy của con người hơn là đạo Nho. Đó là một cái đạo nâng dối trá đến mức nghệ thuật. Khinh thường phụ nữ, nhưng lại muốn có nhiều phụ nữ để cân bằng âm dương. “Quân tử thực bất cầu bão”, nhưng lại coi mục đích làm quan, vươn lên đứng dưới một người, trên vạn người, ăn gì thỏa thích, là con đường vinh dự.
Đặc tính thông thường của người ta là dễ làm những điều buông thả, dễ thực hiện dục vọng cá nhân, còn thì khó rèn dũa để vì cộng đồng, vì người khác. Điều quái lạ là nền văn hóa Hán với Nho giáo làm nền tảng tư tưởng lại rất hấp dẫn tầng lớp cầm quyền, dù là thuộc tộc người nào, bởi vì nó hướng vào khuyến khích dục vọng, nên nó dễ lây, dễ lan truyền. Nào là Nguyên Mông, nào là Mãn Thanh, nào là Khiết Đan… tất cả dù có đánh thắng người Hán, thì rồi cũng hấp thụ Nho giáo, vô tình biến thành Hán cả. Nói theo ngôn ngữ thời kỹ thuật số, thì cái đạo Nho đúng là tự nó có chức năng “portable”, tự chạy chứ không cần phải cài đặt, chỉ cần một phần cứng tối thiểu là tự chạy thôi. Nó tự lừa dối và hấp dẫn con người đạt đến nhu cầu cá nhân tối thượng là có quyền, có thế, có thể nô dịch người khác.
Ông Hà Phạm Phú nói, ông đọc sách chữ Hán, ngay người Trung Quốc cũng công nhận, trong lịch sử Trung Quốc, chỉ có Lưu Bang và Chu Nguyên Chương là các vua khai quốc đúng là gốc Hán. Dù cho tự nhận là Hán, nhưng họ Triệu lập nên nhà Tống lại có nguồn gốc du mục, và lạ thay, chính từ thời Tống nảy nòi ra Chu Hy, người đã nâng Nho giáo lên đỉnh cao. Tống Nho thành một hòn đá tảng học thuật gia cố Nho giáo, trở thành một tôn giáo, thành Đạo Nho tỏa bóng lên xã hội và con người Trung Quốc.
Hùng mạnh như Kim Quốc, Nữ Chân hay Nguyên Mông, Mãn Thanh, mà nô dịch người Hán thì con cháu họ cũng thành Hán. Còn Đại Việt nhỏ bé đánh thắng, đuổi người Hán đi, nhưng tình nguyện “vờ” làm chư hầu, thì dù ít hay nhiều cũng bị Hán hóa. Dân tộc thì còn, nhưng tập tục thì dần biến đổi. Thời Minh thuộc, sự tiêu diệt văn hóa ghê gớm nhất đối với Đại Việt, sau đó nhà Minh bại trận. Nhưng Đại Việt của Lê Thái tổ sau chiến thắng thì bắt đầu mô phỏng xã hội Nho giáo Trung Hoa ở mức toàn diện nhất từ trước đến đó. Từ tam giáo đồng nguyên thời Lý cho đến Phật giáo chủ đạo thời Trần đã tàn lụi để cho Nho giáo độc tôn. Việc này có hậu quả dai dẳng cho đất nước và dân tộc mấy trăm năm, từ Mạc đến Lê Trung hưng và Nguyễn.
Thời Trần, chỉ có Trần Ích Tắc hàng quân Nguyên. Ích Tắc là quân tử hào hoa ở Thăng Long thấm nhuần Nho giáo. Cho đến Lê Chiêu Thống, một sản phẩm của xã hội Nho giáo thời Lê, không ngần ngại gọi người Thanh vào đất nước mình. Khi anh cùng hệ tư tưởng với nhau thì đôi khi quên dân tộc, chỉ thấy đâu cũng là Nho, Trung Nguyên hay Đại Việt cũng Nho cả, mà không thấy Nho chính là Đại Hán. Thời nhà Mạc, tư tưởng Nho giáo mất địa vị chủ đạo, vẫn tuyển bổ quan lại, nhưng phục hồi Phật giáo, Lão giáo, các vua Mạc sau khi mất kinh đô, trấn thủ biên cương Cao Bằng, dù cho yếu thế, nhưng tại sao không hề có ý định mời người Trung Quốc vào giúp mình, đó là một bí ẩn lớn hậu thế cần suy xét. Tôi cho rằng điều này có nguồn gốc về hệ tư tưởng. Nhà Mạc nghi ngờ Nho giáo, có bài học do sửa chữa sự suy đồi của xã hội Nho giáo cuối Lê. Chính điều đó khiến họ bị trả giá, bị tập đoàn phục Lê tiêu diệt. Nhà Mạc còn bi kịch ở chỗ, dù còn trấn thủ Cao Bằng, nhưng không có một sử gia riêng nào để lại một chữ thanh minh cho hậu thế, đến nỗi sau này, tất cả tài liệu lịch sử đều do các Nho gia phò Trịnh phò Nguyễn viết ra cả.

thái thanh tâm
20-08-2012, 08:02 PM
Nói chuyện Trung Quốc với Nhà văn Trần Đình Hiến và nhà văn Hà Phạm Phú (bài 2)

Nguyễn Xuân Hưng


Một di sản hàng ngàn năm như Nho giáo Trung Hoa, dù cho có kêu gào “phê Nho” thế nào, thì nó vẫn còn đó, rợp bóng lên hiện tại. Bây giờ thì dường như đã là một Trung Quốc khác, mà nhìn kỹ thì vẫn ra hậu hệ của Nho, thực ra “nó” vẫn là “nó”. Người Trung Quốc độc tôn một ông vua ngày xưa, thì nay vẫn độc tôn một ông Mao. Đến Đặng Tiểu Bình nói “Mao 7 đúng 3 sai”, thì vẫn là độc tôn Mao như một loại hoàng đế. Người ta giữ lại cặp quan hệ “quân thần”, chỉ đánh đổ quan hệ “phụ tử”, còn lại toàn bộ lý thuyết Nho giáo vẫn sừng sững ra đó. Đặc biệt, tư tưởng Đại Hán thì phát huy hết cỡ.
Một đạo diễn Trung Quốc nói với tôi: “Quốc hội Trung Quốc mấy chục năm nữa không biết có dân chủ như Quốc hội Việt Nam không. Cán bộ Trung Quốc xấu lắm, nhưng có một điều tốt làm cho những cái xấu khác được tha thứ. Đó là làm cho Trung Quốc mạnh lên”. Dường như thấy tôi tỏ ra không hiểu, anh ta nói rõ hơn: “Đảng cộng sản bảo, hai trăm năm nhà Thanh làm cho Trung Hoa yếu hèn, bây giờ là lúc làm cho Trung Quốc lãnh đạo thế giới. Nói thế hầu hết đều thấy được”
Trước kia, Nho gia nói đến “Thiên hạ” là Trung Quốc ở giữa, xung quanh man di mọi rợ cả. Ngày nay người dân Trung Quốc nhân nhượng cho các sai lầm của chính quyền, miễn là làm cho Trung Quốc lãnh đạo thế giới.
Ông Trần Đình Hiến và Hà Phạm Phú đều là những người dùng tiếng Hán, chữ Hán. Các ông tỏ ra thú vị với ngôn ngữ Việt. Trước kia người Việt gọi người Hán là “khách trú”, rồi biến thành “chú khách”. Đó là cách nói còn lịch sự. Chứ còn cách nói “thằng Ngô con đĩ” thì là hết nước kinh thường rồi.
Xét cho cùng thì nhân dân Trung Quốc cũng như nhân dân ta cả thôi. Họ cũng lưu lạc. Lịch sử hàng ngàn năm vốn như thế. Nhưng mọi thứ là do chóp bu. Và do tầng lớp sát cạnh chóp bu làm nghề quân sư.
Do đặc tính chữ Hán, mà người Trung Quốc rất giỏi đúc kết các châm ngôn bằng ít từ gợi tả. Khổng tử truyền bá Nho học, cũng từ những câu rời rạc, mà rất gợi tả. Quân tử thì có “tam cương, ngũ thường”, phụ nữ thì có “tam tòng, tứ đức”. Con đường hành đạo của Nho gia là phấn đấu “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Như thế thì từ thấp đến cao trong xã hội cũng đều có thể hưởng lạc mà dối trá với người không có Nho.
Ông Trần Đình Hiến nói: Trung Quốc hiện nay có phương châm “8 chữ” chắc nhiều người không biết. Đó là “Nam dụ, bắc bình, đông lấn, tây an”. Việt Nam lọt vào khu vực vừa “nam dụ”, vừa “đông lấn”. “Nam dụ” là dụ dỗ các nước phương Nam về đối ngoại, trong đó có khối Asean, có các nước đang phát triển trong đối thoại NAM-NAM.
“Đông lấn” là lấn ra biển đông, chèn ép Đài Loan, lấn chiếm biển Đông, lấn đảo của Nhật Bản, cái đó quá rõ. Phía Bắc họ phải bình ổn với Nga và Mông Cổ đang là đối trọng với Mỹ. Phía Tây tăng cường an ninh với Tây Tạng, yên ổn với phương Tây tư bản mà họ chưa dám đối đầu. Tám chữ của họ không ngoài tư tưởng Đại Hán, vẫn chưa ra ngoài Đạo Nho truyền thống, coi Trung Quốc ở giữa, ngày xưa thì Nam Man, Tây Nhung (Mọi), Đông Di, Bắc Địch (Rợ), nay có khéo léo hơn, không gọi thẳng ra thế, nhưng cứ nghe nào là dụ, nào là an, là bình, là lấn, thì xem ra người Hán vẫn nhìn thế giới như xưa thôi

thái thanh tâm
20-08-2012, 08:04 PM
Nói chuyện Trung Quốc với Nhà văn Trần Đình Hiến và nhà văn Hà Phạm Phú (bài 3)

Nguyễn Xuân Hưng


Một đạo diễn Trung Quốc hiện sống ở Bắc Kinh, làm việc cho Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc, tôi đã gặp anh ta trong mấy lần đi làm phim tại Trung Quốc.
Anh ta sau khi nghiên cứu tiểu sử Hồ Chí Minh, thì nói: Trước kia, tôi nghĩ lãnh tụ cộng sản kiểu như Mao, Lâm, Chu cả, nhưng bây giờ tôi mới biết, có một kiểu như Hồ Chí Minh. Hồ giống Tôn Trung Sơn hơn cả. Hồ Chí Minh đặc biệt là tam dân, chứ không bao giờ nói chuyên chính vô sản. Đó là điều tôi thích. Khi cởi mở rồi, thì anh ta kể cho tôi nghe chuyện Thiên An Môn. Anh ta suýt là nạn nhân ở Thiên An Môn năm 1989. Vì khi đó anh ta đang là sinh viên, tham gia vào tổ chức hội sinh viên, biểu tình ở Thiên An Môn.
Vì sao ông ta sống sót, đó là một sự may mắn tình cờ. Đó là đúng vào hôm đến phiên anh đi biểu tình ngồi ở Thiên An Môn, thì ông bố ốm tưởng chết ở quê, nên anh ta phải về. Anh ta nói, sau này anh ta coi như mình mắc một món nợ với các bạn đã chết ở Thiên An Môn, những người mà cho đến nay gia đình vẫn không biết, không dám nói đến, không dám hỏi chính quyền về họ.
Anh bạn này nói với tôi câu chuyện lan truyền trong dư luận Bắc Kinh từ bấy lâu nay: Đặng Tiểu Bình khi đàn áp sinh viên thì có do dự. Nhưng khi viên tướng tư lệnh một quân khu phía Bắc đến cuộc họp nói rằng, chúng ta đã mất 30 triệu người để có chính quyền này, sinh viên có 30 triệu cái đầu trả cho chúng ta thì chúng ta cho họ chính quyền. Thế là Đặng hạ lệnh đàn áp.
Anh đạo diễn cười nói, họ tính 30 triệu nhân mạng là tính từ Trường chinh, chiến tranh giải phóng, qua Cách mạng văn hóa đấy. Thật là một ngụy biện kinh khủng. 30 triệu người này thì giặc Nhật giết bao nhiêu, còn lại là bao nhiêu không phải do chiến tranh chống Nhật? Chính quyền sinh ra từ họng súng, đứng lên từ sinh mạng nhân dân, mà lại mang cái đó ra mặc cả với sinh viên?
Cuộc đời Đặng Tiểu Bình có nhiều chiến công hiển hách, có công biến đổi Trung Quốc thành hiện đại, hùng mạnh, nhưng ông ta có 2 vết đen không sao gột rửa được, đó là giết sinh viên ở Thiên An Môn và đánh Việt Nam.
Đặng Tiểu Bình cũng là một gương mặt tiêu biểu của người Trung Quốc hiện đại, thăng trầm và thâm trầm, khôn khéovà phản phúc, văn vẻ và hủ bại, đầy đủ cả.
Khi nói về người Trung Quốc tiêu biểu, ông Trần Đình Hiến nói đến Kim Dung. Vì sao Kim Dung trở thành một nhà văn vĩ đại, chỉ nhờ vào những chuyện chưởng tưởng như vô thưởng vô phạt. Đó là vì ông ta miêu tả thực chất nhất xã hội và con người Trung Quốc. Một xã hội điên đảo, cuối cùng chỉ có võ công kiệt xuất mới chiếm được quyền tự do làm người. Một xã hội mà con người không biết thực giả thế nào. Kẻ ấm ớ có thể là một vĩ nhân, người ra vẻ hay ho thực ra lại là tên hủ bại. Ngôn ngữ và hành xử trong chưởng Kim Dung thật là một cách hiển thị cái chất hảo hán giang hồ. Đó đặc trưng của loại ngôn ngữ dối trá, là loại xảo ngôn. Khi nhún mình thì nhún sát đất, nào là xưng là bỉ nhân, nào là gọi chỗ ở là tệ xá, nào là trộm nghĩ với lại liều chết trần tình… Và khi ngạo mạn cũng hết chỗ nói. Chính trị gia lão luyện bỗng trở nên tục tằn đê tiện, ngạo mạn nói dạy cho Việt Nam một bài học chẳng hạn. Đó chính là xã hội Trung Quốc hàng ngàn đời nay. Trong một xã hội như thế, dĩ nhiên tầng lớp tinh hoa lãnh đạo đất nước phải là những con người tiêu biểu, đúc kết các phẩm chất truyền thống rõ nhất.
Đạo diễn Nghệ sĩ nhân dân Lê Thi khi đi làm phim với tôi ở Trung Quốc, chúng tôi đã lê la chợ búa, đi ô tô chợ, ăn cơm bụi, nghĩa là không đi máy bay chuyên cơ, không có phái đoàn ra đón. Chúng tôi làm việc với đồng nghiệp Trung Quốc, ở hãng phim Châu Giang có bộ phận làm phim tài liệu mà toàn những người ấm ớ làm kỹ thuật dựng phim cũ rích những năm sáu mươi, nhưng cũng có những tay “anh chị” đã từng làm ê kíp phim với Trương Nghệ Mưu thời mở cửa. Ông Thi rút ra kết luận: À thì ra, người dân Trung Quốc cũng cần cù như mình, thậm chí họ còn ngu hơn mình; nhưng đã là lãnh đạo rồi, thì bất kỳ anh lãnh đạo nào cũng khôn hơn lãnh đạo cùng cấp của mình, trí trá hơn, thâm hiểm hơn, càng lên cao mức độ càng lớn.
Tôi giật mình: Câu này nghe quen quen. Hình như có một ông ngày xưa đi Pháp cũng nói thế.

thái thanh tâm
20-08-2012, 08:05 PM
Nói chuyện Trung Quốc với nhà văn Trần Đình Hiến và nhà văn Hà Phạm Phú. (bài 4)

Nguyễn Xuân Hưng

Một câu chuyện chính trị bi hài, được ông Trần Đình Hiến kể lại. Đó là chuyện liên quan đến vụ án Lâm Bưu.
Sau này, mọi người mới biết ngày 13/9/1971 là ngày mà vụ án Lâm Bưu xảy ra. Nhưng trong ngày hôm đó, không ai hiểu được sự căng thẳng, hoang mang bao trùm lên giới chóp bu Bắc Kinh. Một phái đoàn của Phó thủ tướng Lê Thanh Nghị đi qua Bắc Kinh mấy ngày hôm sau xảy ra vụ Lâm Bưu, đã phải chờ đợi lệnh đồng ý hạ cánh rất lâu. Cuối cùng thì ông Lê Thanh Nghị đã phải hạ cánh ở một sân bay quân sự nhỏ, rồi được đưa bằng ô tô về Bắc Kinh. Lúc đó, ông Lê Thanh Nghị cũng không hiểu thế nào.
Mười ngày sau, một phái đoàn cấp cao của Việt Nam đến Trung Quốc, thì Chính phủ Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc mới được thông báo về cái chết của Lâm Bưu. Theo phía Trung Quốc, Lâm Bưu đã định làm đảo chính chống lại lãnh tụ Mao Trạch Đông, cùng với Lâm Bưu, có một danh sách 9 vị lãnh đạo ủng hộ Lâm Bưu. Cả 10 người này, sau khi thấy âm mưu thất bại, đã lên máy bay bay đi Liên Xô, nhưng bị bắn hạ tại Mông Cổ.
9 người tạo phản theo Lâm Bưu được đưa ra danh sách, gồm: vợ, con trai, thư ký và 6 vị tướng lĩnh là Hoàng Vĩnh Thắng, Ngô Pháp Hiến, Khưu Hội Tác,… và nhiều vị nữa. Trong đó toàn các tướng lĩnh, nguyên soái và đại tướng cầm đầu một số quân binh chủng.
Nhưng, khi vụ án Giang Thanh xảy ra, nhiều vị tướng lĩnh bị gọi ra làm nhân chứng, trong đó có đến 6 vị trong danh sách mà phía Trung Quốc đã thông báo với Việt Nam là chết theo Lâm Bưu khi nổ máy bay ở Mông Cổ. Các vị này được phía Trung Quốc trịnh trọng tuyên bố đã chết ở thảo nguyên Mông Cổ, sau hơn 10 năm lại đội mồ sống lại ư?
Vậy thì, sự thật về cái chết của Lâm Bưu thế nào? Chắc chắn rằng ông ta không phải bị chết khi bay lên máy bay chạy đi Liên Xô.
Lại nữa, khi Tổng bí thư Lê Duẩn có việc đi qua Bắc Kinh, được Mao tiếp đón. Mao đã thông báo với Lê Duẩn về vụ Lâm Bưu, cuối cùng nói thêm một câu: Trong vụ này, tôi và Chu thủ tướng là một.
Tức là thường thì hai vị ấy không chắc đã là một?
Nhà văn Trần Đình Hiến do cương vị công tác, đã chứng kiến sự việc lịch sử này.
Vả lại, sự thật về Lâm Bưu, hay chính sự thật về Mao- Chu có là một hay không, chắc khó mà biết được. Những động thái chính trị của Trung Nam Hải mang đậm màu sắc sân khấu bi hài. Những con người chính trị của Trung Quốc từ thời Xuân Thu cho đến nay đều có đức tính chung là trí trá.

thái thanh tâm
20-08-2012, 08:06 PM
Nói chuyện Trung Quốc với nhà văn Trần Đình Hiến và nhà văn Hà Phạm Phú. (bài 5)

Nguyễn Xuân Hưng


Trần Đình Hiến có một giai đoạn công tác ở Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc từ 1965 đến 1973. Đó là những năm tháng động loạn, cuộc cách mạng văn hóa kinh hoàng trên đất nước ấy. Ông Hiến vô tình là người quan sát trực tiếp đất nước và con người Trung Quốc trong một thời điểm đặc biệt mấy nghìn năm không bao giờ có.
Sau năm 1949, cuộc cải cách ruộng đất của Trung Quốc rung chuyển cả quốc gia sáu trăm triệu dân, cái tiếng vọng của nó rơi rớt về phương Nam, làm cuộc cải cách ruộng đất ở Việt Nam. Một thanh âm rơi rớt mơ hồ thế, mà cho đến nay, mấy thế hệ cứ nghĩ đến còn sây sẩm mặt mày, thế thì tiếng nổ thật của nó ghê gớm thế nào. Vậy mà, so tiếng gầm đại bác cuộc đại cách mạng văn hóa vô sản nổ ra năm 65, 66, thì cuộc cải cách ruộng đất sau giải phóng Trung Quốc chỉ là cái pháo tép. May thay, cuộc cách mạng văn hóa điên đảo ấy không thâm nhập được một tý ty nào vào đến Việt Nam. Có nhiều chuyện âm u mơ hồ nói về việc vì sao “nó” không vào được nước ta, là do sự cứng cỏi, trưởng thành hơn của các nhà lãnh đạo, cũng có thể là do đất nước ta lúc đó đang đánh Mỹ.
Hồi năm 2000 hay 2001 gì đó, khi chuẩn bị làm báo Tết báo Đầu Tư, tôi có trực tiếp đến đặt bài ông Trần Quốc Vượng. Ông Vượng viết tay, bài báo ấy giờ tôi còn nhớ, nó là bài về “Thăng Long tứ trấn”. Tôi đến ông Trần Quốc Vượng một lần để đặt bài, và một lần để lấy bài. Leo lên gian nhà ông Vượng ở Khu tập thể Kim Liên. Nhà cũ, chật chội, hành lang tối lắm.
Ông Trần Quốc Vượng nói mấy chuyện, thế nào lại nói về cách mạng văn hóa ở Trung Quốc, và nói về Hồ Chí Minh. Ông Vượng nói đại ý: Ban lãnh đạo Trung Quốc tất nhiên là hối thúc Việt Nam cùng làm cách mạng văn hóa. Thông điệp chuyển đến, họp hành nhiều, “họ” vẫn động viên các đồng chí “làm”, rồi họ hứa cho súng, cho giày dép, cho lương thực. Lúc đó, Mao Trạch Đông vừa đi bơi qua sông Trường Giang, có một tiểu đội người nhái đỡ bụng. Cụ Hồ bèn viết cho Mao Trạch Đông một bức thư, đó là bài từ có 4 câu, bằng chữ Hán, dịch ra như sau: “Nghe tin ngài xuống Trường Giang/ Nhân dân Trung Hoa vui mừng khôn xiết/ Việt Nam chúng tôi đang đánh giặc/ Chúc ngài vạn thọ vô cương”. Mao Trạch Đông nhận được thư, không nói gì đến làm cách mạng văn hóa với Việt Nam nữa. Ông Vượng khi đó bảo tôi: Cậu biết vì sao Mao thôi không nói gì nữa không? Có câu nào Ông cụ bảo thôi chúng tôi không làm theo các ông đâu. Thế mà “nó” thôi. Ông cụ thâm lắm, phải hiểu người Hán mới viết như thế để cho nó thôi. Chứ có câu chuyện nói rằng, cụ Hồ bảo Mao: Chúng tôi còn làm cách mạng võ hóa. Cụ Hồ sao lại nói năng thô thiển thế. Mao nghe thế “nó” không cười cho à?
Sau đó, tiếc thay tôi không gặp ông Vượng lần nào nữa để hỏi ra chuyện đó thực hư ra sao. Đến khi tôi hỏi ông Trần Đình Hiến, thì ông Hiến bảo ông không biết chuyện bài từ đó. Nhưng ông Hiến biết, và chứng kiến một chuyện.
Cuộc cách mạng văn hóa Trung Quốc có tiền đề từ những bất đồng nội bộ sau cuộc phát động đại nhảy vọt của Mao. Ngày 16/5/1966, Bộ Chính trị Trung Quốc chính thức có thông báo về cuộc Đại cách mạng văn hóa vô sản. Ngày 18/5/1966, Lâm Bưu tuyên bố sùng bái Mao Chủ tịch, chính thức phát động đấu tranh nhằm vào phái hữu. Ngày 29/5 thì nhóm Hồng vệ binh đầu tiên được thành lập ở Trường Đại học Bắc Kinh. Đến ngày 1/6/1966, Nhân Dân nhật báo chính thức hô hào tiến hành công kích vào giới phản động. Họ đã tìm thấy rất nhiều phản động, từ cấp Phó chủ tịch nước và cấp lãnh đạo khai quốc công thần, cho đến các dân đen.
Trong những ngày âm ỉ một cuộc đảo lộn trời đất Trung Quốc ấy thì Hồ Chí Minh đến Trung Quốc. Đó là ngày 25/5/1966. Mối quan tâm lớn của nhà lãnh đạo Việt Nam hẳn là mấy vạn quân Mỹ đã và đang nhảy vào miền Nam, chiến tranh leo thang ra miền Bắc. Hồ Chí Minh lúc đó sức khỏe bắt đầu kém, nên đánh tiếng là đi nghỉ tại một khu nghỉ mát có suối khoáng dành riêng cho lãnh đạo ởTrung Quốc. Hồ Chí Minh đến đó, và Mao Trạch Đông cũng đến đó. Hai ông đã gặp nhau suốt hai ngày hai đêm và không cho bất cứ ai đến gần. Không phiên dịch, vì Hồ Chí Minh nói tiếng Hán. Không ghi chép, hay nhân viên phục vụ văn thư, chỉ có những người nấu bếp. Hai ông già đã nói những chuyện gì cho đến nay chưa một ai tiết lộ. Chỉ biết rằng, Mao Trạch Đông không thể đi chơi, trong khi tình hình chính trị Trung Quốc đang sôi sùng sục. Chính ngày 25/5, xảy ra câu chuyện báo chữ to ở Trường Đại học Bắc Kinh, sau này là cớ để bùng nổ đội quân Hồng vệ binh. Những ngày đó, Mao lại đang nói chuyện với Hồ Chí Minh. Vậy họ nói chuyện gì? Chuyện gì thì chắc chắn có nội dung về cuộc cách mạng sắp nổ ra, xoay chuyển Trung Quốc.
Sau đó, có một đoàn đại biểu cấp cao của Đảng Lao động Việt Nam đi Liên Xô, qua Bắc Kinh, ông Lê Duẩn trực tiếp đến thăm Hồ Chí Minh tại nơi nghỉ dưỡng. Hồ Chí Minh có nói với Lê Duẩn và cán bộ đi cùng, có sự có mặt của cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, rằng: “Chuyện của người ta phức tạp lắm, các chú phải theo dõi kỹ mới hiểu được”. Nghĩa là Hồ Chí Minh dặn, người ta nói vậy nhưng phải xem họ làm thế nào, cứ nên đứng nhìn xem thôi, chớ có hồ đồ.

thái thanh tâm
20-08-2012, 08:06 PM
Nói chuyện Trung Quốc với ông Trần Đình Hiến và Hà Phạm Phú (bài 6)

Nguyễn Xuân Hưng


Nhà văn Hà Phạm Phú gần đây ra mắt cuốn tiểu thuyết lịch sử “Trưng Trắc”. mô tả cuộc khởi nghĩa Bai Bà Trưng năm 40. Đọc tiểu thuyết của ông Phú về giai đoạn đầu thế kỷ thấy cũng thích, nhưng thủ vị nhất là ông Phú lý giải mối quan hệ Giao Chỉ với nhà Hán. Theo ông Hà Phạm Phú, trước khi Mã Viện đàn áp Hai Bà Trưng, cơ cấu xã hội, phong tục tập quán của nước Nam Việt hầu như còn nguyên vẹn. Dù cho triều đình Nam Việt do Triệu Đà dựng nên đã sụp đổ, nhưng do thủ đô ở xa, sự đô hộ của nhà Hán lỏng lẻo, miền đất Nam Trung Quốc và Bắc Việt Nam ngày nay vốn nằm trong địa phận nước Nam Việt vẫn chưa bị Hán hóa đáng kể gì. Phong tục tập quán của Âu Lạc lấy sự nguyên sơ làm căn bản, phong hóa bản địa rõ rệt, ảnh hưởng Nho giáo còn chưa có, mãi sau này Nhâm Diên và Sĩ Nhiếp mới truyền bá Nho học, vậy thì lúc Hai Bà Trưng sống, chế độ mẫu hệ mới có đất sống chứ.
Tại sao cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng lãnh tụ phần lớn là đàn bà? Bởi vì thái thú và bộ máy chính quyền Hán đô hộ là đàn ông, còn lại tín ngưỡng, phong tục vẫn là mẫu hệ. Hai Bà Trưng phất cờ, thì các bộ tộc có các thủ lĩnh đàn bà theo ngay. Và, điều căn bản, theo ông Hà Phạm Phú, cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng không phải chỉ xảy ra ở phần đất sau này là Bắc Việt Nam, mà xảy ra ở phần đất nước Nam Việt cũ, tức bao gồm mấy tỉnh Nam Trung Quốc, như Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam ngày nay.
Ông Hà Phạm Phú có thời gian công tác tại 3 tỉnh Nam Trung Quốc trên đây, với vốn tiếng Hán dày dặn, ông đã tích trữ tư liệu và kinh nghiệm sống để thai nghén tiểu thuyết “Trưng Trắc”. Hầu hết các tỉnh Nam Trung Quốc đều có đền thờ Vua Bà. Sau này, do nguyên nhân nào đó mà Trung Quốc diễn đạt khác đi, nhưng đó chính là thờ Hai Bà Trưng.
Tôi cho rằng, truyền thống thờ Vua Bà còn ảnh hưởng đến quá trình tiếp thu đạo Phật. Thiền tông truyền từ Ấn Độ qua Nam Trung Quốc, rồi lần thứ hai vào Việt Nam, sau làn sóng khởi thủy từ đầu công nguyên. Trong Thiền tông và Phật giáo nói chung theo hệ phái này, Phật Bà Quan Âm đặc biệt được đề cao. Tín ngưỡng truyền thống có thể đã sống lại, len lỏi qua luật lệ chính quyền Hán hóa, sống lại với tôn giáo.
Ông Phú lý giải có thực tiễn và có dẫn chứng, Hai Bà Trưng giải phóng 65 thành, đó là thành lũy của nước Nam Việt cũ, chứ chỉ có Giao Chỉ thì làm sao có 65 thành?
Như vậy, có một sự thật mà các giáo trình lịch sử nước ta không nói ra, mà chỉ có các nhà sử học biết thì biết với nhau: Có mệnh đề quan trọng là: Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng xảy ra tại phần đất nước Nam Việt cũ, tức là Bắc Việt Nam và Nam Trung Quốc ngày nay. Từ mệnh đề này, có thể soi sáng cuộc tranh luận về cột đồng Mã Viện. Mã Viện diệt Hai Bà Trưng xong, trồng một cái trụ đồng ở phân giới Việt -Hán. Thư tịch Trung Quốc cổ đã chỉ ra vị trí trụ đồng ở trong nội địa Nam Trung Quốc. Dĩ nhiên cũng có tam sao thất bản, nhưng sau thời Minh -Thanh, thuyết mang cột trụ đồng về phía Nam nước ta thực ra vô tình tiếp tay cho tư tưởng Đại Hán mà thôi.
Tôi hỏi các ông Hà Phạm Phú và Trần Đình Hiến, tại sao mệnh đề này người Việt Nam ta không nhắc đến một cách đàng hoàng và rõ ràng? Tại sao không giáo dục cho con em chúng ta lòng tự hào dân tộc như vậy. Ta nói thế, nhưng không bao giờ đi đòi đất Trung Quốc cơ mà. Lịch sử vốn nó như vậy… Hai ông nhà văn đều nói: Chúng ta là nhà văn, việc này có lẽ để nhà sử học và nhà giáo dục giải quyết chăng?
Dĩ nhiên là tôi biết, chuyện này liên quan sâu sắc đến việc các cụ nhà ta thời phong kiến nhìn nhận Triệu Đà là vua nước Nam Việt, và quốc thống nối nước Âu Lạc là Nam Việt. Như vậy dẫn đến một tranh luận về Triệu Đà và nước Nam Việt, về quá trình Hán hóa các dân tộc phương Nam (không chỉ ở Việt Nam). Bây giờ ai, phía nào sợ điều đó, suy ra được ngay. Người Việt chắc là không sợ rồi. Dẫn đến một hệ quả quan trọng: Người làm chính trị ở một tầm nào đó nhất định phải am hiểu lịch sử dân tộc.
Điều tôi ủng hộ ông Hà Phạm Phú là lao động nghiêm túc khi viết một tiểu thuyết lịch sử. Tôi chỉ dám viết về thời vua Đinh, về thời Trịnh –Nguyễn. Khi đó lịch sử tương đối rõ trong tư liệu thành văn. Còn thời Hai Bà Trưng, phải mô tả xã hội Hai Bà Trưng sống thế nào đây, nếu hiểu rằng Hai Bà chỉ làm khởi nghĩa ở phần đất ngày nay là Việt Nam thôi. Và, nếu không hiểu căn nguyên bối cảnh xã hội ấy, sẽ nông cạn cho rằng ông Phú miêu tả sex thái quá, phồn thực thái quá. Bởi vì một xã hội chưa có Nho giáo đè nặng vào như một cái cùm tôn ty trật tự, thì xã hội ấy tươi vui và hạnh phúc lắm. Dấu vết ở ca dao, phong tục qua hai ngàn năm còn nhiều ở các lễ hội đình làng minh chứng cho nhận định đó. Từ đây, tôi ngẫm ra, vì sao người Việt Nam dạy sử cho thanh niên thất bại, là bởi vì có nhiều khoảng tối không dám nói rõ ràng. Khi anh giấu một tý, một tý, thì thành ra sự thật lịch sử sẽ khó nói ra.

thái thanh tâm
23-08-2012, 04:01 PM
7. Thơ gửi Tổng Bí thư của nhà thơ Hải Như



Nhà thơ Hải Như tên thật là Vũ Như Hải, quê thành phố Nam Định. Ông tham gia cách mạng trước năm 1945 trong Hội truyền bá quốc ngữ ở Hà Nội. Năm 1946, ông vào quân đội, tham gia lớp đào tạo báo chí cách mạng đầu tiên mang tên Huỳnh Thúc Kháng ở chiến khu Việt Bắc. Sau đó, ông lần lượt công tác ở các báo Sông Lô, Vệ quốc quân, Cứu quốc và báo Giác Ngộ rồi chuyển sang chuyên viết thơ. Ông là nhà thơ thuộc thế hệ đầu của cách mạng. Ông nổi tiếng về những bài thơ đề tài Hồ Chí Minh với cách thể hiện riêng không lẫn với nhà thơ nào.
Tôi thầm nghĩ: Thời đại nào Nam Định cũng có những nhà thơ chân chính làm đẹp quê hương. Nhà thơ Hải Như là một trong số đó. Ông xứng đáng là niềm tự hào của nhân dân Nam Định. Dịp ông về thăm thành phố Nam Định quê hương tháng 4 năm 2012, tôi may mắn được gặp ông lần đầu. Ông có người con trai hy sinh tại Quảng Trị đã hơn bốn mươi năm chưa tìm thấy mộ. Biết tôi cũng từng chiến đấu ở Quảng Trị cách đây bốn chục năm, ông coi tôi như con. Ông khen qua blog của tôi thấy tôi là người có tâm với quê hương Nam Định. Ông tin tưởng gửi cho tôi nhiều sáng tác của ông để đăng lên blog.
Được ông cho phép, kỳ này chúng tôi công bố bài thơ POST – HỒ CHÍ MINH kèm thư gửi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bằng đường bưu điện từ năm 2007 (khi đó Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là Chủ tịch Quốc hội). Tháng 2 năm 2012 ông gửi lại thư này mà đến nay vẫn không có hồi âm. Ông cho rằng có lẽ thư bị tắc ở khâu trung chuyển nên Tổng Bí thư chưa nhận được. Bởi nếu nhận được thì Tổng Bí thư đã phúc đáp... Nay chúng tôi đưa thư lên blog hy vọng may ra tới được Tổng Bí thư.
POST – HỒ CHÍ MINH (tiếng Pháp, có nghĩa là HẬU THỜI ĐẠI HỒ CHÍ MINH). Đó là tên bài thơ của nhà thơ Hải Như sáng tác năm 2007 báo động về sự suy thoái tha hóa đạo đức của một bộ phận không nhỏ đảng viên, làm giảm sút lòng tin của nhân dân, làm suy yếu sức mạnh của Đảng. Cùng toàn bộ sáng tác của ông, bài POST – HỒ CHÍ MINH thể hiện ý thức trách nhiệm của người nghệ sĩ chân chính mọi thời đại, trước sự hưng vong của dân tộc đều lên tiếng xây dựng với các nhà cầm quyền. Raul Gamzatovich Gamzatov từng nói đại ý rằng: Những người thày thuốc biết bệnh sử con bệnh, còn các nhà văn nhà thơ biết bệnh sử của dân tộc, của nhân loại. Nhà thơ Hải Như là một người như thế. Ông thấy rõ sự thật. Ông nhìn thẳng vào sự thật, trung thực và thẳng thắn nói lên sự thật bằng tấm lòng trung thành với dân tộc và Đảng Cộng sản Việt Nam mà cả đời ông đi theo cống hiến.
Bài thơ và thư gửi Tổng Bí thư của ông là hành động thiết thực hưởng ứng lời kêu gọi góp ý với Đảng trong đợt học tập Nghị quyết 4 của TƯ Đảng ta. (TMG)

POST – HỒ CHÍ MINH

Hải Như

“Sư tử trùng thực Sư tử nhục”
Kinh Đại – Niết – Bàn Phật Giáo.

Người cộng sản hôm qua được Dân tộc nhìn nhận là Lực đẩy
Nhưng rất có thể trở thành Lực cản
Khi đất nước không còn giặc nhân dân thừa nhận chấm công
Lúc ấy Đảng dễ biến thành chiếc “Phao cứu sinh”
Cho những kẻ hư hỏng tha hóa liên – minh – thành – một – khối
Bao che tội lỗi quần – chúng – biết – hết cho nhau
Không ai khác. Chính Hồ Chí Minh
Người đã nhìn xa cảnh báo chuyện này
Lịch sử đang lên tiếng hỏi:
Lớp lớp cháu con các má Miền Nam
Đội quân tóc dài rầm rập kéo đi biểu tình hôm qua
Khiến quân đội Mỹ hạ súng chào thua
Sau 30 năm thống nhất đất nước lại muốn... thay đời
Ồ ạt đi lấy chống không – cần – biết – mặt Hàn Quốc, Đài Loan
Chúng ta chớ vội say sưa tự huyễn hoặc
Với những con số GDP nhảy múa hàng năm trên diễn đàn Quốc hội
Hãy nhìn thẳng vào mâm cơm đồng bào còn đứt bữa vùng sâu vùng xa
Khoảng cách giàu nghèo không rút ngắn mà ngày càng rộng ra...
Trong con mắt quần chúng hôm nay:
Người cộng sản đang tự - đánh – mất – mình nghiêm trọng
Không thích làm dân chỉ muốn – ngược lại Hồ Chí Minh
Làm quan Cách mạng
Nghe chăng lịch sử rung chuông:
Coi chừng... Lực cản!

(Nhà vườn Thạch Lộc Q.12 Sài Gòn, 24 – 11 – 2007)
GHI CHÚ: Post – Hồ Chí Minh tức thời đại Sau Hồ - Chí – Minh


TP. Hồ Chí Minh, ngày 11 tháng 02 năm 2012

Kính gửi: Đồng chí Nguyễn Phú Trọng
Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam

Kính thưa Anh,
Trên tư cách nhà thơ chuyên khám phá đề tài Hồ Chí Minh với quan điểm sáng tác: Không xưng tụng công đức Lãnh Tụ mà thông qua nhân cách Hồ Chí Minh, nhà thơ viết về Chúng Ta. Trên 40 bài thơ về đề tài Bác của tôi đã được Đ/C Hoàng Tùng cho đăng trên báo Nhân Dân dịp kỷ niệm hàng năm sinh nhật Người.
Tôi muốn gửi lại Đ/C Nguyễn Phú Trọng bức thư và bài thơ Post – Hồ Chí Minh mà cách đây 5 năm – ngày 12/12/2007 tôi gửi theo đường bưu điện lên Anh trên cương vị Chủ tịch Quốc Hội. Tôi cho rằng bức thư đó văn phòng Quốc Hội không chuyển tới Anh vì nhà thơ không được Chủ tịch Quốc Hội phúc đáp.
Bài thơ Post – Hồ Chí Minh tôi viết theo chỉ thị tác giả “Nhật ký trong tù”: thơ cần có thép. Tôi coi bài thơ sẽ rất có ích cho việc xây dựng Đảng – quét sạch Chủ Nghĩa Cá Nhân hôm nay. Bài thơ đáp ứng tinh thần Nghị quyết hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành T/Ư Đảng khóa 11 do Anh là tác giả đã nhìn thẳng vào sự thật mang ý nghĩa sống còn của Đảng, tôi mạn phép gọi là báo động đỏ, phù hợp với câu thơ tôi viết sau ngày Hồ Chủ Tịch qua đời:
Không đáng sợ kẻ thù trước mặt
Sợ nhất kẻ thù ẩn náu trong ta.
Tôi hy vọng bài thơ Post – Hồ Chí Minh sẽ được Tổng bí thư duyệt đăng trên báo Nhân Dân lúc này. Xin cảm ơn Anh nhiều. Tôi đón chờ thư hồi âm của Anh Nguyễn Phú Trọng mà tôi đặt niềm tin.
Kính thư: Hải Như.

7/2A Tổ 3 Khu phố 2 phường Thạnh Lộc, Quận 12 TP HỒ CHÍ MINH

thái thanh tâm
27-08-2012, 08:18 PM
8. Nói chuyện Trung Quốc với nhà văn Trần Đình Hiến và nhà văn Hà Phạm Phú (bài 7- bài cuối)

Nguyễn Xuân Hưng


Ông Trần Đình Hiến cười mỉm nói: Tam quốc diễn nghĩa có hay không? Hay chứ. Người Trung Quốc và Việt Nam mấy trăm năm truyền tụng. Không ít anh lấy đó làm sách gối đầu giường, rồi tốn bao nhiêu giấy mực, bàn tán không ngớt. Tào Tháo trở thành chót vót gian hùng. Nào Lưu, Quan, Trương, nào Ngô, Thục… Vô vàn mưu ma chước quỷ, thủ đoạn phô bày. Ông Hiến nói, do vị trí công tác, ông Hiến đã nói chuyện với nhiều anh ở các đại sứ quán một số nước phương Tây, họ ngạc nhiên sao người ta lại có thể say mê tán tụng một quyển sách đồi bại như thế. Họ cho rằng, trong Tam Quốc diễn nghĩa không có dòng nào xây dựng nhân cách, không có khát vọng tự do, tất cả đều ca tụng sự nô dịch. Tóm lại, theo họ, đó là một cuốn sách hủ bại. Bởi vì nó cổ vũ tiêu diệt nhân cách, phi nhân tính. Những người ở nền dân chủ phương Tây, thấm nhuần văn hóa nhân bản, ngạc nhiên thấy có thể tán tụng một cuốn sách dạy băng hoại nhân cách như vậy.
Tôi ngẫm thấy cũng có lý. Con người trong xã hội Tam Quốc lúc nào cũng phải mưu mẹo, nghĩ kế lừa nhau. Sinh linh trong xã hội Tam Quốc không hơn con nhái con cá. Một trận có thể chém hàng trăm thủ cấp chỉ vì một ý thích vớ vẩn của một viên tướng. Tào Tháo thua trận Xích Bích, mấy chục vạn quân chết trong một ngày, sau đó chạy tả tơi, vẫn ngửa cổ lên trời cười và cám ơn trời vẫn còn cho ông ta sống. Rồi những nhà Tam Quốc học tán tụng nhân cách phi thường của Tào Tháo.
Có lẽ, sống trong cái thiên hạ bá chủ là Hán, đầy những mưu mô thủ đoạn, nên người ta cũng tự vũ trang cho mình một loại mưu sống. Thật thật mà giả giả thì sống, chứ cứ thật như đếm thì chết. Ngô hay Thục đều quay cuồng trong cái bể Nho giáo cả, vùng vẫy trong học thuật của người Hán, rồi cuối cùng thua anh Tào Tháo gian hùng, một người xuất thân từ nước Ngụy phía Bắc Trung Quốc. So với Lưu và Tôn, thì Tào có chất Hán hơn cả. Tào Tháo là đại hảo Hán. Tam Quốc diễn nghĩa chính là sản phẩm của nền văn hóa Hán.
Theo ông Trần Đình Hiến, trong “tứ đại kỳ thư” mà người Trung Quốc tuyền tụng, thì Tam Quốc diễn nghĩa chiếm vị trí chót vót, rồi đến Hồng Lâu Mộng, và Thủy Hử. Xét cho cùng, “Hồng” và “Thủy” là hai tác phẩm con đẻ của nền văn hóa Hán lấy Nho giáo làm nền tảng. Hàng trăm năm nay, nguyên sách tán tụng các tác phẩm này mà xếp liền nhau có thể lên mặt trăng được. Nghe ông Hiến nói vậy, tôi mới thấy sáng ra điều này, Xã hội Trung Quốc trong hai tác phẩm đó từ câu đầu đến chữ cuối thấm đẫm nặng Nho. Đến nỗi, thế hệ sau này, sự giáo dục Nho giáo đã phai nhạt khá nhiều rồi, mà cứ đọc hai quyển ấy là hiểu cơ bản về Nho giáo. Coi như nó là loại “thực hành Nho giáo” vậy.
Còn quyển tiểu thuyết thứ tư, Tây Du ký, lại có số phận hoàn toàn khác. Theo ông Trần Đình Hiến, dù có bênh vực cho văn hóa Hán như những tay trí thức Hán có tư tưởng Đại Hán, thì cũng phải công nhận Tây Du ký có khá nhiều nghi vấn.
Nghi vấn thứ nhất là hoàn cảnh ra đời. Hàng trăm năm nay, ngay tại Trung Quốc, ngay từ khi tung ra Tây Du ký, đã có nghi ngờ đây không phải tác phẩm của Ngô Thừa Ân. Tại sao sau khi Ngô Thừa Ân chết rất lâu, thì người cháu của ông mới công bố tác phẩm này? Theo ông Hiến, thư tịch cổ Trung Quốc cũng phân tích những tác phẩm thực sự của Ngô Thừa Ân, mà không hiểu nối tại sao ông ấy lại có cuốn tiểu thuyết này giấu đi?
Ông Trần Đình Hiến nghiêng về ủng hộ một phát hiện lý thú: Tây Du ký không phải sản phẩm của nền văn hóa Hán. Thứ nhất, Phật giáo thời Ngô Thừa Ân không đủ cơ sở lý luận để ra đời một bộ sách như Tây Du ký. Điều này có lẽ phải nghiên cứu lịch sử Phật giáo Việt Nam và Nam Trung Quốc thì mới thấy sáng tỏ ra được.
Lập luận thứ hai, từ chính văn bản Tây Du ký. Nghiên cứu Tây Du ký, trật ra đầy rẫy những khập khiễng. Nếu chỉ từ văn bản, cũng thấy nếu từ kinh đô Đại Đường đi Tây Trúc, thì phải là Nam du, chứ sao lại Tây Du đâm đầu vào Tây Tạng. Một loạt nước mà thày trò Đường Tăng gặp trên đường đi, tại sao không có nước nào nằm trong ảnh hưởng của nước Đại Đường, mặc dù họ biết Đại Đường, nhưng coi nước Đường như một nước bé tý, chả ra gì. Vào thời Đường, nước Đại Đường tất nhiên là một nước lớn trong thiên hạ, các tiểu quốc nếu gặp thày trò Đường Tăng không thể khinh thị coi thường đến thế.
Vấn đề thứ ba là, con người Tôn Ngộ Không, Sa Tăng, Chư Bát Giới đúng là con người của nền văn hóa nông nghiệp lúa nước, tư duy nhỏ bé, tủn mủn. Tư duy của Tôn Ngộ Không, Chư Bát Giới và Sa Tăng phù hợp một cách lạ lùng với triết lý “Cư trần lạc đạo” của Thiền Trúc Lâm. Dễ hiểu tại sao người Việt Nam từ xưa tiếp thu Tây Du ký một cách tự nhiên như thế. Nếu Ngô Thừa Ân viết Tây Du, chắc hẳn ông đã biết và đi tu theo phái Thiền Trúc Lâm của Việt Nam.
Vấn đề thứ tư là, vai trò Phật Bà Quan âm đặc biệt được đề cao. Vào thế kỷ 16, những phái Phật giáo ở Nam Trung Quốc không tôn thờ Quán Thế âm Bồ Tát như vậy, mà các Thiền phái còn đang đua nhau vai trò chủ lưu ở các thiền môn, loay hoay phát triển các lý thuyết Phật Đại thừa và đặc biệt là Thiền. Đằng này, miêu tả thời Đường như vậy thì càng lạ lẫm.
Theo ông Trần Đình Hiến, nhiều năm qua ông đã tìm kiếm vết tích về một phả hệ họ Ngô của Ngô Thừa Ân, và tìm kiếm bất cứ dấu vết nào của Đại Việt từ vụ cướp phá văn hóa thời Minh. Đã có thông tin vào năm 1416, một đoàn các nhà Nho khoa bảng Trung Quốc đến Đại Việt, làm một sứ mạng là lấy đi bất cứ cái gì có văn tự, cái gì không mang đi được thì đập phá. Thời Minh thuộc, các đền đài lăng tẩm đều bị san bằng, văn tự bị cướp và đốt. Ông Trần Đình Hiến nói, có dấu hiệu cho thấy, nhà Minh có mang về Trung Quốc nhiều sách ở các nhà chùa Đại Việt. Một nghi vấn rằng, trong đó có dạng ban đầu của Tây Du ký, một dạng sách hoằng pháp của Trúc Lâm Đại đầu đà viết là có cơ sở đặt ra để tìm hiểu. Rồi cuốn sách đó bằng con đường bí ẩn nào đó rơi đến tay Ngô Thừa Ân, hoặc vào tay con cháu Ngô Thừa Ân?.
Có lẽ, Tây Du ký cũng nằm trong loạt thành tựu văn hóa Bách Việt như Kinh Dịch, Kinh thi, chỉ có điều khi lọt vào tay người Hán, nó được tô vẽ lại theo phong cách Hán, nhưng vẫn không gột rửa hết các tình huống và chi tiết Việt. Và nó nghiễm nhiên trở thành thành tựu của văn hóa Hán. Ở đây, xin mở ngoặc có chữ “có lẽ” chứ chưa (không) khẳng định. Hoặc quyển sách nhà chùa này có thể về Hán thông qua một dòng họ có Nho học, biết giá trị văn chương của nó.
Có một hệ quả trong quá trình nghiên cứu của ông Trần Đình Hiến. Đó là dòng họ Ngô của Ngô Thừa Ân có liên hệ nguồn mạch nào từ họ Ngô Sĩ sinh ra Ngô Sĩ Liên không? Ông Trần Đình Hiến đang tìm kiếm tài liệu về sự liên hệ này. Có dấu hiệu nào mách bảo ông Hiến điều đó không? Đây quả thật là một công việc vén màn bí ẩn đen đặc của lịch sử, nhưng không phải là không thể.
Ở Việt Nam, có tồn tại hậu duệ của Ngô Sĩ Liên không? Nếu Ngô Thừa Ân quả là hậu duệ và có liên hệ huyết thống với Ngô Sĩ Liên, thì tại Trung Quốc, tất nhiên phải có dấu vết. Các dòng họ ở Trung Quốc rộng lớn lại có tập quán ghi chép phả hệ rất cặn kẽ. Đến nỗi, Khổng tử cho đến nay người ta còn tính đếm rõ ràng con cháu ông là đời thứ bảy mươi mấy.
Ngô Sĩ Liên có sử sách ghi lại cuộc đời và sự nghiệp không nhất quán. Không rõ ông có theo Lê Lợi từ khi tụ nghĩa Lam Sơn hay không, nhưng ghi rõ là sau giải phóng Thăng Long khá lâu ông mới thi đỗ và ra làm quan. Theo ông Trần Đình Hiến, thì cách chép sử của Ngô Sĩ Liên là cung cách của một nhà Nho độc tôn Nho tiêu biểu. Với Ngô Sĩ Liên, Nho là học thuật cao nhất và duy nhất.
Một nghi vấn chính trị đối với Ngô Sĩ Liên là, tại sau sau khi ông viết Đại Việt sử ký toàn thư xong, thì bộ Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu cũng mất tích luôn? Không thể nói người Minh thu hủy bộ sử đó, vì cho đến Ngô Sĩ Liên viết sử, ông còn tham khảo từ chính bộ sử của Lê Văn Hưu kia mà? Vậy ai hay tác nhân nào đã làm cho Đại Việt sử ký biến mất? Chỉ có điều chắc chắn rằng, bộ Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu viết không phải với con mắt độc tôn Nho, mà Nho thời đầu Trần là “Nho nhạt”, con mắt của Lê Văn Hưu còn đủ tỉnh táo nhìn lịch sử bằng cái nhìn đậm chất Việt, có Phật, có Lão, có Nho, tức là con mắt tam giáo đồng nguyên của thời cuối Lý, đầu Trần. Cái nhìn của Lê Văn Hưu như thế, trong tư tưởng Ngô Sĩ Liên thì chắc chắn không phải chân Nho, có đốt hay hủy đi cũng không làm ông bận tâm.
Tóm lại, những con người trong Tây Du ký dường như sống trong thế giới tư tưởng Thiền Trúc Lâm, cộng với dấu vết lịch sử về cuộc cướp phá văn hóa Minh thuộc, cộng với nghi vấn về nguồn gốc Tây Du ký ở chính Trung Quốc, khiến cho ông Trần Đình Hiến đặt vấn đề nghi vấn Tây Du ký. Việc nghi vấn này, theo tôi cũng không khác các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã nghi, chỉ có điều ông Hiến đã đi tìm một dấu vết về Ngô Thừa Ân và Ngô Sĩ Liên mà thôi. Đó chắc hẳn là một bí ẩn khủng khiếp.
Ông Trần Đình Hiến có lý do để tìm kiếm điều bí ẩn này của lịch sử.
Chủ nhật ngày 26/8/2012