PDA

Xem phiên bản đầy đủ : Thưởng thức âm nhạc: Cảm xúc và Văn hóa



thylan
29-05-2011, 01:48 PM
Thưởng thức âm nhạc: Cảm xúc và Văn hóa

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/assets/images/_resampled/ResizedImage270270-12836-blog.yume.vn1.jpg

Để có thể nghe và hiểu âm nhạc người ta cần một mặt nuôi dưỡng xúc cảm, một mặt cần có kinh nghiệm, học hỏi và am hiểu văn hóa ở chừng mực nào đó. Ta phải học cách nghe nhạc. Và phải chăng đây là một thiếu sót của nhà trường phổ thông, của chương trình giáo dục mỹ học hiện nay, khi mà nhiều người bắt đầu lo ngại về thị hiếu âm nhạc ngày càng xuống cấp?

Đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu thế giới người Việt, trong khung cảnh sang trọng của Vinpearland, tiếng nhạc nền vang lên rộn rã... Không mấy người tỏ ra để ý tới tiếng nhạc nền vì bận háo hức với các người đẹp, nhưng cũng có người mỉm cười vì những bản nhạc được chọn. Hầu hết là nhạc của Hans Zimmer viết cho phim "Hải tặc vùng Caribbean", đặc biệt là bản nhạc "He's a pirate". Khi tới phần giới thiệu thí sinh đoạt giải Người đẹp tài năng, màn hình lớn chiếu điệu múa của người đẹp nhưng nhạc nền bị thay bằng bản hợp xướng "O Fortuna" của Carl Orff, với lời bằng tiếng Latin cổ.

Tất nhiên là ít người hiểu được tiếng Latin cổ nên cũng chẳng mấy ai ngạc nhiên với lời hát - tạm dịch như sau: "Ôi số phận, như vầng trăng luôn đổi thay khi đầy khi khuyết, khiến cuộc sống khi dễ dàng lúc lại khốn khó, ngươi lừa mị ma mãnh, làm cho cả quyền lực lẫn nghèo khó tan chảy như băng giá...".

Những người nước ngoài quen thuộc với văn hóa phổ thông (popular culture) biết rằng bản "O Fortuna" từ lâu được dùng trong phim ảnh để thể hiện các tình huống nguy khốn, các nhân vật đe dọa. Nó cũng thường được dùng trong các cuộc thi đấu thể thao khi các cầu thủ ra sân với hàm ý "đe dọa" đối phương.

Vì vậy, cách chọn nhạc của đêm thi hoa hậu này không khỏi khiến họ cảm thấy khá kỳ cục. Thế nhưng đa số khán giả thì hoặc không nhận ra, hoặc có nhận ra nhưng không thấy kỳ. Nếu như khi người đẹp ra mắt thay vì chơi "O Fortuna" người ta lại chơi, chẳng hạn "Chiến sĩ Việt Nam" của Văn Cao hay "Giải phóng Miền Nam" của Lưu Hữu Phước thì ắt hẳn có nhiều người cảm thấy kỳ cục hơn, vì đa số người Việt đều biết rõ nội dung những bản nhạc đó.

Cảm xúc cần thiết cho sự phát triển của con người trong xã hội vì nó là một nhân tố thúc đẩy các hành động xã hội. Dù cho trong nhiều nền văn hóa cả Đông và Tây hành động theo cảm tính thường bị đánh giá thấp hơn hành động theo lý trí, người ta vẫn chứng kiến sự thiếu vắng cảm xúc dẫn đến những nhân cách không tốt đẹp, xã hội luôn lánh xa những kẻ lạnh lùng, vô tình, tính toán.

Và bởi vì ít khi thấy biểu hiện cảm xúc ở ngoài xã hội con người, chúng ta thường cho rằng cảm xúc là một đặc tính phân biệt con người với các loài vật. Cảm xúc, vì thế luôn được gắn với nhân văn, và âm nhạc, thứ chỉ riêng con người có được, hiển nhiên mang sứ mệnh truyền đạt và nuôi dưỡng cảm xúc cũng giống như ngôn ngữ là để truyền đạt và nuôi dưỡng lý trí và kiến thức.

Có nhiều giả thuyết được nêu ra trong quá trình nghiên cứu khả năng truyền đạt cảm xúc của âm nhạc. Phổ biến nhất là quan điểm cho rằng một số đặc trưng của bản nhạc đóng vai trò như một ký hiệu gắn với các cảm xúc khác nhau. Chẳng hạn, người ta thấy các bản nhạc buồn thường ở thể thứ với tiết tấu chậm còn những bản nhạc vui thường có tiết tấu nhanh và ở thể trưởng... Quan điểm này thường bị cho là quá đơn giản và những người bác bỏ nó dễ dàng tìm ra những thí dụ ngược lại, song cũng không hẳn có thể bác bỏ hoàn toàn.

Một quan điểm khác dựa vào các phản ứng của cơ thể khi xúc động, chẳng hạn nhịp tim, nhịp thở, giọng nói...biến đổi, và những biểu hiện mãnh liệt hơn: khóc, cười, la hét... Âm nhạc có thể mô phỏng những phản ứng đó qua tiết tấu, giai điệu hay cường độ nhằm thể hiện cảm xúc, đó là một thủ thuật sáng tác thường thấy.


Một ví dụ: bản Marche Slave của Tchaikovsky, ta có thể nghe thấy những "tiếng thét" căm phẫn ở phần đầu rồi đến tiếng reo vui chiến thắng ở phần kết. Quan điểm này cũng chỉ giải thích một phần cái cơ chế truyền đạt cảm xúc trong âm nhạc, bởi vì những phản ứng của cơ thể không đủ rõ ràng và cũng không phong phú. Có những cảm xúc thể hiện ra bên ngòi nhưng cũng có những cảm xúc sâu kín không thể mô phỏng một cách giản đơn.

Tính biểu tượng của âm thanh thoạt đầu là không có, nhưng qua thời gian, có thể có những ước lệ được hình thành. Chẳng hạn, cái "air" nhạc Zigan, Blues... luôn gợi những cảm xúc đặc trưng, điệu quân hành luôn hùng tráng, điệu valse viennoise thường vui tươi... Như thế, âm nhạc có thể truyền đạt cảm xúc qua những biểu tượng riêng của mình. Tuy nhiên, các biểu tượng này không giúp truyền đạt chính xác, như thí dụ ở đầu bài đã cho thấy.

Âm nhạc có thể được hỗ trợ bởi lời hát để truyền đạt dễ dàng hơn. Nhưng liệu nhạc và lời có luôn bắt buộc song hành? Rõ ràng là nếu đem đọc lời ca của bài "Hội nghị Diên Hồng" trên nền nhạc của bài "Buồn tàn Thu" thì thật là trái khoáy.

Nhưng có một bài hát lời tiếng Anh như thế này: "Phi, tôi thường nhảy lên ngựa và phi như bay, tôi mang bên hông một khẩu súng sáu, tôi đẹp trai đến nỗi các cô gái phải thét lên, và tôi thường bị bắn nhưng chả bao giờ chết...". Khi du nhập qua Việt Nam, người ta đặt lời Việt như thế này: "Mây, sao còn bay mãi không quay về đây, sao còn lờ lững che ngang rừng cây, sao còn hờ hững với tôi từng giây, hay còn mơ nghĩ tới ai giờ đây?...". Ấy thế mà khi nghe cái lời chẳng ăn nhập gì đến nguyên bản ấy, vẫn có thể chẳng thấy gì trái khoáy cả.

Cách giải thích đúng có lẽ là tổng hợp tất cả các khía cạnh vừa nêu: âm nhạc dùng tất cả những cách đó để truyền đạt cảm xúc. Như vậy, để có thể nghe và hiểu âm nhạc người ta cần một mặt nuôi dưỡng xúc cảm, một mặt cần có kinh nghiệm, học hỏi và am hiểu văn hóa ở chừng mực nào đó. Ta phải học cách nghe nhạc. Và phải chăng đây là một thiếu sót của nhà trường phổ thông, của chương trình giáo dục mỹ học hiện nay, khi mà nhiều người bắt đầu lo ngại về thị hiếu âm nhạc ngày càng xuống cấp?

nguồn: TuanVietNam.net