PDA

Xem phiên bản đầy đủ : Dịch giả Lê Đức Mẫn



TRẦN THỊ THANH LIÊM
27-08-2012, 11:48 PM
"Bản dịch cũng là một tác phẩm nghệ thuật!"
17/06/2012 05:02

(HNM) - Dịch giả, Nhà giáo Ưu tú Lê Đức Mẫn là người chuyển ngữ nhiều tác phẩm văn học Nga nổi tiếng như "Và nơi đây bình minh yên tĩnh", "Trường ca Ác quỷ"… Ông hiện cũng đang đảm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ quảng bá Văn học hai nước Việt - Nga.

Dịch giả quen thuộc này đang hoàn thành và cho công bố dần bản dịch tác phẩm "Bút ký từ nhà chết" của nhà văn vĩ đại F.M Dostoevski. Hànộimới có cuộc trò chuyện với ông nhân dịp này.



- Thưa ông, vì sao ông lại chọn dịch tác phẩm văn học Nga "Bút ký từ nhà chết" của tác giả F.M Dostoevski? Đây có phải là một chủ trương của Quỹ Hỗ trợ quảng bá Văn học hai nước Việt - Nga hay không và dự kiến khi nào tác phẩm ra mắt bạn đọc?

- Tôi nghe tên Dostoevski từ khi còn học phổ thông (1954-1960), nhưng ở miền Bắc hồi ấy chưa có ai dịch. Sau khi đỗ vào ban tiếng Nga, khoa Ngoại ngữ Đại học Sư phạm Hà Nội, tôi cố học tiếng Nga để đọc sách của ông. Năm tốt nghiệp 1964 tôi viết luận văn "Hình ảnh con người bé nhỏ trong tác phẩm "Những người cơ cực" của F.M Dostoevski”, được điểm 5 (cao nhất hồi ấy). Năm 2001 tôi bắt tay vào dịch "Những người cơ cực" và một số truyện ngắn khác. Tất cả được in chung vào tập "Những người cơ cực" (NXB Hội Nhà văn 2006). Năm 2010 anh Phạm Vĩnh Cư tìm tôi, mời làm chung với một số anh em khác nữa bộ sách F.M Dostoevski, nhờ vào tiền ủng hộ của các nhà hảo tâm người Nga và người Việt. Cuốn "Bút ký từ nhà chết" là cuốn đầu tiên trong tập này và cũng là lần đầu tiên được dịch ở Việt Nam. Hiện nay, phần đầu đã được in trong tập "Lửa thiêng" vào tháng 5-2012. Khoảng cuối năm nay, khi dịch xong, sẽ in tiếp từng phần trong tập "Lửa thiêng", rồi sau đó sẽ in thành tập riêng. Cả bộ sách này được đưa vào chương trình của Quỹ Hỗ trợ quảng bá Văn học Việt - Nga.

- Ông có thể nói rõ hơn về sự ảnh hưởng của F.M Dostoevski trong đời sống văn học thế giới cũng như giá trị của bút ký nói trên?

- F.M Dostoevski (1821-1881) được coi là một trong khoảng mười nhà văn vĩ đại nhất của thế giới trong mọi thời đại. Ông tham gia nhóm cách mạng của M.V Petrashevski chống Nga hoàng, bị xử tội chết, nhưng được ân xá thành tội khổ sai. Năm 1859 ông được về S. Peterburg và viết "Bút ký từ nhà chết" miêu tả những số phận đầy bi kịch trong nhà tù. Ông còn viết nhiều tác phẩm vĩ đại khác như "Tội ác và trừng phạt", "Chàng ngốc", "Anh em nhà Karramazov". Ngoài giá trị hiện thực, các tác phẩm của ông được coi là mẫu mực với bút pháp miêu tả và phân tích tâm lý con người cực kỳ chi tiết và tế nhị. Tuy nhiên, giá trị lớn lao nhất ở ngòi bút ông lại là ở chỗ ông đề cao phẩm chất của những người dưới đáy xã hội, thể hiện được cái nhìn bao dung, độ lượng. "Bằng kinh nghiệm tù đày của bản thân, bằng quan sát thực tiễn chế độ lao dịch đối với các tù nhân, Dostoevski ý thức sâu sắc rằng tác dụng cải tạo của mọi sự
trừng phạt luật pháp đều rất hạn chế. Bởi vậy, theo ông, hình phạt hữu hiệu nhất chính là hình thức tuyên đọc từ bên trong lương tâm tội phạm, hắn tự ý thức được tội lỗi của mình, tự nguyện chấp nhận hình phạt đó" (trích từ trang Vienvanhoc.org.vn). Ở Việt Nam từ những năm 80 của thế kỷ trước trở lại đây Dostoevski mới được phổ biến rộng rãi. Người có công đầu trong việc này là cố dịch giả Phạm Mạnh Hùng.

- Hẳn rằng việc chuyển ngữ tinh thần câu chuyện ẩn sau thứ ngôn ngữ trong xã hội từ hai thế kỷ trước sẽ không dễ dàng, thưa ông?

- Dostoevski rất tế nhị trong cách mổ xẻ tâm lý. Câu văn lúc thật ngắn, lúc cực dài với rất nhiều hư từ, câu đệm, những cách chuyển ý lắt léo, uyên bác… Trong bút ký này ông miêu tả hiện thực nhà tù khổ sai bằng ngôn ngữ của tù nhân trong thế kỷ XIX ở Nga. Tôi cố gắng vận dụng hết mọi sức mạnh ngôn ngữ của tiếng Việt. Hai ngôn ngữ là hai đạo quân, các vị tướng phải biết sức mạnh của mình ở đâu, chứ không phải dàn quân đánh một chọi một.

- Khi dịch, ông chú ý tới điều gì nhất: phong cách tác giả, sự chăm chút ngôn ngữ nhằm giúp bạn đọc tiếp cận tác phẩm tốt nhất, hay cả hai?

- Chắc chắn là cả hai. Tôi luôn bảo vệ quan điểm là phải truyền đạt được tối đa những tư tưởng, tình cảm và đặc điểm ngôn ngữ của tác giả, đồng thời phải đem đến cho độc giả nước mình không chỉ tác phẩm nghệ thuật của người ta, mà bản dịch cũng phải là một tác phẩm nghệ thuật. Như có người đã nói: Một bản dịch nếu không chú ý đến độc giả thì nó chỉ là mặt trái của tấm thảm hoa, nghĩa là nó có đủ đường nét và màu sắc như mặt phải, nhưng không thưởng thức được.

- Nếu có điều kiện về nhiều mặt, ông sẽ chọn dịch những tác phẩm văn học Nga nào nữa?

- Tôi hiểu chữ "nhiều mặt" nghĩa là sức khỏe, thời gian, tâm trạng, tiền bạc và không khí xã hội. Ông Phạm Vĩnh Cư cứ mỗi lần gọi điện hỏi thăm công việc thì câu đầu của ông là "Huyết áp của ông thế nào?". Năm nay tôi 72 tuổi. Nhóm dịch Dostoevski của chúng tôi dự định mười năm tới làm không hết việc. Tôi xin hứa đến năm tôi 82 tuổi tôi sẽ bàn tiếp với các bạn. (Cười)

- Xin cảm ơn ông! Chúc ông nhiều sức khỏe!

Thi Thi thực hiện