PDA

Xem phiên bản đầy đủ : Theo dòng hoài niệm



buixuanphuong09
01-09-2012, 05:12 PM
LỜI ĐẦU TÂM SỰ



Tôi, nếu tính cả tuổi trụ thế vào thai thì đã ở tuổi 75, nhìn lên thì chưa phải đã cao, nhìn xuống thì cũng không còn là thấp, với một cơ thể bệnh hoạn liệu còn được bao lâu nữa? Không ai biết trước cái vô thường! Đến với VNTH tới nay đã gần hai năm, nhìn lại thấy VT và các thơ TH đối với tôi ân tình thật sâu nặng, trước khi trở về cát bụi, tôi muốn được gửi vào Mái ấm này một chút lưu bút tình thơ đôi dòng hoài niệm, tâm sự về cuộc đời mình. Chắc có bạn sẽ bảo: "cuộc đời một nông dân bên luống cày, quanh lũy tre làng thì có gì đáng nói?" Vâng, cuộc đời một nông dân bình dị chẳng có gì đáng để nói. Nhưng các bạn hãy lắng lòng kiên nhẫn đọc cho hết những dòng viết trong Topic này sẽ cảm thông cho một con người.

Tôi biết làm thơ từ năm 1952, khi bắt đầu năm thứ nhất Trung học, tới nay đã tròn 60 năm. Nêu ra con số 60 không phải để khoe mình làm thơ lâu năm, con số 60 ấy nếu đem so với thơ TĐK ở tuổi thiếu niên thì nó chỉ là một số không to tướng. Đời thơ của tôi thực sự mới có ba năm, năm 2010, giao lưu trên đường BĐ với các bạn thơ ở các CLB Unesco Đường và từ năm 2011 vào VNTĐ, giao lưu rộng rãi trên mạng, được học hỏi nhiều mới thực sự có chút thơ. 57 năm trước chỉ là những câu chữ ghép vần ghi lại trang nhật ký cuộc đời, nó dây cà rễ muống không có giá trị văn học, nhưng nó gắn chặt với đời tôi, chia sẻ với tôi bao buồn, vui, sướng, khổ, nên tôi vẫn trân trọng kỷ niệm nó.
Topíc này là tổng kết 60 năm vào đời của tôi, 14 năm trước còn bám váy Mẹ, cuộc đời chỉ có hoa và bướm, 60 năm vào đời với biết bao sóng gió, qua những câu chữ ghép vần ghi trang nhật ký, tôi sẽ phơi bày tất cả cái hay, cái dở của đời tôi. Cái hay nhất của đời tôi là LÒNG HAM HỌC, Ý CHÍ VƯƠN LÊN CẦU TIẾN. Cái dở nhất của đời tôi là SỰ U SẦU, ỦY MỊ, HAY SUY DIỄN LUNG TUNG. Nó là chất độc nguy hiểm nhất của đời sống con người, là nguyên nhân mọi khổ đau bất hạnh của đời tôi.

buixuanphuong09
01-09-2012, 05:14 PM
BÀI THƠ ĐẦU TAY

Mùa Thu năm 1952, sau khi học xong Tiểu học, tôi được cha mẹ cho ra Hà Nội để tiếp tục học lên Trung học. Lần đầu xa cha mẹ, xa các em, xa đồng quê yêu dấu và cũng là lần đầu tiên được biết cảnh thị thành. Những căn nhà đồ xộ, những cảnh nhộn nhịp của phố phường làm cho tôi lạ lùng bỡ ngỡ. Rồi Thu qua, Đông tới, mang theo những cơn gió Bấc lạnh lùng làm cho những người tha hương càng thêm hiu quạnh.
Một buổi tối, sau khi học thuộc bài, ngồi một mình với ngọn đèn con, nghĩ tới quê hương lòng tôi bỗng cồn lên một nỗi buồn da diết. Rồi hình ảnh gia đình, làng xóm như thước phim thời gian cứ hiện dần lên ngày một đậm nét trong tôi. Kìa, bên ngọn đèn dầu, Cha tôi đang cặm cụi soạn bài, cạnh đó là Mẹ tôi đang cần mẫn vá may, và trong cái ổ rơm ấm cúng, các em tôi đang xúm quanh Bà nghe chuyện cổ tích và chắc đang nhắc tới tôi ở nơi đât khách...
Đêm càng khuya, cảnh vật càng yên tĩnh. Những cơn gió lạnh lùng lọt qua khe cửa làm cho lòng tôi thêm bâng khuâng trống trải. Rồi một nguồn cảm xúc dấy lên...Tôi vội vàng cầm bút chép nhanh những câu chữ ghép vần, tạm gọi là thơ, những câu thơ mới mẻ, xuất hiện tự đáy lòng, không niêm luật nhưng chứa đựng biết bao tình cảm của tôi...

ĐÊM ĐÔNG NHỚ NHÀ

Canh khuya gió lọt lạnh lùng
Một mình với ngọn đèn chong nhớ nhà
Một mình thơ thẩn vào ra
Nhớ Thày, nhớ Mẹ, nhớ Bà, nhớ em
Gia đình xum họp êm đềm...
Bên đèn thao thức Thày đang soạn bài,
Ngồi khâu U cứ ngáp dài
Một ngày chạy chợ rã rời tấm thân
Mệt, nhưng nào có dám nằm
Vá cho con có áo lành mặc mai
Ổ rơm khúc khích tiếng cười
Bà đang kể chuyện..."Thiên lôi ngã đùng..."

14.11.1952
Số 3 Chùa Vua - Hà Nội *

* 60 năm chưa một lần trở lại, không biêt bây giờ nó là phố gì.

buixuanphuong09
01-09-2012, 09:40 PM
NHỚ QUÊ HƯƠNG

"Nước giếng làng Giằng vừa trong vừa mât
Đường cái làng Giằng lắm cát dễ đi"
Ôi câu ca từ ngàn xưa còn đó
Như nỗi lòng nhắc nhở: Nhớ quê hương!

Bình Phiên! Bình Phiên!
Ôi hai tiếng: Bình Phiên!
Gợi cho tôi bao kỷ niệm êm đềm
Bao gương mặt thân quen, bao sắc mầu rực rỡ.
Giếng nước mát trong, bóng đa cổ thụ
Rực rỡ sân đình những buổi xuân sang
Và mái chùa cổ kính, tôn nghiêm
Đình Tiết Nghĩa sáng gương Thái Bạt
Chân mát rượi vì đường làng lắm cát
Dưới cầu Giằng...dòng sông mát thân yêu
Đường hoả xa nhộn nhịp sớm chiều
Ngôi nhà nhỏ phên tre mái rạ...

Nơi đó có Cha tôi ngày ngày rát cổ
Bao nhọc nhằn qua hai tiếng :"Hương sư"!
Có Mẹ tôi tần tảo sớm khuya
Đòn gánh trên vai cuối thôn đầu chợ
Có Bà tôi bên đàn cháu nhỏ
Sống chan hoà với tất cả xóm thôn
Và tuổi thơ tôi cắp sách đến trường
Đời chỉ thấy bướm hoa và thơ mộng.

Ôi! Tất cả đã chìm vào dĩ vãng!
Xóm làng tôi nay trĩu nặng đau thương
Nhân dân thì tan tác muôn phương
Ruộng mầu mỡ trở thành hoang vắng.
Và tất cả chỉ một mầu xám lạnh
Của kẽm gai nhức nhối ngút ngàn
Cỏ mọc ngang đầu chứa chất mối hờn căm
Quanh những khối boong ke ngạo nghễ!
Và còn lại trong tôi nỗi nhớ
Nhớ cồn cào, nức nở....Ôi Quê hương!!!

Mùa Đông 1953
32 Yên Bái Hà Nội

Nhà tôi ở xóm Dưới, cuối năm 1951, Pháp đồn dân nửa làng dưới lên xóm trên. Cuối năm 1952, lại dồn nốt lên các thôn lân cận. Đầu năm 1953, chúng san cả làng thành bình địa, dựng lên hệ thống boong ke kiên cố và lớn nhất Miền Bắc theo kế hoach Na Va. Cả làng tôi lúc đó là một vùng kẽm gai hình mái nhà trùng điệp, kéo dài ra tận các thôn lân cận, có cả một trận địa pháo lớn và một sân bay dã chiến.

buixuanphuong09
02-09-2012, 07:16 AM
KHUYÊN MÌNH

Tháng tháng lương Thày cố bớt cho
Miễn ăn quà vặt kẻo phiền U *
Học hành chăm chỉ nên cơm cháo
Thành đạt, rồi ra sẽ chén bù!
Xuân 1954
12 Trần Xuân Soạn Hà Nội

*Hà Nội thời đó rất nhiều quà vặt. Người ta tính, có 100 đồng, ăn mỗi thứ 5 hào cũng chưa hết. Cha tôi cho mỗi tháng 300 đồng Đông Dương, tiền ăn đã hết 250đ, còn 50đ tiền giấy bút và quà sáng. Cả năm đầu tôi chỉ ăn mỗi sáng 5 hào bánh mỳ, uống nước máy. Một cậu học trò nhà quê lơ ngơ giữa cảnh phồn hoa đô thị, cái gì cũng lạ, ở tuổi 'Ô mai" cái gì cũng thèm cũng muốn thử..., giữ được mình không dễ gì. Nhưng nhờ được giáo dục trong một nếp nhà có truyền thống Nho học lâu đời nên tôi đã vượt qua được nhiều cám dỗ.

buixuanphuong09
02-09-2012, 01:13 PM
MƠ CẬU TÚ

Một gian phòng rộng ở tầng ba (1)
Hai đứa ít xu hoá ở nhờ
Sáng sáng đến trường, chiều bát phố
Vườn hoa, ghế đá bạn cùng ta.

Điện, nước, tiền nhà chẳng phải lo
Ăn thì ra “Tiệm’’ khỏi phiền hà
Mắm, dấm nhà hàng ta thả sức
Canh suông một bát cứ chan hoà!

Cứ thế tháng ngày lặng lẽ trôi...
Phải ăn, phải học, phải nên người
Đíp Nôm (2) quyết đạt cho kì được
Thông, Kí (3)chẳng mơ, muốn TÚ TÀI!(4)
Tháng 4- Giáp Ngọ 1954
12 Trần Xuân Soạn- Hà Nội .

( 1)Cuối năm 1953 tôi chuyển đến 12 Trần Xuân Soạn ở cùng 5 người bạn khác, thuê một gian phòng ở tầng 3, góp gạo thổi cơm chung, cuộc sống rất vui tươi hoà hợp. Cuối tháng 3, chiến tranh mở rộng, ác liệt, 4 người bạn phải bỏ học về quê, còn lại hai chúng tôi không đủ tiền thuê nhà. Đang lo lắng thì một duyên may đến: Có người muốn thuê lại với điều kiện: chịu mọi chi phí về điện, nước, tiền nhà; đổi lại, hàng ngày, từ 7-11 và 13 -17 giờ, chúng tôi không được có mặt ở nhà. Thé là hàng ngày tôi đành, sáng đến trường, chiều mượn ghế đá vườn hoa làm Góc học tập, chủ nhật lang thang cả ngày. May mà năm đó ít mưa, cuộc sống cứ thế kéo dài hêt hai tháng cuối năm học.
(2) Đíp Nôm là bằng Tốt nhiệp cấp II
(3) Thông, Kí là các chức vụ hành chính thời Pháp.
(4) Tú Tài là tốt nghiệp cấp III. Thời tôi cả huyện mới có một trường Tiểu học. Tôi phải học Cha ba năm lớp Sơ đẳng (ba) vì không có lớp trên. Mãi năm học 50-51 TT Cẩm Giàng mới có trường Tiểu học. Thi Tiểu học phải đi Tỉnh. Thi có bốn môn viết: Luận văn, Chính tả, Toán đố và Bốn câu hỏi về khoa học thường thức. Xong thi viết còn phải vào Vấn đáp, phải đạt được cả hai phần Thi viết và Vấn đáp mới trúng tuyển.
Cha tôi mới đỗ SÉC, tức là hết Tiểu học đã được bổ Hương sư, năm đó tôi đã học hết Thành chung năm thứ hai(lớp7), hai năm nữa kiếm được tấm bằng Đíp Nôm đã có thể đi làm kiếm tiền nuôi gia đình và ước mơ vươn tới tấm Bằng TÚ TÀI TOÀN PHẦN. Tuy nhiên:


KHÔNG CÓ GÌ QUÍ HƠN ĐỘC LẬP TỰ DO!

buixuanphuong09
03-09-2012, 06:44 AM
NHẮN BẠN

Lặng nhìn hoa lựu rắc bên song
Nghĩ tới ngày mai nát cõi lòng
Mộng học tan rồi còn chi nữa
Còn chăng ôi chỉ giấc phù dung!

Nào phải rằng tôi chịu đớn hèn
Đường đời gian khổ ngại đua chen
Ao tù, nước đọng đành cam chịu
Nỡ dở công danh, thẹn sách đèn.

Tôi cũng muốn đi kiếm việc làm
Nuôi mình ăn học dẫu gian nan.
Lập thân - thân lập, đời sương gió
Mệt óc, ngót lòng vẫn cứ ham!

Khốn nỗi đời tôi còn nặng gánh
Mẹ đau, em dại...Biết sao đây?
Ruộng đồng mới nhận trông con lớn!
Rứt áo làm sao với cuốc cày?

Thôi bạn đi đi chớ đợi chờ!
Tôi đành chôn chặt mọi niềm mơ.
Học đường! Ôi chỉ trong mộng ảo,
Leo lét đèn khuya sách hững hờ!

Tế Bằng thu 1955

Trước hoà bình năm 54, Cha tôi là giáo viên trường làng, Mẹ tôi buôn vặt, cuộc sống thanh bần cũng tạm qua ngày. Sau Hoà bình, Cha tôi là giáo viên thu dung, Mẹ tôi không còn buôn bán được, được tạm chia mấy sào nhưng chưa quen làm ruộng, lại đau ốm luôn, nhà 7 miệng ăn, kinh tế rất thiếu thốn. Tôi rất khát khao học tập, các bạn rủ tôi đi kiếm việc làm, tự nuôi mình ăn học. Nhưng, hoàn cảnh gia đình như thế, là con lớn tôi làm sao dám rứt áo ra đi?

buixuanphuong09
03-09-2012, 02:34 PM
ĐÊM TRĂNG DẠO MÁT

Trong nhà nóng nực chẳng nằm yên
Chị Nguyệt nhòm song ý động viên
Hãy dậy ra ngoài đi dạo tí
Trăng thanh, gió mát ngủ chi em!

Dạo gót đường quê hứng gió đồng
Hoà mình với cuộc sống quê hương
Đường cày rèn luyện tay luôn vững
Ngọn bút nào quên mộng Ghế trường!

Mộng học ngày đêm vẫn cháy lòng
Nhưng không để phí tuổi thanh xuân
Cày sâu, cuốc bẫm...không rời bút
Tự học kiên trì vẫn vững tâm.

Luôn hỏi Tại sao? với Thế nào?
Mắt nhìn muốn thấu các vì sao!
"Học vấn là thang không nấc chót..."
Tay cày, tay bút chẳng hoài đâu!

Đã tự nhủ lòng: Nguyện hiến dâng
Trái tim, khối óc tuổi thanh xuân
Cho Đoàn, cho Đảng, cho Dân tộc
Không tính, không suy, chẳng ngại ngần.

Không suy, không tính, lòng thanh thản
Như ánh trăng vàng chẳng gợn mây
Nhẹ gót về nằm yên giấc ngủ
Trong mơ ăm ắp ánh trăng đầy.

Bình Phiên Thu 1957

Thơ tôi rất nặng u sầu, đây là bài thơ duy nhất tôi làm trong tâm trạng sảng khoái, vô tư nhất. Tôi luôn khát khao muốn tự học nhưng chưa đủ duyên. Chỉ đến khi ...trong cơn tuyệt vọng định huỷ hoại đời mình, mới lại vùng dậy và việc tự học mới thành công.

buixuanphuong09
04-09-2012, 05:23 AM
NHỮNG BUỔI CHIỀU

Từ khi giã biệt ghế nhà trường
Tôi trở về đây với cố hương
Sản xuất ngày đêm không biết mỏi
Chẳng nề nắng gió với mưa sương.

Tôi nhớ chiều nào gió hắt hiu
Xa, thày, xa bạn, mái trường yêu
Đô thành nhìn lại còn lưu luyến
Tôi trở về đây sống những chiều...

Tôi nhớ chiều nào nắng găt gay
Đầu tiên rời bút để cầm cày
Mồ hôi ướt đẫm, tay phòng rát
Ôi ngẫm đời mình thấy đắng cay!

Tôi nhớ chiều nào quẩy gánh phân
Trên đường 38 những cười thầm
Đường xa, gối mỏi, chân như vịt
Mặt mũi đỏ gay, áo ướt đầm! (1)

Rồi có những chiều Đông gió lạnh
Một mình những tưởng ruộng mênh mông...
Vẫn vui tay cuốc lòng không nản
Phầm phập đều đều đất bật tung...

Tôi nhớ những khi gắt tập đoàn (2)
Lòng tôi tràn ngập những hân hoan
Niềm vui tập thể, vui thu hoạch
Đâu giọt mồ hôi đó lúa vàng.

Tôi nhớ những ngày hạn gắt gay
Ao khô, sông cạn, trắng đường cày
Rau lang, cháo loãng nào nản chí
Tay rã, chân rời vẫn đắm say!

Cùng bạn thanh niên, tôi hăng hái
Thi đua vét mạch lại đào mương
Quyết tâm vắt đất ra dòng nước
Lúa tốt, mầu tươi đẹp xóm làng.

Thi đua lao động quên ngày tháng
Đói, rét, nắng, mưa, mệt.... sá gì!
Chỉ thấy quanh mình tràn ánh sáng
Hoa thơm cỏ lạ ngập đường đi.

Tôi nhớ những đêm tối mịt mùng
Mưa bay, gió quật...rét căm căm
Gội mưa, đạp gió tôi công tác (3)
Với một quyết tâm chẳng ngại ngùng.

Tôi nhớ một đêm Thu mát rượi
Không trăng! Nhưng sáng cả hồn tôi
Máu hồng rực chảy trong tim lạnh
Muôn ánh hào quang toả sáng tươi!

Rồi từ ngày ấy tôi khôn lớn
Như đứa trẻ thơ đã trưởng thành
Bên Đảng, có Đoàn tôi phấn đấu
Tàn hơi, kiệt sức tiếc chi thân!

Tôi đã lớn lên trong sản xuất
Trong tình gắn bó với quê hương
Thơ ơi! Hãy cất cao giọng hát
Ca ngợi tình ta với xóm làng.

Xóm làng tươi đẹp biết bao nhiêu!
Tôi đã về đây sống những chiều
Êm ái, vui tươi và hạnh phúc
Ruộng đồng chan chứa vạn tình yêu!

Thu Đông 1958

(1) Cuối năm 1952, khi Pháp dồn dân đuổi làng, gia đình tôi lên ở nhờ thôn Tế Bằng (cách 1,5km). Năm 54-55, vẫn sinh hoạt với làng, nhận ruộng tạm chia và cấy cày.
(2) Tổ đổi công chứ chưa phải HTXNN
(3) Trong kháng chiến làng tôi nằm trong vành đai trắng của Pháp, tuy là cơ sở Đảng đầu tiên của CG nhưng thời gian này làng tôi không còn cơ sở CM. Cuối năm 1954 tôi được cử Phụ trách TN, tập hợp thanh niên trong lứa tuổi (chưa phải tổ chức Đoàn TNLĐ) sinh hoạt.

buixuanphuong09
05-09-2012, 09:35 AM
BƯỚC NGOẶT CUỘC ĐỜI

Trước ngày bị bệnh tôi thuộc lớp thanh niên tiên tiến của làng xã. Hoà bình lập lại, năm 1954 tôi mới 16 tuổi, là một cậu học trò chỉ quen với cây bút quyển sách, với những chò khăng đáo, thả diều, bắt bướm... Bố dạy học, mẹ buôn vặt, ruộng không có, tôi chỉ có một việc ăn học và chơi. Cuối năm 54, dân làng lục tục trở về, cả làng chỉ là một bãi cỏ hoang ngập đầu người với những hàng rào kẽm gai trùng điệp..., gia đình tôi vẫn ở nhờ cách làng 1,5km. Tháng Giêng năm 55, tôi mới bước vào tuổi 17, cùng với một người bạn khác được giao vận động thanh thiếu nhi vào tổ chức, tôi phụ trách thanh niên, có nhiều anh lớn hơn tôi trên 10 tuổi. Sở dĩ tôi làm được vì nhiệt tình, hăng hái, lại có văn hoá hơn tất cả (tôi đã học hết Thành chung năm thứ hai, là của hiếm trong làng lúc đó), và điều quan trọng hơn: mới hoà bình, mọi người rất phấn khởi, các anh lớn phần nhiều đi lính cho Pháp, mang cái tiếng "Nguỵ binh", tôi lĩnh nghị quyết ở xã về phổ biến thì ai dám chống lại! Cuối năm 59 tôi được đề bạt làm Trưởng ban BTVH xã, tuổi trẻ hăng say, tôi đã lãnh đạo phong trào BTVH của xã lên một đỉnh cao, được vị Bí thư Đảng xã lúc đó đánh giá là "phong trào lịch sử xã Ngọc Liên". Phong trào đang lên như diều gặp gió thì tháng 8/60 tôi nhận được quyết định của xã điều về làm Kế toán cho HTX. HTXNN quê tôi chưa qua ba vụ đã 5 lần thay đổi kế toán, sổ sách rối mù. HTX mới lên bậc cao, bỏ trả HLRĐ, thực hiện cổ phần công hữu, có rất nhiều loại sổ sách. Không một chút chuyên môn, tôi đã phải mò mẫm suốt ba tháng ròng rã, lần từng tài khoản, chỉnh lý lại sổ sách, lên Phương án thu chia mùa 60, lập Đề án sản xuất năm 61..., tất cả rõ ràng, minh bạch..., được báo cáo điển hình toàn huyện. Nhưng..., tuổi trẻ hăng say không biết giữ mình, làm việc vô độ...tôi đã lâm bệnh trọng...để rồi mang bệnh suốt đời!!!

BXP 5.9.12

buixuanphuong09
06-09-2012, 09:31 AM
"được báo cáo điển hình toàn huyện" là một vinh dự. Nhưng, khi tôi lên đọc báo cáo thì tiếng tôi cứ xói vào tai tôi như muôn ngàn mũi kim đâm vào óc. Đọc xong báo cáo, tôi gần ngất sỉu, phải bỏ buổi liên hoan trở về. Hôm sau đi BV tỉnh, được giới thiệu đi ngay BV Việt Tiệp Hải Phòng.... Ghi lại mấy bài thơ của những ngày đầu " BƯỚC NGOẶT CUỘC ĐỜI" mong nhận được trong lòng bạn đọc sự đồng cảm sẻ chia.

ĐI HẢI PHÒNG CHỮA BỆNH

Bước lên tầu đi Hải Phòng chữa bệnh
Tôi ngẩn ngơ như một kẻ không hồn
Tai đã ù, óc lại nghĩ lung tung
Thành ngơ ngẩn lại càng thêm ngớ ngẩn

Rồi đoàn tầu chuyển bánh
Tôi ngó cổ nhìn xem...
Bỗng giật mình...
Thôi chết! Nhầm chăng?
Mình đi Hải Phòng kia
Sao tầu về Hà Nội?
Tôi bâng khuâng tự hỏi? ? ?
Rồi vội vàng hốt hoảng chạy ra boong
Kia phố Cẩm Giàng
Đây là Tổng hợp
Cầu Giằng phía trước
Kìa bốt Bình Phiên...
Lòng trĩu nặng ưu phiền
Tầu thản nhiên lăn bánh...

Bỗng đoàn tầu dừng hẳn
Tôi mỉm miệng cười vui!
Thì ra tầu chạy giật lùi
Để sang đường khác ... mà tôi tưởng lầm...

Vào toa lặng lẽ, âm thầm
Thả hồn trong tiếng ầm ầm tầu đi.

Trên tầu Hà Nội-Hải Phòng cuối đông 1960

GẶP GỠ

Bước chân đến đất Hải Phòng
Chiều tà, sương phủ...lạnh lùng...buồn tênh!
Phố phường thưa thớt bộ hành
Gắng tìm nhà trọ bao lần chẳng ra

Giữa thành phố Cảng: Mình ta
Bơ vơ, lạc lõng... biết là về đâu?
Về đâu? Ôi biết về đâu?
Tấm thân bệnh tật dãi dầu gió sương!

Tiện đây quán nhỏ bên đường
Ghé nhờ ... cơm nắm, muối vừng giở ăn
Ăn xong ... cứ thấy bần thần
Ngập ngừng, nhấp nhổm...mấy lần chẳng đi.
Mẹ già thấy thế tỉ tê...
Nỗi lòng tôi mới dãi dề nguồn cơn...

"Rằng con quê ở Cẩm Giàng
Xuống đây chữa bệnh, phố phường chẳng quen
Giờ thành phố đã lên đèn
Lạ lùng, bỡ ngỡ...biết tìm về đâu?
Chiếc thân bệnh tật dãi dầu
Đi đâu? Nào biết đi đâu cho đành!"

Mẹ già nghe nói thương tình:
"Nhà ta chật lắm!...Thôi đành giúp con."
Chao ôi! Tưởng đã lỡ làng
Bỗng đâu gặp tấm lòng vàng chở che!
Rọn hàng giúp Mẹ, theo về
Trong căn nhà hẹp trần trề yêu thương!

Hải Phòng cuối Đông 1960

NHẬP VIỆN KHOA THẦN KINH

Suốt một tuần thông mũi
Bơm hơi về hai tai
Bệnh chẳng hề thuyên giảm
Ngày cứ trôi dài dài

Một tuần chữa ngoại trú
Lang thang khắp Hải Phòng
Như chim non lạc mẹ
Giữa đất trời mông lung.

Một chiều đang dạo phố
Bỗng đất trời nghiêng ngả
Vội ghé vào vườn hoa
Nghỉ nửa giờ mới đỡ.

Rồi nửa đêm thức dậy
Thấy trong người nôn nao
Định bước ra đi tiểu
Bỗng run run ngã nhào.

Mẹ già bừng tỉnh giấc
Thấy tôi nằm lăn quay
Vội gọi xích lô gấp
Đưa vào bệnh viện ngay.

Một tuần "Tai Mũi Họng"
Ngoại trú cứ lang thang
Bỗng một cơn chóng mặt
"Thần kinh” đã nhập giường...

B/V Việt Tiệp HP tháng giêng 1961

XUÂN VỀ TRÊN GIƯỜNG BỆNH

Tiếng pháo Giao thừa đã nổ vang
Hải Phòng rộn rã đón Xuân sang
Phòng tòng tôi rôm rả bình Xuân-Tết
Từng chuỗi pháo cười cũng nổ ran!

Xuân sang, Tết đến đã bao lần
Nhưng có bao giờ tôi đón Xuân
Xa quê, xa Mẹ, xa làng xóm
Giữa những người xa lạ: Bệnh nhân!

Tuy chẳng cùng quê, chẳng ở gần
Vào đây chữa bệnh hoá nên thân
Cơm ăn chung bữa, phòng chung ở
Chia sẻ buồn vui biết mấy lần.

Lương y - Từ mẫu nặng tình thương
Những Kính, Ưu, Trọng, Tín, Thịnh, Thường
Ngày đêm chăm sóc bên giường bệnh
Cho dịu bớt lòng những vấn vương!

Mùa Xuân thập kỷ tưng bừng quá
Hạnh phúc đơn sơ đến mọi nhà
Rạo rực lòng người thơ muốn viết
Chúc mừng đất nước nở muôn hoa!

Xuân Tân Sửu 1961
Những ngày điều trị ở khoa Thần kinh bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng.

buixuanphuong09
06-09-2012, 08:54 PM
NHỮNG VẦN THƠ BUỒN

Nhờ có bản Báo cáo điển hình, tháng Giêng năm Tân Sửu (61) tôi nhận được Thông tri của Huyện triệu tập tham gia Đoàn cán bộ đi tăng cường cho các HTXNN trong huyện, nhưng lúc này tôi đang nằm viện. Sau hai tháng, được xuất viện, tưởng rằng sẽ khoẻ dần lên, nhưng.... Sáu tháng trời vẫn đầu nặng, tai u, gáy như đốt lửa suốt ngày đêm, vẫn những cơn mất ngủ triền miên, nhiều đêm tôi bỏ nhà đi thang thang.... Tôi sống trong tâm trạng buồn nản chán đời, cạo trọc đầu, dẫn đến tuyệt vọng, muốn tìm cái chết...

KHÔNG ĐƯỢC HỌC SƯ PHẠM

Nghe tin Thày bảo: "Huyện mình
Mở lớp Sư phạm ở đình Kim Quan
Học xong hai tháng, về làm
Giáo viên lớp Một, dạy trường địa phương"
Vội vàng tôi mới nộp đơn
Đến khi khám tuyển: "Thần kinh!"...Loại rồi!!!
Tôi buồn, buồn quá đi thôi!
Ước mơ tuổi trẻ tan rồi còn đâu!
Thì nay...cạo trọc mái đầu!
Để lòng bớt nặng nỗi đau nhân tình.
Tai ù, mắt cận, thần kinh!
Biết làm chi nữa? Thôi đành nằm co!
Chiếc thân bệnh tật dày vò
Quạnh hiu cuộc sống, vật vờ tuổi xuân...
Đời ta bất hạnh bao lần!!!

Hè 1961

THẤT VỌNG

Đã sáu tháng trôi qua
Vẫn đầu nặng tai u
Gáy như người đốt lửa
Lòng trĩu nặng sầu tư

Ngày tháng nặng nề trôi
Trái tim hồng rỉ máu
Chuyện công tác xa vời
Còn đâu đường phấn đấu???

Ôi cuộc sống quạnh hiu
Tuổi xuân dần tàn úa
Bệnh tật luôn dày vò
Vươn lên làm sao nữa?

Muốn học, học được đâu!
Muốn cày, cày sao nổi
Ôi trọc lốc cái đầu
Giữa tuổi xuân phơi phới!

Bao ước mơ tuổi trẻ
Tất cả đã xa vời
Tương lai là chi nhỉ?
Cuộc đời? ÔI thôi! Thôi!!!

Hè 1961

Những bài thơ buồn thì nhiều lắm, nó cứ tuôn ra ầm ầm, có cả một bài trong cơn tuyệt vọng tìm đến cái chết, nhưng không dám đăng.

buixuanphuong09
07-09-2012, 08:16 AM
HÃY XỐC TỚI VƯƠN LÊN

Trong một cơn bão lòng
Tưởng cuộc đời đi tong
Hoá ra không thể được
Đâu dễ rũ nợ trần!

Ồ, đã không thể chết
Thì phải sống đàng hoàng
Buồn làm chi cho mệt
Dù cuộc đời trái ngang.

Chuyển cái đầu trọc lốc
Thành mái tóc tươi xuân
Lấy niềm vui công tác
Ta lại dạy Bình dân (BDHV)

Muốn trời cao vùng vẫy
Chẳng vướng bận "dây bìm"! (1)
Vì Song đường cao hạc
Ta đành phải chịu duyên.

Học mọi nơi, mọi lúc
Quyết "mài sắt nên kim"
Mục tiêu: "Thi chuyên nghiệp"
Hãy xốc tới, vươn lên!

Thu-Đông 1961
(1) Vì tôi là con trưởng nên năm 1955 gia đình ép tôi lấy vợ nhưng tôi quyết không chịu, chỉ có một khát vọng được học tiếp, yêu đương chỉ là cái dây bìm trói buộc.

buixuanphuong09
08-09-2012, 09:45 AM
DÂY BÌM THẦM LẶNG

Thật ra, tôi không chịu lấy vợ còn có một nguyên nhân sâu xa:
Năm 1953, thiên duyên hội ngộ, tôi đã quen biết một bạn gái học trường nữ Trung học Trưng Vương, nhà ở cùng phố tôi trọ học. 1001 chuyện tình không chuyện nào giống chuyện nào nhưng đều chung một điểm: Kỳ ngộ!. Chuyện của tôi cũng bắt đầu bằng: "Tình cờ vào trú cơn mưa...". Suốt năm học 53-54, chúng tôi đối với nhau vô cùng thân thiết, vắng nhau thì nhớ, nhưng chưa phải tình yêu. Trường tôi học gần trường Trưng Vương, chúng tôi cùng chung một đường đi nên thường đợi nhau: "Ngày ngày hai buổi đi về có nhau...". Tuổi hoa bướm chưa biết gì đến khát vọng. Quan hệ của chúng tôi là một thứ tình cảm rất lạ lùng, nó xen giữa tình bạn và tình yêu, nó thuỷ chung trong sáng đẹp biết bao! Không chủ nhật nào là chúng tôi không đi chơi với nhau: du thuyền trên Hồ Tây, sánh vai nhau dạo gót trên đường Cổ Ngư, Bách Thảo, những ngày lễ không thiếu mặt ở chùa Trấn Quốc, đền Quan Thánh...
Ngày nay trong thơ tôi thường nhắc đến "Lời nguyện đền Quan"... nhưng chỉ là thêm dấm hành cho thơ chứ thực không có lời hẹn ước nào cả. Còn những chi tiết như: "bánh tôm Trúc Bạch, bún chả Sinh Từ, bò khô, mực nướng v.v." là những món ăn khoái khẩu có thực của lớp học sinh chúng tôi thời ấy, nó gắn liền với nhiều kỷ niệm sâu sắc của đời tôi. Những ngày êm đẹp ấy kéo dài suốt năm học 53-54. Nhưng rồi thời thế đổi thay. Một ngày thu mát, tôi đi Hà Nội để lấy tư trang, sách vở về, vì hoàn cảnh gia đình tôi không còn được tiếp tục học. Tôi đến thăm người bạn gái thì được biết gia đình bạn đã chuyển đi Hải Phòng, một mình bạn ở nhà trông nhà chờ người về đón, sau đó sẽ theo đòan di cư vào Nam. (Hà Nội đã giải phóng, nhưng HP vẫn còn trong kỳ hạn 300 ngày tập kết của Pháp, cha bạn gái là viên chức chính quyền cũ). Lúc này tôi mới biết chúng tôi đã yêu nhau tha thiết tự bao giờ. Trái tim tôi như vỡ ra từng mảnh. Trong căn nhà vắng vẻ quạnh hiu, bạn gái đã ngã vào vòng tay tôi, lần đầu tiên chúng tôi đã hôn nhau, một nụ hôn nồng cháy xót xa..., nhưng chúng tôi đã kịp dừng lại không bước dần đến bước cuối của tình cảm, để còn giữ được mãi mãi những hình ảnh đẹp trong lòng nhau. Đó là nguyên nhân thầm lặng, sâu sắc khiến tôi đã không chịu vâng lời cha mẹ. Bệnh của tôi trầm trọng, ngoài nguyên nhân trực tiếp là làm việc quá độ, còn có nguyên nhân sâu xa là nỗi sầu tương tư đeo đẳng suốt 6 năm dài. Dù sau này đã lấy vợ, 50 năm chung sống, chúng tôi rất yêu thương nhau, sống với nhau vô cùng hạnh phúc, đã có với nhau 8 mặt con, nhưng cũng phải thú nhận rằng: từ đáy lòng sâu thẳm tôi không sao quên được nụ hôn đầu tiên duy nhất ấy.

BXP

buixuanphuong09
08-09-2012, 08:54 PM
KHI ANH ĐÃ CÓ EM

Tình yêu của Em
Nhen lửa hồng rực cháy
Tình yêu của Em
Vực đời anh trỗi dậy
Anh lấy lại niềm tin
Thấy đời vui biết mấy!

Tình yêu của Em
Như mưa nhuần nắng dãi
Cho cây lá vươn cành
Làm dịu mát hồn anh
Cho nhiệt tình sôi nổi
Anh vững bước đi lên
Nghe biển trời vẫy gọi
Anh kiên nhẫn học hành
Hướng tương lai xốc tới.

Ôi! Tình yêu của Em
Như ánh hồng rực rỡ
Xoá tan đi tất cả
Những bất hạnh, hẩm hiu
Dù nắng sớm, mưa chiều
Hay sóng cồn, bão dữ
Không thể gì cản trở
Khi anh đã
Có Em!

Tháng 5.1962

Mãi đến đầu năm 1962, khi tôi đã quyết tự học, hướng thi Chuyên nghiệp, lúc đó mới đặt vấn đề yêu đương. Khi bập vào yêu rồi mới biết "cái sức mạnh của tình yêu!"

buixuanphuong09
09-09-2012, 07:56 AM
TẶNG THÀNH

Đêm nay sương lạnh, trăng mờ
Nhớ em anh gửi vần thơ thiệp hồng...
Thành ơi! Em có biết không?
Xa em anh thấy cõi lòng ngẩn ngơ
Vắng em cây cỏ hững hờ,
Có em mây nước, tình thơ chan hoà.

Muôn vàn trìu mến thiêt tha
Gửi em muôn vạn lời ca ước nguyền...
Buổi nào tát nước Ao Sen
Khi về anh hẹn gặp em...Đầu cầu!
Thế rồi... tối ấy bên nhau
Nỗi niềm tâm sự...muôn câu tỏ lời...
Cùng nhau gắn bó trọn đời
Núi mòn, biển cạn chẳng rời lòng son!
Xót xa một cánh chim non
Bơ vơ lạc mẹ...bão cồn ...phủ thân!
Đời anh ... bão táp tuổi xuân
Hoá công vùi dập bao lần...chửa xong!

Tình ta sớm đã mặn nồng
Vì ta lòng đã hiểu lòng từ lâu.
Dù ai tát cạn biển sâu
Cũng không ngăn nổi tình đầu đôi ta!

Ngày mai anh đón em về
Ngàn hoa rực rỡ tràn trề nắng vui.
Cuộc đời đẹp quá em ơi!
Cùng nhau ta giữ trọn lời nước non.
Duyên ta mãi mãi thắm hồng
Tình ta mãi mãi mặn nồng đắm say.

Em yêu! Hãy đón chờ ngày ...

Xuân 1962

Sau 8 năm lênh đênh giữa trùng dương bát ngát, con thuyền trái tim tôi đã trở về neo bến quê hương. Năm mươi năm đã trôi qua nhưng tôi vẫn giữ nguyên tình cảm dành cho em ngày ấy.

buixuanphuong09
10-09-2012, 02:56 PM
TỰ HỌC - ĐI THI

Chặng đường tự học - đi thi - đến trường của tôi trải nhiều cam go, vất vả nhưng cũng gặp lắm duyên lành. Năm 60, là c/b BTVH xã, tôi được dự nhiều cuộc họp với Hiệu trưởng các trường Phổ thông trong huyện, trong đó có vị Hiệu trưởng trường cấp II TT Cẩm Giàng. Đầu năm học 61-62, huyện chủ chương bồi dưỡng văn hóa hết cấp II cho giáo viên, trường cấp II CG được giao mở lớp, nhờ quen biết qua công tác tôi đã xin được vào học tại đây. Lớp học mỗi tuần một buổi vào chủ nhật, không được thường xuyên, buổi đực buổi cái, hết năm học, lớp mới học hết chương trình Học kỳ I. Với tôi, một người khát học, được vào học ở đây là điều vinh dự và cơ hội quý báu. Những bài giảng của thày đã giúp tôi nhiều cơ sở để tự học và tôi đã tự học hết chương trình lớp 7/10 để đi thi.
Quá trình nộp Hồ sơ cũng lắm cam go. Giấy chứng nhận học lớp 7 thì tôi nhờ ông Hiệu trưởng cấp II giúp. Gay nhất là Giấy khám sức khỏe. Đầu Hè 61, chỉ vì lộ tẩy cái bệnh "Thần kinh" mà tôi đã bị loại, không được vào học lớp Sư phạm hai tháng, học xong được về dạy lớp Một trường ở địa phương... Lần này tôi gặp chút may. Các tiêu chí nội tạng bình thường, số đo pigné đạt..., mắt tôi thực là 3/10 và 7/10 nhưng tôi nói dối vừa khám nghĩa vụ, hai mắt 10/10, y sỹ ghi không khám lại. Đến tai, y sỹ ngồi cách tôi 1m, nói thầm: "có vợ chưa?", tôi căng thẳng nhìn mồm đoán và trả lời: "chưa!". Thế mà đúng...
Đến ngày thi, chiều hôm trước tập trung kiểm tra Hồ sơ và nhận số báo danh. Tôi không có Bằng Tốt nghiệp cấp II nên không được vào thi, hoảng quá, đến gặp ông Quang cũng là Giám thị kiểm tra Hồ sơ nhờ giúp đỡ nhưng không được ông chấp nhận. Quang và Hãn là c/b Phòng Giáo dục huyện chuyên trách về BTVH, tôi là c/b BTVH xã, được gặp gỡ nhau nhiều qua công tác nên quen biết. Không được ông Quang giúp đỡ, sẽ không được vào thi...., bao mồ hôi những tháng năm dài trở thành nước lã...Tôi quá luyến tiếc nên không thể bỏ về. Suốt đêm ấy, tại trường Nam Tiểu học HD, tâm trạng tôi căng thẳng...thức trắng một đêm dài...Sáng hôm sau đến giờ vào lớp tôi cứ liều lĩnh xếp hàng... Ngước nhìn Giám thị kiểm tra bắt gặp ông Hãn, tôi lại bàng hoàng ác cảm với những c/b BTVH huyện. Nhưng khi đến lượt tôi, ông Hãn nhìn thấy chỉ nói một câu ngắn gọn: "Phượng hử? Thôi vào!" mà không kiểm tra gì cả. Sau những giờ phút lo lắng căng thẳng, khi được vào thi lại mừng đột ngột nên tâm trạng tôi xáo động dữ dội, phải mất gần nửa giờ mới trở lại bình tĩnh, và tôi đã hoàn thành tốt bài Văn. Qua môn thi Lý, tôi làm bài tốt. Đến môn thi Hóa thì thật gay, câu hỏi về tính chất của Muối lại là bài tôi chưa học..., tình tiết diễn ra đúng như tôi đã thể hiện trong thơ. Tôi đã làm được bài nhờ duyên lành...nhưng kết quả không phải tự trên trời rơi xuống mà nó đã trải qua một quá trình dài lao tâm, khổ tứ. Tôi thường tự học bằng cách: đọc trước sách giaó khoa, tóm tắt các qui tắc, công thức ghi vào một cuốn sổ nhỏ gọi là Sổ tâm niệm, học vẹt thuộc lòng..., rồi dựa vào đó trình tự thực hành các bài tập. Bài Muối, theo trình tự thì tôi chưa học, nghĩa là tôi chưa thực hành các bài tập về Muối, nhưng tôi đã thuộc lòng bài tốm tắt "bốn tính chất của muối" trong sổ Tâm niệm, vì nhiều sự kiện dồn dập sẩy ra nên tôi đã quên mất, chỉ còn viết được một tính chất. Anh bạn bên cạnh nhớ được một câu khác, nghiêng bài gợi ý hỏi tôi... Bỗng tôi bừng tỉnh..., trang tóm tắt trong Sổ Tâm niệm hiện ra rõ rệt...Chúng tôi đã cùng nhau làm xong bài. Chiều vào thi Toán ..., tất cả diễn ra đúng như tôi đã diễn tả lại trong thơ... Tâm trạng tôi lúc đó đã gói gọn trong hai câu thơ:
"Nhói lòng nghĩ đến Thày U....!
Máu trào ngọn bút....hết giờ vừa xong."
Bài thơ ĐẠI ĐĂNG KHOA của tôi: "đếm đầu bổ sỏ, dây cà rễ muống", nó không có giá trị văn học, nhưng lại là kỷ niệm sâu sắc đời tôi, nên tôi vẫn trân giữ nó.

buixuanphuong09
11-09-2012, 09:43 AM
ĐẠI ĐĂNG KHOA
( Nhận được giấy báo trúng tuyển)

Sáng nay trên máng Cửa Đình
Tôi đang tát nước phần trăm(1) mệt phờ
Bỗng nghe: "Phượng hỡi có thư!"
Dừng gầu đón nhận phong bì Vinh trao,
Mở xem: Mắt chớp, lệ trào,
Tay run, lòng những nao nao bàng hoàng...
Chao ôi! Giấy báo nhập trường!
Tỉnh? Mơ? Lòng tự hỏi lòng: Tỉnh? Mơ?

Ngày đêm khắc khoải mong chờ
Khi tin vui đến, thẫn thờ chẳng tin!
Rõ ràng giấy trắng mực đen:
"Trung cấp kĩ thuật ba năm, nghề rừng".!
Kìa bao bạn trẻ học hành
Trường lớp bài bản mà đành hoài mơ!
"Mèo mù vớ cá rán" ư?
Hỡi chàng loạn thị, tai ù, "thần kinh"?
Bao năm khao khat học hành
Ước mơ tung cánh vẫy vùng trời cao,
Bao năm ôm mối lệ sầu,
Bao lần trỗi dậy ngẩng đầu vươn lên,
Kiên trì tự học ngày đêm,
Lấy câu: "Mài sắt lên kim" làm lòng.
Ngày ngày dẫu bận việc đồng
Đi cày, tát nước, hay làm việc chi
Luôn luôn quyển sách cập kè
Giải lao là lại mải mê làm bài.
Tranh thủ mọi lúc, mọi nơi.
Hướng thi Chuyên nghiệp, quyết rời nghề nông.

Hải Dương chiều ấy tập trung,
Thiếu Bằng Tốt nghiệp nên không được vào.(2)
Về ư? Ôi biết làm sao?
Gặp anh Quang(3), chạy nháo nhào chẳng xuôi!!!
Thôi đành phó mặc cho Trời!
Trường Nam Tiểu học thức hoài trắng đêm...
Sáng ra..., liều cứ xếp hàng
Mà con tim muốn quáng quàng nhẩy ra.
Ai như anh Hãn(3) kiểm tra?
Lại cán Bổ túc! Số ta thế nào...!!!
Bỗng nghe: Phượng hử? Thôi vào!
Ôi! Mừng này có mừng nào mừng hơn!
Anh là cứu cánh đời em!
Ơn này "kết cỏ ngậm vành" chẳng quên.

Quá mừng lệ ưá, chân run
Vào phòng đón nhận môn VĂN...ngỡ ngàng!
Bước đầu lúng túng, hoang mang,
Bình tâm lại, cũng dần dần vượt qua.
Rồi môn LÝ cũng theo đà...
Đến câu hỏi HOÁ...hoá ra bí rì!
Đúng bài chưa học, thật bi!
" Bốn tính chất Muối" mới xì một thôi!
Nửa giờ ngồi cắn bút hoài....
Anh bạn cũng bí, rỉ tai: Thế nào?
Bỗng tôi bừng tỉnh nhớ sao!
Trang "Tóm tắt Muối" hôm nào mới ghi.(4)
Thế là cùng bạn mải mê
Viết xong vừa lúc hết giờ kẻng vang.
Thở phào: "Xong được ba môn!"
Ra ăn qua quít vài nưng cơm hàng.
Còn lo: Chiều được vào không?
Nhưng rồi thủ tục nhập phòng cũng qua.
Bước vào thi TOÁN...bơ phờ!
Một đêm căng thẳng..., một trưa bải hoài...
Cái mệt ngấm nghía, rã rời...
Hai mắt nặng trĩu..., hai tai u ù...
Nhói lòng nghĩ đến Thày U....!
Máu trào ngọn bút....hết giờ vừa xong.

Ra về thắc thỏm ngóng trông
Khi mừng...khi sợ...nỗi lòng ngẩn ngơ!!!
Nhưng mà Trời chẳng phụ ta!
Có công mài ... bút, hoá ra có ngày....
Có ngày như buổi hôm nay,
Có ngày thoả cánh trời mây vẫy vùng.
Chao ôi! Mộng học cháy lòng!
Giờ đây đã thoả ước mong bao ngày.
Cuộc đời đổi mới từ đây
Rõ ràng khổ tận đến ngày cam lai.
Phen này phải cưới vợ thôi!

Tháng 8 năm 1962
BXP
(1) Ruộng 5./. HTX chia cho xã viên trồng rau màu tự túc.
(2) Vì tự học nên không có bằng Tốt nghiệp, nhờ quen biết qua công tác nên tôi đã xin được một Giấy chứng nhận học BTVH để làm thủ tục đi thi.
(3) Năm 60 tôi là c/b BTVH xã, Quang, Hãn là c/b BTVH huyện, do quan hệ công tác nên quen biết nhau. nhờ vậy mà tôi đã có phúc duyên chịu ơn sâu nặng của ông Hãn. Tiếc rằng vì bệnh tật tôi đã không có điều kiện gặp lại ANH.
(4) Tôi tự học bằng cách ghi tóm tắt các công thức, qui tắc Toán, Lý, Hoá rồi học vẹt cho thuộc, dựa vào đó lần lượt thực hành các bài tập.

buixuanphuong09
12-09-2012, 08:10 PM
TIỂU ĐĂNG KHOA
(Cảm xúc đêm tân hôn)

Hôm nào anh viết tặng em
Lời thơ tha thiết vẫn còn đọng đây:
"Em yêu! Hãy đón chờ ngày..."
Em ơi! Ngày ấy hôm nay đến rồi!
Ôm em chẳng nói nên lời
Niềm vui tràn ngập đất trời ngả nghiêng.

Nhớ một đêm
Bên bờ sông Doanh trại
Gió đồng mát rượi
Vời vợi trời sao
Ta bên nhau
Dốc bầu tâm sự
Cuộc đời đau khổ
Ta đã cảm thông
Anh và em
Hai tâm hồn
Hai trái tim
Hoà chung nhịp đập
Tay tìm tay
Nắm chặt
Say sưa
Ngây ngất
Sóng tình dâng dạt dào
Ta đã là của nhau
Dành cho nhau tất cả
Nụ hôn đầu rực lửa
Anh lấn tới
Đòi em....
Em tế nhị, dịu dàng
Khuyên anh đừng nên vội!
Anh bâng khuâng nhớ lại
Một điểm dừng!
Càng tha thiết yêu em.
Trải bao nắng giữ mưa gìn
Để cho duyên thắm tình bền đôi ta.

Nụ hoa vừa hé nở
Còn tươi nhuỵ ngát hương
Em nâng niu gìn giữ
Nay dành cả cho anh
Niềm vui trọn vẹn dâng tràn
Càng yêu, càng quí tình em trọn đời!

9.9.1962

buixuanphuong09
13-09-2012, 08:52 PM
NHẬP TRƯỜNG

Tôi đến Yên Hưng một buổi chiều
Nắng cười hớn hở, gió mừng reo
Núi rừng xào xạc muôn tay vẫy
Biển cả rì rầm bao mến yêu.

Ơi! Núi rừng ơi! Bỡ ngỡ sao!
Bạch đàn, Thông, Teck với Phi lao
Chập chùng núi biếc ngàn mây phủ
Xú vẹt lô xô sóng biển trào.

Cuốc bộ đường xa những lạ lùng
Dốc lên, dốc xuống biết bao lần
Đường vòng những tưởng xe ngiêng đổ (1)
Khoác nặng mà sao chẳng mỏi chân?

Nắng tỏa chiều Thu bóng trải dài
Giữa ngàn chim hót tiếng reo vui
Núi, cây, cây, núi ngăn tầm mắt
Hơn vạn mét đường vẫn dẻo dai.

Ẩn hiện tàng cây tươi ngói đỏ
Ơi Trường Trung Cấp của ta ơi!
Ước mơ đã thỏa từ đây nhé!
Hổ đã về rừng! Ôi xướng vui! (2)

25.9.1962
Tổ 4, Lớp A, Khóa I, trường TCLNTW Quảng Ninh

(1) Tôi đi ca nô từ Hải Phòng đến Quảng Yên khoảng 12h. Tìm vào bến xe thì hêt chuyến (Hồi ấy xe hiếm lắm), hỏi thăm biết trường cách khoảng 12km, vai khoác nặng tôi quyết tâm một mình cuốc bộ.... Vốn ở nông thôn đồng bằng, lần đầu tiên đến nơi rừng núi cái gì cũng lạ. Lạ lùng thắc mắc nhất là những đoạn đường cong, mặt đường nghiêng phát sợ. Sau này học về lực ly tâm, hướng tâm tôi mới hiểu...
(2) Tuổi Mậu Dần, cầm tinh Hổ, học nghề rừng, vui xướng quá!

buixuanphuong09
15-09-2012, 07:12 AM
LAO ĐỘNG Ở MẠO KHÊ

Tôi đến Mạo Khê
Một chiều nắng đẹp
Rừng bạch đàn xào xạc reo vui
Cao lanh, than đá mỉm cười
Cỏ cây hớn hở, núi đồi hân hoan.

Rồi một sớm...Đoàn quân xuất trận
Cuốc trên vai - vũ khí diệt thù!
Giữa vùng đồi núi hoang vu
Đất cằn sỏi đá - Kẻ thù là đây!
Nhát cuốc bổ...bàn tay phồng rát
Đá tổ ong nhất loạt đương đầu...
Nửa ngày mải miết đồi cao
"Bình quân 5 hố"! Làm sao khỏi buồn?
Ăn thì ngô sạn độn cơm,
Rau già cùng muối cõng tôm...đậm đà!
Ba nưng mà vẫn tưởng chưa...
Tắm nước..rỉ sắt, muỗi khua...nưng màn!

Thật là muôn nỗi khó khăn
Lời ca tiếng hát vẫn vang núi đồi!
Lời ca quyện với mồ hôi
Phủ dần đồi trọc, xanh tươi bạch đàn.

Giữa vùng cát sỏi, đá than
Luyện rèn, thử thách càng bền trí trai.
Về trường, ừ nhỉ? Ngày mai
Bước vào học tập niềm vui chan hòa.
Học hành hẳn thỏa ước mơ!

Lâm trường Mạo Khê tháng 10-1962

buixuanphuong09
15-09-2012, 11:07 PM
BƯỚC ĐƯỜNG HỌC TẬP ĐẦY GIAN NAN VÀ HỨNG THÚ

Năm ấy, Tổng cục Lâm nghiệp mới được tách ra từ Bộ Nông Lâm, trường tôi học là một trong hai trường Trung cấp đầu tiên của ngành Lâm nghiệp. Trường đang xây dựng, mới có mấy căn nhà lá làm lớp học, đang phải nhờ Lâm trường Yên Lập nên mọi thứ còn rất thiếu tốn.
Sau một tháng lao động, trở lại trường trong niềm hân hoan vô hạn vì sắp được bước vào học tập thỏa nỗi ước mơ. Nhưng sự trắc trở chưa buông tha tôi... Vì tự học đi thi nên không có bằng Tốt ngiệp cấp II, nhà trường kiên quyết định trả tôi về địa phương. Sau mấy ngày căng thẳng, nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của anh lớp trưởng (vốn là c/b được cử đi học), nhà trường tạm chấp nhận cho tôi theo học. Vì tự học nên tôi chỉ học những gì cần thiết để đối phó với kỳ thi, vào học tập trường lớp chính qui mới thấy kiến thức mình quá nghèo nàn. Tôi không quen với cách nghe giảng tự ghi, tai lại nghễnh ngãng nên vô cùng lúng túng. Mắt 7/10 và 3/10, lớp học là căn nhà lá đơn sơ, mùa Đông ở vùng núi sương mù mịt, không có điện, nhìn bảng không rõ, tôi lại phải luôn căng thẳng che dấu bệnh tình.... Những ngày đầu, Thày ra cho 13 bài tập Hình, suốt một tuần vò đầu bứt trán mới chỉ giải nối ba bài, tưởng không theo kịp phải về. Trước những khó khăn chồng chất, tôi quyết vùng lên, tìm cách khắc phục những nhược điểm của mình. Tôi tế nhị lựa cách để được ngồi ở đầu bàn thứ nhất hoặc thứ hai. Ở vị trí này tôi nhìn bảng được gần hơn, các Thày thường có thói quen đi giữa hai hàng bàn để giảng bài. Vì nghễnh ngãng, tôi phải tập trung cao độ tinh thần để nghe giảng, nhưng cũng nhờ vậy mà tôi tiếp thu bài học tốt hơn. Sáng lên lớp, chiều học Tổ. Tôi thường nắm vững bài học hơn một số bạn, vì tập trung cao độ tinh thần nghe giảng, nhưng lại không biết cách học ghi nên ghi không kịp. Học Tổ, chúng tôi đã bổ xung lẫn cho nhau. Tôi bị bệnh thần kinh nên trí nhớ rât kém, gặp những bài chuyên ngành như: Côn trùng, Khí hậu, Thổ nhưỡng...nó rất dài, thuộc được bài không dễ gì. Tôi đã thực hiện một phương pháp là: tóm tắt bài học thành một sườn ý, học thuộc sườn này, vận dụng bài giảng của Thày rồi phát triển ra. Tôi đã tự học thành công chính nhờ phương pháp này. Cứ như thế, ngày qua ngày tôi kiên nhẫn học tập, từ chỗ "tưởng không theo kịp phải về" đã vươn lên trở thành học sinh giỏi, đầu học kì II được cử làm cán sự một bộ môn. Sinh hoạt trong tổ cán sự được gần gũi trao đổi với các bạn giỏi, được các Thày bồi dưỡng thêm, kiến thức tôi đã được mở rộng nhiều. Thời ấy, ở trường chuyên nghiệp, tình thày trò rất gần gũi, thân tình. Tôi thường đặt ra những câu hỏi: Tại sao?, Thế nào? rồi nhờ Thày giải đáp. Các Thày đã chỉ bảo rất chân tình, nhờ đó mà tôi hiểu sâu thêm bài học.
Cuối năm, 9 môn văn hóa tôi đều được điểm tổng kết 5, riêng chính trị tổng kết 3.(Theo thang điểm Liên Xô) và tôi đã được tuyên dương là một trong số mười một học sinh giỏi toàn diện của trường (không phân thứ bậc). Tôi đã được cấp Giấy chứng nhận học hết năm thứ nhất. Đến lúc này thì vấn đề Bằng tốt nghiệp cấp II không cần đề cập tới nữa.
Cuối Học kì I năm thứ hai, bệnh tái phát, tôi đã phải rời trường... Bệnh tật đã vùi dập bao hoài bão, ước mơ tuổi trẻ của tôi!!!
Bài thơ NIỀM VUI TỔNG KẾT sau đây sẽ ghi lại đoạn đời ấy của tôi, nó kể lể cà kê chẳng có giá trị văn học nhưng ghi lại đoạn đời hạnh phúc nhất của tôi nên tôi vẫn trân trọng nó.

buixuanphuong09
17-09-2012, 02:43 PM
NIỀM VUI TỔNG KẾT

Hôm nay tổng kết cuối năm
Tôi vừa mới được nêu gương điển hình
Một trong Mười một học sinh
Học giỏi toàn diện, được phần thưởng cao.
Lòng tôi vui sướng dạt dào
Thật là chẳng uổng công lao các Thày!

Tôi nhớ mãi những ngày Thu ấy
Bước đầu tiên chập chững tới trường
Lạ lùng trong cảnh sống chung
Nhớ nhà chỉ thấy núi rừng quạnh hiu.

Nhìn phía trước: núi cao, rừng rậm
Ngoảnh lại sau: nhớ phố, nhớ làng
Nhìn trường: gỗ đá ngổn ngang
Nhìn nhà: chật ních người, giường chen nhau!

Bao khó khăn bước đầu xiết kể
Chuyện ngành nghề đâu dễ an tâm
Canh khuya có lúc khóc thầm
Giận đời, tủi phận lệ đầm khăn tay!

Nhưng rồi đến một ngày bừng sáng
Vén màn đêm rực ánh mặt trời
Đảng về như nắng ban mai
Thấm từng ngọn cỏ, lòng người, trái cây.

Rồi từ đó những ngày đẹp đẽ
Nối tiếp nhau vui vẻ tưng bừng
Bên tôi bè bạn muôn phương
Giúp nhau học tập tình thương chan hòa.

Nhớ một tháng Mạo Khê lao động
Mồ hôi từng tưới đẫm đá, than
Về trường lòng những hân hoan
Nào ngờ lại chuyện ...Thiếu Bằng...Khổ thay!

Đành thành thực trình bày: Tự học!
Là thí sinh dự tuyển tự do
Mong nhà trường chiếu cố cho!
Trải bao căng thẳng...bơ phờ...cũng yên!

Mắt đã cận lại thêm nghễnh ngãng
Bài học dài, nghe giảng tự ghi
Học nhà: đối phó đi thi!
Tới trường: kiến thức mọi bề chênh vênh.

Mười ba bài tập Hình buổi ấy
Suốt một tuần mới giải được ba!
Tưởng không theo kịp phải về...
Vẫn kiên nhẫn học từng giờ vươn lên.

Trí nhớ kém liệu tìm cách học
Lựa chỗ ngồi tiếp cận bảng đen
Tập trung cao độ tinh thần
Lắng nghe Thày giảng đón từng ý hay.

Ghi không kịp, ôn bài củng cố
Nhờ bạn bè chỉnh lý giúp cho
Bao nhiêu bài tập Thày ra
Quyết làm bằng hết, cho dù khó khăn.

Học kỳ 1: điểm 5 đã khá
Học kỳ 2: Cán sự Bộ môn
Giáo trình Đại học mượn xem
Tranh thủ tìm hiểu học thêm ngoài giờ.

Kiến thức đã tiếp thu, giữ vững
Liên hệ vào cuộc sống hiểu sâu
Luôn tìm câu hỏi: "vì sao?"
Nhờ Thày giải đáp khi nào hiểu ra.

Ngoài học tốt, dành giờ kèm cặp
Hai bạn người Dân tộc học lên
Nhiệm vụ Cán sự bộ môn
Đỡ Thày, giúp bạn làm tròn, ngại chi!

Sống sôi nổi tràn trề sức trẻ
Lao động hăng, văn nghệ dồi dào
Tập rèn thể dục, thể thao
Đời vui phơi phới dạt dào tình thơ.

Còn ôm ấp giấc mơ Đại học
Còn có ngày tiếp tục vươn lên
Chín con "ngỗng ngược" * nằm ườn!
Niềm vui Tổng kết vẫn còn ngất ngây.

Những gì gặt hái hôm nay
Là mồ hôi đổ bao ngày gắng công!
Về Hè mang SẮC XUÂN HỒNG
Làm quà dâng kính ấm lòng Mẹ Cha.
Hè 1963
Tổ4-Lớp A-Khóa 1-Trường TCLNTW Quảng Ninh

* Ngỗng: điểm 2, Ngỗng ngược: Điểm 5, theo thang điểm Liên Xô

buixuanphuong09
18-09-2012, 05:19 PM
TRỞ VỀ ĐỒNG RUỘNG

Sang đầu năm học thứ hai, tôi sống trong không khí tràn ngập vui tươi, Thày yêu, bạn mến, sức khỏe tốt. Tôi đã được nhà trường cấp Giấy chứng nhận học hết năm thứ nhất, như thế chuyện không có Bằng tốt nghiệp câp 2 không còn phải bận tâm nữa. Bước vào học các môn chuyên ngành, bài học rất dài, thuộc được thật khó, đặc biệt môn Lâm loại, hàng loạt các cây, làm sao nhớ được chi tiết mô tả từng cây, đặc điểm sinh lý, sinh sản của nó, lại phải thuộc cả tên khoa học... Tuy nhiên, tôi đã có phương pháp học tập của riêng mình, tôi học ôn không dựa vào sách vở, mà lập các sườn tóm tắt rồi dựa vào đó mà phát triển, khi nào bí quá mới đọc lại bài. Tôi áp dụng phương pháp này trong tất cả các bộ môn, học đạt kết quả cao, mặc dầu tôi bị bệnh thần kinh, trí nhớ rất kém. Vẫn còn một nhược điểm, khi thực tập môn Trắc đạc, vì mắt kém, 7/10 và 3/10 nên khi xử dụng các máy quang học như: Kinh vỹ, Địa bàn giá ba chân, Ni vô...., đo không chính xác nên thường chỉ đạt điểm trung bình. Tôi đang tìm cách khắc phục thì đột nhiên bệnh cũ tái phát, kèm theo chứng viêm thần kinh tọa. Y sỹ điều trị suốt hai tháng không khỏi, cực chẳng đã, tôi đành phải đưa giấy Bệnh viện thú thật bệnh, những mong y sỹ sẽ giới thiệu tôi đi B/V Hòn Gai, rồi từ HG hy vọng sẽ được về Việt Tiệp, bệnh nhân thày thuốc quen nhau, tôi sẽ có cơ hội chữa khỏi. Nhưng, y sỹ đã nắm lấy giấy của tôi phản ảnh với Ban Giám hiệu trả tôi về địa phương. Tôi được các Thày rất yêu mến, BGH đã họp nhiều lần, tìm cách chiếu cố tôi, nhưng không qua được ý kiến chuyên môn. Thế là, cái gì phải đến đã đến. Tôi rất khát học, trong suốt hai tháng điều trị không bỏ buổi lên lớp nào, có những hôm chân đau không đi được, bạn đã cõng tôi lên lớp. Sáng 3/12/63 tôi vẫn lên lớp bình thường; sáng 4/12, BGH gọi lên trao Quyết định về địa phương, sau khi nhận Quyết định, tôi trở lại lớp xin các Thày cho dự tiết cuối cùng. Sáng 5/12/63, xe nhà trường về Hà Nội, đã đưa tôi đến tận ga Hải Dương để lên tầu về Cẩm Giàng.

Núi rừng ơi! Từ đây cách biệt
Xa nhau rồi, mãi mãi xa nhau!
Chào các Thày, các bạn!
Tạm biệt Yên Hưng!
Vĩnh biệt mái trường Trung cấp thân yêu!
Vĩnh biệt những ước mơ tuổi trẻ!
Đau lòng trở lại quê hương!
Vở đời quyết giở tiếp trang
Học ham, cầu tiến, vững vàng vươn lên!

Kỷ niệm ngày rời trường
5 - tháng 12 - 1963

buixuanphuong09
19-09-2012, 07:54 PM
TÔI ĐÃ ĐƯỢC LÀM CHA!

Ôi khao khát trăm mong ngàn đợi
Núi rừng ơi! Ta đã được làm cha!
Vui vui sao dưới ánh nắng chan hòa
Tôi ch ỉ thấy hoa tươi và chim hót!

Ơi Mai Hồng! Bé yêu! Con có biết
Một chiều Đông...cha vĩnh biệt mái trường xưa
Là giã từ tất cả ước mơ
Và hy vọng hơn năm đèn sách!

Ôi! Hơn năm dưới mái trường Chuyên nghiệp
Cha sống như trong giấc mộng thần tiên!
Quên ngày đêm, cha học, học không ngừng
Quên bệnh tật, luôn thấy mình vui khỏe
Gạt u sầu thấy tuổi xuân phơi phới
Đường cha đi rực rỡ sắc xuân hồng!
Và cánh chim đang thỏa sức vẫy vùng
Đâu ngờ nổi có ngày ly biệt!

Trong hạnh phúc đơn sơ
Với tình yêu tha thiết
Nỗi lòng này ai biết cho chăng?
Trở lại quê hương như nổi sóng đất bằng
Hạnh phúc, tương lai, âm thầm tuyệt vọng!

Con ra đời như thuốc thần tiếp sức
Giữ niềm tin vững bước đi lên.
Cha sẽ làm tất cả vì con!
Vì hạnh phúc thân thương
Vì chân trời rộng mở!

Trong lòng Cha: Tên con là tất cả!
Ôi ánh hồng rực rỡ của NGÀY MAI!

Thu 1964

Tháng 8/64 đứa con gái đầu lòng của tôi ra đời, tôi đặt tên là Mai Hồng với ý nghĩa "ngày mai tươi sáng", mang theo nhiều khát vọng đời tôi. Nhưng rồi, suốt mấy chục năm dài tôi sống triền miên trong nỗi đau bệnh tật, trong đói nghèo cơ cực, trong sự tảo tần tìm kế sinh nhai vì 8 đứa con. Có những thời điểm rất căng thẳng, nhà 12 miệng ăn, hai ông bà già, hai vợ chồng và 8 đứa con, ở cái thời "không cân không lạng", tôi phải xót xa lèo lái gia đình bằng phương châm: "đo lọ nước cáy, đếm củ dưa hành". Dù các con tôi phải trải qua nhiều đói cơm khát sữa, nhưng hầu hết chúng đã được học hết cấp III, có tri thức hòa nhập với đời và làm nên cuộc sống hôm nay.

buixuanphuong09
21-09-2012, 09:50 AM
NỖI ĐAU BỆNH TẬT VÀ NHỮNG VẦN THƠ TIÊU CỰC

Trở về đồng ruộng tôi được gia đình hết lòng chăm sóc, chạy chữa nên khỏe dần. Năm 68, đứa con trai đầu ra đời. Sau một lèo mấy vịt giờ mới được một cậu con nối rõi, lẽ ra nó phải được "nâng hơn trứng, hứng hơn hoa" nhưng nó lại là đứa con chịu nhiều hẩm hiu nhất. Bệnh của tôi lại tái phát, suốt ngày đầu như lửa đốt, những đêm dài mất ngủ...., lòng luôn bứt rứt bực bội. Đêm không ngủ được, con quấy khóc, nổi khùng lên phát con đến bỏng đít...để rồi lại ôm con vào lòng mà khóc:

Thơ ngây con đã biết gì
Mà con chịu khổ chỉ vì bệnh cha
Ôm con đẫm lệ xót xa
Không kiềm chế nổi...biết là làm sao!

Liên tục những năm sau đó, năm nào tôi cũng phải đi b/v TW, cho nên nhà đã nghèo túng lại càng xơ xác hơn. Rồi cuộc sống cũng đổi thay. Năm 81, HTX bắt đầu giao ruộng khoán sản phẩm, năng xuất dần nâng cao, cho đến năm 89, sau "Khóan 10" nông dân mới thực sự được "cởi trói". Năm 1995, các con tôi đã trưởng thành, dựng vợ gả chồng cả, chỉ còn lại đứa thứ 6 đang tại ngũ và đứa út ở với vợ chồng tôi. Hai con trai lớn đã lấy vợ, ở riêng, nhưng chúng lo cho mình còn chật vật, lo sao được cho bố mẹ. Vợ chồng tôi chẳng có gì cho con, chỉ chắt bóp dành cho các con mỗi đứa một miếng đất mặt đường để cho chúng tự bươn chải kiếm sống. Năm này sức khỏe tôi giảm xút nghiêm trọng, một nửa thân bên phải tê dại cấu không biết đau, cánh tay phải đau nhức, lưng như đi mượn..., tôi vẫn phải lao động, một mình nửa con bò, 7 sào ruộng... Thằng con thứ hai cho học nghề Thú y, chỉ bán thuốc và tiêm gà lợn, không biết cày. Thằng lớn biết cày, nhưng một lần đi cày khi đến bờ qunh trâu, đột nhiên khục một cái, dây chằng khớp vai dãn, thế là không còn cày được. Vì cái bệnh Thần kinh quái ác hành hạ, tôi hay suy diễn diễn lung tung, tự làm khổ mình và làm khổ vợ con. Tôi thường hay bỏ nhà đi lang thang khắp nơi, có ngày tôi nhịn đói, chỉ uống nước lã, lê gót đi tới 30km.... Nhiều đêm tôi trốn nhà ra bãi tha ma nằm, có hôm đến tận sáng. Tôi giao tiếp vịt, gà, kiến thức cuộc sống rất hạn hẹp, nhưng lại cứ thích sía vào công việc của con, tất nhiên là chúng không nghe vì ảnh hưởng công việc của nó. Thế là tôi cứ buồn tủi vì cái thân cột mục....
Các Cụ thường bảo: "Tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại", nhưng tôi tổng kêt cuộc đời mình, phơi bày mọi cái hay dở trong Topic này, rất mong được bạn thơ thông cảm.
Sau đây xin post lên hai bài thơ ghi lại những ngày tiêu cực ấy.

minhthu
21-09-2012, 10:11 AM
Xin chia sẻ cùng anh phương.
Những gì anh viết là " tích cực ",tính cực thúc đẩy một xã
hội đầy tàn tích này thành một xã hội tự do ,nhân quyền.
Xin gửi anh bài thơ của minhthu viết vài nét về người lính
để lại sau chiến tranh.
minhthu

DẤU CHÂN XƯA XẤU SỐ

Chiến tranh rồi sẽ vào lãng quên
Nhưng bốn bẩy năm rồi …không thể!
Phía sau dấu dày người lính
Đầy rẫy những những nỗi oan
Họ đã vượt Trường Sơn( ừ ) gian nan
Biển máu đào đổi những gì cho đất nước ?
Thịt xương hai miền đổ chiến trường cao ngất
Cuộc chiến tương tàn thật qúa xót xa

Nơi những người lính nằm là thượng nguồn phù sa
Của những con sông đổ ra biển lớn
Dấu chân người đạp lên công luận
Xéo tự do nên xa vợi tầm tay

”Cờ chiến thắng ngày ấy tung bay”
Xe xính sắt lại húc vào“Độc Lập”

Chúng tôi sẽ nhớ mãi…
Cả đất nước trả nợ chiến tranh uể oải
Nuôi mấy chục triệu người lăn lộn trong đạn bom
Nghèo, đánh nhau -còn trả nợ mấy đời con
Vắt kiệt sức và tài nguyên sau chiến tranh tệ hại…

Biết thế nào là khôn , là dại
Lẽ sống: hiền lành đừng cầm súng giết nhau
Lộc tận hưởng không đời trước thì sau
Cháu con rồi sẽ thơm hương châu báu

Chiến tranh cuồng bạo lấy đi bao xương máu
Cho đến giờ vinh hoa phú quý còn phiêu linh
Đời con người chỉ một lần sinh
Đau đớn tày trời hờn căm bầy khát máu

Thôi cũng gửi tận nơi hồn các người nương náu
" Vàng mã " này tiếc nuối tuổi thanh xuân
Thắp nén hương nước mắt chẳng trong ngần
Đất nước rùng mình
… những dấu chân xưa xấu số

minhthu

buixuanphuong09
22-09-2012, 08:06 AM
Cảm ơn Minh Thu đã chia sẻ. Tôi ghi lại những vần thơ tiêu cực để càng trân trọng những gì đang có hôm nay, nhưng nó vẫn là cái dở của tôi cần tránh chứ không thể là tích cực. Tôi xin ghi nhận những gì Minh Thu chia sẻ về cái riêng tư cá nhân, còn những cái khác xin bỏ qua cho. Có lẽ quan điểm cuả tôi và MT về cuộc thế khác nhau, đụng chạm đến vấn đề tế nhị ấy sẽ làm ảnh hưởng đến tình cảm của chúng ta nên tôi không muốn. Tôi đã sống qua hai chế độ, tôi hiểu sâu sắc cái cái giá của máu xương các chiến sỹ đổ ra cho cuộc sống hôm nay.

BXP 22/9/12

buixuanphuong09
22-09-2012, 08:08 AM
NHỮNG VẦN THƠ TIÊU CỰC
CÀY TRỤ SÂU

Trên thì nắng lửa, dưới bùn sâu
Nước luộc đôi chân, bốc khói đầu
Lê cái thân tàn tay nhức mỏi
Đọ cùng với đất lật gan trâu!

Một nửa thân tê không cảm giác
Cánh tay đau khớp mỏi kêu trời
Bữa nưng, bữa vực rau cùng mắm
Lóp ngóp theo bò sướng quá thôi!

Mỗi bước chân đi lệch đất trời
Mỗi quanh thót bụng, toát mồ hôi
Lên bờ ngật ngưỡng lưng đi mượn
Lỡ hụt bước nào mắt lộn ngươi!

Một gã thần kinh lội giữa đồng
Theo bò ngật ngưỡng như thằng ngông
Ông Bà nội ngoại về thăm cháu
Cắm xẻng đầu bờ đợi thưởng công!

Cụ hỏi: Sao cày? Con cái đâu?
Dạ thưa: Thằng lớn thì tay đau
Thằng hai bán thuốc, cày không biết
Tiền ít nên con phải dãi dầu!

Cụ bảo: Mày xưa thích đẻ nhiều
Thân tàn ma dại, hết đường kêu
Khổ thì ráng chịu, đừng ca cẩm
Ai bảo mày xưa cứ thích nhiều!

Thưa Cụ: Con nào có dám kêu
Chỉ buồn, chỉ tủi cái thân nghèo!
Ít gạo, không tiền...thân cột mục!
Sẵn tiền, dư gạo khối người theo!

Đem cái thân khô lội khắp đồng
Đọa đầy cho hết kiếp long đong!
Đến lúc lụi tàn thân cột mục
Thì xin vài xẻng...Thế là xong!!!
Tháng 6.1995

ĐÊM HIU QUẠNH

Đêm qua giữa bãi tha ma
Màn trời, chiếu đất mình ta vẫy vùng
Đêm dài...trời đất mênh mông
Đồng không mông quạnh xác thân đọa đầy.

Giữa trời...gặm nhấm đắng cay
Bao đêm thờ thẫn...bao ngày lang thang!
Lê thân xuống tận Hải Dương
Bụng đói, miệng khát... thẳng đường...cứ đi!

Thân này sống để làm chi?
Đời vui lạc thú còn gì nữa đâu!
Thân nhàn, tâm nặng khổ đau
Đã buồn "cột mục", lại rầu xác khô.

Quẩn quanh lọ mắm, vại cà
Tủi sâu cành quế, khổ hòe héo hon
Lại đau thân Hạc cô đơn,
Sợ nhà dột nát, lo thuyền ván nong...

Ngổn ngang trăm mối tơ lòng
Biết đem tâm sự ngỏ cùng với ai?
Đèn khuya leo lét canh dài
Đường vào ngõ cụt lạc loài, chơi vơi!

Ngày còn có Bé làm vui
Đêm đêm phó mặc cuộc đời cho...MA!
Nỗi lòng ta biết riêng ta!!!

19.10.1995
Ghi lại hai bài thơ đầy tiêu cực để càng trân trọng những gì tôi đang có hôm nay.

buixuanphuong09
23-09-2012, 07:59 AM
NHÂN DUYÊN CHỮA TÂM BỆNH VÀ THÂN BỆNH

Năm 2000, tôi làm công tác NCT, được thôn giao trách nhiệm quản lý và xây dựng đình chùa. Là người chỉ đạo xây dựng chùa nhưng tôi không biết gì về đạo Phật, về hệ tượng pháp... , mọi nghi lễ, xắp đặt ở chùa đều lệ thuộc vào một cô đồng, mà thực ra cô đồng này chỉ giỏi về lễ lạt thế gian chứ không hiểu gì về đạo Phật chân chính. Giữa năm 2000, tôi tò mò muốn tìm hiểu đạo Phật, đã xin một giấy giới thiệu của xã, lên thẳng HĐTSTW Giáo hội thỉnh giáo. Tuổi trẻ của tôi mang nặng quan điểm của thời "phá đình chùa xây nhà kho", lần đầu tiên tiếp xúc với vị Thượng tọa đã làm thay đổi hẳn quan điểm của tôi đối với đạo Phật. Tôi quy y với HT Thích Thanh Tứ ở chùa Quán Sứ, được HT ban cho những giọt sữa Pháp đầu tiên..., rồi nhân duyên nối tiếp đã cho tôi được đọc nhiều kinh sách của đạo Phật. Nhờ duyên lành tiền kiếp, tôi đã đọc say sưa những kinh sách cao siêu và khô khan của đạo Phật: Pháp hoa, Kim cương, Lăng nghiêm, Niết bàn...., nhất là những tác phẩm của HT Thích Thanh Từ.... Giáo lý của Đức Phật mênh mông như nước biển khơi, hiểu biết của tôi về giáo lý ấy chỉ như một chút nước trong lòng chén. Mới vậy thôi mà đã làm thay đổi cả cuộc đời tôi. Nhờ thấm nhuần giáo lý Nhân Quả - Nghiệp Báo tôi đã biết làm chủ chính mình, đã chữa được tâm bệnh dai dẳng mấy chục năm dài. Tôi đã làm được một việc tưởng không bao giờ làm được: Xóa bỏ hận thù! Tôi đã chủ động đến với người Thù, nay là Bạn ấy. Chúng tôi đã bình thường hóa quan hệ với nhau, con cháu hai bên rất vui mừng và ủng hộ, hai gia đình đã trở nên gần như thân thiết!

Xưa tôi mang nặng u sầu
Từ ngày học Phật cái đầu sáng ra
Lòng tôi thanh thản, vô tư
Không phiền, không giận, chẳng thù hận ai
Trì kinh sớm tối dùi mài
Thực hành khóa lễ hai thời siêng năng.
Hiểu sâu Nhân Quả công bằng
Nghịch duyên chấp nhận, vô thường an nhiên.
Không tranh hơn phải ... khỏi phiền
Tôi luôn biết đủ giữ yên cõi lòng.

***
Nhờ thấm nhuần giáo lý Phật Đà tôi đã chữa được tâm bệnh, nhưng về thân bệnh thì phải sau chuyến đi Yên Tử. Từ năm 2000 tôi đã thực hiện xoa bóp, đi bộ, dưỡng sinh... nhưng chưa đủ quyết tâm để chịu đựng cái đau thể xác, bởi vì xương cốt nó cứng quèo, tập cái gì cũng đau... Chuyến đi Yên Tử đã giúp tôi khẳng định: Ý chí con người có thể chiến thắng tất cả. Từ đó tôi quyết tâm tập luyện kiên trì, thường xuyên, liên tục và đã thành công với những tư thế YOGA khó... Đặc biệt trong lần mới đây, khi đột ngột gục lịm trên bàn phím, bs bảo đó là triệu chứng TBMMN, tôi bi quan, tiêu cực...Nhờ bạn bè động viên khích lệ, tôi đã lấy lại được nếp tập, kiên trì tập luyện, chiến thắng được nhiều triệu chứng bệnh mà không cần thuốc.

TẬP YOGA:

Kiên trì luyện tập YOGA
Đời lại tưng bừng nở vạn hoa
Liều thuốc diệu kỳ nâng sức sống
Tình Xuân phơi phới đã quên già!

BXP
http://blog.yimg.com/1/Q1otZxl7s5_lTZvVjSmXVyrMGcRhiwTnXTGK9G7Xs83vPCr9Ix JtZA--/91/l/3OUsvpKvIEAXDj0yg6J5VQ.jpg
Tư thế CÁI CÀY
http://blog.yimg.com/1/Q1otZxl7s5_lTZvVjSmXVyrMGcRhiwTnXTGK9G7Xs83vPCr9Ix JtZA--/83/l/pOZaGAWZE47U.a9ttSCvCg.jpg
Tư thế ĐỨNG TRÊN VAI
http://blog.yimg.com/1/Q1otZxl7s5_lTZvVjSmXVyrMGcRhiwTnXTGK9G7Xs83vPCr9Ix JtZA--/93/l/2YQkZm3j_FT8e17jatJJaA.jpg
Dáng YOGA
http://blog.yimg.com/1/Q1otZxl7s5_lTZvVjSmXVyrMGcRhiwTnXTGK9G7Xs83vPCr9Ix JtZA--/84/l/1PjMrgAOJx7CTrM0jX9veA.jpg
Ngồi thiền Tư thế Hoa Sen

buixuanphuong09
24-09-2012, 08:03 AM
LÒNG HAM HỌC VÀ TRÍ TIẾN THỦ

Trong bài thơ "Đêm trăng dạo mát" của tôi cách đây 55 năm có đoạn viết:
Luôn hỏi Tại sao? với Thế nào?
Mắt nhìn muốn thấu các vì sao!
"Học vấn là thang không nấc chót..."
Tay cày, tay bút chẳng hoài đâu!

Đọc đoạn thơ này chắc các bạn cho là tôi mơ mộng viển vông! Nhưng nó không viển vông đâu các bạn ạ! Biển học vô bờ chẳng của riêng ai! Một vị Tiến sỹ có quyền đưa tâm hồn mình lên đỉnh cao trí tuệ; một nông dân chân lội dưới bùn cũng có quyền đưa tâm hồn mình đến chân trời khát vọng. Đó là lòng ham học, ý chí vươn lên cầu tiến, không có cái "viển vông" ấy tôi không có ngày nay. Suốt đời tôi, trong đầu luôn luôn có những dấu hỏi Tại sao? Thế nào?, rồi "năng nhặt chặt bị", mỗi khi gặp một bài báo, một trang sách, một chi tiết trên TV hợp với những dấu hỏi ấy thì lập tức tôi suy ngẫm, lý giải...và điều thắc mắc được giải tỏa, nó lại hằn sâu vào tạng thức tôi không thể phai mờ. Tôi nêu ra đây một số ví dụ về những cái tại sao, thế nào ấy, các bạn thơ trong d/đ đều là những người có tri thức, trong đó có cả những người ở đỉnh cao trí tuệ, nhờ các bạn thẩm tra xem trong những lý giải của tôi có chỗ nào sai xin được chỉ giáo, tôi thành tâm cầu học.


CÂY HÚT NƯỚC VÀ MUỐI KHOÁNG TRONG ĐẤT NHƯ THẾ NÀO?

Với kiến thức thực vật ở trường, tôi đã biết cây hút nước và muối khoáng trong đất nhờ hệ thống lông hút ở gần đầu rễ, nhưng còn muốn biết nó hút cụ thể như thế nào, có phải như ta hút nước trong cốc qua ống hút không? Cứ thắc mắc, cứ đọc sách... rồi cũng có lúc gặp được điều mình cần biết, tự suy ngẫm, lý giải mà hiểu ra:
Cây hút nước trong đất nhờ hai động cơ :
+ Sự thoát hơi nước ở lá
- Mặt trên lá có màng quitin dày và ít khí khổng, mặt dưới lá màng quitin mỏng và có rất nhiều khí khổng. Khí khổng chính là cơ quan thoát hơi nước của lá. Nhựa nguyên được tạo thành ở rễ, nhờ động cơ thoát hơi nước ở lá mà được vận chuyển lên lá, rồi thực hiện quá trình quang hợp, biến nhựa nguyên thành nhựa luyện. Nhựa luyện được chuyển vận trong cây theo nguyên tắc "nước chảy chỗ trũng", tức là ở nơi có nồng độ cao chuyển đến nơi có nồng độ thấp,
+ Sức thẩm thấu của tế bào tăng dần từ ngoài vào trong ở rễ. Nguyên sinh chất của tế bào cây là một màng bán thấm, nghĩa là nó chỉ cho nước thấm qua.
Bản chất của sự hấp thụ muối khoáng trong đất chính là quá trình trao đổi ion.
Rễ hô hấp tạo ra khí cacbônic, cacbônic kết hợp với nước thành axit cac bon nic
CO2 + H2O → H2CO3
axit cacbonnic H2CO3 phân ly thành các ion H+ và CO3 −
chính các ion này là cơ sở cho cây trao đổi với các ion muối khoáng có trong đất. Cũng qua thắc mắc này mà tôi hiểu sâu thêm về vai trò quan trọng của rễ và sự cần thiết phải sới xáo trong trồng mầu.

buixuanphuong09
24-09-2012, 08:10 PM
VÌ SAO NGƯỜI NHẬT....?

Nghe nói ở đường 5 (khu ruộng thí nghiệm) người Nhật bón đạm, lân xuống ruộng, cho máy nồng kỹ, hôm sau tháo nước đi, cho nước khác vào mới cấy, tôi cứ thắc mắc: người Nhật rất thực dụng, không lẽ họ lại phí đạm đến thế, hẳn phải có nguyên nhân gì? Lục lọi kiến thức, tôi nhớ hồi ở trường có đọc một Giáo trình ĐH về Thổ nhưỡng học, trong đó có chương "Keo đất và dung dịch đât", tôi đã tóm tắt ghi lại những điều trong vở học không có. Đọc lại, liên hệ, suy ngẫm và lý giải rằng: Khi cho máy nồng ruộng, người ta đã biến đất và nước thành một dung dịch huyền phù, trong đó có vô vàn các hạt keo đất. Keo đất là những hạt đất ở trạng thái phân tán, nó có kích thước rất nhỏ (0,000.001 m/m) mắt thường không nhìn thấy, trong cùng là hạt nhân keo, bao quanh nó là tầng ion tạo điện thế, thông thường là mang điện âm, phía ngoài là tầng ion hấp phụ, có điện lượng tương đương nhưng ngược dấu, trong đó có một lượng lớn ion H+. Thông thường các hạt keo mang điện âm nên nó có khả năng hút các ion mang điện dương. Vì hạt keo mang điện âm nên các cachion trong dung dịch bao quanh nó như một đám mây mờ. Những ion bám trên mặt keo đất có thể bị đẩy ra ngoài, thay thế bằng các ion khác trong dung dịch. Đó là hiện tượng trao đổi. Nhờ hiện tượng này mà keo đất giữ được thức ăn cho cây, mặt khác thức ăn ở keo đất đưa ra ngoài cung cấp cho cây.
Khi bón đạm xuống ruộng, (ví dụ clorua amon NH4Cl), NH4Cl thủy phân thành NH4+ và Cl- , NH4+ được keo đất hấp phụ, đẩy H+ ra ngoài hợp với Cl- thành HCl làm cho nước chua. Khi tháo nước đi thì chỉ làm cho ruộng bớt chua, còn các ion đạm, lân đã được keo đất giữ lại trong tầng ion hấp phụ, để rồi lại sẩy các quá trình trao đổi ion giữa rễ cây và keo đất, cây được cung cấp thức ăn mà sinh trưởng. Với hiểu biết này, tôi không ngần ngại áp dụng qui trình bón phân theo tài liệu trên hướng dẫn: bón lót toàn bộ lượng lân và 40 0/0lượng đạm, nếu không có điều kiện bừa lại thì tôi dùng ống trang nhỏ khua kỹ rồi hôm sau mới cấy. Như thế tôi không sợ nắng bốc hơi, mưa rữa trôi mất đạm.

Đánh ở máy thì được nhưng post lên thì không được, điều chỉnh cũng không được, đành nhờ các bạn tự hiểu giúp các công thức hóa học vậy

buixuanphuong09
20-12-2012, 09:42 PM
LÒNG HAM HỌC VÀ TRÍ TIẾN THỦ (Tiếp)
3- VÌ SAO CẦU VỒNG CÓ HÌNH VÒNG CUNG?

Nhìn hiện tượng cầu vồng sáng, chiều, tôi hiểu đó là sự tán sắc ánh sáng: "Hiện tượng một chùm tia sáng trắng sau khi đi qua một lăng kính bị lệch về phía đáy và phân tích thành nhiều chùm tia có mầu sắc khác nhau gọi là Sự tán sắc ánh sáng". Hiểu như thế nhưng còn thắc mắc vì sao nó có hình vòng cung? Có phải là do ảnh hưởng trái đất hình cầu không? Cứ ôm thắc mắc như thế trong nhiều năm... Cho đến cuối năm 1979, tôi mới làm được một ngôi nhà lá 5 gian bằng chính tre xoan mình trồng... Phải dẫn giải dài dòng vì nó dính đến một chi tiết quan trọng: nhà 5 gian thì không có chái, chỉ có hồi, tức là nó tạo được một khoảng trống tối... Một buổi sớm, khi mặt trời đã soi nắng vào hồi nhà, tôi đứng ở bậc lên lốc (lốc là hệ thống boong ke của Pháp dựng lên trên một phần đất tôi ở), quay lưng về phía mặt trời, đang uống nước bỗng một cơn ho bất ngờ ập đến làm cho ngụm nước trong miệng bật tung ra, trong khoảnh khắc, tôi thấy hình như có một vệt cầu vồng hiện ra trong màn bụi nước... Thế là tôi tiếp tục ngậm nước phun ra nhiều lần và thấy rõ trong màn bụi nước hiện ra một cầu vồng rực rỡ đủ cả tay vịn... Tôi nghĩ, hình cầu vồng hiện ra ở đầu nhà hẳn không do trái đất hình cầu. Lục lọi kiến thức, tôi nhớ có lần đọc một cuốn sách nói về các tinh thể nước thường có xu hướng trở về trạng thái nhỏ nhất có hình cầu. Tôi suy ngẫm và lý giải rằng: Chính những tinh thể nước ở dạng lăng kính hình cầu khi ánh sáng chiếu qua đã tạo nên hình dáng và mầu sắc của cầu vồng trong không gian.

Những lý giải cho những cái tại sao? thế nào? như thế nó có rất nhiều trong suốt cuộc đời tôi, chỉ xin nêu vài thí dụ.

buixuanphuong09
20-12-2012, 09:43 PM
CÁI TA KHI CHƯA HỌC PHẬT

Trước khi đến với giáo lý Phật Đà, cái TA trong đầu tôi nó cũng lớn lắm, cứ lao vào cái tranh hơn tranh phải... Là một nông dân "đầu trần, chân đất" , thường hay mặc cảm tự ti, nhưng nếu làm được một cái gì đó lại tự kiêu, tự mãn..., khi cảm thấy mình bị xúc phạm, lòng tự trọng bị tổn thương thì ôm hận, khi đã mang HẬN thì "Trời con cũng bé"! Xin nêu ra đây một bài thơ ghi lại dấu ấn của một thời mang nặng "CÁI TA ẢO VỌNG" ấy.

ÔNG CHÁNH CƯỚI CON (1)

Chuyện rằng ông Chánh cưới con
Hơn trăm mâm cỗ vẫn còn ì eo!
Bởi chưng ông Chánh tôi nghèo
Bà con tình "cảm" phong bao ít tờ
Thôi thì vài tí "cà chua"
Của nhiều, lòng ít cho vừa bụng nhau
Nếu mà ông Chánh tôi giầu
Phen này ắt mổ ba trâu, bẩy bò
Thì dân hẳn được bữa no
Mất mùa thì mặc mất mùa, có sao?
Ngày công mấy lạng, không hào
Lúa cằn bán đạm đổ vào truyền thanh
Để ông ngồi vững ghế bành
Hoàng Tung nghĩa tử vây quanh phởn phè (2)
Lời dân ông hỡi có nghe?

N.Đ.L.

(1) Chuyện ở xã NL, Cẩm Bình - Hải Hưng
(2) Hoàng Tung trong chuyện Nhị Độ Mai
(Bài đã đăng trên báo QĐND số 9503 Thứ hai 9 - 11 - 1987, mục "Ống kính chụp nhanh" với bút danh NĐL nghĩa là Nói Để Làm.)

buixuanphuong09
20-12-2012, 09:44 PM
NHÌN LẠI CHÍNH MÌNH

Nhờ thấm nhuần giáo lý Phật Đà tôi đã nhận ra rằng: Nhược điểm lớn nhất đời tôi là sự u sầu ủy mị, chính nó là nguyên nhân cơ bản dẫn đến mọi khổ đau bất hạnh của đời tôi, chứ không không có vị Thượng đế tối cao nào bắt tôi phải khổ. Chưa tính những nghiệp duyên tiền kiếp nay phải trả, chỉ tính nghiệp duyên kiếp này cũng đáng để tôi chịu khổ lắm rồi!

+ Một hình ảnh từ 70 năm trước mà nay tôi còn nhớ rõ: Vào khoảng Hè-Thu năm 1942, cha tôi dạy học xa, nhà chỉ có Bà, Cô, Mẹ và mới có hai anh em tôi, đất tôi ở còn đủ 1 sào, chưa bị mất một phần vào hệ thống boong ke của Pháp, có 5 gian nhà trên và ba gian nhà dưới. Một buối sáng, Mẹ tôi đi chợ, Bà tôi bế chú em ở nhà trên, một mình tôi nghịch chao võng ở nhà dưới, đang chao võng bỗng nhiên dừng lại nghĩ đến cái chết và ôm mặt khóc nức nở...

+ Đầu năm 53, tôi mới biết làm thơ mấy tháng, đã làm một bài thơ rất buồn, trong đó có câu:
"Mẹ ơi con chán lắm rồi
Đời con thôi thế là thôi còn gì..."

+ Thu năm 55, nhìn các bạn tới lớp tôi thốt lên:
"Đau buồn chi lắm hỡi ai ơi!
Cuộc thế trầm luân chán lắm rồi
Giờ tôi chỉ muốn quy y Phật
Mượn cửa Từ Bi sống đổi đời!"

Năm 42, tôi mới tròn 4 tuổi, một tâm hồn non nớt thơ ngây, còn tinh khiết như một tờ giấy mới, thế mà tôi đã nghĩ đến cái chết! Một vết đen đầu tiên trong đời.
Năm 53, tôi đang học Thành trung năm thứ nhất, đời một học sinh Trung học trên đất Hà thành thật hồn nhiên, thơ mộng, đẹp như một giấc mơ hoa, thế mà tôi đã thốt ra những lời thơ u sầu đến thế!
Năm 53 thì tôi đã có lý do để buồn: Tôi rất ham học mà không được học nên nỗi khát khao cứ âm ỉ làm cho lòng luôn trĩu nặng..., nhưng lúc này tôi còn trẻ lắm, mới 17 tuổi đời, tiền đồ phía trước vẫn còn thênh thang rộng mở... Muốn "quy y Phật" thực ra là tư tưởng yếm thế, tiêu cực chứ không phải muốn tìm đường "Giác ngộ thoát khổ". Giá như tôi thực đến với đạo Phật ngay từ thời ấy..., tiếc rằng duyên tiền kiếp chưa đủ.
Những chuyện ấy, người lớn không hề biết. Giá như Cha tôi biết được cái mầm mống tai hại trong đầu một đứa con, kịp thời uốn nắn thì đã tốt hơn.
Nàng Kiều ở tuổi 15 tài sắc vẹn toàn, một thiếu nữ phòng khuê cuộc đời trong nhung lụa, chỉ có hoa và bướm, thế mà đã sáng tác ra khúc: "Đoạn trường" làm não nuột lòng người, để rồi phải gánh chịu 15 năm đắm chìm trong biển khổ trầm luân....
Còn tôi, một vết đen nẩy sinh từ một tâm hồn bé bỏng thơ ngây đã lớn dần trong đầu một thiếu niên, rồi trở thành một đám mây mù ảm đạm bao phủ quanh mình một thanh niên mới lớn, báo hiệu những cơn giông tố phũ phàng...
Sự u sầu ủy mị, "chất độc nguy hại của cuộc sống con người" cứ bám theo tôi dai dẳng suốt cả cuộc đời, dù khi đã thấm mùi Pháp vị vẫn chưa đoạn tuyệt được với nó!
Cái hay nhất của đời tôi là là lòng ham học, ý chí vươn lên cầu tiến, nhờ nó mà tôi đã vượt lên số phận để có hôm nay.

Cái dở, cái hay tôi đã phơi bày
Trang Hoài niệm từ đây xin gửi lại.
Nắng dần tắt...vẫn vươn mình xốc tới
Lòng yêu Hoa ...còn vời vợi phía xa....
Gối mỏi, tay run...vẫn cháy bỏng, thiết tha
Khát vọng tìm Hoa tới khi về cát bụi!

BXP 20.12.2012

buixuanphuong09
12-12-2017, 08:26 AM
HÀNH TRÌNH ĐI TÌM NGUỒN CỘI



Đêm 10 rạng 11 tháng 2 năm 1947, Pháp đánh Cẩm Giàng, trong một phút cuống cuồng chạy giặc, cha tôi, Bùi Xuân Diệu, đã làm văng mất chiếc ống quyển, trong đó có cuốn Gia phả mà Nội tôi đã dịch ra Quốc ngữ để lại cho cha tôi cùng một số giấy tờ quan trọng khác. Cuốn Gia phả cha tôi để lại cho tôi chỉ vẻn vẹn mấy dòng ghi lại ngày giỗ. Trong lòng tôi luôn âm thầm một nỗi đau “kẻ mất Gia phả”. Tháng Giêng năm 1995, tôi khởi thảo viết lại Gia phả. Tháng chạp năm Ất Dậu (t.1/2006), anh em tôi đã quy tập, xây cất hoàn thiện hệ thống phần mộ gia đình khang trang bền vững. Bên cạnh niềm vui mộ phần hoàn thiện, lòng tôi lại nhói đau. Những điều tôi viết được cũng chỉ hạn hẹp về hai đấng sinh thành, còn về cội nguồn dòng họ thì mịt mờ tăm cá. Tháng 3/2006, như có một sức mạnh tâm linh huyền bí thôi thúc, tôi cùng con trưởng quyết tâm ra đi tìm cội nguồn, dựa vào mấy chi tiết : 1- Năm 1960, đọc tiểu sử TBT Trần Phú thấy ghi thôn Tùng Ảnh, xã Việt Yên, trùng với địa danh ghi trong Gia phả. 2- Về cụ tôi “Mậu Thân khoa Tú tài tự Đình Nghi” (Tức là cụ Bùi Đình Nghi đỗ Tú tài khoa Mậu Thân 1848). Xe ôm đã đưa cha con tôi đến tận nhà người trông nhà thờ họ Bùi Đình, được đọc Phả hệ và danh sách khoa bảng. Tôi không tìm thấy tên cụ tôi trong phả hệ và DSKB, nhưng nghiên cứu DSKB tôi xác định cụ tôi thuộc đời thứ 12 của dòng họ này. Sau đó xe ôm lại đưa cha con tôi đến người giữ gia phả cách đó 30km, nhờ ông tìm giúp trong gia phả đời thứ 12. Khi ông giở gia phả đời thứ 12 thì đúng có tên cụ tôi : Bùi Đình Nghi con cụ Bùi Đình Truyền, nhưng đã chuyển sang Lương Diễn-Nam Đàn. Thấy rõ tên cụ mình trong gia phả làm sao không tin! Sau đó anh em tôi đã tổ chức về dâng hương, chụp ảnh toàn bộ Gia phả, phả hệ, DSKB. Nhưng khi về, nghiên cứu kỹ gia phả, ngoài tên cụ tôi trùng với tên cụ đời thứ 12, còn lại đầy dẫy những mâu thuẫn về địa danh và nhiều thứ khác. Tôi bảo em đến hỏi ông chú ở HN về cuốn gia phả của cụ Mậu, chú tôi đã nhờ người dịch và trao cho tôi. Nghiên cứu gia phả này tôi càng thất vọng : không có một tên nào trùng với tên các cụ nhà tôi. Nhưng vì sao các cụ nhận nhau, lại xác định rõ nhà tôi thuộc ngành trên và đi lại với nhau rất thân tình. Mười một năm qua, nỗi khát khao cội nguồn vẫn luôn cháy bỏng trong tôi. Những ngày gần đây tôi cứ thấy bồn chồn, day dứt. Một hôm, ngồi trước bàn phím, tôi thẫn thờ gõ vào google mấy chữ “họ Bùi Tùng Ảnh”, cũng không có ý niệm rõ rệt tìm gì. Thế rồi, trang website HỌ BÙI TÙNG ẢNH hiện lên rực rỡ, nhìn mấy chữ “Việt Yên hạ” tôi thấy ngỡ ngàng. Một cảm giác rất lạ lùng, tôi không giải thích được. Tôi cứ đọc, thấy nhiều điều khác lạ so với gia phả họ Bùi Đình. Tôi viết thư cho Bùi Năng Tiến (chủ trang website) nhờ xác định họ Bùi Đình ở Yên Hội… Sau khi nhận được hồi âm, biết rõ mình đã nhận nhầm họ Bùi Đình, tôi tiến hành nghiên cứu kỹ Phả hệ HỌ BÙI TÙNG ẢNH. Mặc dầu không tìm thấy tên các cụ tôi trong Phả hệ này nhưng tôi đã sớm khẳng định đây chính là gốc Tổ của tôi. Đọc bài “Họ Bùi Đức Thọ” và Phả hệ “họ Bùi tùng Ảnh”, liên hệ với Gia phả cụ Mậu tôi tìm được những chi tiết trùng hợp : {Dòng họ Bùi gốc bản địa có từ thời Việt cổ ở xã Cổ Quyết Việt (Sau là Việt Yên Hạ); Thủy Tổ của họ này là Bùi Lạo (Gọi là ông Hư Vô); Bùi Thọ (Sau đổi thành Bùi Thứ), Bùi Ân (Sau đổi thành Bùi Viết Tâm).} Đọc Phả hệ Chi 5-11, Tiên Tổ Bùi Lãng chỉ có một con trai là Bùi Đá, sau đổi là Bùi Trung. Cụ Bùi Trung sinh ba trai Bùi Thọ, Bùi Do, Bùi Sơn và một gái là Bùi thị Khê, Gia phả của cụ Mậu : Bùi Thứ, Bùi Ân và Bùi Thị Khê. So sánh Phả hệ thì Bùi Thứ chính là Bùi Thọ, Bùi Ân chính là Bùi Sơn (Bùi Viết Tâm), thiếu cụ Bùi Do. Đến dòng cụ Bùi Thọ sinh được ba trai là Bùi Tố, Bùi Tế, Bùi Thanh và một gái là Bùi Thị Hóa. Ở đời này thì Gia phả cụ Mậu trùng khớp với Phả hệ. Đời tiếp : Cụ Bùi Tố sinh được một trai là Bùi Nguyện không biết đi đâu. Cụ Bùi Tế mất sớm, cụ Bùi Thanh có hai trai là Bùi Úy, Bùi Mậu, chuyển sinh sống ở Yên Bái. Ở gia phả cụ Mậu có thêm cụ Bùi Dịch Từ (sinh ra ông Long).
Đối chiếu Gia phả cụ Mậu và Phả hệ HỌ BÙI TÙNG ẢNH có những nét trùng hợp cơ bản, chỉ khác một số chi tiết do tên các cụ thay đổi.
+ Gốc xuất xứ là Quảng Hóa – Thanh Hóa
+ Thủy Tổ là Bùi Lạo (Hư Vô)
+ Trùng với Phả hệ Chi 5-11
+ Dòng cụ Bùi Thọ có bốn con thì ba trùng, còn trưởng là Bùi Sóc khác với Bùi Tố, nhưng Bùi Sóc có con là Bùi Nguyện, Bùi Tố cũng có con là Bùi Nguyện. Vậy Bùi Sóc cũng chính là Bùi Tố rồi.
Liên hệ gia đình tôi với gia phả cụ Mậu :
+ Các cụ nhận nhau từ khi Nội tôi còn, xác định rõ gia đình tôi thuộc ngành trên, cụ Mậu, cụ Từ đã nhiều lần về nhà tôi, cụ Từ gửi con là ông Long về học cha tôi, hai nhà đi lại với nhau rất thân tình.
+ Theo lời bà thím (mẹ cô Liên), người mà cô Liên gọi là cụ và người mà tôi gọi là cụ là hai anh em ruột. Anh ruột cụ Thanh là cụ Sóc hay cụ Tố, cũng chính là cụ Bùi Đình Nghi. Vậy cha tôi và các ông Ý, Tứ, Long là anh em cháu chú cháu bác; tôi và các cô Liên, Hạnh, Vân là anh em chắt chú chắt bác (đời thứ tư).
Kết lại, dòng cụ Bùi Thứ (gia phả cụ Mậu) cũng là cụ Bùi Thọ, chính xác là dòng trưởng của Chi 5-11.
Xét riêng về cụ Bùi Đình Nghi tức Bùi Tố : Cụ Bùi Thọ sinh năm Đinh Mão tức 1807, Đình Nghi tức cụ Bùi Tố, gt sinh năm 1828, đỗ Tú tài khoa Mậu Thân (1848), tức là năm 20 tuổi; năm 1853, 25 tuổi sinh con là Bùi Nguyện (Bùi Thuật), mất năm Đinh Hợi 1887, thọ 60 tuổi. Như vậy là hợp lý. Theo Phả hệ Chi 5-11 (thi đỗ đầu phủ rồi thi trúng nhị trường, tháng sáu năm Ất Dậu (1885), hiệu Hàm Nghi, kinh thành thất thủ, ông qua tỉnh Thanh Hóa, Huyện Yên Định khởi nghĩa cần vương, đến năm Đinh Hợi ông mất ở phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.)
“thi đỗ đầu phủ” có thể ứng hợp với “đỗ Tú tài khoa Mậu Thân” (1848), “rồi thi trúng nhị trường” thì không rõ năm nào. “tháng sáu năm Ất Dậu (1885), hiệu Hàm Nghi, kinh thành thất thủ” – Liên hệ tư liệu lịch sử :
Bắc Kỳ sau năm 1884 đã thực sự nằm trong tay quân đội viễn chinh Pháp, vận mệnh Triều đình Huế cũng treo lơ lửng …Tháng 8/1884, Tôn Thất Thuyết phò Ưng Lịch nên ngôi hiệu là Hàm Nghi, Pháp đòi phải làm giấy xin phép. Nguyễn Văn Tường phái đứng ra dùng biện pháp ngoại giao mềm mỏng để Tôn Thất Thuyết ngấm ngầm chuẩn bị … Đêm mồng 4 rạng mồng 5/7/1885 (23/5/Đinh Dậu), quân Nam bất ngờ nổ súng đánh đồn Mang Cá. Pháp bị bất ngờ có chút thiệt hại nhưng đến gần sáng thì phản công, quân Nam thiệt hại nặng, Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi chạy ra Tân Sở, phát chiếu Cần Vương. Phả hệ viết cụ tham gia phong trào Cần Vương ở Yên Định TH, nhưng truy cứu lịch sử Yên Định không có phong trào Cần Vương. Thời ấy có rất nhiều cuộc khởi nghĩa Cần Vương, nhưng chỉ có hai cuộc khởi nghĩa ứng hợp với cụ : cuộc khởi nghĩa của Phân Đình Phùng ở quê và cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy ở Hưng Yên. Phả hệ viết cụ mất ở Hưng Yên năm 1887. Như vậy có thể cụ tham gia cuộc khởi nghĩa này.
* Còn một mắc míu cuối cùng : cụ Bùi Thân sinh năm 1932 và cụ Bùi Thuật sinh năm 1853, chênh nhau 79 tuổi là anh em?
Tiên Tổ Bùi Thọ sinh năm 1807, Tiên Tổ Bùi Sơn sinh năm 1828, chênh 21 tuổi.
Tổ Bùi Đình Nghi sinh năm 1828, Tổ Bùi Viết Mỹ sinh năm 1867, chênh 39 tuổi.
Cụ Bùi Thân sinh năm 1932, tức là Tổ Bùi Viết Mỹ năm 65 tuổi mới sinh con út.
Chuyện này đối với các cụ xưa không lạ. Cha tôi là út, sinh năm 1911, tức là ông nội tôi năm 58 tuổi mới sinh cha tôi.
Cụ Thuật sinh năm 1853, cụ Thân sinh năm 1932, chênh nhau 79 tuổi là lẽ đương nhiên. Cụ Thuật và cụ Thân là anh em cháu chú cháu bác, dòng máu trực hệ gần.
Như vậy, xâu chuỗi các sự kiện, xác minh các mâu thuẫn, giải tỏa hết không còn gây gợn, tôi chính thức nhận họ. Nhận họ phải nhận hàng, không có hàng sao gọi là họ. Tôi rất sung sướng được kính hai cụ Thêm, Thân là Ông.
Suy ngẫm lại : Chính việc nhận nhầm năm 2006 đã dẫn tới kết quả mỹ mãn hôm nay. Nếu năm ấy xe ôm đưa tôi đến ngay “họ Bùi Tùng Ảnh” chưa chắc tôi đã nhận vì không thấy tên cụ tôi trong phả hệ. Không có mâu thuẫn Gia phả Bùi Đình tôi không được đọc Gia phả cụ Mậu, mọi thứ rồi sẽ chìm vào dĩ vãng mênh mông.
Tổ Tiên đã chứng dám lòng thành ban cho tôi được hưởng lộc lớn hôm nay.


Bùi Xuân Phượng Hậu duệ đời 18 Chi 5-11 HỌ BÙI TÙNG ẢNH