PDA

Xem phiên bản đầy đủ : Ông đồ!Một bài thơ với nhiều câu hỏi



Nguyễn Thế Duyên
05-01-2013, 07:54 PM
Ông đồ!Một bài thơ với nhiều câu hỏi

Tặng tiểu đệ hiệp sỹ nhân ngày đầu năm mới

Trong dòng chảy của lịch sử dân tộc luôn luôn có những khúc quanh. Tại những khúc quanh đó tình hình xã hội thay đổi một cách mạnh mẽ dẫn đến sự thay đổi cũng một cách mạnh mẽ trong nền văn hóa. Một nền văn hóa cũ đang dần chết đi và một nền văn hóa mới đang dần hình thành. Tại thời điểm ấy, trong văn học luôn luôn xuất hiện một tác phẩm xuất sắc, nó như một cái đinh đóng vào lịch sử đánh dấu một giai đoạn chuyển tiếp của xã hội. Bài thơ Ông đồ chính là một tác phẩm như thế.
Vũ Đình Liên là một trong những nhà thơ mới, một người đang là đại diện cho một nền văn hóa mới đang chiến thắng đứng nhìn một nền văn hóa cũ chết dần nhưng trong ông không hề có một chút gì sự hả hê của người chiến thắng mà ngược lại, trong ông lại đầy những trăn trở, tiếc nuối cho những tinh hoa của nền văn hóa xưa lụi tàn.
Mỗi khi hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Trên phố đông người qua
Bao nhiêu người thuê viết
Hãy dừng lại ở đây! Ở hai từ “Thuê viết” và hãy đọc lại “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân. Chính hai từ “Thuê viết” này đã báo cho chúng ta biết Ông đồ chính là đại diện của một nền văn hóa đang chết. Ngày xưa, không ai đi mua chữ. Chữ là thứ không phải để mua bán. Ta hãy nghe lời ông Huấn Cao trong “Chữ người tử tù”:
“Về bảo chủ ngươi, tối nay, lúc nào lính canh trại về nghỉ, thì đem lụa, mực, bút và một bó đuốc xuống đây rồi ta cho chữ. Chữ thì quý thực. Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà phải ép mình viết câu đối bao giờ. Đời ta cũng mới viết có hai bộ tứ bình và một bức trung đường cho ba người bạn thân của ta thôi. Ta cảm cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các người. Nào ta có biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ "
Người ta chỉ có thể đi xin chữ. Thế mà nay chữ đã được bày bán ở đầu đường. Thật là chua xót!
Lời thơ mộc mạc, bình dị như một lời kể lại chuyện xưa. Đọc lên ta như có cái cảm giác nhà thơ đang kể lại chuyện ngày xưa mà không hề có một chút cảm xúc gì. Phải biết dừng lại! Phải suy ngẫm! Phải liên tưởng! Ta mới nhận ra được cái tình thấm đẫm bên trong của những lời bình dị ấy. Đấy là cái tài, biệt tài của Vũ Đình Liên. Những nhà thơ trong thời kì ông luôn luôn tìm những cách nói tân kì, những hình ảnh đầy thơ mộng để truyền đạt những cảm xúc của mình như: “Hỡi xuân nồng ta muốn cắn vào ngươi” hay: “Ái ân bờ cỏ ôm chân trúc” những câu thơ như thế đọc lên người ta biết ngay nhà thơ đã hóa thân trong xúc cảm và xúc cảm ấy của nhà thơ được truyền ngay cho người đọc dù cho người đọc là một người bình thường, không cần có trình độ cảm nhận văn chương một cách đặc biệt.
Ông đồ không thuộc loại những bài thơ như thế. Bài thơ Ông đồ là loại bài thơ kén người đọc. Trong cái dưng dưng gần như vô cảm ấy mấy ai đã nhìn ra cái trĩu nặng trong lòng người chiến thắng?
Nhưng mỗi năm, mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu
Đọc khổ thơ này, tôi cứ cảm thấy trong khổ thơ thiêu thiếu một cái gì. “Người thuê viết nay đâu” câu thơ được ngắt làm đôi
“Người thuê viết/ nay đâu”
Cụm từ “Người thuê viết” hai từ đầu là vần bằng, từ cuối cùng lại là vần trắc. Chính điều đó làm cho người đọc giọng cứ cao dần lên nhưng đến hai từ “Nay đâu” lại hoàn toàn là vần bằng làm cho người đọc phải chùng giọng xuống chẳng khác gì một dấu hỏi hằn vào lòng người đọc. Liệu đã có ai đi trả lời câu hỏi đó? Mua chữ đã là một điều trái khoáy nhưng người ta không dám nói là mua mà chỉ dám nói là xin. Nhưng chữ “Tiền” là điều mà trong một xã hội thương mại mới chớm hình thành tại các đô thị Việt Nam thời bấy giờ là chữ mà người ta muốn mua nhất thì lại chẳng một ai dám mua lại đi mua chữ “Tâm” chữ “Đức”. Mà chữ “Tâm” chữ “Đức” lại hình như là kẻ thù của chữ “Tiền”. Làm gì mà chẳng “Nhưng mỗi năm mỗi vắng”
Cái tôi thấy thiếu ở đây hình như là một dấu chấm hỏi (?) Nếu không có dấu chấm hỏi ấy, người đọc có thể hiểu đây như là một lời cảm thán của thi nhân với số phận ngày một tăm tối của ông đồ. Nhưng nếu ở đây có một dấu chấm hỏi (?) thì người đọc có thể đã chuyển suy tư của mình theo một hướng khác hẳn đó là đi tìm cội nguồn của sự suy tàn ấy.
Bày mực tàu giấy đỏ
Trên phố đông người qua
Ông đồ, đại diện cho một nền văn hóa đang tàn lụi, đang cố gắng thích ứng với một nền văn hóa mới để mà tồn tại nhưng thật là khắc nghiệt, cái nền văn hóa mới ấy đã phủ nhận hoàn toàn nền văn hóa cũ. Đọc bài thơ này tôi lại nhớ đến Tú Xương
Thôi có làm chi cái chữ nho
Ông nghè ông cống cũng nằm co
Sao bằng đi học làm thầy phán
Tối rượu sâm panh sáng sữa bò
Tú Xương, một nạn nhân của nền văn hóa cũ đang chết dần đau xót là một điều rất hiển nhiên nhưng Vũ Đình Liên, người đại diện cho một nền văn hóa mới đang chiến thắng đau xót thì lại để lại cho chúng ta biết bao điều cần phải suy ngẫm.
Văn hóa là một sự tiếp nối, kế thừa. Một nền văn hóa mới không bao giờ được phép phủ định một nền văn hóa cũ mà nó phải chọn lọc lấy những tinh hoa của nền văn hóa cũ phát triển lên tạo thành một dòng chảy liên tục có như vậy mới có thể tạo thành một bản sắc văn hóa dân tộc. Tại sao Vũ Đình Liên đau xót, thương cảm? Chúng ta chỉ có thể trả lời: “Tại vì ông hiểu quy luật tiếp nối, kế thừa của văn hóa. Ông biết nhưng ông không làm gì được”. Ông chỉ còn biết ngậm ngùi. Tiếc rằng ngay chính chúng ta cũng mắc vào những sai lầm tương tự. Đã có một thời gian dài chỉ vì cái lợi ích truớc mắt của cách mạng mà chúng ta chỉ công nhận mỗi dòng văn học hiện thực phê phán còn nhóm các nhà thơ mới, nhóm các nhà văn lãng mạn và Vũ Trọng Phụng bị chúng ta phủ nhận. Một thời gian dài chúng ta đã phá bỏ những chùa chiền, phá bỏ tất cả những lễ hội dân gian. Chúng ta đã khuyến khích nhưng hành động trái với đạo đức, văn hóa người Việt như khuyến khích con tố cáo cha, vợ tố cáo chồng trong cải cách ruộng đất và hậu quả là hết sức bi thảm: Một xã hội đang xuống cấp về đạo đức một cách trầm trọng không biết đến bao giờ mới khôi phục lại được.
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu
Khi đọc hai câu thơ này tôi thấy hai câu thơ hay lắm nhưng viết đến hai câu thơ này tôi đã không thể lý giải được cái gì đã làm cho hai câu thơ hay đến thế? Thoạt đầu tôi nghĩ hai câu thơ này hơi sáo, đầy tính uớc lệ tôi đã định bỏ qua nhưng rồi một câu hỏi đã đặt ra trong tôi: “Nếu hai câu thơ này sáo thì sao nó lại để lại trong mình một ấn tượng mạnh đến vậy?” Không trả lời được và thế là tôi tắc tịt không thể viết tiếp được nữa. Phải mất gần hai ngày tôi loay hoay đi tìm câu trả lời cho câu hỏi ấy.
Giấy đỏ buồn không thắm
Câu này nếu muốn nói là hay thì ta sẽ bảo “Tác giả đã dùng phép nhân hóa, làm cho những tờ giấy đỏ trở nên có tâm hồn và cùng buồn với nỗi buồn của thời thế của ông đồ”. Đại loại là như vậy, nhưng đấy là cách nói “lấy được” của mấy ông phê bình văng mạng. Theo tôi câu thơ này rất bình thuờng và đầy tính uớc lệ. Nhưng câu “Mực đọng trong nghiên sầu” thì khác, một câu thơ cực hay! Thoạt đầu chính chữ “Sầu” trong câu thơ này đã đánh lừa tôi, tôi cứ nghĩ câu thơ này về bản chất là giống như câu “Giấy đỏ buồn không thắm “ ở trên. May là bố tôi ngày truớc cũng là một ông đồ. Hồi bé, tôi vẫn ngồi xem cụ viết câu đối trên những tờ giấy đỏ. Ngày xưa, viết câu đối người ta dùng loại bút lông to. Mực được mài trong một cái nghiên lớn nhưng không bao giờ mài nhiều chỉ rất ít không đủ thấm uớt toàn bộ ngọn bút (Vì nếu đẫm mực sẽ làm thủng giấy và nét chữ bị mất những tia li ti khi gần kết thúc một nét). Mặt khác mực tàu ngày xưa rất sánh, khi gạt ngọn bút lên miệng chiếc nghiên phải rất lâu sau mực mới có thể lan xuống đáy nghiên. Vì vậy khi đang viết câu đối chẳng bao giờ ta thấy mực đọng lại thành vũng trong đáy nghiên. Vậy thì đây là một câu tả chân. Từ sáng đến giờ cụ đồ chưa hề khai bút. Cái tài của tác giả chính là ở chữ “Sầu” một câu tả chân pha một chút nhân hóa. Chỉ một chút thôi đã làm câu thơ khác hẳn. Đặt một câu có tính ước lệ bên cạnh một câu tả chân . Một cặp câu thơ nguợc nhau ấy cứ như là một đôi đang đánh đu bên nhún bên đẩy làm cả hai câu thơ cứ thế bay cao.
Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi baỵ
Một nỗi buồn nhè nhẹ mênh mang trong câu thơ. Cái hay của câu thơ không phải ở ngôn từ mà ở nỗi buồn mênh mang ấy. Cái tài của nhà thơ chính ở chỗ không hề nói đến một chữ “Buồn” mà người đọc vẫn cảm nhận được nỗi buồn day dứt ấy
Một chiếc lá vàng tàn tạ đầu xuân nhẹ rơi trên nền đỏ tươi của tờ giấy hồng điều tượng trưng cho một sứ sống mới mạnh mẽ đang lên. Mưa bụi thôi! Không phải là trận bão. Đây là sự đào thải tự nhiên của văn hóa chứ không phải là một cuộc cách mạng do những ý chí phi văn hóa can thiệp vào như kiểu cách mạng văn hóa hay nhân văn giai phẩm. Mưa bụi thôi! Cảnh thê lương này chưa đến mức làm con người phải rơi nước mắt chỉ đủ để lay động nhưng suy tư cao đẹp của con người
Qua đường không ai hay
Cả câu thơ hoàn toàn là vần bằng làm nhịp thơ kéo dài, u uất. Cả khổ thơ được tách làm hai phần: một phần nói về người, một phần nói về cảnh. Và cả người và cảnh đều buồn đúng như Nguyễn Du đã nói:
“Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.”
Nhưng khác với Nguyễn Du ở chỗ cái cảnh buồn thảm ở đây không
phải là cảm nhận của ông đồ mà là của thi nhân. Ông đồ buồn? Hay thi nhân buồn? Tính nhân văn của bài thơ chính là nằm ở chỗ đó.
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ
“Người xưa” là những người đã chết còn “Người cũ” Là những người chưa chết trong cuộc đời nhưng đã chết trong lịch sử. Nhưng sao lại là “Muôn năm cũ”? Phải chăng Vũ đình Liên cho rằng : nền văn hóa nho giáo vĩnh viễn bị đào thải trong dòng chảy của nền văn hóa việt? Nếu quả đúng như vậy thì Vũ đình Liên đã lầm. Hết sức lầm! Sức sống của nền văn hóa việt là hết sức mạnh mẽ. Nền văn hóa ấy nói như một vài nhà nghiên cứu đó là “ Tư tưởng tiểu nông,lúa nuốc không thể làm nổi một điều gì vĩ đại” Có thể là như thế nhưng nền văn hóa ấy có một sức sống dai dẳng đến lạ kì. Có thể ở một giai đoạn nào đấy, những tinh hoa của nền văn hóa việt bị chìm nghỉm trong những thứ tân kì của văn hóa ngoại lai nhưng dần dần , theo thời gian nền văn hóa ấy âm thầm nảy lên những mầm mới khỏe mạnh và mập mạp. Bằng chứng là những “Tân ông đồ” đã lại xuất hiện ở những thành phố lớn của đất nước trong những ngày tết đến

Hai câu kết nâng nỗi buồn trở thành một nỗi ám ảnh. Những người chỉ mới vừa năm ngoái thôi năm nay đã trở thành “Muôn năm cũ” Ông đồ chưa chắc đã chết nhưng nền văn hóa Nho giáo đã chết và nền văn hóa ấy sẽ ở đâu trong nền văn hóa mới? Ở đâu trong lịch sử của dân tộc?”
Hồn ở đâu bây giờ?
Một câu hỏi hằn mãi trong lòng người đọc và chúng ta có trách nhiệm trả lời câu hỏi ấy.
Một bài thơ bình dị, trong sáng không hề có lấy một hình tượng to tát, không hề có một thủ pháp nghệ thuật đặc biệt nào. Lời thơ mộc mạc như một lời kể chuyện nhưng vẫn ẩn giấu những vấn đề lớn lao của văn hóa buộc người đọc phải suy ngẫm. Một nỗi buồn thẫm đẫm trong những lời thơ mộc mạc đó mà đọc lên bất cứ ai cũng nhận ra. Đó chính là linh hồn của bài thơ khiến cho bài thơ sống mãi. Thế mới biết thơ cần một chữ “Tình” . Không có chữ “Tình” thì dù ý tưởng có lớn lao đến đâu thì bài thơ cũng vẫn không thể sống được trong lòng người đọc Việt. Và đấy cũng chính là nét khác nhau cơ bản của người Việt Nam yêu thơ với những người yêu thơ của những quốc gia khác trên thế giới. Và! ta viết cho ai đọc đây?
Hà Nội những ngày đầu năm 2013
http://vnthuquan.net/diendan/images/Links_U.gif

Ngọc Châu
13-01-2013, 08:46 PM
Đọc Truyện Ngắn của Thế Duyên đã nhiều nhưng hôm nay Ngọc Châu mới đọc Bình của Thế Duyên.
Bình không lấp lánh, không cố tình đẽo, tạc hay đúc bằng những chất liệu quí khiến người lại qua lóa mắt nhưng nếu là người biết chơi đồ cổ thì sẽ không thể đi qua mà không dừng lại.
Ngọc Châu