PDA

Xem phiên bản đầy đủ : Truyện trả nợ đảo Cát bà



Ngọc Châu
13-01-2013, 11:21 AM
Ngọc Châu ra đảo Cát Bà 5 ngày, được ăn hải sản nhiều nên rất cảm kích các vị khổ chủ. Vậy nên cố bịa ra một câu truyện với mục đích quảng cáo du lich cho huyện đảo.
Mời các bạn đọc. Nếu thấy nhạt xin mùa hè tới hãy ra thăm Cát bà để được bù ít muối biển rất sạch!:gn11:

Tâm nguyện

Truyện ngắn của Ngọc Châu

- Ba ơi, chúng con sang Việt Nam đây, ba ở nhà vui vẻ, năng đến vũ hội cho thoải mái ba nhá! - Hai vợ chồng Paul cùng ríu rít khi cô con dâu người Việt nói với ông như thế.
- Sang Việt Nam? Sang cả hai vợ chồng à? Ba tưởng mọi việc thế là…
- Không đâu ba ạ. Mọi trở ngại đã lui ra phía sau, tình thế cũng khác trước rồi. - Paul hớn hở - Chúng con sẽ hoàn thành bằng được tâm nguyện của BÀ, ba ạ.
Chúng kéo nhau lên tầng trên, tíu tít thu xếp hành lí trong khi ông bố ngồi lặng đi đến mấy phút. Sau đó ông xuống vườn, đi sang phòng CỦA BÀ, thắp nến cầu nguyện trước ban thờ đặt tượng Chúa, rồi chắp hai tay đứng trầm ngâm rất lâu trước bức chân dung tự họa của mẹ mình. Những kỉ niệm lại tràn về, rõ nhất là vào mùa hè 20 năm trước đây. Hôm ấy…
*
* *
- Paul, Paul đâu rồi nhỉ?!
Vừa ở sở về, chưa kịp đưa xe vào gara ông đã gọi đứa con hiếu động. Xưa nay cậu bé luôn chạy ra đón ba khi nghe thấy tiếng xe vào cổng, thế nên ông vội vàng mở cửa xe đi vòng quanh khu biệt thự, trong tay vẫn cầm hộp thuốc vẽ mà Paul năn nỉ ba mua cho từ đầu học kì này.
Khuôn viên rộng, đang mùa hè tràn đầy màu xanh cây lá. Vẻ như cây gì cũng hớn hở nhìn ông và nhìn ngó mặt trời, chỉ thằng Paul là không thấy đâu.
- Bác Kean, Paul đâu nhỉ? - Ông hỏi khi thấy bác làm vườn xách chiếc máy hút bụi ló cổ ra khỏi "NHÀ CỦA BÀ". Ngôi nhà này luôn luôn khóa kín từ ngày mẹ ông qua đời, ba mươi năm nay mỗi năm chỉ mở ra vài ngày để quét bụi mà thôi.
- Tôi không thấy cậu ấy đâu ông ạ… - bác người làm ngập ngừng rồi lại nói tiếp - hình như lúc nãy cậu ấy có chạy vào trong này, nhưng giờ không thấy đâu cả…
- Paul vào trong ấy ư? Tôi vẫn cấm nó không được vào cơ mà! - Ông vội vàng đi sâu vào trong ngôi nhà đầy những giá và tủ sách bụi bậm, len lỏi qua các ngăn ngách, thấy chiếc giá cao đựng tranh vẽ và sách vở "CỦA BÀ" - nơi mà ông cũng chưa một lần dám đụng vào kể cả khi bà thằng Paul còn sống - có một đám lộn xộn, nghiêng ngả. Vậy nhưng Paul không có đấy.
- Chẳng lẽ nó dám nghịch hoặc lấy thứ gì "CỦA BÀ"?! - Kiểm tra các góc khuất lần nữa rồi ông quay ra, đi thẳng lên sân thượng ngôi nhà chính ba tầng của khu biệt thự.
Đúng như dự đoán, đó là nơi mà Paul thích ngồi nghịch một mình mỗi khi say sưa với trò gì đó. Cậu con 12 tuổi đang ngẩn người nhìn những bức tranh rải ra ngang dọc trên sàn mái - những bức tranh "CỦA BÀ", thứ mà ông cũng chưa được xem kĩ lần nào và "KHÔNG AI ĐƯỢC XÂM PHẠM VÀO" theo như di chúc cuối cùng của mẹ ông.
Một cảm giác chưa từng xảy ra làm người bố thấy nghẹn thở. Vừa hoảng sợ, vừa tức giận như người gác đền thiêng thấy có kẻ dám đột nhập vào ăn trộm thánh vật, chân ông tự dưng lọang choạng trong khi hai tay đưa lên ngực chặn cơn nhói đau. Hộp thuốc vẽ rơi xuống lăn lóc dưới chân.
Thằng Paul cũng kinh hãi không kém khi thấy ba xuất hiện trong tình trạng như vậy. Nó cuống quít quì sụp xuống ôm lấy hai đầu gối ông:
- Ba ơi, con không định… con không dám đâu ba ạ - Con nhớ lời ba dặn mà… Là tại chiếc máy bay ba mua hôm qua bay vào "NHÀ CỦA BÀ" qua lỗ thoáng, lúc ấy bác Kean đang mở cửa hút bụi… nên con mới chạy vào leo lên kiếm nó… rồi làm rơi những bức tranh này xuống.
Cậu bé ngước lên, run rẩy nhìn vào mặt bố: " Tranh đẹp quá, con chưa được thấy bao giờ. Có phải là của bà vẽ không hả ba?"
- Ba cho con xem tranh của bà một lúc rồi lại cất đi, ba nhá… Con… con xin quì ở đây cả đêm nay… ba ạ. - Nói xong nó tự động khoanh hai tay quì vào góc tối nhất của sàn mái, nơi lá cành xum xuê của chậu cây Cleome hassleriana (hoa màng màng) che hết chút nắng chiều cuối cùng.
Phải mấy phút sau ông bố mới bình tĩnh lại được. Bất giác ông làm dấu thánh và ngẩng đầu lên như muốn tìm hình ảnh đức Sáng Tạo trên vời cao kia.
- Việc đã xảy ra như thế này rồi… Biết làm thế nào bây giờ, Chúa ơi!
Ông đi xuống, vô cùng hoang mang vì đã không giữ được lời hứa với người mẹ tôn quí khi bà từ giã cõi đời.
- Mẹ ơi, mẹ đã hi sinh tất cả hạnh phúc cuộc đời mẹ cho con… Vậy mà con đã để sơ suất xảy ra, không giữ đúng được lời hứa với mẹ… Bây giờ con biết làm như thế nào đây, mẹ ơi?!!...
Hôm ấy ông đã đi đi lại lại mãi dưới các tán cây. Trời chuyển tối từ lúc nào cũng không biết, chỉ khi bác Kean bật đèn vườn ông mới như bừng tỉnh. Soi đồng hồ ra chỗ sáng để xem giờ rồi một ý nghĩ lóe lên trong đầu, ông quả quyết bước lên sân thượng, xếp gọn các bức tranh CỦA BÀ, rồi quay nhìn thằng con nghịch ngợm.
Paul vẫn đang quì ở chỗ cũ, có thể nó đang khóc nhưng trời tối nên không thấy rõ.
- Paul - ông gọi - Lại đây ôm giữ cẩn thận các bức tranh CỦA BÀ…
- Đi - Ông ra lệnh khi thấy thằng bé đã xếp thật gọn các bức tranh, nâng trên hai tay.
- Đi đâu cơ ba? Đưa xuống NHÀ CỦA BÀ phải không ạ? - Paul sụt xịt.
Không trả lời, ông bắt đầu đi xuống, thằng bé lập cập theo sau.
- Đến nhà thờ - Ông chỉ nói khi mở cửa xe, cố gắng kiên nhẫn giúp con đưa TRANH CỦA BÀ lên xe - Đến gặp Chúa, xin Chúa phán xử…
- Vì lỗi lớn bố con mình đã mắc với BÀ, Paul ạ … - Giọng ông mềm xuống, như muốn giải thích để thằng bé bớt run rẩy. Nói đến đó như chợt nhớ ra một điều nên quay người đi vào phòng riêng, lát sau quay lại với chiếc hộp nho nhỏ bọc da cắp ở nách.
Đức Cha của Nhà thờ Chính ân cần tiếp đón, đưa cho Paul cuốn sách Thánh bảo nó ngồi đọc ở phòng ngoài, rồi đưa ông cùng xếp tranh sơn dầu vào phòng trong. Người chăm chú lắng nghe như trong lễ rửa tội, hỏi khá kĩ các chi tiết, cuối cùng đưa bố con ông sang nhà thờ thắp nến nguyện cầu rất lâu trước Chúa.

Cuối tuần đó không thấy ba sắp xếp đi chơi xa như mọi khi nhưng Paul không dám hỏi han vòi vĩnh gì, chăm chỉ lấy sách ra học một mình trong khi ba cậu đang làm gì đó, có thể cùng với bác Kean hút bụi và thu dọn trong NHÀ CỦA BÀ - cậu bé nghĩ vậy.
Tuy rất buồn vì đã không thực hiện được lời hứa với mẹ mình nhưng sau cuộc nói chuyện cùng đức Cha ở Nhà thờ Chính, ông đã bình tâm trở lại. Ông quyết định mở chiếc hộp có dòng chữ "CHỈ ĐƯỢC MỞ KHI KHÔNG CÒN CÁCH NÀO KHÁC" luôn giữ bên mình từ khi nhận ở tay người mẹ kính yêu…..
Trên cùng là một tờ giấy với những chữ do tay mẹ ông viết ra: "René, con hãy kiên nhẫn đọc kĩ hai cuốn nhật kí của mẹ để lại, rồi con sẽ hiểu được những chuyện mà con không thể hiểu ngày xưa. Đọc xong rồi thì tự con cũng sẽ biết nên phải làm gì với những thứ lưu giữ trong NHÀ CỦA MẸ"

CUỐN NHẬT KÍ CỦA NGƯỜI MẸ

20-4-1940: Không ngờ ở tuổi 30 mình lại là người bán được nhiều tranh và thu được số tiền bán tranh lớn thứ ba ở cuộc bán đấu giá tranh PHONG CẢNH ngay tại Pari. Vậy nên đã nhận lời không chút đắn đo khi ông bà Blaise - bạn thuở nhỏ của cả ba lẫn mẹ mình - gợi ý một chuyến viễn du tới Indochine
Cả thích và không thích. Thích vì sẽ được thấy phong cảnh của miền đất lạ, có dịp để vẽ miền nhiệt đới. Sau lại thấy không thích việc phải làm khách của gia đình Blaise (với cậu quí tử Pascal vừa trở thành kẻ độc thân lần thứ hai) nhưng ba mẹ mình cùng ông bà Blaise hết mời mọc lại thúc giục nên cuối cùng đành phải thu xếp hành lí để lên đường…
15-5: Ghé qua Thaïlande một tuần, đến vẽ tại vịnh Phangnga ở cách Phuket non trăm cây số, người ta bảo cảnh ở vịnh này đẹp nhất Thaïlande với cơ man những hòn đảo nhỏ cùng các hang động đá vôi. Không sai vì mình đã ngắm và vẽ chán chê vịnh Kotor trên bờ biển Adriatique đẹp nhất châu Âu, và phải công nhận Phangnga đẹp hơn Kotor...
22-5: Pascal đề nghị đưa mình ra thăm hòn đảo tên là Cacba (hay Catba gì đó) trên con tàu của Thủy quân mà anh ta là thuyến trưởng (hay thuyền phó nhưng mình chẳng quan tâm lắm đến chuyện ấy). Pascal cam đoan rằng mấy cái vịnh ngoài đó thì không nơi nào trên thế giới này có thể sánh được. Nửa tin nửa ngờ khiến mình nghĩ đến chuyện tự mình tìm cách ra đảo, tuy nhiên Pascal quá mức nhiệt tình mời mọc nên mình không thể chối từ.
Một miền biển đảo diệu kì - chỉ có thể nói như thế về nơi này mà thôi- Hết sức khác lạ so với những danh thắng nổi tiếng mình từng ngắm vẽ bên trời Âu. Nhưng ra đến nơi thì trời vừa tối, đành để mai…
23-5: Thế gian chắc không còn đâu giống được nơi đây: Vô vàn các hòn đảo xanh - liệu người ta có cách nào đếm được chính xác hàng ngàn quả núi nhỏ, đủ mọi hình thù kì lạ, nhô lên giữa biển xanh biếc như thế này?!...
Mình đã không còn thấy hối chuyện làm khách của ông bà Blaise sang thăm xứ An Nam nữa. Kể ra anh chàng Pascal trông cũng không đến nỗi quá phản cảm! Miễn là hắn đừng quấy rầy mình hơn mức hiện giờ…
26-5: Pascal kinh ngạc đến trợn mắt lên khi thấy mình đề nghị ở lại với một gia đình dân chài (họ có con thuyền đánh cá và cả một túp lều dựng trên hòn đảo nhỏ không xa chỗ thả lưới, mấy hôm nay gia đình này vẫn bán hải sản với rau xanh cho tầu tuần tra) "để vẽ thêm vài bức tranh" - mình giải thích lúc anh chàng bảo có lệnh quay tầu về Haiphong - Hắn chìa ra bức nhật lệnh nhưng mình không đọc "Lệnh cho anh, không phải cho tôi"… Nhìn thẳng vào mắt nhau mấy giây rồi Pascal quay đi. Lát sau anh chàng đành ra lệnh cho hai lính thủy chuyển giá vẽ, chiếc va li của mình cùng một bao đầy căng - mình đoán là các loại thực phẩm đóng hộp - lên ngôi nhà lều sát bên vách đá.
Cũng khá là ân cần khi giúp mình leo theo tấm ván lên ngôi nhà đó. Trước khi tăng tốc quay về anh chàng còn ghé tàu vào sát chiếc thuyền đánh cá để dặn dò hoặc đe nẹt gì đó. Mình tảng lờ là không để ý những chuyện như vậy…
29-5: Mấy hôm nay vẽ được nhiều hơn cả tháng ở Pari. Có những con vật lạ lùng chưa hề thấy ở châu Âu. Chúng mặc kệ cho mình vẽ, không hề sợ tí nào, những con khỉ hay vượn gì rất lạ đen đen, trắng trắng dần dà xán đến xin bánh ngọt, một con còn "mượn" chiếc bút lông khiến mình hoảng hồn, may là mình "đổi lại" được bằng cách quăng ra hai chiếc bánh qui khiến cu cậu hấp tấp đánh rơi bút để tranh bánh với hai con khác.
Tiếc là không thể trò chuyện gì với ba người dân chài (hai vợ chồng và một bà già) nhưng cũng hiểu lơ mơ qua cách họ chỉ trỏ, khoa chân múa tay rằng sau quả núi kia là rừng, rộng lắm, nhiều cây lắm, vô vàn các con thú… chắc chắn không giống những con sóc mình thường vẽ ở rừng ôn đới.
30-5: Tí nữa thì bị rắn cắn. Con rắn to, mốc xám một cách kinh khủng. Nó đuổi chuột bò qua gần sát chân mình, may là anh thuyền chài kịp vứt cây gậy khiến nó quăng người ra chỗ khác. Hãi đến mức tim gần như ngừng đập nên đã mừng hum khi chiều hôm đó con tàu của Pascal quay lại đón mình về Haiphong…

Cuốn nhật kí thứ nhất bỏ trống rất nhiều ngày tháng, có khi hàng năm mẹ ông không đụng tới. Tuy nhiên qua những dòng ghi chép - dẫu ít thôi - ông hiểu được thời trẻ trung của mẹ mình. Một người phụ nữ ham sáng tạo, có thiên bẩm về hội họa nên sớm trở thành một họa sĩ tài năng, một trong những người có tranh bán chạy ở Pari một thời.
Nhưng cuộc đời của mẹ thật bất hạnh.
Những dòng nhật kí như nhảy nhót, đôi lúc nhòe trong nước mắt người con trai duy nhất. Trong kí ức của ông không có ai khác ngoài bà mẹ rất hay vắng nhà, thời thơ ấu ông sống với bà ngoại, lâu lâu mới thấy mẹ về qua nhà với hàng lô lốc những thứ cồng kềnh. Bà ngoại bảo đó là đồ nghề và các bức tranh của mẹ nhưng René ngày đó không quan tâm đến chúng. Chỉ thích được ngồi trên đùi mẹ, được mẹ dẫn đi tất cả mọi chỗ mà ông chỉ tay đòi mẹ dẫn đi, cũng như mua cho tất cả những thứ gì mà ông chỉ tay vào ở trong những gian hàng to ơi là to, đẹp ơi là đẹp.
Những lần như vậy không nhiều lắm. Và không có ai để ông gọi là ba.
Đọc quyển nhật kí thứ hai ông mới rõ ai là ba mình. Chính là người thuyền trưởng có tên Pascal. Nhưng cuộc hôn nhân mới ngắn ngủi làm sao! Việc đó xảy ra vào lần thứ hai mẹ ông sang Vietnam, cách lần thứ nhất đúng một năm và ba mẹ ông đã chia tay nhau chỉ sau lễ kết hôn có 5 tháng!

25-5-1941: Đồng ý làm đám cưới với Pascal Blaise. Bạn bè ngạc nhiên đã đành nhưng ngay cả ba mẹ cũng bất ngờ với quyết định này dù rằng trong lòng hai cụ vẫn mong mỏi. Với mình thì hết sức đơn giản: "băm" rồi và dẫu có tìm kiếm thêm cũng đến thế mà thôi. Pascal đề nghị cưới ở Pari, tuần trăng mật và thời gian đầu sẽ ở Annam vì anh chàng vẫn đang tại ngũ. Mình gật đầu và mọi chuyện cứ "diễn ra theo lịch"
30-6-1941: Lại đến thăm Catba, giờ thì đã biết nơi mình đến vẽ lần trước có tên là Viethai, một xóm chài hẻo lánh cư dân khoảng ba chục người nằm giữa mấy hẻm núi đá nhô ra vịnh Lanha. Vịnh này nối liền với Vịnh Halong và Baitulong. Chỉ có thể nhận xét bằng một câu: "KHÔNG CÒN VỊNH BIỂN NÀO TRÊN THẾ GIAN NÀY CÓ THỂ ĐẸP HƠN".
Lần này mình định vẽ dài dài ở đó nên chuẩn bị hành trang chu đáo. Pascal tìm một người Việt giúp việc phiên dịch - một ông giáo dạy tiểu học đã về hưu, vốn tiếng Pháp đủ dùng, chu đáo và nhiệt tình nhưng hơi yếu so với dự định leo theo đường mòn để vượt qua khu rừng nguyên sinh sang phía bên kia của hòn đảo đẹp như tranh và khá huyền bí này.
5-7: Mình chỉ được nghe và xem một số tranh ảnh về rừng nguyên sinh Amazone chụp ở miền Guyane thuộc Pháp. Bây giờ thì "gót sen" của chính mình cũng được in lên rừng nguyên sinh nhiệt đới (còn gọi là rừng mưa) rồi đây. Anh thuyền chài - chủ "nhà trọ" tình nguyện làm người dẫn đường, giờ thì mình đã phát âm được khá chuẩn chữ "Vạm" - tên của anh ta. Mình bật cười khi soi vào gương vì muốn phát âm đúng từ này cứ phải há hốc mồm ra! Anh ta phăm phăm đi trước phát bờ, chặt bụi bằng con dao có mũi quặp trông rất ngộ (thì ra là để tránh bị mẻ lưỡi khi bập phải đá!).
Ông giáo già thú nhận kiến thức về động - thực vật rừng của ông ta quá ít ỏi, cũng không biết tên tiếng Pháp của nhiều loài cây loài thú trong rừng. Mình cười, an ủi rằng ngay đến đức Tiên tri Mahomet cũng chẳng đọc được ra tên của hàng ngàn loài thảo mộc cũng như thú vật ở một khu rừng nguyên sinh như thế này… Tuy nhiên đã tận mắt nhìn thấy những thứ đinh, lim, sến, táu, hoàng đàn, kim giao … hàng chục chàng Jean với Jacques nắm tay nhau chưa bao hết gốc. Tiếc là không tận tay sờ vào được vì dây leo và mây gai quanh những cây đại thụ bao giờ cũng chằng chịt, tầng tầng lớp lớp.
6-7: Hôm qua phải quay về nửa chừng vì không đủ thời gian cũng như sức lực để vượt rừng sang phía bên kia hòn đảo. Nhưng đời người - nhất là với dân châu Âu như mình - phải được một lần vượt rừng nguyên sinh thì sau này mới không tắc lưỡi tiếc rẻ như loài tắc kè (mình rất buồn cười khi nghe ông giáo phiên dịch câu chuyện kể của chị Vạm về loài bò sát này). Chị ta kể về những bông hoa dưới đáy biển khiến mình tò mò quá đỗi nên bảo Pascal thu xếp một cuộc lặn biển. Anh chàng nhún vai nhưng cũng vui vẻ chấp hành mệnh lệnh.
7-7: Nước biển trong xanh, mặn chát. Trông chẳng mấy sâu nhưng khi đội chiếc kính lặn của lính thủy, buông tay khỏi thang dây thì mình chìm nghỉm xuống đến ba bốn mét nước. Hãi ơi là hãi! Vội vàng ngoi lên bám vào thang dây để nhìn xuống phía dưới: Đúng là có một vườn hoa sặc sỡ, lung linh huyền ảo ở đáy biển. Làm cách nào có thể nhìn rõ hoặc có mẫu vật để vẽ được nhỉ?
Tuy nhiên Pascal đã lôi mình lên tàu dù mình chưa muốn lên tí nào.
- Đó là những con sên dưới đáy biển, đẹp nhưng có nọc độc đấy - Pascal giải thích - Anh sẽ bảo chúng nó bắt lên và làm một bể nhân tạo cho em tha hồ vẽ với ngắm…
9-7: Pascal đã giữ lời: mình đứng ngây người trước một "bể hoa" sặc sỡ nhưng đẹp một cách diệu kì. Đó là một vũng biển nhỏ, nước trong xanh sâu độ một hai mét mà cửa lạch hẹp thông ra ngoài đã bị đắp chặn bằng mấy bao tải cát, đá. Vườn hoa đúng là do những con sên biển tạo ra thật, vì chúng đang bò, có con đang bơi chầm chậm!- Trăm phần trăm là hòm thuốc vẽ của mình hiện giờ không đủ màu để diễn tả, thậm chí còn sợ là dẫu có thêm màu chưa chắc mình đã đủ khả năng tái hiện một kì quan như thế này lên phông vải…
Sau đấy cuốn nhật kí thứ hai đột ngột ngắt quãng một thời gian dài. Có những trang giấy bị xén đi (có lẽ mẹ ông không muốn lưu lại những dòng nhật kí ấy nữa). Chắp nối những dòng cay đắng, chán chường, thậm chí hận uất của mẹ, ông René hiểu rằng mẹ ông đã li hôn, quay về sống ẩn ở một tỉnh lẻ nước Pháp, giấu kín việc mang thai nên bố ông hoàn toàn không biết đến chuyện có con trai tên là René trên đời này. Sau đấy vài năm thì ông Pascal cũng thiệt mạng trong cuộc đảo chính do người Nhật tiến hành ở bán đảo Đông Dương.
Giờ đây ông đã biết được tâm nguyện cuối cùng của mẹ mình, đó là món nợ đối với hòn đảo Cacba, "Mẹ chưa thể làm được điều gì vì hiện giờ bên đó đang chiến tranh liên miên, sau này René và các cháu hãy làm thay cho Bà nhá… " - Mẹ ông viết như thế - "Đó là tâm nguyện suốt đời của mẹ đấy René ạ..."
Ngoài các bất động sản đã tậu cho con trai, mẹ ông để lại một kho tranh có giá trị hàng triệu Franc vì đều là bản gốc của một họa sĩ tài danh nước Pháp. Những bức tranh đó bao nhiêu năm nay vẫn lưu giữ trong NHÀ CỦA BÀ, nơi KHÔNG AI ĐƯỢC XÂM PHẠM VÀO nhưng hôm nay…
Đức Cha ở Nhà thờ Lớn nói với ông: "Mọi việc đều do ý Chúa. Việc xảy ra chắc không ngoài ý Chúa đâu con ạ, vậy con hãy bình tĩnh mở chiếc hộp có dòng chữ "CHỈ ĐƯỢC MỞ KHI KHÔNG CÒN CÁCH NÀO KHÁC" của mẹ con lưu lại và làm theo những gì ghi trong đó. Chúa luôn ở bên chúng ta René ạ. Amen!"
Ngày ấy Paul còn quá nhỏ nên ông chưa thể nói cho nó biết mọi chuyện về NHÀ CỦA BÀ, chỉ âm thầm chuẩn bị cho đến khi Paul tốt nghiệp ngành Kinh tế Du lịch Đại học Sorbonne. Ông lặng lẽ làm dấu thánh khi nó đưa cho ông xem ảnh một cô gái Việt Nam sau chuyến du lịch bụi ở bên đó về. Ban đầu nó còn định cùng vài thằng bạn học đi "phượt" xuyên Việt nhưng ông kiên quyết phản đối thứ du lịch nguy hiểm ấy. Ông vẫn âm thầm theo dõi để con trai không phát triển tính cách của ông nội nó, dù ông chưa hề biết người cha của mình ra sao. Những dòng nhật kí ít ỏi của bà cho thấy ông của Paul là người hiếu thắng, vô cảm, lại tàn nhẫn (có lẽ do phải phục vụ nhiều năm trong đội quân chinh phạt kiểu thực dân cũ quá lỗi thời).
Trường hợp gây nên cái chết của người đàn ông tên là Vạm ở hòn đảo Cát Bà là minh chứng. Chỉ vì muốn nhanh chóng tạo ra chiếc "bể hoa" nhân tạo mà thuyến trưởng con tàu Hải quân Pháp đã bắt người dân chài lặn rất nhiều lần xuống hàng chục mét nước, bắt những con sên biển nhiều độc tố lên cho đám lính thủy chuyển vào trong bể.
Thuyền trưởng chỉ thí cho gia đình người dân chài mấy hào rẻ mạt theo cách của nhà nước Đại Pháp xử sự với dân đen An Nam thời đó và dùng nhiều thủ đoạn để dấu diếm vợ những chuyện xảy ra. Chỉ khi người vợ mới cưới bực dọc với hành vi lang chạ không chung thủy của chồng, bà mới tìm đến ông giáo có một thời giúp việc phiên dịch, và hiểu được thực chất con người Pascal như thế nào.
Cuộc hôn nhân nhanh chóng tan vỡ là điều dễ hiểu vì mẹ ông là người tự lập và tự trọng cao, tuy nhiều lúc khá quyết đoán nhưng sâu bên trong là một tâm hồn nghệ sĩ, chuộng công bằng và nhân đạo.
*
* *
Ông đã bằng lòng ngay, còn thầm cám ơn Chúa khi Paul xin cưới vợ người Việt. Số tiền bán tranh CỦA BÀ ông giành riêng cho hai đứa dùng vào việc đầu tư phát triển du lịch ở khu làng chài. Đó sẽ là cách thích ứng nhất để thực hiện điều mẹ ông mong mỏi - ông nghĩ như vậy - là làm được điều gì đó có ích cho miền biển đảo gắn với bao nhiêu kỉ niệm của mẹ mình, giảm nhẹ nỗi niềm ân hận trong lòng người mẹ mà ông yêu kính suốt đời.
Vợ chồng Paul như con thoi giữa hai đại dương, tuy nhiên mọi việc không diễn ra suôn sẻ như ông nghĩ do mắc mớ nhiều thủ tục hành chính tại một đất nước mới bắt đầu hội nhập. Công việc từng bị chững lại hàng năm, thâm tâm tuy đôi lúc có nản lòng nhưng nhớ tới tâm nguyện của mẹ ông vẫn cố động viên, tạo mọi điều kiện để chúng không bỏ dở dang công việc…
Giờ thì mọi việc đang tiến triển tốt đẹp. Tuy cách nhau bảy múi giờ nhưng mạng internet vẫn giúp ông liên tục theo dõi được công việc của chúng. Chiếc máy tính để bàn của ông hầu như chẳng tắt bao giờ. Kìa, đèn hiệu của Paul đang bật sáng:
- Ba ơi, tuy khu Resort đang xây dựng nhưng vẫn đông khách ghé qua xem lắm ba ạ. Đã có người muốn thuê để nghỉ rồi, ba định hướng siêu thật đấy! - Paul vừa gửi lời chát.
- Thôi anh ạ, đừng nịnh ba anh nữa!...
- Đúng thế mà ba. Nếu ba không định hướng kiến trúc thì ban đầu chúng con đã thiết kế một loạt nhà tạo thành khu resort kiểu Pháp, thế thì khách du lịch Âu- Mĩ qua đây sẽ chẳng lạ gì. Con cũng không ngờ tình hình thay đổi quá nhanh, bây giờ du khách Đông và Tây Âu qua đây nhiều lắm ba ạ…
- Thật ư Paul? Có định thổi bong bóng bay lên tặng ba không đấy?!
- Ơ, không tin ba cứ hỏi vợ con mà xem. Cô ấy đã quay video-clip để gửi về cho ba: từng đoàn ba bốn chục người nam nữ cưỡi xe đạp thuê phóng trên con đường bê tông nhỏ, vòng vèo dốc ngược dốc xuôi nhưng mặt ai cũng tươi hơn hớn…
- Ba tưởng tượng ra rồi: hai bên và trên đầu là cây cối rậm rạp của rừng nguyên sinh phải không? Được phóng như thế thì ngay ba cũng thấy thích, nói gì người trẻ, khỏe…
- Cuối chặng thứ nhất - dài chừng 5 cây số - sẽ gặp khu nhà nghỉ mới xây của xã Viethai và khu resort dáng vẻ hoàn toàn Vietnam của chúng con: Tam quan cổng chùa ở đầu đường đón khách vào, nhà mái ngói mũi cong như trăng lưỡi liềm, các gian đình, tạ xen kẽ giữa hoa cỏ cả nhiệt đới lẫn ôn đới…
- Hoan hô Paul,…
- Nhưng trong các phòng ngủ lại là toa-let Pháp với trang trí nội thất hiện đại…
- Khi nào hoàn thành chắc chắn ba sẽ có mặt, dẫu không đạp nổi xe thì chống gậy đi bộ cũng thích…
Đến đây thì cô con dâu cũng báo đèn xanh và khung chát xuất hiện:
- Con chào ba, ba khỏe không ạ?
- Ba khỏe, vẫn tốn bơ với bánh mì lắm…
- Woo! Ba vui thế thì chúng con rất mừng…
- Ba ơi, hai vợ chồng Jacques (bạn học cùng con ở Đại học Sorbonne ấy ba nhớ không?) đang đề nghị với thành phố cùng bỏ vốn lập một khu "triển lãm - bảo tồn", nuôi dưỡng các loại thú rừng dọc theo đường mòn xuyên rừng nguyên sinh…- Khung chát của Paul lại hiện ra.
- Giống như ở Thaïlande ấy ba ạ. Đi xuyên rừng bằng xe đạp mà được nhìn những con thú ấy thì thích lắm…
- Con sẽ rủ thêm bạn quây một vài vũng áng sát con đường mòn ven biển, nuôi các loài sên biển areolata, babai, pedata… tạo nên những bức "tranh hồ" tự nhiên ba ạ…
- Con tưởng tượng ra "bể hoa" ngày xưa BÀ đã vẽ ba ạ, chắc chắn làm được vì có người đã nuôi một vài loài sên này trong bể cá rồi mà…- chát của vợ Paul.
- À, ba ơi bên này người ta nuôi trong sọt, treo ở bè neo trên biển, những con ốc gọi là "tuhai" ngon cực kì ba ạ. Mềm, thơm, ròn, ngọt lịm! Ba bay sang đây nếm thử món "tuhai" nướng đi…Ngồi trên nhà bè, giữa vịnh Lanhạ…
- Nuôi cả cá nữa, những loại cá biển ngon chỉ thấy ở bữa tiệc trong mơ của Aladin trong chuyện A-rập "Một ngàn lẻ một đêm" ba ạ…
Hai vợ chồng Paul tranh nhau chát với ba khiến ông đọc cũng không kịp, nói gì việc đánh máy trả lời. Ông phải hoãn binh:
- Thôi, thôi. Vẽ vừa vừa chứ kẻo "thuốc vẽ" của ba không đủ cấp sang đâu…
- Vâng, ba đi ngủ đi, khuya rồi. Hôm nay chúng con dạy sớm thấy đèn của ba sáng mới tranh thủ chát một lát. Ba ngủ ngon, ba nhá!
Chưa bao giờ ông René thấy lòng thanh thản như lúc này. Ông đi nằm nhưng được một lát đã thức dậy để đến dự buổi lễ sớm ở Nhà thờ Chính. "Con và các cháu
sắp hoàn thành được tâm nguyện của Mẹ rồi. Hãy an nghỉ thảnh thơi trong nước Chúa, mẹ nhá!" Vừa lái xe ông vừa thầm thì lời cầu nguyện…
Ngọc Châu