PDA

Xem phiên bản đầy đủ : Sự ra đời những tình khúc Phạm Duy



thylan
04-04-2013, 10:00 PM
Sự ra đời những tình khúc Phạm Duy

Trong âm nhạc, nếu nói Trịnh Công Sơn là phù thuỷ về ngôn ngữ thì Phạm Duy chính là phù thuỷ về âm thanh, điều nầy quả không ngoa.

http://ngoisao.net/news/hau-truong/2009/03/3b9c8f55/duy.jpg

Những ai am hiểu nhạc Phạm Duy sẽ thấy ngay những ca khúc của ông đầy chất kĩ thuật từ khúc thức, tiết điệu, chuyển cung (modulation)… rất sáng tạo, đa dạng… có thể đơn cử một số bài tiêu biểu như: Áo anh sứt chỉ đường tà (Cung Cm – Cmaj - Am), Nghìn trùng xa cách (Cmaj – Cm - Gmaj),Trả lại em yêu (Fmaj – Amaj), Thà như giọt mưa (Gm – Bmaj), Còn chút gì để nhớ (Cmaj – Eb)…

Trong cuộc đời âm nhạc, ông đã sáng tác khoảng một ngàn bài hát… Những ca khúc ra đời trong mỗi hoàn cảnh khác nhau:

Mùa hè năm 1948 ở chợ Đại - Cống Thần, Phạm Duy lênh đênh trên con thuyền giữa dòng sông Đáy, ông quen một người con gái tên Hiếu cũng là một người mê văn nghệ, Phạm Duy ôm đàn guitar ngồi hát mạn thuyền, trôi trên con thuyền tình nầy cùng người đẹp và ông đã soạn bài Tiếng đàn tôi:

Mênh mông lả ơi
Thuyền về tới bến mê rồi
Khoan khoan hò ơi
Dặt dìu trong tiếng đàn tôi…

(Bài nầy chúng ta rất quen thuộc qua tiếng hát Elvis Phương sau nầy)
Cuộc tình tạm bợ không bền lâu, sau đó hai người chia tay.

Thời kháng chiến ông có xuống vùng Gio Linh – Quảng Trị để diễn. Thực dân Pháp đã đàn áp dân làng ở đây, chúng giết nhiều người dân trong đó có 12 người mẹ. Ông xúc động soạn ra bài Mười hai lời ru để ghi lại tội ác nầy:

miền Trung yêu dấu có một bài ru
vọng từ quê mẹ là nơi căm thù
…………………….
Mười hai người mẹ
Giặc bắt ôm con
Thả trôi xuôi dòng…

Ngoài 12 bà mẹ hi sinh dân làng đã kể cho ông nghe một câu chuyện dã man của giặc Pháp : Bà mẹ có người con đi dân quân bị giặc Pháp bắt chặt đầu treo giữa chợ, không ai dám ra lấy, rốt cuộc bà mẹ lẳng lặng ra lấy đầu con đem về chôn, ông sáng tác bài Bà mẹ Gio Linh:

Mẹ già tưới nước trồng rau
Nghe tin xóm làng kêu gào
Quân thù đã bắt được con
Đem ra giữa chợ cắt đầu
Nghẹn ngào không nói một câu
Mang khăn gói đi lấy đầu…

Bài Gánh lúa về với giai điệu mượt mà nhịp nhàng thường sau nầy chúng ta hay nghe hát hợp ca được sáng tác vào mùa đông năm 1950 khi vợ ông sanh đứa con đầu lòng ở chợ Neo. Ngồi bế con ở trong quán Thăng Long (quán của ông già nhạc sỹ Phạm Đình Chương) thấy hàng ngàn dân công kĩu kịt gánh lúa ủng hộ chiến trường, ông hứng khởi soạn một bài có dạng dân ca mới nhịp điệu rất vui:

Mênh mông mênh mông sóng lúa mênh mông
Lúc trời rạng đông ư rạng đông
Bóng người thấp thoáng cuối đường thanh vắng
Bước đều mà quanh gánh ư nặng vai

gánh gánh gánh , gánh thóc về
gánh gánh gánh, gánh thóc về
gánh về, gánh về
gánh về, gánh về…..

Bài Thuyền viễn xứ được sáng tác năm 1953, lúc Phạm Duy chân ướt chân ráo từ Hà Nội vào Sài Gòn, phổ thơ một cô em gái nhạc sĩ mới quen bán vải ở chợ Bến Thành lúc đó. Bài thơ nói lên tâm trạng, nỗi niềm một người phải xa xứ rời bỏ bến Đà Giang thân yêu ngày nào…

Chiều nay sương khói lên khơi
Thuỳ dương rũ bóng tơi bời
Làn mây hồng pha ráng trời
Sóng Đà Giang thuyền qua xứ người…

Thời gian sau đó, ông anh Nguyễn Đức Quỳnh (người anh tinh thần ) làm báo ngoài miền Trung có rủ Phạm Duy ra Huế chơi, chàng nhạc sỹ lãng tử nầy đã lang thang nhiều đêm trên những con đường nhỏ yên tịnh của xứ thần kinh. Một hôm chủ nhân con đò sông Hương tên Mụ Tôn đã mời ông xuống đò nghe hát, nàng ca kỹ tên Ngọc Tuý đã kết tình cùng ông. Người ca kỹ trong khoang thuyền nhỏ và tiếng hát ngân xa trên mặt nước… đã làm ông hứng khởi sáng tác bài Dạ Lai Hương:

Đêm thơm như một dòng sữa
Lũ chúng em êm đềm rủ nhau ra trước nhà….
Hương thơm không phải từ hoa
Mà bởi lòng ta thiết tha tình yêu thái hoà….
Đời ngon như men say
Tình lên phới phới…

Sau đó ông đi Pháp học nhạc (1954 ), cả gia đình tiễn ông tại bến Sáu Kho (Sài Gòn). Những ngày lênh đênh trên tàu Marseillaise vượt Ấn Độ Dương, ông nhớ nhà, nhớ con, nhớ quê hương… Phạm Duy đã sáng tác bài Ngày trở về :

Ngày trở về
Anh bước lê trên quảng đường đê
Đến bên luỹ tre
Nắng vàng hoe vườn rau
Trước hè cười đón người về…

(khi ông về nước đã lấy tên bài hát nầy đặt cho chương trình Đêm nhạc Phạm Duy được tổ chức tại nhà hát Hoà Bình - TP HCM năm 2006):

Vào những năm 60 Phạm Duy và ban nhạc gia đình Thăng Long cộng tác rất mạnh ở mọi lãnh vực từ đài phát thanh, phòng trà, hãng đĩa hát, đại nhạc hội… Ông thường đến trình diễn ở các phòng trà Đức Quỳnh đường Cao Thắng, phòng trà Trúc Lâm đường Ngô Tùng Châu. Thấy các phòng trà làm ăn được nên người bạn kiến trúc sư Võ Đức Diên bèn mở phòng trà Anh Vũ bên đường Bùi Viện và mời Phạm Duy làm người dẫn chương trình văn nghệ (thời ấy chưa có dùng từ MC)… Thời gian nầy ông có soạn bài Phố Buồn nói lên cuộc sống buồn tẻ nghèo nàn của lớp người lao động thành thị:

Đường về đêm đêm mưa rơi ướt bước chân em
Bùn lầy không quên bôi thêm lối ngõ không tên

nhìn vào khe song trông anh ốm yếu ho hen
một ngày công lao không cho biết đến hương đêm
em bước chân qua thềm
mưa vẫn rơi êm đềm
và chỉ làm phố buồn thêm…

Bài hát với điệu Tango được mọi người biết đến nhiều nhờ giọng hát nỉ non của ca sỹ Thanh Thuý, sau đó đã tái bản đến tám lần. Bài hát có vần điệu rất lạ thể hiện cách chơi chữ ngộ nghĩnh của ông:… Giọt mưa mưa rơi tí tách, mưa tuôn dưới vách, mưa qua mái rách, mưa như muốn trách, mưa yêu áo rách…

Về phổ thơ Phạm Duy đã từng thành công với các bài thơ hay một thời như: Vần thơ sầu rụng, Hoa rụng ven sông của Lưu Trọng Lư, Tiếng sáo thiên thai của Thế Lữ, Ngậm ngùi của Huy Cận, Mộ khúc của Xuận Diệu, Tình quê của Hàn Mặc Tử, Tiễn em, Bên ni bên nớ của Cung Trầm Tưởng, Ngày xưa Hoàng Thị của Phạm Thiên Thư, Thà như giọt mưa của Nguyễn Tất Nhiên…

Nhưng thành công nhất (theo ông nói) vẫn là bài Ngậm ngùi, lần đầu ra mắt công chúng qua tiếng hát Anh Ngọc, rồi đến nữ ca sỹ Lệ Thu với giọng hát ngọt ngào sang trọng đã làm cho bài hát bất tử… Nó đã tồn tại suốt mấy chục năm liền, được hát liên miên. Kể cả các ca sỹ mới ra lò ở Mỹ (1991) dù tiếng Việt nói còn lọng ngọng vẫn hát tốt bài hát nầy (như ca sỹ Thuỳ Dương chẳng hạn…).

Theo Giao Điểm