PDA

Xem phiên bản đầy đủ : Giáo dục thế hệ trẻ - Tình bạn cùng học - Tình thương yêu



TRẦN THỊ THANH LIÊM
10-04-2013, 09:03 AM
Truyện hay - Khoảnh khắc yếu đuối

Một ngày nọ, khi tôi còn học năm đầu trên giảng đường ngôi trường trung học, tôi nhìn thấy một cậu bạn cùng lớp đang đi từ trường về nhà. Tên của cậu ta là Kyle.

Có vẻ như cậu ta đang vác tất cả sách của mình. Tôi thầm nghĩ: “Tại sao có một kẻ mang cả đống sách về nhà vào ngày thứ sáu nhỉ? Chắc chắn phải là một tên khùng”. Tôi có cả một chương trình cho kỳ nghỉ cuối tuần (những bữa tiệc và một trận đá banh với bạn bè trưa mai) thế nên tôi nhún vai và tiếp tục đi.
Khi tôi đang bước đi, thấy một đám thanh niên chạy về phía cậu ta. Họ lao vào Kyle, hất văng tất cả sách khỏi tay cậu ta và ngáng chân cho cậu ngã nhào xuống đất bẩn. Cặp kính của Kyle văng đi, tôi thấy nó rơi trong cỏ cách cậu ta 3m. Cậu ngước lên và tôi thấy nỗi buồn khủng khiếp trong mắt cậu. Trái tim bảo tôi chạy về phía Kyle trong khi cậu bò quanh tìm kính, và tôi thấy cậu ứa nước mắt.
Khi tôi đưa kính cho Kyle, tôi nói: “Những tên kia thật ngu ngốc, chúng thật sự không biết cách sống cho ra hồn”. Kyle nhìn tôi và nói “Cám ơn nhé!”. Một nụ cười rạng rỡ nở ra trên gương mặt cậu. Đó là nụ cười biết ơn chân thành. Tôi giúp Kyle nhặt sách lên, và hỏi cậu ta sống ở đâu. Hóa ra cậu ta ở gần nhà tôi. Tôi hỏi tại sao trước đây tôi chưa hề thấy Kyle. Cậu trả lời rằng trước đây cậu học ở một trường tư. Tôi chưa từng được học tại một trường tư trẻ con. Chúng tôi nói chuyện suốt đường về, và tôi mang giúp Kyle chồng sách. Kyle hóa ra là một cậu bé hiền lành dễ thương, tôi hỏi cậu có muốn chơi đá banh với tôi và lũ bạn trong ngày thứ bảy không. Cậu đồng ý.
Chúng tôi chơi với nhau suốt kỳ nghỉ cuối tuần và càng hiểu Kyle bao nhiêu, tôi càng thích cậu bấy nhiêu. Tất cả bạn bè tôi cũng vậy.
Đến sáng thứ hai, tôi lại gặp Kyle với chồng sách to tướng. Tôi gọi cậu dừng lại và bảo: “Ê này, cậu sẽ thành lực sỹ nếu cứ vác đống sách này mỗi ngày đấy!” Kyle cười và đưa tôi phân nửa chỗ sách.
Trong bốn năm sau đó, tôi và Kyle trở thành bạn thân. Khi tốt nghiệp trung học, chúng tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện học đại học. Kyle quyết định học ở Georgetown, và tôi sẽ đi Duke. Tôi biết chúng tôi sẽ luôn là bạn, rằng sự xa cách không bao giờ là vấn đề. Kyle muốn là một bác sỹ, còn tôi cố gắng để trở thành một cầu thủ. Kyle từ biệt cả lớp, tôi trêu chọc cậu suốt buổi. Kyle phải chuẩn bị một bài diễn văn tốt nghiệp, tôi thì rất khoái vì không phải đứng nói trước mọi người như thế.
Trong ngày lễ tốt nghiệp, tôi nhìn thấy Kyle, trông cậu ta thật bảnh. Cậu là một trong những người thành đạt trong những năm trung học. Cậu tự tin và thật đẹp trai với cặp kính trắng. Cậu hẹn hò nhiều hơn tôi và mọi cô gái đều thích cậu. Thỉnh thoảng tôi cảm thấy ghen tỵ. Hôm nay cũng thế, tôi thấy Kyle có vẻ căng thẳng về bài diễn văn. Do đó, tôi phát vào lưng cậu và nói: “Này, cậu lớn, sẽ tốt thôi!”, Cậu nhìn tôi với cái nhìn biết ơn và mỉm cười “Cảm ơn!”. Khi vào bài diễn văn, cậu hắng giọng và bắt đầu nói:
“Ngày tốt nghiệp là lúc để cảm ơn những người đã giúp đỡ bạn trong suốt những năm học khó khăn. Cha mẹ, thầy cô, anh chị em, hoặc một huấn luyện viên chẳng hạn… nhưng chủ yếu là những người bạn. Tôi muốn nói với tất cả các bạn rằng làm bạn của một ai đó chính là món quà tuyệt vời nhất bạn có thể tặng cho người ấy. Tôi sắp sửa kể cho bạn nghe một câu chuyện…”
Tôi nhìn bạn tôi. Không thể tin rằng cậu đang kể về ngày đầu tiên chúng tôi gặp nhau. Cậu đã định tự tử trong kỳ nghỉ hè cuối tuần đó. Cậu kể rằng cậu đã dọn sạch ngăn tủ để đồ dùng tại trường để mẹ cậu khỏi phải làm điều đó sau này và mang tất cả đồ dùng học tập về nhà.
Kyle nhìn tôi chăm chú và mỉm cười với tôi. “Rất cảm ơn là tôi đã được cứu sống, bạn tôi đã cứu tôi khỏi việc làm cái điều không thể nói ra”.
Tôi nghe tiếng xì xào nổi lên trong đám đông khi cậu bé nổi tiếng, đẹp trai ấy kể về khoảnh khắc yếu đuối nhất của cậu. Tôi thấy ba mẹ cậu nhìn tôi và cũng mỉm cười biết ơn. Không phải đến tận lúc này tôi mới nhận thấy sự biết ơn trong nụ cười ấy sâu sắc đến chừng nào.

Đừng bao giờ xem thường sức mạnh của những hành động đẹp của bạn bè. Với một cử chỉ nhỏ bạn có thể thay đổi cuộc đời của một con người, theo chiều hướng tốt hơn hay xấu hơn.
Tất cả chúng ta được đặt vào cuộc sống của nhau để tác động lên nhau theo một cách nào đó.
Hãy tìm kiếm và nuôi dưỡng những điều kì diệu ở những người xung quanh bạn!

TTTL (ST & BT)
http://tiengtrungdainam.com

Nguyễn Hoạt
10-04-2013, 09:22 AM
Cảm ơn TRẦN THỊ THANH LIÊM đã sưu tầm truyện ngắn "KHOẢNH KHẮC YẾU ĐUỐI" rất hay
(Nguyễn Hoạt)

TRẦN THỊ THANH LIÊM
11-04-2013, 01:32 AM
Người Mỹ dạy cô bé Lọ Lem như thế đấy

Giờ học văn bắt đầu. Hôm nay thầy giảng bài Chuyện Cô bé Lọ Lem.
Trước tiên thầy gọi một học sinh lên kể chuyện Cô bé Lọ lem. Em học sinh kể xong, thầy cảm ơn rồi bắt đầu hỏi.
Thầy: Các em thích và không thích nhân vật nào trong câu chuyện vừa rồi?
Học sinh (HS): Em thích Cô bé Lọ Lem Cinderella ạ, và cả Hoàng tử nữa nhưng không thích bà mẹ kế và chị con riêng bà ấy. Cinderella tốt bụng, đáng yêu, lại xinh đẹp. Bà mẹ kế và cô chị kia đối xử tồi với Cinderella.
Thầy: Nếu vào đúng 12 giờ đêm mà Cinderella chưa kịp nhảy lên cỗ xe quả bí thì sẽ xảy ra chuyện gì?
HS: Thì Cinderella sẽ trở lại có hình dạng lọ lem bẩn thỉu như ban đầu, lại mặc bộ quần áo cũ rách rưới tồi tàn. Eo ôi, trông kinh lắm.
Thầy: Bởi vậy, các em nhất thiết phải là những người đúng giờ, nếu không thì sẽ tự gây rắc rối cho mình. Ngoài ra, các em tự nhìn lại mình mà xem, em nào cũng mặc quần áo đẹp cả. Hãy nhớ rằng chớ bao giờ ăn mặc luộm thuộm mà xuất hiện trước mặt người khác. Các em gái nghe đây: các em lại càng phải chú ý chuyện này hơn. Sau này khi lớn lên, mỗi lần hẹn gặp bạn trai mà em lại mặc luộm thuộm thì người ta có thể ngất lịm đấy (Thầy làm bộ ngất lịm, cả lớp cười ồ). Bây giờ thầy hỏi một câu khác. Nếu em là bà mẹ kế kia thì em có tìm cách ngăn cản Cinderella đi dự vũ hội của hoàng tử hay không? Các em phải trả lời hoàn toàn thật lòng đấy.
HS: (im lặng, lát sau có em giơ tay xin nói) Nếu là bà mẹ kế ấy, em cũng sẽ ngăn cản Cinderella đi dự vũ hội.
Thầy: Vì sao thế?
HS: Vì... vì em yêu con gái mình hơn, em muốn con mình trở thành hoàng hậu.
Thầy: Đúng. Vì thế chúng ta thường cho rằng các bà mẹ kế dường như đều chẳng phải là người tốt. Thật ra họ chỉ không tốt với người khác thôi, chứ lại rất tốt với con mình. Các em hiểu chưa? Họ không phải là người xấu đâu, chỉ có điều họ chưa thể yêu con người khác như con mình mà thôi.
Bây giờ thầy hỏi một câu khác: Bà mẹ kế không cho Cinderella đi dự vũ hội của hoàng tử, thậm chí khóa cửa nhốt cô bé trong nhà. Thế tại sao Cinderella vẫn có thể đi được và lại trở thành cô gái xinh đẹp nhất trong vũ hội?
HS: Vì có cô tiên giúp ạ. Cô cho Cinderella mặc quần áo đẹp, lại còn biến quả bí thành cỗ xe ngựa, biến chó và chuột thành người hầu của Cinderella.
Thầy: Đúng, các em nói rất đúng. Các em thử nghĩ xem, nếu không có cô tiên đến giúp thì Cinderella không thể đi dự vũ hội được, phải không?
HS: Đúng ạ.
Thầy: Nếu chó và chuột không giúp thì cuối cùng Cinderella có thể về nhà được không?
HS: Không ạ.
Thầy: Chỉ có cô tiên giúp thôi thì chưa đủ. Cho nên các em cần chú ý: Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta đều cần có sự giúp đỡ của bạn bè. Bạn của ta không nhất định là tiên là bụt, nhưng ta vẫn cần đến họ. Thầy mong các em có càng nhiều bạn càng tốt. Bây giờ, đề nghị các em thử nghĩ xem, nếu vì mẹ kế không muốn cho mình đi dự vũ hội mà Cinderella bỏ qua cơ hội ấy thì cô bé có thể trở thành vợ của hoàng tử được không?
HS: Không ạ! Nếu bỏ qua cơ hội ấy thì Cinderella sẽ không gặp hoàng tử, không được hoàng tử biết và yêu.
Thầy: Đúng quá rồi! Nếu Cinderella không muốn đi dự vũ hội thì cho dù bà mẹ kế không ngăn cản đi nữa, thậm chí bà ấy còn ủng hộ Cinderella đi nữa, rốt cuộc cô bé cũng chẳng được lợi gì cả. Thế ai đã quyết định Cinderella đi dự vũ hội của hoàng tử?
HS: Chính là Cinderella ạ.
Thầy: Cho nên các em ạ, dù Cinderella không còn mẹ đẻ để được yêu thương, dù bà mẹ kế không yêu cô bé, những điều ấy cũng chẳng thể làm cho Cinderella biết tự thương yêu chính mình. Chính vì biết tự yêu lấy mình nên cô bé mới có thể tự đi tìm cái mình muốn giành được. Giả thử có em nào cảm thấy mình chẳng được ai yêu thương cả, hoặc lại có bà mẹ kế không yêu con chồng như trường hợp của Cinderella, thì các em sẽ làm thế nào?
HS: Phải biết yêu chính mình ạ.
Thầy: Đúng lắm! Chẳng ai có thể ngăn cản các em yêu chính bản thân mình. Nếu cảm thấy người khác không yêu mình thì em càng phải tự yêu mình gấp bội. Nếu người khác không tạo cơ hội cho em thì em cần tự tạo ra thật nhiều cơ hội. Nếu biết thực sự yêu bản thân thì các em sẽ tự tìm được cho mình mọi thứ em muốn có. Ngoài Cinderella ra, chẳng ai có thể ngăn trở cô bé đi dự vũ hội của hoàng tử, chẳng ai có thể ngăn cản cô bé trở thành hoàng hậu, đúng không?
HS: Đúng ạ, đúng ạ!
Thầy: Bây giờ đến vấn đề cuối cùng. Câu chuyện này có chỗ nào chưa hợp lý không?
HS: (im lặng một lát) Sau 12 giờ đêm, mọi thứ đều trở lại nguyên dạng như cũ, thế nhưng đôi giày thủy tinh của Cinderella lại không trở về chỗ cũ.
Thầy: Trời ơi! Các em thật giỏi quá! Các em thấy chưa, ngay cả nhà văn vĩ đại (nhà văn Pháp Charles Perrault, tác giả truyện Cô Bé Lọ Lem - chú thích của người dịch) mà cũng có lúc sai sót đấy chứ. Cho nên sai chẳng có gì đáng sợ cả. Thầy có thể cam đoan là nếu sau này có ai trong số các em muốn trở thành nhà văn thì nhất định em đó sẽ có tác phẩm hay hơn tác giả của câu chuyện Cô bé Lọ lem! Các em có tin như thế không?
Tất cả học sinh hồ hởi vỗ tay reo hò.


Thời Hàn Băng (nhà báo Trung Quốc)

TRẦN THỊ THANH LIÊM
22-04-2013, 02:57 PM
Làm Cha mẹ chẳng dám mong gì con cái báo đáp!
Con cái không báo hại là đã mừng lắm rồi!



http://www.vietvungvinh.com/2013/images/stories/2013-01/ConVaMe.jpg

Mẹ và con
Một cậu bé trạc khoảng 15 tuổi muốn có tiền tiêu, thay vì chìa tay ra xin mẹ, cậu ta bèn nghĩ ra cách viết 1 tờ giấy gởi đến mẹ như sau:
1. Sáng phụ Mẹ dọn dẹp giường ngủ: $1.00
2. Phụ Mẹ dọn dẹp bữa ăn sáng: $2.00
3. Sau khi đi học về coi em: $3.00
4. Phụ Mẹ dọn bữa ăn tối, sau đó dọn dẹp: $4.00
Cộng: $10.00
Thời hạn thanh toán: Sáng sớm mai trước khi con đi học
Sáng sớm ngày mai bà mẹ đặt tờ giấy bạc $10 trên bàn cho cậu ta và sau khi cậu rời nhà đi học, bà mẹ lật mặt sau tờ giấy lại và ghi như sau:
1. Mẹ mang bầu con 9 tháng 10 ngày: Miễn phí
2. Tiền tã lót, bệnh viện, sữa khi sinh con: Miễn phí
3. Tiền nuôi con từ lúc sinh ra đến nay: Miễn phí
4. Chi phí ăn học, chữa trị cho con khi ốm đau: Miễn phí
5. Lo đám cưới cho con hoặc phải nuôi con trọn đời nếu con tật nguyền hoặc bị bệnh nan y: Miễn phí
6. Các khoản không thể liệt kê hết: đều miễn phí cho con trai của Mẹ
Thời hạn chi trả cho con: Trọn đời Mẹ
Khi đi học về cậu chạy vô phòng, thấy tờ giấy cậu cầm lên đọc.
Rồi cậu lấy ra 1 tờ giấy khác và viết như sau:
Thưa Mẹ, con xin lỗi Mẹ... Kể từ nay:
1. Phụ giúp Mẹ: Miễn phí
2. Ráng ăn học thành tài: Miễn phí
3. Sẵn sàng giúp đỡ mọi người: Miễn phí
4. Luôn quan tâm, săn sóc Mẹ: Miễn phí
5. Các khoản chi tiêu lo cho Mẹ khi về già: Miễn phí
Thời hạn thực hiện: Trọn đời con
Sáng hôm sau khi con còn đang ngủ, bà mẹ vẫn đặt tờ giấy bạc $10.00 lên bàn cho con thì bỗng thấy tờ giấy mà cậu viết. Sau khi đọc xong, những giọt nước mắt lăn dài trên má bà mẹ song miệng vẫn nở 1 nụ cười và bà nghĩ rằng có lẽ đây là nụ cười mãn nguyện nhất từ khi sanh con ra đến nay.
Ví mà tôi đổi thời gian được
Đổi cả thiên thu tiếng Mẹ cười.
Trần Thị Thanh Liêm (ST)

TRẦN THỊ THANH LIÊM
22-08-2013, 07:55 PM
Các con thân mến!

Viết những điều căn dặn này, cha dựa trên 3 nguyên tắc như sau:
1. Đời sống là vô thường, không ai biết trước mình sống được bao lâu, có những việc cần, nếu được nói ra sớm để hiểu thì hay hơn.

2. Cha là Cha của các con..., nếu không nói ra thì chắc không ai nói rõ với các con những việc này đâu!

3. Những điều căn dặn để ghi nhớ này là kết quả của bao kinh nghiệm xương máu, thất bại đắng cay trong cuộc đời của chính bản thân mà Cha ghi nhận được, Nó sẽ giúp các con tránh những nhầm lẫn hoang phí trên con đường trưởng thành của các con.

Dưới đây là những điều các con nên ghi nhớ trong cuộc đời :

1. Nếu có người đối xử với con không tốt, đừng thèm để tâm cho mất thời giờ. Trong cuộc đời nầy, không ai có bổn phận phải đôi xử tốt với con cả, ngoại trừ cha và mẹ của các con. Nếu có người đối xử tốt với con, ngoài việc các con phải biết ơn, trân quý, các con cũng nên thận trọng một chút, vì người đời thường làm việc gì cũng có mục đích của nó, chớ có vội vàng cho là bạn tốt của mình ngay.

2. Không có người nào mà không thể thay thế hay tồn tại mãi với mình được cả; không có vật gì mà nhất thiết phải sở hữu, bám chặt lấy nó. Nếu hiểu rõ được nguyên lý nầy, thì sau nầy trong cuộc đời, lỡ người bạn đời không còn muốn cùng đi trọn cuộc đời, hay vì lý do gì con bị mất đi những gì trân quý nhất trong đời con, thì cũng nên hiểu: đó cũng không phải là chuyện trời sập.

3. Đời người ngắn ngủi, nếu hôm nay ta để lãng phi thời gian, mai đây hiểu được thì thấy rằng quãng đời đó đã vĩnh viễn mất rồi! Cho nên, nếu ta càng biết trân quý sinh mạng của mình càng sớm, thì ta được tận hưởng cuộc đời mình càng nhiều hơn. Trông mong được sống trường thọ, chi bằng mình cứ tận hưởng cuộc đời mình ngay từ bây giờ.

4. Trên đời nầy chẳng hề có chuyện yêu thương bất diệt. Aí tình chẳng qua là một cảm xúc nhất thời, cảm giác nầy tuyệt đối sẽ theo thời gian, hoàn cảnh mà biến thiên, thay đổi. Nếu người yêu bất diệt rời bỏ con rồi, hãy chịu khó nhẫn nại một chút, để thời gian dần dần trôi qua, để tâm tư mình từ từ lắng đọng, cái đau khổ cũng sẽ từ từ nhạt nhòa đi. Không nên cứ ôm ấp cái ảo ảnh yêu thương mãi, cũng không nên quá bi lụy vì thất tình.

5. Tuy có nhiều người trên thế giới này thành công, nổi tiếng mà chẳng có học hành nhiều, chẳng có bằng cấp cao, nhưng điều đó cũng không có nghĩa là không cần học hành nhiều sẽ thành công. Kiến thức đạt được do việc học hành, giáo dục là vũ khi trong tay của mình. Ta có thể lập nên sự nghiệp với bàn tay trắng, nhưng không thể trong tay không có tấc sắt. Nên nhớ kỹ điều nầy!

6. Cha không yêu cầu các con phải phụng dưỡng cha trong nửa quãng đời còn lại của cha sau nầy. Ngược lại, cha cũng không thể bao bọc nữa quãng đời sau này của các con. Lúc các con đã trưởng thành, độc lập, đó cũng là lúc cha đã làm tròn thiên chức của mình. Sau nầy các con có đi xe Bus công cộng hay đi Auto nhà, các con ăn soup vi cá hay ăn mì gói, đều là trách nhiệm của các con.

7. Các con có thể yêu cầu mình phải giữ chữ TÍN, nhưng không thể bắt người khác phải giữ chữ TÍN với mình. Các con có thể yêu cầu mình phải đối xử TỐT với người khác, nhưng không thể kỳ vọng người khác phải đối xử TỐT với mình. Mình đối xử với người ta thế nào, không có nghiã là nguời ta sẽ đối xử lại mình như thế , nếu không hiểu rõ được điều nầy, sẽ tự chuốc lấy buồn phiền cho mình.

8. Trong mười mấy, hai mươi mấy năm nay, có người tuần nào cũng mua vé số, nhưng vẫn nghèo trắng tay, điều nầy chứng minh: muốn phát đạt, phải siêng năng làm ăn mới khá được. Trên thế gian nầy không có cái gì là miễn phí cả.

9. Sum họp gia đình, thân thích đều là duyên phận, bất luận trong kiếp nầy chúng ta sống chung với nhau được bao lâu, như thế nào, nên trân trọng và hãy qúy khoảng thời gian chúng ta được chung sống với nhau, kiếp sau (nếu có), dù ta có thuơng hay không thương, cũng không có dịp gặp lại nhau đâu.
Tôn Vận Tuyền

KIẾP SAU( NẾU CÓ) DÙ THƯƠNG HAY KHÔNG THƯƠNG, CŨNG KHÔNG CÒN DỊP GẶP LẠI NHAU ĐÂU (Tôn Vận Tuyền)
Tôn Vận Tuyền (孫運璿, Sun Yun-Suan, 10/11/1913 - 15/2 /2006) , một nhà kinh tế, một chính trị gia Đài Loan, xuất thân là kỹ sư, quê ở Bồng Lai, Sơn Tây (Trung Quốc). Ông tốt nghiệp ngành Công nghệ điện tại Đại học Công nghệ Harbin (Harbin Institute of Technology). Từ năm 1937 đến 1940 ông làm việc tại Hội đồng Tài nguyên quốc gia (National Resources Commission). Ông được gửi đi tu nghiệp tại Tennessee Valley Authority (Hoa Kỳ) từ năm 1943 đến 1945. Ông làm Bộ trưởng gần 20 năm ở các bộ Giao thông vận tải, Truyền thông và Bộ Kinh tế . Ông là Bộ trưởng Bộ Kinh tế từ năm 1969 đến 1978, sau đó được bầu làm Thủ tướng Đài Loan (Premier of the Republic of China ) từ năm 1978 đến 1984. Ông có công xây dựng Mười dự án siêu cấu trúc , trong đó có sân bay quốc tế Chiang Kai-shek International, Nhà máy Điện hạt nhân số 1, đường cao tốc Quốc gia Tôn Dật Tiên (Sun Yat-sen National Expressway), Viện nghiên cứu Công nghiệp Quốc gia (Industrial Technology Research Institute) và Công viên Công nghệ khoa học Tân Trúc (Hsinchu Science-based Industrial Park),... Nhờ những biến đổi có tính cách mạng này mà từ những năm 60 của thế kỷ trước, Đài Loan đã trở thành nơi xuất khẩu mạnh mẽ các loại hàng dệt may, giầy dép, đồ nhựa, nông sản phẩm, công nghệ hóa dầu, thiết bị cơ khí và đặc biệt là các linh kiện điện tử. Ông được coi là một trong những người tạo ra sự bứt phá về Công nghệ và Kinh tế ở Đài Loan .

Ngày 24 tháng hai năm 1984 ông bị đột quỵ do xuất huyết não và sau khi phục hồi chỉ có thể ngồi trên xe lăn. Tháng 2 năm 2006 , ông qua đời tại Đài Bắc, hưởng thọ 92 tuổi . Ngoài các trước tác về Kinh tế, Chính trị, tôi quan tâm đến một bức thư ông để lại cho các con của ông. Một bức thư giản dị nhưng thật chân tình và sâu sắc như trên.
Nguyễn Lân Dũng

Trần Thị Thanh Liêm (ST)
http://tiengtrungdainam.com/ (http://www.facebook.com/l.php?u=http%3A%2F%2Ftiengtrungdainam.com%2F&h=zAQHCFT0A&s=1)