PDA

Xem phiên bản đầy đủ : Lượm lặt từ Nguyetvien.net



Nắng Xuân
11-04-2013, 10:44 AM
CẢM NHẬN BAN ĐẦU
VỀ 3 BÀI THƠ THUẬN NGHỊCH ĐỘC

Có lẽ đây là kỷ lục lần đầu tiên trong một cuộc thi thơ đường luật trên NET lại có đến xấp xỉ 10% bài dự thi là viết Thuận nghịch độc, một trong vài thể thơ khó, kén người chơi, người đọc nhất hạng. Trong 4/43 bài thơ dự thi viết TNĐ đã nói trên có tới 3 bài được chọn vô Chung khảo với số phiếu tuyệt đối 3/3. Sự thật này gây cho tôi vừa ngạc nhiên vừa thích thú nhưng cũng có phần e ngại, bởi trình độ của bạn thơ lên cao đến thế không biết mình có đủ khả năng thẩm định hay chưa?

Cũng may, trong những ngày đầu phát động cũng có một vài tranh luận nho nhỏ và chúng tôi, những thành viên được vinh hạnh mời tham gia BGK đành vừa bào chữa vừa tự trấn an mình bằng cách nhìn nhận rằng với "thời gian có hạn", bằng "trình độ có hạn" cố gắng hết sức để đánh giá "cái vô hạn của kiến thức" trong các bài dự thi một cách công tâm.

Thật sự khó khăn cho chúng tôi ngay từ ban đầu bởi các bài dự thi năm nay đều viết khá nhuyễn. Hầu hết các tác giả đều nắm được lý thuyết khá vững cũng như hiểu rõ gu của đường luật Cổ Mộ phái. Phần lớn các bài viết đều phối thanh tốt, tròn vận, đảo thanh vần rất ít điệp thanh, điệp vần và hiếm gặp một số lỗi hay bệnh. Việc chọn 10 bài vô Chung khảo phải trải qua sự đắn đo cân nhắc hết sức kỹ lưỡng và rất may là sự lựa chọn của 3 thành viên trong BGK không sai khác nhiều lắm. Thực tế ngoài một bài thất luật 1 chiều nghịch (do t/g vô tình quên để ý rà soát lại) có thể nói hầu hết bài thơ dự thi đều khá hay, chọn bài này hay bài khác vào chung khảo cũng chỉ chênh nhau một 10 một 8. Dù sao kết quả đã công bố cũng là mực thước tương đối được thừa nhận.

Kết quả cuối cùng vẫn còn ở phía trước, vì vậy tôi xin chia sẻ với bạn đọc vài cảm nhận của tôi lần lượt về 3 bài TNĐ đã nói trên theo đúng thứ tự mà BTC đã đánh số (chưa hề có ngụ ý xếp hạng ở đây). Tôi xin được phép nhận xét chung vì cả 3 bài đều thiên về cảnh sắc, đều có sự đầu tư công phu trong việc chắt lọc ngôn ngữ chắc hẳn tác giả của chúng phải là những người có năng lực viết bẩm sinh, có chiều sâu suy nghĩ và vốn sống khá dày dạn. Những năm gần đây, số lượng các tác giả viết TNĐ, họa thơ TNĐ cũng như số lượng bài thơ viết theo lối TNĐ ngày càng nhiều thể hiện trào lưu tìm tòi, khám phá khá phát triển nhưng cũng mang lại nỗi buồn cho các nhà thơ, nhà phê bình và người đọc bởi đa số viết chưa tới. Phần lớn các bài thơ TNĐ trên NET bị gượng ép câu chữ, gò uốn nghĩa đến mức gây khó chịu cho người đọc. Nhẹ nhất thì cũng khổ độc hoặc lỗi phách...


NẮNG XUÂN

Nà nuột nắng xuân biển tiếp trời
Nắng hòa xuân gội sóng đầy vơi
Hoa bừng cội nắng xuân vời vợi
Lá trổ cành xuân nắng ngợi ngời
Xòa nước rải xuân trao nắng ngọt
Trải mùa ươm nắng đón xuân tươi
Ta chờ nắng thắm nồng xuân mộng
Ngà ngọc chiếu xuân nắng mỉm cười.

Cười mỉm nắng xuân chiếu ngọc ngà
Mộng xuân nồng thắm nắng chờ ta
Tươi xuân đón nắng ươm mùa trải
Ngọt nắng trao xuân rải nước xòa
Ngời ngợi nắng xuân cành trổ lá
Vợi vời xuân nắng cội bừng hoa
Vơi đầy sóng gội xuân hòa nắng
Trời tiếp biển xuân nắng nuột nà.

Nguyên Xuân

Bài NẮNG XUÂN có không gian trải rộng, một bức tranh xuân với toàn cảnh thiên nhiên từ hương vườn cỏ nội lá hoa đến biển trời sóng nước... Tất cả cùng hòa quyện trong làn nắng ấm chan hòa làm lay động lòng người "Ta chờ nắng thắm nồng xuân mộng". Đó chính là điểm nhấn của bài thơ, nó thoát hẳn ra khỏi sự miêu tả cảnh vật thông thường. Ngoài ra một số từ nhân cách hóa rất gợi như: nà nuột, gội, bừng, trổ, trải, rải, ươm... dù đâu đó đã nhiều t/g vận dụng, nhưng t/g đưa vào bài thơ rất khéo léo, ý vị và không trùng lắp nhằm tạo dựng một phong cách riêng. Cặp từ láy "vời vợi", "ngời ngợi", được đảo ngữ một cách sáng tạo, ít thấy nhưng quả thực vẫn rất sáng nghĩa chứ không gượng ép như một số từ của nhiều bài viết khác trên NET. Ba dấu nặng ở cuối các câu 3, 5, 7 (một kiểu thượng vỹ, theo một số tài liệu) chiều thuận và một lỗi thanh ở câu 2 chiều nghịch tạo một nét duyên như chiếc răng khểnh của cô gái xuân thì.


SẮC XUÂN

Vàng rực sắc mai nắng ngập đầy
Ngát thơm nồng ấm má hây hây
Vang âm trống hội vào thôn xóm
Rạng ánh xuân thì đến đó đây
Nhang khói quyện hòa hương tỏa cuộn
Rượu trà nâng chúc ý mê say
Tràn dâng chữ nghĩa tình ngây ngất
Làng bản kết thân mãi tháng ngày.

Ngày tháng mãi thân kết bản làng
Ngất ngây tình nghĩa chữ dâng tràn
Say mê ý chúc nâng trà rượu
Cuộn toả hương hoà quyện khói nhang
Đây đó đến thì xuân ánh rạng
Xóm thôn vào hội trống ấm vang
Hây hây má ấm nồng thơm ngát
Đầy ngập nắng mai sắc rực vàng.

Kiều Thành


Bài SẮC XUÂN cũng là một bài thơ rất hay dưới ngòi bút có vốn sống phong phú và mang đậm bản sắc vùng miền. Nổi bật là có sự hòa trộn, giao lưu văn hóa Kinh–Thượng (thôn xóm–bản làng). Độc giả dễ dàng đoán biết tác giả đến từ Tây Nguyên và không phải là môn sinh CM phái chính thống bởi sự phối âm và đảo vần chưa được chú ý. Nhiều lỗi "lưng ong" (theo lý thuyết của Cổ Mộ phái) và chiều nghịch có hai vần "trầm bình thanh" (dấu huyền) liền kề ở câu 1 và câu 2 phạm một trong những điều kỵ. Tuy vậy, những lỗi này luôn nhận được sự cảm thông của bạn thơ và cả độc giả bởi sự khó thể hiện của một bài thơ TNĐ. Đặc biệt, phách thơ truyền thống (4/3 hoặc 2/2/3) không bị phá vỡ đã làm tăng hiệu quả nhịp điệu của bài thơ. Nội dung bài thơ cũng rất có giá trị khi thơ gắn liền với cuộc sống buôn làng, mùa xuân, lễ hội. Chỉ tiếc là ché rượu cần, nhịp chiêng, tiếng đàn T'rưng và bóng dáng của các cô sơn nữ... bị giới hạn bởi khuôn khổ ngôn ngữ mà người đọc chỉ có thể kết nối đến bằng sự liên tưởng.


XUÂN

Xuân hoà nghĩa quyện thắm đời xuân
Toả sắc thêm hồng rạng nét xuân
Xuân đến cảnh ngời bông hé nhụy
Gió lồng hương dịu vẻ tràn xuân
Xuân dào dạt ý khơi nồng rượu
Mắt chứa chan tình ngấm đượm xuân
Xuân ánh trải đều soi sáng mãi
Xuân đầy nguyện ước mộng tròn xuân.

Xuân tròn mộng ước nguyện đầy xuân
Mãi sáng soi đều trải ánh xuân
Xuân đượm ngấm tình chan chứa mắt
Rượu nồng khơi ý dạt dào xuân
Xuân tràn vẻ diụ hương lồng gió
Nhụy hé bông ngời cảnh đến xuân
Xuân nét rạng hồng thêm sắc toả
Xuân đời thắm quyện nghĩa hoà xuân.

Kiều Thành


Bài XUÂN có sự khác biệt bởi kết hợp nhiều hình thức nghệ thuật. Có thể nói đến nay, TNĐ một vần duy nhất chưa xuất hiện hay chí ít thì cá nhân tôi chưa từng bắt gặp. Điệp từ "XUÂN" được lặp đi, lặp lại khá nhiều, có câu đến 2 lần, nhưng không nhàm. Sự phối thanh, chắt lọc ngôn ngữ được đầu tư khá công phu, không hề vướng thi bệnh. Về mặt nội dung, bài thơ rất đạt khi biết liên kết giữa xuân với đời, xuân tình, xuân nghĩa, cùng với nét xuân, sắc xuân, vẻ xuân, ý xuân... khắc họa thành một mùa xuân mộng ước. Xuân được cảm nhận bằng mắt, ngấm như men rượu, thấm đượm và lan tỏa... Khuyết duy nhất của bài XUÂN là chưa khai thác hết vẻ đẹp toàn bích của các yếu tố tạo nên cảnh xuân, ngoài hương, hoa, gió vẫn thiếu màu xanh của lá, sự lung linh của nước, sức lan tỏa của nắng, phong thái nhàn hạ của mây... Tất nhiên, đòi hỏi thì luôn "vô hạn" và sự thể hiện bao giờ cũng dừng ở mức "hữu hạn" và tôi rất bằng lòng với mức "hữu hạn" này.


Cần Thơ, ngày 23 tháng 3 năm 2013
Nắng Xuân

Nắng Xuân
11-04-2013, 10:46 AM
CẢM NHẬN VỀ 8 BÀI CHUNG KHẢO
(còn lại)


Bài 1: TX 2013 - 01
XUÂN MƠ ...

Vin cành lộc biếc mộng lòng khơi
Hạnh phúc giao thoa giữa đất trời
Vạn cánh hoa xinh ngào ngạt nở
Muôn làn gió mát nhẹ nhàng rơi
Tim hồng hóa chữ tình lên tiếng
Ý đẹp thành thơ nghĩa kết lời
Nắng tỏa ngàn phương đời rộn bước
Vin cành lộc biếc mộng lòng khơi.

CM4Q


Có người cho rằng viết Thủ vĩ ngâm (TVN) dễ hơn TNBC thông thường bởi không những ít hơn một câu mà còn ít hơn hẳn 1 vần vì câu đầu và câu cuối hoàn toàn lặp lại. Tôi không đồng tình với quan điểm này bởi lẽ, câu lặp lại ấy phải đạt được độ khéo léo để vừa gợi mở (ở câu mở đề) lại phải mang ý nghĩa tổng kết hay chốt lại ý toàn bài (ở câu kết). Nếu chỉ nghĩ đơn giản là câu 8 lặp lại câu 1 là coi như thành TVN thì quả là một sai lầm. Sự thật là trên thi đàn hiện nay nhan nhản các bài Thủ vĩ ngâm sơ sài như vậy.

Thừa nhận rằng tôi ít viết TVN (trừ khi xướng họa với các bạn gần xa), bởi làm biếng suy nghĩ. Nhiều năm giao lưu ngoài đời, trên mạng, hay những lúc nhận lời tham gia BGK vài ba lần trên một số Diễn đàn tôi cũng ít được đọc các bài TVN ưng ý. Tuy nhiên, lần này bài "XUÂN MƠ..." đã thực sự chinh phục tôi ngay từ những ngày đầu khi nó được post lên Diễn đàn.

Ban đầu, tôi bị ám ảnh hoài trong suy nghĩ về câu "Vin cành lộc biếc mộng lòng khơi" có đạt nghĩa khi ở cả hai vị trí hay không? Khi ở phá đề, t/g như cảm thấy lòng xuân lay động trước cảnh đất trời vào xuân khi mới nhìn thấy, nhìn bằng mắt thì chưa đã thèm, nên không cầm lòng được t/g phải "vin cành xuống" để được chạm vào "mùa xuân" để tận hưởng hương vị xuân. Thật tuyệt! Người thơ được thỏa mãn và tôi, người đọc cũng được thỏa mãn. "Vin cành" nhưng có hái lộc xuân không thì chỉ chính t/g mới biết được, còn người đọc thì cứ tự do thả hồn bay bổng theo hướng nghĩ của mỗi người. Cái chất nhân văn, cái chất lãng mạn còn để mở là một trong những nét độc đáo của các tác phẩm văn chương hiện đại. Khi ở vị trí kết bài, sự lặp lại không còn mang tính gợi mở mà đã đúc kết thành triết lý sống, khẳng định cho mọi người thấy trong cuộc đời, đôi khi thông qua hành động, việc làm cụ thể mà chúng ta có thể tìm thấy hạnh phúc không định trước. Lộc biếc không chỉ đại diện cho mùa xuân của đất trời, cỏ cây hoa lá mà còn là một niềm vui thầm kín, hạnh phúc to lớn hoạc bình dị mà tác giả ý nhị giấu vào thơ. Khi tâm hồn hòa quyện với thiên nhiên thì những tưởng hạnh phúc càng được nhân lên gấp bội.

Ngay ở câu thừa đề, ý tưởng ấy đã được t/g nhắc đến "Hạnh phúc giao thoa giữa đất trời".


"Vạn cánh hoa xinh ngào ngạt nở
Muôn làn gió mát nhẹ nhàng rơi"
T/g sử dụng từ láy "nhẹ nhàng" làm cho lỗi tiểu vận ở câu 4 như bị che khuất.
Thiên nhiên mở cửa xuân ra đón tâm hồn, có chồi biếc, hoa đẹp, hương thơm và gió nhẹ. Lòng xuân cũng vì vậy mà hòa quyện để chữ gửi tình người, ý kết thành thơ, nghĩa giục cho "ngọc thốt" (Nguyễn Du):

"Tim hồng hóa chữ tình lên tiếng
Ý đẹp thành thơ nghĩa kết lời".

Bố cục chặt chẽ, ý tưởng tinh tế, câu chữ chắt lọc và sự phối thanh nhuần nhuyễn làm tăng tính nhạc trong thơ chứng tỏ t/g đã thầm kín gửi gắm rất nhiều tâm sức trong bài thơ.


"Nắng tỏa ngàn phương đời rộn bước
Vin cành lộc biếc mộng lòng khơi"
Khi đất trời đang tràn ngập ý xuân, làn nắng xuân dịu dàng trải thảm lụa vừa đủ tỏa ánh lung linh, trang điểm cho mùa xuân diễm lệ. Vẻ đẹp bên ngoài qua nghĩa đen dù có lộng lẫy cũng không thể lấn át được vẻ đẹp tiềm ẩn trong nghĩa bóng. "Nắng tỏa ngàn phương" trong bài thơ chắc hẳn không chỉ là nắng thông thường. Đó phải chăng là bao niềm vui tràn ngập, xúc cảm chan hòa đang đến không chỉ với một người mà cho mọi người (ngàn phương). Và khi hạnh phúc vừa tìm thấy được chia sẻ thì nỗi riêng đã trở thành hạnh phúc chung, sự giản đơn bình dị đã trở nên lớn lao.

Cái tựa đề "XUÂN MƠ..." cũng đã đặt cho độc giả một sự suy luận. Phải chăng hạnh phúc kia thật sự còn đợi chờ đâu đó? Một điểm khác khiến tôi rất có cảm tình với bài thơ là tác giả dùng từ ngữ rất bình dị, ai đọc cũng hiểu, chứ không cầu kỳ lên gân bởi các từ cổ, từ Hán Việt kêu như chuông mà nghĩa thì sáo rỗng.

Chúc tác giả thành công trong cuộc thi này nói riêng và trong sự nghiệp nói chung.



Bài 2: TX 2013 – 02
MƯỢN...

Mượn cảnh giao mùa tỏ ý thơ
Mượn xuân cánh nhạn nối đôi bờ
Mượn hoa thắm đỏ tô vườn mộng
Mượn nắng tươi hồng trải bến mơ
Mượn khúc đò đưa da diết gọi
Mượn câu ví dặm xốn xang chờ
Mượn đời cái kén tơ lòng nhả
Mượn kiếp dương trần chữ vẩn vơ.

CM4Q

Vừa đọc bài thơ là có ngay cảm giác "khó chịu" và phản ứng tự nhiên của tôi là rờ lại bóp vì rất ngại bị "mượn tiền"... Không phải thế, t/g không phải là "Chúa Chổm" thời hiện đại mà là một thi sĩ đang muốn mượn cảnh diễn tả nỗi lòng.

Thật vậy, ngay câu mở đầu và cả hai câu kết đều cho thấy rõ điều này. Phải chăng đó là điểm nhấn của bài thơ, là sự trăn trở đắng cay, chua xót trước bao khó khăn, nghịch cảnh trầm luân trong bể khổ? Cái "kiếp dương trần" này cũng chỉ là "cõi tạm" mà ta "vay mượn" chứ nào phải của ta, bởi biết bao cố gắng, nỗ lực, khát khao vươn lên (nối đôi bờ, tô vườn mộng, trải bến mơ), nhưng cuối cùng cũng chỉ còn biết mượn con chữ, vần thơ, trải tâm sự với đời để mong tìm được người tri kỷ (tơ lòng nhả, chữ vẩn vơ). Nếu không bị giới hạn bởi khuôn khổ của bài TNBC chắc t/g còn muốn "mượn" nhiều thêm nữa bởi chẳng biết chừng nào mới đủ!

Rất thông cảm và hiểu t/g là một cây viết thơ TNBC ĐL cứng cựa, nhưng vì đang trong một mớ tâm sự ngổn ngang, nên sự sắp xếp ý tưởng chưa đạt hiệu quả tối ưu. Có vẻ như, nếu đổi chỗ câu 1 và câu 8 thì bài thơ thuận ý hơn? Việc trùng lắp ý ở câu mở và 2 câu kết cũng làm hạn chế một phần giá trị của bài. Cấu trúc thơ cũng không tránh khỏi lỗi bình đầu mặc dù t/g khéo léo sử dụng tính danh từ (đò đưa, ví dặm) ở cặp luận cho khác với tính từ (thắm đỏ, tươi hồng) ở cặp thực, nhưng lại quên sự trùng thanh ở 3 vị trí đầu các câu 2, 3 và 6. Đây là điểm khó trong các bài sử dụng nghệ thuật "thủ nhất thanh".

Nhìn chung bài viết khá, giàu nhạc điệu, ý thơ thanh thoát, từ ngữ khá đẹp, đại chúng, ít dùng từ cổ, sáo ngữ. Sự thành công nhất của bài là sự dẫn dắt bố cục ngoại cảnh: từ bối cảnh chung (cảnh giao mùa), đến những thực thể (xuân, cánh nhạn, hoa, nắng), rồi nếp sống văn hóa tinh thần (khúc đò đưa, câu ví dặm), cuối cùng là cuộc đời.

Cám ơn t/g đã tham gia cuộc thi. Chúc t/g ngày càng có thêm những đóng góp giá trị về học thuật.




Bài 3: TX 2013 – 05
THƯ GỬI MẸ

Mẹ hỡi con đang đợi Tết về
Theo tàu lối cũ ngược thăm quê..
Nhìn hoa đất khách lòng hơ hải
Nhấp rượu người dưng dạ bộn bề
Bếp vẫn mùi xưa? mong mỏi quá!
Tường còn sắc cũ? nhớ nhung ghê!
Em chờ áo mới nhìn ra cửa
Gởi cánh thư đi chữ lệ đề.

Pha Lê



Mẹ là hình ảnh đại diện là biểu tượng của quê hương. Chủ đề nhớ mẹ, nhớ quê là một trong những mảng chủ đề được lựa chọn nhiều nhất của văn nghệ sĩ từ cổ chí kim, nhất là với những đứa con xa xứ. THƯ GỬI MẸ là một trong những bài thơ khá sâu lắng viết về mảng này.

T/g chọn lối tự sự thông qua hình thức viết thư tay. Tâm trạng nhớ nhung được diễn tả khi ở nơi đất khách xa lạ, cảnh vật không phù hợp với lòng người: hoa đẹp, rượu ngon nhưng lòng ngổn ngang nỗi nhớ thì cũng chẳng còn tâm trạng đẻ ngắm hoa, thưởng rượu. Hương vị những món ăn quê hương, nếp nhà đơn sơ, nghèo nàn, bình dị mà thân thuộc như hiện ra mồn một trước mắt, đau đáu trong tâm hồn. Cảnh em thơ đợi anh (chị) về mua quà. may áo mới để được ngẩng mặt nhìn đời trong mỗi dịp đầu xuân thật cảm động xiết bao.

Đọc bài thơ mà tôi bất chợt hoài tưởng lại thời thơ ấu ở quê, tưởng đâu mình đang có mặt trong bầy trẻ tíu tít chờ mong... Câu kết là cao trào của xúc cảm, dù bức thư nhòe lệ hay viết bằng lệ đã được gửi đi, nhưng lệ trong lòng t/g vẫn chảy hơn thế nữa còn lây nhiễm cả sang người đọc.

Bài thơ có 2 lỗi điệp tự, t/g sử dụng nhiều dấu chấm câu không cần thiết (như dấu chấm lửng mà t/g lại gõ ẩu thành 2 chấm ngang, không có trong văn viết). Khi dùng các dấu chấm hỏi thì sau đó phải viết hoa.

Cám ơn t/g đã cho thưởng thức một bài thơ đầy xúc cảm, dù còn hơi bị "nứa bổ", nhưng giá trị nội dung và nghệ thuật không thể phủ nhận.



Bài 4: TX 2013 - 10
ĐƯỜNG XUÂN

Vẳng tiếng nàng xuân hát dịu dàng
Mây hồng nhẹ lướt nhạc dồn vang
Mưa quàng hạnh phúc nhành tươi mượt
Nắng dệt niềm tin nụ óng vàng
Gửi bạn bùa yêu say chất ngất
Dâng đời nhựa sống trỗi mênh mang
Vầng dương rực rỡ soi ngày mới
Thả mộng đường hoa bước ngỡ ngàng.

Nguyên Xuân


Bài ĐƯỜNG XUÂN là một trong những bài thơ hay, tròn trịa về nội dung. Bài thơ có sự đầu tư khá tốt như chọn vần ngọt, từ ngữ đắt, phối thanh nhuyễn, đối ngẫu chỉnh, bố cục chắc chắn.

Trên đường xuân, t/g được hòa mình với thanh âm, màu sắc, nắng, mây, mưa,...; t/g đã có đầy đủ hạnh phúc, niềm tin, tình yêu, lẽ sống... và cả tương lai rực rỡ đầy hoa mộng không chỉ cho riêng mình mà cho cả cuộc đời (Vầng dương rực rỡ soi ngày mới). Chính niềm tin về một tương lai rạng rỡ, tươi đẹp thi nhân mới thả mộng, mơ tưởng, bước ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của mùa xuân, trên con đường mà mình tin yêu bằng tất cả tấm lòng. Trong khung cảnh hạnh phúc chung ấy, tâm hồn phơi phới yêu đời, tác giả không muốn giữ cho riêng mình mà mong muốn chia sẻ (gởi bạn, dâng đời) với tất cả mọi người chung quanh. Cũng chính bởi sự đầy đủ sung túc ấy mà tác giả đã để mặc cảm xúc dâng tràn vượt ra khỏi sự kiềm chế, cất cánh thăng hoa... Bài thơ là tiếng reo vui của một cuộc đời thành đạt, thỏa mãn và đó chính là tiền đề giải thích cho việc sử dụng đến mức lạm dụng tính từ trong bài, đặc biệt, có đến 7/8 tính từ ở vị trí cuối câu, trong đó có đến 4 tính từ láy, mặc dù, t/g đã có ý sáng tạo tránh 3 từ cuối không cùng từ loại theo lý thuyết sơ cấp. Đây là một ví dụ điển hình cho bệnh "thượng vỹ" ở trình độ nâng cao.

Có lẽ ngoài nhược điểm duy nhất đáng tiếc này thì bài thơ xứng đáng được chiêm ngưỡng.



Bài 5: TX 2013 - 16
DUYÊN QUÊ

Xuân hồng rải ngọc khắp quê hương
Áo trắng tung bay ửng nụ hường
Gió thoảng hôn lên nhành trúc mượt
Mây sà đậu xuống dáng đào thương
Tình thơ dệt mộng ngời khuôn lá
Nắng lụa ươm hoa rực nẻo đường
Thiếu nữ cười duyên nghiêng nón thẹn
Trăng vành bất chợt níu tơ vương.

Nguyên Xuân


Vẻ đẹp hương đồng gió nội (hay của non sông gấm vóc), là một trong những chủ đề nóng trong nhịp sống hiện đại và cũng là mảng đề tài được văn nghệ sỹ khai thác nhiều. Những người sinh ra ở quê, lớn lên muốn tìm cơ hội, phấn đấu cho công danh, sự nghiệp ở nơi đô thị phố hội, khi thành đạt muốn tìm về nguồn cội, hay về già lại muốn quay về sống ở chính nơi chôn nhau cắt rún đầy những trang kỷ niệm xưa (1). Những người sinh ra ở nơi phồn hoa đô hội (hay ở nđát khách quê người) đầy rẫy sự bon chen, cạnh tranh, náo nhiệt tìm về quê (hay quê hương) để cảm nhận sự bình yên (2)... Dù nguyên nhân có khác nhau, nhưng sự níu kéo đều bắt nguồn từ nét DUYÊN QUÊ mộc mạc, bình dị nhưng rất gần gũi, thân thuộc.

T/g bài thơ DUYÊN QUÊ có cái nhìn của dạng người thứ nhất (Xuân hồng rải ngọc khắp quê hương). Quê hương có thể hiểu là đồng quê, hoặc đất nước con Lạc cháu Hồng. Nếu là tôi, tôi sẽ dùng "Mai hồng" (ban mai) dấu chữ "Xuân" đi để "Xuân" tự hiện ra trong nội dung bài thơ. "Ngọc" ở đây không phải ngọc ngà châu báu mà chính là cái "duyên". "Duyên" từ tà áo trắng học sinh, "duyên" đem đến sự e thẹn dịu dàng và ý nhị (ửng nụ hường); "duyên" có trong làn gió, áng mây, "duyên" truyền qua nhành trúc, gốc đào; "duyên" lẫn trong sắc non xanh trên chồi lá dệt mộng tình thơ, "duyên" hòa vào màu nắng mai óng ả trên đường làng. Đặc biệt nụ cười duyên dưới vành nón nghiêng nghiêng của cô gái quê quyến rũ. Cái "duyên" kết hợp, hòa quyện rồi cô đọng làm "tơ vương" cả vầng trăng sớm. Cũng đâu biết được "Trăng vành" lại là hình ảnh ẩn dụ về gương mặt với nụ cười duyên của cô gái Việt tuổi trăng tròn, đẹp như vầng trăng nghiêng trong vành nón đã bất chợt gieo vào lòng người tình cảm xúc động vấn vương không thể quên được về hình ảnh người con gái Việt Nam duyên dáng, rạng rỡ trong tà áo dài và chiếc nón bài thơ trong khung cảnh mùa xuân? Sự quan sát rất tinh tế thể hiện bề dầy vốn sống và bề sâu suy nghĩ đáng nể của t/g.

Bài thơ có lỗi "bình đầu" về cấu trúc khi cả 8 câu đều mở đầu bằng danh từ làm chủ từ và tiếp sau là 7/8 câu được tiếp nối bằng động từ. "Tình thơ" và "nắng lụa" chưa thật sự đối chuẩn nếu xét kỹ lưỡng vì thực chất là "Tình trong thơ" hay "Tình nên thơ" với "Nắng như lụa". Hai khuyết điểm này như mờ nhạt dần đi trong cách "làm xiếc" với ngôn ngữ rất dễ thương của t/g. Đặc biệt hai câu thơ duyên nhất, bay bướm nhất là hai câu thực: "Gió thoảng hôn lên nhành trúc mượt / Mây sà đậu xuống dáng đào thương". Những động từ nhân hóa rất hình tượng (thoảng hôn lên, sà đậu xuống) gắn kết cảnh vật có chọn lọc (trúc, đào), có câu dùng tới 3 động từ làm rung lên cảm xúc (mượt, thương) sống động khiến người đọc ngẩn ngơ như lạc vào chốn đào nguyên.

Có lẽ đây sẽ là một trong những bài thơ gây nhiều tranh luận tốn giấy mực và sẽ thường được bạn đọc nhắc đến.



Bài 6: TX 2013 - 18
HUẾ XUÂN

Dạ khúc bây chừ gợi Huế xưa
Xuân quê đậm sắc kể răng vừa
Trên ni tấu nhạc hòa bông trổ
Dưới nớ bơi thuyền dậy sóng đưa
Áo tím tươi ri… nhìn phải thích
Trời xanh đẹp rứa… thấy mà ưa
Đi mô chẳng thể quên thời đã…
Sợi nắng em tề! Quyện dưới mưa.

Đoàn Tuệ


HUẾ XUÂN là một trong những bài tạo được ấn tượng ngay cho người đọc bởi nó mang dấu ấn vùng sông Hương núi Ngự rất rõ nét. Không kể câu mở thì không hề có một địa danh nào khác của Cố Đô được nhắc đến, cũng chẳng hề có một nét văn hóa, hay kiến trúc nào của Huế được trực tiếp phô bày, nhưng bài thơ toát lên vẻ Huế chính ở việc sử dụng phương ngữ Huế dễ thương, dễ mến rất đặc sắc.

Qua khúc nhạc đêm xuân t/g hồi tưởng rồi dẫn dắt người đọc về thăm cảnh xuân quê của Huế xưa đậm sắc màu văn hóa. Ta tưởng như đang lắng nghe bản hòa tấu của đất trời, sông nước vào xuân với muôn vàn thanh âm của các loại nhạc cụ dân gian như thúc đẩy cây trổ nụ đơm bông. Ta tưởng như dạo thuyền trên sông Hương lắng nghe giọng hò ngọt lịm. Với những ai đã từng gắn bó với Huế hẳn không thể nào quên một miền đất thanh bình, non xanh nước biếc, những tà áo tím mộng mơ và kỷ niệm những chiều mưa quay quắt...

Dễ dàng đoán biết t/g là một trong những người con của Huế xa quê bởi sự am hiểu phương ngữ rành rẽ để mỗi câu được lồng ghép một từ rất tự nhiên nhưng lại có dụng ý và rất rõ nghĩa. Có thể ai đó chưa từng tới Huế, hoặc ít gặp những phương ngữ đặc trưng của miền Bắc Trung bộ, nhưng vẫn hiểu cặn kẽ nội dung của bài thơ. Bài thơ chọn bộ chính vận, gồm 4 phù bình thanh và 1 trầm bình thanh, 1 lỗi đại vận (câu 1), 2 lỗi lưng ong (câu 5, câu 6 theo Lý thuyết CM), 2 câu điệp thanh , điệp điệu (4 và 5) và một câu triệt hạ (không thật sự cần thiết) đã phần nào ảnh hưởng đến giá trị của bài thơ.



Bài 7: TX 2013 - 20
MAI

Cánh mỏng lung linh gọi nắng về
Ánh vàng nhuộm thắm cả trời quê
Chào xuân lộc trẩy muôn hàng nối
Đón tết chồi bung những lớp kề
Sắc lá tưng bừng nuôi khát vọng
Màu hoa rạng rỡ cháy đam mê
Tiền nhân khéo đặt tên mai nhỉ
Thắp sáng niềm tin giữa bộn bề.

Cá Chuồn


Dẫu biết MAI là biểu tượng của mùa xuân, nhưng ban đầu tôi không khỏi ngạc nhiên khi có một tác giả chọn đề tài dự thi xuân cho mình ở một chủ đề hẹp như vậy. Càng đọc tôi càng thấy bị lôi cuốn bởi khả năng quan sát, vốn từ ngữ phong phú và khả năng biểu cảm của một hồn thơ đang độ sung mãn. Bài thơ như một bức tranh hiện thực về một loài hoa với tổ hợp màu sắc là những gam từ đắt giá giàu hình tượng, đường nét là những thủ pháp nghệ thuật.

Mai không chỉ là hoa, là kiểng, mai còn có cả linh hồn, xúc cảm và hơn hẳn thế, nó còn ẩn chứa cả tâm trạng người trồng mai gửi gắm (Sắc lá tưng bừng nuôi khát vọng/ Màu hoa rạng rỡ cháy đam mê). Cả cái tên MAI là sự biểu trưng của tương lai, của may mắn, của người con gái đẹp mà tạo hóa ưu ái ban tặng cho loài người cũng được t/g đưa vào thơ. Trong những ngày tất bật đón xuân, cúng kiếng ông bà, tổ tiên, thăm hỏi, chúc tụng người thân, ngắm săc mai vàng người ta sẽ cảm thấy bình tâm, ấm cúng và hạnh phúc.

Bài thơ gieo chính vận, đảo dấu thanh vần xen kẽ nhau, phối thanh, đối ngấu nhuần nhuyễn, bố cục chặt chẽ, mở và kết xuất thần. Chỉ tiếc hai câu thực hơi bị "nứa bổ"; nội dung có sự trùng lắp (ánh vàng, màu hoa); nhắc quá nhiều đến lộc, chồi, lá, hoa mà quên cội, dáng mới là cốt cách, tinh thần của mai (Mai cốt cách, tuyết tinh thần_Nguyễn Du).




Bài 11: TX 2013 - 30
ĐÓN XUÂN TÂY NGUYÊN

Hãy nhớ về đây uống rượu cần
Ngắm cà phê nở đón mùa xuân
Trong chiều gió lộng mùi thơm ngát
Giữa chốn đồi cao sắc trắng ngần
Tấu nhạc chiêng rền vang núi thẳm
Nghe lời khan đẹp kết tình thân
Men nồng quyện toả hồn ngây ngất
Cảm xúc trào tuôn thắm đượm vần.

Kiều Thành


Bài thơ ĐÓN XUÂN TÂY NGUYÊN mang đến Diễn đàn sắc thái văn hóa đặc sắc của Cao nguyên. Khác với phố thị hay đồng bằng, đồng bào Tây Nguyên gắn bó với rừng núi và cây Cà-fê, loài hoa mang màu sắc trắng sữa và mùi hương ngan ngát để trang điểm cho mùa xuân của họ chính là Cà-fê. Đối với người Thượng, trồng Cà-fê chính là đã xóa đi nếp sống du canh, du cư. Như vậy, Cà-fê chính là biểu tượng của cuộc sống ổn định.

Khi Cà-fê nở trắng núi đồi chính là sự hứa hẹn của cuộc sống no đủ sung túc. Và tất nhiên bất cứ ngày vui hay dịp lễ hội nào thì dưới mái nhà rông, quanh ngọn lửa, ché rượu cần, tiếng chiêng cồng hòa theo điệu múa và lời khan (trường ca Tây Nguyên) hùng tráng cất lên khiến lòng người và cả đất trời cũng như rạo rực. Khi ấy nhà thơ bỗng chốc thấy tâm hồn bay bổng, ngất ngây và xúc cảm cứ thế trào tuôn tự nhiên kết lại thành vần. Ý thơ hay, tứ lạ, từ ngữ tự nhiên nhưng vẫn rất giàu chất thơ mang lại thành công cho bài thơ.

Tuy vậy, đôi chỗ tả quá thực (mùi thơm ngát / sắc trắng ngần) cũng không hẳn là ưu điểm. "HỒN thơm ngát/ MỘNG trắng ngần" có thể gợi cảm hơn? Ngoài ra, nếu phải góp ý để bài thơ đạt hiệu quả cao hơn, tôi xin mạn phép đề xuất thay hai chữ như sau: "Tấu nhạc chiêng rền SAY núi thẳm/ Nghe lời khan đẹp THẮM tình thân" => để nâng cao ý và tuân thủ "luận" đúng với bố cục truyền thống hơn. Khi ấy ở câu cuối sẽ thay bằng "Cảm xúc trào tuôn LẮNG ĐỌNG vần". Cám ơn t/g cho thưởng thức bài thơ này.


NẮNG XUÂN

ACE có CHÉM CHUỐI thì CHÉM nhè nhẹ.

buixuanphuong09
14-12-2014, 09:24 AM
Đôi dòng cảm nhận

Đầu năm 2010, tôi tham gia họa thơ ĐL trên đường Bưu điện, khởi từ người người bạn già thân thiết đã quá cố: Bác Ngô Thêm. Bác là người rất thích làm thơ TNĐ, các bạn thơ của bác có nhiều người làm thơ TNĐ, trong đó có GS Nguyễn Chung Cảng. Đọc thơ TNĐ của bác NCC tôi rất mê, rất muốn học làm, nhưng đánh vật mãi vẫn không thành công nên đành bỏ. 5 năm giao lưu thơ, tôi đã được đọc nhiều thơ TNĐ, nhưng chưa bao giờ được đọc thơ TNĐ lại nhuần nhuyễn như ba bài thơ này. Vào trang này, tôi đọc thơ trước, dù không đủ trình độ để nói nên cái hay, cái đẹp của thơ, nhưng muốn tự mình cảm nhận trước khi đọc những phân tích của NX. Bài Nắng Xuân, cả 8 câu đều lặp lại từ Nắng và Xuân, nhưng mỗi câu Xuân và Nắng lại mang những ý nghĩa khác nhau nên nó không nhàm chán. “nắng xuân, xuân gội, cội nắng, cành xuân, xuân trao, nắng đón, nắng thắm, chiếu xuân …”. Cả ba bài đọc xuôi, đọc ngược đều nhuần nhuyễn, vần từ êm dịu, ý nghĩa không gượng ép. Tôi không đủ trình độ và cũng không thể diễn giải dài dòng ở đây, chỉ nêu nên vài ý nhỏ. Đọc những phân tích của NX, hỗ trợ cho những hiểu biết ít ỏi của tôi…Lòng tôi cảm xúc dâng tràn, không thể diễn đạt thành lời.
Cảm ơn Nắng Xuân đã cho bạn đọc -trong đó có tôi- được thưởng thức những vần thơ tuyệt diệu, cộng với những phân tích sâu sắc, giúp cho bạn đọc thưởng thức một món ăn tinh thần quý giá.
Bài CẢM NHẬN VỀ 8 BÀI CHUNG KHẢO, bấm cảm ơn nhưng thú thật là chưa đọc, copy về máy đọc sau.
Hai bài viết này của Nắng Xuân đăng khi cố Admin TVT còn tại thế, nhưng lúc này tôi không có mặt ở diễn đàn nên không được đọc, nhờ NX …giờ mới được đọc.
Cảm ơn Nắng Xuân rất nhiều.

BXP 14/12/2014

Nắng Xuân
14-12-2014, 04:10 PM
Kết quả Moon ráp phách:

TX-36 XUÂN: Kiều Thành
TX-01 Xuân Mơ: CM4Q
TX-10 Đường Xuân: nguyenxuan
TX-16 Duyên quê: nguyenxuan
TX-21 Nắng xuân: nguyenxuan
TX-20 Mai: Cá Chuồn
TX-30 Đón Xuân Tây Nguyên: Kiều Thành
TX-29 Sắc Xuân: Kiều Thành
TX-02 Mượn...: CM4Q
TX-05 Thư gửi Mẹ: Phale
TX-18 Huế Xuân: Doantue

Như vậy cơ cấu Giải như sau:

BA GIẢI CHÍNH

Giải Nhất: TX-36 XUÂN của tác giả Kiều Thành (Đỗ Thanh Long, ĐakLak)
Giải Nhì: TX-01 Xuân Mơ của tác giả CM4Q (Nguyễn Thị Trúc Quỳnh, CHLB Đức)
Giải Ba: TX-10 Đường Xuân của tác giả nguyenxuan (Nguyễn Thị Xuân Đào, Đà Nẵng)

BA GIẢI KHUYẾN KHÍCH:
TX-20 Mai: Cá Chuồn (Bùi Đình Thắng, Vũng Tàu)
TX-05 Thư gửi Mẹ: Phale (Đặng Thị Ngọc, TP.HCM)
TX-18 Huế Xuân: Doantue (Nguyễn Ngọc Tiến, ĐakLak)

Nắng Xuân
29-12-2014, 04:21 PM
Cám ơn Huynh Bùi Xuân Phượng.
Khi nào rảnh Đệ sẽ copy về post nhiều nhiều để mọi người cho ý kiến thêm.