PDA

Xem phiên bản đầy đủ : Hồi Tưởng Khúc: CHƯA LẦN THỦY THỦ - NhàQuê



NhàQuê
20-05-2013, 05:43 AM
Hồi Khúc "CHƯA LẦN THỦY THỦ"


Hồi Khúc 1: Gợi Ý

Dự định sau Tạp Khúc HÀNH HƯƠNG sẽ dành thời gian ngơi nghỉ và cũng bí đề tài, vậy mà mỗi lần toan tính như thế thì trong tận cùng sâu thẳm của suy nghĩ ... hình như có cái gì đó ray rức, ... thì ra từ khi ghé qua vùng chữ nghĩa tới nay đã mang căn bịnh GHIỀN viết rất nặng ... Nhờ một người bạn thân gợi ý ...

Giỏi!!!!

Đây xuồng ba lá Lão ra khơi
Ôn hết nhiêu khê lẩn hạnh… thời
Đêm biển đen ngòm giông chực quét
Ngày mây ảm đạm sóng không ngơi
Sau lo Mẹ đuổi cong … đuôi chạy
Trước sợ Tặc gườm thót ruột bơi
Nhớ nắm tôm khô chai rượu đế
Còn tìm chưa được chỗ nhâm chơi…

GHH 11.05.13


Vậy còn chờ "công an tới" hay chờ gì nữa mà không ghi lại về chuyến hải hành!


Chưa Lần Thủy Thủ

Theo gợi ý viết về chuyện cũ
Hăm mấy năm ngủ tận ngõ sâu
Giờ nói tới theo nhau thức dậy
Nghe đâu đây vẳng sóng bạc đầu

Chiếc thuyền nhỏ trên triền may rủi
Dần xa quê bầm giập kiếp người
Nương đêm đen một lần thử vận
Hành trang buồn dong ruổi ra khơi

Chiếc ghe đó hành trình đơn độc
Áng mây đen che khuất đường đi
Không thể nói tài ba trước biển
Giữa bao la người chẳng là gì

Rằng biết đó mong manh số kiếp
Thân nơi quê đã đến ngõ cùng
Quyết ra khơi không gì lay chuyển
Hy vọng mùa đang lúc "đồng chung"

Ngang đảo Côn chờn vờn núi tím
Khói trắng lên từng cụm hòa mây
Đêm đầu tiên xa rời đất tổ
Ngọn hải đăng thầm tiễn vẫy tay

Những vùng sáng ngỡ đâu thành phố
Đèn đỏ xanh vào hội hoa đăng
Trên trục đi càng gần mới hiểu
Đoàn ngư thuyền nối tiếp giăng giăng

Họ lại sợ mình qua rách lưới
Khoát tay xua đừng tiến đến gần
Kể từ đó mây xà thật thấp
Cơn bão đầu chụp xuống hung hăng

Ghe đi sông khó lòng gối sóng
Cùng bàn nhau trở hướng thuận xuôi
Chạy chầm chậm chờ qua bão dữ
Phút nguy nan phó thác cùng trời

Đêm hôm trước qua vùng biển lạ
Giấc chập chờn nghe giọng tỉ tê
Lẫn than khóc từ đâu vọng lại
Hay hồn oan uổng tử hiện về

Từ sớm mai biển êm khoe vẻ
Cá tung mình bay lượn trên không
Đàn hải âu no nê đáp nghỉ
Đại dương hiền thảm trải mênh mông

Ngày thứ tư từng đàn ghe lưới
Họ ra khơi mình chếch vô bờ
Hy vọng thêm khoảng đường còn ngắn
Chờ phía trời chút khói lơ thơ

Màu nước chàm trở xanh nhạt bớt
Nhìn xuống sâu cá mẹ cõng con
Bơi nhởn nhơ ... cùng đàn cùng loại
Trông trẻ thơ ... rồi bỗng dưng buồn

Sáng ngày cuối niềm vui hiện rõ
Rác trái trôi bọt trắng thành hàng
Dấu báo hiêu bờ còn gần lắm
Chỉ sợ ngầm đá chạm vỡ tan

Trên hướng tiến nhô lên xanh núi
Ngày càng cao hy vọng chiều nay
Đặt chân bước lên bờ hoặc đảo
Miễn đừng sao vào rọ bẫy gài

Những ghe tàu gặp ngang hay đậu
Rất khác xa về dáng về hình
Màu sặc sỡ mũi không vẽ mắt
Người sậm da càng vững niềm tin

Qua ống dòm kiểm thêm cho rõ
Về loại cây cũng giống quê ta
Y phục vận hoàn toàn khác biệt
Trên bờ kia lác đác vài nhà

Nhảy xuống bãi gặp đầu tiên hỏi
Thì ra còn ranh giới Thái Lan
Phóng lên ghe quay ra gấp rút
Và hành trình tiếp tục xuôi Nam

Trong nhấy nháy tàu tuần duyên rượt
Bắt cập vô hỏi xét một hồi
Biết ý định muốn qua xứ Mã
Họ trỏ tay phía trước ... gần thôi

Mốc thiên nhiên làm ranh hai nước
Một con sông vàm lớn chỉ bằng
Từ Cái Cối nhìn qua phía chợ
Giờ chỉ cần mấy phút ngang băng

Trong tầm mắt nhà cao thành phố
Nhìn vô bờ trại lính cờ bay
Nằm dưới dãy phi lao ngọn vẫy
Đang tính tìm chỗ đợi sáng mai

Năm ngày phải chú tâm đối phó
Với hiểm nguy chưa chút thảnh thơi
Mấy chai rượu vẫn còn nguyên vẹn
Định mừng nhau còn sống trên đời

Lính biên phòng giơ cao súng vẫy
Trước đạn đồng dự tính xếp bên
Đành quay vô hướng bờ ủi bãi
Và cuối cùng nước bạn bước lên

Trừ áo quần .... còn nhiêu bỏ lại
Tập trung người ... phun thuốc vệ sinh
Lập danh sách ... nhận phần ăn tối
Ngẫm "được - thua" mà tủi "người" mình

Kể từ đó trở thành trưởng toán
Vốn tiếng Anh không đủ ... tay quơ
Thứ ngôn ngữ trời cho nhân loại
Lại hiểu nhau một cách không ngờ

Cộng thêm nữa thấy hình xưa lính
Nghiêm chỉnh chào ... hiểu nỗi niềm nhau
Của những kẻ vào ra gian khó
Khác một nơi giáng khổ lên đầu

Tối đêm đó cơn mưa gió lớn
Mới thấy rằng may thật là may
Sáng thuyền manh đã vùi ngập cát
Còn lênh đênh chắc hẳn tan thây

Trưa hôm sau bữa ăn ngon lạ
Từ nhà hàng thành phố mang vô
Có món cá "ca - ri" nóng hổi
Nay nhắc ra ...ai cũng trầm trồ

Xin "Tạ Ơn Tình Người" tay nắm
Đã đi theo từ đó cuộc đời
Kẻ hải hành "Chưa Lần thủy Thủ"
Và phút đầu khi đã đến nơi


NhàQuê May 17, 2013

(Viết Lại Sau Khi Bị Mất Do Bất Cẩn)

NhàQuê
20-05-2013, 08:46 PM
Hồi Khúc "CHƯA LẦN THỦY THỦ"


Hồi Khúc 2: Tưởng Đâu

Những không ngờ nối tiếp không ngờ, cho đến nay phải đành tin số mạng ... vì vậy xin được nói về những chuyện bản thân đôi chút, dù biết rằng "nói về cái ta" là điều cấm kỵ!

Vốn tôi không thích di dời chỗ ở hay công việc, vậy mà phải trải qua 3 lần mà mỗi lần đều thành khúc quanh gắt trong đời và cả ba chúng liên quan chằng chịt nhau, mới nghiệt chớ!... ai mà muốn vậy!

* Đang đứng giảng bài nghe tiếng gõ cửa, nhìn ra thấy thằng bạn cũ hồi học lớp tư trường làng, giờ nó làm cái gì đó trong văn phòng quận , nó ra dấu muốn gặp ... Thì ra nó tới giao tận tay "Lịnh Gọi Nhập Ngũ" ... sở dĩ nó phải giao tận tay vì địa chỉ cư trú lúc "kiểm tra trưng binh" thì ở xã hiện đang là vùng "giải phóng" không tống đạt được, nên xã lưu vong phải trả lịnh gọi trở về quận và nó sốt sắng chuyển giao ...cái thằng bạn mắc dịch !

Thôi từ giã "các trò", thầy ra làm quan!

Nhớ lại lúc còn đi học, trong những dịp nghỉ Hè về quê "mấy ảnh" tới rủ rê đi "giải phóng" sẽ đưa đi Liên Xô học, nghe thì cũng ham mà biết có qua nổi vài ba bữa không ! Ở rừng ở hầm ớn quá ... Đi làm quan có lính hầu, có xe đi, có lương và có lậu, ...có đủ thứ khỏe hơn!

"Giã nhà đeo bức chiến bào
Thét roi cầu Vị ào ào gió thu" (Chinh Phụ Ngâm)

Chứ kỳ thực , chẳng có lý tưởng quốc gia, công sản khỉ khô gì ráo ... ở đâu theo luật đó! Thế thôi!

Con đường làm quan lại là quan võ không đơn giản chút nào, cũng sống chết trong gang tấc dù rằng suốt thời gian 3 năm trả nợ tang bồng được ở suốt một đơn vị thuộc Biệt Khu Thủ Đô sướng thấy mồ! ... Có lịnh cho về nhiệm sở cũ dạy học lại, mừng húm vậy mà ông Chỉ Huy Trưởng biểu "Cậu ở lại , tôi cho cậu đi học Sinh Ngữ Quân Đội để đi học Mỹ" ... Xin lỗi ... Lạy ông tôi về! .. Tôi nói tôi là người không ưa đi xa mà!

Nhờ có khúc quanh nầy nên được vài món lợi như biết dùng ống dòm, biết dùng la bàn, biết đọc bản đồ, ... để dùng về sau trong khúc quanh thứ 3

** Tưởng vậy là an nhàn rồi, kiếm cơm được rồi .... không đến nỗi "Một Thầy Một Cô Một Chó Cái, ". Thế cũng xong "Đời Cô Lựu".

Ông xếp mời làm "Tổng Giám Thị" .... chê liền! Hồi đi học đã không thích mấy ông bà Chằn nầy, nay lảnh chi cái chức "Cọp Rằn" coi sóc mấy ông bà chằn dưới trướng .... Chờ ít năm đứng lớp không nổi nữa sẽ kiếm chân Thư Viện đọc sách chơi, làm giàu thêm 3 bồ chữ nghĩa!

Chiến tranh đến hồi ác liệt hơn, ngay cả học trò cũng đứa theo tiếng gọi động viên, đứa thoát ly vô rừng cắc bùm hướng vô thành phố ...

Thực tình mà nói, lại thực tình nữa ... tôi không thích cái kiểu chiến tranh gì kỳ cục nầy, như mọi người cũng mong nó tàn lụi cho rồi theo cách nào cũng được ... Ước sao có vậy! Ngày đó đến thật! ...

Tù ... Quản Chế ... Đuổi Nhà ... Không Được Đi Xa Khỏi Xã Ấp, ... Con Không Được Vô Đại Học hay Chuyên Nghiệp ... Chưa từng !

Trong khúc quanh nầy tôi phải đổi chỗ ở tới 2 lần, vô Tù Cải Tạo và phải bán nhà gấp rút lấy 1 lượng vàng trong lúc khi mua, tôi làm "cầu tiêu máy" tốn 4 lượng... Không bán trong vòng 10 ngày "Họ " mượn làm văn phòng gì đó.

Thằng con thi có điểm đáng lẽ "Trường Nào Cũng Vô Được" mà rồi thành "Không Vô Được Trường Nào" ở nhà mấy năm làm Kỹ Sư tát nước mắm.

Việc không được đi học nầy, tôi đi hỏi nhiều nơi lên đến Ban Tuyển Sinh Tỉnh, Ban Tiếp Dân của Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh ... Cấp cao hơn nói "Theo Chánh Sách Thì ĐƯỢC" nhưng về cấp thấp hơn nói "KHÔNG" ...

Cuối cùng Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Huyện đưa qua bên Ban Chỉ Huy Quân Sự Huyện giải quyết và tôi được kêu vô cuộc họp có đầy đủ cấp chỉ huy quân sự huyện ngồi dọc hai bên bàn dài, vị chủ tọa ngồi cạnh ngang một đầu, tôi ở vị trí đối diện .... Tôi phải trình bày những suy nghĩ của tôi mà họ cho rằng tôi đã lên tỉnh "khiếu nại" ...

Và lý do cuối cùng vị sĩ quan có trách nhiệm nói: "Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, anh đã không có đóng góp nào cho Cách Mạng, thì nay anh đừng đòi quyền lợi!"

Hết ý! Đó là chuyện lòng vòng "có giấy của tuyển sinh gọi đi học mà địa phương không cắt hộ khẩu"

Không còn đường nào lựa chọn nữa! .... Quanh gắt

*** 11 năm, phải, đúng 11 năm qua bao nhiêu chuyện tôi chịu đựng được vì tôi không muốn chút nào việc bỏ nước ra đi ... nhiều chuyến đi trót lọt mà trước đó họ có ngỏ ý "mời" tôi ... Giờ cùng đường, đúng là đường cùng chỉ còn cách đó, ... vì vậy khi người bạn rủ, tôi ừ liền

Mọi chuyện chuẩn bị chu đáo về độ vững chắc của ghe thuyền, máy Nhật mới tinh, về trang bị bản đồ, hải bàn, ống dòm, xăng dầu, thực phẩm, nước uống thật hoàn hảo kể cả đường đi phải thao dượt mấy lần cho những chốt những đồn trạm quen mặt .

Chúng tôi lên đường và chúng tôi đã đến


Sau nầy một số người có cả đương quyền cũng công nhận là Tôi Nên Đi
Thế mới biết! Tưởng đâu sẽ được mãi mãi sống chốn quê hương

NhàQuê May 18, 2013

NhàQuê
23-05-2013, 05:02 AM
Hồi Khúc "CHƯA LẦN THỦY THỦ"


Hồi Khúc 3: Chuẩn Bị & Ra Đi

Khi bước lên bờ, tôi còn ngoái lại nhìn lần nữa chiếc ghe không người đang bị sóng nhồi nghiêng ngã, tôi thầm cám ơn chiếc máy Nhật "Yanmar" mới tinh đã làm việc liên tục 5 ngày đêm đưa được 22 người lớn nhỏ đến bờ biển nước Malaysia, phải chi có phép lạ tôi tháo gỡ máy ấy gởi về cho người muốn ra đi, mà tôi tin rằng số người vào lúc đó nhiều hơn muốn ở lại .

Nơi chúng tôi "đổ bộ" vào, thuộc hay gần thành phố Kelantan, cực Bắc của nước Malaysia chỉ cách Thái Lan một con sông nhỏ ... Ở đất nước nầy, cái ghi nhận đầu tiên là không thấy ai nhào lên chiếc thuyền giờ vô chủ đó để "hôi" hay tháo gỡ, khác biệt rất xa trong lúc ở xứ mình thì các đấng "du kích biển" gặp ghe vượt biên hầu như chuyện vơ vét là ưu tiên số 1!

Trên đó chúng tôi còn bánh phồng ăn được mấy cái Tết, còn hàng trăm dừa xiêm, dừa cứng cạy chưa đụng tới, còn cả chục bịch nylon nước ngọt chưa dùng (mỗi bịch 20 lít) và còn cái thạp da lươn nước mưa mà bão chỉ làm rơi nắp xuống biển, xăng dầu còn đủ đi thêm 5 ngày nữa, hai cháu thợ máy tay chưa dính chút nhớt nào, ....

Riêng những tập bản đồ ghi chú điểm đứng từng giai đoạn trên đường đi, các dụng cụ giúp chuyến hải hành được lịnh mang nạp cho giới chức nơi tiếp nhận đầu tiên nầy . Về sau tôi biết họ chuyển tiếp theo nhóm chúng tôi làm vật chứng, vì những cuộc phỏng vấn về an ninh tôi còn gặp lại các món đó khi họ đem ra hỏi ... Họ điều tra xem chúng tôi là người tị nạn thật hay trà trộn ... Sao người ta sợ "trà trộn" quá vậy cà! Thực ra, lại thực ra trên ghe có cậu "nghĩa vụ quân sự" vừa nhận chìm cái nón cối có huy hiệu Quân Đội xuống biển phi tang khi dãy đất liền đã hiện rõ trong ống dòm quan sát từ xa!

Ôi những tấm bản đồ được copy lại đủ những chi tiết cả về độ sâu của vùng biển từ Vũng Tàu đến tận Singapore, ống dòm M1 dùng trong QLVNCH, nhất là hải bàn có phần kính hình bán cầu được tháo gỡ ra từ chiếc giang hải đỉnh nào đó, và chiếc ghe trọng tải 6 tấn đã lượn sóng tuyệt vời, ...

Những thiết dụng nầy đã được kiểm soát độ khả dụng trước đó vài tháng khi người nhà đã đem từ Sài Gòn về ... Trước ngày đi được cất trong hộp đặt biệt trong ghe, chỉ ra đến biển mới đem dùng đến ... Ghe còn đo đạc ni tấc lập thêm giàn máy đuôi tôm máy F5 phụ , máy nầy mang qua từ chiếc ghe thứ 2 phụ chở thêm thực phẩm và sau đó vỏ ghe thứ 2 nầy bỏ lại gần cửa sông trước khi ra biển.

Mọi việc êm xuôi nhờ ở lòng quyết tâm và không phải rình rang bắt mối khách, mà kinh nghiệm bao người trước đây hay đổ bể và thất bại ...

Bạn tôi, chủ ghe vốn là anh cử nhân văn khoa (Sử Địa), gia đình hai bên nội ngoại đều "làm lớn" phía bên kia, ông già thân sinh nó đã là Chủ Tịch Ủy Ban Hành Chánh Kháng Chiến Nam Bộ tỉnh Bến Tre hồi 8 năm kháng chiến chống Pháp, khi ông tập kết ra Bắc thì trong nầy nó lại là sĩ quan phục vụ tại Phòng Quân Sử Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH; Thế mà tôi hoàn toàn tin tưởng do liên hệ gia đình thân nhau từ thuở nhỏ, hiểu nó và đã không lầm.
Trên ghe còn một Chs/THKH cũng là sĩ quan trừ bị Thủ Đức, con của ông quận trưởng Ba Tri hồi tôi mới dạy hoc.

Ba chúng tôi góp nhau thành cuốn từ điển bỏ túi khi dùng tiếng Anh! Chuyện nầy nay nhớ lại còn cười ...
Cái nầy mình nói tiếng Anh sao mậy ?! Ý là mấy tháng trước khi đi đem sách Anh Văn ra nằm võng dưới gốc cây nhai lại ... Có lần bị thằng bạn khác chạy xe lam hết tài chở khách ghé chơi kiếm nhậu bắt gặp sanh nghi, nó rề rà vì nó cũng muốn, nhưng tôi nói là xem lại để dạy mấy đứa nhỏ! (sau nầy nó kể lại với bạn bè: Tao thấy ảnh đọc sách tiếng Anh là tao nghi rồi!)


NhàQuê May19, 2013

NhàQuê
26-06-2013, 06:44 PM
Hồi Khúc "CHƯA LẦN THỦY THỦ"

Hồi Khúc 4: Vượt Những Hiểm Nguy Ban Đầu


Tổng cộng đoạn sông rạch vượt qua có chiều dài chừng 20 Km, phải tính toán cẩn thận thêm vào sự may mắn .

Đoạn ấy đi ban ngày, trể nhất là vừa khuất tối phải ra được sông lớn: Sông Hàm Luông. Dĩ nhiên phải qua nhiều xã, chợ, trụ sở hành chánh, quân sự, công an trên bờ của nhiều địa phương, ...

Ra sông rồi, từ đó đến biển phải qua hai tàu thuế (trạm nổi) trên sông và hai đồn biên phòng trên bờ gần cửa sông.

Giăng ngang cửa sông là mấy hàng đáy so le nhau thế răng lược, trên các chòi giữ có du kích vũ trang có thể bắn vói theo, họ không có ghe riêng để rượt ...

Trong hải phận VN còn tàu tuần, tàu đánh cá có du kích biển với súng đạn "ngon lành" nếu họ bắt được ghe vượt thoát đôi khi còn thâu lợi nhiều hơn chuyến đánh bắt, vì thế trong vùng biển nầy có nhiều "tay máu lửa" nổi tiếng danh đồn qua nhiều tỉnh khác, lên tận Sài Gòn .

Ngoài ra còn các loại tàu của Liên Xô và các nước XHCN vận chuyển hàng hóa đủ loại ra vào VN trên đường đi hoặc neo đậu chờ tàu nhỏ ra hướng dẫn, ... Tóm lại chuyện vượt thoát được có tỷ lệ thấp "năm ăn năm thua", ván bài xả láng!

Chúng tôi phải bỏ thời gian dài "giả dạng thường dân" ra vô nghiên cứu đường đi và các thói quen các điểm các trạm mà mình thấy có lợi .

Cũng sẳn sàng thay đổi lộ trình nếu gặp nguy hiểm bất trắc .... mà thực tế chúng tôi đã đổi lộ trình khác ban đầu trong vài đoạn, vì 1 người bạn dự trù tăng cường nhóm thay phiên lái đã bỏ cuộc vào giờ chót bởi gia đình hay tin ngăn cản bạn ấy. Thành ra nhóm lái chỉ còn 4 người.

Cái may đầu tiên là hôm ấy khi thăm chừng nước thì thấy có một chiếc ghe lớn hơn nằm chờ chở cam quít các chủ vườn đem tới, nhưng chiếc ghe nầy lại nằm gần cầu khỉ và chắn lối ra, nếu nước ròng thấp hơn một chút thì ghe chúng tôi không có cách gì đi được; Vì vậy chúng tôi dời ghe mình liền ra phía ngoài và do đó phải đi ngay trước giờ dự trù gần hai tiếng.

Vì đi sớm như vậy nên còn cách chừng 1 cây số tới trụ sở xã cuối cùng có công an, quân sự, ... chúng tôi lại phải nằm chờ họ hết giờ làm việc về nhà hay đi nhậu và thông tin đã phát thanh ồn ào ... Đúng thời cơ đó chúng tôi thoát ra vàm tới sông lớn: Sông Hàm Luông.

NhàQuê June 26, 2013

NhàQuê
07-07-2013, 11:11 PM
Hồi Khúc "CHƯA LẦN THỦY THỦ"

Hồi Khúc 5: Ráp Nối

Thường thì có một tàu thuế tới lui đến vàm rạch nơi mà chúng tôi ra sông Hàm Luông, họ chỉ tới đây là giới hạn vì đã qua ranh giới huyện khác ... dự phòng nếu thấy họ chúng tôi sẽ hướng lên thượng nguồn như đi về Tỉnh, sau đó sẽ bọc cù lao Lá qua bờ bên kia .... Nhưng may mắn thứ hai là không có họ ở đó, nhưng để tránh họ và tránh ngang qua xã của người bạn bỏ cuộc vì e rằng gia đình bạn đã làm lùm xùm rồi, tôi cho vòng mõm trên Cù Lao Đất (Nơi vua Gia Long có lần bị Tây Sơn rượt đuổi có chạy đến cù lao nầy trốn) và cặp cạnh Nam của cù lao, vừa đước che khuất vừa tránh rủi ro .

Nhưng phải quan sát tàu thuế lưu động của huyện bờ bên kia, điểm lợi là khi không di chuyển, các tàu thuế không đậu ngoài sông lớn mà nằm trong vàm của con rạch dẫn về huyện của họ một đoạn.
Ghe, đò vừa lủi vô rạch để tới chợ huyện thường phải ghé trình họ ... Vì vậy khi không thấy họ di chuyển trên sông là sự may mắn, chúng tôi có được may mắn thứ 3 đó ... Từ khỏi Cù Lao Đất chỉ lo hai đồn công an biên phòng (thực ra có tới 3 đồn) ...

Lúc nầy ghe chúng tôi chạy trước, chiếc thứ hai chở thêm thực phẩm, và số dầu phòng hờ chạy sau một khoảng xa .... gặp bất trắc có hội ý trước mạnh ai nấy vọt như chẳng liên quan gì nhau. Chúng tôi đều là bạn bè và bà con qua lại .

Chúng tôi thử nước sông xem mặn ngọt và lấy đầy các bao plastic hai lớp và cột kỹ để dành .

Ngang qua đồn biên phòng thứ nhất ngoài quan sát tôi còn nhìn xa hơn về hướng nhà tôi, ánh đèn sáng rực lên trên không vì đêm đó là đêm thứ hai đoàn hát lưu động khắp tỉnh tới đóng quân hát ngoài trời sân ủy ban xã . Đêm đầu tôi cũng lai vãng chơi cho mọi người thấy tôi còn ở nhà ... Khuya lại cha con tôi vọt để lại lý do đi Sài Gòn trị bịnh!
Nhìn vầng sáng điện đó mà ngậm ngùi ... Nhân nói về các đoàn hát lưu động sau 1975: Hãy tưởng tượng nhiều đêm mưa liên tiếp không diễn được ... có khi những nghệ sĩ miệt vườn ấy phải rủ nhau đi tát mương, tát vũng, xuống kinh, xuống rạch mò tôm bắt cá cho những bữa ăn "tập thể" ... thương lắm thay!

Nơi có đồn biên phòng thứ 2, đúng vào lúc những ghe lưới đã về bến, đèn đuốc như những vì sao, đèn ấy đủ ánh sáng cho người bán kẻ mua về bán lẻ giao nhận cho nhau .... Chúng tôi vẫn phía sông bên kia nhìn về! Tới đây không trở ngại nào lại thêm điều may mắn nữa!

Tới đồn biên phòng thứ 3, chúng tôi dừng lại như đã nhiều lần thao dượt trước đây, trên đồn không có dấu hiệu nào còn thức, bãi vừa cát vừa bùn từ nơi chúng tôi dừng đến đồn trên bờ có trên 500m theo đường thẳng.... chừng 10 phút sau ghe thứ 2 đến ...

giờ mới nhiều công việc tấp nập: Gỡ máy đuôi tôm F10 đem sang và tất cả đồ nghề, , đặt máy vào giàn làm sẳn đã ráp vững chắc lại giờ trước đây... Đem hết dầu qua ... đem hết lương thực, dừa uống nước, ăn cái qua, mấy ngày sau tôi biết có cả gà vịt, trà, cà phê, sữa đặc có hình bản đồ VN màu đỏ nữa chứ; Vì tôi được chiếu cố giữ gìn sức khỏe, sáng suốt, thức đêm ... chuyển hết người qua ghe chánh chúng tôi .. . Chiếc thứ 2 giờ chỉ còn là vỏ trống và chúng tôi cho thả trôi ... Vào lúc chúng tôi "Ráp Nối" thĩ có một ghe chèo thuận nước ngang qua, có lẽ người chèo ghe biết chúng tôi là ai nhưng lẵng lặng đi luôn ... Tới đây chúng tôi đạt được 80% của đoạn nguy hiểm đầu tiên .

Chúng tôi khởi hành với 22 người lớn nhỏ .... Chúng tôi bắt đầu gắn mũi phụ giúp ghe chẽ sóng dễ dàng hơn, dựng chòi lái cho có dáng dấp của ghe đi biển đánh cá

Đoạn sông khoảng nầy đã là đoạn sinh tử của bao ghe từ xa đến, vì lòng lạch đang hướng Tây-Đông lại quặc hướng Nam Bắc do cồn cát hình cựa gà chắn ngang, khi thủy triều lên, cồn cát bị ngập do đó ghe lạ không rành bị trướng cồn và mắc cạn chờ nạp mạng .

Còn mấy hàng đáy nằm so le răng lượt phải né qua né lại, trên các chòi giữ đáy có du kích có võ trang .... khi chúng tôi qua họ rọi đèn pin, chúng tôi rọi lại ... không biết có đúng mật khẩu của họ không mà không thấy họ bắn vói ...hay đêm đó không nhằm phiên của anh có súng! Sao mà thấy tốc tộ chậm quá!!! Lại may mắn

Cứ giữ cho đèn hải đăng Vũng Tàu luôn nằm tay trái .... vượt hết những hàng đáy rạo chúng tôi qua khỏi 20% nguy hiểm còn lại và ra biển

Lấy hướng Đông Đông -Nam ... Bây giờ đồ nghề: Hải bàn, bản đồ, đèn soi sáng được đem ra

NhàQuê July 07, 2013

NhàQuê
10-07-2013, 05:04 AM
Hồi Khúc "CHƯA LẦN THỦY THỦ"


Hồi Khúc 6: Bây Giờ Mới Khóc


Bây giờ mới có thể thở ra, nhìn lại phía sau, chếch bên trái ngọn hải đăng Vũng Tàu quét càng lúc càng yếu ... Ngoài ra, không trông thấy gì ngoài vệt đen đất liền từ từ chìm xuống ... chúng tôi đã trên biển mênh mông mà ánh sáng sao trời đủ để nhìn một khoảng xa, tiếng ghe khỏa nước bơi tới, tiếng máy đều đặn ...

Tôi nhẩm hát lõm bõm bài Đêm Chôn Dầu Vượt Biển đôi lần nghe lén các chương trình phát thanh từ xa xôi vọng về:

Gởi lại đây trăm nhớ ngàn thương ...Hò ơi hò ơi tạm biệt Nước Non .... Đêm nay đêm tối trời anh bỏ Quê Hương ....Ra đi trên chiếc thuyền hy vọng vượt trùng dương ..... Xa xa núi mờ xa dần ôi rặng ở núi Quê Hương ... Đêm nay trên bản đồ có một thuyền ra đi ... Nhìn lại bến bờ nước non mình môi mặn khóc nghẹn ngào .... Tạm biệt Nước Non

Không nhìn thấy gì bờ bến hay núi non; Nhưng nước mắt tôi chảy dài xuống vào phút giây ấy, tôi cứ để như thế ... thút thít ...

Ngày nay có lẽ do kết hợp, chồng lên nhau của những xúc cảm mãnh liệt như vậy đã cho tôi viết được văn thơ chăng, thứ mà thời đi học tôi thường dưới điểm trung bình, phải nhờ các môn khác bù cho .



NCHZl_jp0pE

Đêm dài nhất trong đời cứ thế, cứ thế, cứ đi thầm như thế ... đến một lúc mây đâm ngang, dấu hiệu ngày bắt đầu .... Lúc có thể nhìn được bằng ống dòm thì đàng sau trong nhấp nhô của sóng, xuất hiện mờ mờ 2 chấm đen.

Hai chấm đen đậm dần, có thể đây là hai ghe đánh cá, cũng có thể là tàu tuần ... Họ đang rượt theo chăng ?! Đến một lúc thấy rõ là họ nhả khói đen, chúng tôi lúc đó bắt đầu thêm máy phụ và cũng tăng ga ... Cuối cùng một lúc sau họ không theo nữa .
Trong chừng mực nào đó, tôi lý giải bằng 2 lẻ: Hoặc họ không đuổi theo vì thường họ cũng e ngại ghe vượt biên đôi khi có vũ khí, có thể có cả vũ khí nặng. Cuộc rượt đuổi chưa thấy lợi gì cho lắm ...cũng có thể vì nhân đạo mà họ chỉ làm cầm chừng, lấy lệ, bàn ra vì sự hiện diện của anh du kích biển chăng !?

Hoặc đó là hai ghe đánh cá đang gặp luồng cá lớn mà họ cùng hợp lực thả lưới ra bao vây ... Những lúc như vậy, máy tăng tốc cũng làm nhả ra khói đen.
Dù gì thì cũng cám ơn họ "tha" hay để yên cho chúng tôi!

Chưa yên, phía trước mũi là 2 chấm xanh lớn hơn 2 ghe lúc nãy nhiều, Rõ là hai chiếc tàu là đà trên mặt nước ... qua ống dòm, xác định đó là hai tàu sắt chở gì nặng đang neo đậu và không thấy có cờ ...nhất là cờ đỏ , chúng tôi rẽ hướng tránh ... Có lẽ họ đang chờ tàu nhỏ trong ra hướng dẫn vào sông, cảng nào đó ... Chính vì chở nhiều hàng hóa như thế, họ không hơi đâu làm chuyện bá láp là truy đuổi theo chúng tôi ... Lại may mắn và tôi đoán thêm là thời tiết tốt họ mới neo giữa biển khơi như thế! Có lý lắm!

Yên tâm và 2 tàu màu xanh ấy từ từ mất hẳn .

Xế trưa lại, có lẽ là ngoài khơi ngang chừng Sóc Trăng hay Bạc Liêu trong bờ, chúng tôi còn gặp 2 ghe hình như đang ngủ để chờ cuốn lưới (thu hoạch) ...chỉ vậy và núi Côn Sơn mờ xanh phía hướng đi và cao dần.

Bây giờ một quyết định mới dựa vào kinh nghiệm thất bại của người đi trước nên chúng tôi sẽ bọc ngoài Côn Sơn chứ không đi giữa quần đảo ấy và đất liền vì khoảng biển nầy có nhiều tàu tuần và ghe lưới cá mà thời điểm đó gần như là quốc doạnh, ... Có dù phải đi qua vùng biển nhiều bão tố và xa hơn cả ngày đường!

NhàQuê July 09, 2013

NhàQuê
14-07-2013, 10:19 PM
Hồi Khúc "CHƯA LẦN THỦY THỦ"


Hồi Khúc 6: Giã Từ Đất Mẹ Mà Đi

Hơn xế chiều một chút, Côn Sơn rõ dần đến có thể thấy được tổng thể rừng núi, kiến trúc, bến bãi dĩ nhiên bằng điều chỉnh ống dòm, với mắt thường chỉ là một khối chỗ đậm chỗ dợt ...

Chiều xuống hẳn, Côn Đảo chuyển sang màu tím lúc bấy giờ nằm về hướng Tây của chúng tôi, dù chạy tránh xa ra, nhưng tôi cũng thấy được những sợi khói lớn nhỏ đang cất lên hòa quyện vào mây. Tôi liên tưởng đến mái lá ngày nào xa xưa khi tôi còn bé, Má tôi đang làm bữa cơm chiều .... Đó là ngọn khói cuối cùng của Quê Hương tôi gói vào hành trang xa xứ.

Rồi tất cả chìm vào bóng tối, bóng đêm đã giúp che giấu chúng tôi chỉ có ngọn hải đăng trên hòn đảo nào đó có lẽ ở cuối cùng của Côn Lôn quét đều đặn những tia sáng nhiều màu vừa như soi đường vừa như vẫy chào đưa tiễn ...Khi không còn nhìn thấy những vệt sáng trên quần đảo xưa kia vốn là nơi lưu đày của những tù nhân trọng án, thì:

Chúng tôi thực sự đã "Giã Từ Đất Mẹ Mà Đi" !

Chừng 2 giờ sau, tôi nghe tiếng máy tàu càng rõ dần, chúng tôi tắt hết mọi ánh sáng của ghe mình ... Tiếng máy tàu đều đặn lướt qua, dù khoảng cách xa vừa phải, nhưng tôi cũng nhìn thấy đèn đuốc trên ấy cũng đoán được đó là một "thương thuyền" từ vịnh Thái Lan trên đường hải hành về hướng Đông hay Đông Bắc để đến nơi nào đó như Phi Luật Tân, Đài Loan, Đại Hàn hay Nhật Bản chẳng hạn chứ không có vẻ gì đến Mã Lai hay Tân Gia Ba ở phía Nam...

Hơn giữa đêm một chút, tôi lấy làm lạ là tại sao vừa chỉnh đúng hướng muốn đi thì chỉ vài phút sau đã lệch, mà lệch rất nhiều ... Chẳng lẽ nào ở vùng biển nầy có một từ trường làm ảnh hưởng đến nam chân của hải bàn ... Hay là chung quanh hải bàn có vật gì đó bằng kim loại nhất là sắt thép nên bị ảnh hưởng ... Cuối cùng khám phá ra là Chân Vịt của cái máy đuôi tôm F10 dự phòng bị chấm sâu vào nước mỗi lần con thuyền lượn sóng, và mỗi lần như vậy nó trở thành một bánh lái thứ 2 làm thay đổi hướng của lái chánh ... Thì ra là thế! Xong ngay, gác nó lên cao.

Tôi được cho ngủ lấy sức, chính trong giấc ngủ ngắn chập chờn nầy tôi nghe nhiều tiếng lao xao than khóc, không câu nào rõ ràng để nhớ nhưng là tiếng người .... Phải chăng nơi đây đã bao người chìm xuống, vĩnh viễn nằm lại biển khơi, những hồn oan uổng tử.
Tôi không cảm thấy sợ sệt gì khi tỉnh giấc liền sau đó ...nhưng tôi miên man suy nghĩ có phải chăng họ là người đang ở cõi âm biết tôi sẽ thoát được trong chuyến đi nầy nên có lời nhắn gởi đó chăng !? Hay họ chính là những người bạn có tin mất tích của tôi!?

Bờ Kia Không Đến

Thương người đi biển chẳng về
Hướng tìm nơi nước giáp kề với non
Biết bao hải lý sẽ còn
Chực chờ tai ách dập vờn liễu hoa

Ban mai rồi lại chiều tà
Qua vùng ma quái ngọc ngà đau ơi
Xứ chi khổ nhất trần đời
Ngậm câm giấu tiếng giấu lời đã lâu

Thoát thân làm lại từ đầu
Xưa nay ly xứ nguôi sầu mong chi
Rã rời quặn thắt ra đi
Ngày mai vô định chắc gì gặp nhau

Tự Do hai chữ nát nhầu
Lê thân xứ lạ nỗi đau còn dài
Cảm thương một phút rủi may
Hương lòng ta gởi chút nầy tưởng nhau

NhàQuê



Đoạn Một

Đèn Vũng Tàu quơ quơ vẫy tiễn
Nhạt nhòa xa mảnh đất quê hương
Biển bàng hoàng đẩy thuyền tuôn chạy
Người đớn đau lìa chốn mến thương
Sừng sững đứng Côn Lôn đón chận
Hải Đăng quét cú vọ hơn thường
Đã muôn khổ xá gì thân cõi
Dẫu sóng xô lên kiếp đoạn trường

Biển chẳng hiểu lên cơn giận dữ
Người gan lì gối sóng hiên ngang
Thiếu gì chuyện Đất Trời lầm lẫn
Hàng vạn điều sông núi ngỡ ngàng
Hạt cát nhỏ còn đau tủi phận
Chiếc thuyền manh nói hộ nhân gian
Cùng chung một giống dòng nguồn gốc
Trồng cấy chi cây đắng bạt ngàn

Người vượt biển chưa lần thủy thủ
Chiếc phao cầu gói kiếp nhân sinh
Thả căn phần lượn triền muôn khổ
Ném xác phàm chìm giữa hãi kinh
Chút quá khứ bằm từng mảnh vụn
Nhúm tương lai nát biến hài hình
Biển im lặng lắng nghe lời tỏ
Tấp cập bến bờ thấu hiển linh


NhàQuê 2006


Giã Từ Đất Mẹ Mà Đi như thế đó thế gian ơi!


NhàQuê July 12, 2013

NhàQuê
24-07-2013, 10:18 PM
Hồi Khúc "CHƯA LẦN THỦY THỦ"


Hồi Khúc 7: Tưởng Là Bất Trắc

Rồi trời rựng sáng, biển có từng lượn sóng thưa, gió hiu hiu mát, nước biển màu chàm sậm cho biết rằng chúng tôi xa đất liền nhiều lắm, phải chỉnh hướng đôi chút để bù trừ khoảng cách quá xa khi tránh bên ngoài đảo Côn Sơn .

Dưới lòng ghe bây giờ mấy phụ nữ đem gà ra làm luộc nấu cháo cúng kiến gì đó và nấu cơm ...Nhờ vậy tôi cũng được phần ăn nóng sốt trên biển trời nước bao la nầy, có cả cà phê sữa ... Tiếng máy vẫn nổ đều đặn đẩy thuyền đi tới ...
Gần chiều, chúng tôi gặp nhiều phao lớn vàng đỏ , có lẽ đây là những đánh dấu của các ghe lưới .... Cứ đi chừng một giờ lại gặp nhóm phao khác ....
Trời bắt đầu vào đêm thứ ba nếu tính từ lúc xuống thuyền ... là đêm thứ hai rời xa đất Mẹ.

Riêng đêm nay tôi rất lo sợ vì tầm quan sát rất ngắn, không thấy rõ do đó ghe dễ va vào các phao mà không biết chúng làm bằng vật liệu gì và các dây nhợ ràng rịt của nó cũng có thể làm hỏng chân vịt khi cuộn phải chúng ... Biển thì bao la vậy nhưng bất trắc loại nầy không thể lường trước được.

Từ gần nửa đêm, chòm ánh sáng nằm ngay trên hướng đi, tỏa lên cả vùng trời ... Đọc lại bản đồ và ước lượng vận tốc thì quả là chưa có thành phố nào gần đến như vậy ... nhưng chúng tôi vẫn giữ hướng, tiến về thành phố đó .

Gần sáng trời bắt đầu mưa , dần nặng hạt và màn nước che khuất không còn thấy dấu tích thành phố đã nhìn được ánh sáng của nó từ nửa đêm qua ... Rồi đến khi nhìn thấy được thì đã quá gần, phải chấp nhận thực tế đó là đoàn tàu đánh cá Thái Lan có đến khoảng 30 chiếc, to như phà A-100 ở Mỹ Tho- Rạch Miễu . Thôi thì từ "chết tới bị thương nặng", chúng tôi đàn ông còn muốn hoảng huống hồ gì phụ nữ trong tình thế nầy ...Nhưng may mắn làm sao, chúng tách đàn, từng chiếc giạt xa nhau và không lâu sau mất dạng .... May mắn không ngờ!
Sau nầy tôi nghiệm lại là họ sợ va chạm vào giữa họ với nhau nên tách ra xa vì họ biết gió mạnh sóng to đang ập đến

Mưa lớn thêm và có gió mạnh, bão chăng ? ...có thể đây chỉ là trận mưa có gió mạnh chứ chưa là bão, nhưng độ lớn và mạnh của sóng phủ đầu bủa trực diện vào hướng mũi của ghe làm chúng tôi khốn đốn ...
Ghe chúng tôi chỉ là loại đi sông, không đủ sức đối phó thực tế như hiện tại. Quyết định nhanh chóng: Xuôi theo chiều gió, tức quay mũi 180 độ trở lại và chạy máy nhỏ cho ghe lượn theo sóng biển .... Nhưng giai đoạn nguy hiễm nhất là trong quá trình đổi hướng như vậy sẽ gặp lúc sóng ngang hông ghe, rất dễ bị nhận chìm ... Lựa thế, chờ cơ hội và vào lúc có lợi nhất trở hướng thật nhanh ....

May mắn lại đến với chúng tôi lần nữa chúng tôi thoát qua nguy hiểm, sau đó theo chiều xuôi sóng chờ cơn mưa gió đi qua ...Và may mắn nữa là đã đi qua trong chừng 20 phút sau .

Chúng tôi quay lại hướng cũ tiếp tục hành trình, dến hơn xế trưa một chút, thỉnh thoảng gặp từng vài chiếc ghe đánh cá nhỏ hơn trên đường ra khơi, họ không có vẻ gì chú ý đến chúng tôi ... đường ai nấy đi và tôi đoán bờ biển Thái Lan chỉ vài ba giờ đường ... Chúng tôi không có ý định vào nước nầy, dự trù đến Mã Lai .

Xa ngoài cánh trái của chúng tôi có 2 chấm đen lớn dần, khi rõ hơn đó là 2 tàu buôn, chiếc đi trước có vẻ chở nặng, chiếc sau nổi cao trên mặt biển: Chiếc thứ nhất đi luôn, chiếc thứ 2 hướng mũi về ghe chúng tôi, khi đến gần chúng tôi đọc được cả tên của chiếc tàu nầy là Sông Kiên-3 treo cờ đỏ VN, họ dùng loa kêu chúng tôi dừng lại và hình như họ gọi chiếc kia là Sông Kiên-1 chở mặt bên trên toàn vỏ xe hơi quay trở lại, họ hỏi chúng tôi đi từ đâu và đi đâu .... Sau một hồi hình như chiếc số 1 cho ý kiến quyết định là "Chim muốn bay, thì để cho nó bay!" bằng loa của máy truyền tin giữa họ mà chúng tôi nghe lồng lộng. Vậy là họ cho chúng tôi đi và còn dặn dò chúng tôi đừng đi hướng Thái Lan mà họ trỏ tay ... Chúng tôi lại gặp may lần nữa qua sự việc gặp 2 chiếc tàu buôn có lẽ họ từ Singapore trên đường về Kiên Giang. Cũng cám ơn sự rộng rãi của họ cho dù chúng tôi đang trên hải phận quốc tế hay ít ra là hải phận Thái Lan.

Chúng tôi lại tiếp tục đi đêm, lần nầy thì chưa thấy thành phố nào hiện lên nữa. Rồi suốt ngày hôm sau, trời trong vắt, biển thật êm và màu xanh dương chứ không còn màu chàm đậm. Tôi nhớ lõm bõm đến câu Pháp Văn ngày xưa "Sau Cơn Mưa, Trời Lại Sáng - Après la pluie, Il fait beautemps" (Cứ càng viết càng trật!)

Từng đàn cá nhỏ như đang đồng diễn theo sự chỉ huy của cá lãnh đạo nào trong số đó ... tưởng tượng đó là một xã hội yên vui chẳng gợn chút mải mai lo âu nào.

Tình cờ định vốc nước biền, tôi bắt gặp nhiều cá con được cá mẹ cõng trên lưng như đứa bé nũng nịu với mẹ của chúng ... rồi nhìn con tôi ở tuổi "gà chưa lìa đàn" mà buộc phải phân ly. Cuộc ra đi nầy không biết bao giờ xum họp, đoàn viên ... Tôi để yên, không khuấy động giây phút mà tình mẹ con của Người, Chim Muông, Cầm Thú có những tương đồng .
Rồi một dêm nữa trôi qua với lòng buồn miên man nhiều thứ chồng tréo lên nhau.

Trời hừng sáng cũng là lúc đỉnh núi hiện dần và càng lúc càng cao trên hướng đi, những mảng rác đủ loại trôi thành dãy dài ... tin nầy được thông báo; Đó là lúc tất cả 22 người trên chiếc ghe trọng tải 6 tấn rạng rỡ vui mừng, và những gì có thể tạo nghi ngờ là người giả dạng tị nạn dược nhận chìm xuống biển, trong đó có một nón cối bộ đội của một em đang nghĩa vụ cùng trốn thoát được, chiếc nón màu xanh có huy hiệu quốc huy chìm thật chậm vì nó vốn nhẹ, còn nhìn được phía sau một khoảng xa.

Khi an tâm không còn nhìn thấy chiếc nón cối nữa, ghe chong mũi hướng đất liền, bây giờ những cây trên núi có thể phân biệt được, bờ biển giăng dài về hai phía, được hiểu đây không phải là hòn đảo có dân cư lưng chừng ngoài biển khơi ... Chiếc sào liên tục thăm dò độ sâu tránh va phải đá ngầm nơi cạn.

Dãy đất bờ biển ban đầu chỉ là vệt dài ngăn giữa màu nước và cây trên bờ, giờ đây bãi cát phẳng lì với màu chói sáng, trên bờ ngôi nhà xám đen ẩn dưới tàn cây ... Dùng sào dò độ sâu để biết chắc chắn không ngập đầu, tôi cùng vài "chàng thợ máy, lái ghe" nhảy xuống, tiến lần lên bãi biển, ý định chạy vô ngôi nhà để hỏi thăm nơi nầy là đâu ... Người trong nhà hình như cũng trông thấy ghe lạ của chúng tôi, họ túa ra bãi có đến 5, 6 người "xí xô xí xào" ngôn ngữ của họ .... Tôi hỏi ngắn gọn nhưng rõ ràng và chỉ tay xuống đất: THAILAND ....MALAYSIA ?

Họ trả lời: Thailand!

Chúng tôi vừa chạy lui, vừa đưa tay vẫy chào họ, bơi nhanh ra ghe và phóng lên gấp rút ... Lui!

Đó là cuộc đổ bộ sai mục tiêu, sau 5 ngày đêm "giã từ Đất Mẹ mà đi!"

NhàQuê, July24, 2013

NhàQuê
06-08-2013, 01:49 AM
Hồi Khúc "CHƯA LẦN THỦY THỦ"


Hồi Khúc 8: Đêm Đầu Tiên Trên Nước Bạn

Tiếp tục đi nữa chưa đầy 5 phút, trong lúc tôi đang quan sát cái thành phố mà ban trưa chúng tôi đã nhìn thấy nhưng chưa muốn vào, thì lù lù phía sau xuất hiện một tàu sơn màu xám quân sự, theo tôi nghĩ đó là loại duyên tốc đỉnh chạy rất nhanh của biên phòng Thái ... Đúng là "Tình Báo Nhân Dân" ! Có lẽ những người chúng tôi vừa hỏi 10 phút trước đã bằng cách nào đó nhanh nhất cho Duyên Phòng Thái hay tin .

Từ sau họ dùng loa phóng thanh gọi bằng tiếng Việt: Dừng Lại! .... Khi cập hông nhau họ hỏi tiếp: Đi Đâu ...và tôi cũng thấy có anh chàng đang lật sách tra tiếng Việt (chắc là loại sách các câu hỏi thông thường bằng cả tiếng Việt và tiếng Thái chăng!) để hỏi câu kế tiếp: Có súng đạn gì không? .... Bao nhiêu người? ... Có VC không ? .... Sau một lúc chừng 10 phút họ kiểm bằng cách nhìn từ trên tàu họ xuống ..... Quả tình lúc đó tôi sợ họ kéo về Thái Lan, nơi chúng tôi không ai muốn ghé ...Đây là vùng chủ quyền cực Nam của họ ... không xa lắm có trại Songkla.

Lại may mắn họ hỏi: Có cần gì không ?... Trên ghe có mấy bà biểu xin nước uống, trong lúc tôi chỉ muốn thoát đi cho lẹ ... Nhưng họ hiểu và chuyền xuống cho chúng tôi một can loại 20 lít nước uống ... và can nước nầy sau đó chưa bao giờ dùng đến vì dòng sông ranh giới thiên nhiên của 2 quốc gia Thailand và Malaysia chỉ mất 10 phút chúng tôi đã vượt qua sau khi tàu Thái quay về ... Bây giờ thì chúng tôi trên vùng ven biển của nước thứ 3.

Khi đã chắc chắn rằng chúng tôi đang trên vùng đất Mã, ý định chúng tôi cố gắng qua khỏi thành phố trong tầm mắt, xong tìm chỗ neo đậu, nghỉ ngơi, thanh toán "mớ rượu" đem theo với những thứ "mồi" khô như lạp xưởng, tôm khô, ..., vừa thanh toán cái thứ lăng nhăng nó quấy ta, vừa tưởng thưởng công lao vất vả , ...

Nhưng đâu dễ dàng vậy được, qua ống dòm, trại lính trên bờ đông người có đến 50-70 kể cả dân gần đó túa ra biển quan sát và ra dấu kêu vô, ... Chúng tôi cố tình không nghe chạy ra xa hơn, lúc sau họ giương súng hướng chúng tôi, "Hỏng chơi thứ nầy lâu rồi, đạn đồng nhột lắm"; Thôi đành miễn cưỡng tấp vô.

Khi ghe đã ủi bãi, "Họ" ra lịnh xuống hết, "hành trang, gia tài" mạnh ai nấy giữ lần lượt lên bờ, và được dẫn tới sân trại; Bấy giờ họ mới kiểm lại đồ đạc và liệng rác các món ăn nhất là có thịt heo, sữa, bánh tét, bánh phồng thiệt là tiếc!, chỉ còn quần áo giấy tờ cá nhân mà thôi, ..... Ngồi thành vòng tròn nhỏ cho "Họ" phun thuốc vệ sinh, ....

Thiết lập danh sách xong, họ cấp bữa ăn đầu tiên gồm bánh lạt và nước trái cây hộp giấy ... Chia ra làm hai phòng Nam và Nữ riêng cạnh nhau ... Họ đã không khóa phòng như Xứ Ta ...

Tiếp đến họ thu hết giấy tờ cá nhân, hình ảnh mang theo, .... Vì thế sáng hôm sau, khi gặp tôi họ chào đúng điệu dân lính với nhau.

Nhưng điều may mắn lại đến với chúng tôi lần nữa là từ gần nửa đêm, mưa to, gió lớn, nước mưc tạt mạnh vào trong phòng ,... Nếu không vì họng súng đe dọa làm chúng tôi "đầu hàng" tấp vô bờ thì có lẽ giờ nầy ghe chúng tôi đã bị bão nhận chìm rồi

Trước khi đi ngủ, họ giao cho tôi quyển sách bằng 3 thứ tiếng: Mã, Anh, Việt nói về nhiệm vụ tiếp nhận người Tị Nạn của đồn, về kỷ luật Trại, về những việc cần phải báo, về việc chuyển tiếp. Tôi đọc trước "quyển cẩm nang ấy" và phổ biến trong nhóm chúng tôi.... Thì ra ngoài nhiệm vụ là tiền đồn biên phòng ở biên giới Thái-Mã, họ còn đã nhiều lần tiếp nhận tạm người vượt biển đến đây!

Khuya bão dứt, lạnh không ngủ được, hồn như lạc đâu đâu, hổn độn nhiều thứ vụt đến vụt lui ...., Hai đứa con cứ hỏi "Làm sao cho mẹ hay tin mình đã đến?".

NhàQuê Aug 05, 2013

NhàQuê
23-02-2014, 01:57 AM
Hồi Khúc "CHƯA LẦN THỦY THỦ"


Hồi Khúc 10: Hướng Phía Trời Sao

Lòng ngổn ngang đủ thứ chuyện, nhưng có điều gì đó chắc chắn là chúng tôi đã an toàn ... Và theo tài liệu vừa đọc qua thì chúng tôi coi như là những người nhập cảnh bất hợp pháp ... gọi là gì cũng được : Chúng tôi đã bước qua mức thành công ....

Sau nầy chúng tôi mới biết, từ lúc chúng tôi đặt chân lên đất liền thì đoàn người chúng tôi đã được đặt tên thành Danh Số MB620 .... Danh Số nầy giữ mãi đến khi đi định cư, mà chúng tôi quen gọi là số tàu (toàn là ghe thuyền chứ đâu có tàu bè gì đâu!!)... Theo tôi đoán M là Malaysia, B là Boatpeople và 620 là số thứ tự được báo cáo về Cao Ủy Tị Nạn tính theo thứ tự thời gian cập bến, đổ bộ hay giàn khoan dầu cứu vớt, ... nên có khi người thật đến nơi tập trung sau mà có số thứ tự trước.

Sáng hôm sau vẫn điểm tâm bằng bánh lạt, nhưng đến trưa thì chúng tôi có một bữa ăn nhớ đời! Họ đặt phần ăn đâu ngoài thành phố KeLantan gần đó mà chúng tôi trông thấy chiều hôm qua, xuất cơm nóng với thức ăn là cari cá, ngoài ra nay không còn nhớ có gì đi kèm nữa không, vì mấy hôm mới được món cơm nóng và món cá cari lạ miệng lại ngon tuyệt vời! Sau nầy gặp những nhà hàng Mã Lai ở Mỹ, tôi kể chuyện đó cho họ nghe, họ nói tụi tao nấu được, hôm nào mầy muốn thì điện thoại trước ... Nhóm người chúng tôi khi đã yên bề rồi, an cư lạc nghiệp rồi, mỗi khi có dịp gọi nhau hay gặp gỡ đều nhắc món cari ngon nhớ đời ấy.

Tối hôm đó, có hai xe bus lớn của Hội Hồng Nguyệt (Red Crescent) đến đón về trại chuyển tiếp về ngoại ô thành phố Trenganu, giấy tờ của chúng tôi được trả lại vào buổi chiều ... Hội Hồng Nguyệt như là Hội Hồng Thập Tự ở các quốc gia khác .... Chúng tôi chỉ có 22 người lớn nhỏ thì một chiếc bus cũng dư thừa, chúng tôi đã từng đi xe đò chật như nêm có khi ngồi trên mui hay đeo tòn teng .... đàng nầy có tới 2 xe tiện nghi, sạch sẽ, êm ái ... không phải sự ưu ái đặc biệt nào mà do có một chiếc trở về từ Thái Lan, xe nầy có Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc cùng vài nạn nhân qua đó trả lời điều tra, nhận diện vụ cướp biển thời gian trước. Ranh giới thiên nhiên giữa Thái-Mã là một dòng sông mà chúng tôi vượt qua vàm khoảng 24 giờ trước đây, thành phố Kelantan là thành phố cực Bắc của Malaysia và trại biên phòng chúng tôi ngủ đêm qua là ải địa đầu của Mã ... Trại đơn sơ không có vẻ gì phòng thủ hay rào kẽm gai như VN thời chiến tranh.

Xe rời trại biên phòng thì trời đã tối, không biết là sự cố ý hay tình cờ, đây có lẽ là con đường Bắc - Nam của Malaysia chăng ? Xa lộ còn mới các bảng chỉ đường, bảng báo hiệu đường cong sáng lấp lánh như sơn có chất lân, nên dù ban đêm tài xế vẫn chạy được với tốc độ cao ... Tôi cố gắng quan sát cảnh vật hai bên nhưng chẳng thấy gì .... chỉ đoán là đường đèo núi nên mới quanh co như vậy.

Cái khám phá mới là lần đầu tiên tôi đi trên chuyến xe giao thông chiều tay trái ... Xe ngược chiều vun vút bên tay phải của mình ... Sau nầy có dịp sang Anh, đứa con trai cùng chuyến đào thoát nầy đã lái đưa đi đó đây ... Tại các giao điểm đổi đường nếu tôi cầm lái thì đã "Wrong Way" không biết bao nhiêu lần.

Khi chúng tôi đến trại chuyển tiếp Trenganu có đến nửa đêm, nơi đây đủ trường hợp: Mới tới như chúng tôi có, từ đảo bị bịnh nặng chuyển vào điều trị có, từ đảo vào chờ chuyển trại để gặp giới chức di trú nước cho định cư, ... Liền khi mới tới, chúng tôi được cung cấp gạo, mì gói và cá hộp và cho mượn nồi niêu để lo cho bữa ăn tối hôm đó ... Có những an tâm trong lòng vì đã đặt chân đến được nước mình hướng đến, nên ai nấy cũng ngon miệng dù có mệt sau mấy giờ di chuyển. Trong thời gian ở đây tự chế biến thức ăn

Bắt đầu ngày thứ nhì ở đây là ngày vất vả của riêng tôi. Viên sĩ quan ngành an ninh cảnh sát gì đó của Mã Lai mời lên văn phòng của họ với tư cách là Leader để giải thích về hải trình mà tôi đã ghi chú điểm đứng từng giai đoạn của chuyến đi, hỏi về thành phần trong chuyến đi xem có "trà trộn" không, về hải tặc khi qua vùng biển Thái Lan, .... và nhiều thứ khác mà nay tôi không còn nhớ hết ... Cái buồn cười là vốn chữ nghĩa Anh Văn của tôi đâu có bao nhiêu, buồn cười hơn là chỉ dùng một thì Hiện Tại để kể chuyện đã qua! ... Cuối cùng bí quá đành xin cầu viện thêm hai đứa bạn: một là cử nhân văn khoa (Sử), sĩ quan Phòng Quân Sử/Bộ Tổng Tham Mưu ... Một nữa là sĩ quan Thủ Đức chuyển ngành cảnh sát, chỉ huy trưởng cảnh sát một quận bên tỉnh Vĩnh Bình .... để cùng góp nhau mới đủ chữ ... "Cái nầy nói tiếng Anh sao tụi bây?" Thôi kể như huề vậy!!

Họ có hỏi sơ khởi muốn đi định cư nước nào, Tư Lịnh tôi có căn dặn rõ ràng trước lúc chia tay: Chỉ Đi Mỹ Thôi Không Nha, Nhất Định Không Đi Nước Nào Khác!

NhàQuê Feb 22, 2014

NhàQuê
10-03-2014, 10:12 PM
Hồi Khúc "CHƯA LẦN THỦY THỦ"


Hồi Khúc 11: Đủ Mọi Giai Tầng

Rồi cũng tới ngày chuyển ra đảo, mỗi tuần có 2 chuyến ra vô đảo Pulau Bidong thành ra chúng tôi ở trại Terengganu nầy đâu khoảng 4 ngày, tối hôm trước được thông báo chuyển trại và sáng hôm sau có xe Hội Hồng Nguyệt đưa ra bến tàu .

(Hôm nay 9-3-2014, khi tôi viết tiếp Hồi Khúc nầy thì có tin 2 hôm trước một chuyến bay từ Kuala Lumpur đi Bắc Kinh của hãng hàng không Malaysia đã mất tích có lẽ đã ngộ nạn trên vùng biển mà tuần trước khi cặp được đất liền tôi đã đi qua, 227 hành khách và 12 phi hành đoàn trên chuyến bay bằng Boing 777 đó! Cúi đầu nguyện cầu cho những nạn nhân) .

Chuyến tàu ra đảo thuộc loại nhỏ, sức chuyên chở chừng 25 tấn là cùng, người tị nạn trên đảo gọi tên là chiếc "BÔ ĐÁT" , tôi không biết chữ nầy viết ra làm sao! Nên chỉ âm lại như vậy! Hình như chiếc tàu nầy làm luôn việc tiếp tế cho đảo!?

Cả nhóm chúng tôi và vài nhóm khác cùng được chuyển trong chuyến tàu nầy .... Đặc biệt tới sau chúng tôi một ngày có nhóm độ 5 hay 6 người toàn trẻ xuất phát từ Cà Mau, họ có lúc tuyệt vọng đã tắm rửa sạch sẽ sẳn sàng đón nhận cái chết và may mắn được tàu vớt ...

Tôi ngồi cạnh một phụ nữ theo ước đoán lớn hơn tôi độ vài tuổi, có gương mặt hơi lỗ chỗ nhưng lạnh lùng và sau đó tôi được biết là cố vấn Trần Kim Dung, trước đây là hiệu trưởng trường trung học nào đó miền Đông, VN hay miền Trung ... Bà có vẻ khó tính qua việc bà sửa lưng tôi " Tôi là Cố Vấn Trần Kim Dung" khi tôi gọi bà bằng chị .... Thực tình lúc đó tôi có biết quái gì thế nào là Cố Vấn đâu!?, bà xa cách và hình như không thiện cảm với những người như chúng tôi dù sau nầy tôi biết bà phụ trách về xã hội trên đảo .... Khi đến Mỹ rồi, tôi biết thêm bà là con gái Bác Sĩ Trần Minh Tùng, Ủy Viên Y Tế (Tổng Trưởng) trong Nội Các Chiến Tranh của Tướng Nguyễn Cao Kỳ ... Trước khi tôi rời đảo chừng mươi ngày thì trong những thông cáo phát thanh hàng ngày biết bà Trần Kim Dung nầy thăng từ Cố Vấn lên chức Cao Ủy

Theo hiểu biết đơn giản của tôi thì Cố Vấn (Conselor hay Adviser hay tương tự) và Cao Ủy (High Commissioner) là 2 thứ bậc chênh lệch nhau rất nhiều và họ đều là giới chức làm việc lảnh lương của Phủ Cao Ủy Tị Nạn/Liên Hiệp Quốc.

Bài học lưu vong đầu tiên tôi "tiếp thu" có chút bùi ngùi ....

Đảo hiện ra dần sau khoảng thời gian khá lâu "vượt biển" lần nầy bằng tàu ... Phải chi có được con tàu như thế để đi từ VN thì yên tâm biết mấy!!! Sau đỉnh cao như núi là bãi biển với chi chít dừa lão ... Khi tàu vào cận mới thấy rõ nhà cửa cao thấp, nghiêng, thẳng san sát trên đó cả đám đông chen nhau nhìn tàu cặp vào cầu tàu Gét Ty (Jetty ???), tên nầy tôi biết về sau và theo định kỳ ngày có tàu đến, người trên đảo thường ra đây nhìn cho thấy có hơi hám đất liền và mỗi người theo đuổi ý riêng ... Tôi cũng có vài lần như vậy khi đã "yên bề"!

Nhóm mới đến của chúng tôi được đưa qua khâu kiểm soát hành lý, giấy tờ mang theo nếu có, nhiều thứ bị mất trong đợt kiểm soát nầy ... Sự mất mát tôi chỉ phỏng đoán nguyên do chứ không có sự giải thích nào ... Chúng tôi mất 3 liếp thuốc giồng "sanh tử" của dân ghiền thuốc hạng nặng, tôi nghĩ an ninh Mã Lai không làm điều ấy vì đã hai đợt ở Kelantan và ở Terengganu họ có nói gì đâu.. mà chỉ do "Các tay anh chị Việt Nam trong bộ phận kiểm soát hành lý" mới ra tay "nghĩa hiệp" vớt nhẹ đem cất riêng mà thôi .... Và "Thẻ Chứng Minh Nhân Dân" mới tinh được cấp sau thời gian dài cải tạo và quản chế cũng biến mất từ lần đó! Sau nầy tôi có hỏi Ban An Ninh (RB) thì anh trưởng ban bảo là giữ làm tài liệu; Vậy cũng là mấy anh Việt Nam ta tự tiện vẽ vời thôi chứ ai mà chỉ thị cho mấy ông an ninh cũng là dân vượt biển tự tiện giữ giấy tờ của người khác như vậy!

Từ đó đến gần tối, chúng tôi phải làm đủ thứ giấy tờ, trong đó có loại mà người hướng dẫn để điền chi tiết gọi là Blue Case là hồ sơ căn bản dành cho Cao Ủy Tị Nạn/Liên Hiệp Quốc ... Buổi trưa có phần ăn không giới hạn là mì gói nấu sẳn nở tè le đựng trong thùng có đến trên 100 lít, mạnh ai nấy dùng đỡ vài tô tùy nhu cầu của bao tử, vậy mà ngon miệng mới lạ chớ (đói mà em!) ...

Trời nhá nhem tối, chúng tôi ra khỏi hàng rào khu Người Mới Đến và cũng là khu an ninh ráo riết nắm lý lịch chúng tôi ...

Ra khỏi vòng rào ấy, chúng tôi trở thành cư dân mới của Pulau Bidong, khi xưa nơi nầy là một hoang đảo của Malaysia


NhàQuê March 09, 2014

NhàQuê
14-03-2014, 04:18 AM
Hồi Khúc "CHƯA LẦN THỦY THỦ"


Hồi Khúc 12: Thuốc Tiên


Trong thời gian từ trưa đến tối bị cô lập để điền giấy tờ, thì bên ngoài ban thông tin của đảo đã đọc tên NGƯỜI MỚI ĐẾN loan báo cùng cư dân, cùng bàng dân thiên hạ tới trước .... Ra khỏi vòng rào lưới, có người hướng dẫn chúng tôi về nơi được chỉ định, đó là những dãy trại gỗ có gác ... Nhóm MB 620 chúng tôi được đưa về Khu D và chia ra, điền vào chỗ còn trống có lẽ do có người rời đảo nhưng cả nhóm còn ở chung cùng một trại mà ở đây gọi là "Long House" và những người cũ cho mượn nồi niêu nấu mì gói; đó là bữa ăn tối đầu tiên trên đảo ... Mỗi khu A, B, C, D, E, F đều có nhiều trại.

Trong chốc lát đã có em vừa là học trò, vừa bà con bên vợ tới thăm và cho vài bao thuốc White Horse, hình như đây là loại thuốc hút có cán thông dụng trong "giới tị nạn", với tôi đây là lần duy nhất trong thời gian ở Malaysia có được thuốc nguyên gói!

Sáng hôm sau, hai em học sinh Trung Học Ba Tri khác đến thăm và mời đi uống cà phê ... Về sau một em đi Pháp và một em đi Mỹ nhưng rời đảo sau cha con tôi. Với em đi Mỹ còn gặp lại nhiều lần ở Pennsylvania trước khi em qua đời sau một tai nạn giao thông. Em là học sinh lớp 10 C1 (Toán) niên khóa 1975-1976, lớp tôi phụ trách môn Toán và đồng thời là GV chủ nhiệm, lớp ấy sau nầy có em là Chủ Tịch huyện, Phó Giam Đốc Sở GD tỉnh và đặc biệt có em hiện nay mang cấp bậc Trung Tướng ... toàn những "anh tài" .... Còn em đi Pháp chỉ liên lạc bằng điện thoại, khi tôi sang Pháp chơi thì em lại sang Úc và lập gia đình bên đó.

Bắt đầu từ ngày thứ 3 trở đi, ai nấy cũng phục hồi dần nên cơm không đủ dù thức ăn được cấp phát rất ít ỏi ... Tôi phải đi hái rau sam, rau dền, rau muống hoang, xin ngọn khoai mà người trồng đã lấy củ rồi đem về nấu thành canh lếu láo cho nhóm 5 người gồm người bạn chủ tàu, một người bạn khác và 3 cha con tôi và miếng thịt gà nhỏ nhắn trong tuần, cá hộp được làm mặn tối đa chưa từng thấy, trích ra dần nêm vào canh: "Ngày hai bữa vỗ bụng rau bình bịch ... Người Vượt Biển ăn chẳng cầu no!" ... người nào có mang theo vàng bán dần mua thêm gà cá, bầu bí ... Trước khi đi gia đình có hỏi tôi muốn đem theo ít chỉ phòng thân không, tôi từ chối nên khá khốn đốn trong thời gian khoảng gần 3 tháng ở đảo Bidong. .... Thỉnh thoảng có các em cùng long house lén đi kéo cá suốt có hình dáng như cá dùi đụt lớn bằng ngón tay cho, cũng đỡ được cả tuần .

Các con tôi bắt đầu đi học Anh Văn và tôi mỗi sáng chạy bộ từ long house ra bãi biển và tắm mỗi ngày trừ những hôm mưa lớn và sóng gió to ... Tới một ngày tôi khám phá ra rằng cái đám "lang beng" hành hạ tôi những khi bị đổ mồ hôi ngứa ngái khó chịu .... tự nhiên biến mất ...Nước biển quả là "Thuốc Tiên". Bãi tắm nầy nhìn qua đảo Cá Mập không người ở hơi chếch về hướng Nam cách khoảng chừng vài cây số (???). Bidong và Cá Mập là hai đảo nhìn thấy nhau.

Dần dần được nghe kể nhiều chuyện đầy đủ cả hỉ nộ ... nhất là về ông bà chủ quán cà phê Cây Bàn sát mé biển mà mỗi sáng tôi chạy ngang qua trước khi nhào xuống ngâm mình hay lặn hụp với sóng; Chuyện kể rằng: "Khi ông chồng Đại Tá được phái đoàn Mỹ phỏng vấn, ông trả lời rành mạch mọi chi tiết hóc búa mà phái đoàn hỏi và câu hỏi cuối cùng là <Ông Đại Tá có còn nhớ ông chết ngày nào không?>; thì ra ông ta chỉ là tài xế của ông Đại Tá thật đã chết và bà vợ ông chính là bà Đại Tá thiệt góa phụ!!! ...Hai vợ chồng bị XÙ và từ đất liền bị trả trở về đảo" Còn chuyện sau nầy họ có được đi nước nào không thì tôi không rõ, vì chúng tôi "Thúy đã đi rồi".

Trên đảo có vài nơi đặc biệt:

Thứ nhất là ngọn đời Tôn Giáo, có chùa, nhà thờ lúc nào cũng có người vào ra khấn cầu nguyện nườm nượp .... Lưng chừng các bậc thang đi lên có chùa Cao Đài mà người đứng trông coi là em học sinh Trung Học Ba Tri sau nầy đi Pháp vừa kể phần trên, thỉnh thoảng em mời "Thầy" lên chùa ăn cơm chay! thời gian rảnh sau khi học Pháp Văn, em phụ giúp tiệm may dưới "Khu Thương Mại, Trung Tâm Thành Phố" nên cũng có đồng ra đồng vào

Thứ hai là bệnh viện Sick Bay gần cầu Jetty, nơi điều trị cho "cư dân Pulau Bidong"

Thứ ba là khu Nghĩa Địa trên đồi khu F, nơi những người xấu số nằm lại trên vùng đất không phải quê hương

Thứ tư là khu Cao Ủy ngoại bất nhập

Thứ năm là khu có ban an ninh khi mới tới và bên cạnh đó là doanh trại của lực lượng người Mã Lai.

Thứ sáu là bãi biển khu G phải leo lên đỉnh núi sang phía Đông như vậy bãi nầy nhìn thẳng ra Thái Bình Dương bao la. Còn khu trại thuộc phía Tây tức quay mặt vào đất liền

Khoảng một tuần sau, vào một buổi tối, 3 cha con tôi được gọi lên văn phòng Cao Ủy, phỏng vấn và xác định tư cách Tị Nạn. Kết thúc bằng lời Tuyên Thệ ... Mỗi người được cấp một Thẻ Tị Nạn; Một loại ID của người lưu xứ!

http://i1141.photobucket.com/albums/n596/nhaquebatri1/001TBT008.jpg


Sau khi có tư cách Tị Nạn rồi, tùy theo lời khai trong hồ sơ văn phòng Cao Ủy xếp thành Diện để chuyển đến các phái đoàn nước xét cho định cư .

NhàQuê Mar 13, 2014

NhàQuê
16-03-2014, 07:52 AM
Hồi Khúc "CHƯA LẦN THỦY THỦ"


Hồi Khúc 13: Rời Đảo Vô Đất Liền

Thời gian sau đó nằm chờ, ngoài hai bữa cơm đạm bạc đúng nghĩa của từ nầy, lúc rảnh đi dạo khắp cùng mọi nơi mọi chốn các khu vực được cho phép, tụm năm tụm ba nói chuyện tào lao trên trời dưới đất, chuyện định cư, ....

Phái đoàn Mỹ không vào phỏng vấn "Mở Hồ Sơ" được vì vài trận bão liên tiếp, có trận làm ngã đển cây cối ...Long House chúng tôi ở gần cây rất cao đã chết khô nên cũng ớn ớn và cũng gần khu đổ rác mà lúc nào đám chuột to xù cũng thách thức cả đám mèo ít ỏi ... có đêm đám chuột nầy lên được trên gác bò cả qua chân chúng tôi nằm ngủ la liệt trên sàn nhà .... Cao Ủy treo giải thưởng cho những ai nạp được nhiều đuôi chuột ... Tuy vậy mật độ dân số nhà TÝ không giảm sút chút nào ....

Người ở lâu biết cả lịch trình phái đoàn các nước: Pháp, Úc, Canada, Hòa Lan, Mỹ, ... khi nào vào phỏng vấn . Rồi ngày ấy đến, ba cha con tôi được một vị người Singapour tên Michael "Mở Hồ Sơ" và chấp thuận cho gặp giới chức Sở Di Trú Mỹ ... Tàu MB 620 chúng tôi có 5 Blue Cases diện nầy, tổng cộng 11 người ... Một trường hợp phải đi Pháp vì có vợ đã định cư trước ở Pháp rồi, Hai người xin đi Úc vì do có thân nhân bên đó ... Còn lại 8 người chờ trường hợp nhân đạo vì không có Diện đi nước nào cả .

Một ngày hoàng đạo có "Lộc Ăn" khi anh Hiệp (nghe nói chứ không rõ là anh có cấp bậc Thiếu Tá trong Lực Lượng Đặc Biệt) trưởng ban RB (Không biết chữ nầy viết tắt từ ngữ nào) mời tôi, anh bạn chủ tàu và anh bạn chỉ huy trưởng cảnh sát quận TC bên tỉnh Vĩnh Bình đến văn phòng uống nước, bánh kẹo phủ phê và ngỏ lời mời giúp anh làm việc ... chúng tôi đều từ chối vì đã có tên trong danh sách rời đảo, không ai dính vô sự dụ khị nầy . Nghe đồn đáng lẽ anh đã đi Úc, nhưng vì công việc nầy anh bị giữ lại có trả lương, bây giờ muốn đi phải có người thế ... Vượt biển đến đây với bao hiểm nguy thì việc đi nước thứ ba để định cư là hàng đầu, hơi đâu làm chuyện ruồi bu như vậy.

Danh sách rời đảo được thông báo trên loa của ban thông tin vài hôm trước và cũng chuyến tàu "Bô Đát" gần 3 tháng trước đưa chúng tôi trở vô trại trung chuyển Terengganu trong đất liền ... Khi có chuyến rời đảo, bao giờ ban thông tin cũng cho phát thanh hai bản nhạc lâng lâng buồn: Biển Nhớ và Nghìn Trùng Xa Cách ....

Sáng ngày kế tiếp chúng tôi lên xe bus của Hội Hồng Nguyệt, có khoảng 3 xe tất cả sau khi mọi người đã lảnh phần ăn đi đường gồm bánh mì, trứng gà luộc, nước uống ... Đoàn xe xuôi Nam rồi chuyển qua Tây Nam hướng về thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia nằm gần phía Ấn Độ Dương hơn...

Đồi núi dọc theo đường xe đi ngang qua trồng cơ man nào cao su và chà là ... Khoảng trưa đoàn xe ngừng lại, chúng tôi ăn trưa và tài xế tới giờ đều vào giáo đường đọc kinh (Hồi Giáo); Đó là điểm lạ ... Xa lộ dập dìu xe cộ, xe du lịch mới tinh bóng lộn, không có cảnh xe đò hành khách phải đeo, chạy bon bon trên cả 2 chiều, đất nước giàu có có khác. Lần nầy di chuyển ban ngày nên mặc tình quan sát ... có những đoạn hai chiều lưu thông tách ra làm 2 tầng song song, nhìn như trên lầu cao nhìn xuống tầng dưới hay tầng dưới nhìn lên

Đoàn xe dừng trước cổng trại vùng ngoại ô Kuala Lumpur thì trời đã tối, toán an ninh của trại cùng cảnh sát Mã Lai lần nữa kiểm soát hành lý chúng tôi.

Trong lúc chờ họ làm việc xong, nhìn lên hàng chữ to tướng vắt ngang hai trụ cổng cũng to kềnh: The Sungei Besi Holding Center. Thì ra lại vào trung tâm giam giữ!
Tự an ủi là minh thuộc loại nhập cảnh bất hợp pháp vào nước họ thì vì chủ quyền họ phải làm thế thôi ...Sau nầy nghe nói các phái đoàn các nước Tây Phương và Mỹ khi vào phỏng vấn cũng phải xuất trình giấy phép của chánh phủ Malaysia cấp!?

NhàQuê Mar 15, 2014

NhàQuê
23-03-2014, 10:19 PM
Hồi Khúc "CHƯA LẦN THỦY THỦ"


Hồi Khúc 14: Cái TẾT xa quê


Ba cha con tôi được anh trưởng khu 1, vốn là sĩ quan Đà Lạt ra trường non (vì cận 30/4/75 cho tốt nghiệp sớm) hướng dẫn về Long House 1, loại nhà tiền chế trệt sàn bằng gỗ có chân cao trên mặt đất hơn gang tay, nên ngồi hàng hiên thò chân xuống thoải mái .... Mỗi long house quay ra hai mặt và hàng cột cái có vách làm ranh giới hai bên ....
Mỗi bên lại ngăn làm nhiều ô, ba người chúng tôi ở chung ô với một anh có lẽ lớn hơn tôi vài tuổi quê ở Cà Mau, theo anh tự "khoe" là "Thượng sĩ cảnh sát đặc biệt" gì đó, nói là ở chung nhưng anh chiếm cả giang sơn bên trong, dọn hết tài sản trên các kệ tự tạo, giăng mùng chiếm trọn diện tích và làm màn che (có lẽ trước đây có phụ nữ chung cùng mà anh tom góp mì gói gởi qua Phi mỗi lần có người rời trại) ...chắc có lẽ "tục lệ" ở đây là vậy kiểu thấy trống thì "lấn đất" ....Thấy cảnh nầy tôi chán ngán nhân tình thế thái gọi là .... Thế mới biết vì sao vợ anh ở Mỹ rồi đã ôm cầm... và cũng đánh giá trình độ cốt cách giữa "lính và quan" ... ... Mọi thứ là chuyện nhỏ đâu có định ở lâu dài gì đâu mà tranh giành!!! Ba cha con tôi ngủ ngoài hàng hiên suốt thời gian ở Sungei Besi nầy, mà tính ra như vậy mát so với khí hậu Mã Lai nóng bức vô cùng . Anh ta còn bày bán lẻ thuốc hút thành ra ban ngày chúng tôi lại mất thêm một phần "lãnh thổ ... Đúng là nhiều chuyện "vui buồn đời tị nạn"!

Bên trong rào kẽm gai, phần dành cho người tị nạn chia là ba khu chánh: Khu đi Pháp riêng biệt . Khu đi Úc và Canada có lẫn lộn, còn lại bao nhiêu là diện đi Mỹ ... có Văn Phòng Trại do người tị nạn tự điều hành, khu bệnh xá, khu nhà bếp, khu buôn bán linh tinh của người Tàu-Mã thầu và khu nhà ở và văn phòng của giám thị người Mã Lai, ... Tất cả quần thể nầy nghe nói khi xưa là khu nhà ở của công nhân mõ thiếc mà mõ đã khai thác hết rồi, nay được Cao Ủy Tị Nạn/Liên Hiệp Quốc thuê mướn cũng như đảo Pulau Bidong để làm trại cho làn sóng tị nạn Đông Dương ... Ngoài Malaysia thì Thailand, Indonesia, Philippines, cũng tương tự kiểu cách ấy.

Ngoài những dãy nhà tiền chế mới cất thêm thì những dãy cũ thuộc loại mobile home, theo tôi nghĩ rằng ở trong đó còn nóng nực bực bội hơn nhiều ...
Nhà tắm chung cho phái Nam có nước liên tục suốt ngày đêm mà chỉ mát được khi đứng dưới vòi sen, bước ra ngoài thì mồ hôi trở lại ... Chắc các nước gần Xích Đạo đều vậy chăng?

Chừng tuần sau thì người bạn chủ tàu và những người cùng chuyến có diện đi Mỹ lục tục đến và anh bạn chủ tàu được xếp ở chung dãy tôi cách vài ba ô, và hàng ngày chúng tôi lại ăn chung nhau ....
Ở đây mỗi ngày có 3 bữa ăn: Sáng được cấp phát 1 gói mì/1người, trưa , chiều xếp hàng lảnh cơm và thức ăn, mỗi lần lảnh thì thẻ được bấm lỗ ... Việc lảnh bữa ăn trong ngày do 2 con tôi làm thay chung cho 4 người chúng tôi

Chỉ có đứa con nhỏ nhất của tôi ăn sáng bằng mì gói chế nước sôi nhưng gói gia vị phải chừa lại một nửa dùng pha vào nước chấm dùng chung cho hai bữa trưa chiều vì thực ra các món ăn kèm theo cơm gần như chẳng có gì ... Thế mới biết nhà thầu Nhà Bếp toàn người Tàu và ai nói được tiếng Tàu có "lợi" hơn .... Còn lại 3 gói mì của người bạn, con tôi và tôi đổi 3 điếu thuốc con ngựa trắng (White Horse) cùng nhau sáng, trưa, chiều "rước đuốc" đến nỗi điếu thuốc cháy nhọn dài ra ở phần đầu, không có cọng khói nào bị bay lãng phí ... Mì gói ấy chui vào phòng cái ông Thượng Sĩ Cà Mau đó, ông dành dụm gởi qua Phi!!!

Sở dĩ tồi dài dòng chi tiết nhỏ nhặt để thấy hết mọi góc ngách bi hài của "chuyện dài tị nạn"

Không phải lo chuyện nấu nướng, chúng tôi có thì giờ đọc sách báo trong thư viện, có thì giờ chiều ra ngồi nhìn ra bên ngoài rào là xa lộ vun vút "ngựa xe", có thì giờ tụm năm tụm bảy bàn chuyện "nghe được" qua thư từ thân nhân rồi chuyền nhau nhanh chóng .... Hoặc nhìn qua trường đua ngựa dậy tiếng reo hò mà bên ngoài hàng ngàn xe bóng lộn đủ màu đủ loại của dân cá độ

Lúc ấy gần cuối năm Dương Lịch, các phái đoàn Di Trú về xứ nghỉ Giáng Sinh rồi sau đó là Tết Âm Lịch đối với người Hoa và Việt nên không có ai được phỏng vấn định cư trong suốt thời gian dài .... Riêng tôi được 2 lần ra Kuala Lumpur: Một lần đo và một lần thử kiếng lão đọc chữ do khối xã hội của Cao Ủy tặng ... Tuy ra ngoài phố mà tôi cũng chẳng có đi đâu xa, nguyên do là túi trống bộc, đi loanh quanh gần hiệu kiếng nhìn (window shopping) .... Dù sao cũng thấy một khoảng ngắn đoạn đường sạch sẽ, đẹp đẽ hơn nhiều so với những con đường Nguyễn Huệ , Lê Lợi, Tự Do của Sài Gòn xưa.

Tết âm lịch có được khúc cá, miếng thịt gà còn đủ hình dạng và đêm Giao Thừa tiếng pháo vang rền; Không, người ta thi nhau gõ vào các miếng tôn, thiếc, kim loại tạo nên cũng vui tai, .... Làm tôi nhớ những năm 1960, trong vườn gõ mõ tạo khí thế thì ngoài thành cũng gõ mõ đáp lễ; Sau nầy tôi gọi đó là buổi hòa nhạc của Redskin-Band!

Khi được khám sức khỏe lập hồ sơ, mọi người nhắc nhau tắm sạch sẽ vì sợ những bụi thiếc làm cho phim X-Ray có dấu hiệu phổi bị vấn đề .

Sau Tết Âm Lịch vài tuần, phái đoàn Di Trú Mỹ mà ở đây mọi người gọi là Bàn 4, vào phỏng vấn.
Ba cha con tôi được nhận và chuẩn bị lên đường sang Philippines, trong lúc ông chủ nhà Cà Mau vẫn còn trong nhà giam vì tội lén mua thịt heo bán lậu của người Tàu liệng qua hàng rào, thịt heo vốn bị cấm vì đa số người Mã Lai theo Hồi Giáo . Ông ta bị bắt tại trận vì đun nấu trong giang sơn của ông, từ lúc bị giam việc đưa cơm phải nhờ đứa con nhỏ nhất của tôi ... Không biết tôi đi rồi, bao lâu ông mới trở ra được "ngôi biệt thự" độc chiếm của ông!?!?

NhàQuê Mar22, 2014

NhàQuê
20-04-2014, 03:35 AM
Hồi Khúc "CHƯA LẦN THỦY THỦ"


Hồi Khúc 15: Nhiều Điều Mới Biết


Năm 1960 tôi gần 17 tuổi, học xong lớp đệ tứ (Lớp 9 sau nầy) thi và đậu "Bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp". Bằng nầy không bắt buộc để học tiếp lên lớp đệ tam (Lớp 10, bậc đệ nhị cấp) mà chỉ cần 2 kỳ thi 2 bán niên đủ điểm trung bình 10/20 là được; Tuy nhiên muốn thi vào sư phạm cấp tốc, cán sự y tế & điều dưỡng, quốc gia thương mại, và các trường đào tạo cán sự khác, .... thì điều kiện đầu tiên phải có Bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp. Vì thế nó cũng khá quan trọng .... Kỳ thi năm ấy tổ chức tại Kiến Hòa chứ không sang Mỹ Tho như các năm về trước và có nhiều thay đổi: Bỏ thi vấn đáp, bỏ thi luận văn trong môn thi sinh ngữ . Về sinh ngữ thì làm bài dịch từ tiếng Việt sang Pháp Ngữ hoặc Anh Ngữ, hệ số các môn thi cũng có sửa đổi, .... Và đề bài thi thống nhất từ Cà Mau đến Bến Hải phụ trách chọn đề và in ấn, chuyển gởi bởi Nha Khảo Thí/Bộ Quốc Gia Giáo Dục, cũng như giờ thi cùng một lúc trên toàn quốc, ...

Những chuyện ấy coi như bình thường, duy chỉ có bài dịch từ Việt ra Pháp mới tóe lửa, tôi còn nhớ một đoạn mở đầu như sau: "Chúng ta đang ở thời đại phi cơ phản lực, hỏa tiển và nguyên tử .... chỉ cần mở nút vô tuyến truyền hình, ta sẽ biết được những tin quan trọng xảy ra cách xa ta hằng nghìn cây số, .... "

Đọc đề thi xong sĩ tử lao nhao vì nhiều từ không biết đành phải bỏ trống hay dịch "Bồi" dịch kiểu "mot à mot" ... chịu phép với từ HỎA TIỂN và từ VÔ TUYẾN TRUYỀN HÌNH .... vào năm đó chưa đâu có máy "vô tuyến truyền hình" cả .... mãi đến 5 hay 6 năm sau mới có TV trắng đen.

Tôi kể chuyện trên vì khi đến Malaysia ra đảo Pulau Bidong cũng như sau nầy đến Sungei Besi mới thấy được TV màu đặt nơi rộng rãi để "quần chúng tị nạn" xem phim hoặc xem trực tiếp các trận túc cầu, ... Tóm lại đến cuối năm 1986 tôi mới thực sự thấy TV màu

Món thứ hai là Xa Lộ: Tôi được đi trên xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa khoảng năm 1961, lúc đó các ống cống khổng lồ dẫn nước từ nhà máy lọc nước của sông Đồng Nai tại Thủ Đức về cung cấp cho Sài Gòn còn năm tênh hênh trên mặt đất chưa chôn xuống và cái Xa Lộ nầy vẫn còn vài ngã tư phải dừng lại chờ đèn giao thông, có nơi không có đèn phải tự canh lấy an toàn mà băng qua như ngã ba Cát Lái chẳng hạn, ... chưa có vách ngăn (con lươn) giữa hai chiều, ... Với ta thì "hiện đại" nhưng với người thì kể như "chưa có gì" .... Đến Mã Lai , tôi tận mắt nhìn thấy xa lộ của họ dài sao mà đi từ sáng đến chiều chưa hết với tốc độ cao. Sau nầy đến Mỹ thì mới thấy về mặt nầy Mã Lai chưa thấm vào đâu, chưa được 1/1000

Món thứ ba là được đi "phi cơ phản lực": Số là nhờ thời gian thi hành lịnh gọi nhập ngũ, làm bổn phận công dân mà tôi đã có dịp đi nhiều loại máy bay cánh quạt: C123, C130, C119, L19, L20, O2 chưa đi C47 và Caribou, ... về trực thăng thì đã đi đủ các loại và DC bên dân sự chứ chưa từng bước chân tới gần cầu thang của loại phản lực Hàng Không Dân Sự! .... Phi trường Tân Sơn Nhứt thì rành mọi ngõ ngách nhờ thời gian làm sĩ quan liên lạc yếu khu TSN và làm quan sát viên phi cơ cách ngày đi bay một lân..

Thế cho nên sáng sớm hôm rời Sungei Besi bằng xe bus của Hội Hồng Nguyệt Mã Lai ra phi trường Quốc Tế Kuala Lumpur, tôi mới thấy cái "hoành tráng" của họ bỏ xa ta hàng vạn dặm ... Người Mã Lai hướng dẫn lấy vé hành khách trao tận tay từng người chúng tôi, xong chờ bàn giao lại cho tiếp viên hàng không của hãng Malaysian Airlines họ mới vẫy tay từ giã chúng tôi ... Tôi không nhớ có bao nhiêu người cùng chuyến, nhưng chúng tôi ngồi cạnh nhau trong một khu vực, dĩ nhiên hạng cá kèo!

Phi cơ cất cánh sau đó, lấy hướng Đông bay hết phần đất liền Mã Lai và ra biển . Bấy giờ mâm thức ăn bữa trưa được cung cấp cho từng hành khách, trong đó có hai món tôi nhớ hoài là rau muống xào và tôm kho có chút nước (có lẽ là đồ hộp làm nóng lại) .... Xong bữa trưa chừng 1 giờ sau phi cô hạ cao độ và đáp xuống, tôi ngỡ đã tới Philippines; Nhưng không, "quần chúng tị nạn" chúng tôi được tiếp viên ra dấu ngồi yên tại chỗ và được cho biết đây là phi trường Kota Kinabalu trên phần đất thuộc Malaysia nằm phía Bắc của đảo Borneo thuộc Indonesia ...

Chừng 2 giờ sau phi cơ lại cất cánh với số hành khách cũ mới và chúng tôi trực chỉ ra biển hướng đến Philippines ở mạn Bắc .... Chúng tôi thực sự rời Malaysia, nước đã cho chúng tôi chốn dừng chân trên bước đường ly xứ ... và với tôi lần đầu tiên đi phi cơ phản lực bay êm nhẹ không gầm thép như các loại DC của Air VietNam có dấu hiệu Con Rồng ... trong quá khứ .... Hai con tôi lần đầu tiên được đi máy bay!

NhàQuê Apr 19, 2014

NhàQuê
25-05-2014, 09:53 AM
Hồi Khúc "CHƯA LẦN THỦY THỦ"


Hồi Khúc 16: Phi Luật Tân


Ở bậc trung học về môn địa lý thời chúng tôi có học về nước Phi Luật Tân, vào thời đó vị Tổng Thống nước nầy là Ramon Massaysay hình như về sau ông "bị" rớt máy bay chết (?) .

Vị giáo sư sử địa có nói vui là nước Phi có hơn 7 ngàn hòn đảo lớn nhỏ, nên sáng ra ngủ dậy vị tỉnh trưởng một tỉnh nào đó cũng không chắc lãnh thổ của tỉnh mình có bao nhiêu đảo vì có cái bị biển nhận chìm mà cũng có cái mới vừa nổi lên khỏi mặt nước đêm qua.

Cô giáo sư dạy môn Pháp Văn chúng tôi nghe nói là hoa hậu cuộc thi nào đó, nên cô có đi Phi Luật Tân dự thi khu vực Đông Nam Á (?), thời gian ấy chúng tôi còn ngờ nghệch nên chẳng biết gì để hỏi, vị nào muốn kể chuyện đi du học, du lịch, ...thì chúng tôi vểnh tai nghe với tất cả ngưỡng mộ thích thú, .....

Lại nghe nói ông Cao Thái Bảo, người Bến Tre làm Đại Sứ Việt Nam tại Phi Luật Tân thì cũng có gì đó khoái khoái lây, ngầm, ....

Sau nầy một bạn chung lớp làm giảng viên Đại Học Nông Nghiệp Cần Thơ có đi Phi luật Tân tu nghiệp về ngành mía đường !? ...

Đó là tất cả hiểu biết còn lưu trong bộ nhớ của tôi về nước Philippines mà máy bay chở nhóm "Tị Nạn" chúng tôi từ Malaysia đến, sắp sửa đáp xuống phi trường quốc tế Manila, Manila là thủ đô của Philippines theo nghĩa thông thường nhưng không phải là thành phố đông dân nhất nước .

Cha con tôi không có gì cồng kềnh như nhiều người trong đoàn nên lúc ra cửa không bị vây hỏi của những "bậc mua bán" đứng lố nhố dọc lối ra .... Cảnh đó sau nầy tôi còn gặp lại ở phi cảng Quốc Tế Tân Sơn Nhứt lao nhao những người không đón ai mà cũng đứng chen chúc ...

Xe bus đưa chúng tôi về trại chuyển tiếp (Transit), nơi đây đã có sẳn nhiều nhóm khác từ Việt Nam sang theo diện ODP, những người tị nạn từ Hong Kong, Indonesia, Thailand, Korea, Nhật Bản và cả từ đảo Palawan của Philippines tới ...

Bữa cơm chiều khá ngon có lẽ thời gian dài ở Mã Lai xơ rơ đủ điều ... Cha con tôi không có gì để sợ mất bởi nhóm người ra đi từ Hải Phòng, miền Bắc VN bằng thuyền nan thuyền thúng. Họ ở đó đã lâu vì không được xếp vào diện nào cả để chuyển qua các phái đoàn Tây Phương xét cho định cư, nên với tình cảnh ấy họ sanh ra trộm cắp chôm chỉa ...

Tôi không nhớ chúng tôi ở nơi ấy một hay hai đêm trước khi có xe bus chuyển chúng tôi về trại Bataan về mạn Bắc của Manila


NhàQuê May 24, 2014

NhàQuê
16-11-2014, 05:34 PM
Hồi Khúc "CHƯA LẦN THỦY THỦ"


Hồi Khúc 17: Philippine Refugee Processing Center hay viết tắt là PRPC

(Quán Trọ Trước Cổng Thiên Đường)


Từ sáng sớm các xe buýt sơn màu đỏ trắng với hàng chữ Victory Liner đã chờ sẳn, chúng tôi lên xe sau khi đã nhận phần ăn trưa ... Không như rời trại hay rời đảo bên Malaysia là phải gom góp cái món rất cần là muối ... vì chúng tôi sẽ qua 6 tháng kế tiếp mà điều kiện sinh sống khá hơn ...Tất cả nhu yếu phẩm và vật dụng cần thiết đều được cung cấp, tin tức nầy được nhóm đi định cư cho hay ...

Thành ra chúng tôi lên đường với lòng hân hoan phơi phới. Đường từ Manila đến trại Bataan không xa như từ Terengganu đến Kuala Lumpur, tuy nhiên cũng có dừng dọc đường để "xả hơi" ... tài xế vẫn lái vun vút dù rằng đường hẹp, cảnh vật dọc theo lộ trình đủ nói rằng Phi là một nước nghèo, không thể sánh bằng Malaysia

Càng xa Manila dân cư càng thưa thớt, gần trưa chúng tôi đến Morong, đó là thị trấn nhỏ gần Bataan nhất ... Bataan là nơi có trận đánh khốc liệt trong Đệ Nhị Thế Chiến mà khi ấy ông Ferdinand Marcos còn mang cấp bậc Trung Úy ... bây giờ ông đã từng 20 năm làm Tổng Thống của đất nước nầy và đang lưu vong ở Hawaii, Hoa Kỳ vào năm trước đây.

Trại tị nạn chuyển tiếp Bataan nằm trên ngọn đồi tính từ cổng đến chân núi dài khoảng trên 3 Km chia làm 10 vùng (Neighborhood) tính số thứ tự từ núi ra cổng, con đường chánh rộng và tráng nhựa các loại xe lớn nhỏ lưu thông hai chiều dễ dàng ... Toàn thể trại như một thị trấn nhỏ, có điện nước, bệnh viện, chợ, chùa, nhà thờ, nghĩa trang, bưu điện, .... các văn phòng điều hành chuyên môn, có cả xe buýt đưa đón đi học...

Tên chánh thức của Trại Tị Nạn Bataan nầy là: Philippine Refugee Processing Center viết tắt là PRPC nơi dừng chân tạm chờ sắp xếp định cư, trong ý nghĩa đó chúng tôi gọi nơi "chiến địa ngày xưa" nầy là: "Quán Trọ Trước Cổng Thiên Đường"

http://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/b/b1/PRPC01.jpg/300px-PRPC01.jpghttp://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/2/21/Philippine_refugee_processing_center_bus.jpg/300px-Philippine_refugee_processing_center_bus.jpg

Trại được điều hành bởi J.V.A (Joint Volunteer Agency) đại diện cho chánh phủ Mỹ, phối hợp cùng Hội đồng Di cư Công giáo Quốc tế (International Catholic Migration Commission hay viết tắt là ICMC và Hội Cứu tế Thế giới (World Relief) lo việc học Anh Ngữ cho người lớn và giáo dục sơ cấp cho trẻ em.

Điểm sau cùng đoàn xe buýt dừng lại và sau nầy rước trở ra đi định cư ở cuối con đường xương sống nầy có Vùng 2 bên phải và Vùng 1 nằm phía trái.

Cha con tôi được phân phối về dãy 127 của vùng 1, căn 127 H; Đó là dãy trại có 9 căn Thứ tự A, B, C, D, E, F, G, H, K, dãy trước cửa nhà của viên cảnh sát già trong trại, trong nhà ông có bán thêm vài thứ cần nhất là nước đá từ tủ lạnh gia đình ... Nhìn ra đường phía trái còn 2 dãy quay lưng vào núi và không có người ở, hợp với dãy 127 thành chữ L ...trước cửa là sân cao và rộng cả 4 công đất mà chẳng thấy ai làm gì trên đó chỉ trừ một lần động đất với độ rung chuyển mạnh nhất từ trước tới nay lại gần như không thiệt hại gì .... Đó là một buổi chiều cơm nước xong, bỗng nhiên mái tôn fibro khua nhịp lèng xèng càng lúc càng mạnh...mọi người túa ra sân, vì sân cao hơn nên thấy rõ mái nhà rung chuyển .... kéo dài gần cả phút. Sau nầy nghe kể lại là có bác tài xế đang chạy bỗng thấy phía trược con đường tự nhiên dâng cao rồi hụp xuống, ... và ở đâu đó có khoảng đường bị nứt . Chuyện động đất nầy xãy ra khi chúng tôi đã ở đây khoảng gần 4 tháng .

Trên thực tế là căn nhà 127 H chỉ có 3 cha con tôi, nhưng lúc chúng tôi đến có 3 thanh niên đã chiếm ngụ vì thấy nhà bỏ trống, họ sống chung với chúng tôi thêm vài tuần và lên đường đi định cư hay trở về căn được phân phối của họ ... Mỗi căn gồm phần sau là nhà bếp, sân sau có những vật dụng chứa nước, dây phơi quần áo, phần chánh chiếm 2/3 tầng trệt, có một giường có thể ngủ được 3 người và một bàn nhỏ dùng làm bàn viết và bàn ăn.... Trên gác gỗ rộng ngủ được nhiều người .... Tất cả kiến trúc đều bằng gỗ trên nền xi măng mái lợp fibro .... Ngay buổi xế mới tới, chúng tôi lên nhà kho ký giấy tờ mượn đồ dùng nhà bếp, nấu ăn, mùng mền, .... Những món mượn nầy phải hoàn trả khi rời trại .

Trên đường đi mượn đồ ở nhà kho khi ngang qua các quán cà phê nhạc, tôi giật mình vì có ai đó gọi lớn và đúng tên tôi "ANH TƯ TRỌNG !" Khi tôi quay về hướng thì có một người cao lớn đang chạy vội về phía tôi ... Thì ra Dũng, Đặng Thu Dũng, một cựu học sinh Trung Học Ba Tri. Tôi không nhớ tôi có dạy lớp em hay không, nhưng về sau nầy khi gặp nhau trong giao tế giữa tôi và các cựu học sinh, chúng tôi đồng ý nhau gọi tôi bằng ANH và gọi các em theo tên ... Chính vì thế!

http://i1141.photobucket.com/albums/n596/nhaquebatri1/Phi002.jpg
Người Ba Tri: (Cẩn, Dũng & cha con người viết Hồi Khúc@Bataan, Philippines)

Kết quả cuộc gặp gỡ bất ngờ với Dũng thành những người học trò cũ, người quê Ba Tri còn trong trại chưa đi định cư đều hay 3 cha con tôi mới vừa nhập trại ... Khách tới thăm liên tiếp còn cho cả quà bánh, những thứ cần thiết để tạm thời ổn định cuộc sống mới hằng ngày .

Trong tuần đó và tuần kế tiếp phải qua kỳ trắc nghiệm khả năng Anh Ngữ và phỏng vấn sắp xếp công việc phụ giúp cho trại hoặc cho vùng.
Những người có trình độ Anh Ngữ khá được chọn làm phụ giáo (A.T. Assistant Teacher). Cá nhân tôi chỉ vào loại "thường thường bậc trung" nên được "chiêu mộ" học qua khóa 8 tuần về công tác xã hội và sau đó phụ giúp các vị Cố Vấn về xã hội cho tới ngày rời trại

Trước khi đi định cư vài tuần sau khi gặp tôi, Dũng và vợ chồng em gái của Dũng là Anh Thi và Minh (Cẩn) đã giúp tôi rất nhiều kể cả cho tặng quần áo và tiền bac... vì các em lúc ở Indonesia có buôn bán chút đỉnh và sống có dư, đồng thời trên đường đi qua Phi có ghé Singapour nên được cấp phát nhiều quần áo ....Vợ chồng Anh Thi dù đã mãn khóa học mà chưa rời trại được vì chờ sanh đứa thứ ba .... Tới lúc đó mới biết là Anh Thi nấu ăn ngon, vì tưởng cô học trò nầy con nhà giàu không mó tới việc bếp núc ... cứ vài tuần là nhắn qua nhà các em ăn món nầy món nọ ( cách nhau khoảng 2, 5 Km). Khi còn ở Ba Tri, tôi có ăn đám thôi nôi đứa con đầu lòng của hai em. Thân tình ấy, chúng tôi còn giữ tới tận bây giờ .

Trong trại ngoài thành phần vượt biên bằng thuyền, đường bộ từ nhiều nơi trong vùng Đông Nam Á (Mã Lai, Nam Dương, Thái Lan, Phi Luật Tân, Singapour ... có cả từ Hồng Kong, Đài Loan, Đại Hàn, Nhật Bản).
Và còn có những người theo diện đoàn tụ gia đình ODP và diện con lai. Họ tới đây sau khi dừng ở Thái Lan một tuần với thủ tục khám sức khỏe, có lẽ phần đông người theo diện ODP do gia đình bảo lảnh từng sống sung túc khi còn ở Việt Nam, nên họ hay than phiền về đời sống không được như ý lúc ở Thái Lan và ở Bataan nầy .
Người Việt và gốc Hoa chiếm đa số, còn lại là người Miên ở Vùng 2 và người Lào ở Vùng 3.
Trong vùng 1 còn vài gia đình còn đang theo khóa học chờ đi Na Uy

Rồi khóa học Anh Ngữ bắt đầu, do lớp học xếp theo kết quả của trắc nghiệm, một lớp chừng 20 người mà đủ mọi lứa tuổi, mọi nghề nghiệp cũ và mọi thứ tiếng mẹ đẻ ... giờ đây có ngôn ngữ chung là tiếng Anh ... Các giảng viên đều là người Phi được tuyển, có nhiều vị đã đi Mỹ rồi, có vị thuộc gia đình thế phiệt; Nhưng có lẽ được trả lương cao là điều hấp dẫn .... Nói chung không khí lớp học rất thoái mái và vui, ai cũng đang xây đắp cho mình một ước mơ trong lúc Cao Ủy Tị Nạn đang tìm cho một nơi chốn nào đó trên "Thiên Đường" bên kia bờ Thái Bình Dương .... Mỗi khóa học gọi là một Cycle, tôi thuộc Cycle 93.

http://i1141.photobucket.com/albums/n596/nhaquebatri1/Phi003.jpg
Lớp Anh Ngữ ngày cuối ... mặc áo sọc là thầy và cô giáo, cô giáo là con của vị Bộ Trưởng trong chánh phủ Phi đương nhiệm.

http://i1141.photobucket.com/albums/n596/nhaquebatri1/Phi005.jpg
Lớp học về Phục Vụ Cộng Đồng ... hàng ngồi ghế là điều hành cơ quan + cô giáo và chồng con

Vài tuần sau người bạn tôi, người đã tạo điều kiện cuộc ra đi của chúng tôi từ Malaysia sang và xin về căn 127K, trên giấy tờ, nhưng sang sống chung với cha con tôi suốt thời gian nơi đây, thế nhưng khi đã qua Mỹ rồi phải đến 13 năm sau chúng tôi mới có dịp gặp lại nhau, thế mới biết đời sống nơi "Thiên Đường Mơ Ước" bận rộn dường nào.

Bạn bè và học trò cũ đã đi định cư hay tin, thỉnh thoảng có gởi tiền giúp có thể bằng cách bỏ lén trong thơ hoặc bằng chi phiếu ngân hàng ... Nên thời gian gần 6 tháng nơi "Quán Trọ Trước Cổng Thiên Đường" cha con tôi có tiền mua sắm vài bộ quần áo coi được để đi học và chuẩn bị đi định cư .

Về việc ăn ở thoái mái còn hơn ở bên nhà: Thực phẩm khô như gạo, đường, muối, nước mắm , bột ngọt, dầu ăn, tôm khô, đậu xanh, kể cả than đốt ... được phân phối định kỳ tận nhà do nhóm Food Service phụ trách . Thực phẩm tươi cá thịt, rau, môn khoai tuần vài lần ... Nói chung có dư mà 4 người chúng tôi toàn "đực rựa" thành ra các món như đậu xanh, môn, khoai không dùng tới và gạo dư thì thường chúng tôi cho lại người Phi miền núi nầy, họ đi rảo trong trại, trông họ có vẻ nghèo khổ ....

Có lẽ do sự bang giao, nên thơ từ đây gởi về Việt Nam và ngược lại tương đối nhanh khoảng tuần lễ ... và nơi đây lần thứ nhất tôi nhận được thư và tin tức bên nhà kể từ ngày ra đi ... và ngày 23 tháng 8 âm Lịch đầu tiên các bà vợ, bà mẹ chuẩn bị làm Giỗ chúng tôi ... trở thành ngày họp mặt hàng năm mừng "Ngày Tạm Biệt" !

Học và sinh hoạt cứ đều đặn bên cạnh việc thiết lập hồ sơ đi định cư bao gồm khám sức khỏe do các bác sĩ nhiều quốc tịch làm việc cho Phủ Cao Ủy Tị Nam của Liên Hiệp Quốc phụ trách.


NhàQuê, Nov 06, 2014

NhàQuê
16-11-2014, 05:38 PM
Hồi Khúc "CHƯA LẦN THỦY THỦ"


Hồi Khúc 18: Kha Luân Bố


(Thiên Đường Là Đây)


Cũng đoàn xe buýt Victory Liner sơn 2 màu trắng đỏ đưa chúng tôi theo chiều ngược lại, phía sau lưng là "thành phố PRPC" , nơi đã trang bị cho chúng tôi những kiến thức căn bản về cuộc sống mới đang chờ phía trước.


http://i1141.photobucket.com/albums/n596/nhaquebatri1/Phi004.jpg

Lớp Anh Ngữ: Bìa trái nữ dương cầm thủ Lê Trương Kiều Loan, thứ 2 bìa phải Luật sư Lê Văn Lưu

http://i1141.photobucket.com/albums/n596/nhaquebatri1/Phi006A.jpg

Lớp về đời sống Mỹ

http://i1141.photobucket.com/albums/n596/nhaquebatri1/Phi007.jpg

Đại diện khóa học phát biểu

http://i1141.photobucket.com/albums/n596/nhaquebatri1/Phi008.jpg

Tiệc chia tay

Cũng phía sau lưng ấy vài hôm trước đây có những buổi tiệc chia tay cuối khóa, với những lời chúc mừng bằng ngôn ngữ thứ 2 ... Những tiễn đưa của bạn bè quen biết, những hẹn gặp về sau trên miền đất mới ...
Và cuối cùng chúng tôi bước lên xe với cặp túi IOM có hồ sơ cá nhân và cặp giấy tờ mà Trưởng Nhóm (Group Leader) phải giữ .

http://i1141.photobucket.com/albums/n596/nhaquebatri1/Phi009.jpg

Cùng chuyến vượt biển

http://i1141.photobucket.com/albums/n596/nhaquebatri1/Phi010.jpg

Tiễn lên đường

http://i1141.photobucket.com/albums/n596/nhaquebatri1/Phi011.jpg

Lên xe rời PRPC


Ở trạm Transit (Manila) vào buổi sáng ngày Sep 04, 1987 lòng mọi người mà chiều hôm qua đến đây, ai cũng rộn rã niềm vui ... Trong phòng họp, chúng tôi gồm 3 người Trưởng Nhóm được giới thiệu: Nhóm 1 đến New York, Nhóm 2 đến Los Angeles và Nhóm 3 đến San Francisco .... cả 3 người đều quen nhau trong buổi họp sau khi được chỉ định lúc còn ở PRPC.

http://i1141.photobucket.com/albums/n596/nhaquebatri1/Phi012.jpg
Chia tay nhau ở Tokyo, Japan cho đến nay chưa gặp lại lần nào

Mỗi nhóm được chỉ định xe và điểm danh từng người hay gia đình tuần tự bước lên ... Vị hướng dẫn cấp phát vé máy bay cho từng người theo nhóm và vẫy tiễn lúc chúng tôi bước vào hành lang để lên phi cơ từ phi trường Manila, Philppines đi Tokyo, Japan.

Chúng tôi dến phi trường Narita ngoại ô thủ đô Tokyo của Nhật trong cơn mưa mù mịt, chỉ nhìn thấy mờ mờ thành phố nầy hay thành phố nào đó khi phi cơ hạ thấp cao độ .... Xe buýt đưa chúng tôi vào trạm chờ lên chuyến bay vượt Thái Bình Dương ... Nơi đây cả 3 nhóm được tách riêng và có người hướng dẫn đến cửa chờ khác nhau.

Chừng hơn 1 giờ sau lúc xế chiều, chúng tôi rời Tokyo bằng loại phi cơ 747 khổng lồ của hãng hàng không TWA để đến phi trường JF Kennedy thành phố New York, Hoa Kỳ .... Nhiều điều mới lạ chưa nghe ai kể về sự đi ngược chiều quay của quả đất, đó là bay chừng 2 giờ thì chúng tôi gặp ban đêm và không lâu sau lại gặp ban ngày ... Những bữa ăn trên máy bay bắt đầu không còn mùi vị Việt Nam nữa .... Những bữa ăn có tiếp viên đến tận ghế hỏi từng người chọn món gì ... (Làm tôi nhớ lại chuyện cười của Đặng Trần Huân trước đây khi ông đi du học Mỹ "Tea, Coffee or Milk ?" ... Tea, coffee thì hằng ngày rồi bèn chơi milk cho lạ ...rồi thì "Tào Tháo" rượt sau đó) .... Tất cả mọi chi phí từ lúc rời Manila là tiền mỗi cá nhân phải vay không có lãi của Cao Ủy Tị Nạn, sau 6 tháng định cư 3 cha con tôi hàng tháng đã hoàn lại; Chúng tôi hãnh diện về làm tròn việc mang tính đạo đức nầy.

Nhóm do tôi hướng dẫn bao gồm vài gia đình đi diện ODP, sau khi xong thủ tục nhập cảnh họ có thân nhân đón về hay đi tiểu bang nào đó .... Còn 17 người kể cả 3 cha con tôi về tiểu bang Connecticut (theo diện CON BÀ PHƯỚC) do hội The International Institute Of Connecticut bảo trợ ...

Trước khi rời PRPC tôi đã tìm trên bản đồ xem nơi tôi đến là chỗ nào ... Ngay cả sau nầy khi nói đến tiểu bang nơi tôi đến thì nhiều người còn nói là hồi đó giờ chưa nghe ...Họ chỉ biết nước Mỹ là California, Texas, Florida hay thủ đô Washington ... Vì biết như thế khi máy bay hạ cao độ tôi đã nhìn thấy được Tượng Nữ Thần Tự Do ngay từ trên cao nhờ lấy điểm mốc là 2 tòa nhà World Trade Center .

http://i1141.photobucket.com/albums/n596/nhaquebatri1/Phi013.jpg
Vừa đặt chân xuống phi trường JFK, New York City

Chúng tôi đặt chân lên đất Mỹ vào buổi xế chiều của là ngày Sep 04, 1987 (Ngày giờ Miền Đông của Hoa Kỳ). Ngày ghi nhớ ấy chúng tôi có lẽ suốt đời không ai quên ...

Riêng tôi, tôi có cảm tưởng tôi là một KHA LUÂN BỐ (Christopher Columbus)
vì cả hai bên nội ngoại, bên vợ thì tôi là người đầu tiên đến Mỹ Châu ...Tân Thế Giới xa xôi nầy sau 11 tháng 22 ngày kể từ ngày bước xuống chiếc ghe vốn dùng đi sông mà ra biển làm chuyến hải hành mà lại trước đó

"Chưa Ai Có Lần Làm Thủy Thủ Bao Giờ"

Một thanh niên Việt Nam đã tiếp đón chúng tôi ở đầu hành lang lối ra khỏi máy bay và hướng dẫn chúng tôi làm thủ tục nhập cảnh ... 17 người cùng về Connecticut lại tiếp tục hành trình từ New York bằng xe buýt của hãng Limousine Of Connecticut.

Mới cuối Hè mà những cơn gió lạnh với lớp áo mong manh không đủ sức che ấm xương da nhiệt đới đó là cảm tưởng đầu tiên của tôi trong giây phút gặp gỡ nước Mỹ, Quê Hương thứ 2 nầy .

Xe đến trạm cuối cùng và có vài xe nhỏ của người đến từ nhiều năm trước đưa 3 cha con chúng tôi về nơi ở mới; đó là apartment số 50F, trên tầng 5 cuối cùng của building số 50 trên đường Fremont, thành phố Bridgeport, tiểu bang Connecticut; Nơi đó cha con tôi tiếp tục sinh sống gần 3 năm kế tiếp ...Mọi thiết dụng trong nhà và thực phẩm đã có người giúp hội bảo trợ mua sẳm cho chúng tôi trong tuần lễ đầu tiên.

Cuộc sống mới đủ cả vui buồn, nhưng dù sao đây cũng thực sự chốn Thiên Đường như nhiều người mơ ước

Và cơ may đặc biệt nào đó nên 3 năm 7 tháng sau Tư Lịnh, con gái và trai út của tôi sang đoàn tụ, sau khi ghé 1 tuần ở Thailand

http://i1141.photobucket.com/albums/n596/nhaquebatri1/Phi016.jpg

Và đến tháng Giêng 1998 gia đình con trai cả gồm vợ chồng và đứa con (cháu nội gái của tôi) sang xum họp ... Cái nhánh cây gia phả họ Trần châm rễ trổ hoa trên vùng đất mới.


NhàQuê Nov 09, 2014


Sep 04, 1987


Ngày nầy hăm mấy năm về trước
Ta gã trung niên bước xuống đường
Dắt díu hai con qua phố lạ
Xa mù nơi chốn gọi quê hương

Nhìn quanh ngơ ngác nhiều màu sắc
Chỉ có bầu trời xanh rất trong
Hy vọng nhỏ nhoi dường hạt bụi
Vốn nhừ từ thuở nát non sông

Cố quên thương tích khắc sâu hằn
Cố vượt trùng trùng những khó khăn
Cố nén buồn riêng đêm mộng mị
Cố ươm ... mong sẽ trái sai oằn

Cũng may hạt giống vượt lên nhanh
Thoáng chốc vườn riêng ...quả trĩu cành
Hương tỏa thơm tho tươm mật ngọt
Lớp hoa mai hậu rạng long lanh

Hôm lên bảy chục cháu con mừng
Nhấp chén nồng nàn nước mắt rưng
Có phải ước ao nhiều thế hệ
Cơ duyên xin tạ biết bao ngần


NhàQuê Sep 04, 2013



HẾT

NhàQuê
13-09-2015, 09:11 PM
Tản Mạn: VIẾT CHO NGÀY SINH NHỰT


Má sanh tôi vào thời còn Pháp Thuộc ở một vùng quê, có lẽ tôi được chào đời trong "chòi bảo sanh" dưới bàn tay nâng của bà mụ giồng mà sau nầy Má biểu tôi kêu là Bà Ngoại. Và có lẽ nhờ mát tay của bà, tôi mới được sống sót vì lúc bật khóc khi lọt lòng mẹ thì tôi chưa được 9 tháng 10 ngày như mọi hài nhi khác: sanh non hơn một tháng !

Biết đâu nhờ sanh non như vậy "tôi mới là tôi", còn nếu bình thường có lẽ đâu phải là tôi !? ..... Nhưng tôi vẫn lớn lên bình thường trong liên miên giặc giã ... không biết bao nhiêu lần Ba Má tôi, chị tôi đùm túm chạy trốn các trận lính đi ruồng. Có khi "chạy gió", có khi chạy thật, chạy mọp dưới làn đạn bắn lung tung nghe chừng chỗ nào cũng có tiếng nổ ...

Có lẽ tôi không có được ghi vào sổ bộ khai sanh của chánh quyền lúc đó, nhưng căn cứ vào năm sanh Âm Lịch và qui ra Dương Lịch thì đúng vào những năm cuối cùng của vị Hoàng Đế cuối cùng của Việt Nam: Hoàng Đế BẢO ĐẠI ... Vậy những năm tháng đầu tiên của tôi sống dưới thời còn Quân Chủ và sau nầy học sử biết rằng tỉnh Bến Tre quê tôi nằm trong Nam Kỳ Thuộc Địa của Pháp.

Nhà tôi cách tỉnh lộ 26 đâu chừng 300 m, nói thế để thấy rằng tôi có điều kiện tiếp cận với nền "văn minh" nhất, vì đó là con lộ có trải đá huyết mạch dẫn ra thành thị rồi tiếp tục đi xa hơn ... ngoài ra các con lộ khác đi lại đều là đường đất hay lối mòn, nhờ đó lâu lâu tôi thấy được chiếc xe mu rùa, xe rùa nắp vì nó có hình dáng giống con rùa tức loại xe ngày nay gọi là xe hơi hay xe nhà, xe du lích, xế hộp, ....

Một thời gian dài, cả nhà mà tôi nghĩ cả xóm đều ăn cơm vào lúc sáng tinh sương để chuẩn bị chạy giặc hay lo việc đồng áng ...có dù bom đạn triền miên cây lúa vẫn âm thầm đòng đòng kết hạt ... bữa cơm có khi chỉ có nửa miếng đường tán hay dĩa cá tôm kho quẹt mà trẻ con chúng tôi vẫn lớn lên trong điều kiện vật chất như thế ... Nếu nói về đường mà sau nầy được biết nó là loại "năng lượng" cần thiết cho cơ thể, thì lúc đó chỉ có đường tán, đường thẻ, đường cát mỡ gà (không phải làm bằng mỡ gà mà có màu mỡ gà), còn đường cát trắng chưa có tên ghi trong bộ nhớ.

Tôi còn nhớ Ba Má tôi còn xài thứ tiền kim loại có lỗ tròn hay lỗ vuông chính giữa gọi là tiền xu trong thời gian dài, tiền giấy 1 đồng có hình bà đầm có in chữ Tây đã thuộc loại mệnh giá lớn được cất rất kỹ .... nói chi đến tờ giấy "Xăn - Cent" thứ mệnh giá 100 lần lớn hơn ...thứ 100 nầy tôi chưa có "quyền" thấy nó ! Nghe nói có loại Cinq Cent Piastre (500 đồng) nữa, .... kể như vô phương biết !
Rồi tới loại tiền giấy có chữ Việt và hai loại chữ lăn hoằn lít quịt Miên Lào xài cho cả 3 nước Đông Dương và riêng miệt quê tôi còn thứ tiền "xé hai" đối với tờ giấy bạc có mệnh giá từ 10 đồng trở xuống 1 đồng ...và tôi được sống trong Thời Đại Tiền Xé Hai ấy ... Cuộc đời dễ mấy ai! ! ! Vì rằng sau đó qua thời Đệ Nhất Cộng Hòa đã cho phát hành tiền mới một trong các dấu chỉ chủ quyền quốc gia và việc xé hai đồng bạc giấy coi như phá hoại và phạm tội hình.

Đến đây, tôi đã trải qua ba thể chế: Quân Chủ & Thuộc Địa, .... "Quốc Gia Việt Nam Trong Liên Hiệp Pháp" với Nhà Vua giờ thoái vị và danh xưng mới là Đức Quốc Trưởng BẢO ĐẠI mà trên tờ giấy bạc có hình Ngài ... Đến Ngài bị truất phế và sang trang mới là Việt Nam Cộng Hòa đứng đầu hành pháp là Tổng Thống ... và lãnh thổ nhị phân ...Miền Bắc theo thể chế khác... Tôi thuộc dân Miền Nam !

Với 13 năm từ đứa trẻ sơ sinh lớn dần với bao gian nan từ lớp vỡ lòng ê a trong nhà đãi ăn của ngôi đình làng, đến trường chùa, ra trường xã, qua trường tổng, vô trường quận và bây giờ lên trường tỉnh .... Đến việc học hành của tôi cũng là cơ duyên đặc biệt do tôi đậu kỳ thi tuyển vào trường trung học công lập mà nhiều bạn cùng năm với tôi nơi trường quận mong muốn mà không được, nên Ba Má tôi thấy bỏ thì uổng, do đó cố gắng cho tôi theo đuổi chứ thực trạng gia đình không đủ sức để cho tôi đi "du học" như vậy, .... với lại ở tuổi ấy chưa làm việc nặng nhọc đồng áng được.

Bước ngoặt đó có lẽ là khúc quanh quan trọng nhất của tôi, đứa trẻ sanh thiếu tháng! Những điều tôi thấy biết ở thành thị, có thứ phải 40 hay 50 năm sau nơi tôi được sanh ra mới có.

Và với ngã rẽ nầy đã kết chặt tôi vào nhịp sống của các thể chế tiếp theo: Đệ Nhị Cộng Hòa của Miền Nam, .... rồi làm sinh vật thấp hơn cả thứ dân của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam khi đất nược tên gọi Việt Nam đã thống nhất, .... Cuối cùng và có lẽ tôi chấp nhận vĩnh viễn làm công dân nhập tịch của một quốc gia có đủ dân chủ tự do, quốc gia mà khi chưa học xong trung học tôi không biết nó ở đâu: Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ (The United States Of America)....

Nơi đất nước tôi đang sống tiếp những ngày còn lại nầy, mới hôm qua đây có người tới nhà xin tôi bỏ phiếu cho các ứng cử viên thuộc đảng của họ, một lá phiếu có thể không là gì, nhưng sự việc nói lên một ý nghĩa làm cho người không sống được nơi chính quê hương mình phải suy ngẫm !

Quê hương mới ấy không có bốn ngàn năm văn hiến, không có là đỉnh cao trí tuệ loài người, không có chủ nghĩa ưu việt bách chiến bách thắng .... mà chỉ có ba trăm năm độc lập thoát ra từ thuộc địa, ... có trẻ con vừa biết nói, thấy hình trái tim đã đặt tay vào môi "I Love You" ! .... Người gặp trên đường chào nhau thân ái chứ không rình rập tà ý !

Ngày mai đây, tôi 72 tuổi tròn, theo giấy tờ chứ kỳ thực Má tôi chỉ nhớ mang máng ngày sanh của tôi nên tôi không có ngày gọi là Sinh Nhựt đúng !
Với 72 năm đó tôi đã sống đủ các thể chế từng có hoặc còn tồn tại trên hành tinh trong vòng vài thế kỷ gần đây, tức những thế kỷ nền văn minh nhân loại phát triển vượt bực giúp đời sống con người chất lượng hơn

Tôi ví những biến chuyển vật lý của dòng đời bản thân tôi đồng hành cùng sự phát triển cải tiến của "Máy Điện Thoại" .


***000***


Tôi biết xài máy điện thoại tự chế (home made) từ lâu lắm ... Hãy tin tôi đi! Với hai cái lon kim loại, nối nhau bằng sợi dây kéo ra xa thiệt căng hoặc bằng dây kẽm, dây chì nhỏ, loại để ràng rịt ...hai người cách nhau 10 m có thể nói nhỏ vào lon,người đầu kia nghe rõ từng tiếng một ... Trò chơi "đánh dây thép" chỉ những người có công góp vật liệu làm nên mới được cho nghe thử ...
Vào thời buổi ấy kể cả tôi, chưa có một "nhân vật quan trong tí hon" nào được nhìn thấy cái máy Tồ Lô Phôn nó ra làm sao ! ... Thật vậy chỉ có quan quyền, công sở cấp cao hoặc nhà giàu có ở thành thị mới có cơ hội xử dụng điện thoại thiệt mà thôi.

Lúc tôi lên học trường tỉnh, tôi không biết văn phòng trường có được lắp đặt điện thoại chưa, mà hình như tổng đài chánh là Ty Bưu Điện về các cuộc gọi trong lãnh vực hành chánh và dân sự ... Người cần đến Ty Bưu Điện xin gọi và lệ phí ắt rất cao !

Như vậy cho đến học xong trung học, tôi chưa bao giờ cầm được cái "máy điện thoại" để mà alô .... Mãi cho đến khi vào quân đội và đi học chuyên môn mới có dịp xử dụng loại dã chiến liên lạc trong nội bộ, học cách trải dây, mắc dây và cả các câu văn dùng liên lạc phải ngắn gọn mà đầy đủ không rườm rà ... học thuộc lòng mã số các bộ phận liên quan đến điện thoại .... Nhưng đó chưa phải là cái thứ điện thoại "ngoài đời"! Nhưng ít ra cũng quen dần và dạn dĩ hơn là có người vừa nghe chuông reo đã giật mình dáo dác.

Sau nầy khi ra đơn vị rồi mới có dịp dùng tới điện thoại quay số mà hai tổng đài Thống Nhất (TTM) cùng Nhân Tâm (BKTĐ) và tổng đài Tiger (Mỹ) kết nối cuộc gọi và cũng nối kết được điện thoại bên dân sự ...Nhưng cái vụ điện thoại nầy cũng bực với nó lắm, vì SẾP ưa khuya khuya gọi hỏi thăm, dặn dò nhưng đó là cách ngầm điểm danh bất thường xem mình có "dù" đi chơi, bỏ đơn vị trách nhiệm không ... Chứ liên lạc bằng máy vô tuyến thì không xác định được vì có PRC 25 hoặc VRC đặt luôn trên xe để đi lả lướt ....

Chừng có đến 17 năm kể từ khi "Giã Từ Vũ Khí năm 1970" quên bẳng máy điện thoại và quên luôn những số cần phải nhớ trước đó .... Cho đến sáng sớm ngày 05 tháng 09 năm 1987, một ngày lịch sử của gã lưu vong .... Gã hỏi đường lò dò tới nhà bưu điện Mỹ gần nhất để gọi cho vài người quen cho hay tin đã tới Mỹ ... thì hỡi ôi ... đâu phải như xứ ta, bưu điện của họ không có "kinh doanh" loại nầy ... điện thoại nơi nước "Cờ Sao và Vạch" nhà nào cũng có và các ngã giao lộ hay các đường phố chánh đều có trụ điện thoại công cộng, trụ nọ cách trụ kia không xa lắm ....

(Trích trong "Những Con Đường Xưa Em Đi":

Đầu tiên là Nhà Dây Thép: Ty Bưu Điện chỉ có cấp Ty chứ không có cấp nhỏ hơn; Vì vậy vị đứng đầu là Trưởng Ty dù đôi khi chỉ có một mình ông, loại cơ quan nhỏ đến không thể nhỏ hơn được nữa. Trong trường hợp như vậy địa phương thường là các Quận xa xôi, phải "chi viện" thêm người không biết có "và của" cho ông không.
Như ở Mỹ hiện nay mỗi ngày phát ra một tỷ thư từ, không hiểu Bưu Ðiện ta có làm xuể không? Và bao giờ thì đạt "chỉ tiêu" đó.
Bưu điện còn phụ trách luôn điện tín, loại thông tin bên nây tạch tạch tè tè bên kia dịch ra chữ rất ư trần tục, không râu hia, mũ mão gì hết, nên nhiều khi đàng nhận được đã nghiên cứu kỹ bản văn, đã có "đáp án" rồi, thu xếp công ăn việc làm chạy riết về nơi xuất phát thì hởi ơi! Trớt quớt trật cách xa " ngàn dậm dưới đáy biển" và với góc độ 180, loại phải tiết kiệm chữ viết: VO DE VE GAP... đáp án: vỡ đê về gấp, phải về riết bằng mọi phương tiện để cứu lụt, tới nơi thì ra vợ đẻ, thôi cũng được!
Bưu điện còn phụ trách dịch vụ điện thoại, vụ nầy làm NhàQuê "quê một cục" số là khi mới tới cái xứ Hoa Kỳ mà cái gì cũng máy móc, đêm đầu tiên lạ nhà, lạ giờ giấc không ngủ được, sáng sớm ra bưu điện xếp hàng, có mấy người đến trước hơn, chắc mấy bà Mỹ nầy cũng ngủ không được đây.
Tới phiên NhàQuê hùng dũng tiến lên không cần chào hỏi, xổ liền: Ai nít tê lê phôn, tránh nói dài dòng dễ bị ngọng.
Sau một hồi oát oát oát (what) cuối cùng con nhỏ cũng hiểu ra, nhờ có bàn tay năm ngón nắm lại như đang nắm vật cứng cỡ hơn tấc, để ngang lỗ tai, con nhỏ chỉ và nói: Ô vờ đe (over there).
Theo hướng bàn tay có năm ngón mà sơn tới mấy màu đó, NhàQuê "phát hiện" được mà về sau nầy biết là điện thoại công cộng.
Lại không được lôi thôi gì, phải bước ra khỏi hàng có cảm giác mình bị bỏ rơi giữa đường rất là kỳ thị, vì con nhỏ đã gọi người kế tiếp: Nét (next).
Ðứng ngơ ngơ chưa biết phải làm sao, may quá có quới nhơn, đã nói NhàQuê đi về hướng Ðông nên cuộc đời thường gặp quới nhơn mà.
Bà Mỹ già sau khi nhìn NhàQuê với vẻ ái ngại cuối cùng tiến tới hỏi: Ken ai hớp du? (Can I help you) .
Nghe tiếng nầy cũng quen quen, vận dụng hết tám thành công lực và huy động hết cơ quan đoàn thể trong bộ nhớ, cuối cùng hai bên cũng hiểu được nhau.
Cám ơn Thượng Ðế, Ngài đã cho con hai bàn tay với mười ngón thiên thần, tội nghiệp bà Mỹ chắc là lần đầu tiên bà nói tiếng nước mình mà phải quơ tay lia chia. Bà kết luận chắc mẻm là: phải có "Cô-an" (coin) mới "đu" (do) được.
Nghe nói tiền NhàQuê nhá cho Bà thấy tờ $US 20 duy nhứt mà thằng bạn gởi cho dằn túi phòng khi hoạn nạn.
Bả nói : Nô quê, so ri (No way, sorry) và bỏ đi hình như với vẻ giận dữ. Coi như tình hình vô phương cứu vãn, hết thuốc chữa.
Thôi thì "nô cô-an" ( No coin) thì đi về coi như thất bại “quàn tàn”, hay ít nhất cũng 1-0 phần thua nghiêng về phía ta. Bàn thua nầy vì NhàQuê những tưởng giống như ở xứ mình Bưu Ðiện lo luôn vụ điện thoại, thôi xóa bài làm lại. ..... Hết Trích)

Đi xin việc gì, bất kể giao dịch gì kể cả xin ghi danh đi học họ cũng hỏi số điện thoại nhà ... Vì cần thiết nên cuối cùng phải xin gắn điện thoai. Ban đầu tưởng đâu họ tới rồi kéo dây từ ngoài đường vào ... Họ không làm cách đó mà họ vào nhà tháo bỏ ổ cũ, tra ổ mới vào và mở hộp lấy đủ bộ điện thoại mới tinh lắp đặt vào ... công việc chưa quá 2 phút và test với tổng đài thế là "You are done" cũng không nhận tiền công và tiền máy ..." You 'll receive your bill later"

Mới biết thêm là khi xây cất, họ đã thiết trí mọi thứ từ ổ điện, ổ điện thoại, bếp, đường gas, nước sạch, nước thoát, cable, .... đầy đủ cả ...Khi dọn vào, người cư ngụ chỉ cần thông báo cho các công ty liên hệ là họ và mọi việc sẽ sẳn sàng !

Đó là lần đầu tiên một số điện thoại thuộc về tôi ... Chiếc điện thoại ban đầu ấy còn thuộc thế hệ quay số (dial) và xem rất giản dị chứ không như trong phim ảnh những chiếc điện thoại sang trọng, kiểu cách đẹp mắt, có khi mạ vàng như một thứ ton thêm vẻ nhà quyền quý, đài các, cao sang ...

Không lâu sau thế hệ "bấm số" (touch-tone) ra đời và lại thay máy mới .... Rồi lại loại không dây có thể đi lòng vòng năm, mười mét xa khỏi base ... Trước khi tiến qua thời đại hoàn toàn không dây .... thời đại cell phone giai đoạn còn đơn giản ....

Cho đến ngày nay, gần như ai cũng cần và ai cũng có điện thoại "di động" riêng, các thế hệ máy về sau càng nhiều chức năng chứ không đơn thuần như thời còn quay hay bấm số .... Lớp "phế thải" như cỡ tôi trở lên có lẽ ít người dùng hết các chức năng đó ... Vuốt vuốt được vài thứ đã là Tài Ba Lỗi Lạc rồi !

Cầm chiếc máy loại rờ rờ vuốt vuốt của con tặng nhân ngày Father Day để "Cha Xài Cho Biết Với Người Ta", làm tôi nhớ về thuở "Đánh dây thép" bằng lon sữa bò ngày xưa ...thấm thoát mà dòng sông đã chảy qua 72 khoảng ngắn dài


NhàQuê Aug 14, 2015