PDA

Xem phiên bản đầy đủ : Mùa lụt năm 1971- Trích " Kí ức tuổi thơ" ( Tiểu thuyết)



sông hồng
16-08-2013, 10:30 PM
Mùa lụt năm 1971- Trích " Kí ức tuổi thơ" ( Tiểu thuyết)

http://i6.upanh.com/2013/0816/11//57192522.lulutmientrung.bmp (http://i6.upanh.com/2013/0816/11//57192522.lulutmientrung.bmp)

( Ảnh minh họa)
Năm 1971, một trận lụt lịch sử khiến Thục Đông không bao giờ quên. Vào đúng mùa tháng 7 âm lịch. Mưa bão lớn xảy ra liên tiếp khu vực Bắc Bộ. Nước dâng cao khắp nơi đe dọa tính mạng, tài sản, đời sống của nhân dân miền Bắc. Con sông Hồng trở nên hung dữ như một con quái vật khổng lồ đục ngầu sóng nước mênh mông, cuồn cuộn. Nước từ thượng nguồn sông Đà, sông Lô vẫn tiếp tục dồn về. Vùng đê Đáy của quê Thục Đông được nhận tin nhà nước sẽ phân lũ về để cứu nội thành Hà Nội đang bị đe dọa khẩn cấp. Bấy giờ, chưa có nhà máy thủy điện Hòa Bình, con đê sông Đáy kiên cố, sừng sững bao đời nhờ công sức của cha ông cũng trở nên bé nhỏ. thấp lùn, yếm thế . Lại thêm nhiều đoạn xung yếu, có tổ mối đục thủng phải nhanh chóng tu bổ. Lúc này, mọi người mới hiểu và thầm cám ơn, thầm cảm phục công sức cha ông xưa đắp đê biết bao. Tinh mạng của con đê liên quan đến tính mạng của dân hơn lúc nào hết. Lệnh phòng chống lũ lụt, bảo vệ đê điều liên tiếp được các đội thông tin vác loa đi đọc khắp các xóm thôn cả trong đêm mưa to gió lớn. Nhà nào cũng chuẩn bị những tải cát phòng đắp đê, những bè chuối phòng đê vỡ. Dân trong vùng bãi phải chuyển rời nhanh vào làng. Bộ đội trong công trường đặc công cũng chuyển hết ra làng trú. Nhiều chú bộ đội, thanh niên du kích được phân công giúp dân vùng bãi chưa kịp di dời.
Trong khi đó, bọn trẻ con trong làng rủ nhau ra bãi đi mót nhãn, bắt dế về xào ăn. Nhãn sai quả, còn sót nhiều chùm chín mọng. Dế thì ở đâumà nhiều thế. Nhiều con to béo leo lên, bám đầy cành dâu, thân cây . Chúng chỉ việc tóm gọn đầy tay rồi cho vào giỏ. Có đứa xâu dế thành xâu dài. Mải bắt dế, bọn chúng đã đi quá vào vùng nguy hiểm. Nước lũ sông Hồng đã tháo về vùng sông Đáy, đang dâng nhanh cuồn cuộn. Thằng Hưng liều lội thêm ra xa, ngập đến bụng thì bị lũ cuốn vào một hố sâu gần đó. Cả lũ vô cùng kinh hoàng khi chỉ còn nhìn thấy mấy cái tóc Hưng phất phơ. Nhanh như cắt, anh Sáng lớn nhất bọn và bơi rất giỏi bảo chúng bám tay nhau và bám chắc vào cây xoan to gần đấy làm trụ. Đứa khỏe nhất đứng ngoài tóm chặt chân anh Sáng. Anh nhoài người ra rất nhanh, tóm chặt được chỏm tóc ở đầu Hưng giật mạnh kéo vào. Chỉ chậm một tích tắc là Hưng bị cuốn xa hơn không thể vừa tầm tay. Thật hú vía! A Di Đà Phật!...Thằng Hưng được bế vào sâu trong chỗ nông rồi vắt ngược xuống. Nước chảy ồng ộc trong miệng nó. Nó bắt đầu ho sặc sụa... mặt tái xám không còn giọt máu. Cả bọn nhanh chóng quay về khu vực đình làng , thoát khỏi thế giới của Thủy Thần. Thằng Hưng lúc này mới tỉnh hẳn, bàng hoàng cả người. Phải đến mấy phút đứng lặng, nó mới bám theo anh Sáng về được. Mấy xâu dế mất hết, nhưng nó không còn tiếc nữa. Bọn chúng bước đi lẩy bẩy, bàn chân run rẩy vừa vì giẫm phải giun đất to xù đang bò lổm ngổm đầy dưới chân, vừa vì sợ hãi, vừa mệt gần như kiệt sức...Có lẽ, đây sẽ là kỉ niệm nhớ đời của chúng về sự thiếu hiểu biết với lũ lụt. Chúng nhìn về phía thằng Hưng xuýt chết, nước đã dâng cao đến 2m thân cây xoan. Chúng thầm cám ơn cây xoan đã trở thành vị cứu tinh của chúng. Cầu cho cây xoan đứng vừng và qua được nạn hồng thủy này!
Sau lần ấy, bọn chúng không trêu ghẹo anh Sáng vì mù chữ nữa ( do anh Sáng học dốt quá, lười học rồi bỏ từ lớp 1 rồi quên chữ) mà rất quý nể anh. Anh ấy lớn tuổi nhưng hay chơi thân với chúng, cầm đầu nhóm chăn trâu, cắt cỏ, bắt cua cá. Anh đã từng một lần nhảy xuống ao lò gạch của làng rộng và sâu như cái hồ cứu một đứa trẻ xuýt chết đuối. Chúng ao ước bơi giỏi như anh. Anh Sáng bảo chúng hôm nào đi chăn trâu ở sông, anh sẽ dạy cho chúng khu vực ven bờ và mấy anh lớn sẽ bảo vệ cho. Chúng thích lắm.
Sông Đáy mọi năm hiền hòa như dải lụa mà không ngờ năm nay hung hãn vô cùng. Đêm hôm đó, hình như nhà nào cũng thấp thỏm không ngủ được. Loa truyền thanh hoạt động liên tục, nhắc nhở, đôn đốc, kêu gọi bà con đùm bọc che chở nhau , giúp đỡ những gia đình bên bãi, giúp đỡ các đơn vị bộ đội nơi ăn chốn ở, bảo vệ tài sản nhà nước, tài sản nhân dân...Một số gia đình ngoài đê, xóm chợ không khẩn trương di dời đã bị mắc kẹt lại .Mấy thanh niên đang leo trên ngọn cây nhãn, mái ngói thấp ngập quá lưng chừng suốt cả một đêm, chết đói chết rét, run lẩy bẩy. Nước lụt vẫn dâng lên rất nhanh, đục ngầu, cuồn cuộn dữ dội. Thật không có sức mạnh nào bằng nước. Chả trách cha ông có câu “ Nhất thủy, nhì hỏa”. Những cây chuối tây, chuối tiêu bị lũ cuốn trôi lập lờ. Có cả những khúc gỗ, những cành củi lớn... Thật là cơ man biết bao thứ bị cuốn trôi , bị nhấn chìm...Không biết có con trâu, con lợn hoặc ai đó mà bị cuốn”...”? Nghĩ lại chiều hôm trước, bọn Thục Đông còn rùng rợn cả người. Bọn chúng đứng cả trên đê, giữa những đám người đen kịt đầy quang gánh, cuốc xẻng,...Mắt chúng nhìn trân trân về phía dòng lũ mênh mông, vẻ nghĩ ngợi...
Tiếng tù và, tiếng trống” thình...thình...”hòa cùng tiếng loa...tiếng bàn tán, hỏi han nhau huyên náo liên tiếp dội vào tai...tim chúng đập rộn lên” thình...thình...”

http://i0.upanh.com/2013/0816/11//57192534.lumientrung.jpg (http://i0.upanh.com/2013/0816/11//57192534.lumientrung.jpg)
( Ảnh minh họa)
Bỗng có tiếng hò hét rất to và đanh của các chú bộ đội...Thì ra ở bên ngoài đê vẫn còn mấy chú bộ đội đang làm việc cứu dân. Các chú dũng cảm quá! Các chú chiến đấu với thủy tinh chẳng khác nào như đứng trước trận tuyến chống quân thù. Các chú bám trên mấy cây nhãn già to xù xì nằm ven bờ ao tháp và con ngòi sâu trước đây ngay khu vực cổng chùa Ngọc và chợ G . Họ truyền cho nhau cầm chắc dây thừng dài, to thành cuộn tròn từ trên mặt đê xuống. Trên mái chùa Ngọc , một số chú bộ đội mắc kẹt trên đó do vào công trường chuyển nốt một số đồ quý giá của quân đội. Lũ về nhanh hơn tin cấp báo khiến các chú chuyển không kịp. Mấy anh thanh niên xóm chợ bám trên cây được ưu tiên cứu trước vì đang nguy hiểm nhất. Một anh sợ chết khiếp vì cành cây ngay bên cạnh trên phía đầu anh có con rắn to tướng như con trăn quấn ở đó. Mọi người bảo anh ngồi im. Dân làng sợ hãi đoán đó là rắn thần trong chùa hoặc trong đình làng. Trên nóc mái chùa, mấy con rắn to cũng bò lên quấn vào nóc xà...ngay cạnh mấy chú bộ đội.. các chú đang không biết làm thế nào. Mọi người sợ đến nghẹt thở. Dân kéo đến xem chật ních. Họ loay hoay bàn mách kế và bất lực...Ai cũng lo lắng, hồi hộp. Các chú bộ đội vẫn rất bình tĩnh, gan dạ và sáng suốt đến kì lạ. Các chú đang tìm cách nối dây, bắc cầu cho tốp ở dưới nước, chỗ hàng cây và mái chùa. Từ bờ đê ra cây nhãn thứ nhất phải đến 10 m. Đầu dây trên đê đã được một đoàn bộ đội và thanh niên giữ chặt làm điểm tựa chắc chắn. Một chú bộ đội bơi giỏi buộc dây thừng vào bụng thật chắc rồi xác định tọa độ nhoài người vào dòng nước chảy xiết. Mấy lần đầu đều bị trôi, không bắt được mục tiêu... Mọi người lại phải kéo chú vào bờ...mệt quá... người ướt hết. Trông chú thật vất vả và thật cảm phục ! Hai, ba chú khác tiếp tục xuống. Họ xác định lại thật chính xác tọa độ theo lực đẩy của nước lũ. Họ lợi dụng dòng nước từ trên nhoài đúng về chỗ cây nhãn đầu tiên... mọi người hô reo “ Cố lên ! Cố lên ! Được rồi! Hoan Hô...Bộ đội giỏi quá!...”
Nhưng, đó mới là mục tiêu thứ nhất. Mục tiêu thứ hai quan trọng nhất là phải chuyền dây thừng sang được cây nhãn to thứ hai cách 5m vào phía trong. Đây là khu vực dòng chảy cực kì nguy hiểm và hung hãn vì thuộc khu vực cống khẩu trước đây. Phía dưới vốn là con ngòi đào sâu dẫn nước các nơi về sông . Ở khu vực đó, những dòng xoáy tròn sâu hoắm kêu” ục...ục..” như vòi rồng sẵn sàng nhấn chím và cuốn trôi tất cả xuống thủy cung. Đó thực sự là cửa tử.
Con rắn ở gần anh thanh niên bắt đầu cựa quậy, tìm lối sang cành cây chỗ anh ta. Anh sợ quá... mọi người sợ thót tim...Bỗng một chú bộ đội quát lớn:
-Nằm im... không được nhúc nhích... Để yên cho tôi bắn!...
Anh xin ý kiến. mọi người trên đê đều tán thành. Nguy hiểm quá ! Mọi người lo lắng...hồi hộp...chỉ sợ anh bắn trượt hoặc bắn nhầm vào anh thanh niên!...Cầu mong cho chú bắn chính xác!..
-Đoành!
Có tiếng reo “ Trúng rồi!”
Một tiếng súng nổ duy nhất đanh gọn. Con rắn trúng đạn đúng đầu rơi tõm xuống nước trôi đi. Thế là số phận con rắn hổ mang chúa cực độc đã kết thúc. Tính mạng anh thanh niên đã được an toàn, chỉ còn lo bị dòng lũ đe dọa. Lúc này, nhân dân trên đê đều hô reo vui sướng:
-Hoan hô chú bộ đội bắn giỏi quá! Chú bắn con rắn ngang lập công bắn bọn giặc Mỹ đấy. Các chú bộ đội cứu dân muôn năm!...
Dường như tình cảm của nhân dân và đồng đội trên đê đã tiếp sức cho các chú rất nhiều để vượt qua cửa tử.
Đến lượt các chú vượt qua khu vực dòng xoáy mạnh nhất. Trông các chú nhảy xuống để lao sang cây bên kia tưởng chừng như mất hút. Khi thấy đầu chú ngoi lên , mọi người mới lại mừng. Dây thừng tốt thật! Dây mà không chắc ,chẳng may bị tuột , đứt thì tính mạng các chú nguy mất. Các chú thay nhau lấy sức lao nhanh vượt qua dòng nước xoáy. Ở cây bên kia có các chú chờ kéo lên...Lần lượt những người dân ở đây đã được đưa lên bờ an toàn. Họ cũng phải hai, ba lần uống no nước chìm nghỉm trong lũ. Khi được các chú bộ đội buộc dây sẵn kéo lên trông ai cũng như sắp chết đuối. Mọi người mừng cho họ đã được đưa lên đê. Cuối cùng, các chú bộ đội trên mái chùa cũng được đưa lên bờ đê an toàn cũng như bao đồ bọc ni lông to tướng. Suốt cả một ngày cật lực, các chú bộ đội đã làm việc đến quên cả thân mình cứu dân thoát nạn. Nhân dân vô cùng yêu mến, khâm phục các chú bộ đội. Đúng là bộ đội Cụ Hồ” Đi dân nhớ, ở dân thương”. Ở quê đã có không ít những mối tình đẹp đẽ , không ít những cô gái đẹp đã yêu và lấy các chú . Thục Đông biết ,trong các chú giúp dân đợt đó, có chú Quang , chú Ngọc vẫn hay vào nhà mình chơi mãi khuya mới về khi Phượng còn chưa đi bộ đội (Phượng là con nhà Dì- mồ côi cha mẹ và mấy chị em Phượng- Hưng ở với mẹ con nhà Thục Đông. Phượng đã 18tuổi- đẹp nhất vùng- như diễn viên Trà Giang). Phượng yêu chú Quang nhất. Nghe đâu chú ấy quê ở vùng quan họ Bắc Ninh. Thỉnh thoảng, các chú vẫn vào thăm nom , hỏi tin tức về Phượng , viết thư cho Phượng và hẹn sẽ gặp nhau ở Trường Sơn.( Sau khóa đào tạo ấy, các chú lần lượt vào nam hết. Thỉnh thoảng, họ lại gửi thư về rất thắm thiết. Rồi...chú Quang hy sinh ... mọi người đều rất tiếc thương, nhớ mãi giọng nói, nụ cười, cử chỉ, ánh mắt và dáng hình thân thương của chú khi còn đóng quân nơi đây).
Chỉ sau hai ngày, lũ đã dâng cao trắng xóa, chỉ còn nhìn rõ những nóc nhà, ngọn tre cao nhất. Toàn bộ vùng bãi thành địa phận của dòng lũ trôi băng băng về phía nam. Không biết ở những vùng dưới đó, tình hình ra sao? Thục Đông nhớ tới chị Thảo đang ở Cầu Tế Tiêu, Mĩ Đức thực tập và lo cho chị quá!
Sau ba ngày, lũ đã cao mấp mé mặt đê. Chỗ thấp chỉ còn cách khoảng 70 cm. Ngồi trên đê, bọn trẻ có thể khua chân dưới nước. Những chỗ thấp đã được đóng cọc, đắp ụ bằng thân cây chuối, bao cát, kè đá to. Tất cả mọi phương tiện, lực lượng phòng vỡ đê thay nhau túc trực suốt ngày đêm.
Nhìn về phía trong làng rợp bóng dừa và cánh đồng xanh tốt mà thấy vẫn còn yên ả, đầm ấm . Sự sống đó đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi lũ ngoài đê. Con đê ngoằn ngoèo tưởng chừng là cao và kiên cố là thế đang bị đứng trước cơn hồng thủy khổng lồ với sức tàn phá kinh khủng đang xô mạnh, đánh vào bờ đê “ oàm...oạp...”...Những dòng xoáy như con rồng nước đang cố sức chọc thủng đê. Con đê như oằn lên, rung lên ...Dẫu sao, con đê vẫn chưa bị sạt lở, chưa bị chọc thủng và dẻo dai, kiên cường chống đỡ bằng tất cả phép màu của nó. Có đứng chứng kiến cảnh tượng này, ta mới thấu hiểu cha ông ta đã rất cần cù, thông mình, đoàn kết và anh dũng biết nhường nào! Thục Đông chợt nghĩ đến chuyện lụt năm 1945...một số tên quan hồi đó đã bỏ rơi dân, ăn chơi sa đọa làm vỡ đê. Khắp đồng bằng sồng Hồng bấy giờ ngập trong biển nước, chết bao nhiêu người, mùa màng đói kém, dịch bệnh hoành hành...Tội của họ biết để đâu cho hết !
Thật may mắn, sau mấy hôm, không thấy lũ dâng hơn. Lũ đứng lại, rút dần rồi hết. Trời bắt đầu nắng ấm. Máy bay trực thăng tới tấp đi tiếp viện cho đồng bào vùng lũ lụt. Mấy chiếc ca nô, xuồng máy được đem đến, đi lại liên tục chở khách, chở dân và bộ đội đi làm việc, công tác qua sông.
Lụt rút hết, để lại cả một vùng đã đi qua như một bãi chiến trường đầy bùn đọng, xác động thực vật chết thối...Cây cối bị đổ, ngả nghiêng... Nhiều cây nhãn, cây xoan, cây sưa... vẫn hiên ngang trụ vững. Bãi mía, bãi dâu có sức sống thật dẻo dai. Nhiều cây vẫn còn tươi nguyên, chỉ tội bị lấm đầy bùn.
Chỉ sau vài tháng, cả vùng bãi lại trở về với màu xanh thân thuộc ôm lấy dòng sông. Dòng sông Đáy lại trở nên bé nhỏ, hiền hòa, êm ả trôi qua những hàng tre nghiêng bóng, những bãi mía, bãi điền thanh bên bờ cát mịn. Đất bãi như được bồi thêm một lớp phù sa màu mỡ. Đó là ân huệ duy nhất mà trận lụt để lại.