PDA

Xem phiên bản đầy đủ : Ngọc Châu giới thiệu phần 3&4 tập 108 bài thơ Đường chọn lọc- Nguyễn Đình Nhân dịch



Ngọc Châu
26-11-2013, 08:54 PM
Ngọc Châu giới thiệu phần 3& 4 tập
"108 BÀI THƠ ĐƯỜNG CHỌN DỊCH"

(Dịch giả Phạm Đình Nhân là Chủ tịch Quỹ Giải thưởng Phạm Thận Duật, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm UNESCO Thông tin tư liệu LS&VHVN, hiện ở 110 Ngõ 158 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội
Năm nay bác đã trên 80 tuổi, thuộc vào lớp người "xưa nay hiếm". Hiếm vì là nhà thơ cao tuổi đã đành, nhưng hiếm nhất chính là vi bác thông hiểu Hán tự. Lớp người như bác đúng là càng ngày càng ít đi đối với đất nước chúng ta hiện nay. Vậy nên khi nhận được tập "108 BÀI THƠ ĐƯỜNG CHỌN DỊCH" của bác gửi tặng tôi nghĩ mình có trách nhiệm phải giới thiệu càng rộng rãi càng tốt tới mọi người yêu thơ - nhất là với những người yêu thích thơ luật Đường (TLĐ), hiện đang sinh hoạt ở rất nhiều Câu lạc bộ TLĐ trên toàn quốc. Cũng là góp phần nhỏ vào việc lưu giữ cho thế hệ sau một tài liệu tham khảo cho kho tàng thơ Đường thu thập được từ trước đến nay.
Tập thơ gồm 108 bài thơ chọn dịch, chia làm hai phần.
Phần thứ nhất gồm 50 bài thơ Đường của 30 nhà thơ Trung quốc xếp theo vần A-B-C, phần thứ hai gồm 58 bài thơ chữ Hán của 36 nhà thơ Việt Nam xếp theo thời gian.
Tuy Ngọc Châu có được học 6 năm Trung văn ở trường phổ thông nhưng từ ngày ấy đến nay ít dùng, tri thức về Hán học rất hạn chế nên chỉ mong muốn được giới thiệu tới nhiều độc giả mà không dám luận bình gì về các bản dịch. Phần này xin giành cho người đọc có những phẩm bình sau khi đọc tác phẩm thơ của dịch giả Phạm Đình Nhân (mail của bác Nhân: (phdinhnhan@gmail.com ), điện thoai: 04.37221708 – 0987552467
Do dung lượng tập thơ khá dài nên mỗi lần chỉ giới thiệu từ 1 đến 2 tác giả, Ngọc Châu cũng mạn phép làm theo người xưa là góp thêm một số bản dịch của mình chỉ để cho sự cảm nhận bài thơ nguyên tác được phong phú hơn mà thôi.)
(Tiếp phần 3)


6. ĐỚI THÚC LUÂN
(732 – 789)

Đới Thúc Luân hiệu là Âu Công, quê Kim Đàn, Nhuận Châu, tỉnh Giang Tô. Làm Chủ vận tại Hồ nam, Tiết độ sứ ở Kiếm Nam, Giang Tây. Sau được phong tước Tiều Huyện nam, cử làm Thứ sử Phủ Châu, rồi được thăng làm Dong quản Tiết độ sứ, nổi tiếng về việc phủ dụ dân Mường, Mán. Về sau ông từ quan về làm đạo sĩ.

15. PHÙNG NHẬP KINH SỨ
Nguyên tác : 逢 入 京 使
故 園 東 望 路 谩 谩
雙 袖 龍 鍾 淚 不 乾
馬 上 相 逢 無 紙 筆
憑 君 傳 語 報 平 安


Phiên âm : Phùng nhập kinh sứ
Cố viên đông vọng lộ man man,
Song tụ long chung lệ bất can.
Mã thượng tương phùng vô chỉ bút,
Bằng quân truyền ngữ báo bình an.
Dịch thơ :
Gặp sứ giả vào kinh

Phạm Đình Nhân
Dịch 2007

Cố hương đường xá quá gian nan,
Áo ướt lệ rơi chẳng thể khoan.
Lưng ngựa gặp nhau không giấy bút,
Nhắn rằng tôi vẫn được bình an.

Thượng kinh sứ giả gặp người

Ngọc Châu
Dịch 2013

Cố hương đường xá gian nan
Lệ rơi áo ướt dám màng nghỉ ngơi
Không giấy bút lúc gặp người
Nhắn mồm, tôi vẫn ơn trời bình an

7. ĐƯỜNG MINH HOÀNG
(685 – 761)

Đường Minh Hoàng tức vua Đường Huyền Tông đời nhà Đường, tên thật là Lý Long Cơ, con thứ ba vua Đường Duệ Tông, cháu của Võ Tắc Thiên. Làm vua từ năm 713 đến năm 756 qua hai niên hiệu Khai Nguyên và Thiên Bảo. Do tin dùng Lý Lâm Phủ và sủng ái Dương Quý Phi nên đưa đến loạn An Lộc Sơn, phải dời sang đất Thục, truyền ngôi cho thái tử lên là Đường Túc Tông. Về cuối đời Minh Hoàng sống rất cô đơn vì bị cách ly với những người thân cận. Bài thơ Trường hận ca của Bạch Cư Dị được lưu truyền lâu dài đã nói lên cuộc tình diễm lệ của Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi.
16. KINH LỖ TẾ KHỔNG TỬ NHI
THÁN CHI
Nguyên tác :魯祭孔子而歎之
夫 子 何 為 者
栖 栖 一 代 中
地 猶 鄹 氏 邑
宅 卽 鲁 王 宮
歎 鳳 嗟 身 否
傷 麟 怨 道 窮
今 看 兩 楹 奠
當 與 夢 時 同
Phiên âm :Kinh Lỗ tế Khổng tử nhi thán chi
Phu tử hà vi giả,
Thê thê nhất đại trung.
Địa do Châu thị ấp ,
Trạch tức Lỗ Vương cung .
Thán phụng ta thân bĩ ,
Thương lân oán đạo cùng.
Kim khan lưỡng doanh điện,
Đương dữ mộng thời đồng.
Dịch thơ :
Cảm than khi qua nước Lỗ
tế Khổng tử
Phạm Đình Nhân
Dịch 2008
Khổng tử đã làm gì,
Cả đời đi cùng khắp
Quê hương Châu thị ấp ,
Nhà định xây Lỗ cung .
Phượng than thân khôn cùng
Lân đau đạo mất thôi.
Nay xem hai miếu điện,
Thật như chiêm bao rồi.
Ngọc Châu
Dịch 2013

Khổng Tử xưa làm những gì
Cả đời bôn trải tỉnh quê trăm miền
Quê hương Châu thị ấp quen
Lỗ cung xưa định xây trên đất nhà
Phượng thở than chẳng an hòa
Lân đau oán việc đạo ra đứng đường
Nay xem hai miếu tỏ tường
Thật mà cứ tưởng mình đương ngủ vùi.

8. GIẢ CHÍ
(718-772)
Tên tự Ấu Lâm , người Lạc Dương.
17. XUÂN TỨ
Nguyên tác : 春 思
草 色 清 清 柳 色 黄
桃 花 歷 亂 李 花 香
東 風 不 為 吹 愁 去
春 日 偏 能 惹 恨 長
Phiên âm : Xuân tứ
Thảo sắc thanh thanh liễu sắc hoàng,
Đào hoa lịch loạn, lý hoa hương,
Đông phong bất vị xuy sầu khứ,
Xuân nhật thiên năng nhạ hận trường.
Dịch thơ :
Ý xuân
Phạm Đình Nhân
Dịch 2007
Cây cỏ xanh tươi, liễu sắc vàng
Đào hoa tơi tả, mận đưa hương.
Gió đông không thổi sầu đi khỏi,
Xuân đến càng thêm nỗi hận trường.

Ý xuân
Ngọc Châu
Dịch 2013

Liễu vàng, cây cỏ xanh xanh
Hoa đào tan tác mận dành chút hương
Gió chưa tiễn sầu lên đường
Xuân về khiến nỗi hận trường thêm sâu.


9. GIẢ ĐẢO
(793 – 865)

Giả Đảo tên chữ là Lăng Tiên, hiệu là Kiệt Thạch sơn nhân, quê ở Phạm Dương, tỉnh Hà Bắc. Ông đi thi nhiều lần không đỗ. Xuất gia đi tu tại Lạc Dương, pháp danh là Vô Bản. Sau một thời gian tu tại chùa Thanh Long ở Trường An, Giả Đảo nghe lời khuyên của Hàn Dũ, ông phá giới, mặc áo nho sinh. Ông hay làm thơ ta thán và bài bác. Vì làm thơ chỉ trích Tể tướng (năm 821, đời Đường Mục tông), nên bị giáng chức.

18. ĐỘ TANG CÀN
Nguyên tác : 渡 桑 乾
客 舍 并 州 已 十 霜
歸 心 日 夜 億 咸 陽
無 端 更 渡 桑 乾 水
卻 望 并 州 是 故 鄉

Phiên âm : Độ Tang Càn
Khách xá Tinh Châu dĩ thập sương,
Qui tâm nhất dạ ức Hàm Dương .
Vô đoan cánh độ Tang Càn thuỷ,
Khước vọng Tinh Châu thị cố hương.
Dịch thơ :
Qua sông Tang Càn
Phạm Đình Nhân
Dịch 2006

Ở trọ Tinh Châu đã chục sương,
Hàm Dương ngày nhớ lại đêm thương.
Bỗng nhiên qua lại Tang Càn nhỉ,
Mong ước Tinh Châu là cố hương.

Tình cờ vượt sông Tang Càn
Ngọc Châu
Dịch 2013
Tinh Châu ở trọ chục năm
Hàm Dương ngày nhớ đêm nằm lại mong
Qua Tang Càn chẳng đợi trông
Tinh Châu giờ ước trong lòng cố hương

10. HÀN DŨ
(768-824)
Hàn Dũ có tên tự là Thoái Chi, sinh quán ở Nam Dương nay thuộc tỉnh Hồ Bắc. Tổ phụ là người huyện Xương Lê, nên ông thường tự xưng là Hàn Xương Lê. Ông được xếp vào những tác gia của Trung Ðường. Mồ côi cha mẹ từ năm ba tuổi, rất thông minh, hai mươi bốn tuổi đỗ tiến sĩ. Bắt đầu bằng chức Thôi quan cho các Tiết độ sứ, rồi được thăng lên Ngự sử, rồi giữ chức Quốc tử giám Bác sĩ.
Hàn Dũ viết bài Gián nghênh Phật cốt biểu (còn gọi là Luận Phật cốt biểu) dâng lên can gián Hiến Tông, lời lẽ rất đanh thép, cứng rắn, làm cho Hiến Tông vô cùng thịnh nộ, đã định đem ông ra chém. May nhờ có nhiều người can gián ông mới thoát chết, chỉ bị đày đến Triều Châu, thuộc Quảng Tây ngày nay. Ðây cũng chính là nơi ông để lại bài Tả thiên chí Lam Quan thị điệt tôn Tương và bài Tế ngạc ngư văn nổi tiếng. Bài Tế ngạc ngư văn đã khiến ông được Hiến Tông phục chức cho trở lại kinh đô giữ chức Quốc tử giám Tế tửu, sau đó được thăng chức Binh bộ Thị lang.

19. TẢ THIÊN CHÍ LAM QUAN,
THỊ ĐIỆT TÔN TƯƠNG

Nguyên tác : 左 遷 至 藍 關
示 姪 蓀 孫 湘
一 封 朝 奏 九 重 天
夕 貶 潮 州 路 八 千
本 為 聖 朝 除 弊 事
感 將 衰 朽 惜 残 殘
雲 橫 秦 嶺 家 何 在
雪 擁 藍 關 馬 不 前
知 汝 遠 來 應 有 意
好 收 吾 骨 瘴 江 邊


Phiên âm : Tả thiên chí Lam Quan,
thị điệt tôn Tương
Nhất phong triêu tấu cửu trùng thiên,
Tịch hiếm Trào châu lộ bát thiên.
Bản vị thánh triều trừ tệ sự.
Cảm tương suy hủ tích tàn niên?
Vân hoành Tân lĩnh, gia hà tại.
Tuyết ủng Lam Quan, mã bất tiền!
Tri nhữ viễn lai ưng hữu ý,
Hảo thu ngô cốt chướng giang biên.
Dịch thơ :
Bị đi đầy dến ải Lam Quan, nhắn gửi cháu Tương
Phạm Đình Nhân
Dịch 2007

Sớm còn khuyên giúp vua hiền,
Chiều đầy xa xứ tới miền Triều Châu.
Vì vua ngăn nạn mọt sâu,
Thương thay thân đã mái đầu hoa râm.
Nhà đâu dưới áng mây Tần ?
Lam Quan tuyết lạnh, bước chân ngựa chùn
Từ xa, cháu nhớ cho tường,
Ven sông cố nhặt nắm xương ta về.

Đầy ải Lam Quan, nhắn cháu Tương
Ngọc Châu
Dịch 2013

Buổi sớm còn khuyên giúp chúa hiền
Triều Châu đầy ải tối qua miền
Những mong ngôi báu không sâu mọt
Cảm thán thân tàn đã lão niên
Tân Lĩnh mây chiều nhà nóc khuất
Lam Quan tuyết lạnh ngựa chân mềm
Xa xôi điệt nữ ơi, mong cháu
Lượm nắm xương tàn cõi viễn biên

(Tiếp phần 4)


11. HẠ TRI CHƯƠNG
(659 – 744)

Hạ Tri Chương, tự là Qui Chân. Quê ở Vĩnh Hưng, Việt Châu, tỉnh Quảng Đông. Ông giỏi thơ văn, diễn thuyết, đàm luận. Ông là bạn thân của Lý Bạch. Đỗ tiến sĩ năm 684 đời Đường Trung Tông được bổ làm Thái thường Bác sĩ. Thời Khai Nguyên đời Đường Huyền Tông, ông làm Thị lang Bộ Lễ kiêm Tập Hiền viện Học sĩ, sau là Thái tử tân khách rổi Bí thư giám. Đầu đời Thiên Bảo, ông xin từ quan về làm đạo sĩ.

20. HỒI HƯƠNG NGẪU THƯ
Nguyên tác : 回 鄕 偶 書
少 小 離 家 老 大 回
乡 音 無 改 鬢 毛 推
兒 童 相 見 不 相 識
笑 问 客 從 何 處 来

Phiên âm : Hồi hương ngẫu thư
Thiếu tiểu ly gia lão đại hồi,
Hương âm vô cải mấn mao tồi .
Nhi đồng tương kiến bất tương thức,
Tiếu vấn khách tòng hà xứ lai.

Ngẫu hứng viết khi về làng

Phạm Đình Nhân
Dịch 2006
Còn bé đi xa, về đã già
Giọng quê không đổi, tóc phôi pha.
Trẻ con nhìn mãi mà không biết,
Cười hỏi khách từ đâu đến ta.

Ngẫu hứng khi về quê
Ngọc Châu
Dịch 2013
Xa làng từ lúc bé thơ
Giọng quê không đổi, tóc giờ phôi pha
Lũ trẻ hỏi "người đâu ta?"
Chúng nhìn mãi chẳng nhận ra người làng

12. HOÀNG SÀO
(?–884),
Hoàng Sào, người Sơn Đông, là một lãnh tụ khởi nghĩa nông dân nổi tiếng trong thời kỳ cuối Đường. Hoàng Sào xuất thân từ gia đình thương nhân, giao thiệp rộng, thích làm việc nhân nghĩa, giỏi võ nghệ. Vào thời kỳ cuối Đường, phong trào nông dân khởi nghĩa chống giai cấp phong kiến nổi lên ở nhiều nơi. Năm 874, Vương Tiên Chi lãnh đạo nông dân ở Sơn Đông nổi dậy. Năm 875, Hoàng Sào đem quân do ông chiêu tập tham gia phong trào của Vương Tiên Chi. Nhân dân vùng hạ lưu sông Hoàng Hà tham gia khởi nghĩa rất đông. Năm 878, Vương Tiên Chi chết, ông tự xưng là "Xung thiên đại tướng quân".
Năm 881, nghĩa quân của Hoàng Sào tiến vào kinh đô Trường An, vua Đường Hi Tông phải bỏ chạy sang Thành Đô, Tứ Xuyên. Hoàng Sào lên ngôi hoàng đế, đặt tên nước là Đại Tề và niên hiệu là Kim Thống.
Nhưng chính quyền chưa kịp củng cố thì đã chia rẽ. Quân đội nhà Đường, tấn công chiếm lại Trường An.
Năm 883, Hoàng Sào phải bỏ Trường An, Tháng Sáu năm 884, Hoàng Sào tự sát tại Lang Hổ cốc (gần Lai Vu, tỉnh Sơn Đông ngày nay). Không chỉ có tài võ, Hoàng Sào còn là một nhà thơ. Bài thơ nổi tiếng nhất của ông còn lưu lại trong tập thơ Đường chính là bài "Đề cúc hoa":

21. ĐỀ CÚC HOA

Nguyên tác: 题 菊 花
颯 颯 西 風 滿 園 栽
蕊 寒 香 冷 蝶 難 来
他 年 我 若 為 青 帝
報 與 桃 花 一 處 開


Phiên âm: Đề cúc hoa
Táp táp tây phong mãn viên tài,
Nhị hàn hương lãnh điệp nan lai.
Tha niên ngã nhược vi Thanh Đế,
Báo dữ đào hoa nhất xứ khai.

Dịch thơ:

Đề hoa cúc
Phạm Đình Nhân
Dịch 2006

1. Đầy vườn man mác gió tây,
Hương hoa lạnh lẽo, bướm bay lượn vòng.
Nếu là Thanh Đế sang năm,
Lệnh truyền đào nở tưng bừng khắp nơi.

2. Xao xác đầy vườn ngập gió tây
Nhụy hoa hương lạnh bướm khôn bay
Xuân sang năm tới ta làm chúa
Lệnh nở hoa đào khắp chốn đây

Nói cùng hoa cúc
Ngọc Châu
Dịch 2013

Gió tây xao xác lá trong vườn
Bướm ngại bay, hoa cũng lạnh hương
Sang năm Thanh Đế lên ngôi báu
Sẽ lệnh cho đào nở muôn phương


13. LƯU TRÙNG KHANH

Lưu Trùng Khanh tự là Vân Phong, quê ở Hà Gian, tỉnh Hà Bắc. Đỗ tiến sĩ năm 733 thời Khai Nguyên đời vua Đường Huyền Tông. Đến đời Đường Đức Tông làm Giám sát Ngự sử sau đổi sang Tư bộ viên ngoại lang, Chuyển vận sứ phán quan. Vì tính tình ngay thẳng, ông bị vu oan nên bị giam ở ngục Cô Tô rồi bị hạ làm chức Úy tại Nam Ba, Phân Châu. Sau được đổi làm Tư mã Mục Châu và cuối cùng làm Thứ sử Tuỳ Châu.

22. TỐNG LINH TRIỆT
Nguyên tác : 送 靈 澈
蒼 蒼 竹 林 寺
杳 杳 鐘 聲 聞
苛 笠 帯 斜 陽
青 山 独 归 远

Phiên âm : Tống Linh Triệt
Thương thương Trúc Lâm tự,
Yểu yểu chung thanh văn.
Hạ lạp đới tà dương,
Thanh sơn độc quy viễn
Dịch thơ :

Tiễn Linh Triệt thiền sư
Phạm Đình Nhân
Dịch 2006
Chùa Trúc Lâm xanh xanh,
Nghe chuông chùa mông mênh.
Nón nghiêng dưới nắng tà,
Một mình về núi xanh.

Tiễn thiền sư Linh Triệt
Ngọc Châu
Dịch 2013
Ngôi chùa Trúc Lâm xanh xanh
Chuông đang thả tiếng mông mênh gọi chiều
Nắng tà người chắn nón xiêu
Một mình về hướng núi chiều lam xanh


14. LƯU VŨ TÍCH
(772 – 842)

Lưu Vũ Tích tự là Mông Đắc, quê huyện Bành Thành, tỉnh Giang Tô. Thời Trinh Nguyên đời Đường Đức Tông, ông đỗ tiến sĩ. Được cử làm Giám sát Ngự sử. Thời kỳ Vương Thúc Vân cầm quyền, ông được trọng dụng, lúc Vương Thúc Vân bị bãi chức ông bị hạ làm Tư mã Lang Châu. Ít lâu sau được triệu hồi về, nhưng vì làm thơ chỉ trích đại thần, nên bị Đường Hiến Tông hạ chức đưa đi Ba Châu, sau được đổi sang Liên Châu. Sau hơn 14 năm ở ngoài, được về triều làm Chủ khách lang trung, Tập hiền viện Học sĩ. Rồi lại làm thơ chỉ trích triều chính, nên lại bị hạ chức đưa đi làm Thứ sử Tô Châu, rồi Nhữ Châu. Sau về triều làm chức Thái tử tân khách. Đời Đường Vũ Tông được phong Thượng thư bộ Lễ. Ông là bạn thân của Bạch Cư Dị.

23. TÂY TÁI SƠN HOÀI CỔ

Nguyên tác: 西 塞 山 懷 古
王 濬 樓 船 下 益 州
金 陵 王 氣 黯 然 敨
千 尋 鐵 鎖 沉 江 底
一 片 降 旛 出 石 頭
人 世 幾 回 傷 往 事
山 形 依 舊 沈 寒 流
從 今 四 海 為 家 日
故 壘 蕭 蕭 蘆 荻 秋

Phiên âm : Tây Tái Sơn hoài cổ

Vương Tuấn lâu thuyền há Ích Châu,
Kim Lăng vương khí ám nhiên thâu.
Thiên tầm thiết toả trầm giang để,
Nhất phiến hàng phan xuất Thạch Đầu.
Nhân thế kỷ hồi thương vãng sự,
Sơn hình y cựu trầm hàn lưu.
Tòng kim tứ hải vi gia nhật,
Cố luỹ tiêu tiêu lô địch thu.

Dịch thơ :

Nhớ núi Tây Tái xưa
Phạm Đình Nhân
Dịch 2006

Vương Tuấn đưa thuyền tự Ích Châu,
Kim Lăng vương khí quyết tâm sâu.
Đáy sông xích sắt tan chìm hết,
Cờ trắng lộ bay khắp Thạch Đầu.
Cõi thế sự, ai thương chuyện cũ,
Núi như xưa, cũng lạnh sông sâu.
Từ nay bốn bể xem như một,
Thành cũ tiêu điều thu lách lau.

Nhớ núi xưa Tây Tái
Ngọc Châu
Dịch 2013
Ích Châu, Vương Tuấn đưa thuyền
Kim Lăng ngạo khí lan truyền tâm trung
Xích sắt đáy sông phá tung
Thạch Đầu cờ trắng khắp vùng gió bay
Chuyện cũ ai thương xót ngày
Sông xưa núi ấy giờ đây lạnh sầu
Bốn bể quy về một đầu.
Tiêu điều thành cũ lách lau thu tàn

24. THẠCH ĐẦU THÀNH
Nguyên tác : 石 頭 城
山 圍 故 國 周 遭 在
潮 打 空 城 寂 寞 回
淮 水 東 邊 舊 時 月
夜 深 還 過 叙 牆 来
Phiên âm : Thạch Đầu thành
Sơn vi cố quốc chu tao tại,
Triều đả không thành tịch mịch hồi.
Hoài thuỷ đông biên cựu thời nguyệt,
Dạ thâm hoàn quá tự tường lai.

Dịch thơ :

Thành Thạch Đầu
Phạm Đình Nhân
Dịch 2007

Núi vây bốn phía nước non xưa,
Sóng vỗ thành không, nhịp sớm trưa,
Hoài thuỷ ven đông trăng vẫn chiếu
Qua tường thành cũ giữa đêm khuya.

Thành Thạch Đầu
Ngọc Châu
Dịch 2013
Núi bao bốn phía đất xưa
Thành hoang sóng vỗ nhịp trưa đến chiều
Đông Hoài thủy trăng chiếu đều
Qua tường thành cũ xanh rều đêm khuya.

25. XUÂN TỪ

Nguyên tác : 春 詞
新 粧 宜 面 下 朱 樓
深 鎖 春 光 一 院 愁
行 到 中 庭 數 花 朵
蜻 蜓 飛 上 玉 搔 頭
Phiên âm : Xuân từ
Tân trang nghi diện hạ châu lâu,
Thâm toả xuân quang nhất viện sầu.
Hành đáo trung đình sổ hoa đoá,
Tinh đình phi thướng ngọc tao đầu.


Dịch thơ :

Lời mùa xuân
Phạm Đình Nhân
Dịch 2007


Lời Xuân
Ngọc Châu
Dịch 2013
Trang điểm xong, nàng mới xuống lầu,
Ánh xuân khóa kín vẻ u sầu,
Trong sân nàng đếm bông hoa nở,
Chuồn đậu trên trâm ngọc dắt đầu

15. LÝ BẠCH
(701 – 762)

Lý Bạch , nhà thơ nổi tiếng đời Đường (Trung Quốc) sinh tại Tây Vực. Ông nổi tiếng thông minh, hào hiệp. Sống đời nhàn tản ngao du thiên hạ. Đến năm 40 tuổi mới đến kinh đô Trường An, được phong làm Học sĩ tại Viện Hàn Lâm. Sau khi Lý Bạch mất (năm 702), người ta thu thập thơ của ông thấy rằng trong số 2 vạn bài thơ ông làm khi sinh thời, chỉ còn rất ít. Đến đời Tống, năm 1080, Tống Mãn Cầu góp lại được 1800 bài soạn thành Lý Bạch thi tập gồm 30 quyển.


26. OÁN TÌNH
Nguyên tác : 怨 情
渼 人 捲 珠 簾
深 坐 顰 蛾 眉
但 見 淚 痕 濕
不 知 心 恨 誰
Phiên âm : Oán tình
Mỹ nhân quyện châu liêm,
Thâm tọa, tần nga mi.
Đản kiến lệ ngân thấp,
Bất tri tâm hận thùy.
Dịch thơ :

Hận tình
Phạm Đình Nhân
Dịch 2004

Mỹ nhân vừa vén rèm châu,
Chau mày ngồi đó rất lâu nghĩ gì.
Lệ buồn thấm ướt đầm mi,
Biết chăng lòng hận nỗi gì hỡi ai?

Tình hận

Ngọc Châu
Dịch 2013
Mĩ nhân vén rèm ngọc
Chau mày ngồi buồn sâu
Hàng mi lệ thấm ướt
Hận gì khiến lòng sầu?

27. TÔ ĐÀI LÃM CỔ (1)
Nguyên tác : 苏 臺 覽 古
舊 苑 荒 臺 楊 柳 新
崚 照 清 倡 不 胜 春
至 今 唯 有 西 江 月
曾 炤 吳 王 宮 理 人
Phiên âm : Tô Đài lãm cổ
Cựu uyển, hoang đài dương liễu tân,
Lăng ca thanh xướng bất thăng xuân
Chí kim duy hữu Tây Giang nguyệt,
Tằng chiếu Ngô vương cung lý nhân.

Dịch thơ :
Thăm đài Cô Tô cũ
Phạm Đình Nhân
Dịch 2005

Vườn xưa, đài vắng, liễu ngân,
Lăng ca giọng hát khúc xuân đâu còn
Chỉ còn bóng nguyệt Tây Giang,
Từng soi mỹ nữ cung tàn Ngô vương.

Thăm đài Cô Tô xưa
Ngọc Châu
Dịch 2013

Đài vắng, vườn xưa liễu vẫn ngân
Không còn những khúc lãng ca xuân
Tây Giang nguyệt cũ đang in bóng
Rọi dáng xưa Ngô Vương cung tần

28. SƠN TRUNG VẤN ĐÁP

Nguyên tác : 山 中 問 答
問 余 何 事 棲 碧 山
笑 而 不 答 心 自 閑
桃 花 流 水 杳 然 去
別 有 天 地 非 人 間
Phiên âm : Sơn trung vấn đáp
Vấn dư hà sự thê bích san,
Tiếu nhi bất đáp tâm tự nhàn.
Đào hoa lưu thủy yểu nhiên khứ,
Biệt hữu thiên địa phi nhân gian.

Dịch thơ :
Hỏi đáp trong núi
Phạm Đình Nhân
Dịch 2004

Cớ sao vào núi nghỉ ngơi,
Nhàn tâm, ta chỉ mỉm cười lặng im.
Hoa trôi, nước chảy tự nhiên,
Không người trần thế, ta riêng đất trời.

Hỏi nhau trong núi
Ngọc Châu
Dịch 2013

Người hỡi sao vào núi nghỉ ngơi
Nhàn tâm, ta lặng để môi cười
Hoa trôi nước chảy cùng năm tháng
Trần thế chỉ ta với đất trời

29. VIỆT TRUNG LÃM CỔ
Nguyên tác : 越 中 覽 古
越 王 勾 践 破 呉 歸
義 士 還 家 盡 錦 衣
宮 女 如 花 滿 春 殿
只 今 唯 有 鷓 鴣 飛

Phiên âm : Việt trung lãm cổ
Việt vương Câu Tiễn phá Ngô quy,
Nghĩa sĩ hoàn gia tận cẩm y,
Cung nữ như hoa mãn xuân điện,
Chỉ kim duy hữu giá cô phi.

Dịch thơ :

Thăm nước Việt xưa
Phạm Đình Nhân
Dịch 2007

Việt vương Câu Tiễn thắng Ngô về,
Áo gấm ban cho nghĩa sĩ mê
Cung nữ như hoa đầy điện ngọc,
Mà nay chỉ thấy cánh chim về.

Thăm nước Việt xưa
Ngọc Châu
Dịch 2013

Thắng Ngô, Câu Tiễn quay về
Việt Vương ban gấm hồi quê tướng hùng
Giai nhân hoa ngọc đầy cung
Giờ chỉ thấy cánh chim cong giữa trời.

30. KHÁCH TRUNG TÁC

Nguyên tác : 客 中 作
蘭 裬 美 酒 鬱 金 香
玉 碗 盛 来 琥 珀 光
但 使 主 人 能 醉 客
不 知 何 處 是 他 鄉

Phiên âm : Khách trung tác
Lan Lăng mỹ tửu uất kim hương,
Ngọc uyển thịnh lai hổ phách quang.
Đản sử chủ nhân năng tuý khách,
Bất tri hà xứ thị tha hương.

Dịch thơ :

Làm thơ nơi đất khách

Phạm Đình Nhân
Dịch 2007

Lan Lăng rượu quý tỏa thơm hương,
Chén ngọc lung linh như ánh gương
Giá chủ biết mời say khách được,
Biết đâu xứ ấy đất tha hương.

Thơ viết ở xứ người

Ngọc Châu
Dịch 2013

Lan Lăng rượu quí thơm hương
Lung linh chén ngọc như gương gợi mời
Giá chủ khéo chuốc say người
Biết đâu ta chẳng một đời tha hương.


16. LÝ THIỆP

31. MỤC ĐỒNG TỪ
Nguyên tác : 牧 童 詞
朝 牧 牛
牧 牛 下 江 曲
夜 牧 牛
牧 牛 村 口 谷
下 缞 出 林 春 雨 濟
蘆 管 臥 吹 沙 草 绿
亂 鍤 蓬 高 箭 滿 腰
不 怕 猛 虎 欺 黃 犢


Phiên âm: Mục đồng từ
Triêu mục ngưu,
Mục ngưu hạ giang khúc.
Dạ mục ngưu,
Mục ngưu thôn khẩu cốc.
Hạ thôi, xuất lâm, xuân vũ tế,
Lô quản, ngoạ xuy, sa thảo lục.
Loạn sáp bồng cao tiễn mãn yêu,
Bất phạ mãnh hổ khi hoàng độc.

Dịch thơ:

Bài ca chăn trâu
Phạm Đình Nhân
Dịch 2007

Buổi sớm em chăn trâu,
Cho trâu ăn cuối sông.
Buổi chiều em chăn trâu,
Cho trâu về cuối xóm.
Mưa xuân nhẹ phủ cây rừng,
Bãi xanh nằm thổi tưng bừng kèn lau.
Mũi tên bồng dắt khắp đầu,
Sợ gì hổ dữ bắt trâu của mình.

Chăn trâu
Ngọc Châu
Dịch 2013

Buổi sáng em chăn trâu
Cuối sông cho gặm cỏ
Buổi chiều cũng chăn trâu
Cuối xóm về hóng gió

Xuân nhẹ phủ mưa lên lá nõn
Nằm thổi kèn lau giữa bãi xanh
Quanh đầu dắt bao nhiêu tên nhọn
Cóc sợ hổ rình bắt trâu lành.


17. LÝ THƯƠNG ẨN
(813 – 858)

Lý Thương Ẩn tự là Nghiã Sơn, hiệu là Ngọc Khê sinh. Quê tỉnh Hà Nam. Năm 837 đỗ tiến sĩ. Sau được bổ làm Quan sát phán quan. Sau nhờ Liễu Trọng Hĩnh, trấn thủ miền Đông Thục, ông được dùng làm Tiết độ phán quan kiêm hiệu Công bộ viên ngoại lang. Ông mắc bệnh ở đất Oanh Dương rồi mất ở đó năm 858.

32. TRÙ BÚT DỊCH
Nguyên tác: 籌 筆 驛
魚 鳥 猶 疑 畏 簡 書
風 雲 常 為 護 儲 胥
徒 令 上 將 揮 神 筆
終 見 降 王 走 傳 車
管 樂 有 才 原 不 忝
關 張 無 命 复 何 如
他 年 錦 里 經 祠 廟
樑 父 吟 成 恨 自 餘


Phiên âm : Trù Bút dịch
Ngư điểu do nghi uý giản thư,
Phong vân thường vị hộ trừ tư.
Đồ linh thượng tướng huy thần bút,
Chung kiến hàng vương tẩu truyện xa.
Quản Nhạc hữu tài nguyên bất thiểm,
Quan Trương vô mệnh phục hà như.
Tha niên Cẩm Lý kinh từ miếu,
Lương phủ ngâm thành hận tự dư.


Dịch thơ :

Trạm Trù Bút

Phạm Đình Nhân
Dịch 2006

Cá chim e ngại sợ đơn thư,
Mây gió ngoài biên ải có dư?
Thượng tướng dù trong tay múa bút,
Hàng vương cũng phải ngậm ngùi tù.
Quan trương mệnh yếu đành không nổi,
Quản Nhạc tài cao, chẳng phục thù.
Cẩm Lý năm qua vào viếng miếu,
Phủ Lương ngâm hết hận còn thù.
Dịch 2006

Viết ở trạm ngựa Trù Bút

Ngọc Châu
Dịch 2013

Cá, chim còn sợ đơn thư
Ngoài biên mây gió thừa dư chăng là?
Thượng tướng dẫu vung bút hoa
Hàng vương đầy ải nơi xa ngậm ngùi
Quan, Trương mệnh yểu đã rồi
Tài cao Quản Nhạc mấy hồi thịnh hưng
Qua Cẩm Lý vào miếu thăm
Phú Lương ngâm hết còn găm hận thù...


33. VÔ ĐỀ
Nguyên tác: 無 题
相 見 時 難 別 亦 難
東 風 無 力 百 花 殘
春 蠶 到 死 絲 方 盡
蠟 燭 成 灰 淚 始 乾
曉 鏡 但 愁 雲 鬢 改
夜 吟 應 覺 月 光 寒
蓬 莱 此 去 無 多 路
青 鳥 殷 勤 為 探 看


Phiên âm: Vô đề
Tương kiến thời nan biệt diệc nan,
Đông phong vô lực bách hoa tàn.
Xuân tàm đáo tử ty phương tận,
Lạp chúc thành hôi lệ thuỷ can.
Hiểu kính đản sầu vân mấn cải,
Dạ ngâm ưng giác nguyệt quang hàn.
Bồng lai thử khứ vô đa lộ,
Thanh điểu ân cần vị thâm khan.

Dịch thơ:

Không đề
Phạm Đình Nhân
Dịch 2006


Gần khó gặp nhau, xa cũng khan,
Gió đông không mạnh, trăm hoa tàn.
Tằm xuân đến chết tơ còn vướng,
Nến cháy cạn rồi, lệ chửa tan.
Sáng dậy soi gương, rầu mái tóc,
Tối ngồi ngâm vịnh, lạnh trăng tàn.
Bồng Lai đi mãi không cùng tận
Chim có đưa đường mới thấy an,

Vô đề

Ngọc Châu
Dịch 2013

Gần khó gặp, xa hiếm khan
Gió đông không mạnh mà tàn trăm hoa
Chết rồi tằm còn nhả tơ
Nến dù cháy cạn lệ mờ vương chân
Sáng soi gương thấy tóc sần
Tối ngồi ngâm ngợi, trăng gần lạnh sao
Tìm Bông Lai mãi nơi nao
Nhờ chim dẫn lối ra vào ơi chim.


(Còn tiếp phần 5)