PDA

Xem phiên bản đầy đủ : Cảm nhận thơ - Hoàng Giao



hoanggiao
12-03-2014, 06:42 PM
BẮN EM VỀ PHÍA NGHÌN TRÙNG
http://newvietart.com/images/nguyendangtrinhphoto.jpg
(Nhà thơ nhà báo Nguyễn Đăng Trình)
TRAO ĐỔI V Ề THƠ
CỦA TÁC GIẢ NGUYỄN ĐĂNG TRÌNH

Anh Trình có bao nhiêu bài thơ? Có tập thơ nào xuất bản không? Tôi chỉ biết các bài trong số Thời Văn từ 1 đến 9. Gồm 7 bài tất cả. 7 bài thơ này nói chung tôi thích, với một lối viết riêng, Nguyễn Đăng Trình sáng tác có chiều sâu tư tưởng, đôi khi bụi bụi, phớt đời, khôi hài, dí dỏm, trào lộng. Trình rất biết tự trào bằng cách dùng những ngôn từ bình dân dễ hiểu mà vẫn gây cười, rất có duyên. Tự cười mình, cười ngay vào nỗi đau nỗi cô đơn của mình và vì biết cười như vậy nên cái sự “đau đời” của anh đã trở thành sức mạnh.


“Mùa đông sùi sụt dỗi người
Đã đi còn dắt nụ cười theo luôn”
Bài thơ Mùa đông phố Dã quỳ in trong Thời Văn số 3 như một lời tự tình của tác giả với mùa đông. Vâng, chỉ một mình tác giả với mùa đông. Cái từ “dắt nụ cười” làm người đọc phải phì cười.
“Dốc xưa giờ độc mình tôi
Sớm chiều với lũng với đồi trắng mưa”
Cái từ “độc mình tôi ” như một lời độc tấu…tả cái sự tình đơn độc phiêu diêu. Hai câu thơ này như bức tranh sống động minh họa hình ảnh tác giả đang một mình thả bộ bước thấp bước cao cùng trời mây sông núi, cùng nỗi khát khao dào dạt, cháy lòng về tình người, tình yêu…và lẽ sống…
Và đây nữa, cái cách tả “tình đau” không giống ai, mà sao rộn ràng lay động muôn trái tim:
“ Liêu xiêu gùi một gùi đau
Tôi dìu tôi quãng tình nào xanh rêu”
“Tôi dìu tôi”? Tự mình dìu mình trong bước đi “liêu xiêu” …Nguyễn Đăng Trình có một giọng điệu tự trào khá thú vị. Cười với chính cả nỗi cô đơn, nỗi đau của riêng mình mà vẫn mang nặng nỗi ưu ái, ưu tư trung hậu với đời. Cái ưu tư và niềm đau của Trình thật đáng yêu trong cái hóm hỉnh. Do vậy đau mà vẫn lớn mạnh khác thường.
Ở bài thơ Rất lâu mới gặp lại mình in trong Thời Văn số 6 diễn tả mối tình đầu thầm lặng:
“ Yêu thầm lặng đâu dám cho ai biết
Nuốt vào trong nỗi nhớ nuôi mình”
Cái từ “nuốt vào trong nỗi nhớ” để “nuôi mình”. Anh lấy nỗi nhớ nuôi nỗi nhớ, lấy nỗi nhớ thầm nuôi trái tim để trái tim yêu luôn hòa vào khát vọng…Cái tình lặng đơn phương mà dào dạt hy vọng, niềm tin…Giọng thơ mang vẻ khôi hài triết lý, lãng mạn.
“Vẫn nghe đời bức hức nhịp tim non
Rất vụng về tôi lén phớt nụ hôn”
Thơ này thật đáo để, láu cá, chứ “vụng về” cái nỗi gì! Cái từ “lén phớt” sao mà nôn nao đến thế…làm cho “em” vốn kiêu sa cũng phải động lòng:
“Em cười cười nhè nhẹ… ẩy tôi ra!…”
Kể như cái tình thầm lặng đã được đáp đền cho “chàng” rồi đấy! Cái từ “cười cười” “nhè nhẹ” “ẩy”chính là cái duyên của người con gái trao tặng chàng trai đó…
Tác giả còn có một cái lối tả tình đặc biệt (bài Bắn em về phía nghìn trùng-Thời văn số 6):
“Đã say đâu mà muốn ngã”
Hoặc:
“Tôi buộc làm tên xạ thủ
Nát lòng khi phải giương cung
Mím môi thi hành phận sự
Bắn em về phía nghìn trùng”
Các từ “buộc” “nát lòng “ “mím môi” “bắn em” thật lạ.
Ấy thế mà: em ra đi bỏ lại ta một mình, tác giả vẫn cảm nhận được:
“Cuộc tình em gửi lại
Đủ một đời ta say”(bài Đủ một đời ta say-Thời Văn số 6)
Nguyễn Đăng Trình viết hay, viết say và xúc động, viết lạ…Có cái gì đó sâu sắc…kín đáo, có sức thu phục, đầy tâm sự. Có cái gì đó thu hút sự khám phá.. Vừa có tính hài hước vừa nhân ái và chứa chan tình cảm, vừa bất cần …ngộ nghĩnh.
“Nhiều khi chán tính vô chùa
Trù chừ chợt nhớ mình chưa….chửi mình”
Hoặc:
“Trái tim đâu đã dập bầm
Sao không mở cửa xông trầm ướp sen
Lại vung vãi mớ nhân duyên
Yêu tùm lum vẫn còn nguyên cuộc tình” (bài Tạ lỗi cùng trái tim-Thời Văn 6)
Vẫn cái giọng tự trào, tự cười mình thẳng cánh cò bay chẳng hề úp mở: “yêu tùm lum” , “chưa…chửi mình”. Sự trào lộng ở thơ Nguyễn Đăng Trình chính vì vậy mà có sức công phá lòng người khá mạnh. Bởi đằng sau sự gây cười là một niềm đau, niềm say chân thật, một lòng nhân hậu, bao dung, một nghị lực sống mãnh liệt. Tôi yêu thơ Trình vì lẽ đó.
Cái tình ở Trình bao giờ cũng sâu, cũng say, cũng rất tình:
“Ta lơ đễnh để mùa thu đi mất
Đổi lấy em bằng đám lá vàng
Nỗi nhớ tưởng vài hôm rồi hết
Ai ngờ lâu lắc vẫn chưa tan…” (bài Bốn câu cho cổ tích –Thời văn số 8))
Mùa thu là mùa của gió heo may, mùa của nỗi nhớ, mùa tình, mùa hẹn ước...
Mà Trình lỡ để mùa thu trôi đi mất, lỡ để tuột mất một cuộc tình. Để cho mùa thu chỉ còn lại một nỗi nhớ…không nguôi…cho kẻ đa tình…
Bài thơ hay nữa trong các bài thơ của anh Trình mà tôi biết là bài BA ƠI (thời Văn số 9). Bài thơ viết về người cha ở xứ người (nước Mỹ), đây:
“Xứ người không phút nào sang
Dành từng xu một giúp đàn con xa
Dù còn xương bọc chút da
Vẫn chưa nguôi nỗi đứa nhà đứa xe
Những mong quê kiểng ngày về
Ngờ đâu ngã bệnh sống lê đời chiều”
Tôi đã cảm động trước những dòng tâm sự bằng thơ trên đây của anh Trình. Bởi đó là giọt nước mắt của người con với nỗi đau nhân tình thế thái của bậc sinh thành…Giọt nước mắt trăn trở, khắc khoải, yêu thương, sâu nặng, nghĩa tình…
“Thơ con dẫu khóc nhiều bài
chỉ là giọt nước rơi ngoài bể dâu…”
24/1/2007
HOÀNG GIAO


Hoàng Giao

hoanggiao
14-03-2014, 03:32 PM
ĐỌC "NẾU KHÔNG MUỐN ĐI HẾT CON ĐƯỜNG"

http://images.yume.vn/blog/201209/15/1347703824_Nguyen%20phong%20viet.jpg
Nhà thơ Nguyễn Phong Việt

Đôi điều về tác giả :

Nguyễn Phong Việt sinh Năm 1980 tại Tuy Hoà, Phú Yên (cựu học sinh chuyên ban Nguyễn Huệ).
Lĩnh vực sáng tác: thơ, văn.
Thành viên Hội bút Vòm Me Xanh - Báo Mực Tím. Biệt danh Me Quê (1998, Bút trưởng năm 2002). Ba lần đoạt giải thưởng Bút mới của báo Tuổi trẻ.
Tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ-Tin học Thành phố Hồ Chí Minh.
Từng là phóng viên mảng Văn hoá-Nghệ thuật báo Mực tím thuộc Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Đầu năm 2011, chính thức rời khỏi ngôi nhà Mực Tím để chuyển sang làm ở báo điện tử showbiz.xzone.vn .


Nguyên tác bài thơ "Nếu không muốn đi hết con đường":



Nếu không muốn đi hết con đường...
Thì nên dừng lại trước lúc kịp hoàng hôn
không ai bắt ta phải sống cuộc đời cho người khác
muôn triệu tình yêu có muôn triệu lần đích đến
làm ơn đi mà!

Khi ta khóc không cần ai lau nước mắt cho ta?
khi ta cười không cần ai chia sẻ?
cần một quãng đời tự do hơn là cần một hơi ấm mặc cả
hãy thử cắn chặt môi...

Giữa mùa đông đôi khi một cơn bão tuyết còn quí hơn một đốm lửa trong tim người
Giữa nỗi đau biết đâu lại tìm ra một sự bình yên khác
Giữa đêm đen cũng phải đến lúc tự ta làm ra ánh sáng
Giữa những ngày qua phố đôi khi cần một lần lạc bước
đi khỏi cuộc đời của mình...

Nếu không muốn đi hết con đường...
thì nên dừng lại, rồi bước đi một con đường khác bằng niềm tin
đừng bắt ta phải sống cho hạnh phúc của người khác
(khi hạnh phúc của ta chỉ là bề ngoài của những giọt nước mắt cay đắng
như một hạt mưa giữa trời nắng gắt...)
làm ơn đi mà!...

Làm ơn đi...
vẫn luôn có một người giang tay ôm chiếc bóng của ta
chờ tìm thấy một người trong đời thật
vẫn luôn có một người đau khi thấy ta hạnh phúc
mà vẫn tự đấm vào ngực mình khi biết ta đơn độc
nghiệt ngã đến tận cùng...

Không ai muốn mình sống mà chỉ được đứng bên cạnh đời người mình yêu thương
cũng chẳng ai muốn đày đọa mình trong mất mát
nhưng tình yêu nào cũng có cái giá xứng đáng...
sao không thử một lần đặt cược với trái tim?

Làm ơn đi mà...
vẫn luôn có một người chờ ta cùng thắp sáng trời đêm!
-Nguyễn Phong Việt-


LỜI CẢM NHẬN

Đa số những bài thơ của Nguyễn Phong Việt cùng một thể thơ tự do biểu hiện muôn mặt tâm tư tình cảm con người. Tôi chú ý đến bài "Nếu không đi hết con đường" hơn cả. Chắc nhiều người đọc bài này đều phải suy ngẫm...về mình.

Bài thơ như một kim chỉ nam cho tình yêu tuổi trẻ, cho những bạn nào đang đứng trước ngưỡng cửa tình yêu, sắp yêu, đã và đang yêu, đang băn khoăn với tình yêu với những điều trăn trở hiện tại mà chưa biết phải làm sao? Bài thơ phần nào có thể giải đáp cho các bạn, hướng các bạn một con đường, một lối đi đến với hạnh phúc đích thực của riêng mình.

Nếu không muốn đi hết con đường…
Thì nên dừng lại trước lúc kịp hoàng hôn
không ai bắt ta phải sống cuộc đời cho người khác
muôn triệu tình yêu có muôn triệu lần đích đến
làm ơn đi mà!

Tác giả muốn gửi đến chúng ta một thông điệp: Nếu nhận ra đó không phải là tình yêu, điều mà hai người không thể cùng đi đến đích, thì hãy dừng lại ngay khi còn kịp. Đừng vì thương hại nhau mà phải sống gượng ép vì nhau, chỉ làm tổn thương nhau mà thôi. "Không ai bắt mình phải sống cuộc đời cho người khác". Tình yêu có nhiều cách đến. Hãy thương mình một tý "làm ơn đi mà, vẫn luôn có một người chờ ta cùng thắp sáng trời đêm! ". Hãy đi tìm người ấy, cái thuộc về ta, của ta...


Khi ta khóc không cần ai lau nước mắt cho ta?
khi ta cười không cần ai chia sẻ?
cần một quãng đời tự do hơn là cần một hơi ấm mặc cả
hãy thử cắn chặt môi…


Khóc cười là những cảm xúc, hạnh phúc, khổ đau. Nhiều khi ta phải "cắn chặt môi"...khi khóc...một mình. Ai là người không cần sẻ chia? Không cần có người lau nước mắt? Còn gì bằng. Nhưng cũng có những lúc không có ai ở bên, lúc cô độc thì phải biết cắn môi lại chịu đau. "Cần một quãng đời tự do hơn là cần một hơi ấm mặc cả". Đừng vay mượn, đừng mặc cả với tình cảm, trong tình yêu cần lắm sự tự do. Cái gì không phải của mình thì ở đó không có tự do.

Giữa mùa đông đôi khi một cơn bão tuyết còn quí hơn một đốm lửa trong tim người
Giữa nỗi đau biết đâu lại tìm ra một sự bình yên khác
Giữa đêm đen cũng phải đến lúc tự ta làm ra ánh sáng
Giữa những ngày qua phố đôi khi cần một lần lạc bước
đi khỏi cuộc đời của mình…


Đôi khi mắt ta có bão, tâm ta có bão tuyết, không có một đốm lửa giữa mùa đông, không có hơi ấm trong tim người giá lạnh, cũng quý, vì nó tạo cho ta sức mạnh, không khuất phục, tạo nghị lực để sinh tồn. Nỗi đau có thể sản sinh ra điều khác, một hạnh phúc mà ta chưa nhận ra? Đêm đen có thể thôi thúc ta tìm ra ánh sáng bằng mọi cách, dũng khí ấy thật đáng quí vô cùng, không phải ai cũng có được. Một người triền miên hạnh phúc, hạnh phúc trở nên nhạt. Một người không bước ra từ đêm đen sẽ không hiểu được giá trị của ánh sáng niềm tin. Ban mai bừng nắng xôn xao cũng vì nó vừa được thoát ra từ đêm tối. Cuộc sống là những quy luật bù trừ. Bạn ơi dù thế nào cũng đừng tuyệt vọng! Một lần "lạc bước" mắt nhất định sáng hơn. Hãy một lần đi lạc khỏi cuộc đời mình, bạn sẽ thấy trái tim mình cần gì?

Nếu không muốn đi hết con đường…
thì nên dừng lại, rồi bước đi một con đường khác bằng niềm tin
đừng bắt ta phải sống cho hạnh phúc của người khác
(khi hạnh phúc của ta chỉ là bề ngoài của những giọt nước mắt cay đắng
như một hạt mưa giữa trời nắng gắt…)
làm ơn đi mà!…

Đoạn thơ này ý nghĩa tương đương với đoạn thơ đầu, nhưng mở rộng hơn, bao quát hơn, sáng tỏ vấn đề hơn. Nếu không muốn tiếp tục con đường mình đang đi vì thấy không ổn, không phù hợp, không thể đi, nhất định phải bước sang con đường khác tự do, thênh thang hơn, của riêng mình. Vì con đường này là hạnh phúc của người khác, ta cố tình đi sẽ chỉ là "nước mắt cay đắng"


Làm ơn đi…
vẫn luôn có một người giang tay ôm chiếc bóng của ta
chờ tìm thấy một người trong đời thật
vẫn luôn có một người đau khi thấy ta hạnh phúc
mà vẫn tự đấm vào ngực mình khi biết ta đơn độc
nghiệt ngã đến tận cùng…

Đây chính là chân dung hoàn hảo của một tình yêu thật đó bạn, đừng lầm lẫn nhé! Một người âm thầm yêu ta, say cái bóng của ta, đau với nỗi đau của ta, đấm vào ngực mình khi thấy ta đơn độc, nghiệt ngã. Nếu ta hạnh phúc với người khác thì người ấy đau đến tận cùng, chỉ đau âm thầm thôi, vì người vẫn luôn mong ta hạnh phúc bất cứ lúc nào, khi ta ở đâu. Đó mới là tình yêu thật của ta "một người trong đời thật" mà ai không chờ đợi, không khát khao đi tìm? Dẫu biết rằng khó lắm nhưng ta vẫn ngóng trông! Người ấy có thật không mà chờ, mà tìm, mà đợi? Các bạn ạ, chờ, tìm, đợi cũng là một hạnh phúc thiêng liêng. Có đi thì có đến...


Không ai muốn mình sống mà chỉ được đứng bên cạnh đời người mình yêu thương
cũng chẳng ai muốn đày đọa mình trong mất mát
nhưng tình yêu nào cũng có cái giá xứng đáng…
sao không thử một lần đặt cược với trái tim?


Làm ơn đi mà…

Hãy thử đặt cược với trái tim trên bước đường tìm kiếm, giống như một lần được ăn cả ngã về không cũng cam lòng? Tác giả muốn nói đến một cái giá trả công xứng đáng cho người nào dám đương đầu với mất mát hiện tại, cái mà ta cần phải mất, vì nó là sự đoạ đày, là cái bóng bên cạnh người khác, để cất công đi tìm bằng được một tình yêu đúng nghĩa. "Làm ơn đi mà", hãy tin vào tác giả...tin vào tình yêu...


Toàn bộ bài thơ tác giả dùng ngôn ngữ phổ thông, với lối viết thơ tự do nhuyễn, như một lời tâm sự chân tình đến nỗi ai đọc cũng bị thu phục, lôi cuốn, bị thuyết phục. Mỗi câu cuối của từng đoạn thơ, những từ "làm ơn đi mà" lặp lại nhiều lần có tính chất khẳng định vấn đề, dẫn dắt niềm tin yêu, khơi gợi người đọc suy ngẫm về một con đường mà tác giả muốn vạch ra...Con đường đến với hạnh phúc đầy chông gai gập gềnh, trắc trở, khắc nghiệt, nhưng nếu hiểu ra thì ta vẫn đến được đích.

"Muôn triệu tình yêu có muôn triệu lần đích đến" và "vẫn luôn có một người chờ ta cùng thắp sáng trời đêm".

Chỉ có tình yêu đích thực mới có thể cùng nhau biến đêm đen thành ánh sáng vô ngần trong đời thực...Có muôn triệu con đường để đi đến đích, cố lên bạn nhé.

16/9/2012

Hoàng Giao

hoanggiao
15-03-2014, 07:22 AM
Cuộc đời là một cuộc đua
Ai nhanh chân sẽ được mùa bội thu

hoanggiao
23-04-2014, 04:21 PM
ĐỌC BÀI THƠ HẠ ĐỎ CỦA TỪ KẾ TƯỜNG

https://fbcdn-sphotos-c-a.akamaihd.net/hphotos-ak-frc1/581674_172164929617599_766860643_n.jpg
Nhà báo Từ Kế Tường- Thư ký tòa soạn báo Văn Nghệ TPHCM



Hạ đỏ


Có người qua trường cũ
Tìm nhặt tiếng ve rơi
Đốt cháy một khoảng trời
Những chùm hoa phượng lửa

Nhón chân và nín thở
Sợ hồng viên gạch xưa
Thót tim thủa nắng mưa
Biết nghiêng sầu chờ đợi

Năm tháng lùa tóc rối
Tưởng áo kia phai rồi
Xao xác ai nói cười
Ngỡ chính là hình bóng

Một người ôm tình mộng
Đi hết nửa đời dài
Tay hứng gió mưa phai
Ngồi tương tư hạ đỏ

Nhắm mắt nghe chuông gió
Thả rơi tiếng ve buồn
Tay cầm mùa nhớ thương
Chia người sầu mấy bước.

TỪ KẾ TƯỜNG



LỜI CẢM NHẬN
"XAO XÁC AI NÓI CƯỜI"

Xưa nay, ai cũng vậy, cũng có một thời học đường, rồi ra trường, trưởng thành, sự nghiệp , gia đình…khiến người ta phải rời xa mái trường…
Rồi một lúc nào đó chợt nhớ đến, hoặc có dịp trở lại mái trường yêu dấu…để tìm lại dấu vết xa xưa, một tiếng ve, một khỏang trời, một chùm hoa…đốt cháy kỷ niệm, người ta bâng khuâng, nín thở, sợ làm xao xác ký ức. Sợ không tìm thấy dấu ấn quen thuộc…một thời xao động chốn xưa.

http://images.yume.vn/blog/201111/08/1320765296_images.jpeg

“Có người qua trường cũ
Tìm nhặt tiếng ve rơi
Đốt cháy một khoảng trời
Những chùm hoa phượng lửa”

Những “chùm hoa phượng” như những bông hoa lửa đỏ rực một góc trời mà tác giả dùng từ “đốt cháy”. Nghe tiếng ve tác giả nói là “tìm nhặt”. Cách dùng ngôn từ ấy làm nổi bật ý nghĩa câu thơ dào dạt tâm tình của tác giả. Hình tượng hoa đốt cháy khỏang trời và tiếng ve là ý tưởng rất sống của tác giả.

“Nhón chân và nín thở
Sợ hồng viên gạch xưa
Thót tim thủa nắng mưa
Biết nghiêng đầu chờ đợi”

Mỗi bước đi của kẻ trở lại mái trường xưa đều thận trọng rón rén, như sợ làm đau từng viên gạch, “thót tim” cho mọi sự “đợi chơ”. Ai chờ ai? Ngôi trường chờ anh hay anh ngóng chờ ngày trở lại? Cả hai, đều quyến luyến nhau chứ? Tất nhiên rồi. Câu thơ giàu hình ảnh gợi cảm, giàu cảm xúc. Nói cách khác: đọc rất cảm động. Cái tình sâu nặng đến nghèn nghẹn ấy làm người đọc“nín thở”,”nghiêng đầu”…

“Năm tháng lùa tóc rối
Tưởng áo kia phai rồi
Xao xác ai nói cười
Ngỡ chính là hình bóng”

Năm tháng đi qua bao nhiêu mùa hoa phượng rồi. Hôm nay về lại nơi đây sao như vẫn còn nguyên hình dáng cũ. Áo trắng kia vẫn vào ra nói cười. Ta ngỡ chính ta và bạn đang hàn huyên thủa ấy…và ta không còn tuổi nữa...


“Một người ôm tình mộng
Đi hết nửa đời dài
Tay hứng gió mưa phai
Ngồi tương tư hạ đỏ”

Mùa hạ là mùa lý tưởng, có cơn mưa rào rơi vào lòng, ta về nhà chạy nhảy, hân hoan sau những năm tháng dài mê mải học tập. “Tay hứng gió mưa”đi “hết nửa đời người”, vẫn không thể nào không vấn vương mùa hạ của “một thời áo trắng”

Nhắm mắt nghe chuông gió
Thả rơi tiếng ve buồn
Tay cầm mùa nhớ thương
Chia người sầu mấy bước”

Toàn bộ bài thơ là tiếng yêu thương cái nôi sách vở học đường, nơi đã đưa ta tiến xa vào cuộc sống. Mái trường chính là “bước dặm nhảy”vào đời của bạn và ta. Cho nên suốt đời ta trân trọng, tin yêu…


Hoàng Giao

hoanggiao
27-04-2014, 08:57 AM
Đọc bài thơ "Đàn ông đàn bà và ngôi nhà" của Ngưng Thu

Bài thơ "ĐÀN ÔNG ĐÀN BÀ VÀ NGÔI NHÀ"




Sao anh cứ bảo lòng dạ đàn bà như con rắn

Như hố thẳm vực sâu không thể tự ước lường

Xô ngã đời anh làm hơi thở chẳng rãnh mương

Và khoảng trống hồn anh, đàn bà em tha hồ lục lọi

Đã như vậy thì em đây còn gì để nói

Trong tất cả em và anh : Sao chúng ta cứ như là những cánh chim bay mõi

Mây trắng cuối trời buồn, không nói chỉ lang thang

Kể cả trong mơ anh vẫn là một gã thật sự quá tham lam

Anh không hiểu hay cuối cùng là anh không bao giờ muốn hiểu

Hạnh phúc là đâu? Tình yêu vốn là gì?

Trong vạn nẻo đường đời …Anh nên chọn và chỉ chọn cho mình một lối đi

Nơi đó có ngồi nhà xinh được ủ ấm bởi trái tim lửa cháy

Cớ sao anh mãi ngu ngơ đến vậy

Chạm được em rồi sao anh còn đứng đó chênh vênh

Cõi lòng anh như ngôi nhà lồng lộng gió thênh thênh

Nên bất cứ lúc nào trái tim anh cũng chỉ là một linh hồn đói

Cũng đôi lúc thật ra anh giống y như thằng mọi

Cứ đòi được ăn ….Nhưng dường như anh đã bội thực lâu rồi

Anh không biết rằng đàn bà thì chỉ đi có một hướng mà thôi

Nếu đã yêu thì nhất định chỉ là đi hướng đó

Nơi mà có anh, nếu thượng đế đã dành riêng em sao anh cứ xem đây là quán trọ

Bởi đa mang nên có bao giờ thực lòng anh hiểu rõ

Mơ ước của đàn bà chúng em cũng chỉ là nhiêu đó

Ngôi nhà của tình yêu, nơi mà chỉ có dáng hình anh

Và tiếng cười trẻ thơ trong trẻo đến ngọt lành.


Thơ Ngưng Thu





LỜI CẢM NHẬN VỀ BÀI THƠ:

Tôi thỉnh thoảng cũng ghé đọc thơ của blog Ngưng Thu trên Yume. Thơ Ngưng Thu thường êm dịu yêu thương, dễ cảm, gần gũi và sâu sắc, có cái gì đó khắc khoải như một khát vọng dường như muốn đạt tới nhưng điều đó với Ngưng Thu trong tim như còn xa lắm, nên nó mới tràn vào thơ nhiều đến thế.

Hôm qua, sau một thời gian dài vô tình tôi lại ghé blog Ngưng Thu và đọc được bài thơ này về đêm. Tôi lặng lẽ trước một Ngưng Thu với giọng điệu thơ như lời tự tình, cũng như về nhận thức cuộc sống, về tâm tư tình cảm con người, cụ thể là về "đàn ông, đàn bà và ngôi nhà". Tôi hiểu ra rằng tình yêu luôn cháy bỏng và mãnh liệt trong tác giả. Tôi xúc động, cảm kích và trăn trở một điều rằng phải viết cho được một cái gì đó trong suy nghĩ của tôi lúc này về bài thơ của Ngưng Thu. Nếu còn chưa viết được chắc tôi chưa yên giấc.

Nhưng viết gì đây và viết như thế nào cho trọn vẹn ý thơ Ngưng Thu? Hiểu là thế đấy, việc diễn đạt được điều mình nghĩ để truyền tải đến bạn đọc không phải là điều đơn giản.

Bằng cách dùng ngôn ngữ thoại thông thường chỉ nhân cách con người trong cuộc sống thể hiện bằng thơ một cách tự nhiên mà rất thơ, Ngưng Thu đã lột trần được bề sâu tâm tư, ước mơ khát vọng của đàn ông và đàn bà trên thế giới cũng như trong ngôi nhà của mỗi người.

Những câu thơ đầy hình ảnh mang chiều dày tính cách, kể cả những thói hư đời thường và chiều sâu tư tưởng, cô đọng làm người đọc phải dừng lại nghiền ngẫm từng câu chữ đem ra đọ với đời.

Nhịp điệu của bài thơ như những nhịp sống thăng trầm nghiêng ngả của tình đời, toàn ngõ ngách rối ren không có đường ra nhưng vẫn le lói một hướng chân thiện mỹ của ước mơ ngôi nhà hạnh phúc đầy tiếng cười của tình yêu thương, con trẻ. Những âm thanh trong trẻo này được thể hiện ngầm trong bài thơ có nhiều ngụ ý. Bằng lối đặt nhiều câu hỏi tu từ độc đáo thể hiện rất đạt những băn khoăn da diết, trăn trở đến mộng mị canh cánh trong người đàn bà về người đàn ông của mình. Thế mới biết lòng người không có thước đo, không lời lý giải. Cái gì đến cứ đến như một định mệnh. Chợt đến, chợt đi, tuy nhiên cuối cùng Ngưng Thu muốn là chỉ còn tình yêu ở lại.

Về cấu trúc thơ lối viết tự do tình tự say đắm của người đàn bà với người đàn ông như lôi ra hết những ngõ sâu, ngõ rộng cùng ngõ hẻm của "hai ta", cách dùng câu hỏi tu từ và ngôn ngữ đặc biệt này hoàn toàn có sức thuyết phục, thu phục, chinh phục, lay động cái tâm thức tỉnh để chỉ với mục đích đạt là: Tình yêu thực chất nhất định ở lại bên ta. Nếu không viết được một bài thơ này, không có được những nhận thức nặng như thế, chắc có lẽ người đàn ông còn ngủ mơ trong tâm tưởng dễ trật đường ray trong lối sống khát vọng và điều cần đạt. Sự ngủ quên này ai cũng có, nó cần một cú hích đủ mạnh, đủ sâu, đủ cháy thành ngọn lửa nồng nàn vào tâm can, khối óc, vào tình yêu thương bấy lâu chưa tỉnh thức.

Ý nghĩa tư tưởng chủ đạo: khát khao một tình yêu thương chân chính chân thành mãnh liệt sẽ chiến thắng và có đủ sức mạnh giữ gìn, bảo vệ những gì thuộc về mình, có đủ sức nuôi lớn nó từng ngày, vĩnh cửu, dài lâu...

Những câu hỏi tu từ rất dịu dàng thân thương và đáng yêu như: "Sao anh cứ bảo...", "sao chúng ta cứ", "Cớ sao anh mãi ngu ngơ đến vậy, Chạm được em rồi sao anh còn đứng đó chênh vênh", cái câu "Chạm được em rồi sao anh còn đứng đó chênh vênh", nghe thi sĩ và hút hồn người ta...

Cách sử dụng nhiều từ láy và ngôn ngữ đời thường: "con rắn", "rãnh mương", "lục lọi", "bay mỏi", "lang thang", "tham lam", "ngu ngơ", "chênh vênh", "thênh thênh", "đói", "thằng mọi", "bội thực", "quán trọ", tất cả những từ kiểu này đều nói lên thân phận, tính cách con người thường nhật trong cuộc sống, tưởng như nó thuộc về ngôn ngữ văn xuôi, nhưng Ngưng Thu lại đưa nó vào thơ một cách sinh động bi hài và đắt giá. Sự khéo léo này xuất phát từ nhận thức cuộc đời, từ vốn sống và sự day dứt không nguôi của chính bản thân tác giả.

"Và khoảng trống hồn anh, đàn bà em tha hồ lục lọi"

Có lẽ tác giả muốn nói ngườii đàn bà là em luôn luôn muốn khám phá tâm hồn người đàn ông là anh, nó là nguồn bí ẩn vô tận. Nhưng tác giả lại dùng cụm từ "tha hồ lục lọi" thay cho chữ "khám phá" mà vẫn chuẩn xác vô cùng, vừa sâu sắc vô biên, vừa hài hước dễ thương. "Và khoảng trống hồn anh, đàn bà em tha hồ lục lọi", như có hồn thơ trong cả cái tưởng như bình thường "lục lọi". Từ "lục lọi" thay cho chữ "khám phá" trong tình huống này bỗng trở thành sáng tạo....

"Trong tất cả em và anh : Sao chúng ta cứ như là những cánh chim bay mõi. Mây trắng cuối trời buồn, không nói chỉ lang thang"

Cuộc sống này đàn ông đàn bà đều là những "cánh chim bay mỏi", gian lao, sóng gió, thăng trầm. Khiến những tâm hồn trong trẻo nhiều khi cũng phải buồn, phải lang thang như mây trắng cuối trời lặng lẽ trôi không biết tự tình cùng ai, chia sẻ cùng ai?

"Kể cả trong mơ anh vẫn là một gã thật sự quá tham lam".

Thì ra anh cũng chỉ là một gã tham lam không đáy, ngay cả trong mơ, anh có hiểu không hay anh lười nghĩ không chịu hiểu? Anh có hiểu không, có muốn không, có quyết không một ước mơ:

" Nơi đó có ngồi nhà xinh được ủ ấm bởi trái tim lửa cháy"

Nhưng có lẽ anh cầu toàn quá, hư hỏng quá, háu đói quá, tham lam quá nên anh chẳng bao giờ thấy đủ, ôm tất cả vào người rồi vẫn thấy thiếu chưa yên, giống như cái kiểu "no bụng đói con mắt" ý, không đơn giản chỉ trong ăn uống (nghĩa đen) mà ngay trong mọi lĩnh vực cuộc sống, trong tình yêu (nghĩa bóng), ý nghĩ, vật chất, anh đều "háu" đòi thêm trong khi đã "bội thực", thừa thãi. Anh đích thực là một kẻ tham lam theo kiểu tham của người đàn ông, đa tình, đa dạng:

"Nên bất cứ lúc nào trái tim anh cũng chỉ là một linh hồn đói. Cũng đôi lúc thật ra anh giống y như thằng mọi. Cứ đòi được ăn …Nhưng dường như anh đã bội thực lâu rồi"

Chính vì vậy mà khi "anh chạm được em rồi" mà vẫn còn "đứng đó chênh vênh". Có lẽ anh còn muốn thả mồi bắt bóng nơi nào chăng? Hay anh chưa hiểu cả chính anh yêu gì, muốn gì? Đàn ông là cái gì không thể hiểu? Có thể đàn ông cũng không hiểu được người phụ nữ họ yêu, rằng người đàn bà có yêu người đàn ông như họ muốn không? Nên họ cứ băn khoăn nơi có mặt tình yêu phải chăng chỉ là "quán trọ":

"Anh không biết rằng đàn bà thì chỉ đi có một hướng mà thôi. Nơi mà có anh, nếu thượng đế đã dành riêng em sao anh cứ xem đây là quán trọ".

Có phải như thế không? Tác giả muốn nói gì về điều này? Người đàn ông có xem nơi "rành riêng em" là quán trọ thực không hay chỉ vì người đàn bà không hiểu nổi đàn ông nên nói thế về người đàn ông? Biết đâu người đàn ông cũng đang nghĩ như thế về người đàn bà thì sao?

Ở bài thơ này chỉ là tiếng nói một chiều từ người đàn bà tự tình với người đàn ông trong yêu thương thầm lặng của mình. Chưa có phần hồi âm của người đàn ông. Mong rằng nhất định có một người đàn ông đồng điệu, am hiểu, thấu được trái tim son sắt của người đàn bà, như lời tự tình trong bài thơ của tác giả.

Cũng mong sao người đàn bà thỏa được nguyện ước của mình cùng người đàn ông và gặp được người đàn ông của mình, thuộc về mình:

"Ngôi nhà của tình yêu, nơi mà chỉ có dáng hình anh. Và tiếng cười trẻ thơ trong trẻo đến ngọt lành".

Bài thơ bằng lối viết và cách dùng từ độc đáo, có giá trị nhân bản và khắc ghi lời tri âm, tiếng nói từ trái tim người đàn bà cùng khát vọng hạnh phúc yêu thương với người đàn ông, một ước mơ chính đáng, lay động người đọc sâu sắc. Đây cũng là tiếng nói trong sâu thẳm tận đáy lòng của chính tác giả, là thông điệp "tâm sự, chia sẻ, thấu hiểu" nhau để đạt điều mong muốn mà tác giả muốn truyền đạt tới mọi người bằng thơ như một lời tự tình đằm thắm nhất.

5/8/2012

Hoàng Giao

hoanggiao
04-05-2014, 10:22 AM
Đọc "THƠ TẶNG VỢ NHÂN 47 NĂM NGÀY CƯỚI"

của Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng





Thơ tặng vợ nhân 47 năm ngày cưới

Bốn bảy năm, đêm nay bà nhỉ

Hai chúng ta làm lễ cưới nhau

Bà thì mang tiếng cô dâu

Cái áo hôm trước hôm sau vẫn dùng

Tôi thì chiếc áo bông cũ kỹ

Bạc hết màu, đường chỉ lắt lay

Góp vui tưởng có chiếc đài

Nào ngờ phút chót đợi hoài vẫn không

Tiền đã không một đồng một cắc

Quà mừng toàn khăn mặt, chậu men

Chiếc giường một chật như nêm

Lại là giường cưới trong đêm động phòng

Hễ khởi sự nó rung cót két

Cứ như là day dứt tâm can

Ai kia dãi gió dầm sương

Ai kia sinh tử chiến trường đêm nay

Nhắc chuyện cũ mong sao bà hiểu

Cuộc tình ta đâu thiếu gian truân

Lẽ nào ta lại vô tâm

Để ngày xưa ấy nhạt dần trong ta

Hôm nay xin gửi tới bà

Trước là tri kỷ, sau là tri ân…

10.2011

Nguyễn Khoa Đăng


ĐÔI LỜI CHIA SẺ

Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng viết nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết, viết báo, viết sách, làm thơ cho thiếu nhi. Ít khi ông làm thơ người lớn (tôi biết có 3 bài, hai bài viết về gia đình, một bài về xã hội). Đây là bài thơ thứ hai tôi đọc của ông viết về tình yêu gia đình. Một bài ông viết về vụ Tiên Lãng ở Hải Phòng. Một bài nữa là bài: Điện thoại lúc nửa đêm. Cả 3 bài đều pha chút hài hước, tình cảm và rất hay, đem lại tiếng cười thoải mái cho người đọc. Mà lại rất ấn tượng có tính xây dựng cao.

Khi bất chợt đọc được bài thơ này tôi thấy rất tâm đắc vì sao cái đám cưới của Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng lại giống những đám cưới ở quê tôi cách đây 30 năm đến thế. Bài thơ mang phong cách dân giã ngọt ngào, đậm tính nhân văn. Thơ viết theo thể song thất lục bát rất hợp tình hợp lý và hóm hỉnh vô cùng. Phải nói rằng vừa hay, vừa sâu, vừa cảm động, lại vừa làm cho người đọc cười tươi khoan khoái, cười hết cỡ. Một bài thơ tặng vợ nhân ngày cưới tuyệt đấy chứ! Người vợ nào được chồng tặng bài thơ như thế này mà không thương chồng đến nghẹn ngào?

Đọc bài thơ mà tôi nhớ biết chừng nào những đám cưới nông thôn miền Bắc ngày xưa đơn sơ mà ấm cúng vui nhộn. Tuy rằng cô dâu trong đám cưới như tác giả nói:

Bà thì mang tiến cô dâu

Cái áo hôm trước hôm sau vẫn dùng

Đúng là như thế đấy. Giống như quê tôi hồi đó những đám cưới vẫn mặc đồ bình thường, do vậy khách đến dự không thể nhận ra cô dâu nếu không được người nhà giới thiệu trước.

Câu thơ thật hài hước, có lẽ tác giả khi viết câu này cũng phải cười thầm, hoan hỉ, nhưng sống mắt lại cay cay, chắc bạn đã hiểu vì sao?

Chú rể cũng vậy:

Tôi thì chiếc áo bông cũ kỹ

Bạc hết màu, đường chỉ lắt lay

Đố ai nhận ra chú rể đang ngồi đâu trong lễ cưới? Bởi ngày đó không có chuyện cô dâu chú rể đi chào bàn, mà chỉ ngồi một chỗ lẫn vào khách mời. Chỉ có người nhà và người trong xóm biết thôi. Do vậy khách dự bao giờ cũng nôn nao hỏi cô dâu chú rể đâu? Khi biết rồi thì cười rộn lên...



Hình minh họa

Bây giờ nhắc lại, ghi kỷ niệm vào thơ nhân 47 năm ngày cưới. Tác giả lòng vừa vui, vừa tự hào, vì tình yêu và hạnh phúc một thủa nghèo nàn nay vẫn một màu tím đậm đà hương sắc. Cái áo cô dâu của bà, chiếc áo bông cũ kỹ bạc màu lắt lay đường chỉ càng gợi nhớ, ông càng thương bà hơn.

Nghĩ đến những đám cưới tiền tỷ ngày nay thật là tương phản...làm cho trái tim tác giả đắng đắng, giữa đêm khuya ông ngồi dậy viết bài thơ này. Khi tình cảm trào dâng, khi có điều gì muốn nói, ông thường viết ngay không đợi sáng. Hình như nhà văn nhà thơ nào cũng vậy. Bởi chỉ có vậy mới làm nên những tuyệt tác để đời...Bài thơ mang giá trị nhân văn. Bởi nó mang nặng tình người, bởi nó mang bản sắc dân tộc. Bởi nó tôn vinh vẻ đẹp truyền thồng, nó hướng về cội nguồn, điều mà mỗi con người cần nhớ và ghi sâu.

Những món quà mừng đám cưới chỉ là cái khăn mặt, một chậu men, lúa, gạo, chứ không có tiền mừng. Đó là một sự thật mà tôi đã từng là người trong cuộc.

Chiếc giường tân hôn của tác giả cũng đặc biệt, cảm động đến nao lòng:

Hễ khởi sự nó rung cót két

Cứ như là day dứt tâm can

Cái tự trào của Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng rất thực, rất hóm, khôi hài và đủ sức lay động một ký ức tưởng đã ngủ yên. Chẳng cần phải dùng những từ ngữ lớn lao, cứ bình thường thôi. Chẳng cần phải ý tứ, chẳng cần phải rào đón vòng vo, cứ tự câu thơ trào ra như cái gì đến phải đến, như tự thân nó thế giữa thanh thiên bạch nhật, nguyên thủy và trào lộng. Những nhịp thơ cứ thế rung lên những cung bậc tình cảm. Càmg ngẫm lại càng hay...

Bài thơ như một lời thầm thì tâm sự của ông với bà, của chồng với vợ. Và cũng là lời tâm sự của hàng triệu con người nói với những người bạn trăm năm của mình hãy giữ vững những gì mình đã có, đã tự hào của một thời yêu nhau để ngọn lửa mãi mãi, thấm sâu vào mạch máu, con tim của tình yêu thương tuổi xế chiều.

23/9/2012

Hoàng Giao

hoanggiao
16-05-2014, 10:34 PM
Đọc "Mùa tôi thu cứ thẫn thờ"


MÙA TÔI THU CỨ THẪN THỜ

có ai không?
sớt chút buồn
giúp tôi cạn bớt càn khôn lặng thầm ...
mùa về
rớt giọt trăm năm
mưa hôn vàng lá ướt bầm dấu yêu!
có ai không?
vắt khô chiều
để em áo lụa tóc kiều nghiêng mây
mùa về
hương quyện heo may
bốn mươi mùa vẫn nhớ đầy nét môi
có ai gom hết mây trời?
một tôi ngồi nhớ tháng mười xanh mơ
áo mây bay tận bây giờ
mùa tôi
thu cứ thẩn thờ…
dáng xưa!
03-10-2012
Vũ Miên Thảo


LỜI CẢM NHẬN
"có ai không?"
Thoạt đọc câu thơ đầu tiên tôi đã hình dung ra hình ảnh một người đàn ông đang phiêu diêu bước trong chiều, cần lắm sự sẻ chia. Có thể anh đang hoang mang vô tận, xung quanh hoang vắng, không có ai. Anh vẫn hy vọng tiếng gọi của mình xuyên qua không gian tới tai người nghe: " Có ai không ?", không có tiếng trả lời! Chỉ có một mình trơ trọi giữa vô cùng. Tiếng "có ai không" rơi vào thinh lặng không lời đáp, bơ vơ. Nhưng không còn con đường nào khác, anh cần những tri âm để sống và tồn tại. Anh đi tìm một tri kỷ hay một tình yêu? Có thể cả hai! Anh đã từng để vuột mất tri âm tri kỷ, một tình yêu? Hay anh muốn nhiều thêm nữa? Hay anh chưa bao giờ có? Theo tôi nghĩ anh đang đơn độc trong tâm hồn. Sự đơn thương độc mã này không phải của tác giả, mà là tác giả đang nói hộ lòng người khác, nói hộ cái khát tình người của họ. Những con người mang tâm trạng đơn độc này nhiều lắm không phải là ít trong xã hội nhiễu nhương này. Sống giữa bao người nhưng tâm hồn vẫn cô độc không có tiếng nói chung! Câu hỏi tu từ "có ai không" thật da diết, mủi lòng? Tiếc rằng nó rơi vào im lặng nên nó ngậm ngùi!
"sớt chút buồn"
Tiếng "có ai không" chìm vào vô vọng, anh vẫn cố gắng vớt vát chút hi vọng: "sớt chút buồn". Câu thơ hạ xuống. Anh bật mí anh đang buồn, hi vọng không gian truyền tải lời tâm sự tới ai đó, họ nghe được nhất định chia sớt nỗi buồn cùng anh. Hai câu thơ đầu này như nhịp đập ngắt quãng của trái tim thiếu khí trời cần bầu không khí trong lành bè bạn. Động từ "sớt" rõ ràng là nặng ký hơn động từ "chia", thuyết phục hơn, dễ thương hơn. Một bài thơ hay thường phụ thuộc vào cách dùng từ và cách sắp xếp câu chữ, nhất là nhịp điệu của thơ làm cho bài thơ có sức sống có hơi thở nồng nàn tiếp cận người thưởng thức nó, cảm nó.
"giúp tôi cạn bớt càn khôn lặng thầm ..."
Sợ không gian không hiểu được nỗi lòng, anh ta đành nói rõ ràng hơn. Rằng anh đang có một nỗi niềm lặng thầm bấy lâu nay không biết chia sớt cùng ai. Hãy giúp anh vơi bớt sự dày vò tâm can. Có ai hiểu sự lặng thầm của anh không? Thì ra anh đâu có nói với ai mà người ta biết. Anh chỉ mong có người nào đó lặng thầm hiểu được nỗi niềm lặng thầm của anh. Đó mới là tri kỷ tri âm. Anh chờ đợi tiếng lòng đồng cảm từ trong sâu thẳm trái tim muốn nói. Chính vì vậy những càn khôn trong anh vẫn cứ lặng thầm. Lặng thầm gọi "có ai không", lặng thầm tự "sớt chút buồn", lặng thầm chờ người giúp cho vơi đi những "càn khôn lặng thầm". Tất cả vẫn chỉ là tiếng nói của anh trong lặng thầm! Vậy ai là người có thể nghe được tiếng nói lặng thầm của anh? Chính người đó mới chia sẻ được với anh chứ không phải ai khác.


"mùa về
rớt giọt trăm năm
mưa hôn vàng lá ướt bầm dấu yêu!"
Thì ra, anh vừa làm "rớt giọt trăm năm", để rồi "ướt bầm dấu yêu"? Anh để vuột mất một tình yêu đã từng hứa hẹn trăm năm, anh nuối tiếc ướt bầm cả trái tim? Nếu có thể được làm lại, chắc anh ta không làm thế, sẽ khác đi để giữ "giọt trăm năm" bên mình. Nhưng tất cả đã muộn. Nên anh muốn hỏi mọi người rằng anh phải làm gì bây giờ? Anh lỡ để mất nàng? Sự bật mí tâm tư đã đến tận cùng của sự cô độc càn khôn. Câu thơ như lời tâm sự chân thành nhẹ nhàng thắm thiết, như sự giãi bày sự đã rồi. Tác giả dùng từ ngữ ẩn dụ "giọt trăm năm" để nói về ý trung nhân, người mà anh thiết tha yêu dấu. Cụm từ này đã đủ sức đánh động lòng trắc ẩn của người đời. Làm cho người nào nghe được nhất định sẵn lòng sẻ chia! Câu thơ như giọt mưa đổ xuống ướt đầm người thơ.
"có ai không?
vắt khô chiều"
Điệp khúc "có ai không" vọng vào vách núi chứng tỏ anh phát hiện ra rằng không có ai nghe lời giãi bày thống thiết của anh cả. Chỉ có lặng im. Câu thơ đổ xuống một lần nữa:"vắt khô chiều". "Chiều" như được đó ai vắt khô hết nỗi niềm, cạn kiệt tim yêu? Hay là anh đang muốn có người nào đó vắt khô những giọt mưa làm "ướt bầm dấu yêu" của anh? Có trời hiểu?
"để em áo lụa tóc kiều nghiêng mây"
À, thì ra anh đang nhớ người con gái kiều diễm mặc áo lụa và nhớ mái tóc nàng buông lơi mềm mại nghiêng cả trời mây, làm nghiêng cả lòng anh. Hình ảnh người con gái quá đẹp lòng. Không phải nàng có vẻ đẹp rực rỡ nghiêng nước nghiêng thành, mà là nàng có vẻ đẹp hút hồn bởi công dung ngôn hạnh, bởi sự dịu dàng, bởi cái duyên dáng của đức hạnh, vì chỉ những điều ấy mới xứng với từ "nghiêng mây" giành cho thiếu nữ đáng yêu về tâm hồn. Một cô gái dù đẹp đến mấy mà không có vẻ đẹp tâm hồn thì không thể làm nghiêng ngả trái tim người đàn ông như anh. Không thể nghiêng mây được. Mây là từ nhân cách hóa chỉ lòng dạ con người, chỉ cái đẹp mà mọi người thầm mơ tới. Anh nói tóc kiều em nghiêng cả mây. Tình yêu của anh với nàng thầm lặng chiếm hết tâm trí anh, nó thuộc về tình yêu vĩnh cửu. Để cho anh "bốn mươi mùa vẫn nhớ đầy nét môi", "một tôi ngồi nhớ tháng mười xanh mơ" và:
"mùa tôi
thu cứ thẩn thờ…
dáng xưa!"
Tại sao không phải là Mùa thu tôi cứ thẫn thờ dáng xưa, mà lại là "Mùa tôi thu cứ thẫn thờ dáng xưa". Sự đảo từ"mùa tôi_mùa thu" có ý gì? Thu thẫn thờ chứ không phải tôi thẫn thờ? Thực ra lại là tôi thẫn thờ? Thu thẫn thờ cho ý thơ hay hơn? Mùa thu ai cũng biết rồi, còn mùa tôi là gì? Là cái mùa tình yêu sống dậy trong lòng tác giả chăng? Đó cũng là mùa thu?
Toàn bài thơ với những từ "sớt", "rớt", "vắt", "thẫn thờ" mang tâm tư hụt hẫng nuối tiếc những gì đã xảy ra với người trong cuộc.
Nhân vật trong bài thơ, có thể là của tác giả, có thể là của một con người nói chung đang mang tâm trạng đơn độc nhớ thương người xưa. Nhiều người đọc có thể nhận ra mình trong đó. Cũng có thể là những khát vọng tri âm, khát vọng tình yêu trong cuộc sống. Tứ thơ mềm mại, giọng thơ đằm thắm, nhịp thơ từng giọt từng giọt rớt xuống như những lát cắt của tâm tư bật ra bật ra đến "thẫn thờ" ...
25/1/2013
Hoàng Giao

hoanggiao
25-05-2014, 10:53 PM
http://www.youtube.com/watch?v=aA_m3-yigk4

CHỦ NHẬT EM CÓ BUỒN KHÔNG
Chủ nhật buồn
Em có buồn không?
Anh thơ thẩn trong căn nhà vắng
TV xem hoài thấy chán
Nhạc nghe mãi rồi cũng nhàm tai.

Chủ nhật buồn
Em có gì vui?
Anh ngồi ngó mông lung ngoài cửa sổ
Đám cưới nhà ai vừa đi qua phố
Anh gửi theo câu chúc phúc không lời...

Chủ nhật buồn
Em có đi chơi?
Anh quanh quẩn với bài thơ dang dở
Viết cho em kể bao điều ấp ủ
Rằng bao giờ mình được bên nhau.

Chủ nhật buồn
Anh chẳng đi đâu
Ngồi nhớ em như từ trăm năm trước
Nghìn năm sau vẫn một niềm ao ước
Chúng mình về ở chung nhà.

Chủ nhật đến rồi Chủ nhật qua
Nỗi buồn anh là điều bất biến
Mãi mộng mơ cái ngày em đến
Tươi vui...
Rạng rỡ...
Sắc hương hoa...
TT-NQA




LỜI CẢM NHẬN
LÁ LÌA CÂY LÁ CÓ BUỒN KHÔNG?
Con người dù mạnh mẽ đến đâu vẫn có những lúc không thoát ra được những nỗi buồn. Buồn như thể không giấu vào đâu được. Muốn nói lên, muốn chia sẻ mà phải lặng im. Nhưng có những người đã biến những nỗi buồn thành thơ, như một cứu cánh tự an ủi, tự hy vọng. Ở người này, nỗi buồn đã được thăng hoa thành một thứ khác tích cực hơn. Nỗi buồn có thể trở thành sức mạnh vượt lên nỗi cô đơn để tồn tại và tồn tại...
Nỗi buồn không bất biến, nó có thể đổi thay. Nếu thơ họ đến được với mọi người, lay động tâm can, thì giá trị ấy vô biên và bất tử.
Tuy nhiên không phải nỗi buồn nào viết lên giấy cũng thành thơ giá trị.
Con người càng từng trải, càng dấn thân, va chạm nhiều, có vốn sống nhiều mới có thơ hay, tinh tế và sâu sắc.

Đến với bài thơ "Chủ nhật em có buồn không" của tác giả TT-NQA, chúng ta thử mổ xẻ nỗi buồn của anh thể hiện trong thơ như thế nào nhé.
Thoạt nghe tựa đề thấy bi quan sao ấy? Sao không là "em có vui không?". Nhưng "người buồn cảnh có vui đâu bao giờ", tôi thầm lý giải giùm tác giả.
Cứ mỗi một đoạn thơ là có những câu hỏi "em có buồn không", "em có vui không", 'em có đi chơi"... ? Biết được ngay thông điệp anh muốn nói anh đang nghĩ về em, nhớ em, nói buồn đấy nhưng không phải là buồn, nhưng cũng lại là buồn. Buồn chợt đến, xa xăm.
Là một nỗi buồn chợt đến trong ngày chủ nhật. Anh tự nói một mình mình nghe thôi, biết nói với ai? Mượn "em" để nói. Em đã vuột xa tầm tay anh từ lâu lắm rồi, còn đây đâu mà nghe. Thôi thì gửi vào thơ. "Em" có thật không? Em trong quá khứ? Trong hiện tại? Hay em trong tương lai? Ai mà biết được ngoài anh? Có thể chính anh cũng chưa biết em là ai? Một em trong tưởng tượng cũng nên. Vì thơ thuộc về trí tưởng tượng mà...Em là gì cũng chẳng sao, miễn là tác giả có thể giãi bày được tâm trạng của mình cho nỗi buồn có thể vì thế mà vơi đi, thoát ra, thoát ra...Ai có thể chịu đựng được những nỗi buồn, một mình? Phải tìm mọi cách để "biến" nó thành cái khác dễ chịu hơn.
Những cái "biến" ấy chính là sự sáng tạo, là cái làm nên mọi sự thay đổi cuộc sống theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Hạnh phúc thay cho những ai có được thật nhiều cái 'biến" như thế.
Liệu bài thơ của anh TT-NQA có được cái "biến" ấy không? Khi bài thơ ra đời, tâm trạng của anh ấy ra sao so với lúc trước?
Kết thúc bằng câu:
"Chủ nhật đến rồi chủ nhật qua
Nỗi buồn anh là điều bất biến
Mãi mộng mơ cái ngày em đến
Tươi vui...
Rạng rỡ...
Sắc hương hoa..."

Thì ra, chỉ cần "em" đến với hình ảnh như trên là xua tan hết buồn của anh? Chỉ có vậy thôi sao? Tôi trộm nghĩ từ "em" tượng trưng cho niềm tin vào cuộc sống, đồng thời cũng là người con gái anh thầm đem lòng yêu thương...mà vì lý do nào đó hai người không đến được với nhau. "Em" bây giờ còn lại trong anh là nỗi nhớ thương bồi hồi day dứt không nguôi. "Em" là khát vọng tình yêu hạnh phúc, khát vọng tình yêu gia đình:
"Ngồi nhớ em như từ trăm năm trước
Nghìn năm sau vẫn một niềm ao ước
Chúng mình về ở chung nhà".
Điều "ao ước' ấy đã không thành hiện thực nên tác giả mới "khát', mới mong, mới khắc khoải, cuộn lòng...Không biết giờ đây "em" ở phương nào để anh gửi lời đến. Bài thơ này có thể là cánh chim đưa thư bay khắp phương trời tìm đến em trao lời nhắn gửi đến lòng em?
Đọc thơ mà thấy động lòng, mong sao cô ấy mau mau trở về với tác giả đem đến sự "tươi vui rạng rỡ sắc hương hoa"

Tất nhiên là "em" không về, chỉ có lòng người còn mong đợi mà thôi. Nhưng bài thơ đã thăng hoa được nỗi buồn. Sự trầm tĩnh chính là cái khác nảy sinh từ nỗi buồn được thăng hoa từ bài thơ, nỗi buồn mang giá trị tích cực giảm nỗi đau và tăng sức sống. Vậy thì bài thơ đã có một cái này biến thành cái kia có giá trị nâng đỡ con người lên, cao hơn...

Anh đang nghĩ đến em muốn gửi em câu chúc phúc không lời qua đám cưới nhà ai ngoài cửa sổ:
"Em có gì vui?
Anh ngồi ngó mông lung ngoài cửa sổ
Đám cưới nhà ai vừa đi qua phố
Anh gửi theo câu chúc phúc không lời..."

Giọng thơ là lời thầm thì của một người đang yêu. Cô ấy đọc được chắc hạnh phúc lắm. Biết rằng em không thể đến anh vẫn ấp ủ bao điều với em, với thơ, đây là hạnh phúc hiện tại mà anh có được, những bài thơ dang dở của anh đã thể hiện tình yêu nồng nàn với em trong xa cách, và anh không nguôi hy vọng:

"Chủ nhật buồn
Em có đi chơi?
Anh quanh quẩn với bài thơ dang dở
Viết cho em kể bao điều ấp ủ
Rằng bao giờ mình được bên nhau"

Anh không nguôi hy vọng ở câu nói: "Rằng bao giờ mình được bên nhau". "Em" ở đâu, có nghe thấy không? Độc giả thầm hỏi nhân vật nữ trong bài thơ và mong cô mau trở về.

Bài thơ này viết súc tích, sắc gọn, truyền cảm, dễ đọc, dễ nhớ, dễ cảm, ý tứ sâu sa.

Với cách viết thơ tự do vần tiếp, nhuyễn, cách ngắt nhịp ba, bốn ở mỗi đầu khổ thơ làm cho bài thơ chắc, sâu, rộng, thuyết phục.

Tác giả có lối viết: dùng câu chữ bình thường để truyền tải những thông điệp muốn nói với bạn đọc, nên tâm tình của người viết gần gửi, mộc mạc, chân thành sẻ chia.

Toàn bộ bài thơ là khát vọng yêu và mong muốn vô cùng hạnh phúc đôi lứa của tác giả cũng như các bạn trẻ, mỗi người cần phải biết yêu biết bảo vệ tình yêu và giữ gìn những gì cần phải giữ, để cho những người yêu nhau đến được với nhau, được sống bên nhau mà không phải day dứt. Đừng để người yêu thương vuột khỏi tầm tay bạn nhé.
29/3/2012
Hoàng Giao

hoanggiao
28-05-2014, 06:29 PM
https://scontent-b-lax.xx.fbcdn.net/hphotos-xpa1/t1.0-9/10402868_10202957395953963_5580219357573230553_n.j pg


NHÀ VĂN NGUYỄN KHOA ĐĂNG CHẮP CÁNH THƠ NGÂY

(Nguyễn Khoa Đăng: "Nhân dịp tập thơ ĐỘI NÓN CHO CÂY được tái bản lần thứ 2 -NXB Thanh Niên 2014- với số lượng lớn, xin được giới thiệu lại bài viết cho lần tái bản thứ nhất, năm 2004 của tác giả Hoàng Giao" )

Tập thơ “Đội nón cho cây”của nhà văn Nguyễn Khoa Đăng viết cho thiếu nhi do Nhà Xuất bản Trẻ ấn hành tháng 5 năm 2004 là một tập thơ hay, thơ ông rất “đằm thắm trữ tình”, ai đọc cũng nhận ra điều ấy. Và cảm xúc của nhà văn lại mênh mông, tha thiết tình yêu…con trẻ… . Vì vậy ông đã đi vào tâm hồn trẻ thơ một cách dễ dàng như chính ông đang là một đứa trẻ vậy! Có lẽ vì từng là thầy giáo đã cho ông cách nhìn về trẻ em một cách độc đáo, đáng yêu. Một tập thơ như thế này là cần cho tuổi thiếu nhi lắm? Đọc thơ, bé như được nâng đôi cánh ước mơ…nuôi dưỡng trí tưởng tượng cũng như tình thương yêu và lòng nhân ái với con người.

Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng đã từng viết truyện ngắn, tản văn, tiểu thuyết, kịch bản phim, các sách về trắc nghiệm tâm lý, từng là giáo viên cấp 2, luật sư bào chữa 216 phiên tòa bênh vực quyền lợi cho những người nông dân bất hạnh. Ông còn là nhà báo, còn có cả một hồn thơ quyến rũ, nhất là thơ viết cho trẻ em (tập thơ Đội nón cho cây).

“Nắng lẻn qua khe cửa
Nắng đọng lại tay em
Kìa nắng đang nhảy múa
Trên những mái tóc mềm”(Nắng)

Câu thơ lung linh màu nắng, một khung trời tuổi thơ hiện ra…tinh khiết
Phải yêu thế giới tuổi thơ như thế nào mới có được cái cảm hứng tuyệt vời đến như vậy giành cho các “bé”. Bài thơ “Cái lá”thì bé nào chả thích, đọc và cứ việc tủm tỉm cười, khoái chí cười. Cái lá mà có tính nết …như người. Eo ơi! Sao mà giống “bé” thế. Thử đọc mà xem nhé, có giống mình không nào?

“Bìm bìm láu cá
Tính hay leo trèo
Cái lá nheo nheo
Như con mắt xếch” ( Cái lá)

Toàn bộ tập thơ tác giả thường dùng lối thơ tự do, 4 chữ, 5 chữ là chính, đôi khi 3 chữ, đôi khi thơ lục bát. Lối viết này có lẽ rất phù hợp với thiếu nhi, cái tuổi bay nhảy hồn nhiên và láu lỉnh.

“Hôm nào
Cái máy xát
Bị mệt
Cái cối xay
Làm thay”
…“Làm luôn tay
Mồm vẫn hát” (Cái cối xay)

Dường như người cha đang kể cho con bé nghe về cái cối xay lúa. Hơn thua là cái kiểu kể như thế nào kìa. Cái máy bị hư thì nói là “bị mệt”. Cái cối xay kêu ù ù lại bảo “mồm vẫn hát”. Lối dùng từ nhân cách hóa này rất thu hút sự chú ý của người ta. Câu thơ nhát gừng 2 chữ, 3 chữ, tôn thêm vẻ đẹp của câu kể khẳng định hấp dẫn. Nó làm cho các em đọc thơ mà như đang há miệng ra nghe, người kể như đang ngồi trước mặt vậy. Nó nâng trí tưởng tượng cho các em và gieo vào lòng các em tinh thần tương trợ lẫn nhau và lạc quan trong tư tưởng. Tác giả muốn nhắn nhủ rằng dù bất cứ công việc gì, học tập hay lao động, mà có tình đoàn kết thương yêu, hỗ trợ, miệng vẫn vui vẻ ca hát là tuyệt chiêu của thành công đấy các em. Điều đó thôi thúc các em phấn chấn và say mê…sống. Không phải là một “kim chỉ nam” cho các em sao?

Bài thơ “Dòng và chữ” rèn cho các em lối sống tự do trong khuôn khổ. Hãy xem cách diễn tả các chữ viết khi không có dòng kẻ ra sao nè:

“Đứa tụt xuống hố sâu
Đứa húc đầu vào nhau
Đứa lao đao chực ngã”

Rõ ràng chữ viết là biểu hiện của tự do mà dòng kẻ là khuôn khổ.

Thơ của nhà văn Nguyễn Khoa Đăng chất đầy tính giáo dục khôn khéo, bằng cách dùng từ nhân hóa hài hước dễ tiếp thu. Đồng thời chứa đựng một khối tình lớn như biển cả, êm dịu. Đây là bài “Mưa phùn”:

“Trời bỗng nhiên dịu ngọt
Thì ra mưa phùn về
Từng giọt nhỏ li ti
Rơi êm như rây bột”

Mưa rơi “êm” như “rây bột”. Từ so sánh này rất xác đáng và hay. Vừa tỏ vẻ sự dịu êm của trời đất, vừa bày tỏ sự êm đềm của lòng người.

“Vườn rau em mới trồng
Thấy mưa phùn về tới
Vội vàng thay áo mới
Màu xanh mướt như nhung”

Khi không còn mưa phùn, sợ rau héo, em lấy bình phun nước tưới rau thì:

“Ngỡ mưa phùn trở lại
Vườn rau xòe lá cười”

Giống như bé đang “xòe” miệng cười vậy. Nụ cười thần tiên…

“Vội vàng thay áo mới ”và “vườn rau xòe lá cười” là hình ảnh sinh động chỉ có con trẻ mới có…Viết được những câu như thế này không phải ai cũng viết được, phải biết hòa vào tâm tư ước mơ của lứa tuổi ấy mới có thể viết cảm xúc được như vậy.
Thơ của nhà văn Nguyễn Khoa Đăng bao giờ cũng “nhân từ”với đời, kể cả cỏ cây, hoa lá và những vật vô tri vô giác cũng có hồn người.

Bài “Đội nón cho cây” viết rất cảm động:

“Thương cây bàng con
Phơi đầu ngoài nắng
Bé tìm mê nón
Đội vào cho cây”

Hình ảnh em bé mới ngộ làm sao vì lòng nhân ái bao la của bé đã thổi tình vào cây đề theo năm tháng dài lâu chiếc nón ấy trở thành “chiếc lọng” và “ xòe vòng tán rộng ”che nắng cho đời …Cây lớn tình bé lớn lên theo.

Còn rất nhiều bài hay. Bài “Mùa lúa chín” đã được Bùi Đình Thảo phổ nhạc thành bài hát ”Em đi giữa biển vàng”, đã được thiếu nhi cả nước năm 2000 bình chọn là 1 trong 50 bài hát, bài thơ hay nhất viết cho thiếu nhi thế kỷ 20.
Bông lúa quyện
Trĩu bàn tay
Như đựng đầy
Mưa gió nắng
Như đeo nặng
Giọt mồ hôi”… (Đồng lúa chín)

Câu thơ 3 chữ cùng với lối so sánh dồi dào ý tưởng này đã thổi vào lòng các em niềm cảm thông sâu sắc đời sống người nông dân làm ra lúa gạo... Tạo cho các em biết yêu, biết trân trọng và nâng niu giá trị..lao động.

Còn có những bài thơ rất riêng tư, dí dỏm, biểu hiện tình cảm gia đình của chính nhà văn. Những bài viết cho con gái con trai, về “bé Vân”, “bé Trang”, “bé Hoa”, “thằng Đàn” là tất cả những gắn kết keo sơn của đại gia đình này. Đọc thơ ông tôi tin rằng các con ông rất yêu và phục cha mình.

Bài “Tại mồm Đàn đấy ”có những câu rất thú vị được đặt vào miệng Đàn:

“Bà ngoại ngừng ru
Nó bảo: “Bà bà
Đừng họ mồm lại”

Ai mà không thấy yêu, không phải cười vì cái từ “họ mồm” “sáng tạo”ấy!
Khi nhà văn đi thăm con ốm vì xe không đèn bị lao xuống hố gãy 2 cái răng sợ con buồn liền vào vai kịch:

“Há miệng to bố hét;
- Răng của ta đâu rồi” (Nghe tin con ốm-viết cho Quỳnh Hoa)

Thế là “hai bố con cùng cười”

Khi viết về đứa con gái đầu lòng với niềm say sưa vô bờ bến:

“ Nghe con nhẹ thở
Cha mẹ thấy vui
Như trong cuộc đời
Có thêm tiếng hát” ( bài Con là…viết cho Quỳnh Vân)

Ta như nghe rõ tiếng nhịp đập của con tim chan chứa yêu thương của phút đầu tiên được làm cha, làm mẹ…Bây giờ “bé Vân” đã 40 tuổi làm mẹ của 3 đứa con cũng đã lớn. Bé Trang, Hoa, Đàn cũng làm người lớn cả rồi. Được đọc những dòng thơ của bố khắc họa tuổi ấu thơ của mình chắc không khỏi mỉm cười hạnh phúc?

Năm 2004
HOÀNG GIAO

hoanggiao
29-05-2014, 10:32 PM
Với bài "LỜI CẢM NHẬN
LÁ LÌA CÂY LÁ CÓ BUỒN KHÔNG?"


LÁ LÌA CÂY

Kẻ tiễn người đi hồn giá lạnh
Cây lìa lá đổ dạ buồn vây
Dòng sông đứng lặng không còn nghĩa
Nắng hạ ngừng rơi chẳng có ngày
Núi tủi mòn hao vì đất rụng
Trăng hờn hổ thẹn bởi tình vay
Lòng se mắt bão con đò vắng
Phải lẽ niềm đau đã phủ dày

Hoàng Giao

hoanggiao
18-12-2014, 09:31 PM
Hoàng Giao: Đọc "TRÁI TIM TÔI" của TỐ UYÊN

TRÁI TIM TÔI
Tại sao ai cũng hỏi
Xin một góc tim tôi?
Tại sao không xin cả
Mà chỉ một góc thôi?
Trái tim tôi kỳ lạ
Chỉ chôn chặt đào sâu
Cho ai là cho cả!
Một góc? Không được đâu!
Tố Uyên

CẢM NHẬN
Tôi đã từng đọc một số thơ của người Việt sống ở nước ngoài, cả ở Đức. Cầm tập Thơ Việt ở Đức trong tay, tôi thấy bên cạnh những bài viết về cuộc sống mưu sinh hàng ngày của những con người xa quê hương, xứ sở, còn có những bài thơ tình nhiều thể loại, phong cách, để lại cho người đọc nhiều vương vấn. Vốn yêu thơ trữ tình nên tôi quan tâm đến mảng này hơn.
Cũng vì lý do trên nên tôi để ý đến một bài thơ nho nhỏ trong cuốn sách. Đây là bài thơ vừa có chiều sâu, vừa làm tôi như thấy được tâm tư, suy nghĩ của mình trong đó. Với lối viết trào lộng, cuốn hút, tác giả đã mang đến cho người đọc một cái gì đó như muốn níu người ta lại... Nó hơi lạ lẫm và trong ý thơ dường như có một chất làm say lòng người. Tác giả của bài thơ mang một cái tên rất là nữ tính: Tố Uyên. Tò mò tìm trong tập tôi thấy tác giả này chỉ có hai bài. Kể cũng hơi tiếc vì không hiếu sao tôi cứ muốn đọc thêm một vài bài nữa của chị.
Bài thơ thật là đơn giản, thoạt đọc tưởng không có gì nhưng hóa ra cũng thật vô cùng:
“Tại sao ai cũng hỏi
Xin một góc tim tôi?
Tại sao không xin cả
Mà chỉ một góc thôi?”
Được viết bằng thể thơ năm chữ, bốn câu đầu lặp đi, lặp lại câu hỏi tu từ “Tại sao?”. Với nhịp điệu dồn dập rồi lại ngập ngừng, nan giải, tác giả trăn trở về chữ “một góc” trong trái tim có ý nghĩa gì? Bốn câu thơ vừa tha thiết, chân thành vừa như trào lộng muốn bung ra khỏi cái góc bé nhỏ đó để thoát ra khoảng không vô tận, để tràn ngập trái tim…
“Xin” là xin được “yêu” được sống vì yêu.
Tác giả tự hỏi „xin một góc“, một phần, một chỗ trong tim là thế nào? Xin chưa hết lòng? Xin như vậy thì thà đừng xin…
Theo suy nghĩ của riêng tôi thì khi người ta nói “xin một góc tim” của ta có thể là một lời ướm hỏi: muốn làm quen, muốn tìm hiểu, cũng có thể là một lời tỏ tình kín đáo, giản gị, thật dễ thương mà không ồn ào, không khách sáo, không phô trương tình cảm. Đó là một dấu hiệu tốt của tấm chân tình? Trong tình cảm cái gì đến chậm thì hay bền lâu.
Nếu người ta chưa gì đã vồn vã bảo “cho tôi xin cả trái tim của bạn đi” thì nên coi chừng đó là một lời sáo rỗng, không đáng tin.
Muốn trao một trái tim trọn vẹn cho ai đó phải có những cung bậc tình cảm có thể bắt đầu chỉ từ một góc thôi. Qua thời gian sẽ tăng lên, chiếm lĩnh dần thành nhiều góc và cuối cùng là trọn vẹn cả một trái tim!
Trong tình cảm không nên dung nạp sự hào nhoáng, tham lam, gấp gáp. Cái gì muốn đủ, đầy ngay sẽ mau chóng lụi tàn.
Chữ “xin cả trái tim” là điều không thể với một tấm chân tình mới nhen nhúm. Mong ước của cả hai cần nuôi dưỡng nó lớn lên thêm. Khi tình cảm đã chín, đã đầy người ta tự cảm nhận được, không cần phải nói ra.
“Trái tim tôi kỳ lạ
Chỉ chôn chặt đào sâu
Cho ai là cho cả!
Một góc? Không được đâu!”
Bốn câu sau là tâm tư tình cảm chìm sâu trong đáy lòng tác giả. Một trái tim khao khát yêu thương đến cháy bỏng, luôn chôn chặt trong sâu thẳm cõi lòng, không muốn cho ai biết. Nhưng khi đã gặp được một tâm hồn đồng điệu thì sẵn lòng trao tặng cả trái tim có thể hòa chung nhịp đập cho người. Tình yêu của tác giả là một thứ tình mãnh liệt, không chấp nhận được sự hời hợt, mờ nhạt, không rõ ràng.
Bây giờ thì tôi mới vỡ lẽ, tác giả quan niệm “một góc” là cái phần hời hợt đó nên không thể trao cho ai một góc tim được.
Khổ thơ bốn câu sau này đã vượt lên thành triết lý sâu xa. Tính trào lộng cũng đi vào chiều sâu tới mức xao động cả tâm tình, có sức lay động bứt phá đến bất ngờ.
Hai khổ thơ với hai giọng thơ nhịp điệu hoàn toàn khác nhau, như là hai nốt nhạc trầm và bổng vậy. Đó là hai cung bậc tình cảm của con người.
Nếu như khổ thơ đầu là những câu hỏi dí dỏm một cách dễ thương thì khổ thơ sau là cái gì lắng đọng vào chiều sâu một cách mãnh liệt.
Không khí bài thơ như bầu trời gió lộng với một nhịp điệu dạt dào say đắm.
Cảm ơn tác giả đã cho bạn đọc một bài thơ hay và xúc động đến say lòng, nhất là ở bốn câu thơ cuối.
Hoàng Giao
17/11/2014

Tâm sự của tác giả Tố Uyên:
Chị Hoàng Giao và các bạn yêu thơ thân mến!
Tôi rất cảm động khi thấy bài thơ khiêm tốn của mình được người phê bình và bạn đọc quan tâm. Nhân dịp đầu năm 2015, chúc các bạn một năm dồi dào sức khỏe, an lành, hạnh phúc và gặp nhiều may mắn.
Tôi đồng ý với bạn yêu thơ (cảm nhận 1) là trong tập “Thơ Việt ở Đức” có rất nhiều bài thơ hay, thơ ra thơ. Nhưng hiện nay chúng như những nàng công chúa bị phù phép đang ngủ mê mệt trong tòa lâu đài mang tên “Thơ Việt ở Đức” và họ sẽ mãi chìm trong giấc ngủ thiên thu nếu không có những vị hoàng tử dũng cảm đến hóa giải lời nguyền. Hoàng Giao là vị hoàng tử đầu tiên phát hiện ra tòa lâu đài đã đi vào quên lãng đó và kết quả là một nàng công chúa, có thể không xinh đẹp hoàn hảo, nhưng rất đáng yêu là “Trái tim tôi”, đã được đánh thức. Tôi tin rằng việc này làm những thần dân trong vương quốc Thơ rất vui mừng.
Lẽ ra tôi không lên tiếng nếu không được đọc cảm nhận của bạn thơ Nguyễn Văn Tân. Tôi không phải nhà thơ chuyên nghiệp. Tôi chỉ làm được thơ khi có thi hứng. Những phút giây ấy rất hiếm hoi, vì như bao người làm thơ ở Đức, tôi vẫn phải bươn chải lo miếng ăn hàng ngày. Bài “Trái tim tôi” ra đời cũng trong hoàn cảnh ấy. Nó là đứa con của tình yêu giữa tôi với chàng Thơ và được sinh ra trong những giây phút thăng hoa của tình yêu đó.
Hoàng Giao đã bắt được cái hồn của tôi khi viết nên những câu thơ đó. Thơ là người! Chị đã rất hiểu tôi, dù tôi và chị chưa bao giờ gặp mặt. Qua thơ, chị đã nhìn thấu được vào tâm hồn tôi và biết tính cách của tôi, sống như thế nào, yêu như thế nào. Cảm ơn chị nhé, Hoàng Giao! Hạnh phúc của một người làm thơ là chuyển tải được tâm hồn mình, tâm trạng mình lúc viết ra những vần thơ đó đến người đọc. Khi đọc một bài thơ mà bạn đọc hiểu tác giả muốn nói gì thì coi như bài thơ đã thành công. Tôi thật diễm phúc đã được hưởng niềm vui đó.
Như đã nói ở trên, tôi viết những dòng này vì… Nguyễn Văn Tân, một người tôi cũng chưa bao giờ gặp mặt. Trước hết vì cái liên tưởng ngồ ngộ của anh. Cái trái tim “được chia làm ba phần tươi đỏ” của bác Tố Hữu ấy. Khi làm bài thơ, tôi chẳng nghĩ đến trái tim của ai cả, tôi chỉ nghĩ đến tôi thôi. Mà trái tim tôi thì chỉ dành trọn cho người tôi yêu! Không cho Thơ, mà cho Đảng lại càng không! Nói như thế không phải tôi không yêu Thơ. Nhưng với tôi Thơ là ở tâm hồn (die Seele) chứ không nằm trong trái tim (das Herz). Khi bài thơ in ra rồi, cũng có lúc tôi chợt nghĩ đến bác Tố Hữu và bài thơ của bác. Tôi tự thấy mình hơi cá nhân, tiểu tư sản (chữ các cụ ngày xưa hay dùng). Trái tim của tôi chỉ dùng để yêu thôi! Yêu những con người cụ thể, bằng xương, bằng thịt. Nói vậy chứ, nếu tôi được sinh ra vào thời bác Tố Hữu, có khi tôi cũng làm được như bác ấy chứ đừng tưởng.
Tôi viết những dòng này vì Nguyễn văn Tân bởi ngoài niềm vui được bạn đọc hiểu đúng ý mình, thì anh đã mang cho tôi một niềm vui lớn nữa: Như anh nói, tôi đã làm anh “ngứa nghề”! (E hèm!) Tôi đã làm anh muốn viết lại. Tôi đã làm sống lại một hồn thơ? Thật tuyệt vời! Nếu vậy thì xin chúc mừng anh! Chúc mừng tôi vì đã làm được một việc tốt nữa! Các bạn thấy không? Chỉ một bài thơ nho nhỏ mà mang đến một tác dụng lớn. Tôi xin cảm ơn tạo hóa đã “vô tình” cho anh gặp bài thơ bé bỏng của tôi, làm cho anh từ bỏ ý định đoạn tuyệt với nàng Thơ của anh. Hãy tiếp tục làm thơ anh nhé! Dù Đời vẫn chẳng bớt “trớ trêu, kệch cỡm” đâu!
Chúc chị Hoàng Giao, anh Nguyễn Văn Tân, bạn yêu thơ, anh Bùi Bình, chị Xuân Đào và các bạn yêu thơ năm mới dạt dào thi hứng. Hẹn gặp lại qua những vần thơ!
Berlin, 01/01/2015
Tố Uyên

HG cũng không ngờ lại bắt được cái hồn Tố Uyên. Lúc viết bài cảm nhận này, tôi như lấy cảm xúc từ trái tim mình. Một trái tim nằm yên bình trong vỏ ốc từ lâu vùi sâu dưới đáy đại dương không có cơ hội được đánh thức, một trái tim cam phận không sóng gió, không tình yêu, tự nó không hiểu được rằng trong thẳm sâu trái tim mình vẫn còn khát vọng được thức dậy để trao tặng để đón nhận để trào dâng hết mình