PDA

Xem phiên bản đầy đủ : Cảm hoài (感懷) - đặng dung (鄧容)



Gió Bụi
30-04-2014, 06:21 AM
CẢM HOÀI (感懷) - ĐẶNG DUNG (鄧容)

Trong hàng ngàn bài Thất ngôn bát cú luật thi của Việt Nam cũng như của Đường thi Trung Quốc mà tôi đã đọc, những bài liên quan đến tâm sự người tráng sĩ trước vận nước không hề có một bài nào có thể so sánh được với bài Cảm hoài của tráng sĩ thi nhân Đặng Dung của chúng ta, kể cả thơ của Tô Đông Pha, thi nhân rất nổi tiếng đời Tống. Có lẽ cả trong dòng Thất ngôn bát cú này, một bài khác có thể để bên viên ngọc quý này là bài Hoàng hạc lâu của Thôi Hiệu, tuy nhiên tâm sự của Thôi Hiệu lại là dòng tâm sự thương nhớ quê hương. Hoàng hạc lâu của Thôi Hiệu thật khó mà so sánh được với Cảm hoài của Đặng Dung cả về nội lực văn chương, cả về nhãn quan lẫn văn phong. Hoàng hạc lâu của Thôi Hiệu đã được đề cập nhiều tại Việt Nam, nay tôi không bàn về Hoàng hạc lâu của Thôi Hiệu nữa vì xem như khách thơ đã biết; nay tôi tập trung bàn về bài Cảm hoài của Đặng Dung mà thôi

Thơ văn của Đặng Dung chỉ còn lưu lại chỉ mỗi một bài Cảm hoài. Đó là một bài thơ mà tám câu thẩy đều xuất sắc, mỗi câu là một trang sử, lời thơ chứa nhiều kiến văn của một người có sức học rất rộng, tài hoa trong việc chọn điển từ, điển tích, quyết đoán trong việc đánh giá ai xứng đáng được gọi là anh hùng, ai là tên tiểu tốt hay loại bần tiện trong lịch sử Tàu và Việt. Là một bản anh hùng ca mang tâm trạng về thế sự trong ấy thể hiện rõ phong cách của người tráng sĩ trong cơn quốc nạn. Danh sĩ Lý Tử Tấn người đồng khoa tiến sĩ với Nguyễn Trãi, là phó soái Tao Đàn Nhị Thập Bát Tú thời vua Lê Thánh Tông, vào giữa thế kỷ XV, khi nhận Xét về bài thơ này, Lý danh sĩ phê "phi hào kiệt chí sĩ bất năng" (nếu không phải là người hào kiệt ,tráng sĩ thì không thể trước tác nổi

Đọc đến đây làm sao mà khách thơ không thích thú cho được khi hồi tưởng một thời trung học của mình đã từng được học qua, nay còn nhớ đôi câu trong trí:

Thời lai đồ điếu*4 thành công dị
Vận khứ*5 anh hùng ẩm hận đa

Đó là câu 3 và câu 4 trong nguyên tác đã gây bao nhiêu cảm Xúc cho người thời nay, cụ Phan kế Bính năm xưa đã dịch:

Bần tiện gặp thời lên cũng dễ,
Anh hùng lỡ bước ngẫm càng cay.

Cụ Tản Đà dịch:

Gặp gỡ thời cơ may những kẻ,
Tan tành sự thế luống cay ai!
Và người bây giờ dịch ;
Gặp thời tiểu tốt lên sao dễ,
Lỡ vận anh hùng nhận thế ta!.

Xin các bạn hãy cùng tôi, chúng ta cùng đọc kỹ lại thơ ông để xem lời bình của danh sĩ Lý Tử Tấn đúng đến mức độ nào, và tiện thể cũng để xác định cho chắc một lần cuối rằng, trong thể Thất ngôn bát cú nói về khí phách tráng sĩ không bài nào qua mặt nổi bài Cảm hoài của Đặng Dung tài danh của Việt Nam chúng ta. Để có thể thưởng ngoạn cho tận hết "cái hay " của bài trên, xin khách thơ cùng laiquangnam đọc lại lịch sử cũng như các huyền thoại thoại dân gian.

I- Bài thơ của Đặng Dung được sáng tác trong bối cảnh nào?

Lấy cớ tên đại gian tặc Hồ quý Ly (gốc Tàu), kẻ đã cướp ngôi nhà Trần, do sự bất cẩn của vua Trần nuôi ong tay áo, không nghe lời của quan tư đồ Trần Nguyên Hãn; quân nhà Minh diệt dễ dàng nhà Hồ, sử ghi tướng Tàu là "Trương Phụ thắng trận đi đến đâu giết hại quân dân và làm những điều tàn bạo gớm ghê là Xếp người thành núi, hoặc rút ruột người treo lên cây ,hoặc nấu thịt người để lấy dầu. Còn những người An nam ai phục tùng nhà Minh mà giết được nhiều người bản quốc thì được thưởng cho làm quan. Thật bấy giờ tha hồ cho bọn hung ác đắc chí" sđd(1)trang 204. Thế sự du du nại lão hà (câu 1) là thế.
Chỉ vì xuất phát lòng căm thù trước sự tàn ác và dã man của bọn giặc Tàu xâm lược mà các hào kiệt như Đặng Tất khởi binh trước đó, tiếp tục sau này là các tướng Đặng Dung, Nguyễn cảnh Dị, con trai của danh tướng Nguyễn cảnh Chân, Trần Quý đi tìm con cháu nhà Trần dựng cờ khởi nghĩa. Họ đã tổ chức lực lượng chống trả kẻ thù, dẫu biết kẻ thù đã mang sang nước ta một lực lượng quân binh chính quy hùng mạnh đông gấp nhiều lần về cả ba phương diện vũ khí, con người, quân lương. Các vị anh hùng đã đánh nhau ròng rã trên dưới bảy năm (1407-1413) với một binh lực hơn hẳn mình. Có lúc họ cũng đã thắng nhiều trận lẫy lừng (sđd(1), tưởng chừng như đã thắng, nhưng dài hơi thì cuộc đọ sức đã không cân sức. Than ôi! họ đã bại trận!. Trên đường bị đưa về Yên kinh ( Bắc Kinh ngày nay) để làm nhục, vua tôi họ đã ca hát như không có chuyện gì xảy ra, thắng bại là lẽ thường tình đối với người tráng sĩ một khi họ đã toàn tâm toàn ý , hết lòng, hết sức vì dân tộc này. Đặng Dung, trong vai trò lãnh đạo cuộc kháng chiến đã ngâm cho vua tôi nghe khúc ca cảm khái này, vừa ngâm vừa gõ nhịp xuống ván gỗ thuyền, cùng vui và sẵn sàng đón nhận mọi sự trả thù tàn bạo của kẻ thù; dân tộc ta đâu xa lạ gì sự tra tấn đầy thú tính của người Tàu đối với dân bị trị, xin khách thơ cùng đọc đoạn sử này "Năm 1410, Trần Quý Khoách khi thấy sức đã yếu, kéo dài cuộc chiến chỉ làm kiệt sức dân, hao binh tổn tướng, nay tạm chấp nhận thua thiệt trước mắt để tính kế lâu dài. Vua bèn cử Nguyễn Biểu làm sứ giả sang dinh của Trương Phụ bàn chuyện hòa giải. Trương Phụ bắt trói sứ giả Nguyễn Biểu vào chân cầu để nước triều lên thì Nguyễn Biểu phải chết ngộp". Một quốc gia côn đồ thì có binh tướng côn đồ, có văn minh của xứ nào trên thế gian này lại đi giết sứ giả, khi mà họ đến trại giặc với hai tay không. Sử sách nay vẫn còn ghi chép rõ ràng tội ác đó,sđd(1). Phan kế Bính đánh giá bọn "bần tiện " quả không nặng lời! Không muốn mình phải chịu cảnh ô nhục trong tay địch, thừa lúc sơ ý của bọn lính canh của giặc, vua tôi cùng nhào xuống biển tuẫn tiết. Oanh liệt và hào hùng! .

II-Toàn văn nguyên tác và bản dịch quốc âm

Dân tộc ta đã được may mắn đọc lại khúc ngâm anh hùng ca này là do hai công ghi chép, một là tiến sĩ Lý tử Tấn đời Lê thánh Tông có chép lại dưới tên là Cảm hoài và viết lời bình; hai là của Lê Quí Đôn (1726 - 1784) trong Toàn Việt Thi Lục có chép lại bài này dưới tên Thuật hoài. Một bài thơ duy nhất còn lại của thi nhân tráng sĩ Đặng Dung nhưng là thiên hạ đệ nhất thi.


2.1-Nguyên tác

感 懷

世 事 悠 悠 奈 老 何,
無 窮 天 地 入 酣 歌。
時 來 屠 釣 成 功 昜,
運 去 英 雄 飲 恨 多。
致 主 有 懷 扶 地 軸,
洗 兵 無 路 挽 天 河。
國 讎 未 報 頭 先 白,
幾 度 龍 泉 戴 月 磨。


2.2-Phiên âm

Cảm hoài

Thế sự du du*1 nại lão hà*2
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca*3
Thời lai đồ điếu*4 thành công dị
Vận khứ*5 anh hùng ẩm hận đa
Trí chúa*6 hữu hoài phù địa trục
Tẩy binh*7 vô lộ vãn thiên hà
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch*8
Kỷ độ Long Tuyền*9 đái nguyệt ma.

Đặng Dung


2.3-Chú các từ mang tính lịch sử :

1_Thế sự du du (1),khắp đất nước nơi đâu cũng hoang mang vì bị giặc Tàu mượn cớ họ Hồ cướp ngôi của nhà Trần, họ mang binh sang xâm lăng và tàn phá và thiết lập chế độ đô hộ nước ta, toàn dân tộc ta chưa có giải pháp nào khả dĩ để đánh đuổi quân xâm lược.
2_nại lão hà (2), già rồi làm sao chừ, bối rối sâu.
3_hàm ca (3) ,là khúc ca vui khi đấng trượng phu mượn rượu để nói lên chí khí mình;
tỉ như Lý Bạch đã từng như thế trong bài "Xuân nhật túy khởi ngôn chí"; hay như Nguyễn Phi Khanh trong bài các bài minh, bài phú, sđd(2) .
4_đồ điếu (4) đồ là người đồ tể, chỉ Phàn Khoái, chiến hữu của Hán Lưu Bang; điếu là người đi câu, chỉ Hàn Tín, đại tướng của Lưu Bang. Cả hai giúp Lưu Bang xây dựng nhà Hán (dưới mắt Đặng Dung cả hai đều là bọn bần tiện ,đồ tiểu tốt)
5_Vận khứ (5) chỉ thời vận nhà Trần đã qua, sự việc Giản định đế đã u mê giết tướng Đặng Tất, cha Đặng Dung, khiến cho sức chiến đấu của lực lượng khởi nghĩa suy yếu.
6_Trí chúa (6) ý nói lòng quyết tâm tiếp tục phò tiên triều (Trần). gác qua mối thù giết cha; Đặng Dung đã lập Trần quý Khoách lên làm vua, tôn Giản định đế lên làm thái thượng hoàng, lo đánh đuổi giặc Tàu xâm lược là nhiệm vụ trước mắt.
7_Tẩy binh (7), Ý nói đất nước thanh bình không còn cảnh binh lửa, sau khi thắng trận trở về, các tướng cầm quân tìm đến bãi sông rộng để binh sĩ được tắm mát nghỉ ngơi.
Điển từ Tẩy Binh lấy trong bài Tẩy Binh Mã (Tẩy rửa binh mã ) của Đỗ Phủ:
An đắc tráng sĩ vãn thiên hà;
Tịnh tẩy giáp binh trường bất dụng.
Tạm dịch nghĩa:
Yên được tráng sĩ kéo ngược sông Ngân hà
Tẩy sạch giáp binh dài lâu không dùng đến nữa.
8_đầu tiên bạch(9), nhắc tích Ngũ Tử Tư, một nhân vật thời Đông Châu, trong một đêm chờ qua lọt cửa thành mà đầu bạc trắng, khi lòng mang nặng mối thù nhà.
9_Long Tuyền(9) thanh tể tướng kiếm, đây là thanh dương, một trong bốn kiếm báu trong kho tàng điển tích Tàu.
(Xin xem chi tiết các chú thích từ, điển ở phần hai )


2.4-Tạm dịch nghĩa

Nỗi niềm hoài bão.

Thế sự mang mang lại(+) tuổi già
Thiên hạ thì vô cùng hãy nhập vào mà hát hàm ca
Thời đến bọn đồ tể , bọn câu cá cũng thành công dễ dàng
Thời qua anh hùng cũng đành nuốt hận
Hết lòng vì chúa có hoài bảo xoay trục đất
Rửa giáp binh không lối kéo ngược dòng sông ngân hà
Thù nước chưa báo thì đầu bạc trước
Bao thời qua đội trăng mà mài kiếm long tuyền .


2.5-Điểm qua đôi nét tài hoa của người xưa

01-về âm vận, Đặng Dung đã dùng âm "a" là một âm vang, âm vui khi sáng tác bài này.
Ông đã dùng rất nhiều điển tích và điển từ của người xưa từ Đỗ Phủ (tẩy binh ) đến các bài minh,bài phú của tiến sĩ Nguyễn phi Khanh (hàm ca ) .
02-về nội hàm câu 2 -"Vô cùng thiên địa nhập hàm ca" đã mang một nội hàm như sau:
Vô cùng thiên địa , lấy ý tưởng trong Luận ngữ của Khổng tử, "Thiên hạ ngôn tai!, tứ thời hành yên, bách vật sinh yên, thiên hà ngôn tai!" , nghĩa là "Trời có nói đâu!, bốn mùa vận hành, trăm vật nẩy nở , trời có nói đâu!" sđd(2) ; các thi nhân Tàu đời Đường mượn nó để diễn đạt cho từ ước lệ "du du" trong thi ca của họ.
+nhập hàm ca , vậy thì ta (Đặng Dung ) hãy nói lên cái chí hướng của mình bằng khúc "hàm ca" , như ngài Nguyễn phi Khanh ngày ấy : "Kiền khôn chi quang tể nan thường, hào kiệt chi kinh luân hữu hội, an đắc tố tử thanh, sung bích hư,tông du u tạo hóa chi sở ngoại da! " tạm dịch " Trời đất quang tạnh không thường, hào kiệt làm việc kinh luân có hội, ta mong muốn làm sao được lên khoảng trời tía trong vắt kia, muốn được xông vào cõi biếc thẳm không hư để theo chơi nơi hội ngộ cùng Tạo hóa!". sđd(2 ).
Câu "Vô cùng thiên địa nhập hàm ca" laiquangnam xin tạm dịch thoát ý thơ là "hãy hòa nhập cùng trời đất huyền ảo để thỏa cái chí của mình"; vì lẽ đó, điều hay nhất là bạn hãy cố gắng nhớ thuộc lòng câu thơ nguyên tác vô cùng kỳ ảo, thay vì vừa ngâm vừa gõ vào miệng ly rượu mà hát nghêu ngao "vô cùng trời đất gõ bầu mà ca.", quả thật khó có câu thơ thất ngôn bát cú nào xưa nay chuyển tải hết được lời của người xưa trong bảy chữ như thế !
03- Phù địa trục trong câu 5, "Trí chúa hữu hoài phù địa trục", xin tạm dich nghĩa "hết lòng với chúa có hoài bảo nâng trục trái đất "( riêng Phù địa trục , là xoay đổi trục quay trái đất, là xoay thời vận, làm thay đổi mệnh trời); trí tưởng tượng của người xưa thật phong phú. Ông bà ta " "Cóc nghiến răng trời phải sợ" nữa mà!.Trong bài Hạo ca hành, của Bạch Cư Dị có nhắc về thời vận, ông nói muốn cho tâm mình được thập phần an lạc thì hãy chớ nên cãi mệnh trời:
功名富貴須待命,
Công danh phú quý tu đãi mệnh,
命若不來知奈何。
Mệnh nhược bất lai tri nại hà ?

Vinh hoa chờ mệnh vuông tròn
Mệnh mà chưa đến chớ hòng hơn thua! Sđd (6)

Rõ ràng phong cách Việt được người tráng sĩ Đặng Dung thể hiện xoay mệnh trời cũng đủ nói lên cái khí phách của tiền nhân ta hơn hẳn người Tàu, triết lý ba Tàu dạy họ luôn chịu cúi mình theo mệnh trời mà Bạch cư Dị (浩歌行) là một điển hình. Hãy hết sức mình, hãy cố mà xoay trục đất lỡ thất bại thì hòa mình cùng trời đất mà vui "Vô cùng trời đất hát hàm ca." của Đặng Dung là vậy.

04- Mỗi câu hàm chứa một giai đoạn lịch sử có thật xảy ra trên đất nước ta thời ấy. Điển từ và điển tích được ông chọn rất kỹ (Ngũ Tử Tư, kiếm Long Tuyền).(xin xem phần II,đọc thêm)
05- Ông đã đánh giá lại hai nhân vật Phàn Khoái (đồ), Hàn Tín( điếu), ông xếp họ vô loại tiểu tốt, cụ PKB còn dùng từ nặng hơn, họ là bọn bần tiện, đó là một lối đánh giá khác hẳn với cách đánh giá khác với giới sĩ phu Tàu, trong đó thi nhân Đặng Dung cũng cho Trương Phụ người đã thắng ông, và cả đất nước của Trương Phụ cũng là xứ sở bần tiện cực kỳ. Vậy anh hùng là ai?, xin thưa, đó là vua tôi ông và các tướng chiến hữu của ông (xin xem phần II, đọc thêm).
06- Sự dũng mãnh của người tráng sĩ đâu phải chỉ biết cầm gươm xông pha trận mạc, mà còn ý chí, mà còn lối suy tư đứng đắn của một người tể tướng, như các câu 5 và 6 .
07- Lời nhắn gởi kinh nghiệm của người lãnh đạo cuộc kháng chiến, một đời mài thanh tể tướng kiếm Long Tuyền bảo vệ tổ quốc, truyền khí thế, như là di ngôn nhắc nở cho muôn đời sau với kẻ thù phương Bắc.


2.6-Dich thơ quốc âm

Cảm hoài
( Đặng Dung )
Thế sự mang mang lại tuổi già!
Vô cùng trời đất gõ bầu ca10
Gặp thời tiểu tốt lên sao dễ11,
Lỡ vận anh hùng nhận thế ta12!.
Phò chúa một lòng xoay trục đất,
Rửa binh không lối kéo ngân hà!
Quốc thù canh cánh đầu tiên bạc!
Gối nguyệt... mài gươm... mấy độ qua!
Laiquangnam

Chú riêng : gõ bầu ca10 là cách thể hiện "hát hàm ca" ngày nay khi chúng ta đã quá quen thuộc bài Hồ trường, vô cùng, 11lên sao dễ, 12nhận thế ta là các cụm thành ngữ đa ngữ nghĩa.


2.7-Bản dịch của một thời làm học sinh trung học :

Cụ Phan kế Bính dịch ,
Việc đời bối rối tuổi già vay,
Trời đất vô cùng một cuộc say.
Bần tiện gặp thời lên cũng dễ,
Anh hùng lỡ bước ngẫm càng cay.
Vai khiêng trái đất mong phò chúa,
Giáp gột sông trời khó vạch mây.
Thù trả chưa xong đầu đã bạc,
Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày.

Cụ Trần Trọng Kim trích đưa bản dịch vào sách Việt nam sử lược của Cụ, nhờ vậy đã được rất nhiều người thuộc do đọc lịch sử. Ngày nay bạn có thể vào google mà tìm sẽ gặp nhiều các bản dịch khác.


III-Lời cuối , đề nghị của người viết.

laiquangnam đề nghị bạn nên học thuộc bản văn nguyên tác, bởi khó có một bản dịch nào lột được tất cả ý người xưa, các chữ "hàm ca, đồ điếu, tẩy binh, đầu tiên bạch, long tuyền...", do hiệu ứng quả cầu tuyết trong ngôn ngữ, chúng đã mang trong mình một sức truyền cảm và gây nên một cảm thú riêng cho khách thơ.
Tại sao đối với một bộ phận chúng ta khó học thuộc nguyên tác nhất là những khách thơ không phải là dân văn chương nhà nòi; có lẽ do vì, có thể có những từ Hán mà chúng ta ngày nay không sao hiểu chính xác được nghĩa vì quá ư xa lạ, hoặc có thể khiến ta hiểu lầm nghĩa gốc khi chúng ở dạng ký tự vuông. Nhằm hỗ trợ các bạn, laiquangnam xin cập nhật phần chú dưới đây :

01-những từ Hán đã được Việt hóa gần hoàn toàn

Thế sự , vô cùng, thiên địa, hận, đa, quốc thù, đầu tiên, bạch, địa trục, vị báo thì các bạn đã rõ .

02- và những từ Hán còn đang chờ thuần hóa,

du du là mang mang ,dị là dễ, như giản dị,ẩm là uống, ẩm hận là nuốt hận, trí là làm hết bổn phận, ví dụ trí lực là hết sức, hữu hoài là có hoài bão, phù là nâng, tẩy binh là rửa binh giáp, vãn là kéo lại, xoay lại, vị là vì ,kỷ độ; đã bao thời qua ,kỷ là bao nhiêu ,độ là đã qua, kỷ độ là bao nhiêu lần qua..., đái là đội , ma là mài, như chữ ma sát trong vật lý học.
Chỉ cần bấy nhiêu các bạn có thể học thuộc nguyên tác được rồi đó. Đọc để nhớ tiền nhân, đọc để cất đi mặc cảm là chỉ có thơ Đường là nhất, quả là quá sức sai lầm do sự "nổ" của những người biết năm ba chữ Tàu!. Hãy đọc đi!dòng thơ chữ Hán của tiền nhân ta còn nhiều lắm.
Xin mời bạn đọc lại một lần nữa, hy vọng lần này thấm hơn, thú vị hơn.

Cảm hoài

Thế sự du du nại lão hà
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca
Thời lai đồ điếu thành công dị
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa
Trí chúa hữu hoài phù địa trục
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch
Kỷ độ Long Tuyền đái nguyệt ma

Đặng Dung


Xin cám ơn các bạn đã đọc và yêu mến Đặng Dung.

Laiquangnam


-o0o0-



Tham khảo

01- Trần trọng Kim, Lịch sử Việt Nam, nxb THTPHCM, 2005, chương XII nhà Hậu Trần, và các chương khác về sự bạo tàn của Tàu đối với dân Việt trong suốt 1000 Bắc thuộc. Đặc biệt cụ TTK chỉ dùng trước sau một từ Tàu, để chỉ Trung quốc ngày nay!.

02- Nguyễn đăng Thục, Lịch sử tư tưởng Việt Nam, tập V , (Tư tưởng Việt Nam thời Hồ, 1380-1407) nxb TPHCM,1998.

03- Nguyễn Hưng Quốc, Nghĩ về thơ,Văn nghệ, California,USA,1989

04- Nguyễn Phan Cảnh, Ngôn ngữ thơ,Văn hóa thông tin, 2001

05- trong quá trình viết bài này, có sử dụng một số tư liệu khác trên mạng internet, Vi-wikipedia.com và đã đọc chừng trên dưới hơn 2500 bài thơ Đường để viết lời xác quyết trên.

06- Laiquangnam, Đường thi nửa chặng, laiquangnam chọn và dịch các bài thơ Đường hay nhất, chưa xuất bản.


-o0o0-


Laiquangnam

Gió Bụi
30-04-2014, 06:28 AM
Bài dịch của Tản Đà


Cảm hoài

Việc đời man mác, tuổi già thôi!
Đất rộng trời cao chén ngậm ngùi
Gặp gỡ thời cơ may những kẻ,
Tan tành sự thế luống cay ai!
Phò vua bụng những mong xoay đất,
Gột giáp sông kia khó vạch trời.
Đầu bạc giang san thù chưa trả,
Long Tuyền mấy độ bóng trăng soi.

Tản Đà dịch

Gió Bụi
30-04-2014, 06:31 AM
Thảo luận thêm: Thi nhân, tráng sĩ Đặng Dung và thi phẩm Thuật hoài
(Bài viết của Thiện Nhân Nguyễn Khánh Do)


Đầu bạc giang san thù chưa trả
Long tuyền mấy độ bóng trăng soi

Tiểu sử: Danh tướng Đặng Dung, sinh không rõ mất năm 1413. Ông người Nghệ An nhưng theo gia đình vào lập nghiệp tại vùng đất nay thuộc quận Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Ông cùng Nguyễn Cảnh Dị, Nguyễn Súy rước Trần Quý Khoách về Nghệ An lập lên vua Trùng Quang quyết liệt kháng Minh. Năm 1413 ông cùng vua Trùng Quang bị bắt giải về Tàu, nửa đường ông trầm mình tự tử. Ngoài gương anh hùng tiết liệt, Đặng Dung còn được xem như một nhà thơ lớn của dân tộc mặc dù ông chỉ để lại một ít bài thơ, trong đó có bài Thuật Hoài nổi tiếng. Sau đây là một bài viết phân tích bài thơ Thuật Hoài của ông.

Trong lịch sử có những tráng sĩ, danh tướng ngẫu nhiên làm một vài bài thơ. Thơ của họ được người đời sau biết đến là nhờ danh tiếng của họ lưu trong lịch sử. Lý Thường Kiệt, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư nằm trong trường hợp này. Nói đến Lý Thường Kiệt người ta nhắc tới bài thơ có câu "Nam quốc sơn hà Nam đế cư". Nói tới Trần Quang Khải người ta kể "Đoạt sáo Chương Dương độ". Và nói tới Trần Khánh Dư người ta đề cập tới bài Bán Than. Đó là trường hợp từ danh của tướng người ta liên tưởng tới thơ của họ. Trường hợp của Đặng Dung ngược lại: từ thơ người ta liên tưởng tới cuộc đời của ông. Đặng Dung làm thơ nhiều hay ít không rõ, chỉ biết ông có một bài duy nhất được lưu lại, đó là bài Thuật hoài (hay Cảm hoài). Với bài này tên ông đã có chỗ đứng trong văn học sử, và người đời sau khi đọc bài thơ không thể không khen cái hay của nó. Yêu thơ, muốn tìm hiểu thêm về tâm sự và cuộc đời tác giả, người ta sẽ thích thú khi biết rằng ông là một nhà ái quốc tuyệt vời, một dũng tướng can trường, một nhân kiệt hiếm có, một tráng sĩ hiên ngang, khí phách sống vào thời Trần mạt. Bài Thuật hoài của ông nguyên tác bằng chữ Hán, phiên âm như sau:

Thế sự du du nại lão hà (*)
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca (*)
Thời lai đồ điếu thành công dị
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa (*) (1)
Trí chúa hữu hoài phù địa trục (*)
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà (3)
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch (*) (2)
Kỷ độ Long Tuyền đới nguyệt ma

Lý Tử Tấn, một học giả thời Lê, tác giả Chuyết Am văn tập, khi đọc bài thơ này đã hết lời ca tụng người sáng tác ra nó là "phi hào kiệt chi sĩ bất năng" (không phải là kẻ sĩ hào kiệt thì không thể sáng tác được như vậy).

Ta hãy lược qua thân thế của tác giả để có thêm chất liệu soi sáng thêm cho phần thưởng thức bài thơ. Đặng Dung sinh và mất năm nào không rõ, chỉ biết ông là người làng Tả Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Nghệ An. Thân phụ ông là Đặng Tất làm quan triều Trần. Khi quân Minh do Trương Phụ thống lãnh chiếm nước ta, năm 1407 Đặng Tất cùng đồng liêu là Nguyễn Cảnh Chân theo giúp Giản Định Đế chống quân Minh. Nhưng Giản Định Đế nghe lời xiểm nịnh giết cả Nguyễn Cảnh Chân và Đặng Tất. Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị, con Nguyễn Cảnh Chân, vì đại cuộc quên thù nhà, đem quân từ Thuận Hóa về Thanh Hóa, tôn Trần Quý Khoách lên làm vua, đó là Trùng Quang Đế, để tiếp tục sự nghiệp chống Minh. Chiến công đáng ghi nhớ nhất trong đời ông là đánh úp doanh trại quân Minh trong một đêm của tháng 9, năm 1413. Ông và một vị tướng khác là Nguyễn Súy cầm đầu một toán quân xung kích nhảy lên thuyền tướng giặc, tính bắt sống, nhưng nhờ đêm tối Trương Phụ đã thoát hiểm.

Thời Trần mạt, tráng sĩ, nghĩa sĩ khá đông, ngoài cha con ông, và cha con Nguyễn Cảnh Dị còn có kẻ sĩ can tràng Nguyễn Biểu, dũng sĩ hiên ngang Nguyễn Súy, v.v.. nhưng vì nghiệp nhà Trần đã hết, vận nước gặp hồi điêu linh, nên tất các cuộc khởi nghĩa chống quân thù đều thất bại, và bao nhiêu kiệt sĩ đã phải ngậm đắng nuốt cay vì vận mạt. Sau khi cuộc kháng chiến thất bại, vua Trùng Quang và các tướng tá bị bắt, có sách ghi là ông ở trong đám người bị bắt đó. Trên đường bị giải về Yên Kinh ông và vua Trùng Quang đã nhảy xuống sông tự vẫn.

Bây giờ chúng ta lắng nghe Đặng Dung giải bày nỗi cảm hoài qua 8 câu thơ của ông :
1- Việc đời còn dằng dặc mà mình đã già mất rồi,
2- (vậy nên) đất trời mênh mông thu lại là một cuộc say hát (mà thôi).
3 - Gặp thời bọn giết heo, bọn câu cá cũng thành công dễ,
4- (nhưng) lỡ vận thì anh hùng cũng đành nuốt hận nhiều (2).
5- Giúp chúa có lòng đỡ trục trái đất,
6- (nhưng tiếc rằng) rửa binh không có đường kéo sông trời (3).
7 - Nợ nước chưa báo được đầu đã sớm bạc,
8- (đáng tiếc thay) đã bao phen mài gươm Long Tuyền dưới ánh trăng.

Bài thơ mở ra bằng cái bi phẫn của thi-nhân-tráng-sĩ, ngao ngán vì việc đời còn ngổn ngang mà tuổi đã xế chiều. Bi phẫn đó dẫn đến lời ngậm ngùi: trời đất mênh mông rút lại không chừng chỉ còn là một cuộc say hát nghêu ngao. Ta bắt gặp ý niệm tương tự nơi Tiêu Sơn Tráng Sĩ thời Lê mạt. Khi cuộc phục Lê đã vô vọng, tình yêu với Trương Quỳnh Như không thành, Chiêu Lì Phạm Thái đã trốn vào rượu, suốt ngày ngâm câu "Chí lớn trong thiên hạ không đựng đầy một hồ rượu, không đong đầy đôi mắt mỹ nhân".

Rồi từ nỗi chán chường đó thi nhân tự tìm an ủi trong triết lý về thời và vận, đầy chua cay nhưng không kém ngạo nghễ: "Thời lai đồ điếu thành công dị, vận khứ anh hùng ẩm hận đa!". Coi thường Phàn Khoái (dũng tướng của Hán Cao Tổ Lưu Bang vốn làm nghề giết heo - đồ là kẻ giết heo) nghe còn tạm xuôi nhưng khinh thị Hàn Tín (đại nguyên soái của Hán Cao Tổ, khi hàn vi là anh đi câu cá kiếm ăn - điếu là đi câu cá) thì thật quá đáng. Bởi Hàn Tín là một đại tướng lừng danh của lịch sử Trung Quốc, một trong mấy hào kiệt đã giúp chúa dựng nên đế nghiệp vẻ vang. Nhưng tại sao đọc hai câu thơ này ta không thấy chướng tai, mà lại thấy lời thơ hùng tráng và ý tứ ngậm ngùi. Bởi vì Đặng Dung là một tráng sĩ ... thất bại, nhất là thất bại trong sứ mạng phục quốc. Người ta thường chỉ chê những kẻ công thành, danh toại mà có những lời ngạo mạn, nhưng lại thông cảm và thích thú với lời ngạo nghễ, khinh bạc của những kẻ có chí, có tài nhưng lỡ thời, lỡ vận. Bài thơ được nhiều người ưa thích, và truyền lại cho hậu thế một phần có thể là nhờ hai câu thơ hùng tráng và đầy ngạo nghễ này. Đối với những hào kiệt lỡ vận nó là một lời an ủi thấm thía, một phản ảnh tâm lý tuyệt vời. Suốt dòng lịch sử đấu tranh của dân tộc ta, biết bao nhiêu anh hùng đã lỡ vận, đã có tâm sự bi phẫn giống như tâm sự của người tráng sĩ làng Thiên Lộc, khi đọc hai câu thơ này chắc là họ sẽ thấy thấm lắm.

Nếu bốn câu đầu của bài thơ phản ảnh suy tư và triết lý thời vận của nhà thơ thì bốn câu sau phản ảnh tâm sự và tấm lòng của ông đối với dân, với nước. Người hào kiệt ấy dốc lòng nhận trách nhiệm, sẵn sàng ghé vai khiêng trái đất, kéo sông trời mà gột giáp binh để đem độc lập về cho đất nước, mang thanh bình lại cho muôn người. Bao phen mài gươm kiên nhẫn đợi chờ mà thời vẫn chẳng chiều. Bài thơ khép lại bằng hình ảnh của một bạch đầu tráng-sĩ dưới nguyệt mài gươm đầy thơ mộng, hào hùng, và lồng lộng một tấm lòng phục quốc khôn nguôi. Đem tiểu sử soi chiếu vào thơ, người ta càng thêm cảm phục tấm lòng của kẻ đã vì nợ nước coi nhẹ thù nhà, đã tận tụy với quê hương cho tới khi lâm tử. Bài thơ của ông quả thật tuyệt vời cả ý lẫn lời.

* Ngoài một số bài thơ Đường, có lẽ Thuật hoài của Đặng Dung là bài thơ chữ Hán có nhiều người dịch nhất. Vì sự hạn hẹp của ngôn ngữ và sự phong phú của thơ, người dịch khó lòng chuyển được hết ý quấn quýt, tứ súc tích, lời hào hùng, khí ngạo nghễ, hồn lồng lộng của bài thơ.

Ba chữ nại lão hà ở cuối câu 1 nửa như lời tự hỏi đầy ngao ngán: già rồi ư ? già mất rồi ư ?. Nửa như trách móc thời gian: sao vội bắt già! (nại hà: làm sao, thế sao, nài nỉ sao). Về ba chữ nhập hàm ca ở cuối câu 2, nếu hiểu hàm và ca tách biệt nhau thì ý thơ thành ra: rút lại chỉ còn là say sưa và ca hát (nghêu ngao); nếu hiểu hàm giúp nghĩa cho ca thì ý thơ có thể hiểu là: rút lại chỉ còn là cuộc hát say sưa, mê mãi (cho quên chuyện đời). Sâu kín trong hồn của hai câu thơ là cái triết lý: với khoảng đời sống trong thời gian vô tận (thế sự du du) và không gian không bờ (thiên địa vô cùng) con người sẽ khó thực hiện được hoài bão lớn lao.

Hai câu 3 và 4 tương đối dễ dịch nghĩa nhưng lột được cái khí ngạo nghễ của tứ, và điệu mạnh mẽ của lời lại không dễ. Hai chữ "đồ điếu"vừa khinh bạc (bọn hèn kém giết heo, câu cá), vừa ngạo nghễ (những thứ như Phàn Khoái, Hàn Tín) giữ nguyên được ý thì lời không được sáng rõ, mà thoát dịch cho được lời rõ thì khó mà gồm được cả hai ý. Sự khó khăn trong việc dịch 2 câu thơ này là ở chỗ đó. Và trên thực tế chưa có ai dịch được cả ý lẫn lời của hai câu này một cách thành công hoàn toàn.

Trong câu 5 "phù địa trục" được dùng thật gợi hình và lạ lùng. Gợi hình vì hình ảnh một tráng sĩ ghé vai khiêng trái đất làm ta liên tưởng tới cái ý vừa chấp nhận trọng trách nặng nề, vừa tận tụy thi hành. Lạ lùng vì địa trục gây cho ta ấn tượng trái đất hình cầu trong khi ở đầu thế kỷ 15 người ta chưa biết được trái đất hình cầu, vậy hẳn là Đặng Dung cũng chưa biết, không hiểu tại sao ông lại dùng được hai chữ đó. Địa trục lại đối chọi một cách thú vị với thiên hà ở câu dưới. Câu 6 tứ thơ khó chuyển vì điển tích "vãn thiên hà" và từ "binh" để chỉ binh khí . Ý sâu kín trong hai câu thơ là tấm lòng của ông đối với nước (câu 5), và hoài bão của ông mong đem thanh bình đến cho dân (câu 6), cho nên dịch được cả ý và lời của hai câu 5, 6 này rất khó. Khó không kém gì câu 3 và câu 4 ở trên, có phần khó hơn vì cai ý ẩn sâu mà người đọc thơ phải suy nghĩ kỹ mới thấy.

Gợi hình nhất của bài thơ là hai câu cuối, đúng là thi trung hữu họa. Rất nhiều người sẽ yêu hai câu thơ này vì hình ảnh hào hùng của của một tráng sĩ bạc đầu vẫn kiên gan mài kiếm dưới trăng. Nó rực rỡ hơn nhiều hình ảnh Tôn Thất Thuyết ngồi cầm gươm chém đá trong những ngày tàn của cuộc đời. Nó tuyệt vời hơn nhiều hình ảnh một thi sĩ Cao Tần vác thanh kiếm gẫy lên non vạch đất nhớ quê hương.

Bài thơ, về khía cạnh riêng, phản ảnh hoàn cảnh, tâm sự và hoài bão của tác giả, nó gây cảm ứng đồng điệu nơi người đọc. Về khía cạnh chung nó làm rung động sâu xa mỹ cảm nơi người đọc vì hình ảnh và nhạc điệu phong phú của nó.

Vì bài thơ có quá nhiều ưu điểm nên người ta khó lòng dịch được hết cái hay. Để thưởng thức trọn vẹn bài thơ, có lẽ ta nên đọc và thưởng thức thẳng vào nguyên tác. Tuy nhiên ở đây chúng tôi cũng xin chép lại mấy bản dịch đã sưu tầm được, và chúng tôi cũng dịch một bản, hy vọng những bản dịch này sẽ gây thêm hứng vị cho độc giả.