QUANG VINH

đi tìm hồn thơ ẩn mình dưới chân núi chứa chan

Bầu chọn cho bài này
Quote Nguyên văn bởi QUANG VINH Xem bài viết
Thưa cùng quý vị và các bạn!

Chúng tôi hân hạnh giới thiệu chương trình thơ và tác giả- tác phẩm. Đến với buổi thi thư tri ngộ hôm nay là chân dung người cầm bút có cái tên rất ấn tượng anh chính là thi sĩ Phong Trần người nhiều năm ẩn mình dưới chân núi Chứa Chan thuộc huyện Xuân Lộc- Đồng Nai.

ĐI TÌM HỒN THƠ ẨN MÌNH DƯỚI CHÂN NÚI CHỨA CHAN

Là tựa đề của bài viết về chân dung tác giả Phong Trần mà chúng tôi hôm nay có dịp giới thiệu đến quý bạn đọc xa gần:

Nếu một ngày em chợt đến bên tôi
Mở cánh cửa đã nhiều năm đóng kín
Mang cả sắc hoàng hôn đầy bịn rịn
Cởi chiếc áo vàng trao tặng làm tin
Hồn của tôi hồn của những cánh chim
Mùa ngâu đến vội tìm nơi trú ẩn
Mà tình em lại ấm dường vô tận
Nơi ánh bình minh rất đỗi dịu dàng.
(Trích thơ Phong Trần)

Núi Chứa Chan của vùng đất Xuân Lộc- Đồng Nai đang mùa nắng, nắng vàng ươm trải mình trên cánh lá, nắng đong đưa bên lối trúc lao xao và nắng níu chân người về bằng vết hằn in trên cát. Mùa này dưới chân núi những rẫy cà phê và hồ tiêu đang trĩu hạt, vào đầu mùa mưa nên nước tràn khe suối, nước thấm vào đất khô hanh làm trôi đi màu cỏ cháy. Ở nơi này mẹ thiên niên đã ban tặng cho cơ man nào là sự sống, trong sự sống ấy có cả những hồn thơ được nảy mầm từ những vạt đất sáng nắng chiều mưa. Những hồn thơ nảy mầm đó chính là của Phong Trần người thi sĩ ẩn mình nhiều năm dưới chân núi Chứa Chan.

Tên thật là Trần Việt Phong, phong của phong ba hồ hải, trần của trần gian hư thực bởi thế cho nên trong giới thi ca người ta gọi anh là Phong Trần. Cái tên Phong Trần ấy không biết có tự khi nào và ai là người đặt cho chàng thi sĩ làm thơ ẩn mình nơi chân núi Chứa Chan, nhưng nhìn con người và tên gọi cũng chẳng khác nhau là mấy. Chính vì không khác nhau là mấy đó nên trong ấn bản Đặc San Thu phát hành năm 2014 khi viết lời tựa để giới thiệu về chân dung thơ, nhà giáo, nhà thơ Đặng Nguyên từng cảm bút:

“…Ở nơi ấy những rẫy cà phê trĩu hạt, cái màu đỏ mượt đã bắt đầu ngả màu nho bóng màu hổ phách trầm mặc theo chu kỳ thời gian. Dấu chân thơ không còn khoan hòa giai điệu nữa mà nó rộn rã bầy đàn theo từng cơn gió hững hờ mà lay động bạt ngàn. Những đám mây mang màu vũ tích vương vãi khắp nơi, đến tận chân trời xa tít, không gian và thời gian ấm nồng ấy bởi ánh nắng sắc vàng đã chuyên chở dàn trải vơi đầy của từng tiếng thơ mang phong cách Phong Trần…” (Trích trong Đặc San Thu 2014- NXB VHVN- TP HCM)

Đó là nhận xét ban đầu của lớp người lớn tuổi như nhà thơ Đặng Nguyên viết về Phong Trần. Còn đối với Phong Trần có thể thơ là thực mà thực chính là những ẩn số trong thơ, có thời gian người ta cứ mãi miết đi tìm cái chân dung tác giả của những áng thơ tình buồn đến man mác cõi lòng.

“Kiếm tìm dịu ngọt bờ môi
Giấu làm chi những bồi hồi trong ta
Nợ nần một chút phong ba
Bây giờ gói ghém làm quà trao nhau
Bức tranh tình ái muôn màu
Em ưa sắc tím hằn sâu trong hồn
Ừ mình tô cả chân dung
Mỗi màu tim tím giản đơn chan hòa...”
(Trích thơ Phong Trần)

Sự cô liêu và cả chờ đợi một cái gì đó thường hay xuất hiện bất ngờ sau những cơn mưa hay là lúc mặt trời khuất núi. Dáng dấp và hồn thơ Phong Trần một phần nào như thế, có đôi khi ta thấy anh ẩn mình nơi trăng nước mây hoa và cả nơi la đà sương khói, anh thả mình vào thơ như cơn gió thả mình vào cây cỏ. Từng tiếng lao xao khi thời tiết chuyển mùa, từng nhịp phách trở mình của thời gian chuyển giấc cũng có thể đi vào thơ Phong Trần như một sự tự nhiên vốn dĩ.

“...Ta làm ong nhụy, bướm hoa
Làm đôi câu nhỏ bay qua cõi đời
Làm trăng thu tắm dòng trôi
Làm em đó, làm anh thôi chỉ cần.
Gặp nhau giữa chốn phù vân
Cần chi toan tính cõi trần đục trong
Trao nhau trao tận cõi lòng
Để chiều thu tím nhuộm hồn tôi em...”
(Trích thơ Phong Trần)

Thơ anh cũng không ràng buộc lắm về thể cách, anh viết theo cảm xúc dàn trải của năm tháng thăng trầm, anh viết theo theo cảm nghĩ của của người cầm bút nặng chữ Tâm. Chính cái cảm nghĩ của một người cầm bút nặng chữ Tâm ấy đã ảnh hưởng đến lối sống trực quan và quan niệm đời thường của Phong Trần để làm nên một Phong Trần vốn dĩ khác biệt.

“...Gom cả không gian về cất lại
Tôi bèn ấp ủ chút men yêu
Rồi đem trao tặng làm minh chứng
Em lạnh lùng cho mộng vỡ nhiều
Em đi trong nắng ngày thu đến
Tôi đứng bên mưa quạnh quẽ lòng
Sao nỡ giết đi chiều bẽn lẽn
Để hồn tôi chạm tới mênh mông...”
(Trích thơ Phong Trần)

Trong thơ Phong Trần hội ngộ đủ trần ai của hỉ nộ ái ố, cái hỉ nộ ái ố đó ở bên Phong Trần chưa nhiều nhưng cũng đủ để biến cảm xúc đời thường thành những buồn vui bỉ cực nơi dòng thơ anh viết. Có lần tác giả bài viết này cùng trà dư hậu tửu bên bụi trúc vàng ngã cánh ao thu tại tư gia mùa ấy mà nghe được Phong Trần cởi mở:

“…. Phong Trần làm thơ không phải để cho ai đó và cũng chẳng ai đó biết thơ Phong Trần viết ra để làm gì. Ở chân núi Chứa Chan này mùa nắng thì tưới tiêu thu hoạch điều, mưa thì nhổ cỏ trồng rau và đi câu cá. Cuộc đời cứ thế đi qua, thơ vẫn là thơ và Phong Trần vẫn chỉ là Phong Trần của Phong Trần như thế…”


Mộc mạc chân tình và cũng có chút dáng dấp của kiêu kỳ như thế cho nên mới làm nên một Phong Trần của sự riêng biệt mà người ta thường hay chú ý đến. Ngày thi sĩ Trần Vi Thông còn sống, ông vốn nặng nợ với thơ nên thường quý Phong Trần lắm, ông thích cái ung dung tự tại của một thi sĩ lạc mùa, ông yêu cái lãng mạn phong hồ của một nho sinh thư bút và ông mến cái ân tình vốn có của một hồn thơ từng làm lay động nhiều trái tim nhi nữ. Cõi hồng trần gắn kết con người ta bởi chữ duyên, từ chữ duyên đó mà hai hồn thơ một già một trẻ gặp nhau quý nhau và làm bạn được với nhau như là người thân ruột thịt. Có lần trong một cuộc vui nhà thơ Trần Vi Thông từng nói:

“...Tình yêu của Phong Trần và Hoàng Ngọc được se duyên bằng hồn thơ, mai mốt hồn thơ ấy nở nhụy khai hoa, tất cả mọi người sẽ tập trung về chân núi Chứa Chan uống rượu ngâm thơ và chúc mừng thi sĩ nhí chào đời...”.

Lời nói tưởng chừng như gió bay ấy bỗng dưng một ngày là sự thật khi nắng vàng còn trải tiếng xuân trên cành lá đong đưa thì một “Phong Trần nhí” cất tiếng khóc chào đời. “Phong Trần nhí” ấy là kết quả ươm mầm nảy lộc của mối tình thơ mà người đời ít nhiều biết đến đó là Phong Trần- Hoàng Ngọc. Với Phong Trần- Hoàng Ngọc thì thơ là máu thịt là hơi thở của sự sống nên cũng ngày “Phong Trần nhí” tròn tháng tuổi có rất đông anh chị em trong giới văn sĩ ghé nhà thăm hỏi chúc mừng. Đó là di nguyện của nhà thơ Trần Vi Thông, đó cũng là niềm vui và sự khích lệ động viên vô cùng quý của những người cầm bút đối với gia đình Phong Trần.

Nghĩa tình từ nhỏ nên to
Bây giờ chín mọng cơn mơ đầu mua
Hái đi em... mấy cho vừa
Cứ say sưa thỏa những chờ đợi nhau
Xin đừng lo lắng ngày sau
Mình cùng san sẻ khổ đau kiếp người
Hoa lòng gìn mãi xanh tươi
Em cho anh được tiếng cười nhân sinh
(Trích thơ Phong Trần)

Trở lại với tiếng thơ Phong Trần khi một sáng ngồi bên ly cà phê sóng sánh, nhớ về những kỷ niệm buồn vui qua năm tháng mà chợt tìm về bài viết của nhà giáo nhà thơ Đặng Nguyên. Ông viết cho Phong Trần như một nghiệp dĩ vương mang cần viết những gì phải viết:

“ ...Phong Trần là thơ của màu xanh cây trái của rả rích suối khe và của dòng đầy sương chiều sũng ướt. Thơ Phong Trần một chút khắc khoải muộn phiền một chút ước mơ tơ sợi, nó đan quyện vào nhau lãng đãng sắc màu giữa một chân trời vốn dĩ của rộn ràng vướng bận. Phong Trần đã thoát ra chính nơi ấy để tròn trịa chân dung người cầm bút, cho thơ bay bổng kế thừa nét phong thu của dáng dấp thơ. Trong tiếng chiều của mùa thu năm ấy còn chuyên chở vóc dáng ấy để cập bến phong trần đúng nghĩa như tên gọi Phong Trần...”

Vẫn là núi Chứa Chan của phong thu thi ngộ, vẫn là chữ duyên trong nghiệp bút tao phùng. Phong Trần của hôm nay vẫn ngày lại ngày lặng thầm chắt chiu từng câu chữ, miệt mài gọt giũa từng ngôn từ và không ngừng tìm tòi sáng tạo để thơ sáng tác của anh có đất sống trong lòng bạn đọc gần xa!



----
Núi Chứa Chan một ngày tháng 5 năm 2015
Hình ảnh- viết và đọc lời bình: Nguyễn Quang Vinh.


Từ khóa: Không dùng Sửa Tag
Chuyên mục
Chưa phân loại

Bình luận