huyba

Đồng dao (3) - Rồng rắn lên mây

Bầu chọn cho bài này
Quote Nguyên văn bởi huyba Xem bài viết
Đồng dao (3)
3. Rồng rắn lên mây
Trò chơi rồng rắn lên mây bây giờ trẻ em không chơi nữa, nhưng thế hệ 5x, 6x, 7x ở nông thôn vẫn chơi. Nhiều đứa xếp hàng túm áo nhau, chọn đứa khỏe đứng đầu hàng, gọi là đầu rồng. Một đứa làm "thầy đuổi". Bọn làm rồng đi vòng quanh, nói câu đồng dao: Rồng rắn lên mây, có cây núc nác, có nhà điểm binh. Đứa làm "thầy đuổi" hỏi: Thày thuốc có nhà hay không? Đứa đầu rồng trả lời: Thày thuốc đi cắt thuốc cho trâu. Thày đuổi: Xin khúc đầu. Tất cả đồng thanh trả lời: Cùng xương cùng xẩu. Thày đuổi: Xin khúc giữa. Tất cả: Cùng máu cùng mê. Thày đuổi: Xin khúc đuôi. Tất cả: Ba vòng thày đuổi.
Bọn làm rồng rắn lại đi vòng quanh, đồng thanh đọc đồng dao 3 lần: Rồng rắn lên mây, có cây núc nác, có nhà điểm binh. 3 vòng là thày đuổi. Mục tiêu của thày là đuổi bắt hoặc sờ vào được đứa làm đuôi (cuối cùng). Thày chạy đến đâu, đầu rồng chạy đến đấy giang tay để chắn. Nếu thày xông vào vô ý sẽ bị cả đoàn rồng rắn cuộn vào là thày thua. Nếu thày bắt được đuôi thì đứa đuôi lại làm thày.
Trò chơi này giáo dục ý thức tập thể, cũng là trò rèn thể lực, tập thể dục, chạy nhảy, phối hợp nhóm. Trò chơi rất bổ ích, chỉ lạ là bài đồng dao chả đâu vào đâu, nói câu nọ câu kia rất buồn cười.
Mấy bài trước, tôi có nói đồng dao xưa có tính sấm vĩ, cũng có bạn không đồng ý. Tôi thì tin rằng, những bài đồng dao do các nhà nho có chữ đặt ra, rồi bằng cách nào đó dạy cho trẻ con. Thời xưa, trẻ con và các trò chơi chính là cách lan truyền thông tin trong cộng đồng, nó là mạng xã hội thời nguyên sơ. Đại Việt sử ký toàn thư chép rõ ràng những bài đồng dao trong dân gian do trẻ con hát, như bài nói về nhà Lê mất, nhà Lý lên thay. Hoặc như vua Lê Tương Dực được các quan bẩm báo, trẻ con hát đồng dao có thiên tử xuất hiện ở phương Đông, bèn tổ chức cả đoàn trấn yểm ở Đồ Sơn, trong đó trớ trêu thay có cả Mạc Đăng Dung, mà không biết câu đồng dao ứng vào chính nhà Mạc. Có thể đoán rằng, với nhiều cấm đoán trong xã hội, đồng dao là cách các trí thức "lách bút" viết về kinh nghiệm sống có tính phạm húy, dự báo tương lai không thể nói ra. Cho nên các câu đồng dao cổ như là lộn xộn, không rõ nghĩa. Ví dụ bài "rồng rắn lên mây", thì tại sao lại có cây núc nác, rồi có nhà điểm binh, thoắt cái xuất hiện thày thuốc. Thày thuốc đi đâu, đi chữa bệnh cho trâu. Toàn câu bạ đâu nói đó. Nhưng mà tại sao nó cứ sống qua thời gian, sống bền bỉ. Chỉ có thời đại ngày nay nó mới có nguy cơ mai một, chết dần, ít ai nhớ nữa.
Bài Rồng rắn lên mây, xưa tôi nghe nói về vua Quang Trung. Một người thường dân lên ngôi, là rồng rắn lên mây, năm Tỵ bắt đầu chiến dịch chiếm Phú Xuân, đó là khởi đầu ngai vàng của vua Quang Trung. Khi vua ra Bắc, phải lần thứ hai đánh Thanh mới xong, khúc đầu cùng xương cùng xẩu. Khúc giữa miền Trung anh em nồi da nấu thịt, máu mủ đánh nhau cùng máu cùng mê. Khúc đuôi đuổi Nguyễn Ánh 3 lần là kiệt sức. Trò diễn này chính là thời cuộc một giai đoạn lịch sử. Khi đi tìm thày thuốc, chính là khi vua ra Bắc xin khúc đầu, thày thuốc đi cắt thuốc cho trâu, một việc làm vô nghĩa với quan niệm dân gian xưa, không ai chữa bệnh cho trâu, đó là khi vua Lê cầu viện quân Thanh, một loại thày thuốc chữa bệnh cho trâu thôi.
Gần đây, tôi lại thấy một ông mê cổ văn, bảo bài rồng rắn lên mây ứng với chuyện nhà Nguyễn mất sáu tỉnh miền Trung, ba kỳ có 3 chế độ, rồi lại bảo đó là chuyện sau năm 54 đến 1975... Cũng là hiếu sự nói chơi vậy thôi. Nhưng mà đồng dao có tính sấm vĩ và sống trường tồn cho đến 1975 thì đã được thời gian kiểm chứng.
N.X.H
Chuyên mục
Chưa phân loại

Bình luận