+ Trả lời chủ đề
Trang 1/4 1 2 3 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 1 tới 10 của 31

Chủ đề: Lan Phương_Truyên, Tản văn

  1. #1
    Bạn Thâm Giao
    Hiện Đang :    Lan PhươngKTV đang ẩn
    Tham gia ngày : Jun 2014

    Bài gửi : 236
    Thanks
    228
    Thanked 1.618 Times in 242 Posts

    Lan Phương_Truyên, Tản văn

    TRĂNG ĐỔ

    (Sáng tác về đề tài chiến tranh)

    Tùng, Thông và Lam học chung lớp. Bộ ba hiếm khi rời nhau dù Lam là nữ và ngày ấy trai gái thân thiết quá khó tránh được dèm pha. Hai chàng trai như bị mái tóc dày, dài quá thắt lưng và đen óng của Lam hút vía, lần lượt đứa nọ rủ đứa kia qua mượn vở, hỏi bài. Thật lòng mà nói, con trai học thua con gái cũng tự ái lắm, nhưng bù lại Tùng và Thông được ngửi đã đời hương hoa nhài thơm ngát nơi ngõ nhà Lam mỗi khi thụt thò đợi cô ở đó. Chưa kể đến củ khoai lang nướng nóng sực cả đêm đông hoặc chùm ổi căng bóng giữa trưa hè Lam thường dúi vào tay hai đứa.

    Lũ bạn hay trêu đùa: "Ba đứa mày khéo chọn tên thật, cùng xanh lè lè như nhau". Thông lại được dịp hênh hếch mũi lên trời, nghêu ngao:

    "Kiếp sau xin chớ làm Tùng
    Làm cây Thông đứng giữa vườn nhà Lam"

    Lệnh tổng động viên nhằm chi viện quân cho chiến trường miền Nam ban ra đúng lúc họ chuẩn bị kết thúc năm học cuối cùng. Thông được nhận ngay vì đủ chuẩn cân đo và sức khỏe. Tùng ních đầy một bụng ngô luộc và lén bỏ mấy viên gạch đập vỡ vào trong ống quần, bụng áo rộng rinh "tém thùng" - mượn của bố - nên cũng "qua mắt" được mấy chú bộ đội về tuyển quân. Cả hai có giấy gọi nhập ngũ cùng lượt.

    Tiễn bạn lên đường, Lam miệng cười tươi mà hai mắt đỏ hoe. Khi xe bắt đầu chuyển bánh, cô dúi vào tay Thông và Tùng hai gói nhỏ. Những vòng lá ngụy trang rung rinh xa dần. Lam chạy theo, vẫy tay cuống quýt. Mái tóc cô xổ ra, bung vào gió hương nhài quen thuộc quyện theo những người trai trẻ...

    Lam cũng vào thanh niên xung phong sau đó không lâu.

    ***

    Thông và Tùng chia tay nhau, theo hai tuyến quân thẳng tiến vào Nam. Gói quà của Tùng là một quyển sổ nhỏ và chiếc bút máy đã bơm đầy mực. Thông cũng thế nhưng có thêm một chiếc khăn tay trắng, thêu đôi chim bồ câu màu xanh da trời lồng cánh và dòng chữ đỏ thắm "Mãi nhớ về nhau". Lời tỏ tình mạnh dạn ấy đã giúp Thông hai lần chiến thắng được thần chết: Một do mảnh bom, một do sốt rét rừng.

    Những năm tháng sửa đường Trường Sơn đã lấy dần đi mái tóc của Lam. Cô thường ngồi im lặng một mình thả theo dòng suối những nạm tóc rụng rối, tiếc ngẩn ngơ. Có những lúc khu rừng trở nên yên ắng đến kỳ lạ, không có cả tiếng gió. Ấy là sự báo trước của một trận bom thù sắp tới dữ dội hơn.

    Lam nhớ nhà, nhớ bạn bè đến nôn nao. Cô lại mở những lá thư hiếm hoi ra đọc dù đã thuộc làu đến từng dấu chấm phảy. Đôi khi cô để rơi nước mắt vào những con chữ gộc ghệch của Thông. Họ đã nói với nhau về tình yêu và một đám cưới sau ngày toàn thắng.

    Một loạt cười bất ngờ váng lên khiến Lam giật mình. Cô lẩm bẩm buồn bã "Lại đến lúc các chị lên cơn nữa rồi". Bom nổ Lam không sợ, nhưng cô sợ những trận cười dài dại như thế này của đồng đội mình vô cùng. Phải chăng sự rối loạn thể chất của những nữ thanh niên xung phong rất hiếm khi được tiếp xúc với đàn ông này đã làm nên những cơn cười vô định như vậy? Cô rùng mình, cảm giác như mình cũng đang muốn lây theo trận bão cười đó, vội đứng vụt dậy. Đúng lúc đó có tiếng máy bay ào tới, tiếng bom rít xé không gian. Cơn cười ngừng phắt, Lam và đồng đội lao ra khỏi lán. Trên trời, một đám mây lạ - ềnh ệch màu da cam - đang bao phủ xuống cánh rừng.

    ***

    Chiến tranh kết thúc.

    Lam trở về quê hương trước tiên. Thật may mắn bom đạn không đụng đến cô, nhưng tuổi trẻ của cô đã để lại nơi những cánh rừng trụi lá kia cùng với quá nửa suối tóc đen huyền.

    Thông cũng về sau đó ít lâu, không mang nạng gỗ. Vẫn ôm Lam thật chặt bằng đôi cánh tay đen xạm, chằng chịt sẹo.

    Họ cưới nhau trong niềm vui không trọn vẹn vì vắng mặt Tùng - đứa bạn trai thân thiết ngày xưa. Hơn một năm rồi mà ngôi nhà của họ vẫn không có tiếng trẻ khóc. Nhiều đêm trăng, hàng xóm thấy Thông tha thẩn ngoài vườn, đốm thuốc lập lòe đến gần sáng. Lam để nước mắt âm thầm chảy ướt gối từng đêm, từng đêm và có lúc cô phải cố ghìm cơn cười dài dại cứ muốn bật tung ra khỏi lồng ngực mình.

    Một buổi chiều, Tùng đột ngột xuất hiện. Thông ào ra ôm chầm lấy bạn, đụng phải một tay áo rỗng. Mắt Lam đỏ hoe nhưng miệng thì tươi như đóa nhài mới nở. Bộ ba ngày nào đã thực sự đoàn viên. Họ lại quanh quẩn với nhau không rời. Mâm cơm nhà Lam luôn có ba chiếc bát và ba đôi đũa, dù Tùng có sang hay không. Mãi mà Tùng cũng chưa lập gia đình. Anh ngày càng uống rượu nhiều hơn và thở dài cũng nhiều hơn. Nhiều lần Thông bắt gặp ánh mắt Tùng đuổi theo lưng áo Lam đi ra vườn hoặc vào bếp.

    Đêm ấy trăng sáng lắm, có thể nhìn rõ từng cánh hoa nhài ngậm sương lóng lánh ngoài vườn. Lam trải chiếu ngoài hiên, bày ra đĩa lạc rang và một chai rượu gạo nút lá chuối khô rồi đi ra sau giếng giặt giũ. Hai người lính phục viên rót cho nhau từng chén rượu bỏng cuống họng, đẩy qua đẩy lại đĩa lạc đang vơi dần.

    - Sao chúng mày chưa có con? Tùng bất ngờ hỏi.

    Thông cạn thêm chén nữa, khà lên một tiếng rồi gục gặc đầu:

    - Hôm nay tao đang muốn nói hết cho mày nghe đây. Mày nghĩ tao cũng là thương binh chỉ nhờ vào mấy vết sẹo này thôi sao? Tao ích kỷ quá Tùng ạ. Lẽ ra tao phải đợi mày về, trao Lam cho mày vì tao biết mày đã yêu cô ấy từ khi còn đi học.

    - Mày đang nói gì vậy? Tùng thẫn mặt.

    - Là đàn ông với nhau lại là bạn thân của nhau mà sao tao hèn quá, giấu mãi sự thật. Tùng ơi! Cái lần bị thương ấy, một mảnh bom đã phạt đứt của tao mất rồi - Thông nấc khan lên mấy tiếng - Lam biết nhưng vẫn đồng ý làm đám cưới. Nhưng tao biết cô ấy khao khát làm mẹ đến thế nào. Trời ơi! Khổ thân Lam của chúng mình. Lẽ nào cả đời cô ấy không được làm đàn bà dù chỉ một lần hả Tùng? Tao cũng mấy lần đề nghị chia tay, giải thoát cho Lam mà cô ấy không chịu...

    Thông gục vào hai đầu gối, vai rung bần bật. Tùng run run đánh đổ cốc rượu vừa rót vào đĩa lạc, đuôi lông mày giựt giựt liên hồi.

    - Mấy hôm nữa tao vào miền Nam ít bữa - Thông ngẩng lên - đi tìm mộ liệt sĩ vì tay chân tao còn đầy đủ, tiện đi lại. Tùng, mày có tin tao không? Tao nhờ mày ở nhà qua lại với Lam. Mày vẫn còn tay trái, đúng không? Mà mày vẫn thuận tay trái, đúng không? Tao tin là mày giúp tao chăm sóc Lam được, đúng không? Có khi còn tốt hơn tao đấy, đúng không?

    Trăng đổ lênh láng khắp nơi.

    ***

    Thông để lại cho Lam một bức thư dài và bặt tin hơn hai năm.

    Đêm trở lại, Thông run rẩy đứng thật lâu ngoài hàng rào bông bụt nhà mình, nửa muốn chạy ào vào nửa muốn quay ngoắt đi.

    - Ai đó? - Tiếng Lam yếu ớt vọng ra - Ai đứng làm gì ngoài đó?

    Thông bước vào.

    Trong vùng sáng ềnh ệch màu da cam của ngọn đèn dầu - Lam - đầu trọc lốc, ngồi héo hắt bên cạnh một đứa trẻ dị dạng. Nó thao láo nhìn anh với đôi mắt không lẫn vào đâu được.

    Đôi mắt của Tùng./.

  2. 13 Thành viên dưới đây cảm ơn Lan PhươngKTV vì bài viết hữu ích này


  3. #2
    Bạn Thân
    Hiện Đang :    Nguyễn Thu Sang đang ẩn
    Tham gia ngày : Feb 2014
    Đến từ : Hà Nội

    Bài gửi : 79
    Thanks
    1.044
    Thanked 654 Times in 91 Posts
    Quote Nguyên văn bởi Lan PhươngKTV Xem bài viết
    TRĂNG ĐỔ

    (Sáng tác về đề tài chiến tranh)

    Tùng, Thông và Lam học chung lớp. Bộ ba hiếm khi rời nhau dù Lam là nữ và ngày ấy trai gái thân thiết quá khó tránh được dèm pha. Hai chàng trai như bị mái tóc dày, dài quá thắt lưng và đen óng của Lam hút vía, lần lượt đứa nọ rủ đứa kia qua mượn vở, hỏi bài. Thật lòng mà nói, con trai học thua con gái cũng tự ái lắm, nhưng bù lại Tùng và Thông được ngửi đã đời hương hoa nhài thơm ngát nơi ngõ nhà Lam mỗi khi thụt thò đợi cô ở đó. Chưa kể đến củ khoai lang nướng nóng sực cả đêm đông hoặc chùm ổi căng bóng giữa trưa hè Lam thường dúi vào tay hai đứa.

    Lũ bạn hay trêu đùa: "Ba đứa mày khéo chọn tên thật, cùng xanh lè lè như nhau". Thông lại được dịp hênh hếch mũi lên trời, nghêu ngao:

    "Kiếp sau xin chớ làm Tùng
    Làm cây Thông đứng giữa vườn nhà Lam"

    Lệnh tổng động viên nhằm chi viện quân cho chiến trường miền Nam ban ra đúng lúc họ chuẩn bị kết thúc năm học cuối cùng. Thông được nhận ngay vì đủ chuẩn cân đo và sức khỏe. Tùng ních đầy một bụng ngô luộc và lén bỏ mấy viên gạch đập vỡ vào trong ống quần, bụng áo rộng rinh "tém thùng" - mượn của bố - nên cũng "qua mắt" được mấy chú bộ đội về tuyển quân. Cả hai có giấy gọi nhập ngũ cùng lượt.

    Tiễn bạn lên đường, Lam miệng cười tươi mà hai mắt đỏ hoe. Khi xe bắt đầu chuyển bánh, cô dúi vào tay Thông và Tùng hai gói nhỏ. Những vòng lá ngụy trang rung rinh xa dần. Lam chạy theo, vẫy tay cuống quýt. Mái tóc cô xổ ra, bung vào gió hương nhài quen thuộc quyện theo những người trai trẻ...

    Lam cũng vào thanh niên xung phong sau đó không lâu.

    ***

    Thông và Tùng chia tay nhau, theo hai tuyến quân thẳng tiến vào Nam. Gói quà của Tùng là một quyển sổ nhỏ và chiếc bút máy đã bơm đầy mực. Thông cũng thế nhưng có thêm một chiếc khăn tay trắng, thêu đôi chim bồ câu màu xanh da trời lồng cánh và dòng chữ đỏ thắm "Mãi nhớ về nhau". Lời tỏ tình mạnh dạn ấy đã giúp Thông hai lần chiến thắng được thần chết: Một do mảnh bom, một do sốt rét rừng.

    Những năm tháng sửa đường Trường Sơn đã lấy dần đi mái tóc của Lam. Cô thường ngồi im lặng một mình thả theo dòng suối những nạm tóc rụng rối, tiếc ngẩn ngơ. Có những lúc khu rừng trở nên yên ắng đến kỳ lạ, không có cả tiếng gió. Ấy là sự báo trước của một trận bom thù sắp tới dữ dội hơn.

    Lam nhớ nhà, nhớ bạn bè đến nôn nao. Cô lại mở những lá thư hiếm hoi ra đọc dù đã thuộc làu đến từng dấu chấm phảy. Đôi khi cô để rơi nước mắt vào những con chữ gộc ghệch của Thông. Họ đã nói với nhau về tình yêu và một đám cưới sau ngày toàn thắng.

    Một loạt cười bất ngờ váng lên khiến Lam giật mình. Cô lẩm bẩm buồn bã "Lại đến lúc các chị lên cơn nữa rồi". Bom nổ Lam không sợ, nhưng cô sợ những trận cười dài dại như thế này của đồng đội mình vô cùng. Phải chăng sự rối loạn thể chất của những nữ thanh niên xung phong rất hiếm khi được tiếp xúc với đàn ông này đã làm nên những cơn cười vô định như vậy? Cô rùng mình, cảm giác như mình cũng đang muốn lây theo trận bão cười đó, vội đứng vụt dậy. Đúng lúc đó có tiếng máy bay ào tới, tiếng bom rít xé không gian. Cơn cười ngừng phắt, Lam và đồng đội lao ra khỏi lán. Trên trời, một đám mây lạ - ềnh ệch màu da cam - đang bao phủ xuống cánh rừng.

    ***

    Chiến tranh kết thúc.

    Lam trở về quê hương trước tiên. Thật may mắn bom đạn không đụng đến cô, nhưng tuổi trẻ của cô đã để lại nơi những cánh rừng trụi lá kia cùng với quá nửa suối tóc đen huyền.

    Thông cũng về sau đó ít lâu, không mang nạng gỗ. Vẫn ôm Lam thật chặt bằng đôi cánh tay đen xạm, chằng chịt sẹo.

    Họ cưới nhau trong niềm vui không trọn vẹn vì vắng mặt Tùng - đứa bạn trai thân thiết ngày xưa. Hơn một năm rồi mà ngôi nhà của họ vẫn không có tiếng trẻ khóc. Nhiều đêm trăng, hàng xóm thấy Thông tha thẩn ngoài vườn, đốm thuốc lập lòe đến gần sáng. Lam để nước mắt âm thầm chảy ướt gối từng đêm, từng đêm và có lúc cô phải cố ghìm cơn cười dài dại cứ muốn bật tung ra khỏi lồng ngực mình.

    Một buổi chiều, Tùng đột ngột xuất hiện. Thông ào ra ôm chầm lấy bạn, đụng phải một tay áo rỗng. Mắt Lam đỏ hoe nhưng miệng thì tươi như đóa nhài mới nở. Bộ ba ngày nào đã thực sự đoàn viên. Họ lại quanh quẩn với nhau không rời. Mâm cơm nhà Lam luôn có ba chiếc bát và ba đôi đũa, dù Tùng có sang hay không. Mãi mà Tùng cũng chưa lập gia đình. Anh ngày càng uống rượu nhiều hơn và thở dài cũng nhiều hơn. Nhiều lần Thông bắt gặp ánh mắt Tùng đuổi theo lưng áo Lam đi ra vườn hoặc vào bếp.

    Đêm ấy trăng sáng lắm, có thể nhìn rõ từng cánh hoa nhài ngậm sương lóng lánh ngoài vườn. Lam trải chiếu ngoài hiên, bày ra đĩa lạc rang và một chai rượu gạo nút lá chuối khô rồi đi ra sau giếng giặt giũ. Hai người lính phục viên rót cho nhau từng chén rượu bỏng cuống họng, đẩy qua đẩy lại đĩa lạc đang vơi dần.

    - Sao chúng mày chưa có con? Tùng bất ngờ hỏi.

    Thông cạn thêm chén nữa, khà lên một tiếng rồi gục gặc đầu:

    - Hôm nay tao đang muốn nói hết cho mày nghe đây. Mày nghĩ tao cũng là thương binh chỉ nhờ vào mấy vết sẹo này thôi sao? Tao ích kỷ quá Tùng ạ. Lẽ ra tao phải đợi mày về, trao Lam cho mày vì tao biết mày đã yêu cô ấy từ khi còn đi học.

    - Mày đang nói gì vậy? Tùng thẫn mặt.

    - Là đàn ông với nhau lại là bạn thân của nhau mà sao tao hèn quá, giấu mãi sự thật. Tùng ơi! Cái lần bị thương ấy, một mảnh bom đã phạt đứt của tao mất rồi - Thông nấc khan lên mấy tiếng - Lam biết nhưng vẫn đồng ý làm đám cưới. Nhưng tao biết cô ấy khao khát làm mẹ đến thế nào. Trời ơi! Khổ thân Lam của chúng mình. Lẽ nào cả đời cô ấy không được làm đàn bà dù chỉ một lần hả Tùng? Tao cũng mấy lần đề nghị chia tay, giải thoát cho Lam mà cô ấy không chịu...

    Thông gục vào hai đầu gối, vai rung bần bật. Tùng run run đánh đổ cốc rượu vừa rót vào đĩa lạc, đuôi lông mày giựt giựt liên hồi.

    - Mấy hôm nữa tao vào miền Nam ít bữa - Thông ngẩng lên - đi tìm mộ liệt sĩ vì tay chân tao còn đầy đủ, tiện đi lại. Tùng, mày có tin tao không? Tao nhờ mày ở nhà qua lại với Lam. Mày vẫn còn tay trái, đúng không? Mà mày vẫn thuận tay trái, đúng không? Tao tin là mày giúp tao chăm sóc Lam được, đúng không? Có khi còn tốt hơn tao đấy, đúng không?

    Trăng đổ lênh láng khắp nơi.

    ***

    Thông để lại cho Lam một bức thư dài và bặt tin hơn hai năm.

    Đêm trở lại, Thông run rẩy đứng thật lâu ngoài hàng rào bông bụt nhà mình, nửa muốn chạy ào vào nửa muốn quay ngoắt đi.

    - Ai đó? - Tiếng Lam yếu ớt vọng ra - Ai đứng làm gì ngoài đó?

    Thông bước vào.

    Trong vùng sáng ềnh ệch màu da cam của ngọn đèn dầu - Lam - đầu trọc lốc, ngồi héo hắt bên cạnh một đứa trẻ dị dạng. Nó thao láo nhìn anh với đôi mắt không lẫn vào đâu được.

    Đôi mắt của Tùng./.

    Truyện ngắn này hay quá cô ạ! nhưng cái kết thật buồn, âu đó cũng là tội ác mà chiến tranh để lại cho bao nhiêu thân phận, bao nhiêu gia đình Việt Nam ta.Truyện ngắn này đã mang giá trị hiện thực thật sâu sắc. Xin cảm ơn cô!

  4. 10 Thành viên dưới đây cảm ơn Nguyễn Thu Sang vì bài viết hữu ích này


  5. #3
    Bạn Thâm Giao
    Hiện Đang :    Lan PhươngKTV đang ẩn
    Tham gia ngày : Jun 2014

    Bài gửi : 236
    Thanks
    228
    Thanked 1.618 Times in 242 Posts
    Rất vui được bạn Nguyễn Thu Sang đã đọc và thích truyện ngắn này. Hậu quả của chiến tranh thật lâu dài và nặng nề, ở rất nhiều phương diện. Tôi sẽ đăng tiếp một truyện nữa nhé. Thân mến.

  6. 4 Thành viên dưới đây cảm ơn Lan PhươngKTV vì bài viết hữu ích này


  7. #4
    Bạn Thâm Giao
    Hiện Đang :    Lan PhươngKTV đang ẩn
    Tham gia ngày : Jun 2014

    Bài gửi : 236
    Thanks
    228
    Thanked 1.618 Times in 242 Posts
    LẠC
    (Sáng tác về đề tài chiến tranh)


    Xe tải của Nam hỏng máy.

    Hàng hóa quân sự phải chia, gửi qua mấy xe khác tiếp tục vượt Trường Sơn. Nam tạm chia tay đồng đội, ở lại quãng rừng ác liệt này để chăm sóc “đứa con yêu” của mình. “Yêu xe như con, quý xăng như máu”. Khẩu hiệu chiến trường của những tài xế mặc quân phục là vậy.

    Nơi giấu xe rất gần với lán trại của mấy o thanh niên xung phong làm nhiệm vụ giữ cho quãng đường cắt qua khu rừng này luôn thông suốt. Các o tíu tít bên Nam, vui quên cả mệt. O Lụa đẹp nhất với đôi mắt lá răm lúng liếng và hàm răng trắng sáng mỗi khi cười. Lụa hay cười thật – Khổ mấy, đói mấy vẫn cười – Cứ khúc kha khúc khích đáng yêu không chịu nổi. Có lần Lụa ngồi bên gầm xe đưa giúp dụng cụ cho Nam nằm ngửa người sửa xe. Tay họ vô tình – hay cố ý không biết – Chạm thật lâu vào nhau nóng ấm như hai hòn than vừa nhóm.

    Một đêm, Nam ra suối múc nước bất ngờ gặp Lụa đang khỏa trăng một mình trong suối. Trời ạ! Nam chết trân trước bộ ngực trần lấp loáng ướt và mái tóc chảy xuôi theo dòng nước cũng lấp lánh như dát bạc của Lụa. Lần đầu tiên trong đời Nam được chiêm ngưỡng người con gái khỏa thân – Rạo rực xen lẫn ngại ngùng – Máu chảy rần rật trong huyết quản anh. Nghe tiếng lá khô vỡ Lụa thu mình chìm xuống, nhưng trăng thì vẫn cố tình khoe ra nụ cười sáng ánh của cô. Phút giây yên bình hiếm hoi và hạnh phúc mơ hồ ấy cứ lao xao theo gió…

    Hôm sau là ngày Nam từ biệt các o thanh niên xung phong để ngược đường hành quân, nhận hàng chuyên chở chi viện cho chiến trường.

    Đúng lúc xe nổ máy, Lụa đứng bên ca-bin bịn rịn sửa lại mấy cành lá ngụy trang thì máy bay địch ào tới. Nam lao ra khỏi xe ôm Lụa lăn xuống khe núi. Tiếng bom xé, tiếng đá đổ, tiếng lửa sôi réo…


    Ầm một tiếng, nơi họ đang nấp chợt tối sầm. Một tảng đá lớn đè ngang, nhốt kín hai người dưới khe núi. Họ ôm chặt lấy nhau và càng ôm chặt hơn khi sự yên tĩnh trở lại. Giữa ranh giới của cái chết và sự sống, con người bỗng dậy lên sự khao khát được yêu thương. Đôi môi họ tìm nhau trong bóng tối, nụ hôn đầu tiên đốt rực hai thân thể thanh xuân. Bàn tay cuống quýt, lập bập những ngôn ngữ riêng gấp gáp, nồng nàn. Khuôn ngực loang loáng ánh trăng đêm qua của Lụa giờ ấm sực, săn cứng như hai vồng cơm vừa nắm cứ áp chặt vào Nam. Nam cúi xuống. Không có vị mặn muối vừng mà chỉ là hương ngọt ngào của da thịt con gái trinh nguyên níu trên môi lưỡi. Họ tan vào nhau, lâng lâng trôi theo đám mây ân ái bồng bềnh. Với họ, chiến tranh lúc này không mảy may hiện diện.

    Kéo hai người ra khỏi khe núi, o Hồng ngạc nhiên thấy nước mắt lem trên má Lụa:
    - Răng con nhỏ ni hôm nay bỗng sợ chết hè?

    Nam lăn vào sửa đường cùng đội nữ thanh niên xung phong rồi hối hả lên đường. Địa chỉ quê quán của Nam mà Lụa biết duy nhất chỉ có hai từ: Hà Nội.

    Một mầm sống đã kịp nảy lên trong Lụa. Bụng lùm lùm thì cô không giấu được nữa và bị trả về địa phương. Rồi chiến tranh kết thúc. Người mẹ trẻ đi khắp Thủ đô tìm cha cho con. Lụa thủy chung với quá khứ. Cô giận mình ngày ấy không kịp hỏi tên đơn vị của Nam. Mà cũng có ai ngờ chiến tranh lại gắn kết đời họ với nhau trong khe núi định mệnh hôm ấy đâu?

    Nhưng Nam đã tìm ra Lụa – hay nói cách khác – anh bất ngờ gặp lại cô. Đó là nơi hàng hiên một hội trường lớn khi anh ngờ ngợ nhận ra đôi mắt lá răm quen quen nheo lại phía trên nụ cười trắng sáng. Lụa òa khóc. Nam lúng túng vỗ vỗ bàn tay cô giữa đám đông.

    Tuần lễ sau Nam đón mẹ con Lụa ở ga. Anh ngồi ngắm con bé vô tư trước bát phở bốc khói. Nó giống hệt Lụa: Đôi mắt, nụ cười, mái tóc…

    Gửi con về nhà người quen, Lụa theo Nam vào một khách sạn nhỏ vùng ngoại ô. Cô khóc nhè nhẹ khi mảnh vải cuối cùng rời khỏi thân thể và đôi môi Nam lướt đi trên đó. Nam của cô đây thật sao? Hay cô đang là kẻ tội đồ, ăn cắp hạnh phúc của người đàn bà trên bức ảnh trong ví Nam mà cô vô tình nhìn thấy lúc anh trả tiền phở? Nhưng Lụa không cưỡng lại được nỗi khát khao cháy bỏng được yêu thương một lần nữa của cơ thể người đàn bà nén chịu sự hừng hực bao năm qua; Của tình yêu và lòng thủy chung chờ đền đáp; Của hạnh phúc được dâng hiến…

    Tiếng trái tim thổn thức bị át đi trong tiếng xuýt xoa, hổn hển. Đôi môi Nam cuống quýt trượt từ vùng đồi cao xuống thung lũng rậm rì cỏ mượt. Cuồng nhiệt thân xác trong cô thức bật dậy. Lụa ghì chặt lấy Nam, cảm nhận từng centimet thịt da của mình đang cháy theo dòng nham thạch nóng hổi anh truyền sâu vào trong cô. Rùng mình, đê mê, tan chảy… Cô rên lên khe khẽ.

    Lụa gối đầu lên cánh tay Nam. Anh thủ thỉ đưa cô đi ngược lại con đường năm tháng – nơi mà họ không có nhau; Nơi tình yêu của cô thất lạc tội tình. Rồi Nam đưa Lụa về thực tại. Lụa nhắm nghiền mắt, thấy mình đứng bên ngoài khung cửa sổ một ngôi nhà ấm cúng. Tiếng trẻ con đùa giỡn; Tiếng người đàn bà xa lạ vọng ra lo lắng: “Bố hôm nay đi đâu cả ngày không biết? Cơm canh nguội lạnh hết rồi”.

    Hai giọt nước nóng bỏng lạc ra ngoài khóe mắt Lụa, bò nhồn nhột trên má, lăn qua mũi cô rồi chập làm một rơi xuống, in lên cánh tay người đàn ông con số không nhỏ nhoi tội nghiệp.
    Nam đã ngủ thiếp đi từ lúc nào không biết.

    Lụa chuồi ra khỏi giường, mở cửa sổ, tung vào bóng đêm những mảnh vụn từ mẩu giấy ghi địa chỉ của cô.
    *****

    Tiếng gió đập cánh cửa sổ khiến Nam choàng tỉnh. Bên cạnh anh chỉ còn lại một phần tấm vải grap xô nhàu. Nam quờ tay vào đó: Mặt nệm đã
    lạnh ngắt ./.
    Lần sửa cuối bởi Lan PhươngKTV; 30-06-2014 lúc 04:43 PM

  8. 10 Thành viên dưới đây cảm ơn Lan PhươngKTV vì bài viết hữu ích này


  9. #5
    Bạn Thâm Giao
    Hiện Đang :    Lan PhươngKTV đang ẩn
    Tham gia ngày : Jun 2014

    Bài gửi : 236
    Thanks
    228
    Thanked 1.618 Times in 242 Posts
    BỐ CHỒNG NÀNG DÂU

    - Chiều về mang cho bố mấy tờ báo đọc để biết tình hình mới nghe!
    Cô con dâu "dạ" rồi nổ máy phóng đi, tủm tỉm. Bố chồng cô đã 95 tuổi - nằm nhiều hơn ngồi - có đeo kính viễn thị cũng đọc gì nổi mấy tờ báo in chữ nhỏ tí kia. Nhưng cô vẫn chịu khó gom nhặt những tờ báo cũ ở cơ quan mang về cho bố chồng bởi cô biết rõ dụng ý của ông cụ.

    Vợ mất đã hơn chục năm, ông cụ cô đơn lắm. Mỗi ngày khi con cháu đi làm, đến trường hết ông chỉ còn bể cá cảnh làm bầu bạn, ngày cho ăn dăm bảy bận làm vui rồi vào mở ti vi to gần hết cỡ cho có tiếng người.

    Cả tuần ốm nằm nhà cô ngạc nhiên khi thấy mấy bà hàng ve chai, đồng nát đến gọi cổng nhiều thế - trung bình vài ba tiếng đồng hồ một người, có khi vài người đến cùng lúc. Tịch không có tiếng ông cụ trả lời. Mệt mỏi, cô rời khỏi giường ngó ra, thấy ông cụ đang xua xua tay như ra hiệu: "Không" với họ?

    Có một ngày cô con dâu về nhà đột xuất, bắt gặp bố chồng mình đang cười nói vui vẻ bên bà ve chai và đống báo cũ cùng vài vỏ chai nhựa, lon bia. Mắt cô chợt nhòe đi.

    Chủ nhật, đang ngồi cắt tỉa móng chân cho bố chồng cô thấy bà cụ ở đầu dãy phố - vẫn răng đen khăn vấn nhung nền nã - đi chậm qua ngõ, nhìn vào. Bố chồng vội cúi xuống giả vờ xoa bóp đầu gối. Cô đi nhanh ra cổng, xởi lởi:

    - Bà ơi! Mời bà vào xơi chén trà ạ.
    - Vâng! Cảm ơn cô. Cô đi chợ chưa?
    - Cháu đang chuẩn bị đi bà ạ. Lâu không thấy bà qua chơi, bố cháu mong bà lắm đó.
    - Tôi về thu xếp việc ở quê một thời gian, mới vào lại cô ạ.

    Cô con dâu dìu tay cụ bà vào nhà, pha trà, mở quạt. Cụ ông ý tứ mở toang hai cánh cửa, bật thêm mấy ngọn đèn.

    Rồi cô tất tả đi chợ thêm lần nữa trong ngày, tủm tỉm tủm tỉm./.

  10. 8 Thành viên dưới đây cảm ơn Lan PhươngKTV vì bài viết hữu ích này


  11. #6
    Bạn Thâm Giao
    Hiện Đang :    Lan PhươngKTV đang ẩn
    Tham gia ngày : Jun 2014

    Bài gửi : 236
    Thanks
    228
    Thanked 1.618 Times in 242 Posts
    TĨNH



    Mùa Xuân năm 1994
    Mùa trẩy Hội Chùa Hương

    Lan Phương và Mẹ ra Hà Nội dự lễ ra mắt "Tập hai" cuốn " Tiểu thuyết đời, viết theo dòng văn học "Lãng mạn ...cắt Mệnh " của bà chị - Người đàn bà nổi tiếng xinh đẹp và mạo hiểm. Theo Lan, thường thì tác phẩm nào nhiều tập cũng khó tránh khỏi nhạt dần - Ai đó đã so sánh, giống như vạt váy người phụ nữ - Chỉ nên vừa đủ: Đủ dài để thể hiện; đủ ngắn để quyến rũ. Nhưng dù sao thì số phận của "Cuốn tiểu thuyết " ấy cũng đã được định đọat mất rồi.

    Trước ngày Lan và Mẹ về lại Nha Trang, vợ chồng "Tập hai" mời hai mẹ con đi Chùa Hương cầu may. Mặc dù vé máy bay khứ hồi đã ấn định và Vãn cảnh Chùa Hương chỉ một ngày thì coi như là chưa đi, nhưng Lan nhận lời ngay vì có hai lý do: Một là nó chưa bao giờ được viếng Chùa Hương; Hai là nó muốn đi tìm thăm một người?

    ***
    Chín năm về trước, Hồng mất đúng lúc Lan đang vào giai đọan cuối của luận văn tốt nghiệp đại học nên nó không thể về đưa tiễn bạn. Ra trường, Lan ra Bắc trên một chuyến bay vật vã trong mưa giông . Chỉ khi máy bay rít xé lao trên đường băng mênh mông nước, giữa hai hàng xe cứu hỏa, cứu thương chiếu đèn sáng làm mốc, mọi người mới chắc chắn là mình sẽ sống! Lan tin rằng có linh hồn bạn mình chở che sấm sét cho chuyến bay bão tố ấy.

    Rất đông bạn bè đón Lan ở Ga Nam Định. Chúng nó ôm chầm lấy nhau, khóc rồi lại cười.
    Lan về ở nhà Hồng. Nhìn tất cả những di vật của bạn, nó câm lặng. Gia đình không đốt đi bất cứ thứ gì ngoài phần lớn quần áo của Hồng. Những gì thuộc về Lan còn nguyên vẹn, treo trên tường, cất đầy trong valy - Kể cả những bức ký họa vội vàng trong giờ học từ khi chúng còn chung lớp. Lan mặc bộ đồ bộ của Hồng, nằm ngủ trên chiếc giường Hồng vẫn nằm khi còn sống, đánh răng bằng chiếc cốc thủy tinh bé xíu mà Hồng rất ưa thích... Mẹ Hồng nhìn Lan, nói trong nước mắt nghẹn ngào: "Nó bảo mẹ để lại những thứ ấy cho con khi nào con về thì dùng, chúng mày sao giống nhau quá đi, nhất là mái tóc... ".Lan vẫn câm lặng.

    Hòang hôn xuống rất nhanh trong căn nhà rũ bóng cây buồn. Lan đứng quay lưng ra sân, đang loay hoay với đĩa hoa cúng trước bàn thờ Hồng thì bất ngờ có một tiếng nấc thảng thốt đằng sau. Nó quay lại, trong bóng chiều chập chọang, mắt nó chạm phải hai hòn than đang bắt lửa ngun ngún trong đôi mắt người thanh niên. Cả hai cùng sững sờ. Lan thốt lên: "Anh Sơn phải không? ". Người thanh niên như đổ ụp xuống ghế, thảng thốt: "Trời ạ! Lan! Anh cứ tưởng cô Hồng về ". Lần đầu tiên gặp nhau mà hai anh em nó như đã quen thân từ lâu lắm rồi. Mẹ trải chiếu ngoài hiên cho anh em ngồi trò chuyện. Vị luật sư trẻ thuật lại mọi chi tiết câu chuyện của anh và Hồng. Hồng chọn cho mình chuyến đi xa vĩnh viễn bằng cách tự vẫn, để lại nỗi đớn đau kinh hoàng cho anh và những người khác. Lúc này, Lan mới khóc lên được. Sơn im lặng để Lan khóc. Rất lâu, rất lâu sau anh mới trầm tĩnh: "Thôi em nín đi, dù sao thì mọi chuyện đã rồi. Người chết không sống lại được nữa đâu".Trong di vật của Hồng, anh thấy có một bức tranh chỉ một màu đen, em gửi cho cô ấy với cái tên: Biển Đêm. Em có nghĩ những ủy mị của em đã góp phần làm cô ấy yếu đuối hơn không?"

    Đêm ấy Lan ngủ mơ thấy cùng Hồng lội nước đi chơi trên phố. Nước ngập ngang mình hai đứa, Hồng kêu lạnh và trách mẹ không sắm chăn cho mình đắp. Sáng ra kể lại, Mẹ Hồng giật mình: "Chết thật, đúng là mẹ quên đốt chăn gối cho nó". Viễn Anh đến cùng đưa Lan ra mộ Hồng. Tới nơi, chúng chết điếng trước ngôi mộ ngập ngang nước của bạn mình trong nghĩa trang. Hì hục be bờ tát nước xong, Viễn Anh bày hoa, thắp nhang và hóa vàng chăn gối cho cô, còn Lan thì mang bản nhạc nó sáng tác hôm nhận tin bạn mất, hát cho cô nghe trước mộ, rồi đốt gửi luôn cho người con gái xinh đẹp, đoản mệnh ấy.

    Buổi trưa, Sơn cắt sửa lại mái tóc cho Lan. Không ngờ anh khéo tay thật. Rồi anh cùng Viễn Anh đưa nó ra bến xe khách về lại Hà Nội. Lan ngồi ghế cạnh bác tài, khi xe chuẩn bị chuyển bánh, Sơn nhảy lên cabin nắm chặt bàn tay ướt đẫm mồ hôi của nó, im lặng nhìn nhau. Hai dòng nước mắt âm thầm chảy dài trên má anh. Lan nghe tim mình thắt lại, ngạt thở. Xe chạy được một quãng, nó ngoái lại thấy anh và Viễn Anh vẫn đứng nhìn theo, héo khô trong nắng quái chiều. Lan không thể ngờ được rằng, Sơn cắt tóc cho nó là ngầm báo trước một thông điệp. Vài tháng sau,Viễn Anh viết thư, thảng thốt:"Anh Sơn xuống tóc đi tu rồi Lan ơi!".
    ***

    Cả nhà leo lên đến động Hương Tích thì nắng đã gần tắt. Khấn lễ xong, Lan và mẹ tách ra đi tìm anh Sơn. Viễn Anh nói bây giờ anh đang gửi mình ở đây. Những năm trước, anh còn về tụng niệm vào ngày giỗ Hồng - Mùng 8 tháng 3 âm lịch. Nhưng gần đây thì không thấy anh về nữa.

    Pháp danh của nhà sư đã nổi tiếng cả nước rồi, nhưng Lễ Hội lớn quá, đông quá, nhà sư lại phải trụ trì quá nhiều việc ở đây, nên mẹ con Lan đi vòng vèo, hỏi thăm mãi mà vẫn chưa gặp được. Trời tối rất nhanh. Lan và mẹ lạc trong ánh đèn vàng vọt, trong khói nhang nghi ngút, trong sương núi lạnh mù. Sao chỗ hai mẹ con đứng bây giờ hoang vắng thế, chẳng còn một bóng người, cứ như là họ đã chui vào lòng núi hết rồi? Mẹ lẩm bẩm khấn: "Hồng sống khôn, chết thiêng, dẫn đường cho Mẹ và Lan tìm được anh Sơn đi, mẹ sắp phải về Hà nội ngay trong đêm nay rồi con ơi!". Lời khấn vừa dứt, một chú tiểu nhỏ bé trong tấm áo nâu sồng hiện ra trong màn sương, chắp tay, cúi đầu: "Mô Phật, hai tín [/I]chủ tìm ai?" Mẹ con mừng rỡ đi theo chiếc bóng lặng lẽ màu nâu, chỉ vài phút sau họ đã đứng trước một động nhỏ, thơm ngát hương sen. Mẹ quay sang định cảm ơn chú tiểu đồng, thì lạ chưa - Chẳng còn thấy ai ở bên cạnh nữa (?).

    Nhà sư đứng chờ ngay cửa chùa, họ chắp tay cúi chào nhau, thành kính và trang trọng. Mẹ "Bạch thầy", xưng "Con" với nhà sư. Còn Lan thì cứ ấp a ấp úng, chẳng biết xưng hô như thế nào nữa. Nó gọi "Sư", xưng "Tôi". Một bàn trà thấp nhỏ dường như đã được chuẩn bị sẵn đón hai mẹ con Lan. Những chiếc nậm bé tí xíu bằng đất nung. Chiếc ấm cũng vậy, nóng hổi, tỏa ngát hương sen. Nhà sư từ tốn rót vào một thứ nước trong vắt, lóng lánh và nói đấy là sương sớm đọng trên những tàu lá sen, còn trà thì được bọc túm trong hoa sen qua nhiều đêm trên đầm, rồi mới lấy ra pha mời khách.

    Lan nhìn nhà sư gầy khô trong chiếc áo nâu sồng mộc mạc, má hóp lại, răng đã rụng gần hết vì hơi núi đá. Dù óc tưởng tượng có phong phú đến mấy thì Lan cũng không thể nhận ra nổi trước mặt nó bây giờ chính là anh Sơn năm nào. Lan nâng chén trà ngan ngát lên môi nhắp từng chút. Vị đắng ngọt tan tỏa, ngon ngót thấm vào, giúp nó ngăn được nước mắt cứ trực trào ra. Lan rót thêm một nậm trà khác đặt lên bàn. Nó tin rằng Hồng cũng đang ngồi đó.

    Cả ba người - Không! Bốn người thì đúng hơn - Ngồi trầm tĩnh thưởng trà. Lan rất muốn - Nhưng không dám gợi hỏi về quá khứ. Chính Mẹ lại là người không chịu được nữa, thì thầm: "Bạch thầy! Kiếp tu hành tới giờ đã giúp Thầy thanh thản nhiều chưa?" Nhà sư nở nụ cười bình yên: “Thưa bà! Cuộc đời của mỗi con người có rất nhiều ngã rẽ. Có ngã rẽ đi vào ngõ cụt, có ngã rẽ đưa ta vào một thế giới mới mà chỉ lúc đó ta mới ngộ ra. Riêng tôi, đi tu không phải là để tìm quên một điều gì, mà đó chính là vận mệnh của tôi, là ngã rẽ mà tôi tâm đắc nhất".
    Lại như đã được chuẩn bị sẵn, Vị Sư Bác đứng dậy, lấy trong tráp gỗ ra một phong bì nhỏ đưa cho Lan: "Kỷ niệm cô vật này, cảm ơn bà và cô đã đến thăm tôi ". Rồi Người nói với riêng Lan bằng tiếng anh, rằng Người không bao giờ lãng quên bất cứ điều gì, Người luôn mang theo quá khứ trong Tâm mình, để Tĩnh.

    Sư Bác tiễn Mẹ con Lan xuống tận bến nước. Vợ chồng "Tập hai" ngồi chờ sẵn trên con đò nhỏ "Khứ hồi" , họ chắp tay cúi chào vị sư đáng kính. Lúc này đã gần nửa đêm, chỉ có duy nhất gia đình họ trở về. Con đò lặng lẽ rời bến, tiếng mái chèo khua nước ì ọap làm cảnh đêm bớt đi sự yên tĩnh, nặng nề. Nhà sư đứng nhìn theo, bóng Người hắt cao, vẽ vào vách núi vàng vọt ánh đèn. Người lái đò tỏ vẻ ngạc nhiên sao hôm nay đò chỉ chở có bốn người mà khẳm quá? Lan cúi gập người, khỏa tay xuống mạn thuyền như thể muốn tìm sự dịu mát. Nhưng thực ra, nó đang giấu mọi người những giọt nước mắt rơi thánh thót xuống mặt nước đen ngòm trong đêm khuya muộn. Dù đã ngộ ra nhiều điều, nhưng sao lòng nó vẫn trĩu nặng một nỗi buồn sâu sắc?
    Ấy là lần duy nhất nó đi tìm anh Sơn của chúng nó, vì nó không muốn khuấy động lòng người, lòng mình, hương hồn bạn thêm một lần nào nữa.

    Về đến Hà Nội thì bình minh cũng vừa hé chân trời. Khi máy bay cất cánh, Lan mở phong thư của nhà sư: Đấy là một bức ảnh chụp thầy cùng các vị sư khác trong Lễ bế giảng đại học Phật Pháp ở Thành phố Hồ Chí Minh, phía sau là dòng chữ cứng cỏi: "... Long Time... But I don't foget everything ...".

    ***

    Sau này, người trở thành Đại biểu Quốc hội, đại diện cho Hội Phật giáo Việt Nam. Người viết rất nhiều sách;Tham gia nghệ thuật nhiếp ảnh, nổi tiếng với rất nhiều tác phẩm đẹp và ý nghĩa - Mà Người gọi là "Thiền ảnh". Người triết lý : "Chụp ảnh là dùng ánh sáng giữ lại khỏanh khắc tĩnh của nhân thế vốn luôn biến đổi. Khi đưa ống kính về phía chúng, ấy là ta đang hướng tâm ta vào để đọc nội hàm sâu sắc của vạn vật".

    Vị Đại đức uyên bác ấy bây giờ là Trụ trì chùa Hương Tích: Hòa Thượng Thích Minh Hiền./.
    Lần sửa cuối bởi Lan PhươngKTV; 04-07-2014 lúc 11:19 AM

  12. 5 Thành viên dưới đây cảm ơn Lan PhươngKTV vì bài viết hữu ích này


  13. #7
    Bạn Thâm Giao
    Hiện Đang :    Lan PhươngKTV đang ẩn
    Tham gia ngày : Jun 2014

    Bài gửi : 236
    Thanks
    228
    Thanked 1.618 Times in 242 Posts
    CÂU CHUYỆN MÙA THU

    Cô có vóc dáng đài các, kiêu sa. Mái tóc dày thả chấm ngang lưng; Gương mặt đẹp mà buồn; Đôi mắt với hàng mi cong rợp lúc nào cũng như sắp khóc; Vành môi là đóa hoa hồng hiếm khi chịu nở, mà nếu có mim mỉm thì hai khóe cũng trĩu xuống gần như là đang mếu.

    Cô yêu anh trai của bạn mình, lãng mạn như bất cứ mối tình đầu nào. Mùa Thu năm ấy họ phải xa nhau, ngay cả cô cũng không được biết là anh ra nước ngoài là để đào tạo nghiệp vụ mật. Thư anh hiếm khi về nhưng cô vẫn đợi chờ anh hết mùa ngâu này đến mùa ngâu khác.

    Rồi chẳng hiểu vì đâu mà những lá thư của anh dần dần chỉ còn toàn là những trách móc, hờn ghen. Cô đau khổ nhưng vẫn kiên trì sống với nỗi oan ức ấy dù xung quanh cô có biết bao chàng trai trẻ ngưỡng mộ, theo đuổi. Lá thư lần cuối đã quật ngã cô: "Em đi lấy chồng đi, tôi đã có vợ bên này và không về nước nữa". Cô nằm viện nhiều tháng. Trớ trêu thay, vị bác sĩ theo dõi bệnh tình cho cô lại có nhân dáng và giọng nói giống anh như hai giọt nước. Trong cơn mê sảng cô thường níu tay ông.
    Cuối Thu ấy, cô xuất viện. Trên chiếc ghế đá trong khuôn viên đầy xác lá của bệnh viện cô kể cho ông nghe chuyện tình buồn của mình và bất ngờ nhận ở người đàn ông đáng kính, đã có gia đình ấy lời tỏ tình. Cơn gió heo may cuốn xác lá đuổi theo suốt con đường cô trốn chạy...

    Ngày định mệnh đến khi cô quyết định nhận lời yêu một chàng luật sư trẻ - Người đã bao năm qua luôn thầm lặng bên cô. Trở về nhà trong ánh hoàng hôn chập choạng, lòng cô không vui, chẳng buồn. Trời ơi! sao lại thế này? Anh đứng đợi cô bên hàng hiên. Cô thốc ra vườn sau khóc nức nở trong tiếng anh trôi dạt: "Anh chưa có vợ, anh chỉ thử lòng em...". Cô chạy chân không sang nhà một người bạn gái khóc, khóc mãi không thôi rồi lang thang một mình trong đêm khuya muộn.

    Có ai đó chụp chiếc bao tải lên đầu cô, quấn thít rồi vác cô đi. Mở mắt, cô thấy trong căn phòng sáng lờ nhờ một người đàn bà với đôi mắt điên dại. Tóc cô rơi lả tả theo từng nhát kéo phũ phàng, răng cô rụng xuống lẫn trong máu dưới những cú đấm đạp lạnh lùng của hai gã đàn ông bặm trợn. Áo quần cô tơi tả...
    "Con đĩ, mày chọn đi. Hoặc ký vào tờ giấy xác nhận là mày đã ngủ với chồng tao và chiếm đoạt nhiều tiền bạc của ổng. Hai là lọ thuốc ngủ này. Xe máy, nữ trang của mày hôm nay tao lấy lại..." Cô dần hiểu những gì đang xảy ra ở đây. Lần đầu tiên trong đời cô cười lớn: " Đưa cho tôi lọ thuốc ngủ.Tôi chọn nó không phải vì bà và bà hãy nhớ, tôi chưa bao giờ là tình nhân của chồng bà. Thật tiếc cho ông ấy đã có người vợ như bà." Có lẽ ở cô lúc ấy toát ra một vẻ ma quái ghê rợn nên họ vội vã để cô đi...

    Đêm định mệnh không có điện. Tiếng bố cô mai mỉa: "Ngu thế hả con? Nó ruồng rẫy mày bao năm, giờ về thả mấy lời ngon ngọt đã vội cụp đuôi theo nó tới giờ mới về. Nhục quá con ạ"
    Cô nở mỉm nụ mếu, đi tắm rửa thay đồ, đánh răng, dọn dẹp gì đó trong phòng, đốt, viết... Còn nghe cô hát nho nhỏ.
    Có tiếng pha nước đường cùng 100 viên thuốc ngủ lanh canh trong ly thủy tinh. Rồi cô nói với vào phòng bố mẹ: "Mai con nghỉ làm, mẹ để con ngủ nhé" Đó cũng là câu nói cuối cùng của cô.
    Cái chết của cô trở thành một vụ án. Người đàn bà độc ác, nông nổi bị kết tội và chết vì bệnh trong nhà tù. Vị bác sĩ đột tử sau cô không lâu. Chàng luật sư thoát tục. Còn anh?

    Anh hàng ngày ra mộ cô chỉ để làm một việc là đốt cháy được những nén nhang dù biết không bao giờ có thể. Trên bàn thờ cô cũng thế, những nén nhang trơ lỳ như làm bằng sắt, điêu khắc dấu chấm than vào khoảng không u uẩn. Chỉ khi người quản trang hốt hoảng thông báo là anh đã vác ra nghĩa trang hàng bao tải nhang thì mọi người mới chịu tin là anh đã hóa điên.
    Đêm nào cô báo mộng: "Mẹ ra dọn dẹp giùm mộ cho con, dơ bẩn lắm" thì chắc chắn là trên mộ cô có những đóa hồng đỏ bầm màu máu của anh. Theo tục lệ ở đây người ta chỉ viếng những người con gái trinh tiết bằng hoa trắng.
    ***
    Chuyện hồi nhỏ anh chạy chơi trên sân trời mưa nơi sơ tán, bị trợt rêu ngã ngửa, ngất đi thì chỉ có tôi và gia đình anh nhớ.
    Việc anh có bị bọn xấu bỏ thuốc hãm hại khi ẩn danh công tác mật hay không có lẽ chỉ có ngành công an biết.

    Nhưng có một gã điên - Vào một chiều mùa thu mưa tầm tã - Đã ra dựng lều ở luôn bên cạnh mộ người con gái tự tử vì tình khi chưa tròn 23 tuổi, thì cả cái thành phố bé nhỏ này biết./.
    Lần sửa cuối bởi Lan PhươngKTV; 02-07-2014 lúc 03:48 PM

  14. 5 Thành viên dưới đây cảm ơn Lan PhươngKTV vì bài viết hữu ích này


  15. #8
    Bạn Thâm Giao
    Hiện Đang :    Lan PhươngKTV đang ẩn
    Tham gia ngày : Jun 2014

    Bài gửi : 236
    Thanks
    228
    Thanked 1.618 Times in 242 Posts
    VĨNH CỬU

    "Đừng sợ chết vì chết là về được miền Vĩnh Cửu"
    (Trích thư Hồng viết)

    ... Chuyến xe đưa chúng tôi từ Vĩnh Phúc trở về Nam Định khi ngày đang dạt trôi vào cuối. Hoàng Hôn mang nỗi buồn trùm lên cuộc vui hội ngộ, tiếng nói cười cứ lịm dần vào bóng chiều chập choạng. Nẻo xưa sao giờ xa lạ quá? Chỉ có những cánh đồng trải theo hai bên đường là còn thấy thương quen...

    Hội lớp lần này là một chuyến du ngoạn của hai thế hệ lên Tam Đảo, viếng Thiền Viện Trúc Lâm. Thiếu vắng không nhiều, nhưng đủ để Tôi khóc khi thắp nén nhang nơi cửa Thiền và nhớ...

    Sáng hôm sau Tôi, Viễn Anh cùng Quỳnh Hương lên thăm mộ Hồng. Chúng tôi đi loanh quanh mãi mới tìm mua được những bông Hồng Trắng như ý. (Hoa Hồng bây giờ cũng khác quá: Nhỏ bé, cằn cỗi, thiếu hương). Đóa Bạch Hồng chúng tôi chọn được tuy rất đẹp: Cánh lớn, trắng muốt, tươi mềm... nhưng vẫn không thơm? Thôi đành vậy, Hồng nhé!

    Trời chợt đổ mưa.
    Cơn mưa đầu thu bao giờ cũng buồn. Càng buồn hơn trong Nghĩa Trang đìu hiu.

    Mộ Hồng màu trắng, nằm héo hắt giữa những ngôi mộ khác. Chút vuông đất chừa lại trên mộ cỏ mọc xanh um. Khi nhổ đến nắm cỏ thứ ba thì tôi òa khóc.

    Mộ ba Mẹ Hồng cũng đã đưa về Hà Nội từ lâu, chỉ còn mình bạn tôi nằm lại đây cho gần với Kỷ Niệm. Người quản trang cho biết anh chị của Hồng nhiều lần cúng xin mang cô đi mà Hồng vẫn không đồng ý.

    Viễn Anh và Quỳnh Hương dành phần cho tôi chăm sóc mộ Hồng. Nước mưa và suối khoáng rửa trôi bùn đất. Bia mộ màu đen vẫn còn ghi rất rõ những con số dù 24 năm đã qua...

    "Đừng nói Chết mà nói là Sinh Ra!"

    Như những lần trước, tôi lại về với Sinh Nhật bạn tôi.

    Đêm trước, Viễn Anh trao cho tôi một gói nhỏ. Ấy là những lá thư mà Hồng viết cho Viễn Anh những năm trước khi Hồng mất. Ngày giỗ lần thứ 20 của Hồng, Viễn Anh đã định đốt nhưng cuối cùng lại đổi ý. Bây giờ nó là của tôi:

    "... Tự nhiên bỗng thèm cái chết lạ lùng. Đừng sợ chết vì chết là về được miền vĩnh cửu. Hết yêu thương, hận thù, trách nhớ. Có chăng chỉ còn là chút khói hương thoảng lạnh giữa đồng hoang, mộ bia vô nghĩa..."

    Hồng viết như vậy ngày 02/10/1980

    Làm bắt lửa được mấy bó nhang giữa cơn mưa tầm tã và ngọn gió dật dờ là cả một vấn đề. Nhưng khó ai có thể tin nổi tất cả các nén nhang đều cháy đến tận cùng, kể cả những nén thắp bên ngoài bia mộ và quanh các thân mộ khác gần đấy.

    Tôi thắp cho Hồng nhiều nén, thay cho nhiều người không về được, trong đó có cả bạn bè trên mạng - Những người chỉ biết Hồng qua trang Blog của tôi.

    Viễn Anh và Quỳnh Hương rất lo lắng vì nếu trời vẫn tiếp tục mưa thì không thể đốt tiền vàng cho bạn được. Tôi nói:

    - Đừng lo, khi nhang cháy hết phân nửa thì Hồng sẽ xin cho trời tạnh. Phải không bạn yêu? - Tôi quay sang nói với tấm bia mộ - nếu không làm sao gửi tiền cho Hồng mua son phấn quần áo làm đẹp nhỉ?

    Hai bạn tôi im lặng.

    Nhang cháy đúng một nửa thì trời ngưng mưa đột ngột, nắng trải vàng tức thì khắp nghĩa trang. Tôi lại thủ thỉ:

    - Hai bồ thấy không? Đã bảo là Hồng của chúng mình linh lắm mà. Bây giờ Nàng "hô mưa gọi nắng" được thì hẳn là đã có chức sắc cao rồi đây!

    Viễn Anh và Quỳnh Hương vẫn im lặng, vội vã hóa vàng. Nhưng chiếc hộp quẹt duy nhất tôi mang theo đã bị nước mưa làm cho ướt mèm. Hai bạn tôi thay nhau bật muốn toét ngón tay mà chẳng có tí lửa nào lóe lên được. Họ nhìn tôi cầu cứu?

    - Hồng ơi! Cho xin tí lửa đi! Hóa vàng xong Lan vẫn chưa về đâu, còn ngồi chơi với Hồng lâu mà! - Tôi nói, rồi cầm lấy hộp quẹt . Trước hai đôi mắt nhìn sững sờ của Viễn Anh và Quỳnh Hương, chỉ một thao tác duy nhất, ngọn lửa đã bừng cháy lên từ chiếc quẹt ga sũng nước. Quỳnh Hương khắp mình nổi gai ốc, lùi lại đằng sau. Tôi cười:

    - Bạn sợ à? Đừng sợ! Hồng linh thiêng sẽ phù hộ cho chúng ta những điều tốt đẹp mà.

    Mắt Quỳnh Hương ngấn lệ...

    Chúng tôi ở bên Hồng rất lâu. Tôi nói về những điều chưa ai biết ở Cõi Vĩnh Hằng nơi bạn tôi đã đến và tôi thấy nụ cười hiếm hoi của Nàng nở bừng bên những đóa Bạch Hồng.

    Bây giờ là Đầu Thu.
    Bức thư Hồng viết cho Viễn Anh ngày 28/9/1980 lại là Cuối Thu:

    "Viễn Anh ơi! Lan Phương không ra được vì ngày 05/10 phải tập trung ở Đà Lạt. Vậy là hết mơ, hết chờ đợi nhớ mong. Viễn Anh về với Hồng đi, về để chung tiễn một Mùa Thu nữa sắp vẫy tay chào. Ngày thu của tụi mình? Còn đâu? Tặng Viễn Anh vần thơ Hồng làm khi bất ngờ bắt gặp một sắc vàng cánh lá; Một đìu hiu của gió; Một luyến nhớ của tim...

    Chiều buồn hiu hắt trải mênh mang
    Một chiều lá bay đượm sắc vàng
    Lối về mây kín từng chân bước
    Ngước mắt ngỡ ngàng Thu đã sang"


    Mùa Thu đã quyến rũ bạn tôi về với miền Vĩnh Cửu./.


    -----------------------------------------------------------------------------------------------

    Tháng Bảy tôi về trên lối cũ
    Hồng ơi! Em nằm đó! Dưới mồ...

  16. 4 Thành viên dưới đây cảm ơn Lan PhươngKTV vì bài viết hữu ích này


  17. #9
    Bạn Thâm Giao
    Hiện Đang :    Lan PhươngKTV đang ẩn
    Tham gia ngày : Jun 2014

    Bài gửi : 236
    Thanks
    228
    Thanked 1.618 Times in 242 Posts
    VỰC

    Buổi chiều u ám mây và heo héo lạnh.

    Điện thoại chợt rung lên. Bản serenat trải những âm hưởng sang trọng nhưng lạc lõng bởi nàng không cầm máy. Nằm lười biếng trong căn phòng thiếu hơi ấm, cửa sổ mở toang, nàng muốn mùa đông tràn vào đầy ngút để cảm nhận thật rõ nỗi trống trải.

    Chuông nhạc lại vang lên kiên nhẫn. Lần thứ ba thì nàng bấm kết nối, mắt lơ đễnh ngó vòm lá chao nghiêng bên ngoài ô cửa. Giọng chàng nghe rất rõ khiến nàng giật mình. Quá lâu rồi họ không còn gọi cho nhau dù chỉ là những câu hỏi thăm bình thường nhất.

    Mối tình đầu mong manh như kính mỏng - không phải pha lê - bởi nó không đẹp. Mối tình ấy vỡ rồi, tan tành cả mấy chục năm rồi. Những mảnh vụn ấy sao bỗng dưng hôm nay lại lanh canh bên tai nàng?

    Nàng khoác thêm chiếc áo, không tô son và ngắm mình trong gương như những người đàn bà trước khi đi đến chỗ hẹn. Lòng phẳng lặng, nàng bước ra đường.

    Quán cà phê Net đủ rộng để nàng đứng lơ ngơ một lúc đưa mắt kiếm chàng. Hơi thở chàng ở ngay phía sau, nàng quay lại và thật ngạc nhiên thấy mối tình đầu của mình hầu như vẫn thế, không mấy thay đổi. Chàng mỉm nụ cười rộng, đôi mắt thì đã không biết cười nữa có lẽ từ dạo ấy.

    Họ ngồi bên nhau gần trọn buổi chiều chỉ để cùng nghe những bản nhạc quen, lạ từ chiếc laptop chàng đặt trên bàn. Nhân viên phục vụ tủm tỉm khi chàng nói: "Lát nhớ tính thêm cả tiền trà nữa nhé, hai bác tiêu thụ nhiều quá". Chàng không hỏi gì nàng. Có lẽ chàng muốn để cuộc sống của nàng là một bí mật riêng tư, hoặc là chàng chưa bao giờ thôi theo sát nó?

    Có lúc nàng cảm thấy sợ hãi mơ hồ. Không biết trong chàng có chứa mối hận nào về nàng không? Chàng đọc lại những câu thơ nàng ghi sau bức ảnh chụp chung với mẹ ngày ấy khiến nàng xúc động, cúi xuống giả vờ khép vạt áo. Nàng thì đã quên quá nhiều, chỉ nhớ cũng vào một buổi chiều mùa đông, khi nàng quyết định nói lời chia tay, chàng đã lẳng lặng ra nhà sau lấy vào chiếc rựa chẻ củi...
    Nàng rùng mình nhắm mắt, không dám nhớ tiếp nữa.

    ***

    Hoàng hôn tràn vào căn phòng.
    Nàng đứng dậy. Họ lặng lẽ đi bên nhau xuống chiếc cầu thang dài hút, rồi đứng lại, bắt tay tạm biệt như đôi bạn. Chàng nắm lấy tay nàng bằng cả hai bàn tay to khỏe, ấm rực lên như than hồng.
    Bàn tay trái thiếu một ngón út.

  18. 4 Thành viên dưới đây cảm ơn Lan PhươngKTV vì bài viết hữu ích này


  19. #10
    Bạn Thâm Giao
    Hiện Đang :    Lan PhươngKTV đang ẩn
    Tham gia ngày : Jun 2014

    Bài gửi : 236
    Thanks
    228
    Thanked 1.618 Times in 242 Posts
    VỊ ĐẮNG CỦA HẠNH PHÚC

    Căn nhà nhỏ ấy bỗng trở nên may mắn khi ở đó xuất hiện cái chợ tự phát. Phía trước hiên nhà mọc ra một quầy bán thịt . Nhờ cô chủ tháo vát, nhanh nhẹn và niềm nở nên quầy hàng lúc nào cũng đắt khách và thịt thì luôn tươi ngon. Những miếng thịt heo sáng ánh lên, ấn nhẹ vào thấy đàn hồi và không bị ứ nước. Còn thịt bò thì đỏ hồng, xớ mịn bám lấy những dẻo mỡ vàng ngậy trông thật thích mắt. Có lẽ cô rất hạnh phúc? Lúc nào cũng thấy cô tươi cười trong khi đôi tay cứ thoăn thoắt cắt, thái. Buôn bán vất vả là thế, mà cô vẫn chẳng chịu phai đi chút nhan sắc nào. Nếu rời quầy thịt ra và "lên khuôn" một chút thì xem ra cô cũng chẳng thua kém nữ diễn viên là mấy.Thỉnh thoảng lại thấy xuất hiện anh chồng cao to, điển trai lăng xăng phụ giúp, nhất là trong những dịp Lễ Tết. Còn hai đứa con mập mạp thì luôn là niềm tự hào của cô.
    Và hình như họ đang phất lên.

    Bẵng đi một thời, tôi lại ghé vào mua thịt của Cẩm. Tôi chẳng tin vào mắt mình khi thấy đứng sau quầy gỗ ngổn ngang xương, thịt kia là một gương mặt ủ ê, héo úa đến nao lòng. Cô cười méo xệch:
    - Chị à! Lâu quá chị mới đến! Hôm nay thịt dở lắm, chị đừng mua!
    - Có chuyện gì vậy em? Tôi chỉ hỏi được vậy.
    Nước mắt Cẩm như chỉ chờ có thế là trào ra:
    - Em khổ quá chị ơi! Chồng em bỏ nhà đi mấy tháng nay rồi!
    - ???
    - Ảnh cá độ bóng đá mà em không biết! Em chỉ phát hiện ra khi mấy cọc tiền dành dụm biến mất cùng với Đức Ông Chồng. Sau đó là người ta ùn ùn đến chìa giấy đòi nợ. Gần tỷ bạc chị ơi...
    Những lời động viên an ủi của tôi lúc ấy xem ra thừa.

    Thỉnh thoảng tôi vẫn ghé lại mua thịt cho Cẩm! Thời gian trôi đi chậm chạp đến khắc nghiệt trên thân xác mỏi mòn của cô. Nhiều người khuyên Cẩm đơn phương ly dị để tự do và không phải gánh nợ cho chồng, nhưng cô không nghe, vì sợ hai đứa con thiếu bố.

    Chủ Nhật vừa rồi tôi lại đến:
    - Cẩm đâu? Có bán thịt trâu không nào? Lạ thật! Sao chẳng thấy quán nào treo bảng bán phở... trâu nhỉ? Quái, bò ở đâu ra mà người ta xẻ thịt bán lắm thế!- Tôi cố làm ra vẻ vui.
    -A chào chị!- Cẩm đang lúi húi phía dưới quầy nhô đầu lên, nụ cười tròn vạnh - chị sành thật đấy: Thịt đỏ bầm, mỡ trắng hếu và xớ to thế này thì chỉ có là thịt trâu thôi chị ạ.
    - Em xay cho chị ít thịt heo để chị nhồi khổ qua nấu canh nhé! Có gì vui phải không em?
    Cẩm líu ríu:
    - Vâng! Có ngay cho bà chị đây! Chồng em về rồi chị ạ! Nợ em cũng đã trả hết. Em bán nhà này rồi, bây giờ thuê lại của chủ mới đấy chị.
    Tôi nhìn sững Cẩm. Mấy trái khổ qua tôi đang xách trên tay bỗng dưng nặng trĩu xuống!
    Tô canh hôm ấy tôi nấu rất chăm chút, vậy mà vẫn đắng hơn mọi lần, khi tôi vừa ăn vừa chợt nhớ đến thoáng phớt hồng ửng lên trên đôi má gầy guộc của Cẩm lúc ấy.

    Ôi! Người phụ nữ Việt Nam./.

    (*) Khổ qua, hay còn gọi là trái mướp đắng, ăn có vị đắng nhưng rất mát và bổ. Truyền thuyết kể lại: người xưa nấu trái này ăn thấy đắng nên luôn miệng kêu "khổ quá! Khổ quá!" . Dần dà bị lái sang thành "khổ qua" hay "Ổ oa"./.

  20. 5 Thành viên dưới đây cảm ơn Lan PhươngKTV vì bài viết hữu ích này


+ Trả lời chủ đề
Trang 1/4 1 2 3 ... CuốiCuối

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình