+ Trả lời chủ đề
Trang 2/4 ĐầuĐầu 1 2 3 4 CuốiCuối
Hiện kết quả từ 11 tới 20 của 31

Chủ đề: Lan Phương_Truyên, Tản văn

  1. #11
    Bạn Thâm Giao
    Hiện Đang :    Lan PhươngKTV đang ẩn
    Tham gia ngày : Jun 2014

    Bài gửi : 236
    Thanks
    228
    Thanked 1.618 Times in 242 Posts
    TRANG SỨC ĐẸP NÓI THẬT

    Khi yêu nhau anh chị cùng nghèo.
    Ngày đính hôn anh chỉ đủ tiền sắm cặp nhẫn, mỗi chiếc một phân vàng tây mỏng dính.
    Kỷ niệm một năm ngày cưới, anh vét tiền mua tặng chị chiếc dây chuyền bạc gắn hạt ngọc giả và hứa: “ Nhất định một ngày nào đó anh sẽ tặng em bộ trang sức có giá trị, em ráng đợi nhé”.
    Chị dịu dàng mỉm cười mà mắt ngân ngấn nước.

    Nhiều năm sau anh sang công tác bên nước láng giềng và mang về một chiếc hộp tuyệt đẹp. Chị mở ra, lóa mắt trước bộ trang sức bằng bạch kim tinh xảo.
    Chị xuýt xoa tiếc tiền khi nghe anh nói đã nhờ hướng dẫn viên đưa đi mua trong một tiệm trang sức lớn. Chị cất cẩn thận lắm, ngắm nghía là chính và chỉ mang ra đeo nhân những dịp Lễ, Tết. Vậy mà bộ trang sức vẫn cũ đi rất nhanh.

    Một ngày kia, chị thẫn thờ nhận ra bộ trang sức ấy là bạch kim giả. Chỉ có hạt ngọc gắn trên sợi dây chuyền là thật. Thương chồng thật thà bị thiên hạ lừa gạt, chị mỉm cười một mình mà sống mũi cay cay.

    Rất nhiều năm sau nữa, anh vẫn thấy chị đeo bộ trang sức ấy – mà không chỉ trong những dịp trang trọng - mặc dù chị đã có nhiều nữ trang quý hiếm khác. Anh vui lắm.

    Một hôm, sợi dây chuyền hư cái móc khóa, chị thì đang công tác xa nhà. Anh mang ra hiệu nữ trang quen của gia đình sửa vì muốn chị đeo nó trong lễ kỷ niệm 20 năm ngày cưới sắp tới.
    Bà chủ hiệu vồn vã:
    - Anh thấy hàng của tôi làm tốt không? Mười mấy năm rồi mới chỉ hư cái móc khóa hà!
    Anh ngẩn mặt:
    - Chị bảo sao?
    - Thì chính tay tôi chế tác lại nó mà! Tôi nhận ra ngay! Hồi ấy chị nhà mang ra đây - cả vòng, nhẫn và bông tai nữa - nhưng toàn là đồ giả trừ hạt ngọc trai. Chị nhà nhờ tôi làm lại tất cả bằng vàng trắng không cần thương lượng giá cả, với điều kiện phải y chang theo mẫu mã cũ. Tôi cũng thích bộ trang sức này lắm vì nó có kiểu dáng khác lạ và đẹp mắt. Nhìn nét mặt chị nhà lúc ấy tôi biết là bộ trang sức này mang một ý nghĩa nào đó rất đặc biệt…

    Bỗng nhiên anh bị mất tiếng./.

  2. 6 Thành viên dưới đây cảm ơn Lan PhươngKTV vì bài viết hữu ích này


  3. #12
    Bạn Thâm Giao
    Hiện Đang :    Lan PhươngKTV đang ẩn
    Tham gia ngày : Jun 2014

    Bài gửi : 236
    Thanks
    228
    Thanked 1.618 Times in 242 Posts
    MƯA BÓNG MÂY

    Bất chợt, mảng mây xám đen vắt ào xuống một đám nước lộn xộn khiến mọi người trở tay không kịp. Đa số vẫn phóng ào đi mặc cho mưa táp ướt sũng đầu tóc áo quần. Số ít khác tạt vội vào những hàng hiên, tán cây bên đường với hy vọng đây chỉ là một cơn mưa bóng mây.

    Dung cũng trong số đó. Đứng ngó mông ra mặt đường loang loáng nước, Dung có cảm giác như mình đang đi trên một con thuyền. Mà dòng nước dưới mạn thuyền này hiền dịu quá, chỉ âm thầm trôi mà không nổi sóng chòng chành.

    Điện thoại rung nhẹ trong giỏ xách làm Dung giật mình trở lại với thực tại. Cô chưa vội mở máy vì biết vừa có một tin nhắn nữa của anh gửi vào. Những tin nhắn của anh luôn làm cô xúc động vì có cảm giác được che chở, nâng niu - Thứ mà với chồng cô - Thì lại là loại hàng xa xỉ.

    Mưa tạnh, cũng bất ngờ không kém.

    Mọi người lại vội vã tỏa đi các hướng. Họ trở về nhà để nghỉ ngơi sau một ngày làm việc mệt nhọc? Hay đi đến những cuộc hẹn hò? Nếu đèn đường bật sớm hơn có lẽ Dung sẽ nhận ra điều ấy một cách dễ dàng qua nét mặt và áo quần của từng nhân vật. Chỉ một mình Dung vẫn đứng trong bóng chiều chập choạng. Đơn giản là cô chưa định được hướng đi của mình.

    Điện thoại rung dài. Anh gọi! Dung nhìn trân trối vào vòng ánh sáng xanh xoay tròn trên màn hình chờ kết nối, ngón tay chết lịm.
    Lần thứ tư thì ngón tay Dung bừng tỉnh, bấm vào nút tắt nguồn.

    Gần một năm quen biết, tối qua cô đã nhận lời gặp riêng anh ở một quán cafe ngoại ô. Phấn chấn thì ít, lo lắng thì nhiều. Dung không chối bỏ là mình cũng háo hức chờ đợi ở anh một điều gì đó khó gọi thành tên. Mà nếu có tên thì cũng không ai dám gọi. Những năm tháng tẻ nhạt và chịu đựng bên người chồng ích kỷ, gia trưởng đã bào mòn tâm hồn và thân xác cô đến khó tin. Từ khi quen anh, cô bỗng thấy mình như một xác ướp sống lại và cô vui vì điều đó.

    Dung đến chỗ hẹn sớm dù cô biết làm như vậy có thể cô sẽ mất điểm trong mắt anh. Dung chọn một chỗ khuất sau khóm cây xum xuê, nhìn hướng ra lối vào và chờ đợi. Nhiều đôi lứa nắm tay nhau, cười nói ríu ran. Không hiếm từng người riêng lẻ bước vội vã, ánh mắt e dè...

    Bỗng Dung giật nảy khi thấy chồng mình đột ngột xuất hiện. Thôi chết, có ai đó đã báo cho chồng Dung biết cuộc hẹn này rồi sao? Dung luống cuống đứng bật dậy một cách vô thức, lòng bàn tay rịn mồ hôi. Cô hoảng hốt không biết sẽ phải nói gì với chồng lúc ấy. Nhưng kìa, chồng Dung lại rẽ vào một bàn nhỏ đằng sau khóm hoa gần chỗ cô. Tiếng người phụ nữ nơi ấy rất trong và tự nhiên: " Sao anh đến muộn vậy?"

    Dung rơi tuột vào chân không. Cô lâng lâng bay trong nỗi đau của người bị phản bội.

    Nghẹt thở.

    Nếu bây giờ anh đến ngồi xuống bên cô và người đàn bà của anh nhìn thấy như cô bây giờ? Cô chỉ nghĩ được thế thì đã thấy mình đang phóng xe như bay trên đường mà không biết bằng lối nào và bằng cách nào cô đã ra khỏi mê lộ.

    Cho đến tận lúc này anh cũng chưa biết là Dung có đến chỗ hẹn hay không.

    Dung ngửa mặt hít một hơi dài. Không khí mát lạnh, trong vắt sau mưa làm cô sảng khoái hẳn lên. Tán cây nơi cô đứng vừa được gội rửa sạch sẽ, lá bóng lên dưới ánh đèn đường như vừa mạ bạc.

    Sông đã ngừng chảy. Dung bước ra khỏi con thuyền của mình, tự trôi về cuối phố - Nơi có ngôi nhà nhỏ đang chờ cô về nhóm lửa nấu bữa cơm chiều./.

  4. 4 Thành viên dưới đây cảm ơn Lan PhươngKTV vì bài viết hữu ích này


  5. #13
    Bạn Thâm Giao
    Hiện Đang :    Lan PhươngKTV đang ẩn
    Tham gia ngày : Jun 2014

    Bài gửi : 236
    Thanks
    228
    Thanked 1.618 Times in 242 Posts
    TAM GIÁC

    Sáng nào, Bà cũng lên sân thượng tập thể dục và tưới cây. Yêu hoa cây cảnh là "bệnh" của tuổi già thật rồi.

    Bà xới đất để mấy chậu cây giàu thêm dưỡng khí, vì Bà biết đất cũng cần phải thở. Rồi như mỗi cuối xuân, Bà nhổ nhớm cây mai lên, tạo dáng cho gốc mai ngày càng lớn ra. Bà xuýt xoa khi thấy đàn kiến lửa đang dày vò mấy búp lộc, bèn đuổi chúng đi bằng cách dùng bình xịt nước thật nhẹ nhàng, chứ không dám lấy tay phủi, sợ làm dập mất những chồi non. Chợt tiếng còi hụ của đoàn xe cảnh sát dẫn đường kéo đến mỗi lúc một gần và gấp gáp làm Bà giật mình. Bà thẳng lưng lên, ngó xuống con đường dẫn từ sân bay về thành phố ngang qua nhà Bà. Những ngón tay Bà chợt run run, xoắn xoắn mấy sợi tóc mai "tiêu muối" một cách vô thức. Đoàn xe chạy vụt qua, Bà còn sững lại một lúc rồi chợt chùng xuống, nhìn nhanh về phía hành lang xem có ai trông thấy Bà vừa rồi hơi "kỳ kỳ" không! May quá, chỉ có gió đang đùa giỡn với mấy chú chim sẻ.

    Tuần trước Ông điện cho Bà, nói là sẽ về dự Hội nghị cấp cao ở thành phố nơi Bà đang ở, nhưng không nói rõ ngày nào và theo thói quen Bà cũng không hỏi thêm. Cũng phải thôi, Ông bây giờ đã là một Vị Tướng, mọi đường đi nước bước phải bảo đảm đúng nguyên tắc bí mật.

    Thời gian đối xử lạnh lùng đến khắc nghiệt với tuổi xuân của những người phụ nữ như Bà. Ngày Bà tiễn Ông lên đường nhập ngũ, những vạt hoa cải nở vàng rực bãi bồi ven triền đê sông Hồng. Ông ra chiến trường, Bà chờ đợi và chờ đợi, hết mùa hoa cải này đến mùa hoa cải khác. Những câu thơ trong bài Mùa Hoa Cải cứ cắt cứa đến nát tim Bà hằng đêm:

    "Có một mùa hoa cải
    Nở vàng trên bến sông
    Em đang thì con gái
    Đợi anh, chưa lấy chồng..."


    Thư không về, Ông không về mà cũng chẳng có mảnh giấy báo tử nào về thay Ông.
    Rồi một ngày, Bà không còn đợi được nữa. Bà yếu đuối? Hay Tình Yêu của Bà chưa đủ lớn để vượt qua sự cô đơn dài dằng dặc theo mùa?
    "Thế rồi thế rồi thôi
    Bao mùa vàng héo hắt
    Ai cũng bảo phải quên..."


    Bà không quên, nhưng Bà lấy chồng, rồi sinh con đẻ cái để hoàn thành thiên chức của mình.
    Hòa bình lập lại vài năm thì Ông trở về. Năm ấy bão lũ trái khoáy khiến hoa cải quê Ông mất trắng mùa. Ông đứng bần thần ngoài hàng rào nhà Bà, nghe tiếng võng đưa kẽo kẹt như nghiến vào lòng. Bà không hát những câu ca dao ngọt ngào, mà ru con bằng thơ của Nghiêm Thị Hằng đã được phổ nhạc. Câu hát tắc nghẹn ấy đẩy Ông ngã bật vào bóng tối:
    "Có một mùa hoa cải
    Chia tay bởi chiến tranh
    Em đã từng đợi anh
    Sao... anh... mãi... không... v..ề...ề..."


    Không biết có phải tại đôi lưỡng quyền cao của Bà? Hay số phận Bà là thế? Một năm sau khi Ông lập gia đình thì Bà trở thành góa phụ.
    Bà cùng các con lặng lẽ vào Nam.
    Ông là người của trách nhiệm và công việc. Ngày xưa đã thế, bây giờ vẫn thế. Chiến tranh chỉ làm ông thêm cứng cỏi chứ không lấy đi được của ông bất cứ thứ gì. Nhưng ký ức của Ông thì bị cụt. Cái khoảng trống hụt hẫng ấy đưa Ông đi tìm Bà.

    Nhưng những lần gặp gỡ ngắn ngủi chỉ làm họ xa cách nhau thêm. Bà cũng là phụ nữ nên Bà biết rất rõ rằng Ông và những vinh quang của Ông không phải dành cho Bà. Bà mãi mãi cũng chỉ là người đàn bà trong bóng tối mà thôi.
    Còn Ông, hiển nhiên là Ông yêu quý gia đình! Ông biết ơn người vợ hiền, tần tảo chịu thương chịu khó, là hậu phương vững chắc của Ông. Ông yêu vợ con mình bằng một Tình Yêu khác, Trái Tim khác, rất khó lý giải.
    Với Ông, cho tới giờ - Bà vẫn là thiếu nữ.
    Họ trở thành đôi bạn.

    Bà kéo chậu mai sang chỗ nhiều nắng một chút. Chiếc chậu nặng hơn Bà tưởng hay sức Bà đã kém đi nhiều?

    Hai hôm sau Bà lại nhận được điện thoại của Ông. Những con số Ông dùng luôn chẳng giống bất cứ mạng điện thoại nào trong toàn quốc. Ông cho Bà một cuộc hẹn.
    Trên đường đi chợ, cảnh sát giao thông chặn Bà và mọi người lại, nhường đường cho đoàn xe ưu tiên phóng qua. Bà đứng sát hàng xe đen bóng ấy, không thể nhìn thấy Ông qua tấm kính chống đạn tối màu. Với Bà, Ông hiện hữu mà như không.
    Bà chợt nghĩ, chưa chắc Ông đang ở trong gần chục chiếc ô-tô có Cảnh vệ dẫn đường kia, mà lại ngồi ở một chiếc xe bình thường nào khác, cách sau đó khá xa cũng nên (!)

    Hôm đó, Bà không đến chỗ hẹn, mà dành thời gian cho vườn hoa cây cảnh của mình. Chậu mai bị bà hôm trước trì kéo quá nên gẫy mất một chân, nghiêng xuống. Bà kiếm một viên đá nhỏ kê đỡ vào, thế là đâu lại vào đấy.

    Hoàng hôn đổ tràn xuống tự bao giờ mà Bà không hay biết. Bà ngồi đong đưa trên chiếc xích-đu, lan man, lan man...
    Bà nhìn xuống chân đế của chậu hoa, bật cười. Toán học quả là chính xác, dù trong không gian mấy chiều thì ba điểm không thẳng hàng luôn tạo ra một mặt phẳng.
    Nhưng sao trong tam giác của cuộc đời Bà, ba điểm ấy vẫn mãi khập khênh?./.
    Lần sửa cuối bởi Lan PhươngKTV; 10-07-2014 lúc 09:09 AM

  6. 3 Thành viên dưới đây cảm ơn Lan PhươngKTV vì bài viết hữu ích này


  7. #14
    Bạn Thâm Giao
    Hiện Đang :    Lan PhươngKTV đang ẩn
    Tham gia ngày : Jun 2014

    Bài gửi : 236
    Thanks
    228
    Thanked 1.618 Times in 242 Posts
    TRĂNG RẰM KHI TRÒN KHI KHUYẾT

    Nô quyết định nghỉ một chút.

    Nó len chân đến gần chỗ có trò chơi đu quay trong công viên thiếu nhi, nhìn chằm chằm vào những đứa trẻ khác đang thích thú ngồi trong các mô hình ô tô, máy bay lượn vòng vòng trên đầu nó. Biết đến bao giờ Nô mới được chơi trò chơi ấy. Cả ngày xách hòm gỗ đựng đồ nghề đánh giầy đi khắp các nẻo phố, may mắn lắm thì cũng chỉ kiếm đủ tiền mua đỡ mẹ vài lon gạo và mớ cá vụn. Nó còn nhỏ quá, lại mới "vào nghề" nên chưa quen việc, ít có khách gọi.

    Mồ hôi lấm tấm trên chóp mũi Nô khi nó thò tay vào túi quần móc ra mớ tiền lẻ, đếm đếm. Nắm chặt mớ tiền trong bàn tay ướt rịn một lúc, nó lại mím môi nhét vào túi quần, lủi thủi quay ra.

    - Cháu gì ơi! Đứng lại cô bảo này.

    Người phụ nữ mặc chiếc áo đen gọi to, rồi bước theo níu tay Nô:
    - Cô gọi cháu ạ? Nô ngạc nhiên vì thấy người phụ nữ mang dưới chân đôi dép.
    - Ừ! Cháu đưa cô giữ hộ hộp đồ cho, vào chơi đi, vé cô mua rồi đây này.
    - Sao ạ? Nô ngơ ngác - cô mua vé cho cháu ạ?
    - Ừ! Vé đây, cháu vào chơi đi. Nãy giờ cô để ý thấy cháu rất muốn chơi nhưng không dám dùng tiền đánh giầy mua vé. Cô mua vé cho con cô và cháu luôn, may vừa kịp lúc cháu định bỏ về. Vào đi cháu! Hôm nay là rằm trung thu, cô tặng cháu chiếc vé này.

    Nô tưởng mình đang nằm mơ, đưa tay dứt một túm tóc đau điếng. Nó nhìn người phụ nữ trân trân, rồi chợt thấy mắt mình cay sè như vừa ngụp nước biển.

    ***

    Vậy mà đã một năm tròn.

    Trung thu năm nay Nô "lành nghề" lắm rồi, kiếm được nhiều tiền hơn phụ giúp mẹ. Nhưng mẹ nó lại bị bệnh nặng, không còn đi phụ hồ cho người ta được nữa.Chưa bao giờ Nô biết cha của nó là ai. Hai mẹ con ở dưới quê lên thành phố mấy năm nay, thuê một chỗ trọ nhỏ xíu để ở. Mẹ nó cố hết sức để nó vẫn còn được đi học, nhưng giờ thì hết rồi.

    Mẹ con Nô không có hộ khẩu nên phường không phát thẻ bảo hiểm y tế người nghèo. Bệnh mẹ nó trở nặng rất nhanh vì cơ thể yếu sẵn, thiếu sức đề kháng (nó nghe mấy bác hội phụ nữ phường nói thế).

    Nô dừng lại trước quầy bán bánh trung thu, nuốt nước bọt. Cơn đói càng cào lên khiến nó phải thót bụng lại một lúc. Nhìn giá của những chiếc bánh mà nó hoảng hồn, bằng công đánh giầy cả tuần của nó cũng nên.
    - Này nhóc, rảnh không?
    Nô giật mình:
    - Chú kêu cháu ạ?
    - Ừ, gọi mi đó. Rảnh thì vào đây giúp tao chút việc, trả công đàng hoàng.
    - Chú bảo cháu làm gì ạ?
    - Mi thu dọn cho tao đống đồ lộn xộn sau quầy hàng này. Rồi vô trong bếp kia phụ giúp mấy việc. Mi qua lại đây đã lâu, tao thấy mi sạch sẽ, thật thà. Hôm nay thằng nhỏ phụ việc quán tao nghỉ đột xuất, bấn quá. Mi làm xong tao trả công đàng hoàng, khỏi phải đi đánh giầy nắng bỏ mẹ.

    Nô nhìn bóng nắng đoán giờ. Nó không muốn về muộn vì mẹ nằm ở nhà một mình chỉ còn biết trông cậy vào đôi tay bé nhỏ của nó nữa thôi.

    Mấy tiếng đồng hồ trôi qua.

    Nô gặp người chủ quán xin tiền công để về.

    - Này, cầm lấy cái này về đêm nay mà đón Trung Thu - Gã chủ quán đưa cho nó một chiếc hộp.

    Nô mở ra và ngơ ngác khi nhìn thấy một chiếc bánh trung thu đã bị móp méo nằm ở trỏng.

    - Mi chê hả? Mắc tiền lắm đó con! cả đời mày chẳng có cơ hội ăn chiếc bánh nào ngon như vậy đâu! Thôi biến đi nhóc.

    Cầm "bữa tối của hai mẹ con và thuốc của mẹ" mà tay Nô run bần bật. Hai mắt nó cay sè, miệng mặn đắng như vừa bị ai hắt một thau nước biển vào mặt.

    Nó cứ thế chạy, chạy mãi...

    Cánh cửa ọp ẹp mở ra.
    Nô hét lên khi thấy mẹ nó ngã gục dưới sàn nhà, tay vẫn cầm chặt lá thư nó viết gửi cho Hộp thư từ thiện của Đài Truyền hình tỉnh tối qua xin cứu giúp mẹ.

    Lá thư vẫn chưa có tem để dán./.

  8. 2 Thành viên dưới đây cảm ơn Lan PhươngKTV vì bài viết hữu ích này


  9. #15
    Bạn Thâm Giao
    Hiện Đang :    Lan PhươngKTV đang ẩn
    Tham gia ngày : Jun 2014

    Bài gửi : 236
    Thanks
    228
    Thanked 1.618 Times in 242 Posts
    KHÔNG ĂN VỤNG CŨNG DÍNH MÉP

    Chị đón anh ở sân bay, vui khi thấy anh mập ra, trắng hơn sau nhiều tháng đi tu nghiệp ở nước ngoài. Trao tay lái cho anh, chị ngả vào vai chồng âu yếm. Họ chưa xa nhau lâu thế bao giờ.

    Lũ nhỏ tíu tít với quà, tranh nhau kể đủ chuyện cho bố nghe. Bữa cơm đoàn tụ đầy ắp tiếng cười, tiếng bi bô con trẻ. Những đôi mắt long lanh hạnh phúc.

    Chỉ đến khi bọn trẻ chịu rời bố về phòng ngủ, anh chị mới thực sự được riêng tư bên nhau. Anh ngả mình trên giường khoan khoái, chăn gối thơm mùi nắng, chờ đợi. Chị hý hoáy với chiếc va-ly, soạn quần áo ra cho anh, cố làm cho thật nhanh. Chợt chị lạc giọng:
    - Anh! Cái gì thế này?

    Anh nhổm bật dậy, thất thần nhìn vợ run rẩy cầm trên tay chiếc áo ngực đàn bà ngoại cỡ.
    - Cái gì vậy em? – Mặt anh tái mét.
    - Em cũng đang hỏi anh đây? - Chị líu lưỡi, nghẹt mũi.

    Anh lả xuống bên vợ, cả hai nhìn trân trân vào chiếc áo ngực:
    - Em cứ bình tĩnh, để anh nhớ xem nào. Ở đâu ra cái này vậy chứ?
    - Áo ngực lớn vầy thì chỉ có phụ nữ tây mặc vừa thôi – chị lí nhí – sao lại thế hả anh?
    - Không! Anh không…

    Chị chuồi ra khỏi tay anh, chuyếnh choáng, nóng bừng như vừa tu cạn một chai rượu. Anh cũng choáng váng không kém, lập bập châm thuốc.

    Đêm giãn như giây thun nhúng dầu. Gối chăn nguội dần hơi nắng…

    Sáng ra, anh cúi gằm mặt dắt xe cho chị ra cổng đi làm. Chiếc áo ngực ngoại cỡ treo khiêu khích trên móc phơi. Chị vừa dợm chân định leo lên xe thì điện thoại rung rung trong giỏ xách:
    - A lô! Bà ngoại ạ?
    - Ừ, bà ngoại đây – Tiếng mẹ chị vang lên trong máy – Chồng con về tối qua rồi phải không? Con đi làm mang luôn cho mẹ chiếc áo ngực hôm mẹ ra Hà Nội chơi bỏ quên ở nhà chị con nhé. Vừa rồi chồng con về có ghé qua Hà Nội, chị gửi trong va-li của chồng con đấy./.

  10. 3 Thành viên dưới đây cảm ơn Lan PhươngKTV vì bài viết hữu ích này


  11. #16
    Bạn Thâm Giao
    Hiện Đang :    Lan PhươngKTV đang ẩn
    Tham gia ngày : Jun 2014

    Bài gửi : 236
    Thanks
    228
    Thanked 1.618 Times in 242 Posts
    ĐÁNH MẤT

    Ngày ấy, điện thoại bàn ở nhà Loan còn chẳng có nói gì đến điện thoại di động. Thế nên mới có chuyện bi hài.

    Vì thương bạn, cô nhận lời đi Tuy Hòa một chuyến ngắn ngày để "Tháp tùng" Yến về thăm người yêu mới. Gần nửa ngày đường xe lửa hai đứa mới tới nơi. Đón hai cô gái không phải chỉ có một người.

    Bữa trưa kéo dài đến tận 17 giờ chiều bởi hai kẻ yêu nhau không chỉ thưởng thức các món ngon vật lạ. Họ "Ăn" mắt nhau, "Ăn" tay nhau mãi không chán. Người đàn ông "Đính kèm" dù đẹp trai, dí dỏm đến thế cũng không làm cho Loan bớt lo lắng vì đã bỏ một cuộc hẹn khá quan trọng ở Ninh Hòa hôm ấy. Loan không giấu sự mệt mỏi được nữa và bốn người về nhà người yêu của Yến. Hai người đàn ông ngồi ở phòng khách làm gì không rõ, sau khi giới hạn cho các cô là "Chỉ có 2 tiếng để nghỉ ngơi rồi tiếp tục cuộc vui".

    Căn phòng vừa khép cửa thì Loan nói với bạn:
    - Bây giờ sao hả Yến? Thương mày lắm tao mới đi. Không biết sáng tới giờ anh Trung và các bạn của anh ấy đã bới tung cả Nha Trang lên chưa?
    - Bớt lo đi được không? Thiếu mày họ vẫn vui mà, yên tâm đi.
    Nhưng Loan vẫn áy náy trong lòng lắm. Anh đã chuẩn bị cho cuộc du lịch ngắn này để giới thiệu cô với bạn bè cả tuần rồi. Vậy mà cô bất ngờ biến mất. Chắc là anh buồn lắm. Nằm một lúc, Loan nhổm dậy lục trong giỏ lấy cuốn sổ nhỏ ghi danh bạ điện thoại ra, chỉ chiếc điện thoại trên bàn, nói với Yến:
    - Hay là mày gọi cho anh Trung giùm tao, nói là tao bị ốm?
    - Điên! Thế mày không nghĩ là mười mấy tiếng đồng hồ qua anh ấy chưa đến cơ quan, thậm chí đến nhà mày rồi à?
    - Ừ nhỉ. Sao giờ?
    - Sao giăng gì, mày gọi cho ảnh đi, nói là đang bận việc gì đó không thể trì hoãn, giờ mới liên lạc được. Đây là số di động mà? Làm sếp sướng mày nhỉ, cái gì cũng theo kịp thời đại.
    Chỉ chờ có thế, Loan nhấc máy:
    - A lô! - Bên kia đầu dây giọng anh vang lên tức thì - Xin lỗi ai gọi đấy ạ? Em hả, em đang ở đâu? Ở đâu?
    Nghe anh hối hả mà thương:
    - Em ở Nha Trang chứ ở đâu. Em...
    Cô nói dối như đang đọc kịch bản và thật mừng khi nghe anh vẫn điềm đạm:
    - Vậy hả em? Sao không cho anh biết sớm? Cả ngày nay bọn anh cứ đợi em mãi, chẳng ra vịnh nữa. Anh cứ đinh ninh là em sẽ ra Ninh Hòa bằng xe đò như đã hẹn. Khổ thân cho thằng bạn của anh phải hít bụi mấy tiếng đồng hồ. Biết anh không thể bỏ mặc bạn bè nên nó dành phần ra ngã ba Huyện đón em. Xe khách nào qua nó cũng vẫy vẫy, chỉ chỉ vào tấm bìa ghi tên em to tướng đeo trước ngực, vì nó đã biết mặt em đâu. Giờ nó đang nằm ỉu xìu với chai rượu trên tay kia kìa. Thôi, em nghỉ đi mai gặp lại nhé em. Bây giờ bọn anh yên tâm nhậu rồi.
    Loan gác máy, tay run run vì xấu hổ. Yến ôm lấy cô:
    - Thôi mà, mày đã vì tao thì vì cho chót, đừng buồn mà tối nay mất vui đi nghen.

    Đêm Tuy Hòa yên ả hơn Loan tưởng. Bãi biển vắng tanh. Quán cà-phê êm dịu trong tiếng nhạc nửa ấm cúng nửa cô đơn. Hai người đàn ông đề nghị chuyển tiết mục. Loan đi theo 3 người như cái bóng. Phòng Karaoke ẩn sâu sau nhiều dãy nhà tầng, hẻm vào lắt léo. Trong khi Yến và hai người đàn ông cao hứng làm ca sĩ thì Loan tự nguyện làm phục vụ viên gắp đá, bật lon bia. Chỉ đến lúc nhìn đồng hồ thấy gần 1h sáng họ mới chịu rời quán.

    Trong ánh đèn pha ô tô, bốn người cùng giật mình vì không hiểu có chuyện gì mà trước cổng nhà người yêu Yến có 2 chú Bẹc-Giê Đức ngồi chổm hổm bên cạnh vài người đàn ông lực lưỡng mặc quân phục cảnh sát. Cửa xe vừa mở, bốn cánh tay túm lấy Loan, một giọng trầm trầm nói với vào trong:
    -Xin lỗi nhé, Loan phải đi với chúng tôi. Chúc các bạn vui vẻ.
    Họ đưa cô đến gần chiếc xe hơi đậu im lìm trong bóng tối. Loan sững người khi thấy anh bước xuống, ôm lấy mình. Cô tưởng mình mơ ngủ:
    - Anh?
    - Ừ! Anh đây! Em vào xe đi rồi vê cùng bọn anh luôn.
    - Nhưng còn Yến? Loan vội vã thanh minh cho sự có mặt của cô và Yến ở đây lúc này.
    - Để anh qua nói Yến mai về một mình vậy, có người yêu bên cạnh cô ấy chẳng sao đâu. Anh còn phải cảm ơn mấy anh bạn Tuy Hòa của anh đã vì tụi mình mà vất vả.
    Một lúc, thấy Yến đứng từ xa cười, xua xua tay về phía Loan ý chừng muốn nói: "Cứ đi đi ! Tạm biệt!".
    Tiếng cát lạo xạo dưới bánh xe. Đèn trong xe bật sáng. Loan lại giật mình một lần nữa khi nhận ra những người quen và không quen ở trong đó. Tất cả lúc này mới cười váng lên:
    - Lần sau không tinh vi thì đừng nói dối nhé cô nàng.
    - Sao mọi người tìm ra tôi vậy? Đi từ lúc nào mà đến đây nhanh thế?
    - Uống cho hết chai XO phần cô nàng đi đã, rồi đây nói cho mà biết - Một cô gái lên tiếng.
    Loan đưa chai rượu lên, ngửa cổ dốc. Rượu ngon đến lạ, có lẽ là do có men xấu hổ pha trong chai hạnh phúc. Anh giữ tay cô, lấy lại chai rượu đã vơi một phần ba:
    - Thôi đủ rồi. Em không biết là trên máy điện thoại di động luôn hiển thị số máy gọi đến kể cả mã vùng à? Còn từ đó để tìm ra địa chỉ đặt máy thì chỉ cần hỏi 108.
    Tất cả lại cười ồ, trừ Loan. Người đàn ông đang cầm vô-lăng bấy giờ mới thủng thẳng:
    - Này người đẹp, tôi phải chạy trong mưa tầm tã đấy. Khi qua đèo Cả xuýt nữa thì cả bọn xuống nằm dưới Vũng Rô khi có một tảng đá to lù lù trôi xuống giữa đèo đó. May nhờ tay lái lụa và men rượu hừng hực mà tôi lướt qua một cách ngoạn mục. 21 giờ đêm giông gió mà ông bạn vàng của người đẹp vẫn lôi tụi tôi lên xe chạy ra đây tìm đón người đẹp đó! Ô! La la! Tình Yêu!
    - Cũng may mà đêm Tuy Hòa rất đẹp trời - Một cô gái thêm vào - Và chuyến du lịch ra vịnh của chúng ta hôm nay chuyển thành chuyến dã ngoại trong đêm của thần Cupid.

    Cô chết trân trong vòng tay anh ôm siết lặng lẽ, giữa tiếng cười nói của bè bạn như gần, như xa...

    Cũng từ hôm ấy - Vẫn điềm đạm và lặng lẽ - Loan mất anh trong đời mình. Bởi lòng tin của anh bị tổn thương cũng không kém phần dữ dội như tình yêu anh dành cho cô./.
    Lần sửa cuối bởi Lan PhươngKTV; 16-07-2014 lúc 09:09 AM

  12. 2 Thành viên dưới đây cảm ơn Lan PhươngKTV vì bài viết hữu ích này


  13. #17
    Bạn Thâm Giao
    Hiện Đang :    Lan PhươngKTV đang ẩn
    Tham gia ngày : Jun 2014

    Bài gửi : 236
    Thanks
    228
    Thanked 1.618 Times in 242 Posts
    TUỔI THƠ TÔI

    ... Không bình yên một chút nào, có thể nói hai từ: "Dữ dội"! Nhưng mỗi khi nhớ lại tôi vẫn thấy thời thơ ấu của mình thật tuyệt vời. Khó tin được một đứa bé lại nhớ được mọi điều trong quãng thời gian từ 5 cho đến 10 tuổi của đời mình.Tôi nhớ dai thật! Nhớ rất rõ ràng từng tên người, từng sự việc...

    Chiến tranh bắn phá lần thứ nhất bắt đầu, khi ấy tôi mới 2 tuổi nên chưa biết gì vì còn quá nhỏ, chỉ nghe bố mẹ tôi kể lại cả nhà đi sơ tán bên Mỹ Phúc. Một đêm trời oi bức bố mẹ dắt díu bồng bế chị em tôi lên đê hóng gió thì máy bay Mỹ ập đến. Lúc tạm yên tiếng bom nổ, chúng tôi trở về thì chỗ ngôi nhà tạm chỉ còn là một cái hố sâu hoắm, đen xém, tả tơi. Điều đó lý giải tại sao ba chị em tôi không có lấy một tấm ảnh nào thời bé thơ.

    Khi tôi lên 5 tuổi, bố mẹ tôi đổi nơi sơ tán về Nam Phong, một làng quê bên kia sông Đào, chỉ cách thành phố Nam Định vài cây số. Thanh niên xã kéo đến vược đất, đắp cho chị em tôi một ngôi nhà tường khá dày, mái lợp rạ, có vườn tược hẳn hoi. Chỗ đất đào lên để tôn nền, đắp tường trở thành một cái ao khá sâu, thả rất nhiều cá trôi, cá mè, xung quanh trồng toàn chuối là chuối. Chị tôi dấm chuối vào một cái thùng phuy rất lớn, mỗi lần muốn ăn tôi phải bắc ghế, leo vào trong thùng ngồi bẻ chuối chín ăn đến no mới thôi.

    Hai chị gái của tôi rất có duyên nên mới học cấp hai mà đã không yên với đám trai làng, đặc biệt là các chú bộ đội đóng quân tại xã. Ngoài giờ học, các chị đi đâu suốt, để mặc cô em út bé nhỏ một mình trong ngôi nhà vắng tanh, tự lo tất tần tật. Sáng sớm, tôi thường cắp chiếc rổ tuột mê đi khắp các bờ rào quanh xóm để nhổ rau má hoặc rau dền cơm về luộc. Đôi khi theo gió đưa, tiếng nhạc trên loa phóng thanh ở đầu cầu treo vọng về càng làm tôi nhớ Mẹ đến thắt gan, thắt ruột. Tôi hay khóc thầm khi ấy! Có lần rửa rau má cả rễ không sạch, tôi bị bà chị cả đánh, bắt ăn cho kỳ hết đĩa rau sàn sạn đất cát ấy. Sau này vườn rau nhà tôi đã xanh tốt: Rau cải, rau ngót, dền, mùng tơi, mướp, bí, bầu, rau muống thả bè... đủ thứ cả, thì tôi bớt phải lang thang hơn. Lại có lần rơm rạ bị mưa ướt quá, tôi nhúm lửa mãi không được, phần thì bị khói hun gần ngạt thở, phần thì lo sợ sắp đến giờ các chị về mà chưa có cơm ăn, tôi khóc ầm cả lên. May có chị Thơ hàng xóm đi qua, nghe tiếng khóc tưởng tôi bị làm sao, chạy vào. Chị Thơ cơi bùng kiềng lửa, nấu cạn nồi cơm rồi vùi tro ủ chín giúp tôi. Ngoài Cha Mẹ sinh thành, có lẽ đấy là người mà tôi mang ơn lần đầu tiên trong đời mình.

    Bố Mẹ tôi vẫn ngày đêm trực chiến bên thành phố. Thời ấy, tất cả CBCNV luôn bám sát đơn vị, vừa làm việc dưới bom đạn, vừa sẵn sàng trở thành những tay súng trường bắn trả máy bay địch sà xuống cắt bom tầm thấp. Phải mấy tuần Bố hoặc Mẹ mới về thăm chúng tôi. Những ngày ấy dù ngắn ngủi nhưng với tôi là cả một thiên đường. Tôi theo sát chân Mẹ, nằm ôm chặt lấy Mẹ khi ngủ, chẳng còn sợ tiếng kẻng báo động dồn dập suốt đêm nữa. Lần nào Mẹ cũng mang về cho chị em tôi quà: khi thì bao mì sợi, lúc lại túi bột trứng... vốn là hàng trợ cấp của Liên -Xô. Còn Bố tôi thì không bao giờ quên mua cho tôi báo thiếu nhi và sách, truyện - những món quà tinh thần mà tôi luôn háo hức mong chờ. Tôi ham đọc lắm, có nhiều truyện cho tới giờ tôi vẫn nhớ rõ từ cốt truyện đến hành văn, như: Timua và đồng đội; Không gia đình; Những dấu vết còn lại; Cuộc phiêu liêu của Ca-Rích và Va-li-a... Bố tôi thả một con lợn mọi đen xì xì vào chuồng. Hàng ngày tôi lội xuống vệ ao vớt bèo tấm hoặc dùng cây sào nứa làm tưa ngọn, thò xuống đáy ao quấn những sợi rong đuôi lươn, băm nhỏ rồi trộn với cám sống làm thức ăn nuôi nó. Nó lớn lên như thổi vậy, ăn xốc xoàm xoạp ngon lành lắm.

    Bố Mẹ đi rồi, tôi lại lủi thủi một mình. Những khi Bố Mẹ lâu không về, tôi đói. Hết gạo, hết mì, tôi lấy đất sét dẻo và một chiếc rổ thưa mắt, theo sau các bà các chị gánh lúa chín. Chỗ những gánh lúa đặt xuống để họ nghỉ chân luôn vương vãi những hạt thóc rụng. Tôi dùng đất sét chấm nhẹ để thóc dính vào, hết cục này đến cục khác. Tôi đem rổ xuống cầu ao, trà rửa cho trôi hết đất đi, chỉ còn lại thóc, dồn lại đem phơi khô rồi sang hàng xóm xay, giã nhờ - thế là có gạo nấu cháo. Để thêm chất đạm cho bữa ăn, tôi và Qui - Cô bạn gái cũng từ thành phố về đây sơ tán - Dùng vải màn cũ và chẻ, vuốt các thanh tre làm nên những chiếc vó nhỏ để cất tôm tép. Xế chiều là hai đứa đi thả vó dọc bò mương, mỗi vó cách nhau chừng 2-3 mét, mồi thính làm từ bột cám rang thơm, bẻ vài túm lá tre đậy lên chiếc rá cho tôm tép không nhảy ra ngoài được. Thường thì chỉ cất được tép và những con cá vụn, thi thoảng có con tôm càng bò vào ăn mồi là chúng tôi reo toáng lên khoe với nhau mừng rỡ như bắt được vàng. Tép cất được phần thì đem rang mắm, phần thì giã mịn với muối, trộn thính, cho vào hũ đậy vải tránh ruồi rồi đem phơi nắng làm mắm tép. Mắm chín đỏ au, thơm lựng, chấm rau luộc ngon hết ý luôn. Bây giờ thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ món sung xanh kho với cá vụn thời ấy. Món ăn nghèo nàn mà sao với trẻ con chúng tôi ngày đó vẫn đậm đà, đưa cơm đến thế! Đi bắt cua đồng là vui nhất, nhưng tôi sợ đỉa nên ít khi dám tham gia. Tôi sợ cả rắn nữa, chẳng dám thò tay vào lỗ cua như người ta nên dùng một que sắt bẻ cong đầu, thò vào ngoáy trước, nếu bò ra cửa lỗ là một con rắn nước thì tôi cắm đầu chạy, còn nếu là một con cua giương càng đe dọa thì tôi nhờ người gần nhất bắt bỏ dùm vào rọ cho mình. Mọi người nhiệt tình giúp tôi lắm, chắc họ thương cô bé người thành phố da trắng như cục bột dù phơi nắng suốt ngày. Qui hay nướng cua trên bờ ruộng cho tôi ăn với lá mơ lông và vài hạt muối. Có một buổi trưa hai đứa đi bắt ốc gạo bám vào các cọc ao và chân lúa. Đói lả, chúng tôi tuốt trộm đòng lúa non ăn, bị người canh ruộng đuổi chạy ngã xuống nước ướt hết, phải cởi quần áo phơi trên hàng hóp cho khô rồi mới dám mặc lại về nhà. Sợ nhất là một đêm tôi và Qui rủ nhau đi cất vó xa vì quãng mương gần nhà đã thưa tôm tép. Chúng tôi quên mất chỗ thả vó lại ở ngay dưới chân trại pháo 100 của bộ đội - bị việt gian chỉ điểm cho máy bay Mỹ bỏ bom. Khi nghe tiếng bom rít trên đầu và chớp sáng nhoáng nhoàng của đạn pháo cao xạ, hai đứa cuống cuồng nhảy vội vào chung một hố tránh bom cá nhân bên vệ đường, Qui nhảy xuống trước nên ở dưới, tôi ngồi chồm hỗm trên vai bạn, thò đầu lên mặt đất. May sao chẳng có mảnh bom nào phang vỡ đầu tôi. Dứt đợt bom thứ nhất, hai đứa cắm cổ chạy về, được một quãng gặp các anh chị của hai nhà chạy ngựơc lại tìm, tát cho mấy tát, la chửi ầm ĩ là "hai con ngu". Vậy mà rạng sáng hôm sau hai đứa đã lại lọ mọ ra tìm, vớt vó thì vó đã bị nước cuốn trôi đi gần hết.

    Cũng như những đứa trẻ con khác, tôi sợ nhiều thứ lắm và theo thời gian cũng quen dần với tất cả: Tôi sợ bóng đêm vô tận của làng quê với những con đom đóm lập lòe như ma trơi ở khắp nơi; sợ con ngỗng cổ vươn dài kêu"Kứu kứu" đuổi theo sát chân tôi; sợ cặp sừng trâu lừng lững chĩa vào mình khi đi ngang bụi tre; sợ rắn; sợ đỉa; sợ ma; sợ cháy nhà và sợ... chết(!) Hoàng hôn chập choạng mà các chị chưa về là tôi bắc ghế ra đầu ngõ ngồi ngóng. Mỗi lần nghe tiếng chuột chít chít là tôi mừng húm, hy vọng có nguời sắp qua chơi, vì tôi tin câu tục ngữ: "Thứ nhất đom đóm vào nhà; thứ nhì chuột túc; thứ ba hoa đèn" báo điềm nhà sắp có khách. Tôi ngủ riêng từ khi 5 tuổi, giường của tôi nằm cạnh hầm trú bom đào trong nhà. Tôi rất sợ bom nên luôn nằm thò hai chân về phía cửa hầm, bị các chị trêu chọc suốt. Những lần bắn phá ác liệt, dân quân xã đi từng nhà bắt mọi người trải chiếu, mắc màn ngủ ngay dưới hầm. Đêm nào như vậy là tôi yên tâm lắm, ngủ thẳng cẳng.

    Rồi nỗi sợ bóng đêm qua đi vì được thường xuyên rèn dũa; Nỗi sợ chết cũng không còn ám ảnh bởi tôi đã quá nhiều lần nhìn thấy người chết. Có người vừa ngồi ăn khoai luộc với tôi trong nhà họ, đi ra cầu ao rửa chân thì bị mảnh bom cứa nát thân thể. Có người chết cháy vì lửa, toàn thân đen như than, da nứt nẻ để lộ lớp thịt đỏ hồng bên trong thật thương tâm. Có người chết vì bom bi, cơ thể nhìn sơ qua tưởng như còn nguyên vẹn, nhưng nhìn kỹ mới thấy những "viên bi" thịt lòi ra tròn vo khắp người - ấy là những chỗ bị bi sắt bắn sâu vào... Tôi quen với cái chết nhưng không quen được với những nỗi đau thương mất mát. Tôi khóc ngất trước những chiếc khăn tang, có mái đầu quấn một lúc nhiều vành tang trắng chồng chéo lên nhau. Tôi ngã xỉu xuống khi thấy cảnh một gia đình bị bom rơi trúng giữa nhà lúc đang quây quần quanh mâm cơm chiều - chết hết - xác họ không còn nguyên vẹn, xếp lần lượt bên nhau: Này ông bà, này cha mẹ, này con cháu... Họ đều là những người nông dân chất phác thật thà có biết gì đâu về một nước Mỹ xa xôi? Bấy giờ ngành dệt may ở Nam Định là một trong những ngành công nghiệp lớn của Việt Nam. Máy bay địch thường xuyên oanh tạc nhà máy dệt bên thành phố. Xã Nam Phong chỉ cách Thành phố một con sông nên bom lạc qua là chuyện thường. Chiếc cầu treo vắt ngang sông Đào cũng là điểm bắn phá của chúng. Thậm chí, những con "ác là sắt" ấy còn cố tình thả bom xuống các làng quê chỉ vì ngứa mắt khi thấy một tà áo trắng, một vành nón lá sáng lên trong nắng trên đồng. Chúng rêu rao biến Miền Bắc Việt Nam "Trở về thời kỳ đố đá" mà. Thật dã man! Những năm tháng chiến tranh ấy không ai được phép mặc đồ sáng màu, kể cả nón lá cũng phải làm sẫm lại bằng đủ mọi cách...

    Lũ trẻ chúng tôi đi học luôn phải kè kè đủ thứ trên người: Nào là túi vải đựng sách vở; Túi cứu thương cá nhân chứa đầy bông băng thuốc đỏ; Nào là một chiếc ghế nhỏ để ngồi học; Chiếc mũ rơm thì to tướng, nặng trĩu cả cổ... Lớp học là những căn hầm chữ A nấp dưới rặng tre rậm rì quanh sân trường; Bàn học cũng làm bằng những cây tre ghép lại. Hôm nào trời mưa, nước rút xuống hầm, chúng tôi vừa nghe cô giáo giảng bài vừa khua khoắng chân nghịch bùn dưới gầm bàn, đứa nào đứa nấy bị nước ăn chân toe toét. Thầy cô không chỉ dạy chúng tôi kiến thức khoa học mà còn chỉ cho chúng tôi cách tự bảo vệ mình trong bom đạn chiến tranh. Chẳng hạn như khi máy bay cắt bom, phải bình tĩnh lăn xuống vệ đường và nhìn lên trên trời. Hễ còn thấy được chiều dài của quả bom thì yên tâm núp, còn nếu chỉ thấy một chấm tròn đen trên đỉnh đầu thì có nghĩa là bom đang rơi trúng chỗ mình, phải lấy hết sức bình sinh mà chạy ra xa nơi ấy càng nhiều càng tốt. Đêm đến học bài với một chiếc đèn dầu bỏ trong ống tre có khoét lỗ cho ánh sáng hắt ra vừa đủ soi tờ mờ một trang vở. Học trong tiếng muỗi vo ve dày đặc, học trong tiếng kẻng báo động dập dồn, chỉ khi nghe tiếng máy bay ầm ì đến gần mới tắt phụt đèn, lao xuống hầm. Kẻng báo yên, lại leo lên thắp đèn học tiếp. Hũ gạo "Vì Miền Nam ruột thịt" hàng ngày vẫn nhắc nhở chúng tôi bỏ vào đấy một nắm gạo, dù chúng tôi không đủ lương thực để ăn. Những cuốn vở giấy nâu đen - đôi khi còn dính cả vỏ chấu vì sản xuất thủ công, thô sơ - Cùng những chiếc bút chì nhỏ bé, vẫn được chúng tôi gom góp lại, gửi cho các bạn học sinh Miền Nam còn cực khổ thiếu thốn hơn mình - Với tất cả tình yêu thương chân thành, mộc mạc.

    Trường tôi có lần bị bom lạc, mấy căn hầm cuối sân trường nát vụn, người ta đào bới, lôi lên những thi thể nát bấy thê thảm của cả cô giáo lẫn học trò. Khóc hết nước mắt, rồi chúng tôi lại học, học giỏi hơn lên là đằng khác! Tôi luôn được cử đi thi học sinh giỏi cả hai môn văn và toán. Mỗi năm hai lần thi , mỗi lần tổ chức ở một huyện khác nhau. Có lần tôi đi thi ở huyện bên, vì tưởng tượng sẽ bị cướp mất chiếc áo mưa Mẹ mới mua, tôi chạy một lèo. Khi vào phòng thi mới biết mình bị rơi mất bút. May mắn là nơi ấy tổ chức rất chu đáo, có cả bút phát miễn phí cho các em đi thi. Chiếc bút chấm mực bằng sắt ấy đã mang lại cho trường tôi niềm tự hào là hai điểm mười đỏ chói. Về sau tôi bỏ môn toán, chỉ tham gia lớp chuyên văn của Tỉnh. Mỗi năm, Ngành giáo dục lại gom học sinh giỏi lại, tập trung học bồi dưỡng mấy tháng ở những vùng cách xa thành phố mấy chục km. Tôi ăn cơm tập thể và ngủ nhờ nhà dân từ khi còn tấm bé. Những nơi ấy nuôi tằm lấy tơ, dệt vải nên món thường có trong bữa cơm là nhộng và tằm rang. Tôi chỉ ăn được nhộng, còn tằm thì chịu thua vì nó có hình dáng con sâu nên tôi thấy ghê ghê. Cũng nhờ những năm tháng ấy mà tôi biết quay tơ, dệt vải. Chiếc xa quay tơ đã lấy đi của tôi vài giọt máu từ đầu ngón tay vì không có cái "đê" bằng sắt bao bọc. Tôi còn nhớ có một ngày chủ nhật, từ Cổ Lễ, tôi và Qui dậy rất sớm, trốn thầy cô mua mấy chiếc bánh rán làm quà cho gia đình rồi vừa đi vừa chạy về thăm nhà vì quá nhớ. Khát nước thì dừng lại xin nước mưa của nhà bên đường uống, chỗ nào mặt đường râm mát thì bỏ dép mà chạy cho nhanh. Kể cả thời gian báo động phải xuống hầm tăng - xê thì 6 tiếng đồng hồ chúng tôi về tới nhà. Chiều đó chị tôi phải lấy xe đạp đèo hai đứa trở lại trường ngay kẻo thầy cô lo lắng. Bài thơ thầy giáo Lương tặng cho các em lớp chuyên văn khi tan khoá học năm ấy vẫn còn đọng mãi trong tôi:
    Các em ơi, chào tạm biệt
    Chào những tháng ngày của kỷ niệm
    Tiếng hát lời ca át tiếng bom thù
    Thầy vẫn mịêt mài bên trang giáo án
    Trò vẫn say sưa bình thản học vui
    Trên từng trang giấy trắng
    Rực nở điểm chín, mười
    Của những bài văn với bao cây bút trẻ
    Luôn cùng vươn tới màu xanh của quê hương đất mẹ
    Nam Thái thân yêu!
    Kìa! Nam Dương hay Nam Ninh thoi đưa đất dệt
    Như dệt cả hồn văn thấm đượm nghĩa tình
    Nhớ bao giọng cười tiếng nói hồn nhiên
    Của Lan Phương quê hương thành phố dệt
    Của những cây bút sắc nét Kim Qui, Hải Yến
    Ôi! Tháp chùa Cổ Lễ lung linh in nước biếc
    Nằm soi mình với bóng dáng Tốt, Hòa, Vân...

    ****

    Chiến tranh bắn phá lần thứ hai còn khốc liệt và tàn bạo hơn nhiều, lại thêm thiên tai tàn nhẫn. Tuổi thơ tôi luôn bị xáo động bởi tiếng bom rơi, tiếng gió bão rít rú trên mái nhà mong manh, tiếng loa báo lũ về, tiếng trống thôi thúc khi sắp vỡ đê. Chạy bom không bằng chạy lũ. Nước sông đã dâng quá cao, mà trời thì vẫn mưa như trút. Nhà nhà người người bồng gói nhau chạy lên mặt đê dựng tạm lều để ở. Trâu, bò lợn, gà, chó, mèo đều theo cả. Những túp lều sũng ướt xiên xẹo dựa vào nhau. Mọi người chia sẻ cho nhau từng miếng cơm cháy, dãi khoai luộc để có sức mà cứu đê, hộ đê. Bờ đê già cỗi nứt nẻ, nước lũ cuồn cuộn thúc vào. Nhiều lần tôi chứng kiến một khúc đê bị vỡ toác, kéo tuột theo những túp lều, những con người trên ấy, nhấn chìm vào dòng nước đỏ ngầu hung tợn; Nhiều lần tôi đau đớn nhìn những ngôi nhà trôi phăng phăng theo dòng lũ, trên nóc có vài cánh tay chới với vẫy vùng mà không ai làm gì được để cứu họ. Chẳng năm nào mà trong làng không có người chết đuối. Cũng có người ham đi vớt củi rều về đun nấu mà bỏ mạng, âu cũng do thiếu thốn vì chiến tranh quá mới xảy ra những chuyện đau lòng như vậy.

    Trải qua hai cuộc chiến tranh bắn phá dữ dội ấy, lũ chúng tôi vẫn lớn lên: khoẻ mạnh và tinh nghịch. Những ngày Tết, Lễ địch tạm ngừng bắn phá, chúng tôi thoả thích vui chơi đùa nghịch chẳng thiếu trò gì. Mới lên 6-7 tuổi mà tôi đã "có người yêu", thậm chí"Lấy chồng" hẳn hoi. Thằng Son học cùng lớp suốt ngày trêu chọc tôi mặc quần đàn ông(Quần âu), hát nhại mái tóc uốn loăn xoăn của tôi theo bài "Vì nhân dân quên mình":
    (Đầu Phi-zê bù xù, đầu phi-zê trông chán ghê, anh em ơi đầu phi-zê bù xù. Đầu đội rế đánh môi son còn đẹp hơn phi-zê, đầu phi-zê, đầu phi-zê bù xù... )Nó hay rình tôi đi ngang qua bãi phân trâu còn bốc khói để ném đá vào cho phân trâu văng lên đầy người tôi. Tôi tức quá hỏi "Tao làm gì mày mà mày cứ trêu tao?", nó nhe răng sún, cười bảo: "Tao thích thế, vì tao yêu mày(?)". Hay thật cái tình yêu của trẻ con. Còn thằng Đông ở sau nhà tôi thì tổ chức một" lễ cưới" tôi hẳn hoi. Vương miện "cô dâu" đội đầu làm bằng hoa Đại; Nhẫn "Cưới", vòng tay, dây chuyền thì làm bằng hoa Mẫu Đơn xâu lại bằng những sợi tóc; Còn "mâm cỗ cưới "thì rất thịnh soạn, toàn quả là quả: Quả sung chín thơm lựng, quả muỗm xanh cong queo, quả sắn thuyền tím rịm... Hai đứa đang ăn ngon lành bên cạnh cái giếng khơi to đùng nhà ông giáo Đại - ông hàng xóm và cũng là người thầy giáo đầu tiên dạy tôi chữ i tờ - thì bị chị Ninh, chị Miến bắt gặp. Các chị cười ha hả làm chúng tôi ngượng đỏ chín cả mặt mày.

    Tuổi thơ tôi dù khổ cực, đói khát, thiếu thốn,đau buồn... nhưng vẫn tràn đầy cảm xúc. Tôi trưởng thành từ những kỷ niệm khó quên ấy; Trái tim và tâm hồn tôi dạt dào ân nghĩa; Tôi biết buồn, vui, yêu, ghét, căm giận... chân tình. Và tôi trỗi dậy - Như một cây non quyết liệt vươn lên trên mảnh đất khô cằn. Trong bài văn đoạt giải ba cuộc thi giỏi văn toàn miền Bắc, có đoạn tôi viết: "Các em ơi, các em là tương lai, là mầm xanh của đất nước. Hãy vươn thẳng lên trong đạn bom, giông bão mà sống có ích cho đời. Tổ Quốc trông chờ vào các em!". Ai nói đấy? Tôi nhìn quanh. Không có ai nói cả, chỉ có tiếng gió lao xao những vòm xanh, tiếng lúa hát reo trên đồng vàng thơm chín, tiếng rì rào của dòng mương trong vắt nước về... Hay là tiếng Quê Hương, Đất Nước đang thiết tha gọi ta đó?"

    Năm 1973, Hiệp định Pa-Ri được ký kết, chấm dứt cuộc chiến tranh leo thang bắn phá miền Bắc Việt Nam của Đế quốc Mỹ. Chúng tôi bịn rịn chia tay với tình làng, nghĩa xóm - Nơi tuổi thơ tôi đã gắn bó và trở nên quá đỗi thân thương tự bao giờ - Để trở về thành phố./.

  14. 2 Thành viên dưới đây cảm ơn Lan PhươngKTV vì bài viết hữu ích này


  15. #18
    Bạn Thâm Giao
    Hiện Đang :    Lan PhươngKTV đang ẩn
    Tham gia ngày : Jun 2014

    Bài gửi : 236
    Thanks
    228
    Thanked 1.618 Times in 242 Posts
    MÃNG XÀ BÁO OÁN

    Không biết con trăn ấy xổng chuồng ở đâu mà bò vào nhà nọ, quấn vắt vẻo trên xà ngang. Tiếng la thất thanh của chị chủ nhà làm náo loạn cả khu tập thể. Đàn ông rùng rùng kéo nhau chạy qua. Đàn bà ôm riết con nhỏ vào lòng, run cầm cập sau cánh cửa đóng chặt. Gần nửa ngày thì con trăn mới bị "vô hiệu hóa", nằm lù lù một đống trong chiếc bao tải lớn.

    Tin báo phát đi gần, xa. Chiều hôm sau cũng chẳng thấy ai đến nhận. Cánh đàn ông bàn nhau xả thịt con mãng xà, vừa là để kiếm mồi nhắm rượu vừa muốn thể hiện sức mạnh của... người (?) Sân tập thể đêm ấy biến thành một "đấu trường", máu me vung vãi, tanh lợm. Con trăn bị treo lủng lằng bằng dây chão tàu, cổ gần lìa mà vẫn vùng vẫy, quăng quật dữ dội. Bọn đàn bà đứng xa lấy tay bụm mặt nhưng vẫn he hé nhìn trộm qua kẽ ngón tay. Một đống củi lớn được đốt lên, lửa bốc phừng phừng hắt lên những khuôn mặt nhễ nhại và cũng phừng phừng không kém. Mùi mỡ trăn ngấy lẹt.

    Chị Mộc bày :
    - Mày qua xin mấy miếng chả trăn cho con nó ăn. Dân gian bảo thịt trăn chữa bệnh tổ đỉa tốt cực kỳ.
    - Thật hả chị? Thế thì tốt quá. Chân con em vẫn còn chảy nước, chưa khỏi hẳn chị ạ. Tội nghiệp nó, mấy năm rồi uống thuốc đến chai cả mồm - Hương chép miệng buồn buồn.

    Cu Tèo - sáu tuổi - hồn nhiên "Vác" bát qua nơi chiếu nhậu đang đến hồi cao hứng nhất, tỉnh queo :
    - Bố ơi! Mẹ bảo con sang xin mấy miếng thịt trăn.
    - Vào đây, vào đây bác cho, chú cho...

    Đám đệ tử lưu linh nhao nhao, tranh nhau chiếc bát trên tay Tèo. Mẹ nó phải mất gần tiếng đồng hồ dỗ ngọt, cao giọng, giận dỗi, đe nẹt... nó mới nhắm mắt nhắm mũi ăn hết được gần 3 vắt chả băm viên từ "Súc thịt" kinh khủng nào kia.

    Quá nửa đêm chồng Hương mới về - Nồng nặc mùi rượu - Để nguyên quần áo be bét máu trăn tanh tưởi leo ngay lên giường. Cô nhích sát vào tường, nói nhỏ:
    - Anh dậy thay quần áo đi rồi hãy ngủ, tanh quá em chịu không nổi.
    - Đ.M - Ông chồng bất ngờ lồng cuộn lên như mãng xà - Mày bôi bác tao hả? Nhà mày đói thiếu cũng không đến nỗi phải sai con đi xin ăn chứ hả?

    Trận đòn... thù bất ngờ đổ ập xuống khiến cô vợ mảnh mai không kịp trở tay. Hương nghẹt thở như đang bị con trăn lớn quấn siết lấy cổ, ngực, bụng... Hai mắt ông chồng đỏ vằn tia máu, trô trố trong đêm.

    Giữa tiếng xương gẫy răng rắc Hương vẫn nghe rất rõ tiếng đồ đạc đổ bể ở căn hộ bên cạnh, tiếng trẻ con khóc thét đầu khu tập thể, tiếng kêu gào hoảng loạn trong những căn nhà tối thui của mấy người đàn bà hàng xóm...

    Đêm tanh nồng bị xé toạc./.

  16. 2 Thành viên dưới đây cảm ơn Lan PhươngKTV vì bài viết hữu ích này


  17. #19
    Bạn Thâm Giao
    Hiện Đang :    Lan PhươngKTV đang ẩn
    Tham gia ngày : Jun 2014

    Bài gửi : 236
    Thanks
    228
    Thanked 1.618 Times in 242 Posts
    NHẬT KÝ BUỒN

    Đêm cuối cùng của em tôi.

    Tôi rứt ruột để em nằm lại cùng con gái em, anh trai em, cô bạn gái thân thiết của em và người thuê chăm sóc em để về nhà chợp mắt sau nhiều đêm thức trắng. Lần đầu tiên tôi "Ừ" dối khi em yếu ớt gọi với theo: "Chị đi ăn khuya nhanh lên rồi vào với em nhé".
    Linh cảm cho tôi biết ngày mai em sẽ đi. Vậy nên tôi buộc phải ngủ một chút để có sức lo cho em.

    Em chẳng muốn ai ở bên cạnh - Ngoài tôi. Em thích đôi tay tôi xoa bóp cho dịu cơn đau do bệnh ung thư giai đoạn cuối gây ra. Em cười với những mẩu chuyện hài hước tôi kể xen vào giữa những lần "mắng mỏ" bắt em cố ăn uống. Em nén được sự sợ hãi trước tử thần, hóa giải nó thành tiếng thở dài nhè nhẹ nhờ bài "Thuyết giảng" về một miền cực lạc, yên bình nào đó tôi thủ thỉ vào tai em... Thế nên em chẳng muốn rời tôi, dù chỉ một phút.

    Tôi trốn em về, mà rồi cũng có ngủ được đâu. Điện thoại réo liên tục. Anh trai của em bỗng bất an bởi tiếng tụng kinh buồn nẫu phát ra từ chiếc máy thu âm nhỏ xíu để ở đầu giường em - Chốc chốc lại gọi: "Em lên bệnh viện lại đi, mang cho anh thuốc huyết áp. Mua thuốc ở bệnh viện luôn hả em? Nhưng em vẫn phải lên ngay đó, cô nó yếu lắm rồi, huyết áp mấy lần tụt gần xuống 0 rồi...". Tôi trấn an: "Không sao đâu, cố lên anh, còn nhiều người ở đấy mà. Anh đừng lo, chỉ khi có em ở bên cạnh thì cô ấy mới chịu đi thôi, anh cứ tin ở em".

    6h sáng tôi vào, em dỗi hờn nhắm mắt.

    Tôi nhờ anh trai của em mang một phần đồ đạc lỉnh kỉnh về nhà luôn lúc ấy mà không nói rõ lý do. Bạn gái em cũng đến cơ quan, người giúp việc xuống ca. Dỗ dành mãi em mới chịu nhấp một chút yến, ngậm miếng sâm tẩm mật ong. Rồi tôi lại xoa bóp toàn thân cho em kỹ đến mức da em bợt cả ra còn lòng bàn tay tôi thì đỏ rựng.

    Huyết áp em lại một lần nữa tụt dần về 0. Bác sĩ nói với tôi bằng ánh mắt rồi đi vội ra ngoài. Mấy cô y tá buộc con gái em phải đứng đợi ở hành lang, sợ nước mắt cháu rơi vào, người ra đi sẽ không than thản. Phòng bệnh lặng như tờ, chỉ còn lại hai chị em tôi. Một tay tôi vuốt nhẹ tóc em, một tay liên tục điều chỉnh mức ô xy, mắt không rời em và chiếc kim đồng hồ nhích nặng nhọc từng khấc.

    Em chợt rên lên: "Chị ơi, em không thở được nữa, em sợ". Tôi dịu dàng ôm lấy em, vỗ lưng nhè nhẹ: "Đừng sợ em, có chị đây". Em "Dạ" và nói rất buồn ngủ mà không dám. Tôi dịu dàng:"Ngủ đi một chút em ạ, biết đâu lại được gặp một giấc mơ tuyệt vời thì sao".

    Em khép hàng mi cong rợp rồi bắt đầu lẩm nhẩm những câu lộn xộn, dính vào nhau. Vạch điện tâm đồ duỗi dần rồi vẽ một đường kẻ ngang bất động. Bất ngờ mắt em mở bật, đôi tròng đen giãn to vô định. Tôi đặt tay lên đó, thì thầm: "Thanh thản nhé, vậy là em đã đi hết con đường phù du rồi. Từ nay chấm dứt mọi ưu phiền, lo toan, đau đớn nghe em". Mắt em khép kín lại và hình như là em mỉm cười.
    Kim đồng hồ dừng lại ở con số 8h50', ghi lại giây phút cuối cùng - Tuổi 37 - Của em tôi.

    Cuộc đời em thật bất hạnh. Mẹ mất sớm; Bố già héo nằm một chỗ; Mười lăm năm ở vậy nuôi con. Chị gái đầu cũng nhập viện K chỉ sau em một tháng. Một chị khác ngoài Hà Nội, nhanh nhất thì tới mai mới vào được để tiễn em.

    Tôi dứt đống dây nhợ ra khỏi người em, chải tóc lau mặt rồi bọc em nằm ngay ngắn trong tấm gra trắng. Anh trai em và đồng nghiệp lần lượt đến. Chúng tôi lặng lẽ đưa em ra nhà xác. Giờ nhập quan em được ấn định vào 3 giờ sáng hôm sau. Anh trai em phải đi lo những thủ tục cần thiết tiếp theo còn mọi người ai cũng về nhà nấy.

    Trời tối rất nhanh vì mây đen bất ngờ vần vũ. Mình tôi ở lại với em trong nhà tang lễ u buồn, giữa khu vườn cây rậm rì và cách biệt với khu dân cư quanh đó. Tôi ra hiên châm thuốc hút. Một con thằn lằn và một con cóc ở đâu mon men bò ra, quanh quẩn mãi dưới chân tôi. Chắc chúng đang muốn giúp tôi bớt cô đơn.

    Mưa đổ ập xuống, gió tắt phụt những ngọn đèn cày quanh em, nhiều tiếng va đập sầm sập phía trong. Sợ gió phá hỏng các cửa sổ nhà tang lễ, tôi vào cài lại nhưng lạ thật: Tất cả các cánh cửa đều đã chốt chặt?

    Tôi thắp lại nến cho em, châm thêm vài nén nhang và tua băng cầu kinh niệm Phật ru em yên giấc. Hai chị em lặng lẽ bên nhau thật lâu, thật lâu... cho đến khi ánh đèn pha ô tô của anh trai em – Và cũng là chồng tôi - Hắt sáng những vòm cây sũng nước ngoài cổng.

    Đêm sắp chia nửa./.

  18. 3 Thành viên dưới đây cảm ơn Lan PhươngKTV vì bài viết hữu ích này


  19. #20
    Bạn Thâm Giao
    Hiện Đang :    Lan PhươngKTV đang ẩn
    Tham gia ngày : Jun 2014

    Bài gửi : 236
    Thanks
    228
    Thanked 1.618 Times in 242 Posts
    MẸ VÀ CON



    Bước vào trường PTCS chúng đang ở độ tuổi 12. Chỉ mới vừa rời tiểu học nên chúng còn non dại lắm. Ngày Khai giảng - Như mọi năm -Mẹ mặc áo dài đưa Hải đi từ rất sớm. Mẹ bảo mẹ mặc áo dài đưa con đi khai trường vì mẹ rất trân trọng ngày đầu năm học của các con. Chiếc áo dài may từ nhiều năm trước bây giờ mẹ mặc hơi chật - Có lẽ vì mẹ đã có tuổi nên người đẫy đà ra - Nhìn không đẹp và hơi kỳ kỳ nên Hải bảo mẹ dừng xe ở hơi xa cổng trường để nó tự đi bộ vào. Mẹ ngạc nhiên lắm nhưng cũng chiều theo ý nó. Đi một quãng, nó ngoái lại thấy mẹ vẫn đứng nhìn theo, đôi mắt Mẹ thật hiền và chứa chan tình cảm. Tự nhiên Hải thấy hối hận. Nó tự nhủ sẽ không nói thật cho mẹ biết tại sao nó không muốn mẹ đưa đến tận cổng trường. Nhưng có một điều mà Hải chưa thể nhận ra ngay được là nó đã bắt đầu khôn lớn thật sự từ khi ấy.
    Hải là con trai nhưng lại trắng trẻo, môi má tươi hồng. Điều nó ghét nhất trên đời là bị người ta trêu nó giống con gái. Nhiều lần Hải ra nắng ngồi phơi thật lâu cho da đen đi nhưng chỉ nhận được những trận cảm nóng đã đời, báo hại mẹ lại phải vất vả đến mấy ngày để chăm sóc nó. Trong lớp có một trò trai rất hay trêu chọc Hải, nó cáu lắm nhưng vẫn im lặng vì mẹ bảo sức mạnh thật sự của con người nằm trong sự nhường nhịn. Hải chăm chỉ, ngoan ngoãn nên được các thầy cô và bạn bè quý mến, tin tưởng. Nhưng có một ngày, khi đã sang lớp bảy, Hải đi học về với bộ dạng rất không vui. Mẹ đang nấu ăn trong bếp, Hải nhè nhẹ đến sau lưng ôm lấy mẹ:
    - Mẹ ơi, nếu năm nay con bị hạnh kiểm yếu thì mẹ có giận con không?
    Mẹ nhìn nó hồi lâu,rồi nói:
    - Còn phải tùy xem nguyên nhân gây ra điều đó con ạ!
    Hải kể :
    - Bạn Nhật ngồi cạnh con cứ chọc con là con gái hòai. Con nhịn nó suốt từ năm ngóai tới giờ, nó được thể cứ làm tới. Hôm nay, giờ kiểm tra nó đòi con cho chép bài giải không được, khi ra chơi nó hét tóang lên ngòai sân trường: "Ê! Thằng Hải con gái !" Con bảo: "Cậu phải xin lỗi tôi về câu vừa rồi". Nó vẫn không chịu xin lỗi mà còn hét to hơn và còn thách: "Nếu mày không phải là con gái thì mày đánh nhau với tao đi!". Con tức quá hẹn nó sau giờ học ra ngoài trường. Con biết như vậy là không tốt nhưng hết chịu nổi nó rồi...
    - Rồi sao?
    - Đánh nhau chứ sao Mẹ! Con đá đít nó mấy cái, thụi mấy đấm vào vai thôi, không đánh vào mặt và lưng, bụng sợ đụng chỗ hiểm. Lúc ấy có bác Bộ đội đi qua nhảy vào can, trách con, con nói: "Nếu ai trêu bác là con gái miết thì bác có đánh không?" Bác ấy cười: "Đánh! Nhưng thôi thế đủ rồi". Nhật dọa mai vào trường thưa cô giáo để con bị hạnh kiểm yếu.
    Mẹ từ tốn :
    - Giờ thì mẹ hiểu rồi. Mẹ sẽ không giận con nếu quả thật câu chuyện là thế. Nhưng ngày mai con nên chủ động nhận lỗi với cô, mẹ nghĩ cô giáo sẽ hiểu và con sẽ không bị hạnh kiểm yếu đâu.
    Quả nhiên, hôm sau Hải vui mừng báo cáo mẹ là cô giáo chỉ gọi hai đứa ra nhắc nhở, không hạ hạnh kiểm. Nhật cũng đã xin lỗi Hải trước cả lớp. Mẹ cười :
    - Thế Nhật là người như thế nào? Con có biết gia đình bạn không?
    - Nhật mồ côi, ở với các sư trong chùa mẹ ạ!
    Mẹ thần mặt:
    - Ra thế! Vậy con nên gần gũi bạn, không giận bạn nữa và giúp bạn học con nhé. Tội nghiệp nó, mồ côi khổ lắm con ạ .
    Chiều đi học thể dục Hải mua hai bịch nước mía, đưa cho Nhật một bịch. Chỉ một thời gian ngắn sau, hai đứa đã là đôi bạn. Hải khoe mẹ là Nhật học tốt hẳn lên rồi và chuyện gì cũng tin tưởng Hải. Mẹ chỉ nhìn nó cười cười.

    Hải thân nhất với Trí, bạn hàng xóm. Hai đứa học cùng trường nhưng khác lớp. Nhà Trí nghèo, ba mất sớm chỉ còn mẹ. Hải hay rủ bạn cùng ăn sáng bằng số tiền tiêu chuẩn của nó được mẹ ấn định mỗi ngày. Có một chiều, mẹ đi làm về bắt gặp Hải chở Trí cà xịch cà xẹo trên chiếc xe đạp của nó. Tối về mẹ tỏ vẻ xót ruột:
    - Xe Trí đâu mà con phải chở bạn nặng thế? Đường xa như vậy sao chịu nổi?
    Hải ấp úng mãi rồi cũng phải nói thật với mẹ là Trí bị mất xe đạp ở ngay sân nhà Hải hơn hai tuần rồi. Hôm ấy Trí đến nhà Hải chơi, hai đứa quên khóa cổng. Hải đang bớt tiền ăn sáng để dành mua xe đạp lại cho Trí. Ngòai việc rất thương bạn, nó còn nghĩ việc mất xe ở nhà nó thì trách nhiệm bồi thường phải là của nó. Mẹ lại cười:
    - Sao không cho mẹ biết sớm? Vậy ra con nhịn ăn sáng từ bữa đó tới giờ à?
    Chủ Nhật, mẹ bảo Hải gọi Trí đến nhà rồi ba mẹ con ra chỗ bác sửa xe đạp đầu phố chọn mua cho Trí chiếc xe đạp đã cũ nhưng còn khá tốt. Hải và Trí nhất định bắt mẹ phải nhận mấy chục ngàn mà hai đứa để dành được góp vào tiền mua xe. Tối về mẹ xoa đầu Hải:
    - Mẹ rất tự hào về cục cưng của mẹ! Nhưng nếu con vẫn giữ ý định sau này theo nghề luật sư thì phải hiểu rằng việc Trí vô ý để mất xe ở sân nhà mình thì con không phải chịu tránh nhiệm.
    Hải ôm chặt lấy mẹ, hai mẹ con cùng cười vui.

    Thấm thóat đã đến ngày Hải tốt nghiệp PTCS. Nó đang dốc sức để ôn thi vào lớp 10 thật tốt để mẹ thêm hãnh diện. Chẳng hiểu sao nó cứ mong mau mau đến ngày khai giảng sắp tới. Hải sẽ nhờ mẹ đưa đi như năm nào mặc dù nó đã cao lớn lắm rồi- Mẹ giờ chỉ đứng đến vai nó chứ mấy. Và Hải nhất định đề nghị mẹ mặc áo dài chở nó đến tận cổng trường, cho dù chiếc áo của mẹ có chật bó đến mấy cũng được./.

  20. 3 Thành viên dưới đây cảm ơn Lan PhươngKTV vì bài viết hữu ích này


+ Trả lời chủ đề
Trang 2/4 ĐầuĐầu 1 2 3 4 CuốiCuối

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình