+ Trả lời chủ đề
Trang 3/4 ĐầuĐầu 1 2 3 4 CuốiCuối
Hiện kết quả từ 21 tới 30 của 31

Chủ đề: Lan Phương_Truyên, Tản văn

  1. #21
    Bạn Thâm Giao
    Hiện Đang :    Lan PhươngKTV đang ẩn
    Tham gia ngày : Jun 2014

    Bài gửi : 236
    Thanks
    228
    Thanked 1.618 Times in 242 Posts
    [SIZE="3"]TẬP LÀM MẸ CHỒNG


    Con trai đầu của tôi sau đợt thực tập, về nghỉ hè. Cu cậu đưa luôn người yêu ra mắt gia đình. Tôi cũng đã có dịp gặp "Cô con dâu tương lai" này một lần ở Thành Phố Hồ Chí Minh, nhưng tiếp xúc chưa được nhiều, thậm chí chẳng kịp nhìn kỹ mặt mũi dung nhan cô bé - Vì theo quan niệm của tôi: Tuổi trẻ sống vui, chăm học tập phấn đấu và thích bè bạn, yêu đương là chuyện hết sức đời thường - Không có gì phải ầm ĩ hoặc quá chú ý. Nhưng khi con trai quyết định đưa về nhà thì lại là chuyện khác. Tôi thầm cảm ơn" Cục Cưng Anh " đã tạo điều kiện cho Mẹ thực tập làm "Mộng Chè" một tuần lễ.

    Hai đứa về đến nhà vào sáng sớm ngày cuối tuần. "Cục Cưng Em" còn ngủ lăn lóc ở phòng riêng trên lầu 3. Bố chúng đi chơi tennis Còn tôi đang cho phép mình "Nướng" một chút trên giường. Nghe tiếng chúng chào Ông Nội rổn rảng ngoài cổng, tôi vẫn không dậy, vớ lấy tờ báo giả bộ đang điểm tin buổi sáng.
    - Mẹ ơi! Mẹ ơi! Mẹ đâu? - Cục Cưng Anh gọi toáng
    - Mẹ đây! Vào đi các con.
    Nó vẫn thế, có người yêu rồi mà còn nhõng nhẽo phải biết. Cu cậu nhảy ào lên giường, nằm ôm chặt lấy mẹ, thơm chùn chụt, gần như bỏ quên cô bạn gái đứng lớ ngớ trước cửa phòng. Tôi thân mật vẫy tay:
    - Vào đây con gái - Cô bé lúng túng bỏ chiếc ba lô xuống - Nằm xuống bên này với Mẹ, nghỉ một chút cho đỡ mệt đã nào, Mẹ chưa muốn ra khỏi giường đâu - Đến lượt tôi "nhõng nhẽo".
    Tôi choàng tay ôm hai đứa hai bên, nghe chúng ríu rít kể đủ thứ, đương nhiên là con trai mình nói nhiều hơn, tự nhiên thấy mình thật hạnh phúc như vừa có thêm một đứa con gái nhỏ nhẹ dễ thương. Mọi khoảng cách đã bị xóa nhoà.

    Tôi đưa hai đứa lên lầu, mọi thứ đã sắp xếp sẵn sàng từ tối hôm trước. Cục Cưng Anh về phòng mình cạnh phòng Cục Cưng Em, còn cô bé thì ở phòng Ngủ dành cho khách cùng tầng.
    Cục Cưng Em dậy rồi, nhưng tế nhị đợi anh chị vệ sinh cá nhân xong xuôi mới ra khỏi phòng riêng, chào một cách nghiêm trang buồn cười lắm, rồi tót lên buồng tắm trên lầu 4 đánh răng rửa mặt (Thằng bé này như ông cụ non vậy). "Anh Hai chị Hai" mang biếu ông Nội gói bánh trứng và mấy lạng trà Bắc rồi ba anh em ăn sáng với nhau bằng món bò né do Mẹ chuẩn bị. Chúng tíu tít mời Ông Nội nhưng ông cười, bảo ông ăn sáng rồi và ông làm gì còn răng để mà ăn Bít-tết? "Còn Mẹ thì sợ mập nên trốn lên sân thựơng lắc vòng rồi" - Cục Cưng Em dí dủm nói. Vừa lúc ấy Bố tụi nhỏ về, chúng chạy ra chào rõ to, giọng đượm lo lắng. Nhưng rất mừng là Bố chỉ nhìn nhìn cười cười rồi biến mất vào phòng tắm dành riêng cho "Người đàn ông to béo nhất nhà". Tôi trấn an tụi nhỏ:
    - Đừng lo, hôm qua Mẹ làm công tác tư tưởng cho Papa rồi, Mẹ tiếu lâm nói: "Con hơn cha là nhà có phúc đấy, ngày xưa anh dại khờ không chịu tìm hiểu bạn gái sớm, đến lúc "quá đát" vớ vội vớ vàng phải em nên mới phải khổ cả đời. PaPa cười hí hí ra chiều "Trúng ý" lắm.
    Thế là ba đứa còn "Hí Hí Hí" lâu hơn cả Bố.

    Từng ngày qua đi trong tiếng cười tràn ngập ngôi nhà xinh đẹp ấm cúng. Có lẽ tôi là người sướng nhất, được đi làm một cách thong thả; Về trễ, cơm đã chín và những món ăn đơn giản đang bốc khói; Ăn xong được nghỉ ngơi vì không phải rửa chén bát; Buổi sáng tha hồ tập thể dục vì đã có người giúp phơi phóng đồ đạc và chăm sóc Ông Nội... Bù lại, tôi cho các con cười no nê với một "Phóng sự ảnh" rất đầy đủ từ khi các con vừa đầy tháng; Với những bài giảng dạy bổ ích đậm chất hài. Tức cười nhất là khi cô bé hỏi" Mẹ chồng" lau nhà bằng dụng cụ gì? vì nó chỉ thấy mỗi một cây lau nhà dựng ở gara, tôi chỉ cuốn lịch, hỏi:
    - Hôm nay là ngày bao nhiêu, mấy đứa?
    - Dạ, ngày11/7 ạ - ba đứa nhao nhao
    - Ờ! Nếu con gái muốn sang năm giỗ Ông Nội vào ngày này thì con lau nhà, lau bếp bằng cây lau kia - Nhìn vẻ mặt ngơ ngác của nó, tôi cười ha hả - Vì lau xong, nước chưa kịp khô, ông sẽ trượt chân và té đập đầu xuống đất, hiểu chưa! Mẹ lau nhà bằng khăn bông đây nè , vừa mau ráo nước vừa tập eo luôn .
    Các con ré lên cười như bị thọc léc, vui quá trời luôn. Cô bé rất thật thà, nhân những lúc chỉ có phụ nữ cùng làm việc nhà với nhau tôi gợi hỏi chuyện gia đình, nó kể tất tật không dấu bất cứ thứ gì, kể cả những chuyện không vui. Tôi hiểu là con bé đã rất tin và quý mình. Có lần nó lỡ tay đánh rơi chiếc chén khi rửa bát. Cái chén chưa bể nhưng mặt nó méo đi, thương quá tôi vội bảo: "Không sao đâu con, chuyện nhỏ như con thỏ, đánh vỡ chén bát là chuyện bình thường của phụ nữ chúng ta, nếu không nhà sản xuất thất nghiệp mất". Hôm con bé giúp Mẹ xào đậu quả, món ăn đậm đà rất ngon nhưng đen thùi lùi vì bị xém chảo. Cục Cưng Anh lo lắng ra mặt. Tôi lại cười: "Ở trường các con xào rau bằng nước mắm đúng không? Nhà mình xào bằng hạt nêm từ thịt nên hơi khác một chút, con lưu ý chế độ lửa, đảo đều tay và cho một xíu nước vào để hạt nêm vừa tan ra, vừa thấm, thức ăn sẽ không bị xém. OK đi! Mẹ thấy Bố ăn rất nhiều món xào của con đấy!" .Cô bé "Dạ" và nhìn tôi với ánh mắt biết ơn chân thành.
    Có một điều lạ là tuy lần đầu đến thành phố du lịch đẹp nổi tiếng, nhưng cô bé chẳng muốn đi đâu, mặc dù tôi tạo cho chúng nó tất cả điều kiện tối ưu nhất. Thấy các con cứ quanh quẩn, quấn quít trong nhà, tôi nhận ra sức quyến rũ thật sự của "Chiếc tổ " thân thương này! Tôi đưa một vài tác phẩm nhỏ in từ Blog của mình cho các con, trong đó có truyện "Giảng Đường", những mong giáo dục các con về lý tưởng sống của thanh niên trong mọi hoàn cảnh. Chúng nó nằm, ngồi đọc cho nhau nghe ngốn ngấu, cười không dứt.

    Tối hôm cô bé ra ga, về lại trường (Cục Cưng Anh sẽ đi sau), tôi làm gỏi gà cho chúng ăn vì đứa nào cũng thích món ấy. Khi chỉ còn bốn mẹ con ngồi lại quanh bàn ăn, Cục Cưng Anh rất nghiêm túc, hỏi Mẹ:
    - Mẹ ơi! Nếu như mai này chúng con quyết định lấy nhau thì Mẹ thấy cô bé này làm con dâu Mẹ được không?
    - Có sớm quá khi hỏi Mẹ thế không con?
    - ... Con sợ hoàn cảnh nhà con khác với nhà mình quá - Cô bé ngập ngừng - Mẹ sẽ khó chấp nhận con...
    - Các con ạ -Tôi trầm tĩnh - Yêu nhau là một chuyện mà lấy nhau, hạnh phúc được với nhau lâu dài thì lại là chuyện khác. Các con cứ thoải mái đi, phía trước đường còn dài lắm. Hôm nay yêu quí nhau, giúp nhau vui, học tập phấn đấu là rất quý. Sau này là vợ chồng của nhau thì không có gì phải bàn, còn nếu " Có duyên mà không có nợ "thì hãy là bạn tốt của nhau suốt đời. Chuyện đôi lứa là do hai con quyết định, "Hoàn cảnh gia đình" không có chỗ ở đấy. Bố Mẹ chỉ cho được các con những lời dạy dỗ, khuyên nhủ mà thôi. Hôm trước ở Thành phố HCM về, con gái có nhớ Mẹ nhắn tin gì cho con khi con nói với Mẹ là con muốn vui như hôm đó suốt đời không?
    - Thưa Mẹ có, Mẹ nhắn:"Nếu các con muốn được cùng nhau đi hết con đường thì đôi khi cũng phải biết dừng lại đúng lúc" ạ. Chúng con hiểu hai từ "Dừng lại " ấy, thưa Mẹ .
    Tôi tập làm Mẹ Chồng như thế đó./.

    (Mùa hè năm 2008)[/SIZE]
    Lần sửa cuối bởi Lan PhươngKTV; 24-07-2014 lúc 08:41 AM

  2. 5 Thành viên dưới đây cảm ơn Lan PhươngKTV vì bài viết hữu ích này


  3. #22
    Bạn Thâm Giao
    Hiện Đang :    Lan PhươngKTV đang ẩn
    Tham gia ngày : Jun 2014

    Bài gửi : 236
    Thanks
    228
    Thanked 1.618 Times in 242 Posts
    CHUYỆN KỂ Ở MỘT CÂY XĂNG

    - Cô ơi, mua dùm cháu mấy tờ vé số đi cô!
    Đang loay hoay mở cốp xe để đổ xăng, tôi nghe tiếng nói yếu ớt lẫn với tiếng xụt xịt ngay bên cạnh mình. Ngẩng lên, bắt gặp đôi mắt đói nhìn chằm chằm vào mấy chiếc bánh chuối treo tòong teng bên bửng xe; Thân hình gầy gò run lên trong chiếc áo mưa mỏng tang; Đôi tay lóng ngóng chìa xấp vé số trước mặt tôi; Gương mặt đen nhẻm, ướt mèm nước mưa lẫn nước mắt: Thằng bé chỉ khỏang 6-7 tuổi là cùng. Cả đời tôi chưa bao giờ biết cầm một con bài và tôi ghét cay ghét đắng những gì tương tự. Mua vé số thì lại là chuyện khác, xong tôi không thích trông chờ vào sự may rủi.Tôi lắc đầu:
    - Cô không mua đâu, cháu mời người khác đi! Gần tối rồi còn đi bán hả cháu , lại mưa to nữa, thôi về đi cháu.
    - Cô làm ơn làm phước mua cho cháu vài vé đi cô, không thì về nhà cháu sẽ bị đòn, lại phải nhịn đói nữa cô ơi!
    - Cái gì? Sao lại thế? - Tôi ớ người.
    Cô gái bơm xăng cho tôi xen vào:
    - Thôi, người ta không mua đâu, đi chỗ khác bán đi nhóc - Rồi cô quay lại nói với tôi- Đúng thế đấy chị à, cha mẹ nó suốt ngày ngồi đánh bạc ở cuối xóm ổ chuột kia kìa, bắt chị em nó lang thang bán vé số kiêm cái bang luôn. Được đồng nào là bóc hết cho vào chiếu bạc, vô phước lắm, chị có mua hết cả tập vé số thì cũng chỉ nuôi béo mấy con bạc già ấy thôi!
    Tôi nghe một làn gió lạnh chạy dọc sống lưng, khó tin được lại có những bà mẹ độc ác đến thế. Nhìn thằng bé xanh xao, đang lả đi vì lạnh và đói, tim tôi nhói lên:
    - Cháu theo cô ra đây cô bảo cái này.
    Mắt thằng bé lóe lên một tia hy vọng, nó bám sát sau xe tôi. Ra khỏi cây xăng, tôi cúi xuống lấy bị bánh chuối ra đưa cho nó, thằng nhỏ ngập ngừng:
    - Cô không mua vé số cho cháu thật à? Thôi cháu xin cô một chiếc bánh vậy, cô còn mang về cho con cô nữa.
    - Cháu cứ cầm cả đi, cô mua cái khác cho con cô sau.
    Thằng bé cúi đầu nhai, nuốt vội vàng, không nói gì. Nó đưa mu bàn tay quẹt ngang má bóng mỡ, cười với tôi:
    - Ngon quá cô ạ , cảm ơn cô nhé.
    Chợt nó chun mũi, hít hít mấy cái vẻ thèm thuồng. Thì ra tôi và nó đang đứng cạnh một quán phở bình dân. Tôi bảo nó :
    - Cháu có muốn ăn phở không? cô bao.
    - Phở á cô? Thằng bé á lên - Cháu chưa bao giờ được ăn cô ạ, ngon lắm phải không cô?
    Tôi dắt thằng bé vào quán, nhiều con mắt nhìn ngạc nhiên lẫn khó chịu? Có lẽ họ nhầm tưởng người đàn bà ăn mặc sang trọng là mẹ của đứa bé rách rưới kia. Hẳn họ khinh thường bà mẹ lắm, vì chỉ chăm chút bản thân mà để con đói rách. Chỉ có bà chủ quán là thản nhiên:
    - Cô ăn phở gì ạ? Thằng Tèo hôm nay trúng mánh quá ta! Được cô đây cho ăn phở sướng nhá!
    Tôi không ăn, chỉ kêu cho Tèo một tô thật đầy. Nhìn nó xì xụp, nhồm nhòam mà muốn chảy nước mắt. Nó cũng bằng tuổi con mình mà sao khổ thế? Tự nhiên tôi thấy sợ mình bị chết quá! Tô phở nóng làm mắt Tèo trong veo, sáng lấp lánh - một đôi mắt thông minh:
    - Cháu có đi học không Tèo?
    - Đi vào lúc nào được cô? Chị em cháu phải đi bán suốt ngày, chị cháu kia kìa - Tèo chỉ tay ra ngòai đường, một cháu gái chừng hơn mười tuổi đang lướt thướt trong mưa. Tôi rủ mấy cô bé cũng không chịu bước vào quán.
    Mấy hôm sau, ngang qua chỗ cây xăng, tôi mua bộ quần áo học sinh, mấy cuốn vở, mấy cây viết tìm gặp thằng bé. Nó mừng lắm nhưng sợ cha mẹ không cho đi học, tôi hỏi địa chỉ nhà nó trong xóm ổ chuột, ghi cẩn thận vào sổ tay để mang về cho các cô giáo trường SOS bên Đồng Đế. Vì ngày đó tôi làm việc tại Tỉnh ủy, nên sự gửi gắm của tôi được chấp thuận ngay. Trung thu năm ấy , tôi trở các con đi mua đèn lồng và bánh. Các con tôi ngạc nhiên sao chỉ có hai anh em mà mẹ mua ba chiếc đèn? Tôi chỉ cười, trở các con đến cây xăng, nhưng chỉ gặp được chị của Tèo. Cô bé khoe Tèo đã được đi học rồi, ở với Dì, không phải bán vé số nữa. Tôi gửi cô chị mang về cho Tèo chiếc đèn lồng bằng giấy bóng kính, còn bánh thì cho cả hai chị em. Cô chị chẳng nói được gì, cứ cúi đầu nhìn xuống đất mà xụt xà xụt xịt. Trên đường về cu Bơ cứ thắc mắc:" Tèo là ai hả mẹ?". Vừa đi tôi vừa kể cho các con nghe về chị em Tèo và những đứa trẻ không may mắn khác trên đời. Hai đứa ngồi sau xe ôm chặt lấy tôi như thể sợ mẹ mình vuột đi đâu mất.
    Sau này, tôi chuyển công tác. Cơ quan mới nằm ở đầu phố phía đông, gần biển, nên không mấy khi đi qua cây xăng ngày nào. Có một chiều mới đây, tôi đi ngang, gặp cô chị đã thành thiếu nữ, vẫn đi bán vé số. Cô chị vui mừng:" Tèo đã đi làm công nhân rồi bác ạ, nó hay hỏi cháu là có gặp bác không? Mà sao tới giờ chị em cháu cũng chưa được biết tên bác? Bác là ai vậy ạ?"./
    .

  4. 5 Thành viên dưới đây cảm ơn Lan PhươngKTV vì bài viết hữu ích này


  5. #23
    Bạn Thâm Giao
    Hiện Đang :    Lan PhươngKTV đang ẩn
    Tham gia ngày : Jun 2014

    Bài gửi : 236
    Thanks
    228
    Thanked 1.618 Times in 242 Posts
    CÁI YẾM DÃI

    Mai con trai vào Đại học.
    Đêm nay Mẹ dành phần chuẩn bị hành trang cho con nhập trường. Rất nhiều thứ phải mang theo vì con học xa nhà, ở ký túc xá. Mẹ tỉ mỉ trong từng chi tiết, gói vào đấy tất cả tình yêu thương lẫn vui buồn man mác khi sắp phải xa đứa con trai lúc nào cũng như còn bé bỏng của mình. Mẹ muốn con mang theo một kỷ vật gì đó để luôn nhớ về tổ ấm thân thương. Cuốn album gia đình với rất nhiều tấm ảnh ngộ nghĩnh của con khi còn nhỏ làm Mẹ bật cười: Này đây là cu Bi hồi ba tháng tuổi nằm trên nệm hoa, khoe "Mầm giềng", cười toe toét; Còn đây, bức ảnh trong lễ ra trường mẫu giáo: Bi đang nhảy múa trên sân khấu, mang đôi dép rộng thò gần nửa bàn chân ra trước... Bao kỷ niệm về con ùa đến, Mẹ mở tủ lấy ra một gói nhỏ, bọc kỹ mấy lần nilon. Hai anh em xán lại tò mò. Mẹ lần lượt lấy ra từng thứ một trong ánh mắt từ thú vị đến ngạc nhiên của các con: Tất cả giấy khen từ hồi "Mầm, Chồi, Lá"; Bộ quần áo lọt lòng; Những đôi hài len bé tí đủ màu sắc... nhiều thứ lắm. Nhưng lạ nhất là một chiếc yếm dãi nhỏ xíu, cũ kỹ - vì màu xanh nước biển đã lợt và mép vải sơ sờn. Cu Bơ láu táu:
    - Cái yếm này của ai mà cũ mèm, xấu quá, Mẹ cất làm gì Mẹ?
    Mẹ mỉm cười, xoa đầu Bơ và nhìn Bi âu yếm:
    - Của anh con chứ ai! Các con có biết tại sao nó cũ vậy không?
    - Vì ngày đó nhà mình nghèo phải không Mẹ? - vẫn cu Bơ lí lắc.
    Mẹ cười:
    - Đúng nhà mình ngày đó có khó khăn thật, nhưng không vì thế mà các con phải dùng đồ cũ đâu. Mẹ dành dụm tiền mua vải về, tự tay cắt may cho các con quần áo đẹp lắm chứ bộ. Đấy! Thấy không? Còn chiếc yếm dãi này thì có cả một câu chuyện đó con.
    Hai anh em háo hức lắm, năn nỉ:
    - Mẹ kể cho chúng con nghe đi Mẹ!
    Chòang vai hai con, Mẹ dịu dàng:
    - Hồi anh Bi còn nhỏ, sáng đi làm Mẹ chở anh đến Nhà Trẻ luôn. Đi xe đạp, lại đường xa nên hai Mẹ Con luôn phải dậy từ rất sớm. Tội nghiệp Bi, lúc nào cũng ngái ngủ. Bi hay chảy dãi nên Mẹ thường xuyên đeo yếm cho anh và mang theo mấy cái nữa đến cho cô trông trẻ có cái mà thay. Một hôm sơ xuất thế nào mà Mẹ cột dây không chặt, đến nơi mới biết anh bị rơi mất cái yếm dãi. Lúc ấy là mùa mưa nên đường luôn đầy bùn nước. Mấy ngày sau trời tạnh, Mẹ chợt nhìn thấy chiếc yếm nằm lẫn trong vũng nước cạn. Nó đã lấm lem bùn đất nên Mẹ định bỏ luôn. Nhưng đi được một quãng rồi Mẹ quay xe lại, nhặt lên, mang về giặt đi giặt lại nhiều lần rồi cất đi. Các con biết không, nghĩ đến chiếc yếm dãi của con mình nằm vất vưởng bên đường, Mẹ thấy lòng dạ xót xa không chịu nổi. Đó tuy chỉ là vật vô tri vô giác, nhưng đã được con chòang vào người dù chỉ đôi lần, mang hơi ấm nồng của con thì chiếc yếm này đã trở thành một phần đời con rồi, sao Mẹ nỡ bỏ qua...

    Mẹ ngừng kể. Căn phòng trở nên im lặng khác thường, chỉ nghe tiếng con thạch sùng(*) tắc lưỡi trên trần nhà. Bất ngờ, cả Bi và Bơ cùng ôm chặt lấy Mẹ, thơm chùn chụt vào hai bên má người Mẹ yêu quí của mình, thay lời cảm ơn sâu sắc. Bi xin phép Mẹ cho mang theo chiếc yếm dãi cũ sờn, nó hứa sẽ giữ gìn thật cẩn thận kỷ vật tràn đầy tình mẫu tử này ./.


    (*) Thạch Sùng còn thiếu mẻ kho...
    (Sự tích Con Thạch Sùng)

  6. 4 Thành viên dưới đây cảm ơn Lan PhươngKTV vì bài viết hữu ích này


  7. #24
    Bạn Thâm Giao
    Hiện Đang :    Lan PhươngKTV đang ẩn
    Tham gia ngày : Jun 2014

    Bài gửi : 236
    Thanks
    228
    Thanked 1.618 Times in 242 Posts
    CÒN ĐÓ MÙA THU

    Hắn ngoác miệng cười, nhìn nó lăn lê bò toài trên sàn gỗ gác xép với ngổn ngang những vật dụng khá quái biệt: Ly thủy tinh đựng một thứ nước không rõ màu; mấy chiếc đũa quấn bông gòn; túm lông gà; cây cọ nhỏ tòe đầu. Nếu không có hộp màu nước toe toét và vài tờ lịch tường cũ lật mặt trắng phía sau làm... toan thì quả thật hắn không thể tin nổi là nó đang cắm cúi chép tranh.
    - Cái gì thế này?

    Hắn ngồi bệt xuống, trợn mắt nhìn nó hăng hái bôi bôi quẹt quẹt rất liều mạng. Mẫu là một góc rừng thu của Levitan in trên tấm bưu thiếp nhỏ xíu.

    Nó không ngẩng lên:
    - Thì cũng phải nhẹ phần kỹ thuật, nặng phần liều mạng thôi. Nghĩ coi, tấm cót ép ngăn đôi căn nhà tập thể thành hai phòng hoa trúc ấy liệu có làm thăng hoa nổi cảm xúc đêm tân hôn không?
    - Ối dào! Tắt đèn cót ép cũng như tường vôi. Vẽ.
    - Thì đang... vẽ nè, được một bức rồi đó, nghía thử coi.
    - Mà sao toàn chép tranh lặng vậy?
    - Đang Thu mà, cảm hứng nó cũng nhuộm màu thu luôn thì phải.
    - Buồn lắm. Thêm chút hoa bướm, hươu nai vào đây đi...

    Nó giăng rộng bức tranh vừa hoàn tất cho hắn lùi ra xa xăm xoi:
    - Cũng tạm. Có điều dòng nước biến thành đường mòn mất rồi.
    - Kệ! Khả năng có hạn.Trước sau gì thì chẳng có một lối mòn trong đời chứ.

    Hắn cười như lá rụng, mắt đầy hoàng hôn. Qua Xuân, mối tình đầu của hắn - là NÓ - bước lên xe hoa nhà người.

    25 mùa Thu đã trôi qua, một trong hai bức tranh chép ấy còn đây./.

  8. 2 Thành viên dưới đây cảm ơn Lan PhươngKTV vì bài viết hữu ích này


  9. #25
    Bạn Thâm Giao
    Hiện Đang :    Lan PhươngKTV đang ẩn
    Tham gia ngày : Jun 2014

    Bài gửi : 236
    Thanks
    228
    Thanked 1.618 Times in 242 Posts
    BẠCH CÚC


    Hoàng hôn trải sương màu lam tím trên mặt hồ Than Thở mỗi khi vào thu. Gió chảy tràn từ trên đồi xuống thung lũng, lướt qua những ngọn cỏ mềm lạnh. Tiếng thông reo vi vu, u uẩn đến não lòng.

    Người họa sĩ xếp giá vẽ lại chuẩn bị dời đi. Cái lạnh thấm vào từng chân tóc nhắc anh biết chiều đã muộn thật rồi. Tiếng vó ngựa cuối cùng cũng đã tắt phía bên kia đồi thông.

    Bất ngờ anh nhìn thấy một thiếu nữ đang đứng ngay sát mép hồ. Cô ấy có ở đó từ lúc nào mà anh không biết? Cứ như là từ dưới đáy nước hiện lên vậy. Màu trắng của tà áo thật lạnh lẽo dưới khung trời Dalat. Mái tóc dài, đen huyền thả tung theo gió, đẹp một cách mê hoặc. Bản năng nghề nghiệp trỗi dậy, người họa sĩ lại vội vã căng toan dù trời đã nhá nhem tối. Cây cọ vẽ cứ thế trôi đi, lướt nhanh, như không còn dính vào các ngón tay của anh nữa.

    Thiếu nữ chợt chạm chân xuống đám cỏ dại mọc gần mép nước. Và kìa, cô ấy hình như đang muốn lội xuống nước thật!

    Họa sĩ hốt hoảng thật sự. Anh nghe nói hồ Than Thở và tiếng rừng thông khóc nỉ non trong gió nơi này đã khiến rất nhiều người có tâm sự buồn đến đây trẫm mình. Anh quáng quàng chạy bổ xuống, miệng la thất thanh:

    - Cô ơi! Cô ơi! Dừng lại! Dừng lại đi! Đừng chứ...

    Thiếu nữ nhìn anh với đôi mắt tuổi mười chín, buồn như sương khói:

    - ...? Tôi vừa đánh rơi mấy bông cúc trắng xuống nước mà - thanh âm cất lên nghe như tiếng chim vỗ cánh trong chiều.

    Ơn Chúa! Họa sĩ thở phào:

    - Để tôi vớt hộ cô.

    Mấy bông Mạc-ca-rít ướt đẫm nhưng vẫn nguyên vẹn từng cánh trắng tươi.

    - Cô phải cẩn thận hơn mới được - người họa sĩ trách khẽ - mà sắp tối rồi, sao cô còn quanh quẩn ở đây? Về đi kẻo lạnh.

    Thiếu nữ cúi đầu, nói gì không rõ. Có thể là cô đang cảm ơn người đã vớt giúp mình những đóa Bạch Cúc.

    Rồi vóc dáng mảnh mai lướt nhanh lên đồi. Người họa sĩ nhận thấy mình đang trôi theo màu trắng hư ảo ấy như bị thôi miên. anh không cưỡng lại được ý nghĩ muốn biết cô gái với vẻ đẹp huyền bí này đi đâu và làm gì.

    - Cô ơi! Đợi tôi với!

    Sương bắt đầu mù hơn.

    - Cô về đâu? Nhà cô xa đây không? Dalat có nhiều hoa rất đẹp, sao cô lại thích hoa Cúc trắng ?

    Rất nhiều câu hỏi được đặt ra, nhưng đáp lại chỉ duy nhất một câu - gần giống như là câu trả lời:

    - Đêm nay là rằm Vu Lan, tôi lại hái Mạc-ca-rít về...

    Một luồng gió lạnh buốt thốc vào gáy khiến Họa sĩ chợt choáng váng. Có lẽ anh không phải là người bản xứ ở đây nên sức chịu lạnh kém. Anh xốc lại chiếc áo khoác, quấn hai vạt khăn cho kín cổ. Một cú vấp bất ngờ vào chiếc rễ thông trồi lên giữa lối mòn làm anh ngã chúi xuống...

    Khi đứng lên được thì anh không còn thấy thiếu nữ kia đâu nữa.

    Sương mù đã nuốt chửng cô gái.

    Họa sĩ chạy thốc lên đồi thông. Anh bắt gặp một ngôi mộ nằm đơn độc giữa đỉnh đồi đầy gió, những đóa Mạc-ca-rit buồn lạnh giữa đám cỏ xanh rậm rì.

    Người họa sĩ tò mò cúi xuống rồi chợt tái mặt, giật nảy lên, lùi lại mấy bước.

    Trên tấm bia mộ, thiếu nữ áo trắng, tóc huyền với đôi mắt màu sương khói đang lặng lẽ nhìn anh.

    ***

    Mười chín năm về trước, vào một buổi chiều mùa thu, có thiếu phụ tên là Bạch Cúc đã gieo mình xuống Hồ Than Thở để kết thúc một chuyện tình buồn.

    Người đánh xe ngựa thồ tình cờ đi qua lúc ấy đã vớt được cô. Thiếu phụ không chỉ có một mình.

    Người ta chỉ cứu được một thai nhi tám tháng tuổi - Là con gái./.

  10. 3 Thành viên dưới đây cảm ơn Lan PhươngKTV vì bài viết hữu ích này


  11. #26
    Bạn Thâm Giao
    Hiện Đang :    Lan PhươngKTV đang ẩn
    Tham gia ngày : Jun 2014

    Bài gửi : 236
    Thanks
    228
    Thanked 1.618 Times in 242 Posts
    TRUYỆN CỦA ĐÊM

    Đất trời như càng tối hơn bởi suốt dọc con đường không có lấy một ngọn đèn. Hàng xà cừ cao lớn đổ bóng lờ mờ xuống chiếc xe đạp đang lọ mọ trong đêm. Người nữ ngồi sau ôm riết lấy người nam. Không biết đấy có phải là cử chỉ âu yếm hay vì đang sợ... ma?

    Vài ngôi sao dường như thấu hiểu hoàn cảnh của họ nên bắt đầu ló ra thưa thớt. Chiếc xe đạp cũ rên rỉ mãi trên đường rồi cũng đến lúc phải mỏi... xích nên im bặt. Người nam nói gì đó, người nữ rúc rích cười. Họ xuống xe dắt bộ xuống lối rẽ ven đường.

    Bờ ruộng thoắt biến thành công viên. Gió thổi hiu hiu, lúa non lúp xúp, ếch kêu oàm oạp...

    Xe mệt, nằm nghỉ trước người.
    - Từ từ đã anh, em sợ...
    - Có ai đâu mà, em khéo lo.

    Tiếng nữ thì thào, tiếng nam phấn khích. Họ quấn lấy nhau hổn hển mặc cho đám cỏ kêu lên khe khẽ dưới lưng. Những vì sao nhấp nháy ngó xuống tinh nghịch...

    Ánh đèn vàng ệch ở đâu bất ngờ quét loang loáng mặt ruộng khiến đôi trai gái cuống quýt nhổm dậy. Những bước chân bì bọp tiến lại gần. Người bắt ếch đi ngang qua rồi còn ngoái lại, cười đắc ý.
    - Tại anh đấy - cô gái vừa cài nốt chiếc khuy áo cuối cùng vừa lào thào - em mất hồn rồi nè.
    - Thích chết đi được còn giả bộ. Quay lưng đây anh phủi cho - chàng trai cười hi hí.
    - Đã kịp gì đâu mà thích. Mỗi anh thích thì có, thấy ghét.

    Họ ngồi nán lại thêm một lúc, nghe tiếng đêm ngoại thành xôn xao trộn vào hương đất ngái nồng.

    Những vòng xe lại hối hả đi ngược lại con đường.
    - Bố mẹ cháu về rồi này cu Tí ơi! - Người cô ra mở cửa, nói với vào nhà.
    - Hai cô cháu chưa đi ngủ à?
    - Cả nhà vẫn thức, nóng quá chị ạ.


    Ngồi trên chiếc giường duy nhất trong căn phòng chưa đầy ba chục mét vuông của tầng hai khu tập thể, cu Tí nghe tiếng mẹ vội đẩy trái bóng nhựa sang cho ông, nhoài ra khỏi lòng bà nội./.

  12. 5 Thành viên dưới đây cảm ơn Lan PhươngKTV vì bài viết hữu ích này


  13. #27
    Bạn Thâm Giao
    Hiện Đang :    Lan PhươngKTV đang ẩn
    Tham gia ngày : Jun 2014

    Bài gửi : 236
    Thanks
    228
    Thanked 1.618 Times in 242 Posts
    YÊU VÀ THƯƠNG

    Họ ở xa nhau. Xa lắm.

    Quen nhau qua mạng, họ không nghĩ rằng một ngày nào đó họ trở thành ”Hai nửa của một mảnh ghép hoàn hảo”

    Tình yêu luôn dành đất cho nỗi hờn ghen, nhưng tuyệt nhiên không có chỗ cho sự lấn chiếm trái phép. Anh buồn, bực rồi tức giận với những bài thơ tình chị đăng lên mạng, dù vẫn biết người làm thơ thường thương vay khóc mướn hoặc đôi khi ngứa… bút lại quay ra gặm nhấm quá vãng của mình. Sinh nhằm sao “KIM CƯƠNG”, anh chọn cách im lặng dù hàng ngày vẫn vào blog của chị như một thói quen không thể bỏ. Họ bặt tin nhau từ ấy.

    Thơ chị thưa dần. Một ngày kia, không ai còn thấy chị xuất hiện trên bất cứ trang mạng nào nữa. Nỗi tức giận của anh chuyển thành lo lắng. Anh hốt hoảng nhắn gọi mà không một chữ hồi âm. Rồi bất ngờ thơ chị lại xuất hiện rất đều đặn vào mỗi nửa đêm về sáng. Những bài thơ đẫm đìa yêu thương, nhắn gởi thâm tình mà chỉ có anh mới hiểu rõ đó là của riêng anh. Nhờ những bức thư bằng thơ ấy mà anh như được hồi sinh - Cuộc sống trở nên tươi đẹp hơn, ý nghĩa hơn. Anh tìm lại được mình giữa dòng đời đẩy xô nghiệt ngã - Và chỉ có thơ thôi. Anh kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi sự kiên nhẫn ấy cạn kiệt, anh hối hả trở về.

    Người ta dẫn anh ra nghĩa trang. Hai cây tùng trồng trước di ảnh chị đã cao xấp xỉ thân mộ trắng lạnh.

    Những bài thơ viết cho riêng anh vẫn xuất hiện đều đặn trên blog của chị từng đêm, từng đêm…

  14. 5 Thành viên dưới đây cảm ơn Lan PhươngKTV vì bài viết hữu ích này


  15. #28
    Bạn Thâm Giao
    Hiện Đang :    Lan PhươngKTV đang ẩn
    Tham gia ngày : Jun 2014

    Bài gửi : 236
    Thanks
    228
    Thanked 1.618 Times in 242 Posts
    MỢ TÔI

    Mợ tôi người Hải Phòng.
    Mợ có nhan sắc mặn mòi và giọng hát trong veo.

    Một lần Mợ đang làm thanh niên xung phong sửa đường thì xe Cậu đi ngang. Lúc ấy Cậu là kỹ sư cầu đường về xây dựng cảng Hải Phòng. Ngồi trên ô tô Cậu bị vẻ đẹp của Mợ cuốn hút nên bước xuống, cầm xẻng giúp Mợ và đồng đội hốt đống đất đá giữa lòng đường. Để “trả công”, Mợ cho Cậu địa chỉ nhà riêng. Cuộc tình trăm năm của Cậu Mợ bắt đầu từ đấy.

    Nghe lời chồng, Mợ thi và trúng tuyển vào đoàn văn công quân đội. Mỗi lần lên Hà Nội tôi ở nhà ông ngoại nên biết khá nhiều chuyện vui về Mợ. Chẳng hạn như Mợ thường phải chúi đầu vào mấy cái chum sành to nhỏ khác nhau để luyện giọng “Mừ… ừ ma… a mu… u mí…í… í…”, hay chuyện Mợ đi chợ mua gà về nấu với rau… mùng tơi (?)

    Thỉnh thoảng Mợ đèo tôi trên chiếc xe đạp phượng hoàng Trung Quốc đi chợ Đồng Xuân. Ngày ấy những đồ chơi bằng nhựa bé xíu mà Mợ mua cho tôi đã trở thành những vật báu không rời. Chẳng hiểu sao tôi lại quý nhất chiếc cặp lồng nhiều ngăn và cái cân nhỏ bằng 3 ngón tay, lúc nào cũng bỏ trong túi?
    Sau này bị mất giọng, Mợ chuyển sang công tác ở xưởng phim Quân Đội cho đến khi về hưu.

    Mợ tôi là người phụ nữ hiền lành, chịu thương chịu khó và hết lòng vì gia đình. Ngoài Mẹ ra, có lẽ Mợ là người đã dạy cho tôi nhiều bài học làm vợ làm mẹ thông qua những ứng xử thường nhật. Thời bao cấp khó khăn, bao giờ Mợ cũng là người ăn cơm sau cùng. Thức ăn quá ít không đủ để cả nhà cùng nhau gắp một lúc nên Mợ hay lấy cớ làm việc này việc nọ, chờ mọi người ăn xong mới ngồi vào mâm ăn vét những gì còn lại.
    Sau này Cậu tôi tuy đã là một cán bộ cao cấp nhưng sống quá liêm khiết nên nghèo vẫn hoàn nghèo. Hai đứa em tôi cả năm chẳng biết đến miếng ngon. Một lần Cậu đi dự hội nghị có tiệc chiêu đãi. Thấy Cậu tất tả ra xe đi công cán tiếp không kịp dự tiệc, người bếp trưởng chạy theo dúi cho Cậu một gói bọc kỹ mấy lần giấy báo. Cậu mở ra thấy một con gà luộc còn bốc khói thì trợn mắt lên. Bác bếp trưởng và cậu lái xe năn nỉ: “ Thủ trưởng mang về cho hai cháu “. Cậu tôi đỏ rựng mặt.
    Con gà luộc ấy được cậu lái xe mang vào nhà Cậu lúc gần nửa đêm. Mợ đánh thức ai em tôi dậy và chúng hết cả ngái ngủ khi mùi thịt gà luộc tỏa ra nức mũi. Chỉ một loáng con gà đã biến mất. Mợ tôi ngồi tỉ mẩn với nắm xương xẩu còn lại.

    Hôm qua tôi vừa kể cho con mình nghe lại mẩu chuyện này./.

  16. 6 Thành viên dưới đây cảm ơn Lan PhươngKTV vì bài viết hữu ích này


  17. #29
    Bạn Thâm Giao
    Hiện Đang :    Lan PhươngKTV đang ẩn
    Tham gia ngày : Jun 2014

    Bài gửi : 236
    Thanks
    228
    Thanked 1.618 Times in 242 Posts
    HUỆ TRẮNG

    Hai nhà cách nhau một cái ao rộng.

    Gã là anh trai cô bạn hàng xóm của Nhung, hơn Nhung sáu tuổi. Gã có khuôn mặt điển trai, đặc biệt đôi mắt rất buồn.

    Vườn nhà gã trồng nhiều loài hoa theo mùa. Nhung thích hoa thược dược vì màu sắc rực rỡ lại nở rất bền, gã thích hoa huệ trắng. Tuy vậy gã vẫn chiều Nhung, thường hái cho cô những đóa thược dược vừa chớm nở còn ngậm sương.

    Gã khéo tay lắm. Những chiếc đèn lồng đêm trung thu làm bằng giấy bóng kính và cật tre của gã đẹp còn hơn ngoài cửa hàng bày bán. Trung thu nào gã cũng làm cho Nhung chiếc đèn to nhất, đẹp nhất dù mỗi năm Nhung mỗi cách xa tuổi thơ.

    Nhiều lần qua nhà cô bạn hàng xóm chơi Nhung thấy gã ngồi lúi húi ghi chép rất chăm chú vào một cuốn sổ tay. Thấy Nhung là gã cất vội vào ngăn bàn rất bí mật. Hai cô bé vẫn hồn nhiên với những trò nhảy dây, đuổi bắt. Má ửng hồng, tóc bết mồ hôi, chẳng để ý gì đến vạt áo cũn cỡn cứ tốc lên theo gió.

    Mỗi lần đi học về Nhung đều gặp gã ngồi bên khóm tre đầu ngõ cười với Nhung. Một ngày kia Nhung chợt thấy ái ngại. Sao thế nhỉ? Và Nhung có cảm giác sờ sợ, dù ánh mắt và nụ cười ấy rất hiền.

    Mùa thu năm ấy gã ốm, ốm nặng, rồi rất nặng.
    Nhung qua thăm, bóc cam đưa qua cửa sổ để lên chiếc bàn gỗ, nơi gã thường ngồi ghi chép mỗi ngày. Gã nằm xẹp lép trong chăn nhìn Nhung bằng hai hốc mắt sâu trũng thâm quầng, cháy lửa - thứ lửa đèn bừng chói lên trước khi phụt tắt.

    Đám tang gã thật buồn. Nhung ra vườn hái một bình huệ trắng đặt lên bàn thờ. Hương hoa huệ cũng buồn.

    Cô bạn hàng xóm đưa cho Nhung cuốn sổ thoảng mùi huệ. Nhung run run mở ra, những dòng chữ cứng cáp, đều đặn phủ đầy trong đó. Đọc chưa hết một trang Nhung đã gấp vội lại, run rẩy. Thì ra bao năm nay gã viết nhật ký về Nhung. Gã thầm yêu bạn của em gái mình.

    Nhung bỏ chạy, đôi mắt đẹp và buồn của gã thọt cứ đuổi theo cô mãi...

  18. 4 Thành viên dưới đây cảm ơn Lan PhươngKTV vì bài viết hữu ích này


  19. #30
    Bạn Thâm Giao
    Hiện Đang :    Lan PhươngKTV đang ẩn
    Tham gia ngày : Jun 2014

    Bài gửi : 236
    Thanks
    228
    Thanked 1.618 Times in 242 Posts
    HẠNH PHÚC NHỎ NHOI

    Nhiều năm trước, mùa Giáng sinh nào các con tôi cũng háo hức viết thư cho ông già Noel kể những việc tốt, điều ngoan và ước một món quà nào đó.


    Tôi thường nhắc các con gửi thư sớm mấy ngày với lý do là ông già Noel rất bận, gửi thư chậm quá e khó tìm được quà như ý nguyện.


    Quà Giáng sinh cho con luôn được kèm theo hình ông già Noel áo quần đỏ, mũ đỏ, chòm râu dài trắng muốt. Có lần cậu út buồn buồn hỏi: "Mẹ ơi, năm nay ông già Noel mới bịnh dậy hay sao mà gầy ốm quá?". Tôi xoa đầu con, an ủi: "Không đâu, ông già Noel luôn khỏe mạnh con ạ. Chắc Giáng Sinh này có nhiều em bé ngoan quá nên ông bận bịu hơn đó thôi". Út nhoẻn cười yên tâm.


    Năm cậu cả lớp bốn đi học về tuyên bố xanh rờn: "Con biết rồi nhé! Làm gì có ông già Noel. Chính bố mẹ mua quà cho chúng con thì có. Cô giáo nói thế". Tôi thầm trách cô giáo nào đã sớm làm tan niềm tin thơ ngây của trẻ, nhưng vẫn tỉnh bơ: "Có ông già Noel mà con". "Đêm nay con sẽ cài cửa phòng ngủ, xem ông già Noel có vào được không nhé". "Thì con cứ làm như vậy đi, sẽ rõ thôi mà".


    Ơn Chúa, đêm ấy cậu cả quên... đóng cửa sổ. Chờ con ngủ say, tôi lấy cây gậy dài móc hộp quà đưa với vào trong, chỗ chiếc giầy xinh xinh của con đặt ngay ngắn cuối chân giường. Gần tới nơi, hộp quà tuột ra rơi ịch một tiếng. May, chiếc hộp vẫn nằm kề chiếc giầy. Còn con thì vẫn ngủ say sưa. Hết hồn.


    Sáng sớm, tôi nghe tiếng hai trẻ thì thào ở phòng bên: "Vậy là có ông già Noel thiệt, cửa phòng anh cài chặt mà, bố mẹ sao vào được".


    Có một mùa đông, con nói: "Mẹ ơi, một người bạn của con cũng rất ngoan mà sao ông già Noel không bao giờ tặng quà cho bạn ấy? Nhà bạn nghèo lắm, bạn lại không có bố. Năm nay con và bạn viết thư chung vì thư gửi ông già Noel của bạn ấy toàn bị lạc thôi". Ôi! Con bé bỏng dễ thương của tôi!


    Đêm Giáng Sinh ấm áp ấy, nhà tôi có ba hộp quà và một địa chỉ nhờ gửi chuyển.

  20. 3 Thành viên dưới đây cảm ơn Lan PhươngKTV vì bài viết hữu ích này


+ Trả lời chủ đề
Trang 3/4 ĐầuĐầu 1 2 3 4 CuốiCuối

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình